Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net





Trang mạng Việt Nam Văn Hiến  xin trân trọng lưu trữ và phổ biến bài: Chào Mừng Thế Kỷ 21, trong mục đích bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc và để tri ân Luật Sư Cung Đình Thanh. Ngài đã hiện hữu trong dòng sinh mệnh của Việt tộc cùng những đóng góp quý báu cho nền văn hóa văn hiến .

www.vietnamvanhien.net


Chào Mừng Thế Kỷ 21

Cung Đình Thanh

Xin giã từ thế kỷ thứ 20, thế kỷ của chiến tranh, đau thương và thù hận. Xin chào mừng thế kỷ 21, mở đầu cho thiên niên kỷ thứ ba, thiên niên kỷ của Hòa Bình, Hi Vọng và Tình Thương.

Bác Sĩ LINUS PAULING, người đoạt giải Nobel Hòa Bình, thực hữu lý khi nói : "... chúng ta như đã may mắn được sống trong một kỷ nguyên kỳ diệu, là ranh giới của hai thiên niên kỷ : thiên niên kỷ sắp qua là chinh chiến, đau thương, và thiên niên kỷ sắp tới sẽ là hòa bình, an lạc trong công lý và đạo đức". Nhưng từ hi vọng đến hiện thực, nhân loại còn cần phải có nhiều nỗ lực, mà nỗ lực đầu tiên, quan trọng nhất có lẽ phải kể đến nỗ lực của tư duy. Nhân loại Tây phương, kể từ Socrate đã manh nha lối suy nghĩ vị kỷ với câu nói nổi tiếng "connais-toi, toi mêmes " (Anh hãy biết chính mình). Kịp đến Descartes, tư tưởng này đã tiến thêm một bậc "Je pense, donc je suis " (tôi tư duy - nhấn mạnh vào cái Tôi - như vậy là tôi hiện hữu, vạch ra lối tư duy một chiều theo đường thẳng (conception linéaire) khác hẳn với tư duy chuyển hóa hai chiều thành một chu kỳ như của Ðông phương (conception cyclique).

Thế kỷ thứ 17, về tư tưởng chính trị, Hobbes rồi J. Lockes đã cảnh cáo lối tư duy một chiều này và đã đề ra con đường hai vế không khác Ðông phương là phải có cả bình đẳng lẫn tự do thì một chính quyền mới có thể đem lại an lạc và hạnh phúc cho dân mình. Các tác giả 1798 của Pháp từ Voltaire đến Montesquieu rồi J.J. Rousseau cũng cùng một lập trường tư tưởng này. Nhưng tiếc thay, nhân loại Tây phương chưa tìm ra được ra được phương thức nào để dung hòa Bình Ðẳng với Tự Do thì vì sự thôi thúc của tiến bộ, Tây phương đã chấp nhận con đường chỉ có Tự Do do Adam Smith, ông tổ của kinh tế tự do hiện đại đề ra, mà tạm bỏ đi phần bình đẳng, mặc cho xã hội tự điều chỉnh. Thuyết này quả đã đem đến sự phồn vinh đặc biệt cho thế giới Tây phương. Sự tiến bộ về kinh tế thúc đẩy sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật và ngược lại, tiến bộ kỹ thuật đưa kinh tế tiến tới với vận tốc mau hơn. Cả hai cuộc cách mạng song hành đó, kinh tế và kỹ thuật, đã làm nền cho cuộc cách mạng chính trị mà người ta gọi là Dân chủ. Hình như người ta cố ý lãng quên Dân chủ, từ khởi thủy đã bao hàm cả hai yếu tố không thể thiếu được là Bình Ðẳng và Tự Do. Do đó, Tự do, tuy có đem đến những tiến bộ vượt bực nhưng cũng đem đến quá nhiều đau khổ đầy máu và nước mắt cho nhân loại cả phương Tây (tư bản bóc lột lao động) và nhất là phương Ðông (chiến tranh thuộc địa, chiếm đất giết dân). Và rồi việc phải đến đã đến : chiến tranh thứ nhất rồi thứ hai là kết qủa tất nhiên của phát triển kỹ thuật, tự do kinh tế, giành giật thị trường.

* * * Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) rồi Thế chiến thứ hai (1939 - 1945), với những tàn phá khủng khiếp của các loại khí giới tối tân làm nhiều đô thị trở thành tro bụi và cướp đi nhiều triệu sinh linh đã gây kinh hoàng cho toàn thể nhân loại, báo nguy có thể có ngày diệt vong đã làm thức tỉnh cả những con người ác tâm nhất. Trên tro tàn đổ nát, nhân loại văn minh vội vã tìm lại với nhau những mong tìm ra phương cứu chữa.

** Năm 1948, một thỏa hiệp quốc tế rộng lớn đầu tiên được ban hành mang tên Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhằm đặt nền móng cho quyền sống con nngười.

** Chỉ một năm sau, 1949, một thỏa hiệp quốc tế quan trọng khác của các nhà tư tưởng lớn nhất trên hoàn vũ tại Hội nghị Triết học Quốc tế Honolulu nhắm mục đích tìm một tư tưởng mới hướng dẫn nhân loại được sống an bình, hạnh phúc trong một xã hội công bằng và đạo lý. Các nhà tư tưởng đã tuyên bố sự bất lực của triết học Âu Châu, và giao cho Á châu nhiêm vụ khó khăn này, đồng thời chọn Khổng Tử làm nhạc trưởng để điều khiển cái giàn đại hòa tấu tư tưởng đó. Lý do các ngài đã chọn Khổng Tử là vì nhà hiền triềt này có chân ở cả hai tàu. Sáu năm sau, tại Hội nghị Triết gia Bandoeng (1955), ý kiến kể trên lại được xác định một lần nữa một cách mạnh mẽ hơn. [ L'histoires de l 'avenir tiendra peut être la conférence Africa-Asiatique de Bandoeng de 1955 pour l 'acte de demission de la philosophie Europienne - Weber, Tableau de la philosophie contemperaine, p.20].

Nhưng có chân trong hai tàu là nghĩa thế nào ?

Ý hẳn các Ngài đã nhắc đến ý nghĩa trong sách Trung Dung (câu 30) : "Trọng Ní tổ thuật Nghiêu, Thuấn ; hiến chương văn võ ; thượng thuật thiên thì ; hạ tập thủy thổ ". ( Trọng Ni - tên của Ðức Khổng Tử - một mặt thuật lại đạo của ông tổ mình là Nghiêu,Thuấn ; mặt khác trong đời sống thực tế xiển dương đường lối của vua Văn , vua Võ ; trên đề cao đạo Trời ; dưới theo tục lệ tùy từng địa phương).

Tóm lại, hai tàu đó, nói theo ngôn từ ngày nay là, vừa nghiên cứu những biện pháp kinh tế, xã hội, chính trị, ứng xử trong đời sống thực tế ; vừa để tâm tu tập thành người toàn thiện, thành thánh nhân trong đời sống tâm linh. Nói theo dạng triết học Ðông phương, đó vừa là tàu Nội Thánh, vừa là tàu Ngoại Vương :

"Bên trong sống đời hiền thánh, trọn đạo tu tâm dưỡng tính ; bên ngoài sống đời hiền vương, trọn đạo với tha nhân và xã hội ". ( Phùng Hữu Lan, A Short history of Chinese Philosophie - p.8).

hay rõ hơn nữa :

"Ðạo Nội Thánh chủ trương lấy Thiên Ðịa vạn vật nhất thể làm tông chỉ, lấy công phu thành kỷ, thành vật làm tiêu chuẩn áp dụng. Ðạo Ngoại Vương chủ trương lấy thiên hạ vi công làm tông chỉ, lấy hoạt động của con người thực hiện kỳ công của vũ trụ làm tiêu chuẩn " ( Hùng Thậo Lực) .

Hãy nghe chính Khổng Tử nói về đạo của mình :

"Ngô đạo nhất dĩ quán chi " (Luận Ngữ, C. IV, câu 15) Ðạo của ta có thể thâu tóm bằng chữ NHẤT. Nhất đây là thuyết Thiên Ðịa vạn vật đồng nhất thể ( BS Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ - Thuyết Thiên Ðịa vạn vật đồng nhất thể - Sách chưa xuất bản). Té ra các triết gia tham dự Hội nghị Triết học Quốc tế tại Honolulu thâm thật. Không phải họ không biết Thuyết Thiên Ðịa vạn vật đồng nhất thể là cái chìa khóa có thể mở được cánh cửa nhà tù đang giam hãm tư duy nhân loại. Nhưng nhà tù này được canh giữ cẩn mật quá, họ biết sức họ vô năng nên trao lại nhiệm vụ mở cánh cửa nhà tù này lại cho Khổng Tử, cho Ðông phương.

Nhưng đã một phần hai thế kỷ trôi qua, từ ngày có hai biến cố trọng đạo đó. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền thì đã phát huy tác dụng ; nhất là từ khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, nó đã trở thành khí giới quan trọng nhất để nhân loại phá bỏ độc tài, mưu tìm tự do, bình đẳng cho nhân loại, không phân chủng tộc, màu da. Nhưng hình như nhân loại chưa đáp ứng được bao nhiêu lời kêu gọi của các triết gia từ các hội nghị Honolulu, Bandoeng.

Lý do vì đâu ?

Về mặt chủ quan, có lẽ nhân loại còn muốn nhường cho hậu duệ của nhà hiền triết họ Khổng lên tiếng trước. Nhưng chẳng may, từ năm 1921, với phong trào Ngũ Tứ (ngày 4tháng 5), Trung Hoa với cái án "Khổng Gia Diễn " đã có ý chôn chặt triết thuyết của Khổng gia rồi ! Hồ Thích, nhà tây triết đã đổ mọi tội chậm tiến của Trung Hoa lên đầu họ Khổng ? Và hô hào Tây hóa, triệt để Tây hóa. Rồi họa cộng sản ập đến ! Mao Trạch Ðông coi trí thức không bằng cục phân, và Ðặng Tiểu Bình thúc dân Trung Hoa hối hả kiếm tiền với phương châm cần gì phân biệt mèo trắng với mèo đen, miễn nó bắt được chuột, thì cái tư tưởng nhân nghĩa của nho gia đâu còn đất đứng !

Về mặt khách quan, ở phương Tây, tuy các nhà tư tưởng đã đồng ý từ nhiệm vai trò chủ động của triết lý tây phương, nhưng đại diện thế lực nhất cho tư tưởng tây phương vẫn là các tôn giáo, mà ba tôn giáo lớn là Gia-tô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo đều còn giữ im lặng.

Tại sao ba tôn giáo lớn giữ im lặng mà hội nghị triết học thế giới muốn bầu Khổng Tử làm nhạc trưởng tư tưởng lại không thành ? Câu trả lời thật đơn giản : Bởi như trên đã nói, đạo Khổng lấy vạn vật đồng nhất thể làm tông chỉ và ba tôn giáo công truyền tại Âu Châu lại theo thuyết Sáng tạo chủ trương vũ trụ hữu hình này là do quyền năng của Thượng Ðế sáng tạo ra từ không (BS Nguyễn Văn Thọ - sđd).

Nếu chúng ta chưa quên chuyện năm 1600, Linh mục dòng Ða Minh là Giordruo Bruno (1548 - 1600) phải bị kết tội tử hình và đưa lên giàn hỏa chỉ vì rao giảng Trời và vũ trụ chỉ là một, và Hồn con người tức Tâm là một phần của Thượng Ðế nên bất tử (như thuyết vạn vật đồng nhất thể) thì chúng ta hiểu rằng Khổng Tử chưa thể làm nhạc trưởng giàn đại hòa tấu tư tưởng của nhân loại được !


* * * Vấn đề tưởng như đã bế tắc thì đột nhiên vào thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai này lại có những dấu hiệu có thể được khai thông. Nay thử xét lại những biến chuyển cả về hai mặt : một về khoa học triết học và hai về chính trị, xã hội để xem sự đột biến do đâu mà có.

Mặt thứ nhất, kể từ thế kỷ 17, khoa học Tây phương, mà chủ đạo là khoa vật lý, vượt trội hơn hẳn Ðông phương và làm cơ sở cho mọi sự phát triển của các khoa khác : kinh tế, xã hội, chính trị, sinh học, y học, triết học ... Căn bản của các khoa học này xây trên cái kiềng ba chân : Triết học của René Descates, cơ học của Isaac Newton và phương pháp khoa học của Francis Bacon và được mệnh danh là khoa học chính xác. Theo quan niệm "chính xác " này, VẬT CHẤT được coi là yếu tố căn bản của hiện hữu, và THẾ GIỚI VẬT CHẤT được ví như một bộ máy khổng lồ tập hợp bởi vô số những mảnh rời ghép lại với nhau.

Phải đợi dần dần đến thế kỷ 20, cái niềm tự hào tưởng như không bao giờ thay đổi đã xây lên sức mạnh của phương Tây mới bắt đầu rung động với sự khám phá ra thuyết Tương Ðối của Albert Eiinstein (1907). Chừng hơn một thập niên sau đó, thuyết Tương Ðối Tổng Quát mô tả vũ trụ bằng hình học bốn chiều Riermann đã ra đời và rồi tiếp đến thuyết Nguyên Luợng với những phát minh về sóng và hạt điện tử của Heisenberg đã làm đảo lộn đến tận cùng nền tảng tư duy của nhân loại phương Tây, đưa tư tưởng phương Tây xích gần lại Ðông phương hơn.

Gần đây, một nhà bác học vật lý và cũng là tư tưởng gia hàng đầu hiện nay là FRITJOF CAPR đã tổng kết những biến đổi của tư tưởng Tây phương rõ nét nhất khi ông viết : "Vũ trụ này không còn quan niệm như một bộ máy khổng lồ tập hợp bởi vô số những mảnh rời nữa nhưng đã hiện ra như một thể duy nhất thái hòa bất khả phân " và "Sự thực là khoa Tân Vật lý, biểu thị của tinh thần duy lý cao độ, nay đã bắt tay với huyền học, cốt lõi của tôn giáo, biểu thị của trực giáo cao độ ". Nó cho thấy một cách tuyệt vời tính đồng nhất và đáng ca ngợi của cả hai lối ý thức : trực giác và duy lý ; ý thức âm và dương (The Turning Point, p.47 - 48).

Rõ ràng tinh thần thuần duy lý của Tây phương đã cáo chung để chuẩn bị hòa hợp với tinh thần vạn vật đồng nhất thể Ðông phương trên con đường "đồng nhi qui thù đồ " tìm về thời hoàng kim VẠN XUÂN THÁI BÌNH như tổ tiên người Việt đã có lần thực hiện được trong thời Ðông Sơn Lý Trần.

Mặt thứ hai, cũng từ thế kỷ thứ 17, do hai cuộc cách mạng song hành : cách mạng kỹ thuật và cách mạng chính trị (dân chủ, tự do), kinh tế Âu Châu đã bột phát và vượt trội hơn hẳn Á Châu .

Nhìn ở một khía cạnh khác, trước cảnh đổi mới trong cuộc sống nhân sinh, một bên là phồn vinh hoan lạc, một bên là nghèo đói đau thương, một bên là những tiến bộ khoa học tuyệt vời cống hiến cho loài người những quyền năng mà trước kia chỉ thần linh mới có được ; một bên là tàn phá rùng rợn của các khí giới tối tân mà chỉ con người thời văn minh ngày nay mới bắt đầu được biết ; phản ứng tất nhiên phải có với phái lấy Tự Do làm tông chỉ, buồn thay lại chính là phái nhân danh Bình Ðẳng mà hành động. Tiếng rằng tranh đấu cho bình đẳng, mưu tìm một thế giới đại đồng vĩnh cửu, nhưng triết thuyết của Karl-Marx lại dựa vào duy vật biện chứng và duy vật sử quan, lấy đấu tranh giai cấp làm tông chỉ nên thực ra chỉ là một lý thuyết không tưởng. Trước sự lầm than cơ cực do tư bản gây ra, một nhóm người bệnh hoạn đã hăng say theo đuổi thuyết này khiến chủ nghĩa cộng sản đã có cơ bành trướng và dìm gần nửa nhân loại vào biển máu và nước mắt ! May thay, sau hơn nửa thế kỷ tác oai, tác quái, vào những năm đầu tiên của thập niên cuối của thiên niên kỷ II , chủ nghĩa này đột nhiên tắt lịm kéo theo cái thuyết không tưởng kia xuống mồ, dọn đường cho nhân loại tiến vào thiên niên kỷ mới.

Dấu hiệu quan trọng cuối cùng dường như mới phát đi chỉ mấy tháng gần đây ngay tại thủ phủ của thuyết SÁNG TẠO, nơi công trường Phao-Lồ, Tòa Thánh Vatican (xem Ðường vào thế kỷ 21 của Lư Tấn Hồng đăng trong số này) - và nếu tin này được công nhận chính thức, thì quả nhânl oại không còn gì cản trở để cùng nắm tay nhau đi vào thiên niên kỷ mới : thiên niên kỷ của hi vọng và tình thương.

* * * Xem chừng lời kêu gọi của các triết gia thế giới trong hội nghị Honolulu năm 1949 nay đã sắp có câu trả lời cụ thể.

Ðêm giao thừa, điểm chuyển từ năm cũ qua năm mới là đêm rất quan trọng đối với người Việt. Vậy đêm giao thừa của thiên niên kỷ cũ qua thiên niên kỷ mới còn quan trọng gấp nghìn lần hơn ! Thời gian biến chuyển đã tới.

Nhất định từ năm tới, nước Việt sẽ vượt qua bỉ cực để bước vào thời đại an lạc, phồn vinh.

Nhất định cũng từ năm tới (2000) nhân loại sẽ từ giã chiến tranh, thù hận để bước vào thời đại chan hòa hạnh phúc và tình thương.

Ví thử mai này, mà ngày ấy chắc cũng không còn xa, nhân loại đồng lòng chấp nhận thuyết vạn vật đồng nhất thể làm ngọn đuốc dẫn đường để loài người thoát cảnh mê lầm tìm về quê hương hằng cửu thì cũng còn một vấn dề nan giải phải vượt là : phải có mô hình rõ ràng và người hướng đạo cho giỏi mới không lầm đường lạc lối. Bởi từ trước đến nay, tại phương Ðông cũng như phương Tây, dù không thiếu gì người biết con đường nhất thể ; nhưng ở Tây phương người quảng bá thuyết này, nếu không bị đưa lên giàn hỏa (trường hợp Linh Mục Giordano Bruno năm 1600) thì cũng bị ám toán rồi kéo xác qua nhiều đường phố (trường hợp Bà Hypatia năm 414), khó mà được sống yên lành. Còn ở Ðông phương, Khổng Tử đã từng lê gót qua hầu hết các nước chư hầu rao bán thuyết nhất thể nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng, may mà còn giữ được mạng về quê hương dậy học. Các vua chúa Trung Hoa sau này chỉ lợi dụng thuyết của ông rồi xuyên tạc đi với mục đích củng cố vương quyền của mình, kềm kẹp dân chúng trong một cái vỏ cứng ngắc hầu giữ cho quyền lợi của mình được lâu dài.

Ngoại trừ một dân tộc là dân tộc Cổ Việt, một chính quyền là nhà nước Văn Lang và Ðại Việt đã áp dụng thuyết này trong việc trị nước an dân. Dù sau này bị thế lực nội thù toa rập với đế quốc ngoại lai bóp chết, hủy hoại đi, nhưng tiền nhân người Việt đã biết khôn khéo che giấu nó trong sâu thẳm của cuộc sống, nhất là ở nơi thôn dã, trong tổ chức xã thôn, trong hội hè đình đám, thần thoại, ca dao...

Dấu hiệu cụ thể còn để lại là trống đồng Ðông Sơn với mặt trời ở giữa và các vòng tròn đồng tâm mô tả các hoạt động của thiên, địa, nhân, phản ánh thuyết vạn vật đồng nhất thể. Ngày nay chúng ta chưa hiểu được hết ý nghĩa của hoa văn trên trống đồng, nhưng những hình nét siêu thoát của nó đã nói lên cái nếp sống hạnh phúc hoan lạc tuyệt vời của dân sống trong thời kỳ đó.

Người Việt thời Lý Trần khi phục hồi được nền độc lập sau hơn ngàn năm ngoại thuộc, một lần nữa lại chứng tỏ lối sống tuyệt vời theo qui luật vạn vật đồng nhất thể và đã để lại các chứng tích lẫy lừng về mọi mặt sinh hoạt : về võ công, đã là nước duy nhất trên hoàn cầu đánh thắng quân Mông Cổ, về văn trị, đã áp dụng thành công thuyết bình sản, đẩy các cuộc phát minh đến mức cao nhất của nhân loại trong thời gian ấy. Ðó là kỹ thuật chế được thuốc nổ và súng thần công mà sau này người ihọc trò cuối mùa là Hồ Nguyên Trừng đã đem truyền sang Trung Hoa và được nhà Minh tôn lên làm ông tổ của loại súng này.

Tóm lại, ngưòi Việt đã sử dụng thành thạo cả hai thứ đạo Chiến và đạo Hòa (Trần Ngọc Thọ - Thương Nghiệp Tuần Báo - Melbourne, Úc Châu) : khi cần thì chiến để giữ nước, trấn áp kẻ thù; khi không cần thì hòa đem hạnh phúc và phồn vinh lại cho dân. Ðúng như điều F. Capra đã mong ước trong tác phẩm The Tao of Physics của ông! Ðiều đã xảy ra trong thực tế trong xã hội Ðại Việt mà nay nhà bác học hàng đầu của nhân loại ngày nay mới chỉ dám mong ước trong mơ!

Người Việt phải có nhiệm vụ phục hoạt lại nền văn minh gồm cả hai Ðạo Chiến và Hòa ấy. Và điều này chỉ người Việt, hậu duệ của những bậc thánh nhân Việt, tác giả các nền văn minh văn hiến độc đáo đã thể hiện trong đời sống thực tế kia mới có thể thực hiện được mà thôi.

Cung Đình Thanh

Nguồn: http://www.anviettoancau.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Chào Mừng Thế 21
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ của Việt tộc.


Trở Lại Trang Mặt