Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4888
www.vietnamvanhien.org
 www.vietnamvanhien.net


CHỬ ĐỒNG TỬ: TỔ CỦA ĐẠO THẦN TIÊN BẤT TỬ

Tạ-quốc-Tuấn

 

 

 

            Ở Việt-nam khi xưa trong dân gian đã có tín ngưỡng thần tiên bất tử. Cái tín ngưỡng đó nói lên khát vọng của nhân dân muốn được trường sinh bất lão và rất sống động qua không gian và thời gian. Mỗi thời đại lịch sử trọng đại, mỗi giai đoạn hưng thịnh của dân tộc đều được minh chứng một cách tế nhị bằng sự xuất hiện của các nhân vật được coi là thần tiên.

 
            Thí dụ trong thời dựng nước với họ Hồng-bàng (2879-258 TCN) có Chử Đồng-tử hay Đạo Tổ, có Thánh Tản hay Tản-viên Sơn Thần hoặc Sơn-tinh, có Phù-đổng Thiên-vương hay Thánh Gióng; thời Hậu-Lý (1010-1225) có Đạo-hạnh thiền sư Từ-Lộ và Minh-không thiền sư Nguyễn-minh-Không; thời Trần (1225-1400) có Hưng-đạo đại vương Trần-quốc-Tuấn hay Đức Thánh Trần hoặc Đức Thánh Cha, có Từ-Thức; thời Hậu-Lê (1428-1788) có Liễu-hạnh Tiên chúa hay Liễu-hạnh Thánh Mẫu hoặc Thánh Mẫu, v.v.

 
            Họ hoặc là nhân vật lịch sử có thật, hoặc chỉ là những ý niệm được khoác bộ áo nhân cách. Tuy nhiên dù là gì đi chăng nữa, các nhân vật này đã được thần thoại hóa trong các truyện thần tiên với ít nhiều màu sắc địa phương. Trong số những nhân vật này có bốn vị được đưa lên hàng bất tử (tứ bất tử) và được tôn thờ phổ thông nhất là Chử Đồng-tử, Thánh Tản, Thánh Gióng và Liễu-hạnh Thánh mẫu.

 
            Trong bài này chúng ta tìm hiểu Chử Đồng-tử, một nhân vật được tôn làm Tổ của Đạo Thần Tiên Bất Tử, thường được gọi tắt là Đạo Tổ.

 
 
I. Sự Tích Chử Đồng-tử

 
            Sự tích Chử Đồng-tử được thuật lại trong nhiều tài liệu, nhưng quan trọng hơn cả là Truyện Đầm Nhất Dạ trong sách Lĩnh-nam Chích Quái của Trần-thế-Pháp và thần tích xã Đa-hòa (thuộc tổng Mễ-sở, huyện Đông-an, phủ Khoái-châu, tỉnh Hưng-yên). Trong khi Truyện Đầm Nhất Dạ kể về một giai đoạn của sự tích Chử Đồng-tử là duyên kỳ ngộ giữa Chử Đồng-tử và công chúa Tiên-dung (hay Tiên-dung Mị-nương) để đưa đến công cuộc phát triển và bảo vệ quốc gia của hai ngài, thì thần tích xã Đa-hòa lại kể một giai đoạn khác của sự tích: đó là cuộc lương duyên giữa Chử Đồng-tử và Tây-cung Tiên nữ, qua sự thu xếp của công chúa Tiên-dung, để rồi cả ba cùng nhau chữa thuốc cứu sống nhân dân.

 
   A. Sự Tích Chử Đồng-tử và Tiên-dung Mị-nương Trong Truyện Đầm Nhất Dạ(1)

 
            Vua Hùng truyền đến đời thứ ba thì vua cháu sinh được một người con gái tên là Tiên-dung Mị-nương. Năm mười tám tuổi, công chúa dung mạo lệ tú, không muốn lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Nhà vua yêu quí, chiều theo. Mỗi năm, khoảng tháng hai, tháng ba, công chúa sửa soạn thuyền bè, lênh đênh ngoài biển, vui chơi quên về.

 
            Lúc bấy giờ ở làng Chử-xá có người tên là Chử-vi-Vân sinh được một người con trai tên là Đồng-tử. Hai cha con tính vốn từ thiện, nhà nghèo lại gặp cơn hỏa tai, của cải tán tận, còn lại một cái khố vải. Cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc.

 
            Đến lúc người cha già bị bệnh mới bảo con rằng:

 
            - Cha chết thì cứ chôn lõa thể cũng được, để lại cái khố cho con để khỏi bị xấu hổ.

 
            Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà liệm chôn. Đồng-tử thân thể lõa lồ, lạnh đói buồn bã, mới đi ra bãi sông dùng cần câu cá, trông thấy thuyền buôn, bèn đứng trong nước mà xin ăn. Ngờ đâu thuyền của Tiên-dung chợt đến. Nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo trên thuyền, trông thấy nghi trượng, cờ xí rợp trời, Đồng-tử sợ hãi, không nơi trốn tránh. Trên bãi phù sa có đám lau sậy, lơ thơ ba bốn gốc, bèn ẩn trốn trong đó, đào cát thành một cái hố để ẩn mình, lại lấy cát phủ lên trên. Trong giây lát chợt Tiên-dung cho ghé thuyền vào đó, dạo chơi trên bãi sông, rồi truyền lấy màn vây quanh khóm lau sậy làm chỗ để tắm. Tiên-dung vào trong màn, cởi quần áo, dội nước tắm. Cát trôi để lộ ra thân thể Đồng-tử. Hồi lâu mới biết là một người con trai. Tiên-dung nói:

 
            - Ta không thích lấy chồng, nay lại gặp ngươi ở trong hố cát này, đó là trời khiến vậy. Ngươi hãy đứng dạy tắm rửa đi.

 
            Rồi ban cho quần áo, cùng nhau xuống thuyền ăn uống vui vẻ. Người trên thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành, xưa nay chưa từng có. Đồng-tử nói rõ duyên cớ. Tiên-dung than thở, bảo làm vợ chồng. Đồng-tử cố từ chối. Tiên-dung nói:

 
            - Việc này tự trời tác hợp, việc gì mà từ chối?

 
            Những người theo hầu đem việc ấy tâu lên vua Hùng. Nhà vua nổi giận, bảo rằng:

 
            - Tiên-dung không tiếc danh tiết, không thích tiền của của ta, rong chơi trên đường, lại hạ mình lấy kẻ bần cùng, còn mặt mũi nào gặp ta nữa. Từ nay bỏ mặc ngươi, không cho về nước nữa.

 
            Tiên-dung nghe tin, sợ hãi, không dám trở về, mới cùng với Đồng-tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng dân gian buôn bán. Dần dần thành một ngôi chợ lớn (nay là chợ Hà-lõa). Thương nhân ngoại quốc qua lại buôn bán, cung kính đối xử Tiên-dung và Đồng-tử như là chủ. Một hôm, có một đại thương gia đến thưa với Tiên-dung:

 
            - Quí nhân xuất ra một dật vàng(2), năm nay cùng với thương nhân ra hải ngoại mua vật quí, sang năm sẽ lời được một dật vàng.

 
            Tiên-dung nói với Đồng-tử:

 
            - Vợ chồng ta do trời định, quần áo do trời cho. Bây giờ nên lấy một dật vàng cùng với thương nhân ra hải ngoại mua hàng đem về buôn bán.

 
            Đồng-tử bèn cùng với các thương nhân ra biển. Ở hải ngoại có một hòn núi tên là núi Quỳnh-viên, trên núi có một am nhỏ. Các thuyền buôn ghé vào lấy nước. Đồng-tử lên chơi trên am. Có một vị tiểu tăng tên là Phật-quang, truyền pháp cho Đồng-tử. Đồng-tử mới lưu lại nghe thuyết pháp, trao vàng cho thương nhân đi mua hàng, lúc trở về ghé lại am để chở Đồng-tử về. Nhà sư mới tặng Đồng-tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng:

 
            - Linh thông ở tại những cái này đây.

 
            Đồng-tử trở về, đem chuyện đạo Phật nói hết với Tiên-dung. Từ đó giác ngộ, bỏ chợ búa, việc buôn bán, đem nhau đi tìm thầy học đạo.

 
            Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba, xuất hiện thành quách, lầu son bảo điện, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ, la liệt đầy trước mắt. Sáng ngày ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, người người mang hương hoa ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan chia quân túc vệ, thành một nước riêng biệt.

 
            Vua Hùng nghe tin, cho là con gái mình làm loạn, mới phát binh đi đánh. Khi quan quân đến nơi, quần thần xin chia quân ngăn chặn. Tiên-dung nói rằng:

 
            - Không phải là ta làm việc này mà là trời định. Sống chết tại trời, ta đâu dám chống cự cha, phải thuận chịu điều chính, cứ chờ người đến chém giết.

 
            Lúc bấy giờ những người mới tập hợp sợ hãi tan rã tẩu tán, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên-dung. Quan quân kéo đến đóng dinh ở cồn Tự-nhiên, chỉ cách một con sông lớn. Ngày đã tàn chưa kịp tiến đến. Tới nửa đêm, gió lớn chợt nổi lên làm nổi sóng đổ cây. Quan quân đại loạn. Bộ đảng, thành quách của Tiên-dung nhất thời nhổ đi bay lên trời. Đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày, dân gian trông không thấy gì nữa, cho là linh dị, bèn lập miếu đường và thời thường đến tế lễ, gọi đầm ấy là Đầm Nhất Dạ, cồn ấy là Cồn Man-trù (hay Cồn Tự-nhiên), chợ ấy là Chợ Hà-lõa.

 
            Sau đến đời Lý Nam-đế, quân nhà Lương sang xâm chiếm nước ta. Nhà vua mới lệnh cho Triệu-quang-Phục làm tướng ngăn giữ. Quang-Phục chỉ huy quân của ông ẩn nấp ở trong đầm. Cái đầm ấy sâu rộng, bùn lầy, khó bề tiến lui. Quang-Phục chèo thuyền độc mộc để qua lại cho tiện. Giặc không biết chỗ đó. Ông thường đêm tối đi thuyền độc mộc đột xuất đánh phá, cướp lương thực, làm kế giữ lâu. Ba bốn năm trường giặc không đánh được. Bá-tiên than rằng:

 
            - Xưa gọi là Đầm Nhất Dạ Thăng Thiên, nay là Đầm Nhất Dạ Đạo Kiếp.

 
            Gặp lúc Hầu-Cảnh tác loạn, vua Lương triệu Bá-tiên về bắc, ủy cho tì tướng Dương-Sằn thống lĩnh quân chúng.

 
            Quang-Phục trai giới, thiết đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo. Thoắt thấy thần nhân cưỡi rồng giáng xuống đầm, nói với Quang-Phục:

 
            - Ta lên trời nhưng linh dị còn ở đây. Vì ngươi có lòng thành cầu đảo nên ta đến cứu giúp bình loạn tặc.

 
            Rồi cởi vuốt rồng đưa cho Quang-Phục bảo giắt vào đầu mâu, hễ đánh là thành công. Nói đoạn lại bay lên trời. Quang-Phục y như lời dặn, hăng hái đột chiến. Quân Lương bị đánh tan, chém được tướng Dương-Sằn ở trận tiền, quân Lương lui chạy.

 
            [Quang-Phục] nghe tin [Lý] Nam-đế mất, bèn tự lập làm Triệu-vương, đóng đô ở núi Trâu quận Vũ-ninh.

 
   B. Sự Tích Chử Đồng-tử, Tiên-dung Mỵ-nương và Tây-cung Tiên-nữ Trong Thần Tích Xã Đa-hòa

 
            Một hôm Đồng-tử và Tiên-dung đi xem địa thế huyện Đông-an, đến địa đầu làng Ông-đình, bắt chợt gặp một người con gái độ đôi tám đôi chín, có nhan sắc chim sa cá lặn, tuyết thẹn hoa nhường, đủng đỉnh chơi ở trước chùa Cổ-kính. Trông người ấy phảng phất như tiên nữ chốn Quỳnh-dao, Tiên-dung bèn chỏ mà nói:

 
            - Chàng có muốn lấy nàng kia làm thứ thất không?

 
            Đồng-tử chỉ mỉm cười. Tiên-dung biết ý, một mình đi đến trước người con gái mà hỏi:

 
            - Nàng là phàm hay tiên, gái phong tình chăng? Lang-quân ta tư chất cao, tài bộ thông minh, nàng làm thiếp người đó xứng đáng lắm. Ta tuy là một công chúa con vua nhưng không có thói ghen tuông, không tính kiêu căng, được cùng nàng kết làm chị em chẳng cũng vui lắm sao?

 
            Người con gái trả lời:

 
            - Không đâu, ta là tiên nữ Tây-cung. Vợ chồng nàng đã học thành tiên, nay không hẹn mà gặp nhau ở đây, là tại trời hay tại người?

 
            Tiên-dung nói:

 
            - Tại trời, nhưng mưu sự ở người mà thành sự tại trời.

 
            Hai người kết làm chị em, rồi đến trước nơi Đồng-tử ngồi mà thi lễ, cùng nhau yến tiệc vui vẻ.

 
            Đang lúc bấy giờ ở làng Ông-đình có năm sáu xác chết sắp đem chôn, Đồng-tử nói với Tiên-dung và Tây-cung:

 
            - Tôi học được phép tiên, có thể cải tử hoàn sinh. Nay trông thấy người ta chết tôi đến cứu họ sống lại, các nàng có chịu theo tôi chăng?

 
            Tây-cung nói:

 
            - Cứu người là việc phúc lớn chúng tôi sao lại chẳng theo?

 
            Đồng-tử tay cầm gậy trúc, miệng đọc thần chú, lấy gậy chỉ vào xác chết, quả nhiên cái xác sống lại, ngồi ngay ngắn, nói năng ăn uống như thường. Ai nấy vui mừng khôn xiết, đều cúi lạy tạ, rồi rước Đồng-tử cùng Tiên-dung, Tây-cung ba vị về nhà làm lễ tạ. Mọi người lại nói trong làng họ có ngoài một trăm người bất hạnh bị bệnh ôn dịch.

 
            Đồng-tử nói:

 
            - Để họ chết đi rồi ta cứu cũng được.

 
            Tây-cung nói:

 
            - Lang quân cứu được người đã chết, không cứu được bệnh người ta sắp chết. Thiếp có thuật cứu được bệnh trăm vạn người.

 

            Đồng-tử và Tiên-dung yêu cầu cho biết thuật đó. Tây-cung bèn lấy giấy trắng viết một chữ son đỏ, đốt đi hòa tan giấy vào nước trong cho bệnh nhân uống, ai cũng khỏi bệnh cả. Cứu được vài trăm người làng Ông-đình. Người già, người trẻ làng ấy đều đến lạy tạ mà xin làm thần tử.

 
 

II. Ý Nghĩa Sự Tích Chử Đồng-tử(3)

 
            Như đã nói ở đầu bài này, Chử Đồng-tử được tôn thờ như Đạo Tổ bậc nhất trong hàng tứ bất tử của hệ thống tín ngưỡng thần tiên Việt-nam. Sở dĩ như vậy là vì Đồng-tử, và cả công chúa Tiên-dung nữa, đã giác ngộ được đạo lý tự nhiên.

 
            Trọng tâm của sự tích Chử Đồng-tử nằm ở hai chữ "tự nhiên”.

 
            Không phải là một sự ngẫu nhiên mà bãi cát nơi xảy ra sự gặp gỡ tình cờ tạo nên mối lương duyên tự nhiên của cặp nam nữ trần truồng tự nhiên  Đồng-tử và Tiên-dung được gọi là bãi Tự-nhiên (hay cồn Tự-nhiên). Bãi Tự-nhiên ở đây tượng trưng cho quan niệm người bắt chước theo thiên nhiên (còn gọi là tự nhiên), nghĩa là trở về trạng thái hồn nhiên, mộc mạc, tự nhiên như một đứa trẻ sơ sinh, gạch nối giữa hai giới thiên nhiên và siêu nhiên, giữa tâm với vật, lúc chưa có đối lập.

 
            Trang-tử đã nói trong chương Tề Vật Luận quyển Nội Thiên rằng: "Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất " (Trời đất với ta cùng sinh, vạn vật với ta cùng một thể).

 
            Theo quan niệm này, con người sinh ra cùng trời đất để tạo thành một tam tài là trời, đất và người (thiên, địa, nhân) trong một cảnh hồn nhất (mà có người gọi là thiên đường, lại có người gọi là thiên thai) có tính cách trường tồn, hằng cửu, hoan lạc, bất biến, vô hạn, vô cương. Chẳng may, khi sinh ra đời con người đã thoát ra khỏi cảnh hồn nhất đó, đã lạc mất thiên đường, lạc lối thiên thai, để mà phải chịu sống đời tạm bợ, ngắn ngủi, phù du, với bao nhiêu đau khổ, lại bị không gian và thời gian giới hạn. Vì thế, con người thường nhớ lại và muốn trở lại cái thiên đường nguyên lai ấy để tìm lại được cái quân bình cho tâm hồn.

 
            Sự trở lại cái thiên đường này không có nghĩa là quay trở về cách sinh hoạt sơ thủy của nhân loại ban sơ, mà là trở về tâm trạng tự nhiên, trong trắng, không bị vật dục khuấy động, trở lại cái tâm trạng “đồng tử” (trẻ con) hay “anh nhi ” (trẻ thơ) của Lão-tử, cái "xích tử chi tâm" (cái tâm của con đỏ) của Mạnh-tử.

 
            Thực vậy, Mạnh-tử nói rằng: "Đại nhân giả bất thất kỳ xích tử chi tâm giả dã" (Mạnh-tử, Ly-lâu chương, cú hạ, thập nhị chương), nghĩa là "Bậc đại nhân là kẻ không làm mất cái tâm của con đỏ." Nói cách khác, người ta không nên làm mất đi cái tâm bản nhiên, lương tri, lương năng từ thuở làm con đỏ mới lọt lòng mẹ.

 
            Lão-tử trước đó, trong Đạo Đức Kinh(4), cũng đã khuyên người ta nên quay trở về trạng thái hồn nhiên của trẻ sơ sinh (mà Lão-tử có lúc gọi là “hài tử”, có khi là “xích tử ”, là “anh nhi ”) để giữ được cái sinh lực toàn vẹn nhất -- mà Lão-tử gọi là "tinh" (ch. 55) --, giữ được sự quân bình không thiên về một bên nào của cái cân thiện ác, thị phi, vinh nhục, giống như một đứa trẻ sơ sinh còn ở trong trạng thái hỗn thành (ch. 25), chỉ biết "bão nhất" (ch. 10), ôm lấy cái Nhất, tức là ôm lất cái Thái Nhất, cái Thái Cực, hay là Đạo, nguồn gốc sinh ra vạn vật (“đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”, ch. 42). Hơn nữa, tuy trẻ thơ khi mới sinh ra đã là nam hay nữ rồi, nhưng trong nó lại chứa đựng cả nam lẫn nữ, chưa phân biệt rõ ràng nên nó có đủ cái "tinh" của cả hai (ch. 55). Nó có được cái tâm bất động bên trong, không bị ngoại vật làm sáo động, chưa biết phân biệt giữa người và vạn vật, nên nó không làm hại vật nào và đồng thời không gì có thể hại nó được, dù là độc trùng, mãnh thú, ác điểu, v.v. (ch. 55).

 
            Ngoài ra, chỉ có trẻ thơ mới biết trực tiếp thu hút sức ban sự sống của người mẹ, cho nên khi người con biết trở về với mẹ, ở bên mẹ, thì sinh lực của nó vô tận, thân đến chết không nguy (ch. 52). Vì vậy, quay trở về với trẻ thơ có nghĩa là quay trở về hợp nhất với "âm", nguyên tố duy nhất của sự bất tử.

 
            Sống và chết là hai lẽ có liên hệ rất mật thiết với nhau. Khi người ta ra khỏi cõi sống (xuất sinh) là bắt đầu bước vào cõi chết (nhập tử), bởi vì sống là cái cửa đưa vào cõi chết cũng như chết là cái cửa dẫn vào cõi sống. Cả hai chỉ là một. Lại nữa, sống và chết tuy tương phản nhau nhưng lại kế tiếp nhau, nối nhau: cái gì có sự sống bao giờ cũng tiến dần đến cái chết và có chết thì một cái sống mới mới lại đưọc tạo ra. Do đó, chết chỉ là mặt khác của sống mà thôi.

 
            Vì sống và chết nối tiếp nhau nên, theo Lão-tử, người ta không nên quá bận tâm đến vấn đề sống chết, vì người ta càng "dĩ kỳ sinh sinh” (ch. 50), nghĩa là càng quá lo tận sống cái sống của mình thì càng có hại, "ích sinh viết tường" (ch. 55), hay là càng chóng chết. Bởi vậy, người ta không nên dừng lại ở bên nào cả, mà phải biết vượt qua cả hai lẽ sống chết để đạt tới cái Nhất, tức là Đạo. Lão-tử nói rằng ai biết đạo nhiếp sinh -- nghĩa là thần tiên -- thì không có chỗ chết, "Cái văn thiện nhiếp sinh giả, … kỳ vô tử địa" (ch. 50). Nói cách khác, kẻ sống là kẻ mang thân xác cùng những cơ năng của nó, đến khi thân xác và các cơ năng ấy mất, người ta không còn sống nữa. Chỉ có kẻ nào thoát ra ngoài thân xác, tức là thần tiên, mới không có chỗ chết, hay là không thể chết được.

 
            Nói tóm lại, cả Lão-tử lẫn Mạnh-tử đều coi đức tính của trẻ thơ cùng một thể với Đạo.

 
            Trở lại trường hợp Chử Đồng-tử.

 
            Đồng-tử do có được cái tâm của một hài tử, một xích tử, một anh nhi mà Lão-tử và Mạnh-tử đã nói đến, nên đã được chọn làm Đạo Tổ của đạo thần tiên bất tử. Ngay cả công chúa Tiên-dung cũng có được cái tâm của trẻ thơ đó.

 
            Cái tâm của hai người đã đạt được Chân Lý, được Đạo, vì đã vượt lên trên và ra ngoài cá nhân cũng như giới hạn của thời gian và không gian, nhập vào tâm của trời đất hay ý thức của vũ trụ. Hơn nữa, sở dĩ hai người có được cái tâm ấy là do đã biết tuân theo tự nhiên, sống theo tự nhiên, phù hợp với thiên nhiên như lúc mới lọt lòng mẹ. Tuy nhiên, để đạt đến cái tâm ấy (có thể gọi là “đạo tâm”), hai người đã phải đi vào cuộc nhân sinh. Họ thực hiện cái đạo tâm ấy qua nhân tâm, họ tìm tự do qua sự ràng buộc của những quan hệ nhân sinh. Họ biết rằng chỉ qua con người họ mới có thể tìm ra lối siêu thoát, vượt từ đời sống con người giới hạn đến đời sống vô hạn vô cương, trường sinh bất tử.

 
            Trong khi công chúa Tiên-dung có nếp sống phóng khoáng, thích ngao du thiên hạ, lênh đênh sông biển, ưa cảnh thiên nhiên, không thích giam mình bên trong cung điện thì Chử Đồng-tử bắt đầu cuộc sống giới hạn của con người bằng cái nghèo khổ cùng cực: cả cha lẫn con chỉ có độc một cái khố, thay nhau mặc khi đi ra ngoài. Việc hai cha con dùng chung một cái khố nói lên tình phụ tử thân thiết, một trong những giềng mối thắt chặt những con người trong cùng một xã hội.

 
            Tuy  nhiên, vì Chử Đồng-tử đã ngộ được đạo tự nhiên qua tấm lòng hiếu thảo tự nhiên của người con đối với cha, nên đã không tuân lời trối trăng của cha muốn được chôn trần truồng còn cái khố để dành cho Đồng-tử mặc, bởi vì Đồng-tử tin rằng người chết phải có quần áo mặc khi bước sang thế giới bên kia. Điều này còn chứng tỏ là Đồng-tử đã sớm ý thức được cái nghĩa hy sinh cho người khác, còn mình cam chịu lõa thể, ngâm người dưới nước, chịu rét lạnh, ăn xin các thuyền qua lại.

 
            Cái đức hy sinh này của Chử Đồng-tử thật lớn lao vô cùng, không ai sánh được, ngoại trừ những người đã đạt đến sự giác ngộ cao siêu, coi tất cả là vật ngoại thân, không quan trọng, không đáng quyến luyến. Hành vi này lẽ dĩ nhiên sẽ đưa đến tình trạng Đồng-tử, và cả Tiên-dung nữa, bỏ việc kiếm tiền sinh sống qua buôn bán để học đạo.

 
            Đấy là chưa kể sự hy sinh sống trần truồng của Chử Đồng-tử có thể coi là hình ảnh tiêu biểu cho quan niệm do Lão-tử rao giảng là người ta nên quay trở lại sống như hài tử, hiểu là có tâm trạng trong trắng của trẻ sơ sinh. Thực vậy, đứa trẻ khi mới sinh ra hãy còn trần truồng, đâu đã biết hay được cho ăn mặc.

 
            Nói cách khác, qua hình ảnh Chử Đồng-tử sống trần truồng chúng ta hiểu là Chử Đồng-tử đã ngộ đạo từ sớm rồi, chứ không phải chờ đến khi gặp sư Pháp-quang ở núi Quỳnh-viên mới được nhà sư truyền đạo. Cái khác là ở điểm đạo mà Đồng-tử giác ngộ được khi còn sống trần truồng là đạo tự nhiên, còn đạo do Phật-quang dạy là đạo Phật (danh hiệu "Phật-quang" của nhà sư có nghĩa là ánh sáng của Phật, của đạo Phật). Cả hai không có gì là mâu thuẫn hay tương phản; trái lại, đạo tự nhiên và đạo Phật bổ túc cho nhau.

 
            Giống Chử Đồng-tử, công chúa Tiên-dung cũng có lòng hiếu tự nhiên. Sau khi lấy Đồng-tử, công chúa bị vua cha từ bỏ, cấm không cho về nước, nhưng đã không đem lòng oán hận, mà chỉ cùng chồng đi tìm nơi khác lập nghiệp. Rồi đến khi vì lỡ độ đường một đêm tối nên Đồng-tử mới cắm gậy xuống đất úp nón lên trên làm nơi tạm trú thì nơi đó đã biến thành thành quách, lâu đài, đền miếu, cung điện và được dân chúng qui phục, khiến vua cha lại nghi là hai người định tạo phản mới cho quan quân đi đánh đuổi. Trước tình thế này công chúa không phản kháng và còn bác bỏ lời quần thần xin chia quân chống đỡ, chịu chờ hình phạt của vua cha.

 
            Mặt khác, công chúa cũng có tấm lòng ngây thơ trong trắng. Nếu trẻ thơ không biết làm hại ai thì Tiên-dung cũng vậy, không cậy mình là con gái vua mà lạm dụng quyền thế bắt nạt, hành hạ người khác. Khi thấy Chử Đồng-tử trần truồng trốn dưới hố cát nơi mình tắm, công chúa không cho là Đồng-tử có ý đồ bất chính mạo phạm, mà lại hoàn toàn tin tưởng lời nói của Đồng-tử, y hệt trẻ thơ hoàn toàn tin tưởng người khác, không chút so đo, không chút nghi kỵ.

 
            Sự giác ngộ đạo lý tự nhiên của cả Chử Đồng-tử lẫn công chúa Tiên-dung, còn được thể hiện qua việc hôn thú tự nhiên của hai người. Khi găp nhau, hai người đều ở trong trạng thái trần truồng rất tự nhiên như những đứa trẻ mới lọt lòng mẹ không quần không áo che đậy: Đồng-tử đã chôn chiếc khố độc nhất với cha và từ đó sống trần truồng, rồi khi thuyền của Tiên-dung ghé bến thì Tiên-dung lại cho vây màn đúng ngay chỗ Đồng-tử trần truồng ẩn núp dưới hố cát và khi công chúa đã cởi hết quần áo để dội nước tắm thì nước cuốn trôi cát, để lộ ra Chử Đồng-tử trần truồng. Hơn nữa, sự gặp gỡ của họ đã diễn ra trong khung cảnh tự nhiên (với nghĩa là thiên nhiên) là bãi cát trên bờ sông, nơi sau này được gọi tên là cồn Tự-nhiên.

 
            Chính trong trạng thái tự nhiên và trong khung cảnh tự nhiên đó Chử Đồng-tử và Tiên-dung đã tự nhiên lấy nhau.

 
            Tuy công chúa Tiên-dung rất xinh đẹp và nhiều quyền thế, Chử Đồng-tử cũng không vì thế mà mê say ngay. Do đó, khi Tiên-dung ngỏ ý muốn cùng Đồng-tử kết nghĩa vợ chồng, Đồng-tử đã cố chối từ. Chỉ đến khi Tiên-dung nói là cuộc gặp gỡ của hai người trong trường hợp đặc biệt như vậy là do trời xếp đặt thì Đồng-tử mới nhận lấy công chúa. Mặt khác, cũng vì tin tưởng ý trời nên Tiên-dung đã vượt ra khỏi những đòi hỏi của xã hội là việc hôn nhân phải do cha mẹ quyết định và đã đi ngược lại lời nguyện không lấy chồng của mình khi trước. Hơn nữa, vì tin tưởng vào ý trời (thiên ý) nên sau này khi hai người gặp Tây-cung tiên nữ, công chúa đã tự đứng ra khuyên tiên nữ làm thiếp của Chử Đồng-tử không chút câu nệ, ghen tuông.

 
            Điểm này cho thấy Chử Đồng-tử và Tiên-dung quan niệm ý trời còn cao hơn cả các giá trị xã hội nữa. Nói cách khác, hai người hiểu rằng tình vợ chồng do trời xếp đặt rất thiêng liêng, còn thiêng liêng hơn cả những đòi hỏi, những bổn phận xã hội, vốn có tính cách gò bó trói buộc cưỡng ép, chứ không tự do và tự nhiên như ý trời. Họ tuân theo ý trời là biết thả mình theo tự nhiên, biết hội nhập vào tự nhiên rồi.

 
            Sau khi đã biết hội nhập vào tự nhiên, hai người còn bước thêm bước nữa trong việc thấm nhuần đạo lý tự nhiên qua việc từ bỏ vật chất mà đi tìm giải thoát tinh thần.

 
            Khi có người lái buôn ngoại quốc đến đề nghị hai người đem vàng ra nước ngoài mua hàng kiếm ăn thì Tiên-dung cho đó cũng là ý trời muốn ban cho mình cơ hội sinh sống, nên đã khuyên Chử Đồng-tử cầm vàng theo người lái buôn ra khơi kiếm kế tự lực cánh sinh, thuận theo ý trời là nguồn cung cấp của ăn của mặc. Tuy vậy, khi Đồng-tử gặp sư Phật-quang ở núi Quỳnh-viên thì lập tức bỏ không đi theo lái buôn nữa, trao vàng cho người ấy để có tâm trí học đạo. Việc trao vàng cho người lái buôn mới gặp lần đầu chứng tỏ Đồng-tử có một tâm hồn tự nhiên của trẻ thơ, tin tưởng người khác cũng thực thà như mình vậy.

 
            Đó là chưa kể câu chuyện này cho thấy Đồng-tử đã biết gạt bỏ cái lợi vật chất trần tục để đi tìm cái lợi tinh thần siêu nhiên. Cái lợi tinh thần đó có thể tìm thấy nơi đạo Phật mà sư Phật-quang dạy. Điểm đáng nói ở đây, đạo Phật do nhà sư giảng dạy cho Đồng-tử là đạo Phật Tiểu thừa, tiêu biểu bằng cái gậy và cái nón nhà sư tặng cho Đồng-tử, bảo rằng đây là hai vật linh thông.

 
            Theo cố giáo sư Nguyễn-đăng-Thục, "chính cái nón cái gậy, gậy cắm xuống đất úp nón lên trên ấy là cái lọng"(5). Giáo sư viện dẫn D. Mackenzie Brown mà cho rằng  đó là cái lọng "tượng trưng cho chủ quyền hay quyền thế chính trị trong cuộc lễ đăng quang của nhà Vua Bà-la-môn hay Ấn-độ giáo, và người ta che lên đầu nhà Vua khi ông ta bước lên trên ngai Vua. Một nhà tu làm lễ đăng quang là điều kiện tất yếu tiên quyết cho sự thi hành quyền thế của Vua."(6) Vẫn theo giáo sư Thục, Bà-la-môn hay Ấn-độ giáo, gần với Phật giáo Tiểu thừa, tìm giải thoát cho nhân thân bằng khoa sinh lý tâm lý thần thông, trái với Phật giáo Đại thừa vốn có khuynh hướng luân lý xã hội.(7)

 
            Học đạo xong, Chử Đồng-tử đã về nói cho vợ nghe, rồi hai người bỏ nghề buôn bán, đưa nhau đi tìm thầy học đạo. Đạo nào đây?

 
            Phải chăng là hai người tiếp tục tìm học đạo Phật? Rất có thể lắm, vì đạo Phật sâu rộng như biển cả mà những gì sư Phật-quang dạy trong một thời gian ngắn (tuy Truyện Đầm Nhất Dạ không nói là bao lâu; có thể là 1, 2 năm gì đó) chưa đủ. Hai người còn phải học hỏi thêm nữa.

 
            Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng đạo mà hai người tìm học hỏi là đạo tự nhiên, đạo thần tiên bất tử. Đạo Phật dù có sâu xa như thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ hạn định trong một số giáo điều, học mãi cũng có thể thâu tóm được. Trái lại, đạo lý tự nhiên vì bắt nguồn từ tự nhiên/thiên nhiên mà tự nhiên/thiên nhiên thì vô hạn định nên học mãi không hết. Chúng ta có thể tìm thấy một số thí dụ chứng minh nhận xét này.

 
            Việc Chử Đồng-tử cắm gậy xuống đất úp nón lên trên ở giữa đường để làm chỗ tạm trú đã biến nơi ấy thành những thành quách, đền đài, cung miếu, v.v., rồi đến khi quan quân của vua Hùng đến đánh thì những thứ đó biến mất, cũng như việc Chử Đồng-tử dùng gậy và thần chú làm sống lại những xác chết, là những chuyện cho thấy các hành động của Chử Đồng-tử làm sau khi được sư Phật-quang truyền cho đạo Phật không phải là những thực hiện giáo lý Phật thuần túy mà là những hành động mang màu sắc ma thuật của đạo lý tự nhiên, vốn là đạo lý tin tưởng vào quyền năng thần thông. Lại nữa, chính Chử Đồng-tử cũng đã xác nhận điểm này khi nói rằng "Ta học được phép tiên, có thể cải tử hoàn sinh" (theo thần tích xã Đa-hòa). Vì thế mới có chuyện Đồng-tử lấy Tây-cung tiên nữ là người "có thuật cứu được bệnh trăm vạn người " và để chứng minh đã "lấy giấy trắng viết một chữ son đỏ, đốt đi hòa tan giấy vào nước cho bệnh nhân uống, ai cũng khỏi cả " (vẫn theo thần tích xã Đa-hòa).

 
            Nếu Chử Đồng-tử  và Tiên-dung đi tìm thầy học đạo Phật, thì không có lý gì Chử Đồng-tử lại nói là mình học được phép tiên mà lại không nói mình học được đạo Phật. Mặt khác, chúng ta cũng nên biết thêm rằng vì tin rằng Chử Đồng-tử và hai phu nhân là người của đạo tự nhiên hay thần tiên bất tử, nên ba người về sau đã được phong làm Thượng Đẳng Đại Vương Chí Thánh Tôn Thần (Chử Đồng-tử), Thượng Đẳng Thiên Tiên Tôn Thần (công chúa Tiên-dung) và Huyền Diệu Tôn Thần (Tây-cung tiên nữ) và nhất là Chử Đồng-tử được tôn làm Đạo Tổ đạo thần tiên bất tử. Không một người nào được phong với danh hiệu Phật giáo cả. Thần tích xã Đa-hòa còn kết luận bằng câu nói rằng: "Từ đó về sau sinh hóa làm Thánh hay Tiên mãi mãi."

 
            Sau hết, lập luận rằng hai người đã tìm học đạo tự nhiên, thần tiên bất tử, còn có thể chứng minh bằng sự vắng bóng hai người mẹ, mẹ của Chử Đồng-tử và mẹ của Tiên-dung.

 
            Vì Chử Đồng-tử đã mất mẹ nên phải sống đời cực khổ, cực nghèo, cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là sau khi cha đã chết đi. Nếu còn mẹ, tuy Đồng-tử vẫn có thể bị nghèo túng, nhưng chắc chắn tâm hồn sẽ được thoải mái hơn nhiều.

 
            Công chúa Tiên-dung cũng vậy. Tuy không nghèo khổ như Chử Đồng-tử, nhưng sự mất mẹ đã khiến cho công chúa phải tìm vui thú tâm hồn bằng việc ngao du thiên hạ. Nếu mẹ còn sống, chưa chắc Tiên-dung đã phải lênh đênh sông biển, bởi vì còn có mẹ để tỏ bày tâm sự, tìm yêu thương. Sống với một người cha, dù là người cha có thương yêu mình đến đâu, Tiên-dung cũng cảm thấy bơ vơ, cô đơn, bởi vì cha, lại là vua, còn bận công việc bổn phận cai quản việc nước, đâu có nhiều thời giờ rảnh để sống bên con, an ủi con, ban cho con những sự vui sướng tâm hồn. Hơn nữa, vua cha còn là một người nghiêm khắc, cứng rắn (chứng minh bằng việc từ bỏ công chúa và cấm trở về nước khi Tiên-dung lấy cùng đinh Chử Đồng-tử, cũng như việc nghi ngờ hai người làm phản khi thấy phép lạ của hai người). Với một người cha như vậy, việc công chúa Tiên-dung đi tìm giải trí trong việc ngao du là một việc dĩ nhiên.

 
            Sự vắng bóng người mẹ của hai người đã là một nguyên động lực, mà lại là nguyên đông lực rất mạnh, đưa đến việc hai người tìm đạo, học đạo, bởi vì họ đã mất đi cái yếu tố "âm" trong cuộc sống. Lão tử đã nói: "Phục thủ kỳ mẫu, một thân bất đãi " (ch. 52), nghĩa là "trở về giữ mẹ, thân chết không kiệt," nghĩa là tìm về cái gốc nguyên thủy của mình, để tìm lại cái yếu tố "âm" ấy, tìm lại sự giải thoát cho mình. Nói cách khác, việc hai người học đạo là để "bão nhất ", như lời Lão-tử chúng ta đã thấy trong một đoạn bên trên, để tìm được sự thăng hoa cho tâm hồn mình. Điểm này cũng chứng minh cái đạo hai người tìm học chính là đạo tự nhiên.

 
Kết Luận

 
            Nguyễn-văn-Huyên đã viết trong tài liệu Le Culte des Immortels en An-nam rằng: "Từ cổ lai người ta đã than thở về sự ngắn ngủi của đời sống trần gian. Vậy nên người Việt-nam tin vào đời sống ở một thế giới bên kia về sau trên bờ biển xa xăm theo người này hay siêu việt trên mấy từng mây cao thẳm theo người khác."(8) Trong một đoạn khác, ông lại viết: "Suốt lãnh thổ Đại-Nam từ Cao-bằng đến Hà-tiên cái lòng khát vọng về sự trường tồn đã diễn tả ra một cách tế nhị bằng các truyện thần tiên"(9), mà "Thần Tiên trong con mắt nhân dân Việt-nam tự cổ lai là tượng trưng cho sự sống lâu, đời sống vĩnh cửu. Sự sống là một thực tại tối cao trong tư tưởng nhân dân Việt-nam xưa nay..."(10).

 
            Chính từ trong tư tưởng đó mà sự tích Chử Đồng-tử ra chào đời, một câu chuyện nói lên khát vọng tìm được cái sống trường sinh bất lão của người Việt.

 

Chú Thích

 
(1) Chúng tôi dịch theo bản Hán văn in trong sách dịch Việt ngữ của giáo sư Lê-hữu-Mục mang cùng nhan đề, Khai trí, Sài-gòn, 1960, tr. 11-13.

 
(2) Dật là một đơn vị trọng lượng xưa bằng 20 hay 24 lượng.

 
(3) Phần này được viết dựa theo tài liệu Tư Tưởng Việt-nam: Tư Tưởng Triết Học Bình Dân của Nguyễn-đăng-Thục, Khai Trí, Sài-gòn, 1964.

 
(4) Chúng tôi đã bàn về nhan đề và nội dung tác phẩm của Lão-tử trong bài "Đạo Đức Kinh hay Đức Đạo Kinh?" đăng trong Văn Học, Garden Grove, California, số 72 & 73, th. 2 & 3/1992, tr. 2-16.

 
(5) Tư Tưởng, sđd,  tr. 154.

 
(6) Đoạn này do giáo sư Nguyễn-đăng-Thục trích dẫn và  dịch (Tư Tưởng, sđd., tr. 154) từ sách The White Umbrella: Indian Political Thought from Manu to Gandhi của D. Mackenzie Brown, do University of California Press xuất bản. Giáo sư dẫn là Indian Political Thought from Manu to Gandhi: The White Umbrella. Đáng tiếc là giáo sư không cho rõ năm xuất bản và số trang mang đoạn trích dẫn. Sách này đã được xuất bản bìa cứng năm 1953 và bìa mềm các năm 1958, 1964, 1968. Ngoài ra sách còn được nhà Greenwood Press in lại năm 1982 (bìa cứng).

 
(7) Tư Tưởng, sđd, tr. 155.

 
(8) Giáo sư Nguyễn-đăng-Thục trích dẫn và dịch, Tư Tưởng, sđd., tr. 47. Đáng tiếc là giáo sư không cho rõ tên nhà xuất bản và số trang có đoạn này.

 
(9) Giáo sư trích dẫn và dịch, Tư Tưởng, sđd., tr 148. Theo giáo sư đoạn này ở tr. 67 sách nguyên tác.

 
(10) Giáo sư trích dẫn và dịch, Tư Tưởng, sđd., tr. 47.

  Tạ Quốc Tuấn

Trích: http://www.dunglac.org

Trở Lại Trang Mặt