Tác Giả
NHẠC SỸ TRỊNH LÂM NGÂN

Trịnh Lâm Ngân

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Buớc tưới chuyển hướngBước tới tìm kiếm

Trịnh Lâm Ngân
Nguyên quán Việt Nam
Thể loại Tình khúc 1954-1975, nhạc vàng
Năm hoạt động 1962-1975
Thành viên hiện tại
Trần Trịnh
Lâm Đệ
Nhật Ngân

Trịnh Lâm Ngân là một nhóm nhạc sĩ thành lập năm 1962 và hoạt động đến năm 1975, tên lấy từ nghệ danh ghép của các nhạc sĩ: Trần Trịnh, Lâm Đệ (không tham gia việc sáng tác) và Nhật Ngân. Những sáng tác tiêu biểu của nhóm là Mùa xuân của mẹ, Người tình và quê hương, Qua cơn mê, Xuân này con không về, Yêu một mình...

Thành viên

Trần Trịnh

Một nhạc sĩ có sáng tác đầu tay từ giữa thập niên 1950. Ngoài ra, ông còn có vài sáng tác riêng nổi bật như Lệ đá, Độc huyền, Nhớ về một mùa xuân.

Lâm Đệ

Con trai của chủ hãng đĩa Sóng Nhạc, không tham gia việc sáng tác.

Nhật Ngân

Một nhạc sĩ với khá nhiều sáng tác chủ đề trữ tình và chinh chiến trước năm 1975. Sau này thì nổi tiếng với việc viết nhạc ngoại lời Việt ở hải ngoại.

Tác phẩm

  • Bao giờ ta gặp lại ta
  • Cám ơn
  • Chiều qua phà Hậu Giang
  • Cho mẹ cho em
  • Cuộc tình bể dâu
  • Em vẫn hoài yêu anh
  • Gánh hát qua làng
  • Gặp nhau trên phố
  • Hai trái tim vàng
  • Hạnh phúc nơi nào
  • Hát cho mai sau
  • Hát làm quen
  • Hồn trinh nữ (thơ Nguyễn Bính)
  • Hương tình muộn (thơ Hương Thảo)
  • Làm quen với lính
  • Lính xa nhà
  • Lửa mùa hạ
  • Mắt xanh con gái
  • Mùa phượng tím
  • Mùa xuân của mẹ
  • Ngàn đời chờ mong
  • Một mai giã từ vũ khí
  • Ngày mình thôi yêu nhau
  • Nghiêng nón
  • Người tình và quê hương
  • Người tình và mùa thu
  • Người đưa thư đã qua
  • Như mây bay
  • Qua cơn mê
  • Rộn ràng niềm vui
  • Thư xuân trên rừng cao
  • Thương mấy cho vừa
  • Tình thu xưa
  • Tiếng hát nửa đêm
  • Tuổi tóc mây
  • Trời Huế vào thu chưa em
  • Xin làm chim rừng núi
  • Xuân này con không về
  • Yêu một mình

Chú thích


Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh_L%C3%A2m_Ng%C3%A2n



Nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời


LITTLE SAIGON (NV)  Nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 21 tháng 1, hưởng thọ 70 tuổi, theo lời nữ sĩ Quỳnh Giao, cháu gọi nhạc sĩ này bằng cậu họ, xác nhận với báo Người Việt.



Nhạc Sĩ Nhật Ngân ( ảnh RFA)


Nhật báo Người Việt có tìm cách liên lạc với gia đình người quá cố, nhưng không được.


Nhạc sĩ Nhật Ngân, tên thật Trần Nhật Ngân, là tác giả nhiều nhạc phẩm nổi tiếng trước và sau năm 1975, như “Xuân Này Con Về, Mẹ Ở Ðâu,” “Xuân Này Con Không Về” và “Qua Cơn Mê” (hai bài này viết chung với Trần Trịnh và Lâm Ðệ), “Lính Xa Nhà,” “Ðêm Nay Ai Ðưa Em Về,” “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” (lấy tên tác giả Ngân Khánh, tên con gái ông)…


Một bài hát sáng tác sau 1975 cũng nổi tiếng một thời là “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh”.


Ông sáng tác hơn 200 ca khúc, gồm nhiều thể loại, từ nhạc tình cảm, thiếu nhi, lính và quê hương. Ông cũng phổ thơ và đặt lời Việt cho nhiều bản nhạc ngoại quốc.


Trong một lần trả lời phỏng vấn đài phát thanh RFA năm 2008, nhạc sĩ cho biết bài “Tôi Ðưa Em Sang Sông” cũng do ông sáng tác, và là tác phẩm đầu tay, có sự đóng góp của nhạc sĩ Y Vân.


“Khung cảnh bản tình ca này là bến đò An Hải trên sông Hàn, Ðà Nẵng. Năm 1960, danh phận chưa có, chàng trai đành ngậm ngùi khi nghe tin người yêu phải theo lời gia đình, đi lấy chồng. Ghi lại tình cảm của mình qua nhạc bản này, viết xong Nhật Ngân gửi vào Sài Gòn nhờ một nhạc sĩ đã có tên tuổi là Y Vân phổ biến giùm. Y Vân sửa đổi vài câu cho hợp với đường lối của Bộ Thông Tin khi đó, rồi ghi tên người em là Y Vũ vào chung với Nhật Ngân,” theo tường thuật của RFA.


Nhạc sĩ Nhật Ngân là người gốc Bắc, theo ông cho RFA biết. Cha ông hồi xưa là công chức, đến năm 1952 đổi vào Huế và đưa cả gia đình vào. Thành ra, nhạc sĩ Nhật Ngân lớn lên ở Huế, rồi vào Ðà Nẵng học trung học.


Ông kể: “Cái gắn bó của tôi với Quảng Nam-Ðà Nẵng thì hơi nhiều, và cứ mặc nhiên là những người nào ở Quảng Nam-Ðà Nẵng họ quý mến mình, họ gắn cho mình là dân xứ Quảng thì tôi nghĩ cái đó cũng chẳng thành vấn đề gì, tại vì cả một cái thời tuổi trẻ của tôi ở trung học cũng như là đi vào văn nghệ, thành tôi rất yêu mến xứ Quảng Nam-Ðà Nẵng.”


Nhạc sĩ cũng cho biết số bản nhạc ông sáng tác ở hải ngoại nhiều hơn thời kỳ trong nước trước năm 1975.


“Bài tôi viết ở hải ngoại nhiều hơn số bài tôi viết ở trong nước tại vì từ năm 1975 thì tôi đâu có được viết đâu. Tới năm 1982 ra khỏi nước, tôi mới bắt đầu viết lại, thành ra là số bài ở ngoài này tính ra có thể gấp ba lần những bài tôi đã viết ở Việt Nam,” nhạc sĩ nói với RFA.


Năm 1992, nhạc sĩ bị bệnh, phải đi mổ, cắt đi 2/3 bao tử bị ung thư.


Trước khi qua đời, ông vẫn tập thể dục mỗi sáng vài giờ với khí công, dưỡng sinh và quần vợt.


Ngoài sáng tác, ông cũng là giám khảo nhiều cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do các cơ quan truyền thông vùng Little Saigon tổ chức.


Hồi cuối năm 2011, ông đã không thể tham gia làm giám khảo cuộc thi Giọng Ca Vàng do đài truyền hình SBTN và Trung Tâm Asia tổ chức, vì bị bệnh nặng vào phút chót. (Ð.D.)

Nguồn:https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/Nhac-si-Nhat-Ngan-qua-doi-5754/



Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Trần Trịnh – Từ ca khúc Lệ Đá đến huyền thoại Trịnh Lâm Ngân



Nhạc sĩ Trần Trịnh nổi tiếng với ca khúc Lệ Đá và nhiều bài hát viết chung trong nhóm Trịnh Lâm Ngân như Xuân Này Con Không Về, Qua Cơn Mê, Yêu Một Mình… Số lượng sáng tác của ông tuy khiêm tốn những tất cả đều nổi tiếng và để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng yêu nhạc hơn nửa thế kỷ qua.

Nhạc sĩ Trần Trịnh tên thật là Trần Văn Lượng, sinh năm 1937 tại Thái Lan nhưng lớn lên ở Hà Nội. Cha của ông là một nhân viên của tòa đại sứ Pháp và mẹ là một người phụ nữ người Lào. Ông theo gia đình vào Sài Gòn năm lên 9 tuổi, theo học Trường Trung học Lasan Taberd. Thuở nhỏ ông rất ngưỡng mộ thầy dạy nhạc Rémi Trịnh Văn Phước nên ghép họ của mình với họ của thầy để tạo thành nghệ danh Trần Trịnh.

Có niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng niềm đam mê này của ông đã gặp trở ngại lớn vì cha mẹ không chấp thuận cho theo ngành âm nhạc, nên ông chỉ được học nhạc trong chương trình của trường.

Ý tưởng sáng tác đầu tiên của ông (xuất hiện năm 14 tuổi nhưng chỉ viết nhạc và 3 năm sau mới hoàn tất phần lời) là bài “Cung Đàn Muôn Điệu” được nhiều ca sĩ hát, và nhà xuất bản An Phú phát hành. Sau đó, bài hát này còn được sử dụng làm nhạc chuyển mục trong một chương trình tân nhạc cùng với một sáng tác nữa của Trần Trịnh năm 1955 là bài “Chuyến Xe Về Nam”. Sang năm 1956, ông lại cho ra đời thêm một nhạc phẩm khác là Viết Trên Đường Nở Hoa.

Sau khi đậu bằng Bacc 2 vào năm 1955, Trần Trịnh được gia đình gửi lên vừa học vừa làm tại Nha Kiến Trúc Đà Lạt. Sang năm 1957, ông thi hành nghĩa vụ quân dịch khóa đầu tiên là khoá Ngô Đình Diệm tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Đánh dấu cho dịp này, ông đã viết bài Đôi Mươi, được ca sĩ Anh Ngọc trình bày lần đầu tiên.

Trần Trịnh đã phục vụ 2 tháng ở liên đoàn A và 2 tháng ở liên đoàn B và sau đó vào phục vụ trong ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến khi về. Trong thời gian đó, ông đã phổ nhạc cho bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-Gôn.

Năm 1958, sau khi giã từ quân ngũ, nhạc sĩ Trần Trịnh trở lại Sài Gòn, theo học hoàn toàn về nhạc với thầy Rémi. Buổi tối, ông đi biểu diễn piano tại các phòng trà và vũ trường. Ông cũng tình nguyện tham gia ban Văn Nghệ của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung để có dịp ủy lạo binh sĩ. Tại đây, Trần Trịnh gặp nhạc sĩ Nhật Ngân tại ban Văn nghệ của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Từ đó hai nhạc sĩ này – dưới cái tên ghép lại là Trịnh Lâm Ngân – đã sáng tác nhiều bài hát mang âm hưởng quê hương và đã có nhiều bài trở nên nổi tiếng. Cũng trong năm này, Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng ban đại hòa tấu và hợp xướng Đống Đa trên đài truyền hình THVN.

Năm 1968, Trần Trịnh được gặp nhà thơ Hà Huyền Chi. Hà Huyền Chi đã nhận viết lời cho một nhạc phẩm của Trần Trịnh: “Lệ Đá”. Ngay lập tức bài hát này được mọi người yêu thích, và có số bản nhạc in phá kỷ lục. Đến năm 1971 thì đạo diễn Võ Doãn Châu lấy tên “Lệ Đá” đặt cho cuốn phim ông thực hiện, trong đó nhạc nền là bài “Lệ Đá” do Khánh Ly hát.



Lệ Thu hát Lệ Đá

Trong một lần tham gia công tác văn nghệ tại Bình Long vào năm 1964, nhạc sĩ Trần Trịnh quen với Mai Lệ Huyền, lúc đó là thành viên trong ban văn nghệ của tỉnh do nhạc sĩ Bắc Sơn làm trưởng ban.

Thời kỳ này Mai Lệ Huyền theo thân phụ sống ở Bình Long vì gia đình cô sở hữu một số đồn điền ở đây ngoài ngôi nhà ở Sài Gòn. Sau khi trở về, hai người thư từ qua lại với nhau và dần dần có tình cảm với nhau.

Trần Trịnh đã đề nghị Mai Lệ Huyền về Sài Gòn sống để được gần gũi nhau hơn. Mai Lệ Huyền nhận lời. Trong cùng năm 1964, họ kết hôn sau một thời gian ngắn quen nhau, khi đó Mai Lệ Huyền mới 18 tuổi. Họ có với nhau một con gái tên Lệ Trinh sinh năm 1965.

Sau khi thành vợ chồng, Trần Trịnh đã giới thiệu Mai Lệ Huyền đi hát ở tất cả những phòng trà và vũ trường ông cộng tác, cũng khởi đầu với phòng trà Lệ Liễu. Nhận thấy giọng hát của Mai Lệ Huyền thích hợp với thể loại nhạc tươi vui nên sau đó ông đã cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác một thể loại nhạc kích động để vợ mình trình bày cùng với Hùng Cường như Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng,…

Chính nhờ ở những nhạc phẩm này, cặp song ca kích động nhạc Hùng Cường – Mai Lệ Huyền đã gặt hái được những thành công rực rỡ để được mệnh danh là “Cặp Sóng Thần” của Kích động nhạc, một thời làm mưa làm gió trên các sân khấu đại nhạc hội ở Sài Gòn.

Sau hơn 10 năm sống bên nhau, Mai Lệ Huyền đã từ giã chồng con để ra đi vào tháng 4 năm 75, Trần Trịnh không thể đi cùng vì còn lại song thân đã cao tuổi. Hai người xa nhau cách một đại dương từ đó.

Hai năm sau khi rời khỏi Việt Nam, Mai Lệ Huyền viết thư về cho con gái, đại ý khuyên Trần Trịnh bước thêm một bước nữa.

(Có thông tin khác nói rằng Trần Trịnh và Mai Lệ Huyền chia tay nhau từ năm 1971).

Vào năm 1977, Trần Trịnh lập gia đình lần thứ hai. Người vợ sau của ông sinh được 3 người con trai. Người con đầu bị thiệt mạng trong một lần đi tắm sông với bạn bè khi mới được 17 tuổi.

Người con trai thứ nhì của Trần Trịnh phục vụ trong binh chủng hải quân Hoa Kỳ, có khả năng sử dụng kèn trumpet.

Sau năm 75, Trần Trịnh không còn mấy quan tâm đến công việc sáng tác. Ông chỉ chú trọng đến việc cộng tác với hết đoàn hát này đến đoàn cải lương hay gánh xiệc khác để mưu sinh.

Khởi đầu, ông cộng tác với đoàn cải lương Cửu Long cùng với tay trống Phùng Trọng và vài nhạc sĩ khác. Liên tiếp nhiều năm sau, ông đã đàn piano cho rất nhiều đoàn khác trong những chuyến lưu diễn liên miên tại khắp các tỉnh ở Việt Nam.

Mãi đến năm 1982, khi các phòng trà được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về Sài Gòn làm nhạc trưởng tại phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn, là nơi ông đã từng cộng tác từ khi mới khai trương vào đầu thập niên 70. Đây có thể coi như một ban nhạc có một thành phần đông đảo nhất với 11 nhạc sĩ.

Liên tục đóng đô tại phòng trà (sau là vũ trường) Đệ Nhất Khách Sạn suốt gần 10 năm, Trần Trịnh sang cộng tác với vũ trường Maxim’s vào năm 1991.

Nhưng sau hơn 3 năm, ông đã xin nghỉ khi bị tai nạn xe máy và bị thương nặng ở chân. Vì tai nạn này và kể từ đó cho đến cuối đời, ông phải dùng gậy khi đi đứng.

Sau khi tĩnh dưỡng 6 tháng, vợ chồng Trần Trịnh cùng 2 con lên đường sang Mỹ theo diện ODP vào tháng 10 năm 1995 với sự bảo lãnh của người chị ruột ông, là vợ của cố giáo sư Nguyễn Đình Hòa, được biết đến như một phụ nữ Việt Nam đầu tiên sinh con trên đất Mỹ vào năm 1952, từng được báo chí Mỹ thời đó đề cập tới.

Chỉ sau 3 tháng ở với gia đình người chị ở San Francisco, gia đình Trần Trịnh quyết định dời xuống Orange County. Ông không muốn là một gánh nặng cho vợ chồng người chị, lúc đó đã lớn tuổi và sức khỏe đã yếu.

Mặt khác, môi trường hoạt động âm nhạc của Trần Trịnh sẽ có cơ hội phát triển hơn ở Cali, nơi được coi là thủ đô của ca nhạc Việt Nam hải ngoại.

Nhưng tại đây, hoạt động của ông chỉ duy trì được một tầm mức trung bình trong thời gian đầu, khi mà ông còn kiếm được lợi nhuận nhờ làm hoà âm cho một số trung tâm nhạc ở nam California.

Chỉ một thời gian sau, khi tình trạng băng đĩa từ Việt Nam càng ngày càng đổ qua ào ạt khiến nhiều trung tâm nhạc cũng như nghệ sĩ độc lập phải chùn bước trước trước sự cạnh tranh mạnh mẽ này. Bởi vậy, khả năng âm nhạc của ông cũng đã không còn đất dụng võ.

Ông được trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 66 giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của ông, cùng với Nhật Ngân và Ngô Thụy Miên.

Về sau, Trần Trịnh chỉ tham gia “The Stars band” là ban nhạc do Bác sĩ Phạm Gia Cổn thành lập và làm trưởng ban, trình diễn trong những sinh hoạt có tính cách cộng đồng.

Trần Trịnh qua đời tại California vào ngày 10 tháng 10 năm 2012, hưởng họ 75 tuổi.

nhacxua.vn biên soạn
Nguồn: wiki, TV Tuần San (nhà báo Trường Kỳ)

 



                                             Thư Mục







STT
Đề Tài (bấm vào đề tài nghe tiếp)
Tác Giả
1
Xuân Nầy Con Không Về
Trịnh Lâm Ngân
2
Qua Cơn Mê
Trịnh Lâm Ngân
3
Một Mai Giả Từ Vũ Khí
Trịnh Lâm Ngân
4
Chiều Qua Phà Hậu Giang
Trịnh Lâm Ngân
5
Mùa Xuân Của Mẹ
Trịnh Lâm Ngân
6
Lính Xa Nhà
Trịnh Lâm Ngân
7
Làm Quen Với Lính
Trịnh Lâm Ngân
8
Thư Xuân Trên Rừng Cao
Trịnh Lâm Ngân
9
Người Tình Và Quê Hương
Trịnh Lâm Ngân
10
Cám Ơn
Trịnh Lâm Ngân
11
Lệ Đá
Trần Trịnh & Hà Huyền Chi
12
Anh Giải Phóng Tôi hay Tôi Giải Phóng Anh
Nhật Ngân
13
Tưởng Niệm Nhạc Sỹ Nhật Ngân (1942-2012)
Nam Phong tổng hợp










Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến

www.vietnamvanhien.net (Tin tức cập nhật thường xuyên)
www.vietnamvanhien.org (Thuần ngữ, tải nhanh)

www.vietnamvanhien.com (Kinh tế & Tài chánh)

www.vietnamvanhien.info (Tủ Sách Văn Hiến, có hơn 9600 Tác phẩm )


Email: thuky@vietnamvanhien.org




Lấy Tâm Lực thay cho vũ lực để giải trừ quốc nạn là phục hoạt nếp sống Văn Hiến và
 phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.

Lấy Nhân Tâm làm phương tiện, dụng Dân Tâm làm quốc sách "An Dân & Lạc Quốc" là
 kim chỉ nam cuả thể chế Dân Chủ Văn Hiến.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt