Lý Quí Chung (1940 – 3 tháng 3 năm 2005),[1] bút
danh Chánh Trinh, là
một nhà báo, và cũng là một dân biểu và nghị
sĩ đối lập dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông từng
giữ chức Tổng trưởng Bộ Thông tin trong chính
phủ tồn tại 2 ngày của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cuối
cùng Dương Văn Minh.
Tiểu sử
Ông sinh năm 1940 tại tỉnh Mỹ Tho (nay
là tỉnh Tiền Giang),
nhưng hầu hết thời thơ ấu của ông theo gia
đình về Biên Hòa ở từ 3 đến 12 tuổi (1943 -
1952), nơi cha ông làm công chức cho cơ quan
hành chánh tỉnh.
Giống như cha mình ông rất yêu chuộng
thể thao. Mẹ ông đặt nhiều hy vọng vào tương
lai của ông, nên sau khi ông học được 2 năm
trường Việt, được chuyển sang trường Pháp học.
Không hài lòng với trường này sau 2 năm học bà
cho ông lên học nội trú trường Chasseloup Laubat tại
Sài Gòn bắt đầu niên học 1951-1952, lớp 8ème
(nay là lớp 5). Năm 1954 sau Hiệp định Genève,
trường Albert Sarraut từ Hà Nội chuyển vào Sài
Gòn sáp nhập vào trường Chasseloup Laubat. Để
có đủ lớp học cho học sinh từ Hà Nội vào,
trường hủy bỏ chế độ nội trú, mẹ ông chuyển
ông lên Đà Lạt vào học nội trú tiếp lại trường Lycée Yersin. Sau
khi lấy tú tài I tại đây, năm 1959 ông trở về
học tại trường Chasseloup Laubat, lúc bấy giờ
đã đổi tên thành trường Jean Jacques Rousseau
(bây giờ là trường Lê Quý Đôn), để lấy tú tài
II ban Triết.
Sau khi tốt nghiệp trung học ông thi
tuyển vào Học viện Quốc gia Hành chánh,
học khóa 10 (1963), khóa cuối cùng do Tổng
thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm chủ
tọa lễ khai giảng. Tuy nhiên, ông cảm thấy
mình không thích hợp với ngành này cho lắm, và
thường bỏ học la cà ở một số tòa soạn các tờ
báo, nơi mà ông có viết bài cộng tác. Trong
hai năm cuối trung học, ông đã có bài đăng
trên báo thể thao Đuốc Thiêng, bắt đầu từ các
bài dịch từ các báo và các tạp chí Pháp. Cũng
vì mê say làm báo mà ông đã bị ở lại lớp năm
đầu, rồi bỏ học luôn.
Bắt đầu từ những bài báo về thể thao,
từ môi trường báo chí, Chung được tiếp cận với
đời sống chính trị Sài Gòn, ông đã đi vào con
đường hoạt động chính trị, vì " bức xúc trước
những bất công, những việc làm phi dân chủ,
độc tài của chính quyền Sài Gòn. Rồi phẫn nộ
trước sự can thiệp thô bạo của chính quyền Mỹ
vào nội bộ của Việt Nam và sự áp đặt các ý
muốn và quyền lợi của họ lên đất nước Việt
Nam."
Theo
nghiệp báo chí
Khởi đầu từ tờ "Đuốc Thiêng", ông được
ông Thiệu Võ, chủ nhiệm tờ báo kiêm phụ trách
trang thể thao của tờ "Tiếng Dội Miền Nam",
mời vào tờ báo sau làm việc. Sau đó khi được
21 tuổi, ông được ông Phan Như Mỹ rủ về cùng
phụ trách phần thể thao cho tờ báo Buổi
Sáng. Ông cũng được ông Mỹ giới thiệu
viết bài cho tờ báo tiếng Pháp "Journal d’
Extrême Orient". Nhưng chính tại tờ Thanh
Việt của ông Tô Yến
Châu mới là ông khởi đầu học nghề phóng viên.
Sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm
1963, khi được phép xuất bản tờ Bình
Minh, ông bầu Ứng kéo cả ê kíp Thanh Việt về
làm. Đây là lần đầu tiên ông ăn lương phóng
viên và hành nghề phóng viên đúng nghĩa.
Sau khi Thượng Hội đồng
Quốc gia chỉ định ông Trần Văn Hương làm
Thủ tướng vào ngày 29 tháng
10 năm 1964, ông được
cha ông khuyến khích xin ra tờ Sài
Gòn Tân Văn. Mặc dù chưa đủ tuổi (25
tuổi), ông (24 tuổi) vẫn được cấp giấy phép.
Tiền làm tờ báo, là do cha ông, nhưng có lẽ do
nhiều bạn bè của cha ông trong Hội
Liên trường góp lại,
một tổ chức chính trị trá hình của một số trí
thức miền Nam dựa vào lá bài Trần Văn Hương.
Nhưng tờ này chỉ tồn tại 4 tháng, lâu hơn
chính phủ của Trần Văn Hương một tháng.
Sau khi tờ Sài Gòn Tân Văn bị đóng
cửa, ông trở lại làm tổng thư ký tòa soạn cho
tờ Bình Minh của ông Võ Văn Ứng, lúc này tờ
báo không còn ra hàng ngày nữa mà chỉ ra hàng
tuần.
Con
đường chính trị
Vào năm 1965 khi
đang làm cho tờ Bình Minh, Chung có viết loạt
bài vận động sự thành lập một đại học ở miền
Tây. Kỹ sư Võ Long Triều, người tự
đứng ra phối hợp các cuộc vận động, mời ông
nhập nhóm và tham gia các cuộc hội thảo tổ
chức ở Cần Thơ để
gây áp lực với chính quyền. Khi Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ (lúc
đó đang muốn lôi kéo trí thức miền Nam) mời Võ
Long Triều vào nội các của mình với tư cách Bộ
trưởng Thanh niên, thì Chung được Triều cho
làm giám đốc Nha Tác động tâm lý. Nhờ vậy mà
Chung lúc đó đang trốn quân dịch, được cấp
giấy tạm hoãn 4 tháng.
Nhờ tham dự vào liên danh của Võ Long Triều, lúc đó vừa
là người đứng đầu một tập hợp chính trị có tên
Phong trào Phục hưng Miền Nam (PTPHMN) trong
cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến năm 1966, Chung
trở thành Dân biểu quốc hội lúc mới tròn 26
tuổi (một trong 7 người thuộc liên danh này).
Ông tiếp tục làm dân biểu 3 nhiệm kỳ liên
tiếp: 1966-1967, 1967-1971 và 1971-1975 cho
tới ngày đất nước thống nhất.
Sau đó nhờ sự tiếp tay của dân biểu
Phan Xuân Huy, đơn vị Đà Nẵng,
ông được bầu làm trưởng khối Dân tộc, gồm 3
thành phần: các dân biểu Phục hưng miền Nam,
các dân biểu Phật giáo và
một số dân biểu độc lập. Khối Dân tộc trở
thành khối dân biểu đối lập đầu tiên trong
quốc hội Sài Gòn, do lập trường
chống chính quyền quân sự và chống chiến
tranh.
Ngày 29 tháng 4 năm 1975 Lý
Quí Chung được đề cử làm Tổng trưởng Thông tin
trong Chính phủ của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.
Lý Quý Chung thuộc thành phần thứ 3, tức là
trung lập, không theo Chính quyền Thiệu cũng
như theo Cộng sản.[2]
Sau
ngày thống nhất
Lý Quý Chung là một trong những nhân
vật chế độ cũ được miễn đi học tập cải tạo.
Sau đó ông tiếp tục viết báo, "đó là cái nghề
tôi yêu và say mê – cái nghề duy nhất tôi chọn
lựa cho đời mình", ban đầu là phó chủ bút đặc
trách văn hóa xã hội cho tờ Tin Sáng đến
khi nó được cho là "đã hoàn thành nhiệm vụ".
Sau đó ông chuyển sang làm phụ trách trang thể
thao của báo Sài Gòn Giải
Phóng. Làm cho Sài Gòn Giải
Phóng được 10
năm, khi có một số người cho rằng ông đã là
‘‘quả chanh đã hết nước rồi’‘, ông chuyển sang
làm cho tờ Lao động,
rồi sau đó Tia Sáng, Kiến Thức
Gia đình (thuộc báo
Nông nghiệp Việt Nam).[3]
Tác phẩm
Hồi ký không tên[4] Nhà
xuất bản Trẻ, TP HCM, 2004
Phát biểu
- Về vai trò
tờ báo Sài Gòn Tân Văn đối với ông: "Dù tờ
báo Sài Gòn Tân Văn không phải là một thành
công nghề nghiệp đối với tôi, nhưng mặt nào
đó, tờ báo đã cung cấp cho tôi một "mảnh
đất" đầu tiên hết sức quý giá để đi sâu vào
cái nghề mà chỉ có thực tiễn mới dạy cho
mình những bài học sâu sắc nhất. Mặt khác,
tờ Sài Gòn Tân Văn cũng chỉ ra cho tôi thực
tế đầu tiên gắn báo chí với đấu tranh xã hội
và dân chủ. Từ tờ báo Sài Gòn Tân Văn cho
đến mãi sau này, tôi luôn coi nghề báo không
thể tách rời các cuộc đấu tranh cải tiến xã
hội, bảo vệ dân chủ và lẽ phải. Một nhà báo
dứt khoát phải là một trí thức dấn thân."[5]
- Quan hệ cha
con vì ông hợp tác với cộng sản: "Những
chuyện xảy ra cho gia đình tôi đã biến cha
tôi từ một người hồ hởi đón chào Cách mạng,
nô nức chờ bạn bè đi kháng chiến trở về,
biến thành một người ác cảm với cộng sản và
từ luôn con trai của mình vì nó… hợp tác với
cộng sản. Phải một năm sau tôi mới có dịp
đọc tác phẩm Sông Đông êm đềm của nhà văn
Nga M. Sôlôkhôp. Sao có nhiều chuyện giống
thế. Và tôi không thể không tự hỏi sao mình
lại photocopy làm gì những thứ ấy cho dân
mình khốn khó và đau lại nỗi đau mà người
dân Nga đã trải qua mấy mươi năm
trước !"[5]
- Gánh nặng vì
bị cho là người của "chế độ cũ": "...Tuy
nhiên không thể chối cãi trong 30 năm viết
báo và làm báo trong chế độ xã hội chủ
nghĩa, tôi vẫn phải gánh trên lưng mình cái
lý lịch "Viên chức cao cấp chế độ cũ". Có
lúc tưởng nó được cất đi nhưng rồi một vụ
việc gì đó xảy đến lại nhắc nhở tôi rằng
"nó"...vẫn còn y nguyên đó. Lâu ngày như kẻ
dị tật, mang sẵn "cái bướu" trên lưng mình,
tôi quen dần với "nó" hoặc cố gắng phớt lờ
"nó"."[3]
- Nhận xét về Hà Nội,
khi được báo Tin Sáng cử ra thủ đô cuối năm
1975 theo dõi phiên họp của Quốc hội triệu
tập sau khi đất nước thống nhất: " Khi vào
đến Hà Nội, tôi yêu ngay cái thành phố đã có
sẵn trong ký ức của tôi qua các tác phẩm của
Khái Hưng, Nhất Linh. Sự tưởng tượng lãng
mạn của tuổi thơ khi đọc sách, kỳ diệu thay,
lại khớp với cảnh vật Hà Nội bày ra trước
mắt. Với tôi Hà Nội dường như đã đứng yên
như thế qua bao thập niên "chờ đợi" tôi.
Ngay lúc đó tôi đã nhận ra vẻ đẹp thầm kín
và quyến rũ của Hà Nội sau chuyến đi đó tôi
nói với bạn bè ở Sài Gòn rằng Hà Nội là một
thủ đô rất đẹp của đất nước. Và tôi không
thể tưởng tượng ở đó tôi còn có cơ hội gặp
lại lần lượt tất cả những nhân vật huyền
thoại mà tôi cứ ngỡ rằng đã thuộc về lịch sử
văn học xa xôi, chỉ tồn tại trong sách vở
như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy
Cận,..."[3]
- Nhận xét về
thủ tướng Võ Văn Kiệt:
"Tiếp xúc với ông Kiệt, tôi chưa bao giờ cảm
nhận có một khoảng cách về địa lý – ngay cả
lúc gặp ông đang làm Thủ tướng chính phủ tại
Hà Nội – hay một khoảng cách giữa người xuất
thân từ chế độ cũ với người cộng sản đang
làm lãnh đạo. Sự chân thật, thẳng thắn không
quan liêu, một tấm lòng vì dân vì nước, cùng
sự lắng nghe xung quanh, dám có ý kiến dứt
khoát khi cần ở ông cho tôi một hình ảnh mẫu
về người cộng sản Việt Nam."[3]