Ông Thanh Sĩ, tên thật là Trần Duy
Nhứt, sanh năm Mậu Thìn (1928) tại Ấp Phú Thạnh,
xã Phú Long, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc, Nam
Phần Việt Nam.
Thân phụ ông Thanh Sĩ là ông Chế Văn
Hương và thân mẫu là bà Trần Thị Mười. Do điều
bất hạnh xẩy ra trong gia đình, ông Thanh Sĩ
phải mang họ mẹ và lớn lên bên cạnh mẹ cùng với
người em ruột là Trần Duy Nhì trong một hoàn
cảnh nghèo khó.
Từ thuở nhỏ, ông có tính tình hiền
hòa, khiêm cung, lễ độ với mọi người. Dáng ông
cao ráo, mảnh khảnh, tiếng nói trong trẻo, thanh
sảng.
Vì hoàn cảnh khốn khó, ông Thanh Sĩ phải thôi
học lúc chưa hết lớp ba trường làng. Mặc dầu
không có cơ hội tới trường lớp nhiều nhưng ông
có kiến thức vượt hẳn lớp người cùng thời nhờ
bẩm chất thông minh, có chí tìm hiểu kinh sách
và năng trau dồi đạo đức.
Năm 1942 (Nhâm Ngọ), nhân đọc quyển
Giác Mê Tâm Kệ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, ông Thanh
Sĩ thấy được con đường đạo. Vào ngày rằm tháng bảy
năm đó, ông thượng ngôi Tam Bảo và tự làm lễ qui y
tại nhà. Lúc đó ông vừa tròn 15 tuổi.
Năm 1943, ông lâm bệnh nặng. Trong
lúc mọi người tưởng ông không qua khỏi thì bỗng
nhiên ông mượn bút mực viết bài “Khải tấu cáo
hoàng thiên” rồi nhờ người đặt bàn hương án cầu
nguyện, đọc và đốt dùm bài này. Sau đó, tự nhiên
ông khỏi bệnh.
Năm 1944 (Giáp Thân), ông Thanh Sĩ
quyết chí đến diện kiến Đức Huỳnh Giáo Chủ đang
ngụ tại Sài Gòn để xin qui y trực tiếp. Khi ông
đến nơi thì từ trên lầu cao, Đức Huỳnh Giáo Chủ
vẩy tay bảo ông hãy về vì Ngài đã hiểu ý.
Năm 1945 (Ất Dậu), sau khi Nhựt đầu
hàng quân đội Đồng Minh, Mặt Trận Việt Minh bắt
đầu hoạt động mạnh, gây nên cuộc xung đột đẵm
máu với các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và tạo ra
biến cố Đốc Vàng (16-4-1947) khiến Đức Huỳnh
Giáo Chủ phải đột ngột ra đi. Không sống được
trong vùng Việt Minh, gia đình ông Thanh Sĩ phải
xuống thuyền di cư về Thánh Địa Hòa Hảo vào
tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi (1947).
Trong khoảng thời gian 1945-1947,
ông Thanh Sĩ đã sáng tác nhiều thi thơ có nội
dung xiển dương đạo pháp nhưng vì khói lửa chiến
tranh nên bị thất lạc hết.
Năm 1948 (Mậu Tý), em ông là Trần
Duy Nhì bị bệnh chết. Ngày 16-4 âm lịch năm đó,
lần đầu tiên ông đăng đàn thuyết pháp ứng khẩu
mở màn cho thời kỳ châu thuyết (1948-1952) qua
nhiều tỉnh hạt: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ,
Sađec, Vĩnh Long, Phú Lâm (Sài Gòn), … tổng cộng
trên 40 địa điểm trong một hoàn cảnh rất khó
khăn của đất nước.
Năm 1952 (Nhâm Thìn), sau khi chùa
Tây An Cổ Tự (Xã Long Kiến, Tổng Định Hòa, Quận
Chợ Mới, Tỉnh Long Xuyên) được trùng tu xong,
ông Thanh Sĩ bắt đầu thời kỳ thuyết pháp ứng
khẩu định kỳ vào các ngày sóc vọng (rằm, 30 mỗi
tháng) tại đó. Ông lập ra Ban Hoằng Pháp – chính
ông được bầu làm Giám đốc cùng 3 giảng viên:
Thiện Duyên, Thiện Ngôn, Thiện Hạnh và thư ký là
ông Bùi Xuân Cứ; ông cũng lập chương trình tổ
chức 3 khóa huấn luyện đạo đức (mỗi khóa 4
tháng) để đào tạo các giảng viên:
– Khóa I khai giảng vào ngày rằm
tháng giêng năm Giáp Ngọ (1954) đào tạo được 22
giảng viên với danh hiệu là Khóa Hòa Hảo.
– Khóa II khai giảng tiếp sau đó
và đã đào tạo được 30 giảng viên với danh hiệu
là Khóa Tây An.
Trong khi Khóa III chuẩn bị tiếp tục
khai giảng thì tình hình biến động nên ông đã
vội xin xuất ngoại.
Đầu năm 1955 (đúng ngày rằm tháng
giêng năm Ất Mùi), ông Thanh Sĩ lên Sài Gòn xin
phép sang Nhựt với lý do du học và nghiên cứu Phật
pháp.
Trước khi rời Việt Nam, ông để lại
hai câu thơ như sau:
“Loạn Nam cơ Bắc khổ ai bi,
Mượn cớ Đông Du đãi lịnh kỳ.”
Cùng đi với ông có ông Thiện
Hạnh (trong Ban Hoằng Pháp chùa Tây An Cổ Tự)
giúp việc thông ngôn cho ông trong giai đoạn
đầu. Một tháng sau, ông Thiện Hạnh về Việt Nam
và ông Lâm Văn Lẹ sang thay.
Sau khi đến Nhựt, ông Thanh Sĩ cùng
ông Lâm Văn Lẹ xin vào học tại Đại Học Đường
Waseda. Việc này gặp phải khó khăn vì cả hai ông
không có bằng tú tài và ông Thanh Sĩ còn trở
ngại tiếng Nhựt. Nhờ sự can thiệp của Tòa Đại Sứ
Việt Nam lúc bấy giờ, Viện Đại Học Waseda đã mở
cuộc trắc nghiệm đặc biệt và xác nhận hai ông có
đủ trình độ nên cho nhập học.
Khả năng ngoại ngữ của ông Thanh Sĩ
phát triển phi thường; chỉ ba tháng sau, ông đã
sử dụng được thông thạo tiếng Nhựt lẫn tiếng
Anh. Sang năm thứ hai, ông Lâm Văn Lẹ phải về
Việt Nam báo hiếu vì cha đau nặng. Sau 4 năm,
ông Thanh Sĩ tốt nghiệp bằng Cử nhân tại Waseda
và được mời ở lại trường làm giảng viên. Năm
đầu, ông phụ trách giảng các môn Lịch Sử, Giáo
lý Phật Giáo và Triết học; năm sau, do khả năng
ông phát triển nhanh, ông phụ trách thêm nhiều
môn học khác như: Xã Hội học, ngôn ngữ học. Ông
cũng được mời diễn giảng tại các lớp tu nghiệp
cho các giáo sư của trường.
Trong suốt thời gian tại Nhựt, ngoài
việc dạy học, ông Thanh Sĩ không ngừng sáng tác,
thường xuyên tiếp xúc với Uûy Hội Phật Giáo Quốc
Tế tại Nhựt cùng nhiều tôn giáo khác và thực
hiện các công tác giáo sự quan trọng ở hải
ngoại.
Kể từ năm 1948 đến cuối cuộc đời, ông
Thanh Sĩ đã để lại một sự nghiệp hoằng dương đạo
pháp thật to tát:
* Lúc còn ở Việt nam, mỗi buổi đăng
đàn thuyết pháp ứng khẩu của ông thường kéo dài
từ 2 đến 6 tiếng đồng hồ và qui tụ hằng ngàn
hằng vạn người đến nghe. Sau phần thuyết giảng
bằng tản văn, ông tiếp tục giảng bằng vận văn
một cách siêu thoát trác tuyệt. Một số thi bài
do anh em đồng đạo PGHH sưu tập hoặc tốc ký ghi
được gồm trên 30 tác phẩm; trong đó, được in
thành sách chia thành hai giai đoạn sau đây:
– Giai đoạn 1948-1952: gồm có các
quyển: Châu Thuyết, Đám Mưa Giông, Tiếng Chuông
Cảnh Tỉnh, Lời Khuyên Tu Hiền, Tỉnh Thế, Bán Dạ
Đông Thiên, Cảm Xuân, Thi Lục, …
– Giai đoạn 1952-1954: gồm có các
quyển; Thuyết Pháp Ứng Khẩu, Chú Nghĩa và nhiều
bài đăng trong tập san Giác Tiến do Ban Hoằng
Pháp chùa Tây An Cổ Tự ấn hành.
* Trong thời gian tại Nhựt, dù rất
đa đoan việc học hành, nghiên cứu và dạy học,
ông Thanh Sĩ cũng không ngừng sáng tác nhắc nhở
việc tu học cho các đồng đạo ở quê nhà. Từ 1957
đến 1967, ông viết xong 17 tác phẩm bằng văn vần
sau đây: Lời Vàng Trong Mộng, Vạn Niên Huynh Đệ,
Rằm Tháng Mười, Đâu Là Phàm Thánh, Tiếng Nói
Trong Hoa Sen, Hỡi Quê Nhà, Đã Chết Mà Sống, Tôi
Còn Đây Mà, Tôi Không Quên, Ánh Sáng Từ bi,
Đường Giải Thoát, Thần Cơ Thật Luận, Con Thuyền
Đại Đạo, Đời Mạt Pháp, Là Phật Tử, Tình Đạo
Phật, Đến Liên Hoa. Các quyển này đã được in và
đóng chung thành tập có tên là HIỂN ĐẠO, dầy
trên 1300 trang. Ngoài ra, trên 630 lá thư được
ông viết gởi về đồng bào và đồng đạo ở quê nhà
để trả lời các nghi vấn về đạo pháp cũng đã được
sưu tập và ấn hành thành hai quyển : Lá Thư Đông
Kinh I và Lá Thư Đông Kinh II; một số băng nhựa
cũng đã được ông đích thân xướng âm ghi vào và
gởi về Việt Nam.
Với tâm bồ tát độ đời, ông Thanh Sĩ đã
từng lập nguyện rất lớn.
Trong “Vạn Niên Huynh Đệ”, ông đã
thệ nguyện luân lưu cứu thế:
“… Xác này còn
cũng vẫn tiến lên,
Xác dầu mất cũng
nguyền tái thế.
Đến chừng nào ngục
môn đều phế,
Không còn người tồi
tệ mới thôi.”
Trong “Lời Vàng Trong
Mộng”, ông xác quyết:
Nguyện đem cái xác
mọn này,
Gánh đau sầu, cứu mê
say cho đời.
Đến khi nào hết người
khổ não,
Ta mới vui lòng đáo
Tây phang.
Ngày nào còn kẻ khốn
nàn,
Ta còn ở thế mở đàng
Từ Bi.”
Trong “Đâu Là Phàm Thánh”, ông cũng
lập thệ:
Chừng nào được cứu an
vạn vật,
Đây mới là chịu dứt
chuyển thân.
Còn khổ đau một kẻ
trên trần,
Đây còn phải lao thân
khắp chốn.
Nguyện cứu thế dầu
thân khốn đốn,
Cũng xem thường chẳng
núng nao lòng.”
Qua các lời thệ nguyện trên cũng như
qua cuộc đời xả thân hoằng pháp của ông đủ để
nói lên tâm bồ tát của ông dũng mãnh như thế nào
rồi.
6. Những Ngày Cuối Đời:
Cơ duyên ông Thanh Sĩ đến với người
tín đồ PGHH và đồng bào Việt Nam thật là đậm đà
gắn bó. Lòng mến đạo của ông sâu xa bao nhiêu
thì lòng yêu nước của ông cũng nồng nàn bấy
nhiêu.
Như một cơ duyên đã mãn, một giai
đoạn chuyển thân trợ đạo đã kết thúc, mùa xuân
năm 1972, ông Thanh Sĩ lâm trọng bịnh trong lúc
đang dạy học tại Đại Học Waseda Nhựt Bổn và phải
vào bệnh viện tịnh dưỡng. Vào ngày 26/12 năm
Nhâm Tý (nhằm 29-1-73), ngay sau khi Đài BBC
loan tin Hiệp Định Ba Lê được ký kết, hứa hẹn
cho một cuộc ngưng chiến tại Việt Nam, ông trút
hơi thở cuối cùng, thọ 46 tuổi.
Nhục thân của ông đã được những
người bạn Nhựt làm lễ hỏa táng tại Tokyo vào
ngày 31-1-73 và tro cốt được chuyển về Việt Nam
sau đó. Hàng vạn tín đồ PGHH đã cung nghênh tro
cốt của ông một cách trọng thể và đưa về an táng
bên cạnh mộ phần của từ mẫu ông – bà Trần Thị
Mười – tại Xã Long Kiến, Quận Chợ Mới, Tỉnh An
Giang.
Ông Thanh Sĩ mất đi để lại một sự
thương tiếc cho hàng triệu tín đồ PGHH và một vĩ
nghiệp đạo đức tồn tại mãi mãi về sau.
* * *
Nhóm anh em tín đồ PGHH chúng tôi
đang định cư tại Tiểu bang Massachusetts và một
vài nơi khác tại Hoa Kỳ nhận thấy quyển CHÚ
NGHĨA về Pháp Môn Học Phật Tu Nhân là một quyển
sách rất ích lợi cho người cư sĩ tại gia trên
đường hành đạo. Quyển sách này gồm các tài liệu
do ông Thanh Sĩ thuyết giảng bằng văn xuôi, ông
Vương Kim ghi chép và cho ấn hành tại Việt Nam
trước đây. Sách chú giải tỉ mỉ về các nét đại
cương của Pháp Môn Học Phật Tu Nhân – mà Đức
Huỳnh Giáo Chủ từng nhắc nhở – một cách giản dị
dễ hiểu, đáng được người cư sĩ học Phật tu Nhân
dùng làm kinh nhựt tụng. Do đó, chúng tôi đã
vượt khó khăn về thì giờ lẫn sự hạn hẹp về tài
chánh cho tái ấn tống quyển sách này nhân dịp
đón chào thiên niên kỷ mới.
Chúng tôi nguyện đem công đức này
hồi hướng đến khắp cả chúng sanh đều sớm viên
thành Phật Đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Hoa Kỳ, đầu Xuân năm 2000 – P.L.
2544
Một
Nhóm Tín-Đồ PGHH Định Cư tại Hoa-Kỳ
Nguồn:https://pghh1939.blogspot.com/2018/10/ong-thanh-si.html