Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 190, Chúa Nhật 10.02.2013


MỤC LỤC 

ƠN LINH HỨNG THÁNH KINH VÀ VIỆC GIẢI THÍCH THÁNH KINH (Dei Verbum)
Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin HĐGMVN

MẠNG LƯỚI XÃ HỘI: CÁNH CỬA CỦA SỰ THẬT VÀ NIỀM TIN - TÂN KHÔNG GIAN ĐỂ HOÀNH DƯƠNG TIN MỪNG                                             Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh chuyển ngữ

MẦU NHIỆM “LẮNG NGHE” TRONG TÂN ƯỚC   Chuyển ngữ: Thérèse Trần Thiết
& Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

ĐỐI THỌAI VỀ ĐỨC TIN - VẤN ĐỀ 1:  NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN  
Lm. Đan Vinh

NĂM ĐỨC TIN : Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ  
Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

Những năm Tỵ trong lịch sử Giáo hội tại Việt Nam                                                             WHĐ

NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (KỲ 32)                                            Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

CHÌA KHÓA CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II: CHÚA THÁNH THẦN  
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Linh mục và Thiên Chúa quan phòng                                                 Lm Minh Anh chuyển ngữ

LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG SỨ VỤ TRONG CÁC MỐI TƯƠNG QUAN MỤC VỤ 
Lm. Micae Phaolô Trần Minh Huy, pss.

BỆNH VIÊM PHỔI.                                                                                      Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Bệnh tùy hứng vô định                                                                  ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận


ƠN LINH HỨNG THÁNH KINH VÀ VIỆC GIẢI THÍCH THÁNH KINH

 

KHOÁ VIII ngày 18 tháng 11 năm 1965

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI THIÊN CHÚA (tiếp theo)

(Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN)

 

CHƯƠNG III: ƠN LINH HỨNG THÁNH KINH VÀ VIỆC GIẢI THÍCH THÁNH KINH

11. Ơn linh hứng và chân lý trong Thánh Kinh

Những gì Thiên Chúa mạc khải mà Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần 29*. Thật vậy, Giáo Hội Mẹ thánh chúng ta, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn đều là sách thánh và được ghi vào bản thư quy Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần (x. Ga 20,31; 2 Tm 3,16; 2 Pr 1,19-21; 3,15-16), các sách ấy có tác giả là chính Thiên Chúa và được truyền lại cho chính Giáo Hội với tư cách đó 1. Nhưng để viết ra các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong tài năng và sức lực của họ 2, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ 3, họ viết ra như những tác giả đích thật tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó thôi 4.

Vì phải xem mọi lời tác giả được linh hứng, tức các thánh sử, viết ra, là những điều Chúa Thánh Thần xác quyết, nên phải tuyên xưng rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý 30* mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại nhằm cứu độ chúng ta 5. Bởi vậy “tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3,16-17 bản Hy-lạp).

12. Cách thức giải thích Thánh Kinh 31*

Tuy nhiên vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy 6, nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thật sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của các ngài.

Để tìm ra chủ ý của các thánh sử, giữa những phương pháp khác, cũng cần phải đến “văn thể” 32*. Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác. Hơn nữa, nhà chú giải còn có bổn phận tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp rõ rệt, thánh sử đã muốn diễn tả và thật sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hoá của các ngài, qua các lối văn được dùng trong thời đó 7. Thật vậy, để hiểu đúng ý nghĩa tác giả thánh muốn khẳng định trong bản văn, chúng ta phải chú tâm đúng mức đến các cách thức tự nhiên cảm nghĩ, nói năng hoặc tường thuật, thường được dùng vào thời đại của thánh sử, cũng như các cách thức mà người thời ấy quen dùng khi giao tế với nhau 8.

Nhưng bởi vì Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, thì cũng phải được đọc và giải thích nhờ chính Thánh Thần 9. Và để khám phá ra chính xác ý nghĩa của các bản văn thánh, cũng phải kỹ lưỡng xem xét đến nội dung và sự duy nhất của toàn thể Thánh Kinh, dựa trên Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội và sự suy loại đức tin 33*. Các nhà chú giải có nhiệm vụ dựa theo những quy tắc đó mà cố gắng hiểu thấu và trình bày ý nghĩa Thánh Kinh cách sâu sắc hơn, ngõ hầu nhờ sự học hỏi có thể gọi là chuẩn bị đó, phán quyết của Giáo Hội được chín chắn. Quả vậy mọi điều liên hệ đến việc giải thích Thánh Kinh cuối cùng đều phải lệ thuộc vào phán quyết của Giáo Hội, vì Giáo Hội đã nhận từ Thiên Chúa mệnh lệnh và nhiệm vụ gìn giữ và giải thích lời Thiên Chúa 10.

13. Sự “hạ cố” của Đức Khôn Ngoan

Vậy trong Thánh Kinh, tỏ hiện sự “hạ cố” kỳ diệu của Đức Khôn Ngoan vĩnh cửu, mà vẫn không làm tổn thương sự chân thật và thánh thiện của Thiên Chúa, “để chúng ta học biết lượng nhân từ khôn tả của Thiên Chúa và biết, do quan phòng săn sóc đến bản tính chúng ta, Ngài đã thích ứng lời nói của Ngài đến mức nào” 11. Quả thế, các lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người, cũng như khi xưa Lời của Chúa Cha vĩnh cửu đã mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như loài người.

_____

chú thích

29*– Trong chương này, Công đồng bàn về những điểm gay go nhất của Thánh Kinh: linh hứng, vô ngộ, chú giải.

Trước tiên là vấn đề linh hứng: lược đồ thứ nhất đề cập dài dòng về đề mục này, nhưng theo lối trình bày của các sách thần học nên bị giới hạn vì những tranh luận chưa ổn thoả. Với lập trường không nghiêng về luận đề này hay luận đề kia, Công đồng dạy:

a) Có linh hứng Thánh Kinh, nghĩa là có ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần theo hai nghĩa: mạc khải các chân lý (ví dụ cho các ngôn sứ) và tác động giúp viết thành văn bản để lưu truyền, đồng thời bảo đảm kết quả.

b) Linh hứng ảnh hưởng đến toàn bản chính lục, bởi lẽ một cuốn sách được liệt kê vào bản chính lục là vì nó được linh hứng. Bản văn lập lại giáo thuyết của Vatican I, và thêm rằng giáo thuyết về linh hứng Thánh Kinh là di sản của các Tông đồ (đức tin tông truyền).

c) Liên quan giữa các thánh sử và Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng: Thiên Chúa là tác giả, còn thánh sử là người viết sách; người ta tránh gọi các thánh sử là “dụng cụ”, vì như vậy có vẻ quá thụ động. Cũng vậy, người ta sẽ tránh hiểu Thiên Chúa như tác giả “chính” mà thích nói Ngài là tác giả “siêu việt”. Thiên Chúa không là “thánh sử” nhưng Ngài dùng con người dầu vẫn để con người hoàn toàn tự do và tự phát (với lỗi lầm của họ). Đây là nền tảng của việc phê bình Thánh Kinh.

30*– Kết quả của ơn linh hứng là chân lý của Thánh Kinh. Trước kia là Lược đồ 2 chỉ nói vô ngộ, sau đó bản thảo thứ ba lại thêm: vô ngộ và chân lý; trong bản thảo thứ tư, Uỷ Ban thêm tính từ “cứu độ” vào danh từ “ chân lý”. Điều này gây nên một cuộc tranh luận rộng lớn và sôi nổi, vì người ta cho rằng như thế sẽ hạn chế tính cách vô ngộ của Thánh Kinh vào những điều siêu nhiên và đi ngược lại giáo huấn của các Đức Giáo hoàng gần đây. Uỷ Ban chấp nhận đề nghị sửa đổi của 73 Nghị Phụ: “nhằm cứu độ chúng ta” trong khi nhấn mạnh là linh hứng không bị giới hạn vào một phần đoạn nào của Thánh Kinh. Nhưng câu này chỉ rõ đặc tính riêng biệt của chân lý Thánh Kinh, nghĩa là chiều hướng để hiểu đúng những xác quyết của Thánh Kinh. Chân lý Thánh Kinh chứa đựng trong lời xác quyết hay lời giáo huấn của các tác giả chứ không trong những từ ngữ. Những giáo huấn ấy không bị giới hạn trong “đức tin và luân lý” bởi vì “chân lý cứu độ” cũng bao gồm những sự kiện lịch sử. Nên lưu ý là bản văn không nói: “những chân lý”, nhưng nói: “chân lý” theo số ít ở đây hiểu theo nghĩa Thánh Kinh nghĩa là hàm chứa sự biểu lộ của Thiên Chúa chân thật (chứ không theo nghĩa duy trí). Chân lý lịch sử của Thánh Kinh không nhất thiết hệ tại việc dựng lại các sự kiện theo thời gian và hoàn cảnh xã hội, nhưng hệ tại việc giải thích các sự kiện, nghĩa là dưới phương tiện những sự kiện đó diễn tả mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa.

31*– Công đồng dạy rằng việc giải thích rất cần thiết để hiểu Thánh Kinh. Khoa giải thích tìm tòi những phương pháp văn chương của thánh sử để khám phá điều thánh sử muốn dạy. Thiên Chúa muốn dạy cũng điều đó và có lẽ còn hơn nữa: vấn đề nghĩa thâm sâu (sensus plenior) mà Uỷ Ban không muốn quyết đoán.

32*– Đoạn này bàn về việc phê bình Thánh Kinh nghĩa là nhằm phân tích “khía cạnh nhân loại” của Thánh Kinh: văn thể, phạm trù tri thức, hoàn cảnh lịch sử v.v... như trong bất cứ tác phẩm văn chương nào. Tầm quan trọng của “văn loại” được đặt lên hàng đầu, dầu không kê khai đầy đủ. Ta nên lưu ý điểm này: phải công nhận sự hiện hữu của nhiều loại lịch sử khác nhau, vì trong các cuốn sách của Thánh Kinh, quan niệm lịch sử không có cùng một nghĩa như nhau. Ý tưởng sâu xa được hiểu ngầm ở đây là Lời Chúa đã trở thành lời thật sự của con người, nghĩa là lời nhập thể, như trình bày ở số 13.

33*– Khoa học chưa đủ cho việc chú giải Kitô giáo. Cần phải có đức tin. Nhà chú giải cũng phải được hướng dẫn bởi cùng một Thánh Thần đã linh hứng các thánh sử. Tiếp đến, phải đặt mỗi cuốn sách trong toàn bộ Thánh Kinh vì các sách không có cùng một giá trị như nhau. Phải nhớ rằng Mạc khải còn tiến triển: Tân Ước soi sáng Cựu Ước và Thánh Truyền của Giáo Hội lại soi sáng Tân Ước. Sau cùng, việc chú giải và Huấn Quyền phải cộng tác theo cùng một mục đích là giúp hiểu biết thêm về Mạc khải.

 
VỀ MỤC LỤC
MẠNG LƯỚI XÃ HỘI: CÁNH CỬA CỦA SỰ THẬT VÀ NIỀM TIN - TÂN KHÔNG GIAN ĐỂ HOÀNH DƯƠNG TIN MỪNG  
 

(THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI VỀ NGÀY TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI)

Chuyển ngữ: Nguyễn Tiến Cảnh

Anh chị em thân mến,

Nhân ngày Truyền Thông Thế Giới năm nay 2013 sắp đến, tôi muốn gửi tới anh chị em một vài suy tư về một thực tế quan trọng liên quan đến phương cách mà người dân ngày nay thường liên lạc với nhau. Tôi muốn nói đến sự phát triển của mạng lưới xã hội hiện đang tạo ra một tân “Agora” tức một công trường mở rộng cho công chúng, trong đó mọi người cùng nhau chia sẻ tư tưởng, ý kiến và tin tức; cũng trong đó những mối dây liên đới mới và những hình thức tân cộng đồng có thể xuất hiện.

Những khoảng không gian này, một khi được cam kết một cách khôn ngoan và cân bằng, sẽ giúp cho đối thoại và tranh luận có hiệu quả, và nếu được điều khiển một cách đứng đắn và tôn trọng bí mật cá nhân, có trách nhiệm và yêu sự thật thì có thể làm tăng sức mạnh đường dây hiệp nhất giữa những cá nhân với nhau và khuyến khích sự hoà hợp gia đình nhân loại một cách hiệu quả. Trao đổi tin tức có thể trở thành truyền thông thực sự, mối dây nối kết chín mùi trở thành tình bạn, và các móc nối khiến cho liên lạc được dễ dàng. Nếu mạng lưới được dùng để thực hiện khả năng to lớn đó thì những ai can dự vào hệ thống này phải cố gắng để trở nên chính thức, bởi vì, trong khoảng không gian này, không phải chỉ có những tư tưỏng và tin tức được chia sẻ, mà cuối cùng còn là chính chúng ta với nhau nữa.

Sự phát triển mạng lưới xã hội kêu gọi mọi người tham gia và cam kết kiến tạo tình liên đới và làm bạn, tìm những giải đáp cho các vấn nạn và để giải trí, nhưng đồng thời cũng tìm kiếm những kích thích trí năng, chia sẻ kiến thức và hiểu biết. Mạng lưới đang ngày càng trở thành một trong những cấu trúc của tổ chức xã hội khi nó tập họp được thật nhiều người lại với nhau trên nền tảng những nhu cầu căn bản này. Mạng lưới xã hội vì vậy được nuôi dưỡng bởi những khát vọng bắt rễ từ trong tâm con người.

Nền văn hóa mạng lưới xã hội và sự thay đổi cách thức cùng đường lối truyền thông đòi hỏi nhiều thách đố nơi những người muốn nói lên sự thật và những giá trị của nó. Thông thường, như trường hợp ta có nhiều cách truyền thông xã hội khác, thì ý nghĩa và hiệu quả của những cách diễn tả khác nhau đó xem ra được đánh giá bởi sự ưa thích của đa số quần chúng hơn là sự quan trọng và giá trị thực của nó. Về sự ưa thích của quần chúng thì thường dựa trên nhân vật nổi tiếng hoặc tài thuyết phục hơn là biện luận hữu lý. Đôi khi có rất nhiều tư tưởng hay nhưng phát biểu với giọng nói nhẹ nhàng và đều đều lại bị thất bại vì không gây được sự chú ý của người nghe bằng những người có giọng nói hùng hồn hấp dẫn có sức lôi cuốn. Vì vậy, mạng lưới xã hội cần sự cam kết của tất cả mọi người có ý thức sáng suốt về giá trị của đối thoại, tranh cãi hữu lý và luận giải đúng cách cũng như cam kết của những người chủ trương nhiều hình thái đàm thoại và cách thức diễn tả khác nhau khả dĩ thu hút được những ước vọng cao quí nhất của những người tham gia vào tiến trình truyền thông. Đối thoại và tranh luận cũng có thể sinh hoa kết trái khi mà chúng ta biết tôn trọng thực sự những ý kiến khác với ý kiến của mình. “Trường hợp một thực tế của hiện trạng đa văn hóa, người ta cần, không những chỉ chấp nhận sự hiện diện văn hóa của người khác, mà còn phải ao ước được trở nên phong phú hơn vì nó, cũng như cung hiến cho nó bất cứ cái gì hay ho, đẹp đẽ và chân thật mà mình có.” (Diễn văn tại buổi Tập Hợp Văn Hóa Thế Giới, Belem, Lisbon 12-5-2010)

Thách đố đang phải đối diện với mạng lưới xã hội là làm sao có được tính bao quát thực sự: Vậy, để có kết quả tốt thì cần phải có sự tham gia trọn vẹn của những tín hữu ước mong được chia sẻ thông điệp của chúa Giêsu và những giá trị nhân phẩm mà giáo huấn của Chúa khuyến khích. Các tín hữu hiện đang ngày càng nhận thức ra được là - không kể Tin Mừng Chúa cũng đã được biết tới trong thế giới digital [1]- có nhiều người có thể không biết đến điều đó trong khi cái không gian này lại quan trọng đối với họ. Môi trường digital không phải là một thế giới đi song hành hoặc hoàn toàn là ảo ảnh, nhưng nó là một phần của kinh nghiệm hàng ngày của nhiều người, đặc biệt giới trẻ. Mạng lưới xã hội là kết quả của tình tương giao giữa con người với nhau, nhưng chính những mạng lưới đó cũng góp phần vào việc uốn nắn lại sự linh động của truyền thông hiện đang tạo ra tình liên đới. Do đó hiểu biết về môi trường này như vậy phải là điều tiên quyết. Sự hiện diện đầy ý nghĩa này là ở đó.

Linh động dùng những loại ngôn ngữ mới là việc cần phải làm, không phải để theo kịp trào lưu, nhưng là để giúp cho sự phong phú vô biên của Tin Mừng tìm ra được những hình thức diễn tả khả dĩ có thể đạt được tâm tư ý nghĩ của tất cả mọi người. Trong môi trường digital thì chữ viết thường có tính tượng thanh tượng hình. Truyền thông có hiệu quả - như trong các dụ ngôn của chúa Giêsu - phải gợi được trí tưởng tượng và tình cảm của những người mà chúng ta muốn mời gọi họ đến tiếp cận với màu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng ta biết rằng truyền thống Kito giáo thì luôn luôn phong phú về dấu hiệu và biểu tượng: Tôi lấy thí dụ thập tự giá, các ảnh tượng, hình Mẹ Maria đồng trinh, máng cỏ Chúa Hài Đồng, các cửa kính muôn màu sắc và các bức tranh treo ở các thánh đường. Một phần đầy ý nghĩa của di sản thừa kế của nhân loại đã được tạo nên bởi các nghệ sĩ và nhạc sĩ là những vị đã tìm cách để diễn tả những sự thật của niềm tin.

Trong mạng lưới xã hội, các tín hữu nói lên sự thành tâm của mình bằng cách chia sẻ nguồn hy vọng và niềm vui sâu xa của họ là niềm tin nơi Thiên Chúa đầy khoan dung và nhân ái được thể hiện qua đức Giêsu Kitô. Sự chia sẻ này không phải chỉ là minh thị diễn tả niềm tin của mình mà thôi, nhưng còn phải chứng tỏ mình là chứng nhân trong cung cách truyền đạt “những chọn lựa, những ưa thích và những phán đoán đúng với Tin Mừng một cách trọn vẹn, ngay cả khi Tin Mừng không được nói đến một cách đặc biệt” (Thông Điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới năm 2011). Một cách đặc biệt và có ý nghĩa để thể hiện bằng chứng như vậy sẽ phải là ước muốn hiến thân mình cho tha nhân bằng cách đưa ra những vấn nạn và nghi vấn một cách bền bỉ và trân trọng khi họ đề xuất công tác tìm hiểu sự thật và ý nghĩa sự hiện hữu của loài người. Cuộc đối thoại nơi mạng lưới xã hội về niềm tin và sự tin tưởng sẽ xác định sự quan trọng và thích đáng của tôn giáo trong những cuộc tranh luận công khai và trong đời sống xã hội.

Đối với những ai đã chấp nhận tặng phẩm niềm tin với một tấm lòng mở rộng, thì đáp ứng căn bản nhất cho những vấn nạn về tình yêu, sự thật và ý nghĩa cuộc sống của loài người - những vấn nạn này chắc chắn là không thiếu ở mạng lưới xã hội - phải được tìm thấy nơi con người chúa Giêsu Kitô. Nó rất tự nhiên đối với những ai có niềm tin và ước muốn chia sẻ nó, một cách trang trọng và khéo léo, với những người mà họ gặp nơi diễn đàn digital. Tuy nhiên, cuối cùng nếu những cố gắng của chúng ta muốn chia sẻ Tin Mừng có mang lại kết quả tốt, thì luôn luôn là do quyền lực của chính lời Chúa đã đánh động lòng người trước tất cả những cố gắng của chúng ta. Tin tưởng vào quyền năng của Lời Chúa phải luôn luôn mãnh liệt hơn bất cứ một tin tưởng nào mà chúng ta có ở sức con người. Cũng trong môi trường digital, chỗ nào mà dễ dãi cho những phát ngôn nóng bỏng và phân hóa, chỗ nào thường có những chuyện giật gân xẩy ra thì chúng ta phải tới để lắng nghe hầu phân biệt phải trái, đúng sai. Về chuyện này, để tôi nhắc lại trường hợp tiên tri Elijah đã nhận ra tiếng Chúa gọi, không phải trong tiếng gió thổi ào ào như vũ bão, rung chuyển như động đất hay phừng phực như lửa cháy, mà là “tiếng nói êm đềm và nhỏ nhẹ” (1Kg 19:11-12). Chúng ta cần tin tưởng vào thực tế là ước vọng căn bản của con người để yêu và được yêu, để kiếm ra ý nghĩa và sự thật – cái ước vọng mà chính Thiên Chúa đã đặt để trong tâm của mỗi người nam và người nữ - để giữ cho những bạn đồng nghiệp của chúng ta trên mạng luôn luôn cởi mở với điều mà Chân phước Hồng y Newman gọi là “ ánh sáng hào hiệp” của niềm tin.

Mạng lưới xã hội, cũng như là một phương pháp Phúc âm hóa, cũng có thể là một yếu tố phát triển con người. Lấy thí dụ, trong một vài hoàn cảnh địa dư văn hóa nào đó mà ở đó người Kito hữu cảm thấy bị lẻ loi thì mạng lưới xã hội có thể củng cố thêm ý thức hiệp nhất thực sự của họ với cộng đồng tín hữu thế giới. Mạng lưới sẽ giúp họ chia sẻ dễ dàng những suối nguồn linh đạo và phụng vụ, giúp người ta có ý thức cầu nguyện sát cánh hơn với những người có cùng niềm tin. Việc cùng nhau chính thức tham gia vào những vấn nạn và hồ nghi của những người còn xa vời niềm tin sẽ khiến chúng ta cảm thấy có nhu cầu nuôi dưỡng niềm tin của chúng ta bằng lời cầu nguyện và suy niệm, trước mặt Chúa cũng như việc chúng ta thực thi bác ái: “Nếu tôi nói được tiếng nói của mọi thứ người và của cả thiên thần đi nữa mà tôi không có đức ái, thì tôi cũng chỉ như cái thanh la kêu phèng phèng mà thôi” (1Cr 13:1).

Trong thế giới digital, có những mạng lưới xã hội cung ứng cho những bạn lưới của chúng ta những cơ hội để cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ lời Chúa. Nhưng những mạng lưới này cũng có thể mở cửa cho nhiều chiều kích khác của niềm tin. Nhiều người hiện đang khám phá ra - rõ ràng là nhờ ở tiếp cận với mạng - sự quan trọng của va chạm trực tiếp, kinh nghiệm cộng đồng và ngay cả việc hành hương, là những yếu tố luôn luôn quan trọng trong hành trình đức tin. Khi cố gắng làm cho Tin Mừng hiện diện trong thế giới digital, chúng ta có thể mời gọi mọi người tụ họp lại để cầu nguyện hoặc cử hành phụng vụ trong những nơi đặc biệt như nhà thờ hay nhà nguyện. Sẽ không thiếu liên kết hay hiệp nhất trong việc diễn tả niềm tin và làm chứng cho Tin Mừng trong bất cứ một thực tế nào mà chúng ta được mời gọi để sống, hoặc trực tiếp hoặc ở diễn đàn digital. Khi chúng ta hiện diện trước mọi người, bằng bất cứ cách nào, chúng ta cũng được kêu gọi để làm cho mọi người biết đến tình yêu Thiên Chúa, cả ở những nơi xa xôi nhất tận cùng thế giới.

Tôi cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần đi theo anh chị em và luôn luôn soi sáng cho anh chị em. Tôi thân ái chúc lành cho tất cả anh chị em, để anh chị em có thể là những sứ giả và chứng nhân thực sự của Tin Mừng. “Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho toàn thể nhân loại” (Mc 16: 15).

Vatican 24 Jan. 2013.

Lễ Thánh Francis de Sales.

Giáo Hoàng Benedictus XVI

****

Nguyễn Tiến Cảnh chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh được Vatican đưa ra ngày 24-1-2013 (Zenit.org)

Fleming Island, Florida

Feb. 3, 2013


[1] Digital là một danh từ chuyên môn của mạng lưới truyền thông, hiện tiếng Việt mình chưa có một từ nào tương ứng nói lên ý nghĩa của nó. Vì vậy xin tạm giữ nguyên ngữ của nó.

VỀ MỤC LỤC
MẦU NHIỆM “LẮNG NGHE” TRONG TÂN ƯỚC

 

Lời Mời gọi của HĐGMVN:

Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina. (Thư Chung của HĐGMVN, ngày 1.5.2011, số 11)

Xin giới thiệu cho nhiều người thân tham gia Gia Đình Lectio Divina Lecdiv@gmail.comđể có thể hiệp thông với nhau trong đời sống cầu nguyện và cùng giúp nhau thực hành "điều cần thiết nhất trong mọi điều cần thiết". Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Nha Trang, sẽ cầu nguyện lâu dài cho tất cả những ai trung thành thực hành và cố võ việc thực hành Lectio divina.

Mọi thắc mắc về Lectio divina, xin gởi email cho cha Bảo Tịnh, O.Cist fr.baotinh@yahoo.fr

*****

 

Tác Phẩm: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!

Thiên Chúa tỏ mình cho con người thế nào?

Chuyển ngữ:

Thérèse Trần Thiết

Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

Nguyên tác:

Michel HUBAUT

UN DIEU QUI PARLE!

Comment Dieu se révèle-t-il à l’homme?

Chương 11: MẦU NHIỆM “LẮNG NGHE” TRONG TÂN ƯỚC 

 

Khi Lời Chúa nhập thể

Tin Mừng của thánh Mác-cô mở đầu việc rao giảng công khai của Thầy Giê-su bằng vài hàng tóm lược tất cả sứ vụ của Thầy và nét chính yếu của niềm tin ki-tô hữu: “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Ðức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14-15).

Ở đây Mác-cô không triển khai thêm nội dung chính xác của “Tin Mừng”, vì đối với ông trước hết, Tin Mừng chính là con người của Thầy Giê-su. Chính là sự thâm nhập vô hình của tình yêu Thiên Chúa nơi Thầy Giê-su, Đấng đã đến đồng hành trên mọi nẻo đường trần thế, để làm cho con tim và nhân tính của chúng ta nên phong phú.

Thầy đã khai trương triều đại của tình yêu Thiên Chúa nơi chính con người của Thầy, làm người để ở gần chúng ta. Thầy là Giao Ước nhập thể, là con đường mới. Lời của Người nhập thể để “đưa chúng ta về” với Thiên Chúa. Tin Mừng, Phúc Âm của Chúa không phải là một “cuốn sách”, nhưng là một Người sống động, một biến cố lịch sử.

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Chẳng phải ngẫu nhiên mà Mác-cô liên kết chặt chẽ hai động từ cốt lõi này ở đây: “sám hối” và “tin”. Vì đối với Mác-cô, sám hối, trước hết không phải là đi từ tật xấu đến nhân đức, nhưng là tin vào biến cố vô cùng trọng đại: Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta. Tin rằng Giê-su khai trương cho Vương Quốc của Thiên Chúa, Vương Quốc của Tình Yêu, ngay trên mặt đất này của chúng ta.

Đúng là niềm tin đòi hỏi một cuộc hoán cải thực sự của tâm linh, một cuộc hoán cải triệt để về mọi cách thế suy tư, tưởng nghĩ của chúng ta về Thiên Chúa. Sự hoán cải, cũng như niềm tin của ta là một xúc tiến sinh động, một lộ trình không bao giờ kết thúc, vì sẽ chẳng bao giờ chúng ta hòa nhịp trọn vẹn được với Tin Mừng của Thiên Chúa, chẳng bao giờ ta đón nhận cho đủ, với lòng tín thác vào ơn thâm nhập vô hình của Thiên Chúa, Đấng đã quyết định đến viếng thăm, cứu chuộc chúng ta qua Đức Giê-su Ki-tô.

Vậy hoán cải chính là, với ơn thánh Chúa, thay đổi hướng đi của cuộc đời, từ những toan tính nhỏ mọn hẹp hòi, nhắm vào tư lợi chốc lát của ta, để “trở lại với Thiên Chúa”, bước theo Đức Ki-tô là đường đi.

Hoán cải, chính là chấp nhận được giải cứu, được thành toàn bởi một Người Khác, và hòa nhịp đời mình với sự kiện đó. Hoán cải và niềm tin là một, không thể tách rời. Để hoán cải, để thay đổi định hướng của cuộc đời, ta phải dám tín thác vào Giê-su, dám đánh cuộc tương lai của ta với Thầy.

Hoán cải, không phải là chỉ hối tiếc tội lỗi mình, (bằng những nghi thức thường có trong mọi tôn giáo), nhưng là xác tín rằng con người Giê-su là Lời của Thiên Chúa, có quyền lực làm thay đổi, “chuyển hướng” lòng tôi, mọi tư duy của tôi. Không thể có hoán cải mà không có lòng tin: “Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin" (Mc 9, 23). “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8, 24). Và Thầy Giê-su cũng lặp lại nhiều lần: “Hãy ra đi, đức tin của con đã cứu con!”

 

Lắng nghe và tin

Đối với thánh Gio-an, hai động từ “lắng nghe” và “nghe” rất quan trọng; chúng được dùng tới 58 lần trong Tin Mừng của ngài. Chúng còn nằm trong số những từ vựng của mạc khải, mà đối tượng thường là Thầy Giê-su, cũng có khi là Chúa Cha.

Ta nên nhớ Thầy Giê-su đã tự giới thiệu là người lắng nghe và làm chứng về những gì chính Thầy đã nghe thấy. Giê-su liên lỉ sống trong thái độ lắng nghe Cha. Thầy là Đấng đã "đến từ trời cao (...) để làm chứng cho điều Người đã thấy và đã nghe" (Ga 3, 31-32).

“Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói” (Ga 8, 26), “Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa” (Ga 8, 40).

Là người Con, Thầy đã cho các môn đệ, như những người bạn thiết nghĩa, biết tất cả những gì đã được “nghe thấy” nơi Cha của mình. “Những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).

Thánh Gio-an còn nhấn mạnh cách đặc biệt mối liên hệ chặt chẽ giữa “nghe Lời” và “tin”. “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời” (Ga 5, 24).

Lắng nghe Lời Thầy, nhận biết và tin rằng Thầy là Đấng Cha sai đến, gắn kết với Lời Thầy như với chính Lời của Chúa Cha, thực ra chỉ là một động tác. Việc lắng nghetin đòi hỏi một sự chuẩn bị nội tâm, nhưng việc chúng ta đón nhận và nghiền ngẫm trong thinh lặng của con tim mới là chính yếu. Niềm tin không phải là kết quả của những buổi thảo luận, bàn cãi lâu giờ, mà là của sự “thinh lặng để lắng nghe”, để tiếp đón sự linh hứng nhiệm mầu của Chúa đã uốn lòng con người rộng mở cho mầu nhiệm Mạc Khải.

“Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Ðấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy ... Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (Ga 6, 44-45).

Một chủ đề khác của thánh Gio-an là “nghe tiếng”, để nói về một tương quan trực tiếp với con người của Thầy Giê-su; Thầy là “tiếng nói”, người Con này của Thiên Chúa là suối nguồn của đời sống vĩnh cửu. Cả những người đã chết, nhưng tin vào Lời Thầy, cũng nghe được “tiếng nói” này.

“Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là lúc này đây giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống. Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy” (Ga 5, 25-26).

“Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37).

Đem so với “lời”, thì “tiếng” có một âm vang mạnh hơn của lời gọi, của lời mời khẩn trương. “Nghe” và nhất là “nghe” “tiếng”, ngầm nói lên một liên hệ thân thuộc song phương giữa người phát ra tiếng và người nhận ra âm vang của tiếng. Bài giảng huấn về “Vị Mục Tử nhân lành” minh chứng rõ điều này, và đồng thời nói lên ý nghĩa thâm thuý của việc “nghe tiếng”.

“Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh”... “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong” (Ga 10, 3-4; 10, 27-28).

Bầy chiên “nghe tiếng Thầy” vì Thầy gọi mỗi con bằng tên riêng của nó, nên chúng nhận biết tiếng của Thầy. Cũng như Ma-ri-a Ma-đa-lê-na nhận ra tiếng Chúa Giê-su ngay khi nghe tên mình “Ma-ri-a!” (x. Ga 20, 16). Cô nhận ra Thầy không phải vì đã thấy Thầy – vì cô tưởng đó là người làm vườn – nhưng bởi cô đã nghe tiếng của Thầy mình. Cũng như Nàng của sách Diễm Ca đã “nhận ra tiếng của Chàng” (x. Dc 2, 8; 5, 2; 8, 13).

Chẳng khác gì Gio-an Tẩy Giả tự ví mình như bạn chàng rể, “đứng đó để nghe và vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng chàng” (Ga 3, 29). Lời của Chúa chỉ có thể đụng chạm đến tâm hồn nào sẵn sàng trong thái độ lắng nghe.

 

Lắng nghe và đem ra thực hành

Các văn bản của Tân Ước vẫn tiếp nối viễn tượng và bối cảnh của Sách Thánh. Chúng ta thấy lời kêu gọi “lắng nghe”, theo Sách Thánh, có nghĩa là “đem ra thực hành”:

“Mẹ và anh em Ðức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Họ báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy". Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 19-21).

“Khi Ðức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! Nhưng Người đáp lại: "Ðúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28).

“Tại sao anh em gọi Thầy: "Lạy Chúa! Lạy Chúa!", mà anh em không làm điều Thầy dạy? "Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi xảy ra lụt, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc” (Lc 6, 46-48).

Ngày Thầy Hiển Dung trên núi, có tiếng của Cha vọng ra từ đám mây, cũng không nói gì khác hơn những gì các ngôn sứ đã không ngừng kêu gọi trong Thánh Kinh: Hãy nghe Người!

“Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho". Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất". Ðức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 28-31).

Trình thuật trên đây đã nói lên tất cả tầm mức quan trọng của việc lắng nghe và vâng phục trong niềm tin. Người con trả lời “vâng”, rồi lại không đi, có lẽ muốn ám chỉ dân Giao Ước, họ nắm giữ Lề Luật nhưng lại không biết “lắng nghe” sự mới mẻ của Lời Chúa được mạc khải nơi Thầy Giê-su. Và người con nói “không” nhưng sau đó đã lên đường, chắc chắn là ám chỉ các dân ngoại, các người tội lỗi, nhưng lại sẵn sàng nghe Lời Chúa. Nên không phải tất cả những ai nói “vâng” đều là những người nghe thực sự đâu! Chúng ta cũng có thể nhân danh những thói quen đạo đức của mình mà tự biến mình thành “vô cảm” trước những tiếng gọi của Chúa.

Đi lễ hằng ngày có ích gì nếu ta đặt “con tim” trong một thành trì “bất khả thâm nhập”, trước những tiếng gọi của Thần Khí, của anh em, của những biến cố muốn lay động thói quen cố hữu của chúng ta?

Cũng như trong toàn bộ Sách Thánh, việc nghe Lời Chúa và lòng tin yêu luôn gắn chặt với nhau. Ta chỉ có thể nghe nếu ta tin tưởng vào người nói với mình, mà chỉ tin tưởng được nếu cảm nhận được người đó yêu thương ta. Nghe bao giờ cũng là “tin” vào một người khác. Chấp nhận trở nên dễ thấm nhập trước lời nói của người khác. Tín thác. Chấp nhận một cách khiêm hạ rằng mình không phải là trọng tâm của mọi sự, đón nhận một tia sáng không phải chỉ do lý trí sáng suốt của tôi mà đến. Tin là nghe, là rộng mở trước tiếng gọi do Thiên Chúa khởi xướng.

Trong Kinh Thánh, từ “tin”, “tin tưởng” (emunah), do gốc tiếng Do-thái là “aman” chỉ những cây cọc mà dân du mục đóng chung quanh lều trại của họ, để gió không thổi bay đi mất. Sau đó dần dần từ ấy được dùng để chỉ sự vững chắc của mặt đất, một hợp đồng giữa hai chi tộc, rồi cũng để chỉ sự vững bền của Thiên Chúa, bền chắc như tảng đá để ta có thể nương tựa, là Đấng ta có thể tin tưởng.

Vì thế mà Gio-suê, sau khi tập hợp mọi chi họ Ít-ra-en ở Si-khem, đã nhắc nhở dân chúng tất cả những gì Thiên Chúa đã làm để giải phóng dân, và ký giao ước với họ. Và sau khi đứng nghe đọc Lề Luật diễn giải Giao Ước, toàn dân đồng thanh hô to: “A-men. Chúng tôi sẽ phụng thờ Ðức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24).

Đây cũng là điều mà chúng ta làm trong mỗi thánh lễ. Khi linh mục lặp lại lời Thầy Giê-su tuyên bố một Giao Ước Mới được ký kết bởi sự chết và phục sinh của Thầy, toàn thể cộng đoàn tham dự đồng thanh đáp: “A-men”. Đúng vậy, chúng ta gắn kết với Giao Ước Mới được ký kết bởi cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô, vì đó là nền tảng vững bền, chúng ta có thể tín thác nơi Người: A-men.

 

Sự vâng phục của niềm tin được lưu truyền bởi Lời

Chúng ta thấy nơi thánh Phao-lô ý nghĩa Thánh Kinh của việc nghe: tin, vâng phục, đem ra thực hành. Chính vì vậy mà thánh nhân đã dùng kiểu nói sự vâng phục của niềm tin. Hai chữ “vâng phục” do nguồn gốc Hy-lạp, có nghĩa là “nghe”, “lắng tai”. Theo ngữ học, từ “obéir” của tiếng Pháp cũng gợi lên cái mầu nhiệm của sự lắng nghe này. Theo các tác giả Thánh Kinh, vâng phục không phải là một sự chịu lụy mù quáng hay thụ động, mà là một sự “vâng nghe của con tim”. Đối với thánh Phao-lô, niềm tin được nẩy sinh từ việc “lắng nghe Tin Mừng”, Lời của Đức Ki-tô. Nó là một sự gắn kết tự do vào chứng tá của các Tông Đồ, chứng nhân của đức Ki-tô.

“Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được các đặc ân và chức vụ Tông Ðồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục[1] Tin Mừng” (Rm 1, 5).

Sự “lắng nghe của niềm tin” này, theo Kinh Thánh, là một cam đoan để sống, để đem ra thực hành Lời Chúa được mạc khải nơi Đức Giê-su: “Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21).

Đối với thánh Phao-lô, tin là theo Đức Ki-tô, sống hiệp thông với Người. Thánh nhân đã không ngần ngại tuyên bố: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi…” (Gal 2, 20).

Nhưng để con người có thể lắng nghe Lời Mạc Khải này, Lời đó cần phải được loan báo. Nên Phao-lô mới nói, Thiên Chúa đã sai những vị “rao giảng” Tin Mừng trong toàn thế giới, để mở lòng con người cho niềm tin vào Lời Đức Ki-tô.

“Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Ðấng họ không tin? Làm sao họ tin Ðấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Ðẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng! Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng; chính ngôn sứ Isaia đã nói (52, 7): Lạy Ðức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Ðức Ki-tô” (Rm 10, 14-17).

Phao-lô xác tín rằng sứ vụ tông đồ của ông chủ yếu là công bố Lời, Tin Mừng, để thức tỉnh lòng mọi người niềm tin vào Đức Ki-tô, đặc biệt là dân ngoại. Các tông đồ chỉ là những người phụng sự, những sứ giả đem các “tín hữu” đến với niềm tin: “Vậy A-pô-lô là gì? Phao-lô là gì? Ðó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban” (1Cr 3, 5).

  

Lắng nghe của niềm tin là một ơn của Thần Khí

Lời Chúa được mạc khải không cất giấu trên trời, nhưng đã được loan báo bởi các chứng nhân, Lời ấy đã vang dội trong lòng chúng ta, đã vào tận thâm cung con người chúng ta, để mỗi người có thể đón nhận cách tự do và nhận biết rằng Đức Giê-su là “Chúa”. Lời mạc khải này cũng không chỉ dành riêng cho một số người đã được khai tâm, nhưng đó là một ơn ban cho mọi người:

“Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời đức tin chúng tôi rao giảng. Nếu miệng bạn tuyên xưng Ðức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10, 8-10).

Nhưng nếu Lời đã được ban tặng cho mọi người, thì mọi người cũng cần phải đón nhận Lời cách hoàn toàn tự do nhờ ơn soi sáng của Thần Khí, như thánh Phao-lô quả quyết: “Không ai có thể nói rằng: "Ðức Giê-su là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí(1 Cr 12, 3b).

Chính Phao-lô đã kinh nghiệm rằng niềm tin không dựa trên sự lỗi lạc của lý trí, trên sự khôn ngoan của con người, mà là trên tác động của Thiên Chúa, Thần Khí của Người thâm nhập vào tận đáy lòng chúng ta và mở ra cho ơn Mạc Khải của Người. Phao-lô đã nhắc nhở các tín hữu Cô-rin-tô, sau thất bại bên cạnh các nhà hiền triết tại A-thê-na. Ở Cô-rin-tô, Phao-lô không tự giới thiệu như một nhà hùng biện với những triết lý khôn ngoan đầy sức thuyết phục nữa:

“Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lời lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2, 4-5).

 

[1]  1. Trong Hy ngữ: hypakos pisteou. Từ hypakos, trong các thư của thánh Phao-lô, do động từ akouein, nghe, lắng nghe. Còn về từ “obéir” (vâng phục) của Pháp ngữ, do từ la-tinh ob-audire, lắng nghe.

còn tiếp nhiều kỳ

VỀ MỤC LỤC
ĐỐI THỌAI VỀ ĐỨC TIN - NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN - VẤN ĐỀ 1
  

LM ĐAN VINH

 

Năm nay Giáo Hội mở ra Năm Đức Tin. Đây là thời gian thuận lợi để mọi thành phần tín hữu cùng nhau đào sâu tìm hiểu về đức tin, thực hành và truyền đạt đức tin cho người khác. Việc tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến khoa học và đức Tin tôn giáo rất cần để người tín hữu thêm xác tín và có khả năng trình bày đức tin cho người muốn tìm hiểu những vấn đề liên quan đến khoa học và đức tin tôn giáo như: Chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và của linh hồn nơi con người; Về sự hình thành của vũ trụ vạn vật; Giải đáp các thắc mắc theo quan điểm của Hội Thánh về sinh sản vô tính, hôn nhân đồng tính, các phương pháp ngừa thai phá thai, vấn đề an tử, các mầu nhiệm đức tin và các họat động trần thế của Giáo Hội, cùng nhiều thắc mắc về hôn nhân gia đình v.v…

 

Đây là những vấn đề khá mới mẻ đối với phần đông các tín hữu, đặc biệt là giới trẻ thanh thiếu niên Công Giáo chuẩn bị vào đời, mà với vốn liếng giáo lý ít ỏi, thu lượm được trong thời thơ ấu, không đủ để tự giải đáp thỏa đáng. Nhờ hiểu biết thêm về các vấn nạn trên với cái nhìn đức tin, các tín hữu sẽ không bị mặc cảm tự ti khi tiếp xúc với các người vô tín hay bạn bè khác tôn giáo. Trong Năm Đức Tin này, các bạn trẻ cần được tập huấn trở thành những tông đồ giáo dân nhiệt thành loan Tin Mừng cho bạn đồng trang lứa với mình, như Công Đồng Va-ti-ca-nô đã khẳng định :”Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ” (Sắc lệnh TĐGD số 12). Họ phải trở nên như nắm men giữa thúng bột xã hội, để làm cho thúng bột dậy lên men tình yêu của Chúa (x Mt 13,33).

 

Nhằm mục đích giúp các vị hữu trách phần nào trong việc sọan tài liệu dạy giáo lý cho các thành phần tín hữu chuẩn bị vào đời, các lớp giáo lý dự tòng, hay các hội đòan Công Giáo Tiến Hành… chúng tôi đã cố gắng thu thập và giải đáp các thắc mắc về đức tin rồi sắp xếp thành NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

 

Trong phần giải đáp, chúng tôi cố gắng khai triển, đào sâu đề tài để giúp các giảng viên giáo lý tiện sử dụng khi giảng dạy. Mỗi lời giải đáp gồm Lời Chúa, suy niệm đề tài, tóm kết, thảo luận và lời cầu để xin Chúa ban thêm đức tin cho các học viên.

 

Những lời giải đáp này không nhằm mục đích cổ võ những cuộc tranh luận vô bổ với ngừơi không cùng tín ngưỡng, mà chỉ nhằm trình bày quan điềm của người có đức tin trước những vấn đề thiết thực liên quan đến đức Tin và luân lý. Những lời giải đáp này được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau như: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo; Giải quyết vấn đề nhân sinh; Người Công Giáo trước vấn đề đức tin; Đi về đâu?; Đạo Công Giáo là gì?; Những thắc mắc của cuộc đời; Trả lời vắn tắt; Lịch sử nhân lọai; Con người và vấn đề Thương đế, và các tài liệu phong phú trên các trang mạng công giáo…

 

Tuy nhiên, những lời giải đáp này chắc không tránh khỏi những khuyết điểm sai sót, chưa phải là những lời giải đáp đầy đủ nhất... Dù chỉ là viên gạch nhỏ bé tầm thường, nhưng chúng tôi hy vọng được góp phần với Hội Thánh trong việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô và giúp anh em lương dân hiểu thêm về đức tin công giáo trong Năm Đức Tin này.

 

I. VẤN ĐỀ TƯƠNG QUAN GIỮA KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

 

- VẤN ĐỀ 1 : Khoa học mới là tiếng nói chân chính của lòai người tiến bộ. Vì khoa học có khả năng giải đáp mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người. Còn Đức tin tôn giáo chẳng qua chỉ là sự mê tín, bắt nguồn từ sự dốt nát của những người thời tiền sử. Ngày nào khoa học hòan tòan tiến bộ, thì ngày ấy tôn giáo đương nhiên sẽ bị đào thải.

ĐÁP:

1. LỜI CHÚA: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài” (Tv 18,2).

2. SUY NIỆM:

1. Thực ra Khoa học chỉ có giới hạn, và không thể giải đáp được mọi vấn đề liên hệ đến con người :

Vào thế kỷ 19, Khoa học đã tiến một bước nhảy vọt, đem lại những phát minh mới lạ làm đảo lộn mọi hiểu biết của con người về vũ trụ thiên nhiên, khiến cho một số người quá lạc quan, tin tưởng khoa học có khả năng vô hạn, có thể giải quyết được mọi vấn đề đặt ra mà không cần phải nại tới Thiên Chúa hay thần minh nào khác. RENAN đã mạnh dạn tuyên bố: ”Tổ chức nhân lọai theo phương pháp khoa học. Đó là câu nói cuối cùng của Tân Khoa Học. Dĩ nhiên lý trí sẽ điều định nhân lọai trước, rồi điều định tới Thiên Chúa sau…” (L ‘Avenir de la science p.37).

Nhưng giây phút phấn khởi ban đầu qua đi mau chóng, và người ta đã dần dần ý thức được sự bất lực của khoa học, sản phẩm của trí khôn con người. Những giả thuyết khoa học mà người đi trước coi là chân lý, đã không còn đứng vững trước những khám phá mới lạ hợp lý hơn của người đi sau. P. TERMINÉ đã khiêm tốn hơn khi thú nhận: ”Khoa học liền với bất khả tri. Khoa học đầy bí ẩn mà phần lớn không giải thích được. Khoa học khêu gợi bí nhiệm hơn là giải thích chúng”,

Thực vậy, ngay trong lãnh vực vật chất là đối tượng nghiên cứu của khoa học, thế mà các nhà bác học cũng gặp rất nhiều trở ngại không thể vượt qua. Chẳng hạn : Nhìn một bông lúa ngòai đồng, do quá trình quan sát khoa học có thể cho biết bông sẽ nảy sinh ra hạt lúa. Nhưng lại bất lực không thể hiểu thấu bí nhiệm của việc nảy mộng như thế nào. Cho đến nay, sau bao nhiêu cố gắng, các nhà bác học vẫn không thể làm được một con vật bé nhỏ tầm thường với đời sống tự lập như một con sâu, một con kiến… Đang khi chung quanh họ có không biết bao nhiêu sinh vật khác phức tạp gấp bội phần vẫn chưa được khoa học tìm hiều nghiên cứu.

Như vậy, phải công nhận rằng : Khoa học có giới hạn và không thể tự hào giải quyết được mọi vấn đề, nhất là những vấn đề siêu hình không thuộc đối tượng nghiên cứu của nó như : Thiên Chúa, linh hồn, đời sau… Những vấn đề này thuộc phạm vi đức tin và chỉ có triết học và thần học mới có khả năng và có quyền lên tiếng mà thôi.

2. Đức Tin không phải là mê tín. Nhưng là thái độ cần thiết và hợp lý của con người có trí khôn :

a) Đức Tin chân chính khác hẳn mê tín dị đoan :

-Mê tín là quá tin một điều gì cách mù quáng và vô lý. Mê tín do sự ngu dốt, kém hiểu biết khoa học mà ra. Chẳng hạn ngày xưa người ta tin các hiện tượng thiên nhiên như mưa bão sấm chớp… là những vị thần minh, mà con người nếu muốn được an thân, cần cầu khấn lễ bái để được các vị thần ấy che chở phù giúp. Hoặc ngày nay ở các dân tộc bán khai, dân chúng u mê tin tưởng vào tài chữa bệnh của các thày mo, thày pháp… Thay vì phải uống thuốc chữa bệnh theo toa bác sĩ, họ lại theo lời quỉ thần mách bảo để dâng lễ vật và uống tàn nhang, nước thải… Trong trường hợp này, khi con người càng tiến bộ về khoa học, thì những điều mê tín kia cũng bị sẽ bị đào thải.

-Trái lại, Đức Tin chân chính là chấp nhận chân lý cách sáng suốt, dựa trên những bằng chứng đáng tin như : Dù mắt ta không nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng khi nhìn xem vũ trụ mênh mông vô tận, với những trật tự lạ lùng hòan hảo, hoặc khi nghiên cứu các bộ phận trong cơ thể con người, người ta sẽ trực giác nhận biết phải có một Đấng nào đó đã sáng tạo và an bài mọi sự. Đấng ấy được gọi là Thiên Chúa, Ông Trời hay Đấng Tạo Hóa…

b) Đức Tin là điều hợp lý và cần thiết :

- Hợp lý vì ngay trong đời sống thường ngày, con người muốn tiến bộ và sống an vui hạnh phúc cũng cần tin cậy lẫn nhau như: Chúng ta tin các kiến thức khoa học được dạy ở nhà trường là đúng, dù chúng ta chưa hề kiểm chứng. Ta tin tưởng giao chìa khóa nhà cho bà con hàng xóm giữ dùm khi ra khỏi nhà, để ngươi thân về trước có thể mở khóa vào nhà được… Thế thì tại sao một khi đã nhận biết có Thiên Chúa, ta lại không tin tưởng những lời Ngài mặc khải, nếu những điều ấy có bằng chứng đáng tin, phát xuất từ những nguồn gốc có giá trị mặc khải, có những phép lạ đi kèm, đồng thời rất nhiều lời tiên báo đã được ứng nghiệm trong lịch sử ? Lời Chúa dù do nhiều tác giả viết ra trong nhiều thời điểm khác nhau, nhưng vẫn luôn đồng nhất trong tòan bộ giáo lý.

Đàng khác, Đức Tin chân chính không phải là mê tín, vì không phủ nhận vai trò tìm hiểu của trí khôn. Trí khôn là một tài năng đặc biệt của con người, có quyền điều tra tìm hiểu những bằng chứng thiết yếu, trước khi quyết định chấp nhận. Đức Giáo Hòang Pi-ô 9 đã viết như sau :”Để tránh mọi lầm lạc lừa dối trong một vấn đề quá quan trọng như thế, lý trí con người phải điều tra rất cẩn thận xem sự việc Thiên Chúa mặc khải có thật không? Để biết chắc chắn rằng Thiên Chúa đã nói thực sự.” (Thông Điệp Qui pluribus.-1846).

- Đức Tin còn cần để đạt hạnh phúc vĩnh cửu: Đời sống con người không phải chỉ gồm các việc ăn uống, ngủ nghỉ, chời đùa… sinh ra rồi chết đi như một con vật tầm thường. Trái lại, con người chúng ta có giá trị trổi vượt vì có hồn thiêng bất tử. Chết ikhông phải là hết, nhưng linh hồn con người sẽ tồn tại mãi, và con người sẽ lãnh nhận hậu quả là được hạnh phúc hay bị đau khổ do những việc đã làm khi còn sống. Chỉ những người biết mở lòng chấp nhận đức tin và trung thành thể hiện đức tin ấy trong cuộc sống thường ngày, mới hy vọng được ơn cứu độ như lời Đức Giê-su: ”Ai tin Ta sẽ được sống đời đời” (Ga 6,47). Và ngược lại: ”Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi” (Ga 3,18).

TÓM KẾT:

Tuy khoa học ngày nay đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc khám phá những sự kỳ diệu trong vũ trụ thiên nhiên và nơi con người. Nhưng sự tiến bộ mới chỉ ở lãnh vực tìm hiểu và lai tạo bắt chước chứ không phải sáng tạo từ không ra có, không thay đổi được những trật tự kỳ diệu trong vũ trụ. Do đó, sự tiến bộ không phải là lý do để con người phủ nhận Thiên Chúa. Khoa học cũng không thể tự hào giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến con người. Vì khoa học chỉ là sản phẩm của trí khôn con người. Đối tượng nghiên cứu của nó là vật chất hữu hình, có thể cân đo đong đếm và nhìn thấy được… thì làm sao có cao vọng lên tiếng trong những vấn đề ngòai lãnh vực thực nghiệm của nó như: Thiên Chúa, linh hồn… Khoa học không thể phủ nhận đức tin chân chính, nhưng có vai trò thanh luyện đức tin, làm cho đức tin ngày một bền vững sáng tỏ hơn.

3.THẢO LUẬN:

1)Theo bạn đức tin có phải là mê tín không? Tại sao ?

2)Khoa học có giải đáp được mọi vấn nạn liên quan đến vũ trụ thiên nhiên và số phận của lòai người không? Tại sao?

4. LỜI CẦU :

Lạy Chúa, xin mở mắt con để nhìn xem những công trình kỳ diệu Chúa đã làm trong vũ trụ thiên nhiên và trong bản thân mỗi người chúng con. Con cảm nghiệm quyền năng của Chúa luôn hiện diện và tác động trong từng đường gân thớ thịt, từng góc cạnh sâu thẳm trong tâm hồn con. Xin cho con biết nghiên cứu về khoa học và tâm lý để thêm hiểu biết về những kỳ công Chúa làm vì yêu thương lòai người. Nhờ đó, con thêm xác tín vào quyền năng và tình thương của Chúa, và dâng lời ngợi khen cảm tạ tình thương của Chúa như lời Thánh Vịnh: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Thanh không kể ra sự nghiệp tay Ngài” (Tv 18,2)- A-men.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

VỀ MỤC LỤC
NĂM ĐỨC TIN : Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ
 

Các bí tích mà Chúa Kitô đã thiết lập và ban cho Giáo Hội cử hành, đều rất quan trọng và cần thiết cho mục đích cứu độ con người nhờ công nghiệp của Chúa Cứu Thế Giêsu. Do đó, mọi tín hữu trong Giáo Hội đều được kêu gọi năng lãnh nhận các bí tích tối quan trọng là Thánh Thể và Hòa giải sau khi đã được tái sinh qua Phép Rửa và củng cố đức tin qua Bí tích Thêm sức.Nhưng muốn sống sung mãn và lớn lên trong đức tin thì phải siêng năng chạy đến với Bí tích Thánh Thể là phương thế hữu hiệu nhất để giúp trở nên thánh thiện nhờ được tham dự vào đời sống thần linh của Chúa Ba Ngôi mỗi khi được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô qua Bí tích Thánh Thể cử hành trong khuôn khổ Thánh lễ Tạ Ơn.

Thật vậy, có thể nói : Bí tích Thánh Thể là bí tích ban ơn cứu độ quan trọng nhất mà Chúa Kitô đã trao cho Giáo Hội cử hành để tiếp tục công trình cứu độ nhân loại của Người cho đến ngày mãn thời gian.

Nói được như vậy, là vì qua việc cử hành Bí Tích quan trọng này trong khuôn khổ Thánh lễ Tạ Ơn ( Eucharist), Chúa Kitô lại thực sự hiện diên nơi các thừa tác viên con người là linh mục và giám mục để dâng lại Hy Tế cực trọng mà Người đã một lần dâng lên Chúa Cha trên thập giá năm xưa để xin ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại đáng phải phạt vì tội lỗi.

Hiến Chế Tin Lý Lumen Gentium của Đại Công Đồng Vaticanô II đã nói rõ về mục đích và ơn ích của Thánh lễ Tạ Ơn như sau :

mỗi lần Hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “ Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế” ( 1 Cor 5, 7), thì công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” ( LG. số 3)

Nghĩa là mỗi khi Thánh lễ tạ Ơn được cử hành ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hội, thì Hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô lại được diễn ra để xin ơn tha thứ cho chúng ta ngày nay cùng thể thức và mục đích mà Chúa Kitô đã một lần dâng Hy tế của Người trên thập giá xưa kia.Chỉ có sự khác biệt là xưa trên thập giá , chính Chúa Kitô – vừa là bàn thờ, vừa là linh mục và là của lễ- đã đích thân dâng Hy Tế của Người qua khổ nạn thập giá và máu Người đã đổ ra từ canh sườn và trong toàn thân từ đầu, mình và chân tay, vì bị đánh đập tàn nhẫn, bị đóng đanh và đầu đội mão gai..Chúa đã dâng tất cả sự đau khổ lớn lao đó và cả mạng sống của mình làm giá chuộc cho muôn người. Trên thập giá Người đã thực sự đổ máu và bị sát tế như Chiên Vượt qua để cho chúng ta được hưởng nhờ công ơn cứu chuộc vô giá của Người.

Ngày nay, trên bàn thờ, Chúa dùng tay mà miệng của các thừa tác viên tư tế là linh mục và Giám mục để dâng lại cách bí nhiệm Hy Tế thập giá của Người cũng như diễn lại Bữa Tiệc ly để ban mình và máu Người làm của ăn và của uống cho chúng ta được nuôi dưỡng về mặt thiêng liêng và nhất là có hy vọng được sống đời đời với Chúa như Người đã phán hứa xưa kia:

“ Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” ( Ga 6 :54)

Chỉ có qua bí tích Thánh Thể cử hành trong Thánh Lễ Tạ Ơn mà chúng ta được dự bàn tiệc thánh để ăn uống Mìnhvà Máu thánh Chúa hiện diện thực sự ( real presence) dưới hai hình Thánh Thể là bánh và rượu nho.

Như thế, tham dự và cử hành bí tích Thánh Thể trong khuôn khổ Thánh lễ Tạ Ơn là việc vô cùng quan trọng trong đời sống của Giáo Hội và của mọi người tín hữu Chúa Kitô, vì đây chính là “ nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” ( x. LG ,số 11) như Giáo Hội dạy.

Là nguồn mạch và là chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, vì chỉ qua Hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ ngày nay mà Thiên Chúa, Cha chúng ta, lại tuôn đổ muôn ơn thánh của Người cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Kitô với Hy tế một lần của Người trên thập giá và nay đang được tiếp tục dâng lại trên bàn thời qua tác vụ của Giáo Hội.Chính nhờ Hy tế cực trọng này mà con người được giao hòa lại với Thiên Chúa và có hy vọng được cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng Thánh Nhan Chúa là nguồn vui và hạnh phúc bất tận.Và cũng chỉ nhờ có Hy tế thập giá mà mọi ơn ích của các bí tích khác được kiện toàn và thêm phong phú.

Cụ thể, sau khi được tái sinh qua bí tích Rửa tội, trẻ em hay người lớn không thể lớn lên trong đức tin và thân tình với Chúa nếu không được bồi dưỡng bởi ơn đặc biệt của phép Thánh Thể nhờ lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô hiện diện cách trọn vẹn nhưng bí nhiệm trong bánh và rượu nho.

Nói khác đi, không có việc đạo đức hay cử hành phụng vụ nào quan trọng và có giá trị về mặt thiêng liêng hơn Thánh lễ Tạ ơn, vì qua Bí tích cao trọng này, Giáo Hội tưởng niệm và cử hành Bữa ăn sau hết và Hy Tế thập giá của Chúa Kitô với Nhóm Mười Hai Tông Đồ trong đêm Người bị nộp, vì Giuđa phản bội. Trong bữa ăn cuối cùng này, “Chúa Cứu Thế đã lập hy lễ Thánh Thể của Mình và Máu Người để lưu truyền vạn đại lễ hy sinh thập giá của Người đến muôn đời, cho tới khi Người đến, và cũng là để trao lại cho Giáo Hội là Hiền thê yêu quí của Người bí tích của tình yêu, dấu chỉ của hiệp nhất, sợi dây liên kết của đức ái. Với Bữa tiệc Vượt qua, trong đó Chúa Kitô được ban làm lương thực , linh hồn ta được đổ tràn đầy ân sủng là bảo chứng cho vinh quang mai sau đã được ban cho chúng ta.( x. SGLGHCG số 1323)

Trong Thánh Lễ Tạ Ơn , Giáo Hội hiệp cùng Chúa Kitô dâng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa Cha về hồng ơn cứu chuộc con người nhờ Chúa Kitô, Đấng đã thực sự đổ máu trên thập giá để lập Giao Ước mới ”, có giá trị cứu chuộc vượt trên hết mọi giao ước cũ.

Có giá trị cứu rỗi hơn , vì với Giao Ước mới, Chúa Kitô được ví như Chiên vượt qua bị sát tế để cho muôn người được cứu độ như tác giả Sách Khải Huyền đã viết :

“ Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách

Và mở ấn niêm phong

Vì Ngài đã bị giết

Và đã lấy máu đào

Chuộc về cho Thiên Chúa

Muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ

Thuộc mọi nước mọi dân.” ( x. Kh 5: 9)

Như thế, chính nhờ Hy Tế thập giá qua đó Chúa Kitô bị sát tế như chiên bị giết làm tế vật trong phụng vụ thời Cựu Ước, mà nhân loại được thứ tha mọi tội lỗi cho đến ngày nay và còn mãi về sau cho đến khi mãn thời gian.Nói rõ hơn, cử hành bí tích Thánh Thể trong Thánh Lễ Tạ Ơn là diễn lại Hy tế đền tội của Chúa Kitô để những ai tin và sống theo đường lối của Chúa sẽ được ơn cứu độ nhờ Người đã một lần đổ máu ra trên thập giá cho muôn người được cứu độ.

Do đó, khi tham dự hay cử hành Thánh lễ Tạ Ơn là tham dự trước hết vào Bữa Ăn mà Chúa Kitô tiếp tục khoản đãi với thực phâm hảo hạng là chính mình và máu Người hiện diện thực sự nhưng bí tích dưới hai hình bánh và rượu nho.Đây chính là thần lương nuôi dưỡng và bổ sức cho ta trong cuộc lữ hành tiến về quê Trời.

Mặt khác khi tham dự và dâng Thánh lễ, chúng ta cũng được nghe lời Chúa, là lời ban sự sống và cũng là của ăn thiêng liêng cần thiết cho ta lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Quan trọng hơn nữa là chúng ta được hiệp nhất với Chúa Kitô trong mục đích dâng lại Hy tế cực trọng của Người lên Chúa Cha để xin ơn tha thứ cho chúng ta và cho mọi người còn sống hay đã qua đời.. Chỉ có sự khác biệt là xưa trên thập giá Chúa Kitô đã thực sự đổ máu mình ra, nhưng nay trên bàn thờ Chúa đổ máu cách bí nhiệm nhưng cùng mục đích là để ban ơn cứu chuộc cho chúng ta mỗi khi chúng ta sốt sắng tham dự và sạch tội trọng để xứng đáng lãnh nhận Mình Máu thánh Chúa trong phần hiệp lễ ( communion). Về điểm này, Giáo lý và giáo luật của Giáo Hội dạy rằng:

Ai muốn rước lấy Chúa Kitô trong phần hiệp lễ Thánh Thể, thì phải ở trong tình trạng có ân sủng.Nếu ai biết mình đã phạm tội trọng, thì không làm lễ và rước lễ , nếu không nhận được ơn tha thứ trước đó qua bí tích hòa giải ( sám hối)” ( x SGLGHCG số 1415,giáo luật số 916)

Được kết hợp với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể là được tham dự ngay từ đời này vào đời sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì ở đâu có Chúa Con thì ở đó có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Như thế, thật hạnh phúc biết bao cho chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa mỗi khi ta tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn với tư cách là tín hữu hay cử hành với tư cách là tư tế ( linh mục và Giám mục). Thánh Lễ Tạ Ơn quả thật là đỉnh cao của đời sống Kitô giáo vì không còn phương thế nào có giá trị cứu rỗi cao hơn nữa, cũng như cho ta được lãnh nhận ơn Chúa dồi dào hơn nữa.

Trong Bữa ăn sau cùng , Chúa Cứu Thế Giêsu không những đã lập Phép Thánh Thể và Chức Linh mục thừa tác ( Ministerial priesthood) để anh em làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”( Lc 22: 19) mà còn lập Giao Ước mới ký kết bằng chính máu của Người đổ ra ngày hôm sau trên thập giá. Chúa đã loan báo Giao Ước mới này khi Người trao chén máu thánh cho các Tông Đồ hiện diện và nói: anh em hãy lãnh nhận mà uống vì này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội( 1 Cr 11: 25; Lc 22: 20).

Như thế Bữa ăn cuối cùng của Chúa cũng liên kết mật thiết với Hy Tế thập giá vì đã loan báo trước việc Chúa đổ máu trên thập giá ngày hôm sau để hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Ngày nay, trên bàn thờ, mỗi khi Thánh Lễ Tạ Ơn được cử hành, Chúa Kitô cũng đổ máu cách bí nhiệm, như Chiên Vượt qua bị sát tế để “ nhờ đó công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện. ( x LG số 11)..Nghĩa là khi tham dự Thánh Lể Tạ Ơn hay cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta được tham dự Bữa Ăn của Chúa và cùng với Chúa dâng mọi đau khổ, sướng vui của mỗi người chúng ta hiệp thông với khổ nạn của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha đễ xin Người tha thứ mọi tội lỗi cho ta được ơn cứu chuộc là mục đích của Hy tế thập giá xưa và nay.

Đây cũng là phương cách thi hành chức vụ tư tế thông thường của người giáo dân ( common Priesrhood of the Laity) hiệp thông với hàng tư tế thừa tác hay phẩm trật ( hierarchical or ministerial Sacerdos) trong việc cử hành và tham dự Thánh lễ Tạ Ơn.

Sau nữa, nhờ việc cử hành Thánh Lễ, “ chúng ta được kết hợp với Phụng vụ trên trời và được thấy trước sự sống vĩnh cữu sẽ diễn ra khi Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi người.” như Thánh Phaolô đã dạy.( 1 Cor 15: 28) ( x SGLGHCG số 1326)

Tóm lại, Bí tích Thánh Thể là phương thế hữu hiệu nhất cho ta được hưởng nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô vì được kết hợp mật thiết với Người ngay từ trong cuộc sống ở đời này trước khi được chiêm ngưỡng Chúa trên Nước Trời mai sau. Do đó, mọi tín hữu được mời gọi siêng năng chạy đến với Chúa trong bí tích cao trọng này đặc biệt trong năm Đức Tin đang được mở ra trong toàn Giáo Hội, vì đây cũng là cách sống đức tin cụ thể và sống động nhất của mọi tín hữu Chúa Kitô trong hoàn cảnh thế giới tục hóa, phi luân ngày nay.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
Những năm Tỵ trong lịch sử Giáo hội tại Việt Nam

CHÚC MỪNG NĂM MỚI QUÝ TỴ 2013:

WHĐ (04.02.2013) – Trước thềm Năm mới Quý Tỵ, WHĐ điểm lại một số sự kiện của lịch sử Giáo hội tại Việt Nam diễn ra trong các năm Tỵ, từ những ngày đầu tiên Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam. Đặc biệt năm mới Quý Tỵ 2013 đánh dấu 480 năm sự kiện giáo sĩ Inêkhu đến Việt Nam truyền giáo: Quý Tỵ 1533 – Quý Tỵ 2013.

***

Thế kỷ XVI

1533 – Quý Tỵ

Tin Mừng bắt đầu được rao giảng tại Việt Nam:

Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục: năm 1533, giáo sĩ Inêkhu đến Việt Nam, truyền giáo tại các làng thuộc tỉnh Nam Định: Ninh Cường, Quần Anh và Trà Lũ.

Thế kỷ XVII

1617 – Đinh Tỵ

Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ra sắc chỉ cấm đạo.

1629 – Kỷ Tỵ

–Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) thành lập Nhà Đức Chúa Trời (Hội Kẻ giảng).

–Chúa Trịnh Tráng ra sắc chỉ cấm đạo.

1665 – Ất Tỵ

Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần ra sắc chỉ cấm đạo.

Thế kỷ XVIII

1701 – Tân Tỵ

Dòng Anh Em Thánh Augustinô (Augustiniani Scalzi) vào Việt Nam, bắt đầu truyền giáo tại miền Bắc trong 64 năm (năm 1765 ngưng hoạt động).

1725 – Ất Tỵ

Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ra sắc chỉ cấm đạo.

1737 – Đinh Tỵ

Đức cha Valerian Rist, dòng Phan Sinh, phó Giám quản tông tòa giáo phận Đàng Trong, hiệu tòa Myndus, tấn phong ngày 28-04-1737, qua đời ngày 15-09-1737.

1761 – Tân Tỵ

Thánh Vincentê Nguyễn Thế Ðiểm, linh mục, chào đời tại An Do, Quảng Trị.

1773 – Quý Tỵ

– Thánh Phêrô Lê Tùy, linh mục, chào đời tại Bằng Sở, Hà Ðông.

– Chúa Trịnh Sâm ra sắc chỉ cấm đạo.

Thánh Henricô Gia (Henricus Castaneda), linh mục dòng Đa Minh, tử đạo ngày 7-11 tại Đồng Mơ.

– Thánh Vinh Sơn Lê Quang Liêm, linh mục dòng Đa Minh, tử đạo ngày 7-11 tại Đồng Mơ.

1785 – Ất Tỵ

Hoàng đế Thái Ðức (Nguyễn Nhạc, nhà Tây Sơn) ra sắc chỉ cấm đạo.

1797 – Đinh Tỵ

Thánh Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu, thày giảng, chào đời tại Trung Lễ, Liên Thủy, Nam Ðịnh.

Thế kỷ XIX

1809 – Kỷ Tỵ

Thánh Gioan Tân (Jean Charles Cornay), linh mục Hội Thừa sai Paris, chào đời tại Loudun, Poitiers, Pháp.

1821 – Tân Tỵ

– Thánh Melchor Xuyên (Garcia Sampedro), giám mục, dòng Đa Minh, chào đời tại Cortes Asturias, Tây Ban Nha.

– Thánh Giuse Tuân, linh mục, dòng Đa Minh, chào đời tại Trần Xá, Hưng Yên.

1833 – Quý Tỵ

Vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo.

–Dòng Phanxicô ngưng hoạt động tại Việt Nam, sau khi tu sĩ cuối cùng là linh mục Odoric de Collodi (cố Phương), cha sở Cái Nhum (Chợ Lách, Bến Tre), bị bắt (1833), bị đày lên Lao Bảo và chết rũ tù ngày 23-05-1834.

–Thánh Phanxicô Kính (Francois Isidore Gagelin), linh mục, Hội Thừa sai Paris, tử đạo ngày 17-10, tại Bãi Dâu, Huế.

1857 – Đinh Tỵ

–Vua Tự Đức ban hành sắc lệnh cấm đạo.

–Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, linh mục, bị xử trảm ngày 6-04, tại Bảy Mẫu, Nam Định.

–Thánh Micae Hồ Ðình Hy, giáo dân, quan Thái bộc, bị xử trảm ngày 22-05, tại An Hòa, Huế.

–Thánh Phêrô Ðoàn Văn Vân, thầy giảng, bị xử trảm ngày 25-05, tại Sơn Tây.

Thánh Giuse An (Maria Diaz Sanjurjo), giám mục, dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, bị xử trảm ngày 20-07 tại Nam Ðịnh.

Thế kỷ XX

1953 – Quý Tỵ

–Ngày 19-03: lễ tấn phong giám mục Đức cha Giuse Trương Cao Đại, Giám quản tông tòa giáo phận Hải Phòng.

–Thư chung của HĐGM Đông Dương về “Phân biệt phạm vi Công giáo và phạm vi chính trị”.

1965 – Ất Tỵ

–Ngày 22-03: Đức giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm Đức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang làm giám mục giáo phận Cần Thơ (tấn phong ngày 5-05).

–Ngày 14-10, Đức giáo hoàng Phaolô VI thiết lập hai giáo phận mới tại Việt Nam: Xuân Lộc và Phú Cường, đồng thời bổ nhiệm hai giám mục tiên khởi: Đức cha Giuse Lê Văn Ấn (Xuân Lộc, tấn phong giám mục ngày 9-01-1966), Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên (Phú Cường, tấn phong giám mục ngày 6-01-1966).

– Ngày 7-12: Lễ bế mạc Công đồng Vatican II

Các Nghị phụ Việt Nam gồm: Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (Sài Gòn), Đức TGM Phêrô Ngô Đình Thục (Huế), ĐGM Philipphê Nguyễn Kim Điền (Cần Thơ), ĐGM Micae Nguyễn Khắc Ngữ (Long Xuyên), ĐGM Giuse Trần Văn Thiện (Mỹ Tho), ĐGM Đa Minh Hoàng Văn Đoàn (Quy Nhơn), ĐGM Phêrô Phạm Ngọc Chi (Đà Nẵng), ĐGM Paul Seitz (Kon Tum), ĐGM Marcel Piquet (Nha Trang).

1977 – Đinh Tỵ

–Ngày 24-04: lễ tấn phong Đức cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến, giám mục phó giáo phận Phát Diệm.

–Ngày 2-05: Các giám mục Giáo tỉnh Sài Gòn họp tại Trung tâm Công giáo.

– Ngày 10-09:ĐHY Giuse Maria Trịnh Như Khuê và Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình sang Roma tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về Dạy Giáo lý trong thời đại ngày nay.

1989 – Kỷ Tỵ

– Ngày 24-02: Ðức cha Giuse Trần Văn Thiện, giám mục Mỹ Tho, từ trần.

– Ngày 14-03: Ðức cha Giuse Ðinh Bỉnh, Giám mục Thái Bình, từ trần.

– Ngày 27-03:Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, TGM phó Sài Gòn, sang Rôma (sau khiđược trả tự do năm 1988).

– Từ ngày 1 đến 17-07: ĐHY Roger Etchegaray, đại diện Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm Việt Nam.Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1975, một viên chức cao cấp của Toà Thánh đến thăm Giáo hội tại Việt Nam.

–Từ ngày 6 đến 14-12: Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Hà Nội; Hội đồng bầu Ban Thường vụ mới. Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật (Xuân Lộc) được bầu làm Chủ tịch HĐGM.

Thế kỷ XXI

2001 – Tân Tỵ

–Ngày 21-02: Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nâng Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, lên hàng Hồng y.

– Từngày 10 đến 12-6: Tại Hà Nội, ban Thường vụ HĐGMVN họp và làm việc với Pháiđoàn Toà Thánh sang công tác tại Việt Nam.

–Ngày 4-07: Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ba tân giám mục: Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm (GM Bùi Chu), Đức cha Giuse Vũ Duy Thống (GM phụ tá TGP Sài Gòn), Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan (GM phó Phan Thiết).

– Từngày 16 đến 22-09: Đại hội lần VIII của HĐGMVN tại Hà Nội. Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa được bầu làm Chủ tịch HĐGMVN.

–Từ ngày 30-09 đến 27-10: Hai giám mục Việt Nam tham dự Thượng HĐGM Thế giới tại Roma về Sứ vụ Giám mục: Đức TGM GB Phạm Minh Mẫn (Sài Gòn) và ĐGM Phêrô Nguyễn Soạn (Qui Nhơn).

–29-12: Hội nghị bất thường của HĐGMVN, gồm Ban Thường vụ và các Chủ tịch Uỷ ban Giám mục.

WHĐ

VỀ MỤC LỤC
NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (KỲ 32)
 

Ngụ ngôn 98

Con mèo nhỏ có tên là Truth rong chơi vào bìa rừng gặp con chó sói. Truth và chó sói nói chuyện với nhau ra chiều tâm đắc. Trời sập tối, Truth nói “Em phải về nhà, sợ chủ mong”. Chó sói cười vang: “Thời đại khoa học kỹ thuật này mà còn tin có người, có chủ sao, ôi mê tín dị đoan. Tôi chưa thấy con người nên không tin là trên đời này có sinh vật gọi là con người”.

Cô bé mèo Truth không nói gì, chỉ lẳng lặng bỏ đi, nghĩ thầm “Sao có kẻ mê muội và kiêu ngạo thế không biết”. Chó sói chạy theo và nói: Niềm tin là niềm tin, lý trí vẫn là lý trí”. Mèo Truth bỗng bật cười: “Anh vào rừng sống với mớ lý trí ấy đi. Còn em, em đã sống với con người nên em không dám ngang tàng và hoang dại như anh”.

Trên đường về hang, sói thấy bóng người đang bẫy thú. Hắn vênh váo: “Chỉ là ảo ảnh thôi mà. Xem các người làm gì được ta”. Vừa nói hắn vừa nhảy vào chiếc bẫy thú, và chỉ kịp kêu to: “Thôi rồi”.

Ngụ ngôn 99

Mưa, mưa tầm tã suốt ngày suốt đêm. Mưa giội mạnh lên những thân cây và tán lá. Thú rừng ướt át và lạnh lẽo trốn vào hang hay trú mình dưới hốc đá ấm áp.

Nhưng kỳ lạ thay, giữa cơn mưa tối mịt núi rừng, có một loài chim nhỏ xíu cứ hót líu lo. Ướt vẫn hót. Bị thú dữ tấn công vẫn hót. Bị mấy con voi già cằn nhằn, vẫn hót.

Khi nắng lên, núi rừng hoan hỉ thì loài chim ấy lặng lẽ nép mình để nghỉ ngơi. Khi một ký giả tò mò hỏi tại sao cứ cất tiếng hót lúc trời mưa gió, con chim đầu đàn trả lời: “Chúng em chỉ muốn nhắc cho những loài chung sống trong rừng rằng thế nào mưa bão cũng qua đi. Và nhờ đó, những sinh vật nhỏ nhoi yếu ớt đủ niềm hy vọng mà sống qua cơn mưa lũ ấy”.

Ngụ ngôn đặc biệt 100

Hỏi: Sao không chơi với ai giàu sang phú quý? Chim oanh đáp: Lệ thuộc vào họ, chúng em bị nhốt trong lồng không ca hát được.

Hỏi: Sao cứ phải bênh vực mấy con thỏ bé xíu ấy? Voi đáp: Không có chúng, rừng chẳng có những bóng dáng xinh xinh.

Hỏi: Sao cứ phải lên tiếng đuổi chồn cáo cho chúng nó ghét? Con công đáp: Là mẹ phải bảo vệ con mình và những đám bạn nhỏ của chúng.

Hỏi: Sao không lo kiếm ăn mà phải bỏ giờ đi phỏng vấn mấy con chuột bạch, mấy chú ong thợ và mấy con kiến càng kia? Sơn ca đáp: Chúng nhỏ bé nhưng chúng dạy cho rừng xanh biết nhìn vẻ đẹp của Tạo Hoá.

Và câu hỏi tiếp theo: Viết về thú vật trong rừng có lợi gì đâu? Ong vò vẽ đáp: Là thú vật mà biết ca ngợi Đấng Tạo Thành mình và biết lẽ phải thì còn hơn muôn loài to xác mà chẳng nhận ra mình chỉ là thân kiến cỏ trong vũ trụ bao la.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

VỀ MỤC LỤC

CHÌA KHÓA CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II: CHÚA THÁNH THẦN (BÀI GIẢNG THỨ HAI MÙA VỌNG CỦA CHA CANTALAMESSA)

Năm mươi năm sau Công Đồng Vaticanô II

 

Dưới đây là bản dịch bài giảng thứ hai Mùa Vọng của Cha Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của phủ Giáo Hoàng. Bài này dịch phần lớn từ tiếng Pháp với tham khảo bản tiếng Anh.

Mời đọc bản tiếng Anh và tiếng Pháp tại: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=10891

 

1. Công Đồng: cách chú giải gián đoạn và tiếp tục

Trong bài suy niệm này tôi muốn suy nghĩ về nguyên nhân lớn thứ nhì của việc cử hành năm nay: kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II.

Trong những thập niên gần đây, những nỗ lực nhằm lượng giá Công Đồng Vaticanô II đã gia tăng [1]. Đây không phải là dịp để theo đuổi dòng tư tưởng này, và thì giở cũng không cho phép. Đôi khi, song song với những chú giải phân tích cũng có những cố gắng giải tổng hợp, nói cách khác, có một cuộc tìm kiếm một chìa khóa cho việc giải thích biến cố Công Đồng. Tôi muốn góp phần của mình vào nỗ lực này và cố gắng đề ra một cách đọc những chìa khóa khác nhau trong việc giải thích này.

Có ba chìa khóa chính yếu: aggiornamento (cập nhật hóa), đoạn tuyệt canh tân trong sự tiếp tục. Khi công bố Công Đồng cho thế giới, ĐTC Gioan XXIII dùng đi dùng lại từ “aggiornamento” (cập nhật hóa), mà nhờ công lao của ngài đã đi vào tự vựng phổ quát. Trong bài huấn từ khai mạc Công Đồng, ngài đưa ra định nghĩa đầu tiên về ý nghĩa của từ này, theo ý ngài: “Công Đồng Chung thứ 21 […] muốn truyền đạt giáo lý Công Giáo một cách tinh tuyền và toàn vẹn, không một chút giảm bớt hay méo mó […]. Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng ta không phải chỉ là canh giữ kho tàng quí báu này, như thể chúng ta chỉ quan tâm đến quá khứ, mà còn dấn thân một cách mau mắn và không sợ hãi vào những công việc mà thời đại đang đòi hỏi chúng ta, trong khi theo đuổi con đường mà Hội Thánh đã từng đi theo trong gần 20 thế kỷ qua […]. Điều cần thiết là giáo lý chắc chắn và bất biến này, mà chúng ta phải chấp nhận trung thành, phải được học hỏi và trình bày theo cách thế mà thời chúng ta đòi hỏi” [2].

Tuy nhiên, theo đà tiến triển của các công việc và các khóa của Công Đồng, hai mặt trận đối lập nhau đã từ từ được hình thành, tùy thuộc vào việc người ta nhấn mạnh đến mục đích thứ nhất hay thứ nhì được nhắc đến ở trên: thí dụ như việc tiếp tục với quá khứ hay canh tân nó. Đối với mặt trận thứ nhì, từ “aggiornamento” đã bị thay thế bởi từ “đoạn tuyệt”, nhưng nó mang trong mình một tinh thần và những chủ ý rất khác biệt. Đối với những người được gọi là cấp tiến, đó là một thành quả phải được nhiệt tình chào đón. Đối với mặt trận đối lập, thì (việc đoạn tuyệt) đó lại là thảm cảnh cho toàn thể Hội Thánh.

Đứng giữa hai mặt trận này, tức là hai mặt trận đồng ý với nhau về sự kiện đã xảy ra nhưng chống đối nhau về phán đoán của họ về sự kiện ấy, chúng ta thấy lập trường của Huấn Quyền Giáo Hoàng về “canh tân trong sự tiếp tục”. Trong thông điệp Ecclesiam Suam, ĐTC Phaolô VI trở lại với từ “aggiornamento” của ĐTC Gioan XXIII để tuyên bố rằng ngài muốn nó được coi như “nguyên tắc hướng dẫn” [3]. ĐTC Gioan Phaolô II cũng đã nhắc lại quan điểm của vị tiền nhiệm của ngài ngay từ thủa ban đầu của triều đại ngài [4], và trong nhiều dịp, đã tự ý nói lên cùng một cách. Tuy nhiên, trên hết, Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã giải thích điều được Huấn Quyền Hội Thánh có ý nói về “canh tân trong sự tiếp tục”. Ngài đã làm điều đó chỉ vài tháng sau khi được bầu cử, trong một huấn từ dành cho Giáo Triều Rôma ngày 22 tháng 12, năm 2005. Chúng ta hãy lắng nghe vài đoạn:

“Vấn đề được đặt ra là: tại sao việc thực thi Công Đồng lại khó khăn đến thế trong phần lớn của Hội Thánh? Đúng, việc này hoàn toàn tùy thuộc vào cách giải thích đúng về Công Đồng, hay như chúng ta có thể nói thời nay, tùy thuộc vào sự chú giải đúng của nó, là chìa khóa đúng đắn cho việc giải thích và áp dụng của Công Đồng. Những vấn đề trong việc thực thi nó phát sinh từ sự kiện này là có hai cách chú giải đối chọi và bất đồng với nhau. Một cách tạo ra sự lẫn lộn, trong khi cách kia, tuy âm thầm nhưng càng ngày càng rõ ràng hơn, đã và đang đem lại hoa trái. Một đàng, là cách giải thích tôi tạm gọi là ‘chú giải gián đoạn và đoạn tuyệt’; cách chú giải này thường chiếm được cảm tình của các phương tiện truyền thông, và cũng là một chiều hướng của thần học hiện đại. Đàng khác, là ‘chú giải canh tân’”.

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng quả thực đã xảy ra một số gián đoạn và đoạn tuyệt nào đó. Tuy nhiên, nó không liên quan gì đến những nguyên tắc và chân lý căn bản của đức tin Kitô Giáo, nhưng đúng hơn liên quan đến một số quyết định trong lịch sử. Được kể trong số đó, là sự xung đột giữa Hội Thánh và thế giới hiện đại, mà cao điểm là việc lên án toàn diện chủ thuyết hiện đại (modernist) dưới triều ĐTC Piô IX. Tuy nhiên, nó cũng liên quan đến những tình trạng gần đây, như những tình trạng phát sinh từ các phát triển khoa học cũng như quan hệ mới giữa các tôn giáo, với những dính lứu của nó đến vấn đề tự do lương tâm. Chưa kể đến việc Tàn Sát Người Do Thái (Holocaust), là điều đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ lại những thái độ đối với dân Do Thái. ĐTC viết:

“Rõ ràng là trong những lãnh vực ấy, cùng góp phần vào việc hình thành một vấn đề duy nhất, một loại gián đoạn nào đó có thể xẩy ra. Thực thế, một sự gián đoạn đã lộ ra nhưng trong đó, sau khi phân biệt giữa những hoàn cảnh lịch sử cụ thể và những đòi hỏi của chúng, người ta đã chứng minh được rằng sự liên tục của những nguyên tắc đã không bị loại bỏ. Người ta dễ bỏ sót sự kiện này khi nhìn thoáng qua. Bản chất của việc canh tân đích thực hệ tại ở chính sự kết hợp giữa sự tiếp tục và gián đoạn ở những mức độ khác nhau này.”

Nếu chúng ta đi từ mức độ giá trị (axiological), nghĩa là mức độ của những nguyên tắc và giá trị, sang mức độ thời gian (chronological), chúng ta có thể nói rằng Công Đồng tiêu biểu cho một sự gián đọan với quá khứ gần nhưng tiêu biểu cho một sự tiếp tục với quá khứ lâu đời. Về nhiều điểm, nhất là những điểm chính yếu liên quan đến quan niệm về Hội Thánh, Công Đồng muốn tạo ra việc trở vể nguồn gốc của mình, những nguồn Thánh Kinh và Giáo Phụ của đức tin.

Cách giải thích về Công Đồng mà Huấn Quyền đưa ra, nghĩa là canh tân trong sự tiếp tục có một tiền đề xuất sắc trong “Khảo Luận về Việc Phát Triển Giáo Lý Kitô Giáo” của ĐHY Newman, người thường được gọi là “Nghị Phụ vắng mặt của Vaticanô II”. Châ Phước Gioan Newman chứng tỏ rằng, khi chúng ta đương đầu với những tư tưởng triết học hay niềm tin tôn giáo lớn như Kitô Giáo chẳng hạn thì: “Người ta không thể xét đoán ở những bước đầu những gì sẽ là tiềm năng của nó và những mục tiêu mà nó đang tìm kiếm. […]. Trong nhiều tương quan mới mà người ta có thể gặp sẽ xuất hiện những nguy cơ và những hy vọng; và những nguyên tắc cũ tái xuất hiện dưới những hình thức khác. Nó thay đổi với chúng để vẫn luôn còn nguyên. Trong một thế giới siêu nhiên những sự việc qua đi một cách khác, nhưng ở đây, dưới thế thì sống có nghĩa là thay đổi, và sự hoàn hảo là kết quả của nhiều cuộc biến đổi” [5].

Thánh Grêgôriô Cả một cách nào đó đã tiên liệu xác tín này. Ngài nói rằng Thánh Kinh “cum legentibus crescit”,“lớn lên với người đọc nó” [6]; nghĩa là, nó lớn lên qua việc thường xuyên được đọc và sống, theo nhịp điệu của những vấn đề mới và thách đố mới nảy sinh trong lịch sử. Như thế, giáo lý đức tin thay đổi nhưng chỉ để cho nó vẫn còn chân thật với chính mình; nó thay đổi theo những bất ngờ xảy ra trong lịch sử, ngõ hầu còn nguyên trong bản chất, như ĐTC Bênêđictô XVI đã nói.

Như trường hợp ngôn ngữ, có một thí dụ khá tầm thường nhưng lại đầy ý nghĩa. Chúa Giêsu đã nói ngôn ngữ của thời đại Người; không phải tiếng Hipri, là ngôn ngữ trang trọng của Thánh Kinh (Tiếng La Tinh của thời đại Người), nhưng tiếng Aram của thường dân. Việc trung thành với sự kiện khởi đầu ấy không thể hệ tại ở việc cứ tiếp tục nói tiếng Aram với tất cả những ai lắng nghe Tin Mừng trong tương lai, nhưng nói tiếng Hy Lạp với người Hy Lạp, tiếng La Tinh với người La Tinh, tiếng Armênia với người Armênia, tiếng Cop với người Cop, và vân vân cho đến tận thời đại chúng ta. Như ĐHY Newman đã nói, chính nhờ thay đổi mà người ta trung thành nhất với những chỉ thị ban đầu.

 

2. Chữ viết giết chết, Thần Khí ban sự sống

Với tất cả sự kính trọng và mền phục đóng góp bao la và tiên phong của ĐHY Newman, một thế kỷ rưỡi sau tiều luận của ngài, và dưới ánh sáng của tất cả những gì mà Kitô giáo đã trải qua từ ngày đó, chúng ta cũng vẫn thấy có điều gì thiếu sót trong việc khai triển lý luận của ngài: là việc hầu như hoàn toàn vắng mặt của Chúa Thánh Thần. Trong động năng của việc phát triển giáo lý Kitô giáo, người ta không kể đến một cách đầy đủ vai trò ưu tiên mà Chúa Giêsu dành cho Đấng An Ủi ngõ hầu Ngài mặc khải cho các môn đệ những chân lý mà các ông chưa “có sức chịu nổi”, và hướng dẫn các ông “đến toàn thể chân lý” (Ga 16:12-13).

Thực ra, điều gì cho phép chúng ta giải quyết được sự nghịch lý của việc canh tân trong sự tiếp tục và của tính cố định trong thay đổi, nếu không phải là hành động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh? Thánh Irênê hoàn toàn hiểu điều này khi ngài viết rằng mặc khải giống như “một vật báu được giữ trong một bình quí, nhờ Chúa Thánh Thần, luôn đổi mới sự tươi trẻ của nó, làm cho chính bình chứa đựng nó cũng đổi mới sự tươi trẻ của mình” [7]. Chúa Thánh Thần không nói những lời mới. Ngài không tạo ra các bí tích mới và các cơ chế mới, nhưng Ngài luôn luôn đổi mới và sinh động hóa các lời nói, các bí tích và các cơ chế mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Ngài không làm những điều gì mới, nhưng Người làm mới mọi sự!

Việc thiếu chú tâm đến vai trò của Chúa Thánh Thần này giải thích đại đa số những khó khăn đã phát sinh trong việc tiếp nhận Công Đồng Vaticanô II. Thánh Truyền, mà nhân danh nó một số người đã bác bỏ Công Đồng, là một loại Thánh Truyền mà trong đó Chúa Thánh Thần chẳng đóng một vai trò nào cả. Nó chỉ là một mớ những niềm tin và thực hành được ấn định một lần dứt khoát, chứ không phải là làn sóng giảng huấn tông truyền, một làn sóng luôn tiến về phía trước và lan truyền qua các kỷ nguyên, và như tất cả mọi làn sóng, người ta không thể theo kịp nó nếu không di chuyển cùng với nó. Băng đá hóa Thánh Truyền bằng cách làm nó bắt đầu hay kết thúc ở một thời điểm nhất định nào đó có nghĩa là làm nó trở thành một truyền thống chết, không giống như điều được Thánh Irênê mô tả là “Thánh Truyền sống động.” Thi sĩ Charles Péguy đã giải thích chân lý thần học này như sau:

“Chúa Giêsu đã chẳng cho chúng ta những lời đã chết,
Để chúng ta có mà đóng kín trong những hộp bè con (hay những hộp to).
Và để chúng ta có mà gìn giữ trong đống dầu ôi…
Như những xác ướp Ai Cập.
Chúa Giêsu Kitô đã chẳng cho chúng ta những lời đóng hộp
Để giữ,
Nhưng Người đã cho chúng ta những lời hằng sống
Để nuôi dưỡng …
Người lệ thuộc vào chính chúng ta, những kẻ yếu đuối và xác thịt,
Để làm cho sống, để nuôi dưỡng và giữ cho sống mãi với thời gian
Những lời được công bố sống động trong thời gian” [8].

Tuy nhiên, chúng ta phải nói ngay rằng ở mặt trận đối lập cực đoan bên kia, sự việc chẳng khác gì. Ở đó, người ta cố ý nói đến một “tinh thần Công Đồng”, nhưng tiếc thay, tinh thần ấy không phải là tinh thần của Chúa Thánh Thần. Qua “Tinh thần Công Đồng” người ta đã nghe thấy thôi thúc lớn lao [hướng đến điều mới lạ], về can đảm sáng kiến, là những điều không thể được đưa vào bản văn của Công Đồng vì bị một số [nghị phụ] chống đối, và vì nhu cầu cần phải có sự nhượng bộ giữa các bên [để đạt được sự nhất trí].

Giờ đây tôi muốn cố gắng minh họa điều, đối với tôi, tạo thành sự giải thích theo Thần Khí thật sự của Công Đồng, nghĩa là vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc thực thi Công Đồng. Tái sử dụng một tư tưởng táo bạo của Thánh Augustinô liên quan tới lời Thánh Phaolô về chữ viết và Thần Khí (2 Cor 3:6), Thánh Tôma Aquinô viết rằng:

“Chữ viết chỉ tất cả mọi luật lệ được viết ra mà ở ngoài con người, kể cả những luật luân lý trong Tin Mừng; chính vì thế cả chữ viết của Tin Mừng sẽ giết chết nếu ở bên trong không được nối kết với ân sủng thanh tẩy của đức tin” [9].

Cũng trong cùng bối cảnh này, Thánh Tiến Sĩ viết: “Luật Mới chủ yếu là chính ơn Chúa Thánh Thần được ban cho những ai tin vào Đức Kitô” [10]. Các luật của Tin Mừng cũng tạo thành Luật Mới, nhưng theo nghĩa tài liệu (material sense), như nội dung; ơn Chúa Thánh Thần mới là Luật Mới theo nghĩa chính thức (formal sense), vì chỉ có nó mới ban sức mạnh để đem những luật Tin Mừng này ra thực hành. Thánh Phaolô nó gọi là “luật thần khí ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô” (Rm 8:2).

Đây là nguyên tắc phổ quát áp dụng cho mọi luật lệ. Nếu không có ơn Chúa Thánh Thần, ngay cả những luật của Tin Mừng cũng chỉ một “chữ viết giết người”, thì chúng ta phải nói gì về những luật lệ của Hội Thánh, và trong trường hợp của chúng ta, phải nói gì về các sắc lệnh của Công Đồng Vaticanô II? Như thế, việc “thực thi” hay thi hành Công Đồng không phải là áp dụng cách thẳng thừng. Không được tìm cách áp dụng Công Đồng theo nghĩa đen, và hầu như một cách máy móc, nhưng “trong Thần Khí”, bằng cách lắng nghe Chúa Thánh Thần, chứ không phải một ‘tinh thần Công Đồng” mơ hồ, mở ra cho tất cả mọi chủ nghĩa chủ quan. Huấn Quyền Giáo Hoàng là huấn quyền đầu tiên nhận ra nhu cầu cấp bách ấy. ĐTC Gioan Phaolô II viết trong năm 1981 rằng:

“Tòan thể công trình canh tân trong Hội Thánh mà Công Đồng Vaticanô II đã đề ra và mở đầu một cách đầy quan phòng, một cuộc canh tân vừa phải cập nhật hóa ("aggiornamento") vừa phải củng cố điều vốn là trường cửu và tạo thành sứ vụ Hội Thánh, chỉ có thể thi hành được trong Chúa Thánh Thần, nghĩa là, với sự giúp đỡ của ánh sáng và quyền năng của Ngài” [11].

 

3. Phải tìm những hoa quả của Công Đồng Vaticanô II ở đâu?

“Lễ Hiện Xuống Mới” mà người ta nóng lóng mong đợi đã thực sự xảy ra chưa? Một học giả nổi tiếng quen thuộc với tư tưởng của ĐHY Newman, là Ian Ker, đã đưa ra bằng chứng về tất cả đóng góp mà ngài có thể cung cấp, không những chỉ để hiểu sự phát triển của Công Đồng, mà cũng để hiều thời hậu Công Đồng [12]. Tiếp theo xác định về tính Bất Khả Ngộ của Giáo Hoàng nhân dịp Công Đồng Vaticanô I năm 1870, ĐHY Newman đã được đề cử hướng dẫn một buổi suy niệm chung về các công đồng và những xác định của chúng. Ngài đã kết luận rằng các công đồng thường hay có những hiệu quả ngoài ý định của các vị tham dự lúc ấy. Các ngài có thể thấy nhiều hơn hay ít hơn, so với những gì mà những quyết định ấy có thể đem lại sau đó.

Bằng cách này, ĐHY Newman đã không làm gì khác hơn là áp dụng vào những xác định của Công Đồng cùng một nguyên tắc phát triển, là nguyên tắc mà ngài đã minh họa liên quan đến giáo lý Kitô giáo nói chung. Như mọi tư tưởng vĩ đại khác, một tín điều sẽ không được hiểu một cách hoàn toàn cho tới khi người ta thấy những kết quả của nó cũng như phát triển lịch sử của nó. Theo hình ảnh của ngài: chỉ sau khi dòng sông rời khỏi mảnh đất gồ ghề mà từ đó nó phát sinh, nó mới có lòng sông và cuối cùng trở thành sâu rộng và tràn đầy [13]. Điều ấy đã xẩy ra với việc xác định tín điều bất khả ngộ của Giáo Hoàng: trong bầu khí nóng bỏng của lúc đó, nhiều người nghĩ rằng họ tìm thấy trong đó nhiều hơn chính Hội Thánh và chính vị Giáo Hoàng đưa ra. Xác định này đã không làm cho các công đồng chung khác trong tương lai trở nên vô dụng như một số người thời ấy lo sợ hoặc hy vọng. Công Đồng Vaticanô II minh xác điều này [14].

Chúng ta tìm thấy sự chứng thực về tất cả những điều này trong nguyên tắc chú giải về “lịch sử của những hiệu quả” (Wirkungsgeschichte) của Hans-Georg Gadamer. Theo nguyên tắc này, để hiểu một bản văn, người ta cần phải xem xét những hiệu quả mà nó đã tạo ra trong lịch sử qua việc trở nên một phần của lịch sử ấy và bước vào cuộc đối thoại với nó [15]. Nguyên tắc này xảy ra một cách mô phạm trong việc giải thích nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh. Nó không chỉ giải thích bản văn theo những gì đã xẩy ra trước nó, như cách giải thích theo lịch sử và triết học, là những cách tự giới hạn trong việc nghiên cứu các nguồn, nhưng cũng theo những gì xẩy ra sau đó. Nó giải thích lời tiên tri theo những điều ứng nghiệm nơi Đức Kitô, nó giải thích Cựu Ước trong ánh sang của Tân Ước.

Tất cả những điều ấy chiếu một ánh sáng độc đáo trên thời đại hậu Công Đồng. Có lẽ ở đây cũng thế, việc thể hiện Công Đồng thực sự nằm ở những nơi khác với những nơi chúng ta nhìn đến. Phần chúng ta, chúng ta nghĩ đến một “sự thay đổi” trong những cấu trúc và những cơ chế, chúng ta nghĩ đến một sự phân phối quyền hành khác, chúng ta bận tâm về ngôn ngữ dùng trong phụng vụ, mà không ý thức rằng đó chỉ là những thay đổi quá nhỏ so với những điều mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện. Chúng ta tưởng rằng mình có thể xé rách bầu rượu cũ bằng đôi tay mình, trong khi đó Thiên Chúa ban cho ta phương pháp để xé rách những bầu rượu cũ ấy bằng cách đổ đầy chúng bằng rượu mới.

Đối với câu hỏi liệu có một ngày Hiện Xuống Mới không, chúng ta phải trả lời mà không ngần ngại rằng: Có! Nhưng đâu là những dấu chỉ khả tin? Đó là một sự canh tân về phẩm chất của đời sống Kitô hữu ở bất cứ nơi nào Lễ Hiện Xuống này được tiếp nhận. Biến cố chủ yếu về tín lý của Công Đồng Vaticanô II có thể được tìm thấy trong hai chương đầu của Hiến Chế Lumen Gentium, trong đó, Hội Thánh được định nghĩa như “bí tích” và như “dân Thiên Chúa” đang lữ hành dưới sự điều khiển của Chúa Thánh Thần, được sinh động hóa nhờ các đặc sủng của Ngài, dưới sự hướng dẫn của hàng giáo phẩm. Tóm lại, Hội Thánh là mầu nhiệm và cơ chế, là sự hiệp thông (koinonia) trước khi là phẩm trật (gerarchia). ĐTC Gioan Phaolô II củng cố cái nhìn này và biến việc thực thi nó thành ưu tiên hàng đầu khi Hội Thánh bước vào thiên kỷ niên mới [16].

Chúng ta tự hỏi: Ở đâu hình ảnh về Hội Thánh này đã chuyển từ những văn kiện sang sự sống? Ở đâu nó mặc lấy “thịt và máu” [17]? Ở đâu đời sống Kitô hữu được sống theo “luật Thần Khí” một cách hân hoan và đầy xác tín vì được lôi cuốn thay vì bị bó buộc? Ở đâu Lời Chúa được trân quý nhất? Ở đâu các đặc sủng đang được tỏ tường nhất? Ở đâu ao ước tha thiết một cuộc tân phúc âm hóa và hiệp nhất Kitô giáo được người ta cảm nhận?”

Vì chúng ta đang đối phó với một thực tại nội tâm, xẩy ra trong tâm hồn con người, nên câu trả lời tối hậu cho những câu hỏi này chỉ có một mình Thiên Chúa biết. Về lễ Hiện Xuống mới, chúng ta nên nhắc lại điều Chúa Giêsu nói về Nước Thiên Chúa: “Không ai nói; ‘Này, nó ở đây!’ hay ‘Nó ở kia!’ Quả thực, này, nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:21). Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được những dấu chỉ, cũng nhờ khoa xã hội học tôn giáo, là khoa chuyên về những vấn đề này. Từ quan điểm này, câu trả lời cho câu hỏi này, mà người ta luôn luôn và thưởng xuyên nghe là: những phong trào Hội Thánh!

Tuy nhiên, có một điều cần phải nhấn mạnh ngay lập tức. Những phong trào Hội Thánh cũng bao gồm, qua chất lượng của chúng nếu không phải là dưới hình thức của chúng, các giáo xứ, các đoàn thể tín hữu (hiệp hội tín hữu) và các cộng đồng mới trong đó cùng một sự hiệp thông và cùng một phẩm chất của đời Kitô hữu đang được sống. Dưới khía cạnh này, các phong trào và giáo xứ không được đặt ở vị thế đối nghịch hay cạnh tranh nhau, nhưng hợp nhất trong việc thực thi cùng một mô thức của đời sống Kitô hữu [theo nhiều cách thế khác nhau]. Cũng được kể trong số này những cộng đồng được gọi là “cộng đồng cơ bản”, là những cộng đồng mà trong đó ít nhất yếu tố chính trị không lấn át yếu tố tôn giáo.

Chúng ta cần phải khẳng định danh xưng chính xác: các phong trào “Hội Thánh” chứ không phải các phong trào “giáo dân”. Đa số các phong trào này được thành lập, không phải do một thành phần mà do tất cả mọi thành phần trong Hội Thánh: chắc chắn là có các giáo dân, nhưng cũng có các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ nữa. Họ đại diện tập thể đặc sủng, là “dân Thiên Chúa” như được diễn tả trong Lumen Gentium. Chỉ vì những lý do thực tiễn (vì đã có hai Thánh Bộ Giáo Sĩ và Thánh Bộ Tu Sĩ), nên “Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân” phụ trách những phong trào này.

ĐTC Gioan Phaolô II đã nhìn thấy trong những phong trào và những cộng đồng giáo xứ sinh động này “những dấu chỉ của một mùa xuân mới của Hội Thánh” [18]. Trong nhiều dịp, ĐTC Bênêđictô XVI cũng đã đã diễn tả cùng một cảm nghĩ như thế [19]. Trong bài huấn từ lễ Truyền Dầu Thứ Năm Tuần Thánh (2012), ngài đã nói: “Bất cứ ai quan tâm đến lịch sử của thời hậu Công Đồng đều có thể nhận ra động năng của việc canh tân thực sự, một động năng thường mang những hình thức bất ngờ trong những phong trào đầy sinh động và hầu như hữu hình hóa sức sống không bao giờ cạn của Hội Thánh, tức là sự hiện diện và sự hữu hiệu của Chúa Thánh Thần.”

Khi nói đến những dấu chỉ của Lễ Hiện Xuống mới, chúng ta không thể không nhắc đến Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng, hay Canh Tân Trong Thần Khí. Nói cho đúng, đây không phải là một phong trào Hội Thánh theo nghĩa xã hội học của thuật ngữ này (vì không có người sáng lập và cơ cấu hay linh đạo riêng), nhưng đúng hơn, nó là luồng ân sủng nhằm tự phân tán khắp nơi trong Hội Thánh, như một dòng điện trong quần chúng, và cuối cùng biến đi như một thực thể riêng biệt.

Lần đầu tiên trong năm 1973, một trong những nhà thiết kế vĩ đại của Công Đồng Vaticanô II, ĐHY Suenens, khi nghe nói về hiện tượng này, đã viết một cuốn sách nhan là “Chúa Thánh Thần, Nguồn Mạch của Mọi Hy Vọng của Chúng Ta” và đây là điều ngài kể lại trong hối ký của ngài:

“Tôi đã ngừng lại để diễn tả cuốn sách này. Tôi đã nghĩ rằng việc chú tâm đến hành động của Chúa Thánh Thần là một vấn đề có tính thống nhất cơ bản nhất, bất kể sự biểu lộ ấy có kinh ngạc như thế nào. Tôi đặc biệt quan tâm khi người ta nói đến việc đánh thức các đặc sủng; ở Công Đồng, tôi từng bênh vực chính việc đánh thức như thế.”

Và đây là điều ngài đã viết sau khi đã đích thân kiểm chứng và thực sự cảm nghiệm hiện tượng này cách cá nhân (hiện tượng đang được hàng chục triệu người Công Giáo chung chia sẽ):

“Bỗng dưng, Thánh Phaolô và Sách Tông Đồ Công Vụ dường như trở nên sống động và trở thành một phần của hiện tại; điều thực sự có thật xưa kia dường như đang xẩy ra một lần nữa trước mắt chúng ta. Đó là việc khám phá ra hành động thật sự của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hành động, như Chúa Giêsu đã hứa. Người đã giữ ‘lời’. Một lần nữa lại có sự bùng cháy của Chúa Thánh Thần trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, một niềm vui vốn đã trở thành xa lạ với Hội Thánh” [20].

Các phong trào Hội Thánh và các cộng đồng mới chắc chắn không làm cạn tất cả những tiềm năng và cuộc canh tân mong đợi của Công Đồng, nhưng chúng đáp ứng được điều quan trọng nhất trong những điều ấy, ít là dưới mắt Thiên Chúa. Chúng không thiếu yếu điểm và đôi khi một phần nào bị trôi giạt lững lờ. Nhưng có cuộc canh tân vĩ đại nào trong lịch sử Hội Thánh mà không có thiếu sót do con người tạo ra? Có phải điều ấy đã không xẩy ra ở đầu thế kỷ mười ba khi những dòng khất sĩ xuất hiện? Ở thời đại chúng ta cũng thế, chính các Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Innôcentê III, là đấng đầu tiên nhận ra và đón nhận ân sủng của thời điểm, cùng khuyến khích các giám mục khác cũng làm như thế.

 

4. Lời hứa đã được ứng nghiệm

Như thế, chúng ta tự hỏi, ý nghĩa của Công Đồng (Vaticanô II) là gì, khi được hiểu như bộ sưu tập các văn kiện do nó xuất bản: Dei Verbum (Lời Chúa), Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), Gaudium et spes (Vui Mừng Và Hy Vọng), Nostra aetate (Thời Đại Chúng Ta), v.v...? Chúng ta có nên bỏ chúng qua một bên rồi mong đợi mọi sự từ Chúa Thánh Thần hay không? Câu trả lời được tìm thấy trong thuật ngữ mà Thánh Augustinô dùng để tóm lược sự liên hệ giữa lề luật và ân sủng: “Lề luật được ban cho để người ta tìm kiếm ân sủng, ân sủng được ban cho để người ta tuân giữ lề luật” [21]. Như thế, Chúa Thánh Thần không miễn trừ cho chúng ta sử dụng chữ viết, nghĩa là các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II. Ngược lại, chính Ngài thục giục chúng ta học hỏi chúng và đem ra thực hành. Và thực sự, ngoài các phạm vi kinh viện và đại học, là những nơi các sắc lệnh này được dùng làm tài liệu để thảo luận và nghiên cứu, thì chính trong các phong trào Hội Thánh được nhắc đến ở trên, chúng rất được trân quý.

Tôi đã kinh nghiệm điều này trong chính cuộc đời tôi. Tôi đã loại trừ được các thành kiến chống người Do Thái và chống người Tin Lành, là những thành kiến tôi đã hấp thụ trong những năm được đào luyện, không phải nhờ đọc Nostra Aetate, nhưng vì đã cảm nghiệm được Lễ Hiện Xuống mới bằng cách nhỏ bé riêng của mình, nhờ sự giúp đỡ của một số huynh đệ. Sau đó tôi cảm thấy cần phải đọc lại Nostra Aetate, và tôi cũng đọc lại cả Dei Verbum sau khi Chúa Thánh Thần đánh động trong tôi một lòng yêu thích mới đối với Lời Chúa và việc phúc âm hóa. Tuy nhiên sự di chuyển này có thể xảy ra theo hai chiều khác nhau. Một số người, mượn lời Thánh Augustinô, được dẫn từ chữ viết đến việc tìm kiếm Thần Khí, trong khi những người khác được Chúa Thánh Thần đánh động để tuân giữ chữ viết.

Thi sĩ T.S. Eliot đã viết những vần thơ có thể soi sáng chúng ta về ý nghĩa của các việc cử hành 50 năm kỷ niệm Công Đồng Vaticanô II:

“Chúng ta không bao giờ được ngừng thăm dò
Và ở cuối cuộc thăm dò
Chúng ta sẽ đến nơi mà chúng ta bắt đầu
Và lần đầu biết nơi ấy” [22].

Sau quá nhiều thăm dò và tranh luận, chúng ta đã đến địa điểm mà chúng ta đã bắt đầu; nghĩa là đến chính biến cố Công Đồng. Tuy nhiên, mọi khổ công mà chúng ta đã thực hiện để đi vòng quanh nó đều không phải là vô ích, vì theo một nghĩa sâu xa nhất, chỉ đến bây giờ chúng ta mới có thể “biết nơi ấy lần đầu”, nghĩa là biết lượng giá ý nghĩa thật sự của nó, ý nghĩa mà ngay cả các Nghị Phụ cũng không thể nhìn trước được.

Điều này cho phép chúng ta nói rằng có một sự cố kết giữa thân cây lớn lên từ Công Đồng và hạt giống mà từ đó nó đã phát sinh. Thực thế, Công Đồng đã phát sinh từ điều gì? Những từ ngữ mà ĐTC Gioan XXIII đã dùng để mô tả cảm xúc đi kèm với “việc nở hoa bất ngờ trong tâm hồn và trên môi ngài vì hai chữ Công Đồng” [23] có tất cả mọi dấu chỉ của một linh hứng tiên tri. Trong diễn từ bế mạc khoá thứ nhất, ngài nói đến Công Đồng như “Lễ Hiện Xuống mới và rất được ước ao, sẽ phong phú hóa Hội Thánh với nhiều năng lực thiêng liêng” [24].

Năm mươi năm sau, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng Thiên Chúa đã giữ lời hứa của Ngài với Hội Thánh qua môi miệng tôi trung Ngài là chân phước Gioan XXIII. Nếu chúng ta coi việc nói về Lễ Hiện Xuống mới như một việc có ít nhiều gia dĩ, vì tất cả những vấn đề và tranh luận xuất hiện trong Hội Thánh sau Công Đồng và vì Công Đồng, thì chúng ta chỉ cần đọc lại sách Tông Đồ Công Vụ để ghi nhận rằng sau Lễ Hiện Xuống Thứ Nhất, cũng không thiếu những vấn đề và những cuộc tranh luận. Và chúng cũng đã chẳng kém nóng bỏng hơn những vấn đề và tranh luận ngày nay.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp.
____________
Ghi chú:
[1] Cf. Le Concile Vatican II. Réception et actualité à la lumière du Jubilé, par R. Fisichella, Ed. San Paolo, 2000.

[2] Jean XXIII, Discours à l’ouverture du Concile, nr. 6,5.

[3] Paul VI, Enc. Ecclesiam suam, 52; cf. aussi Enseignements de Paul VI, vol. IX (1971), p. 318.

[4] Jean-Paul II, Audience générale du 1er août 1979.

[5] J. H. Newman, Le développement de la doctrine chrétienne, Bologne, Il Mulino 1967, pp. 46 s.

[6] Grégoire Le Grand, Commentaire du livre de Job XX, 1 (CC 143 A, p. 1003).

[7] S. Irénée, Contre les hérésies, III, 24, 1.

[8] Ch. Péguy. Le Porche du mystère de la deuxième vertu, La Pléiade, Paris 1975, pp. 588 s.

[9] Thomas d’Aquin, Summa theologiae, I-IIae, q. 106, a. 2.

[10] Ibid., q. 106, a. 1; cf. Augustin, De Spiritu et littera, 21, 36.

[11] Jean-Paul II, Lettre apostolique A Concilio Constantinopolitano I, 25 mars 1981, dans AAS 73 (1981) 515-527.

[12] I. Ker, Newman, the Councils, and Vatican II, in « Communio ». International Catholic Review, 2001, pp. 708-728.

[13] Newman, op. cit. p.46.
[14] Một thí dụ còn rõ ràng hơn nữa đã xẩy ra trong Công Đồng Chung Êphêsô năm 431. Việc xác định Đức Maria là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa), theo ý định của Công Đồng này, và nhất là của vị cổ động chính là Thánh Cyril Thành Alexandria, chỉ nhằm khẳng định tính duy nhất của ngôi vị Đức Kitô. Thực ra, nó đã mở đường cho việc nở hoa bao la của việc sùng kính Đức Maria, và đến việc xây những vương cung thánh đường đầu tiên để kính Mẹ, trong đó có vương cung Thánh Đường Đức Bà Cả ở Rôma. Sự duy nhất của ngôi vị Đức Kitô sau đó còn được xác định trong một bối cảnh khác và một cách quân bình hơn ở Công Đồng Chalcedon năm 451.
[15] Cf. H. G. Gadamer, Wahrheit und Methode, Tübingen 1960.

[16] Novo millennio ineunte, 42.

[17] I. Ker, art. cit. p.727.

[18] Jean-Paul II, Novo millennio ineunte, 46.

[19] Cf. Discours aux mouvements ecclésiaux à la veille de la Pentecôte 2006 in: The Beauty of Being a Christian. Movements in the Church. Proceedings of the Second World Congress on the Ecclesial Movements and New Communities (Frascati 31 mai – 1er juin 2006), Rome, Libreria Editrice Vaticana, 2007.

[20] Card. L.-J. Suenens, Souvenirs et Espérances, Dublin, Veritas 1992, p. 267.

[21] Augustin, De Spiritu et littera ,19, 34.

[22] T.S. Eliot, Four Quartets V , The Complete Poems and Plays, Faber & Faber, Londres 1969, p.197:

“We shall not cease from exploration

And the end of our exploring

Will be to arrive where we started

And know the place for the first time.”

[23] Jean XXIII, Discours à l’ouverture du concile Vatican II, 11 octobre 1962, n. 3, 1

[24] Jean XXIII, Discours à la clôture de la première phase du Concile, 8 décembre 1962, n. 3, 6.

VỀ MỤC LỤC
Linh mục và Thiên Chúa quan phòng

 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

 

Chỉ dẫn:

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

 

Lưu ý:

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại.

 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.

 

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề : Ân Sủng


115. Linh mục và Thiên Chúa quan phòng

Một linh mục đang ngồi soạn bài về sự quan phòng trên chiếc bàn cạnh cửa sổ thì nghe một tiếng gì đó phát ra như tiếng nổ. Ngay sau đó, ông thấy người ta hớt ha hớt hãi, chạy tới chạy lui và ông biết… đập vỡ, sông tràn, người ta đang di tản.

Linh mục thấy nước tràn trên đường, thật khó khăn để ông kìm nén cảm giác sợ hãi đang dâng lên trong lòng, nhưng ông tự nhủ, “Ở đây, mình đang chuẩn bị bài giảng về sự quan phòng và đang có cơ hội để thực hành điều mình giảng. Mình sẽ không chạy trốn với những người khác. Mình sẽ ở ngay đây và tín thác vào sự quan phòng của Chúa”.

Nước lên tới cửa sổ, một chiếc thuyền đầy người ghé qua. “Cha ơi, nhảy vào”, họ la lên. “Ồ không, các con ạ”, Cha nói đầy tin tưởng, “Cha tin vào sự quan phòng của Chúa”.

Dẫu vậy, ông cũng đã leo lên mái nhà và khi nước dâng lên đến đó, một con thuyền đầy người khác ghé qua, hối thúc ông lên thuyền với họ. Ông lại từ chối.

Lần này, ông leo lên đến đỉnh tháp chuông. Khi nước lên đến đầu gối, một nhân viên thuyền máy được gửi đến cứu ông. “Không, cám ơn anh nhân viên”, ông cười bình thản bảo, “Anh thấy đấy, cha tín thác vào Chúa. Ngài sẽ không bao giờ để cha thất vọng”.

Kết cục, vị linh mục chết đuối, khi vào thiên đàng, điều đầu tiên là ông phàn nàn với Chúa, “Con tín thác vào Chúa! Thế tại sao Chúa không làm gì để cứu con?”.

“Ồ”, Chúa nói, “con biết là Ta đã gửi đến ba chiếc thuyền”.

ڰ

116. Thu tích và từ bỏ

Hai thầy dòng đi nghỉ. Một trong hai người thực hành linh đạo thu tích, người kia tin vào sự từ bỏ. Suốt ngày họ nói đến linh đạo riêng của mình cho đến một tối nọ, khi họ đến một bờ sông thì chuyện xảy ra.

Bây giờ người tin vào sự từ bỏ không mang tiền theo nói, “Chúng ta không thể thuê thuyền để qua sông, nhưng tại sao phải quấy nhiễu thân xác? Chúng ta sẽ qua đêm ở đây, ca tụng Chúa, và chắc chắn ngày mai chúng ta sẽ gặp một tâm hồn quảng đại nào đó, người sẽ trả lộ phí cho chúng ta”.

Người kia bảo, “không có ngôi làng nào ở sông này, không có lán trại, nơi trú ẩn cũng không. Chúng ta sẽ bị thú dữ ăn thịt, bị rắn cắn hay bị cái lạnh làm cho chết cóng. Ở bờ bên kia, chúng ta có thể qua đêm an toàn và thoải mái. Tôi có tiền trả người đưa đò”.

Khi họ đã an toàn qua bờ bên kia, thầy dòng thứ hai quở trách người bạn đường, “Anh đã thấy giá trị của việc giữ tiền chưa? Tôi có thể cứu mạng anh và tôi. Điều gì sẽ đến với chúng ta nếu tôi cũng là người từ bỏ như anh?”.

Người kia đáp, “Chính sự từ bỏ của anh đã mang chúng ta đến sự an toàn, vì anh đã từ bỏ tiền bạc của anh để trả cho người đưa đò? Ngoài ra, tôi không có một đồng xu dính túi, nhưng túi của anh trở thành túi của tôi. Tôi nhận thấy mình không bao giờ đói khổ, tôi luôn luôn được cung cấp”.

ڰ

117. Động đất

Tại một bữa tiệc ở Nhật, vị khách được giới thiệu một thức uống nổi tiếng của xứ sở hoa anh đào. Sau khi nếm thử, vị khách thấy đồ đạc trong phòng xoay quanh.

“Đây là một loại thức uống rất mạnh”, ông nhận xét với chủ.

“Không có gì đặc biệt cả”, chủ đáp, “Đang có động đất”.

ڰ

118. Cầu rung

Một con voi lạc bầy chạy qua một chiếc cầu nhỏ bằng gỗ vắt ngang một khe núi.

Chiếc cầu mục lung lay, kêu cót két và hầu như không chịu được sức nặng của con voi.

Khi đã qua bên kia bờ an toàn, từ trong tai nó, một con bọ chét la lên với sự thỏa mãn đầy anh dũng, “Cậu à, chúng ta đã làm rung chiếc cầu!”.

ڰ

119. Gà gọi mặt trời

Với độ chính xác có tính khoa học, một bà cụ quan sát nhưng không hiểu làm sao, con gà trống nhà bà cất tiếng gáy ngay trước lúc mặt trời mọc mỗi ngày. Vì thế bà đi đến kết luận, tiếng gà của bà làm cho mặt trời mọc.

Vì thế, khi con gà chết, bà nhanh chóng thay con gà khác vì sợ rằng mặt trời sẽ không mọc vào sáng hôm sau.

Ngày kia, sau khi cãi nhau với người hàng xóm, bà quyết định dời nhà ra khỏi làng để sống với người chị cách đó vài dặm.

Sáng hôm sau, khi con gà trống nhà bà gáy và một chốc sau đó, mặt trời mới bắt đầu mọc lặng lẽ ở chân trời. Bà cả tin với những gì mình biết từ trước đến nay: giờ này, mặt trời mọc ở đây và chắc chắn làng của bà đang chìm trong bóng tối. Ôi, họ phải kêu nài bà thôi!

Tuy nhiên, bà lại thắc mắc không hiểu tại sao những người ở làng của bà không đến để xin bà mang con gà trống trở về với họ. Bà nghĩ, họ thật ngoan cố và ngu xuẩn.

ڰ

120. Lần đầu đi máy bay

“Thế đây là lần đầu tiên ông đi máy bay? Ông có sợ không?”.

“Ồ, nói thật, tôi đã không dám đặt toàn bộ trọng lượng của tôi lên chỗ ngồi nữa”.

ڰ

còn tiếp nhiều kỳ

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG SỨ VỤ TRONG CÁC MỐI TƯƠNG QUAN MỤC VỤ

Lm. Micae-Phaolo Trần Minh Huy, pss.

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI

2011-2012

 

CHƯƠNG HAI

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC

PHẦN PHỤ LỤC: 

A. LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG SỨ VỤ TRONG CÁC MỐI TƯƠNG QUAN MỤC VỤ

Các nhà tu đức nói rằng linh mục không lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục một mình, mà còn kéo theo nhiều người khác nữa, nhất là những người được trao phó cho sự chăm sóc mục vụ của linh mục. Linh mục không sống trong ốc đảo, mà sống với, sống vì và sống cho các linh hồn. Vì thế đời sống thánh thiện hay không của linh mục được thể hiện trong các mối tương quan, nhờ các mối tương quan hay do các mối tương quan, nhất là đối với linh mục giáo phận: nên thánh bằng các thừa tác vụ của mình. 

Ngày nay người ta nhấn mạnh nhiều về Giáo Hội tham gia, Nguyên lý bổ trợ và Thần học mục vụ dấn thân, cũng như sự cộng tác và vai trò của giáo dân trong hoạt động dưỡng giáo và truyền giáo của Giáo Hội, nhằm giúp linh mục thực thi sứ vụ cách tốt đẹp trong lòng Giáo Hội và Xã Hội Việt Nam đang biến đổi từng ngày, mà mỗi người phải biết thay đổi chính mình cho thích hợp và hiệu quả, không đợi đến lúc bị bó buộc phải thay đổi, sợ e đã quá muộn chăng: vì một khi người ta muốn một người phải thay đổi đường lối mà không được thì họ sẽ tìm cách thay thế (loại bỏ) con người đó, ít nhất là vô hiệu hóa hoạt động, uy tín và ảnh hưởng của người đó! 

Chính trong định hướng mục vụ này, chúng ta sẽ xét đến đề tài “Linh mục giáo phận sống sứ vụ của mình trong các mối tương quan.” Thật ra đây là đúc kết các bài làm nhóm có hướng dẫn, được cập nhật và hiệu đính sau mấy khóa học của các lớp Thần học Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội và lớp Thần học Bổ túc Bùi Chu. Sự hợp tác giữa giáo viên và học viên này vừa áp dụng phương pháp sư phạm Kích Biện Pháp vừa sử dụng Phương Pháp Luận Sáng Tạo. Nỗ lực để tăng cường, củng cố và cải thiện các mối tương quan tốt lẽ ra phải có sự tương tác đối xứng về cả hai phía, nhưng ở đây nhấn mạnh hơn về phía các linh mục giáo phận tương lai vì mục đích đào tạo và tự đào tạo của họ.

 

1. Tương quan với Giám Mục Bản Quyền

 

1.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Thái độ của linh mục đối với Giám mục Bản quyền là hợp tác, vâng lời, tình bạn; nhìn thấy nơi Ngài một người cha thực sự và vâng phục Ngài với tất cả lòng kính trọng, thương yêu, thảo hiếu. Sự vâng lời càng đến từ con tim thì mối tương quan giữa Giám Mục và linh mục càng trở nên gần gũi và tốt đẹp.

·        Thánh Giêrônimô dạy “hãy vâng phục và đón nhận Giám mục như đấng sinh thành linh hồn ta”. Thánh Ignaxiô thì nói “hãy theo Giám Mục như Chúa Giêsu theo Chúa Cha.” Còn thánh Augustinô căn dặn “Người dưới cần vâng phục người trên như chính mình muốn những người dưới mình vâng phục mình. Hãy giữ tôn ti trật tự, hãy tìm sự an bình.”

·        Quảng đại cam kết trung thành tuân giữ tất cả và từng quy luật, tránh mọi hình thức tuân giữ từng phần theo tiêu chuẩn chủ quan, gây chia rẽ ảnh hưởng đến giáo dân và dư luận công cộng, thiệt hại nặng nề về mục vụ.

·        Cởi mở trong đối thoại và hiệp thông trong tình yêu thương chân thành, cùng linh mục đoàn hiệp nhất chung quanh ngài.

·        Báo cáo hiện tình giáo xứ. Trình bày những khó khăn của mình (những vấn đề cá nhân cũng như khi thi hành sứ vụ); trình bày chương trình, kế hoạch của giáo xứ.

·        Sẵn sàng hợp tác và thi hành nhiệm vụ được Đấng Bản Quyền trao; sẵn sàng rời bỏ nhiệm vụ và nhiệm sở khi ngài cần. Vâng lời trong trạng thái nội tâm và sẵn sàng làm theo ý ngài.

·        Thánh Phaolô đã nói về Chúa Giêsu “đã vâng lời đến chết và chết trên thập giá”, vì thế cần vâng lời triệt để. Thánh nhân còn dạy: “Chúa Giêsu đã học biết thế nào là vâng lời nhờ các đau khổ của Người.[440]

·        Vâng lời, kính trọng, hợp tác với Giám mục trong tất cả công việc của giáo phận. Sống tình bạn, gần gũi, yêu mến, nâng đỡ Ngài bằng lời cầu nguyện hằng ngày để giúp ngài chu toàn trách nhiệm nặng nề mà ngài phải gánh vác. Thông cảm với Giám mục, vì ngài cũng có thể có yếu đuối, thiếu sót và bất toàn của con người như chúng ta.

·        Tóm lại, sự vâng phục chẳng làm mất giá trị của linh mục, nhưng đề cao giá trị trách nhiệm Chúa trao cho; vâng lời với tất cả lòng kính trọng và vâng phục đến từ con tim chứ không phải bởi quyền lực và lý lẽ.

1.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·        Không vận động xin được bổ nhiệm chức vụ; không tự ý xin nhiệm sở, hay đến một nơi nào; không từ chối đến nơi nào khi được Bản quyền yêu cầu.

·        Không lạm dụng lòng khoan dung, nhân từ, rộng lượng, cởi mở của ngài mà cầu vinh, “a dua, xu nịnh” kiểu “lừa thầy phản bạn” và “đội trên đạp dưới.”

·                 Làm mọi việc theo ý Đấng đã sai mình, chứ không phải là làm theo ý kiến cá nhân của mình. Không bao giờ làm gì ngoại lệ tại giáo xứ mình được trao phó mà không được phép của Đấng Bản Quyền.

·        Để giữ sự hòa hợp trong giáo xứ, không tùy tiện làm theo ý riêng hay ý của một người hay nhóm nào đó trong giáo xứ, mà phải làm theo qui định chung của Giáo Phận.

·        Không vào bè phái, phe nhóm, gây áp lực, khó dễ, hay nói với giáo dân và những người khác những điều không cần thiết về Giám mục của mình.

·        Tránh lối tùng phục “bằng mặt mà không bằng lòng” hay “quyền phục, lý phục mà tâm không phục.

·        Không nên vội vàng và nông nổi phê bình, chỉ trích, chống đối, xa lánh Giám mục khi ngài có những quan điểm và cách làm không giống ta; không nói hành, nói xấu, than phiền về ngài với anh em như “đổ dầu vào lửa” dẫn đến tình trạng bất hợp tác, kính nhi viễn chi.

·        Trong những chuyện gay cấn và xung đột, không được giấu diếm hay dối trá với Giám Mục. Phải thành thực trình bày rõ ràng đúng thực tế, không che đậy hay phóng đại. Nêu rõ các phải trái, lỗi lầm của mình và của đối phương, để giúp Giám mục sáng suốt phân định cách xử trí đúng đắn. Không tìm gây ảnh hưởng trên Giám mục và lừa dối Ngài để kéo Ngài về phe mình và công nhận việc mình làm, trái với sự thật và công bằng.

 

2. Tương quan với các linh mục đàn anh, nhất là cha sở

 

2.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Kính trọng các linh mục đàn anh vì họ là người đi trước, nhiều kinh nghiệm, nhiều hy sinh và nhiều cống hiến cho Giáo Hội. Yêu mến trong tình huynh đệ bí tích; hợp tác trong công việc; hiệp nhất trong linh mục đoàn.

·        Tỏ lòng biết ơn và luôn giữ mối tương quan trong tình tương thân tương ái, hiểu hoàn cảnh cụ thể của các ngài.

·        Cầu nguyện cho các ngài để các ngài bền vững trong ơn gọi linh mục của mình, vì dẫu là linh mục của Chúa đã nhiều năm nhưng vẫn còn đó sự yếu đuối của con người, lại thêm sự mỏi mệt của trách nhiệm, tuổi tác và bệnh tật.

·        Cảm thông với người lầm lỗi; trung dung trong các tranh cãi; khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm. Tìm dịp thuận tiện để thăm viếng, an ủi các đấng ốm đau, bệnh tật.

·        Cần học hỏi kinh nghiệm, đời sống thiêng liêng, và đời sống tông đồ của các ngài. Nhiệt thành làm những gì cha xứ phân chia, vì vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn, theo đúng lý tưởng, ơn gọi và thiên chức linh mục.

·        Luôn đặt cha xứ ở vị trí ưu tiên, nhìn nhận ngài là người có trách nhiệm trong mọi hoạt động và đời sống của giáo xứ. Bàn hỏi, xin ý kiến và sự hướng dẫn của ngài, cũng như chia sẻ kinh nghiệm mục vụ và thiêng liêng để đời sống và công việc đạt được kết quả tốt.

·        Luôn giữ mối liên lạc với các linh mục trong cùng một địa bàn hay cùng hạt mà mình phục vụ. Năng lui tới và sống hiệp thông với các ngài.

·        Đích thân và cổ vũ anh em năng đến thăm các vị đã nghỉ hưu. Có thể nhờ các ngài giải tội và linh hướng.

·        Kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các linh mục đàn anh, kể cả các linh mục “đàn anh ít tuổi hơn” vì chịu chức trước. Bàn hỏi, học tập kinh nghiệm mục vụ, cộng tác với các ngài trong việc chăm sóc các linh hồn. Giúp đỡ và cảm thông khi các ngài gặp khó khăn, chia sẻ của cải, nhất là đối với các vị đau yếu, phiền muộn, cô đơn, bị hiểu lầm, bị bách hại.

2.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·        Không xem thường những vị già nua, tuổi tác; không tự cao, tự đại vì kiến thức mới mẻ, vì sức khoẻ hơn người.

·        Không tách mình ra xa, cục bộ; không bè phái, chia rẽ. Không chê trách, chỉ trích, nói xấu, công kích khi có bất đồng hoặc a dua cùng những người chống đối để hạ giá uy tín của các ngài, ham dành phần thắng và so đo tính toán thiệt hơn. 

·        Không làm việc vượt quá giới hạn của mình, qua mặt và phớt lờ cha xứ, khi liên quan đến việc chung của giáo xứ. Không làm việc gì liên quan đến giáo xứ mà không bàn hỏi, xin ý kiến, và sự giúp đỡ của ngài.

·        Không nên tỏ thái độ bất hợp tác với cha xứ trong một số công việc mà mình cảm thấy không hợp lý hay không vừa ý.

·        Không chê bỏ vị tiền nhiệm đã làm việc nơi giáo xứ mà nay mình đang phục vụ. Không bài xích vị tiền nhiệm dựa vào câu nói “tân quan tân chế”, không phá đổ hay vội chỉnh sửa những công trình, vật chất cũng như tinh thần, của vị tiền nhiệm, kẻo chuốc lấy sự chống đối của những người ủng hộ ngài.

·        Không phê bình hay đòi họ phải làm giống như thế hệ của mình. Không tìm “khẳng định mình” mà vùi người lầm lỗi xuống hố.

·        Không bỏ rơi các linh mục đàn anh, khi các ngài gặp khó khăn thử thách về tuổi cao sức yếu, tình cảm, tính nết, nỗi cô đơn, hay sự chê trách chống đối của giáo dân.

·        Không phê bình, chỉ trích những thiếu sót, những lỗi lầm của các linh mục đàn anh, đặc biệt đối với cha xứ, vì đó có thể là những lỗi lầm của mình trong tương lai, nếu Chúa không giữ gìn.

·        Không coi thường hay thiếu kính trọng, chê bai các ngài lạc hậu không cập nhật với thời đại, khó tính, không hiểu và thông cảm với linh mục trẻ. Hãy tự hỏi mình đã làm được gì cho các ngài?

 

3. Tương quan với các linh mục đàn em, nhất là cha phó

 

3.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Yêu thương huynh đệ, gần gũi, cởi mở chia sẻ; sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và kiến thức. Ân cần, khiêm tốn, tận tình khi được yêu cầu góp ý, xây dựng.

·        Hợp tác trong công việc; hợp nhất, nâng đỡ, động viên người gặp khó khăn, cảm thông với người lầm lỗi. Trung dung trong các tranh cãi; mau giải hoà những bất đồng.

·        Cần lo liệu cho các linh mục trẻ, nhất là cha phó của mình, trong những năm đầu đời linh mục có những điều kiện dễ dàng về đời sống và công việc mục vụ.

·        Cầu nguyện cho các linh mục đàn em còn trẻ trong sứ mạng mới, đón nhận họ như những người em thực sự và giúp đỡ họ trong những công tác và gánh nặng đầu tiên của sứ vụ linh mục.

·        Luôn tìm cách giúp đỡ, đề bạt và cộng tác làm việc với các linh mục trẻ trong địa hạt của mình. Thông cảm và tạo điều kiện cho linh mục đàn em làm việc mục vụ tốt hơn mình càng tốt.

·        Tôn trọng những ý kiến và sáng kiến của các ngài trong đời sống thiêng liêng và mục vụ. Đồng thời phải biết lắng nghe các ngài sửa lỗi, góp ý và xây dựng cho đời sống linh mục của mình.

·        Cố gắng hiểu tâm trạng của họ, dù khác với tâm trạng mình, và quan tâm đến các dự tính của họ với lòng nhân hậu. Chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ cho họ, vì chắc chắn họ còn rất bỡ ngỡ, nhất là những kinh nghiệm mình đã trải qua, những bài học mình đã học được. Nêu gương sáng về đời sống thiêng liêng và nhân bản, và sống xứng đáng như những người anh thực sự.

·        Đón nhận họ như những người em, giúp đỡ họ trong những công tác đầu tiên của sứ vụ linh mục, hiểu tâm trạng, các dự tính của họ cách thiện chí. Tạo điều kiện để họ làm việc mục vụ cũng như phát triển nhân cách và nhân đức.

·        Quan tâm đời sống tinh thần, vật chất, chia sẻ kinh nghiệm mục vụ, cách ứng xử trong giao tiếp với các hội đoàn cũng như mọi thành phần trong xã hội.

·        Chia sẻ công việc và quyền điều hành, tiền bạc rõ ràng, công bằng, đối thoại cởi mở, sống vui tươi hiệp nhất, sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Giúp nhau trong đời sống thiêng liêng, tri thức, vật chất.

3.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·        Không nói hành, nói xấu. Không hống hách, trưởng giả, tự cao, tự đại. Không cục bộ; chỉ trích, công kích khi có bất đồng. Không bè phái, chia rẽ, đố kỵ. Không sống bất hoà cho dù có những bất đồng.

·        Không ham dành phần thắng, so đo tính toán thiệt hơn. Không tìm “khẳng định mình” bằng cách vùi đàn em lầm lỗi xuống hố.

·        Không phê bình, nhưng tìm mọi cách nâng đỡ đàn em, vì những khó khăn và thử thách ban đầu của đời sống thực tế rất khác với những gì đã học trong Chủng Viện.

·        Không để linh mục trẻ nghĩ mình đã học đầy đủ hết mà không tự đào tạo bản thân để trưởng thành hơn và thích nghi với môi trường phục vụ.

·        Không nên thử sức nhau về kiến thức, trắc nghiệm nhau về những vấn đề ngoài phạm vi sứ vụ để đánh giá nhau. Không phân ranh giới và để mặc đàn em phải tự xoay sở một mình hoặc “khoán trắng” và nhắm mắt làm ngơ trước những công việc họ được giao phó. 

·        Không bảo thủ, độc đoán, thành kiến, coi thường những sáng kiến mới và cách làm việc mới cũng như suy nghĩ mới của họ. Không chê bai những bỡ ngỡ, thiếu sót của họ mà cố gắng động viên để họ làm tốt hơn.

·        Không sợ linh mục trẻ giỏi hơn mình rồi tìm cách chê bai trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, đối xử như người giúp việc, có khi còn nói tiếng nặng, tiếng nhẹ... cậy mình là đàn anh để coi thường và dùng quyền lấn át.

·        Không tranh chấp, dành giật với các linh mục đàn em, nói xấu, kể chuyện của họ với giáo dân và người khác, nhưng phải có sự quan tâm nâng đỡ, góp ý chân thành trong tinh thần tương trợ lẫn nhau. Anh em linh mục nâng đỡ nhau là một thành trì vững chắc cho cả hai.

 

4. Tương quan với các chủng sinh, dự tu, lễ sinh

 

4.a Những gì nên cư xử, nói và làm

·        Yêu thương, khích lệ, nâng đỡ tinh thần và vật chất cho các chủng sinh, dự tu và lễ sinh/

·        mầm non ơn gọi giáo sĩ, nhất là các em trong giáo xứ của mình, vì Giáo hội không thể tồn tại nếu không có các thừa tác viên nối tiếp sứ vụ Chúa Giêsu.

·        Các chủng sinh và mầm non ơn gọi giáo sĩ là những người tiếp nối ta trong việc loan báo Tin Mừng. Luôn mang trong mình thao thức tìm những ơn gọi cho Chúa và Giáo Hội, vì tìm ơn gọi và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục tương lai là bổn phận và trách nhiệm đặc biệt của các cha xứ.

·        Hãy nuôi dưỡng, động viên, khích lệ, giúp đỡ vật lực cho các mầm non ơn gọi đó, nhất là những gia đình nghèo. Tạo sự gần gũi và môi trường thuận lợi cho các em sinh hoạt định kỳ. Hướng dẫn việc học tập, giáo huấn, rèn luyện các em về những kiến thức nhân bản và tu đức.

·        Kêu gọi các em tham gia các hoạt động trong các hội đoàn của giáo xứ như: giúp lễ, giáo lý viên, giới trẻ, ca đoàn... Nhờ việc tham gia vào các hội đoàn này, các em gần gũi với Chúa, hăng say việc tông đồ, hun đúc tinh thần tu trì và tinh thần sống cộng đoàn, gần gũi với nhiều người, dễ cảm thông với con người, chia sẻ những khó khăn mà họ gặp.

·        Giúp cho các em yêu mến Chúa, yêu mến đời sống cầu nguyện, giúp các em năng lãnh nhận bí tích Hoà Giải và Thánh Thể, viếng Mình Thánh Chúa, lần chuỗi Mân côi...

·        Cung cấp sách thiêng liêng, hạnh các thánh, sách đào tạo linh mục và những sách liên quan đến ơn gọi tu trì hầu giúp các em có được ý thức tích cực về đời sống thánh hiến.

·        Giúp các em hiểu biết dần về ơn gọi linh mục-tu sĩ, mở ra cho các em cái nhìn tích cực về ơn gọi linh mục và tu trì, giúp các em tập sống đời tu ngay trong môi trường các em sinh sống như gia đình, trường học cũng như các nơi sinh hoạt khác.

·        Tạo điều kiện thuận lợi cho các em gặp gỡ và sinh hoạt định kỳ với nhau, để giúp các em yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hy sinh cho nhau, chia sẻ đời sống cho nhau.

·        Giúp cho các em thêm nhiệt tâm, có trách nhiệm về ơn gọi của mình và của người khác. Giúp các em có đời sống vui tươi, cởi mở, sẵng sàng tiếp đón và nâng đỡ những người cần đến các em.

·                 Nhất là giúp các em tiếp xúc và làm quen với Lời Chúa qua việc đọc, suy ngẫm, tâm niệm Lời Chúa hằng ngày và lấy Lời Chúa làm châm ngôn để sống trong ngày. Tập các em yêu mến Mẹ Maria và các thánh, đọc sách hạnh các thánh, noi gương các thánh, tập sống các nhân đức của các ngài, đặc biệt gương Mẹ Maria.

·                 Để tâm giải thích cho các em về sự cao quý và cần thiết của chức linh mục. Cổ vũ ơn kêu gọi trong các giáo xứ mà mình có trách nhiệm, qua các bài giảng, các giờ giáo lý và nhu cầu của Giáo Hội địa phương, nhất là bằng chính đời sống phục vụ vô vị lợi của mình.

·        Khuyến khích lập Hội Cổ Võ và Bảo Trợ Ơn Gọi. Lập Gia Đình Ơn Gọi trong giáo xứ (gồm tất cả những người đang tu, đang tìm hiểu ơn gọi, và có ý hướng đi tu), sinh hoạt mỗi năm một lần vào dịp Tết (liên hoan, tặng quà).

·        Giúp các Ơn Gọi trong giáo xứ sinh hoạt học hỏi hàng tuần. Quan tâm tìm biết hoàn cảnh của từng em để có thể giúp đỡ cách thích hợp và hiệu quả về tinh thần lẫn vật chất.

·        Đón nhận tất cả các em muốn đi tu. Tạo điều kiện để các em có thể phục vụ Phụng vụ cộng đoàn (giúp lễ, ca đoàn). Lấy tình cha con chăm sóc, hướng dẫn các em sống ơn gọi để nối tiếp mình sau này. Trao cho họ vài công việc vừa sức họ, để huấn luyện họ.

·        Kêu gọi, cầu nguyện, khích lệ, động viên, nâng đỡ các ơn gọi. Lo cho giáo lý ơn gọi, huấn luyện các em giúp lễ, tiếp xúc với từng em để phát hiện những tài năng và ý Chúa nơi các em, giúp các em can đảm lựa chọn.

·        Sống trong sáng, vui tươi và nhiệt thành hợp tác với chủng viện trong việc đào tạo linh mục tương lai. Cố gắng tạo cơ hội làm việc để hiểu biết chủng sinh và trở nên một phần trong việc đào tạo họ, mà một ngày kia họ sẽ hội nhập với mình trong sứ vụ linh mục.

·        Vai trò và sự đóng góp của cha xứ rất quan trọng trong việc đào tạo ứng sinh: Cung ứng cho chủng sinh nhiều cơ hội thuận lợi để anh được kinh nghiệm và tham dự vào sứ vụ giáo xứ; phát triển đời sống cầu nguyện của anh ngay trong bối cảnh đời sống giáo xứ, vì đó sẽ là cuộc sống thực sự của anh sau này; học hỏi với cha xứ mà anh đang sống với ngài như người tập sự; được làm quen với nhiều giáo xứ khác nhau trong Giáo phận; đem những gì đã học trong chủng viện ra hành động trong những hoàn cảnh thực tế; kinh nghiệm được cuộc sống nhà xứ; qua việc phục vụ và cộng tác với giáo dân, chủng sinh có thể học được nơi họ rất nhiều điều, đó là một chuẩn bị tuyệt vời cho sứ vụ của anh sau này. Sự hiện diện hữu hình của các chủng sinh ở trong giáo xứ cũng sẽ thăng tiến việc thúc đẩy và phát triển các ơn gọi linh mục và tu sĩ.

4.b Những gì không nên cư xử, nói và làm

·        Không dửng dưng, vô trách nhiệm, hoặc xa lánh việc kêu gọi những người có thiện chí dấn thân phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và các linh hồn trong đời sống tu trì. Không vì sợ mất thời gian hoặc tốn kém tiền của mà từ chối các ơn gọi đến với mình.

·        Không làm vơi đi lòng nhiệt thành của các em đang có thiện chí dấn thân phục vụ Chúa, Giáo Hội và các linh hồn. Không kể khổ, hay đưa ra những khó khăn như muốn thử thách mức chịu đựng của các mầm non ơn gọi.

·        Không nên có thái độ nhăn nhó khó chịu hay gây khó khăn cho một ơn gọi nào đó muốn tìm đến với đời sống này. Trái lại phải hết sức nâng đỡ các mầm non về vật chất, chỉ dạy về đời sống thiêng liêng và động viên về đời sống tri thức để các ơn gọi này có thể triển nở.

·        Không nên coi việc đào tạo chủng sinh là trách nhiệm riêng của Chủng viện và Giám mục giáo phận, vì nó là trách nhiệm của toàn thể Hội thánh, nhất là hàng giáo sĩ.

·        Không được nói cũng như làm những gì gây ấn tượng xấu trước các chủng sinh đàn em trong tình cảm, cách sống, cách cư xử hay trong cung cách làm mục vụ của mình.

·        Không nên nói nhiều đến mặt trái cuộc đời của con người linh mục, hoặc gây gương mù có thể làm cho những mầm non ơn gọi này “vỡ mộng”.

·        Không lợi dụng, khai thác họ như người giúp việc cho mình. Không trao cho họ công việc quá sức mà họ không thể làm được khiến họ chán nản bỏ cuộc.

·        Không tránh né, thờ ơ lãnh đạm với việc cầu nguyện, kêu gọi, khích lệ động viên, giáo dục, hướng dẫn, để cung cấp những ơn gọi cho Giáo hội.

·        Không sống ngược với điều mình dậy bảo và làm gương xấu cho mầm non ơn gọi.

còn tiếp

[440] Pl 2,8; Dt 5,8.

 

VỀ MỤC LỤC
BỆNH VIÊM PHỔI.

 

Với thời tiết mưa lạnh thay đổi bất thường như hiện nay, thì số người mắc bệnh Viêm Phổi cũng gia tăng.

Viêm phổi là bệnh khá phổ biến. Tại Hoa Kỳ mỗi năm có từ 2-3 triệu người bị Viêm phổi với cả gần 50,000 tử vong trong khi đó, tại các quốc gia đang phát triển thỉ bệnh là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong dân chúng.

 

Nguyên nhân.

Nguyên nhân gây ra Viêm phổi là do các loại vi khuẩn, virus có mặt thường xuyên trong môi trường mà ta sinh sống. Khi sức đề kháng với bệnh tật bị suy yếu, các vi sinh vật này sẽ vượt qua hàng rào bảo vệ, xâm nhập phổi và gây ra bệnh.

Vi khuẩn Streptococcus pneumonia là vi khuẩn gây viêm phổi thông thường nhất.

 

Dấu hiệu bệnh

Khi bị viêm phổi do vi khuẩn thì các dấu hiệu bệnh xuất hiện khá nhanh.

- Bệnh nhân bắt đầu ho ra đàm đôi khi lẫn máu. Đàm là những chất nhớt tiết ra từ phổi khi bi các vi sinh vật kích thích. Ho là phản ứng của cơ thể để loại bỏ đàm nhớt, nếu không thì sự hố hấp trao đổi không khí sẽ bị trở ngaị.

- Sốt: Nhiệt độ cơ thể tăng, có khi tới 39 C hoặc 102F. Bệnh nhân cũng thấy ớn lạnh run lập cập và đổ mồ hôi.

- Khó thở, đau ngực. Hơi thở ngắn và dồn dập nhanh, không đủ thì giờ cho sự trao đổi giữa dưỡng khí và thán khí, bệnh nhân mệt mỏi, xanh sao.

Nếu màng phổi cũng bị viêm nhiễm thì cơn đau ngực lại gia tăng như xé cắt lồng ngực, nhất là khi ho hoặc thở mạnh hít vào.

- Nhức đầu, nhịp tim nhanh có khi lên tới trên 100 nhịp/phút.

- Cơ thể mệt mỏi, yếu sức uể oải không muốn cất nhắc làm bất công việc nặng nhẹ nào.

- Nhiều người bị nôn mửa, thậm chí kèm theo tiêu chẩy.

Ở người cao tuổi, nhiệt độ đôi khi lại không cao lắm, ho lại không có đàm khiến cho họ không chú tâm tới bệnh, tới khi bệnh trầm trọng thì quá trễ.

Với viêm phổi do virus gây ra thì dấu hiệu lạị không rõ ràng, đôi khi có thể lầm tưởng là mình chỉ bị common cold.

Nhiều trường hợp, Cảm lạnh và Cúm tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập cơ thể, gây ra Viêm Phổi, là biến chứng trầm trọng, có thề gây ra tử vong ở trẻ em và người tuổi cao mà sức đề kháng suy kém.

 

Ai hay bị Viêm phổi?

-Tuổi tác. Hai lớp người dễ bị viêm phổi là người trên 65 tuổi và các cháu bé dưới 1 tuổi. Ở người trên 65 tuổi, tính miễn dịch của cơ thể giảm còn ở các cháu bé thì sức đề kháng với vi khuẩn chưa được phát triển đầy đủ.

- Hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch khiến cho viêm phổi dễ dàng xảy ra dù là ở người trai tráng khỏe mạnh.

- Người đang có bệnh kinh niên như tim mạch, tiểu đường, bệnh hen suyễn hoặc đang trải qua hóa trị hơặc xạ trị với các bệnh ung thư.

- Uống nhiều rượu;

- Đang dùng các loại thuốc chống acid bao tử như Prisolex;

- Làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm với bụi bậm hóa chất như tại nông trại, công trường…

- Sống chung với nhiều người như trường học, nhà dưỡng lão, bệnh nhiễm dễ lây lan từ người nyày sang người khác.

 

Làm sao xác định bệnh

Khi các dấu hiệu bệnh kể trên kéo dài sau vài ba ngày mà không thuyên giảm thì nên đi bác sĩ để khám tìm bệnh.

-Thường thường, chụp X-ray phổi xác định bệnh với các vết mờ của các vùng phổi bị viêm xuất hiện trên phim.

-Thử máu để đo số lượng bạch huyết cầu. Nếu số lượng lên cao thì đó là dấu hiệu của sự nhiễm trùng, vì các tế bào này được sản xuất nhiều để chống lại sụ xâm nhập của tác nhân gây bệnh.

Bác sĩ cũng thử đàm hoặc chất tiết từ cơ quan hô hấp để tìm ra các loại vi sinh vật có thể gây ra bệnh rồi dùng các dược phẩm thích hợp.

Ta cũng thấy bác sĩ dùng ống khám bệnh để nghe hơi thở bất thường trên ngực trên lưng bệnh nhân: những tiếng khò khè vỉ ống phổi có đàm, những vùng phổi bị thương tích không truyền được âm thanh của hơi thở.

 

Bệnh Viêm phổi có nguy hiểm không?

Với người khỏe mạnh, có sức đề kháng cao và được điều trị đúng lúc, đúng cách với kháng sinh hữu hiệu, họ có thể vượt khỏi các biến chứng của bệnh viêm phổi. Nhưng với người cao tuổi hoặc trẻ em quá nhỏ, viêm phổi có thể đưa tới các biến chứng trầm trọng như:

- Nhiễm trùng huyết: khi vi khuẩn từ tế bào phổi xâm nhập dòng máu ở các phế nang, đưa tới nhiễm vi khuẩn tổng quát, gây nguy hại cho các bộ phận khác của cơ thể thậm chí cả tử vong.

- Túi mủ trong phổi khi mà vi sinh vật tích tụ trong phổi tạo ra các túi mủ, hủy hoại sự hô hấp và gây tổn thương cho phổi.

- Viêm nhiễm màng phổi, màng phổi ứ nước gây đau đớn khó khăn khi thở.

- Khi phổi bị viêm gây ra tổn thương ở nhiều vùng, sự hố hấp giảm đưa tới rối loạn trao đổi không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe chung của con người.

 

Bác sĩ chữa viêm phổi ra sao?

- Viêm phổi gây ra do virus thường mau lành dù không điều trị. Vả lại, cũng không có thuốc đặc trị cho virus viêm phổi. Kháng sinh không có công hiệu gì với virus. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tự chăm sóc ít ngày là vượt qua, ngoại trừ khi lại bị bội nhiễm với các loại vi khuẩn.

- Với viêm phổi do vi khuẩn, bác sĩ có thể lựa nhiều loại kháng sinh thích hợp để loại trừ vi khuẩn đó. Thời gian uống kháng sinh tùy theo tình trạng nặng nhẹ của bệnh cũng như sức khỏe của mỗi người, có thể là 2 tuần lễ. Xin uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ngưng thuốc khi thấy dấu hiệu bệnh thuyên giảm, vì vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và chúng có thể trở nên quen nhờn với thuốc.

Ngoài ra, thuốc hạ nhiệt độ như Tylenol, Ibuprofen cũng cần dùng tới. Xin đừng cho trẻ em dùng thuốc Aspirin vì thuốc có thể gây ra tác dụng phụ quan trọng.

Hỏi ý kiến bác sĩ coi có cần uống thêm thuốc ho, vì ho là để loại bỏ nhớt đàm từ phổi. Nếu cần, chỉ nên uống vừa đủ thuốc ho để bớt khó chịu và ngủ dễ dàng.

Nên uống nhiều nước để đàm loãng, dễ được ho loại bỏ khỏi cơ thể.

Thường thường viêm phổi có thể điều trị tại nhà, uống các dược phẩm do bác sĩ biên toa. Chỉ vào bệnh viện nếu trên 65 tuổi, ho nhiều, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp xuống thấp, cần thở với bình dưỡng khí, không ăn uống được.

 

Có thể phòng ngừa bệnh viêm phổi không?

Sau đây là một số biện pháp mà mọi người có thể áp dụng để giảm thiều rủi ro bị bệnh Viêm Phổi.

1. Ngưng hút thuốc lá, nếu đang hút.

2. Đừng tiếp xúc quá gần với người đang bị bệnh truyền nhiễm như cảm lạnh, cúm, viêm phổi.

3. Rửa tay thường xuyên để giảm thiểu sự lây lan của bệnh vì vi sinh vật gây bệnh dính trên tay của mình, rồi đưa tay dơ lên miệng, lên mũi. Nếu không có dịp rửa tay bằng nước với xà bông, có thể tạm thời lau chùi tay với dung dịch có chất cồn.

Khi ho, hắt hơi, dùng giấy hoặc khuỷu tay áo để che mũi miệng thay vì dùng bàn tay.

4. Chích ngừa

Với người trên 65 tuổi, người hút thuốc lá, hoặc người có bệnh kinh niên được chích loại vaccine dành riêng cho họ gọi là PPSV (Pneumococcal polysaccharide vaccine.

Với trẻ em là pneumococcal conjugate vaccine PCV.

Xin hỏi bác sĩ về lịch trình chích ngừa cho từng loại tuổi.

Ngoài ra, mọi người cũng cần chích ngừa các bệnh có thể gây ra viêm phổi, như chích ngừa cúm mỗi năm; chích ngừa thủy đậu, ban sởi nếu chưa bao giờ mắc các bệnh này hoặc chưa bao giờ chích ngừa chúng.

 

Tự chăm sóc

Ngoài việc uống thuốc theo toa bác sĩ, bệnh nhân nên có chương trình tự chăm sóc, như là:

- Nghỉ ngơi đầy đủ để dưỡng bệnh và trị bệnh;

- Không đi làm hoặc đi học cho tới khi hết nóng sốt để tránh truyên bệnh của mình cho người khác;

- Uống nhiều chất lỏng như nước, các loại súp để tránh thiếu nước trong cơ thể và để long đàm, dễ loại ra ngoài;

- Giữ hẹn tái khám với bác sĩ.

 

Kết luận

Một vài kết luận nên ghi nhớ:

- Tuy Viêm phổi là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 6 trong số các bệnh tại Hoa Kỳ.

- và bệnh viêm phổi rất dễ lây lan tử người này qua người khắc, bằng những hạt nước nhỏ li ti từ mũi miệng người bệnh đưa vào không khí mà mọi người hít thở.

- Nhưng Viêm phổi là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được.

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
Bệnh tùy hứng vô định

 

(Ghi lại bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với giới trẻ Việt Nam tại Strasbourg, Pháp, chiều ngày 12.9.1998)

 

Giới thiệu

Muốn thành công trước hết phải chữa trị tận gốc mười (10) chứng bịnh làm băng hoại xã hội ngày nay.

Cuộc sống cộng đồng và Giáo hội, không những ở Việt Nam mà ngay cả ở hải ngoại, hiện đang có những bất ổn. Không hoặc chưa phát huy được nét tích cực của mình. Do đâu ?

Có rất nhiều căn nguyên. Những căn nguyên này là những chứng bịnh vừa nguy hiểm vừa truyền nhiễm đang hoành hành trong xã hội, và có cơ nguy làm cho cuộc sống xã hội băng rã. Tôi qui chúng lại thành mười bệnh lớn: Thập đại bịnh.

 

8. Bệnh tùy hứng vô định

Người không có lý tưởng rõ ràng. Đời vô định hướng. Ai xúi thì nhắm mắt làm theo, bất kể hay dở, khôn dại. Xong rồi phủi tay. Chẳng có dự án và chẳng có một người nào làm lý tưởng cho đời mình. Đây là loại người tùy hứng.

Người ta hay nói đời là một giấc mơ. Nhưng đời có thật là một giấc mơ không ? Mơ là chuyện mộng, không bắt buộc phải hiện thực. Nhưng đời trái lại là cuộc sống thực tế của mỗi người, bắt mình phải hoàn thành.

Thánh Kinh nói đến giấc mơ của Thánh Giuse. Ông mơ thiên thần báo phải đem Hài nhi và mẹ người trốn sang Ai Cập. Cái đặc biệt ở đây là Giuse đã thực hiện giấc mơ đó và nhờ vậy Chúa Giêsu thoát chết. 

Người trẻ cần có lý tưởng và phải thực hiện cho bằng được. Nhưng phải định hướng cho trúng. Truyện kể có người khi còn trẻ quyết tâm sẽ thay đổi cả thế giới. Khi đứng tuổi thấy mình chả thay đổi được ai, bèn chuyển mục tiêu gần hơn: sẽ thay đổi gia đình mình. Đến khi về già quay lại thấy mình cũng chả thay đổi được gia đình, mới nhận chân ra rằng muốn thay đổi gia đình hay thế giới trước hết phải thay đổi chính con người của mình đã !

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************