Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) là nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hoá, giáo dục Việt Nam đồng thời là một nhà kỹ sư, nhà toán học.
Ông sinh ra tại làng Yên Hồ, huyện La Sơn, nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại nhà.
Năm 1926, Hoàng Xuân Hãn đậu bằng Thành Chung, rồi ra Hà Nội học trung học ở trường Bưởi. Sau đó một năm, theo thiên hướng, ông lại chuyển sang học chuyên Toán ở Lycée Albert Sarraut.
Năm 1928, Hoàng Xuân Hãn đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài toàn phần và được nhận học bổng của chính phủ Đông Dương sang Pháp học dự bị để thi vào các trường lớn.
Năm 1930, Hoàng Xuân Hãn đỗ vào trường École normale supérieure và Trường Bách khoa Paris. Ông đã chọn học ở trường Bách khoa Paris.
Từ năm 1932 đến năm 1934, Hoàng Xuân Hãn vào học École Nationale des Ponts et Chaussées (Trường Cầu đường Paris).
Năm 1934, Hoàng Xuân Hãn trở về Việt Nam, 4 tháng sau đó sang lại Pháp.
Từ 1934-1936, Hoàng Xuân Hãn trở lại Pháp, đậu cử nhân toán năm 1935 và thạc sĩ toán năm 1936 tại khoa Toán trường Đại học Sorbonne (Licence des Sciences mathématiques Sorbonne).
Năm 1936, Hoàng Xuân Hãn kết hôn với cô Nguyễn Thị Bính.
Từ 1936-1939, Hoàng Xuân Hãn trở về Việt Nam dạy các lớp đệ nhất ban toán trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An).
Năm 1936, ông cho xuất bản tập giáo trình Eléments de trigonométrie (Cơ bản của lượng giác học).
Từ năm 1939 đến năm 1944, vì chiến tranh nên trường Bưởi phải dời vào Thanh Hóa. Tại đây, ông tìm thấy những tư liệu lịch sử về La Sơn Phu Tử, vua Quang Trung và những tấm bia nói về sự nghiệp của Lý Thường Kiệt.
Năm 1942, Hoàng Xuân Hãn cho xuất bản cuốn Danh từ khoa học (Vocabulaire scientifique).
Năm 1943, Đại học Khoa học được thành lập tại Hà Nội và Hoàng Xuân Hãn được mời về dạy môn cơ học.
Tháng 04/1945, vua Bảo Đại mời ông vào Huế để tham khảo ý kiến về việc thành lập chính phủ độc lập đầu tiên của Việt Nam.
Từ ngày 20/04 đến ngày 20/06 năm 1945, với chức Bộ trưởng Giáo dục - Mỹ thuật, ông đã thiết lập và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ ở các trường học. Ngoài ra, ông còn áp dụng việc học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong những công văn chính thức.
Sau đó, Hoàng Xuân Hãn trở về dạy và viết sách toán bằng tiếng Việt, cùng với việc cứu vãn những sách cũ, sách cổ bị đưa bán làm giấy lộn khắp đường phố Hà Nội.
Năm 1945, ông bắt đầu nghiên cứu truyện Kiều.
Từ 16/04 đến 12/05 năm 1946, Hoàng Xuân Hãn tham gia phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt. Năm 1946, vì nguyên nhân chiến tranh, ông bị kẹt ở Hà Nội.
Năm 1949, Hoàng Xuân Hãn xuất bản Lý Thường Kiệt.
Hoàng Xuân Hãn sang Paris năm 1951 và ở luôn bên Pháp. Trong thời kỳ 1951-1954, ông đã giúp Thư viện Quốc gia Pháp và các thư viện Dòng Tên ở Ý và Tòa Thánh Vatican làm thư mục về sách Việt.
Hoàng Xuân Hãn mất lúc 7h45' ngày 10/03/1996 tại bệnh viện Orsay, Paris. Năm 2000, ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn.
- Các tác phẩm:
- Cơ bản của lượng giác học (1936)
- Danh từ khoa học (1942)
- Lý Thường Kiệt (1949)
- La Sơn Phu Tử (1952)
- Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (1953)
- Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt
- Thiên Tình Sử Hồ Xuân Hương
- Thi văn Việt Nam
- Nghiên cứu về Kiều
Nguồn:https://quansachmuathu.vn/hoang-xuan-han