Vũ Văn Mẫu (1914 – 1998)
là học giả lớn về Luật Việt Nam, chính trị gia nổi tiếng
trước năm 1975 ở Sài
Gòn. Ông từng là Thượng Nghị sĩ trong Liên
danh Hoa Sen, Khối Dân tộc, từng giữ chức vụ Bộ
trưởng Ngoại giao rồi làm "Thủ tướng 1 ngày" của Việt Nam Cộng hòa.
Ngoài ra ông còn là Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài
Gòn, giáo sư thực thụ trường
Đại học Luật khoa Sài Gòn.
Ông sinh ngày 25
tháng 7 năm 1914 tại
làng Quất Động, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay
là xã Quất Động, huyện Thường Tín thuộc
về thành phố Hà Nội) trong một gia đình tư
sản. Nhà ông vốn có nghề thêu, sớm rời quê hương ra
định cư ở Hà Nội, mở cửa hàng thêu, hiệu Phúc Thái ở
24 phố Hàng Nón. Ông là con thứ hai trong nhà, trên
ông là một bà chị, dưới ông còn 2 em trai và 2 em
gái. Cụ thân sinh không may mất sớm, mẹ ông ở vậy,
một mình tần tảo nuôi 6 con ăn học nên người. 3 anh
em gồm Luật sư Vũ Văn Mẫu và Tiến sĩ Lý Hóa Vũ
Như Canh, dược sĩ Vũ Thị Sửu mở
hiệu thuốc tây ở phố Hàng Da.
Ông thông minh, học
giỏi, thi đỗ vào trường
Bưởi. Sau khi đỗ Tú tài I, ông nộp đơn thi vào
trường Albert Sarraut theo học lớp Toán sơ cấp
(Math. Elem), năm 1934 ở tuổi 20 đỗ Bac. Math. hạng
Bình thứ (mention Assez Bien), không có ai đỗ hạng
Bình (mention Bien). Như mọi thanh niên thuộc gia
đình danh giá thời bấy giờ, ông được gia đình đưa
sang học ở Pháp và tốt nghiệp Đại học Luật khoa
Paris, Pháp. Ông tiếp tục theo học tại đây cho đến
khi lấy được bằng Thạc sĩ và trở về hành nghề luật
tại Hà Nội.
Từ năm 1934 đến năm
1937, ông theo học luật tại Trường Đại học Luật Đông
Dương thuộc Viện
Đại học Đông Dương. Đỗ Cử nhân Luật rồi ông
thi tri huyện, được bổ làm tri huyện huyện Gia Khánh
(Ninh Bình), sau chuyển đến Gia Bình (Bắc Ninh). Ông
nuôi chí tiếp tục học, đăng ký học Cao học ở trường
Đại học Luật, thường đạp xe về thư viện trường Luật
mượn tài liệu tự học tập nghiên cứu, thi đỗ luôn 2
bằng Cao học, trong đó có bằng Cao học Kinh tế.
Thống sứ Bắc Kỳ thông cảm với ông tri huyện trẻ ham
học, chuyển ông về làm tri huyện Đông Anh, gần Hà
Nội hơn.
Vợ ông thuộc gia
đình gia giáo, danh giá, là bà Hoàng Thị Nguyệt My,
con gái cụ Cử Sen Hồ Hoàng Gia Luận (em trai Tổng
đốc Hà đông Hoàng Trọng Phu).
Sau Cách
mạng Tháng Tám ông ở nhà, âm
thầm chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của
giáo sư Camerlynck, năm 1948 sang Paris bảo vệ thành
công luận án Tiến sĩ Luật; trở về nước, ông được mời
làm giảng sư Luật ở Trường Đại học Luật Đông Dương.
Sau đó ông về nước,
tiếp tục giảng dạy ở Trường Đại học Luật Đông Dương;
em ông, Tiến sĩ Lý Hóa Vũ Như Canh, cũng đã rời Đại học
Paris về dạy ở trường Đại học Khoa học Hà Nội từ hai
năm trước.
Trưởng
khoa Luật đầu tiên Đại học Sài Gòn
Năm 1954, theo hiệp
định Genève (7-1954) Việt Nam bị chia cắt làm 2
miền, ông di tản vào Sài Gòn, trong khi em ông, Tiến
sĩ Vũ Như Canh, quyết định ở lại Hà
Nội. Vào Sài Gòn, ông được bổ làm Chánh Nhất Tòa Phá
Án, đồng thời tham gia giảng dạy ở khoa Luật trường
Đại học Sài Gòn, làm Trưởng khoa Luật, trưởng khoa
đầu tiên người Việt Nam. Ông nổi tiếng là một học
giả lớn về Luật, là chuyên gia về Dân Luật và Cổ
Luật, thành thạo nhiều ngoại ngữ Pháp, Anh, La Tinh,
Hán, uyên thâm cả về cựu học lẫn tân học, được đồng
nghiệp kính trọng, sinh viên tín nhiệm, quý mến.
Trở
thành Bộ trưởng Ngoại giao
Sau khi thực hiện
cuộc trưng
cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955, phế truất Quốc
trưởng Bảo Đại, tân tổng thống Ngô Đình Diệm thành
lập chính phủ và mời ông giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại
giao của Việt Nam Cộng hòa.
Ông giữ chức vụ này trong 8 năm, từ 1955 đến 1963.
Trong cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, ông đã từ
chức, cạo đầu giống như một nhà sư để phản đối.[1] Khi
ông cố gắng rời Việt Nam Cộng hòa để tham gia một
cuộc hành hương đến đất phật Ấn Độ, thì bị bắt và bị
quản thúc.
Mâu
thuẫn với chế độ Ngô Đình Diệm
Vốn là một nhà
nghiên cứu về luật học, ông không quan tâm nhiều đến
những biến động của thời cuộc bấy giờ. Tuy nhiên, là
một Phật tử với pháp danh Minh Không, ông ra sức
phản đối những biện pháp đàn áp khốc liệt của chính
phủ Ngô Đình Diệm với Phật giáo. Ông cạo trọc đầu và
sau đó từ chức Bộ trưởng ngày 22 tháng 8 năm 1963 để
phản đối hành động tấn công các chùa Phật giáo của
chính phủ Ngô Đình Diệm.
Trở
về Việt Nam
Suốt thời gian biến
động miền Nam 1964-1967, ông hoàn toàn không tham
gia vì công tác ở đại sứ tại nước ngoài. Mãi đến khi
tướng Nguyễn Văn Thiệu lên
nắm quyền tổng thống, ông mới được triệu hồi về
nước. Ông trở thành Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài
Gòn. Năm 1972, ông tranh cử Thượng nghị sĩ trong
liên danh Hoa Sen và đắc cử.
Trong suốt nhiệm kỳ
của mình, ông luôn hoạt động tích cực cho phong trào
hòa bình và hòa giải cho dân tộc. Chính vì vậy, khi
tướng Dương Văn Minh trở
thành tổng thống, ông được đề cử cho chức vụ Thủ
tướng Việt Nam Cộng hòa với
mục đích tham gia thương lượng chấm dứt chiến
tranh. Tuy nhiên, ông chỉ ở trong chức vụ chỉ
vỏn vẹn được một ngày thì Việt Nam Cộng hòa sụp
đổ trước sức tiến công của quân đội Mặt
trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông
phải cùng tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu
hàng vô điều kiện để tránh đổ máu thêm nữa.
Cuối
đời
Cũng như tướng
Dương Văn Minh, ông là người ôn hòa, ủng hộ chủ
trương bàn giao cho chính quyền quân Giải phóng. Do
vậy, chính quyền Cách mạng chỉ thực hiện các biện
pháp giám sát nhưng không khắt khe với ông. Sau khi
tình hình ổn định, ông được cho phép xuất cảnh sang
Pháp và định cư ở đây cho đến tận cuối đời. Ông mất
ngày 20 tháng 8 năm
1998 tại Paris,
thọ 84 tuổi.
Ông là một học giả
lớn về luật của Việt Nam, uyên thâm cựu và tân học,
biết nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Hán và là một
giáo sư giảng giải luật rất hấp dẫn. Tác phẩm của
ông còn được René David và John E.C Brierley trích
dẫn trong cuốn sách nổi tiếng về luật so sánh Major
Legal Systems in the World Today.
Gia đình
Ông bà sinh hạ được
5 con, tất cả đều thành đạt, hầu hết định cư ở Pháp.
Ái nữ là bà Vũ Thị Việt Hương theo nghề của cha, thi
đỗ vào trường Đại học Luật Sài Gòn, rồi đỗ Tiến sĩ
Luật, trở về trường cũ giảng dạy, chuyên về Luật
Quốc tế và Luật Đối sánh.
Trước
tác tiếng Việt
- Dân luật khái
luận, Đại học Luật khoa Sài Gòn xuất bản
- Dân luật lược
giảng, 2 tập, Đại học Luật khoa Sài Gòn xuất
bản
- Pháp luật diễn
giảng, 2 tập, Đại học Luật khoa Sài Gòn xuất
bản
- Cổ luật Việt
Nam và Tư pháp sử diễn giảng, Đại học Luật
khoa Sài Gòn xuất bản, 1973
- Cổ luật Việt
Nam thông khảo, 2 tập, 1974
- Tiểu từ điển
luật và kinh tế 350 trang;
đồng tác giả với Hồ Thới Sanh, Lê Đình Chân, Lưu
Văn Bình, Nguyễn Cao Hách, 1973
- Tự điển Hiến
luật và Dân luật, đồng tác giả với Lê Đình
Chân
- Tự điển
Pháp-Việt: pháp chính kinh tài xã hội 895
trang; Viện Đại học Vạn hạnh xuất bản, 1970
- Tự điển
Pháp-Việt: pháp luật, chính trị và kinh tế 125
trang, 1955.
Năm 1989 khi lấy
hiệu là Minh Không, ông có viết bộ sách nói về "Hành
trình mở cõi của dân tộc Việt" gồm 3 tập:
- Tập 1: Việt -
ChămPa
- Tập 2: Việt - Phù
Nam
- Tập 3: Việt -
Campuchia
- Sách được đánh máy
trên khổ giấy A4, không rõ ông đã hoàn thành
chưa.
Nguồn:https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_V%C4%83n_M%E1%BA%ABu