Tiểu sử:
Nguyễn Lương Vỵ
Sinh năm 1952
Quê quán: Quán
Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam
Đã có thơ đăng báo
từ 1969 tại Sài Gòn:
Nhà thơ
Nguyễn Lương Vỵ ra đi tại Quận Cam,
California, vào chiều Thứ Tư 17/2/2021.(Theo
https://www.dutule.com/)
Tác phẩm đã in:
- Âm Vang Và Sắc Màu (NXB Trẻ,
Sài Gòn, 1991)
- Phương Ý (NXB Thanh Niên, Sài
Gòn, 2000)
- Hòa Âm Âm Âm Âm… (NXB Thư Ấn
Quán, New Jersey, 2007)
- Huyết Âm (NXB Q&P
Production, California, 2008)
- Tinh Âm (NXB Q&P
Production, California, 2010)
- Bốn Câu Thất Huyền Âm (NXB Q&P,
Production, California, 2011)
- Tám Câu Lục Huyền Âm (NXB
Q&P Production, California, 2013)
- Năm Chữ Năm Câu (NXB Q&P
Production, California, 01.2014)
- Năm Chữ Ngàn Câu (NXB Q&P
Production, California, 12.2014)
- Tuyển Tập Thơ 45 Năm (1969 –
2014) (NXB Sống, Q&P Production, California,
2015)
Giữa những nhà thơ cùng thế hệ,
Nguyễn Lương Vỵ là người miệt mài hơn cả, mài giũa
trái tim mình, chờ đợi giây phút linh cầu. Những
lúc thành công, anh trở thành một bộ phận của cái
toàn thể, như thân cây rung cho cả khu rừng.
Nguyễn Lương Vỵ đi giữa ảo và
thực. Trong mỗi linh hồn, có một mặc định về con
đường đi tới, bất chấp mục đích của đời sống. Nơi
cốt tủy của tồn tại, có một tiếng nói phải được
cất lên, một đời sống phải được sống, một tình yêu
phải được bày tỏ. Những ham muốn không đạt tới đã
tạo nên cõi thơ anh. Đọc triền miên thơ từ năm này
qua năm khác, từ bài này qua bài khác thấy anh làm
thơ tự nhiên như thở, trong khi những trăn trở như
chim đập cánh không mỏi trước gương. Sự kết thúc.
Sự trở lại.
Thỉnh thoảng bật lên trong trẻo
như tiếng đàn, ở nơi sự căng thẳng giữa một bên là
những bổn phận của đời sống, giản dị, nhu mì, và
một bên là những câu hỏi vô tận mang tính tâm
linh, về thực hữu. Anh thường xuyên ra vào cõi hư
vô, nói nhiều đến tình yêu, nhục cảm, cái chết, sự
tận tuyệt, cõi âm, nhưng thơ anh không phải bao
giờ cũng dẫn chúng ta tới được những nơi kia. Bởi
vì thơ không tìm cách giúp người đọc thoát ly hiện
hữu, mà giúp họ sống chính hiện thực ấy.
Giọng thơ của Nguyễn Lương Vỵ có
phần phê phán và không xa rời thế sự, làm cho lối
thơ kỳ bí của anh phảng phất hơi ấm, không phải
của chân lý mà anh tìm được, nhưng của những câu
hỏi tươi mới, mỗi ngày anh một chất thêm vào.
Những năm gần đây, thơ anh trở nên
hài hước, nhẹ nhõm, có lời ca ngợi đối với sự
sống, niềm thương cảm, sự chua chát, những bằng
chứng của tình yêu mà anh bắt gặp và chia sẻ. Một
nhà thơ càng không chắc chắn về con đường của
mình, đạo, và bày tỏ điều ấy dễ dàng, càng gây cảm
giác tin cậy ở người đọc. Điều quan trọng trong
thơ ca ngày nay là người viết và người đọc cùng
một lúc chia sẻ các hình ảnh, lời cầu nguyện, cùng
một lúc vì, cũng như trong khoa học, không một cá
nhân nào còn đủ sức sở hữu toàn bộ sự thực. Đó là
lý do của sự di chuyển nhiều lần những điểm nhìn,
những góc đứng, trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Chống
lại trữ tình cá nhân là nhu cầu cảm thông và đối
thoại. Vì vậy, thơ anh có nhiều giọng nói. Sự đa
thanh là một đặc điểm.
Tính triết học trong thơ ca ngày
một bị coi nhẹ bởi các nhà thơ và nhà phê bình,
cần được mang trở lại. Đó là sự chú ý, sự quan
sát. Cảm giác tồn tại, như một cá nhân, một công
dân, cảm giác ấy không tự nhiên mà có. Chúng biến
đổi theo thời gian và định vị. Nguyễn Lương Vỵ,
với những bài thơ độc đáo của anh, không ngừng đưa
ra lời kêu gọi trở về với sự chú ý, với bản thể
tình yêu. Đó thực sự là một dấn thân, và trong ánh
sáng của câu hỏi tâm linh, những lời kêu gọi ấy,
trữ tình và cá nhân, cuối cùng lại tìm thấy lối đi
chung của chúng, từ bên kia trở về cõi thế, từ sự
huyền ảo trở lại lòng tin, từ cõi tàn hủy mà trở
về với đời sống, với người đọc.
Văn Việt trân trọng giới thiệu.
Nguồn:http://vanviet.info/tho/bon-muoi-nam-tho-viet-hai-ngoai-48-nguyen-luong-vy/