Tác Giả
TUỆ SỸ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tục danh Phạm Văn Thương sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943 tại Paksé, Lào, quê tại Quảng Bình, Việt Nam, là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam hiện nay.

alt

Nhà thơ/ Thượng tọa Tuệ Sỹ

Ông thông thạo tiếng Trung Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật. Ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam.

Quy y Phật năm 7 tuổi, ông học Phật Pháp trong Viện Hải Đức tại Nha Trang, rồi sau đó là tại Thiền viện Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn.

Tuệ Sỹ tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học năm 1964, Viện Đại học Vạn Hạnh phân khoa Phật học năm 1965, được đặc cách bổ nhiệm là Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1970 và là Chủ bút của tạp chí Tư Tưởng do Viện Đại học Vạn Hạnh phát hành. Ông cũng làm thơ, viết một số truyện ngắn đăng trên tạp chí Khởi hành (1969-1972), Thời tập (1973-1975). Ngoài ra ông cũng hiểu biết rất nhiều trong lĩnh vực triết học Tây phương.

Sau năm 1975 ông về lại Nha Trang, đến năm 1977 vào lại Sài Gòn sống tại Thị Ngạn Am, chùa Già Lam.

Đầu năm 1978 ông bị đưa đi "học tập cải tạo" 3 năm, đến năm 1980 thì được trả tự do.

Ngày 1 tháng 4 năm 1984 ông bị bắt cùng với Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Tháng 9 năm 1988 ông và Lê Mạnh Thát bị tuyên án tử hình vì tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Tháng 11 năm 1988 sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng 9 năm 1998 ông được trả tự do từ trại Ba Sao – Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Một năm sau, do vì tiếp tục hoạt động cho GHPGVNTN, ông cùng với Thích Quảng Độ lại bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi.

Năm 1998 tổ chức Human Rights Watch đã tặng giải thưởng về nhân quyền Hellman-Hammett Awards cho ông và 7 người Việt khác (Hoàng Tiến, nhà văn Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Tần, Phạm Thái Thụy, Thích Trí Siêu và 2 người được giấu tên). Tháng 4 năm 2000 công an đã đến khám xét chùa nơi cư ngụ của Thích Quảng Độ và Thích Tuệ Sỹ. Năm 2004 đài RFA đưa tin Thích Tuệ Sỹ vẫn còn đang bị quản thúc tại gia. Hiện tại Thích Tuệ Sỹ đã rời chùa Già Lam, lên sống ở Lâm Đồng.

alt

Đọc thơ Tuệ Sỹ

Trước hết, xin nói để các bạn hiểu cho: Nguyễn chưa gặp thầy Tuệ Sỹ bao giờ, cũng là do không có cái duyên gặp gỡ. Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh thì may mắn hơn đã được gặp thầy tại chùa Già Lam năm 2009 và được thầy cùng Giai Hoa đàn dương cầm cho nghe và được thầy tặng sách, chụp hình chung với thầy. Còn Đinh Cường thì đã được gặp thầy Tuệ Sỹ nhiều lần. Cách đây khá lâu, Đinh Cường gởi cho một tấm hình chụp thầy đang ngồi đàn dương cầm -có phải  những điệp khúc Refrains pour Piano*?Ảnh chụp có Đinh Cường và Dương Nghiễm Mậu đứng lặng nghe, chìm đắm trong những âm thanh thánh thót và mùi hương ngọc lan thoảng bay vào từ sân chùa Già Lam. Gần đây, cuối năm 2013, Đinh Cường và Bửu Ý lại được ngồi uống cà phê với thầy ở Cà phê Tùng, Đà Lạt.

Về thơ Tuệ Sỹ, Nguyễn cũng chưa được đọc một tập nào, chỉ loáng thoáng đâu đó vài câu vài đoạn, đặc biệt là trong tập sách Thầy viết về thơ và từ của Tô Đông Pha. Chỉ bấy nhiêu thôi mà đã thấy thơ thầy chứa đựng cả một không gian của cảm xúc và suy tư. Đọc và bồi hồi xúc động. Nay, với lòng ngưỡng mộ thầy, Nguyễn tìm đọc Điệp Khúc Cho Dương Cầm. Sau đây xin mượn lời của người viết nào đó trên Việt Báo Online để nói lên cảm xúc của mình.    

“Đó là những dòng thơ hiếm hoi viết cho một thời đất nước tan tác, những dòng thơ của một nhà sư ưu tư với sứ mệnh độ sanh, lo ngại về dòng sử mệnh của dân tộc, và viết ra từ tấm lòng cực kỳ thơ mộng.

“Ngày mai sư xuống núi 
Áo mỏng sờn đôi vai 
Chuỗi hạt mòn năm tháng 
Hương trầm lỡ cuộc say..”

Thơ mộng như vậy đó, cho một cuộc lữ của nhà thơ vương chung một cộng nghiệp với đồng bào. Và vẫn hết sức là thơ mộng, rất mực là thiết tha với chúng sinh… tập thơ “Giấc Mơ Trường Sơn” của Thượng tọa Tuệ Sỹ đã nhiều năm được người yêu thơ và các Phật Tử yêu chuộng, phổ biến, cả trong và ngoài nước, bất kể là những dòng thơ của thầy bị cấm lưu hành trên quốc độ Việt Nam, nơi mà thơ ca cũng phải có cục tình báo văn học nghệ thuật A-25 đóng dấu cho phép lưu hành.

Bây giờ, xin bạn hãy lắng lòng, nghe kỹ lại đi, những dòng thơ của thầy Tuệ Sỹ viết từ trong tù mà tưởng chừng như quyện vào tiếng dương cầm thánh thót với âm thanh hồ cầm trầm thống:

“…Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại, bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn ..”

Thơ thầy Tuệ Sỹ cực hay. Đặng Tiến từng viết trong bài tiểu luận Tuệ Sỹ Điệp Khúc Dương Trần đăng trên tạp chí Diễn Đàn ở Paris: “Tuệ Sỹ không phải là người tìm danh vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm. Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa cõi ta bà. Nhưng thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, cười với nắng một ngày sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan, câu thơ ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết lời ca ngợi. […] Thơ Tuệ Sỹ cô đúc, hàm súc, uyên áo. Người đọc không quen cho là khó hiểu, vì tác giả không đề cập đến một đề tài nào chính xác, không miêu tả không tự sự. Ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng tâm cảm và ngoại giới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.”

Ở trên có nói thầy – với tư cách nhà sư và nhà thơ – ở những năm tháng của trung tâm cơn bão thời đại, đã cùng chung cộng nghiệp với đồng bào: Người ở lại với bàn tay bạo chúa / Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương. Con người ấy, thơ ấy xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của mọi người. Không như ai kia, trở về thăm chùa lễ Phật, phải có lọng vàng và người đi trước rải hoa cùng chuông trống bát nhã om sòm. Thầy Tuệ Sỹ luôn luôn âm thầm lẻ bóng trên con đường từ hiện kiếp tới thiên thu: Ta đi trong cõi vĩnh hằng / Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa.

Nguồn:http://baotreonline.com/nha-tho-thuong-toa-tue-sy/


STT
 Tác Phẩm (bấm vào đề tài để đọc tiếp)
Tác Giả
1
Trí Thức Phải Nói
Tuệ Sỹ
2
Triết Học Về Tánh Không
Tuệ Sỹ
3
Thơ Và Phương Trời Mộng
Tuệ Sỹ
4
Giấc Mơ Trường Sơn
Tuệ Sỹ
5
Còn Gốc, Mất Gốc
Hoàng Hải Thủy
6
Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im Lặng
Tâm Nhiên















        Trở lại trang mặt