Nguyễn Trường Tộ (chữ Hán: 阮長祚, 1830?[1] – 1871), còn
được gọi là Thầy Lân,[2] là
một danh sĩ, kiến trúc sư,[3] và
là nhà cải cách xã hội Việt Nam ở thế kỷ 19.
Thân
thế và sự nghiệp
Ông sinh ra trong
một gia đình theo Công giáo Rôma từ
nhiều đời tại làng Bùi Chu[4] (xã Hưng Trung), huyện Hưng Nguyên,
tỉnh Nghệ An.
Cha ông là Nguyễn
Quốc Thư, một thầy thuốc Đông y, nhưng
mất sớm.[5]
Những
năm học tập
Thuở thiếu thời,
Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán với
cha và các thầy ở trong vùng như Tú Giai ở Bùi Ngọa, Cống Hữu ở Kim Khê
và quan huyện Địa Linh về hưu ở Tân Lộc (huyện Lộc Hà, Nghệ An). Ông thông
minh, học giỏi nên được truyền tụng là "Trạng
Tộ".[6]
Sau khi thôi học,
ông mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời
dạy chữ Hán trong
Nhà chung Xã Đoài (nay là toà giám mục Xã Đoài
thuộc xã Nghi Diên,
huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Tại đây, ông được Giám mục người
Pháp tên là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu,
về Xã Đoài nhận nhiệm vụ từ năm 1846) dạy cho
học tiếng Pháp và
giúp ông có một số hiểu biết về các môn khoa học
thường thức của phương Tây.[7]
Cuối năm 1858, ông đi
cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng tránh
nạn "phân tháp" (sáp nhập hai ba gia đình Công
giáo vào trong một làng không Công giáo, chứ
không cho ở tập trung như trước).[8]
Đầu năm 1859, Giám mục
Gauthier đưa ông sang Hương Cảng (Hồng Kông)[9] và
một số nơi khác...[10]
Làm phiên
dịch cho quân Pháp
Đầu tháng 2 năm 1861, sau khi
chiến tranh ở Ý và
ở Trung Quốc kết
thúc, Đô đốc Léonard Charner được
lệnh gom quân ở Trung Quốc đem
về Sài Gòn mở
rộng vùng chiếm đóng. Với quyết tâm này, Charner
đã thuyết phục được một số giáo sĩ Pháp đang
lánh nạn ở Hồng Kông,
trong số đó có Giám mục Gauthier, về Sài Gòn
cộng tác. Nhận lời, Giám mục Gauthier dẫn Nguyễn
Trường Tộ cùng về với mình. Sau đó, ông Tộ nhận
làm "từ dịch" (phiên dịch các tài liệu chữ Hán)
cho thực dân Pháp.
Trong bài "Trần
tình" (viết xong ngày 7 tháng 5 năm 1863), Nguyễn
Trường Tộ phân trần rằng: lúc bắt đầu khởi hấn
(đầu năm 1859, tức lúc
quân Pháp chuẩn bị tấn công thành Gia
Định), quân Pháp có mời ông cộng tác. Sau
khi Đại đồn Chí Hòa thất
thủ (tháng 2 năm 1861), ông
thấy rằng phải tạm hòa theo đề nghị của Pháp, để
dưỡng quân và củng cố lực lượng. Chính vì thế mà
Nguyễn Trường Tộ đã nhận làm từ dịch cho Pháp để
mong góp phần vào việc hòa đàm...[11]
Ngày 29 tháng 11 năm 1861, Đô đốc Louis-Adolphe
Bonard lên thay Đô đốc
Léonard Charner, và ông này liền xua quân mở
rộng cuộc chiến. Thấy vậy, Nguyễn Trường Tộ
không trông mong gì ở cuộc "nghị
hòa" nên xin thôi việc.
Hết
lòng vì đất nước
Sau khi thôi việc,
Nguyễn Trường Tộ đã dồn hết tâm trí vào việc
thảo kế hoạch giúp nước. Nhờ sự hiểu biết sâu
rộng về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật...[12] nên
đến đầu tháng 5 năm 1863 thì
ông đã thảo xong ba bản điều trần gửi lên Triều
đình Huế là "Tế cấp luận", "Giáo
môn luận" và "Thiên
hạ phân hợp đại thế luận".
Nhận thức được bối
cảnh và khuynh hướng vận động chung của thế giới thời
bấy giờ, Nguyễn Trường Tộ có những nhận định:
- Ngày nay các
nước phương Tây đã
bao chiếm suốt từ Tây Nam cho đến Đông Bắc,
toàn lãnh thổ châu Phi cho
tới Thiên Phương, Thiên Trúc, Miến Điện, Xiêm La, Tô Môn Đáp Lạp, Trảo Oa, Lữ Tống, Cao Ly, Nhật Bản, Trung Quốc và
các đảo ở ngoài biển, kể cả Tây châu, không
đâu là không bị chẹn họng bám lưng. Nước Nga thì
từ Tây Bắc đến Đông Nam gồm tất cả các nước Đại Uyển, Cốt Lợi Cán, Mông Cổ và
các xứ ở Bắc Mãn Châu, không đâu là
không chiếm đất và nô dịch dân những nơi đó.
Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe
thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời,
mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì
người Âu đều đặt chân đến, như tằm ăn cá
nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào
trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được
yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh;
trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ.[13]
Song tất cả đều
không được phúc đáp. Đầu năm 1864 ông
lại gửi cho đại thần Trần Tiễn Thành một
bản điều trần nữa (hiện thất lạc)[14] để
thuyết phục Triều đình
Huế nên tạm hòa với Pháp
và mở rộng bang giao.
Trong thời gian phái
bộ Phan Thanh Giản ở
Pháp về Sài Gòn chờ tàu để đi Huế (từ
ngày 18 đến 24 tháng 3 năm 1864), ông đã
đến tiếp xúc với các chánh phó sứ để thảo luận
nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng và bảo
vệ đất nước. Sau đó, ông viết "Lục
lợi từ" (còn có tên "Dụ
tài tế cấp bẩm từ", tháng 6 năm 1864) rồi gửi
lên Triều đình, nhưng sau đó cũng không được
phúc đáp. Ông đã viết bài tấu lên vua "Người da trắng nếu
ta đối xử tốt với họ, họ cũng sẽ đối xử tốt
với mình. Còn nếu không, họ sẽ chiếm nước ta
thành thuộc địa,
giống như người da
đen".
Trong quãng thời
gian đó, năm 1862-1864, bằng sự
hiểu biết của mình, ông đã thiết kế và chỉ đạo
việc xây cất tu viện Dòng Thánh Phaolô Sài
Gòn (nay ở số 4 đường Tôn Đức
Thắng). Đây là một công trình kiến trúc
theo kiểu châu Âu có
quy mô và có giá trị bền vững cho đến tận ngày
nay.[15]
Thành công ấy đã làm
cho tiếng tăm Nguyễn Trường Tộ lan rộng. Khoảng
năm 1864, ông được người Anh mời
sang dự một hội nghị khoa học ở Anh, nhưng bị họ
Phạm ngăn cản không cho liên lạc với người Anh.[16]
Khoảng cuối năm 1864 cho
đến đầu năm 1865, Nguyễn
Trường Tộ đã gửi liên tiếp một số văn bản gửi
lên vua và triều đình. Ông nói rằng: "Những
người phương Tây nếu
được đối đãi tử tế cũng sẽ đối đãi tử tế với
mình, còn nếu không họ sẽ chiếm làm thuộc địa
giống như các nước ở châu Phi",
nhưng chưa kịp gửi lên triều đình thì bị họ Phạm
ngăn cản. Còn ba văn bản gởi cho ông Thành, thì
có thể là các bài: "Góp ý
về việc mua và đóng thuyền máy" (cuối 1864), "Góp
ý về việc đào tạo người điều khiển và sửa chữa
thuyền máy" (tháng 2 năm 1865) và "Khai
hoang từ" (tháng 2, 1866).[17]
Sau đó, Nguyễn
Trường Tộ được triệu ra Huế để
giải quyết vụ tàu London. Về vụ việc này, sách Đại Nam thực lục kể
đại ý như sau: "Trước đây, Hoàng Văn Xưởng đi Hương Cảng có
đặt mua tàu London. Không ngờ bị Phô Na (chủ
hãng tàu) lừa dối, tàu đã cũ nát, chưa đi tới
nơi thì đã bị sóng gió làm hư hại. Sau khi sửa
chữa ở Gia Định, họ
đưa tàu đến cửa Thuận An (Huế) bắt phải mua.[18] Nhưng
sau khi đệ trình lên cách giải quyết, thì không
được thi hành nên ông có lẽ chán nản, và xin về Nghệ An (ngày 10 tháng 4 năm 1866).[19] Trong
bức thư gửi Trần Tiễn Thành (viết
từ Nghệ An đề ngày 15 tháng 6 năm 1866), thì tâm
trạng của ông lúc bấy giờ khá u uất. Một phần vì
ông nóng lòng việc canh tân đất nước, một phần
vì thấy vua và một số quan lại bảo thủ hãy còn
nghi kỵ mình...[20]
Mặc dù vậy, Nguyễn
Trường Tộ vẫn không nản chí. Về tới Nghệ An, việc đầu tiên ông
làm là viết thư cho Triều đình để báo tin về
việc Giám mục Gauthier nhận lời đi Pháp để
mua các thứ cần thiết về mở trường kỹ thuật ở Huế. Sau đó, ông được lệnh đi
cùng Giám mục Gauthier ra Huế để chuẩn bị đi
Pháp. Khi ấy là giữa tháng 8 năm 1866.
Trong khoảng 3 tháng
ở quê nhà, ông giúp Tổng đốc Nghệ
An Hoàng Tá
Viêm đào kênh Sắt ở Hưng Nguyên.
Truyện "Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ" kể:
- Năm Tự Đức 19, Bính Dần (1866),
ngũ nguyệt (tháng 5), Bộ sai quan
Tổng đốc Nghệ An là Hoàng Tá Viêm ra đào
Kênh Sắt... Người viết thư cậy ông Tộ đi
khám xem hình đất, thế đất, chỉ lối cho mà
đào... Kênh hoàn thành, ông Tộ có làm bài
thơ mừng Kênh Sắt.[21]
Ngày 17 tháng 8 năm 1866, Nguyễn
Trường Tộ cùng với Giám mục Gauthier và Linh mục
Nguyễn Điều tới Huế. Lần này, Nguyễn Trường Tộ
được vua Tự Đức tiếp
kiến ở nhà Tả Vu trong Tử Cấm thành (Huế), được hỏi
han nhiều điều, và được nhà vua nghe theo.
Ngày 15 tháng 9 năm
đó, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường
Tộ đi tàu của nhà vua vào Sài Gòn, và ở đó chờ tàu.
Trong thời gian lưu lại, hai ông đã có những
cuộc tiếp xúc với Đô đốc La Grandière và
Lãnh sự Tây Ban Nha để
nắm tình hình theo yêu cầu của Triều đình. Sau
đó, Nguyễn Trường Tộ đã có sáu bản báo cáo gởi
về Huế. Qua các văn bản này, ông trình bày cho
Triều đình thấy là có một khác nhau giữa ý đồ
của Pháp soái (tức Đô đốc La Grandière) ở Sài
Gòn và chính sách của chính phủ ở Pháp. Pháp
soái thì muốn bằng mọi cách thôn tính hoàn toàn sáu tỉnh Nam Kỳ và
áp đặt trên phần đất còn lại của Việt Nam một
hiệp ước bảo hộ; trong khi ấy ở chính quốc, thì
có nhiều dư luận chống đối các cuộc phiêu lưu
quân sự ở các vùng đất xa xôi...[22]
Ngày 10 tháng 1 năm 1867, phái
đoàn đáp tàu L’Orne đi Pháp. Trong 8 tháng ở
đây, họ đã mua sách vở, dụng cụ, máy móc... để
lập trường học kỹ thuật ở Huế. Ngoài ra,
Giám mục Gauthier cũng đã tới Bộ Ngoại giao Pháp,
Bộ Hàng hải và Thuộc địa Pháp để xin tài trợ cho
các chương trình của mình; đồng thời tiếp xúc
với một số thương gia và kỹ nghệ gia người Pháp.
Ngày 25 tháng 11 năm 1867, phái
đoàn trở về Việt Nam.
Theo Linh mục Trương Bá Cần (tác
giả sách Nguyễn Trường Tộ:
Con người và di thảo), thì có lẽ Nguyễn
Trường Tộ đã theo Giám mục Gauthier sang Rôma (Ý), rồi được
vào chầu Giáo hoàng Piô IX nhân
chuyến đi này.[22]
Ngày 29 tháng 2 năm 1868, phái
đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ về
tới Huế. Cùng theo về còn có hai Linh mục, một
giáo dân (bác sĩ Hemaiz) và một người thợ máy
(tất cả đều là người Pháp,
và đều do Giám mục Gauthier vận động được). Sau
khi xem xét các thứ mua về cho trường học và các
thứ mà Bộ Hàng hải Pháp gửi tặng, vua Tự Đức cho
phép Giám mục Sohier được xây trường học kỹ
thuật trên mảnh đất đã đề nghị (nằm giữa nhà thờ
Kim Long và Tòa Giám mục Huế)...[23] Theo
tờ tấu của Viện Cơ mật đề
ngày 4 tháng 3 năm 1868, thì sau
đó các thành viên trong đoàn đều được nhà vua
ban thưởng tiền và lụa...
Đi Pháp về,
trong thời gian từ cuối tháng 2 cho
tới cuối tháng 4 năm 1868, Nguyễn
Trường Tộ đã gởi cho Triều đình ít nhất là 9 văn
bản. Ngoài văn bản đầu tiên (sau khi về tới Huế), nói về việc mở trường
và phát triển đất nước, hầu hết các văn bản khác
đều xoay chung quanh vấn đề sứ bộ đi Pháp. Bởi
Triều đình vua Tự Đức lúc bấy giờ chỉ quan tâm
tới việc làm sao lấy lại được 6 tỉnh Nam Kỳ đã
mất vào tay Pháp. Sau những cuộc thương thuyết
không thành công giữa Trần Tiễn Thành và
Đô đốc Lagrandière tại Sài Gòn cuối tháng 1 năm 1868, vua Tự Đức nhất
định cử một phái bộ sang Pháp để điều đình với
chính phủ Pháp. Đối với vấn đề quan trọng này,
quan điểm trước sau như một của Nguyễn Trường Tộ
là phải tự lực tự cường để lấy lại phần đất đã
mất, chứ không thể van xin nài nỉ. Tuy nhiên,
ông vẫn sẵn sàng đi theo sứ bộ và đã có những
kiến nghị rất cụ thể cho chuyến đi.
Khoảng giữa tháng 3 năm 1868, Nguyễn
Trường Tộ được cấp phát ngựa và chi phí về Nghệ
An thăm mẹ già trước lúc lên đường sang Pháp.
Tuy nhiên, sau khi trở lại Huế, ông đổi ý, kiến
nghị với Triều đình là không nên sai sứ bộ sang
Pháp điều đình mà chỉ nên gởi sứ bộ vào Sài Gòn thương
thuyết.
Việc đi Pháp vì thế
phải đình hoãn không thời hạn. Ngày 18 tháng 4 năm 1868, Bộ Lễ lại
cấp phép cho Nguyễn Trường Tộ trở về Nghệ An.
Trước đó, ngày 7 tháng 4 năm 1868, Giám mục
Gauthier cũng đã lên đường trở về Xã Đoài vì
thấy việc mở trường kỹ thuật không được nói tới
nữa.[24]
Về lại Nghệ An,
Nguyễn Trường Tộ bắt tay vào việc vận động dân
vùng Xuân Mỹ (Nghệ An) thường xuyên bị úng lụt
đến nơi ở mới,[25] đồng
thời xây cất Nhà Chung Xã Đoài.[26] Trong
những năm này, ông vẫn đều đặn gửi lên triều
đình Huế các bản điều trần về thời sự.
Tháng 10 (âm lịch) năm
Tự Đức thứ 23 (1870), Nguyễn
Trường Tộ gửi thư lên Triều đình đề nghị lập
lãnh sự ở Sài Gòn và sứ quán ở Pháp để nắm tình
hình. Đầu tháng 11 năm
đó, ông lại xin được vào Nam tổ chức đánh úp
quân Pháp để thu hồi 6 tỉnh Nam Kỳ, nhân lúc
Pháp đang thua Phổ (Đức) và Cách mạng
Pháp đang nổi dậy.
Ngày 28 tháng 12 năm 1870, trong
bản tấu của Viện Cơ mật dâng
lên vua Tự Đức có
đoạn:
- ..."Bọn thần
tuân phụng xét duyệt các khoản mật trần của
Nguyễn Trường Tộ thấy y cũng có lòng với ta
và chính lúc này là lúc có thể thừa cơ hội
được. Ý kiến của bọn thần cũng đồng với các
lý lẽ của thần Trần Tiễn
Thành tâu xin. Nhưng
xét vì đây là việc quân quốc trọng sự cần
phải bàn thảo kín đáo kỹ lưỡng mới bảo đảm
không nguy hiểm trở ngại sau này. Nay bọn
thần chưa giáp mặt y bàn tính mà đã nội giao
cho y qua các nước thám sát những việc cần
phải làm, lỡ ra có chỗ nào chưa được chu
đáo, sợ sẽ sinh trở ngại. Vậy xin cho Bộ Lễ lấy
lý do phái đem người qua Tây học
tập, khẩn tư cho tỉnh thần Nghệ An lập tức
cấp ngựa, sức y lên kinh ngay để bọn thần ở
Viện Cơ mật và Tòa Thương Bạc đối
diện hỏi bọn y xem suy tính cơ nghi như thế
nào cho được chu thỏa. Bọn thần sẽ suy nghĩ
chín chắn đôi ba lần và phúc tâu đầy đủ. Vậy
dám xin có lời tâu bày, đợi chỉ tuân hành."
Đầu năm 1871, ông nhận
được lệnh cấp tốc ra Huế với lý do "đưa học sinh
đi Pháp", nhưng kỳ thực là để bàn bạc với vua Tự Đức về
phương lược quân sự và ngoại giao mà ông đã
trình bày trong các văn bản gởi cho Triều đình
cuối năm 1870. Nhưng
Triều đình Huế bàn đi tính lại mà không đi đến
được một quyết định nào: Sứ bộ không được cử đi
các nước, kế hoạch đánh úp Pháp để thu hồi 6
tỉnh ở Nam Kỳ cũng
không được thực hiện...
Qua đời
Sau mấy tháng ở Huế, có thể là vì không có
việc gì để làm, hoặc có thể vì bệnh cũ tái phát,
Nguyễn Trường Tộ đã xin phép trở về Xã Đoài
(Nghệ An). Đến ngày 22 tháng 11 năm 1871 thì
ông đột ngột từ trần. Lúc ấy, ông chỉ mới 41
tuổi.
Con ông là Nguyễn
Trường Cửu, trong Sự tích
ông Nguyễn Trường Tộ chỉ
nói ngắn gọn rằng: "Qua năm sau, Tự Đức năm 24 (1871), ngày 10 tháng 10,
ông Tộ làm câu thơ rằng: "Nhất thất túc thành
thiên cổ hận / Tái hồi đầu thị bách niên cơ" (Một
kiếp sa chân, muôn kiếp hận / Ngoảnh
đầu cơ nghiệp ấy trăm năm) đoạn thì qua
đời. Thọ 41 tuổi".
Nhiều chứng cứ cho
thấy ông mất vì bệnh xuất huyết bao tử.[27] Riêng
Giám mục Gauthier cho rằng ông bị đầu độc. Trong
một thư đề ngày 1 tháng 11 năm 1871, vị Giám
mục này viết: "Người Giáo
hữu Việt Nam mà tôi đem theo năm 1867 và
người ta gọi là Kiến trúc sư (...) đã là nạn
nhân của một âm mưu đầu độc".[28]
Sau khi qua đời, di
hài của ông được an táng tại thôn Bùi Chu (nay ở
xóm 1, làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên,
tỉnh Nghệ An). Ban
đầu, phần mộ của ông chỉ là một nấm mộ đất thấp,
tại một bãi đá mài bên sông của làng Bùi Chu.
Sau được cải táng về phía tây, trên một gò đất
cao giữa khu đất bằng phẳng, gần đường chính,
cách vị trí mộ cũ khoảng 300 m. Năm 1943,
giáo sư Từ Ngọc Nguyễn Lân đã
đứng ra tổ chức, kêu gọi các cá nhân, tổ chức
đóng góp công của để xây dựng lăng mộ cho Nguyễn
Trường Tộ. Bản thân giáo sư Nguyễn Lân đã gửi số
tiền 133 đồng[29] cho
linh mục địa phận Xã Đoài là Laygue để xây lại
mộ Nguyễn Trường Tộ.[30][31] Trong
đó bao gồm 110 đồng là tiền bán 900 quyển "Nguyễn
Trường Tộ" của ông, còn
23 đồng là tiền của những người bạn của giáo sư
đóng góp vào. Nhờ đó ngôi mộ của Nguyễn Trường
Tộ được xây lại bằng đá cẩm thạch Thanh Hóa cùng
với những họa tiết tương đối hoàn chỉnh. Ngày 21 tháng 1 năm
1992, Bộ Văn hóa đã
xếp hạng di tích cấp quốc gia. Năm 1996 huyện
Hưng Nguyên đã đầu tư kinh phí xây dựng, nâng
cấp khu di tích với diện tích 1.062 m², gồm
2 phần: phần mộ và phần vườn mộ, xung quanh được
xây hàng rào bảo vệ, bên trong trồng hoa và cây
cảnh, trở thành một khu lăng mộ hoàn chỉnh.
Không biết chắc
Nguyễn Trường Tộ đã lập gia đình lúc nào. Có thể
là trong khoảng thời gian ông trở về Nghệ An, sau khi các dự án
canh tân của ông gởi vua Tự Đức bị chống đối nên
bị bỏ dở (sau tháng 4 năm 1868). Con ông
gồm một trai, một gái. Người con gái lấy chồng ở
một làng kế cận. Người con trai là Nguyễn Trường
Cửu (ông mất khi Trường Cửu mới được 18 tháng),
có tư chất thông minh, được học hành, thường
được gọi là "Đồ Cửu". Ông Cửu mất vào khoảng năm 1942, và đã để
lại tác phẩm Sự tích ông
Nguyễn Trường Tộ.
Tác phẩm
Kể từ khi về nước
(khoảng 1861) cho đến
năm cuối đời (1871), Nguyễn
Trường Tộ đã đều đặn gửi lên vua Tự Đức và triều đình Huế các
bản điều trần và phúc trình về thời sự. Đáng chú
ý có:
- Hòa từ (Bàn
về hòa) gửi tướng Nguyễn Bá Nghi (1861)
- Tế cấp luận (Bàn
về những việc khẩn cấp, tháng 3 - 4 năm 1863, hiện
chưa tìm thấy)
- Giáo môn
luận (Bàn về việc tự
do tôn giáo, 26 tháng 3 năm 1863)
- Thiên hạ
phân hợp đại thế luận (Bàn
về những thế lớn phân và hợp trong thiên hạ).
Đây là bài "Hòa từ" được
sửa chữa lại (1863)
- Điều trần (7 tháng 5 năm
1863)
- Lục lợi từ (Kế
hoạch làm cho dân giàu, tháng 6 năm 1864)
- Khai hoang
từ (Bàn về việc khai
hoang, tháng 2 năm 1865)
- Điều trần khả
năng lấy lại ba tỉnh miền Đông [Nam Kỳ] (1866)
- Kế hoạch vận
động ở Pháp để giữ ba tỉnh miền Tây [Nam Kỳ] (1866)
- Báo cáo về
việc gặp viên Lãnh sự Tây Ban
Nha (1866)
- Kế ly gián
giữa Anh và Pháp (1866)
- Điều trần về
hội nước ngoài (1866)
- Phúc trình về
việc ký hợp đồng với các hội nước ngoài (gửi
về khi sang Pháp năm 1867)
- Về tám điều
cần bàn gấp (gửi về
khi sang Pháp năm 1867)
- Điều trần về
việc tiễu trần giặc biển (tháng 8 năm 1868)
- Điều trần về
việc tái tu võ bị (1869)
- Kế hoạch nội
công ngoại kích thu hồi sáu tỉnh Nam Kỳ (tháng
11 năm 1870)
- Bổ sung kế
hoạch sai sứ đi Tây và đánh úp Gia Định (tháng
11 năm 1870)
- Bàn về việc
cho Pháp thông thương để đổi lại sáu tỉnh
(tháng 2 năm 1871)
- Kế hoạch
thương nghị với Pháp và vận động sự giúp đỡ
của các nước khác (tháng 2 năm 1871)
- Kế hoạch vay
tiền để dùng vào việc binh (tháng 2 năm 1871)
- Về việc gửi
học sinh sang Singapore học
sinh ngữ (tháng 2 năm 1871)
- Về việc nhờ
Giám mục Hòa giúp lấy lại 6 tỉnh (tháng 3 năm
1871)
- Tu võ bị (bàn
về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng,
tháng 5 năm 1871)
- Về việc cần
canh tân, quảng giao để giữ nước (tháng 8 năm
1871)
- Về việc nông
chính (tháng 8 năm 1871), v.v...
Ngoài ra, Nguyễn
Trường Tộ còn để lại một số di cảo thơ.
Tóm
tắt nội dung các bản điều trần
Nguyễn Trường Tộ đã
liên tiếp gửi lên triều đình Huế 30 bản điều
trần (theo tập hợp của Linh mục Trương Bá Cần) đề
xuất canh tân xây dựng đất nước. Nội dung các
bản điều trần đề cập đủ mọi lĩnh vực. Tóm tắt
các mặt chủ yếu:
Ông trình bày những
chiến lược cơ bản, về những thế lớn phân và hợp
trong thiên hạ ("Thiên hạ phân hợp đại thế
luận", 1863) và đề
xuất "Kế ly gián giữa Anh
và Pháp" (1866). Không
hề ảo tưởng về dã tâm của thực dân Pháp, nhưng
ông rất sáng suốt chủ trương tạm hòa hoãn với
Pháp, gợi ý với nhà vua về lợi ích lớn của việc "Mở
rộng quan hệ với Pháp và các nước khác" (1871)...
Ông đề nghị triều
đình tinh giản bộ máy chính
quyền để đỡ hao tốn công
quỹ, xác định rõ chức năng công việc của từng
loại quan lại để khỏi phải có rất nhiều người ăn
lương mà không biết làm gì. Mặt khác, nên có
chính sách đối với những nho sinh để
họ không thể dựa vào chút chữ nghĩa, trốn tránh
nghĩa vụ đối với nước nhà. Ngoài ra, muốn cho
đội ngũ viên chức giữ
được thanh liêm thì phải tạo điều kiện cho họ
làm giàu chính đáng...
Ông đề nghị sắp đặt
lại hệ thống thuế khóa cho
thật công bằng hợp lý. Muốn thế phải đo đạc lại
ruộng đất, kê khai nhân khẩu, tăng thuế người
giàu và hàng xa xỉ ngoại nhập, đánh thuế thật
nặng vào những tệ nạn như cờ bạc, rượu
chè,... Ngoài ra, còn phải khuyến khích nhà giàu
bỏ tiền ra cho vay, và vay tiền của nước
ngoài...
Ông đề nghị chấn
hưng "nông, công, thương nghiệp" để làm cho dân
giàu nước thịnh, bằng những hành động cụ thể
như: tổ chức khai hoang, bảo vệ rừng, thành lập các đoàn tàu
đem hàng nông sản đi bán, cử người thăm dò tài nguyên,
khai thác mỏ, thành lập các cơ sở sản xuất công
nghệ và đào tạo thợ kỹ thuật…Và để nền kinh tế cả
nước có thể giao thông dễ dàng, thì phải chú ý
đến việc làm mới và tu bổ đường bộ và đường thủy....
Ông đề nghị cải cách
"việc học, việc thi" để chọn được nhân tài hữu
ích. Không nên tiếp tục lối học "máy móc, tín
điều" kiểu Trung Hoa. Đáng chú ý là việc
ông đề nghị đem các môn khoa học vào
trong chương trình học, nhất quyết phải dùng
quốc văn (chữ Nôm) để
dạy học và soạn sách, kể cả trong các giấy tờ
hành chính...
Ông chủ trương quan
hệ mềm mỏng với Pháp, và không
chỉ có Pháp mà còn phải đặt ngoại giao với nhiều
nước khác như Anh, Tây Ban Nha...
Phải biết lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước này
để có lợi cho mình. Phải đào tạo được các thông
dịch viên giỏi công việc và tiếng nước ngoài...
Ông đề nghị cải tu
võ bị nhằm tăng chất lượng của quân đội, như
tổ chức lại đội ngũ, cho quân lính được học tập
các binh pháp mới, mua sắm tàu thuyền và vũ khí,[32] xây
dựng phòng tuyến cả ở thành thị lẫn nông thôn, đề phòng quân Pháp
xâm lược lan ra cả nước...
Bên cạnh đó, ông còn
đề nghị cải cách về các mặt khác như văn hóa,
tôn giáo,[33] bảo
tồn di tích lịch sử, v.v... Tuy nhiên, phần lớn
những đề nghị của ông đã không được triều đình nhà Nguyễn nghe
theo do tầm nhìn hạn hẹp của họ và hạn chế của
thời đại.[34]
Nhận xét
Giám mục Gauthier:
Tên Trường Tộ trước
là linh mục. Từ khi thuyền Tây đến Gia Định thì
phần nhiều kém đạo hạnh, lệch lạc ra ngoài
phạm vi đạo trưởng, năng lui tới Tây soái
tìm vui.[35]
Vũ Ngự Chiêu, Tiến
sĩ sử học:
...Cuộc đời Nguyễn
Trường Tộ phần lớn gồm những mẩu truyền kể
khó kiểm chứng... Điều có thể kiểm chứng là
Nguyễn Trường Tộ từng theo hầu Giám mục
Gauthier (Ngô Gia Hậu), người cai quản giáo
phận Xã Đoài (Nghệ An). Chi tiết thứ
hai là Nguyễn Trường Tộ đã theo Gauthier lưu
lạc qua Hong Kong, rồi trở lại
Sài-gòn năm 1861 trên
hạm đội của Charner.[36]
Theo GS. Nguyễn Huệ
Chi thì:
Các bản điều trần của
Nguyễn Trường Tộ đã nói lên rất rõ tấm lòng
yêu nước thiết tha của ông. Ông tin tưởng
vào triển vọng canh tân của Nhật Bản, đặt hết hy vọng
vào thế hệ trẻ được đào tạo bằng thực nghiệp
có thể làm mạnh thế nước... Tuy chưa có ý
thức thay thế thể chế phong kiến bằng
một thể chế dân chủ, bởi tình thế đất
nước chưa có phép làm điều đó, nhưng tư
tưởng của ông đã tiến rất gần các nhà tư
tưởng tiến hóa luận của phương Tây.
Có thể nói, ông đã gợi ra cho người lãnh đạo
đất nước những cách nghĩ, cách nhìn cởi mở
và táo bạo mà hàng thế kỷ về sau vẫn đáng để
suy gẫm. Tóm lại, ông quả là một con người
có trí thông minh, nhìn xa thấy rộng, có khả
năng ứng dụng vào thực tế vốn liếng tri thức
uyên bác cũng như những điều mình sở đắc.
Tiếc thay, ông lại "sinh không gặp thời", do
đó ông đã không thực sự đóng một vai trò nào
trong lịch sử, ngoài vai trò
"làm chứng về tấm lòng của một con người, về
vận hội của một đất nước.
Về đóng góp cho văn học Việt,
ông đã để lại một lối văn mang phong cách
"chính luận - trữ tình": vừa phải đảm bảo sự
chặt chẽ, sắt bén, khúc chiết trong phân
tích (chịu ảnh hưởng khá rõ tư duy lôgic phương Tây);
nhưng cũng vừa thấm đẫm cảm hứng trữ tình
của tác giả (vì ông phơi trải hết lòng
mình), nên có sức thuyết rất mạnh. Ngoài ra,
ông còn để lại một số di cảo thơ. Nhìn chung thơ ông
mang phong cách trữ tình khoáng đạt, và có
thể chia thành hai mảng: những bài "tức
cảnh, sinh tình" và những bài "Ngôn chí, tự
tình"...[37]
Trích thêm ý kiến
của nhà nghiên cứu Trần Bạch
Đằng:
...Tôi không đi vào
khía cạnh "đổi mới tư duy" mà ông kiên trì,
tôi chỉ muốn nhấn mạnh những kiến nghị vì
lợi ích của đất nước, mà với tư cách một tín
đồ đạo Công giáo đang
bị Triều đình ngược đãi, dân chúng nghi kỵ,
ông không ngần ngại trình bày, hy vọng nhà
vua đảo ngược thế cờ, chuyển nguy thành an,
chuyển yếu thành mạnh, chuyển lạc hậu thành
tiên tiến cho cả quốc gia, bấy giờ, đứng
trước khả năng sụp đổ không phải khó thấy.
Nguyễn Trường Tộ là
một trí thức - theo nghĩa gần với hiện đại.
Phân tích kỹ các "điều trần", chúng ta dễ
dàng phát hiện tính "không tưởng" ở một số
chủ trương của Nguyễn Trường Tộ - Ông nóng
vội và nhất là ông không biết cơ chế của
triều Tự Đức không
bao giờ cho phép suy nghĩ của ông trở thành
hiện thực bởi chúng đụng đến bức tường lạc
hậu kinh khủng về học vấn, về khoa học,
sự mụ mẫm trong đầu các quan lại cao cấp, kể
cả đấng chí tôn - nhưng ông vẫn không mệt
mỏi. Tấm lòng yêu nước thúc đẩy ông. Ta quý
Nguyễn Trường Tộ ở chỗ đó...[38]
Và của GS. Nguyễn Hữu Tá:
...Ở tuổi 30, Nguyễn
Trường Tộ đã có một vốn kiến thức rộng và
sâu cả về phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa,
khoa học kỹ thuật. Với tiềm lực chất xám rất
quý như thế, nếu ông được tin dùng, được tạo
điều kiện để hoạt động, tình thế có thể sẽ
rất khác. Bi kịch của Nguyễn Trường Tộ, ngẫm
ra là một nghịch lý khó tin nhưng có thật.
Yêu nước nhưng không được giúp nước vượt qua
đại họa ngoại xâm; thực sự có tài năng xuất
chúng nhưng vấp phải vật cản quá lớn – sự
trì trệ bảo thủ, dị ứng với chủ trương duy
tân, tự cường của triều đình Tự Đức và
sự nghi ngờ dai dẳng của họ với những người
tin theo Công giáo.
Bi kịch lớn lao ấy
bình thường ra có thể nhấn sâu những con
người nặng lòng với đất nước vào tình trạng
trầm cảm, u uất, bế tắc. Nhưng với Nguyễn
Trường Tộ thì không. Ông đã bộc lộ một phẩm
chất đáng tôn trọng: sự kiên trì nhẫn nại –
nhẫn nại đến mức phi thường. Trong vòng 10
năm (1861 – 1871),
Nguyễn Trường Tộ liên tục gửi đến vua Tự Đức
và triều đình Huế rất nhiều bản điều trần.
Riêng Linh mục Trương Bá Cần đã tập hợp được
58 bản và công bố trong tập Nguyễn
Trường Tộ – con người và di thảo. Gửi mà
không có hồi âm, nhưng lại tiếp tục gửi nữa.
Đề tài không lặp lại, nội dung hết sức phong
phú đề cập đến hầu hết những vấn đề chiến
lược ở tầm "quốc sách"...[39]
Vinh danh Nguyễn
Truờng Tộ, tên ông được đặt cho nhiều trường học
và đường phố tại Việt Nam.
Văn
Nguyễn Trường Tộ
Giới thiệu hai đoạn
văn, để hiểu phần nào lối văn nghị luận và tấm
lòng yêu nước của ông.
- ...Vì tôi là kẻ
tự biết rõ mình, thấy mình một cách chính
xác, bao nhiêu những việc thế tình nham
hiểm, hoạn hải ba đào không việc gì không
biết nên mới cam tâm chịu ba tội ấy (tức là
tội thân phận hèn mọn dám nói việc cao xa,
tội "ở trong vòng của quân địch mà lại ôm
chí khác" và tội bị nghi kị mà vẫn hiến dâng
ý kiến) chuốc lấy mối lo không phải phận sự
của mình, ôm lấy những việc khó làm, chỉ đó
mới có thể giữ được. Người xưa xét người
không xét ở thành bại mà xét ở chỗ có hay
không có tấm lòng. Có lòng mà gặp
thời đắc dụng là điều may. Có lòng mà gặp
thời không tốt, đến phải cô quạnh không chỗ
nương thân lại còn mắc tội là điều rất không
may. Nhưng nếu lấy điều khoan dung nhân hậu
mà xét, thì nhìn vào lầm lỗi của một người
có thể biết được lòng nhân hậu của người đó.
Huống chi tôi nay như con cá voi ở
giữa bể, trong gia đình không hệ luỵ vợ con,
ngoài xã hội không lo bị cấm chế, thế mà
biết nhớ về cố đô căm
giận quân thù (…) việc đời được mất vinh
nhục tôi đều xem như ngoại vật, chỉ cần bảo
toàn lấy cái điều rất quý ở nơi mình là đủ
rồi, nhưng thấy người có việc bất bình cũng
phải tuốt gươm cứu
giúp, mà bản tâm không mong người báo ơn.
Chỉ khi nào không mong người báo đáp, người
ta mới làm được những việc phi thường, khẳng
khái. Tôi xin dâng mấy bài "Thiên hạ phân
hợp đại thế luận", "Tế cấp luận", "Giáo môn
luận"… để cho ngụm nước nơi vũng chân trâu nhờ
sông ngòi có thể chảy thấu ra biển cả. Được
thế thì nước đổ qua trăm dặm may ra có thể
giúp ích được ít nhiều. Như thế, tôi dẫu
chết vùi nơi nơi chốn mường mọi cũng tỏ được
tấm lòng không quên nguồn gốc...
- Thiên hạ
đại thế luận (trích):
- ...Hiện nay tình
hình trong nước rối loạn... tiền của sức lực
của dân đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân
binh đã mệt mỏi, trong Triều đình quần
thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che
đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn
những bậc hiền tài, chia đảng lập phái
khuynh loát nhau, những việc như vậy cũng đã
nhiều; ngoài các tỉnh thì
quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá tác
phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn
rút mỡ dân, đục khoét tuỷ nước, việc đó đã
xảy ra từ lâu rồi. Những kẻ hận đời ghét kẻ
gian tà, những kẻ thất chí vong mạng, phần
nhiều ẩn núp nơi thao dã, chính là lúc Thắng, Quảng[40] sẽ
thừa cơ nổi dậy. Thế mà sao đối ngoại thì
không có cách nào để động đến một mảy may
lông của quân Pháp,
cũng chẳng thuyết phục được ai để giải vây
cho, lại đi tàn sát dân mình, giận cá chém
thớt, khiến cho dân bị cái hại "cháy nhà vạ
lây". Thật đúng như câu nói: "đào ao đuổi
cá", "nối giáo cho giặc". Cây cối trước hết
tự nó hủ mục sau mới bị sâu đục; nước mình
trước hết không biết tự giữ thể diện thì
người ta mới khinh mình; dân loạn bên trong,
rồi kẻ địch mới nhân đó mà vào. Như thế loạn
không phải chỉ từ bên ngoài mà ở ngay trong
nước vậy. Than ôi! Dân chúng phụng sự quan
trên, đóng thuế nạp
tô, để mong được sống yên thân, thế mà bây
giờ lại lấy những thứ nuôi sống người đó để
làm hại người, nỡ khiến dân chúng vấp phải
họa binh đao, nỡ tranh giành cái nhỏ mà bỏ
cái lớn, cũng như muốn bảo tồn cành lá mà
lại đem đẵn cả cội gốc. Cho nên mới nói:
không sợ thế giặc ngang tàng mà sợ lòng
người rời rạc. Lòng người đã rời rạc, đã
muốn chóng mất, thì dù có thành trì bằng kim loại,
có ao nước sôi cũng phải bỏ mà chạy, ai ở đó
chịu chết mà giữ cho!...
Xem thêm
Sách
tham khảo
- Trương Bá Cần, Nguyễn
Trường Tộ – con người và di thảo. Nhà
xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 2002.
- Nguyễn Huệ Chi, mục từ:
"Nguyễn Trường Tộ" trong Từ
điển văn học (bộ mới).
Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
- Nguyễn Q. Thắng -
Nguyễn Bá Thế, Từ điển
nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản
Khoa học xã hội, 1992.
- Trịnh Vân
Thanh, Thành ngữ-Điển tích-Danh nhân từ điển
(quyển 2). Nhà xuất bản Hồng Thiêng, Sài Gòn,
1967.
- Nhóm Nhân văn
Trẻ, Hỏi đáp lịch sử Việt
Nam (tập 4). Nhà xuất
bản Trẻ, 2007.
Chú thích
- ^ Về năm sinh của
Nguyễn Trường Tộ, theo GS. Lê Thước trong
bài "Nguyễn Trường Tộ tiên sinh tiểu sử"
đăng trên Nam
Phong tạp chí số
102, và hầu hết các tác giả tiếp sau đó,
đều nói: "ông sinh năm Minh Mạng thứ
9 (1828)". Tuy nhiên,
trong "Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ" do
Nguyễn Trường Cửu (con trai của Nguyễn
Trường Tộ) viết, mặc dù không nói năm
sinh, nhưng nói: "mất ngày 10
tháng 10 năm Tự Đức 24
(1871)... thọ 41
tuổi", tức sinh năm 1830 hoặc 1831 (thường
thì tuổi thọ tính theo tuổi ta). Hiện
nay, theo Linh mục Trương Bá Cần,
thì vẫn chưa có đủ tài liệu để xác định
một cách chắc chắn về năm sinh của ông
(sách ở mục tham khảo, phần I: "Nguyễn
Trường Tộ - Con người". Bản điện tử
trang 1).
- ^ Tên "Thầy Lân"
từng được nói tới trong các thư của các
thừa sai người Pháp lúc
bấy giờ. Trong tờ tấu của Cơ mật viện (Huế)
đề ngày 14 tháng 5 năm 1867,
cũng thấy nói: "Nguyễn Trường Tộ, tức
tên Thầy Lân" (dẫn theo Trương Bá Cần,
bản điện tử trang 1).
- ^ Giám mục Gauthier
và người dân lúc ấy thường gọi Nguyễn
Trường Tộ bằng danh hiệu "Kiến trúc sư",
mặc dù ông chưa học qua chuyên ngành.
Như trong thư gửi Hội Truyền giáo Nước
ngoài ở Paris (đề
ngày 1 tháng 1 năm 1870),
Giám mục Gauthier viết: "...Người ta
quen gọi là Kiến trúc sư vì ông ta (chỉ
ông Tộ) đã xây ngôi nhà ba tầng của các
nữ tu Sài Gòn,
một nhà nguyện và một ngọn tháp cao nổi
bật..." (dẫn lại theo Trương Bá Cần, bản
điện tử trang 2).
- ^ Có tài liệu nói
ông sinh ở làng Bùi Ngõa (Bùi Ngọa),
hoặc làng Đoài Giáp tức Xã Đoài (ghi chú
của GS. Nguyễn Huệ
Chi, tr. 1207).
- ^ Theo Từ
điển nhân vật lịch sử Việt Nam,
tr. 676.
- ^ Tác giả Đinh Văn
Chấp viết: "Lúc nhỏ Tộ cũng giỏi về lối
học khoa cử,
thời bấy giờ có tên là Trạng Tộ" (dẫn
lại theo Trương Bá
Cần, bản điện tử trang 1).
- ^ GS. Đào
Duy Anh viết:
"...Tiên sinh (Nguyễn Trường Tộ) đã được
Giám mục Gauthier, giáo phận Xã Đoài(nay
là giáo phận Vinh) dạy cho tiếng Pháp,
cung cấp cho các bản dịch chữ
Hán của các sách
Tây phương và cho đi du lịch ở Hong
Kong và Singapore"
(Bulletin des Amis du Vieux Hue số
2 tháng 4 - 6 năm 1944,
tr. 135).
- ^ Đầu tháng
9 năm 1858,
quân Pháp bắt đầu đánh chiếm cảng Đà
Nẵng. Để kiểm soát và ngăn chặn người
Công giáo có thể tiếp tay với họ, Triều
đình Huế cho bắt giam các giáo sĩ và
trùm trưởng, đồng thời ra lệnh "phân
tháp" giáo dân. Nghĩa là phân tán người
Công giáo bằng cách tháp nhập (sáp nhập)
hai ba gia đình Công giáo vào trong một
làng không Công giáo, chứ không cho ở
tập trung. Đây là một biện pháp gây
nhiều thiệt hại và đau khổ cho đồng bào
Công giáo lúc bấy giờ (theo Trương Bá
Cần, bản điện tử trang 1).
- ^ Sau khi quân Pháp
bị cầm chân ở Đà Nẵng (xem: Trận Đà
Nẵng (1858-1859)), theo Trương Bá
Cần (sách đã dẫn, bản điện tử trang 1),
thì các giáo sĩ Pháp ở Đà
Nẵng, đứng đầu là Giám mục
Pellerin, đã cùng nhau làm áp lực để
quân Pháp đánh kinh đô
Huế. Nhưng bộ chỉ huy quân sự Pháp
đánh giá là không thể đánh Huế mà phải
chuyển hướng về Sài Gòn.
Do đó, trước khi đem quân vào Nam,
Đô đốc Rigault de
Genouilly đã tìm
cách bắt buộc các giáo sĩ Pháp, hoặc trở
về nhiệm sở hoặc đi tạm lánh ở Hương
Cảng. Giám mục Gauthier cùng với Nguyễn
Trường Tộ đã đi sang nơi đó trong hoàn
cảnh như thế.
- ^ Hầu hết các tác
giả, kể cả Nguyễn Trường Cửu (con trai
của Nguyễn Trường Tộ) đều nói là từ Hồng
Kông, Giám mục Gauthier đã đem Nguyễn
Trường Tộ sang Pháp, sang Roma (Ý) vào
chầu Giáo hoàng
Piô IX. Nhưng nay thì biết rõ rằng
trong những năm 1859-1860, Giám mục
Gauthier không về Pháp. GS. Đào
Duy Anh nói là
"Giám mục Gauthier đưa Nguyễn Trường Tộ
sang Hồng Kông rồi để cho Nguyễn Trường
Tộ một mình đi Pháp"... Sự thực là với
tài liệu hiện có, không biết chắc được
là trước năm 1861, Nguyễn Trường
Tộ có đi sang các nước phương Tây để
tìm tòi học hỏi hay chỉ quanh quẩn ở các
nước Đông Nam Á như
Hồng Kông, Mã Lai...
là những nơi có cơ sở hậu cần lớn của
Hội Truyền giáo Nước ngoài của Paris...
(theo Trương Bá Cần, bản điện tử trang
1. Cũng theo ông Cần thì ông Tộ có lẽ
sang Ý nhân chuyến đi Pháp năm 1867).
- ^ Dẫn lại theo
Trương Bá Cần (bản điện tử trang 1). Các
chữ trong ngoặc là của người soạn.
- ^ Nhờ có lòng ham
học hỏi và ý thức học tập một cách
nghiêm túc, Nguyễn Trường Tộ đã có được
sự hiểu biết ấy. Trong bản "Trần
tình" (7 tháng 5 năm
1863), Nguyễn Trường Tộ viết: "...cái
cao của thiên
văn, cái sâu của địa lý, cái phiền
toái của nhân sự, cho đến luật lịch,
binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn
cách trí, thuật số, không môn nào tôi
không khảo cứu..."
- ^ Nguyễn Trường Tộ, Thiên
hạ đại thế luận, Di thảo số 1,
tháng 3 – 4 năm 1863, in trong Trương
Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ: Con người và
di thảo, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí
Minh, 1988, tr. 107.
- ^ Nhờ Nguyễn Trường
Tộ có nhắc tới văn bản này trong thư gửi
cho đại thần Phan Thanh
Giản vào tháng 3 năm 1864,
mà biết được nội dung chủ yếu của nó.
- ^ Đánh giá của GS. Nguyễn Huệ
Chi (tr. 1207).
Tu viện Dòng Thánh Phaolô Sài Gòn được
khởi công từ tháng 9 năm 1862 và
hoàn tất ngày 18 tháng 7 năm 1864.
Linh mục Le Mée (thừa sai Paris) trong
một bức thư đăng trên tập san Missions
Catholiques năm 1876,
có nói về công việc ấy như sau: "Đức
Giám mục Gauthier và Linh mục Croc đã
đem theo một nho sĩ Bắc
Kỳ, tên là Lân (tức Nguyễn Trường
Tộ). Với trí thông minh hiếm có, lại
được gợi ý và được thúc đẩy bởi sự nhiệt
tình và tận tụy của Giám mục Gauthier,
nho sĩ Bắc Kỳ này, vì tình yêu Thiên
Chúa, đã nhận đứng ra đốc suất
công việc. Trước kia, ông có ở Hồng
Kông ít lâu và
trong thời gian ngắn ngủi tại thuộc địa
này của người Anh,
ông đã thấy được cách thức và thể loại
kiến trúc của châu Âu.
Thời đó ở Sài Gòn, chưa có một công
trình nào làm kiểu mẫu. Với đề án của tu
viện và nhà nguyện do Nữ tu Benjamin
cung cấp, ông ta đã phác họa được một
họa đồ phối cảnh chung và thực hiện công
trình nhờ sự cộng tác của các công nhân người Việt.
Chính ông đã phải vẽ sơ đồ của tháp
chuông và tự mình trông nom công việc
một cách rất cẩn thận, và chính ông đã
hoàn thành nhiều phần khác của công
trình. Mỗi ngày người ta thấy ông có mặt
ở công trường và để ý tới từng chi tiết.
Phải thú nhận là nếu không có ông thì
không thể thực hiện được một công trình
như vậy vào một thời điểm mà ở Sài Gòn chưa
có thợ cũng như chưa có nhà thầu..." Như
thế, cơ sở của Dòng Thánh Phaolô do
Nguyễn Trường Tộ (từng được Giám mục
Gauthier gọi là "Kiến trúc sư") xây cất
nổi lên giữa Sài Gòn năm 1864 như
một công trình kiên cố có tầm cỡ (theo
Trương Bá Cần, bản điện tử trang 2).
Thông tin về dòng nữ tu này xem: [1] Lưu trữ 2012-11-21
tại Wayback
Machine
- ^ Theo Trương Bá
Cần, sách đã dẫn.
- ^ "Khai hoang từ"
là một bản trình bày kế hoạch phát triển
đất nước một cách tương đối rõ ràng và
dễ thực hiện, làm cho nhà vua phải lưu
tâm. Có lẽ vì thế mà ông đã được triệu
về kinh để giúp giải quyết vấn đề tàu
London (ý kiến của Trương Bá Cần, bản
điện tử: trang 2).
- ^ Đại Nam
thực lục, phần "Chính biên".
Bản dịch của Nhà Xuất bản Khoa học Xã
hội, Hà Nội, 1974, trang
35-36.
- ^ Xem "Di thảo số
11" in trong sách Nguyễn
Trường Tộ: Con người và di thảo của
Trương Bá Cần.
- ^ Dẫn lại theo
Trương Bá Cần, bản điện tử trang 2.
- ^ Nguyễn Trường Tộ
đã khai thông được con đường thủy từ sông Cấm cho
tới sông Vinh, xóa bỏ được Thiết Cảng
(Cửa Sắt), để làm thành Kênh Sắt, mà
ngày nay gọi là Kênh Gai hay kênh Nguyễn
Trường Tộ. Công việc đào có lẽ hoàn
thành trong những ngày Nguyễn Trường Tộ
còn ở Nghệ An, tức giữa năm 1866,
và ông đã làm bài bạt "Mừng đào xong
Thiết Cảng" (theo Trương Bá Cần, bản
điện tử trang 2).
- ^ a b Theo Trương Bá
Cần, bản điện tử trang 2.
- ^ Theo nội dung bức
thư Giám mục Gauthier gởi cho Hội Truyền
bá Đức tin ở Pháp đề ngày 31 tháng 1 năm 1868.
- ^ Trong một bức thư
gởi Hội Truyền giáo Paris, đề ngày 31 tháng 3 năm 1868,
Giám mục Gauthier viết: "...Công việc sẽ
tiến triển nhanh hơn nếu không có việc
cử sứ bộ đi Pháp và
những sự chậm chạp của xứ này... Trong
các quan thượng thư, có hai vị cựu trào
tìm cách cản trở quyết tâm của nhà
vua..." Hai vị "cựu trào" trong thư là Nguyễn Tri
Phương và Võ Trọng
Bình. Nhưng, theo Trương Bá Cần
(bản điện tử: tr. 3) có lẽ không phải
chỉ có hai vị đại quan ấy, mà có cả một
luồng dư luận khá rộng rãi, trong Triều
đình cũng như ở các tỉnh, tỏ ra dè dặt,
lo sợ trước ảnh hưởng của các giáo sĩ
người Pháp: Một trường đào tạo nhân tài
đầu tiên hoàn toàn do các thầy người
Pháp, đặt ngay bên cạnh Tòa Giám
mục, dưới sự giám sát của Giám
mục.
- ^ Trước kia dân
Xuân Mỹ ở vùng dưới chân đồi thấp, tới
mùa mưa thì lầy lội, bẩn thỉu. Nguyễn
Trường Tộ đã khuyên dân dời cư lên triền
đồi cách chỗ ở hiện nay khoảng 400 mét về phía Tây.
Chính ông đã vẽ đường, chia ô cho các
hộ.
- ^ Trong số các công
trình do Nguyễn Trường Tộ xây cất ở Xã
Đoài, nay chỉ còn lại nhà tràng Latinh
(tức tiểu chủng viện) ba tầng, hình chữ
thập gọi là "nhà Tây", chứ Tòa Giám mục
và các nhà phụ thuộc đều đã bị bom Mỹ
đánh sập (theo Trương Bá Cần).
- ^ Nguồn: Trương Bá
Cần, bản điện tử trang 3.
- ^ Kho lưu trữ MEP.
Dẫn lại theo Trương Bá Cần, bản điện tử
trang 3.
- ^ Trích số tiền
theo nguyên văn bài báo "Về việc xây mộ
cụ Nguyễn Trường Tộ", đăng trên báo
Tràng An.
- ^ [2], Về việc
xây mộ cụ Nguyễn Trường Tộ, Báo Tràng
An, ngày 21/05/1942.
- ^ Ký ức về người
cha suốt một đời học tập để con cháu
noi theo của Chuyên gia Nông nghiệp
Nguyễn Lân Hùng
- ^ Theo Nguyễn
Trường Tộ, trong hoàn cảnh đất nước còn
nghèo, triều đình nếu cho mua những sản
phẩm kỹ thuật hiện đại như tàu biển, máy
móc, vũ khí... thì chỉ cần mua mỗi thứ
một đơn vị để nghiên cứu. Ông tin có thể
căn cứ vào mẫu mã đó sẽ chế tạo mới,
không những chất lượng không thua sút mà
còn có những cải tiến tốt hơn.
- ^ Ở bản "Giáo
môn luận", Nguyễn Trường Tộ đã
dùng những lý lẽ của trời đất và các
chứng cớ lịch sử để
kêu gọi triều đình phải có chính sách
bao dung, nhân ái đối với những tín đồ Công
giáo.
- ^ Xem thêm chương
5: Những đề nghi cải cách của Nguyễn
Trường Tộ in trong sách Nguyễn
Trường Tộ - Con người và di thảo của
Trương Bá Cần.
- ^ Nguyễn Trường
Tộ: Con người và Di thảo của
LM Trương Bá Cần.
- ^ Các Vua cuối
Nhà Nguyễn, Tập I.
- ^ Nguồn: Nguyễn Huệ
Chi, Từ điển văn
học (bộ mới),
tr. 1208-1209.
- ^ Trần Bạch
Đằng, trích trong Lời tựa đề ở đầu
bộ sách Nguyễn
Trường Tộ - Con người và di thảo của
Linh mục Trương Bá Cần, bản điện tử
trang 1.
- ^ GS. Trần Hữu Tá,
bài viết về Nguyễn Trường Tộ. Bản điện
tử: [3].
- ^ Trần Thắng và Ngô
Quảng đều là
lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân chống
lại Tần Thủy
Hoàng.
Liên
kết ngoài
Nguồn:https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_T%E1%BB%99