Tác Giả
HOÀNG NGỌC ẨN


Nhà Thơ Hoàng Ngọc Ẩn


Hoàng Ngọc Ẩn & Quỳnh Lan (vợ)

Nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn sinh ngày 1 tháng 3 năm 1940 tại Ban Mê Thuột, quê gốc ở Thừa Thiên Huế, mồ côi cha từ khi mới lên ba tuổi. Sự nghiệp thi ca của Hoàng Ngọc Ẩn khởi đầu với một bài thơ được đăng trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn vào năm 1955, khi ông còn đang sống cùng chú ở Kon Tum.

Năm 18 tuổi, Hoàng Ngọc Ẩn vào Sài Gòn một mình, vừa đi học trường Nguyễn Công Trứ, vừa làm việc tại nhà in Bình Minh. Về sau ông làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Biên Hoà. Thời điểm xảy ra biến cố tháng 4 năm 1975 Hoàng Ngọc Ẩn đang là trưởng phòng Công thự và Mãi dịch. Ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ: cả gia đình ông được chuyển đến thành phố Houston, Texas vào ngày 16 tháng 6 năm 1975.

Hiện Hoàng Ngọc Ẩn đang điều hành hai tờ báo ở Houston. Một tờ làThương mại Việt Nam, có mặt trong làng báo từ năm 1982. Một tờ khác là Vietnam Post, xuất bản từ năm 1992. Cũng từ năm 82, ông thành lập nhà sách Văn Hữu và đã thực hiện quyển Tuyển tập 90 tác giả. Dần dần tiệm sách này bán thêm những băng nhạc và trở thành một địa điểm quen thuộc với những người yêu thơ văn và âm nhạc. Nhưng đến năm 87, Văn Hữu ngưng hoạt động sau khi Hoàng Ngọc Ẩn ly hôn với người vợ đầu tiên. Trong khoảng thời gian từ năm 89 đến 96, ông thành lập phòng thu Hạ Quyên cũng như khai thác nhà hàng ca nhạc Song Long ở Houston.

Hoàng Ngọc Ẩn được mệnh danh là người mang thi ca đến với âm nhạc. Thơ ông được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và phổ biến rộng rãi: Phạm Duy với các bài Tháng tám mưa mây, Buồn xưa, Hãy trả lại em, Trong mộ chiều xuân; Phạm Đình Chương với bài Cho một thành phố mất tên; Huỳnh Anh với bài Rừng lá thay chưa, Việt Dzũng vớiTự trầm, Bài Tango cuối cùng, Bên đời hiu quạnh, Thung lũng chim bay; Trần Quan Long với Sóng sầu, Thành phố quạnh hiu; Song Ngọc với Sài Gòn vĩnh biệt tình ta, Một thoáng ngậm ngùi; Lê Uyên Phương với Mưa rơi, Ta vẫn còn sầu, Sài Gòn yêu dấu; Trầm Tử Thiêng với Bài Tango cho người tình lỡ; Lê Dinh với Tình ca người mất quê hương… và nhiều nhạc sĩ khác./.

Nguồn:
https://www.thivien.net/Ho%C3%A0ng-Ng%E1%BB%8Dc-%E1%BA%A8n/author-zWVWQrG_4_sYCUMgIEA-rQ

Quỳnh Lan: ‘Chồng qua đời, tôi sống như người mất hồn’

Ca sĩ nổi danh phòng trà TP HCM một thời từng nghĩ quẩn nhưng chị tìm lại động lực sống qua âm nhạc khi mất chồng.

 Khi chồng chị – nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn – qua đời cách nay vài tháng, cuộc sống của chị ra sao?

– Anh ấy qua đời vào gần dịp Noel năm ngoái vì ung thư xương. Anh mất, để lại một khoảng trống kinh khủng trong tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ, hay là nhắm mắt theo anh. Tám năm bên nhau, giờ đây với tôi, điều gian nan là vượt qua cú sốc lớn nhất đời mình để bắt đầu lại. 

Ban đầu, anh chỉ bị một chấn thương nhẹ khi tập thể dục và thấy lưng hơi đau. Bác sĩ cho thuốc, anh uống nhưng không hết đau và nhập viện. Thời gian điều trị, anh phát hiện mắc ung thư giai đoạn đầu. Trước đó, tôi không tin sẽ mất anh vì bác sĩ nói không sao. Nơi chồng tôi điều trị lại là bệnh viện hàng đầu nước Mỹ. Sau một lần xạ trị, sức khỏe anh xuống dốc nhanh chóng. Anh nằm viện hơn một tháng rồi đi. Người thân, bạn bè đều không nghĩ anh ra đi nhanh đến vậy.

Ca sĩ Quỳnh Lan bên chồng - cố
                                  thi sĩ Hoàng Ngọc Ẩn.

Ca sĩ Quỳnh Lan bên chồng – cố thi sĩ Hoàng Ngọc Ẩn.

– Trước đây, anh chị quen nhau trong hoàn cảnh nào?

– Chúng tôi biết nhau từ phòng thu. Ban đầu, từ Mỹ, thông qua người quen, anh gửi bài về để tôi và nhiều ca sĩ khác thu giúp, dù tôi và anh chẳng ai quen nhau. Bài đầu tiên tôi hát là Đoạn tình. Khi thu, tôi cứ hát giữa chừng lại khóc vì bản nhạc buồn quá. Bốn giờ sau, tôi mới thu xong. Bài gửi sang Mỹ, anh ưng ý nhất bản đó và tìm cách liên lạc riêng với tôi. Mười mấy năm sau, chúng tôi lấy nhau. 

– Tám năm bên chồng, chị cảm nhận cuộc sống của mình ra sao?

– Lúc anh lâm bệnh, tôi hờn trách: “Mình sống với nhau mới mấy năm thôi. Anh hứa với em 40 năm mình mới ly dị mà”. Anh đáp: “Em có biết, vợ chồng mình bên nhau mấy năm mà bằng người khác 40, 50 năm không”.

Trước khi gặp anh, tôi không muốn lấy chồng vì mệt mỏi khi chứng kiến bao chuyện yêu đương rắc rối. Mãi tới năm 2010, gần 40 tuổi, gặp anh rồi, tôi quyết định nghỉ hát trong nước, qua Mỹ sống cùng một người đàn ông hơn tôi 20 tuổi. Lúc đó tôi lo lắm, không biết mình qua đó có trụ nổi không. Ca sĩ Ánh Tuyết – người chị thân thiết – còn đùa với mọi người: “Cuối năm con Lan sẽ trở về, nó không ở được lâu đâu”. Nhưng anh đã sắp xếp chu toàn để tôi không thấy thiếu thốn nơi xứ người. Trong nhà, anh luôn để một cây đàn. Ngoài sân là ao cá, vườn hoa ngập tràn. 

Anh vừa là chồng vừa là bạn tâm giao. Bên Mỹ, tôi ít khi đi show vì kiếm những đầu mối âm nhạc hợp gu mình khó lắm. Thỉnh thoảng, tôi mới sang California biểu diễn. Thành ra, tôi ở nhà suốt và đàn, hát cho ông xã nghe. Tôi nhờ người em dựng một phòng thu trong nhà. Dựng xong, chưa kịp làm gì thì anh đã đi rồi.

Ca sĩ Quỳnh Lan: Tôi không thiết
                                  sống khi chồng qua đời - 2

Một thời gian, Hoàng Ngọc Ẩn thường để tóc thả dài, nhưng khi nghe vợ khen chồng buộc tóc rất đẹp, anh đã tập thói quen luôn cột tóc.

– Chị nhớ nhất điều gì ở người chồng quá cố?

– Anh lãng mạn và nhẹ nhàng như mây gió. Anh hiểu biết, hài hước, vô tư như một đứa trẻ. Sống bên anh, tôi cười từ sáng đến tối. Bên trong anh là cả một thế giới mà tôi chưa từng nhàm chán. Anh là người bạn, người thầy chỉ dẫn cho tôi, rồi lại nghe tôi đàn, hát và thưởng thức như một khán giả trung thành.

Ngôi nhà của chúng tôi sống bị bạn bè trêu là Tuyệt Tình Cốc vì chỉ có tôi và anh quấn quýt bên nhau. Lúc mới cưới, anh còn bận rộn với công ty riêng, nhưng sau một, hai năm, anh ở nhà luôn để chăm sóc tôi. Đi mua cọng hành, chúng tôi cũng đi cùng nhau. Tám năm ấy, chúng tôi hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc, chưa từng lớn tiếng một lần. Tôi diễn ở đâu, anh đi theo xách đàn giúp vợ, pha trò với ban nhạc cho vợ vui. Ở Mỹ, anh mời những đồng nghiệp tôi quý từ Việt Nam sang diễn cùng, rồi khi tôi về nước lại mời những người bạn ở Mỹ theo. Sống cạnh anh, tôi thấy quá đủ rồi, đâu cần tìm kiếm gì bên ngoài. Anh cũng thế. Cưới tôi rồi, anh ngừng sáng tác. Bạn bè hỏi, anh chỉ cười: “Có nàng thơ bên cạnh thì cần gì phải viết nữa”.

Lần cuối tôi trò chuyện với chồng là lúc anh không còn nói được nữa, chỉ có thể viết. Anh viết mấy câu thơ: “Mùa đông sắp vội qua thành phố/ Lần đốt tay, chờ tháng năm qua…”. Ngày anh mất cũng trong một mùa đông đầy tuyết. 

* Quỳnh Lan hát ‘Rừng lá thay chưa’ do chồng viết lời

Trình chơi Âm thanh

 

– Ngoài việc mất điểm tựa tinh thần, chị gặp áp lực tài chính ra sao khi chồng qua đời?

–  Tôi không phải chịu áp lực kinh tế vì anh đã chuẩn bị rất tốt cho vợ, dù không nhiều. Gia tài lớn nhất anh để lại cho tôi là hàng trăm bài hát được phổ nhạc như Bài tango cho người tình lỡ, Rừng lá thay chưa… Anh thường bảo: “Em à, vợ chồng mình không giàu như người ta. Nhưng khi ra đi, mình sẽ để lại mọi người những tác phẩm âm nhạc”. Tám năm qua, chúng tôi thực sự sống trong miền cổ tích với âm nhạc – điều mà nhiều người ngoài kia nghĩ rằng chỉ là lý thuyết, phù phiếm. 

 Chị sẽ thay chồng thực hiện các dự định, hoài bão trong âm nhạc ra sao?

– Trước khi mất vài tháng, anh giục tôi cố gắng thu nhanh các CD. Anh muốn ra hai đĩa với tên là Xin chia tay trong cõi này  Trả lại nhân gian một kiếp người. Tôi mới nói: “Anh cứ để em từ từ, anh có nhiều bài quá em thu không kịp”. Anh đùa: “Em không làm, lỡ chẳng may anh chết thì sao”. Anh còn muốn về Việt Nam hoạt động cùng vợ, dự định mua nhà ở Sài Gòn. Anh đã có quốc tịch Việt Nam cách đây bốn năm. Anh thích về nước lắm vì muốn tôi đi hát trở lại, rồi anh ngồi dưới ghế làm khán giả. Việc tôi về nước hát cũng là theo tâm nguyện của anh.

Việc hát lại các bài của anh lúc này với tôi rất khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng. Ngoài mini show sắp tới ở TP HCM, tôi cũng sẽ tham gia một tour xuyên Việt vào tháng 7, 8 và ra một CD vào cuối năm nay. Đĩa nhạc này tuyển tập các bài được yêu thích của tôi trong 20 năm qua, thêm một số bài của anh và vẫn theo phong cách mộc như tôi hát bấy lâu với tiếng đàn guitar, piano của các nhạc sĩ Quang Ngọc, Vĩnh Tâm, Dũng Đà Lạt…

Quỳnh Lan sinh năm 1972, nổi tiếng từ giữa thập niên 1990. Cách đây 20 năm, nhạc sĩ Trần Tiến và NSND Y Moan đi khắp miền Đông Nam Bộ để săn tìm những nhân tố mới tham gia nhóm du ca Đồng Nội. Quỳnh Lan lọt vào “mắt xanh” của hai nghệ sĩ khi đang là nữ sinh trung học ở Bình Dương. Chị được bố mẹ cho phép lên Sài Gòn và gia nhập làng ca nhạc. Khi nhóm Đồng Nội tan rã, Quỳnh Lan hát đơn ca.

Qua dẫn dắt, giới thiệu của nữ ca sĩ Thanh Hoa và chủ phòng trà Tiếng Tơ Đồng, chị được mời hát thường xuyên ở các phòng trà, sân khấu ca nhạc TP HCM. Chị luôn mang theo cây guitar thùng lên sân khấu để tự đệm. Chất giọng của Quỳnh Lan gắn liền với các ca khúc trữ tình của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9…

Mai Nhật thực hiện
Nguồn:
https://kontumquetoi.com/2018/04/17/ve-nguoi-ban-doi-cua-dhkt-nha-tho-hoang-ngoc-an-da-ra-di-tac-gia-hai-cau-tho-anh-di-rung-chua-thay-la-anh-ve-rung-la-thay-chua-nu-hoang-phong-tra-quynh-lan/


Thư Mục

STT
Đề Tài (bấm vào đề tài đọc tiếp)
Tác Giả
1
Cho Một Thành Phố Mất Tên Hoàng Ngọc Ẩn
2
Hoàng Ngọc Ẩn: Người Mang Thơ Đến Cho Âm Nhạc
TVTS
3
Thơ Hoàng Ngọc Ẩn (14 bài)
Hoàng Ngọc Ẩn
4


5






Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến

www.vietnamvanhien.net (Tin tức cập nhật thường xuyên)
www.vietnamvanhien.org (Thuần ngữ, tải nhanh)

www.vietnamvanhien.com (Kinh tế & Tài chánh)

www.vietnamvanhien.info (Tủ Sách Văn Hiến, có hơn 11000 Tác phẩm )


Email: thuky@vietnamvanhien.org




Lấy Tâm Lực thay cho vũ lực để giải trừ quốc nạn là phục hoạt nếp sống Văn Hiến và phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.

Lấy Nhân Tâm làm phương tiện, dụng Dân Tâm làm quốc sách "An Dân & Lạc Quốc" là kim chỉ nam cuả thể chế Dân Chủ Văn Hiến.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt