Việt Nam Văn Hiến

Năm Thứ 4888

www.vietnamvanhien.net



                                                     

CÂY NÊU

           Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè.

  Ngày Tết dân ta thường trồng Cây Nêu.

  “Từ lúc cây nêu được dựng lên, mọi việc phải được coi như xong xuôi, nhà nào nhà nấy sẵn sàng làm lễ tống cựu nghinh tân. Trễ lắm là buổi chiều ngày 30 Tết (âm lịch tháng thiếu thì ngày 29 kể là 30) nhà nào cũng trồng nêu.

  “Người ta đẵn một cây tre tới gốc còn đủ ngọn lá, trồng ở trước sân với một cỗ mũ nhỏ và một tảng vàng buộc ngang thân cây trên cao, có nơi treo trên ngọn mấy chiếc khánh bằng đất nung, gió đánh chạm vào nhau kêu leng keng, Trồng nêu làm dấu hiệu là đất có chủ, ma quỷ không được dòm ngó quấy nhiễu. Trong bài thơ Tết có câu :
Duyên với văn chương nên dán chữ,
Sợ gì ma quỷ phải trồng nêu.
là nói lên ý ấy. Cây nêu trồng trước sân như vậy đến ngày khai hạ là mồng 7 tháng giêng thì hạ xuống và đốt vàng mũ”. (Nhất Thanh, Đất Lề Quê Thói)

  Về nguồn gốc cây nêu có sự tích kể rằng thuở xưa vào lúc ma quỷ lộng hành phá phách, quấy nhiễu nhà cửa đất đai, hãm hại dân chúng, người dân đến xin Phật cứu giúp trừ bọn ma quỷ, Phật ra tay tế độ và bọn ma quỷ phải chịu phép. Chúng hứa sẽ không  hại dân chúng nữa nhưng xin Phật cho biết chỗ nào là đất Phật chúng sẽ tránh xa. Phật dạy dân chúng trồng cây nêu và dặn chỗ nào có cây nêu ma quỷ không được bén mảng tới. Từ đó trong sân chùa và nhà dân chúng thường trồng cây nêu xua đuổi ma quỷ.

  Theo truyền thuyết kể trên thì cây nêu do Phật dạy dân chúng dựng lên để ma quỷ biết đất đó là của Phật, ma quỷ không được xâm nhập phá phách. Cây nêu đặc biệt chỉ nước ta mới có do dân chúng dựng lên vào dịp tết. Các nước khác theo Phất giáo kể cả nước Tàu, các nước Đông Nam Á không có tục dựng cây nêu. Vậy thì dân chúng nước ta được Phật đặc biệt ưu ái hơn các dân tộc khác chăng ?

  Chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc Cây Nêu.

  CHỬ ĐỒNG TỬ, Người Phật Giáo Việt Nam Đầu Tiên ?

  Các sự tích thời Hùng Vương của nước Văn Lang, có sự tích Chử Đồng Tử rất nổi bật vì Chử ĐồngTử là một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng Lạc Việt. Sự tích tóm tắt như sau :

  Thời Hùng Vương thứ ba có con gái là Mỵ Nương Tiên Dung không chịu lấy chồng chỉ thích đi ngao du sơn thủy. Lúc bấy giờ ở làng Chử Xá có anh chàng tên Chử Đồng Tử nghèo đến nỗi cái khố cũng không có mà đeo, cả ngày cứ lội dưới sông bắt cá sinh sống. Một hôm Chử Đồng Tử thấy có thuyền to lớn lại nghe đàn sáo vi vu, Chử sợ quá vội lên bãi lấy cát vùi người để trốn. Thuyền Mỵ Nương Tiên Dung cũng ghé vào đó và Tiên Dung truyền lấy màn vây kín để tắm. Tiên Dung múc nước dội tắm thì cát chảy để lộ ra thân hình Chử Đồng Tử. Tiên Dung biết là cơ trời đã định nên lấy Chử Đồng Tử làm chồng. Vua Hùng Vương giận lắm, không coi Tiên Dung là con nữa. Tiên Dung và Chử Đồng Tử lập chợ mở tiệm buôn bán làm ăn. Chử Đồng Tử lại theo người đi buôn bán phương xa. Ra biển, đến đảo Chử Đồng Tử lên núi lấy nước ngọt. Tại đây, Chử Đồng Tử gặp một ông sư truyền đạo Phật cho. Đến lúc ra về, nhà sư lại cho một cái gậy và chiếc nón, bảo rằng : “Linh thông tại đây”. Về nhà Chử Đồng Tử truyền đạo lại cho Tiên Dung và hai người từ đấy đem nhau đi tìm thầy học đạo. Đi đến đâu, cắm gậy úp nón lên liền hiện ra thành quách nhà cửa, ngựa xe, người hầu hạ. Vua Hùng nghe nói, sơ vợ chồng Tiên Dung làm loạn, cho quân tới tiễu trừ thì thành quách nhà cửa nhất thời nhổ bay lên trời.

  Theo Lĩnh Nam Trích Quái, bản dịch của ông Lê Hữu Mục thì truyện Tiên Dung Mỵ nương lấy Chử Đồng Tử xẩy ra đời vua Hùng Vương thứ ba.

  Theo gia phả họ Hồng Bàng thì Đế Minh, cháu ba đời Thần Nông tuần du phương Nam đến Ngũ Lĩnh lấy Tiên nữ đẻ ra Lộc Tục. Đế Minh để Lôc Tục làm vua phương Nam lấy hiệu Kinh Dương Vương vào năm Nhâm Tuất (2879 tr. CN).

  Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh Lạc Long Quân.

  Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh Hùng Vương thứ nhất.

  Như thế, Hùng Vương thứ ba là cháu năm đời Kinh Dương Vương.  Từ Kinh Dương Vương dến Hùng Vương thứ ba cho là 500 năm thì niên kỷ Hùng Vương thứ ba là 2379 trước Công nguyên.(2879 – 500 = 2379).

  Truyện Chử Đồng Tử nói Chử Đồng Tử đi buôn gặp nhà sư truyền đạo Phật cho : “Đồng Tử bèn cùng đi với người nhà buôn; ngoài biển có một hòn núi  tên là Quỳnh Viên Sơn; trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đấy mà múc nước; Đồng Tử lên chơi trên am, có một tiểu tăng tên là Phật Quang truyền phép cho ĐồngTử…Nhà sư mới tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng : “Linh thông tại đó.” (Lĩnh Nam Chích Quái, Lê Hữu Muc dịch)

  Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakya-Muni) sanh năm 563 trước Công nguyên, sau Hùng Vương thứ ba có đến 2000 năm. Như thế  Chử Đồng Tử không thể học Phật với nhà sư Phật Quang được vì thời đó chưa có đạo Phật, Phật chưa giáng trần.

  Vậy thì thuyết cho Chử Đồng Tử lấy Tiên Dung và đi buôn gặp sư Phật Quang vào thời Hùng Vương thứ 3 không đúng.

  Có một bản khác nói truyện Chử Đồng Tử lấy Tiên Dung vào thời đầu đời Hùng Vương thứ 18.

  Hùng Vương thứ 18 mất ngôi vào tay An Dương Vương năm 257 tr. CN. Như thế, đầu đời Hùng Vương thứ 18 là vào khoảng năm 400 tr. CN.

  Vào thời này, ở Ấn Độ vua Ashoka Vardhana (A Dục) lên ngôi năm 273 tr.CN. Đế quốc của ông gồm toàn xứ Án Độ và các xứ A Phú Hãn, Belouchistan, chỉ trừ xứ Tamil ở miền nam Ấn Độ. Ashoka là ông vua độc ác giết hại nhiều người, nhưng rồi ông đổi tánh trở nên hiền lành tin vào đạo Phật, ăn chay. Ông xin quy y, bận áo vàng trong một thời gian, không đi săn, không ăn mặn nữa và theo con đường Bát Chánh. Ông cho khắc trên đá các sắc lệnh phải khoan dung về phương diện tôn giáo, trong sự tự do tín ngưỡng. Phải bố thí cho các tu sĩ Bà la môn cũng như các tăng đồ, không được mạt sát tín ngưỡng của người khác.

  Ông phái các cao tăng đi truyền bá đạo ở khắp Ấn Độ, Tích Lan, Trung Á, Syrie, Ai Cập tới cả Hy Lạp nữa. Sau khi ông mất thì nhiều phái đoàn khác đi truyền bá đạo Phật ở Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ…

  Theo ông Lê Mạnh Thác thì trong các nhóm đi truyền đạo, có một nhóm đi tới Đông Nam Á : “ Vào năm 247-232 tr.CN. vào thời của vua A Dục khi vua này ra lệnh cho phái đoàn tăng lữ đi khắp nơi để truyền bá đạo Phật, trong đó đặc biệt là phái đoàn của Sona đi về vùng Đất Vàng (Suvanabhumi). Vùng đất này có phải là vùng Đông Nam Á không, có phải vùng Đông Dương không ? Đây là một vấn đề còn đang tranh cải.” (Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, Lê Mạnh Thác, nxb Thuận Hóa, Huế 1999)

  Ông Lê Mạnh Thác dựa vào truyện Chử Đồng Tử đi buôn gặp nhà sư Phật Quang ở núi Quỳnh Viên và kết luận rằng Chử Đồng Tử là người Phật Tử Việt Nam đầu tiên.

  Có phải vậy không ? Hùng Vương thứ 18 mất ngôi vào tay An Dương Vương năm 257 tr.CN. Phái đoàn Sona đi truyền giáo ở vùng Đất Vàng (có phải là vùng Đông Nam Á hay Đông Dương không thì chưa chắc) vào năm 247-232, nghĩa là sau khi Hùng Vương mất ngôi từ 10 đến 25 năm. Mà nếu tính từ đầu đời Hùng Vương thứ 18 là vào khoảng năm 400 tr.CN. thì sự cách biệt là 153 năm.

  Như thế lúc Chử Đồng Tử đi buôn, đạo Phật chưa truyền bá ra ngoại quốc. Phật Thích Ca viên tịch năm 483 tr.CN. Từ khi Phật nhập niết bàn đến khi vua A Dục ngộ đạo và cho phái đoàn đi truyền đạo thì Phật giáo chỉ luẩn quẩn ở vùng sông Hằng, Ấn Độ.

  Nếu vậy thì sư Phật Quang là ai ? Núi Quỳnh Viên ở đâu ? Chử Đồng Tử học được pháp thuật gì ?

  Chử Đồng Tử Học Phép Tiên.

  Theo đó, dù ở thời nào, nếu Chử Đồng Tử sống ở đời Hùng Vương thứ 3 hay ở đầu đời Hùng Vương thứ 18 thì Chử Đồng Tử cũng chưa hề biết đạo Phật để có thể theo mà trở thành Phật tử Việt Nam đầu tiên.

  Đạo Phật truyền vào nước ta trong thời Bắc thuộc với đọan sử nói về thái thú Sĩ Nhiếp: “Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu…” Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao châu vào thời Tam Quốc (222-280), thuộc về Đông Ngô. Sĩ Nhiếp hẳn là theo đạo Phật vì có Hồ nhân đốt hương đi sát xe. Hồ nhân là các nhà sư Ấn Độ hay Trung Á (Nguyệt Thị) đến truyền đạo ở Luy Lâu, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay, nơi đặt trụ sở bộ Giao Châu thời bấy giờ. Đạo Phật theo chân các Thái thú vào nước ta vào khoảng thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 sau Công nguyên.

  Chử Đồng Tử đi buôn gặp nhà sư Phật Quang trên núi Quỳnh Viên thì nhà sư Phật Quang là ai, có phải là nhà sư tu đạo Phật không và núi Quỳnh Viên ở đâu ?

  Tiếng nhà sư không hẳn là để chỉ tu sĩ theo đạo Phật, mà tiếng nhà sư có thể chỉ là người tu hành. Trước khi đạo Phật truyền tới vùng Đông Nam Á thì đạo Bà Là Môn đã có mặt tại đây. Tiếng nhà sư ở đây có thể là tu sĩ Bà la môn, một guru, một chân sư, pháp sư, đạo sư đạo Bà la môn. Chiêm Thành ở sát nước ta, nơi các thuyền buôn Ấn Độ, Ả Rập thường ghé vào buôn bán, cho mãi đến thế kỷ thứ 8 hay thứ 9 đạo Phật mới được nói đến trước khi người Chiêm Thành rời đô về Đồ Bàn. Trên một tấm bia tại Đồng Dương vào năm 875 có ghi : “Do lòng tin vào đạo Phật, vua đã cho dựng lên một tu viện Phật giáo và đền thờ Laksmindra Lôkesvara Svabhayada”. Tuy nhiên đạo Phật không được người Chiêm Thành sung bái như đạo Bà la môn rồi đạo Hồi. Cho đến ngày nay, người Chiêm Thành 2/3 theo đạo Bà la môn, 1/3 theo đạo Hồi.

  Trái với Chiêm Thành, nước Cao Miên ngày nay là một nước theo Phật giáo, nhưng mãi đến thế kỷ thứ 8 đạo Phật chưa được truyền vào, trước đó dân chúng theo đạo Bà la môn mà các di tích Angkor nói lên sự này.  Vua Jayavarman II từ Java trở về làm vua đóng đô ở Indrapura, phía đông tỉnh Kompong Cham, nhà vua  (802) dùng một nhà bác học Bà la môn tên Civakailaya làm giáo chủ trong cung. Vị này phải theo vua trong những lúc dời đô và trở nên vị lãnh đạo thứ nhất một tôn giáo mới “sự thờ cúng Đức Phật Vua” (culte du Dieu Roi). Theo ông Coedès, trường Bác cổ Viễn Đông thì vua Jayavarman II là người xây cất đền Angkor Wath đầu tiên.

  Như thế, hai nước ở tiếp giáp với nước ta phía nam đều theo đạo Bà la môn. Chiêm Thành về sau theo thêm đạo Hồi. Cao Miên thì theo Phật giáo Nam tông nhưng ảnh hưởng Bà la môn còn rất đậm.

  Còn núi Quỳnh Viên nơi Chử Đồng Tử lên múc nước gặp nhà sư Phật Quang theo ông Lê Mạnh Thác nói “xẩy ra tại cửa biển Nam Giới hay cửa Sót” thuộc lãnh thổ Chiêm Thành lúc bấy giờ. Điều này thì không lấy gì làm bằng chứng. Có lẽ đó chỉ một địa điểm thần thoại. Tên núi Quỳnh Viên phảng phất chốn tiên cảnh, cõi thiên thai.

  Trọng tâm câu truyện Chử Đồng Tử là ở chỗ nhà sư Phật Quang cho Chử Đồng Tử cái gậy và chiếc nón với lời dặn : “Linh thông tại đây”. Đó là phép thần thông.

  Thần thông thường do các đạo sĩ tu luyện. Theo truyền thuyết, có “lục thông” :   
1. Thiên nhãn thông :mắt  nhìn thấy xa ngàn dặm, thấy trong bóng tối.
2. Thiên nhĩ thông : tai nghe ngoài ngàn dặm, hiểu tiếng muôn loài.
3. Thần túc thông : bay như chim, đi như gió.
4. Tha tâm thông : biết ý nghĩ, lòng muốn của người ta.
5. Túc mạng thông : biết quá khứ, nghiệp chướng tiền kiếp của mọi người.
6. Lậu tận thông : vượt mọi phiền não, hoàn toàn giải thoát, sống ngoài vòng sinh tử  
luân hồi, không bị nghiệp duyên trói buộc nữa.

   Đạo Phật không chủ trương tu luyện thần thông. Nếu có thì chỉ tu Lậu tận thông để dứt vòng sinh tử luân hồi.Câu truyện sau đây chứng tỏ điều đó:
Phật tổ ngày kia cùng các đệ tử đi qua một khu rừng, gặp một nhà tu phép thần thông du già (yoga).
Phật hỏi :    - Ông đã luyện được phép thần thông nào ?
Nhà tu nói : - Tôi có thể khinh thân đi trên mặt nước như đi trên bộ.
Phật hỏi :    - Ông đã khổ công tu luyện đã bao nhiêu năm ?
Nhà tu nói : - Bốn mươi năm ròng !
Phật cười bảo : - Vậy mà phải tốn đến bốn mươi năm, thật là hoang phí quá, trong khi với một quan tiền nhỏ này trao cho bác chèo đò, chúng tôi cũng qua sông một cách dễ dàng !

  Câu truyện giữa Phật tổ và nhà tu luyện yoga là để Phật khuyến cáo các đệ tử đừng bị cái tu thần thông cám dỗ.

  Như thế, Chử Đồng Tử được cây gậy và chiếc nón phép chỉ có thể do một pháp sư Bà la môn tu phép yoga truyền cho. Nhưng rất có thể là do một đạo sĩ tu Tiên truyền cho. Cây gậy là biểu tượng của thần thông. Các vị tiên ông tiên bà đều có gậy phép biến hóa. Phù Đổng Thiên Vương có gậy sắt giết giặc. Tản Viên Sơn Thần có gậy phép cứu sống rắn Tiểu Long. Chử Đồng Tử có gậy thần biến hóa đền đài thành quách. Thổ dân Úc cũng có gậy thần. Truyện kể :

  Ở vùng công viên Blue Mountain (Lam Sơn) Sydney, có 3 hòn đá trên đỉnh nom như 3 chị em. Đó là 3 cô con gái của một pháp sư. Trong vùng có con quỷ rất hung ác. Một hôm pháp sư đi vắng, con quỷ định hãm hại 3 cô gái, lúc đó pháp sư vừa về thấy vội giơ chiếc gậy thần biến 3 con gái thành 3 mỏm núi đá. Con quỷ không làm gì được bèn quay ra tấn công ông pháp sư, ông này túng quá cũng vội giơ chiếc gậy tự biến mình thành con chim (lyre bird, điểu cầm), con quỷ bỏ đi, pháp sư tìm gậy thì cây gậy thần bằng xương đã mất. Thế là cha biến thành chim đá, thỉnh thoảng vang lên tiếng kêu thảm thương giữa núi rừng lồng lộng, còn 3 cô con gái ngàn đời tuyệt vọng đứng chờ cha hóa phép trở lại thành người !

  Người dân Việt tin vào những nhân vật bất tử, họ có “Tứ Bất Tử”, các vị đều có phép “Tiên” cả. “Tứ Bất Tử” là Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Tản Viên Sơn Thần, Bà Chuá Liểu Hạnh.

  Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương, sinh ra 3 năm không nói không cười chỉ nằm ngửa, có giặc Ân tới, Ngài bỗng nói xin vua Hùng Vương đúc cho ngựa sắt gậy sắt để đánh giặc, rồi ăn bữa ăn no, vươn vai cao hơn 2 trượng nhảy lên ngựa sắt, thúc ngựa phun ra khói đánh  giặc, gậy sắt gẫy, Ngài nhổ bụi tre quật vào giặc. Giặc tan, Ngài lên núi Sóc Sơn, cởi áo bỏ đấy rồi cưỡi ngưa bay lên trời. Rõ là thần tiên giáng trần giúp vua cứu nước.

  Tản Viên Sơn Thần được tiên cho cây gậy có thể chữa bệnh. Một hôm cứu được con rắn bị trẻ đánh chết. Thần Tản Viên cầm gậy gõ vào đầu rắn, rắn sống lại bò xuống sông. Rắn đó là Tiểu Long con vua Long Vương Nam Hải. Tiểu Long mời thần Tản Viên xuống Long cung. Thần cầm sừng tê giác mà đi xuống long cung. Long Vương biếu ngài quyển sách ước, ước gì cũng được. Ngài trở thành thần thông biến hóa. Ngài thấy núi Tản Viên có ba tầng, núi xòe hình như cái tán, phong cảnh trang nhã nên biến hóa thành đường lên núi lên mãi trên ngọn đỉnh cao để ở. Từ đó Ngài hay đi du sơn du thủy, đến đâu lại hiện ra đền đài cho Ngài nghỉ ngơi. Vua Hùng Vương thứ 18 có con gái tên Mỵ Nương xinh đẹp Tản Viên Sơn Thần và Thần Thủy Tinh cùng muốn hỏi làm vợ. Vua truyền ai mang đồ sính lễ tới trước thì gả Mỵ Nương cho. Đồ sinh lễ tương truyền là “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” Sơn thần Tản Viên đem đồ sính lễ tới trước được vua gả Mỵ Nương cho. Thủy thần tức giận dâng nước lên đánh Sơn thần. Sơn thần làm núi Tản cao lên, Thủy thần không làm gì được phải rút về.

  Liễu Hạnh tiên chúa là tiên nữ Quỳnh Hoa bị họa giáng trần vào nhà Lê thái công đời vua Lê Anh Tôn (1553), đặt tên là Giáng Tiên. Lớn lên Giáng Tiên nhan sắc lạ thường, có tài văn chương, âm nhạc. Nhà kế bên có ông Trần công có người con tên Đào lang mặt mủi khôi ngô tuấn tú. Trần công đi hỏi Giáng Tiên cho Đào lang. Cưới nhau được một năm thì sinh được một con trai. Được ba năm thì Giáng Tiên không bệnh mà mất. Sau đó Giáng Tiên lúc thì hiện về thăm gia đình, lúc thì xướng họa ngâm thơ với Phùng Khắc Khoan, lúc hiển thánh ở Đèo Ngang Phố Cát.

   Vua Bảo Đại viết trong cuốn hồi ký “Con Rồng Việt Nam” về bà Liễu Hạnh như sau : “…Năm 1572, quân Mạc đem một chiến thuyền hơn sáu mươi chiếc vào đánh Thanh Hóa, ông Nguyễn Hoàng đóng quân ở ven sông cầm cự. Đến đêm nằm mơ thấy một bà tiên bảo rằng: “Phải dùng mỹ nhân kế để dụ địch đến nơi có tiếng kêu vang trao, trao, ta sẽ giúp cho”. Nguyễn Hoàng theo lời chongười con gái đẹp tên là Ngô Thị đem vàng bạc đến xin cầu hòa với tướng địch, tên này mê thích và ưng thuận. Thế là không phòng bị, nên bị đánh úp và bị giết. Xong việc, ông cho xây một ngôi đền ở nơi ấy để tạ ơn bà tiên….Một kẻ thân tín một ngày kia lại mơ thấy bà tiên đứng trên đỉnh núi gần ThanhHóa, chỉ tay xuống phía dướimà bảo rằng : “Đây là huyệt đế vương, cần phải xây một ngôi đền để yểm long mạch, thì đất sẽ phát nên đế nghiệp”. Kẻ tả hữu đem lời ấy trình với Nguyễn Hoàng, Hoàng liền tuân theo lời dạy của bà tiên, và xây ở đấy một ngôi đền, đây là đền thờ bà Chúa Liễu Hạnh, thuộc Sòng Sơn tỉnh Thanh Hóa”.

  Trong “Tứ Bất Tử” thì ba vị đã là tiên hoặc có phép tiên, vậy chẳng lẽ Chử Đồng Tử lại chẳng là tiên? Hẳn là Chử Đồng Tử cũng là một người học được phép tiên và đã thành tiên bay lên trời với thành quách do gậy và nón thần dựng nên trong một đêm.

  Ông Lê Văn Siêu viết về “Đạo Tiên” như sau : “Người Giao Chỉ tin có phúc ấm truyền từ đời ông, đời cha đến đời con cháu. Chuyện An Tiêm nói rằng những cái may của mình được gặp ở đời này đã do đời trước của mình có công tu nên gặp thêm cái phúc của cha mẹ để cho thì mới được hưởng.

  Người Giao Chỉ lại tin có sự truỵền kiếp, không phải linh hồn vĩnh viễn ở một thế bất diệt mà luôn luôn đầu thai thành kiếp khác. Chuyện vợ chồng người họ Cao và em ruột vì nghi ngờ lòng chân thành của nhau, khi chết hóa thành cục vôi, cây trầu và cây cau là một bằng chứng.

  Ngoài ra người Giao Chỉ còn tin ở những nhân vật bất tử (tứ bất tử) không phải là trường sanh giữ mãi một cốt người bất di dịch…mà luôn luôn nhập thế theo những cốt người khác để phù trì cho mình.

  Đó là những mầm mống của một đạo giáo riêng : Đạo Tiên, nó mở lối sau này cho sự dung nạp đạo Lão của Trung Hoa và đạo Phật của Ấn Độ”. (Lê Văn Siêu, Việt Nam Văn Minh Sử Cương)

  Cây Gậy, Chiếc Nón và Cây Nêu.

  “…Chử Đồng Tử và Tiên Dung, hai vợ chồng rủ nhau đi tìm thầy học đạo. Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy, úp nón lên để che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son, đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng, miếu xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ, thị vệ la liệt đầy trước mặt. Hùng Vương nghe tin tưởng là con gái mình làm loạn mới phái binh đi dẹp. Binh phái dến chỉ cách thành quách của Chử Đồng Tử Tiên Dung chỉ có một con sông. Chừng nửa đêm trời nổi cơn dông gió lớn nhỏ, thành quách của hai người bay lên trời, chỗ đất ấy sụp xuống thành cái đầm gọi là Nhất Dạ Trạch (Đầm một đêm) nay ở phủ Khoái châu tỉnh Hưng Yên. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã thành tiên”.

Chử Đồng Tử có thể là vị sáng lập ra hay là hệ thống hoá “Đạo Tiên”. Từ thời Phục Hy đã biết nhìn trời, cúi xem đất mà vạch ra quẻ Âm, quẻ Dương. Đời Hùng Vương thứ 6, Lang Liêu đã cụ thể hóa Âm Dương trong việc gói bánh chưng vuông chỉ Đất (Âm), giã bánh ầy tròn chỉ Trời (Dương). Lại gói bánh chưng với các vật liệu, thịt, đậu xanh, gạo, lá, nấu trong nước để chỉ Ngũ Hành Tương Sinh (Hỏa, Thổ, Kim, Thủy, Mộc)

  Cây gậy và chiếc nón của Chử Đồng Tử nói lên lẽ Âm Dương như Bánh Dầy Bánh Chưng. Bánh Chưng chỉ Âm, bánh Dầy chỉ Dương. Cũng thế cái Nón chỉ Âm, cái Gậy chỉ Dương. Cắm gậy úp nón lên nói lên việc Âm Dương hòa hợp. Trời đất giao nhau thì mọi việc đều tốt đẹp. Âm Dương hòa hợp thì biến hóa vô cùng, từ Không thành Có như từ bờ bụi lau lách trở thành đền đài thành quách ngọc ngà châu báu.

  Theo Dịch thì cái Nón là Âm úp trên chỉ Khôn = Địa
cái Gậy là Dương cắm dưới chỉ Càn = Thiên
Khôn trên là Âm nặng đi xuống, Càn dưới là Dương nhẹ đi lên. Khôn trên Càn dưới, đó là Quẻ Địa Thiên Thái. Thái : “Tiểu vãng đại lai. Cát hanh”, tức là thiên địa giao hòa, tốt đẹp thuận lợi. Đạo của trời đất sinh thành vạn vật, thích nghi với thế giới tự nhiên, phù hộ độ trì cho dân.

  Bởi vậy khi Chử Đồng Tử cắm gậy, úp nón thì Âm Dương giao hòa, trời đất chuyển động, thần thông biến hóa mà thành quách đền đài cung điện gia nhân được xây dựng.

  Được các vị đạo sư chỉ dạy, Chử Đồng Tử lãnh hội được nguyên lý của Thái cực, Âm Dương, Ngũ Hành cũng như Hà Đồ, Lạc Thư, Hồng Phạm Cửu Trù… Chử Đồng Tử trở thành giáo chủ “Đạo Tiên”. Cùng thời đó, thời Xuân Thu bên Tàu xuất hiện Lão Tử truyền bá “Đạo Đức Kinh”.

  Người ta ngờ rằng Lão Tử chính là Chử Đồng Tử đã vân du qua đất nhà Chu để truyền bá “Đạo Tiên” mà sách để lại là quyển Đạo Đức Kinh.

  Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử thấy đời ô troc, xã hội tranh chấp bất công, con người lầm than khổ cực, đã khuyên “Bắt dân dùng lại lối thắt nút giây thời thượng cổ”, tức là sống lại đời sống chất phác an vui thời thượng cổ. Điều này trùng hợp với đoạn sử nói về thời Hùng Vương phong tục thuần phác “chính sự dùng lối kết nút”. Các sách Tàu không thấy nói bắt dân theo  “chính sự dùng lối kết nút”. Như thế người nói ra câu “bắt dân dùng lại lối kết nút” chỉ có thể là người Lạc Việt thời Hùng Vương.

  Các bức tranh vẽ Lão Tử đều thấy Lão Tử ngồi trên lưng trâu đi vân du. Trâu là gia súc của vùng lúa nước. Lúa nước được người Bách Việt trồng cấy từ miền Đông Nam Á lên đến sông Trường Giang. Người Hoa ở vùng Hoàng Hà dùng bò hay ngựa để trồng lúa mạch hay kê. Lão Tử cỡi trâu, ý nói Lão Tử là người Bách Việt của vùng trồng lúa nước.

  Trong khi vân du hành đạo, Chử Đồng Tử và Tiên Dung hay dùng gậy cắm xuống đất rồi lấy nón úp lên để hóa phép lấy nơi trú ngụ và cứu nhân độ thế, chữa tật bệnh cho bá tánh. Khi vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung về tiên cảnh rồi, dân chúng nhớ ơn nên đã dựng nêu để tưởng nhớ.

  Có lẽ lúc đầu cây nêu chỉ là cái gậy cắm xuống đất rồi úp nón lên như Chử Đồng Tử đã làm. Nhưng rồi dần dà cây nêu được tăng độ cao như ngày nay. Người ta đẵn cây tre từ gốc  đem về trồng ở sân. Cây nêu cao hơn 10 mét, đầu còn túm lá. Gần ngọn tre buộc một cái vành tròn để treo các thứ như chuông khánh, lá cờ, giấy vàng bạc, cổ mũ. Cây tre tượng trưng cho chiếc gậy, vòng tròn tượng trưng cho cái nón. Cây nêu được dân gian trồng trong dịp Tết để nhớ vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung, cũng như bánh dầy bánh chưng để nhớ Hùng Vương, như ông Công ông Táo nhớ Âu Cơ Lạc Long Quân

  Cây nêu từ miền Bắc với cây tre có vòng tròn ở đầu ngọn tre, khi đi vào miền Trung đã thay đổi ít nhiều như lời kể của vua Bảo Đại trong cuốn Con Rồng Việt Nam : “Người ta có nhiều hình thức để chiêu tài hay chế ngự sự xui xẻo này. Đó là trồng một cây nêu bằng một cây tre dài chừng 12 mét, đã tuốt hết là, chỉ còn để một dúm ở trên ngọn, rồi chôn cây nêu ngay ở cổng ra vào, vào ngày cuối năm, có treo một cái lẫng bằng tre đan, có dán giấy hồng điều viết tám chữ nho để rước tài thần, phúc thần, hỷ thần giáng lâm và trong lẫng đựng trầu cau. Phía dưới lẫng còn treo thêm mấy chiếc khánh hay con cá bằng sành nung, để khi có gió thì va chạm vào nhau mà reo vang điệu nhạc vui tươi êm ái. Phía cuối cùng lại treo một mảnh tre đan nhình vuông để cản trở không cho ma quỷ hay tà thần được xâm nhập vào nhà. Nếu mảnh tre vuông này cản trở tà ma không cho vào, thì trầu cau ở lẫng phía trên lại là phẩm vật dâng mời các phúc thần hỷ thần tài thần để rước vào mà ban ân cho gia chủ”.

  Cây nêu mang dấu ấn Phật giáo có lẽ vào thời kỳ Tàu đô hộ. Để bảo toàn di sản văn hóa, dân ta đã phải nhờ đến sự che chở của Phật giáo. Kẻ đô hộ thì luôn luôn muốn đồng hóa dân tộc ta, muốn dân ta phải bỏ tất cả mọi phong tục tập quán, văn hóa bản địa để theo văn hóa kẻ đô hộ. Họ muốn Hoa hóa dân tộc ta. Để chống đỡ, dân ta đã phải dùng đến tín ngưỡng Phật giáo làm bình che, mà Phật giáo thì kẻ đô hộ cũng tin theo nên dễ dàng thông qua. Người ta tin rằng cây nêu mang dấu ấn Phật giáo vào thời kỳ nhà Minh đô hộ nước ta vì thời kỳ này lịch sử ghi nhận là thời kỳ đô hộ hà khắc nhất.

  Cây Nêu đã trải qua hàng ngàn năm từ thời Hùng Vương qua các thời đại cho đến ngày nay, qua sự thăng trầm của lịch sử nên đã mất đi nội dung đích thực của nó, tuy nhiên dân ta vẫn còn giữ được truyền thống để phổ biến giữ gìn như một gia sản cũng như bánh Dầy bánh Chưng, như ông Công, ông Táo trong nền tảng văn hóa dân tộc.*

  Nguồn: http://www.taphopdongtam.org

Trở Lại Trang Mặt