Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889


www.vietnamvanhien.net





Ba Điều Ước 30 Tháng 4

Đăng bởi bvnpost on 30/04/2010

Phạm Toàn

Tôi được một bạn bên Vietnamnet mời viết một bài và “đặt hàng” hẳn hoi: hãy nói về hòa hợp và hòa giải dân tộc. Sau một ngày suy nghĩ, tôi từ chối, và nói rất rõ: tôi không đủ tư cách nói những điều quá to tát đến thế.

Tôi vốn chỉ quen với hai chuyên môn hẹp: một là, dạy tiểu học và soạn sách bậc tiểu học, một việc nhỏ nhưng tôi vô cùng gắn bó, và hai là, rất nhiều khi viết văn, dịch sách, làm thơ, nhưng chỉ làm như một thú vui chứ không coi đó là một nghề sống chết với nó.

Chết nỗi, người bạn VNN cứ kiên quyết chối từ lời từ chối của tôi. Thế là đành liều viết đôi lời, như một bộc bạch tấm lòng công dân.

* * *

Có một hành động của tôi vào năm 1976 cứ nghĩ sẽ giữ kín mãi, sống để bụng chết mang đi, nay xin bộc lộ: năm đó, vào đúng ngày 30 tháng Tư, ngồi một mình, nghĩ ngợi lẩn thẩn thế nào, lại viết một lá thư gửi một người tôi tin là đồng chí đó sẽ thừa hiểu mấy điều “vô cùng hợp lý”.

Xin nói luôn là thư của tôi không có hồi âm.

Nội dung thư của tôi mang ba kiến nghị như sau:

Kiến nghị thứ nhất xin xóa thuế nông nghiệp cho nông dân trong vòng 20 năm. Hai mươi năm xóa thuế không chỉ có nghĩa là ban ơn hoặc tỏ lòng biết ơn. Mà đó là hai mươi năm tổ chức lại cuộc sống nông thôn. Cái mốc 20 năm là một thời hạn và cũng là một điều thách thức với ước mong thay đổi tận gốc cuộc sống của người dân quê quá đau khổ vì loạn lạc, đói kém, và ít học.

Kiến nghị thứ hai xin đốt lý lịch toàn dân và “viết lại” tính từ ngày 1 tháng 5 của một năm nào đó. Sở dĩ có cái ý nghĩ dẫn tới kiến nghị này, là vì tôi thấy đâu đâu cũng khổ vì chuyện lý lịch. Con người bị phân biệt đối xử qua bản lý lịch. Và họ cũng đối xử phân biệt nhau qua bản lý lịch. Về sau, khi đất nước đã mở cửa, tôi dạy tiếng Việt cho trẻ em tiểu học trường Quốc tế Pháp tại Hà Nội, nên có dịp đọc bản lý lịch của “Tây”, và thấy đề nghị của mình đúng, ít nhất là không sai. Bản lý lịch của “Tây” tính từ hôm nay ngược về trước (“anh có thể làm gì ngay lúc này?”) còn bản lý lịch của Ta đi từ ngày trước về hôm nay (“anh là con nhà ai, anh đã làm được gì?”).

Kiến nghị thứ ba gợi ý Việt Nam chủ động yêu cầu Hoa Kỳ và Liên Xô từ nay không được gửi vũ khí qua đây, mà chỉ gửi rất nhiều những thanh niên nam nữ sang cùng phát triển văn hóa, nghệ thuật, tạo ra một cái mẫu cho toàn thể thế giới làm theo. Kiến nghị này của tôi được đưa ra khi đó Liên Xô vẫn còn là ông khổng lồ hùng mạnh. Nhưng vào năm 1976, giá như thực hiện kiến nghị của tôi, thì có khi có thể sửa được nhiều tật xấu cố hữu của phe ta chứ chẳng chơi! Biết đâu là chừng, Liên Xô có khi không tan rã ấy chớ! À, nhưng mà Lịch sử làm gì có chữ “nếu”?!

Nghe đến đây, thật quá dễ để chê trách tôi là người sống với ảo tưởng! Mắc tiếng ảo tưởng thì có sao? Bất kỳ ai biết đọc sách hẳn đều nhớ rằng cuộc cách mạng Pháp 1789 long trời lở đất, tác giả viết hoa của cái Vật viết hoa đẹp đẽ nhât và cũng xấu xí nhất của loài người là cái máy chém, sau hàng chục năm đầu rơi máu chảy, cũng vẫn thích quay về với cuộc sống không có cái máy chém. Thử phân tích thêm, hẳn sẽ có ích cả cho mình, và biết đâu chẳng có ích cho người khác nữa?

Thói quen dạy học bắt tôi phân biệt giữa đề tài và chủ đề. Cái đề tài nằm trong lá thư gửi một cấp rất cao, nhưng thư đã không tới nơi, hoặc thư tới nơi mà không bõ xét giải quyết, cái đề tài đó là: làm gì sau khi đất nước đã độc lập và thống nhất? Nhưng chủ đề của nó lại không chỉ dừng lại ở việc làm gì (đề tài) mà là làm cái gì đó để có cái gì (chủ đề)?

Trong một tác phẩm, một chủ đề bao giờ cũng là thứ ám ảnh nhà văn, còn đề tài thì chỉ là những vật liệu, xây cái nhà thì nên cái nhà, xây cái lều vịt thì nên cái lều vịt. Vậy thì cái đề tài ám ảnh tôi ngay từ khi tôi gửi lá thư ám ảnh ba điều kiến nghị là gì? Đó là chủ đề về hòa giải và hòa hợp dân tộc như luồng gió ấm áp vẫn đang thổi mạnh dần trong mấy năm nay.

Chỉ có điều là, chuyện hòa giải và hòa hợp dân tộc không thể diễn ra như trong những ảo tưởng tốt bụng, như trong những giấc mơ ban ngày, mà có lẽ phải cần hơn tới những góc nhìn thực tế.

Ta sẽ thấy ngay từ đầu là, công việc hòa giải và hòa hợp dân tộc, tuy đặt ra chung cho mọi người Việt Nam ở khắp mọi nơi trên trái đất này, nhưng nó phải và chỉ có thể thực hiện trước hết ở ngay trên mảnh đất Việt Nam. Nếu ngay trên mảnh đất Việt Nam này mà những con người tại chỗ chưa chung tay xây đắp nên những nền tảng của hòa giải và hòa hợp dân tộc, thì sẽ là đỉnh cao của mọi ảo tưởng nếu cứ sà sã kêu gọi xuông. Đàn con chỉ quay về tổ khi thấy cái tổ đó đáng để quay về. Còn không, thì bây giờ thời toàn cầu hóa, ngã đâu là nhà, đăng ký đâu là giường, phận lưu vong bây giờ cũng không như đầu thế kỷ trước nữa, vì chỉ một lẽ, chủ nghĩa tư bản (đại thọ) bây giờ cũng không như trước nữa; thực tình thì chính cái thứ chủ nghĩa tư bản ở các quốc gia tân tư bản chủ nghĩa mới là mảnh đất con người lưu vong khó sống. Nói cách khác, hòa giải và hòa hợp dân tộc trong thời đại ngày nay là việc của thực lực, không còn là việc tuyên truyền.

Vấn đề đặt ra là: thế nào là cái tổ đáng cho mọi người tụ hội nhau về đó mà hòa giải và hòa hợp dân tộc? Cái tổ này phải thực sự là nơi có độc lập, tự do, hạnh phúc như ở mọi nơi con dân nước Việt đang sống và đang đòi được sống đúng với cái chuẩn mực do chính Tổ quốc Việt Nam xướng xuất từ 2 tháng 9 năm 1945. Cần phải thấy là, ngay con em những người xa xứ ít học nhất khi xưa thì nay cũng đã quen sống trong nền văn hóa độc lập thực sự, tự do và hạnh phúc thực sự. Họ không chỉ nhìn thấy, nghe lỏm thấy, mà chính họ thừa hưởng chế độ giáo dục và chữa bệnh không mất tiền. Chính họ sống trong tự do báo chí và tự do lập hội, để mọi nguyện vọng của họ đều được nói to lên và nhẫn nại đợi chờ nguyện vọng được thỏa mãn cùng với các loại van an toàn cho cá nhân họ và cho toàn cộng đồng.

Tôi không đủ tầm nhìn xa trông rộng để có thể phân tích nhiều hơn mấy điều vừa nghĩ ngợi.

Ấy thế rồi, nghĩ đi nghĩ lại, vẫn cứ thấy ba điều khuyến nghị – ba điều ước xưa của mình cách nay hơn ba mươi năm hình như vẫn rất gần. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân vẫn còn cần được tổ chức lại – không chỉ là miễn thuế – để cuộc hòa hợp dân tộc không diễn ra trong ánh mắt thèm thuồng của họ và con cháu họ. Toàn dân bất kể ai – trí thức cũng như kỹ thuật viên, trẻ cũng như già, nam cũng như nữ – vẫn đang cần một cuộc đốt lý lịch thực thụ, sao cho sự thăng tiến trong cuộc đời không lệ thuộc vào bất kỳ điều gì ngoài năng lực của chính mình. Và vẫn còn cần những vòng tay nhân ái xòe ra từ những cường quốc, nơi có đủ tiền để mà có thể thừa nhân ái, nơi hình như vẫn còn thiếu cái văn hóa nhân ái để tiền không bị vừa thiếu vừa thừa.

Hy vọng rằng những ảo tưởng năm nay của mình sẽ sớm bị cuộc sống thực bác bỏ, và sẽ được thấy người Việt Nam sẽ dựng một quảng trường hòa giải hòa hợp đẹp hơn quảng trường Concorde bên Paris.

Ít ra đây cũng là một di chúc.

Phạm Toàn

Hà Nội 22-4-2010

Nguồn: http://boxitvn.wordpress.com/2010/04/30/ba-di%e1%bb%81u-%c6%b0%e1%bb%9bc-30-thng-t%c6%b0/#more-5218


www.vietnamvnahien.net