Việt Nam Văn Hiến

                                                                                                                      Năm Thứ 4888
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net





-----------------------------------------------------------

Biên Cương Tổ Quốc Ở Đâu ?

Đông Biên


Mục Lục

Phần I
Phần ÌI
Phần ÌÌI
Phần IV
Phần V
Phần VI
Phần VÌI

 PHẦN I

      Toàn thể người Việt Nam không kể người trong nước hay người ở ngoài nước đều bàng hoàng sửng sốt và vô cùng xúc động khi bức kháng thư của ông Ðỗ Việt Sơn, người đã có 60 tuổi đảng, 80 tuổi đời được phổ biến để phản đối đảng Cộng sản Việt Nam ký hiệp định Biên giới với đảng Cộng sản Trung Quốc và đề nghị không thông qua hiệp định bán nước đó.

         Tiếp theo là bài viết của ông Lê Chí Quang cảnh giác với “Bắc Triều” và thách thức : “Ông Lê  Khả Phiêu ra đối chất xem. Ông lấy quyền gì mà dám ký hiệp định Biên giới làm nước ta mất hàng trăm kilômét vuông đất đai của Tổ Quốc. Cả về hiệp định vịnh Bắc Bộ nữa, trước kia Pháp thay ta ký với nhà Thanh theo tỷ lệ 62/38, bây giờ lại ký theo tỷ lệ 54/46 !  Tổ Quốc bị thiệt hại biệt bao nhiêu chỉ vì một người nhân danh đảng ! Biết bao nhiêu xương máu, nước mắt, mồ hôi của cha ông, của nhân dân từ ngàn đời đổ xuống để dành từng tấc đất của Tổ Quốc, các anh có biết không ?”

       Ông Trần Khuê, một đảng viên làm công tác văn hóa, trong bức thư ngỏ gửi Tổng Bí thư Giang Trạch Dân tiết lộ : “ Chúng tôi giật mình kinh ngạc khi nghe Bộ chính trị Lê Khả Phiêu chỉ thị cho Chính phủ Phan Văn Khải ký với Chính phủ Trung Quốc hai hiệp định biên giới Việt Trung và đã nhượng mất ngót một nghìn kilômét vuông địa giới (?) và ngót một chục nghìn kilômét vuông hải giới. (?) Vì cả hai đảng và hai chính phủ đều giữ bí mật nội dung bản Hiệp ước này nên không rõ diện tích lãnh địa và lãnh hải mà các đ/c lãnh đạo Trung quốc vừa lấy thêm của Việt Nam cụ thể chính xác là bao nhiêu. Tháng 8-2001, chúng tôi có tổ chức một đoàn lên khảo sát thực địa ở Lạng Sơn thì quả đã thấy cây số 0 nằm trên vạch biên giới Việt Trung, không còn nhìn thấy Mục Nam Quan nữa. Phía Trung Quốc đã xây một tòa nhà sừng sững chắn ngang. Rồi người thì nói nó đã nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc 500 mét, người thì nói 2000 mét. Diện tích đất đã nhượng người thì bảo 500 km2, có người lại nói mất hơn 700 km2, có người lại nói mất hẳn 900 km2. Riêng Ð/c Lê Thế Nghĩa, nguyên Trưởng ban Biên giới của chính phủ thì cho chúng ta biết Mục Nam Quan hiện nằm cách vạch biên giới là 800 mét và tổng số diện tích địa giới mà Việt Nam, phải cắt nhượng cho Trung Quốc chỉ mất 232 km2.” Các ông Lê Chí Quang và Trần Khuê đã bị Cộng sản bắt và bị  buộc tội tiết lộ bí mật quốc gia !

      Ông Nguyễn Thanh Giang, một nhà tranh đấu cho nền dân chủ tại quốc nội, “Trăn trở xót đau cùng Biên cương Tổ Quốc”  hỏi : “Nhưng biên giới Việt-Trung đã từng ở đâu ? Biên giới Việt- Trung sẽ phải ở đâu ? Biên giới Việt-Trung sẽ phải ở đâu để đừng phụ công cha ông từng kiến lập giang sơn, khai mở bờ cõi, đừng làm tủi nhục vong linh hàng triệu người đã từng ngã xuống vì quê hương đất nước…Biên giới Việt-Trung sẽ phải ở đâu như nó từng ở đó để không ai phải xót xa trăn trở vì đã mất 789 kilômét vuông  hay 720 kilômét vuông. Hay…chỉ mất 1 kilômét vuông như thông báo chính thức của Ban Bí thư cho toàn thể đảng viên ?…Biên giới lúc đó rất xa. Cách Pắc Bó hàng chục km, cách Bản Giốc hình như không thể dưới 1 km. Vậy mà nay có người bảo đứng ở Pắc Bó có thể nhìn thấy Trung Quốc, còn thác Bản Giốc  - một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất đã từng có trong tất cả các tập bưu ảnh giới thiệu đất nước Việt Nam trước đây – nay đã bị cắt cho Trung Quốc mất hai phần ba !"

      Nhân vụ dâng đất, dâng biển của đảng Cộng sản Việt Nam cho đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta lần giở lại qua các trang sử, qua các truyền thuyết để xem dòng giống Việt tộc đã bị Hoa tộc cướp mất bao nhiêu đất đai, để xem từ xa xưa lúc trời đất còn mịt mù của thuở hồng hoang, dòng tộc Việt đã sinh sống tại địa bàn Hoa Bắc, phía trên sông Hoàng Hà, bị Hoa tộc xâm chiếm cướp đất đai, đồng hóa, rồi lần xuống xâm chiếm vùng Trường Giang và tới đời Tần Thủy Hoàng xua 500.000 tinh binh vượt dãy Lĩnh Nam chiếm trọn miền Hoa Nam và nước Văn Lang. Dòng Lạc Việt sau suốt một ngàn năm nô lệ giặc Tàu đã dành được độc lập, đã đổ biết bao xương máu, dành từng tấc đất từng ngọn cỏ nơi biên giới để ngày nay đảng Cộng sản Việt Nam đành lòng dâng hàng trăm cây số vuông đất biên thùy, hàng chục ngàn dặm vuông biển cả cho Cộng sản Trung Quốc để được bảo trợ chổ ngồi đè đầu đè cổ nhân dân Việt Nam.

 

                 NGUỒN GỐC VÀ ÐỊA BÀN SINH SỐNG CỦA VIỆT TỘC

 

      Nguồn gốc và địa bàn sinh sống của dòng Bách Việt theo truyền thuyết như sau :

 

     HỌ HỒNG BÀNG.

         Cứ theo tục truyền thì vua Ðế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ ) gặp  nàng Vụ Tiên, lấy nhau, sinh ra người con tên là Lộc Tục. Sau Ðế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Ðế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Ðộng Ðình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải.

      Kinh Dương Vương lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Ðế Lai là Âu Cơ, sinh một lần được một trăm người con trai. Lạc long Quân bảo bà Âu Cơ rằng : “Ta là dòng dõi Long Quân, nàng là dòng dõi Thần Tiên, ăn ở lâu với nhau không được, nay được trăm đứa con thì nàng đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải.Lạc Long Quân phong cho người con trưởng  làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương.”

 

      Qua câu truyện truyền thuyết về nguồn gốc và địa bàn sinh sống của dòng Bách Việt thì :

 

1-    Nơi phát tích dòng Bách Việt là Ðộng Ðình Hồ thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay. Ðộng Ðình Quân làm vua ở Ðộng Đình Hồ thuộc giống Rồng.

 2-    Kinh Dương Vương là con của nàng Vụ Tiên lấy con gái của Ðộng Ðình Quân là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc long Quân. Lạc Long Quân là con của Long Nữ thuộc giống Rồng và là cháu của Vụ Tiên thuộc giống Tiên. Dân Việt Nam là hậu duệ của Lạc Long Quân nên tự nhận là “Con Rồng Cháu Tiên”

 3-    Kinh Dương Vương làm vua nước ta trước tiên với quốc hiệu là Xích Quỷ thuộc họ Hồng Bàng. Chúng ta thuộc dòng Việt tộc ngành Lạc, nên gọi là Lạc Việt. Vì thế chúng ta tự nhận là “Con Hồng Cháu Lạc” để nhớ gốc tích giống nòi.

 4-    Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra trăm người con. Hai Ông Bà chia con với nhau, 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển. Ðó là mấu chốt của truyền thuyết. Nó nói lên việc dòng Bách Việt chia nhau chiếm lĩnh địa bàn sinh sống từ trên núi xuống biển khắp cả lục địa nước Tàu xuống tận vùng Ðông Nam Á và các Hải đảo.

 5-    Trước khi chia đất, phân tán các con đi các nơi thì cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ truyền ngôi cho con cả làm vua đất Văn Lang. Ðó là vua Hùng Vương của chi Lạc Việt. Chúng ta hãnh diện là hậu duệ của vua Hùng là ngành cả của dòng Bách Việt. Ðó là truyền thuyết nói về việc phát tích và địa bàn sinh sống của dòng Bách Việt và được chia ra nhiều chi nhánh như Cửu Lê, Bách Bộc, Lạc Việt, U Việt, Mân Việt, Âu Việt, Nam Việt v,v…

 6-    Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương phía bắc giáp Động Đình Hồ, tây giáp  Ba Thục, nam giáp Hồ Tôn, đông giáp biển Đông. Khi Lạc Long Quân nối ngôi thì cũng thừa hưởng giang sơn Xích Quỷ của Kinh Dương Vương. Lạc Long Quân về thủy phủ truyền ngôi cho con là Hùng Vương làm vua thì Hùng Vương cũng hưởng quyền cai trị nước Xích Quỷ. Hùng Vương  đổi tên nước là Văn Lang và dĩ nhiên bờ cõi nước Văn Lang cũng to lớn như nước Xích Quỷ, nghĩa là cả một dãy đất rộng lớn từ mạn nam sông Dương Tử đổ xuống phía nam đến Chiêm Thành đều thuộc đất Văn Lang.

      

                  Riêng về mặt khảo cổ thì các nhà chủng tộc học, các nhà khảo cổ tiền sử và ngôn ngữ tỷ hiệu đã liệt dân Bách Việt trong đó có Việt Nam vào chủng Mã Lai :

1-    Cách nay khoảng 10.000 năm, chi Nam Á (Austro-Asian), họ từ đâu tới không biết, tràn vào lục địa nước Tàu ngày nay, vùng Ðông Nam Á và các hải đảo, đó là thời kỳ văn hoá Hòa Bình, Bắc Sơn, thuộc ngành ngôn ngữ Nam Ðại Dương tức Mã Lai đa đảo.

2-    Khoảng 3,4 ngàn năm sau, một chi Mã Lai khác tới sau. Họ thuộc ngành ngôn ngữ Nam Ðảo (Austronesian).

3-    Khoảng 2 ngàn năm sau nữa, một chi khác là Tạng Miến (Thái) tới, họ tràn vào Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Ðông, Vùng núi Bắc Việt.

        Xét về mặt địa lý, dòng tộc Mã Lai (Bách Việt) đã có mặt ở khắp nước Tàu, vùng Ðông Nam Á, Ấn Ðộ, các hải đảo Thái Bình Dương đến Madagascar (Mã Ðảo, Phi Châu), vượt Thái Bình Dương vào Mỹ châu, đó là người Maya, Inca, Da Ðỏ…

 

         DÒNG GIỐNG HOA TỘC VÀ CUỘC XÂM CHIẾM ÐẤT VIỆT LẦN 1.

 

        Cách nay khoảng 5000 năm, có một bộ tộc từ vùng sa mạc tây bắc tràn vào miền tây bắc nước Tàu, sinh sống ở vùng  Thiểm Tây và Sơn Tây, đó là  chủng tộc Hoa. Dòng tộc Hoa là giống người lai căn giữa rợ Nhục Chi (Tokharian) thuộc chủng da trắng với một rợ khác là Mông Cổ mà người Tàu gọi là Hung Nô, Âu châu gọi là Huns, thuộc chủng da vàng. (Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, tr. 79)

          Thứ người lai căn này mà về sau gọi là Hoa tộc cũng gọi là Hoa Hạ, có tính cách Mông Cổ ở  loại tóc thẳng và đen (tộc Nhục Chi tóc dợn sóng và màu đỏ hoặc màu râu bắp), giống Mông cổ ở nước da vàng, ở mắt xếch, mí mắt lót, màu mắt đen và ngôn ngữ độc âm. Họ có tính cách Nhục Chi ở thân thể cao lớn và râu quai nón như người Tây phuơng mà hiện nay người Hoa Bắc còn mang.

         Giống người lai căn này sinh sôi nảy nở ra nhiều nhưng không có đất sống. Người Nhục Chi không muốn nhận giống lai căn đó vì thấy khác họ quá nhiều. Còn người Mông Cổ cũng không muốn nhận họ vì cũng không thấy họ giống người Mông Cổ. Hơn nữa cả dân Nhục Chi lẫn dân Mông Cổ sống bằng nghề chăn nuôi, rất cần nhiều đất để súc vật có cỏ  ăn nên họ đuổi  giống  lai căn đó đi. Thành thử nhóm mang hai giòng máu đó trở thành quân xâm lược đi cướp vùng đất mà nay  là Hoa Bắc, lúc đó đã có chủ rồi, chủ đó là Việt tộc, chi Cửu Lê.

        Vậy  giống lai căn đó rời bỏ vùng vùng Tây Vực của dân Nhục Chi lúc đó cũng đã bị sa mạc hóa, tiến qua hành lang Cam Túc vào đất Quan Trung của tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Họ sinh sống ở vùng Quan Trung , trong dãy núi Hoa Sơn vì thế họ tự nhận là tộc Hoa (Hoa Hạ). Họ ghép tên đất Quan Trung và tên tộc Hoa thành Trung Hoa để làm tên nước, vì họ cho nơi họ ở là trung tâm thiên hạ ! Từ vùng sa mạc khô cằn vào đất Quan Trung màu mỡ thì họ đã lấy làm vui mừng lắm, nhưng dần dà dân số tăng lên, đất đai không còn đủ cho súc vật, họ cần có vùng đất mới để sinh sống. Nhìn qua bình nguyên sông Hoàng Hà của các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam họ thấy đất đai ở đó màu mỡ, dân ở đó canh tác hoa màu tốt tươi nên họ áp dụng lối sống du mục của tổ tiên là ăn cướp, giết địch để thâu chiến lợi phẩm là súc vật, đàn bà, và vùng đồng cỏ.

         Hoa tộc lúc đó dưới quyền của lãnh tụ Hiên Viên, còn dân Cửu Lê thì dưới quyền thống lãnh của Xuy Vưu mà sử Tàu gọi là “Xuy Vưu cổ thiên tử, Xuy Vưu bá thiên hạ”. Như thế, sử Tàu cũng công nhận là dân Cửu Lê sống ở đó đã lâu đời, tổ chức thành nước có vua, ông vua đó Tàu gọi là Xuy Vưu với nghĩa miệt thị.

            (Trong Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp thì cho Xuy Vưu là quân thần của Đế Lai : “Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến truyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xuy Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Long Quân dã về Thủy phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng bộ chúng thị thiếp ở  lại hành cung.” bản dịch của Lê Hữu Mục,xb, Huế 1960, tr.43 ).

          Hiên Viên kéo nhóm dân du mục hung dữ, tàn bạo đánh úp Xuy Vưu tại Trác Lộc, một địa điểm trên bờ sông Hoàng Hà, phía bắc tỉnh Hà Nam. Dân Cửu Lê, một chi hhánh của đại tộc Bách Việt, là dân vốn sống bằng ghề nông nghiệp, hiền lành. ít có chiến tranh, không phòng bị gặp phải thứ dân du mục quen nghề chém giết nên bị thua. Xuy Vưu bị giết, dân bị tàn sát, bị bắt làm nô lệ, một số chạy trốn.

          Trong số bị bắt, đông nhất hẳn là đàn bà. Giống dân du mục lang thang đó đây theo bầy gia súc rất cần đàn bà nên khi đánh một bộ lạc nào, việc đầu tiên là tàn sát đàn ông và bắt đàn bà làm vợ, làm nô lệ. Ðám Hoa tộc của Hiên Viên cũng không ngoài thông lệ đó. Họ bắt đàn bà, giết người đau yếu, bắt người khỏe mạnh làm nô lệ. Nhưng dân Cửu Lê sau khi thua trận, những người khỏe mạnh đã bỏ chạy trốn. Họ chạy xuống miền nam sông Hoàng Hà để nương náu với đồng tộc của họ đang sinh sống ở đó.  Họ cũng chạy ra biển, vượt biển, có lẽ là nơi trước đó họ đã đổ bộ vào đất liền. Họ chạy qua Ðại Hàn, Nhật Bản, Ðài Loan,  Hải Nam, và Bắc Việt. Nhóm tới Bắc Việt, nhập vào dân Việt đã sống ở đó và đã lập quốc gọi là Văn Lang.

         Sử Tàu khoe rằng đã bắt được đám Cửu Lê với vũ điệu Xuy Vưu. Như thế là dân Cửu Lê đã có một trình độ văn hóa khá cao với các vũ điệu mà Hoa tộc phải học lại. Họ còn học lại với lớp dân Cửu Lê nghề canh nông, nghề đánh cá. Và bây giờ thì Hoa tộc trở thành dân định canh định cư, hết còn lang thang bằng nghề chăn nuôi súc vật nữa.

          ( Xin mở dấu ngoặc ở đây để nghe triết gia Kim Ðịnh nói về vũ điệu Xuy Vưu mà cụ gọi là Li Vưu vì cho rằng người Tàu, khi chiến thắng đã gọi kẻ thua trận bằng tên rất xấu có ý khinh miệt nên phải gọi là Li Vưu mới đúng (Li Vưu có nghĩa là Rồng vàng thượng thặng)… “Ðồ múa thì gồm có móc, búa, đuôi bò và nhất là lông chim ngũ sắc, chữ nho kêu là vũ. Chính vì thế bài vũ có tên Vũ Nghi.  tức là trang sức (nghi) bằng lông chim ngũ sắc (vũ). Nếu nói Nghê thường vũ y khúc (chỉ màu ráng đỏ) phương Nam, thường là váy, y vũ  là áo bằng lông… Những đồ vũ đó nhất là lông chim ngũ sắc đã từ lâu gắn liền với vũ, hễ múa là phải đeo lông chim thì múa mới thành, mà múa có thành thì lễ mới nên (valid). Bởi thế vũ có mang lông chim đã trở nên con cháu chủ quyền của Việt lý, con cháu có thể dùng để nhận diện gia bảo…” Kim Ðịnh, Văn Lang Vũ Bộ.)

         Dân Cửu Lê còn ở lại bị liệt vào hạng tôi đòi hạ lưu của xã hội Hoa tộc và bị gọi  là dân (đầu đen) : “Lê dân sồng trong cảnh lầm than khổ cực” và câu : “Ðược mắt xanh ngó tới” chứng tỏ rằng tầng lớp quý tộc, thống trị là người Hoa, con mắt họ lúc đó còn màu xanh và tóc hung đỏ của rợ Nhục chi, còn dân Cửu Lê thì tóc đen. Các nhà chủng tộc học gọi giống Hoa tộc này thuộc chủng Trung Mông gô lích. Chủng Bắc Mông gô lích là người Mông cổ và sau này gọi giống người ở Hoa nam là Nam Mông gô lích.

        Ðó là lần đầu có cuộc đụng độ chiếm đất, đồng hóa dân Việt của Hoa tộc.Cuộc đụng độ lần đầu tiên này do sử Tàu ghi lại để khoe thành tích, nên ta mới biết có cuộc xâm lăng khủng khiếp đó, nếu không thì chẳng ai biết gì và cứ tưởng vùng đất Hoa bắc ấy là của Hoa tộc từ thuở nào, chứ có ai dè đất ấy là của Việt tộc đã ở đó hàng ngàn năm trước.

        Nhóm Cửu Lê thất trận rồi, lớp bỏ chạy, lớp ở lại bị đồng hóa với Hoa tộc  thì bên cạnh đó, ở vùng sông Bộc có một nhóm khác cũng thuộc dòng Việt tộc, đó là nhóm Bách Bộc. Sông Bộc là con sông phát nguyên từ cao nguyên tỉnh Sơn Ðông chảy vào sông Hoàng Hà. Ðịa bàn của nhóm Bách Bộc không xa Trác Lộc, nơi Hiên Viên đánh Xuy Vưu là bao nhiêu.

         Nhóm Bách Bộc này sống bằng nghề canh nông và tầm tang (trồng dâu nuôi tằm dệt lụa). Họ  có lối sống cổ sơ hồn nhiên trai gái giao du thân mật không bị cấm đoán “nam nữ thụ thụ bất tương thân” như Hoa tộc. Người Hoa thấy lối sống thân cận nam nữ của dân Bách Bộc thì chê bai chỉ trích là cảnh dâm loạn : “trên bộc trong dâu”.

         Nhóm Bách Bộc này rồi cũng bị người Hoa tấn công chiếm đất. Không biết có những trận chiến xẩy ra khốc liệt như với nhóm Cửu Lê hay không vì không thấy sử chép nhưng biết rằng nhóm này bị lấn đất mãi, bị dồn lên cao nguyên Sơn Ðông và cuối cùng cũng bị đồng hóa với Hoa tộc. Nhóm Bách Bộc bị dồn lên cao nguyên Sơn Ðông này, Tàu gọi họ là Đông Di. Những người Di Việt bị dồn lên Cao nguyên Sơn Ðông vẫn còn tồn tại và luôn luôn nổi lên chống đối Hoa tộc. Cho mãi đến đời Tam Quốc nhóm người Đông Di này vẫn còn dằng dai kháng cự. Cụ thể là nhóm người mà Tàu gọi là  Hoàng cân (khăn vàng, người Di này dùng khăn bịt đầu vì họ cắt tóc ngắn, phát tiễn, một dấu chỉ của người Việt, sử Tàu cũng cho biết người Di này nhuộm răng đen và xâm mình), nổi lên đánh phá khắp vùng Sơn Ðông làm điêu đứng nhà Hán không ít và cũng là dịp cho Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền xuất hiện lập ra ba nước Thục, Nguỵ, Ngô.

        ( Chính nhóm Huỳnh Cân này phát khởi ra Thiên Ðịa Hội. Có ba người tự xưng là :

       -    Thiên công tướng quân : Trương Giốc

-        Ðịa công tướng quân : Trương Bảo

-        Nhân công tướng công : Trương Lương

       Họ kết hợp lại thành “Tụ Nghĩa Hội” hay là “Bài Huyết Hội” thường gọi là “Thiên Ðịa Hội”. Thiên Ðịa Hội từ đó bành trướng khắp nước Tàu, trước còn có mục đích yêu nước sau biến  dạng thành các tổ chức anh chị đâm thuê  chém mướn, buôn lậu. Thiên Ðịa Hội có một thời hoạt động rất mạnh tại miền nam Việt Nam thời Pháp mới đặt nền đô hộ.

      Ðời nhà Tống có các hảo hớn Lương Sơn Bạc nổi lên chống lại triều đình thối nát tham nhũng, Căn cứ của các hảo hớn này là tỉnh Sơn Ðông, hẳn là người Di lại đã nổi lên chống lại người Hoa cai trị. Ðến đời nhà Thanh những người Di này lại nổi lên chống nhà Thanh với danh hiệu là “Nghĩa Hòa Quyền”, khẩu hiệu là “Diệt Thanh Phục Minh” về sau thấy người Tây phương qua ức hiếp người Tàu họ lại quay ra “Phù Thanh Diệt Dương”  Nghĩa Hòa Quyền kéo quân vào thành Bắc Kinh đánh phá các tòa đại sứ, lãnh sự Tây phương khiến các nước Tây phưong phải kéo quân vào đánh quân Nghĩa Hòa Quyền, người Tây phương gọi đám quân này là Boxer, Quyền phỉ. Từ ngày bị người Hoa dồn lên cao nguyên Sơn Ðông đến nay có hơn năm ngàn năm, bị người Hoa bao vây tứ phía, thế mà người Di (BộcViệt) vẫn còn đầy sức sống để nổi lên chống lại đám người Hoa xâm lăng. Ngày nay những người Sơn Ðông mãi võ, thường hay đi bán thuốc ở Việt Nam là hậu duệ của người Di Việt hay Bách Bộc này. Phải chăng người Sơn Ðông mãi võ này,  thuộc Thiếu Lâm bắc phái, biết họ có mối liên hệ ruột thịt của dòng máu Bách Việt với người Việt Nam nên mới thường xuyên tìm đến như thế ? ).

        Dân Bách Bộc bị Hoa tộc xâm lăng thì bỏ chạy tứ tán, một số đi ra biển đông tới Nhật ,Cao ly, Ðài Loan, Hải Nam, Việt Nam…, một số rút lên Cao nguyên Sơn Ðông kháng cự chống lại Hoa tộc như ta đã biết, một số chạy xuống vùng đồng bằng sông Dương Tử, nơi có các nhóm Việt khác đang sinh sống tại đó. Ở đây, họ thành lập nước Bộc và cầm đầu các nước Việt khác chống lại nước Sở.

         Thế là địa bàn Hoa Bắc ở vùng sông Hoàng Hà, Hoa tộc đã chiếm trọn của Việt tộc và lập ra đó nhiều nước mà sử Tàu gọi là vạn quốc. Ðến thời Chiến Quốc(476-221 TCN) lúc nhà Ðông Châu mạt vận thì chỉ còn 7 nước(Tề, Sở, Ngụy, Yên Triệu, Hàn, Tần) vì các nước nhỏ đã bị các nước lớn nuốt hết, để rồi Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc thống nhất nước Tàu.

         Người Tây phương chỉ biết nước Tàu từ thời Tần Thủy Hoàng nên họ lấy tên nước Tần của Tần Thủy Hoàng để gọi nước Tàu hay Trung Hoa, đọc theo giọng quan thoại tức tiếng nước Tần là Ch’in hay Tsin, người Pháp đọc là Chine, người Anh đọc là China. Người Hoa tự coi họ như là trung tâm của thiên hạ (Trung Hoa). Vì tự tôn nên họ coi những dân tộc sống xung quanh họ là man di mọi rợ. Dân phía bắc họ gọi là Bắc Ðịch (Mông cổ, Mãn châu), phía tây là Tây Nhung (Tây Tạng), phía đông là Ðông Di (Bộc Việt), phía Nam là Nam Man (Bách Việt). Khi tiếp xúc với người Tây phương thì họ gọi dân da trắng đó là Bạch quỷ!

         Ngày nay người Tàu không gọi nước họ là Trung Hoa mà gọi là Trung Quốc. Họ không gọi nòi giống họ là Hoa mà gọi là Hán. Ðó chẳng qua là họ muốn dấu tung tích nòi giống Hoa tộc đã đánh chiếm đất của các giống Việt, Mãn, Mông ,Tạng và Hồi.và đồng hóa các dân tộc này. Không có thứ dân tộc nào là Hán cả mà chỉ có Hoa tộc, Việt tộc, Tạng tộc, Mãn tộc, Mông tộc, Hồi tộc. Ðể ru ngủ các tộc khác ngoài tộc Hoa khỏi nổi lên đòi đất, đòi tự chủ nên tộc Hoa đã chịu dấu kỹ cái tộc Hoa của mình mà lấy cái tên Hán  làm tên chung cho các thứ dân tộc đã bị người Hoa đồng hóa.

        Ngày xưa người Tàu thường dùng các tên triều đại cai trị để gọi tên nước, tên người, như dưới thời nhà Ðường thì gọi tên nước là Ðường quốc, người Ðường (Thoòng dành), đời nhà Mãn Thanh thì gọi là nước Ðại Thanh, người Ðại Thanh.

       Lưu Bang và Hạng Vũ cùng nổi lên lật đổ nhà Tần của Tần Thủy Hoàng. Lưu Bang có ý muốn trừ Hạng Vũ để tự thống nhất thiên hạ. Hạng Vũ cả giận muốn giết đi nhưng nghĩ thương tình vì cũng là người nước Sở cả, nên mới cho vào trấn đất Hán Trung và Ba Thục phong cho tước hiệu là Hán Vương. Về sau Lưu Bang lập mưu đánh bại Hạng Vũ và lên ngôi lấy tước hiệu Hán vương đổi thành Hán Hoàng Ðế tức Hán Cao Tổ, thủ đắc một nước Tàu thống nhất và xâm chiếm Bách Việt do công của Tần Thủy Hoàng lập ra. Vì nhà Hán cai trị nước Tàu lâu đời và trọng dụng các nho sĩ nên được ca tụng, rồi từ đó chữ nho được gọi là chữ Hán, người Tàu được gọi là người Hán. Ðáng lý ra người Tàu phải gọi người Tần, Ch’in hay Tsin như người Tây phương gọi là Chine, China mới đúng vì công thống nhất nước Tầu là của Tần Thuỷ Hoàng !

                                                                                                           PHẦN II

     

NƯỚC SỞ : KHUÔN MẪU CỦA HOA TỘC NUỐT CÁC NƯỚC VIỆT TỘC.

 CUỘC CHIẾM ĐẤT LẦN THỨ HAI.

 

    Hoa tộc chiếm được bình nguyên Hòang Hà rồi thì họ lập lu bù nước ở đó, có lúc lên đến hàng vạn nước. Thật ra chỉ là những bộ tộc, những họ, mỗi họ chiếm một một vùng tự xưng là nước chư hầu dưới quyền của một ông hòang đế, đó là các vua nhà Hạ, nhà Thương Ân, nhà Châu và chính các ông vua này tự xưng là Thiên tử, con trời! Hoa tộc vốn là dân du mục đi theo đàn súc vật kiếm sống, nay vào chiếm được phần đất Trung nguyên, đất đai tốt tươi mầu mỡ, thì mạnh ai nấy chiếm để vừa canh tác vừa nuôi súc vật. Họ trở thành những lãnh chúa phong kiến. Các lãnh chúa này có tham vọng đất đai quyền hành thường xung đột lẫn nhau để chiếm đất, bắt địch thủ phải triều cống, phục tùng. Vì thế từ hàng vạn nước, dần dà nuốt lẫn nhau xuống còn vài nghìn, vài trăm. Tới thời Đông Châu mạt vận thì chỉ còn 7 nước, đó là các nước Tần, Triệu , Tề, Sở, Yên, Ngụy, Hàn. Rồi chúa nước Tần là Tần Vương Chính “gồm thâu lục quốc”, nuốt chửng 6 nước kia, lên ngôi Hòang Đế lấy hiệu là Tần Thủy Hòang, thống nhất các nước Hoa tộc (221 TCN).

    Sau trận đụng độ lớn lao giữa Hiên Viên và Xuy Vưu, sau khi đã nuốt chửng Cửu Lê và Bách Bộc, sau khi đã dồn dân Đông Di (Bách Bộc) lên cao nguyên Sơn Đông và bao vây họ ở đó thì không còn trận đụng độ nào lớn lao giữa Hoa tộc và Việt tộc. Phải mất gần ba ngàn năm (3000 ) sau mới làm cho con hổ đói Hoa tộc chồm xuống nuốt trọn miền Hoa Nam của dân Bách Việt. ( trừ trường hợp vua Cao Tông nhà Ân “phạt Quỷ Phương tam niên” tức xâm lăng nước Xích Quỷ hay Văn Lang đời Hùng Vương thứ 6 trong 3 năm và bị đức Phù Đổng Thiên Vương đánh bại, từ đó không còn dám xâm phạm đất Văn Lang lần nào nữa.)

     Trong lúc Hoa tộc lo củng cố, phát triển phần đất chiếm được thì không phải là họ chịu để yên cho dân Việt được sinh sống giữ gìn đất đai của mình mà họ âm thầm áp dụng một phương thức xâm thực ôn hòa, bền bỉ mà vô cùng nguy hiểm, thâm độc, cho đến lúc người dân Việt bị Hoa hóa hồi nào không hay và phần đất Việt đó trở thành đất của Hoa tộc!

    Nước Sở là trường hợp điển hình cuộc Hoa hóa đó.

    Mấy ông vua Tàu tuy chức tước lớn lao tự xưng là Thiên tử, Con Trời, là Hòang Đế, các chư hầu phải phục tùng triều cống, nhưng thật ra đất đai chẳng có bao nhiêu, binh lính cũng chẳng nhiều nên khi có anh chư hầu nào ngang bướng không thèm nghe lời thiên tử, tự xưng chức bá chức vương thì ông Hòang đế phải cầu cứu (triệu tập) các nước chư hầu để dẹp loạn. Nếu các chư hầu không đồng thuận hay sợ cái anh ngang bướng đó, vì anh ta dữ quá thì ông Hòang đế cũng đành vuốt giận làm ngơ!

     Các ông vua đó cũng thường hay phong chức (Phong) và cắt đất (Kiến) cho mấy công thần để đền ơn, để làm vây cánh, lấy chỗ này một ít ban cho ông này, lấy chỗ kia một ít kiến cho ông khác và như thế chế độ phong kiến mỗi ngày mỗi củng cố. Trong trường hợp đó, vua nhà Châu đã phong chức cho Hùng Dịch và chỉ đại một miếng đất của người Việt ban cho ông này với mục đích đẩy ông này đi tiên phong trong việc chiếm đất Việt tộc.

    Châu Thành Vương (1285 TCN) phong cho Hùng Dịch tước Tử và “ban” cho đất Kinh Cức là đất Việt làm lãnh thổ. Đây không phải lần duy nhất mà ông vua Tàu lấy đất Việt phong cho công thần. Sử Tàu chép : “Năm Quý Mão (2083 TCN) vua Thiếu Khang nhà Hạ phong cho con thứ là Vô Dư ở đất Việt.” Rồi không thấy sử nói gì nữa. Không biết đất Việt đó ở đâu, cái ông Vô Dư được phong đó (hay bị đày) có đến đất Việt hay không và có làm được gì không, hay đã bị dân Việt nuốt chửng mất! Từ khi Vô Dư được phong ở đất Việt cho đến Hùng Dịch phải mất gần 800 năm lại mới có cuộc chiếm đất phong bừa như thế. Đây là hai trường hợp mà sử sách có nói đến, có lẽ còn nhiều trường hợp lấy đất Việt phong bừa cho các người khác, nhưng sử sách không nói đến vì những người này không có tiếng tăm, hoặc họ bị dân Việt giết hay bị đồng hóa với dân Việt cả rồi.

    Hùng Dịch được phong vì giòng họ có công nhiều kể từ đời Xuyên Húc. Trong giòng họ có một người tên Lục Chung. Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương, có thai mười một (11) tháng rồi giở nách bên tả sinh 3 người con, giở nách bên phải sinh 3 người con! Người thứ 6 tên là Quý Liên họ Mỵ (Mễ). Quý Liên có một người con tên Dục Hùng. Dục Hùng lấy tên làm họ. Từ đó con cháu đều lấy tên Hùng làm họ. Hùng Dịch là cháu.

    Truyện Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương làm ta chú ý. Nước Quỷ Phương này được nhắc đến khi Ân Cao Tông “phạt Quỷ Phương tam niên”. Nước Quỷ Phương mà sử Tàu nói đến nó trùng hợp với nước Xích Quỷ trong truyền thuyết của ta. Xích Quỷ là tên nước ta thời Kinh Dương Vương. Truyền thuyết của ta có nói đến vua nhà Ân là Cao Tông kéo quân xâm lăng nước Quỷ Phương 3 năm mà sử Tàu gọi là “phạt Quỷ Phương tam niên” nhưng “bị Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) đánh phải chôn xác lại trên đất Việt, có nói trong Kinh Thư, mà các sử gia Tàu có ý dập bớt đi” (Kim Định, Hưng Việt)

      Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói về nước Xích Quỷ. Xích Quỷ là tên nước của Kinh Dương Vương. Tên Xích Quỷ này gây nhiều tranh luận. Có người cho là truyện bịa đặt, đâu có ai lại di đặt tên  nước xấu như vậy! Ông Nhượng Tống bàn như sau: “Người Tàu cho mình là văn minh và người khác là dã man, là quỷ. Cho mãi đến gần đây họ còn gọi người da trắng là Dương quỷ, Bạch quỷ. Như thế có lẽ ngày xưa họ gọi mình là Xích quỷ vì ta ở phương Nam và theo thuyết năm hành của họ thì xích (đỏ) là màu của phương nam. Nhưng có lẽ nào vua nước ta lại tự đặt lấy cái tên xấu xí như thế ?”

       Triết gia Kim Định cho rằng cái tên Xích Quỷ là có thật : “…Đây là giai đọan thờ mặt trời mà ấn tích còn sót lại là tên Xích Quỷ, hiểu quỷ là làm chủ, còn xích là tinh hoa của cái gì, đây là tinh hoa của thời thờ mặt trời.”

      Ông Bình Nguyên Lộc viết: “Truyền thuyết ta cho rằng nước ta tên là Xích Quỷ, Ngô Sĩ Liên chép lại, bị Nhượng Tống cứ cho rằng lẽ nào ta lại đặt tên nước xấu đến thế. Nhưng chúng tôi sẽ trình diện một thứ người cổ Mã Lai tự xưng là Lạc, nói tiếng Việt cổ và mang màu da thổ chu….Truyền thuyết của ta không ngốc đâu. Xích Quỷ có thể là danh xưng mà Tàu gọi ta vào cổ thời ta không hiểu, nhưng cứ nhận y hệt như nước Xiêm.”

     Ông Bình Nguyên Lộc trình diện người Việt cổ có màu da thổ chu là người Khả Lá Vàng, sống ở vùng Trường Sơn giữa Việt Nam và Lào : “Những người này cao lớn, nước da thổ chu, xâm trán (Điêu đề) nói tiếng cổ Việt Nam, ăn canh cua đồng. Màu da thổ chu của Khả Lá Vàng cắt nghĩa được tại sao ta là Xích Quỷ mà Nhượng Tống phủ nhận cho rằng không lẽ nào ta lại lấy tên nước xấu như vậy. Tóm lại Khả Lá Vàng theo tài liệu ở đây là tộc “Xích Quỷ”, xâm trán (điêu đề), tự gọi là Lạc (Alak), nói tiếng Việt cổ, ăn canh cua đồng và đàn bà đẻ nằm bếp”. (BNL, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN)

     Ông Nguyễn Xuân Quang viết : “Tên nước Xích Quỷ rất giản dị. Xích là đỏ. Quỷ phiên âm từ chữ Kẻ là người. Xích Quỷ là Người Đỏ, là Kẻ Đỏ. Kẻ Mặt Trời. Người Mặt Trời. Việt Mặt Trời. Nước Xích Quỷ là nước Người Mặt Trời rực lửa.

     Và ông “khám phá” ra một nước Xích Quỷ ở Hoa Kỳ. “Đó là tiểu bang Oklahoma, với Okla là ochre : hoàng thổ, đất đỏ. Homa là Người. Oklahoma là người “Thổ Chu”, người “Da Đỏ chính là Xích Quỷ.”(NXQ, Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt)

     Ông Lê văn Ẩn giải nghĩa Xích Quỷ : “Xích có nghĩa đường Xích đạo. Quỷ ở dây là sao Quỷ, tượng trưng cho Phương Nam. Khi vua Vũ Định nhà Ân (Ân Cao Tông) đóng quân tại Kinh, tức vùng Kinh thuộc Châu Kinh. Thời điểm đó thì sao Quỷ nằm tại vùng Châu Kinh, mà Châu Kinh là của Việt nên người Việt ta mới có truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương chống giặc Ân. Chống giặc Ân tức là chống quân của Ân Cao Tông từ phía Bắc kéo xuống”.  (LVA, Việt tự và khảo cổ, Giai phẩm Xuân Giáp Thân 2004, Thời Báo)

    Truyện ông Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương chứng tỏ con cháu Lục chung có lai giòng máu Việt. Hùng Dịch là thứ con lai đó. Có lẽ vì thế mà vua Châu Thành Vương mới đẩy xuống đất Kinh Việt làm lãnh chúa, đi tiên phong mở mang bờ cõi, nếu thành công thì là đầu cầu cho Hoa tộc tràn xuống đất Việt, còn nếu có bị dân Việt phản ứng giết đi thì ráng chịu!

    Đất Kinh Cức Hùng Dịch được phong nằm ở thượng nguồn phía tây sông Hán. Ở đó có núi Kinh và thứ cỏ gai mọc tràn lan tên là Cức. Nó là đất của dân Việt nên cũng gọi là Kinh Việt hay Kinh Man. Ngày nay nó thuộc về tỉnh Hồ Bắc.

     Hùng Dịch vì có máu lai nên đi xuống vùng Kinh Cức cũng như người về quê mẹ. Dần dà quy tụ được một số người dưới trướng, rồi bành trướng mãi ra, bắt các đầu mục các trưởng lão quy thuận. Thế là Hùng Dịch có được một địa vị, trở thành chúa một nước, nước Sở. Hùng Dịch lại được một số người Hoa tới bổ xung, lấn dần đất, cho người Hoa lai với dân Việt, bắt dân Việt ăn mặc, sống theo nếp người Hoa, dần dà người Viêt bị Hoa hóa. Hùng Dịch rồi con cháu cứ lấn dần đất Việt từ Hồ Bắc xuống Hồ Nam nơi có Hồ Động Đình. Hồ Động Đình đối với dân Việt như vùng Thánh Địa vì ở đó là nơi bà Long Nữ, con gái Động Đình Quân lấy Kinh Dương Vương. Nơi đó Lạc Long Quân lấy mẹ Âu Cơ đẻ bọc trứng nở ra 100 con, thủy tổ của dòng Bách Việt. Từ nay vùng Thánh Địa của dân Việt lọt vào tay Hoa tộc.

       Dân Việt lại phải một lần nữa lui xuống phía nam Ngũ Lĩnh hay chạy qua phía đông sông Hán để nương nhờ các nước Việt còn đứng vững nơi đó.

      Cuộc chiếm đất một cách âm thầm như tằm ăn dâu của Hoa tộc đã kéo dài từ Hoa Bắc xuống tới sông Trường Giang và Hồ Động Đình.

      Đó là lần thứ hai Hoa tộc bành trướng lãnh thổ, xâm chiếm đất Việt.

 

 

CUỘC XÂM LĂNG LẦN THỨ BA :

NƯỚC SỞ NUỐT TRỌN CÁC NƯỚC VIỆT MIỀN HÁN ĐÔNG.

 
       Trong khi Hùng Dịch và con cháu thành lập nước Sở ở miền Hán Tây (phía tây sông Hán) thì tại miền Hán Đông (phía đông sông Hán) dân Việt thành lập nhiều nước trong đó có các nước như : nước Ba, nước Ưu, nước Đặng, nước Giao, nước La, nước Viên, nước Nhị, nước Chẩn, nước Thân, nước Giang, nước Tùy, nước Huỳnh (Hòang), nước Dung, nước Bộc. Chắc còn nhiều nước nữa nhưng không được nhắc đến vì chỉ có các nước kể trên mới thành lập liên minh chống Sở.

        Nước Sở đã chiếm trọn miền Hán Tây xuống đến Hồ Động Đình, đã khuất phục được dân Việt ở đó thì quay ra dòm ngó các nước Việt ở Hán Đông. Nước Sở cho quân sang quấy nhiễu bắt các  nước này phải phục tùng, phải triều cống khiến các nước này phải liên kết lại thành liên minh chống nước Sở. Dưới con mắt các nước Việt thì Sở là dân mất gốc dưới quyền cai trị của tầng lớp thống trị Hoa tộc. Đến thời Sở Trang Vương thì dân Việt đất Sở đã bị đồng hóa với Hoa tộc cả rồi. (611 TCN)     

       Vì cứ bị nước Sở lấn đất, cướp của bắt người nên các nước Việt vùng Hán Đông nhất quyết liên minh đánh Sở. Các nước Việt liên minh dưới quyền lãnh đạo của nước Bộc. Nước Bộc Việt này là dòng dõi của dân Bách Bộc trên sông Hòang Hà bị Hoa tộc xâm chiếm thời Hiên Viên, chạy xuống phía Hán Đông, thành lập nước Bộc Việt.

     Chúa nước Sở là  Sở Trang Vương thấy quân các nước Việt đông quá, hỏang sợ định chạy trốn qua phía tây. Các tướng nước Sở trấn an Sở Trang Vương và liều chết xông vào đánh liên quân Việt, chiếm được nước Đặng rồi sáp nhập nước này vào nước Sở luôn. Liên quân Việt thấy quân Sở mạnh quá đánh không lại nên phải lui quân. Các nước Việt này rồi bị Sở chiếm lần lần, một số khác bị nước Ngô nuốt.

    Các nước Việt nho nhỏ ở Hán Đông tan rã, nhưng lại nổi lên hai nước cùng dòng tộc Việt khác rất nổi tiếng thời Đông Châu cũng gọi là thời Xuân Thu hay Chiến Quốc, đó là nước Ngô và nước Việt.

    Nước Ngô ở vào tỉnh Giang Tô ngày nay. Vua nước Ngô lúc đó là Thọ Mông. Một phản tướng của nước Sở là Khuất Vu chạy trốn qua nước Tấn nên tộc đảng bị vua Sở đem chém hết. Khuất Vu tức giận, đổi tên là Vu Thần, bày mưu cho vua nước Tấn là Tấn Cảnh Công sang giao hiếu với nước Ngô, dạy cho nước Ngô về binh pháp, chế tạo vũ khí để mượn tay nước Ngô đánh phá nước Sở. Vu Thần lại cho con là Hồ Dung sang làm quan ở nước Ngô. Từ đó nước Ngô hùng mạnh lên, chiếm các nước Việt Hán Đông của nước Sở.

    Nước Ngô nổi tiếng về tài đúc kiếm. Thanh kiếm Can Tương và Mạc Gia rất nổi tiếng được sử Tàu nói đến nhiều. Vì có tài luyện kim, đúc kiếm, chế tạo vũ khí nên kho vũ khí rất dồi dào. Nước Ngô lại được phản tướng nước Sở là Ngũ Viên tự là Ngũ Tử Tư sang đầu, rèn luyện quân binh rất hùng mạnh. Nước Ngô lại được thêm Tôn Vũ là người Việt nước Ngô. Tôn Vũ là một chiến lược gia, viết bộ Binh Thư, thường được biết dưới tên “Tôn Ngô Binh Pháp” nổi tiếng cho đến ngày nay các nhà quân sự vẫn còn áp dụng. Có thể nói nước Ngô là nước mạnh nhất thời đó. Ngũ Tử Tư vì muốn báo thù vua Sở nên xúi vua Ngô đánh nước Sở. Vua Ngô là Hạp Lư đem quân đánh Sở, vào chiếm kinh đô nước Sở là Dĩnh Đô, vua Sở phải bỏ chạy. Vua Ngô Hạp Lư lập con vua Sở là công tử Thắng làm vua rồi rút quân về. Con Hạp Lư là Phù Sai nối ngôi làm vua nước Ngô, thế lực bao trùm cả các nước chư hầu nhà Châu. Ngô Phù Sai triệu tập các nước chư hầu nhà Châu để xưng Bá thay cho nước Tấn. Đây là lần đầu tiên một nước Việt tộc đã làm bá chủ các nước Hoa tộc và sau đó một nước Việt tộc khác là U Việt của Câu Tiển lên làm bá chủ thay Phù Sai.

    Phía dưới nước Ngô, có nước Việt tức U Việt, nay là tỉnh Chiết Giang. Vua nước Việt là Dõan Thường chăm lo sửa sang triều chính, dùng người hiền lương, thương mến dân nên nước mỗi ngày mỗi cường thịnh. Vua nước Ngô là Dư Sái thấy thế đâm lo lắng sai tướng sang đánh nước Việt, bắt được tướng Việt là Tôn Nhân đem về chặt chân sai giữ thuyền vua. Một hôm Dư Sái ngự chơi thuyền, uống rượu say rồi ngủ quên. Tôn Nhân cởi thanh gươm của Dư Sái, đâm Dư Sái chết. Bọn nội thị xúm lại giết Tôn Nhân. Từ đó giữa nước Ngô và nước Việt có mối thù khiến hai nước cùng chung dòng giống Việt này gây chiến muốn tiêu diệt lẫn nhau.

     Nước Việt  cũng rất giỏi nghề luyện kim đúc kiếm, đúc đồng pha. Tương truyền vua nước Việt có 5 thanh kiếm quý do kiếm sư Âu Gia Tử luyện ra. Vua Ngô là Thọ Mông nghe tiếng muốn lấy nên vua Việt phải dâng 3 thanh kiếm, đó là các thanh Ngư Trường, Ban Dĩnh và Trạm Lư.

     Vua Ngô là Dư Sái bị tướng Việt Tôn Nhân giết, vua kế vị là Hạp Lư hận lắm, điều đông binh thuyền để trả thù. Hạp Lư mới thắng nước Sở thanh thế rất lớn. Vua nước Việt là Câu Tiễn cho lũ tù nhân cầm gương kề cổ, kéo tới dinh quân Ngô la lớn rồi đâm gươm vào cổ tự tử chết (thuật tự đâm mình chết này được các di dân Việt đem theo qua Nhật Bản trở thành Harakiri). Quân Ngô thấy việc lạ chạy ra xem, ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, quên cả phòng bị. Lúc đó quân Việt từ tả hữu kéo đến xông vào dinh quân Ngô làm quân Ngô rối loạn. Vua Hạp Lư bỏ chạy bị tướng Việt chém đứt ngón chân cái, rớt mất giày. Hạp Lư đã già, đau quá chịu không nổi nên chết.

     Con Hạp Lư là Phù Sai lên kế ngôi. Phù Sai nhớ hận vua cha bị quân Việt giết nên đem quân qua Thái Hồ đánh Việt Câu Tiễn, thế quân Ngô rất mạnh, quân Việt chống không lại phải xin giảng hòa. Phù Sai bắt Câu Tiễn qua Ngô làm tù binh. Câu Tiễn bị giam ở nhà đá, nuôi ngựa, Phù Sai đi đâu, Câu Tiễn phải giắt ngựa. Có lần Phù Sai bị bệnh, Phạm Lãi coi số biết vua Ngô sắp hết bệnh bảo Câu Tiễn nếm phân Phù Sai mà chúc mừng rằng vua Ngô sắp hết bệnh. Vì khổ nhục kế như vậy nên Phù Sai cảm động mà tha cho về.

 
    
(Tương truyền vì Câu Tiễn nếm phân Phù Sai nên sinh chúng hôi miệng,  mấy ông lang (băm) mới bày cho Câu Tiễn ăn rau dấp cá để báng mùi hôi, thế rồi các ông quan cũng đua nhau ăn dấp cá để tỏ lòng thông cảm với nỗi cay đắng vua phải chịu. Sau đó, tòan dân nước Việt cũng bắt chước ăn. Tục ăn rau dấp cá truyền sang nước ta là do đám người lưu vong chạy qua khi nước Sở diệt nước Việt. Ngày nay thói ăn rau dấp cá rất phổ biến ở nước ta. Thời gian Ngô Việt tranh hùng này còn truyền tụng nhiều giai thọai và ca dao tục ngữ :

     “Nằm gai nếm mật” nghĩa là nằm ngủ trên đống chà, mỗi ngày phải le lưỡi nếm mật heo cho đắng miệng nhắc nhở  đừng quên mối thù, đó là cách thức vua Việt Câu Tiễn sau 10 năm bị Ngô Phù Sai cầm tù được tha về vẫn thực hiện mà nhớ mãi nỗi cay đắng khi bị cầm tù, để nhớ phải báo thù.

     Người dân nước U Việt bị nước Ngô đày đọa khổ sở nên tỏ lòng căm phẫn: “Gánh vàng đi đổ sông Ngô” có ý nói dân Việt phải triều cống phục dịch Ngô như gánh vàng đi đổ xuống  sông thì biết bao giờ mới lấp đầy lòng tham của vua Ngô. Hai nước đánh nhau không thôi còn tìm cách trấn áp trù ếm nhau như trong câu : “Đánh trống qua cửa nhà Sấm”, vua Ngô muốn trấn áp vua Việt khi xây thành cho làm một cái cửa xây về hướng nước Việt và đặt tên là cửa Sấm có ý chỉ nước Ngô như sấm xét đánh tan nước Việt. Vua Việt cho thợ đúc nhiều trống đồng đem ra đánh để làm bạt sấm xét đi!

     Thói tục ghét nước Ngô truyền vào nước ta (Văn Lang, Việt Nam) theo bước chân di cư của dân U Việt, cứ hễ thấy người Tàu phương bắc, bất luận là sắc dân nào cũng đều cho là người Ngô, và chỉ trích chế nhạo. Người Việt có tục nhuộm răng đen và cho như thế là đẹp, người Tàu thì để răng trắng, bởi thế mới có câu : “Răng trắng ởn như răng thằng Ngô”. Lại lấy cả truyện gia đình so sánh với giặc Ngô : “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”., hoặc “Thằng Ngô con đĩ” hoặc “Hoài con mà gả cho Ngô cho Lào” hoặc “Băm bầu băm bí, băm chị thằng Ngô, băm cô cái ả”. Có một bài hát nói hóm hỉnh mỉa mai“con đĩ” đốt vàng cho”thằng Ngô” như sau :

       Tham giàu lấy phải thằng Ngô

       Đêm nằm như thể cành khô chọc vào

       Kể từ ngày tôi lấy anh

       Anh bảo tôi rằng chả biết tiếng gì

      Tôi chỉ biết một tiếng phán xì là củ khoai lang.

                            *

     Ba mươi tết, tết lại ba mươi,

     Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách

     Một tay em cầm cái dù rách

    Một tay em xách cái chăn bông

    Em ra đứng bờ sông

    Em trông sang nước người :

   Ới chú chiệc ơi là chú chiệc ơi!

                            *

     Một tay  em cầm quan tiền

     Một tay em cầm thằng bù nhìn

    Em ném xuống sông

    Quan tiền nặng thì quan tiền chìm

    Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi

   Ới ai ơi của nặng hơn người!

                           *

    Tội gì mà ở chính chuyên

    Một đêm là xám côn sìn ai cho!  

       Có người nói rằng dân ta  ghét nhà Ngô đời Tam Quốc vì lúc đó Sĩ Nhiếp chết mà Ngô Tôn Quyền không cho con là Sĩ Huy lên nối ngôi cha lại cho người khác sang làm thái thú. Sĩ Huy đem quân chống giữ bị giết, người nhà bi bắt đem về Tàu trị tội, dân ta vỉ thế mà ghét nhà Ngô. Nếu chỉ có thế thì không ông thái thú này cai trị ông thái thú khác cai trị cũng vậy thôi chứ có gì mà phải hận thằng Ngô đến thế. Đời nhà Hán cai trị còn tàn bạo biết mấy khiến Hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị phải nổi lên đuổi Tô Định đi sao dân ta không hận thằng Hán ? Đời nhà Tùy nhà Đường nhà Minh tàn bạo biết mấy sao dân ta không hận thằng Đường thằng Minh? Chỉ có thể cắt nghĩa được là dân Việt Câu Tiễn đã đem mối hận Ngô Phù Sai tới nước ta và từ đó dân Việt Văn Lang tiêm nhiễm mà cũng ghét Ngô lây, rồi đồng hoá tất cả dân Tàu đều là Ngô cả.)

     Vua Việt Câu Tiễn được tha về lo chỉnh đốn binh lính thuyền bè, tích trữ lương thực. Mặt khác dùng mỹ nhân kế tuyển nàng Tây Thi dâng cho Phù Sai khiến ông vua này mải mê sắc đẹp, xây cất Cô Tô thành, ăn chơi trác táng, trể nải việc binh bị. Vua Ngô Phù Sai ỷ sức mạnh vì đã đánh Sở, dẹp Việt, phạt Tề, bèn triệu tập các chư hầu Hoa tộc nơi đất Hòang Trì (nước Vệ)  tranh ngôi bá chủ với Tấn.

    Câu Tiễn được tin Phù Sai kéo binh đi hội chư hầu liền kéo mười vạn tinh binh sang đánh Ngô. Quân Ngô không cự lại được, tan rã hàng ngũ. Quân Việt thừa thắng kéo đến vây kinh thành nước Ngô, thủy binh đóng tại Thái Hồ, còn bộ binh đóng ở cửa Tư Môn. Bao nhiêu chiến thuyền của quân Ngô bị quân Việt cướp đọat hết. Phạm Lãi nổi lửa đốt Cô Tô đài.

    Ngô Phù Sai đang lúc vừa đoạt được ngôi bá chủ thì nghe tin quân Việt qua đánh, lật đật kéo quân về theo đường thủy, bị quân Việt chận đánh phải lui binh và cho Bá Hy qua xin Câu Tiễn tha cho nước Ngô. Câu Tiễn nhớ ơn Bá Hy đã giúp đỡ khi bị Phù Sai bắt tù nên cho nước Ngô giảng hòa.

    Ít năm sau, Câu Tiễn lại đem quân qua đánh nước Ngô. Phù Sai chống không nổi phải tự tử. Câu Tiễn họp các nước Tề, Tấn, Tống, Lỗ xưng bá chủ ở Đông Phương. Câu Tiễn làm vua được 27 năm.

    Hai nước Ngô và Việt từ cấp lãnh đạo đến dân đều là người Việt. Hai nước Ngô và Việt đã thay nhau làm bá chủ các nước Hoa tộc một thời. Có lúc nước Lỗ bị quân Tề uy hiếp, Khổng Tử đã phải cho học trò là Tử Cống sang Ngô và Việt làm thuyết khách nhờ hai nước này làm áp lực bắt Tề phải rút quân. Dân Việt đã có một nền văn minh khá cao. Họ đã biết luyện kim, đúc đồng pha. Dân Việt trồng lúa nước, phát minh ra cách dẫn thủy nhập điền.

     Sử ký Tư Mã Thiên viết về Câu Tiễn như sau : “Tổ tiên của Câu Tiễn thuộc dòng dõi người Việt (Yue) có tục vẽ mình, cắt tóc và những tập quán giống như người Việt ở phương Nam và Âu Việt.” Nước Việt này từ thế kỷ thứ 5 TCN, đã mở rộng lãnh thổ từ phía bắc lên đến tận Giang Tô và nam Sơn Đông.

 
   Hai nước Ngô Việt tranh chấp, tiêu diệt lẫn nhau để rồi bị nước Sở là nước Việt đã bị Hoa hóa nuốt. Sau khi Câu Tiễn mất (465 TCN), các người kế vị không giữ nổi bờ cõi cũ. Năm 375 TCN nước Việt  chỉ còn phần lãnh thổ ở vùng Chiết Giang và đến năm 334 TCN nước Việt hoàn toàn bị Sở diệt.

    Nước Việt sau những biến cố này bị phân tán, các phe trong hoàng tộc đánh lẫn nhau tranh quyền, mỗi người chiếm một vùng xưng vương, xưng chúa. Họ chiếm giữ miền duyên hải phía nam Chiết Giang. Các tiểu quốc người Việt thành hình được gọi là Bách Việt. Trong các tiểu quốc Bách Việt này sử sách còn viết đến các nước chính như Đông Âu (Ôn Châu, Chiết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Nam Việt (Quảng Đông), Tây Âu (Quảng Tây), Dạ Lang (Quý Châu) Văn Lang (Bắc Việt). Trong khi dân Việt ở lại lập nên các nước Bách Việt thì cũng có một số lớn chạy đi các nơi như Nhật Bản đem theo phương thức đúc kiếm và thuật harakiri, mổ bụng, một số khác xuống nước Văn Lang đem theo thuật đúc đồng pha…

    Năm 317 TCN, một phản tướng nước Ngụy là Ngô Khởi xuống đầu nước Sở thực hiện dòm ngó Bách Việt với việc ký kết hiệp ước thân hữu với các nước Việt phía nam Cối Kê. Cối Kê là kinh đô của nước Việt Câu Tiễn, dưới Cối Kê là các nước Bách Việt từ Phúc Kiến xuống vùng Ngũ Lĩnh.. Nước Sở, đứa con lai của Hoa tốc, đã nuốt xong các nước Việt ở vùng Trường Giang nay lại lăm le nhìn xuống phía dưới Ngũ Lĩnh tức Vùng Lĩnh Nam. Việc Ngô Khởi dòm ngó các nước Bách Việt đã gợi ý cho Tần Thủy Hòang đánh xuống vùng Lĩnh Nam sau này.

 
    Thế là Việt tộc bị Hoa tộc xâm chiếm lần thứ ba. Biên cương Việt tộc nay co rút lại chỉ còn vùng Lĩnh Nam và duyên hải Phúc Kiến.

 

 
BA THỤC BỊ TẦN XÂM CHIẾM.

      Nước Ba và nước Thục, một lòng chảo phì nhiêu ở thượng nguồn sông Trường Giang, nay là tỉnh Tứ Xuyên thuộc dòng Âu Việt tức người Thái sinh sống tại đó, nổi tiếng với thổ sản đậu nành, họ chế biến thành nước tương, đậu hủ. Nước Thục nổi danh về nghề sơn mài. Nước Ba và nước Thục được bao phủ xung quanh những núi non hiểm trở khó có thể ở ngòai xâm nhập vào được, phía bắc có dãy Tần Lĩnh hiểm trở, muốn qua phải làm sạn đạo, phía đông có Tam Hiệp là 3 quả núi ở giáp bên sông Trường Giang đó là các núi : Cổ Đường Giáp, Vu Giáp và Tây Lăng Giáp, ghềnh thác cheo leo tàu bè không qua được. (ở chỗ này ngày nay xây một con đập rất lớn gọi là đập Tam Hiệp).

     Nước Tần ở vùng Thiểm Tây đất đai khô cằn thấy Ba Thục phì nhiêu thì sinh lòng tham muốn chiếm đọat. Chúa nước Tần cho tướng Tư Mã Thác vượt ải làm sạn đạo đem quân vào chiếm Ba Thục (316 TCN).

      (Họ Tư Mã này hình như là khắc tinh của nước Thục. Mấy trăm năm sau, một ông Tư Mã khác sẽ lại đánh Thục, đó là Tư Mã Ý. Về đời Hán mạt, xẩy ra giặc Hoàng Cân (Đông Di) nhân đó một số người nhảy ra xưng hùng xưng bá, rồi đi dến việc chia ba nước Tàu, đó là thời Tam Quốc. Phía bắc, vùng đất thời Chiến Quốc thuộc về Tào Tháo, gọi là nước Ngụy. Phía nam, vùng đất nước Sở và Lĩnh Nam thuộc về Tôn Quyền, gọi là nước Ngô. Phía tây, vùng đất Ba Thục, Lưu Bị được Khổng Minh Gia Cát Lượng phò vào chiếm gọi là nước Thục. Từ vùng đất Thục, Khổng Minh đem quân cố vượt các cửa ải ra chiếm Quan Trung nhưng đều bị tướng nhà Ngụy là Tư Mã Ý chặn. Đến khi Khổng Minh chết, Tư Mã Ý vào chiếm Thục, rồi đánh chiếm luôn Ngô, lại thống nhất nước Tàu, lập ra nhà Tấn.)

     Vua Thục và hoàng gia bị giết. Một số người hoàng tộc, dân chúng và binh sĩ chạy thóat được xuống vùng Lĩnh Nam (Quảng Tây, Quảng Đông). Họ trở thành Khách Gia, tức Hẹ, tức Hakka. Dân Thục lưu vong này rồi sẽ có liên hệ nhiều đến nước Văn Lang. Tương truyền vua Thục là Đỗ Quyên bị tử trận hóa thành con quốc, ra rả kêu quốc quốc trông ngày phục quốc (người ta gọi chim quốc là chim đỗ quyên). Hiện nay còn một số người Hẹ thờ chim quốc như là vật Tổ.

    Đây là cuộc xâm lăng của nhà Tần vào đất dân Thái tức Âu Việt để sau đó ít lâu Tần Thủy Hòang đánh chiếm các nước Hoa tộc rồi tràn xuống phía nam xâm lăng các nước Việt tộc còn lại. Ta sẽ còn thấy nhóm lưu vong nước Thục đụng độ với quân nhà Tần ở Lĩnh Nam.

 
NƯỚC SỞ.

     Từ khi Hùng Dịch đến khai thác vùng Kinh Cức thì đất Hồ Quảng, tên của hai tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam,  trở thành trung tâm văn hóa và kinh tế của Trung Hoa. Nước Sở bị Tần diệt. Thật ra nước Sở chỉ bị diệt có cấp lãnh đạo nhưng dân chúng vẫn còn đó, mà đa số dân chúng là dân Việt có lai ít nhiều với Hoa tộc. Tần Thủy Hòang chiếm nước Sở chỉ vỏn vẹn có 21 năm thì Hạng Võ, một tướng của nước Sở và một công dân Sở khác là Lưu Bang cùng nổi lên đánh Tần rồi đánh lẫn nhau, sau cùng Lưu Bang thắng lập ra nhà Hán. Dưới đời nhà Hán, nước Tàu rộng lớn từ Đông Hải tới Tây Vực, Từ Mạc Bắc xuống tới Lĩnh Nam, nền văn minh, kinh tế phồn thịnh chưa từng có.

    Nước Sở đã nuốt chửng nước Xích Quỷ, nước Sở đã chiếm Động Đình Hồ, nơi phát tích, nơi chôn nhau cắt rốn của Việt tộc. Động Đình Hồ có chu vi 450 cây số, có nơi bề rộng tới 350 cây số. Vì hồ quá rộng, lớn bằng 3,4 tỉnh của ta gộp lại nên nó mang nhiều tên như : Động Đình Hồ, Cửu Giang Hồ, Ngũ Hồ, Tràng Hồ. (Có truyền thuyết nói Phạm Lãi đốt Cô Tô đài rồi đem Tây Thi trốn Câu Tiễn tới Ngũ Hồ, tức Động Đình Hồ). Động Đình Hồ có núi Cửu Nghi cũng gọi là núi Hành Sơn cao lớn vào bậc nhất nước Tàu, có những thác cao và đẹp. Núi Hành Sơn là một trong Ngũ Nhạc tức 5 ngọn núi cao nhất nước Tàu. ( Ngũ nhạc : bắc có Hằng Sơn, tây có Hoa Sơn, đông có Thái Sơn, nam có Hành Sơn, trung ương có Tung Sơn).

    Nước Sở tức các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam cũng gọi là Hồ Quảng được tưới mát bằng 4 con sông lớn là Hòang Hà, Dương Tử Giang, sông Hán, sông Hoài và vô số phụ lưu vì vậy mà có nhiều hồ, đầm lầy, kinh rạch, ruộng vườn phì nhiêu, có thể nuôi cả tỷ người.

     Người Hoa tuy có thiết lập nền văn minh của họ ở Hoa Bắc nhưng đó là thời kỳ khởi lập chú trọng nhiều về mặt quân sự, cướp phá hơn là về văn học. Phải đến khi nước Sở được thành lập ở vùng Kinh Cức tức vùng Kinh Man, tức Kinh Việt, có sự đóng góp của dân Việt thì nền văn minh mới thật nở rộ. Điệu hát Hồ Quảng rất được người Việt ưa thích (cải lương Hồ Quảng).

    Hồ Quảng là đất của Việt tộc. Nền văn minh đó chủng Việt đã có phần đóng góp xây dựng. Những truyện thần tiên và tinh thần lãng mạn của người Tàu phát tích tại Động Đình Hồ và núi  Cửu Nghi là của Việt tộc. Người Tàu Hoa Bắc tức Hoa tộc vì sống ở vùng sa mạc và băng giá nên tinh thần của họ rất thực tế, tính tình lầm lỳ không thể chế biến nổi chuyện thần tiên hay tôn giáo.

    Thí dụ chuyện ông Bàn Cổ (Bangu). Người Hoa nhận ông Bàn Cổ là của họ. Trong thời kỳ Hỗn Mang, vũ trụ giống như cái trứng gà. Lúc đó trời đất chưa có. Từ trái trứng này đẻ ra ông Bàn Cổ, thường được vẽ bằng hình một người lùn hai tay cầm cái trứng hỗn mang Âm Dương. Phần nặng lắng xuống, phần nhẹ bay lên trời. Khi ông Bàn Cổ chết, những phần thân thể của ông trở thành những yếu tố thiên nhiên như đầu cho ra núi bốn phưong, mắt cho ra trời trăng, tóc thành cây cối, rận bọ chét trong mình ông thành lòai người v.v.. Nhưng ngày nay các nhà nghiên cứu đã tìm thấy đó là thần thoại Tạo Thiên Lập Dịa của người Mán. Ông Bàn Cổ chính thực là ông tổ của người Mán (Miêu) mà người Hoa nhận vơ là của  mình. Dân ta gọi là ông Bành Tổ.  “Tương truyền mồ mả của ông còn đâu đó trong miền rừng núi tỉnh Quảng Đông, ông mới được đưa vào Tàu đời Tam Quốc trong quyển “Tam ngũ lược kỷ” của Từ Chỉnh và đến đời Tống thì được đưa vào triết. Trong hòan vũ đông tây cổ kim không có hình ảnh nào về nhân chủ cao đẹp hơn hình ảnh Bàn Cổ.” (Kim Định, Hưng Việt)

       Và như thế thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, Kinh Dịch cần xét lại xem thật sự là của ai !

 

                                                                                    (Hết Phần II)

Nguồn: http:www.taphopdongtam.org                                                                                                                                                                                                                                               Xem Tiếp Phần ÌÌI