Việt
Nam
Văn
Hiến
Năm Thứ 4889 www.vietnamvanhien.org www.vietnamvanhien.net www.vietnamvanhien.info www.vietnamvanhien.com Quốc Tổ Hùng Vương Phạm Trần Anh Sách QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG của Phạm Trần Anh mở đầu với Lễ Hội Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất 175 mét trong quần thể 100 ngọn núi ở Vĩnh Phú. Ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hằng năm vào ngày mồng mười tháng ba Âm Lịch. Một đại lễ được miêu tả là lễ hội mùa xuân với hình ảnh nhộn nhịp của nam thanh nữ tú, đưa con dân nước Việt về với nhau. Người dân Việt Nam, hiện ở trong nước hay đang cư ngụ khắp năm châu, đều tổ chức ngày lễ truyền thống nầy với nhiều sinh họat văn hóa sinh động mang đầy tính chất lịch sử. Theo giải thích trong sách, thì từ xưa, tiền nhân chọn ngày mồng mười tháng ba làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Theo cách tính ngày tháng Việt Lịch của dân tộc, tháng ba là tháng Thìn, và ngày mười là ngày Dậu. Theo 12 địa chi, Dậu thuộc loài chim, và chim là biểu hiệu của Tiên. Địa chi Thìn đã mang nghĩa là Rồng. ”Ngày 10 tháng 3 là ngày Tiên, tháng Rồng. Tổ Tiên ta chọn ngày tháng nầy để giúp con cháu dễ dàng nhận thức về nguồn gốc dân tộc của mình là Con Rồng Cháu Tiên. Ngày nay chúng ta không những bảo lưu truyền thống giỗ Tổ Hùng Vương mà còn xem ngày này là ngày nhớ ơn cha mẹ, bậc sinh thành dưỡng dục mình nên người. Chính vì vậy ngày này được xem như “Ngày của Cha mẹ” đối với mọi người Việt Nam chúng ta” (*) Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội truyền thống tự ngàn xưa để cho mọi người cùng hướng tầm nhìn về thời Ông Tổ của cả nước khai sơn phá thạch, lập nước truyền thừa 18 chi Vua Hùng giữ nước an dân. Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội dân gian được tổ chức trên toàn quốc và cả ở hải ngoại, cho ta có dịp gặp gỡ nhau và hướng về nguồn cội, nhìn thấy lại những gương anh hùng anh thư cùng chiến đấu bảo vệ bờ cõi nước ta. Từ sự ngưỡng phục, chúng ta tri ân bao đời chiến đấu kiêu hùng với tinh thần bất khuất của biết bao thế hệ tiền nhân đã xả thân cho Nước Việt tồn tại mãi tới ngày nay. Cũng là một cơ hội cho ta dừng chân trong cuộc sống nhiễu nhương chao đảo hôm nay để có được nhận định về một Việt Nam của hôm nay mà ý thức được viễn ảnh của một Việt Nam ngày mai. Tìm về cội nguồn dân tộc, ôn lại quá khứ bi hùng lịch sử, thấy được lòng can đảm, khí phách kiên cường hào hùng ngạo nghễ của tiền nhân, chính là nguồn năng lực hun đúc tình yêu nước Việt. Chúng ta sẽ có được lòng vị tha cương trực và nghĩa đồng bào là dũng khí chống ngọai xâm. Đó chính là ước mong của tiền nhân đặt vào thế hệ của chúng ta và con cháu chúng ta. Nhà nghiên cứu Lịch sử Phạm Trần Anh đã viết nên quyển sách nầy cho những thế hệ trẻ có tấm lòng tạo dựng cho mình tình yêu đẹp nhất trong các tình yêu mà con người có thể có, là ý hướng và khả năng giải thoát đất nước khỏi ách đàn áp và tù đày, đưa đất nước đến tự do no ấm. Lễ Hội Đền Hùng Tranh vẽ của Họa sĩ Mạc Chánh Hòa
Sách đưa ta đi vào ngày hội vĩ đại tươi sáng tình người rực rỡ màu sắc của nền văn hóa Việt tại Đền Thờ 18 vị Vua Hùng: ’’Đền Hùng gồm Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng với Lăng vua Hùng. Đền cao 8m1. Từ dưới đi lên qua cổng … bước lên 225 bậc đá là lên đến đền Hạ. Bước thêm 168 bậc thang đá là đến Đền Trung toạ lạc ngang sườn núi Nghĩa Lĩnh, theo tương truyền thì đây là nơi Lang Liêu đã gói bánh dày bánh chưng dâng vua cha để cúng tiên tổ nhân ngày Tết. Chính tại nơi đây, vua Hùng thường hội các Lạc Hầu Lạc Tướng để bàn việc nước. Đền Trung thờ phượng các vua Hùng và dòng dõi, có cả bệ thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. …Bước thêm 132 bậc thang đá nữa là tới đền Thượng… nổi bật bức hoành phi bốn chữ “Nam Việt Triệu Tổ”.. Trong nhà Đại bái có câu đối bất hủ: Mở lối đắp nền bốn hướng non sông về một mối. Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con” (*)
Qua 270 trang sách trong QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG, với những tìm tòi tham khảo, căn cứ vào các nguồn thư tịch cổ cùng với một số Ngọc Phả đưa đến những dẫn chứng minh bạch, Phạm Trần Anh viết rằng: ” Lịch sử Việt là lịch sử của sự thăng trầm từ khi lập quốc đến ngày nay trải qua hàng ngàn năm đô hộ của giặc Tàu, gần một trăm năm nô lệ giặc Tây và hơn nửa thế kỷ nô dịch văn hóa ngoại lai. Trong suốt trường kỳ lịch sử, Hán tộc bành trướng với ưu thế của một nước lớn đất rộng người đông cùng với những thủ đoạn thâm độc quỉ quyệt xóa đi mọi dấu vết cội nguồn, bóp méo sửa đổi lịch sử khiến thế hệ sau chỉ biết tìm về lịch sử trong một mớ “chính sử” hỗn độn mơ hồ. Trong thiên niên kỷ thứ hai, nhân loại sửng sốt trước cái gọi là “Nghịch lý La Hy” khi trước đây nhân loại cứ tưởng tất cả nền văn minh Tây phương là của đế quốc Hy Lạp La Mã để rồi phải xác nhận đó chính là nền văn minh của Trung Quốc. Cuối thiên niên kỷ thứ hai, nhân loại lại ngỡ ngàng khi thấy rằng cái gọi là nền văn minh Trung Quốc lại chính là nền văn minh của đại chủng Bách Việt”. (*) Sách QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG của Phạm Trần Anh xuất bản năm nay 2010, tính theo Việt Lịch là năm 4889. ”Lấy mốc năm 2879 là năm Kinh Dương Vương lên ngôi thì tính tới ngày nay 2010, Việt Nam đã có 2879 + 2010 = 4.889 năm tức gần năm ngàn năm văn hiến.”. Ngòai mục đích ghi lại những hình ảnh lịch sử, tạo một đóng góp cho văn học sử Việt Nam, còn là một nhắc nhở và trợ giúp tạo cho chúng ta nuôi dưỡng được tình yêu quê hương sâu đậm. Sách cho chúng ta cơ hội đi vào một nền văn hóa giàu ngữ hình và màu sắc, tiềm tàng tình cảm lãng mạn trong ca dao truyện kể huyền thọai, là bản sắc đặc thù của dân Việt. Đọc QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG chúng ta sẽ đi từ huyền tích đến hiện thực lịch sử. Về tâm linh và đời sống, bằng một cái nhìn đầy nghệ thuật và khoa học lý giải từ những đúc kết sau các nghiên cứu về lịch sử văn hóa thời cổ nhuộm thắm đời sống dân gian, Phạm Trần Anh đã làm ngòi bút mình linh động trong việc khơi sống dậy sinh họat và tư tưởng của Tộc Việt, tổ tiên con dân nước Việt Nam hiện giờ. Cụ thể như huyền thọai kỳ bí Phù Đổng Thiên Vương, tác giả đã chứng minh đó là những trang sử qúy báu của một cột mốc thời gian, có cơ sở và đầy thuyết phục, không mơ hồ huyền hoặc. Đồng thời còn nêu dẫn được sự sáng suốt và sâu sắc của tổ tiên chúng ta, trong cái nhìn rất xa và rộng đến hằng ngàn năm sau. Tổ tiên chúng ta đã sử dụng phương thức truyền đạt những dữ kiện lịch sử văn hóa trong nét đẹp huyền thọai. Thực sự là hình ảnh cô đọng hàm súc của một ngôn ngữ dân gian thích ứng cho mọi tầng lớp. Dù đã qua bao thăng trầm và dời đổi chuyển hóa của vũ trụ sau mấy ngàn năm dài vẫn chuyển tải thông điệp với đầy đủ dữ kiện lịch sử. Một ngôn ngữ dân gian phong phú đầy lôi cuốn và khó quên. Một ngôn ngữ dân gian có cái đẹp trong hình ảnh thần tiên nhưng không xa vời thế tục, rất giàu màu sắc và âm thanh của tiền nhân. Đúng là một ngôn ngữ huyền diệu và thần kỳ! Đọc QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG của Phạm Trần Anh chúng ta được tác giả giải mã những ẩn dụ một cách rất khoa học. Tác giả đã dùng phương pháp đối chứng để so sánh lý giải và chứng minh sự giàu có của đời sống và tiềm năng tâm linh tuyệt diệu của tổ tiên chúng ta. Lịch sử, văn hóa, tư tưởng, lối sống đầy đạo đức của tổ tiên được giữ gìn và truyền đạt trong những huyền tích, là những câu chuyện thần thọai từ ngàn xưa đến hôm nay, và qua tham khảo cùng chứng minh của mình, Phạm Trần Anh đã cho chúng ta thấy thật sự là những trang sử rất đầy đủ và chính xác. Về cương giới Văn Lang thời Vua Hùng tác giả viết: ”Trong suốt chiều dài lịch sử kể từ thời lập quốc, Hán tộc du mục luôn xâm lấn nên đã đẩy lùi Việt tộc từ lưu vực 2 con sông Hoàng Hà và Dương Tử xuống mãi phương Nam để rồi trụ lại trên phần đất Việt Nam hiện tại. Tiền nhân ta có truyền thống là lúc nào cũng hướng vọng về quê cha đất Tổ xa xưa nên mỗi khi phải rời bỏ quê hương thì luôn mang theo địa danh cũ để đặt tên cho vùng đất mới. Chính vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên gì khi ở lưu vực hạ lưu sông Hoàng Hà cũng có địa danh y hệt như ở Việt Nam bây giờ. Từ Tam Giang Bắc gồm 3 con sông Hoàng, sông Lạc và sông Vị tới vùng sông Bộc ở hạ lưu Hoàng Hà có những địa danh châu Phong, Tuyên Quang, Sơn Tây, Hà Bắc, Hà Nam, Hà Đông, Hà Tây, Hà Nội, Bình Dương, Vũ Ninh như ở Việt Nam bây giờ với đầy đủ những ấn tích của thời huyền sử xa xưa. (*) Về vấn đề sinh tồn, tác giả nêu dẫn công trình nghiên cứu khoa học có tính thuyết phục xác định người Việt cổ đã biết trồng cây, làm đồ gốm và đúc đồ dùng bằng đồng sớm hơn các dân tộc vùng Cận Đông, Ấn Độ, Trung Quốc và sớm hơn phương Tây cả mấy ngàn năm. Chính vì vậy giới khoa học cho rằng vùng Đông Nam Á là nơi phát xuất nền văn minh của nhân loại mà Việt Nam là trung tâm. Theo dẫn chứng và lý giải của Phạm Trần Anh trong sách Quốc Tổ Hùng Vương thì người Việt cổ, tổ tiên của chúng ta là người đã phát minh ra thuốc súng, cách làm giấy, la bàn đi biển… không là những phát minh của người Trung Hoa như thế giới đã lầm tưởng từ trước đến nay. Và cũng với nêu dẫn của tác giả chúng ta còn biết được người Việt cổ còn là tổ tiên của những dân tộc nào trên thế giới hiện thời. Sách QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG của Phạm Trần Anh là tác phẩm phong phú về dữ kiện khởi thủy, sinh họat cùng văn hóa của Việt Tộc, cũng là quyển sách đầu tiên, kể từ trước đến nay, viết về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đầy đủ chi tiết và sắc thái của một truyền thống văn hóa lồng trong những sự kiện lịch sử. Qua lòng kính ngưỡng, trong những trang đầu của quyển sách, tác giả ngỏ lời kính dâng Quốc Tổ, tri ân những Anh Thư Hào Kiệt Anh hùng Dân tộc đã hy sinh để cứu dân cứu nước. Đọc vào nội dung của sách chúng ta thấy rõ đây là một quyển sách viết cho thế hệ trẻ Việt Nam để hiểu biết sâu rõ về lịch sử Nước Việt nhân Mùa Giỗ Tổ Hùng Vương. Với một nội dung phong phú súc tích sách xứng đáng là tài liệu nên có trong tủ sách gia đình để đọc và tham khảo. “Quốc Tổ Hùng Vương” cho ta niềm vui rộng lớn và hãnh diện đón nhận những gian nan những can đảm và hy sinh vô bờ của tiền nhân, những bậc anh hùng có tấm lòng vị tha biết đặt tình yêu đất nước trên tất cả. Theo nêu dẫn của tác giả Phạm Trần Anh, trong Sách Trung Dung của Khổng Tử - đệ nhất quân tử Trung Hoa, Khổng Tử đã bày tỏ sự thán phục về hành vi xử thế và khí phách của tổ tiên chúng ta: “Độ luợng bao dung, khoan hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử ở đấy..!”. “Quốc Tổ Hùng Vương” đưa chúng ta đi vào những tư tưởng cao cả cho chúng ta cơ hội mở được lòng mình nhìn vào hiện tình đất nước hôm nay, để thấy được rằng, phải đoàn kết một lòng ủng hộ những nhà tranh đấu cho một Việt Nam ngày mai tươi sáng. Bằng sức lực và khả năng tiềm tàng cùng lòng yêu nước chúng ta sẽ không nhắm mắt làm ngơ để cho dải giang sơn hoa gấm Việt Nam rơi vào móng vuốt của Trung Quốc. Đọc những trang sử đẹp ta giữ được lòng vững chải. Xin trích một đọan trong sách ”Quốc Tổ Hùng Vương” để chúng ta cùng sống lại khí thế hào hùng trong ”Lời Hịch xuất quân của Đại Đế Quang Trung, đại danh tướng “Bách chiến bách thắng” vang lên giữa núi rừng Tam Điệp trong đêm 30 tết đã khiến bầu nhiệt huyết sục sôi trong huyết quản của toàn quân. Đạo quân bách chiến bách thắng của đại danh tướng Nguyễn Huệ đã tiến vào Thăng Long đúng ngày mồng 5 tết trong một cuộc hành quân tốc chiến tốc thắng thần kỳ đánh tan 29 vạn quân Thanh thiện chiến xe ngựa tan tành, áo quần tơi tả giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc Việt. Đánh cho được để đen răng Đánh cho được để dài tóc Đánh cho xe ngựa tan tành Đánh cho áo quần tơi tả Đánh cho sử tri Nam Quốc Anh Hùng chi hữu chủ ! (*)
UYÊN HẠNH Mùa Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2010 Việt Lịch 4889
(*) Trích ”Quốc Tổ Hùng Vương” của Phạm Trần Anh.
Mua sách, xin trực tiếp liên lạc với tác giả qua E-mail: quocvietanhpham@yahoo.com QUỐC
TỔ
HÙNG
VƯƠNG
Sau những quyển Nguồn Gốc Việt Tộc, Huyền Tích Việt, Đoạn Trường Bất Khuất, Sơn Hà Nguy Biến, Hoàng Sa Trường Sa, nay Phạm Trần Anh mới cho ra thêm Quốc Tổ Hùng Vương. Những quyển Sơn Hà Nguy Biến và Hoàng Sa Trường Sa nằm trong một lãnh vực chính trị chống sự xâm lược của Trung Cộng hiện nay mà tôi xin hẹn sẽ có dịp nói chuyện trong dịp khác. Hôm nay tôi chỉ xin đề cập đến Quốc Tổ Hùng Vương mà thật ra cùng các tác phẩm Nguồn Gốc Việt Tộc và Huyền Tích Việt nằm chung trong một lãnh vực chung tôi gọi là “văn hiến Việt Nam”. Đoạn Trường Bất Khuất cho thấy sĩ khí cao cả, bản tính cương cường, tinh thần bất khuất của con người Phạm Trần Anh trong hơn hai mươi năm trời sống đày đoạ, khổ sở trong lao tù cộng sản. Con người đặc biệt này, nhân hoàn cảnh đau khổ đó vừa để nghiền ngẫm về một chủ trương chính trị tố giác những tệ hại của chế độ độc tài, phi nhân hiện hữu của Việt Cộng và Trung Cộng, vừa để hết tâm trí mình vào công cuộc suy tư sâu xa về nguồn gốc dân tộc Việt và nền văn minh khá cao của dân tộc này từ trước khi có sự bành trướng của văn hoá Hán tộc trên khắp Trung Hoa ngày nay. Các sử gia, các khoa học gia, các học giả Việt Nam và ngoại quốc xưa nay cũng đã có nhiều người từng nghiên cứu và viết về đề tài này. Người ta đi tìm dấu vết, chứng tích, sưu tầm tài liệu, phân tích, tìm cách cắt nghĩa, nêu ra giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt và nền văn hoá/văn minh của giống dân này từ lúc khởi đầu. Phạm Trần Anh cũng làm công việc đó, nhưng kết quả nghiên cứu của ông cho thấy ông có cái nhìn mới mẻ hơn, thuyết phục hơn về gốc tích, vùng địa lý và văn minh của những người Việt thuở xa xưa. Có ba nguồn tài liệu chính mà xưa nay ai cũng tựa trên đó để tìm hiểu về đề tài trên. Trước hết là những chứng tích lịch sử tìm thấy trong sử Tàu. Hầu hết các sử gia Việt Nam và ngoại quốc từ trước tới giờ thường hay dựa trên sử Tàu để viết nên sử Việt mà không để công đánh giá cho thật đúng những sử liệu này. Phạm Trần Anh đã để công phân tích và nhận định khá rõ ràng chính xác về tâm lý (mặc cảm tự tôn) của những người Trung Hoa tác giả của những bộ sử đó. Ông cho thấy phần đông các nhà viết sử Trung Quốc đều có mặc cảm tự tôn với định kiến xem dân tộc Việt là một loại dân mọi (Nam Man và Đông Di), kém văn minh, xem nước Việt như một nước phụ dung luôn tùng phục nước Tàu, cho nên họ không bao giờ chấp nhận những sự thật lịch sử nào cho thấy có sự thấp kém của Trung Hoa đối với Việt Nam. Bởi khuynh hướng chung tự tôn đó của các nhà viết sử Tàu nên một số những sự thật lịch sử đã bị bóp méo.* Theo ông những sự thật lịch sử này chỉ có thể tìm thấy trong những tác phẩm của những người Việt viết ra và thường bị các sử gia Trung Quốc gạt ra ngoài chính sử của họ. Thành ra những ai chỉ dựa trên các bộ sử của Tư Mã Thiên, hay những bộ Tiền Hán Thư, Hậu Hán Thư, Đường Thư, Lương Thư . . . đều có thể đi vào con đường sai lầm cố tình của Trung Quốc. Theo ông thì người Việt chúng ta nên khai thác những bô sử do chính người Việt mình viết mới có hy vọng đến gần với sự thật hơn. Một nguồn tài liệu quan trọng nữa mà xưa nay những nhà viết sử đã hoặc coi thường, hoặc không biết khai thác nên đã không có cái nhìn đúng về toàn thể nền văn minh gốc của người Việt. Nguồn tài liệu đặc biệt đó là huyền sử, truyền thuyết về giồng giống người Việt. Phần lớn chúng ta đều biết những truyền thuyết Rồng-Tiên, Lạc Long Quân-Âu Cơ, chuyện 100 trứng nỡ ra 100 người con trai, chuyện 50 theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi, chuyện mười tám đời Hùng Vương, chuyện Phù Đổng Thiên Vương, chuyện nỏ thần, chuyện Trọng Thuỷ-Mỵ Châu. . . Tất cả những sách sử về Việt Nam đều có đề cập đến những truyền thuyết này nhưng hầu hết đều xem như những câu chuyện thần thoại, không có giá trị khoa học đối với nhà viết sử, và do đó không có liên hệ chặt chẽ với sự thật lịch sử. Phạm Trần Anh, trái lại, đặt nặng giá trị của huyền sử đối với lịch sử đúng thật của dân tộc Việt Nam. Theo ông ý nghĩa của các câu chuyện, tên của các nhân vật, địa danh trong các câu chuyện đều mật thiết liên hệ tới vùng địa lý và nền văn minh xưa của dân tộc Việt Nam. Đối với ông huyền sử Việt là một kho tàng tài liệu rất có giá trị lịch sừ nếu người ta biết triệt để khai thác và ông đã làm công việc đó qua tác phẩm “Huyền Tích Việt” của ông. Từ những dấu vết tìm thấy trong những sách sử do người Việt sáng tác mà người Trung Hoa đã gạt bỏ ra ngoài chính sử của họ đến những tên người, địa danh, cùng ý nghĩa của các huyền sử Việt, Phạm Trần Anh đã dựng lại buổi đầu của giống nòi Lạc Việt trên vùng đất bao la của cả hơn phân nữa nước Tàu ngày nay trải dài từ phía Nam sông Hoàng Hà xuống tận đồng bằng sông Hồng ở Bắc Việt, với những đặc tính văn hoá đã mở mang mà người Hán khi vào xâm chiếm, Trung Quốc đã phải học hỏi, thấm nhuần và chiếm hữu, biến thành văn hoá Trung Quốc. Nước Việt mênh mông với nền văn hoá mở mang từ thuở xa xưa đó cũng đã được Phạm Trần Anh đối chiếu với nguồn tài liệu thứ ba, là kết quả của những công trình nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như văn hoá xã hội học (anthropology), khảo cổ học (archeology), sinh vật học (biology), ngôn ngữ học (linguistic), khoa di truyền (nghiên cứu chủng tộc theo DNA). Kết quả của những công trình nghiên cứu khoa học này phần lớn cho thấy giả thuyết của Phạm Trần Anh có giá trị đúng về nước Việt và nền văn hoá xưa của dân tộc Việt trước khi bị Hán tộc xâm chiếm. Quốc Tổ Hùng Vương với những chương “Truyền Thuyết Khởi Nguyên Dân Tộc”, “Huyền Thoại Rồng Tiên , Bức Thông Điệp Lịch Sử”, đào sâu thêm về tính chắc thực cũng như ý nghĩa sâu xa của nguồn gốc dân tộc Việt qua hình ảnh của Hùng Vương , người đã khai sáng ra nước Việt. Người đó là ai? Có phải là “Hậu Duệ của Thần Nông” không? Phạm Trần Anh đi tìm câu trả lời trong cái mịt mù của cổ sử. Một nhà văn Pháp bảo “l’historian est le romancier du passé”. Sử gia phải nhờ đến sức tưởng tượng của mình chắc khác gì một nhà viết tiểu thuyết để tìm mô tả lại lịch sử trong quá khứ xa xôi mịt mù của thời gian. Ở đây Phạm Trần Anh cũng phải bỏ nhiều công phu truy tầm để làm sống lại cả một thời xa xôi mấy ngàn năm xưa. Bách Việt là gì? Liên hệ thế nào với truyền thuyết “trăm trứng”, và với danh xưng trăm họ? Ở thời tiền sử xa xôi đó nước Việt đã có một trình độ văn minh như thế nào, người Việt đã có một nền minh triết ảnh hưởng đến tư tưởng của người Trung Hoa (Hán Tộc) như thế nào? Đọc Quốc Tổ Hùng Vương người Việt của chúng ta ngày nay sẽ rất hãnh diện với nguồn gốc dân tộc mình cũng như với nền văn hiến mấy nghìn năm của dân tộc Việt mà xưa nay khi nói đến từ ngữ “bốn ngàn năm văn hiến” đã có không ít người có vẽ nghi ngờ không dám chắc. Phạm Trần Anh đưa ra nhiều lý lẽ và chứng cứ để biện minh một cách thuyết phục là dân Việt Nam đã thật sự có gần năm ngàn năm văn hiến. Cùng với quyển Nguồn Gốc Dân Tộc Việt, và quyển Huyền Tích Việt, quyển Quốc Tổ Hùng Vương của Phạm Trần Anh góp phần rất lớn vào công việc tìm hiểu nguồn gốc của người dân Việt, tìm hiểu nước Việt lớn lao xưa, và nhất là tìm hiểu trình độ văn minh của người Việt từ hàng ngàn năm trước. Kết quả của nhiều năm nghiền ngẩm, nghiên cứu của ông đã giúp chúng ta có những kiến thức vững chắc hơn về nền văn hiến của chúng ta, chính nền văn hiến đó đã là nền tảng của văn hoá Trung Hoa sau này chớ không phải ngược lại. Người Hán đã vào Trung Quốc, xâm chiếm đất nước này, bành trướng về phương Nam lấn áp nước Việt xưa. Chính người Hán đã học hỏi, thấm nhuần văn hoá Việt thuở xa xưa, chiếm lấy văn hoá Việt làm văn hoá Trung Hoa, rồi lại đem văn hoá đó ảnh hưởng lại người Việt chúng ta sau này khi họ xâm lấn đô hộ dân mình. Công trình biên soạn của Phạm Trần Anh đem lại nhiều hãnh diện cho dân tộc Việt Nam. Huyền Tích Việt cũng như Nguồn Gốc Dân Tộc Việt và Quốc Tổ Hùng Vương rất xứng đáng có một chỗ đứng quan trọng trong tủ sách của người Việt Nam, nhất là cho các thế hệ sau này. Nguyễn Thanh Liêm * Theo tác giả vì Hán tộc là dân du mục nên có mặc cảm tự ti trước văn hóa Việt nên từ mặc cảm tự ti trở thành tự tôn xem thường các dân tộc khác. Xin bấm vào dưới đây xem video giới thiệu sách Quốc Tổ Hùng Vương cuả Phạm Trần Anh http://www.youtube.com/watch?v=wzp7RYoxdE8; nha van Nguyen Huu Cua http://www.youtube.com/watch?v=9JB1X1qEMho; GS Nguyen Thanh Liem http://www.youtube.com/watch?v=WQ85xit8HaU; Nu si Bich Ty http://www.youtube.com/watch?v=wHntTYhK-sc; nha van Chu Tat Tien Trang
mạng
Việt
Nam
Văn Hiến
Trang Giới Thiệu Sách/Quốc Tổ Hùng Vương www.vietnamvanhien.net www.vietnamvanhien.org www.vietnamvanhien.info www.vietnamvanhien.com Email: thuky@vietnamvanhien.net Trang
mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của
Việt tộc, thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống
văn hiến hầu phục hồi nền An Lạc
& Tự Chủ.
|