Tác Giả
PHAN LẠC PHÚC


Ký Giả Lô Răng - Phan Lạc Phúc

Chúng tôi xin kể thêm tên ký giả Lô Răng, một thời “tạp ghi” trên nhật báo Tiền Tuyến (1965-1973) cũng là nhà văn Phan Lạc Phúc, quán làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tác giả hai tập “Bạn Bè Gần Xa” (2002) và Tuyển Tập Tạp Ghi (2000) xuất bản ở hải ngoại.

Nhà văn Phan Lạc Phúc cho biết năm 1965 khi về nhận chức vụ tổng thư ký nhật báo Tiền Tuyến, tờ báo mà ai cũng biết thuộc quân đội, được phát hành sánh vai với các tờ báo tư nhân tại Saigon, ông phịa ta một mục “tạp ghi” ở trang trong mỗi ngày, và ký một cái tên lạ hoắc: Ký giả Lô Răng, mượn mục này để trình bày thế sự theo quan điểm của mình, vì theo đường lối của báo chí quân đội Mỹ, tờ báo không có mục quan điểm hay bình luận chính trị. Tuy mang danh là ký giả, Phan Lạc Phúc xuất thân từ người lính tác chiến, trước ngày Hiệp Ðịnh Geneve được ký kết. Ông tốt nghiệp Khóa 2 Thủ Ðức, thời mà quân trường này còn là một dãy nhà tranh. Ra trường ông phục vụ tại Tiểu Ðoàn 6 Việt Nam thuộc GM 2. Năm 1955, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TÐ 14 Việt Nam, tiếp thu Bình Ðịnh. Trong những tháng đầu tiên thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, ông Phan Lạc Phúc bị thôi chức tiểu đoàn trưởng vì không có “lý lịch tốt, thiếu tác phong,” học Anh văn, chuẩn bị đi du học Mỹ, rồi lại bị gạch tên trong danh sách. Nhờ ông Ngô Văn Hùng (sau này là trung tá chết trên chuyến xe lửa chở tù năm 1975 tại miền Bắc), thân tình với Văn Phòng Cố Vấn Chính Trị tại miền Trung, ông được đưa về làm việc tại Phòng 5 Bộ TTM. Năm 1957, ông được gửi đi học khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí (Press Information Officer) tại Ft. Slocum, NY, Mỹ. Về nước, ông được cử giữ chức vụ phụ tá Trưởng Phòng 5 Bộ TTM (trưởng phòng lúc bấy giờ là Thiếu Tá Nguyễn Văn Châu, về sau là giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý) và lần lượt giữ các chức vụ khác như trưởng phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Thiếu Tướng Dương Văn Minh.

Sau biến cố 1 tháng 11, 1963, trường Chiến Tranh Chính Trị được thành lập với sự cố vấn của quân đội Trung Hoa Dân Quốc, ông Phan Lạc Phúc về làm trưởng Khối Huấn Luyện của trường này và phục vụ văn phòng của Tướng Trung Hoa Dân Quốc Vương Thăng, cố vấn của Bộ TTM. VNCH về “Lục Ðại Chiến.” Năm 1965, Phan Lạc Phúc trở thành ký giả Lô Răng khi về giữ chức vụ chủ bút của tờ nhật báo Tiền Tuyến. Năm 1973, ông từ giã nghề ký giả đi học khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Long Bình rồi sau đó về giữ chức vụ tham mưu phó CTCT Quân Ðoàn III tại Biên Hòa, nhưng chỉ được một năm, đầu năm 1974, lại vướng nghiệp báo, ông về trường Cao Ðẳng Quốc Phòng để phụ trách tập san nghiên cứu của trường.

Tan hàng, nhà văn Phan Lạc Phúc đã qua các trại tập trung Long Giao, Suối Máu, ra Bắc ở Liên trại 2 Sơn La, Phù Yên, Thanh Phong, Tân Kỳ (Nghệ Tĩnh), rồi trở ngược lại Hà Nam Ninh, sau cùng là Xuân Lộc Z.30D. Ra tù năm 1985, năm 1991, vợ chồng ông đến định cư tại Sydney, Úc, do con gái ông bảo lãnh theo diện đoàn tụ. Tại đây, nhà văn Phan Lạc Phúc có cái duyên gặp lại nhà văn Nhất Giang, một nhân viên tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến năm xưa, hiện đang chủ trương hai tờ báo lớn nhất nước Úc lúc bấy giờ là nhật báo Chiêu Dương và tuần báo Văn Nghệ. Ông có cơ hội cầm bút lại, và cũng với thể loại tạp ghi, sau Chiêu Dương, tạp ghi của Phan Lạc Phúc còn xuất hiện trên nhiều tờ báo khác tại Úc Châu như Việt Luận, Dân Việt và Ngày Nay (Mỹ), Quê Mẹ (Pháp), Thời Báo (Canada). Những tác phẩm “tạp ghi” của ông đã được nhà xuất bản Văn nghệ ở California của ông Võ Thắng Tiết xuất bản lần đầu tiên, sau đó được in lại tại Úc, trong mục đích gây quỹ giúp nạn lụt tại Việt Nam năm 2000 và giúp gây quỹ xây dựng nhà thờ Quốc Tổ cũng như trung tâm sinh hoạt cộng đồng của Người Việt Tự Do tại New South Wales.

Nguồn: Huy Phương/Người Việt








STT
 Tác Phẩm (bấm vào đề tài để đọc tiếp)
Tác Giả
1
Bạn Tù Sơn La
Phan Lạc Phúc
2
Nhớ Phạm Đình Chương
Phan Lạc Phúc
3
Con Đường Bè Bạn
Phan Lạc Phúc
4
Nhật Báo Tiền Tuyến và Ký Giả Lô Răng/Phan Lạc Phúc
Du Tử Lê
5
Qua Cơn Mê [ hồi ký ]
Phan Lạc Phúc
6
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan - Con Sói Già Cô Đơn
Phan Lạc Phúc
7
Người Tù Kiệt Xuất
Phan Lạc Phúc
8
Nhớ Phan Lạc Phúc Và Những Chuyện Xưa
Văn Quang
9
Thi Văn Tao Đàn Ngày Xưa
Phan Lạc Phúc
10
Ngày Giỗ
Phan Lạc Phúc



        Trở lại trang mặt