Trần Kiều
Ngọc và con đường đấu tranh vì nhân
quyền (sbs.com, 22/09/2016)
Teresa Trần Kiều Ngọc là một trong những nữ luật sư trẻ tuổi nhận được nhiều sự quý mến trong cộng đồng người Việt tại tiểu bang Nam Úc. Cô không chỉ được biết đến như một luật sư giỏi mà còn do các hoạt động xã hội vì nhân quyền, những cống hiến ý nghĩa và lý tưởng sống rõ ràng và mạnh mẽ của cô.
Nữ Luật sư Teresa Trần Kiều Ngọc
Luật sư Kiều Ngọc hiện đang sinh sống và hành nghề luật sư tại tiểu bang Nam Úc. Trước năm 1975, ba cô là Trưởng Toán Biệt Kích, bị đi tù cải tạo và vượt biên sang Úc. Khi Kiều Ngọc 7 tuổi, mẹ con cô sang Úc đoàn tụ cùng với ba.
Đối với một đứa trẻ như cô lúc đó thì buồn nhất là không còn được nghe và đọc tiếng Việt nữa. Vì vậy, ngày ngày sau khi tan trường, Kiều Ngọc đã lặn lội đến thư viện công cộng đề tìm sách tiếng Việt đọc cho đỡ nhớ tiếng Việt.
Vào đầu thập niên 90, sách vở Việt Nam lúc bấy giờ còn rất khan hiếm, không có sách thiếu nhi với những hình ảnh và màu sắc lộng lẫy như bây giờ. Những cuốn sách trong thư viện cô đọc được lúc đó là những nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh... hay những vần thơ của bà Huyện Thanh Quan. Tuy đọc không hiểu nhưng chỉ cần nhìn thấy những hàng chữ quen thuộc với các dấu đặc trưng của tiếng Việt là Kiều Ngọc cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.
Nhờ tình yêu với tiếng Việt và những năm tháng rèn luyện như vậy, cho đến bây giờ, Kiều Ngọc nói, đọc và viết tiếng Việt rất trôi chảy.
Thời còn đi học, Kiều Ngọc là Hội trưởng của Hội Sinh viên Học sinh Việt Nam tại Đại học Adelaide. Sau khi tốt nghiệp, cô sinh hoạt trong Hội Chuyên gia Việt Nam Nam Úc một thời gian. Cô có mối quan tâm đặc biệt đến thế hệ đi sau, tiếp nối công cuộc đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam của cha anh đi trước. Vì vậy, cô đã kêu gọi một số các bạn trẻ cùng thành lập Phong trào Giới trẻ Vì Nhân quyền vào tháng 5 năm 2016. Hiện cô là người dẫn đầu của phong trào này.
Bên cạnh những sinh hoạt chính nêu trên, luật sư Kiều Ngọc cũng là thành viên của Hội Luật Sư Việt Nam Úc Châu. Cô đã từng soạn rất nhiều bài viết pháp lý trên các tờ báo Nam Úc Tuần Báo, Adelaide Tuần Báo và Việt Luận. Cô cũng thường xuyên đi thuyết trình các đề tài pháp lý liên quan đến bạo hành trong gia đình cho các cộng đồng sắc tộc và các hội phụ nữ.
Vào những năm cuối đại học, Kiều Ngọc đã quyết định quay trở lại Việt Nam vì "muốn biết hình ảnh của đất nước Việt Nam thật sự như thế nào".
Cô về Việt Nam dạy học cho các trẻ em mồ côi cũng như hay đến những vùng xa xôi hẻo lánh cùng các cha và sơ giúp đỡ những người nghèo khó, những người bị phong cùi.
Đây là khoảng thời gian mà Kiều Ngọc cho rằng đã giúp cô "trưởng thành trong tư tưởng" nhiều nhất.
"Buổi tối trước ngày khởi hành vào rừng thăm làng phong cùi, Ngọc đã thức suốt đêm, mắt trắng dã vì mường tượng đến cái chết thảm thương của mình sau khi bị lây bệnh cùi. Nỗi sợ hãi đó bao trùm lấy con suốt đêm và luôn cả buổi sáng, suốt chặng đường dài mấy tiếng đồng hồ cho đến khi Ngọc đứng trước mặt những người cùi.
"Hình ảnh của những thanh niên, cụ già vẫy tay chào đón, bàn tay ngón còn ngón mất với những ánh mắt còn chút hy vọng xót xa của những trẻ em sinh ra và lớn lên trong làng phong cùi nhảy lên reo mừng vì có người lạ đến thăm. Mọi sợ hãi về cái chết bỗng chốc đều tan biến trong Ngọc. Ngọc nhận ra tình yêu mạnh hơn là sự sợ hãi về cái chết. Tình yêu chiến thắng, vượt xa và bỏ mặc sợ hãi sau lưng", Ngọc chia sẻ.
Kim Anh