Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com




DI SẢN CỦA MỘT SỐ TRÍ THỨC TRONG NƯỚC
Nguyễn Quang

   Tuy không hoạt động Chính trị chuyên nghiệp, cũng như một ngành chuyên môn nào,  mà chỉ là một công dân Việt có ấp ủ một vài khái niệm về Chính trị, nên tôi có một vài ý kiến, nhân đọc bài mà Ông Nguyễn Gia Kiểng đặt tên là  “ Di sản của một số Trí thức trong nước “( 1 ):
Tôi không có ý phân tích, phê bình gì nhiều về vấn đề viết trong bài đính kèm đó, nhưng mà chỉ nói lên một vài điều khái quát:

               Cách phản tính ngoạn mục của một số nhà Trí thức trong nước?

  Đây là ý kiến của một số Trí thức bị Quốc tế CS lừa, đã mê mãi theo chủ nghĩa CS, nay lương tâm áy náy bắt đầu phản tỉnh đôi điều.  Tuy chủ nghĩa CS đã bị cả thế giới vất vào sọt rác rồi, nhưng CSVN vẫn bám vào kẻ thù truyền kiếp để giữ ngôi mà bảo tồn sinh mạng.    
Trong những người CS chống lại giới cầm quyền đảng CSVN hiện nay có nhiều phe phái:
Phe phái bị thất sủng, vì khi đấu tranh thì có mặt, mà khi thụ hưởng Quyền, Danh, Lợi ( chính hay bất chính ) thì bị đá văng ra ngoài ( Chỉ là vấn đề của trâu cột và trâu cày ).
Phe khác thì chỉ thấy được cái sai thuộc phạm vi hiện tượng, cho là do phe phái cầm quyền tham nhũng mà sai, chứ Hồ Chí Minh và Marx thì không sai.
Phe phái khác nữa thì thấy con đường XHCN sai, vì độc đảng độc quyền, độc lợi, nhưng chưa biết đường nào mà lần.. . 
Trước tình trạng lâm nguy của Tổ quốc vì xã hội băng hoại nhất là bị Trung Cộng thôn tính, để trốn tránh trách nhiệm đưa đất nước vào cảnh suy tàn nô lệ mà mình đã nhúng tay, một nhóm trí thức  đã ngồi lại cùng nhau, tìm cách rửa tay cho sạch để mai hậu tên tuổi mình không dính dáng gì tới lịch sử ô nhục của đất nước.
Nhưng khốn nỗi đất nước đã tràn đầy những Quốc nạn và Quốc nhục hàng thế kỷ thì có người dân Việt Nam nào mà lại được vinh ?
Có một điều đơn giản nữa mà nhiều người thường quên là:  “ hễ làm sai thì phải sửa sai “, làm sai mà không cố sửa là vô trách nhiệm, vô lương tâm, thoái thác không dọn rác do mình xả ra mà tìm cách rửa tay cho sạch không phải là tư cách của người trí thức chân chính!

                                   Chữa bệnh nội thương bằng xoa dầu Cù Là

   Về những nhận xét của các vị trí thức phản tỉnh, ta chỉ thấy các vị đề cập đến nhiều vấn đề, có đôi điều đi vào bản chất, có nhiều điều chỉ loay quanh xung quanh các hiện tượng về con người và xã hội, nhưng các nhận xét toàn là mãnh vụn rời rạc, chưa đề cập tới cốt tủy của vấn đề.  Việc đảng CSVN cầm quyền hiện nay dù có sửa được các hiện tượng bên ngoài, mà còn để “ bản chất sai trái nguyên con”  thì phỏng có tác dụng gì?      Vấn để VN chẳng khác nào con người bị bệnh nội thương trầm trọng trong lục phủ ngũ tạng, tức là bản chất, mà chỉ chạy xung quanh các hiện tượng thì chẳng khác nào lấy dầu cù xoa bóp ngoài da để mong trị bệnh nội thương!
Vấn đề không phải chỉ loại bỏ chủ nghĩa Cộng sản, mà trước tiên là phải bỏ tính Tham tàn và Cường bạo nơi người Cộng sản hay ở bất cứ con người nào nhúng tay vào việc làng việc nước theo đường hướng đó!
Vì phúc hoạ trên thế giới này đều do con người mà ra: Người lành gây phúc, kẻ dữ giáng họa! 

  Số là Thế giới bao giờ cũng được dẫn đạo bởi tư tưởng, vì có tư tưởng mới dẫn tới hành động, hành động lầm là do tư tưởng sai.  Chủ nghĩa Marx cổ võ Hận thù để diệt cái gọi là “ giai cấp bóc lột “ hầu giải phóng giai cấp bị bóc lột, nhưng đó chỉ là nhân danh Vô sản để cướp cả thế giới. Động cơ nào đã thúc đẩy họ làm việc đó, phải chăng là Tham, Sân, Si.  Cuộc cách mạng vô sản đã giúp Nga sô sáp nhập các nước nhỏ xung quanh thành Liên Bang Xô Viết, còn Trung Cộng thì đã thôn tính được 4 sao nay còn muốn thêm Việt Nam làm sao thứ 5 trên ngọn cờ !  Đây là Chủ nghĩa Đại Bịp để Bành trướng mà thôi.
Các nước Chư hầu nhất là Hồ Chí Minh tưởng bở tưởng thật, nên đã cúc cung chạy cờ Quốc tế vô sản bằng cách gây ra hai cuộc chiến tranh để phá hết nền tảng Quốc gia mà xây Quốc tế. Muốn phá Quốc gia thì phải triệt tiêu người Quốc gia, phá các hạ tằng cơ sở của Quốc gia như gia đình và các cơ chế xã hội, và nhất là Văn hoá.   Khi đã phá cho tan hoang quốc gia rồi, mới bừng tỉnh lại với Tài hèn Đức kém, không biết làm gì thêm nữa, nên phải triều phục, buộc phải bán nước để giữ ngôi, dĩ nhiên bị vòng Kim Cô thắt vào cổ !.
CS Trung hoa không dừng lại ở chỗ tàn phá cơ đồ quốc gia đã tan hoang, mà còn tìm cách  xoá Thiên tính nơi con người,Mao Trạch Động đã dùng phương pháp Tẩy nạo để mong tẩy sạch Lương tâm con người để xây ảo tưởng đạo đức CS, hầu lên ngôi Thượng Đế . Nhưng kết quả hàng triệu người Trung hoa bị giết oan và nền văn hoá bị phá sản, cái còn lại là Lừa dối và Gian ác, chẳng ai thấy đạo đức cộng sản ở chỗ nào cả, mà đi tới đâu cũng chỉ thấy thành quả vĩ đại của Tham tàn và Cường bạo !.   

   Đặng Tiểu Bình đã nhận ra tai họa phá sản nguy khốn, nên âm thầm khôi phục Khổng giáo ( thực ra là Hán Nho ) để cứu vạn tình thế, nên mới không kể mèo đen hay trắng ( Tư bản hay CS ) miễn là bắt được chuột, có người cho đây là chủ nghĩa thực tiễn, nhưng cũng chỉ là lối che lấp lỗi lầm.
Sở dĩ sau đó Trung Hoa được khá hơn là do phần nào cái Hán Nho được hồi phục cũng như người dân đã được cởi trói mà thôi. Khổ nỗi Hán Nho cùng Gian manh Quốc Tế CS đều có cùng bản chất Tham tàn và Cường bạo và Bành trướng!

   Vậy ai đã ăn phải cháo lú Lừa đảo quốc tế mà giết đồng bào và phá Quốc gia VN?
Vậy ai gây ra cơ sự làm cho con Người Phân hoá đến tột độ và xã hội Bất công đến tận cùng, đất nước ngày nay đang trên bờ vục thẳm, xã hội suy vong tận nền và dân tộc đang sa vào tròng Nô lệ!
Ngày nay đảng CSVN đang được các nhà đầu tư quốc tế o bế, với hy vọng   giúp nhau trở thành một đối tác hầu ăn nên làm ra và cùng nhau bảo vệ an ninh để bảo vệ lấy quyền lợi, nhưng CSVN đâu có hiểu, mà cứ mê mải đeo đuổi hai muc tiêu: Bòn mót vốn đầu tư nước ngoài,và tham nhũng đại trào để tìm lối thoát. Mặt khác lại muốn lấy một số tiến bộ vật chất mà che dấu tội ác hại Dân bán Nước, nhưng cái món Bùa Lừa Bịp quốc tế đã hết Linh.

  Tóm lại: 
 
   Vậy những con người đang cai trị đất nước có Nhân Nghĩa không hay toàn là hạng Tham tàn và Cường bạo?
  Vậy phải sửa các hiện tượng sai lầm trong các cơ chế xã hội trước hay loại trừ những con người Bất Nhân gây tai họa Bất Công trước?
   Hay cứ để con người gây tai họa đó tiếp tục sửa sai, còn những người khác thì đứng ngoài cứ phản biện, phê bình hiện tượng?
  Vậy có cần tìm những những ai đủ tiêu chuẩn để lo việc nước cho nên hồn hay cho rằng mọi người đều đã tốt rồi hết, chẳng cần lưu tâm đến con Người, con người đang bị bỏ quên, theo giả định là ai ai cũng tốt cả, chẳng cần gì đến Nhân Nghĩa lôi thôi khó lòng! Cứ ai mạnh thì được yếu thì thua là xong, mưu mánh là quốc sách!

  Cứ thắp đuốc lên mà tìm xem số người có đủ Đức Tài có khả năng cáng đáng việc nước được bao nhiêu? 
Đâu là tiêu chuẩn để đoàn kết toàn dân?
Đâu là Quốc kế Dân sinh, và chủ trương Nội trị và Ngoại giao trong bối cảnh toàn cầu hóa ,hay chỉ cần chép lại Hiến Pháp như Hồ Chí Minh là xong?
Đâu là phương cách xây dựng con người và các cơ chế xã hội?
Đâu là lực lượng nhân sự để thi hành chính sách Quốc gia? . . . .

  Ngày nay các đảng phái không thể tiếp tục lối làm chính trị dành nhau kiếm ghế, được thì kiếm chút danh lợi, không thì phá thối!
  Làm việc quốc gia theo tinh thần phe nhóm, đảng phái, Tôn giáo thì chỉ gây chia rẽ, chỉ vì cái tiểu Tâm tiểu Trí, tiểu Danh, tiểu Lợi. Đất nước chúng ta đã tan hoang vì cái đại nạn của những con người yêu nước cở này!

                                         Vương đạo và Bá đạo

   Khi nói đến Khổng giáo, mà không phân biệt được Hán Nho (đã bị hiểu lầm là Khổng giáo ) và Khổng giáo ( Nguyên Nho ) thì là bàn nhảm. Hán Nho là Nho  Bá đạo, mà Nguyên Nho ( do Khổng Tử thuật lại nền Văn hoá Khoan nhu phương Nam) là Vương Đạo.   Nền Văn hoá Vương đạo của Nho đã bị nhà Hán  xuyên tạc thành Hán Nho, là thứ Nho thường hiểu ngày nay. Nho thường hiểu chỉ là mớ hổ lốn giữa Vương đạo và bá Đạo. Không phân biệt được để thoát ra cái hỏa mù đó mà luận bàn thì chẳng khác nào con người lạc vào rừng thẳm, tìm không lối ra mà bàn ngược rồi xuôi mà không thông!
   Nền tảng của Nho là Tam cương: Nhân Trí Dũng của nền văn hoá Nông nghiệp, còn bản chất của Hán Nho là Tham tàn và Cường bạo để Bành trướng.

  Chính trị Vương đạo thì chủ truơng” Dân vi bang bàn, bản cố bang ninh”: Dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên”.    Về con Người thì: Thực, Sắc, Diện: Thiên tính dã: Cái ăn uống, cái Tính dục hay Gia đình và Thể diện là Tính Người được bẩm thụ từ Trời.  Đây là nền tảng của Quốc gia, mà ngày nay cũng là nền tảng của chế độ Dân chủ. Nền tảng Dân chủ phải lấy Dân làm gốc, chế độ chính trị ( không phải Tà trị ) phải bảo đảm cho mọi người Dân ít nhất phải có quyền “đũ Ăn và được Nói, và giúp họ giữ được phẩm giá (Thể diện) của con Người”.
Muốn xây dựng chế độ Dân chủ thì mọi người dân phải là con người Nhân chủ, ( Chứ không phải là con người Cá nhân chủ nghĩa ) để họ có thể làm chủ vận hệ mình gia đình và đất nước mình. Quên cái gốc này là làm chính trị vặt vô nền.

   Những người làm chính trị phải có Đức và có Tài. Có Tài để biết việc mà làm, đừng có làm ẩu như thằng mù dắt thằng đui, đem cả nước xuống hố!.  Có Đức để khỏi làm bậy, miệng nói Nhân Nghĩa mà tay lại hành động Tham tàn. Cái Đức đó là phải biết kính trọng, yêu thương mọi người và nhất là phải hành xử công bằng với mọi người, cái tài Chính trị là biết đem cái Đức đó  thể hiện vào Đời sống hàng ngày để giúp mọi người dân.
Lý thuyết chính trị nào thì rồi cũng phải biết đem Nhân đạo vào Đời, lấy lẽ công chính để thể hiện lòng Nhân vào  môi trường xã hội để mưu phúc lợi cho toàn dân. Như vậy các nhà làm chính trị phải có Quốc kế Dân sinh, giúp phát triển Dân sinh và Dân trí để xây dựng nước, phải biết điều hòa giữa Nhân quyền và Dân quyền để xây dựng và bảo vệ Quốc gia.     Muốn điều hành Quốc gia thì phải biết tổ chức mọi cơ chế Quốc gia như một Cơ thể, mọi bộ phận phải liên hệ mất thiết với nhau, để cho sức sống Quốc gia được luân lưu khắp mọi cơ chế của xã hội.    Muốn cho tổ chức được hữu hiệu thì phải dùng đến Khoa học kỹ thuật, ngày nay đã có ngành nghiên cứu về tổ chức Công quyền, các nhà làm chính trị phải học lấy đừng có làm mò. Văn hoá có hay đến mấy mà không có kỹ thuật áp dụng vào xã hội thì cũng bó tay, “ Bất học vô thuật “!

   Chính trị Bá đạo thì không biết Dân là ai, mà quay lên Trời phong cho vua làm Trời con ( Thiên tử ), không ai được phạm nhan, sợ biết mặt mũi vua mà hành thích. Ngày này là độc Đảng độc Quyền độc Lợi.    Mọi người dân phải ngu Trung, vua bảo chết mà không chết là Bất Trung, mọi người con phải ngu Hiếu, cha bảo chết mà cưỡng lệnh không chịu chết là bất Hiếu, mỗi gia đình có một người con trai là đủ, còn 10 con gái bằng không, nên sinh ra Chồng Chúa Vợ Tôi.Ngày nay ở Trung Cộng hễ sinh con gái là bị phá thai, hay cho con nuôi.
   Đây là nền Văn hóa Bá đạo do nhà Hán xuyên tạc Nho giáo mà có.  Trong lịch sử Tàu từ Hoàng Đế đến nay toàn là những chế độ chính trị bá đạo, toàn gây chiến tranh cướp bóc và bành trướng, cứ lướt qua lịch sử VN thì rõ.. Đó lá lý do ngày nay Trung cộng cố gắng lập Viện Khổng Tử để tiếp tục lừa Thế giới.  Đức khổng Tử, mà Trung cộng cổ xúy chỉ là thứ Bá đạo của Hán Nho, đừng có nhầm. Đây cũng là Văn hoá Lừa đưa lốt Nhân nghĩa Đức Khổng ra Lừa thiên hạ mà thi hành chính sách Tham tàn và Cường bạo! 

  Mạnh Tữ đã bảo” Tru bạo quốc chi quân ( hay độc quyền chi đảng ) nhược tru độc phu: Giết một ông vua bạo ngược ( cũng như dẹp đảng phái độc quyền) cũng như giết những tên bạo ngược, đó cũng là tinh thần Dân chủ.

CSVN lúc chưa lên ngôi thì lấy Công Nông làm gốc Trí thức làm Ngọn, CSVN thúc đẩy đàng sau, khi đã lên ngôi, CSVN nhảy ra đàng trước lãnh đạo, đẩy  Công Nông và Trí thức ra đàng sau. Vì là đỉnh cao Trí tuệ, nên chẳng nghe ai, vì không thể chia miếng đỉnh chung với ai được, nên cố giữ độc quyền để ghì lấy độc Lợi!

                                               Lập lờ đánh lẫn con đen

   Chúng ta nên nhớ sở dĩ Việt Nam chúng ta không ngóc đầu lên được phần lớn là do kẻ thù truyền kiếp liên tiếp: khi thì đô hộ, lúc thì đánh chiếm, và thường xuyên tìm mọi cách tàm thực, CSVN chỉ là bàn tay nối dài của Bắc phương mà thôi. Trước đây Bắc phương dùng bùa Mê Quốc tế CS để đánh lừa Chư hầu, bùa đó nay đã hết linh, phải tạo ra Bùa Mới, đấy là thứ không những Cũ mà lại Dỏm: Bùa này là Viện Khổng Tử với Tượng Khổng Tử.
Đã mấy năm nay Trung Cộng đã cố công cho thiết lập Viện Khổng tại nhiều nơi, thật là một tin mừng cho thế giới. Nếu thật sự như thế thì Trung Cộng đã bỏ truyền thống Tổ tiên ngàn đời của họ là bỏ đường lối Tham tàn và Cương bảo và Bành trướng- đại Họa ngàn năm của nhân dân Việt Nam - , sao Việt Nam lại không dang hai tay xoạc hai chân ra ra mà hoan hô, mà ủng hộ !
Khốn thay, nói vậy mà không phải vậy, vì “ cái lưỡi bò đang thò ra đó “!

   Số là năm 1949 tại Honolulu, hội nghị Triết học Quốc tế đã bầu Đức Khổng Tử  cầm chịch bản Nhạc Hoà tấu Thế giới, vì Ngài có chân trên cả hai tàu: Tâm linh và Thế sự. Đây là chân lý ngược chiều của Dịch lý, tức là Thiên lý.
Tâm linh là đi vào thế giới Tĩnh, nên phải Quy tư. Thế sự là đi vào thế giới Động thì phải Suy tư,- Tâm linh ngược với thế sư - , nhưng theo Dịch lý thì con Người phải”Chấp kỳ lưỡng đoan “  nghĩa là phải giữ cho đươc hai đầu mối hoà nhau  ( Chấp phá, phá chấp ) thì cuộc sống mới Hoà được với Tiết nhịp Vũ trụ.
                                            Đường trở về Tâm linh

   Muốn đi vào thế giới Tâm linh thì phải Quy Tư nghĩa là bỏ lý trí và những công trình đồng nhất hóa của Lý trí để xây nên bản ngã, mà cảm nghiệm và thể nghiệm, vì đây là cõi u linh man mác như Tình cảm, không thể dùng lý trí.
    Đức Khổng đã có con đường Quy tư gọi là “ Tử tuyệt tứ”, nghĩa là bốn điều cần  phải dứt bỏ của  Khổng Tử. Đó là vô ý, vô cố, vô tất, vô ngã: bỏ lý trí, bỏ những thứ cố chấp của mình, bỏ những cái mình cho là tất định như là luân thường đạo lý, giáo lý của tôn giáo, vì đều là sản phẩm của lý trí để sống ở đời mà thôi, và cuối cùng là  bỏ cả bản ngã, thành trì của Tham, Sân, Si thì khi đó mới tiệp cận được với Nguồn Nhân, Trí, Dũng.
   Con đường này phải trải qua nhiều giai đoạn tu dưỡng: Định nhi hậu năng Tĩnh, Tĩnh nhi hậu năng An, An nhi hậu năng Lự, Lự nhi hậu năng Đắc: có Định Tâm thì mới Tĩnh được, có Tĩnh được mới được An, nghĩa là bất động Tâm, có An thì mới có thể Lự, tức là thanh lọc được cái Tâm mờ ám ( cái màn vô minh ), khi đó mới đạt Đạo. 



Hay đi theo đường của Dịch lý: Dịch vô Tư, vô Vi dã, tịch nhiên bất Động nhi cảm thông thiên hạ chi Cố : Dịch là bỏ suy tư, không có nhân vi mà tuân theo Dịch lý, Bất động và Yên lặng để cảm thông được nguồn gốc của sự Biến hoá trong Trời Đất.     Đây là con đường dài và khó khăn lắm mới đạt được.
                                  
                                             Lối ra Thế sự

    Về Thế sự thì Đức Khổng có con đường Tu, Tề, Trị, Bình.

  I.- Tu: Tất cả mọi người đều phải tu Thân, ngay cả những người sinh nhi tri chi, vì con người là luôn luôn đang thành, không vi nhân liên lỉ là thành quỷ. Tu theo Ngũ thường là năm tiêu chuẩn thường xuyên phải trau dồi suốt đời, đó là: Nhân(1) : là lòng kính trong và yêu thường mọi người và vạn vật, vì Vạn vật đồng nhất thể. Nghĩa( 2 ) là bổn phận mọi người ăn ở công bằng với nhau theo hai chiều với các tiêu chuẩn Lễ (3), Trí (4), Tín (5): Lễ là trọng và trọng Người, Trí là biết mình và biết người, Tín Là mình có đáng tin thì người mới tin mình. Đây là cách yêu thương mọi người và ăn ở công bằng với nhau.

    II.- Tề: Là phương cách thực hiện mối giao liên Hoà trong Gia đình và xã hội theo Ngũ Luân:
1.- Mối liên hệ Hòa giữa Vợ chồng theo tiêu chuẩn Tình Lý tương tham để thuận Vợ thuận Chồng.
2.- Mối liên hệ Hòa Cha mẹ và Con cái cũng theo tiêu chuẩn Yêu thương và công bằng.
3.- Mối liên hệ Hòa giữa Nhân dân và Chính quyền: Điều hoà giữa Nhân quyền và Dân quyền: Nhân quyền đề giúp con người phát triển toàn diện, Dân quyền để người dân đóng góp cho việc xây dựng Quốc gia.
4.- Mối liên hệ Hòa giữa Anh Chị Em với nhau cũng là Tình Lý tương tham.
5.- Mối liên hệ Hòa giữa Đồng bào với nhau: Yêu thương mà ăn ở công bằng với nhau.

  III.- Trị và Bình: Gia đình là nền tảng vững chắc của xã hội, mọi người tu theo Ngũ thường, mà ăn ở theo mối liên hệ Hoà theo Ngũ luân thì làm sao nhà không yên, cửa không ấm. Mọi gia đình trở thành thành cái nôi ươm Tình Người mà ăn ở công bằng với nhau thì làm sao mà nước không trị, Quốc gia nào cũng được trị thì sao Thế giới không được hoà bình. Ngũ luân là để thể hiện tinh thần “ vạn vật tương liên” trong mối tương Hòa
 
   Đây là Văn hoá về triết lý Nhân sinh, hợp Nội Ngoại chi đạo của Việt tộc, giúp mọi người xây dựng Nội lực để sống Hòa ở Đời, vì vậy con đường Tu Tề Trị Bình có hiệu lực hay không là do mỗi người ta có thực tâm thực hiện hay không? Chính quyền có tạo môi trường và cơ hội giúp cho người dân phát triển hay không.  Đây là vấn đề nền tảng không một chế độ chính trị nào có thể bó quên, nếu muốn thực sự giải phóng con người, mà mưu phúc lợi cho con người.

   Ta nên nhớ Ngũ luân của Việt khác với Ngũ luân cũa Hán Nho là Nho của Tàu do nguồn gốc Du mục, trọng bạo lực hơn nhu thuận, trọng Nam khinh nữ, trọng  Võ hơn Văn, nên thứ tự Ngũ luân của Tàu là: Vua tôi, Cha con, Vợ chồng, Con cái và Bạn bè. ( thuộc chế độ quân chủ chuyên chế của Đại Hán )
                               
                                                Thiên Địa Hòa giao

  Theo Nho thì khi trở về nguồn Tâm linh là triệt Thượng, hướng Thiên, khi đi ra lãnh vực Thế sự gọi là Triệt Hạ hay quy Điạ. Muốn đạt Minh Triết thì phài làm sao cho Mẹ Tròn ( Thiên ) Con Vuông ( Địa) nghĩa là Thiên Điạ giao hòa hay lưỡng nhất, Nói cách khác là Nhân Trí phải hoà hai để đạt đức Dũng. Đó là tam cuơng của Nho giáo. Có lẽ cũng là hình ảnh của Ba Ngôi trong Kitô giáo: Ngôi Cha trên Trời: Nhân, Ngôi Con dưới Đất: Trí. Cha Con lưỡng Nhất nên Dũng: Ngôi Thánh Thần.

                                                Câu hỏi chối tai

    1.Trung cộng theo Chủ nghĩa vô thần, phỏng những người Cộng sản Tàu ( kể cả Việt cộng ) có biết gì về con đường Tâm linh của Khổng Tử không?
    2.- Con đường Thế sự của Đức Khổng là con đường Tu, Tề, Trị Bình  cũng như Thiên bẩm nơi con Người mà Mao trạch Đông đã triệt để đánh đổ, Trung cộng và Việt cộng có còn theo Mao Trạch Đông nữa không?
    3.- Nếu có thì lập Viện Khổng Tử để làm gì?
    4.- Nếu không thì Trung cộng và Việt cộng còn thờ Mao Trạch Đông để làm gì? Xin hãy minh bạch vấn đề đừng có khinh thường thế giới!
    5.- Thể chế Chính trị hiện nay Trung Cộng Và Việt Cộng đang cố trì thủ là thể chế nào:  Chí Nhân và Đại Nghĩa của Khổng Tử hay Tham Tàn và Cường bạo thuộc Du mục bạo động của Hán Nho?.
   6.- Khi bị phát giác trò Lừa Viện Khổng Tử thì có nên dẹp công trình Lừa đó đi để sửa sai không? Và tiếp đến là có phải tìm cho ra cái đạo đức CS nữa không?
Cầu mong những lời khó nghe này thấu tai Nam Trung Hải và Bắc Bộ phủ và những người làm chính trị vô nền.

Nguyễn Quang




(1):  Trí thức Việt Nam muốn để lại di chúc nào?

 

  NGUYỄN GIA KIỂNG



 

Và những bào thai trong bụng mẹ lỡ sinh ra
Sẽ suốt đời nguyền rủa lũ ông cha

(Nguyễn Chí Thiện)

 


Tiến Sĩ Nguyễn Gia Kiểng

    Một người bạn gửi cho tôi “Biên bản Hội Thảo Khoa Học Hội Khoa Học Kinh Tế Việt Nam và Trung Tâm Thông Tin và Dự Báo Kinh Tế – Xã Hội Quốc Gia” với lời nhắn “đọc ngay”.

Quả thực đó là một tài liệu đặc sắc. Trước hết vì thành phần tham dự. Xin kể một vài nhân vật: GS Trần Phương – nguyên Phó Thủ tướng; ông Vũ Khoan – nguyên Phó Thủ tướng; PGS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh Tế; GS Phan Văn Tiệm – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Chính; Việt Phương – nguyên Cố vấn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; bà Dương Thu Hương – nguyên Phó Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước; GS Đào Xuân Sâm – nguyên Trưởng bộ môn Quản lý Kinh tế trường Nguyễn Ái Quốc; PGS Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh Tế Thế Giới; GS Đào Công Tiến; cựu Đại sứ Nguyễn Trung; TS Nguyễn Mại; Ông Vũ Quốc Tuấn; TS Lê Đăng Doanh; GS Nguyễn Đình Hương; GS Lê Du Phong; Bà Phạm Chi Lan; TS Lưu Bích Hồ; GS Vũ Huy Từ v.v., với sự hiện diện của một số thành viên tổ soạn thảo cương lĩnh, không thấy nêu tên và chức vụ nhưng chắc chắn phải là những đảng viên cao cấp và có trình độ kiến thức cao để được chỉ định tham gia soạn thảo định hướng của đảng và thay mặt đảng theo dõi buổi hội thảo này. Những tên tuổi trên đây cho thấy thành phần tham dự hội thảo là những trí thức ưu tú và có uy tín nhất của chế độ. Họ cũng là những trí thức được ưu đãi nhất, những trí thức có nhiều lý do nhất để ủng hộ chế độ. Họ được yêu cầu góp ý cho các văn kiện chuẩn bị cho Đại Hội XI (gồm Cương Lĩnh Chính Trị, Báo Cáo Chính Trị và Chiến Lược Phát Triển Kinh Tế – Xã Hội 2011 -2020).

Chính vì thế mà nội dung cuộc thảo luận gây ngạc nhiên. Đã không có một phát biểu nào thuận lợi, dù là tương đối. Cũng không có một phê phán ôn hòa nào. Chỉ có những phủ nhận và chê bai mỉa mai, quả quyết, gay gắt, thậm chí khinh bỉ.

Một vài trích dẫn:

(…) Cần nhận thức lại chủ nghĩa xã hội (CNXH), cần thay bằng một mô hình văn minh hơn;

(…) Quá dài, rất trùng lắp, những điều cũ kỹ, lạc hậu, sai lầm quay lại nhiều quá. Rất nhiều điều chỉ có thể là dự báo khoa học lại coi là chủ trương, ví dụ: đến giữa thế kỷ XXI Việt Nam thành thế này, thế kia; giữa các văn kiện không có tư tưởng thống nhất, các văn kiện tụt lùi xa so với Đại Hội IX, X.

(…) Đánh giá sai nhiều lắm… nguy hiểm quá. Văn kiện không có định hướng, trở nên vô nghĩa. Các văn kiện hiện quá lạc hậu so với thời đại.

(…) Nhận định về quốc tế, về các nước XHCN và tình hình đất nước sai, nên bỏ đi!

(…) Phải nhằm vào cải cách chính trị chứ không chỉ kinh tế; cải cách thể chế chính trị thành một vấn đề bức xúc, không giải quyết thì không phát triển được. Phải xây dựng hiến pháp mới. Đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị, phải phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng của nhà nước. Quốc hội hiện chưa phải là cơ quan lập pháp!

(…) Văn kiện không phản ánh được cuộc sống. Đổi mới chính trị chưa theo kịp đòi hỏi, đang cản trở.

(…) Phải xác định cho rõ vai trò lãnh đạo của Đảng: lãnh đạo là ai? Ai cho anh quyền lãnh đạo? Phải nhìn thẳng vào sự thật. Lừa được người ta chứ không lừa được thực tiễn đâu!

(…) Tư duy lý luận lạc hậu, mâu thuẫn, xa rời thực tiễn; thụt lùi so với đại hội trước. Lòng tin của dân đối với Đảng, với chế độ giảm.

(…) Xem thường lịch sử: nói CNXH là điều kiện để độc lập, các triều đại trước có CNXH đâu mà vẫn độc lập. Không gắn với thời đại, xem thường thiên hạ.

(…)Viết thế nào thì viết, nhưng đừng đao to búa lớn quá, cái gọi là chủ nghĩa cộng sản đã là ảo tưởng rồi.

(…) Tỉnh nào cũng có xi măng, sân bay, nhà máy thép, cảng biển… đầu tư nham nhở.

(…) Loài người đi đến chỗ dân chủ. Nhưng thế nào là dân chủ? Đảng quyết mọi thứ mà lại không chịu trách nhiệm gì. Thế mới chết chứ.

(…) Tại sao các văn kiện lại ngổn ngang thế? Cương lĩnh thất bại, tuyên truyền thất bại. Lý luận chính trị chưa bao giờ suy đồi như bây giờ. Ngổn ngang quá. Giả dối quá. Thật là bi kịch. Cảnh ngộ của Đảng ta từ sau Đại Hội XI bắt đầu bước vào suy đồi.

(…)Toàn là giả dối cả. Nếu đưa cái cương lĩnh chiến lược này ra mà thông qua thì sẽ ra sao đây? Quả đấm thép không đấm vào đối thủ mà lại đấm ngay vào chính ta.

(…) Dân được nói mới là dân chủ. Đảng vẫn đặt dân tộc sau giai cấp. Dự thảo văn kiện đánh giá:“Dân chủ trong Đảng được mở rộng”. Tôi nghĩ trong Đảng là mất dân chủ nhất. Hầu như không có nhận định nào trong văn kiện là đúng sự thật thực tiễn.

(…) Đảng có dựa vào công nhân không? Có dựa vào nông dân không? Tôi nghĩ không. Vậy dựa vào cơ sở nào? Có dựa vào trí thức không? Cũng không nốt!

(…) Tình trạng mua quan bán chức lộ liễu, công khai, hết sức nguy hiểm. Thị trường quan chức bóp chết tất các thị trường khác. Cơ chế tuyển dụng, tuyển chọn cấp cao như thế nào? Không công khai minh bạch. Người lãnh đạo ở các cấp không có chịu trách nhiệm gì cả về quyết định của mình. Bộ Giao Thông, Bộ Xây Dựng … cầu đổ, nhà đổ , không thấy nói gì về trách nhiệm cả. Một đất nước như vậy thì không mong đợi gì!

(…) Chưa bao giờ vấn đề nghiêm trọng như bây giờ. Dân không còn tin Đảng như trước nữa. Không ai quan tâm nữa. Cương lĩnh đầy dẫy cái sai, cái mơ hồ. Nói XHCN mà không biết nó là cái gì? Nhiều chuyện ta tự lừa dối mình và lừa dối người khác.

v.v.

Và biên bản của cuộc hội thảo kết luận như sau:

“(Các phát biểu trên đây) dù không được chấp nhận, nhưng ít ra cũng lưu vào văn bản, lưu lại hậu thế rằng năm 2010 có một số nhà kinh tế đã nói như vậy, để hậu thế biết rằng, hóa ra đất nước cũng còn những trí thức không đến nỗi dốt nát”.

Bỏ qua suy luận của một số người theo đó cuộc hội thảo này đã được sự khuyến khích của một số thế lực trong đảng để bêu xấu ông Nguyễn Phú Trọng, trưởng ban soạn thảo các văn kiện chuẩn bị cho Đại Hội XI và một trong những ứng cử viên vào chức tổng bí thư, câu hỏi đầu tiên đặt ra sau khi đọc biên bản cuộc hội thảo này là: Còn trí thức Việt Nam nào ủng hộ chế độ cộng sản nữa hay không khi ngay cả những trí thức mà nó ưu đãi nhất cũng đã quay lưng lại với nó một cách phẫn nộ? Hỏi cũng là trả lời, những người trí thức khác chỉ có thể thù ghét hơn.

   Vậy mà chế độ vẫn tồn tại. Vậy trí thức có vai trò nào trong xã hội Việt Nam ngày nay?

Chủ nghĩa cộng sản phủ nhận vai trò lãnh đạo của trí thức. Những trí thức nổi tiếng đã ủng hộ đảng cộng sản trước đây hoặc trong thâm tâm không đánh giá cao chính mình hoặc không thực sự là những trí thức lớn như nhiều người nghĩ. Nhưng ngày nay chủ nghĩa Mác-Lênin đã được cả thế giới, và chính các trí thức Việt Nam, nhìn nhận là một sai lầm thì quan điểm trí thức lãnh đạo xã hội phải lấy lại chỗ đứng của nó, chỗ đứng của một sự thực phải được tôn trọng. Thảm kịch lớn nhất của đất nước hiện nay là trí thức không lãnh đạo mà còn bị lãnh đạo, trí tuệ phải phục tùng bạo lực, quả đấm nghĩ thay cho cái đầu.

Các phát biểu của hội nghị vẽ ra chân dung của một chế độ cực kỳ vô lý, nhưng tại sao nó vẫn kéo dài? Đây phải là câu hỏi mà trí thức Việt Nam phải đặt ra cho mình và cố gắng trả lời. Trong tinh thần đó kẻ viết bài này, vì cũng tự coi là một thành phần của khối trí thức Việt Nam, xin mạo muội đóng góp một vài ý kiến. Nếu những phân tích sau đây có làm phiền lòng một số trí thức thì tác giả xin được thứ lỗi và xin hiểu cho rằng những khuyết tật được nêu ra sau đây đã hiện diện nơi chính người viết.

   Lý do thứ nhất của thảm kịch này là tư tưởng chính trị của chúng ta quá kém. Chúng ta tự hào là có bốn ngàn năm văn hiến nhưng chúng ta không có một nhà tư tưởng nào, chưa nói tới tư tưởng chính trị. Khuyết tật này không khó khắc phục nếu chúng ta thực sự muốn khắc phục. Trí thức Việt Nam có thừa khả năng để đạt tới một tư tưởng chính trị, nhưng hình như chúng ta có một đồng thuận là chính trị không cần học, chính trị là thực hành, không cần lý thuyết, và không chịu hiểu rằng không có gì thực dụng hơn một lý thuyết đúng. Một trong những hậu quả là chúng ta chỉ nhìn dân chủ dưới những thể hiện hình thức của nó: bầu cử tự do, tam quyền phân lập v.v. Sự hời hợt đó khiến chúng ta không có thâm tín về dân chủ, vì thế nếu có cổ võ cho dân chủ cũng không có sức thuyết phục. Làm sao có thể có thâm tín về dân chủ khi chỉ biết về nó một cách sơ sài như vậy? Mà khi chính mình đã không thực sự tin thì làm sao có thể thuyết phục được người khác? Chỉ có sự hiểu biết thấu đáo mới có thể đem lại thâm tín, quyết tâm và sức thuyết phục. Dân chủ không giản dị như vậy. Nó là thành quả không ngừng được bổ túc của một cuộc thảo luận lớn kéo dài từ nhiều thế kỷ nay và vẫn còn tiếp tục (sẽ không có cái gọi là the end of history!).

   Sự hụt hẫng về tư tưởng của trí thức Việt Nam có thể thấy được dễ dàng. Vẫn có những trí thức dân chủ gạt phăng chủ nghĩa cá nhân như là đồng nghĩa với chủ nghĩa ích kỷ mà không làm phiền lòng ai, trong khi chủ nghĩa cá nhân chính là nền tảng của dân chủ. Bản Tuyên Ngôn Phổ Cập về Quyền Con Người (hay Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền) không khác gì hơn là tuyên cáo của chủ nghĩa cá nhân. Nó lấy con người làm cứu cánh và qui định một không gian cá nhân mà nhà nước không thể xâm phạm.

Adam Smith – Điều nghiên về bản chất và
nguyên nhân của sự thịnh vượng của các quốc gia

  Một thí dụ khác là kinh tế thị trường. Đa số trí thức Việt Nam coi chủ thuyết kinh tế thị trường, mà Adam Smith là người cổ võ nổi tiếng nhất, như là một lý thuyết kinh tế theo đó nhà nước không nên can thiệp mà cứ để cho các tác nhân kinh tế trao đổi với nhau qua thị trường rồi tự nhiên sẽ có một bàn tay vô hình an bài tất cả một cách thỏa đáng. Nếu quả thực như thế thì nó đã bị vất bỏ từ lâu rồi vì rất sai, ngay cả dưới một chế độ tư bản. Không có “bàn tay vô hình” nào dẫn dắt kinh tế cả, kinh tế thị trường đòi hỏi những luật lệ nghiêm túc và những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nếu không muốn rơi vào hỗn loạn và khủng hoảng. Tác phẩm Điều Nghiên Về Bản Chất và Những Nguyên Nhân của Sự Thịnh Vượng Của Các Quốc Gia (An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations) là một tác phẩm về triết lý chính trị, chính vì thế mà hai thế kỷ rưỡi sau nó vẫn còn giá trị của một tác phẩm lớn.

  Người ta thường đả kích chủ trương “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là đã gán ghép một cách tổ chức kinh tế và một triết lý chính trị mâu thuẫn với nhau. Cách phản bác này không sai nhưng thiếu sức thuyết phục vì thiếu chiều sâu. Thực ra cụm từ này còn ngớ ngẩn hơn nhiều vì nó gán ghép hai triết lý chính trị đối chọi với nhau; kinh tế thị trường chỉ là một tên gọi khác của chủ nghĩa cá nhân, nền tảng của dân chủ.

    Một hậu quả của sự thiếu tư tưởng chính trị là cuộc thảo luận bênh vực dân chủ trở thành nhạt nhẽo. Nếu dân chủ chỉ giản dị như thế thì ai chẳng biết, có gì để nói, và ai cần nghe ai? Một hậu quả khác là phong trào dân chủ không mạnh và không có được sự liên tục thế hệ đáng lẽ nó phải có. Tại sao? Đó là vì chỉ có tư tưởng mới có thể gắn bó được những con người và các thế hệ. Các tôn giáo sở dĩ qui tụ được nhiều người và lưu truyền được từ đời này sang đời khác là vì niềm tin của họ được nhìn như một tư tưởng. Đầu tư vào tư tưởng chính trị là điều trí thức Việt Nam phải làm. Khẩn cấp.

Khổng Tử

   Lý do thứ hai là di sản văn hóa. Từ ngày lập quốc, khi bị ngoại thuộc cũng như lúc tự chủ, chúng ta được nhào nặn trong nền văn hóa Khổng Giáo coi làm chính trị chủ yếu là để làm quan. Tâm lý này được duy trì hầu như nguyên vẹn dưới chế độ cộng sản bởi vì chủ nghĩa Mác-Lênin không khác gì Khổng Giáo. Với một quan niệm như vậy thì dấn thân chính trị, dù là để chống lại một bạo quyền, không hề là một nghĩa vụ đạo đức mà chỉ xuất phát từ tham vọng danh lợi cá nhân, một tham vọng thấp hèn vì làm quan chỉ là làm tay sai không điều kiện. Sự hèn nhát và xu thời được Khổng Giáo nâng lên thành những giá trị. Khổng Tử để lại một lời giáo huấn vàng ngọc cho kẻ sĩ: “Nước nguy thì chớ vào, nước loạn thì chớ ở, hoàn cảnh tốt thì ra làm quan, hoàn cảnh xấu thì ẩn mình” (Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc kiến, thiên hạ vô đạo tắc ẩn – Luận Ngữ). Sau đó nếu có dấn thân chính trị thì cũng chỉ làm chính trị kiểu nhân sĩ, nghĩa là hoặc không tham gia một tổ chức nào hoặc nếu có tham gia thì cũng chủ yếu để lợi dụng tổ chức cho tham vọng cá nhân của mình, chứ không phải để xây dựng tổ chức như là một nhịp cầu phải có để dẫn tới một tương lai đáng mong ước từ một hiện tại không chấp nhận. Phải khẩn cấp trả lại cho đấu tranh chính trị nghĩa thực và đúng của nó, nghĩa là đấu tranh để cải thiện xã hội, để tôn vinh quyền làm người và đem lại phúc lợi tối đa cho thật nhiều người. Sứ mạng cao cả và khó khăn này kéo theo hai hệ luận: một là khi đất nước không may lọt vào tay một chính quyền thô bạo thì đấu tranh để thay đổi nó là một bổn phận chứ không phải chỉ là một chọn lựa; hai là muốn đạt mục tiêu to lớn đó thì phải có sức mạnh, nghĩa là phải có đội ngũ. Đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả, mà luôn luôn là đấu tranh có tổ chức. Trí thức Việt Nam muốn giành tự do hay chỉ xin tự do?

  Lý do thứ ba, hậu quả của di sản văn hóa trên nhưng có tầm quan trọng đặc biệt của nó, là chúng ta hoàn toàn thiếu văn hoá tổ chức. Tôi đã viết khá nhiều về đề tài này, ở đây chỉ xin nhấn mạnh một điều là không nên lầm văn hóa tổ chức với kỹ thuật tổ chức; người ta có thể biết tổ chức chu đáo một hội nghị, thậm chí điều khiển một cơ quan, mà vẫn không có văn hóa tổ chức. Một cách tóm lược, văn hóa tổ chức là toàn bộ những kiến thức, tập quán, phản xạ, cách suy nghĩ và hành động khiến ta một mặt hiểu tầm quan trọng của tổ chức và cảm thấy có nhu cầu sinh hoạt trong tổ chức, và mặt khác suy nghĩ và hành xử một cách phù hợp để giữ gìn và phát triển tổ chức. Trí thức Việt Nam hiếu học và có thể bỏ ra hàng chục năm để nghiên cứu một đề tài chuyên môn nhưng lại không chịu bỏ ra vài tháng để đọc vài cuốn sách cơ bản về tâm lý xã hội. Kết quả là họ không thấy có nhu cầu phải tham gia một tổ chức nào và nếu đã gia nhập một tổ chức thì thường thấy có rất nhiều lý do để rời bỏ tổ chức. Sự thiếu văn hóa tổ chức còn được trầm trọng hóa nơi trí thức trong nước vì một nguyên nhân khác, đó là sự kiện các tổ chức bị cấm đoán, ngoại trừ những tổ chức được coi là những công cụ của đảng cộng sản.

  Trí thức Việt Nam hình như chưa thấy được sự nghiêm trọng của sự thiếu vắng văn hóa tổ chức. Một câu hỏi: Lấy tiêu chuẩn nào để đánh giá mức độ văn minh và tiến hóa của một dân tộc? Ta có thể trả lời một cách quả quyết và dứt khoát: Đó là văn hoá tổ chức. Văn hóa tổ chức quyết định phẩm chất và triển vọng của các dân tộc. Việc đảng cộng sản cấm sinh hoạt tổ chức phải được coi là rất độc hại vì có tác dụng cột chân đất nước trong sự thấp kém. Phải coi đấu tranh cho quyền tự do kết hợp (nghĩa là thành lập hoặc tham gia các tổ chức) như là một trong những cuộc đấu tranh sống còn của đất nước.

Cũng cần ý thức rằng đối với các cá nhân sự thiếu vắng văn hoá tổ chức có hai hậu quả nghiêm trọng:

° Một là, vì thiếu văn hoá tổ chức chúng ta không có tổ chức, rồi vì không có tổ chức chúng ta cô đơn và bất lực, đến lượt nó cảm giác bất lực khiến chúng ta nhút nhát.

° Hai là, tổ chức – dĩ nhiên là tổ chức đúng nghĩa, do các thành viên tự nguyện lập ra để theo đuổi một mục đích chung, chứ không phải là tổ chức công cụ của chính quyền – là một môi trường sản xuất và sàng lọc ý kiến (1), sự thiếu vắng tổ chức khiến trí tuệ bị bế tắc và giới hạn.

   Quan trọng hơn hết, lý do thứ tư là sự ngộ nhận rất lớn về tiến trình thay đổi chế độ. Phần lớn trí thức Việt Nam cho rằng phương thức tốt nhất để thay đổi chế độ là hợp tác để dần dần cải thiện nó từ bên trong. Diễn nghĩa: không ra mặt phản kháng mà chỉ cố sống lương thiện, hành xử đúng và khéo léo gợi ý khi cơ hội cho phép. Phương thức này được ưa chuộng vì sự tiện nghi và an toàn của nó nhưng nó sai hoàn toàn. Nó không thay đổi được chế độ mà còn củng cố chế độ và triệt tiêu cả sự lương thiện lẫn ý muốn thay đổi, trong nhiều trường hợp nó chỉ là một ngụy biện cho thái độ phục tùng vụ lợi. Tiến trình thay đổi một chế độ cũng như một tổ chức, như lịch sử đã chứng minh và được trình bày đầy đủ trong mọi nghiên cứu về sinh hoạt tổ chức và đấu tranh chính trị, ngược hẳn với quan điểm này và có thể tóm lược như sau:

• Nhận thức về sự cần thiết phải thay đổi xuất hiện nơi một số người;

• Những người này liên kết với nhau và tự cô lập với phần còn lại để tranh đấu cho lập trường đổi mới. Họ đảm nhận vai trò thiểu số với những hậu quả của nó, như bị trù dập, thậm chí bị tiêu diệt.

• Họ dần dần mạnh lên, thuyết phục được hoặc khắc phục được phần còn lại và áp đặt sự thay đổi.

Liên kết với nhau và tự cô lập là điều kiện bắt buộc để có thể thành công của những người muốn thay đổi. Nếu không, nếu chấp nhận luật chơi hiện hành, họ sẽ bị hòa tan trong “thực tại” và ý chí thay đổi sẽ tiêu tan. Hơn thế nữa, có mọi triển vọng là chính họ cũng sẽ bị lưu manh hóa trong một bối cảnh xã hội bất lương. Đi với ma mặc áo giấy.

    Như để chứng minh rằng chính trị và đời sống chỉ là một, đây cũng là quá trình tiến hóa của mọi chủng loại. Lấy thí dụ tiến hóa từ vượn lên người; những con vượn đầu tiên nơi những biến đổi ban đầu xuất hiện đã sống biệt lập với những con vượn khác và tiếp tục tiến hóa để thành người, nếu không chúng đã bị tiêu hóa nhanh chóng trong cả khối lớn của chủng loại, và vượn vẫn là vượn chứ không thành người.

Hãy tạm dừng lại trong bốn nguyên nhân chính đó. Sự kéo dài của chế độ vô lý này, trong đó một đảng vừa thiếu trí tuệ vừa không lương thiện lại đã mất hết tính chính đáng đã cầm quyền một cách độc đoán quá lâu và còn ngang ngược khẳng định sẽ tiếp tục thống trị đất nước một cách độc đoán trong thời gian vô hạn định mà không gặp chống đối nào đáng kể, được nhiều người giải thích là vì dân trí ta còn kém. Như thế phải chăng hệ luận tự nhiên là tất cả những gì chúng ta có thể làm hiện nay chỉ là một cố gắng văn hóa nhằm nâng cao dân trí? Không gì sai hơn nhận định này. Hoa Kỳ và các nước Châu Âu đã thiết lập được dân chủ vào lúc dân trí của họ còn ở một mức độ rất thấp so với chúng ta hiện nay. Và họ không có PC, internet và điện thoại di động; chung quanh họ cũng chỉ có những chế độ quân chủ tuyệt đối. Và cả thế kỷ sau khi đã bước vào kỷ nguyên dân chủ tuyệt đại đa số vẫn không biết đọc, biết viết! Họ đã có dân chủ vì may mắn có được những trí thức đúng nghĩa, những trí thức có tư tưởng dân chủ và dám giành quyền lãnh đạo xã hội thay vì chấp nhận thân phận dụng cụ của kẻ cầm quyền. Như vậy không nên đổ lỗi cho dân trí Việt Nam thấp mà hãy lương thiện nhìn nhận là trí thức Việt Nam kém. Kém về hiểu biết, do chỉ học để lấy bằng cấp và đi làm chứ không đầu tư vào tư tưởng và chính trị. Các trí thức Việt Nam có thể chủ quan mà tưởng rằng họ hiểu biết về chính trị khi họ đã có bằng kỹ sư cơ khí hay tiến sĩ luật nhưng thực ra họ không biết. Và càng kém vì không dám. Có lẽ chính vì không dám mà họ không tìm hiểu phải đấu tranh chính trị như thế nào, rồi không biết.

   Trong mọi xã hội cần thay đổi người ta thường phân biệt những người không muốnvà những người không thể. Thảm kịch của Việt Nam là vấn đề không đặt ra như thế, đại đa số trí thức vừa không biết vừa không dám. Có bao nhiêu người dám chấp nhận mất thẻ đảng và những quyền lợi mà nó bao hàm? Và trong số những người dũng cảm này có bao nhiêu người biết đấu tranh đúng phương thức? Cũng không thể trốn tránh sau cái lý cớ “không làm chính trị”. Dấn thân chính trị trong hoàn cảnh đất nước hiện nay là một mệnh lệnh của lương tâm và lòng yêu nước. Chính trị không phải là tất cả, nhưng nếu chính quyền tồi tệ thì tất cả đều bế tắc.

   Các trí thức ưu tú trong hội nghị này tuyên bố: “Trách nhiệm của nhà nghiên cứu là nói trung thực, thẳng thắn, với tinh thần xây dựng, mong muốn Đảng mạnh lên, đất nước mạnh lên”. Tại sao lại cứ phải mong muốn “Đảng mạnh lên” dù Đảng đã chỉ là một đảng như mọi người và chính các vị cũng đã thấy? Tại sao “trách nhiệm của nhà nghiên cứu” lại kỳ cục như vậy? Có gì là “trung thực, thẳng thắn” trong thái độ này? Cùng lắm là tháí độ tôi trung!

Một trí thức không tham dự hội nghị, ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên cộng sản và một nhân vật cao cấp trong Mặt Trận Tổ Quốc, nhận định đúng đắn hơn:

“Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta phải đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên cao nhất, hơn mọi lợi ích riêng tư, phe nhóm”.

Người ta chỉ có thể đồng ý và ủng hộ lập trường này. Và tiếp theo là gì? Ông Lê Hiếu Đằng nhận định:

“Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, chúng ta không có gì phải sợ, tôi muốn nhắc lại điều tâm niệm này cho chính mình mà cũng là điều muốn nhắn gửi các đồng chí, đồng đội, bạn hữu của mình và tất cả những ai còn trăn trở với những vấn đề của đất nước, của dân tộc. Mà tại sao chúng ta phải sợ? Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ bị nhân dân chối bỏ, bị lịch sử phủ nhận”.

  Càng đáng tán thành. Chỉ mong những người như ông Lê Hiếu Đằng quyết tâm tiến tới và đừng quên rằng đấu tranh chính trị bao giờ cũng phải là đấu tranh có tổ chức, nếu không chỉ là lãng mạn.

Không có gì phải sợ? Tôi e rằng ông Lê Hiếu Đằng hơi chủ quan hoặc quá lạc quan. Dĩ nhiên là tình hình không còn như trước, xã hội Việt Nam đã chín muồi cho một chuyển hóa dứt khoát về dân chủ và những người dân chủ, nhất là những người trong guồng máy đảng và nhà nước cộng sản, có thể tranh đấu cho dân chủ mà không phải chịu đựng những hy sinh quá lớn nếu tranh đấu một cách thông minh. Bằng cớ là các trí thức tham dự hội nghị đã có thể nói những điều họ đã nói và chắc sẽ không gặp khó khăn nào. Nhưng dầu sao cũng vẫn phải sẵn sàng chấp nhận một số thiệt thòi nếu đấu tranh thực sự, nghĩa là đấu tranh có tổ chức, điều mà đảng cộng sản còn cấm kỵ. Trở ngại và rủi ro có thực chứ không phải là hoàn toàn không có gì phải sợ. Vả lại chẳng có cuộc đấu tranh nào mà lại không đòi hỏi hy sinh. Nhưng chính vì những hy sinh này mà những người dám dấn thân đấu tranh cho dân chủ đáng được trân trọng.

Các trí thức tham dự hội nghị kết luận rằng các phát biểu của họ dù không được chấp nhận “nhưng ít ra cũng lưu vào văn bản, lưu lại hậu thế rằng năm 2010 có một số nhà kinh tế đã nói như vậy, để hậu thế biết rằng, hóa ra đất nước cũng còn những trí thức không đến nỗi dốt nát”.

  Ý muốn để lại một di chúc cho mai sau là một ý muốn cao cả mà người ta chỉ có thể kính trọng. Tuy nhiên có một cái gì vừa mập mờ vừa ai oán trong kết luận này khiến người ta không khỏi phân vân. Dốt nát là một khái niệm tương đối. Ai cũng dốt nát trên những điều mà mình không biết và nói chung chúng ta chỉ hiểu biết trên một số ít địa hạt, phần còn lại chúng ta đều dốt cả. Nhưng có một vấn đề mà mọi người trí thức đều phải quan tâm là tình hình chính trị của đất nước hiện nay. Ai cũng đồng ý là phải đấu tranh để thay đổi chế độ, và như thế cần có tư tưởng chính trị và cần biết phương pháp đấu tranh chính trị. Về điểm này chúng ta đã thực sự ra khỏi sự dốt nát chưa?

  Nghiêm trọng hơn là chúng có dám tranh đấu thay đổi chế độ không? Nếu dám thì dù không biết chúng ta cũng có thể học hỏi để biết. Chỉ sợ chúng ta không dám. Hội nghị muốn để lại cho hậu thế một di chúc rằng năm 2010 có những trí thức Việt Nam không dốt nát, nhưng giữa dốt nát và hèn nhát, ký ức nào tủi hổ hơn cho con cháu?

Nguồn: Thongluan.org
—————————————————————-

Ghi chú:

(1) Nguyễn Gia Kiểng, Tổ chức và sự hình thành của ý kiến, Thông Luận tháng 01/2006

 



Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang : Di sản Cuả Một Số Trí Thức Trong Nước
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt