Tác Giả
NGUYỄN THÀNH TRÍ

Đại Tá Nguyễn Thành Trí

- Sinh tháng 6 năm 1935 tại Sa Đéc

- Nhập ngũ ngày 23-6-1954

- Xuất thân trường sĩ quan Thủ Đức

-Tư Lệnh Phó Sư Đoàn TQLC


Cựu Đại Tá Nguyễn Thành Trí, biệt danh Tango, sinh năm 1935, nguyên Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH từ 1972 cho tới cuối ngày 30 Tháng Tư 1975, đã trải qua 13 năm tù cộng sản, tới Hoa Kỳ theo chương trình HO., hiện định cư tại Houston, Texas cùng vợ và 4 con.

Ngày 18 tháng Ba 1975, Đại tá Trí là Tư Lệnh Mặt Trận Tây Bắc Huế. Ngày 20-3, từ tuyên Mỹ Chánh trở vào vẫn nguyên vẹn. Mọi cuộc tấn công của Quân Bắc Việt vào phòng tuyến Thuỷ Quân Lục Chiến dọc hành lang sông Bồ và khu vực Cổ Bi đều bị đẩy lui. Nhưng rồi, chỉ 10 ngày sau những lệnh rút quân hoảng loạn từ thượng cấp, Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến tại Vùng I chiến thuật với quân số chừng 11,000, khi được Cơ Xưởng Hạm 802 đưa về đến Vũng Tầu, chỉ còn khoảng 4,000 binh sĩ.

Sau đây là chuyện Tháng Tư Đen, trích từ hồi ký "Ngày Tháng Không Quên", của Đại Tá Nguyễn Thành Trí kể về những ngày giờ sau cùng của binh chủng mũ xanh thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

*

Khoảng 09:30 ngày 28-4-75, giờ tuyến phòng thủ của hai Lữ đoàn đều bị pháo kích. Trước tuyến LĐ258/TQLC địch cho chiến xa dẫn đường, Bộ binh theo sau, tiến vào vị trí của TĐ6/TQLC. Một phần khu vực của TĐ4/TQLC cũng bị tấn công. Cùng lúc, Sư đoàn 304 CSBV cũng tấn công vào tuyến của LĐ468/TQLC. Các tiểu đoàn thuộc LĐ468/TQLC đã sử dụng pháo binh tác xạ chính xác vào đội hình của địch khiến chúng phải chạy lui về phía sau. Ta bắt được một tù binh thuộc một đơn vị của SĐ304 CSBV. Riêng bên LĐ258/TQLC, địch cũng không thể tiến lên được trước hỏa lực mạnh mẽ của chiến xa và bộ binh của ta. Phi cơ lên vùng yểm trợ và oanh kích hữu hiệu vào đội hình của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Địch đã phải rút lui về phía Đông, bỏ lại hai chiến xa do chiến xa ta bắn cháy. Theo cung từ của các tù binh bị bắt, lực lượng tấn công gồm Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 270) và Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 266). Hai trung đoàn này thuộc Sư đoàn 341 CSBV.

Khoảng 14:00 giờ, Tướng Lân gọi điện thoại hỏi tôi về tình hình tại Biên Hòa ra sao. Tôi trình ông biết là tuyến phòng thủ của hai Lữ đoàn đang chịu áp lực nặng nề của Sư đoàn 341 và 304 CSBV. Cho tới giờ này anh em vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Trong dịp này ông lưu ý tôi hãy chuẩn bị tư tưởng vì có thể SĐ/TQLC sẽ phối hợp với "lực lượng bạn" (?) để bảo vệ an ninh trục lộ từ Biên Hòa về Vũng Tàu. Ông không nói thêm mục đích của công tác nói trên cũng như từ đâu có lệnh đó. Tôi không thể hỏi thêm gì dài dòng vì đang trên đường dây điện thoại và nhận thấy mọi việc cần phải được giữ bí mật trong lúc này. Trước khi chấm dứt điện thoại, Tướng Lân khuyên tôi nên đưa gia đình ra Vũng Tàu, ông sẽ lo liệu trong trường hợp phải di tản. Tôi cám ơn về sự quan tâm của ông, nhưng tôi chưa có ý định cho gia đình đi trong lúc này. Tôi suy nghĩ miên man về những gì Tướng Lân vừa cho biết liên quan đến việc bảo vệ an ninh Quốc lộ 15. Trên thực tế cả Quân đoàn 2 CSBV gồm 3 Sư đoàn đang kiểm soát phần lớn Quốc lộ 15 đi Vũng Tàu. Muốn giải tỏa cần phải có một lực lượng lớn hơn và hành quân trong nhiều ngày với hỏa lực yểm trợ hùng hậu. Mặt khác phải có kế hoạch ngăn chặn Quân đoàn 4 tấn công vào Biên Hòa trên Quốc lộ 1, chưa kể Quân đoàn này còn có khả năng tăng cường cho Quân đoàn 2 CSBV trên Quốc lộ 15 bất cứ lúc nào.

Khoảng 15:00 giờ, Đại tá Lương, Tham mưu trưởng QĐIII, báo cho tôi biết là BTL/QĐ sẽ di chuyển về trại BCH Thiết giáp ở Gò Vấp vào lúc 16:00 giờ. Trước khi rời Biên Hòa ông muốn biết bên TQLC có cần gì không. Ông cho biết thêm là Trung tâm hành quân Quân đoàn vẫn còn để lại một toán nhỏ để làm việc. Tôi cám ơn ông và cho biết chúng tôi chưa cần gì bây giờ.

Buổi tối thì nghe tin Tổng thống Trần Văn Hương bàn giao chức vụ cho Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên bố rằng ông muốn hòa giải, tôn trọng Hiệp định ngưng bắn 1973, và đề nghị ngưng bắn để thương thuyết… Làm sao Cộng sản chịu ngồi xuống thương thuyết khi chúng đang ở thế mạnh?

Ngày 29-4-75, tôi được lệnh đến họp tại BTL/SĐ18BB vào lúc 12:00 giờ. Hiện diện gồm có Tướng Toàn, Tư lệnh QĐIII, Tướng Đảo, Tư lệnh SĐ18BB, Tướng Khôi, Tư lệnh LĐ3KB, và tôi. Sau khi nghe qua phần trình bày của các vị Tư lệnh và tôi, Tướng Toàn chỉ thị cho các đơn vị rút về gần Biên Hòa và Long Bình để tuyến phòng thủ được bảo vệ chặt chẽ và hữu hiệu hơn. Để có sự thống nhất chỉ huy, do hai LĐ/TQLC khi về vị trí mới thì nằm trong khu vực trách nhiệm của cả LĐ3KB ở phía Bắc và SĐ18BB ở phía Nam, nên LĐ258/TQLC sẽ được tăng phái cho LĐ3KB và LĐ468/TQLC sẽ được tăng phái cho SĐ18BB. Tướng Toàn lưu ý thêm là tôi vẫn chịu trách nhiệm chỉ huy cho đến khi nào các LĐ/TQLC về đến vị trí mới đầy đủ; khi đó phải báo cho ông biết.

Về đến BCH tôi chưa kịp mời các Lữ đoàn trưởng TQLC và Liên đoàn trưởng BĐQ đến họp về việc rút quân thì địch lại mở cuộc tấn công vào khu vực của TĐ6 và TĐ16/TQLC. Lần tấn công này của địch có vẻ mạnh mẽ hơn. BCH nhẹ SĐ/TQLC liền xin phi cơ lên vùng yểm trợ đồng thời ra lệnh cho Liên đoàn BĐQ sẵn sàng tiếp ứng trong trường hợp cần thiết. Sau vài giờ kịch chiến, địch thấy không thể nào phá được tuyến chặn của ta hai bên Quốc lộ 1, trong khi bị phi cơ ta oanh kích trúng phía sau đội hình nên chúng đành phải rút lui. Trước tuyến của TĐ/16TQLC địch bỏ lại hai chiến xa còn đang bốc cháy.

Khoảng 15:30 giờ, tôi họp các Lữ đoàn trưởng TQLC và Liên đoàn trưởng BĐQ để phổ biến kế hoạch rút quân và tái phối trí để bảo vệ căn cứ Long Bình và thị trấn Biên Hòa. Các LĐ/TQLC phải đoạn chiến và rút về phía sau từ 10 đến 12 cây số. Liên đoàn BĐQ di chuyển vào bên trong căn cứ Long Bình, tiếp tục làm trừ bị. Thành phần chiến xa tăng phái cho các đơn vị không gì thay đổi. BCH nhẹ SĐ và BCH/LĐ/468 vẫn đóng tại chỗ. Sau khi các LĐ/TQLC về đến tuyến phòng thủ mới thì sẽ được đặt dưới quyền chỉ huy của LĐ3KB (đối với LĐ258/TQLC) và SĐ18BB (đối với LĐ468/TQLC). Phải có kế hoạch yểm trợ Pháo binh bắn chận khi cần thiết trong lúc rút quân. Tôi lưu ý các đơn vị trưởng là địch đang tấn công dữ dội vào hai Đại đội Nhảy dù có nhiệm vụ bảo vệ cầu Đồng Nai và căn cứ Hải quân cách Long Bình vài cây số về hướng Tây Nam.

Khoảng 18:00 giờ, sau nhiều lần phản công tái chiếm một vài vị trí đã bị mất, hai Đại đội Nhảy dù đã phải rút lui trước lực lượng đông đảo của đơn vị thuộc đoàn 116 đặc công của địch. Đường về Sài Gòn trên xa lộ qua cầu Đồng Nai đã bị cắt. Giờ đây chỉ còn lại chiếc cầu Đại Hàn duy nhất bắc qua sông Đồng Nai trên Quốc lộ 1 còn sử dụng được để về Sài Gòn, do hai Đại đội Nhảy dù khác đang bảo vệ.

Nguồn: vietbao

generalhieu.com


Thư Mục

STT
Đề Tài (bấm vào đề tài đọc tiếp)
Tác Giả
1
Tháng Tư Đen Và Binh Chủng Mũ Xanh Nguyễn Thành Trí
2
 Ngày Tháng Không Quên Nguyễn Thành Trí
3
Xin Một Lần Nói Về Tango
Philato
4


5


6


7


8


9


10


11


12


13


14









Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến

www.vietnamvanhien.net (Tin tức cập nhật thường xuyên)
www.vietnamvanhien.org (Thuần ngữ, tải nhanh)

www.vietnamvanhien.com (Kinh tế & Tài chánh)

www.vietnamvanhien.info (Tủ Sách Văn Hiến, có hơn 5800 Tác phẩm )


Email: thuky@vietnamvanhien.net




Lấy Tâm Lực thay cho vũ lực để giải trừ quốc nạn là phục hoạt nếp sống Văn Hiến và phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.

Lấy Nhân Tâm làm phương tiện, dụng Dân Tâm làm quốc sách "An Dân & Lạc Quốc" là kim chỉ nam cuả thể chế Dân Chủ Văn Hiến.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt