Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 194, Chúa Nhật 07.04.2013


MỤC LỤC 

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG LỄ LÀM PHÉP DẦU THỨ NĂM TUẦN THÁNH, 28-03-2013, TẠI ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ
Bản dịch của Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm (WHĐ)
NHẬT KÝ NGÀY THỨ NHẤT HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ I-2013 HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM (1–5/4/2013) 
WHĐ

CON ĐƯỜNG EMMAUS HY VỌNG
Nguyễn Tiến Cảnh,MD

LỜI CHÚA, NGUỒN MẠCH CỦA TỰ DO
Chuyển ngữ: Thérèse Trần Thiết + Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist 
LỜI CỦA THÁNH GIÁ (NÓI CHUYỆN VỚI CÁC NỮ TU DÒNG KÍN)
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

CỤ GIÀ BÁN RAU
Br. Huynhquảng

TÓM LƯỢC HIẾN CHẾ MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA DEI VERBUM (TÌM HIỂU CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II - BÀI 4)
Phaolô Phạm Xuân Khôi

HƯ KHÔNG
Lm. Minh Anh (chuyển ngữ)

CÁC MỐI TƯƠNG QUAN MỤC VỤ (tiếp theo) 
Lm. Micae-Phaolo Trần Minh Huy, pss. 
CHOLESTEROL CÓ XẤU KHÔNG NHỈ? 
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC            
NHỮNG ĐIỀU MỚI LẠ VỪA XẢY RA TRONG HỘI THÁNH    
Giáo s
ư Đỗ Mạnh Tri  

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI

Lumen Gentium

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X 
 

Lời Giới Thiệu 

Căn cứ vào những vấn đề đã được trình bày, ngày nay ai cũng công nhận Hiến Chế tín lý về Giáo Hội là then chốt của cả Công Ðồng Vaticanô II. Là vì, sau thế chiến thứ nhất, vấn đề bản tính Giáo Hội đã trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận về thần học. Quả thực các Công Ðồng trước, như lịch sử chứng minh, đã luôn cố gắng đưa ra những giải đáp thích hợp với nhu cầu thời cuộc; nhưng vấn đề bản tính sâu xa của Giáo Hội vẫn còn là trọng tâm cho các cuộc tranh luận và cho các quyết định của Công Ðồng Vaticanô II.

Người ta có thể viện dẫn nhiều lý do lịch sử, xã hội, thần học để giải thích cho sự tập trung chủ đề ấy về Giáo Hội.

Công Ðồng Vaticanô I, do những đòi hỏi của thời cuộc, đã khởi sự suy tư về bản tính thần học của Giáo Hội. Tuy nhiên, chương trình quá rộng rãi và hoàn cảnh chính trị bất lợi đã không cho phép công cuộc khẩn thiết ấy được kết thúc tốt đẹp. Bởi vậy, những chương trình dang dở của Vaticanô I cần phải được bổ túc cấp thời, nếu không, khoa Giáo hội học có nguy hiểm là quá thiên về một phía, tức về quyền tối thượng của Giáo Hoàng Rôma và các quyền bính của Ngài, dễ làm phương hại đến những giá trị khác trong Giáo Hội.

Hơn nữa, sau thế chiến thứ nhất, một tình trạng mới đã nảy sinh, lôi kéo theo một lối nhìn mới về Giáo Hội và một cách thức cảm nghiệm mới về những thực tại của Giáo Hội. Ðể có lối nhìn mới đó - ngoài những yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội mà chúng ta không muốn nhắc tới ở đây - chúng ta hãy nêu lên những động lực sau đây thuộc khoa Giáo hội học đã gây nên một ảnh hưởng không nhỏ:

a) Phong trào Công giáo Tiến Hành hoặc những phong trào tương tự trong giáo dân đã cổ võ một tinh thần tông đồ mới và đồng thời làm cho họ tin tưởng cách chính đáng là họ thuộc về Giáo Hội nhiều hơn. Sự ý thức "thuộc về" sâu xa hơn ấy tiến triển dần dần trong cộng đoàn Giáo Hội. Giáo Hội không được coi là một thực tại dành riêng cho các giáo sĩ nhưng cho hết mọi người cùng sống, cùng khổ và cùng làm việc trong đó. Như thế, khoa thần học về giáo dân được phát huy một cách đặc biệt và sống động, nêu ra mối suy tư thần học về Giáo Hội.

b) Sự suy tư thần học này đã giúp nhiều cho lối nhìn mới về Giáo Hội, vì đã áp dụng những tiến bộ của các khoa Thánh Kinh, lịch sử và nhân văn. Thật vậy, thần học phô bày ý nghĩa xã hội gắn liền với chính nhân vị. Sự liên hệ giữa đặc tính xã hội hóa đang vươn lên và ý thức mãnh liệt về địa vị con người không thể không bày tỏ mối suy tư thần học về Giáo Hội. Do đó mà khoa Giáo hội học ngày nay có những khía cạnh xã hội và nhân loại, huyền nhiệm và tượng trưng dễ đối kháng với một khoa Giáo hội học nặng tính cách pháp lý trước đây.

c) Phong trào hiệp nhất cũng ảnh hưởng đến sự biến đổi này. Ước nguyện hiệp nhất tạo nên những cuộc đối thoại về thần học, trong đó các vấn đề không được thảo luận đặt trong tình trạng tương phản biện chứng với các ý kiến khác nhau. Nhờ thế mà những trực giác về bản tính Giáo Hội nhất thiết phải phát hiện.

Những điều đó đặt ra cho Giáo Hội hai việc cần thực hiện: làm sáng tỏ và tìm hiểu các vấn đề của Giáo Hội trong toàn bộ. Ðã đến lúc Giáo Hội càng ngày càng phải nghiên cứu, đào sâu và diễn tả chân lý về chính mình. Ngoài ra, ý thức về chính mình cũng cần được xếp đặt cho có hệ thống theo tính cách năng động cổ truyền.

Cần nói thêm rằng "trực giác minh bạch về sự kiện này là: cộng đoàn Kitô giáo chắc chắn sẽ không theo kịp bước tiến của thế giới ngày nay và phải chịu tăng triển chậm chạp dù đã đi tiên phong về vấn đề Giáo hội học", trực giác ấy không thể không buộc Giáo Hội suy nghĩ về những trách vụ cấp bách của mình, cũng như không thể không buộc Giáo Hội phải làm cho tổ chức của mình không còn bị cô lập, sự cô lập mà Giáo Hội có thể rơi vào.

Những điều nói trên cho ta thấy một hình ảnh khá chính xác của một khoa Giáo hội học tiền Công Ðồng:

a) Trước hết nó mang tính chất đối thoại. Ðối thoại chân thành và cởi mở với mọi thực tại thụ tạo, trong đó ý định cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất. Giáo Hội không thể chỉ tự giải thích về bản chất của mình, nhưng còn cần phải tự đả thông với người khác: với các Kitô hữu không công giáo và với một thế giới thờ ơ với ơn cứu rỗi.

b) Tuy nhiên, cuộc đối thoại - dù cần thiết - cũng không thể tự hạn chế vào việc thông cảm đơn thuần nhằm mục đích hiểu biết. Nhưng Giáo Hội còn phải đi sâu vào những nguyện vọng của mọi người. Giáo Hội phải hiện diện với mọi thực tại và với những nỗ lực của mọi người để làm cho xã hội nên tốt đẹp hơn. Bởi vậy, khoa Giáo hội học cũng mang tính chất nhập thể vì Giáo Hội hiện diện sống động theo kiểu Chúa Kitô, hầu có thể cứu chuộc thế giới.

c) Muốn thế, cần phải có sự canh tân tận bên trong, phải cải tổ cơ cấu, phải mở rộng tới những cách thức hiện hữu mới, mà không làm Giáo Hội mất sự canh tân và cải tổ. Khuynh hướng cải tổ, tuy đôi khi đi đến tận căn và thái quá, nhưng nói chung vẫn có giới hạn chính đáng, rõ ràng, theo câu châm ngôn cổ truyền: "Giáo Hội phải được cải tổ không ngừng".

d) Khuynh hướng cải tổ trong khoa Giáo hội học nói lên một tính chất tiêu biểu khác: tính chất hiệp thông. Giáo Hội phải là trung tâm hiệp thông nhân loại trong các hoạt động thế tục cũng như trong các hoạt động tôn giáo. Bởi vậy, Giáo Hội như là bí tích tạo nên sự hiệp thông ấy.

Những đặc điểm trên của khoa Giáo hội học ngày nay được thu thập và chấp nhận trong văn kiện mà chúng ta sẽ giải thích sau đây. Chắc hẳn, văn kiện chúng ta hiện có không phải chỉ được soạn thảo một lần. Trong Giáo Hội vẫn còn nhiều chống đối với lối nhìn vấn đề theo cách thức mới mẻ này: Có hai khuynh hướng xuất hiện trong các cuộc thảo luận ở Công Ðồng: khuynh hướng thứ nhất ủng hộ quan niệm hiện tại mới mẻ và sống động hơn về Giáo Hội mà yếu tính là như một sự hiệp thông với mầu nhiệm đời sống Ba Ngôi; khunh hướng thứ hai coi Giáo Hội như một thể chế, một xã hội hoàn hảo giữa lòng thế giới, có những bổn phận và quyền lợi riêng. Ðấy chỉ là những vấn đề được nhấn mạnh vì không bên nào cho quan điểm đối lập là sai. Chính vì đó mà giai đoạn khởi đầu của văn kiện đã trở nên rất sôi nổi, lâu dài và đôi khi bi đát. Chúng ta sẽ cố gắng rút ra những đường nét chính từ việc soạn thảo này.

Lược đồ đầu tiên gồm một tập dầy 123 trang đã được gửi đến các Giám Mục vào tháng 11 năm 1962. Lược đồ gần như là một bản toát yếu các vấn đề mà trước khi họp Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã hỏi ý kiến cả thế giới. Lược đồ gồm 11 chương và một phụ trương, trong đó không thấy có những tiêu chuẩn rõ rệt. Ðây là những vấn đề được bàn đến: về bản tính của Giáo Hội chiến đấu ở trần gian; về những phần tử của Giáo Hội chiến đấu và về việc Giáo Hội cần cho ơn cứu rỗi; về chức Giám Mục chính tòa; về các bậc sống theo đường lối hoàn hảo của Phúc Âm; về giáo dân; về quyền giáo huấn của Giáo Hội; về uy quyền và sự vâng phục trong Giáo Hội; về liên quan giữa Giáo Hội và chính quyền; về sự cần thiết của Giáo Hội để loan báo Phúc Âm cho mọi dân tộc trên khắp mặt đất; về sự hiệp nhất. Trong phần phụ trương còn thêm lược đồ về "Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại".

Lược đồ đầu tiên ấy được thảo luận trong kỳ họp thứ nhất (từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 12 năm 1962 trong 6 phiên họp: phiên họp khoáng đại thứ 31 tới 36). Tất cả đồng thanh dành ưu tiên cho đề tài về Giáo Hội nhưng cũng có đôi điều chỉ trích: lược đồ thiếu liên kết và tổng hợp, không nêu ra những đường nét chủ chốt. Người ta còn mong muốn một lược đồ có tầm mức mục vụ hơn. Về nội dung, nhiều Nghị Phụ nhấn mạnh cần phải lưu ý tới những viễn tượng rộng lớn hơn của khoa thần học hiện đại, bởi vì cái gọi là "mới", thường chỉ là một ý thức sắc bén hơn về một chân lý đã quá xa xưa. Cần nhấn mạnh khía cạnh Giáo Hội là cộng đoàn thiêng liêng, là hiệp thông và mầu nhiệm, hơn là khía cạnh Giáo Hội là một xã hội hoàn hảo. Một cách tiêu cực, người ta chỉ trích lược đồ đầy vẻ phô trương thanh thế (trình bày Giáo Hội như một thế lực đi từ chiến thắng này tơi chiến thắng khác), quá thiên về giáo sĩ (giản lược đời sống Giáo Hội vào hoạt động của giáo phẩm mà gạt giáo dân ra ngoài), có tính cách pháp lý (quá nhấn mạnh những yếu tố pháp lý, vì dù có cần thiết và chính yếu thật, chúng không phải là những yếu tố duy nhất trong Giáo Hội). Một cách tích cực, người ta muốn lược đồ đề nghị phải trình bày một Giáo Hội thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, nghĩa là một tinh thần cởi mở và phổ quát, một tinh thần truyền giáo, một tinh thần khiêm tốn và phục vụ. Có lưu ý đến những điều đó rồi mới thấy việc sửa chữa lại lược đồ là việc làm không thể tránh được.

Theo sự chỉ dẫn của Công Ðồng, ủy ban thần học bắt tay vào việc trong thời gian giữa kỳ họp nhất và kỳ họp hai. Ủy ban lưu tâm vào phần trên của lược đồ sơ khởi: phần dưới, ủy ban chỉ giữ lại một vài đoạn và đưa lên một trong các chương trên. Văn thể cũng được sửa lại hết. Tất cả chỉ còn lại 4 chương và được gửi tới các Nghị Phụ vào mùa hè năm 1963. Bốn chương đó bàn về:

I. Mầu nhiệm Giáo Hội.

II. Cơ cấu phẩm trật Giáo Hội, đặc biệt về chức Giám Mục.

III. Dân Chúa, đặc biệt về giáo dân.

IV. Lời kêu gọi nên thánh trong Giáo Hội.

Trước kỳ họp hai, theo sự gợi ý bằng giấy viết của nhiều Nghị Phụ, thứ tự này đã được sửa đổi. Ủy ban chấp thuận. Và đây là thứ tự mới: các đoạn mà toàn thể có đặc điểm về Dân Chúa đều được rút ra khỏi các chương I và III. Những yếu tố này được đặt trong một phần khai triển mới, nằm ngay sau phần trình bày về mầu nhiệm Giáo Hội và trước phần nói về phẩm trật. Chương III không còn đề cập đến Dân Chúa, nhưng chỉ bàn về những phần tử của Dân Chúa trên toàn thế giới, tức là giáo dân. Sau cùng là tu sĩ được đề cập rõ ràng trong tựa đề của chương IV.

Trong nghị trường, các Nghị Phụ thảo luận theo cách chia sơ khởi là bốn chương. Các thảo luận kéo dài từ ngày 30 tháng 9 đến 31 tháng 10 năm 1963. Bản trình bày mới được tiếp nhận nồng hậu. Hầu như toàn thể các phiếu (2,301 chống với 43) đều chấp thuận coi nó như nền tảng cho việc tranh luận. Nhưng hai khuynh hướng thần học, như chúng ta đã nói trên, tiếp tục biện hộ cho quan điểm của mình. Phần đông các Giám Mục hoan hỉ và hài lòng về lối trình bày tỉ mỉ và nhận định rằng toàn bộ từ đây đã được xây dựng vững chắc hơn. Các ngài vui mừng đón nhận những ý kiến gợi lên việc hiệp nhất và mục vụ. Các cuộc thảo luận trở nên gay go khi bàn về Giám Mục Ðoàn (chương II). Người ta sợ Giám Mục Ðoàn sẽ phương hại tới quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Một cuộc bỏ phiếu để làm sáng tỏ đã được tổ chức ngày 30 tháng 10 năm1963. Kết quả là đa số nghiêng về Giám Mục Ðoàn. Tuy nhiên các cuộc thảo luận vẫn tiếp diễn và cũng nhờ có thảo luận mà cơ ấu của lược đồ thay đổi dần dần. Một cơ cấu mới hình thành. Chủ đề Dân Chúa làm thành chương II và tiếp theo sau là chủ đề về Phẩm Trật. Các tu sĩ xin Công Ðồng bàn về họ trong một chương biệt lập. Chương IV của lược đồ phân thành hai: lời kêu gọi nên thánh (chương V) và các tu sĩ (chương VI). Sau các cuộc thảo luận khá sôi nổi và sau một cuộc bỏ phiếu với kết quả sát nút, Công Ðồng quyết định cho xen lược đồ về Ðức Mẹ vào Hiến Chế về Giáo Hội (Chương VIII). Sau cùng, Công Ðồng còn thêm một chương khác (chương VII) nói về đặc tính cánh chung của Giáo Hội, về sự liên lạc giữa Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời. Ðó là diễn tiến của bản văn chung quyết như chúng ta hiện có.

Theo cách sắp xếp hiện thời, thì cứ hai chương một đi với nhau, theo một thứ tự hợp lý, có lẽ không ngờ tới, nhưng dễ biện minh:

1) Hai chương đầu nói về mầu nhiệm Giáo Hội, trước hết theo chiều hướng siêu việt, sau đó theo hình thức lịch sử. Những đặc điểm căn bản của Giáo Hội như phương tiện cứu rỗi đều thấy xuất hiện trong suốt cả hai chương. Cách mô tả giản dị nhưng không một ai có thể nghi ngờ về ý tưởng phong phú của chúng.

2) Hai chương kế tiếp mô tả cơ cấu hệ thống của cộng đoàn được Chúa Kitô thiết lập. Các mục tử giảng dạy, thánh hóa và cai trị. Còn giáo dân, dưới sự chỉ dẫn của các ngài, tham gia vào một công trình cứu độ: đó là hai mặt của một bức hình: một mặt là chương III nói về Phẩm Trật và mặt kia là chương IV, về Giáo Dân.

3) Sau đó, lược đồ chú ý tới sứ mệnh cốt yếu của Giáo Hội tức là việc thánh hóa mọi phần tử trong Dân Chúa. Ðời sống tu trì gắn liền với mục đích ấy và đó là lý do khiến Giáo Hội coi nó là quan trọng và rất lưu tâm đến. Xét trên bình diện này, người ta không còn để ý tới sự phân biệt giữa giáo phẩm và giáo dân. Ðức ái hoàn hảo là luật sống độc nhất cho mỗi người, trong khi đó không phải ai cũng giữ qui luật đời tu. Phản đối nguyên tắc này có nghĩa là không biết đến giá trị Kitô giáo của hôn nhân và gia đình.

4) Chúng ta đi hai chương cuối cùng: chương VII trình bày sự bành trướng cánh chung của Giáo Hội trong huy hoàng và trong cộng đoàn các Thánh; chương VIII và cũng là chương sau cùng, bàn về địa vị và sứ mệnh của Ðức Trinh Nữ, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, ở trong cộng đoàn có Ngài là kiểu mẫu và là Ðấng bảo trợ. Nhờ có chung nền tảng mà hai chương này liên kết được với nhau. Cả hai cùng hướng về cuộc kết thúc huy hoàng, lúc đó bóng đêm của mầu nhiệm sẽ nhường chỗ cho ánh sáng.

Sau các cuộc thảo luận gay go và nhiều lần bỏ phiếu, người ta đã đi đến kết thúc. Nhưng một thiểu số ngoan cố không chịu khuất phục. Ðể xoa dịu và để mọi người đồng thanh chấp nhận một vấn đề quan trọng như thế - một sự đồng thanh cần thiết trong tất cả các quyết định của Công Ðồng - ngày 16 tháng 11 năm 1964, Ðức Giáo Hoàng đã đề nghị với Công Ðồng để thêm một phần "chú thích sơ khởi" cho chương III của Hiến Chế. Giáo lý của chương III trong Hiến Chế phải được giải thích và được hiểu theo phần chú thích này. Một số đông các Nghị Phụ bối rối về phần chú thích, nhưng dường như không có lý do. Thật vậy, phần đó không chứa đựng điều gì thực sự mới mẻ nhưng chỉ giải thích rõ rệt hơn một vài ý niệm pháp lý, vì có một số Nghị Phụ dựa vào những ý niệm này để bênh vực cho những thắc mắc của các ngài. Cũng nên biết rằng, phần chú thích sơ khởi ấy tương ứng với phần giải thích rất tỉ mỉ về 5 vấn đề đặt ra ngày 30 tháng 10 năm 1963, phần giải thích mà ngay cả những vị bây giờ thắc mắc với phần chú thích cũng đã không ngần ngại bỏ phiếu chấp thuận. Lời diễn tả ở hai phần kể là như nhau. Khi mây đen dần dần tan biến, người ta đã xóa tan được những ngộ nhận sau cùng, nhờ xem kỹ lại phần chú thích sơ khởi. Trong cuộc đầu phiếu ngày 19 tháng 11 năm 1964 về toàn bộ lược đồ, chỉ còn 10 phiếu chống; trong cuộc đầu phiếu chung quyết trọng thể ngày 21 tháng 11 năm 1964, số phiếu chống trụt xuống còn 5. Như thế kể là mọi người đã đồng thanh chấp nhận.

Sau phần phác họa về lịch sử các biến cố, chúng ta sang phần phân tích bản văn, đi theo thứ tự của Hiến Chế. Mục đích mà chúng ta muốn nhằm tới là: qua những chú thích đơn sơ vắn tắt, chúng ta sẽ trung thành hết sức có thể với điều Công Ðồng giảng dạy. Chúng ta nhằm đến phần chính yếu, tìm cách xác định nội dung những điều Công Ðồng quả quyết và bỏ qua những điều giải thích sâu rộng hơn cũng như những vấn đề đang được các thần học gia tranh luận.

 
VỀ MỤC LỤC

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG LỄ LÀM PHÉP DẦU THỨ NĂM TUẦN THÁNH, 28-03-2013,
TẠI ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ

Bản dịch của Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm (WHĐ)
 

Đôi lời giải thích

Bài giảng sau đây của ĐTC Phanxicô gồm 9 khúc. Vì Lễ Làm Phép Dầu đặc biệt hướng về chức Tư tế, nên ngài đã khai thác ý nghĩa của hai đoạn Kinh Thánh liên quan tới Tư tế A-ha-ron (Tv 133, 2) và lễ phục e-phốt của Vị Thượng tế trong Cựu Ước (Xh 28, 6-14. 21), để ngỏ lời với Dân Chúa , đặc biệt với các linh mục. Tôi mạn phép tô đỏ những câu liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới đề tài 1: “Dầu quý đổ trên đầu A-ha-ron…”, và tô xanh những câu đề cập tới ý nghĩa biểu tượng của lễ phục ê-phốt (đề tài 2). Đề tài 1 được triển khai nhiều hơn, nhưng cả hai đề tài bổ túc cho nhau, quyện vào nhau, và đều hướng lên đỉnh cao và trung tâm của chức tư tế, là Đức Giêsu-Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu, Đấng thực sự vác Dân thánh trên vai và mang tên mỗi tín hữu được khắc ghi trong tim mình với công hiệu cứu độ hoàn hảo.

Một chi tiết đáng chú ý: Trong câu Tv 133, 2 được ĐTC trích dẫn và khai thác, có một từ ngữ mà các nhà chú giải và các dịch giả đã hiểu hai cách khác nhau. Nói vắn tắt và đơn giản: Dầu quý đổ trên đầu ông A-ha-ron chảy xuống râu ông, rồi chảy đến đâu nữa?

Các độc giả Việt Nam có thể kiểm tra dễ dàng:

– Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ chọn cách hiểu 1): “… như dầu quý đổ trên đầu – xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron”.

– Còn linh mục Nguyễn Thế Thuấn ðã chọn cách hiểu thứ 2): “Như dầu tốt tươi đổ trên đầu – lan cả xuống râu. – Từ râu Aharôn – lan xuống gấu áo chầu”.

Chắc hẳn mỗi dịch giả hoặc nhóm dịch giả có những lý do để đi đến sự chọn lựa của mình. Tôi không thể trình bày cặn kẽ ở đây vấn đề chuyên môn và phức tạp này, nhất là khi phải đối chiếu các bản dịch Kinh Thánh cổ kính và các bản dịch lớn trên thế giới.

Một điều chắc chắn là tôi – cũng như tất cả những ai đọc bài giảng của ĐTC – phải tuyệt đối tôn trọng cách hiểu của ngài, khi ngài đã chọn cách hiểu thứ hai. Ngài dùng chữ tiếng Ý “l’orlo” “gấu áo”. Và ngài khai thác tối đa ý nghĩa của dầu quý chảy từ đầu ông A-ha-ron xuống đến râu, rồi xuống tận gấu áo, tức tới mút cùng chiếc áo chầu của ông. Mà theo ngài, chiếc áo chầu (e-phốt), tức lễ phục thánh thiêng của Vị Thượng Tế, tượng trưng cho cả vũ trụ [k. (2)], và gấu áo tượng trưng cho các vùng ngoại biên (periferie) của xã hội: ngài dùng từ ngữ này đến 5 lần [k. (4); k. (5) hai lần; k. (6); và k. (9)], ngoài ra ngài dùng thêm những cụm từ tương đương như: đến tận bờ cõi vũ trụ [k. (2)], “chảy xuống tận đường viền của thực tế cuộc sống [k. (5)]. Ý tưởng này có thể được coi như sợi chỉ đỏ, được tô điểm thêm bằng sợi chỉ xanh của đề tài 2, chạy xuyên suốt cả bài giảng.

Chi tiết thứ hai đáng chú ý, là ĐTC dùng danh từ tiếng Ý “l’unzione” rất nhiều lần trong bài giảng này, với cả bốn nghĩa (tương tự như danh từ tiếng Pháp “l’onction”) được xác định trong các quyển từ điển Ý-Ý hay Ý-Pháp, Pháp-Ý… có uy tín nhất. Đó là: 1) l’unzione chỉ hành động xức dầu; 2) chỉ trạng thái của người được xức dầu; 3) chỉ chính dầu dùng để xức – tôi dịch thành “dầu” hoặc “dầu xức”; và 4) theo nghĩa rộng và loại suy, “l’unzione” chỉ “khả năng khuyến dụ kẻ khác làm điều thiện bằng những cử chỉ và lời nói đầy sức thuyết phục”, những cử chỉ và lời nói này “biểu thị lòng đạo đức, sốt sắng, dịu dàng”, dường như có chất dầu thánh thiêng đã thấm nhập vào lòng trí con người đó, khiến người đó có được khả năng dẫn đưa kẻ khác đến đời sống đạo đức, sốt sắng…-- ĐTC dùng danh từ “l’unzione” theo nghĩa 4) tại khúc (5) mà tôi đã dịch thành “với sức thấm nhập đầy thuyết phục của dầu xức”. Còn những chỗ khác thì tùy ngữ cảnh mà dịch.

Sau đây là bản dịch Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Anh Chị Em thân mến,

(1) Thật là một niềm vui cho tôi, khi được cử hành Thánh Lễ Làm Phép Dầu đầu tiên trong cương vị Giám mục Rôma. Với lòng trìu mến, tôi chào tất cả anh chị em, đặc biệt các anh em linh mục thân yêu, hôm nay, anh em cũng như tôi, nhớ lại ngày chịu chức thánh của mình.

(2) Các Bài đọc, và cả Thánh vịnh đáp ca nữa, nói với chúng ta về những “Người-Được-Xức-Dầu”: Người Tôi Trung của Thiên Chúa trong sách Isaia, vua Đavít, và Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Cả ba Vị này có một điểm chung, là phép xức dầu, mà các ngài lãnh nhận, đều nhắm vào việc xức dầu cho dân Thiên Chúa gồm những tín hữu, mà các ngài là những đầy tớ phục vụ họ; mục đích của việc các ngài chịu xức dầu là để phục vụ người nghèo, người bị cầm tù, người bị áp bức… Một hình ảnh rất đẹp diễn tả ý nghĩa “hiện hữu cho tha nhân” hàm chứa trong Dầu Thánh, là hình ảnh tìm thấy trong Thánh vịnh 133: “Như dầu quý đổ trên đầu, xuống râu ông A-ha-ron, xuống gấu áo chầu của ông” (câu 2). Hình ảnh dầu chảy tràn, từ râu ông A-ha-ron xuống đến tận gấu lễ phục thánh thiêng của ông, là hình ảnh diễn tả phép xức dầu cho các tư tế, dầu đó, xuyên qua Người-Được-Xức-Dầu, chảy đến tận bờ cõi vũ trụ được biểu trưng bởi lễ phục.

(3) Lễ phục thánh thiêng của Vị Thượng Tế có rất nhiều hệ thống biểu tượng: một trong số đó là biểu tượng mang tên các con trai của ông It-ra-en, tên của họ được khắc trên những viên đá mã não trang điểm cho hai cầu vai của áo ê-phốt, là tiền thân của áo lễ – casula – chúng ta dùng ngày nay: sáu tên trên miếng đá ở cầu vai phải và sáu tên trên miếng đá ở cầu vai trái (x. Xh 28, 6-14). Trên túi đeo trước ngực cũng khắc tên mười hai chi tộc It-ra-en (x. Xh 28, 21). Điều này có nghĩa là: vị tư tế khi cử hành phụng tự thì vác trên vai mình chính dân đã được trao phó cho mình và mang tên của họ được khắc ghi trong tim. Khi khoác chiếc áo lễ khiêm tốn của chúng ta vào mình, điều này có thể giúp chúng ta cảm thấy thấm thía, trên đôi vai và trong trái tim, sức nặng và gương mặt của dân tín hữu chúng ta, của các thánh và các Vị tử vì đạo của chúng ta, mà thời nay có không biết bao nhiêu mà kể!

(4) Từ vẻ đẹp của những gì thuộc về Phụng vụ, – mà không chỉ đơn thuần để trang trí và đáp ứng một sở thích thưởng thức cái đẹp nơi vải vóc, nhưng chính là sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa đang tỏa rạng nơi dân của Người, một dân sống động và được củng cố vững mạnh, bây giờ chúng ta hãy bước sang phần chú mục vào hành động. Dầu quý xức lên đầu ông A-ha-ron không chỉ ướp hương cho con người ông thơm tho, nhưng chảy tràn và chạm đến các “vùng ngoại biên”. Chúa sẽ nói rõ điều đó: ngài được xức dầu là vì người nghèo, vì người bị cầm tù, vì người bệnh tật và vì những ai buồn bã, cô đơn. Anh em thân mến, dầu xức không phải để ướp thơm bản thân chúng ta và lại càng không phải để lưu trữ trong bình, trong lọ, vì nó sẽ trở nên ôi khét… và cõi lòng sẽ trở thành đắng đót.

(5) Người ta nhận ra một linh mục tốt từ cách dân của ngài được xức dầu như thế nào; đây là bằng chứng rõ ràng. Khi dân chúng của chúng ta được xức bằng dầu hoan lạc, người ta sẽ nhận thấy: ví dụ, khi họ ra khỏi nhà thờ sau Thánh Lễ với gương mặt của người đã nhận được một tin mừng. Dân chúng của chúng ta ưa thích Tin Mừng được rao giảng với sức thấm nhập đầy thuyết phục của dầu xức, ưa thích khi Tin Mừng mà chúng ta rao giảng đi vào cuộc sống thường ngày của họ, khi Tin Mừng, giống như dầu xức cho ông A-ha-ron, chảy xuống tận đường viền của thực tế cuộc sống, khi Tin Mừng chiếu sáng cho những hoàn cảnh tột cùng, những “vùng ngoại biên”, nơi mà dân tín hữu bị đẩy vào nguy cơ bị xâm lăng bởi những kẻ muốn cướp phá đức tin của họ. Dân chúng cám ơn chúng ta vì họ cảm thấy rằng chúng ta đã đưa vào lời cầu nguyện của mình những thực tế đời sống thường ngày của họ, những đau khổ, những niềm vui, những lo âu và hy vọng. Và khi họ cảm thấy hương thơm của Đức Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu, đến với họ qua chúng ta, họ được khích lệ để ký thác cho chúng ta tất cả những gì họ ước muốn đẩy lên tới Chúa: “Xin Cha cầu nguyện cho con, vì con có vấn đề này…”, “Xin chúc lành cho con”, “Xin cầu nguyện cho con”, đó là dấu hiệu cho thấy dầu xức đã đạt tới gấu chiếc áo choàng, bởi lẽ nó đã biến thành lời cầu khẩn, lời khẩn cầu của Dân Thiên Chúa. Khi chúng ta đứng trong mối tương quan như thế với Thiên Chúa và với Dân của Người, và ơn thánh đi xuyên qua chúng ta, lúc đó chúng ta là linh mục, là người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Điều tôi cố ý làm nổi rõ là chúng ta phải làm cho ơn thánh luôn luôn hồi sinh, và phải thấy được bằng trực giác rằng, trong mỗi lời xin, đôi khi không đúng lúc, đôi khi thuần túy vật chất hoặc nói trắng ra là tầm thường – nhưng chỉ có dáng vẻ như thế thôi –, trong mỗi lời xin của dân chúng có chứa đựng một ước muốn được xức bằng dầu thơm, vì họ biết chúng ta có thứ dầu đó. Nhận thức bằng trực giác và cảm nhận, như Chúa đã cảm nhận sự lo âu đầy hy vọng của người đàn bà bị bệnh xuất huyết, khi bà ấy chạm tới vạt áo choàng của Người. Thời khắc ấy của Đức Giêsu ở giữa đám dân chúng đang vây quanh Người từ mọi phía, thể hiện tất cả vẻ đẹp của A-ha-ron mang lễ phục tư tế và với dầu xức đang chảy xuống trên áo chầu. Đó là một vẻ đẹp ẩn giấu, chỉ tỏa rạng cho cặp mắt đầy lòng tin của người đàn bà đã bị bệnh xuất huyết ấy. Tuy nhiên, chính các môn đệ – những linh mục tương lai – đã không thấy được, không hiểu được: trong “vùng ngoại biên của cuộc hiện sinh”, họ chỉ thấy bề mặt của sự kiện đám đông đang chen lấn từ mọi phía làm Đức Giêsu nghẹt thở (x. Lc 8, 42). Trái lại, Chúa thì cảm nhận được sức mạnh của dầu xức mà Người đã nhận lãnh từ Thiên Chúa tràn đến viền áo choàng của mình.

(6) Như thế chúng ta cần phải đi ra để trải nghiệm phép xức dầu của chúng ta, trải nghiệm sức mạnh và tính công hiệu mang giá trị cứu chuộc của nó: tại những “vùng ngọai biên”, nơi có đau khổ, nơi có đổ máu, nơi có sự mù lòa đang ước muốn được nhìn thấy, nơi có những tù nhân của biết bao ông chủ xấu xa. Ắt hẳn, không phải qua những tự lực thử nghiệm hoặc sự nội quan lặp đi lặp lại mà chúng ta gặp gỡ được Chúa đâu: các khóa học tự trợ giúp trong cuộc đời có thể hữu ích, nhưng sống đời sống linh mục của chúng ta bằng cách đi từ khóa học này đến khóa học khác, từ phương pháp này đến phương pháp nọ, sẽ đưa chúng ta đến chỗ trở thành những đồ đệ của Pélage, làm giảm nhẹ sức mạnh của ơn thánh, là yếu tố trở nên sinh động và tăng trưởng trong mức độ mà chúng ta, được thúc đẩy bởi đức tin, đi ra để trao ban chính mình và trao ban Tin Mừng cho tha nhân, trao ban cái chút xíu dầu xức chúng ta đang có cho những người không có tí nào cả.

(7) Linh mục nào mà ít đi ra khỏi chính mình, ít xức dầu (cho dân chúng) – tôi không nói “không xức tí nào cả”, bởi lẽ, cảm tạ Chúa, chính dân chúng “lấy cắp” được dầu của chúng ta –, linh mục ấy sẽ đánh mất phần tốt nhất trong dân của chúng ta, đánh mất điều có khả năng kích hoạt phần sâu sắc nhất của trái tim linh mục. Ai không đi ra khỏi chính mình, thì, thay vì làm người trung gian, sẽ từng bước trở thành một người môi giới và một nhà quản trị. Tất cả chúng ta đều biết sự khác biệt: người môi giới và nhà quản trị “đã lãnh thù lao của mình rồi”, và bởi lẽ họ không đem chính mạng sống và chính trái tim mình ra để đánh cược, thì họ cũng không nhận được một lời cảm ơn trìu mến xuất phát từ trái tim (của dân chúng). Chính từ đó phát sinh tâm trạng không thỏa mãn nơi một số linh mục, và cuối cùng các vị này mang tâm thế buồn, trở thành những linh mục buồn và biến chất thành một thứ nhà sưu tập đồ cổ hoặc đồ mới, thay vì làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên” – vâng, chính đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên”, hương thơm này phải được người ta cảm nhận; và thay vì làm những mục tử ở giữa đoàn chiên của mình, thì hãy làm những người thả lưới gom người. Đúng là cái được gọi là cuộc khủng hoảng căn tính linh mục đang de dọa tất cả chúng ta và nó được ghép vào với cuộc khủng hoảng của nền văn minh; tuy nhiên, nếu chúng ta biết chế ngự làn sóng của nó, chúng ta sẽ có thể ra khơi nhân danh Chúa mà thả lưới. Thật là một điều tốt, khi chính thực tế cuộc sống đưa đẩy chúng ta ra đi đến chỗ, mà cái thực chất của chúng ta vốn do ơn thánh mới có được, nay xuất hiện rõ ràng như ơn thánh thuần túy, ngay trong biển cả của thế giới hôm nay, nơi chỉ dầu xức – chứ không phải chức năng – là thực sự có giá trị, và chỉ những tấm lưới nào được thả xuống nhân danh Đấng, mà chúng ta đặt hết lòng tín thác vào Người, tức là Đức Giêsu, thì mới mang lại kết quả phong phú.

(8) Anh chị em tín hữu thân mến, anh chị em hãy ở gần bên các linh mục của mình với lòng trìu mến và kinh nguyện, để các ngài luôn luôn là những mục tử như lòng Chúa ước mong.

(9) Anh em linh mục thân mến, nguyện xin Thiên Chúa Cha lại ban Thần Khí của sự thánh thiện vào trong chúng ta, chúng ta đã được xức bằng chính dầu Thần Khí, xin Chúa Cha lại ban Thần Khí của Người vào trong trái tim chúng ta thế nào, để dầu xức chạm tới được tất cả các “vùng ngoại biên”, nơi mà dân tín hữu của chúng ta đang chờ đợi và coi trọng dầu ấy nhất. Chớ gì người dân của chúng ta cảm nhận được chúng ta là những môn đệ của Chúa, cảm nhận được rằng chúng ta mang tên của họ như một tấm áo, rằng chúng ta không tìm kiếm một căn tính nào khác; và chớ gì, qua lời nói và việc làm của chúng ta, họ nhận được thứ dầu hoan lạc mà Đức Giêsu, Đấng-Được-Xức-Dầu, đã mang đến cho chúng ta. Amen. 

ĐGH Phanxicô

VỀ MỤC LỤC
Nhật ký Ngày thứ nhất Hội nghị Thường niên kỳ I-2013 Hội đồng Giám mục Việt Nam (1–5/4/2013) 
  

WHĐ (03.04.2013) – Khởi đầu buổi sáng ngày Hội nghị đầu tiên, như thông lệ, Đức cha Chủ tịch HĐGMVN mời Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô, phát biểu đôi lời chia sẻ về Đức tân Giáo hoàng và những điểm nhấn trong đường hướng của vị mục tử chung của toàn thể Hội thánh Công giáo. Con đường đối thoại chân thành và ôn hòa với thế giới trong đó Hội thánh Chúa Kitô hiện diện và sống vẫn luôn là con đường cơ bản để loan báo Tin Mừng cứu độ. Cũng như Đức Giêsu Kitô đến để làm chứng cho Sự thật, đã chấp nhận chịu nạn, chết và rồi phục sinh, hai ngàn năm qua Hội thánh cũng được Chúa Thánh Thần dẫn đưa vào Sự thật qua đối thoại với thế giới, dẫu có bị chống báng hay bắt bớ. Vị Đại diện Đức Thánh Cha điểm lại tình hình mới của Giáo hội trong thế giới cũng như sự tiến triển của cuộc đối thoại thời gian qua giữa Tòa Thánh với chính phủ Việt Nam. Ngài cũng nhìn nhận Giáo hội Việt Nam đã thể hiện sự đồng hành cùng dân tộc, để xây dựng và làm chứng cho chân lý Tin mừng Tình thương và Giải thoát. Ngài còn khuyến khích các giáo phận, sau khi viếng thăm nhiều nơi ở vùng sâu và xa vừa qua, hỗ trợ nhau hơn nữa trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Sau đó, các giám mục trong HĐGMVN tiếp tục trao đổi và chia sẻ với nhau chủ đề sống mầu nhiệm hiệp thông, cụ thể là, qua cách đồng hành cùng dân tộc trong bối cảnh xã hội ngày nay, qua sự quan tâm và liên đới với nhau mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc loan báo Tin mừng. Có thể nói chân lý và sự bình an của Đấng Phục sinh tiếp tục được ban xuống trên các giám mục đang dự Hội nghị.

Tiếp theo, Đức hồng y Gioan Baotixita tường trình về chuyến đi bầu giáo hoàng mới: theo lời Đức hồng y, xem ra Đức tân Giáo hoàng Phanxicô quan tâm cách riêng đến Giáo hội Việt Nam. Rồi kế đến là chia sẻ của các Đức cha Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng và Ủy ban Văn hóa về Hội nghị toàn thể Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần XIII vừa qua về đề tài Tân Phúc âm hóa. Theo lời kể của Đức cha Giuse giáo phận Phát Diệm đã tham dự Thượng Hội đồng, các nghị phụ Thượng Hội đồng lần này đặc biệt nhấn mạnh đến việc khởi đầu lại công cuộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ phải đi từ sự gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô, đó là điều kiện tiên quyết, từ đó mới có nhiệt huyết mới để loan báo Tin Mừng cũng như duyệt lại và đổi mới các cách thức, phương pháp loan báo Tin Mừng ngày nay.

Buổi chiều, vào đầu giờ, các Đức cha tiếp tục cho ý kiến về tổ chức công cuộc Tân Phúc âm hóa này bắt đầu như thế nào từ trách nhiệm của HĐGM; xem ra Ủy ban Loan báo Tin Mừng thuộc HĐGMVN sẽ đảm nhận thêm mối quan tâm mới này. Kế đến Đức cha Nha Trang tường trình về tiến trình án phong chân phước cho Tôi tớ Chúa là Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, mà sắp tới đây việc điều tra cấp giáo phận sẽ cử hành nghi thức bế mạc vào tháng 7 năm nay.

Sau đó, Đức cha Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin giới thiệu và xin các Đức cha góp ý cho sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạng hỏi-thưa. Cuối cùng, Đức cha Đà Lạt trình bày kế hoạch thành lập Đại chủng viện giáo phận Đà Lạt và được tất cả các Đức cha ủng hộ.

Buổi tối, các Đức cha họp riêng theo ba giáo tỉnh. Một ngày làm việc kết thúc tốt đẹp. 

WHĐ

VỀ MỤC LỤC

CON ĐƯỜNG EMMAUS HY VỌNG

 Nguyễn Tiến Cảnh,MD

Chúng ta thường nghe nói con đường Emmaus, nhưng ít khi suy nghĩ tường tận xem con đường đó ám chỉ những gì. Dựa vào tông thư của ĐTC Biển Đức XVI Spe Salvi facti summus (Trong Hy Vọng, chúng ta được cứu rỗi), chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện hai môn đệ của Chúa Kitô trên đường Emmaus. (Luca 24: 13-35). 

Chuyện kể rằng, sau ngày Sabbath, tức ba ngày sau khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá và chịu táng trong mồ, hai môn đệ quá buồn phiền chán nản bèn rời Jerusalem đi về một làng nhỏ gần đó tên là Emmaus. 

Trên đường đi, Chúa sống lại đã hiện ra, cùng đi và trò chuyện với hai ông, nói về cả kinh thánh, việc Chúa Giêsu chịu chết....nhưng hai ông đã không nhận biết ra Chúa. Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng, Chúa thấy hai môn đệ buồn nản, chẳng còn lòng dạ nào nữa, than van rằng Chúa Giêsu, thày mình đã chịu cực hình, rồi chết và trở về trời trong vinh quang của Người. Khi tới nơi, Chúa vào nhà cùng với hai môn đệ, ngồi xuống bàn với họ, làm phép bánh và bẻ bánh với họ….Lúc đó nhờ cung cách bẻ bánh, các ông mới nhận ra Chúa chính là người lữ khách đồng hành đã nói chuyện với các ông trên đường Emmaus. Nhưng lúc đó Chúa lại biến hình khỏi tầm nhìn của các ông. Các ông quá ngỡ ngàng và kinh ngạc về sự hiện diện của Chúa. Cử chỉ bẻ bánh, một dấu hiệu Chúa hiện diện. 

Ngay lập tức sau đó, hai ông liền trở về lại Jerusalem và kể tất cả những gì đã xẩy ra mắt thấy tai nghe cho các môn đệ và bạn bè… 

Địa danh làng Emmaus thì không được xác định rõ ràng nó nằm ở đâu. Mặc dù có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng chắc chắn nó cho chúng ta một suy tư chiêm nghiệm rất phong phú đầy ý nghĩa. Emmaus có thể là bất cứ chỗ nào. Con đường dẫn đến Emmaus tức là đoạn đường tượng trưng cho cuộc hành trình đời sống của mỗi con người nói chung, của mỗi một người tín hữu Kitô giáo nói riêng ở trần thế này. Xuyên suốt đoạn đường hành trình này, Chúa Kitô phục sinh luôn luôn là người bạn đường đồng hành với chúng ta. Người đốt lửa tâm hồn chúng ta. Người nung ấm đức TIN, đức CẬY / HY VỌNG của chúng ta và BẺ BÁNH HẰNG SỐNG cùng chúng ta mỗi ngày. 

Trong câu chuyện đàm thoại giữa hai tông đồ và người lữ hành xa lạ, thánh Luca đã kể rằng một trong hai môn đệ đã nói: “Lúc đó chúng tôi đã hy vọng….” (Luca 24: 21). Như vậy có nghĩa là lúc đó chúng tôi ĐÃ TIN, chúng tôi ĐÃ THEO, chúng tôi ĐÃ HY VỌNG….nhưng bây giờ, hiện nay thì những hành động, cử chỉ, ý nghĩ đó tất cả đã qua đi rồi, không còn nữa. Ngay cả Đức Giêsu thành Nazaret là một ngôn sứ đầy quyền năng trong hành động cũng như lời nói đối với tất cả mọi người cũng đã thất bại và chúng tôi thất vọng. 

Thảm trạng này của các môn đệ trên đường Emmaus phản ảnh tình trạng của nhiều người trong chúng ta hiện nay. Đôi khi chúng ta đã đánh mất đức tin của chúng ta. Chúng ta không còn tin tưởng vào Chúa, có cảm tưởng Chúa bỏ rơi chúng ta vì những kinh nghiệm chua chát tiêu cực trong cuộc sống, vì những thất bại trong mưu toan dự tính của chúng ta. 

Tình trạng buồn nản và thất vọng của hai môn đệ này cũng tượng trưng cho các môn đệ thời nay khi họ tự mình xa rời Jerusalem, nơi Chúa bị chết treo trên thập giá và sống lại lúc mà họ không còn tin tưởng vào quyền năng và sự hiện diên sống động của Chúa. Vấn đề ma quỉ, đau khồ, cực hình, vấn đề đàn áp, bất công và lạm dụng, vấn đề sợ hãi người này người kia, những người anh em nội bộ của mình, những người từ ngoài đến, từ những vùng xa xôi xâm nhập nội bộ mình, đe dọa khủng bố mình làm mình phải kinh sợ. 

Nhưng con đường dẫn đến Emmaus này chính là con đường HY VỌNG có thể giúp chúng ta thanh tẩy tâm hồn, tin tưởng vào Chúa một cách hăng say mạnh mẽ và trưởng thành hơn nhờ có Chúa đồng hành với chúng ta, cũng như hai môn đệ trên đường Emmaus, vì được gặp Chúa đồng hành hướng dẫn nên đã từ tâm trạng mất niềm tin vào Người và vấp ngã vì thập giá (câu 18 , 21), các ông tìm lại được niềm tin nhờ thông hiểu lời kinh thánh (câu 25-27 và 32). Chúng ta tin tưởng hy vọng rằng Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi ác quỉ, tội lỗi, đau khổ, cực hình, sợ hãi và bất công.. 

Ngày nay, mỗi khi chúng ta cầu nguyện, chuyện vãn với Chúa, lắng nghe lời Chúa là chúng ta đang đi trên đường Emmaus. Mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ là Chúa bẻ bánh và ban cho chúng ta bánh thánh tức chính máu và thịt Chúa đã tu sửa con mắt Đức Tin chúng ta để chúng ta nhìn mọi sự và mọi người bằng con mắt của Chúa, dưới ánh sáng Tình Yêu của Chúa. 

Với hành động đó, qua sự tiếp cận với Chúa Kitô phục sinh, chúng ta ngày nay có thể có được một đức tin thực sự và sâu đậm hơn, có thể nói, được vun trồng bởi lửa phục sinh. Đức tin này rất vững mạnh, được nuôi dưỡng không phải bởi tâm tư ý nghĩ của con người mà chính bởi Lời Chúa và sự Hiện Diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể. 

Đoạn Phúc Âm kỳ diệu này đã tóm gọn toàn bộ cấu trúc của thánh lễ Misa: Phần đầu thánh lễ là phần nghe lời Chúa qua các đoạn sách thánh; phần hai là phần nghi thức Thánh Thể và hiệp lễ / rước mình thánh Chúa với sự hiện diện của chính Chúa Ktô trong bí tích Thịt và Máu thánh Chúa. 

Được nuôi dưỡng tại bàn tiệc thánh lễ có hai phần như vậy, Giáo Hội luôn luôn được xây dựng bồi đắp và tân trang cải tiến từng ngày một trong đức TIN, đức CẬY / HY VỌNG và đức MẾN. Qua sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria cực thánh, chúng ta mỗi người Kito hữu, mỗi cộng đoàn, cộng đồng hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta làm hồi sinh lại, tái diễn quang cảnh hai môn đệ đi trên đường Emmaus hầu làm sống lại ân sủng đã được gặp Chúa Kitô phục sinh. 

Chúa đã sống lại, đồng hành với các môn đệ của người, đốt cháy tâm hồn họ bằng lời Chúa đối thoại, biểu hiện ra với họ qua cung cách bẻ bánh. 

Trong Chúa Giêsu, chúng ta thấy lòng can đảm hơn khả dĩ làm cho chính ta và những người xung quanh ta mạnh mẽ lên nhờ gương sáng của Chúa Giêsu Kito, một tặng phẩm của cả nhân loại 

Hãy đi và làm chứng tá ân sủng về lòng thương xót của Chúa, nguồn HY VỌNG cho mỗi người chúng ta và cho cả thế giới. Hãy đặt Chúa Kitô vào trung tâm điểm đời sống của chúng ta. Hãy thiết lập lâu đài thân xác và tâm hồn của chúng ta luôn luôn hiện diện trong Người.

Chúa đã phục sinh. Hy vọng sự sống đời đời. 

Pace Garden, Fleming Island-Florida

 

NTC

VỀ MỤC LỤC

LỜI CHÚA, NGUỒN MẠCH CỦA TỰ DO

 

Chuyển ngữ: Thérèse Trần Thiết + Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist 

 

Lời Mời gọi của HĐGMVN: 

Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina. (Thư Chung của HĐGMVN, ngày 1.5.2011, số 11) 

Xin giới thiệu cho nhiều người thân tham gia Gia Đình Lectio Divina Lecdiv@gmail.comđể có thể hiệp thông với nhau trong đời sống cầu nguyện và cùng giúp nhau thực hành "điều cần thiết nhất trong mọi điều cần thiết". Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Nha Trang, sẽ cầu nguyện lâu dài cho tất cả những ai trung thành thực hành và cố võ việc thực hành Lectio divina. 

Mọi thắc mắc về Lectio divina, xin gởi email cho cha Bảo Tịnh, O.Cist fr.baotinh@yahoo.fr

 

*****

 

Tác Phẩm: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!

Thiên Chúa tỏ mình cho con người thế nào?

 

Nguyên tác:

Michel HUBAUT

UN DIEU QUI PARLE!

Comment Dieu se révèle-t-il à l’homme?

Chương 15: LỜI CHÚA, NGUỒN MẠCH CỦA TỰ DO 

 

Lắng nghe và ở lại

Trong Tin Mừng, chỉ có một đoạn duy nhất, ở đó Đức Ki-tô nói cách cụ thể rõ ràng về tự do:

“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi,
thì các ông thật là môn đệ tôi;
các ông sẽ biết sự thật,
và sự thật sẽ làm cho các ông được tự do” (Ga 8, 31-32).

Những câu này của Gio-an đủ tạo nên một bài thần học rất cô đọng. Nó vén mở cho chúng ta nguồn gốc, sức năng động và những điều kiện của tự do ki-tô hữu.

Những kiểu nói khác nhau của Gio-an như: “ở lại trong Đức Ki-tô”, “ở lại trong Lời Thầy” hay “ở lại trong tình yêu của Thầy” đều có cùng một thực tại thiêng liêng. Đó luôn luôn là việc đón nhận Đức Ki-tô hằng sống, yêu thương, đón nhận Lời chân thật của Thầy, trong tận thâm cung lòng mình.

Nếu (một điều kiện) anh em ở lại trong Lời Thầy, theo ngôn ngữ của Gio-an, nghĩa là nếu anh em kết hiệp mật thiết với Thầy, nếu anh em đón nhận Lời Thầy tận đáy lòng anh em, để nghiền ngẫm và sống Lời đó, thì anh em sẽ thực sự là môn đệ của Thầy, anh em sẽ “nhận biết được sự thật” về Thiên Chúa và về con người, và sự thật đang được sống kia sẽ là nguồn mạch của một tự do mới mẻ cho anh em.

Cái nhận biết về sự thật này, không phải là một thứ nhận biết của trí thức, bên ngoài, mà là một nhận thức của hiện hữu. Vì đối với Gio-an, sự Thật không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là chính con người của Thầy Giê-su, bằng cử chỉ, Lời nói và cả cuộc sống của Thầy, mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai, con người là ai.

Đón nhận và đi vào hiệp thông mật thiết với Đức Ki-tô, chính là hướng mở đến mầu nhiệm Thiên Chúa, khám phá ra con tim Thiên Chúa. Và đồng thời cũng khám phá ra mầu nhiệm con người, sự mỏng dòn nhưng cũng cao cả của con người trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

Sự thật sẽ làm anh em nên những con người tự do! Đức Ki-tô dùng thì tương lai! Ngược lại với những xác quyết trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền, người ta khi sinh ra không tự do và bình đẳng! Tự do không phải là một bản năng bẩm sinh, con người không có được tự do từ trong nôi, như đôi mắt xanh hay mái tóc đen. Nhưng là một ơn ban của Thiên Chúa mà chúng ta phải đón nhận bằng cách nghe Lời có sức giải thoát của Đức Ki-tô. Ai ở lại trong Lời Thầy, để nghiền ngẫm và sống Lời đó, dần dần sẽ trở nên người tự do.

Thiên Chúa là ơn ban, là hiệp thông của tình yêu, là không chiếm hữu ngay cả bản thân mình. Người đã không dựng nên ta để bắt ta phải lệ thuộc vào quyền năng của Người. Vậy đâu là thánh ý Chúa trên con người, nếu không phải là một lời đáp yêu thương, một giao ước của tình yêu. Nếu Thiên Chúa đã dựng nên con người, không phải để con người làm nô lệ, luôn phải quì gối tung hô Người trong sợ hãi khiếp đảm, nhưng là để tình yêu, để cuộc sống của Người tuôn trào trong ta, để chính sự tự do của Người trở thành nguồn suối cho tự do của ta. Làm sao ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa nơi người khác, nếu ta không gặp được Người trong chính bản thân mình, ở tận nguồn mạch tự do của ta. Nguồn cội của tự do ki-tô hữu là “lắng nghe” Lời Thầy, là đón nhận trong niềm tin, một Lời vừa là Thần Khí và Sự Sống, Thần Khí giải thoát, dẫn đưa chúng ta đến Sự Thật.

Nên đối với ki-tô hữu, người tự do là người tiếp nhận Lời của một Ai đó khác với mình, vượt ra khỏi thế giới hạn hẹp của mình. Đó là cái nghịch lý của niềm tin ki-tô hữu: tôi càng vượt ra khỏi bản thân, thì càng dễ dàng tiếp nhận Đức Ki-tô và Lời sự Sống của Thầy, càng trở nên người tự do. Việc đón nhận Lời Chân Lý của Đức Ki-tô là trường dạy tự do nội tâm, là nguồn suối của một cuộc tái sinh, là một cuộc hoán cải trường kỳ.

Khi vừa khen Gio-an Tẩy Giả vĩ đại hơn các ngôn sứ, Thầy Giê-su liền thêm ngay “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông” (Lc 7, 28). Nhận xét này không lấy bớt chút thánh thiện nào của vị Tiền Hô, mà Thầy chỉ muốn nhấn mạnh sự mới mẻ tuyệt đối do sự hiện diện của Thầy mang lại. Thầy mở ra một chiều kích mà thời Giao Ước Thứ Nhất của Gio-an Tẩy Giả không thể cho được, đó là cuộc sinh hạ thiêng liêng của nội tâm (x. Ga 3), mà biến cố Vượt Qua của Thầy sẽ là nguồn gốc. Thánh Phao-lô nói về “một cuộc tạo dựng mới”, “con người mới”, mà từ nay chúng ta sẽ được mời gọi trở nên trong Đức Giê-su Ki-tô. Với Đức Ki-tô, Ki-tô giáo thay đổi tận căn thểchế của mình. Không còn là tùng phục một vị thần thánh ở bên ngoài, mà là một hiệp thông khắng khít, thân mật với một Người, mà theo kiểu nói của thánh Au-gus-ti-nô là “Sự Sống của đời sống chúng ta”.

Ai chưa đi vào trong Tình Yêu nhưng không, trong sự tín thác song phương này, thì chẳng hiểu được gì về Ki-tô giáo. Sự Hiện Diện thân tình tạo nên phẩm cách duy nhất của mỗi người, để trở thành một khả năng vượt qua vô tận, là trở nên “hữu thể thánh thiêng”. Chính cuộc “tái sinh mới mẻ” này làm cho chúng ta đi từ cái “tôi sinh học” đến cái “tôi thiêng thánh”, trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa. Đây chính là sự tự do cơ bản của con người.

“Kẻ sống theo sự thật, – chứ không phải kẻ nghĩ! – thì đến cùng ánh sáng”, họ được tự do (Ga 3, 21). Những hành động của ta được Lời Chúa Ki-tô soi sáng và sinh động, sẽ biến đổi con người cũng như mọi tư duy của ta. Những hành động kia sẽ dần dần giải thoát hoặc nô lệ hoá chúng ta mỗi ngày một hơn. Sự giải phóng, theo tín hữu ki-tô là bám rễ trong đức tin đã tiếp nhận ơn sủng từ Lời cứu rỗi của Đức Giê-su Ki-tô.

Tự do không bởi con người chinh phục được, mà là kết quả của một lịch sử năng động, liên quan đến con người toàn diện: chiều kích cá nhân (sự thật về chính bản thân) và các tương quan, kinh tế xã hội, chính trị, mọi điều kiện sinh sống của con người.

Đức Ki-tô nói: “Nếu anh em ở lại trong Lời Thầy (…) anh em sẽ trở thành những con người tự do.” Tự do vừa là một cuộc hành trình cá nhân, vừa mang tính cách cộng đồng. Tự do, theo Tin Mừng là một ơn ban của Thiên Chúa mà cũng là một vấn đề cá nhân và tập thể.

Ta nên nhớ rằng, trong Tin Mừng Gio-an, ở ba bài “giảng huấn” quan trọng, Thầy Giê-su đều hứa sai Thánh Thần đến hiện thực hoá sự hiện diện của Thầy trong lòng mọi tín hữu. Thầy không hứa một sự biểu lộ ngoạn mục bên ngoài, hay nơi trí thông minh, nhưng rõ là một ơn hiểu biết thâm sâu, cho riêng từng cá nhân, về mầu nhiệm của chính Thiên Chúa. Trong việc lắng nghe, nghiền ngẫm, suy nguyện Lời, tín hữu có thể trải nghiệm, nếm thử sự dịu dàng yêu đương của sự Hiện Diện của Chúa, mặc dù vẫn là trên bình diện đức tin.

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).

Một hiện diện chẳng bao giờ chia cách, mà là hiện diện của cả Cha, Con và Thánh Thần. Việc lắng nghe Lời Thầy đưa chúng ta vào trong mối thân tình của tình yêu Ba Ngôi. Đối với thánh Gio-an, hạnh phúc mà con người hằng mơ ước – hay ơn cứu độ, theo lối nói của Kinh Thánh – không là gì khác hơn sự hiện diện thân tình này của Thiên Chúa, trong kẻ biết lắng nghe Lời Người.

Lắng nghe Lời để trở thành suy gẫm, suy nguyện, là trường dạy tự do theo Tin Mừng. Lắng nghe, cầu nguyện, ở lại lâu giờ trong tình thân mật với Đức Ki-tô, là tự để mình được hoán cải, được gột tẩy. Nguồn gốc của tự do ki-tô hữu là chiêm niệm. Việc lắng nghe và suy nguyện Lời Chúa là nguồn mạch cho trí tuệ tâm linh, nó giải phóng con người khỏi sự chuyên chế của tội lỗi, của đam mê, của ách nô lệ thế gian.

“Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8, 34-36).

Kinh Thánh nói: “Không ai có thể thấy Thiên Chúa mà không phải chết.” Đúng vậy, chúng ta không thể đi vào trong sự thân mật với Lời Chúa mà không được mời gọi “làm chết đi” sự dối trá, tất cả những gì ngược lại với sự thật, nơi chúng ta.

Lời Chúa được suy nguyện, nghiền ngẫm trong thinh lặng, giúp tôi vạch trần những bóng tối, và thẩm định cách sáng suốt để biết phải cam kết dấn thân, hay tiếp tục trận chiến tâm linh của mình trên điểm nào. Trước khi tiến tới sự bình an, tới sự nghỉ ngơi trong Đất Hứa, tới sự tự do của tâm hồn trong thân tình với Thiên Chúa, cũng như dân Do-thái xưa, chúng ta phải từ bỏ những “củ hành củ tỏi Ai Cập” và vượt qua những thử thách của sa mạc.

Lắng nghe Lời còn luôn là một “chiến trường” tâm linh để ta lớn lên trong tự do. Sự tự do nội tâm này là một công trình của Chúa Thánh Thần: “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2 Cr 3, 17).

Mấy câu trích dẫn trên kia của thánh Gio-an chứng tỏ cho ta thấy rằng sự tự do ki-tô hữu không đến từ một triết thuyết, nhưng là từ biến cố giải phóng của Đức Ki-tô Chết và Sống lại. Tự do ki-tô hữu quả là độc đáo, chưa từng thấy, là “vượt qua!” Nó là sự giải phóng một nền chuyên chế căn bản: chuyên chế của tội lỗi (của sự chết được gắn liền với nó).

Các ki-tô hữu tiên khởi đã không lầm khi để niềm vui của họ bùng phát ngay vào buổi đầu của thời đại mới của tự do. “Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ða-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta (...) sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù” (Lc 1, 68-79). Đây chính là một cuộc giải phóng.

Niềm xác tín này sẽ được thánh Phao-lô lặp lại cách hứng thú khi ngài triển khai những hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy, như nguồn suối của một sự tự do mới:

“Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Ðức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? (...) Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Ðức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội nữa” (Rm 6, 1 tt).

“Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1, 12-13).

Ki-tô hữu chúng ta vô cùng ngưỡng mộ trước sự giải phóng mà Đức Giê-su Ki-tô đã thực hiện cho mọi người, trong niềm xác tín rằng ơn cứu độ của Đức Ki-tô vượt trên mọi hình thức giải phóng của con người. Cuối cùng trong Tân Ước, Đức Ki-tô được giới thiệu như Đấng giải thoát con người khỏi kẻ thù nguy hại nhất, khỏi sự tha hóa và sự sợ hãi lớn lao nhất, đó là sự chết. Vận mệnh mù quáng này đã minh họa tất cả thảm trạng của nền văn minh cổ Hy lạp.

“Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt ... Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Ðây giờ chiến thắng! (...). Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (1Cr 15, 26; 15, 54 tt).

Tuy nhiên mọi cuộc giải phóng ở trần gian đều là bất toàn. Cuộc giải phóng cho con người toàn diện chỉ được thực hiện vào ngày sống lại, ngày mà thân xác chúng ta cũng sẽ được biến đổi, giải thoát khỏi sự mỏng dòn và giới hạn của nó. Và đối với thánh Phao-lô, cuộc giải phóng tối hậu này là chính sự chờ đợi, là niềm hy vọng của mọi tạo vật, của tất cả mọi vật thể hay hư nát: “tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, (...) được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8, 21-22).

Viễn tượng ki-tô hữu về cuộc giải phóng của con người toàn diện này không phải là một không tưởng, một lời hứa xa vời. Tương lai giải thoát kia đang bắt đầu ngay từ bây giờ, cho người biết nghe và thực hành Lời Chúa: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5, 24).

Việc nghe và cầu nguyện Lời Chúa giải thoát chúng ta khỏi hai bẫy trái nghịch nhau: “chủ trương quan phòng” và “chủ trương hành động”. Xu hướng thứ nhất, tự rút lui, thu mình trong bàn tay của một Thiên Chúa, Đấng chỉ ra tay hành động qua các phép lạ, còn xu hướng thứ hai lại cho rằng tương lai thế giới chỉ dựa vào sức cố gắng của chúng ta.

Thế mà việc lắng nghe, cầu nguyện Lời Chúa lại là nơi gặp gỡ giữa tình yêu nhưng không, sự tự do của Thiên Chúa và tự do của con người. Một nơi ưu tiên cho việc cộng tác giữa Thiên Chúa và con người. Ta không được xúc phạm đến dung nhan Thiên Chúa, cũng không được trẻ con hoá con người. Người ta không thể phóng đại Thiên Chúa bằng cách hạ thấp con người, cũng như ngược lại, thổi phồng con người bằng cách giảm giá Thiên Chúa!

Suy nguyện Lời Chúa chẳng bao giờ là một thao tác thụ động, mà là một động tác sáng tạo. Vì như chúng ta đã thấy, Khi Thiên Chúa nói, Người hành động, Người tác tạo. Môn đệ tự để mình được yêu thương, tái tạo, uốn nắn bởi Lời Chúa trong suy nguyện, đến lượt mình, cũng sẽ trở thành kẻ tác tạo, có khả năng cộng tác với kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa luôn là người khởi xướng, thì Người cũng không thể làm gì ngoài sự tự do đồng thuận của chúng ta. Lắng nghe và cầu nguyện Lời, là tiếp đón Thiên Chúa, với sự sống, tình yêu, ơn huệ của Thần Khí Người nơi tôi, và qua tôi, mọi tác động của Người trên thế gian.

Cầu nguyện không phải là làm những “bài giảng đạo đức” về Thiên Chúa, nhưng là tự để mình bị lay động, không ngừnghoán cải bởi Lời Người, là “Thần Khí và sự sống” và chuyển hướng mọi sinh hoạt hàng ngày của tôi theo kế hoạch yêu thương của Người cho tôi và cho nhân loại.

Việc nghe và cầu nguyện Lời Chúa là một khoảng thời gian quyết định, lúc ấy tôi tái thiết tự do của tôi trong lịch sử năng động của ơn cứu độ (hạnh phúc của con người). Ta hiểu được tại sao lắng nghe Lời lại cũng là một hành động cốt lõi cho việc tăng trưởng và giải phóng con người, như việc ăn uống. Nó bảo đảm cho tương lai hài hoà, nhịp nhàng, của con người. 

 

 

Thiên Chúa tái tạo nên tôi
mỗi ngày với chính thân tôi

 

Lạy Chúa,

Có những người thật diễm phúc

Thường được nghe Chúa nói

Và thấy Chúa can thiệp vào mọi sự không đâu.

Họ bắt Chúa nói nhiều,

Và hành động quan phòng khắp nơi nơi.

Họ xem Chúa như “Chúa Quan Phòng”:

Bịt kín mọi lỗ thủng,

Hoàn tất nhiều phép lạ,

Nơi chúng con chỉ biết “khoanh tay”,

Đem hoà bình đến nơi chúng con mua bán súng đạn,

Đem lương thực đến chỗ chúng con không biết sẻ chia.

Phần con, con lại thấy Chúa khá dè dặt.

Như thế bảo đảm cho con hơn, lạy Chúa.

Con không chịu nổi những bà “mẹ gà”,
     những người cha lo lắng,

Ấp ủ đến độ làm con cái mình nghẹt thở,

Chỉ vì muốn chúng luôn được an toàn, che chở.

Con càng không thích cảm thấy mình như “con rối”

Mà trong bóng tối, Chúa giật dây.

Một sự tùng phục của kẻ nô lệ, chấp hành cách mù quáng,

Quả là bất xứng, với Chúa, và cả với con.

Con bái phục quyền năng cao cả Chúa,

Nhưng như một quyền bính của yêu thương.

Con tin tình yêu này không làm con người ra tha hoá,

Mà kiến tạo và giải phóng nó luôn luôn.

Con cám ơn, lạy Chúa, đã tạo dựng và đã gọi con

Trở thành một đứa con biết tự do cộng tác

Vào kế hoạch yêu thương tốt lành của Chúa.

Trong nắng ban mai hoàn toàn mới mẻ,

Trong buổi chiều tà, êm ả nghỉ ngơi,

Con ưa thích có cuộc-hẹn-tình yên tĩnh,

Cuộc hẹn của cộng tác thân thương,

Của sự tiếp tay đầy trân trọng.

Sáng, tối, Chúa đều đến trước,

Chúa luôn là Đấng đến trước thăm con,

Trong khu vườn thẳm lặng của lòng con,

Gió hiu hiu và ánh sáng vội vàng,

Con quì gối, bên bờ thời gian trôi chảy,

Từ Chúa, con trông chờ mọi sự,

Chúa cũng đợi tất cả, ở nơi con.

Ở đó, hiện diện vô hình Chúa bao phủ,

Con cầu nguyện, mặc Chúa yêu thương và uốn nắn

Theo mức độ tình Chúa đến cho con.

Thật quá tuyệt vời, ôi lạy Chúa,

Được ở đây, kề vai bên lòng Chúa,

Con nghỉ ngơi và hoạt động cùng với Chúa.

Chẳng có gì vừa nhưng không, lại vừa năng động,

Có gì mạnh mẽ hơn được tình yêu.

Phút tuyệt vời là lúc nguyện cầu trong tĩnh mịch,

Thật kín đáo mà vô cùng linh hoạt!

Đó chính là hoạt động lớn nhất, trong ngày sống của con.

Con biết Chúa làm việc không ngơi nghỉ,

Nhưng Chúa không muốn làm gì cả, nếu vắng con.

Con tâm đắc, Chúa ơi, Chúa vô cùng tế nhị.

Con muốn “Chúa là Chúa”, làm công việc của Chúa.

Còn con làm người, chu toàn sứ vụ của con người.

Trong thinh lặng của lời con nguyện,

Cho con được đồng lòng với Lời và sự Sống Chúa,

Với ân sủng của Thần Khí Chúa ban;

Cho con được đồng lòng với tác động của Chúa trong con,

Và qua con, với tác động của Chúa trên thế giới.

Ai hành động, lạy Chúa, Chúa hay con?

Tình yêu của Chúa hay tự do của con?

- Cả hai, con ạ!

Vì nơi mà Ta thích tác tạo, mạc khải và hoạt động hơn cả

Chính là đền thánh của lòng con,

Và của lương tâm con thức tỉnh.

Lịch sử loài người, con thấy chứ,
 chúng ta đã cùng nhau tác tạo.

Đó là cái bất trắc đẹp đẽ nhất của tình Ta.

Cũng là bất trắc nên thơ nhất cho tự do của con đó!

 

Fr. Michel Hubaut

VỀ MỤC LỤC
LỜI CỦA THÁNH GIÁ (NÓI CHUYỆN VỚI CÁC NỮ TU DÒNG KÍN)

 

 Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG 

 

Tuần Thánh là dịp thuận tiện mời gọi chúng ta suy niệm để sống mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô. Nhưng khi nói về tất cả những đau khổ của Chúa, không phải để chúng ta bi quan, mà là cơ hội để mỗi người nhận ra sự nặng nề của tội lỗi, nhờ đó giúp khám phá nhiều hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, xác tín hơn nữa tình yêu hiến dâng của Thiên Chúa, một tình yêu núi không thể đo, biển không thể lường, mà Thiên Chúa đã quyết định dâng hiến cho loài người trong sự đau khổ và thánh giá ê chề của Chúa Kitô, Con Duy Nhất của Người. Nhờ khám phá nỗi yêu đương vô cùng của Thiên Chúa, chúng ta can đảm gánh trọn con đường thánh giá đời mình và tiến vào ơn phục sinh của Chúa Kitô trong vinh quang, chiến thắng như Người.

 

I. THÁNH GIÁ VẪN VỮNG CHÃI TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH. 

Chính Chúa Kitô đã cho thấy Người kiên vững theo đuổi đến cùng con đường thánh giá mà Người đã chọn lựa để vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người đã hiến thân mình để chu toàn sứ mạng Chúa Cha uỷ thác, là quy tụ toàn thể nhân loại về dưới quyền thống trị của Chúa Cha. Dẫu trên bước đường rao giảng, cũng có nghĩa là trên bước đường tiến tới sự hoàn tất của thánh giá, Chúa Kitô đã phải đối diện với tất cả sự phản trắc của lòng người, của thế gian. Nhất là qua những lần báo trước giờ tử nạn, Chúa Kitô cho thấy Người đã đối diện, đã nhìn thấy sự nặng nề, đau đớn của thánh giá. Nhưng thay vì rút lui, Chúa Kitô vẫn một dạ trung thành. Người quyết đi đến cùng với thánh giá trong đời của Người, ngay cả khi đau khổ nổi dậy và gia tăng dồn dập nhất. 

Dù theo Chúa, được Chúa chuẩn bị nhiều lần (qua những lần tuyên báo tử nạn) nhằm có thể đón nhận mầu nhiệm thánh giá, các tông đồ không thể hiểu mọi tâm tư của Chúa Kitô, càng không thể hiểu thánh ý Thiên Chúa. Họ là đại diện cho cả Hội Thánh, là thành phần của Hội Thánh. Nói đúng hơn, họ chính là Hội Thánh. Vì các tông đồ là chính Hội Thánh, có thể nói, ngay từ đầu, Hội Thánh đã không sẵn sàng vác thánh giá của mình. Nhất là khi Chúa Kitô thụ nạn, đó là giờ thánh giá đã đến, các tông đồ cay đắng cho rằng tương lai đời mình sụp đổ. Hội Thánh, qua các tông đồ, đã có lúc chối từ và chạy trốn thánh giá. Chỉ khi được biến đổi nhờ ơn phục sinh và việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh mới hiểu, thánh giá chẳng những không là sự thất bại, mà còn là một chiến thắng vinh quang, một sự sống khải hoàn, một tình yêu vững chắc. 

Rồi từ đó đến nay, không những Hội Thánh không khước từ thánh giá, mà còn hiên ngang rao truyền thánh giá, tự hào vì thánh giá, sống chết cho niềm tin vào thánh giá. Hội Thánh say sưa với thánh giá, tôn thờ thánh giá, ôm ấp thánh giá tận cõi lòng mình. Hội Thánh gìn giữ thánh giá, xem đó là bảo vật của mình, là lý tưởng của mình, là sự sống còn của mình, là tình yêu của mình, là của cải bảo đảm cho hạnh phúc đời đời của mình, là đèn dẫn đường công lý của mình, là tất cả niềm vui sống của mình, là tất cả hạnh phúc của mình, là nguồn động lực thúc giục mọi khả năng hiến thân và hiến dâng của mình, là ánh quang làm sáng rực đẩy lui những bóng tối của ngờ vực, là sức mạnh giao hòa của mọi chia rẻ, là sự uy hùng cho tất cả mọi lối sống tầm thường, thấp kém, tội lỗi… 

Tiếp tục truyền thống các tông đồ sau khi họ khám phá khuôn mặt lừng lẫy của thánh giá, Hội Thánh từ trong lịch sử, đến hôm nay và mãi về sau, vẫn nghiêm khắc chứng minh cho tất cả những ai thù nghịch, phi bác thánh giá bằng việc làm chứng không mệt mỏi rằng: Chúa Kitô đã phục sinh từ thánh giá. Nếu ai chống đối thánh giá bằng cách nêu lên luận điệu rằng: Giêsu chỉ là một con người, đã bị kết án bởi Do Thái giáo và bị giết trên thập giá đớn đau, thì Hội Thánh một lòng trung tín với truyền thống các tông đồ, bênh vực đức tin vào thánh giá bằng cách giải thích cho thấy thánh giá sở dĩ có, là do sự ác của con người. Sự ác ấy đã chẳng chối từ cả Đấng là Cứu Chúa của mình. Nhưng sự ác ấy đã được Thiên Chúa sử dụng. Người rút ra từ sự ác ấy những điều tốt lành để quay ngược lại ban ơn cứu độ cho chính con người. Thiên Chúa đã sử dụng phương tiện độc ác của con người, để biến thập giá thành thánh giá. Thiên Chúa cứu độ con người tội lỗi và độc ác bằng chính thánh giá mà con người gây nên.  

Nơi các thơ Thánh Phaolô, còn cho thấy Hội Thánh vui mừng, hoan lạc bởi khám phá và khám phá không ngừng, khám phá ngày một tăng nét phong phú, vẽ đẹp diễm kiều, tình yêu sâu sắc, lòng trung tín ngất cao của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô. Từ vinh quang vô cùng của thánh giá, Hội Thánh coi đau khổ và sự chết của mỗi con cái mình như của lễ hoàn hảo mà Hội Thánh kết hợp với sự chết của Chúa Kitô mà dâng lên Thiên Chúa. Hội Thánh coi mọi thăng trầm trong đời sống mình, và đời sống các con cái của mình như là phương tiện khả dĩ để kết hợp và nên một với Chúa Kitô, nhằm lập công chuộc lại tội lỗi mà mọi con cái của mình và của cả thế gian xúc phạm đến Thiên Chúa.  

Nhìn lên thánh giá, Hội Thánh bắt chước Chúa Kitô: sống và rao truyền sự vâng phục tuyệt đối của Người, dù cho cây thánh giá mà Hội Thánh phải vác đi giữa lòng đời có lớn đến đâu. Bởi Chúa Kitô đã vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến chết. Hội Thánh sẽ không bao giờ đi ngoài con đường vâng phục này.  

Hội Thánh nhìn thấy thánh giá chính là vinh quang của mình. Bởi không có con đường nào khác, chỉ trừ một con đường thánh giá Chúa Kitô đã đi qua, mới chính là sự sống và là đích đến sự sống muôn đời của Hội Thánh. Hơn thế, Hội Thánh nhìn thấy thánh giá là vinh quang của mình, còn vì thánh giá đã được tôn vinh như là biểu lộ tuyệt hảo về tình thương Thiên Chúa, là dụng cụ hữu hiệu của sự khôn ngoan và quyền năng Thiên Chúa hoà giải trần gian với Người. 

Vậy, thuở ban đầu, vì chưa hiểu hết mầu nhiệm cay đắng của thánh giá, có thể làm cho những thành viên của Hội Thánh thoái lui. Nhưng một khi khám phá chân lý thánh giá ngàn đời, Hội Thánh đã không bao giờ ngừng vinh danh thánh giá trong đời sống, trong suy tư, trong mọi hoạt động của mình. Vì thế, mãi mãi thánh giá vẫn vững chãi đến vô cùng trong suốt dòng thời gian của đời sống Hội Thánh. 

 

II. THÁNH GIÁ VỚI TỪNG NGƯỜI CHÚNG TA.

 

Nói đến thánh giá là nói đến tình yêu: Tình yêu diệu vợi của Thiên Chúa đã làm phát sinh những kết quả vô cùng từ thánh giá. 

Học lấy tình yêu của Thiên Chúa nơi thánh giá Chúa Kitô, chúng ta xác tín mạnh mẽ, chỉ một mình Thiên Chúa mới là Người Yêu đích thực của chúng ta. Nhờ Người Yêu và nhờ tình yêu có một không hai ấy, con đường thánh giá trở thành con đường đẹp, tinh tuyền, xóa hết những tội lỗi, những thù nghịch để chỉ còn lại một bầu trời dung thứ, bình an, thắng vượt, nghĩa ân. Chúa Kitô muôn đời trở nên vì Thiên Chúa gần gũi, sống động của con người. Thánh giá của Người mãi mãi là cây thánh giá của ơn nâng đỡ, sớt chia, ủi an dành cho từng người chúng ta. 

Biết bao nhiêu tâm hồn chìm trong tội, nhận ra bầu trời trong–mát–dịu của thánh giá, can đảm tách rời khỏi quá khứ tội lỗi, làm lại cuộc đời. 

Biết bao nhiêu tâm hồn suốt đời chỉ chìm trong bạo lực đã nhìn lên bóng thánh giá mà rửa mình sạch mọi dơ bẩn để trở nên hiền hòa, đức độ. 

Biết bao nhiêu con người đêm ngày ngụp lặt trong bất công, xảo kế, bỗng một lần nhìn lên thánh giá, đã quay lưng với tất cả lợi lộc từ những gian xảo mang lại, để biến mình thành môn đệ Chúa Kitô. 

Biết bao nhiêu những tâm hồn lồng lộng dữ dằn như những con thú hoang, bỗng một lần khám phá ánh sáng yêu thương chiếu dọi từ thánh giá, đã trở nên hiền hòa, nhân hậu, đáng mến. 

Biết bao nhiêu kẻ sống ích kỷ, đêm ngày chỉ biết tư lợi, bỗng một lần nhìn lên thánh giá, đã trở thành kẻ xả kỷ, biết hiến thân và hiến dâng. 

Cũng vậy: Biết bao nhiêu tâm hồn bị đày ải, khổ đau, cuộc sống như chỉ còn muốn sống cho qua ngày, đoạn tháng, bỗng được tình yêu của thánh giá chiếu rọi, trở nên bình an hơn, chấp nhận trong vui tươi hơn. 

Biết bao nhiêu kẻ tử tù, trên đường đi về cái chết, đã nhìn thấy thánh giá, và thánh giá bỗng trở nên sức mạnh khiến cuộc ra đi không còn đau đớn, chỉ còn là niềm tin chiến thắng. 

Biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta thầm lặng, hoặc công khai, giữa những lúc bị bách hại, vì thánh giá, bất chấp mọi đe dọa, đêm ngày rao giảng đức tin vào tình yêu kỳ diệu của thánh giá Chúa Kitô. 

Biết bao nhiêu người, nhìn cứ tưởng yếu đuối, mỏng dòn, nhưng nhờ tin vào thánh giá Chúa Kitô, họ đã có sức mạnh phi thường vượt thắng mọi thách thức mà con người, hay hoàn cảnh, hay môi trường mang lại. 

Biết bao nhiêu người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi…, vì thánh giá Chúa Kitô, đã có thể sống trung thành với đức tin mà không gợn một chút nghi nan, một chút u uất nào. 

Biết bao nhiêu tâm hồn đầy chữ nghĩa, khoa bản, hiểu biết…, nhìn lên thánh giá, đã biết học lấy bài học của khiêm tốn, sống đơn sơ, thậm chí thô sơ với mọi anh chị em dù họ thấp kém, hay sang trọng. 

Ngược lại, cũng có biết bao nhiêu tâm hồn, nhờ tình yêu đối với thánh giá, và đêm ngày chỉ biết suy tư cùng thánh giá, ôm lấy thánh giá trọn đời mình, dù họ là người kém cõi, ít hiểu biết, lại trở nên khôn ngoan, thấu hiểu những chân lý cao siêu lạ thường. 

Biết bao nhiêu người suốt đời chỉ biết nhìn lên thánh giá, chọn thánh giá làm lẽ sống, vì thế đời họ luôn luôn sáng rực nụ cười và gieo nụ cười ấy khắp nơi. 

Biết bao nhiêu người đã có thể trải lòng mình cho mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, nhờ kiên định trong tình yêu đối với thánh giá Chúa Kitô. 

Biết bao nhiêu người bước ra từ trong đau khổ, vẫn không mất niềm bình an, bởi họ đã tin vào thánh giá Chúa Kitô. 

Bởi vậy, chị em thân mến, 

Chính chúng ta, những kẻ được mọi người gọi là “chân tu”, chúng ta có nhìn thấy vẽ đẹp của thánh giá mà bao nhiêu anh chị em chúng ta đã nhìn thấy? Hay chúng ta vẫn còn những oán than, những lối sống, lối nghĩ, lối thực hành đạo không phù hợp với tình yêu mà thánh giá gợi lên trong chúng ta? 

Có lẽ, nhìn thân xác quằn quại trên thánh giá, một thân xác không còn hình tượng người ta, khó có ai bảo rằng đó là “Con Người” đẹp nhất trần gian. Chúng ta phải tự hỏi, vì đâu mà thân xác của “Con Người” ấy lại không còn vẽ đẹp? Phải chăng những nhà “chân tu” là chúng ta cũng đang là những kẻ phá hoại chính thân xác ấy? 

Nhưng quả thật, đó là “Con Người” đẹp nhất trần gian, một khi chúng ta nh́n bằng ánh mắt của t́nh yêu mà Người đã yêu, và vẫn yêu chúng ta. Chúa Kitô, một tình yêu kiểu mẫu, một tình yêu rực sáng, một tình yêu dòi dọi, một tình yêu vĩnh cửu, một tình yêu đại lượng. Người là người đẹp nhất bởi vì Người đã yêu, vẫn yêu, yêu đến cùng, yêu cả khi không nhận được tình yêu từ người mình yêu, yêu càng mãnh liệt khi bị kẻ mình yêu khước từ, chống đối, giết chết.  

Người là người đẹp nhất bởi tình yêu nguyên tuyền, không một chút phai, không một chút nhạt, không một chút suy suyển, dẫu Người chỉ nhận được những cuồng nộ, những bạo lực. 

Người là người đẹp nhất, bởi tình yêu của Người đứng trên tất cả mọi tình yêu đã vậy. Tình yêu của Người còn đứng trên cả sự tàn ác, hung bạo của những kẻ mình yêu. 

Mãnh lực của tình yêu Giêsu Kitô vừa lạ lùng, vừa cuốn hút, vừa êm đềm, vừa mạnh mẽ. Tất cả chúng ta hãy sống, hãy tỉnh thức mà khám phá tình yêu quá đỗi ấy. Hãy bắt chước Người mà yêu đến cùng, yêu đến hy sinh, yêu đến mất mạng sống… cho tất cả mọi anh chị em mà Chúa đào chúng ta phải yêu. 

Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác Thập giá mình mà theo Ta”. Đó là lời mời gọi Chúa Kitô dành cho những kẻ muốn tiếp bước đi theo Người, để họ nhận ra điều kiện tiên quyết là phải hy sinh. Vậy hy sinh là chữ đầu tiên mà ta có thể sống để tháp nhập mình vào thánh giá Chúa Kitô.  

Càng là những nhà chân tu, ta càng tập sống yêu như Chúa đã yêu ta. Hãy để thánh giá Chúa sống trong đời ta. Thánh giá sẽ nhắc ta trong mọi chiều kích của cuộc đời rằng: LẼ SỐNG CỦA CHÚNG TA LÀ CHÍNH CHÚA GIÊSU KITÔ. 

Thứ ba tuần Thánh, 26.3.2013

 

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

VỀ MỤC LỤC

CỤ GIÀ BÁN RAU

Br. Huynhquảng 

Qua loạt bài Sống Sao Cho Đẹp, chúng ta như được thưởng thức những món ăn ngon trong bàn tiệc cuộc đời, học được những bài học thấm đậm trong cách cư xử hằng ngày, và thấy được những gương sáng của những con người dù bình thường nhưng rạng chiếu vẻ đẹp trong thế giới chúng ta. Mục Sống Sao Cho Đẹp xin được tiếp tục chia sẻ với quí bạn chủ đề mới: Trung tín và Chung thuỷ. Hy vọng với chủ đề này, chúng ta tìm thêm niềm vui và vẻ đẹp vốn được phú bẩm trong con người chúng ta; để con người chúng ta ngày mỗi thêm hoàn thiện, và đời chúng ta thêm tươi đẹp hơn.

* * *

Gần đây qua internet chúng ta biết được, chuyện một bà cụ bán rau tại Việt Nam đã giữ chữ tín với khách hàng đến nỗi bà đã ngã bệnh và qua đời ít ngày sau đó. Gương của bà cụ đã làm cho nhiều người xúc động và cảm phục lòng chân thành và tín trung của người nông dân chất phát.

Do bị đánh động bởi lòng trắc ẩn khi thấy một bà cụ già phải bán rau vất vả kiếm sống hằng ngày, một chàng thanh niên trên đường đi làm đã dừng xe máy lại mua ít bó rau với mục đích là để giúp bà. Vì lý do đó, chàng luôn tiện nhờ bà giữ giúp rau cho đến lúc chiều đi làm về rồi chàng ghé lấy rau. Nhưng thực ra, ý của chàng là giúp bà chứ đâu phải mua rau, vì thế chàng đã quên hẳn việc “gởi” rau nhờ bà cụ giữ giúp. Hoá ra, bà cụ đã vì trách nhiệm và chữ tính đã ngồi chờ chàng thanh niên dưới cơn mưa tầm tả cho đến chiều tối - kết quả bà ngã bệnh và qua đời sau ít ngày. Những người bán nước xung quanh bà hối thúc bà cất rau, trốn mưa, đi về nhà sớm... bà cương quyết không nghe theo họ, vì bà chờ chàng thanh niên lấy rau, người mà bà đã nhận tiền của chàng từ sáng. Ôi! Chữ tín đẹp làm sao trong cuộc đời!

Trung tín, chung thuỷ có nghĩa trong tiếng Latin là “fidelis.” Fidelis được bắt nguồn từ danh từ fides, nghĩa là đức tin, tính thác. Khi bàn về nghĩa từ “đức tin, tính thác” tức là nói đến mối quan hệ không chỉ giữa con người với nhau, nhưng nói lên mối quan hệ giữa một vị thần linh và con người. Hay nói cách khác, từ mối quan hệ chung thuỷ giữa một vị thần với con người đã giúp con người học được ý nghĩa trọn vẹn thế nào là trung tín và chung thuỷ. Vị thần linh luôn luôn chung thuỷ với con người, còn con người thì thường thiếu sự chung thuỷ với ngài.

Khi bàn đến chung thuỷ và trung tín, chúng ta không th không bàn tới “lời hứa.” Chính lời hứa là sợi mắc xích, là gạch nối, và cũng là nguyên nhân dẫn chúng ta suy tư và tập sống chung thuỷ và trung tín.

Lời hứa đi theo cuộc sống con người từ lúc có trí khôn cho đến lúc trưởng thành. Thởu thiếu thời, con trẻ được giáo dục và dạy bảo về giá trị của lời hứa qua những việc bình thường trong ngày: “Con nhớ nhé, con làm điều này nhé… Dạ, con nhớ. Dạ, con hứa…” Mối liên hệ, niềm tin giữa người lớn và trẻ nhỏ cũng được chớm nở và phát triển từ đó. Niềm tin dành cho nhau giữa hai người được hun đúc có lẽ phần lớn dựa vào khả năng giữ lời hứa của mỗi người. Cứ thêm một lần lời hứa được giữ, thì niềm tin dành cho nhau càng thêm được cũng cố và phát triển. Ngược lại, nếu cứ một lần lỗi hẹn, thì niềm tin dành cho nhau cũng bị  xói mòn. Trẻ em là người có khả năng nhạy bén nhất để nhận ra điều này. Niềm tin giữa cha mẹ và con cái phát triển tới mức nào cũng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giữ lời hứa của cha mẹ dành cho con cái, nhất là lúc các em con thiếu thời.

Khi một lời hứa với ai đó được giữ cẩn thận, thì điều đó có nghĩa là sự tôn trọng của chúng ta dành cho người kia được thẫm định. Dầu vậy, xa hơn thế nữa, khi một lời hứa được giữ, điều trước hết chính là chúng ta tôn trọng chính con người chúng ta, chúng ta giữ lời hứa, chữ tín với chính con người chúng ta – đó chính là điểm then chốt trong việc giữ lời hứa với người khác. Thực đúng như thế, khi tôi hứa một điều gì với ai, tức là tôi thừa nhận với chính tôi và đương sự ấy rằng tôi có khả năng để thực hiện điều đó – Chính giai đoạn thừa nhận với chính tôi đã tạo cho tôi một niềm tin trong tôi; nhờ niềm tin này mà tôi giám hứa với người khác.

Hôm nay, Sống Sao Cho Đẹp mời gọi bạn nhìn ngắm vẻ đẹp của đức tín trung tín và chung thuỷ. Hãy dành đôi phút để hãnh diện về chính con người của mình vốn được ban tặng đức tín cao đẹp này một cách nhưng không. Nhờ niềm tin và lời hứa mà mình đã tạo được biết bao nhiêu mối quan hệ đẹp trong đời: Tình cha mẹ, anh em, bạn hữu, và vợ chồng, con cái. Hãy dành đôi phút để tạ ơn cuộc đời, tạ ơn con người, tạ ơn người thân, vì cũng chính nhờ niềm tin và lời hứa của họ mà ta thêm vững tin xây dựng cuộc đời, xây dựng đời mình.

Bạn thân mến, việc hoàn thiện đời người không chỉ là việc nhổ cỏ dại, nhưng quan trọng hơn chính là trồng thêm lúa, hoa, và rau. Càng trồng thêm lúa, hoa, rau… thì cỏ dại không có cơ hội chiếm đất trống để mọc. Sống trong tâm tình tạ ơn, cảm kích sẽ giúp ta trồng thêm đức tính tốt và thực hiện được ước mơ làm người sống đẹp, sống tốt. Chúng ta cùng hứa với lòng mình và với nhau là trồng thêm lúa, hoa bằng cách giữ lời hứa với mình và với người trong niềm vui cảm tạ.

Br. Huynhquảng

VỀ MỤC LỤC

TÓM LƯỢC HIẾN CHẾ MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA DEI VERBUM (TÌM HIỂU CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II - BÀI 4)

Phaolô Phạm Xuân Khôi (tóm lược) 

 

Có thể nói rằng Dei Verbum là một văn kiện nền tảng và được bàn cãi sôi nổi nhất trong Công Đồng Vaticanô II. Văn kiện này bắt đầu được đưa ra vào tháng 12-7- 1962, và mãi đến ngày 29 - 10 -1965 mới được thông qua với 2.018 phiếu thuận, 27 phiếu chống và 7 phiếu bất hợp lệ.  Hiến chế này đã không giải quyết mọi vấn đề nhưng cũng nói lên một bước tiến rất tích cực trong công cuộc tìm hiểu Mặc Khải và có một tầm ảnh hưởng lớn trong nền Thần học Công giáo và cuộc đối thoại hiệp nhất.  Bài này chỉ tóm lược những điểm chính của văn kiện.  Để tránh hiểu lầm về những điều được đề cập ở đây, độc giả cần phải đọc lại từng câu của Dei Verbum cùng tất cả những chú thích trong đó.  Đó là lý do tại sao chúng tôi tóm lược từng câu để độc giả tiện tra cứu.

Mở Đầu 

1. Lời mở đầu của Dei Verbum nói rằng khi thành kính lắng nghe và dạn dĩ công bố Lời Chúa, Công Đồng làm theo lời trong Thư Thứ Nhất của thánh Gioan để chúng ta được hiệp thông với các Tông Đồ và hiệp thông với Thiên Chúa, vì chính các ngài hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Kitô. Công Đồng cũng xác nhận là có ý theo bước chân của Công Đồng Trent và Vaticanô I trong việc trình bày giáo lý chân chính về mặc khải của Thiên Chúa và việc lưu truyền mặc khải này.

I.  Về Chính Việc Mặc Khải

2. Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình.  Công trình mặc khải này được thực hiện bằng những việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, ngõ hầu các việc Thiên Chúa thực hiện biểu lộ và củng cố cả giáo huấn lẫn những thực tại được diễn tả bởi lời nói; còn lời nói thì công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó.  Đức Kitô vừa là Trung Gian vừa là sự viên mãn của toàn thể mặc khải.

3. Thiên Chúa trong việc tạo dựng mọi sự và bảo tồn chúng qua Lời Chúa, không ngừng làm chứng về Chính Ngài qua các tạo vật. Với ý định mở ra con đường cứu rỗi t trời, Ngài cũng tỏ Mình ra cho nguyên tổ của chúng ta. Sau khi họ sa ngã, Ngài đã nâng họ lên để hướng họ đến niềm hy vọng bằng cách hứa ban cho họ ơn cứu độ.

4. Sau khi phán dạy nhiều phần và nhiều cách qua các ngôn sứ, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con của Ngài”. Ngôi Lời nói những lời của Thiên Chúa và hoàn thành công trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người.  Ai thấy Người thấy Chúa Cha. Vì vậy, công trình Kitô giáo như giao ước mới và dứt khoát, sẽ không bao giờ được thay thế, và giờ đây không còn mặc khải công cộng mới nào nữa trước khi Đức Kitô trở lại.

5. Với Thiên Chúa Đấng mặc khải, chúng ta phải "vâng phục trong đức tin", nghĩa là phó thác toàn thân cho Ngài và tự nguyện hoàn toàn chấp nhận và qui phục Mặc Khải của Ngài với cả lý trí lẫn ý chí. Chúng ta cần ân sủng và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để hiểu mặc khải hơn.

6. Qua mặc khải, Thiên Chúa bày tỏ và thông ban chính mình Ngài cùng những ý định muôn đời của Ngài liên quan đến phần rỗi nhân loại. Công Đồng thú nhận rằng người ta có thể biết Thiên Chúa qua ánh sáng lý trí tự nhiên. Nhưng chính nhờ mặc khải mà tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng và chắc chắn mà không sai lầm.

II.  Việc Lưu Truyền Mặc Khải của Thiên Chúa

7. Để những gì Người đã mặc khải có thể được truyền đến mọi thế hệ, Đức Kitô truyền cho các Tông Đồ rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Việc này được thực hiện cách trung thành, một phần do các Tông Ðồ: hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các thể chế, và một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại Tin Mừng cứu rỗi dưới sự linh ứng của cùng một Chúa Thánh Thần. Nhưng để Tin Mừng được giữ gìn toàn vẹn và sống động mãi trong Hội Thánh, các Tông Ðồ đã để lại những người kế vị là các Giám Mục, và trao lại cho họ Huấn Quyền của các ngài.

8. Vì vậy, những lời giảng dạy của các Tông Ðồ được đặc biệt ghi lại trong các sách linh ứng, phải được bảo tồn và liên tục lưu truyền cho đến tận thế. Do đó các Tông Ðồ khuyến cáo tín hữu phải giữ gìn các Truyền Thống thánh mà họ đã học biết qua lời giáo huấn hay bằng thư từ. Thánh Truyền do các Tông Ðồ truyền lại được tiến triển trong Hội Thánh dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, vì phát triển cả bằng việc tiếp nhận những lời được truyền lại lẫn việc suy niệm cùng học hỏi của các tín hữu. Qua bao thế kỷ, Hội Thánh luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý Thiên Chúa, cho đến khi Lời Chúa được hoàn tất nơi chính Hội Thánh.

Lời các Giáo Phụ làm chứng cho sự hiện diện sống động của Thánh Truyền. Nhờ cùng một Thánh Truyền ấy, Hội Thánh biết được toàn bộ quy điển Thánh Kinh và cũng nhờ Thánh Truyền, Thánh Kinh được hiểu biết sâu sắc hơn và không ngừng hoạt động trong Hội Thánh.  Như vậy Thiên Chúa, Ðấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu Ngài. Và Chúa Thánh Thần hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý cùng làm cho lời Đức Kitô tràn ngập lòng họ

9. Bởi vậy Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết mật thiết với nhau làm một và truyền thông cho nhau vì cả hai phát xuất từ một nguồn mạch là Thiên Chúa, và cùng hướng về một mục đích. Thực vậy, Thánh Kinh là lời nói của Thiên Chúa được ghi lại dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần; còn Thánh Truyền truyền lại trọn vẹn Lời Chúa, mà Đức Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các Tông Ðồ để nhờ Thần Chân Lý soi sáng, các ngài trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng. Do đó, Hội Thánh biết cách chắc chắn về những điều được mặc khải không chỉ nhờ Thánh Kinh mà thôi mà còn cả Thánh Truyền.  Vì thế cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình quý mến và kính trọng như nhau.

10. Thánh Truyền và Thánh Kinh hợp thành một kho tàng thánh duy nhất chứa đựng lời Thiên Chúa và được ủy thác cho Hội Thánh. Tuy nhiên, nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền chỉ được ủy thác cho Huấn Quyền sống động của Hội Thánh, và Hội Thánh thi hành quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên Huấn Quyền này không ở trên Lời Chúa, nhưng phục vụ Lời Chúa, chỉ dạy những gì đã được truyền lại. Bởi thế, Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền của Hội Thánh liên kết và phối hợp với nhau đến nỗi không thực thể nào trong ba có thể đứng vững một mình được. Dưới tác động của một Chúa Thánh Thần duy nhất, cả ba, theo phương cách riêng, cùng góp phần hữu hiệu vào việc cứu rỗi các linh hồn.

III.  Sự Linh Hứng và Việc Chú Giải Thánh Kinh

11. Mẹ Hội Thánh, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ Cựu Ước và Tân Ước là Sách Thánh và được ghi vào quy điển Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần nên tác giả của các sách ấy là chính Thiên Chúa.  Nhưng để viết các sách ấy, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết như những tác giả thật tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ viết những điều đó thôi. Vì thế mọi điều mà các Thánh Ký khẳng định được khẳng định bởi Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta.

12. Vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều Chúa muốn truyền đạt, nhà chú giải Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các Thánh Ký thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ.

Ðể tìm ra chủ ý của Thánh Ký, chúng ta cần phải xét đến văn loại. Vì chân lý được trình bày bằng nhiều thể văn khác nhau, như lịch sử, tiên tri, thi phú hoặc những thể văn khác. Hơn nữa, nhà chú giải còn có bổn phận tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp xác định, Thánh Ký đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của họ, qua các lối văn được dùng trong thời đó.

Nhưng Thánh Kinh phải được đọc và chú giải trong cùng một Thánh Thần là Đấng đã viết Thánh Kinh. Để hiểu đúng ý nghĩa của Sách Thánh, chúng ta cũng phải cẩn trọng lưu ý đến nội dung và sự thống nhất toàn bộ của Thánh Kinh, dựa trên Thánh Truyền sống động của toàn thể Hội Thánh và trên sự tương hợp toàn bộ đức tin. Nhà chú giải có nhiệm vụ nỗ lực tìm hiểu và trình bày ý nghĩa Thánh Kinh cách sâu rộng hơn theo các qui tắc ấy, hầu sự học hỏi của họ, như một việc làm sơ bộ, giúp phán quyết của Hội Thánh được chín chắn.  Chung cuộc mọi điều liên hệ đến việc chú giải Thánh Kinh đều phải tùy thuộc vào phán quyết của Hội Thánh, vì Hội Thánh được Thiên Chúa trao cho sứ mệnh và chức vụ gìn giữ và giải thích Lời Chúa.

13. Cho nên, trong Thánh Kinh, trong khi sự chân thật và thánh thiện của Thiên Chúa luôn được bảo toàn, sự "hạ cố" kỳ diệu của Ðấng khôn ngoan muôn đời cũng được bày tỏ rõ ràng.  Vì những lời của Thiên Chúa được diễn tả qua ngôn ngữ loài người, được đồng hóa với tiếng nói loài người, cũng như xưa Lời của Chúa Cha Hằng Hữu đã trở nên giống loài người, sau khi nhận lấy sự yếu đuối của xác thịt.

IV.  Cựu Ước

14. Thiên Chúa chí ái, khi ân cần trù liệu và chuẩn bị việc cứu độ toàn thể nhân loại, đã tuyển chọn một dân tộc để ủy thác những lời hứa. Vì vậy chương trình cứu độ được các Thánh Ký tiên báo, thuật lại và giải thích trong các sách Cựu Ước được coi như những lời nói thật của Thiên Chúa. Vì thế các sách được Thiên Chúa linh ứng này luôn có một giá trị vĩnh viễn.

15. Mục đích đặc biệt của kế hoạch của Cựu Ước chuẩn bị cho Đức Kitô, Đấng cứu chuộc mọi người, và cho vương quốc của Đấng Thiên Sai. Những sách này, mặc dù chứa đựng những điều chưa hoàn hảo và tạm thời, nhưng cho thấy một khoa sư phạm thực sự của Thiên Chúa.

16. Vì vậy, Thiên Chúa là tác giả và là Đấng Linh Hứng của cả hai Giao Ước.  Ngài sắp đăt  cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước. Trong Tân Ước, những điều trong Cựu Ước nhận được cho thấy ý nghĩa đầy đủ của chúng.

V.  Tân Ước

17. Lời Chúa được trình bày một cách tuyệt diệu trong các sách Tân Ước. Ngôi Lời đã thành nhục thể và ở giữa chúng ta cùng khai trương Nước Thiên Chúa trên trần gian. Người mặc khải Cha Người và Chính Mình qua lời nói, việc làm và hoàn tất công trình của Người khi Người chết, sống lại, lên trời vinh hiển và khi Người sai Chúa Thánh Thần đến. Người đã kéo mọi người đến với Người: Mầu nhiệm này chưa bao giờ được tỏ lộ cho các thế hệ khác, nay đã được mặc khải trong Chúa Thánh Thần cho các Thánh Tông Ðồ của Người và cho các Ngôn Sứ, để họ rao giảng Tin Mừng, cổ võ lòng tin vào Chúa Giêsu, Ðấng Được Xức Dầu và là Chúa, để đoàn tụ Hội Thánh.

18. Các sách Tin Mừng ưu việt hơn tất cả các sách khác trong Tân Ước. Ở mọi thời và ở mọi nơi, Hội Thánh đã và vẫn luôn quả quyết rằng bốn sách Tin Mừng bắt nguồn từ các Tông đồ. Thật vậy, những điều mà theo lệnh truyền của Đức Kitô, các Tông đồ rao giảng, sau này nhờ Chúa Thánh Thần linh hứng, chính các ngài và những người sống bên các ngài đã lưu truyền cho chúng ta bằng văn bản làm nền tảng đức tin dưới hình thức bốn sách Tin Mừng.

19. Hội Thánh đã và luôn kiên trì quả quyết rằng bốn sách Tin Mừng nói trên, mà lịch sử tính của chúng Hội Thánh không ngần ngại khẳng định, trung thành lưu truyền những gì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, khi sống giữa loài người, thật sự đã làm và đã dạy để họ được phần rỗi đời đời, cho tới ngày Người được đưa lên trời. Sau khi Chúa lên trời, các Tông đồ đã truyền lại cho những người nghe những gì Người đã nói làm với sự thông hiểu đầy đủ hơn mà các ngài có nhờ học được từ các biến cố vinh hiển của Đức Kitô và nhờ Thần Chân Lý dạy dỗ. Bốn Thánh Ký đã chọn một số trong nhiều điều đã được truyền lại bằng miệng hay đã được viết lại, tóm tắt hoặc giải thích một số điều tuỳ theo tình trạng của các Hội Thánh, sau cùng các ngài vẫn giữ hình thức lời giảng, mà bao giờ cũng nhằm truyền đạt cho chúng ta những điều xác thực và chân thành về Chúa Giêsu.

20. Ngoài bốn sách Tin Mừng, quy điển Tân Ước còn bao gồm các Thư thánh Phaolô và những văn bản khác thời các Tông đồ, đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Do ý định khôn ngoan của Thiên Chúa, các sách ấy xác nhận những gì liên hệ đến Đức Kitô, trình bày mỗi ngày một rõ ràng hơn giáo huấn đích thực của Người, rao giảng quyền năng cứu độ của công trình thần linh của Đức Kitô, và tường thuật lại những bước đầu và sự bành trướng kỳ diệu cùng tiên báo sự hoàn tất vinh hiển của Hội Thánh.

VI: Thánh Kinh trong đời sống của Hội Thánh

21. Hội Thánh đã luôn tôn kính Thánh Kinh như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa: nhất là trong phụng vụ thánh, Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Đức Kitô mà trao cho các tín hữu. Hội Thánh đã và vẫn luôn luôn coi Thánh Kinh cùng Thánh Truyền như quy luật tối cao cho đức tin của mình, bởi vì Thánh Kinh truyền đạt Lời của chính Thiên Chúa cách bất di bất dịch.  Vì vậy, toàn thể công việc rao giảng trong Hội Thánh cũng như chính Kitô giáo phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Lời Chúa có năng lực lớn lao có thể nâng đỡ và ban sinh lực cho Hội Thánh, cùng là sức mạnh cho đức tin, lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng của các con cái Hội Thánh.

22. Lối vào Thánh Kinh phải được rộng mở cho các Kitô hữu. Chính vì thế, ngay từ buổi đầu, Hội Thánh đã nhận bản Bảy Mươi làm của mình. Hội Thánh luôn quý trọng các bản dịch Đông phương khác và các bản dịch Latinh, nhất là bản Phổ thông. Nhưng vì Lời Chúa phải luôn tiện dụng cho mọi thời đại, Hội Thánh liệu sao cho có các bản dịch thích hợp và đúng nghĩa sang các thứ tiếng, nhất là dịch từ nguyên bản các Sách Thánh. Nếu hoàn cảnh thuận tiện và được giáo quyền chấp thuận, các bản dịch đó được thực hiện với sự cộng tác của các anh em ly khai, để tất cả mọi Kitô hữu đều có thể dùng được.

23. Để đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về Thánh Kinh, Hội Thánh khuyến khích cả việc nghiên cứu các Giáo Phụ Đông phương cũng như Tây phương và các loại Phụng vụ thánh. Các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo và các nhà nghiên cứu thần học phải cùng nhau làm việc dưới sự chỉ dẫn của Huấn Quyền, để khảo sát và trình bày Thánh Kinh, ngõ hầu có càng nhiều càng tốt những người phục vụ Lời Chúa có khả năng cung cấp hữu hiệu cho dân Chúa lương thực Thánh Kinh một cách hiệu quả, phù hợp với đường hướng của Hội Thánh.

24. Bởi vì Khoa Thần học dựa trên Thánh Kinh vài Thánh Truyền, như dựa trên một nền tảng trường tồn, cho nên việc học hỏi Thánh Kinh phải như linh hồn của khoa Thần học. Nhờ chính lời Thánh Kinh này, thừa tác vụ Lời Chúa, gồm có việc giảng thuyết mục vụ, việc dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài giảng trong phụng vụ phải chiếm ưu thế, được nuôi dưỡng lành mạnh và tăng cường sinh lực thánh thiện.

25. Do đó tất cả các giáo sĩ, đặc biệt là các linh mục và những ai phục vụ Lời Chúa, như các phó tế hay giáo lý viên, phải quen thuộc với Thánh Kinh nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng. Công Đồng nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, nhất là các tu sĩ, học được “sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh, vì “không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”. Hơn nữa, họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi cùng với việc đọc Thánh Kinh.

Các Giám Mục có phận sự dạy cách thích hợp cho các tín hữu đã được uỷ thác cho các ngài biết sử dụng cho đúng các Sách Thánh. Việc này có thể được thực hiện qua các bản dịch Sách Thánh có kèm theo những lời giải thích cần thiết và đầy đủ. Hơn nữa, cũng nên cung cấp các bản dịch Thánh Kinh với các ghi chú phù hợp để sử dụng cho những người ngoài Kitô giáo.

Kết Luận

26. Chớ gì nhờ việc đọc và học hỏi các Sách Thánh, Lời Chúa được lan tràn nhanh chóng cùng được tôn vinh, và kho tàng Mặc Khải càng ngày càng đổ đầy tâm hồn con người. Như đời sống Hội Thánh được tăng trưởng nhờ năng tiếp xúc với mầu nhiệm Thánh Thể thế nào, thì chúng ta cũng được phép hy vọng rằng đời sống thiêng liêng nhận được một kích thích mới nhờ việc gia tăng lòng sùng kính Lời Chúa, là Lời tồn tại muôn đời.

Phaolô Phạm Xuân Khôi tóm lược 

http://giaoly.org/vn/ 

VỀ MỤC LỤC

Hư không  

Lm. Minh Anh chuyển ngữ 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế) 

Chỉ dẫn:

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí. 

Lưu ý:

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại. 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ. 

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề : Các “Thánh”

139. Hư không  

Người môn đệ Subhuti của Phật đột nhiên khám phá sự vô biên và phong nhiêu của hư không - nhận ra rằng mọi thứ đều phù du, hụt hẫng và vô ngã. Trong tâm trạng hư vô thần thiêng này, người môn đệ vui sướng ngồi dưới gốc cây thì đột nhiên, hoa bắt đầu rơi chung quanh mình. 

Các vị thần thì thầm, “Chúng tôi vô cùng thích thú trước những giáo huấn siêu phàm của ông về sự hư không”. 

Subhuti đáp, “Nhưng tôi không hé một lời về sự hư không”. 

“Đúng”, các vị thần đáp. “Ông không nói về sự hư không, chúng tôi không nghe sự hư không. Đây quả là hư không đích thực”. 

Và những cơn mưa hoa tiếp tục... 

Nếu tôi đã nói về sự trống rỗng của mình hoặc thậm chí ý thức về nó, liệu nó có còn trống rỗng chăng? 

Âm nhạc cần đến những cái lỗ của cây sáo; chữ viết cần đến cái trắng tinh của trang giấy; ánh sáng cần đến những khoảng không gọi là cửa sổ; thánh thiện cần đến sự vắng bóng của bản ngã. 

ڰ

140. Khiêm nhượng ống điếu 

Một giáo sĩ cao niên liệt giường, các đồ đệ thì thầm bên cạnh ông. Họ đang ca tụng các nhân đức vô song của thầy mình. 

“Kể từ thời Salomon, không có người nào khôn ngoan như ngài”, một người trong họ trầm trồ. “Niềm tin của ngài mạnh như đức tin của tổ phụ Abraham”, người khác bảo. “Chắc chắn lòng kiên nhẫn của ngài không thua gì lòng kiên nhẫn của Giacóp”, người thứ ba bảo. “Chỉ trong Môisen, chúng ta mới có thể tìm thấy người nào đó trò chuyện thân tình với Chúa”, người thứ tư bảo. 

Vị giáo sĩ có vẻ lo lắng. Khi các đồ đệ đã đi ra, vợ ông bảo, “Ông có nghe họ ca ngợi ông không?”. 

“Tôi có nghe”, giáo sĩ đáp.

“Thế thì tại sao ông bực bội đến thế?”, người vợ hỏi. 

“Sự khiêm tốn của tôi”, giáo sĩ phàn nàn. “Không ai đề cập sự khiêm tốn của tôi!”. 

Người ta thực sự làm thánh khi nói “Tôi chỉ là bốn bức tường trống rỗng - không có gì bên trong”. Không ai có thể tràn đầy hơn. 

ڰ 

141. Linh mục mất tích 

Một linh mục chín mươi hai tuổi được mọi người trong thành tôn kính. Khi ngài xuất hiện trên đường, người ta cúi chào - đó là nhờ danh thơm thánh thiện của ngài. Ngài cũng là hội viên Câu Lạc Bộ Rotary. Mỗi lần câu lạc bộ hội họp, ngài đều hiện diện, luôn đúng giờ và luôn ngồi ở chỗ ngài yêu thích nhất là ở góc phòng. 

Ngày kia, vị linh mục mất tích. Ngài như thể biến mất vì dù tìm ở đâu, dân thành cũng không thể thấy dấu vết nào của ngài. 

Tuy nhiên, vào tháng sau, khi câu lạc bộ họp, ngài vẫn ở đó như thường lệ, ngồi ở góc. 

“Nhưng thưa Cha”, mọi người la lên, “Cha đã ở đâu?”.

“Ở tù”, Cha bình thản trả lời.

“Ở tù? Lạy Chúa, cha không làm tổn thương một con ruồi! Điều gì đã xảy ra?”. 

“Chuyện dài lắm”, cha bảo, “Nhưng tắt một lời, chuyện thế này: Cha mua cho mình một vé xe lửa đến thành phố và chờ ở sân ga cho đến khi một cô gái xinh đẹp trời đánh bị một viên cảnh sát dẫn đi. Cô ta nhìn cha rồi quay lại nói với viên cảnh sát, “Chính hắn đã làm điều đó”. Và thành thật mà nói, cha đã quá tự tôn khi biện hộ cho mình. 

ڰ 

142. Giữ thinh lặng 

Bốn thầy dòng quyết định thinh lặng một tháng. Họ khởi đầu khá tốt, nhưng sau ngày thứ hai một thầy nói, “Tôi phân vân liệu mình có khóa cửa phòng trước khi chúng ta bắt đầu ra đi không”. 

Thầy khác nói, “Anh ngốc thật! Chúng ta đã quyết định giữ thinh lặng một tháng và bây giờ anh đã đi và phá vỡ sự thinh lặng!”. 

Thầy thứ ba bảo, “Anh thì sao? Anh cũng phá vỡ sự thinh lặng!”. 

Thầy thứ tư bảo, “Cám ơn Chúa, tôi là người duy nhất chưa nói!”. 

ڰ 

142. Đau đầu 

Một người đàn ông vào phòng bác sĩ và nói, “Thưa bác sĩ, tôi đau đầu kinh khủng, đau liên lỉ. Bác sĩ có thể cho tôi một loại thuốc nào đó để trị nó không?”. 

“Được thôi”, bác sĩ đáp, “Nhưng tôi muốn kiểm tra một vài điều trước đã. Hãy nói cho tôi hay anh có uống nhiều rượu không?”. 

“Rượu?” người đàn ông phẫn nộ hỏi, “tôi không bao giờ nếm thứ cặn bã đó”. 

“Hút thuốc thì sao?”. 

“Thật kinh tởm. Chưa một lần trong đời tôi đụng đến thuốc lá”. 

“Tôi hơi bối rối khi hỏi điều này, anh có thường chạy quanh vào ban đêm không?”. 

“Dĩ nhiên không. Ông có ý gì? Tôi ở trên giường mỗi đêm, muộn nhất là mười giờ”. 

“Hãy cho tôi hay”, bác sĩ bảo, “chứng đau đầu mà anh nói đến có dữ dội và gay gắt không?”. 

“Vâng”, người đàn ông trả lời. “Có - đau dữ dội và gay gắt”. 

“Đơn giản, anh bạn thân mến của tôi! Vấn đề chỉ là tại anh quá căng thẳng với những gì trong đầu. Vậy chỉ cần để cho cái đầu của anh nghỉ ngơi. 

Vấn đề nằm ở chỗ lý tưởng. Nếu lý tưởng hoá tất cả, bạn không thể sống nổi với chúng. 

ڰ 

143. Từ chối chức huân tước 

Một chính trị gia uy thế ở Anh không ngừng tìm cách gây ảnh hưởng để được thủ tướng Dioraeli phong chức huân tước. Thủ tướng không biết làm sao thoả mãn được mong muốn của nhà chính trị, nhưng cũng liệu cách từ chối mà không gây tổn thương cho ông. Ông nói, “Tôi xin lỗi, tôi không thể trao cho anh chức huân tước nhưng tôi có thể trao cho anh một điều gì đó tốt hơn. Anh có thể mách với bạn bè rằng, tôi cho anh chức huân tước và anh đã từ chối nó”. 

ڰ 

144. Kẻ tưởng mình có tội  

Ngày kia, một giám mục quỳ trước bàn thờ với niềm sốt mến đạo đức dâng trào, ngài bắt đầu đấm ngực và hô lên: “Con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con! Con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con!”. 

Linh mục quản xứ được thôi thúc bởi gương khiêm tốn này cũng quỳ xuống bên cạnh giám mục, bắt đầu đấm ngực và nói, “Con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con! Con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con!”. 

Người giữ phòng thánh nhà thờ tình cờ có mặt lúc đó đã xúc động đến không thể kìm mình. Anh cũng quỳ xuống, đấm ngực và than van, “Con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con!”. 

Thấy thế, vị giám mục hích khuỷu tay vào linh mục, chỉ người giữ phòng thánh rồi mỉm cười nói: “Coi kìa, một kẻ tưởng mình có tội”. 

VỀ MỤC LỤC

CÁC MỐI TƯƠNG QUAN MỤC VỤ (tiếp theo)

 Lm. Micae-Phaolo Trần Minh Huy, pss. 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI

2011-2012

 

CHƯƠNG HAI

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC

LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG SỨ VỤ TRONG CÁC MỐI TƯƠNG QUAN MỤC VỤ (tiếp theo)

16. Tương quan với giới thiếu nhi

16.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Thiếu nhi là tương lai của Giáo hội và đất nước, cần được uốn nắn từ nhỏ, nên phải dạy giáo lý và đào tạo các em nên người, nên người kitô hữu và nên người tông đồ mai sau.

·        Đầu tư thời giờ, tiền bạc, sách vở cho việc giáo dục các em thiếu nhi về giáo lý và kiến thức xã hội. Khuyến khích các em tham gia buổi học giáo lý theo từng lứa tuổi, với tất cả lòng nhiệt thành yêu mến.

·        Tổ chức việc dạy và học giáo lý sao cho hiệu quả, tăng tiến đức tin và đời sống thiêng liêng. Nên vận dụng sự hấp dẫn của những sinh hoạt vui chơi, ca múa và phương pháp nghe nhìn.

·        Nên để các em tự do lui tới và vui chơi trong khu vực nhà thờ, nhà xứ. Các em sẽ có ấn tượng là ngoài mái ấm gia đình thì nhà thờ, nhà xứ được coi như gia đình thứ hai ghi khắc nhiều kỷ niệm sống đạo đẹp đẽ của tuổi thơ các em.

·        Cần tổ chức các buổi sinh hoạt, liên hoan văn nghệ, vui chơi tập thể như hội chợ, các trò chơi thi đua, các trò chơi vận động để các em phát triển tính sáng tạo và sống hoà đồng với nhau. Cũng đừng quên tổ chức những buổi hành hương, tham quan cho thiếu nhi.

·        Cố gắng sống tinh thần trẻ trung, dí dỏm, quảng đại và vui vẻ, để các em có thể đến gần và coi linh mục là người cha, người thầy đáng mến và gần gũi, yêu thương.

·        Hãy vẽ vào tâm hồn trong trắng các em những dường nét đầu tiên của Phúc âm Chúa; chúng sẽ ảnh hưởng mạnh nơi các em suốt đời.

·        Phải có sự thống nhất đời sống và lời giảng dạy: các em sẽ nhìn vào cách ta sống mà bắt chước hơn là nghe lời ta nói, cho dù hay ho đến mấy đi nữa, hầu giúp các em hướng thiện.

·                 Hãy tiết kiệm lời hứa, nhưng phải giữ lời hứa với mọi người, nhất là với thiếu nhi. Luôn tỏ thái độ dịu dàng và vui tươi với các em.

·        Hàng tuần nên có thánh lễ dành riêng cho các em, để giúp các em tham dự với ý thức, tích cực và sống động, hầu thăng tiến đời sống đức tin và đạo đức của các em. Cũng nên tổ chức những buổi dành riêng cho các em cầu nguyện và chầu Thánh Thể.

·        Quan tâm tới việc giáo dục nhân bản và giáo dục đức tin cho các em, qua việc mở các lớp học Giáo lý phù hợp theo từng lứa tuổi của các em. Có chương trình cụ thể cho việc Xưng Tội, Thêm Sức trong năm.

·        Trong giao tiếp nên dùng những cử chỉ gần gũi, lời nói nhẹ nhàng thân thiện và tỏ ra hiểu nhu cầu của các em. Nên coi các em như những người con để tận tình hướng dẫn, chỉ bảo hầu giúp các em sống mỗi ngày một tốt hơn.

16.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·        Không quá nghiêm khắc la hét, quát tháo hay doạ nạt, nhất là đừng bao giờ đánh các em vì bất cứ lý do gì. Phải chấp nhận và nhẫn nại chịu đựng tính hiếu động, thích chơi nghịch cách thoả mái, tự do, hồn nhiên của các em. Nhưng cũng không quá dễ dãi, đừa cợt với các em, vì như vậy không thể giáo dục các em được.

·        Tuyệt đối không đánh trẻ nhỏ, không dùng hình phạt có tính nhục mạ, xúc phạm đến nhân phẩm em nào trước mặt cộng đoàn, trong nhà thờ, nhất là giữa thời buổi tôn trọng và đề cao cá nhân và trẻ con như hiện nay.

·                 Không bao giờ được lợi dụng sự thân thiện, đơn sơ của trẻ để có những hành vi đồi bại làm gương xấu cho các em. Không bao giờ gọi trẻ vào phòng riêng một mình, tránh chiều chuộng em này hơn em khác. Hãy thận trọng và đứng đắn đối với trẻ nữ.

·        Không coi thường các em mà hứa suông bao giờ. Nếu đã hứa gì thì đừng rút lại và phải giữ lời hứa. Không nói những lời cũng như làm những việc thiếu lịch sự trước mặt các em. Vì chúng như tờ giấy trắng, cần in những lời nói việc làm tốt đẹp vào tâm hồn chúng.

·        Không nên khoán trắng thiếu nhi cho người phụ trách, để rồi chúng như thế nào cũng không biết. Không nên phó mặc thiếu nhi cho thầy xứ, các dì, giáo lý viên, ông bà quản… trong việc dạy giáo lý. Đừng quá bủn xỉn trong việc đầu tư: tiền của, thời gian… cho việc giáo dục đức tin cho các em.

·        Đừng bao giờ quở trách các em trong khi tham dự phụng vụ, nếu cần hãy chỉ bảo các em cách dịu dàng. Không la mắng khi không cần thiết, và sau khi la mắng hãy luôn làm hòa cách vui vẻ, trung thực.

 

17. Tương quan với người giúp nhà xứ, nhất là cô bếp

17.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Nhu cầu có người giúp việc là điều chính đáng. Tuy nhiên, người nữ giúp việc đừng có trẻ quá (phải đủ tuổi luật buộc), đừng quá nhan sắc, đừng quá nhí nhảnh, đừng quá khoe khoang, đừng lắm lời, đừng quá tò mò chuyện người khác, cũng đừng có tiếng xấu, nghĩa là đừng để nên cạm bẫy cho cha hay làm dịp cho người khác ngờ vực.

·                 Đừng bao giờ hỏi ý kiến hay tâm sự với họ về nỗi đau buồn, chán chường, hoặc nỗi thất vọng của mình. Cây leo trước tiên bắt đầu bò từ gốc rễ, không ngờ nó lớn lên, cao lên rồi nó vấn vít đè ngột cả những cành cao nhất. Cây leo của cha bò tới đâu rồi?

·        Nhớ lời thánh Cypriano dạy phải luôn nghiêm khắc đối với phụ nữ và thi hành quyền bính nghiêm trang đứng đắn. Tại nhà xứ, quyền bính phải được thi hành dưới hình thức quân chủ chứ không phải lối dân chủ (bàn hỏi và theo ý kiến người giúp việc).

·        Hãy liệu để người nữ giúp việc biết niềm nở tiếp đón các linh mục, tu sĩ, khách khứa, người nghèo và bổn đạo. Người nữ giúp việc càng kém phẩm chất bao nhiêu, càng làm cha mất lòng dân và đưa cha đến thất bại, suy sụp bấy nhiêu.

·        Phải thông cảm với họ là họ phải cáng đáng bao nhiêu là những công việc lặt vặt không tên trong ngày. Nên có những lời động viên khích lệ, nhất là trong những lúc bận nhiều công việc. Có những lời khen hoặc chê đúng lúc, đúng hoàn cảnh với ý hướng xây dựng. Nên thông cảm và tha thứ những thiếu sót hay lỗi lầm của họ.

·        Tôn trọng giá trị phục vụ của họ và hãy trả tiền công cho họ cách xứng đáng và sòng phẳng. Còn họ giúp không thì cũng phải tìm cách bù đắp cho họ một cách tương xứng. Nên tặng cho họ những món quà vật chất nhân dịp lễ tết và thăm hỏi gia đình nhân dịp này. Cũng nên khôn khéo và tế nhị quan tâm đến nhu cầu và ước vọng của họ, giúp đỡ đời sống của họ và bố mẹ họ để họ nhiệt tâm giúp việc.

17.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·                 Không để người giúp việc đem chuyện thiên hạ vào nhà xứ hoặc chuyện nhà xứ ra cho thiên hạ. Ngày nào bà trở thành tờ báo sống, nó sẽ làm người ta khó chịu và có trăm ngàn phản ứng sai lạc. Nếu vì cô bếp mà phải bị ngờ vực tai tiếng thì hãy để cho về ngay.

·        Không làm cho cô bếp phải khóc lóc: nước mắt đàn bà là vũ khí lợi hại của họ, nhưng là thuốc độc và cạm bẫy khó lường cho đàn ông. Người ta bảo rằng có người biển sâu sông rộng không chết đuối mà lại chết đuối ở hố trâu nằm!

·        Tự làm lấy những công việc vệ sinh, dọn dẹp trong phòng riêng, không nên để cô bếp suốt ngày lục sục trong phòng cha, dễ khiến người ngoài nghi ngờ, khó chịu.

·        Không nên để cô bếp vào phòng riêng của cha quét dọn và nói chuyện lâu giờ. Không kêu cô bếp vào phòng ban đêm để giúp đỡ việc này việc nọ hay vào phòng riêng của họ. Những khi đau yếu bệnh tật, nên nhờ thêm người giúp đỡ chứ không phải chỉ mình cô bếp lo lắng cơm cháo, xức dầu, xức thuốc... “Tối trời, nhà tranh cũng như nhà ngói!”

·                 Không quan tâm quá mức đến họ và việc nội trợ của họ. Không nên quá pha mình vào việc nội trợ, nên để cho người giúp việc một phần tự do trong nhiệm vụ của họ. Không nên quá gần gũi. Phải có giới hạn và khoảng cách cần thiết. Không quá thân mật, đùa cợt, dễ gây hiểu lầm tổn thương uy tín và danh dự.

·        Không nên để họ can thiệp vào công việc mục vụ của mình. Không tâm sự với họ về bất cứ điều gì, nhất là những nỗi đau buồn hay chuyện riêng của mình: sự thông cảm, chia sẻ đó sẽ là một bẫy ngầm.

·                 Không được khinh dể và thiếu bác ái đối với họ, nhiều khi bác ái đối với người ngoài nhưng lại không bác ái với người trong nhà.

·        Không để cô bếp ăn chung, nhất là khi có khách; khách sẽ rất khó chịu vì khó nói chuyện. Khi ăn cơm, cha có thể tiếp và trao đổi với giáo dân. 

 

18. Tương quan với Chính Quyền

18.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Tính nhã nhặn là hoa thơm của phép lịch sự, nó bắt nguồn từ đức khiêm nhượng và bác ái. Linh mục nhã nhặn hấp dẫn và xây dựng kẻ khác, đồng thời được thêm uy tín và tín nhiệm.

·                 Chấp hành những nghĩa vụ chính đáng của một người công dân. Tôn trọng các cấp chính quyền, bằng thái độ cởi mở và thân thiện, bình tĩnh cùng nhau trao đổi, đối thoại và nghiên cứu giải quyết các vấn đề liên quan giữa hai bên. Cộng tác trong vấn đề thực hiện công ích như an sinh xã hội, phục vụ người nghèo, thăng tiến con người, đẩy lui những tệ nạn xã hội…

·        Giữ liên lạc thiện chí với chính quyền. Thỉnh thoảng nên viếng thăm xã giao để tỏ lòng kính trọng họ, nhất là những dịp lễ lớn của Đất Nước và truyền thống Dân tộc. Cũng nên mời họ tới dự những dịp lễ lớn của mình để cảm thông và hiểu biết nhau hơn.

·        Sống giản dị và ân cần tiếp đón mọi người, sẵn sàng lắng nghe và đừng bao giờ để ai đến gặp mình phải bất mãn ra về. Nên tiếp xúc đối thoại để thông cảm với nhau hơn về những vấn đề xã hội và cuộc sống của dân chúng, hầu cộng tác lành mạnh lo cho những người nghèo trong lãnh địa mình phục vụ, theo đường hướng của Giáo Hội.[444]

·        Cố gắng tỏ cử chỉ yêu thương thật lòng, cảm thông, lắng nghe, trao đổi, thảo luận và giúp họ chu toàn bổn phận lo cho dân giàu nước mạnh, cổ vũ và phát huy những sáng kiến mới.

·        Khi có dịp, có thể cùng làm việc với họ trong các vấn đề xây dựng cuộc sống của người dân, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, đạo đức và luân lý, bác ái và từ thiện.

·        Tôn trọng họ và coi họ như những người anh em của mình mà Chúa muốn cứu độ.

18.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·        Không cộng tác trong vấn đề chính trị, nhất là chính trị đảng phái hoặc tổ chức chính trị nghịch lại ý muốn của Hội Thánh. Không nên gieo mình vào chính trị, nếu không muốn người ta động đến việc tôn giáo của mình.

·        Không nóng nảy kiêu căng, cãi cọ khi vừa bị phản đối, nhưng tìm thông cảm với chính quyền để loại bỏ những điều nghi kỵ; khi cần nên hy sinh và chịu đựng đôi tí để giữ bình an và hòa khí; xử sự có tư cách và tha thứ các lỗi lầm của họ.

·        Đừng tránh gặp chính quyền hay có gặp là chỉ để tấn công với những lời chê trách chua chát. Trong các buổi họp, cũng như trên toà giảng, không nói gần nói xa với hậu ý, nói ám chỉ để đả kích, bêu xấu… nhà chức trách.

·        Không nhượng bộ những quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của Giáo Hội, của cộng đoàn, của giáo dân, của con người đúng với sự thật, công bằng và công lý. Không nôn nóng cho được việc mà hối lộ tiêu cực hay manh động đấu tranh.

·        Phải tránh thái độ đối kháng hay khép kín, nhưng hãy mở lòng ra để đối thoại. Và khi giao tiếp, phải tránh những cử chỉ và lời nói thiếu tôn trọng người đối thoại và thiếu tư cách về phía mình.

·        Khi Chính quyền cần gặp gỡ và trao đổi với giáo dân, hãy liệu có nơi thuận tiện, chứ tuyệt đối không đưa vào nhà thờ để chính quyền gặp gỡ bà con giáo dân, nhất là khi nội dung đi ngược lại giáo huấn của Hội Thánh.

·                 Không chống lại các chính sách hợp lý của Nhà Nước; không cản trở giáo dân trong những bổn phận dân sự họ phải đóng góp; không cản trở chính quyền trong việc bài trừ các tệ nạn, các tội phạm.

·        Tránh độc thoại, phê phán và giảng chửi chính quyền trước mặt giáo dân trong thánh lễ. Như thế sẽ làm cho họ gặp khó khăn trong việc lãnh đạo và công tác, dẫn tới nghi kỵ và đối kháng lẫn nhau.

·        Không được cộng tác với họ trong các vấn đề gây tổn thương đức tin, phong hóa và luân lý. Không để họ gợi ý và ép buộc, điều khiển mình theo ý hướng và mục đích của họ.

·        Nỗ lực sống đúng thiên chức linh mục, chiến đấu để tránh rơi vào tình cảnh mà con người yếu đuối thường mắc phải là vấn đề nhục dục giới tính nam nữ; cảnh giác kể cả trường hợp có thể bị gài bẫy. Nếu có lỡ mắc phải, hãy khiêm tốn chân thành trình bày xin thẩm quyền tìm cách giải gỡ, luôn đứng về phía Chúa và Giáo Hội; càng chấp nhận điều kiện để che đậy hầu bảo vệ thanh danh cá nhân càng sa lầy, và cuối cùng khi hết giá trị lợi dụng họ cũng bạch hóa ra thôi.

VỀ MỤC LỤC
CHOLESTEROL CÓ XẤU KHÔNG NHỈ? 

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC            

Sau tiệc tùng trong dịp lễ Tết thì cũng không ít bà con mình sẽ để ý tới vấn đề sức khỏe liên quan tới việc ăn uống. Một trong các ưu tư đó là liệu có cần đi bác sĩ để coi xem mỡ cholesterol trong máu của mình có lên cao sau những linh đình liên hoan với thịt mỡ, dưa hành, heo vịt quay béo ngậy. Vì cholesterol vốn đã được gán cho là gây ra nhiều bệnh cho trái tim thân yêu của con người. Cholesterol có thật sự “xấu” như vậy không?  

Xin cùng tìm hiểu.

 

1. Cholesterol là gì?

Cholesterol là một chất béo được bao bọc bởi một lớp đạm hiện diện trong cơ thể của các loại động vật kể cả con người. Mặc dù bị mang tiếng là không tốt, nhưng cholesterol là một phần cần thiết của màng các tế bào, được dùng để sản xuất một số kích thích tố, tạo ra sinh tố D trên da bằng tia nắng   cũng như tạo ra acit mật để tiêu hóa chất béo. Cholesterol chiếm 70% các chất cấu tạo tế bào của não bộ.

 

2. Có mấy loại cholesterol?

Có 2 loại cholesterol: 

a. Cholesterol trong máu:

Thử máu cho ta biết số lượng cholesterol lưu hành trong máu.

85% cholesterol trong máu là do gan sản xuất, 15% còn lại là do thức ăn có cholesterol mà ta tiêu thụ như trứng, chất béo từ gà, vịt, heo, bò. Vì gan sản xuất nhiều cholesterol cho nên  một số người dù ăn thực phẩm có nhiều cholesterol mà cholesterol trong máu vẫn thấp. Ngược lại một số người khác ăn ít cholesterol mà cholesterol vẫn cao.

Vì là chất hòa tan trong dầu mỡ, cho nên cholesterol không tự lưu hành trong máu. Để luân lưu, cholesterol được một loại chất đạm là lipoprotein mang đi. Có 2 loại lipoprotein: LDL (Low density lipoprotein) mang 2/3 tổng số cholesterol và HDL (high density lipoprotein) chuyên chở 1/3 cholesterol còn lại. Về kích thước LDL lớn hơn HDL. 

Có giải thích nói HDL được coi như phần tử hiền lành tốt bụng vì y ta vừa không cho cholesterol bám vào thành động mạch mà còn đưa cholesterol ở máu vào gan để rồi được loại ra khỏi cơ thể qua ruột. Nhờ đó bớt mỡ lưu thông trong máu, làm giảm nguy cơ đóng mỡ ở thành động mạch, giảm nguy cơ bệnh vữa xơ động mạch.  

Ngược lại cô em song sinh LDL thì láo lếu hơn vì đương sự  để cholesterol bám vào thành động mạch, gây ra vữa xơ tắc nghẽn và tăng rủi ro bệnh tim.

Ngoài ra còn một loại thứ ba gọi là VLDL, very low density lipoprotein, chuyên trở một lượng rất ít cholesterol và một chất béo khác gọi là triglyceride.

           

b. Cholesterol do thực phẩm có nguồn gốc động vật cung cấp.

Xin nhớ là thực phẩm Thực vật không có cholesterol nhưng vẫn có chất béo.

 

3. Cholesterol trong cơ thể từ đâu mà ra?

Như đã nói ở trên, trong cơ thể, 85% cholesterol là do gan sản suất, khoảng 1000 mg/ ngày, vừa đủ để thỏa mãn nhu cầu của cơ thể, vì thế đúng ra ta cũng không cần tiêu thụ thêm cholesterol từ thực phẩm. Ngoài ra, khi ta tiêu thụ nhiều cholesterol thì gan tự động giảm sản xuất.

 

4. Làm sao biết có cholesterol trong máu?

Đo cholesterol trong máu cho biết số lượng cholesterol toàn phần, HDL, LDLVDRL.

Cholesterol các loại được đo bằng đơn vị phần ngàn của gram ( milligram) mg trên phần mười lít (decilitre) dl máu. Viện Sức khỏe  Quốc Gia Hoa Kỳ đã đưa  các chỉ số sau đây để  dùng làm tiêu chuẩn: 

                               Lý tưởng             Tạm được                Không tốt

Tổng số
Cholesterol:
    Dưới 200 mg/dl    200-240 mg/dl    Trên 240mg/dl

HDL
cholesterol:
     Trên 45mg/dl          35- 45 mg/dl       Dưới 35mg/dl

LDL
cholesterol:
     Dưới 130 mg/dl    130-160 mg/dl     Trên 160mg/dl

Sau 20 tuổi, nên đo cholesterol mỗi 5 năm một lần; đo thường hơn khi cholesterol lên cao.

 

c- Ngoài ra chất Triglyceride và VLDL cũng cần được theo dõi. Mặc dù vai trò của chúng trong nguy cơ gây bệnh tim chưa được xác định, nhưng nhiều chứng minh cho là khi chất này lên cao thì đều không tốt cho tim.

Lượng Triglyceride dưới 200mg/ dl được coi như bình thường. Nó thường lên cao trong bệnh tiểu đường, bệnh thận.

 

5. Cholesterol có gây nguy hại cho sức khỏe không?

Chất béo cũng như cholesterol không phải là chất có hại đối với cơ thể mà là chất sinh tử cho mọi tế bào động vật. Cho nên thực là không công bằng khi gán cho mỡ béo danh vị thực phẩm “xấu”. Nhưng một chế độ dinh dưỡng không cân bằng, kém đa dạng, quá nhiều chất béo có thể đưa tới hậu quả bệnh tật cho con người.  

Xin nhắc lại là để hoạt động hữu hiệu, các mạch máu, cũng như các bắp thịt, cần được tốt mạnh, uyển chuyển  và giữ đàn tính. Lòng mạch máu cần trơn tru để máu dễ dàng lưu thông.

Trong bệnh vữa xơ động mạch, thành động mạch có những bựa gồm có cholesterol và tế bào máu đóng vào, khiến nó trở nên thu hẹp gây trở ngại cho sự vận chuyển của máu.

Máu huyết  tới tim giảm, tim kém được nuôi dưỡng, giảm hoạt động rồi một lúc nào đó đưa đến cơn kích tim.

Những miếng bựa có thể bứt rời thành mạch máu, ngao du khắp cơ thể theo hệ tuần hoàn rồi gây ra nghẽn mạch. Lên đến não nó tạo ra tai biến mạch máu não, tới tim nó gây ra nhồi máu cơ tim.  

Ngoài ra cholesterol trong máu lên cao theo số tuổi; khi cân quá nặng nhất là béo mập ở vùng bụng; khi có các bệnh tiểu đường, cao huyết áp; di truyền cao cholesterol từ bố mẹ; khi có nếp sống không lành mạnh như lạm dụng rượu, thuốc lá, có đời sống quá tĩnh tại hoặc có nhiều mối lo âu, bất mãn.

 

6. Làm sao giảm cholesterol?

- Điểm cần để ý trước hết là giảm tiêu thụ cholesterol không ảnh hưởng nhiều tới lượng cholesterol trong máu bằng  khi ta bớt tiêu thụ thực phẩm có chất béo  bão hòa.

- Thứ hai là trong thực phẩm, tất cả cholesterol đều giống nhau, không có loại xấu loại tốt. Nhưng trong máu thì cholesterol trở nên tốt hay xấu là tùy theo loại lipoprotein chuyên chở  nó.

- Thứ ba là chất béo bất bão hòa đơn hoặc đa dạng từ thực vật không gây ra sự vữa như cháo của chất mỡ trong lòng động mạch.

 

Sau đây là một số gợi ý để chúng ta cùng nhau hạ thấp cholesterol trong máu: 

1- Giảm tiêu thụ thực phẩm có nhiều mỡ béo như kem, bơ, sữa nguyên chất, cheese, da gà, mỡ trên thịt nạc, mỡ heo.

2- Giảm thiểu  thực phẩm có nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng, gan. Lòng trắng trứng không có cholesterol. Một lòng đỏ trứng có tới 250mg cholesterol.

3- Giảm dầu dừa, dầu hạt cọ (palm), vì có nhiều béo bão hòa. Dầu này thường có trong kẹo súc cù là, bánh bích quy.

4- Dùng nhiều hơn dầu bắp, safflower. dầu olive, dầu canola, trái  bơ avocado, vừng, dầu đậu phọng, vài loại cá vì chúng có tác dụng làm hạ cholesterol.

5- Giảm trans fatty acid như margarine thỏi vì tác dụng làm gia tăng cholesterol trong máu. Margarine mềm ít  hại hơn.

6- Tăng tiêu thụ omega 3 fatty acid, có nhiều trong cá  thu (mackerel), cá chình  americain eel, cá ngừ (tuna),  cá trích (atlantic herring),  cá sardines, cá hồi (trout).

7- Tăng lượng chất xơ có trong ngũ cốc, rau trái, mì ống mì sợi vì các chất này có rất ít béo bão hòa, cholesterol và cho ít năng lượng.

8- Giữ sức nặng cơ thể ở mức trung bình, tránh bị mập phì  nhất là mập ở vùng bụng.

9- Tập luyện cơ thể đều đặn để làm tăng cholesterol hiền lành  HDL, làm giảm cholesterol lếu láo LDL, giảm kí, hạ huyết áp cao.

10- Đôi khi với tất cả các đề phòng kể trên, cholesterol trong máu vẫn còn cao vì ảnh hưởng của gene, vì vui miệng ăn nhiều mỡ béo thì phải cầu cứu tới dược phẩm.  

Việc dùng các dược phẩm này cần được bác sĩ cân nhắc kỹ càng tùy theo từng trường hợp, vì khi đã uống thì phải uống trong nhiều năm, có khi suốt cuộc đời. Thuốc lại rất đắt tiền và vài loại thuốc có những tác dung phụ mạnh, chẳng hạn là làm hại tới lá gan.

 

Kết luận. 

Các tài liệu về chất béo-cholesterol có quá nhiều, đôi khi làm ta bối rối. Sau hơn 50 năm, khoa học đã làm sáng tỏ một phần nào vai trò của cholesterol cao trong máu đối với bệnh vữa xơ động mạch, một nguyên nhân đưa tới tử vong và bệnh hoạn vì nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nhưng nguyên lý sinh bệnh của vữa xơ này còn nhiều điều cần được khai sáng tiếp. Khi đó, việc điều trị và ngừa bệnh này hy vọng sẽ dễ dàng và công hiệu hơn

Hơn nữa, ta không thể gạt bỏ chất béo khỏi khẩu phần dinh dưỡng vì cơ thể cần năng lượng từ chất béo, cần sinh tố tan trong mỡ, cần chất béo để cấu tạo màng tế bào, mô thần kinh, tim...

Cho nên giản dị hơn cả là khi muốn tránh bệnh tim mạch do các chất béo này gây ra, ta chỉ việc bớt tiêu thụ thực phẩm do động vật gia súc như thịt, sữa và phó sản; tăng thực phẩm từ thực vật và vận động cơ thể.

Để bảo toàn trái tim thân thương cũng như sức khỏe tổng quát.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

www.bsnguyenyduc.com

VỀ MỤC LỤC
Nhng điu mi l va xy ra trong Hi Thánh
                                                                       Giáo sư Đỗ Mạnh Tri  

 Trong vòng 30 ngày, t 11.02.2013 đến 13.03.2013, hai biến cố làm rúng động Giáo hội Công giáo, ảnh hưởng tới toàn cõi Thiên Chúa giáo và có l toàn thế gii.  Bin Đức 16 từ nhiệm. Phan Xi Cô được bầu làm Giám mục Rôma. Thêm vào đó, một biến cố tuy mang tính địa phương nhưng không kém phần quan trọng cho Việt Nam: Bản góp ý ca Hi đng Giám mc Vit Nam cho d tho sa đi Hiến Pháp 1992. Cả ba biến cố này như quyện vào nhau mang lại vui mừng và hy vọng
 

Bin Đc 16 t nhim.

Ngày 11.02.2013,  trước Công ngh Hng y, Biển Đức 16 tuyên bố: "Tôi đã triu tp Công Ngh này, không chỉ để bàn về ba án phong thánh nhưng còn là để thông báo với anh em một quyết định rất quan trọng cho đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến s xác tín rng năng lc ca tôi, do tui cao, không còn phù hp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo chủ. Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, mà còn và không kém, bng li cu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xu đi đến mc tôi phi tha nhn s bt lc ca tôi không th đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó. Vì thế, ý thc rõ ràng mc độ nghiêm trọng của hành động này, và một cách hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô, mà các Hồng Y đã giao phó cho tôi ngày 19 Tháng Tư năm 2005. Như vậy, kể từ 20 giờ ngày 28 Tháng Hai năm 2013, Ngai Tòa Phêrô sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo Hoàng bởi những vị có thẩm quyền." 

Trong sut thi gian dài cng tác vi Gioan Phaolô 2, Hng y Ratzingerquá biết thế nào là thực hiện sứ vụ giáo chủ "bằng lời cầu nguyện và đau khổ". Gương hy sinh của cố giáo chủ thật đáng thán phục. Tuy nhiên, trong một thế giới u ám, đặt "những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin", người kế vị Thánh Phêrô cần cả năng lực của trí óc lẫn thể xác. Và ngài từ nhiệm hoàn toàn vì vn đ sc khe (ch không vì mt lý do nào khác như các phương tin truyn thông din gii).

Theo giáo luật, giáo hoàng có quyền từ nhiệm, và trong lịch sử Giáo hội, cũng đã có nhng giáo hoàng t nhim.

Chính Bin Đc 16 đã không ngn ngi bàn ti trường hợp ngài có thể thoái vị  trong tập Ánh sáng Trn gian (2005).Dĩ nhiên, "Khi có đại biến, không được trốn chạy." Nhưng: "Mình có th rút lui trong lúc yên hàn hoc đơn giản khi thấy mình không đảm đang được nữa (…). Khi một giáo hoàng thấy rõ rng trên bình din th lý, tâm lý và tâm linh mình không đảm nhiệm được gánh nng ca s v mình được trao phó nữa, thì mình có quyn và, tùy theo hoàn cnh, có bn phn phi rút lui."

 

Có quyn, và tùy theo hoàn cnh, có bn phn… Rõ ràng, dt khoát. Nhưng dù biết thế, chúng ta vẫn bị sốc khi Biển Đức 16 thực sự từ nhiệm. Đối với riêng tôi, đây là cử chỉ quan trọng nhất của vị giáo chủ đầy bất ngờ này. Ai cũng biết ngài là một nhà thần học lớn, một trí thức thượng thặng. Với tư cách giáo chủ, 3 bức thông điệp và những lời giảng dạy sẽ để lại dấu ấn lâu dài trong Giáo hội. Nhưng hành vi từ nhiệm là tiếng gồng rung động toàn Giáo hội và vang dội ra ngoài Giáo hội.

Người ta có quyền thắc mắc, thậm chí bất bình vi Bin Đc 16 vì bn din văn ti Ratisbonne, vì cách ngài gii quyết v my giám mc ca nhóm Lefebvre hoc chê ngài bo thủ v.v..nhưng khi ngài từ nhiệm, không ai có thể không công nhận sự dũng cảm thánh thin và lòng khiêm tn ca ngài. Riêng đối với người công giáo, việc từ nhiệm này mang tính thiêng liêng, siêu việt. Vì đó là một việc làm ý thc, sáng sut và hoàn toàn tự do, sau khi tự vấn lương tâm trước mặt Chúa.

Ý nghĩa quan trng nht ca vic t nhiếm này, theo tôi nghĩ, là s phân biệt giữa sứ vụ và con người ca giáo hoàng. Giáo hoàng là người nối tiếp Phê rô, đó là trách vụ linh thiêng, nặng nề. Với tư cách Giáo hoàng, Biển Đức 16 từ nhiệm vì, với tư cách làcon người, ngài không còn đủ năng lực thi hành sứ vụ.

 

T nhim, ngài cho ta vài bài hc và m li cho nhng v kế nhim:

1) Giáo hoàng cũng là một con người như bất cứ ai. Cũng sinh lão bnh t, cũng tham sân si. Biển Đức 16 thày dậy đức tin, là tấm gương trong sáng của lòng tin. Nhưng trong lch s Giáo hi, thiếu gì giáo hoàng bạo ngược, vô luân. Thời kỳ Phục Hưng chẳng hạn, ngôi tòa Phêrô thành đối tượng tranh chấp đẫm máu của đám quý tc Rôma. Nhng Borgia, Colonna, thay nhau, tranh giành nhau, chém giết nhau hòng đem người phe mình lên chiếm hoc gi ngôi giáo hoàng. Có giáo hoàng b, ri giáo hoàng con, bu đoàn thê tử, ăn chơi trác táng.Kính trọng sứ vụ giáo hoàng, nhưng chớ thần thánh hóa giáo triều và con người của giáo hoàng. Ít khi Tòa Thánh tt lành như thời nay, thế mà Giáo triều hãy còn nhiu vn đ.

2) Khi không còn đủ khả năng thi hành sứ vụ được trao phó, thì chng nhng nên mà có khi còn phi rút lui. Giáo hoàng mà như thế, thì hng y, giám mc, linh mc khi không còn đủ khả năng thi hành sứ vụ được trao phó, cũng phải như thế thôi. Còn nhng k chng nhng không đt trng tâm đi mình vào s v mà còn phản lại sứ vụ bằng cách  vin vào 'chức thánh' để kiếm chác bng lc, đòi hi nhng quyn li hoàn toàn trn tc, thì li ti b trên, ti giáo dân không bt h phi rút lui.

3) Thực tế, từ đây, giáo hoàng từ nhiệm không còn là chuyn l na. Trong tương lai, tùy hoàn cảnh, các giáo hoàng cũng có quyền hay có bổn phận từ nhiệm, về hưu như một cha s.

4) Đương nhiên, Biển Đức 16 từ nhiệm, mở lối cho: 

Phan xi cô.

Chuyn t nhim ca Bin Đc 16 đã bất ngờ. Việc Hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu Giáo hoàng còn bt ng gp bi. Các thông tn xã, báo, đài, công giáo, không công giáo đưa ra nhiều tên. Nhưng không ai nhắc tới Hồng y giáo chủ của Buenos Aires. Để làm ra vẻ mình có chân trong nên mới đầy đủ tin tức, các medias đã son sn vô s tiu s ca nhng v papabile (có kh năng làm giáo hoàng), chỉ chờ có giáo hoàng mới là tung ra. Đâu ng, tt c phải vội vàng lên Net, lượm lặt vài mẩu tin về  con người này[1]. Bt ng, bt ng, bt ng !

Bất ngờ đầu tiên: têngiáo hoàng ca ngài là Phan Xi Cô. Thánh Phan Xi Cô Assisi rt quen thuc, nhưng chưa có giáo hoàng nào lấy tên đó.

Tại cuộc gặp gỡ giới truyền thông ngày 16.03, Đức Thánh Cha kể: "Trong khi bầu cử, ngồi cạnh tôi là người bạn rất thân, Hồng y Claudio Hummes, tổng giám mục Sao Paolo, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ. Khi diễn tiến có vẻ nguy hiểm, ngài khuyến khích tôi. Rồi khi đạt hai phần ba số phiếu và các hồng y vỗ tay vì đã bu được giáo hoàng, ngài ôm hôn tôi và nói: "Chớ quên những người nghèo!"Lời nói trọng đại: những người nghèo ![2] Khiến tôi nghĩ ti (ngài ch ngón tay vào đu) Phanxicô Assisi. Sau đó, trong khi tiếp tc kim hết các phiếu, tôi nghĩ ti nhng cuc chiến tranh, mà Phanxicô là người của hòa bình. Và tên người đã nhp vào tim tôi : Phanxicô, người của nghèo khó, của hòa bình; người yêu thương và bảo vệ toàn cõi To vt. Hin nay, quan h ca chúng ta vi to vật không mấy thiết tha và người đem lại cho chúng ta tinh thần hòa bình này là mt người nghèo.  Tôi mong muốn lắm thay một Giáo hội nghèo, và cho người nghèo !"

Chn danh hiu Phanxicô, tân giáo hoàng không làm gì khác là tiếp tc cuc sng đơn sơ, nghèo khó của ngài từ trước tới nay. Nhưng tại sao danh hiệu Phan Xi Cô lại làm giới truyền thông bỡ ngỡ? 

Phan Xi Cô, mt danh hiu ít phù hp vi ngôi giáo hoàng?

Gii truyn thông công giáo cũng như không công giáo đã không ngt loan báo nhng điu mi l: đây là lần đầu tiên có mt giáo hoàng ngoài Âu châu, lần đầu tiên một tu sĩ dòng tên lên ngôi giáo hoàng, ln đầu tiên một giáo hoàng lấy tên Phan Xi Cô. Nói tới một giáo hoàng ngoài Âu châu, người ta vẫn còn nghĩ ti tương quan lực lượng, tranh giành ảnh hưởng, vẫn còn mc cm t tôn hay t ty ca thi đã qua. Làm như phải có giáo hoàng phi châu thì người da đen mới bằng người da trắng, phải có giáo hoàng á châu thì người á châu mới xóa bỏ được cái nhục bị đô hộ thời thuộc địa. Một tu sĩ dòng tên làm giáo hoàng cũng khiến báo chí phanh phui quan hệ phức tạp, đôi khi gay go giữa  giáo hoàng đen (Bề trên Dòng Tên) và giáo hoàng trng. Vn là chuyn tương quan lực lượng. Và "lần đầu tiên", ám chỉ một lực lượng mới đang chiếm ưu thế ? Giống như Trung Quốc hay Ấn Độ đang vươn mình ln át Âu châu cũ k trong mt trn toàn cu hóa? Giáo hi và Giáo hoàng cũng trong thế gii này thôi. Nhưng nhìn vn đề như vậy, liệu có quên bản chất của Giáo hội và Giáo hoàng không? Hội thánh Chúa ở giữa thế gian nhưng không thuộc v thế gian.

Lần đầu tiên một giáo hoàng lấy tên Phan Xi Cô, đáng lưu ý hơn. Nhưng đáng lưu ý không bi vì là ln đu tiên, mà vì tại sao các giáo hoàng trước, không vị nào chọn tên Phan Xi Cô? Phan Xi Cô Assisi (1182-1226), v thánh 'bình dân' nht trong gii công giáo cũng như ngoài công giáo, vị thánh có lẽ Phật giáo nhất trong các vị thánh công giáo; Phan Xi Cô người nghèo khó (Povorello); từ bỏ giàu sang, quyền lực, sống trơ trụi và làm bạn với thiên nhiên, với tạo vật muôn loài; giảng cho chim muông, ca tụng Chúa với anh mặt trời, chị mặt trăng và cả hiền thê sự chết. Được Giáo hội phong hiển thánh ngay 2 năm sau khi qua đời. Một tên như vậy đáng chọn lắm chứ, thay vì lấy đi lấy lại, như Bin Đc, đã 16 lần, Piô 12 lần và Gioan tới 23 lần ? Nếu chưa có giáo hoàng nào lấy danh hiệu Phan Xi Cô, thì, theo thin ý, lý tưởng Phan Sinhkhông phù hp vi ý tưởng thông thường của Giáo hội, Giáo triều và người công giáo về ngôi vị giáo hoàng.Ý tưởng có v khích bác này da vào lch s.

Thc tin lch s cho ta thy mô hình hoàng đế ca đế quc La Mã (một César, một Néron) và chế độ bàn giấy (bureaucratie), chế độ vị luật của đế quốc này đã dn dn xâm nhp ngai tòa Phêrô. Grégoire VII, vi sc lnh "Dictatus Papae", năm 1075, biến giáo hoàng thành một nhà độc tài. Tượng và ảnh Phêrô sừng sững, cầm chìa khóa Nước Trời, thành biểu tượng của uy quyền. Vatican kín cổng cao tường với vị giáo chủ 'bất khả ngộ' và một giáo triều uy nghi, cách biệt, đã thành một trung tâm quyền lực có toàn quyền trên hơn một tỉ tín đồ vàcách ly vi thế gii bên ngoài. ChínhBiển Đức 16, trong Ánh Sáng Thế Gian, cũng nhận xét: "Sự kiện những Giáo hoàng tiên khởi đều tử đạo có ý nghĩa. Giáo hoàng  không được đưa mình ra như một ông hoàng cao sang." Ngài nói thế vì lch s giáo triu đã tng din ra như thế.Mặc dầu, như ngài nói:"giáo hoàng có đấyđể làm chứng cho Đấng đã b đóng đanh, và chính ông phải sẵn sàng thi hành sứ vụ của mình dưới hình thc đó, trong sự liên kết với Người". Trong sut nhim kỳca mình, Bin Đức khiêm tn thi hành s v, nhưng ngài cũng không thoát ra khi khung cnh và nghi thc ca Vatican.Cho tới khi về hưu. 

M ca.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta so sánh Phan Xi Cô với Gioan 23, người đã triu tp Vatican 2. Khi được hỏi tại sao triệu tập Công đồng, cố giáo hoàng đã tr li bng cách m ca s. M để đi tới và đi ra tận cùng thế giới. Sứ điệp Tin Mừng không dành riêng cho Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Kitô giáo. Tin Mừng không có biên giới. Chúa đến cho toàn thể nhân loại hôm qua, hôm nay và ngày mai. Thập giá kéo lên tất cả. Mở cửa, cũng là để thế giới tràn vào Giáo hội. Thế giới này đầy đen tối nhưng cũng không thiếu ánh sáng. Ánh sáng của mọi Giáo hội Kitô giáo nhưng không Công giáo. Ánh sáng của những tôn giáo ngoài Kitô giáo, của những đoàn người bị vùi dập muốn đứng dậy, và của cả những người vô thần. 

Giám mc Rôma.

Phan Xi Cô trước quảng trường thánh Phêrô, đối diện với mấy trăm ngàn người của đủ mọi quốc gia và qua biển người này, đối diện với thế giới, cử chỉ đầu tiên củangài là từ khước choàng giây giáo hoàng. Ngài xưng mình là Giám mc Rôma, thân chào anh chị em giáo phận Rôma như người quen chào hỏi nhau thường ngày. Và nói tiếp với một chút hài hước: "Anh chị em biết nghĩa vụ của Mật nghị Hồng y là cung cấp một giám mục cho Rôma. Xem ra các anh em Hng y ca tôi đã đi đến gần như tận cùng thế giới để tìm ngưi đó, nhưng bây giờ chúng ta đang ở đây. Tôi cám ơn anh chị em vì s tiếp đón của Cộng đồng giáo phận Rôma dành cho giám mục của mình. Cám ơn Anh chị em."

Sau lời chào hỏi và cám ơn, ngài xin cầu nguyện: "Trước tiên tôi muốn cầu nguyện cho Đức nguyên Giám mục Rôma Biển Đức 16. Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho ngài, xin Chúa chúc lành cho ngài và xin Mẹ Maria gìn gi ngài." Mi người cùng với ngài đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh.

Ri ngài nói tiếp: ”Và giờ đây chúng ta,  giám mục và dân chúng, bắt đầu hành trình này, hành trình ca Giáo Hi Rôma, là Giáo Hi ch trì toàn th các Giáo Hi khác trong đức bác ái, một hành trình huynh đệ và yêu thương, tín nhiệm giữa chúng ta. Chúng ta hãy luôn cu nguyn cho chúng ta, cu cho nhau. Chúng ta hãy cu nguyn cho toàn thế gii để có một tình huynh đệ đậm đà hơn. Tôi cầu mong cho anh chị em sao cho hành trình này ca Giáo Hi mà hôm nay chúng ta bt đầu, và cho người giúp đỡ tôi là Đức Hồng y Giám quản hiện diện ở đây, được nhiều thành quả cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại thành phố đẹp đẽ này."

”Và giờ đây tôi muốn ban phép lành cho anh chị em. Nhưng trước tiên tôi xin anh chị em một ân huệ. Trước khi giám mục chúc lành cho dân, tôi xin anh chị em cu xin Chúa chúc lành cho tôi. Kinh nguyn ca dân, cu xin Chúa ban phép lành cho GM ca mình. Chúng ta hãy cu nguyn trong thinh lng, anh ch em cu nguyn cho tôi." Đức Thánh Cha cúi mình. Cả quảng trường im lặng !

Chào hi, nói chuyn, cu nguyn, cám ơn anh chị em Giáo phận Rôma, trong khi trước mặt mình có nhiu người Ý không thuc giáo phn này, người của nhiều nước khác đứng chờ từ lâu và bao nhiêu người qua báo, qua đài, lúc ấy đang hướng về Vatican, đang nghe, đang nhìn…   Phan Xi Cô biết thế, nên s kin ngài ch biết có anh chi em Giáo phn Rôma càng ý nghĩa. Điều Phan Xi Cô không làm, quan trọng không kém điều ngài làm. 

Đứt quãng ?

Những giây phút đầu tiên của Phan Xi Cô, Giám mục Rôma, như quay lưng lại Vatican vi ngai tòa giáo hoàng và bt đầu một hành trình ca Giáo hi giáo phn Rôma. Tiếp ni, đương nhiên. Vì điểm quy chiếu luôn luôn là Thiên Chúa. Nhưng có đứt đoạn trong cách hiu s v ca mình, vì Phan Xi Cô cũng như Biển Đức 16 là Giám mục Rôma và chỉ là Giám mục Rôma. Thật là một bước đột phá, đối với hàng Giám mục và các Giáo hội công giáo địa phương. Nhất là đối với phong trào Đại kết mà cản trở chính cho tới nay là yêu sách mang tính chuyên chế của Rôma.

Vn biết, "Giáo Hi Rôma là Giáo hi ch trì toàn thể các Giáo Hội khác trong đức bác ái" và Phêrô là người cầm chìa khóa. Như Lời Chúa Giêsu khi chọn tông đồ Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên tri cũng s cm buc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên tri cũng s tháo ci như vậy” (Mt 16, 19).  Nhưng đâu là quyền hành của Phêrô và người kế vị Phêrô? Phan Xi Cô cho ta câu trả lời hôm 19.3.2013 trong bài giảng lễ thường được gọi là lễ đăng quang của Giáo hoàng, nhưng với ngài là lễ chính thức khởi đầu sứ vụ ca tân Giám mc Rôma.  

Trích: 

"Hôm nay, cùng với việc mừng kính Thánh Giuse, chúng ta cùng nhau cử hành việc khai mạc sứ vụ của tân Giám mục Rôma, người kế vị Thánh Phêrô, cũng có liên quan nhất định đến quyền hành. Đúng thế, Chúa Giêsu Kitô đã ban quyn cho Phêrô, nhưng đó là loại quyền gì? Tiếp theo ba câu Chúa Giêsu hi Phêrô v lòng yêu mến, là ba lnh truyn: hãy chăn các chiên con của Thầy, hãy chăn các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta đừng bao giờ quên quyền hành đích thực chính là phục vụ, và để thực thi quyền hành, Giáo hoàng phải luôn tiến sâu hơn nữa vào chính sự phục vụ mà đỉnh điểm sang chói là Thập giá. Ngài phải được thôi thúc bởi sự phục vụ trung thành, cụ thể và khiêm hạ mang dấu ấn của Thánh Giuse, và giống như Thánh Giuse, giáo hoàng cũng phải dang rộng đôi tay bảo vệ dân Chúa và du dàng trìu mến đón lấy toàn thể nhân loại, nhất là những người cùng khổ, yếu đuối nhất, những người thấp cổ bé miệng, những người đã được Thánh Matthêu nêu ra trong ngày chung thẩm xét xử dựa trên tình yêu: người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau ốm và chịu lao tù (x. Mt 25, 31-46). Chỉ những ai đem lòng thương yêu mới có thể biết che chở!"

Trung tâm và điểm quy chiếu là Thp Giá, không phi Giáo hoàng, cũng không phi Giáo hi.

 

Hay tr v ngun ?

Trình din vi thế gii như Giám mục Rôma, chứ không như giáo hoàng,  Phan Xi Cô trở lại vị trí cội nguồn và căn bản của bộ mặt Giáo chủ Rôma. Trong Tân Ước và  suốt những thế kỷ đầu của Giáo hội, Giáo chủ Rôma không phải là một ông vua độc tài hay một thứ hoàng đế mà mọi giám mục phải thần phục. Giám mục Rôma được coi như  "primus inter pares" / "người thứ nhất giữa những người bằng nhau", những người có cùng một phẩm trật và thẩm quyền.

Mt vin nh mi m ra cho Giáo hi. Để Giáo hội giang tay rộng mở ra toàn thế giới, kể cả thế giới của những người không tin, và đặc biệt, ưu tiên, của nhưng người nghèo. Gp g gii truyn thông hôm 16.03, Phan Xi Cô nói: "Tôi mong muốn lắm thay môt Giáo hội nghèo và cho người nghèo". Nghèo vt cht, nghèo tinh thn.

V lâu về dài, mong muốn đó sẽ đạt được tới đâu? Sẽ gặp những phản ứng nào? Phan Xi Cô đã bt đầu, từ giây phút đầu. Và thin nghĩ không cn ch lâu. 

Các Giám mc Vit Nam lên tiếng.

Ngày 01.03.2013, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 và nhân dân cả nướcmột số nhận định và góp ý.

Đc k góp ý ca các Giám mc Vit Nam, điu hin nhiên là cái hiến pháp 1992 này không th sa. V lý lun, nó mâu thun. Trên thc tế, nó ti t

Hiến pháp gì mà như người vừa nói vừa tự vả miệng mình. Này nhá:

"Bản Dự thảo đã dành c chương II (điều 15-52) để nói về quyền con người. Quyền con người đã được chính thức nhìn nhn trong Tuyên ngôn quc tế v quyn con người (10.12.1948), và Việt Nam cũng đã ký kết. Bn D tho đã lit kê khá đầy đủ những quyền căn bản của con người."

Vậy quyền con người là quyền gì? Thưa:

"Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá con người, do đó là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Phổ quát vì tt c mi người, thuộc mọi thời và mọi nơi, đều được hưởng những quyền đó. Bất khả xâm phạm vì xâm phm là tước đoạt phẩm giá làm người. Bất khả nhượng vì không ai được phép tước đoạt những quyền đó của người khác. Và không ai có quyền nhượng những quyền đó cho kẻ khác! Mỗi người có bn phn bo v những quyền đó cho chính mình."

Quá tốt đẹp. Nhưng:

"Dự thảo lại khẳng định đảng cầm quyền là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hi", ly ch nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng" (điều 4). Như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do ngôn luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã b đóng khung trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thn?"

Chính vì mâu thun như thế mà:

"Trong thực tế, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thc duy nht đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Đây là một trong những lý do ln, dn đến tình trng trì tr và chm tiến ca Vit Nam v nhiu mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật.". 

Khi cn dài dòng v nhng đòi hi ca các Giám mc: ly văn hóa dân tộc làm nền cộng thêm những tinh hoa mới của nhân loại để thực sự có một Hiến pháp  ca dân, do dân, vì dân. Đa đảng, tam quyền phân lập, tự do tư tưởng v.v Toàn là những điều sơ đẳng của một xã hi văn minh.

Các Giám mục nói điều mà mọi người có chút hiểu biết, lương tri và tự trọng, trong cũng như ngoài nước, từng nói. Điều mà người dân không nói ra, vì s, vì chán ngán nhưng cảm nghiệm sâu sắc trong cảnh đọa đầy, chèn ép, áp bức.  Điều mà những đứa con ưu tú của Đất Mẹ đã anh dũng nói lên, bt chp vu oan, tù đày, đánh đập, ám hại.

Là người công giáo, tôi cám ơn các Giám mục, tuy đây mới chỉ là Ban Thường vụ và hy vọng rằng tt c các giám mc chng nhng đng ý mà còn hip ý và xúc tiến.

Là công dân, tôi hoan hô các Giám mục đang nói lên tiếng nói của toàn dân; các ngài đang đứng trong hàng ngũ của dân.

 

Chút xíu lch s

Muốn đánh giá đúng mức việc lên tiếng của các Giám mục, tưởng nên nhắc lại cho các bn trmt chút quá kh. Bc thơ thời danh năm 1980 của HĐGM Việt Nam mà đảng CSVN cũng như các Giám mục thường quy chiếu như một thứ tiêu chuẩn khi nói chuyện với nhau, mở đầu như sau:

"Anh ch em thân mến,

Anh ch em hãy cùng chúng tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về Hội nghị các giám mục toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội, thủ đô Nước Cộng Hoà Xã Hi Ch Nghĩa Vit Nam chúng ta, t 24-4 đến 1-5-1980.

Kể từ lúc thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960, và nhất là từ ngày nước nhà được thống nhất, chúng ta đều ước mong có cuộc họp này. Toà Thánh và riêng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mỗi khi có dịp cũng luôn bày tỏ một tâm tình như vậy, diễn tả ý mun ca chính Công đng Vatican II.

Vì thế chúng ta thành thật biết ơn Chính Phủ đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho Đại hội này. Chúng tôi cũng cám ơn anh chị em đã cu nguyn nhiu cho Đại hội này được thành công tốt đẹp. […] chúng tôi đã cu nguyn và suy nghĩ nhiu v nhim v ca Giáo Hi chúng ta trong giai đoạn lịch sử này. [...]

Trước khi bế mạc Đại hội, chúng tôi đã vào lăng kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã đến yết kiến Thủ tướng Chính phủ."  

Hi đó, các giám mc hp, phi xin phép. Khi có phép, không phải mọi giám mục đều được tới họp. Và phải họp ở Hà Nội. Mà Hà Nội, Thủ đô nước CHXHCN chưa đủ, nhất thiết phải thêm "chúng ta", cũng như khi nói Đảng, phải nói "Đảng ta". Viếng lăng Hồ Chí Minh, yết kiến Thủ tưóng Chính phủ: hẳn là đưc "Chính ph giúp đ" các giám mc mi có "sáng kiến" quý hóa như vậy. Trong nhng phiên hp li có s "giúp đ" của ông Trưởng Ban tôn giáo chính phủ. Ông xem xét Thư chung và "c vn" nhng quyết đnh ca HĐGM. Các giám mục bị cột chân cột tay như người dân, nhưng xiết chặt hơn nhiều. Có một thứ dây thòng lng đảng dành riêng để xiết cổ Giáo hội Công giáo.

Dĩ nhiên, t đó đến nay đã thay đi nhiu. Phn vì trên bình din kinh tế không th tiếp tc vi chế đ bo bo, phi m ca. Phn khác, vì dân chng đối ngấm ngầm hoặc công khai. Tất nhiên, với chính sách "kinh tế thị trường theo định hướng xã hi ch nghĩa", tc m ca kinh tế nhưng đảng và chân tay đảng nắm hết, nắm được chỗ nào hay chỗ đó. Dây thòng lng đng buộc cổ người dân, nhất là người công giáo và các giám mc, vì thế, phi ni lng, càng ngày càng lng, và lng hay cht tùy nơi, tùy lúc, tùy đối tượng. 

Điều thực sự mới và mang tính đột phá trong bản lên tiếng của HĐGM Vit Nam ln này là các ngài bình thn và công khai ct đt dây thòng lng. Nới ra bao nhiêu cũng không đủ. Phải hủy nó đi thôi. Tức phải phủ định chính người cầm dây thòng lng.

Nói khác đi: không có đối thoại với người cầm dây thòng lng, vì đối thoại trong trường hợp này là công nhận dây thòng lng. 

Vy t đây, các Giám mc s làm gì trước đàn áp bất công đang tràn lan trên đất nước, dù nạn nhân là người công giáo hay không công giáo, vì thư các ngài cũng gửi cho nhân dân cả nước ? Chng hn, đc Nguyn Thái Hp, ch tch y ban Công lý và Hòa bình và đc Vũ Văn Thiên, giám mục Giáo phận Tp Hải Phòng đã gi thư cho Tòa án Nhân dân Tp Hi Phòng để bênh vực gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Một việc làm phù hợp với bản lên tiếng của các giám mục, rất đáng hoan nghênh. Từ đây, ngưi dân, công giáo hay không công giáo có quyền chờ đợi Ủy ban và các giám mục lên tiếng trong những vụ việc tương tự. Và lên tiếng không chỉ với một Tòa án nhân dân tnh l. Khi nhà git t nóc, lẽ nào chỉ ngồi hấng nước ở một góc nhà !

 

Thay lời kết.

Đền thờ và quảng trường Thánh Phêrô v kiến trúc cũng như trên bình din tinh thn và tâm linh, là một sân khấu vĩ đại. Trên sân khấu ấy, Gioan Phao Lô 2, ngay t khi lên ngôi giáo hoàng, đã hin din như một diễn viên xuất sắc của Tin Mừng. Ngài hăng say như một lực sĩ, đóng vai chính, với câu nói bt h: Đng S ! Hai từ thôi, nhưng vang lên như một lời hiệu triệu, quyết định như một tuyên ngôn, báo trước và báo hiệu sự sụp đổ ca khi cng sn Đông âu. Nhưng trong nhiệm kỳ dài của ngài (chỉ kém Piô 9 là giáo hoàng có nhiệm kỳ dài nhất: hơn 31 năm rưỡi), Gioan Phao Lô 2 đã có nhng thiếu sót v t chc và cơ cấu của Giáo hội: v u dâm trong gii giáo sĩ b giữ kín hay ít nhất cũng không được lưu ý đúng mc. Cũng trong Ánh Sáng Thế Gian, Bin Đc 16 nhn rng khi còn là B trưởng Bộ Giáo lý Đc tin, ngài đã biết ti mt s trường hợp như bên Hoa Kỳ, bên Ái Nhĩ Lan, "nhưng tới mức đó, thật là một cú sốc chưa từng có": "Đột nhiên, nhìn thy chc tư tế bị bôi bẩn dường ấy, mà thủ phạm lại chính là Giáo hội Công giáo, trong sâu thẳm của lòng mình". Nếu báo chí không điều tra và phanh phui s vic, Tòa Thánh cũng chng đ ý. Đng cơ của nhà báo, có thể là tìm cách tn công Giáo hi, nhưng Đức Thánh Cha nói:"Mặc dù thế, chúng ta phải minh bạch điều này: trong chừng mực đó là sự thật, thì chúng ta phi biết ơn báo chí v nhng khám phá ca h… Chính vì ti ác hin din trong Giáo hi, mà nhiu k vin vào nó đ chng Giáo Hi". Thêm vào đó, thời Gioan Phao Lô 2 còn Đo binh Chúa Cu Thế ca Marcial Maciel Degollado được trọng dng ti Vatican. Mt v bê bi quá ln. 

Biển Đức 16, ngược lại với vị tiền nhiệm, e dè, kín đáo. Ngại đám đông. Trong cuốn Ánh sáng Thế gian, so sánh vi v tin nhim, ngài t cho mình là "mt giáo hoàng nh". Tuy nhiên, ngài đã đóng vai diễn viên chính cách khiêm tốn. Chính sự khiêm tốn này lại thu phục nhân tâm khi mà những lời giảng dạy đơn sơ nhưng hết sức sâu sắc của ngài nuôi dưỡng và thúc đẩy niềm tin. Có điều giáo hoàng kiêm thần học gia tiếp tục viết sách. Trên một bình diên nào đó, ngài thần học gia hơn là giáo hoàng. Phải chăng vì thế mà ngài không my lo ti vic cai qun Giáo hi ? Cơ cấu giáo triều vẫn lai rai như thời Gioan Phao Lô 2. Khi có vụ Vatileaks, những chuyện lăng nhăng trong Giáo triều về tiền bạc, phe nhóm vỡ lở trầm trọng. Ban tra cứu gồm ba Hồng y do ngài chỉ định đã np mt h sơ dày cộm, khi ngài sắp từ nhiệm.  

Phan Xi Cô từ khước sân khấu. C xem cách ngài đứng trên xe đi vòng quanh qung trường thánh Phêrô cũng đủ thấy. Giơ tay ban phép lành, cũng giơ tay cháo đón, vẫy gọi, kể cả giơ tay với ngón cái. Và bắt ngừng xe, xuống ôm hôn những người tàng tật, những trẻ nhỏ, bắt tay người nọ, chào hỏi người kia. Như đang đi ngoài đường ch không phi đang trnh trng ngồi Papamobile. Nghi thức sang trọng truyền thống, với Phan Xi Cô, biến thành gặp gỡ giữa người với người, đặc biệt với người tàng tật ốm yếu, với trẻ thơ. Ở chính giữa sân khấu, Phan Xi Cô quay lưng lại sân khấu. Nhưng quay lưng lại sân khấu, là một cách biểu lộ chiều kích thuần túy siêu nhiên của sân khấu: lòng thương xót của Chúa. 

Mi giáo hoàng có mt tích cc và tiêu cc. Ri đâu sẽ là điểm tiêu cực của vị giáo hoàng tránh dùng từ giáo hoàng này? Tương lai s cho câu tr li. Lúc này chúng ta hãy vui mng vi nhng điểm tích cực của tân Giám mục Giáo phận Rôma và hy vọng với bản Lên tiếng dõng dc ca hàng Giám mc Vit Nam.

Đ Mnh Tri  2.4.2013.


 

[1]T La Vie, mt tun báo công giáo Pháp, trong mt tr li bn đc phi thú nhn: "Quand la fumée blanche est apparue, nous avions retardé notre bouclage de 24 heures. Et soudain, nos pages prêtes pour l'impression selon plusieurs scénarios sont devenues obsolètes. Tous les médias,  et nous les premiers, ont reconnu leur surprise. En deux heures, il a fallu écrire une biographie de François, rechercher des photos, livrer une analyse et envoyer le tout à l'imprimerie, à une heure où le pape portait encore pour le monde  le nom d'un roi de France avant de devenir tout simplement François" / Khi khói trng bc lên, chúng tôi đã phi hoãn  lên khuôn báo 24 tiếng. Và, đột nhiên, tất cả những trang viết dọn sẵn cho nhà in theo nhiều kịch bản, trở thành vô dụng. Tất cả mọi phương tiện truyền thông, chúng tôi đầu tiên, nhận ra mình không ng. Trong vòng hai tiếng đng h, chúng tôi đã phi viết tiu s Phan Xi Cô, tìm hình nh, phân tách, bình lun và gi đi nhà in, lúc mà trước mặt thế giới, giáo hoàng còn mang tên mt ông vua nước Pháp trước khi chỉ còn là Phan Xi Cô". Tun báo công giáo La Vie cũng đi lượm lặt trên Net thôi, in ở trang bìa bc nh Hng y Bergoglio khá cũ vi tên François 1er. Tiu s tàm tm và bình lun cũng sơ sơ.
[2] Những chữ tô đậm trong bài là do chúng tôi.

 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************