Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net








Đề Mục

1- Công Giáo Không Tham Gia Chính Trị ?

2- Ngươì Tín Hữu Chuá Kitô Trong Chính Trị

3- Ngươì Tín Hữu Giáo Dân Trưởng Thành





CÔNG GIÁO KHÔNG THAM GIA CHÁNH TRỊ ?
Hà Minh Thảo


Ngày 21.05.2010, Radio Vatican truyền thanh bài ‘Đức Thánh Cha khuyến khích Giáo dân dấn thân chính trị’ bằng kêu gọi các tín hữu Công giáo dấn thân trong lãnh vực chính trị và chứng tỏ rằng đức tin giúp họ đọc các thực tại một cách mới mẻ và biến đổi chúng. Đức Thánh Cha Biển Đức 16 khẳng định rằng: Giáo hội không có sứ mạng huấn luyện chuyên môn cho các nhà chính trị. Đã có nhiều tổ chức khác theo đuổi mục đích ấy. Sứ mạng của Giáo hội là « đưa ra một phán đoán luân lý cả về những điều liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền căn bản của con người và phần rỗi các linh hồn đòi hỏi.. và Giáo hội chỉ sử dụng những phương thế phù hợp với Tin Mừng và thiện ích của mọi người, theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau » (GS, 76).

Trong khi đó, lang thang trên xa lộ thông tin, chúng tôi đọc được câu sau:

« Mới đây trên DVD Thúy Nga Paris By Night, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã có cuộc phỏng vấn với vị Tân Giám mục người Việt tại Toronto (Canada) là Đức cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức cha Hiếu có nói rằng: ‘Người Công giáo không làm chính trị!’ »

Nếu chúng ta thông biết Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium Et Spes) và Giáo luật thì hai lời nói trên hoàn toàn không có gì mâu thuẫn, xin mời chúng ta cùng phân tích.

I. KHÁI NIỆM VỀ CHÁNH TRỊ.

 A. Công dân Việt-Nam.

Mọi người trong chúng ta khi sinh ra đã có quốc tịch Việt-Nam và là công dân nước Việt, có nhiệm vụ tôn trọng luật lệ Việt-Nam và được luật lệ Việt-Nam bảo vệ. Tham gia sinh hoạt chánh trị là quyền bẩm sinh của mỗi công dân.

 B. Hành vi Chánh Trị.

Trên Quê Hương Việt-Nam, người cộng sản gieo vào đầu óc đồng bào một hiểu biết sai lầm về chánh trị, luôn phải sợ hãi khi nghe đến từ ‘chính trị’ hay khi không ưa ai thì cứ gắn cho người đó ‘làm chánh trị’ một cách vô trách nhiệm và bất công.

Ở đây, chúng tôi đề nghị chúng ta đơn giản vấn đề như thế nầy:

Chế độ cai trị nào cũng cũng tự hào là Dân Chủ, tức là dân làm chủ Đất Nước. Như vậy, Chủ quyền Đất Nước thuộc về toàn dân, tức mỗi công dân sở hữu 1/56.252.543 Chủ quyền Đất Nước (đây là số cử tri ghi danh bầu cử Quốc hội khóa 2007-2011). Thí dụ, quyền Lập pháp được giao cho Quốc hội. Trong tòa nhà Quốc hội cũng như việc thảo luận và biểu quyết dự luật rất không thể thực hiện được, nên phải tổ chức bầu cử 493 đại biểu.

Khi tham gia tuyển cử, mỗi công dân dùng lá phiếu, tương đương với 1/56.252.543 quyền làm luật của mình, chọn và ủy quyền cho các ứng cử viên trong đơn vị mình đầu phiếu để, khi đắc cử, trở thành đại biểu, thay mình làm luật tại Quốc hội. Rất tiếc, vì số ứng cử viên bị giới hạn bởi Mặt trận Tổ quốc khiến vô số người tài đức không thể hiện diện tại Nghị trường.

Trong trường hợp nầy, những cử tri làm một hành vi chính trị công dân. Tại Quốc hội, người đại biểu cần phải thảo luận và biểu quyết các dự luật theo như họ đã hứa với cử tri. Đó là một hành vi chánh trị Lập pháp cho quốc gia, nhằm phụng sự Công Ích, chứ không vì mị dân hay đảng phái.

II. TÍN HỮU CÔNG GIÁO.

Người công dân Việt-Nam trở thành người Công giáo Việt-Nam sau khi tự do xin lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Kết quả tức thì, người công dân có quyền có những hành vi chánh trị dựa theo những qui chiếu do Phúc Âm Đức Kitô, Giáo huấn xã hội Công giáo và Giáo Luật mang lại.

Ngày 05.07.2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong sứ điệp gởi cho tổ chức Vatican ‘Centesimus Annus-Pro Pontifice’, đã nhắc người giáo dân: « Những hoàn cảnh thê thảm thế giới ngày nay phải chịu chứng tỏ tính thời sự thường trực của Học thuyết Xã hội của Giáo hội và sự cần thiết khởi sự từ một viễn ảnh đúng, tập trung vào sự thật con người, một sự thật do lý trí khám phá và được Tin Mừng Chúa Giêsu củng cố và cổ võ giá trị chân chính và ơn gọi xã hội tự nhiên của con người ».

Về vấn đề này, Đức Gioan Phaolô II giải thích rằng Giáo huấn Xã hội của Giáo hội cống hiến những chỉ dẫn cho ‘sự cổ võ những nhân quyền, sự bảo vệ gia đình, sự phát triển những cơ chế dân chủ đích thực và góp phần chính trị, một nền kinh tế phục vụ con người, một trật tự quốc tế mới bảo đảm công lý và hoà bình, và một thái độ trách nhiệm đối với tạo vật.’

1. Tin Mừng Đức Kitô cần được chấp nhận như là Đại Hiến chương của những Kitô-hữu hợp thành Giáo hội Công giáo, gồm bốn sách đầu tiên của Tân Ước theo các Thánh Sử Matthêu, Máccô, Luca và Gioan, có tính ưu việt trên hết, vì là những chứng từ tuyệt vời về cuộc đời và lời giáo huấn của Ngôi Lời nhập thể, Đấng Cứu Độ chúng ta.

Công đồng Vaticanô II đã coi các sách Tin Mừng như những chứng từ thành văn của các Tông Đồ hay của những vị đã sống bên các Tông Đồ ghi chép lại do ơn linh hướng của Thánh Thần và đã long trọng khẳng định lịch sử tính của các sách Tin Mừng vì trung thành truyền lại những gì Đức Giêsu thực sự đã làm và đã dạy, luôn truyền đạt cho chúng ta những điều chân thật về Đức Giêsu. Phúc Âm vừa là chứng từ về Đức Giêsu lịch sử, vừa là chứng từ về niềm tin của các Tông Đồ sau Chúa phục sinh.

2. Giáo huấn xã hội Công giáo.

Ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, với trách vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Công lý và Hoà bình, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, đã ký ban hành ‘Sưu Tập những Bản Văn của Huấn Quyền về Học thuyết Xã hội Công giáo’. Trong đó, Đức cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn về xã hội và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học thuyết Xã hội Công giáo, Con Người, Gia Đình, Trật tự Xã hội, Vai trò Nhà Nước, Kinh tế, Lao Động và Tiền Lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường, Cộng Đồng Quốc tế và Chương Kết. Văn kiện này được dùng làm căn bản cho việc hoàn thành « Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo hội ».

Qua ‘Lời Giới Thiệu’ của Đức Hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, gởi Đức Hồng y Renato Raffaele Martino, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Công lý và Hoà bình, đã viết: « … 2. Tài liệu này cũng trình bày giá trị của Học thuyết Xã hội Công giáo như một phương tiện để rao giảng Tin Mừng (x. Centesimus Annus, số 54), vì tài liệu này đặt con người và xã hội trong mối tương quan với ánh sáng Tin Mừng. Những nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo đặt nần tảng trên luật tự nhiên, vì thế được xác nhận và cũng cố trong niềm tin của Giáo hội nhờ Tin Mừng của Đức Kitô… »

Khi khai mạc một cuộc hội thảo quốc tế về ‘Chính trị, hình thức đòi hỏi của đức ái’ (La politique, forme exigeante de la charité) ngày 20.06.2008 qui tụ khoảng 60 chuyên viên tại Roma, Đức Hồng y Renato R. Martino nói: « Giáo hội không làm chính trị, nhưng có một học thuyết về chính trị, hầu có thể chu toàn sứ mệnh của mình, để phục vụ công thiện công hảo… Duy trì và cổ võ nơi lương tâm mọi người, ý thức về phẩm giá siêu việt của nhân vị: đó là sự đóng góp đầu tiên và cốt yếu mà Giáo hội cống hiến cho cộng đồng chính trị. Trong ‘sứ điệp’ của Đức Ki-tô do Hội thánh loan truyền, cộng đồng nhân loại có thể tìm thấy sức mạnh để yêu tha nhân như chính mình, để chiến đấu chống lại tất cả những gì phản nghịch sự sống, để chấp nhận sự bình đẳng căn bản giữa mọi người, để tranh đấu chống lại mọi hình thức kỳ thị, để vượt qua một nền luân lý hoàn toàn cá nhân… Nếu chính trị có tham vọng hành động như Thiên Chúa không hiện hữu thì cuối cùng chính trị sẽ trở nên cằn cỗi và mất ý thức về tính bất khả xâm phạm của nhân vị. »

Đề cập về đa nguyên dân chủ và những giá trị căn bản, Đức Hồng y đã nhắc lại rằng những quyền lợi mang tính cá nhân và ích kỷ, ở ngoài khung cảnh sự thật, tình liên đới và trách nhiệm, sẽ phá hủy nền dân chủ và đưa vào những yếu tố phân tán và đối đầu nhau. Vào một thời đại như thời đại chúng ta bị ghi dấu bởi những thái độ phản chính trị. Một nền dân chủ chân chính phải cần đến sự trợ lực của tâm hồn, một giá trị vô điều kiện của nhân vị hướng về tha nhân và Thiên Chúa trong sự thật và sự thiện.

3. Giáo Luật.

Tông hiến "Sacrae Disciplinae Leges", được Đức Gioan Phaolô II ký ngày 25.01.1983 để ban hành Bộ Giáo Luật hiện hành.

… Thực vậy, Chúa Kitô không muốn phá hủy gia sản kỳ cựu của lề luật và các tiên tri đã được thành hình dần dần qua giòng lịch sử và kinh nghiệm của dân Chúa trong Cựu Ước. Đúng ra, Ngài đã kiện toàn nó (xem Mt 5,17), để cho gia sản ấy trở thành, dưới một hình thức mới mẻ và cao thượng hơn, một phần của gia sản Tân Ước…

… Bộ Giáo Luật này hoàn toàn phù hợp với bản chất của Giáo hội, cách riêng đã được trình bày do giáo huấn chính thức của Công đồng Vatican II xét trong toàn bộ và nhất là trong học thuyết về Giáo hội. Thực vậy, phần nào Bộ Giáo Luật mới có thể được coi như một cố gắng phi thường để diễn dịch đạo lý của Công đồng về Giáo hội ra ngôn từ pháp lý…

Trong điều 207 Giáo Luật, số 1 phân biệt tín hữu Giáo dân với Giáo sĩ và Tu sĩ như sau: « Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội, có các thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là các Giáo sĩ; còn các người khác được gọi là Giáo dân. »

Số 2 của điều luật trên phân biệt Giáo dân với Tu sĩ như sau: « Trong cả hai thành phần vừa nói, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt và đóng góp vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo hội bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm qua lời khấn hoặc qua mối giây ràng buộc thánh thiện khác, được Giáo hội công nhận và phê chuẩn. Hàng ngũ của họ tuy không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, nhưng thực sự thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội. »

Như vậy:

- Giáo sĩ là tín hữu có chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục. Nhưng chỉ có Linh mục và Giáo mục được gọi là tư tế thừa tác và được quyền Tế Lễ. Phó tế là những thừa tác viên được truyền chức thánh để lo công tác phục vụ trong Giáo hội.

- Tu sĩ là người tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên Phúc Âm (khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục) hoặc có giây ràng buộc thánh thiện khác được Giáo hội công nhận và phê chuẩn. Đây là bậc sống thánh hiến dành cho những người có ơn gọi sống những linh đạo hay đặc sủng đặc biệt của nhiều Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau.

- Giáo dân được Giáo Luật định nghĩa theo tinh thần Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội ‘Aùnh Sáng Muôn Dân’ số 31, như sau: « Danh hiệu Giáo dân, có nghĩa là tất cả các Kitô hữu không thuộc thành phần chức thánh, hay bậc tu trì được Giáo hội công nhận, nghĩa là các Kitô hữu đã được phép Rửa Tội sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được nhập tịch Dân Chúa, được trở thành người tham gia, theo cách của mình, vào chức vụ tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa, và chức vụ vương giả của Chúa Kitô, là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo hội và giữa trần thế theo nhiệm riêng của mình. » Do đó, chỉ Giáo dân là những người có phận vụ không ai có thể thay thế trong môi trường chính trị-xã hội.

Như vậy, Giáo hội thật rõ ràng: Giáo sĩ không phận vụ trong môi trường chính trị-xã hội. Do đó, Giáo Luật ấn định:

Điều 285: (1) Các Giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.

(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc Giáo sĩ.

(3) Cấm các Giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.

(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, Giáo sĩ không được nhận làm Quản Lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Điều 287: (1) Các Giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.

(2) Các Giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

 III. GIÁO DÂN DẤN THÂN CHÍNH TRỊ.

 1.- Đức Phaolô VI, Giám mục Giáo hội Công giáo và các Giám mục khác, họp Công Đồng Chung Vaticanô II, ngày 07.12.1965, ký ban hành Hiến Chế ‘Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium Et Spes’, chúng ta đọc nơi số 76:

Cộng đoàn chính trị và Giáo hội. Điều rất quan trọng là cần nhận thức chính xác về mối tương quan giữa cộng đoàn chính trị và Giáo hội, nhất là trong một xã hội gồm nhiều thành phần. Cũng cần phải phân biệt minh bạch giữa những hành động của các tín hữu hoặc cá nhân hoặc đoàn thể với danh nghĩa công dân dưới sự hướng dẫn của lương tâm Kitô giáo và những hành động của các tín hữu khi họ nhân danh Giáo hội và hợp nhất với các vị chủ chăn của họ.

Vì lý do chức vụ và thẩm quyền của mình, Giáo hội không cách nào bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị, và cũng không hề cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào vì Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người.

Cộng đoàn chính trị và Giáo hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dầu dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ cho con người trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn. Bởi vì con người không phải chỉ thu hẹp trong nhãn giới trần gian. Nhưng tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người vẫn mang một sứ mệnh trường cửu. Được thiết lập trong tình yêu của Chúa Cứu Thế, Giáo hội có sứ mệnh làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong mỗi dân tộc và giữa các dân tộc. Khi rao giảng chân lý Phúc Âm và lấy giáo lý và chứng tá của cuộc sống các Kitô hữu soi sáng mọi lãnh vực của sinh hoạt con người, Giáo hội cũng tôn trọng và cổ võ tự do chính trị cũng như trách nhiệm của các công dân.

Và được sai đi để loan báo Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế cho mọi người, các Tông Đồ và các Đấng kế vị cũng như những cộng tác viên của các ngài đều dựa vào quyền lực của Thiên Chúa để làm việc tông đồ; còn Thiên Chúa thường tỏ rõ sức mạnh của Phúc Âm trong chính sự yếu hèn của các chứng nhân. Vậy bất cứ ai hiến thân phục vụ lời Chúa đều phải dùng đến đường lối cũng như phương thế riêng của Phúc Âm. Những đường lối và phương thế này khác biệt ở nhiều điểm với đường lối và phương thế của trần gian.

Thực thế, các thực tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con người đều liên kết mật thiết với nhau. Giáo hội cũng xử dụng các thực tại trần thế tùy mức độ mà sứ mệnh riêng của mình đòi hỏi. Tuy nhiên, Giáo hội không cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền. Hơn thế nữa, Giáo hội cũng sẽ từ chối việc xử dụng một số quyền lợi đã được hưởng một cách chính đáng khi thấy rằng việc xử dụng những quyền lợi đó làm cho người ta nghi ngờ về lòng thành thực muốn làm chứng nhân của mình, hoặc trước những hoàn cảnh mới đòi hỏi phải xử sự cách khác. Tuy nhiên, bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào, Giáo hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết xã hội của mình cũng như được dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người. Giáo hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi. Nhằm mục đích trên, Giáo hội xử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Phúc Âm và lợi ích của mọi người tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau.

Trung thành theo sát Phúc Âm và thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới, Giáo hội phải cổ võ và nâng cao bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đoàn nhân loại. Làm như thế tức là Giáo hội xây dựng hòa bình cho con người để làm vinh danh Thiên Chúa.

Tinh thần của số 76 này đã được Đức Gioan Phaolô II nhắc lại nhiều lần và Đức Biển Đức XVI nói với các Giám mục Việt-Nam trong các lần tiếp kiến chung mỗi dịp Ad Limina trong các lần cuối vừa qua [hy vọng chúng ta sẽ có dịp xem lại trong một lần khác.]

Đối với Giáo dân, điều 76 này nhắc: Giáo hội Công giáo, vì chức vụ và thẩm quyền của mình, không thể bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị (Nhà nước, chính đảng…) và không hề cấu kết với bất cứ chế độ chính trị nào vì Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người, được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Người và được cứu chuộc bởi sự chết và sống lại của Ngôi Hai Thiên Chúa. Nhưng vì Giáo hội và Nhà nước đều phục vụ cho con người trong sứ mệnh cá nhân và xã hội, nên nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn. Tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người vẫn mang một sứ mệnh trường cửu.

Khi dấn thân chính trị, Giáo dân có những qui chiếu do Phúc Âm Đức Kitô và Giáo huấn xã hội Công giáo thêm vào các luật lệ Việt-Nam. Người Giáo dân không cần xưng danh tôn giáo, tinh thần phục vụ và khả năng của mình mới là điều kiện để đồng bào, cử tri tín nhiệm chúng ta.

 2.- Một Kinh nghiệm.

Ngày 01.04.1967, Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa Việt-Nam được ban hành với các đặc điểm:

- Ba cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự Do, Dân Chủ và Công Bằng Xã Hội (Điều 3).

- Quyền Tư pháp được ủy nhiệm cho Tối cao Pháp viện và được hành xử bởi các Thẩm Phán xử án (Điều 76). Tối cao Pháp viện có thẩm quyền giải thích Hiến Pháp, phán quyết về tiùnh cách hợp hiến hay bất hợp hiến của các đạo luật, sắc luật; tính cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chánh (Điều 81 khoản 1). Nhờ thế, giới cầm quyền không thể hình thành một Hiến Pháp với những điều khoản đầy hứa hẹn dân chủ, pháp trị, nhưng, trong thực tế, Quốc hội biểu quyết các đạo luật bất hợp hiến hay Chính phủ ban hành các nghị định và quyết định hành chánh bất hợp hiến hay/và bất hợp pháp như ngày nay.

- Người dân có quyền tự do giáo dục và được hưởng ‘nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí’. Nếu công dân có khả năng theo học cao hơn mà không có phương tiện, quốc gia sẽ nâng đỡ (Điều 10).

Căn cứ vào Hiến pháp, cuộc tuyển cử Nghị sĩ Thượng nghị viện đã được tổ chức ngày 03.09.1967. Có 48 liên danh với 480 ứng cử viên thuộc các chánh đảng (Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Duy Dân…), tôn giáo (Cao đài, Hòa hảo, Phật giáo, Công giáo), xã hội (quân nhân, trí thức, khoa bảng…) hiện diện tranh cử.

Kết quả, 6 liên danh đắc cử: về đầu, liên danh ‘Nông Công Binh’ do cựu Tướng Trần văn Đôn làm thụ ủy gồm các quân nhân và nghiệp đoàn viên; liên danh Bông Lúa, do ông Nguyễn ngọc Kỷ, tín hữu Cao đài, làm thụ ủy về hạng 5; các liên danh ‘Công Ích và Công Bình Xã Hội’, ‘Đại Đoàn Kết’, ‘Trời Việt’ và ‘Đoàn kết để Tiến bộ’ do các ông Nguyễn văn Huyền, Nguyễn gia Hiến, Huỳnh văn Cao và Trần văn Lắm đứng thụ ủy đều là những Giáo dân Công giáo chiếm các hạng còn lại.

Thượng nghị viện khóa đầu tiên có 26 người Công giáo trong số 60 Nghị sĩ, có 11 Công giáo trong số 13 luật gia trong Viện Lập pháp này. Đặc biệt, luật sư Nguyễn văn Huyền, một nhân sĩ danh tiếng trong giới Công giáo và giới chánh trị, một chánh khách hiếm hoi của nền Đệ Nhị Cộng hòa, đã được bầu vào chức Chủ tịch Thượng nghị viện. Ông đã xây dựng uy tín cho Thượng nghị viện, xứng đáng với lòng kính nể của người dân Việt trong việc phát biểu về các vấn đề: tướng lãnh tham nhũng (ngày 20.04.1970), chống độc diễn của liên danh Nguyễn văn Thiệu - Trần văn Hương (ngày 22.09.1971). Ngoàụi ra, chúng ta còn nhớ một tối trong tháng 05.1970, sau khi Thượng nghị viện phản đối ‘Sắc luật Thuế kiệm ước’ của Chánh phủ, Chủ tịch Nguyễn văn Huyền đã lên án sự vi hiến của Sắc luật này trên màn ảnh Truyền hình Việt-Nam. Sau đó, nhờ tài hùng biện của một Nghị sĩ Công giáo khác, luật sư Nguyễn văn Chức, ngày 30.06.1970, Tối cao Pháp viện tuyên bố tiêu hủy ‘Sắc luật Thuế kiệm ước’ vì vi hiến.

Tuy nhiên, năm 1974, sau khi một số Nghị sĩ Công giáo thuận theo ý Tổng thống Nguyễn văn Thiệu để tu chính cho phép ông ứng cử nhiệm kỳ thứ ba, luật sư Nguyễn văn Huyền từ chức Nghị sĩ bằng đăng báo xin phép cử tri đã tín nhiệm ông. Khi người Công giáo không đồng tâm, đại sự gặp nguy.

Hà Minh Thảo


CÔNG GIÁO KHÔNG THAM GIA CHÁNH TRỊ ? (2)


Trong chương trình phát thanh ngày 30.07.2010, Radio Vatican phiên dịch và truyền thanh nguyên văn thư của Đức Hồng y Ivan Dias, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, gửi ngày 05.07.2010 cho hàng Giám mục và Linh mục tại Trung quốc (nhưng cũng đúng với căn tính các Linh mục Việt-Nam và thế giới). Trong thư, Đức Hồng y:

- nhiệt liệt khích lệ các vị tăng cường tình hiệp nhất với Đức Thánh Cha, với nhau và giữa các cộng đoàn Giáo hội. Nghĩa vụ này có hai chiều kích và bao gồm tình hiệp thông với Đức Thánh Cha, là ‘Đá’ trên đó Chúa Giêsu đã muốn thiết lập Giáo hội của Ngài, và tình hiệp thông giữa các phần tử của Giáo hội;

- khẳng định rằng bách hại không phải là nguy hiểm lớn nhất đối với Giáo hội, nhưng chính là những gì gây ô nhiễm cho đức tin và đời sống Kitô. ‘Một trong hậu quả tiêu biểu do hoạt động của Ma Quỷ là sự chia rẽ trong cộng đoàn Giáo hội’;

- cảnh giác các Linh mục lo làm giàu và tìm công danh sự nghiệp, trái ngược với sứ vụ của Linh mục. Chúa đã ban cho chúng ta phẩm giá cao trọng là trở thành Alter Christus (Chúa Kitô thứ hai) và thành những thừa tác viên của Lời Chúa, Mình và Máu Thánh Chúa và Ơn Tha Thứ của Ngài.

Linh mục phải là một Người cho tha nhân tức là một người hoàn toàn tận tụy đối với các tín hữu trẻ cũng như già, được ủy thác cho mình săn sóc mục vụ, và tất cả những người mà Chúa Giêsu đã muốn đồng hóa với họ hoặc đã chứng tỏ lòng từ nhân đối với họ: nhất là những người tội lỗi và người nghèo, các bệnh nhân và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, các góa phụ, trẻ em và những con chiên chưa thuộc về đoàn chiên của Chúa (Xc Ga 10,16).

(Có thể đọc trọn bài tại: http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=82435)

 IV. MỘT GƯƠNG LINH MỤC VIỆT-NAM.

Nhân dịp ‘Năm Thánh Linh mục’, mạng lưới nhiều Giáo phận đã phổ biến ‘Chân dung Linh mục Việt-Nam: Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh’. Năm 1930, thầy Vinh được cố Hương dẫn sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Ngày 20-6-1940, thầy được thụ phong linh mục ở Limoges. Năm 1947 Cha Vinh về nước, nhằm góp sức xây dựng một Giáo hội Công giáo Việt-Nam vững mạnh về mọi mặt. Khi ấy, Đức cha François Chaize - Thịnh, Bề trên Ðịa Giáo phận đã bổ nhiệm Cha làm cha xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội.

Cha Vinh, dù Pháp học nhưng có tinh thần yêu nước và độc lập. Năm 1951, Nhà Thờ Lớn Hà Nội tổ chức lễ an táng cho Bernard, con trai tướng De Lattre de Tassigny. Trong Thánh lễ, tướng De Lattre đòi đặt ghế của ông trên cung thánh. Nhưng Cha Vinh cương quyết không chịu. Vị tướng đập bàn quát tháo, đe dọa. Cha Vinh cũng đập bàn, lớn tiếng đáp lại, quyết không nhượng bộ. Sau vụ đó, để tránh căng thẳng, Đức Cha Trịnh như Khuê đã chuyển cha Vinh làm giáo sư của Tiểu Chủng Viện Piô XII.

Năm 1954, Đức cha Khuê cho phép cha Vinh và cha Nhân đưa chủng sinh đi Nam, nhưng cả hai đều xin ở lại sống chết với giáo phận Hà Nội, dù biết hoàn cảnh đầy khó khăn, nguy hiểm. Đức cha Khuê bổ nhiệm Cha làm Cha Chính. Cha tổ chức lớp học giáo lý cho các giới tại Tòa Giám Mục với kết quả rất lớn, chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động vì lý do an ninh. Khi cha Vinh đang làm Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc, Chính phủ ra chỉ thị phải treo ảnh lãnh tụ thay vào Thánh Giá ở các lớp học. Cha không tuyên đọc chỉ thị cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm 1957, trường bị đóng cửa.

Khi Đại học Y khoa Hà nội thiếu giáo sư, Đức cha cử Cha đến dạy La tinh. Một hôm, Thủ tướng Trung quốc Chu ân Lai, đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông nói: « Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại học quốc gia ư? ». Ít lâu sau trường Đại học Y khoa không mời Cha dạy nữa.

Năm 1957, Nhà nước muốn tỏ cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là ở Việt-Nam Đạo Công giáo tự do hành đạo, và tổ chức được những lễ nghi long trọng, tưng bừng. Dịp lễ Noel, chính quyền tự động cho người đến chăng dây, kết đèn quanh Nhà Thờ Lớn, sau lễ họ vào đòi nhà xứ Hà nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công. Năm 1958 cũng thế, gần đến lễ Noel, không hề hỏi han, xin phép, một số người của Nhà nước ngang nhiên đưa xe ô tô chuyển vật liệu, tự động bắc thang, chăng dây treo bóng điện màu trang trí ở mặt tiền và trên hai tháp Nhà Thờ Lớn. Cha xứ thời đó là cha Trịnh văn Căn bảo vệ chủ quyền Giáo hội trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Để phản đối, cha Căn liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân kéo đến quảng trường nhà thờ rất đông ủng hộ Cha xứ, hai bên to tiếng. Cha Căn gọi Cha Vinh ra can thiệp, sau một hồi tranh luận không kết quả, Cha Vinh kéo những người của Nhà nước đang leo thang chăng đèn xuống, rồi chính Cha leo lên thang, hai tay đưa cao trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt cho nhau, làm dấu hiệu còng tay số 8, và nói lớn: ‘Tự do thế này!’. Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt buổi sáng, công cuộc trang trí không thành.

Cha Căn, cha Vinh cùng một số giáo dân bị cơ quan an ninh thẩm vấn, đem ra xét xử. Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên án: Cha Căn chịu án 12 tháng tù treo. Cha Chính Vinh chịu án 18 tháng tù giam với tội danh: ‘Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân’ (!). Sau phiên tòa, Cha Vinh bị đưa đi giam ở Hỏa Lò, sau bị chuyển đi nhiều trại giam khác như Chợ Ngọc, Yên Bái và ‘Cổng Trời’ dành cho các tù nhân tử tội.

Khi mới đến trại Yên Bái, Cha Vinh còn được ở chung với các tù nhân khác, nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ đến xin cha giải tội, vì thế Cha bị kỷ luật, bị biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối. Mấy tháng sau được ra, Cha lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi: « Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh tiếp tục phạm quy? ». Cha đáp: « Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình! ».

Ở tù đói rét là đương nhiên, lúc nào cũng đói, hằng ngày mỗi bữa một bát sắn độn cơm, ăn với lá bắp cải già nấu muối, khi chia cơm phải cân đong từng chút một... Một lần, Cha Vinh nhận được gói bưu kiện do Cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi tới, Cha đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công giáo lẫn lương dân, ăn chung, dùng chung. Anh em tù hình sự thân thương gọi Cha là ‘bố’. Trong tù, Cha Vinh vẫn can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, Cha lên tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, Cha đưa tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó, có tiếng đồn Cha giỏi võ, mọi người phải nể vì.

Một cán bộ cao cấp ở Hà nội lên Cổng Trời gặp Cha và nói: “Đảng và Chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn thế Vịnh (Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Công giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà nội ngay bây giờ với tôi”. Cha khẳng khái đáp: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi”. Vì không khuất phục được Cha, nên bản án của Cha từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã biến thành 12 năm tù kiên giam, xà lim biệt giam và án tử. Năm 1971, khi Cha từ trần không ai được biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức cha Khuê và Cha Cương quản lý Nhà Chung: « Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh! ».

Suốt đời mình, trong mọi tình huống Cha Chính Vinh làm trọn trách vụ Linh mục: rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Đức Tin, khi thuận tiện cũng như khó khăn. Vượt mọi thử thách gian khó, không chịu khuất phục trước cường quyền, luôn trung kiên với Thiên Chúa và Giáo hội. Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một Linh mục Công giáo Việt-Nam, hậu thế kính tôn và ghi ân Cha.

‘Ủy ban Liên lạc Công giáo’ tiếp tay cộng sản đã làm Quê hương mất đi một nhân tài và Giáo hội mất đi một Alter Christus Việt-Nam xứng danh?

V. NHÓM LINH MỤC ‘YÊU NƯỚC’?

Tiếp nối ‘Ủy ban Liên lạc Công giáo’ nói trên, sau ngày 30.04.1975, các linh mục tự cho là ‘yêu nước’ này nhờ tay Chính quyền mới để áp lực Đức cha Phaolô Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Sài gòn và đe dọa các Linh mục khác. Các áp lực và đe dọa nầy đã được trả bằng lương bổng do người dân lao động đóng thuế thì làm sao nói là họ và các nam nữ tu sĩ khác có thể đồng hành với Dân tộc. Đức cố Tổng Giám mục Sài gòn là một vị Mục tử nhân lành, chỉ muốn sự an hòa nơi Dân tộc, trên thuận dưới hòa trong Tổng Giáo phận đã nhận lãnh bao nhiêu ép buộc đau đớn từ nhóm linh mục này. Gần đến khi được gọi về Nhà Cha, vị Tổng Giám mục khả ái nói vẫn còn sợ cộng sản, những linh mục quốc doanh vây quanh Ngài.

Tháng 11.1983, ‘Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước’ được Đảng cho phép thành lập và là thành viên Mặt trận Tổ quốc. Các linh mục ‘quốc doanh’ bị nhiều người phê phán có phải yêu nước là độc quyền của mấy vị trong ủy ban nên nó lại được đổi tên là ‘Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt-Nam’ (UBĐKCGVN) từ tháng 10.1990 và được Chính phủ phê duyệt qua công văn 180/TG-CP ký ngày 22.05.1991… Từ đó, các linh mục này hết yêu nước.

Do tham gia UBĐKCGVN, linh mục Nguyễn văn Bính phải bị phạt treo chén. Linh mục Huỳnh công Minh, đại biểu Quốc hội, đến gặp Đức cha Philipphê Nguyễn kim Điền, Tổng Giám mục Huế để xin tha vạ cho linh mục Bính. Đức cha thẳng thắn trả lời rằng người muốn tha phạt cho linh mục Bính nhất là Tổng Giám mục Huế. Tuy nhiên, là linh mục, chắc linh mục Huỳnh công Minh dư biết rằng linh mục Bính không dốc lòng chừa thì làm sao và ai có thể tha được khi linh mục Bính lỗi luật của Hội Thánh. Giờ phút nào linh mục Bính không theo UBĐKCGVN nữa thì tức khắc được tha vạ ngay.

Sau đó, Đức cha Điền bị bắt đi làm việc tại sở công an Bình Trị Thiên, trong hai đợt, khoảng 120 ngày như thư Đức cha gởi cho Ban Việt ngữ hai đài Vatican và Veritas ngày 10.05.1985. Đức cha bị đầu độc ngày 06 và chấm dứt cuộc lữ thứ trần gian ngày 08.06.1988.

(Ngày nay, Linh mục Bính đã rời UBĐKCGVN và được Ðức cha Stêphanô Nguyễn như Thể tha phạt.)

Trong một bài phỏng vấn của báo Eglises d’Asie (Pháp quốc) số 95, tháng 09.1990, khi được hỏi: «Thưa Đức cha, có bao nhiêu Linh mục trong UBĐKCG? », Đức cha Nguyễn văn Bình đã trả lời: « Có lẽ có tất cả chừng 30 người. Nhưng thực tế, chỉ có 5 hay 6 người những người khác chẳng mấy quan tâm đến Ủy ban. Họ là những Linh mục làm việc trong các giáo xứ. Thỉnh thoảng họ tới dự một phiên họp thế thôi. »

Năm hay sáu người Đức cha nói đó là ai ? Trong lá thư đề ngày 25.12.1997 để báo cáo (hay mét) với lãnh đạo Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo TP. Hồ chí Minh về Phan khắc Từ và Trương bá Cần, Vương đình Bích viết: « Tôi thành khẩn nói rõ với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên cứu (bị Phan khắc Từ giải tán, vì vấn đề tiền bạc), mà là Nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh, Cần, Từ, Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động Phong trào Công giáo Yêu nước tại Thành phố này… ». Khi trả lời báo ‘Sài Gòn giải phóng’ ngày 29.04.1995, Đức cha Nguyễn văn Bình đã đề nghị các linh mục, tu sĩ rút dần ra khỏi UBĐK vì ‘nòng cốt phải là giáo dân. Các linh mục, tu sĩ chỉ nên có mặt ở mức độ cần thiết’.

Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận (khi đó là Đức Tổng Giám mục phó Sàigòn, nhưng Nhà nước Việt-Nam không cho Người trở lại Quê hương, sau khi đến Rôma) đã trả lời phỏng vấn của ông Jacques Berset, Giám đốc Thông tấn xã Công giáo APIC (Thụy sĩ) ngày 20.10.1993 và báo ‘La Croix’ (Pháp) ngày 29.10.1993 về những tín hữu Công giáo cộng tác với Nhà nước cộng sản như sau (xin tóm tắc):

«Điều chắc chắn là Giáo hội Việt-Nam phải tiếp tục làm việc và sống. Từ bên ngoài, khó phán đoán những người Công giáo cộng tác với chính quyền, nhất là khi tất cả đều biến chuyển mau lẹ. Tôi không thể phán đoán vì tôi đã rời nước từ nhiều năm nay. Họ có những lý do của họ: một số người tự nguyện cộng tác, một số vì lòng ngay và tìm một phương thế để thích ứng với thực trạng, để tìm sự dễ dãi cho việc mục vụ, để tránh những hạch sách, trong khi những người khác hoàn toàn chỉ là người xu thời. Không nên lên án tất cả những người ấy. Đối với tôi, điều quan trọng là ý kiến của Tòa Thánh, và Tòa Thánh dạy phải tuân theo luật Chúa."

Đây là lời khuyên nhắc chân thành gởi đến mọi Giáo sĩ chứa chan công bằng, bao dung, che chở, phát xuất từ tấm lòng của một vị Mục tử nhân từ, thánh thiện. Qua lời của Đức cha, chúng ta thấy có ba hạng người đang nhân danh Công giáo để hợp tác với bạo quyền cộng sản: 1) những người tự nguyện theo chủ thuyết Mác-Lê, như đảng viên hay bị cộng sản gài vào thế chẳng đặng đừng phải chạy theo chúng; 2) Những người tạm thời chấp nhận thỏa hiệp để mong tìm sự dễ dãi cho những công việc mục vụ; 3) những thành phần xu thời, còn gọi là ‘cách mạng 30’.

‘Thành phần xu thời’ này, dưới sự chỉ huy của các linh mục ‘yêu nước’, muốn lập công đầu, đã có những hành vi vô lễ với Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre, vị Đại diện Đức Thánh Cha tại Sài gòn, ngày 14.05.1975. Ngày nay, 35 năm sau, có người cho rằng đó là hành động của các giáo dân. Tại sao phải đợi đến khi Đức ông Vinh sơn Trần ngọc Thụ, Thư ký Đức Khâm sứ Tòa Thánh lúc đó, về Nhà Cha mới lên tiếng biện minh?

Chúng ta lưu ý: Ngày 11.03.1955, khi Ủy ban Liên lạc Công giáo khai mạc phiên họp tại Hà nội, Đức cha John Dooley, Khâm sứ Tòa Thánh đã gửi văn thư số 1024/89 cho các Đức cha Đại diện Tòa Thánh Địa phận ở Bắc Việt-Nam viết: « Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, tôi có bổn phận cho các Đấng bậc trong Giáo hội hay rằng, những hoạt động này đều ở bên ngoài hệ thống của Giáo hội, không được phép của Đấng bản quyền ‘Các linh mục có trách nhiệm trong các hoạt động ấy ở trong hoàn cảnh không hợp lệ ». Sau đó, Đức Hồng y Fumasoni Biondi, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo gửi văn thư số 1810/55 ngày 07.05.1955 cho các Đức cha ở Việt-Nam: « Thánh bộ Truyền giáo không thể giấu anh em nỗi lo buồn tận đáy lòng khi hay tin các linh mục sai lầm vì lòng ngay hay vì theo học thuyết mới và sai lạc. Họ đã họp nhau một cách ‘vượt quyền các Đức cha’ trong một hội nghị, mang tên ‘hòa bình’. Do đó, họ đã tự đặt mình làm những cổ động viên và bảo vệ một phong trào đầy nguy hiểm cho sự hợp nhất của Giáo hội tại Đông dương. Thánh bộ nhắc nhở: Vậy nếu thiếu tinh thần kỷ luật, hay thiếu sót trong sự vâng lời các Đức cha thì mối dây hợp nhất sẽ căng ra và đứt. »

Trong văn thư đề ngày 20.05.1992 gửi Đức cha Nguyễn minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt-Nam, Đức Hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết: « Một tổ chức vừa có tính chất công dân, vừa có tính chất chính trị có nguy cơ gây lẫn lộn giữa giáo hội và tổ chức chính trị ». Văn thư được gởi có đính kèm ‘Bản tuyên bố của Thánh bộ Giáo sĩ’ ngày 08.03.1982 liên quan tới hai điều khoản Giáo luật 278 §3 và 285 §3 cùng một bài quảng diễn Bản tuyên bố đó trên nhật báo Observatore Romano ngày 18.04.1982. Sau đó, trong lễ tấn phong Giám mục cho Ðức cha Cao Đình Thuyên tại Vinh ngày 19.11-1992, Đức cha Nguyễn minh Nhật đã trao đổi với các Giám mục và đề nghị các Giám mục chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức UBĐKCG trong Giáo phận mình.

Ngoài ra, còn có các linh mục đại biểu Quốc hội và thành viên các Uũy ban nhân dân thành phố, tỉnh, quận, huyện, v.v.. không phù hợp với những phẩm giá cao trọng Chúa đã ban cho Linh mục, những Alter Christus (Chúa Kitô thứ hai) như lời Đức Hồng y Ivan Dias, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, nói trên.

Hà Minh Thảo


CÔNG GIÁO KHÔNG THAM GIA CHÁNH TRỊ ? (3)
(Tiếp theo và hết)

VI. ĐỐI THOẠI.

1.- Định nghĩa.

Về từ ngữ, ‘đối’ có nghĩa là ‘qua lại’ hoặc ‘ngược nhau’. Thí dụ: đối đầu, đối thủ hay câu đối… và ‘thoại’ có nghĩa là ‘nói’. Do đó, ‘đối thoại’ là nói qua lại hay nói ngược nhau. Chỉ đề cập đến ‘đối thoại’ khi có sự đối lập hay, ít ra là sự khác biệt. Như vậy, sự ‘đối thoại’ gồm có 3 phần liên quan với nhau và hỗ trợ cho nhau: nói (cần có người nghe); nghe (khi người khác nói) để hiểu nhau và thông cảm.

Chỉ có thể đối thoại khi người ta có thể hiểu nhau và thông cảm nhau. Do đó, muốn đối thoại thì hai bên phải hiểu tiếng nói của nhau. Thí dụ: những chữ ‘chủ nghĩa cộng sản’ không có cùng nghĩa với nhau giữa một đảng viên cộng sản, cụm từ đó mang lại sự cao đẹp, và một người ‘chống cộng’ thì những chữ đó bao gồm các điều xấu xa (chúng ta gọi đây là phần truyền cảm). Khi cụm từ đó được nghĩ chỉ là danh xưng của một chủ nghĩa như bao chủ nghĩa khác (chúng ta gọi đây là phần truyền tin). ‘Phần truyền tin’ không có vấn đề trong việc đối thoại, nhưng ‘Phần truyền cảm’ thì gây nhiều rắc rối vì, có thể, hai bên không hiểu như nhau về một từ ngữ.

Những từ ngữ để đối thoại được gợi lên trong tim óc người đối thoại những hình ảnh giống nhau hay, ít ra, biết và hiểu những tình cảm mà từ (hay ‘cụm từ’) ấy gợi lên trong tim óc của người mình đối thoại và tôn trọng những tình cảm đó.

Chúng ta đừng lộn ‘đối thoại’ với ‘sự thỏa hiệp’ vì ‘sự thỏa hiệp’ là mỗi bên nhượng bộ một phần cái lý của mình để những bên cùng có lợi. Còn được gọi là ‘sự mặc cả’ hay ‘sự thương lượng’.

2.- Đối thoại theo quan điểm của Giáo hội Công giáo.

Đối thoại là để đi đến một Sự thật có thể khác hơn là điều mình tưởng. Do đó, muốn có đối thoại, các người tham gia phải sẳn sàng để thay đổi cách nhìn hầu đi đến một Sự thật cao hơn. Ai không chấp nhận thay đổi, người ấy không thể nào đối thoại, mà chỉ dùng đối thoại như một chiến thuật để áp đặt ý kiến của mình. Tông huấn ‘Giáo hội tại Á châu’ (Ecclesia in Asia), nơi đoạn số 29, chúng ta có thể đọc: « Kể từ Công đồng (Vaticanô II), Giáo hội luôn tỏ ra rằng mình muốn theo đuổi mối tương quan đó trong tinh thần đối thoại. Tuy nhiên ước muốn đối thoại không phải đơn thuần là một chiến lược để chung sống hoà bình giữa các dân tộc, nó còn là một phần chủ yếu của sứ mạng Giáo hội, bởi vì nó bắt nguồn từ sự đối thoại cứu rỗi đầy yêu thương của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần. »

Sự khó khăn là có những người nhất định ‘giữ vững lập trường’ và đối thoại với quyết tâm thay đổi người khác bằng mọi giá mà không hề nghĩ rằng mình cần thay đổi cái nhìn của mình.

Đối thoại không phải là chỉ là ‘nói’ nhưng còn nhiều hình thức khác như đối thoại bằng đời sống, bằng hành động, bằng chia sẽ kinh nghiệm và bằng trao đổi ngôn ngữ như Giáo hội đề nghị trong văn kiện Tòa Thánh ‘Đối Thoại và Rao Truyền’.

‘Đối thoại?’ là tựa đề một bài được ký tên Lykhách mà chúng tôi đã tìm thấy trên mạng ‘VietCatholic News’ ngày 03.08.2010 và xin mời chúng ta cùng đọc:

Đối thoại từ đâu?

Đối thoại bắt đầu từ nhìn nhận một Sự thật
Của hai đối tượng có hai lối nhìn tuy bất nhất
Chấp nhận cái được người - có thể cái mình mất
Hơn thua không cần - nhưng chân thật cùng nhau
Dĩ nhiên đối thoại không cần thiết phải đối đầu
Nhưng đối thoại cũng không khẩn cầu quanh co
Sự thật là gì - phải gọi chính danh của nó
Dù sự thật nghẹn ngào - sự thật chẳng thơm tho…

Khi nhân danh đối thoại nhưng sự thật bị ruồng bỏ
Nhân danh khôn ngoan: sự thật chỉ cần biết nhóm nhỏ
Nhân danh nhạy cảm: sự thật lộ liễu không nên nói rõ
Nhân danh đại diện: mặc cả lợi riêng trên bất công, đau khổ
Thì đối thoại chỉ thực sự là: một bên xin - một bên cho!
Một bên sợ - một bên nói cho có!
Để chia chác lợi quyền, nhân nghĩa diễn trò!

Đối thoại thành thật ý cần sáng tỏ
Đối thoại công bình không cần xin xỏ
Đối thoại khôn ngoan không cau có
Đối thoại ngay thẳng không bỏ nhỏ
Không bé xé to
Không to hóa nhỏ
Không không là có
Không có là không.

Chấp nhận đối thoại nghĩa chấp nhận bất đồng
Chấp nhận dị biệt nhưng nhất trí khai thông
Đối thoại là việc của lý trí tìm chân lý
Của trái tim hướng về thiện mỹ
Nên đối thoại tự có định luật bất di:
Trước khi đối thoại có giá trị:
Phải đối thoại trong lẽ công lý,
Khi công bình chưa được thực thi
Thì bác ái là mỹ từ vô giá trị
Như đồ tể cao rao lời từ bi!

Những ai có thể đứng ra đối thoại?
Kẻ biết lắng nghe - và dám lên tiếng nói
Chẳng sợ cường quyền - biết xót đau khổ con người
Đối thoại chân thành phải lắng nghe những kiếp đời thấp nhất
Để kẻ trên cao biết đâu là sự thật
Sự thật đất nước, con người:
Những sự thật đầy nước mắt mồ hôi
Những sự thật đọa đày thế côi đau khổ
Những sự thật bị chôn vùi cuồng nộ
Những sự thật bị uy quyền báng bổ
Những sự thật khốn cùng trăn trở
Những sự thật nguy cơ nô lệ
Những sự thật chờ đợi nín thở, thờ ơ…

Lương tâm thời đại dần hóa cằn khô
Tai mắt quen tham nhũng - nhìn chân tay hối lộ
Hóa trơ lì, mất khả năng xấu hổ
Hóa vô cảm, vô lương, vô hậu, vô tình
Dối trá được a-dua bởi im lặng đồng minh
Đối thoại cầm hơi kéo dài dã tâm thôn tính
Khi sự thật non sông cần phải được nói đến
Sự thật tình người lại càng chẳng thể quên

Đối thoại chăng? trước khổ đau anh em mà câm nín?
Đối thoại chăng? trước bất công khuyên anh em nhẫn nhịn
Đối thoại chăng? khi trên thì gian tham dưới thì xu nịnh
Đối thoại được chăng - hay lên tiếng biểu đồng tình?
Để thét giùm cho những miệng bị uy quyền bịt kín
Để nói giùm những kẻ có miệng nói lại làm thinh?

Hạ tắc loạn luôn bởi thượng bất chính
Dân tộc tối tăm vì sự thật chẳng dám cùng nhìn
Lòng người rã rời vì kẻ càng cao càng bất nhân toan tính
Tình người hụt hơi bởi đồng tiền lên ngôi bá chủ nhân sinh!
Sẽ ra sao nếu chúng ta tiếp tục nín thinh?
Loay hoay - đối thoại - đối đầu - hay tiếp tục câm nín?!

3. Hướng dẫn quý giá cho người Công giáo Việt-Nam.

Trong hai Huấn từ ngày 22.01.2002 và ngày 27.06.2009, khoảng cách thời gian gần 7 năm rưỡi, hai Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II và Biển Đức XVI đều nhắc đến ‘sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị’.

Năm 2002, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã viết: « Giáo hội Công giáo cũng được kêu gọi chia sẻ niềm Hy vọng bằng luôn đề xuất con đường đối thoại. Chỉ một cuộc đối thoại tín nhiệm và xây dựng giữa các thành phần của xã hội dân sự cũng đủ mở ra một niềm Hy vọng mới cho toàn dân Việt-Nam.

Giáo hội, vì sứ mạng và chức năng mình, Giáo hội không lẫn lộn với một cộng đồng chánh trị và không bị gắn liền với bất cứ hệ thống chánh trị nào. Bởi thế ‘cộng đồng chánh trị và Giáo hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình’. Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu ‘cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau’. Vì ‘sự hợp tác lành mạnh nầy’, Giáo hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. »

Ngày 27.06.2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói với 29 Giám mục Việt-Nam: « Cũng như tôi, Anh Em biết rằng một sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị là điều có thể. Về vấn đề này, Giáo hội mời gọi mọi phần tử của mình hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội công chính, liên đới và công bằng. Giáo hội không hề muốn thay thế các vị hữu trách chính quyền, nhưng chỉ mong muốn có thể tham gia chính đáng vào đời sống quốc gia, trong tinh thần đối thoại và cộng tác tôn trọng, để phục vụ toàn dân. Khi tích cực tham dự vào chỗ đứng của mình và theo ơn gọi đặc thù, Giáo hội không bao giờ có thể châm chước cho mình việc thực thi Bác ái trong tư cách là một hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và mặt khác, sẽ không bao giờ có một tình trạng trong đó người ta không cần lòng Bác ái của mỗi Kitô hữu, vì con người, ngoài sự công bằng, vẫn luôn cần tình thương (Deus caritas est, số 29). »

Thật đáng tiếc: gần 7 năm rưỡi đã trôi qua và chưa biết đến bao lâu, đảng Cộng sản vẫn từ chối ‘sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị’ để phát triển toàn diện con người Việt-Nam và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. Nhờ thế, và chỉ nhờ thế, toàn dân Việt-Nam mới có thể chống ngoại xâm.

Trong nhiệm vụ Giáo dục, các trường Công giáo, từ mẫu giáo đến đại học, đã đào tạo bao nhiêu chuyên viên các ngành cho Việt-Nam. Sau ngày 30.04.1975, các cơ sở giáo dục này bị ‘mượn’ và, đến nay, nhiều nơi đã biến thành những nơi ăn chơi, nhảy nhót hay nhà ngủ. Hậu quả tất yếu là bao nhiêu trẻ em phải bỏ học và nền Giáo dục đã đi đến chổ mà báo chí quốc doanh không ngừng lên tiếng báo động. Thậm chí, trong ý nghĩ của nhiều người, ‘giáo dục Việt nam’ đồng nghĩa với ‘giáo dục xuống cấp’.

Thời gian vẫn tiếp tục trôi qua… Ngày mai, Giáo sử Việt-Nam sẽ ghi những Sự thật nào cho Năm Thánh 2010 với chủ đề Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ ?

Chúng tôi nhớ lại: Nhật báo ‘La Croix’ (Thánh Giá), phát hành tại Pháp quốc ngày 23.01.2002, dưới tựa đề « Jean-Paul II encourage les évêques vietnamiens qu''il juge ‘exemplaires' » (Gioan-Phaolô II khích lệ các Giám mục Việt-Nam mà Ngài cho là ‘mẫu mực’), đặc phái viên thường trực đã nhắc lại cuộc thăm viếng ‘ad limina’ đầy đủ các Giám mục Việt-Nam tại Rôma. Ngày 03.07.2010, Đức cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt-Nam, nhẹ nhàng khước từ trả lời phóng viên báo ‘La Croix’ khi nói: « Xin hiểu cho tôi, nếu tôi từ chối mọi cuộc phỏng vấn, là vì điều tốt cho Giáo hội. Trong mọi hoàn cảnh, mỗi lời nói có thể bị giải thích sai. » (xem báo ‘La Croix’ ngày 05.07.2010). Tại sao, ngày nay, người Việt Công giáo không còn có cùng một ‘phần truyền cảm’ về các từ ngữ ?

  VII. TÓM TẮT.

1.- ‘Đức Thánh Cha khuyến khích giáo dân dấn thân chính trị’ là điều thật phù hợp với lời dạy của Công Đồng Vatican II khi các Nghị phụ quả quyết: « Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của giáo dân » (Ánh Sáng Muôn Dân, số 31).

Tuy nhiên, khi dấn thân chính trị, giáo dân cần lưu ý: Tính cách trần thế là ở giữa trần thế, sống với đời sống của trần thế và sống cho trần thế, nghĩa là không phải sống bị lôi cuốn theo các chiều hướng xấu của trần thế, trái lại, để cải hóa trần thế theo tinh thần của Chúa Kitô, như Ngài đã căn dặn: « Chúng con là muối đất… chúng con là ánh sáng của thế gian » (Mt 5: 16)

Để giúp giáo dân dấn thân chính trị, ngoài Tin Mừng Đức Kitô, Giáo hội còn có Học thuyết xã hội, luôn được cập nhật để thích hợp với mọi hoàn cảnh và thời gian.

Nhưng, Giáo hội không muốn các giáo sĩ dấn thân chính trị thể hiện qua những ấn định nơi điều 285 và điều 287 Giáo luật. Giáo hội tôn trọng tự do của các giáo sĩ muốn tham gia chính trường bằng chỉ yêu cầu các vị này ngưng thi hành thánh chức như trường hợp Linh mục Jean-Bertrand Aristide làm Tổng thống ở Haiti hay Đức cha Fernando Lugo làm Tổng thống ở Paraguay. Sự thật ở Việt-Nam là các linh mục quốc doanh, đại biểu Quốc hội hay nghị viên các Hội đồng nhân dân sẽ không bao giờ được sự tín nhiệm của cử tri vào các chức vụ này mà chỉ vì họ được lòng các đảng viên mà thôi. Đây là ‘làm chính trị đảng phái’ chính hiệu.

Một sự thật khác là đảng chỉ ‘xài’ các linh mục này trong Ủy ban đoàn kết công giáo khi chưa có Đức cha nào tham gia mà thôi. Điều đó cho thấy sự ảo vọng của những ai nghĩ đảng giúp người Công giáo hay mong các linh mục ‘yêu nước’ xây dựng Hội thánh trung thành với Đức Kitô và Đức Thánh Cha.

2.- Về danh xưng Công giáo.

Giáo dân dân dấn thân chính trị xã hội không cần xưng danh Công giáo hay phủ nhận mình là người Công giáo. Trong thí dụ nơi Chương III số 2, khi Thượng nghị viện phản đối ‘Sắc luật Thuế kiệm ước’ của Chánh phủ, Chủ tịch Nguyễn văn Huyền đã lên án sự vi hiến của Sắc luật này trên màn ảnh Truyền hình Việt-Nam. Sau đó, nhờ tài hùng biện của một nghị sĩ luật sư khác, ông Nguyễn văn Chức, ngày 30.06.1970, Tối cao Pháp viện tuyên bố tiêu hủy ‘Sắc luật Thuế kiệm ước’ vì vi hiến. Trong tiến trình binh vực quyền người dân này, các nghị sĩ này đâu cần xưng danh Công giáo mà cử tri đều biết nhờ sự đồng lòng của các nghị sĩ Công giáo, bất phân đảng phái.

Đức Giám mục chính toà Giáo phận với tư cách là thầy dạy đạo lý, tác viên phụng tự và cai quản, có quyền tuyên bố với danh xưng Công giáo, tại Giáo phận mình.

Tuyên bố nhân danh Giáo hội Công giáo Việt-Nam là thẩm quyền của Đức Giám mục hay Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt-Nam hay Vị đại diện dự trù trong Qui chế Hội đồng Giám mục Việt-Nam.

Ước gì mỗi người Công giáo chúng ta nhận biết thế nào là ‘làm chính trị’ và thế nào là ‘không làm chính trị’ để góp phần xây dựng nền dân chủ cho xã hội Việt-Nam và giữ vững tình đoàn kết giữa các tín hữu Đức Kitô.

Hà Minh Thảo
VietCatholic News (18 Aug 2010 11:20)

Nguồn: http://www.vietcatholic.net





NGƯỜI TÍN HỮU CHÚA KI TÔ TRONG CHÍNH TRỊ

( Nota doctrinalis: Ghi chú tín lý về người tín hữu Chúa Ki Tô trong chính trị )
NGUYỄN HỌC TẬP

Ngày 16 tháng giêng 2003, trên 5 năm trươc đây, khi chúng tôi viết bài nầy, Thánh Bộ Đức Tin vừa ban hành một Văn Bản “Ghi Chú Tín Lý về những vấn đề liên quan đến việc dấn thân và cách cư xử của người công giáo trong chính trị ” L'Osservatore Romano, 17.1.2003).
Trước khi đề cập đến nội dung của Văn Bản trên, có lẽ chúng ta nên xác định từ ngữ và thời điểm Văn Bản được công bố để đánh giá một cách chính đáng hơn nội dung quan trọng mà Thánh Bộ Đức Tin muốn gởi đến mọi người công giáo trên thế giới.
Trước hết Văn Bản được công bố dưới hình thức “ Ghi Chú Tín Lý ” ( Nota doctrinalis).
Với hình thức vừa kể, “ Nota doctrinalis”, Thánh Bộ Tín Lý xác định tính cách quan trọng của nội dung được chứa trong Văn Bản.
Đây là những điều Giáo Hội muốn xác nhận có liên quan đến Tín Lý. Giáo Hội có ý tuyên bố dùng quyền giáo huấn của mình đối với các tín hữu Chúa Ki Tô, nhút là đối với người tín hữu giáo dân, là những người có phận vụ không ai có thể thay thế trong môi trường chính trị-xã hội, chớ không phải là những vấn đề đưa ra để hỏi ý kiến hay bàn cải (questio disputata).
Dưới dạng thức “ Ghi Chú Tín Lý ” như vừa nói, Giáo Hội công bố Văn Bản hàm chứa ý nghĩa có tính cách bắt buộc và các tín hữu phải lưu tâm, vì là những vấn đề liên quan đến Đức Tin.
Về thời gian tính, Ghi Chú Tín Lý được công bố ngày 16.01.2003, ngày lễ Chúa Giêsu là Vua Vũ Trụ
Có lẽ không mấy người trong chúng ta biết là ngày lễ long trọng mừng Chúa Giêsu là Vua Vũ Trụ, được Đức Giáo Hoàng Pio XI thiết lập năm 1925 với chủ ý tương đối hóa hai biến cố đánh dấu đặc biệt tình trạng chính trị lúc đó:
cuộc cách mạng Cộng Sản ở Nga 1919 được người Cộng Sản rầm rộ tuyên bố là “ vĩ đại ”
- và cuộc chiến thắng khải hoàn tràn vào Roma ( Marcia su Roma) của phe Phát Xít Ý, do Benito Mussolini lãnh đạo.
Hai ý thức hệ độc tài và phi dân chủ đó được đặt dưới chân Chúa Giêsu Vua, Vị lãnh đạo và Vua duy nhất của cả vũ trụ.
Chọn ngày 16.01, lễ Chúa Giêsu Vua, Giáo Hội có ý nhắc lại cho chúng ta rằng mọi quyền năng đều phát xuất từ Thiên Chúa:

- “ Omnis potestas a Deo ”.

Về nội dung, Văn Bản Ghi Chú Tín Lý được gởi đến những người tín hữu Chúa Ki Tô, người tín hữu giáo dân, đang dấn thân trong chính trị, không phải như là một bản văn nói lên mối tương quan giữa luân lý và chính trị, cho bằng có mục đích định hướng các tín hữu Chúa Ki Tô nói chung, đứng trước một vài vấn đề luân lý trong cuộc sống dân chủ:

- “ Xã hội văn minh của chúng ta hiện nay đang ở trong một chu kỳ văn hóa phức tạp, đánh dấu một thời đại vừa kết thúc và trạng thái bấp bênh của một thời đại mới vừa ló dạng ở chân trời. Nhiều cuộc chinh phục quan trọng mà chúng ta đang chứng kiến thúc đẩy con người bước đi trên con đường tích cực mà nhân loại đã thực hiện được những bước tiến hóa và đạt được những điều kiện sống xứng đáng cho con người hơn. Sự tăng trưởng ý thức trách nhiệm đối với các Quốc Gia chưa được phát triển là một dấu hiệu quan trọng, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta càng ngày càng có ý thức về công ích. Nhưng cùng chung với những bước tiến vừa kể, chúng ta không thể im lặng trước những mối nguy mà một vài khuynh hướng văn hóa đang muốn quy hướng các nền lập pháp và từ đó quy hướng cách cư xử của những thế hệ tương lai ” ( đoạn 2).

Giáo Hội không chối những tiến bộ mà nhân loại đã đạt được nhờ vào thể chế dân chủ càng ngày càng được bành trướng và lớn mạnh khắp nơi, nhưng đồng thời Giáo Hội nhận thấy rằng mình không thể nhắm mắt trước những khuynh hướng văn hóa đang đe dọa, lợi dụng những thành quả đã đạt được, để làm băng hoại thể chế nhân bản và dân chủ trong tương lai.
Từ đó đưa đến vấn đề quan niệm phải có, quan niệm phù hợp với đức tin của người tín hữu Chúa Ki Tô, nhứt là người tín hữu giáo dân, trong chính trị.
Một đàng, người tín hữu
- không thể không tham dự chính trị, vì chính trị - xã hội là môi trường đặc thù, mà ơn gọi dành riêng cho cuộc sống của người tín hữu giáo dân, kêu gọi phải thực hiện, để tổ chức cuộc sống cho mình và thực thi đức bác ái đối với anh em mình ( Gaudium et Spes, n. 75, in EV I / 1578).
Mình không dấn thân, chung sức với những người thành tâm thiện chí khác để thực hiện, có được đường lối chính trị Quốc Gia tổ chức cuộc sống tốt đẹp cho mình và cho đồng bào mình, kẻ khác lãnh đạo, hành xử, thực hiện sai trái lên đầu lên cổ mình và anh em đồng bào mình, thì rán chịu.
- đàng khác họ phải đối phó với những khuynh hướng văn hóa mơ hồ tối nghĩa, khiến những nhà làm luật có những chọn lựa cần phải đặt vấn đề hay khiến cho họ có những lựa chọn không thể chấp nhận được về phương diện luân lý.
Câu hỏi được đặt ra đối với người tín hữu Chúa Ki Tô trong chính trị là làm sao có thể trung thành với lương tâm của mình hay với những giá trị bất khả nhượng?
Do đó Văn Bản Ghi Chú Tín Lý được tuyên bố để làm sáng tỏ vấn đề.
Nội dung của Bản Ghi Chú Tín Lý được trình bày dưới bốn đề tài:
- tạo một tâm hồn luân lý cho chính trị,
- một vài định hướng trong môi trường dân chủ đa nguyên,
- bản tính Ki Tô giáo và gia nhập đảng phái chính trị,
- đặc tính trần thế của chính trị.

1 - Tạo một linh hồn luân lý cho thể chế dân chủ.
Bổn phận đầu tiên của người tín hữu Chúa Ki Tô là tạo một linh hồn luân lý cho thể chế dân chủ, hàn gắn sự rạn nứt nguy hiểm giữa luân lý và chính trị.
Thời kỳ vàng son của ý thức hệ không tưởng xã hội chủ nghĩa thực hữu ( socialismus realis) đã chấm dứt năm 1991, ít nhứt là đối với đại đa số các Quốc Gia trên thế giới, ý thức hệ duy nhứt hiện tại là thể chế dân chủ đa nguyên.
Nhưng với tư cách độc tôn hiện tại, thể chế dân chủ đa nguyên đang có khuynh hướng đồng nhất hóa các nền văn hóa khác, xoá bỏ đi không ít gia tài phong phú các giá trị về con người.
Nhược điểm của dân chủ tự do là pha lẩn tự do với tương đối hóa luân lý :
- mọi khuynh hướng chính trị, văn hóa, luân lý, tôn giáo đều được coi là có giá trị như nhau, chính đáng (légittime) như nhau,
- trong khi đó thì tự do là quyền có thể chọn lựa và hành động bất cứ những gì mình thích, chỉ có một giới hạn duy nhứt là tôn trọng tự do của người khác.
Bản Ghi Chú Tín Lý đứng tách rời quan niệm dân chủ nhân nhượng và cá nhân chủ nghĩa vừa kể, quả quyết rằng:

- “Tự do chính trị không phải, cũng như không thể được đặt trên nền tảng quan niệm tương đối chủ nghĩa, cho rằng mọi quan niệm về con người đều có giá trị chân lý như nhau và giá trị như nhau ” (đoạn 3).

Kinh nghiệm cho thấy rằng lý thuyết vừa kể thu hẹp đời sống nhân bản và dân chủ thành thực dụng hoàn toàn.
Các cơ chế Quốc Gia không còn hành xử một cách trong sáng để phục vụ công ích và trở thành dụng cụ của quyền lực và phe nhóm, làm mất đi tinh thần Quốc Gia đối với nguời lãnh đạo cũng như đối với dân chúng.
Từ những ý nghĩ vừa kể, chúng ta có thể kế luận rằng vấn đề dân chủ hiện tại là vấn đề luân lý.
Ngoài ra lý do phải tạo cho chính trị một linh hồn luân lý là do những đòi hỏi khẩn thiết trước những kết quả mà khoa học và kỹ thuật đã và đang đạt được:

- “ Những chinh phục mà khoa học đạt được, cho phép con người tiến đến được những mục đích làm cho lương tâm phải giao động và đòi hỏi phải tìm ra những giải đáp để đáp ứng một cách trung thực và chắc chắn những nguyên tắc luân lý. Nhưng trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến nhiều dự án pháp luật, bất kể đến sự sống còn và tương lai của nhiều dân tộc trong tiến trình phát triển văn hóa và nếp sống của mình, đang có ý định phá vở quyền bất khả xâm phạm của con người ” ( đoạn 4).

Nói một cách nôm na, bản Ghi Chú Tín Lý lưu ý người tín hữu về thể chế dân chủ tự do hiện tại, nhứt là tự do quá trớn của một vài trào lưu văn hóa không còn đếm xỉa đến điạ vị tối thượng của con người và đang đào thải tận gốc rể đời sống dân chủ, bằng cách đánh mất đi giá trị của những cứ điểm định chuẩn.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II, mười năm trước đây cũng đã đề cập đến những nguy hiểm vừa kể:

-“Ở nhiều quốc gia, sau sự sụp đổ của những ý thức hệ trói buộc chính trị vào quan niệm độc tài về thế giới - chủ thuyết Mát Xít là một trong những ý thức hệ đó - hiện nay một mối nguy hiểm khác không kém phần trầm trọng đang đe dọa, do quan niệm chối bỏ những quyền căn bản của phẩm giá con người . Đó là mối nguy cơ cấu kết giữa dân chủ và tương đối hóa luân lý. Mối nguy vừa kể xoá bỏ đi mọi cứ điểm định chuẩn luân lý và, tận cùng hơn nữa, mọi cứ điểm để có thể định chuẩn đâu là sự thật ” ( Thông Điệp Veritatis Splendor (1993), n. 101).

Với thái độ tương đối luân lý như vừa kể, mọi chuyện thoái hóa hủ bại là điều có thể xãy ra được:

- “ Nếu không có chân lý cuối cùng, để hướng dẫn và định hướng chính trị, mọi tư tưởng và mọi xác tín đều có thể trở thành dụng cụ để phục vụ quyền lục. Một thể chế dân chủ không có giá trị cần phải tôn trọng, là thể chế có thể biến thành ý thức hệ toàn trị hiển nhiên dễ dàng hay là một thể chế toàn trị ẩn nấp, như lịch sử chứng minh” ( ĐTC Gioan Phaolồ II, Centesimus Annus ( 1991), n. 46).

Và Ghi Chú Tín Lý giải thích thêm:

- “ một đàng, người dân có thể tự coi những lựa chọn luân lý của mình là những lựa chọn hoàn toàn tự lập, đàng khác các nhà lập pháp cho rằng họ tôn trọng quyền tự do lựa chọn vừa kể, khi họ soạn thảo ra những đạo luật mà không cần quan tâm gì đến các nguyên tắc luân lý tự nhiên, để biểu đồng tình với một vài khuynh hướng văn hóa hay luân lý tạm thời, làm như quan niệm nào liên quan đến đời sống đều có giá trị như nhau” ( Nota doctrinalis, đoạn 2).

Giáo Hội không hề nghi ngờ rằng thể chế dân chủ là một thể chế bảo đảm hữu hiệu hơn cho người dân tham gia vào đời sống chính trị của xứ sở. Tuy nhiên Giáo Hội không quên nhấn mạnh rằng không thể có dân chủ, nếu dân chủ không đặt nền tảng trên quan niệm đúng đắn về con người:

- “ Đối với nguyên tắc nầy - Ghi Chú Tín Lý xác quyết - người tín hữu Chúa Ki Tô dấn thân trong chính trị không thể có một nhân nhượng nào, nếu không, họ không đang làm chứng đức tin Ki Tô giáo nơi trần thế, thiếu sự hợp nhứt giữa các Ki Tô hữu với nhau và là thái độ bất nhất đối với lương tâm của chính họ(…).Chính sự tôn trọng đối với nhân vị làm cho người dân có thể tham gia thiết thực vào thể chế dân chủ ” ( đoạn 3).

Do đó trước những khuynh hướng tấn công chống lại phẩm giá con người, người tín hữu

- “có quyền và nhiệm vụ can thiệp để nhắc lại ý nghĩa sâu xa của đời sống và trách nhiệm mà mọi người phải có để bảo vệ” ( đoạn 4).

Điều đó có nghĩa là tạo một linh hồn luân lý cho thể chế dân chủ.


2 - Định hướng cho môi trường dân chủ đa nguyên.
Cũng chính những lý do đưa đến việc người tín hữu Chúa Ki Tô từ chối thái độ tương đối luân lý, là những lý do nền tảng cho quan niệm đa nguyên và đa dạng trong dân chủ.
Ghi Chú Tín Lý trình bày một sự phân biệt quan trọng:

- “ đa nguyên không liên hệ gì đến các nguyên tắc luân lý. Những nguyên tắc luân lý là những nguyên tắc phát xuất từ bản chất và do vai trò nền tảng cuộc sống xã hội, không thể “ mặc cả được” ( non negotiabilis)” ( đoạn 3).

Đa nguyên có thể hiểu

- “ là những chiến thuật chính trị khác nhau, do việc có thể cắt nghĩa nhiều cách khác nhau một vài nguyên tắc căn bản của lý thuyết chính trị, những kỹ thuật phức tạp cần thiết đối với phần lớn các vấn đề chính trị” ( id.).

Hiểu như vậy, đa dạng của các việc chọn lựa chính trị không những chính đáng, mà còn cần thiết cho đời sống dân chủ.
Bởi vì đa nguyên, đa dạng phát xuất từ chính bản thể của chính trị.
Chính trị được định nghĩa là là “ nghệ thuật của khả dĩ ” ( possibilitatis ars), bởi lẽ chính trị phải chạm trán và giải quyết những vấn đề phúc tạp, bị ảnh hưởng bởi nhiều điều kiện thực tế về xã hội, văn hóa, kinh tế và của nhiều lãnh vực khác nữa.
Ai có thể tự cho mình là nắm vững hết mọi khía cạnh của tình thế chính trị, nên để giải quyết không cần giải pháp nào khác hơn là giải pháp do chính mình đề ra?
Trong chính trường, để giải quyết một vấn đề có nhiều ý kiến chính tri khác nhau, nhiều khi đối ngược nhau, ngay cả giữa những người có cùng những ước vọng về giá trị và lý tưởng như nhau.
Do đó không ai có thể phủ nhận được

- “ tự do chính đáng của các tín hữu công giáo là có quyền chọn , giữa những khuynh hướng chính trị thích hợp với đức tin và lề luật luân lý, lựa chọn giải pháp nào theo tiêu chuẩn của mình thích hợp hơn cho các nhu cầu lợi ích chung ” ( đoạn 3).

Nhiệm vụ của người tín hữu Chúa Ki Tô phải
- hành động trung thực với đức tin và các nguyên tắc căn bản của luân lý,
- không cản trở họ có phán đoán khác nhau về phương thức thích hợp, mục đích ưu tiên, hiệu năng hay chuẩn định khôn ngoan đối với chương trình của chính đảng hay chính quyền.
Trên 30 năm qua, Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI cũng đã đề cập:

- “Trong các trường hợp thực tế và liên hệ đến tình liên đới trong kinh nghiệm sống của mỗi người, cần phải nhìn nhận tính cách chính đáng của các việc chọn lựa khác nhau. Một đức tin Ki Tô giáo duy nhất có thể hướng dẫn những cuộc dấn thân khác nhau” ( ĐTC Phaolồ VI, Octogesima Adveniens, n.50).

Cũng trong chiều hướng đó Ghi Chú Tín Lý xác định một cách rỏ rệt hơn:

- “Có thể có nhiều chính đảng, trong đó các Ki Tô hữu có thể chọn tranh đấu để thi hành quyền và nhiệm vụ xây dựng đời sống văn minh cho xứ sở họ” ( đoạn 3).

Việc chọn lựa đó tùy thuộc vào lương tâm và tính nhạy cảm về các vấn đề xã hội - văn hoá của mỗi người:

- “ Giáo Hội không có bổn phận đưa ra những giải pháp thực tế - càng không thể là những giải pháp duy nhứt - đối với các vấn đề trần thế mà Chúa giao cho trí phán đoán tự do và có trách nhiệm của mỗi người, mặc dầu Giáo Hội có quyền và nhiệm vụ đưa ra những phán đoán luân lý đối với những thực tại trần thế, khi đức tin và lề luật luân lý đòi buộc” ( id.).


3 - Bản tính Ki Tô giáo và gia nhập chính đảng.
Tuy nhiên đa nguyên đa dạng không có nghĩa là dững dưng, sao cũng được, khuynh hướng nào cũng được, " cộng sản hay không cộng sản cũng vậy ! ",
Bản tính Ki Tô giáo bó buộc rất rõ rệt. Do đó mặt dầu tính cách chính đáng của những lựa chọn khác nhau, nhưng cần phải ý thức rằng:

- không phải bất cứ chương trình , bất cứ chính đảng, bất khuynh hướng chính trị nào cũng phù hợp với cái nhìn Ki Tô giáo và với giáo huấn của Giáo Hội.

Điều đó đặt người Ki Tô hữu trước một vấn nạn hệ trong: làm thế nào có thể vẫn trung thành với bản tính Ki Tô giáo, với lý tưởng của mình, nếu mình thuộc về một chính đảng hay một khuynh hướng chính trị trong đó
- mình không được phép diển tả hoàn hảo các giá trị mà mình tôn trọng,
- trong đó sự tôn trọng phương thức dân chủ đặt mình trước những lựa chọn đối ngược lại những giá trị không thể từ chối được của mình, như :
* phẩm giá toàn diện con người,
*mạng sống con người,
* gia đình, giáo dục,
* tự do tôn giáo,
* hoà bình?

Ghi Chú Tín Lý đòi buộc người Ki Tô hữu phải can đảm làm chứng trước công chúng:

- “Người công giáo, trong trường hợp nầy, có quyền và bổn phận rõ ràng phải can thiệp để nói lên ý nghĩa sâu xa của đời sống và kêu gọi mọi người có trách nhiệm đối với đời sống. Người tín hữu Chúa Ki Tô có chính trách nhiệm bắt buộc phải chống lại mọi luật lệ đuợc coi là phương hại đến đời sống con người” ( đoạn 4),

Những nhân chứng thôi, chưa đủ!
Trong khi công khai xác nhận mình bất đồng ý kiến và tuyên bố hoàn toàn ủng hộ các giá trị luân lý không thể khước từ được, người Ki Tô hữu trong chính trị còn phải xử dụng những phương tiện mà thể thức dân chủ cho phép để đạt được kết quả thực tế tốt đẹp nhứt có thể trong những hoàn cảnh khác nhau.
Ghi Chú Tín Lý lấy lại lời giáo huấn của ĐTC Gioan Phaolồ II về đạo luật phá thai:

- “một nghị viên, mà chính kiến cá nhân của mình tuyệt đối chống lại phá thai rõ ràng được mọi người biết, có thể dành sự ủng hộ của mình một cách chính đáng cho những đạo luật nhằm hạn chế những tai hại của những đạo luật đó và giảm thiểu các hậu quả không tốt đẹp trên bình diện văn hóa và luân lý công cộng ” ( ĐTC Gioan Phaolồ II, Evangelium Vitae ( 1995), n.73).

Một hình thức xử dụng các phương tiện dân chủ khác một cách khôn ngoan được Đức Hồng Y Carlo Maria Martini bàn đến. Dĩ nhiên nguyên tắc luân lý là những nguyên tắc luân lý tuyệt đối , bất di dịch, và hành động chính trị phải bắt nguồn từ các nguyên tắc đó, nhưng cũng dĩ nhiên là

- “hành động chính trị ” không phải chỉ nhằm thực hiện tức thời các nguyên tắc luân lý tuyệt đối, mà là thực hiện được công ích cụ thể có thể trong một hoàn cảnh xác định ”
(Card. Carlo Maria Martini, “ La Politica, via alla santità” ( 1998), in Martini C.M., Il Padre di tutti. Lettere, discorsi e interventi 1998, Bologna, EDB, 1999, p.290).

Nói cách khác, hành động chính trị luôn luôn thực hiện công ích một cách tuần tự, tùy theo những điều kiện thực tế có thể của hoàn cảnh.
Người Ki Tô hữu có thể phạm một lỗi lầm to lớn, nếu từ bỏ chính trị vì sợ “ oen ố ” bản tính Ki Tô hữu của mình hoặc “ bế quan tỏa cảng” trong trạng thái đứng “tách biệt ngoạn mục và trong sáng”, từ chối mọi đối thoại và cả có thể đối chọi đối với bất cứ ai, " bịt mắt, bịt tai ", " ở xa không biết ", " thấy vậy, lách sang rồi bỏ đi luôn ":

- “những bước tiến tích cực, dẫu cho tuần tự, có giá trị hơn là sự đóng kín quyết liệt của những phán quyết: ”không”, bởi lẽ thái độ đó không lợi ích gì về lâu về dài. Không phải mọi bước tiến chậm chạp đều chắc chắn là một cuộc nhượng bộ, bỏ cuộc. Ngoài ra còn có cái nguy là, muốn được cái tối hảo, người ta có thể xuôi tay ngồi chờ làm cho tình trạng càng ngày càng biến thành tệ hại hơn cho cuộc sống xứng đáng với con người ” (Card. C.M. Martini, C'è un tempo per tacere e un tempo per parlare ( 1995), Centro Ambrosiano, Milano 1995, 22s).

" Đối thoại, ngồi chờ chớ không đối đầu ", " mặc cho ai sống chết mặc kệ " trước những bất công phải gánh chịu !

4 - Đặc tính trần thế của chính trị.
Làm thế nào để có phương cách hành xử hoà hợp giữa bổn phận phải trung thành với bản tính Ki Tô giáo và các quy tắc chính trị?
Đó là điều Ghi Chú Tín Lý tiến thêm một bước nữa để hướng dẫn người tín hữu trong chính trị.
Muốn có sự hòa hợp vừa kể, cần phải biết “ trung gian điều giải” ( mediatio) giữa luân lý, tín lý và chính trị, để tránh hình thức “ chế độ giáo phẩm trị ” ( clericalismus) của những ai muốn áp dụng trực tiếp các giá trị Ki Tô giáo vào lãnh vực trần thế.
Đàng khác cũng để tránh thái độ thụ động “ nằm khoanh vỏ ốc ” ( quicumquismus), hay " lách sang rồi bỏ đi luôn", vô trách nhiệm của thầy tư tế và thầy thông thái luật trong câu chuyện người Samaritano nhân lành ( Lc 10, 29-37), của những ai không còn đếm xĩa gì đến lương tâm, nhân nhượng trước quyền thế để được hưởng một vài ân huệ tức thời, mặc cho bất công và đau khổ của anh em.
Ghi Chú Tín Lý đứng tách biệt khỏi “ chế độ giáo phẩm trị ” cũng như “ thái độ nằm khoanh vỏ ốc” bằng cách tuyên bố lại những ý thức mới về tín lý và mục vụ của Công Đồng Vatican II, cũng như của các Vị Chủ Chăn , nhứt là về vấn đề xã hội.
Cũng như những thực tại trần thế khác, chính trị có đặc tính thế tục ( laicité) của mình: chính trị
- có công ích là mục đích,
- có những quy tắc và phương tiện tự lập theo luật tự nhiên của bản thể các vật thọ tạo trong lãnh vực trần thế,
- mà đức tin và lãnh vực siêu nhiên không thể can thiệp trực tiếp giúp đở gì được.

Từ đức tin chúng ta không thể rút ra trực tiếp một khuôn mẫu tổ chức xã hội, hợp pháp hay chính đảng.

Đức tin không thể bãi miễn cho người tín hữu trách nhiệm và mạo hiểm trong hoạt động chính trị, cũng như bãi miễn cho họ khỏi nhọc tâm tìm kiếm những cách thức “ trung gian điều giải” ( mediatio) mà cuộc sống chính trị đòi buộc.
Đó là ý nghĩa tại sao Hiến Chế Gaudium et Spes khuyên bảo người tín hữu giáo dân:

- “ Họ ( người tín hữu giáo dân) nên trông đợi ở các linh mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liệng. Nhưng họ đừng nghĩ rằng các chủ chăn của họ có thẩm quyền để đưa ra giải đáp thiết thực và lập tức đối với mọi vấn đề, ngay cả đối với vấn đề hệ trọng có thể xãy ra cũng vậy, hay đó là sứ mạng của các vị. Đúng hơn, được soi sáng bởi đức khôn ngoan Ki Tô giáo, luôn chú tâm một cách trung thành đến lời giảng huấn của chủ chăn, chính họ hãy đứng ra nhận lãnh trách nhiệm của mình” ( Gaudium et Spes, n.43,2).

Theo Ghi Chú Tín Lý thì đặc tính trần thế của lãnh vực thế tục là

- “đặc tính tự lập của lãnh vực dân sự và chính trị đối với lãnh vực tôn giáo và Giáo Hội , giá trị mà lãnh vực dân sự và chính trị đạt được và được Giáo Hội nhìn nhận và là thành phần mà kho tàng văn minh của con người có được” ( đoạn 6).

Bản Ghi Chú Tín Lý cũng ghi lại lời giảng huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II nhân Ngày Thế Giới Cho Hoà Bình:

- “ Đồng hóa lề luật tôn giáo với luật lệ dân sự là thực sự bóp nghẹt tự do tôn giáo và giới hạn hay không công nhận ngay cả các quyền bất khả nhượng của con người ” ( Giovanni Paolo II, Messaggio per la celebrazione della Giornata Mondiale della Pace 1991, IV, AAS 83 ( 1991), 410-421).
Và bản Ghi Chú Tín Lý kết luận:

-“Sự công nhận các quyền dân sự và chính trị cũng như cung cấp các phục vụ công cộng không thể bị ảnh hưởng bởi các xác tín hay các cách hành xử hiệu năng trong lãnh vực tôn giáo của nguời dân” ( đoạn 6).

Nói như vậy, bản Ghi Chú Tín Lý lưu ý, tự lập đối với lãnh vực tôn giáo không có nghĩa là tự lập đối với lãnh vực luân lý.
Các giá trị luân lý căn bản ( đối với đời sống xã hội, công bằng, tự do, hòa bình, tôn trọng đời sống và tôn trọng quyền các quyền khác, tôn trọng đối với nhân vị con người) phù hợp với tín lý Ki Tô giáo không có nghĩa là những giá trị đó đương nhiên trở thành những giá trị của “ chế độ giáo phẩm trị ” hay giảm bớt đi tính cách chính đáng (légitimité) dân sự và đặc tính trần thế ( laicité) của việc dấn thân chính trị.
Đàng khác, với những điều được gởi đến các tín hữu Chúa Ki Tô, Ghi Chú Tín Lý xác nhận:

- “ Các Chủ Chăn của Giáo Hội không có ý xử dụng quyền lực chính trị , cũng không có ý từ chối tự do của người tín hữu công giáo đối với các vấn đề trần thế. Trái lại các Ngài muốn, như là chính bổn phận của các Ngài đòi buộc, dạy dỗ và soi sáng lương tâm các tín hữu, nhứt là đối với những tín hữu dấn thân vào đời sống chính trị, để cho hành động của họ luôn luôn nhằm phục vụ thăng tiến toàn vẹn con người và công ích ” ( đoạn 6).

Do đó đặc tính trần thế và tự lập của người tín hữu Chúa Ki Tô, nhứt là người tín hữu giáo dân, dấn thân chính trị vẫn tồn tại nguyên vẹn.
Với một nhãn quang xa hơn nữa về tương lai, bản Ghi Chú Tín Lý khuyến khích người tín hữu trong chính trị có một cái nhìn mở rộng:

- “Không đầy đủ và hạn hẹp, nếu có ai nghĩ rằng việc dấn thân của người tín hữu chỉ đơn giản nhằm vào việc thay đổi các cơ chế hiện tại ” ( đoạn 7).

Người tín hữu

- không thể xoa tay thỏa mãn với việc đơn giản đạt là được kết quả nầy hay mục đích kia,
- mà không nghĩ gì đến việc phải tham gia vào việc soạn thảo dự án toàn phần để tổ chức xã hội ( id ).

Người tín hữu được kêu gọi “ trung gian điều giải ” ( mediatio) các giá trị luân lý căn bản , là những giá trị thuộc kho tàng Ki Tô giáo, thành những giá trị cho con người, được mọi người chấp nhận.
Ngưòi tín hữu tôn trọng tính cách đa nguyên và đa dạng, đặc tính trần thế và tính cách hợp pháp dân chủ, không được phép “ dững dưng đứng ra bên lề ” đối với lãnh vực thiêng liêng và văn hóa.
Làm như vậy họ đang làm tiêu hao đến sứ mạng nhân chứng Phúc Âm của họ và biến các nổ lực dấn thân chính trị của họ dần dần trở thành vô hiệu lực.
Nói cách khác, người tín hữu được kêu gọi “ hội nhập văn hóa” ( inculturation), “ trung gian điều giải ”các giá trị của kho tàng Ki Tô giáo vào lãnh vực văn hóa và chính trị.

Nguyễn Học Tập





NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRƯỞNG THÀNH

( Huấn dụ Christi Fideles Laici: Người tín hữu giáo dân của Chúa Ki Tô )

NGUYỄN HỌC TẬP


Trên bốn mươi năm Công Đồng Vatican II đã kết thúc ( 1963-2003), khi chúng tôi viết bài nầy và mười lăm năm sau huấn dụ cho Thượng Hội Đồng Giám Mục của Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II Christi Fideles Laici ( 1988), người giáo dân Công Giáo nói chung và giáo dân Việt Nam đã lớn lên được bao nhiêu?
Dĩ nhiên nhìn lại dòng lịch sữ, thời kỳ " thơ ấu " của người giáo dân, thời kỳ trong đó người giáo dân được coi là " thiếu thời " và phải được hàng giáo phẩm luôn luôn nắm lấy tay dẫn dắt trong hết mọi chuyện, tôn giáo cũng như trần thế.
Thời đó đã qua đi.
Nói như vậy, chưa hẵn là chúng ta có thể quả quyết là hiện nay người giáo dân chúng ta, dĩ nhiên trong đó có cả người đang viết, đã hoàn toàn trưởng thành.
Có lẽ chúng ta nên nói là chúng ta đang còn ở trong giai đoạn " giữa chừng " hay đang lớn lên, thì đúng hơn, chúng ta đang còn đang ở trong giai đoạn khủng hoảng của giai đoạn chuyển hoá để tiến đến tuổi trưởng thành.
Nói như vậy, nhìn lại quảng đường đã qua để ý thức với những biến chuyển của các biến cố lịch sử, văn hóa và mục vụ đã thúc đẩy làm cho người giáo dân vươn mình thức dậy khỏi trạng thái ngái ngủ, thiếu thời.
Nhưng thức dậy, nhìn xung quanh và bước đi như người lớn, chưa hẵn là chúng ta "đã lớn", đã trưởng thành, khi phải chạm trán với những vấn đề cần phải tháo gở, để bước đi đến tuổi trưởng thành.
Đó là hai phần của đề tài đang viết để chúng ta ý thức,có cách hành xử thỏa đáng trong những bước vươn lên đến tuổi trưởng thành.

1 - Những hoàn cảnh lịch sử và văn hóa đổi mới.
Huấn từ của Đức Thánh Cha Gioan Phao Lồ II Christi Fidelis Laici khởi đầu bằng xác tín rằng chúng ta đang có:
- " trong thời điểm huy hoàng và bi đát hiện tại của lịch sử, trước thềm ngàn năm thứ ba, thời điểm của những hoàn cảnh mới về lịch sử, xã hội, kinh tế, chính trị cũng như văn hóa, đòi buộc người tín hữu giáo dân phải có những hành động với nghị lực đặc biệt thích ứng" ( Christi Fideles Laici, 3).
a) Tiến trình biến chuyển thế tục hóa.
Hoàn cảnh trước tiên cần phải lưu tâm, đó là tiến trình thế tục hóa ( processo di secolarizzazione).
Đó là tiến trình thay đổi sâu đậm tâm thức, văn hóa và tập quán phát sinh trong thế giới tân tiến hiện tại, như là phản ứng chống lại cách hành xử không chính đáng của thời Trung Cổ, sáp nhập, pha trộn thần quyền và thế quyền, niềm tin và văn hóa, ngai vàng và bàn thờ.
Tiến trình thế tục hóa hiện tại là một tiến trình lưỡng diện.

a - Nếu hiểu đúng nghĩa thế tục hóa là thái độ hành xử nhằm xác định lại vai trò tự lập của các thực tại trần thế và đặc tích thế tục ( laicità) của các thực tại trên thế gian, được Chúa dựng nên, thì đó là một tiến trình tốt đẹp.
Bởi vì như vậy chúng ta có thể
- thanh lọc thoả đáng được nội dung của đức tin,
- gia tăng thêm trách nhiệm lịch sử của người tín hữu
- và kích thích những sáng tạo của họ để đáp ứng lại một cách thích hợp những đòi hỏi của cuộc sống,
- mở rộng con đường đối thoại với bất cứ ai thành tâm thiện chí.

b - Trái lại, thế tục hóa là tiến trình băng hoại tương đương với " vô thần hóa" hay " vô tôn giáo hóa" ( secolarismo), thì đó là tiến trình đê tiện hóa con người, bởi vì trình bày con người với hình ảnh sai lạc, cho rằng
* con người có thể tự mình có cuộc sống hoàn hảo, tự mãn (autosufficiente) ,
* lịch sử là một chuổi những biến cố tự nhiên và tự tại ( imminente),
* con người có thể tự giải thoát chính mình bằng ý thức hệ, tư bản chủ nghĩa cũng như xã hội chủ nghĩa.
Tiến trình thế tục hóa, trong ý nghĩa đang bàn, là cách hành xử loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người, ra khỏi xã hội, xem tôn giáo và tự do tôn giáo như chỉ là những vấn đề tư riêng:

- " Con người bỏ quên Thiên Chúa, coi Thiên Chúa vô nghĩa của cuộc sống mình, từ bỏ Thiên Chúa và tôn thờ nhiều " thần tượng " khác" ( Christi Fideles Laici, 4).

Tính cách lưỡng diện vừa kể của tiến trình thế tục hóa đã tạo ra nhiều hậu quả tương phản:
- một đàng đã và đang tạo ra khủng hoảng niềm tin tôn giáo mà ai trong chúng ta cũng thấy được,
- đàng khác tạo ra cho con người nhu cầu mới về tôn giáo:

- " thế giới hiện tại, dưới nhiều hình thức rộng lớn và sống động, minh chứng một cái nhìn thiêng liêng và đời sống siêu nhiên, một sự thức tỉnh đi tìm tôn giáo, một sự trở về với ý nghĩa thiêng thánh và lời cầu nguyện, nhu cầu có được tự do để khẩn cầu tên Thiên Chúa" ( id.).

Tiến trình thế tục hóa, như vừa nói, là một sự kích thích cho người tín hữu giáo dân, giúp họ hiểu được " đặc tính trần thế ", ơn gọi và sứ mạng của họ.

b) Chuyển đổi văn hóa và giá trị.
Một trong những ảnh hưởng của tiến trình thế tục hóa là nền văn hóa đồng nhất cổ truyền trong quá khứ đã và sẽ nhường bước cho những quan niệm đa dạng về cuộc sống và lịch sử, nhiều khi đi ngược lại cả quan niệm nhân bản con người trong Phúc Âm.
Những quan niệm mới đa dạng vừa kể về con người đã và đang có ảnh hưởng " nguyên nhân-hậu quả " đến các phương thức tổ chức cuộc chung sống văn minh của con người hiện đại.
Chuyển đổi văn hóa và giá trị đang tiến hành có " giá trị con dao hai lưởi " :
- một đàng những giá trị của nền luân lý trong quá khứ đang có nguy cơ sẽ bị mai một ( ví dụ: giá trị về gia đình, tình yêu, liên hệ tính dục...),
- đàng khác, một số giá trị trong quá khứ không mấy ai chú ý, đang được khai quật và yêu chuộng ( Ví dụ: con người dấn thân để bảo vệ lẽ phải, ý thức mới mẻ đối với liên đới và hoà bình, bảo vệ môi sinh).
Do đó một đàng có cái nguy là với tâm trạng đánh mất đi những giá trị cổ truyền,
- chúng ta có thể bị đưa vào tình trạng " tương đối luân lý " ( relativismo moralista) ,
- nhưng đàng khác , nếu được hướng dẫn đúng đắn, đây là một " cơ hội để trưởng thành": cơ hội để chúng ta khám phá ra những giá trị mới ( đức tính khoan dung, tôn trọng phẩm chất của cuộc sống, cần kiệm và tiêu dùng tài nguyên theo lẽ phải), cũng như định giá và khôi phục lại những giá trị cổ truyền đang bị lu mờ và mất mác.
Cuộc thách thức hiện tại vừa kể chắc chắn làm cho người giáo dân ý thức được sứ mạng của họ trong xã hội và trong Giáo Hội.
Người giáo dân hôm nay
- không phải chỉ được Chúa kêu gọi để tuyên xưng một cách minh bạch các nguyên tắc và giá trị của quan niệm Ki Tô giáo về con người và làm chứng những chân lý đó trong cuộc sống cá nhân của họ, trong cuộc sống gia đình và xã hội,
- mà còn được kêu gọi để góp phần vào việc làm cho đức tin được " hội nhập văn hóa" ( inculturazione), kêu gọi thực hiện một cuộc Phúc Âm hoá mới.

c)Tiến trình toàn cầu hóa.
Tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra là yếu tố mới thứ ba hiện diện trong cuộc sống để trở nên trưởng thành của người tín hữu giáo dân.
Tiến trình toàn cầu hóa cần phải được định hướng về phương diện văn hóa cũng như luân lý, nếu chúng ta muốn có được một xã hội được tổ chức hợp với nhân phẩm con người.
Do đó người tín hữu giáo dân được mời gọi như là những người xây dựng một thế giới mới, cùng cộng tác với những người thiện chí khác, với tư cách là người công dân cũng như trong sứ mạng của người tín hữu.
Tiến trình toàn cầu hóa đầu tiên là tiến trình truyền thông xã hội và thông tin. Nhờ những phát triển kỹ thuật và khoa học tân tiến, hiện nay con người có thể phổ biến kiến thức, tin tức và văn hóa khắp hoàn cầu trong một thời gian ngắn ngủi.
Đây là một tiến trình thay đổi cấu trúc và cũng có giá trị lưỡng diện:
- có thể phục vụ con người để giúp cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn, phục vụ đắc lực hơn cho hòa bình, phát triển, phục vụ con người;
- nhưng nếu trong tiến trình thiếu luân lý, kỹ thuật tân tiên có thể là dụng cụ để thực hiện chế độ thực dân văn hóa, còn tệ hơn cả thực dân kinh tế và đưa đến những bất bình đẳng mới.
Truyền thông xã hội hiện nay đã trở thành một loại văn hoá mới, một cách thức mới để hiểu biết vũ trụ, đời sống và con người.
Điều đó cắt nghĩa tại sao truyền thông xã hội càng phát triển, chúng ta càng cần có sự tham dự một cách tích cực và có trách nhiệm.
Nhu cầu " tham dự có trách nhiệm" đó là

- " một dấu chỉ thời đại đích thực của xã hội chúng ta, nhứt là đối với nữ giới và thế hệ trẻ, để hướng dẫn đời sống, không những đời sống gia đình và học đường, mà còn cả đời sống trong lãnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị " ( Christi Fidelis Laici, 5).

Tuy nhiên để có thể cống hiến cho văn hóa một tinh thần và luân lý đối với thế giới truyền thông tân tiến hiện nay, người tín hữu giáo dân cần phải được đào tạo đầy đủ về mặt thiêng liêng cũng như chuyên môn.
Một cái nhìn tương tự cũng có giá trị đối với tiến tình toàn cầu hóa kinh tế và tài chánh, hiện đang đưa đến việc cần phải đề thảo ra một khuôn mẫu phát triển chung cho cả thế giới.
Thời gian của những vấn đề do cách mạng kỹ nghệ và tương phản giữa vốn liếng và việc làm đã qua đi.
Vấn đề hiện nay là vấn đề
- một khuôn mẫu phát triển quân bình giữa miền Bắc và miền Nam của địa cầu,
- giải quyết những vấn đề phát triển chênh lệch và nghèo đói do việc áp dụng kỹ thuật tân tiến, điện tử, điện toán, robots.

Song song với vấn đề phát triển Bắc- Nam vừa nói là vấn đề liên quan đến việc thiết lập một trật tự mới về pháp luật và quân sự.
Đây là vấn đề khẩn thiết hiện nay. Việc thiết lập ra được một cơ quan quyền lực thực hữu siêu quốc gia, có sức mạnh thực sự bảo vệ hữu hiệu các quyền căn bản của con người, của các dân tộc, của các chủng tộc thiểu số, để tránh các cuộc tàn sát diệt chủng và chiến tranh, như những gì đã xảy ra một cách tan thương ở cuối thế kỷ XX vừa qua.
Tất cả những tiến trình toàn cầu hóa vừa kể đang chuyển đổi cơ cấu đời sống nhân loại, đặt người tín hữu giáo dân phải suy nghĩ trước lương tâm mình về sứ mạng của họ trên thế giới. Một vấn đề thối thúc mà có lẽ trước đây chưa được đặt ra.
Thế kỷ của năm 2000 là thế kỷ của thế giới trở thành liên kết duy nhứt, phổ quát và toàn cầu.
Việc chuyển đổi nào cũng hàm chứa những ý nghĩa lưỡng diện. Do đó các việc chuyển đổi cần phải được hướng dẫn và định hướng.
Trong việc hướng dẫn và định hướng vừa kể, vai trò của người tín hữu giáo dân không thể được giao phó cho người nào khác, nhứt là đối với những lãnh vực trần thế, trực tiếp liên quan đến hoàn cảnh sống của mình, của gia đình, của xã hội, của quốc gia và của cả anh em nhân loại.
Ý thức được vai trò đó hôm nay là điều làm cho họ bước ra khỏi trạng thái ấu trỉ.

2 - Những quan niệm mới về Thần Học và Giáo Hội Học.

a) Yếu tố thần học và Giáo Hội học.
Song song với những nguyên do lịch sử và văn hóa, chúng ta cũng có những yếu tố thần học và Giáo Hội học góp phần một cách quyết định cho việc chuyển hoá người giáo dân công giáo đến trưởng thành.
- Chúng ta duyệt xét qua những ý niệm sâu xa về tín lý và mục vụ được Công Đồng Vatican II đề cập và được Vị Chủ Chăn của Giáo Hội suy nghĩ tiếp theo.
- Chúng ta đề cập đến những ý niệm tín lý và mục vụ ảnh hưởng lớn lao đến việc định giá lại ơn gọi và sứ mạng của người tín hữu giáo dân.
- Đặc tính thông hiệp của Giáo Hội.
Những suy tư sâu xa về Giáo Hội Học đã khiến cho Công Đồng Vatican II chuyển đổi trọng tâm của tầm nhìn Giáo Hội từ một " tổ chức hoàn hảo" đến Giáo Hội là một thực thể
- " Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa và giữa người với người " (Lumen Gentium , 4).

Giáo Hội là " Dân Chúa " hay là
- " Bí Tích và Dụng Cụ của mối liên kết thân tình con người với Thiên Chúa và nơi đại kết của tất cả nhân loại với nhau" (Lumen Gentium, 1.).

Công Đồng Vatican II khẳng định
- " trong đoàn dân của Đấng Cứu Thế, mọi thành phần đều có địa vị như nhau và mọi người đều có ơn gọi trở nên trọn hảo như nhau; không có bất cứ một sự dị biệt nào do chủng tộc, quốc gia, phái giống, hoàn cảnh xã hội gây ra. Và, một vài người do ý muốn của Chúa Ki Tô được phong cho thành tiến sĩ và người phân phát các mầu nhiệm, một vài người thành chủ chăn đối với những người khác, nhưng tất cả mọi tín hữu đều thực sự đồng đẳng như nhau về địa vị và về hành động chung để cùng xây dựng Thân Thể Chúa Ki Tô" (Lumen Gentium , 32).

Thời kỳ giáo phẩm chế đã kết thúc.
Hàng Giáo Phẩm được đặt vào trong lòng cộng Đồng "Dân Chúa" để phục vụ.
Giáo dân không còn là thành phần trẻ dại ( minorenni), hay chỉ là thành phần phụ giúp cho hàng giáo phẩm.
- "Người tín hữu giáo dân chu toàn phần vụ của mình trong lòng Giáo Hội và giữa trần thế sứ mạng của tất cả cộng đồng Ki Tô Giáo" ( Lumen Gentium , 31 ).

Trả lời cho câu hỏi, " Người tín hữu giáo dân là ai? ", Đức Gioan Phaolồ II xác nhận:
- " Công Đồng Vatican II, vượt qua những lối giải thích phần nhiều theo khuynh hướng tiêu cực trước đây, đã mở ra một cái nhìn mới, xác nhận rằng người giáo dân hoàn toàn là thành phần của Giáo Hội , hoàn toàn tham dự vào mầu nhiệm của Giáo Hội và xác nhận tính cách cá biệt ơn gọi của họ" ( Christi Fideles Laici, 9).

b) Chiều hướng lịch sử của ơn cứu rổi Ki Tô giáo.
Một quan niệm thần học khác được Công Đồng Vatican II định đặt lại giá trị làm cho người tín hữu giáo dân hiểu biết thêm về ơn gọi và sứ mạng của họ, đó là chiều hường lịch sử của ơn cứu rổi.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đi vào lịch sử của nhân loại, đảm nhận lấy lịch sử và quy tóm về mình:

- " Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà mọi vật được tạo thành, chính Người đã trở thành nhục thể và đã đến ở thế gian giữa con người. Là con người hoàn hảo, Người đã hội nhập vào lịch sử của thế gian, đảm nhận và quy tóm lịch sử đó về nơi mình" ( Gaudium et Spes, 38).

Điều đó có nghĩa là chân lý Ki Tô giáo không phải là chân lý phi thời gian.
Cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời được thực hiện trong lịch sử con người, trải qua tất cả các thời đại của nhân loại, trải qua mọi nền văn hóa và mọi cuộc sống văn minh.
Như vậy không ai có thể nói được có hai dòng lịch sử song song, một của thế giới và một của Giáo Hội. Chỉ có một dòng lịch sử duy nhứt, bởi vì công cuộc cứu rỗi Ki Tô giáo có chiều hướng nội tại của lịch sử và cho hết mọi người.
Và do chính đặc tính trần thế của mình,

- " chính sứ mạng của người tín hữu giáo dân khiến họ tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách hoạt động trong các lãnh vực trần thế và thiết định trật tự của chúng theo ý muốn của Thiên Chúa" ( Lumen Gentium, 31).

Do đó bổn phận của người tín hữu giáo dân là
- bổn phận đối thoại với tất cả mọi người và mọi văn hóa về những vấn đề trọng đại của thời đại,
- soi sáng các vấn đề đó bằng ánh sáng Phúc Âm để canh tân hoá xã hội, mà " Giáo Hội chia xẻ lịch sử, những vui mừng, hy vọng, phiền nảo và lo âu" ( Gaudium et Spes, 1+ 3).
Bổn phận đó, người tín hữu giáo dân không nhận lãnh từ hàng giáo phẩm, mà chính Chúa Giêsu đã trực tiếp giao phó cho họ trong phép Rửa và phép Thêm Sức:

- " Thật vậy, các tín hữu giáo dân được tháp ghép vào Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Ki Tô qua phép rửa, được tăng trưởng thêm nghị lực nhờ Chúa Thánh Linh trong phép Thêm Sức, họ được chính Chúa Giêsu ủy thác cho trách vụ tông đồ" ( Apostolicam Actuositatem, 3).

Việc xác định lại giá trị chiều hướng lịch sử của ơn cứu rổi, dĩ nhiên đem lại cho người tín hữu giáo dân một địa vị trưởng thành mới, bởi vì chính ơn gọi của họ đặt họ ngay vào tâm điểm của các vấn đề thế tục.

Đặc tính tự lập các lãnh vực thế tục.
Một quan niệm khác không kém phần quan trọng của Công Đồng Vatican II, đó là sự nhìn nhận đặc tính tự lập của các lãnh vực trần thế .
Văn hoá, chính trị, nghệ thật, khoa học có mục đích, luật lệ và phương tiện riêng để thực hiện tự lập.
Đức tin cũng như mục đích tối hậu siêu nhiên không không can dự và cũng không thể giúp đở gì được.
Đó là điều do ý muốn của Đấng Tạo Hoá và cũng chính đó là cội nguồn của đặc tính trần thế của chúng.
Dĩ nhiên bất cứ mục đích tự nhiên nào cũng là những mục đích " trung gian", và đặc tính tự lập của các lãnh vực trần thế là đặc tính tự lập tương đối, bởi vì mọi vật được Chúa dựng nên là được dựng nên cho mục đích tối hậu siêu nhiên.
Và cũng vì vậy mà các chương trình, nổ lực và hoạt động để thăng tiến con người không nên lầm lẫn với sự cứu rỗi siêu nhiên: hai thực thể khác nhau, mặc dầu không tách biệt nhau vì hỗ tương bổ túc nhau.
Kế đến ý thức đặc tính tự lập của các lãnh vực thế tục, Công Đồng Vatican II kích thích khiến cho người tín hữu giáo dân trưởng thành hơn và cố gắng hơn để " tổng hợp trong tâm thức và trong hành động giữa đức tin và việc dấn thân trần thế" , mặc dầu vẫn giữ biệt lập hai lãnh vực tôn giáo và thế tục.
Và từ một niềm tin,
- chúng ta có thể có những ước muốn và khuyến khích do nhiều khuôn mẫu tổ chức xã hội khác nhau,
- người tín hữu giáo dân có thể có những lối suy tư tự lập cần thiết và tự do hành động có trách nhiệm trong việc chọn lựa những những vấn đề trần thế:
- chính họ phải ý thức và xác tín những gì, bao giờ và cách nào phải làm, thay vì trông đợi ở các vị Chủ Chăn những giải pháp, cho vấn đề được đặt ra, ngay cả vấn đề hệ trọng cũng vậy:
- " Thẩm quyền chuyên biệt của giáo dân, mặc dầu không chỉ độc quyền của họ, là lãnh vực chuyên môn và những hoạt động trần thế. Họ ( người giáo dân) nên trông đợi ở các linh mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng. Nhưng họ đừng nghĩ rằng các vị chủ chăn của họ có thẩm quyền để có thể đưa ra cho họ một giải pháp thực tế và cấp tốc đối với mọi vấn đề, ngay cả đối với vấn đề quan trọng mà họ đang gặp phải, hay đó là sứ mạng của các ngài. Đúng hơn, được soi sáng bởi đức khôn ngoan Ki - tô giáo, chú ý một cách trung thực đến lời giảng dạy của Giáo Hội, chính họ nên đứng ra nhận lãnh trách nhiệm của mình" ( Gaudium et Spes, 43).

Nếu hàng giáo phẩm được Thiên Chúa ủy thác cho phận vụ " munus docendi, santificandi et curandi " ( dạy dỗ, thánh hoá và chăn dắt bảo vệ) trong lãnh vực tôn giáo, " trông đợi ở các linh mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng",
thì không có lý do gì người tín hữu giáo dân phải ngồi chờ sự chỉ dẫn và động tác của hàng giáo phẩm trước những vấn đề bất công xã hội, những vi phạm đến các quyền căn bản của con người như vụ Toà Khâm Sứ, Tam Toà, Thái Hà, Đồng Chiêm..., kể cả những vụ gây uất ức, bất mãn liên quan đến Đức TGM Ngô Quang Kiệt hay việc Toà Thánh đồng thuận giao tiếp với CSVN, qua việc bổ nhiệm người đại diện không thường trực ( non- residente ) ở Việt Nam cũng vậy.
Đó là cách suy nghĩ và hành xử của hàng giáo phẩm về những vấn đề trần thế.
Những biến cố vừa kể với các cách hành xử của hàng giáo phẩm không thuộc về lãnh vực đức tin và luân lý, không nằm trong thẩm quyền " dạy dỗ, thánh hoá và dẫn dắt bảo vệ " mà người tín hữu giáo dân " nên trông đợi ở các linh mục ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng ".
Không phải là lãnh vực của tín lý và luân lý, nên không có gì bảo đảm các cách hành xử của hàng giáo phẩm là " bất khả ngộ " ( infallibile ).
Lãnh vực bất công xã hội, vi phạm các quyền bất khả xâm phạm của con người là lãnh vực trần thế, người tín hữu giáo dân, " chính họ nên đứng ra nhận lãnh trách nhiệm của mình ", để tạo cho mình và đồng bào mình một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm con người, con Thiên Chúa ( phần được thêm vào ) .

Hàng Giáo Phẩm cần phải thấy được rằng giáo dân
- không chỉ là những người thừa hành thụ động, sai đâu làm đó, bảo sao nghe vậy, cả đối với những lãnh vực trần thế.
- mà là những cộng sự viên tích cực, có trách nhiệm, ngay cả trong việc soạn thảo những giáo huấn của Giáo Hội.
Dĩ nhiên người giáo dân trong vai trò như vậy, không thể là những người giáo dân ấu trỉ.

c) Ân sủng thúc đẩy.
Và sau cùng, sự trưởng thành của người tín hữu giáo dân là do sức mạnh của ân sủng thúc đẩy, ân sủng được Chúa ban xuống cho trong cộng đồng Giáo Hội.
Trong đời sống Giáo Hội, ân sủng có thể nhận thấy và đôi khi cũng có thể đối nghịch với tổ chức cơ chế .
Một đàng, năng lực của ân sủng làm cho Giáo Hội được canh tân và trẻ trung hóa, mở tung cửa cho Giáo Hội trước những thực trạng mới.
Đàng khác, chính cơ chế của Giáo Hội có nhiệm vụ kiểm chứng tính cách xác thực của ân sủng, canh chừng những lệch lạc có thể xảy ra, bảo đảm tích cách chính thống trung thực của giáo lý, thế nào cho ân sủng đưọc Chúa ban để phục vụ tính cách hợp nhất và triển nở toàn diện thân thể Giáo Hội.
Dù sao đi nữa, không thể có sự đối ngược giữa ân sủng đích thực và cơ chế của Giáo Hội, mà là tổng hợp điều hòa.
Bởi lẽ cả hai là yếu tố cấu trúc của Giáo Hội, được xây dựng trên nền tảng của các thánh Tông Đồ và các Tiên tri:

- " Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người của nhà Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Thánh Tông Đồ và Ngôn Sứ, còn đá góc tường là chính Chúa Giêsu Ki Tô" ( Eph 2, 19-21).
Điều đó có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên cơ chế của các Thánh Tông Đồ và trên ân sủng của các Ngôn Sứ.
Nói cách khác,
- " Giáo Hội luôn luôn vừa là cơ chế ( institution) vừa là ân sủng ; vừa có đặc tính tập tục, vừa mới mẽ; vẫn liên tục với quá khứ, nhưng rộng mở hướng về tương lai; liên kết với Chúa Ki Tô lịch sử qua việc liên tục nối kết tông truyền và tập tục, nhưng luôn luôn dưới ân sủng sáng tạo của Chúa Thánh Linh ( Gioan Phalồ II, Messaggio ai partecipanti al Congresso mondiale dei Movimenti ( 27-29.05.1998), in Osservatore Romano, 28.05.1998, p.6).

Sự trưởng thành của người tín hữu giáo dân trong những thời gian gần đây được gia tăng do ân sủng Chúa Thánh Thần tuông xuống dồi dào trong lòng Giáo Hội, như Công Đồng Vaticano II xác nhận:

- " Chính Chúa Thánh Linh ban phát cho mỗi người quà tặng của Ngài như Ngài thích, phân phát giữa các tín hữu ở mọi thứ bậc cả những ân sủng đặc biệt , cần thiết để canh tân và để phát triển Giáo Hội hơn. Chúng ta hãy lãnh nhận các ân sủng đó với lòng biết ơn và sự an ủi bình thảng tâm hồn" ( Lumen Gentium, 12).

3 - Tương quan giữa giáo dân và chủ chăn trong Giáo Hội.

a) Những phận vụ mới của người giáo dân.
Qua những gì đã duyệt qua, về phương diện lý thuyết, những phận vụ mới của người giáo dân được xác định khá rỏ ràng. Tuy nhiên trong thực hành, một đôi khi sự liên hệ giữa giáo dân và các vị chủ chăn còn một vài vấn đề và va chạm.
Bản Giáo Luật năm 1917 diển tả người giáo dân dưới hình thức tiêu cực:
- " Người giáo dân không phải là giáo sĩ, không mặc áo dòng, không được phép cử hành Thánh lễ, là người phải tùy thuộc vào giáo sĩ để có thể được huởng những ơn thiêng liêng ( Codex Jus Canonici 1917, can. 682).

Giáo Luật hiện tại của năm 1983 tường trình cho chúng ta người giáo dân dưới hình thức tích cực hơn, là
- " chủ nhân và người có trách nhiệm trước tiên đối với sứ mạng của Giáo Hội. Như vậy giáo sĩ cũng như giáo dân , mặc dầu có phận sự khác nhau, đều có chung một sứ mạng truyền bá Phúc Âm".
Hai bộ Giáo Luật nói lên hai thái độ khác biệt rộng lớn.
Ngay ở thời gian Công Đồng Vatican II còn đang nhóm họp ( 1962), Công Đồng đã xác quyết rằng

- " các chủ chăn không phải là những người được Chúa Giêsu lập nên để nhận lãnh một mình tất cả trọng trách của sứ mạng cứu rổi của Giáo Hội đối với thế gian, mà bổn phận cao cả của các vị là chăn dắt các tín hữu giáo dân và nhận biết phận vụ và ân sủng của họ, để tất cả có thể đồng thuận hợp tác nhau, mỗi người theo khả năng của mình, vào công việc chung" ( Lumen Gentium, 30).

Và bộ giáo luật hiện tại còn đi xa hơn khi xác định rằng
- " trong Giáo Hội, những giáo dân có khả năng thích hợp có thể được giao cho những phận vụ và chức năng mà họ có thể thi hành" ( can. 228),
cả với tính cách vĩnh viễn như chức đọc sách, chức giúp lễ, chức sáu vĩnh viễn.
Giáo luật mới còn thêm
- " trong trường hợp cần thiết, khi thiếu các thứa tác viên có chức thánh, người giáo dân có thể đảm nhận phận sự rao giảng lời Chúa, chủ toạ các buổi cầu kinh phụng vụ, chủ sự phép Rửa Tội và phân phát Mình Thánh cho rước lễ. Tuy nhiên nhiệm vụ của một cha xứ, theo Giáo Luật ( can. 230), thường vẫn phải được giao cho một linh mục.

Và rồi do một vài hiểu lầm và lạm dụng, Tòa Thánh đã ra một Huấn Dụ để xác định năm 1997 ( Istruzione su alcune questioni circa la collaborazione dei laici al ministero dei sacerdoti).
Huấn Dụ định rõ lãnh vực của thiên chức linh mục chung của giáo dân ( sacerdozio comune) , khác với chức linh mục được truyền chức ( ordinato) của các linh mục.
Nhờ quyền năng của Phép Rửa và Phép Thêm Sức, giáo dân hay linh mục đều là thành phần dân Chúa duy nhất: chỉ có một dân duy nhứt được Thiên Chúa chọn lựa:
- " Một Thân Thể duy nhứt, một Thánh Thần duy nhứt, một Thiên Chúa duy nhứt, một đức tin duy nhứt , một phép Rửa duy nhứt" ( Eph 4,5).

Sự khác biệt là sự khác biệt do cách thức tham dự vào một thiên chức linh mục duy nhứt và bất khả phân chia của Chúa Giêsu. Nhưng chức linh mục chung và chức linh mục thứa tác viên ( sacerdozio ministeriale) hỗ trợ lẫn nhau:

- " Thiên chức linh mục chung của giáo dân và thiên chức linh mục thừa tác hay của hàng giáo phẩm ( sacerdozio ministeriale o gerarchico) , mặc dầu khác biệt nhau về bản chất chớ không những chỉ về thứ bậc, được Chúa ban cho thiên chức nầy hổ trợ thiên chức kia, bởi vì cả hai, mỗi chức tùy theo cách thức của mình, đều tham dự vào chức linh mục duy nhứt của Chúa Ki Tô" ( Lumen Gentium, 10).

Do đó người giáo dân ngay cả lúc hành xử những chức vụ mục vụ được giao cho họ để thay thế linh mục,họ vẫn là giáo dân chớ không trở thành " chủ chăn" ( Huấn Dụ 1997, Istruzione su alcune collaborazioni…, cit., 14.11.1997).

Những đoàn thể giáo dân mới.
Ngoài ra đoàn thể Công Giáo Tiến Hành ( Azione Cattolica) và nhiều tổ chức có truyền thống khác, sau Công Đồng Vatican II, có rất nhiều tổ chức giáo dân được thành lập trong cuộc sống Giáo Hội.
Nhiều tổ chức và phong trào, từ mục đích " để có một đời sống đạo đức hoàn hảo hơn, đến việc thăng tiến phượng tự công cộng hay thăng tiến giáo lý Ki Tô giáo, cổ động những hoạt động tông đồ như rao giảng Phúc Âm, tổ chức tỉnh tâm và bác ái", " các hiệp hội với nhiều hình thức khác nhau để đem tinh thần Ki Tô giáo năng động hóa các lãnh vực trần thế" ( can. 215; 298, 1; 299,3 ).

Các tổ chức, hiệp hội và phong trào như vừa kể đã đưa đến nhiều kết quẳ đáng kể:
- tìm gặp lại niềm tin sống động nơi Chúa Giêsu,
- tìm lại được kích thích và hạnh phúc trong những giây phút cầu nguyện,
- nỗi vui mừng và hăng hái của cuộc sống và làm chứng đức tin,
- lòng quảng đại Ki Tô giáo đối với những ai khó nghèo,
- tăng trưởng thêm số lượng ơn gọi linh mục và tu sĩ.
Nhưng trên bình diện mục vụ và cơ chế, các tổ chức,

- " hiệp hội và phong trào vừa kể cũng có thể gây ngộ nhận, tình trạng căng thẳng giữa tổ chức nầy đối với tổ chức khác, giữa tổ chức với giáo quyền" ( Diển từ ĐTC Gioan Phaolồ II trước các Phong Trào trong Giáo Hội, cf. Osservatore Romano, 1-2.6.1998, p.6).

Để tránh những vấn đề vừa kể, Huấn Dụ Christi Fideles Laici xác định một vài tiêu chuẩn rõ rệt để nhận biết và phán đoán các tổ chức, hiệp hội giáo dân ( Christi Fideles Laici, 30).
Nhưng có lẽ vấn đề
- không phải là " công nhận và phê chuẩn theo giáo luật "
- cho bằng ý thức và kinh nghiệm của việc thông hiệp thiêng liêng của tất cả thành phần dân Chúa trong cộng đồng Giáo Hội.
Nói cách khác, ý thức những bước tiến của các thành phần cộng đồng dân Chúa đến trưởng thành qua việc hoạt động và chung sống trong hợp nhất của nhiều thành phần khác nhau và với nhiều hoạt động khác nhau ( Unitas in diversitate).
Đó là ý nghĩa của Huấn Từ ĐTC Gioan Phaolồ II cho Đại Hội các Phong Trào trong Giáo Hội ở Roma, tại Công Trường Thánh Phêro 27-29.5.1998:

- " Các Phong Trào là thành phần của chính bản thể Giáo Hội. Nơi các Phong Trào, hợp nhứt không bao giờ có ý nghĩa là phẳng lặng đồng nhất, loại trừ khác biệt; cũng như đa dạng không bao giờ đồng nghĩa với phe nhóm hoặc phân tán" ( Gioan Phaolồ II, Messaggio ai partecipanti al IV Congresso mondiale dei Movimenti ecclesiali ( 27-29.5.1998), in Osservatore Romano, 28.5.1998, p.6).

Và ĐTC cũng còn nhắn nhủ:
- " Chúng ta đừng quên rằng mỗi ân sủng được Chúa ban cho là ban cho để cho lợi ích chung, lợi ích của cả Giáo Hội , kinh nghiệm cũng như hoạt động của các Phong Trào cần phải được hội nhập vào môi trường Giáo Hội địa phương và các họ đạo, luôn luôn thông hiệp với các Vị Chủ Chăn và quan tâm đến các lời hướng dẫn của các Ngài" ( Gioan Phaolồ II, Discorso in Piazza S. Pietro ( 30.5.1998), in Osservatore Romano, 1-2.6.1998, p.6)

b) Liên quan giữa đức tin và lịch sử.
Có lẽ một trong những vấn đề phức tạp nhứt hiện nay sau 40 năm Công Đồng kết thúc và 18 năm sau Huấn Từ Christi Fideles Laici là vấn đề liên hệ
- giữa đức tin và cuộc sống, giữa đức tin và văn hóa,
- giữa đức tin và lịch sử trong bối cảnh xã hội trần thế hoá của các Quốc Gia tự do và xã hội bị vô thần hóa, con người bị tha hóa và đê tiện hóa của các Quốc Gia Công Sản như Việt Nam.
Vấn đề phức tạp không phải trên phương diện nguyên tắc cho bằng áp dụng thực hành trong bối cảnh lịch sử đang chuyển hoá.

( a ) Người giáo dân của ngàn năm thứ ba.
Về phưong diện nguyên tắc, chúng ta đã có những định hướng khá rỏ ràng để có thể quy định " căn tính" ( identité) của người tín hữu giáo dân trưởng thành của ngàn năm lẻ ba.
Các Ki Tô hữu của ngàn năm thứ ba là một nhóm người thiểu số, nhưng đó cũng có thể là một trạng thái tinh lọc qúy báu , chuẩn bị cho một mùa ân sủng mới
Có kinh nghiệm là một nhúm bột men, một hạt cải và một đoàn chiên nhỏ không phải là bại trận, mà là điều kiện để làm cho thế giới dậy men và lớn lên trong ân sủng Ki Tô giáo.
Các tín hữu Chúa Ki Tô của ngàn năm thứ ba là những người xem việc phục vụ người nghèo và những ai bị loại ra bên lề xã hội là những ưu tiên không thể từ chối được.
Chương trình hành động bác ái ưu tiên của họ
- không những chỉ nhằm trợ giúp những ai đang sống trong cấp thiết,
- mà là đồng thuận, hợp tác với những người thiện chí một " một thỏa ước xã hội mới ", một định chế mới, được thiết lập trên những giá trị luân lý chung, để
* vượt thắng ích kỹ,
* kỳ thị chủng tộc,
* tiêu thụ chủ nghĩa,
* hành xử vô luân lý, đê tiện hoá con người và những tệ nạn xã hội khác xúc phạm đến Thiên Chúa.
Người tín hữu giáo dân của ngàn năm thứ ba không thể không suy nghĩ đến những đồ án mới cao cả hơn, tốt đẹp hơn cho cuộc sống Quốc Gia và xã hội mà họ nghĩ phải cùng xây dựng với người khác.
Người giáo dân không thể chỉ thỏa mãn giới hạn tranh đấu cho vấn đề nầy hay vấn đề khác, để bênh vực một giá trị nầy hay giá trị khác.
Người giáo dân luôn luôn phải hiện diện trong đời sống văn hóa, xã hội, chính trị, với lòng ngay chính và khả năng chuyên môn vận dụng các phương tiện có được để truyền bá một nền văn hóa đặt trên giá trị và hội tựu đồng thuận của những nguời thành tâm.
Và cũng chính gì đó mà người giáo dân của ngàn năm thứ ba

- " không thể nào không dấn thân vào môi trường chính trị . Những ý kiến cho rằng làm chính trị là mưu đồ để thành đạt, là tôn thờ quyền lực như thần tượng, là ích kỹ và thối nát, hoặc cho rằng môi trường chính trị là chắc chắn môi trường nguy hiểm cho luân lý, không thể nào đưa ra những lý do chính đáng để biện minh cho thái độ ngờ vực hoặc trốn tránh trách nhiệm của người Ki Tô hữu đối với công việc chung" ( Christi Fideles Laici, 42).

- " ngoài đức bác ái tôn giáo ra, không có bác ái nào cao cả hơn đức bác ái chính trị, vì chính trị liên quan mật thiết với đời sống con người" ( Pio XI, Discorso FUCI 1927, Osservatore Romano 15.8.1927, p.3).

- " việc dấn thân vào chính trị là phương thế cần thiết, mặc dầu không phải là phương thế duy nhứt, để người công giáo thực thi đức bác ái phục vụ người khác" ( Phaolồ VI, Octogesima Adveniens, 46).

( b ) Người tín hữu giáo dân hiện diện trong chính trị.
Trong một xã hội dân chủ đa nguyên, dĩ nhiên là người giáo dân có quyền suy nghĩ và hành xử quyền tự do chính trị theo lương tâm và theo chính hướng mà mình xác tín.
Tuy nhiên trong cách hành xử theo nguyên tắc đa nguyên, người tín hữu phải hành động trong chính trị phù hợp với lương tâm và những giá trị của đức tin, được soi sáng bằng huấn dụ xã hội của Giáo Hội.
Hành động phù hợp với lương tâm và đức tin như vừa kể có thể góp phần soạn thảo và chấp thuận các chương trình chính trị phù hợp với những lý tưởng Ki Tô giáo.
Kế đến người tín hữu giáo dân cũng có trách nhiệm phán đoán những chương trình chính trị do người khác, ý thức hệ và chế độ do người khác lãnh đạo đề thảo ra, bởi vì không phải bất cứ ý thức hệ nào và chương trình chính trị nào cũng phù hợp với đức tin Ki Tô giáo. Và từ đó thái độ phải có của người giáo dân trưởng thành là

- " không thể gia nhập dễ dàng các tổ chức chính trị và xã hội nào đi ngược lại hay không quan tâm đủ đến các nguyên tắc huấn dụ xã hội của Giáo Hội đối với nhân phẩm con người và đối với việc tôn trọng đời sống con người, tôn trọng gia đình, tự do giáo dục, liên đới, thăng tiến công lý và hoà bình" ( Gioan Phaolồ II, Discorso al Convegno Ecclesiale di Palermo ( 23.11.1995), in " Il Regno", n.21, 01.12.1995, p.671).

Nguyễn Học Tập

Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=14442


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Công Giáo Không Tham Gia Chính Trị
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc
và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ.



Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt