Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net



Giới Thiệu Tác Phẩm:
 
Tuổi Thơ và Chiến Tranh


Tác phẩm Tuổi Thơ và Chiến Tranh
Tác giả: Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn
Lời tựa:Trần Trung Đạo
do tác giả xuất bản tại Úc và Hoa Kỳ 2009 và 2010.

Để nhận tác phẩm xin liên lạc:
Võ Ðại Tôn P.O. Box 76 Greenacre NSW 2190 Australia.

Email address: lmqpvn06@gmail.com

1. SBS Úc giới thiệu tác phẩm Tuổi Thơ Và Chiến Tranh và nhạc phẩm Nước Trôi Mồ Mẹ do ca sĩ Nguyệt Ánh trình bày:




BUỔI NÓI CHUYỆN TÂM TÌNH CỦA CHIẾN SĨ ĐẤU TRANH BẤT KHUẤT VÕ ĐẠI TÔN VÀ GIỚI THIỆU TẬP HỒI KÝ:
 TUỔI THƠ & CHIẾN TRANH
 TẠI SACRAMENTO THÀNH CÔNG RỰC RỠ

                                                           Trần Văn tường thuật

Chiều chủ nhật 16.05.10, tại phòng họp của cơ quan Stockton Boulevard Partnership, số 5625 Stockton Blvd trang hoàng uy nghi đẹp đẽ với cờ Việt Mỹ và những biểu ngữ lớn, nội dung giới thiệu chiến sĩ đấu tranh Võ Đại Tôn với đồng hương Sacramento và Stockton. Phòng họp quá tải đủ sức chứa 150 người nay số người tham dự vượt xa, một kỷ lục mới khi tổ chức Ra Mắt Sách tại thành phố Sacramento, người Việt còn khiêm nhường hơn nhiều thành phố khác của TB Cali như San Diego, Santa Ana. San Jose…

Dù tuổi cao sức yếu, nhưng chiến sĩ đấu tranh Võ Đại Tôn vẫn còn bầu nhiệt huyết của người lính chiến QLVNCH năm xưa, ông muốn quang phục lại quê hương đang còn oằn oại dưới bàn tay sắt máu của kẻ ác cộng sản VN. Bằng một giọng rạt rào tình cảm khi nói về tình mẫu tử và giọng hùng hồn đanh thép như truyền hịch khi là chiến sĩ đấu tranh nói về cái ác của chế độ cộng sản và kêu gọi những bậc thức giả, giới trẻ tiếp tục con đường đấu tranh mà các chiến sĩ đàn anh của ông và chính ông cũng còn đang dở dang, chưa hoàn thành sứ mạng. Vì thế, cần phải có thế hệ tiếp nối quyết tâm tranh đấu giựt sập chế độ công sản bạo tàn để đưa quê hương Việt Nam đến cảnh thanh bình thịnh trị, dân giàu nước mạnh…

Chiến sĩ đấu tranh Võ Đại Tôn luôn giữ khí tiết bất khuất dù ông đang bị tù biệt giam hơn 10 năm tại Hà Nội (BTC có chiếu 1 đoạn phim ngắn khoảng 10 phút do đài TV Nhật quay được cuộc họp báo lịch sử của ông Võ Đại Tôn tại Hà Nội ngày 13 tháng 7 năm 1982 lên án chế độ tàn bạo CSVN). Những lời tâm huyết của một “chiến sĩ già” nhằm truyền lại con cháu noi theo gương hào hùng của các bậc tiền bối, cha anh đi trước dù chưa đạt nguyện ước quang phục lại quê hương. Ông nhấn mạnh, thế hệ trẻ kế thừa – truyền thống hào hùng dân tộc hãy tiếp tuc con đường đấu tranh cho một quê hương Việt Nam ấm no hạnh phúc và không còn chế độ cộng sản tàn ác sắt máu nữa. Đó là Tâm Tình Của chiến sĩ Võ Đại Tôn vào chiều chủ nhật trời quang đẹp đẽ và mát mẻ vừa qua tại Sacramento sau khi ông Nguyễn Trung Cao, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà, Giáo sư Lại Quốc Hùng lược trình những điều mà quý vị đó biết về chiến sĩ đấu tranh Võ Đại Tôn và cũng là nhà văn nhà thơ Hoàng Phong Linh qua tác phẩm mới nhất Tuổi Thơ & Chiến Tranh.

Buổi Tâm Tình và Giới Thiệu Tác Phẩm mới nhất Tuổi Thơ & Chiến Tranh của nhà văn nhà thơ Hoàng Phong Linh tức chiến sĩ đấu tranh không mệt mõi Võ Đại Tôn quy tụ đông người tham dự chật kín cả phòng họp và có nhiều vị phải đứng suốt buổi tổ chức này để nghe diễn giả Võ Đại Tôn với tuổi đời 75, hơn 10 năm trong trại tù biệt giam Thanh Liệt – Hà Nội nói những lời tâm tình có chứa lửa đấu tranh.

Với giọng rạt rào tình cảm của một người con yêu thương mẹ với tất cả tấm lòng và ông cũng yêu Mẹ Việt Nam với chân tình của một người dân yêu nước. Chiến sĩ đấu tranh Võ Đại Tôn đã cất tiếng thiết tha gọi Mẹ Việt Nam và hứa với Mẹ Việt Nam: Mẹ Việt Nam Ơi! Chúng Con Vẫn Còn Đây (thơ của Hoàng Phong Linh, nhạc của Nguyễn Ánh 9) được Ban Hợp Ca của Hoàng Mộng Thu từ San Jose lên trình bày làm cho phòng họp sôi động và khởi hứng.

Giới thiệu chiến sĩ đấu tranh Võ Đại Tôn là ông Nguyễn Trung Cao từ Oakland lên để chào mừng người anh 30 năm trước cùng với nhiều chiến hữu cùng ý chí đi đó đây dọc ngang tìm đường cứu nước và 30 năm sau anh Nguyễn Trung Cao gặp lại người anh Võ Đại Tôn trước sau như một, vẫn với giọng đanh thép quyết tâm phục vụ đất nước và truyền thừa gương tranh đấu cho thế hệ mai sau. Phần giới thiệu tác giả tập hồi ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà tức là nhà thơ Nguyên Hạ đưa chúng ta về nguồn cội và lai lịch của ông Võ Đại Tôn, vốn sanh trưởng tại Quảng Nam-Đà Nẵng với những năm tháng phục vụ trong QLVNCH, trong cơ quan công quyền dân sự và sứ mạng đấu tranh chống chế độ toàn trị cộng sản bằng chính trị và bằng văn học…

Kế đến, Giáo sư Lại Quốc Hùng đã long trọng giới thiệu tập hồi ký của chiến sĩ đấu tranh Võ Đại Tôn qua ngòi bút của một nhà văn, nhà thơ Hoàng Phong Linh với những áng văn trác tuyệt tả về tình mẫu tử. Khi ông Võ Đại Tôn còn bé, 10 tuổi, đã chứng kiến cảnh chiến tranh giết chốc tàn ác của Việt Minh Cộng Sản và chính mẹ của cậu bé Võ Đại Tôn đã bị Việt Minh giết bằng cách dùng cuốc đập vào xương sống, dù chưa chết cả 3 chị em (2 ông chú của VĐT) đều bị chôn sống chỉ vì bà mẹ của cậu bé Võ Đại Tôn yêu thương con muốn đưa con về Đà Nẵng để học hành nên người. Mãi 17 năm sau mới tìm được mộ mẹ và 2 ông chú dưới 1 đụn cát ở làng quê. Câu chuyện thương tâm này, giáo sư Lại Quốc Hùng thuật lại làm cho nhiều người phải rơi lệ.

Rất lâu lắm, tại Thủ Phủ Sacramento mới có được chiều chủ nhật đông đảo chật kín cả hội trường người tham dự một buổi tâm tình về cuộc đời đấu tranh gian khổ, tù đày của một chiến sĩ bất khuất Võ Đại Tôn. Đồng thời, giới thiệu 1 tập hồi ký mới đầy ắp kỷ niệm Tuổi Thơ đối với người mẹ hết lòng yêu thương con phải bị chết thảm và Chiến Tranh tàn bạo đã dày xéo quê hương VN suốt hơn 30 năm đọa đày đói khổ.

Thành phần tham dự có đông đủ các hội đoàn, tổ chức chính trị, truyền thông báo chí và đặc biệt có 1 số qúy vị giáo sư đại học, trung học, nhà văn, nhà thơ, ca nhạc sĩ và đủ thành phần, khuynh hướng, đại diện cho nhiều thế hệ từ cao niên đến trung niên và hậu duệ còn rất trẻ. Đây là buổi tổ chức cho người từ phương xa Úc Châu nói chuyện tâm tình với đồng hương và Ra Mắt Sách thành công lớn của Ban Tổ Chức liên thành phố Sacramento và Stockton với quý ông Nguyễn Hữu Hiến, ông Phạm Hoàng Trung – Stockton và nhà báo Trần Văn Ngà – Sacramento.

Người viết có nhận xét là phần giải đáp thắc mắc đứng đắn của nhạc sĩ Phiêu Bồng nêu lên cũng là dự luận chung đồn đoán của một số người trước đây hay hiện nay vẫn còn tiếp tục bôi lọ đánh phá chiến sĩ đấu tranh Võ Đại Tôn là “Võ Đại Bịp” vì chống cộng “cuội”…Qua tâm tình từ đáy lòng của một chiến binh già suốt đời dấn thân đấu tranh cho công lý và tự do tại quê nhà, ông đã trải qua bao gian lao tù đày và may mắn không chết thảm ở trong nước. Chế độ lao tù của CSVN vốn là tàn bạo và khắc nghiệt đứng vào hàng đầu của thế giới. Điều quan trọng nữa, chúng còn có quyết tâm trả thù, triệt hạ chiến sĩ Võ Đại Tôn trong lao tù nghiệt ngã gần 100 lần tra tấn dã man. Nhưng, với ý chí bất khuất và sự linh hiển của Mẹ ông và hồn thiêng sông núi đã che chở phù trợ ông thoát qua bao cảnh hiểm nghèo nhất, dở sống dở chết. Chỉ vì ông dám mượn cơ hội bằng vàng trong buổi họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 17 tháng 3 năm 1982 mà các nhà lãnh đạo chóp bu thuộc giới lãnh đạo Bộ Chính Trị CSVN đạo diễn, dàn dựng nhiều tháng để có cuộc họp báo quốc tế lịch sử này.

Đến phần phát biểu của ông, ông nói vòng vo 1 chút rồi đi thẳng vào vấn đề, ông nhận tội vì tội yêu nước chống lại chế độ độc tài bạo ngược của cộng sản. Thế là buổi họp báo quốc tế chấm dứt ngang và bị bịt miệng, còng tay đưa vào khu biệt giam của trại tù Thanh Liệt ở Hà Nội suốt 10 năm, nhưng ông không chết mới là chuyện lạ. Vì vậy, mới thành chuyện khó tin nhưng có thật xảy ra ở Việt Nam năm 1982 . Nhờ sự can thiệp mạnh mẽ và triệt để của thế giới nên ông không bị chết thảm trong tù và sau cùng CSVN tống xuất ông trở lại Úc Châu . Đó là thành quả của những sự can thiệp nhiệt tình , tích cực của nhiều tổ chức nhân quyền, nhân đạo quốc tế và nhiều chính phủ yêu chuộng tự do dân chủ mà ông vô cùng trân trọng biết ơn.

Khi được trở ra lại hải ngoại, chiến sĩ đấu tranh bất khuất Võ Đại Tôn chẳng may bị những người bạn cùng chiến tuyến chống cộng suy diễn từ không ra có qua bàn tay phù thuỷ tuyên truyền của cộng sản đánh phá, mạ lỵ không thương tiếc. Thay vì vinh danh người bạn chiến sĩ đấu tranh bất khuất Võ Đại Tôn mà phe ta có 1 số người hay tổ chức lại triệt hạ phe mình một cách nhẫn tâm.

Nhân cơ hội này chiến sĩ đấu tranh Võ Đại Tôn khẳng định lý do ông trở về nước qua đường Thái Lan, Cao Miên và Lào để xâm nhập vào vùng Pleiku chỉ có mục đích liên lạc với LM Nguyễn Văn Vàng. Chẳng may, toán võ trang 25 chiến sĩ kháng chiến của Tướng Lào Vang Pao theo bảo vệ nổ súng vì một chuyện ngộ nhận với toán làm đường của Lào. Bị lộ diện , bị bao vây và sau cùng ông và 1 chiến hữu bị bắt, 1 chiến hữu khác hy sinh tại chỗ, còn 25 anh em kháng chiến Lào tìm đường tẩu thoát không biết chết sống ra sao?. Chiến sĩ đấu tranh Võ Đại Tôn nhấn mạnh với tuổi đời của ông , cộng với sự giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng của chế độ VNCH. Hơn nữa, ông còn được trui rèn qua sự huấn luyện chiến đấu chống cộng sản của quân đội cùng với những kinh nghiệm phục vụ trong Quân Đội hay trong chính quyền mà ông “ngu xuẫn“ đến độ chỉ đi theo có 2 chiến hữu nữa mà ông liều lĩnh “điếc không sợ súng”dấn thân đấu tranh trực diện với một tập đoàn hùng hậu nhứt về lực lượng quân sự, chính trị cộng sản của 3 nước Đông Dương Việt Miên Lào. Lúc này là thời điểm cực thịnh của chúng (năm 1981). Toán xâm nhập của ông chỉ nhằm mục đích liên lạc, bắt đầu cầu với Linh mục Nguyễn Văn Vàng tại Cao Nguyên Trung Phần và sẽ trở ra lại hải ngoại. Lúc bấy giờ LM Nguyễn Văn Vàng là trong những lãnh tụ phục quốc có tiếng tăm nhất trong nước và hải ngoại.

Nhân cơ hội sang Hoa Kỳ lần này, đánh dấu sau 35 năm quốc nạn từ khi CSBV chiếm trọn miền Nam để ông có dịp giải bày hết tâm tư tình cảm và ông quyết ký thác, truyền thừa những kinh nghiệm đấu tranh không ngơi nghỉ của ông trong suốt lộ trình tìm con đường tốt nhất giải phóng quê hương đến thế hệ trẻ kế thừa. Chiến sĩ Võ Đại Tôn tin rằng giới trẻ Việt Nam với sự thông minh và phương tiện sẵn có sẽ làm nên lịch sử mà cha ông, đàn anh của chúng chưa hoàn thành sứ mạng. Chiến sĩ đấu tranh bất khuất còn nhấn mạnh, ông và 2 chiến hữu can trường của ông từ hải ngoại xâm nhập vào VNCS đầu tiên.

Người viết xin mở dấu ngoặc và đóng dấu ngoặc một chút hiểu biết của mình: Đến năm 1984, tổ chức phục quốc của các ông Lê Quốc Túy-Trần Văn Bá-Mai Văn Hạnh…xâm nhập vào Việt Nam với quyết tâm kháng chiến lật đổ chế độ bạo quyền cộng sản bằng lực lượng chính trị, võ trang kháng chiến trường kỳ và có sự nội ứng ở trong nước của các tổ chức kháng chiến chống cộng như các tín hữu Cao Đài, Hòa Hảo…Chẳng may, tổ chức của anh Trần Văn Bá bị phản gián cộng sản cài vào và những lãnh tụ của tổ chức quy mô này đều bị bắt và hầu hết bị xử tử hình. Ba năm sau đó, như là có sự trùng hợp ngẫu nhiên và thiên định, cứ 3 năm tái diễn một cuộc xâm nhập VN, từ năm 1981 của ông Võ Đại Tôn, 3 năm sau , 1984 của anh Trần Văn Bá, nhưng đều thất bại. 3 năm sau đó nữa, năm 1987, cũng thất bại lại là sự thất bại nặng nề hơn với nhiều chiến sĩ kháng chiến hy sinh hơn và cộng sản BV đã đánh gục ý chí xâm nhập đấu tranh bằng vũ lực của những người Việt quốc gia yêu nước ở hải ngoại muốn sớm lật đổ chế độc độc đảng, tàn bạo của CSBV. Xin nhắc lại, năm 1987, tổ chức kháng chiến của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh với nhiều người nhiều toán trang bị vũ trang đầy đủ, xâm nhập từ Thái Lan vào đến đất Lào an toàn và trên đường từ Lào về Cao Nguyên Việt Nam cũng sa vào cạm bẫy của CSBV và qua một cuộc tử chiến với quân thù CSBV, tướng Hoàng Cơ Minh đã anh dũng hy sinh tại chiến địa và những chiến sĩ còn sống sót cũng bị bắt tù đày và nhiều chiến sĩ anh hùng đó đã bỏ mình trong lao tù nghiệt ngã của CSBV.

Buổi nói chuyện tâm tình của chiến sĩ đấu tranh bất khuất Võ Đại Tôn và ra mắt tập hồi ký: Tuổi Thơ & Chiến Tranh thành công và thành công lớn tại Thủ Phủ Sacramento./.

Trần Văn

Nguồn: http://nguoivietboston.com



Võ Đại Tôn Hoàng Phong Linh

 Đỗ Tiến Đức

 

Phát biểu trong buổi sinh hoạt “Hành trình công tâm để xây dựng lại niềm tin” và ra mắt thơ văn của ông Võ Đại Tôn tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana ngày 12 tháng 6, 2010.

 

Đã có quá nhiều người nói và viết về ông Võ Đại Tôn. Và gọi ông bằng những danh từ đẹp nhất cho một đời người.

Cố thi sĩ Nguyên Sa gọi ông Tôn là chiến sĩ anh hùng, so sánh ông với một nhân vật lịch sử là Cao Bá Quát.

Thi sĩ Du Tử Lê chẳng những gọi ông Tôn là anh hùng mà còn là “nhị trùng bản ngã anh hùng Võ Đại Tôn.

Thi sĩ Cao Tiêu làm thơ tặng ông Tôn, gọi ông Tôn là “đại hùng”.

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện cũng gọi ông Tôn là anh hùng. Ông còn gọi ông Tôn là chiến sĩ.

Cố nhà văn Xuân Vũ gọi ông Tôn là một nhà cách mạng, là lương tâm của thời đại.

Nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh, cựu Trung tá Quân đội VNCH gọi ông Tôn là “một vị anh hùng”.

Nhà báo Giao Chỉ so sánh ông Tôn với danh tướng Trần Bình Trọng, là chiến sĩ anh hùng, là nhà cách mạng, là nhà thơ, là “một anh hùng còn sống”, là “người lính với nhị trùng bản ngã”..

Cũng theo nhà báo Giao chỉ thì trong giai đoạn đầu của lịch sử phục quốc của người Việt tỵ nạn cộng sản, có ba người đã dấn thân về nước. Đó là ông Trần Văn Bá từ Âu châu, ông Hoàng Cơ Minh từ Mỹ châu và ông Võ Đại Tôn từ Úc châu.  Hai ông Bá và Minh đã hy sinh. Chỉ còn ông Tôn, dù rằng ông đã có hành động tự sát khi Việt cộng đưa ông ra họp báo, ông đã cất cao tiếng nói bất khuất, giữ vững lập trường diệt cộng cứu nước, y như khi xưa Trần Bình Trọng đã dõng dạc nói vào mặt kẻ thù “Thà làm qủi nước nam còn hơn làm vương đất bắc”.

Cho nên ông Tôn trở thành “một anh hùng còn sống”.

Cho nên hôm nay chúng ta nói về  ông Võ Đại Tôn không phải trong một buổi lễ tưởng niệm, truy điệu, mà chúng ta hân hạnh được ngồi chung với ông bà Võ Đại Tôn  trong hội trường này.

Trở lại câu chuyện ba chục năm trước, khi mà ông Võ Đại Tôn đã tạm bỏ, mà nhiều phần là bỏ luôn, cuộc sống yên ấm nơi hải ngoại, với bà vợ trẻ đẹp, để lội suối băng rừng về quê hương chống thù cứu nước. Thử hỏi ông có mơ một ngày ông trở thành Tổng thống chăng ? Tôi nghĩ là ông Tôn không có ảo tưởng như thế.

Hẳn ai cũng biết, khi Hồ Chí Minh về hang Pắc Pó, ông ta chưa có dân, chưa có quân đội, nhưng ông ta có cả một đế quốc cộng sản Nga Tầu yểm trợ. Còn ông Tôn, trở về nước chỉ với vài chiến hữu, các đồng minh cũ của Việt Nam cộng hòa chẳng những đã không yểm trợ mà còn tạo dư luận chống đối, cô lập ông. Họ đề cao hình thức đấu tranh bất bạo động để trói tay kháng chiến Việt Nam. Họ không muốn Việt Nam có một Arafat. Họ đẩy chúng ta vào cuộc đấu tranh cho nhân quyền để chúng ta quên đi cuộc đấu tranh giải phóng. Thế mà cũng có một số đảng phái nghe theo, trước khi vào cuộc đấu tranh cứ phải minh định với kẻ thù rằng, chúng tôi chủ trương bất bạo động nghĩa là chúng tôi không động tới người các ông đâu, chúng tôi đã tự trói tay chúng tôi rồi.

Rõ ràng là kẻ thù của chúng ta không chỉ là kẻ vi phạm nhân quyền.  Giết dân, bán dân, bán lãnh thổ của cha ông không phải là vi phạm nhân quyền. Chúng là kẻ phạm tội diệt chủng. Chúng là kẻ bán nước. Chúng ta tội đồ của dân tộc.

Khi chúng ta chỉ kết án cộng sản vi phạm nhân quyền là chúng ta đã cải tội danh cho chúng, từ tội đại hình xuống tội vi cảnh, từ tội mà các vua thời trước phạt chu di tam tộc, xuống còn tội đậu xe mà quên bỏ tiền vào đồng hồ.

Ông Tôn đã xông vào cuộc chiến rõ ràng không phải ông muốn về Hà Nội để biên giấy phạt kẻ vi phạm nhân quyền. Ông muốn trao cho tội đồ cộng sản một bản án phản dân hại nước.

Nhưng có lẽ người chiến sĩ Võ Đại Tôn cũng đã ý thức rằng sẽ phải chiến đấu rất gian khổ mới hy vọng đạt được mục tiêu là giải phóng tổ quốc. Cho nên ông đã khẳng định ông chỉ là một viên gạch lót đường. Nghĩa là ông mang mạng sống của ông để kích thích lòng yêu nước, để mở ra cuộc đấu tranh vì đã có viên gạch lót đường rồi, toàn dân hãy  lên đường và xốc tới. Hơn ai hết, ông hiểu rằng vòng hoa vinh quang sau cùng sẽ không choàng lên viên gạch lót đường mà sẽ quàng lên cổ những người đã nhờ viên gạch lót đường mà đi tới chiến công.

Cái ý nghĩa “viên gạch lót đường” còn được sáng chói trong buổi cộng sản đưa người tù Võ Đại Tôn ra trước một cuộc họp báo ở Hà Nội . Chúng đinh ninh sau những trận đòn tàn bạo, sau những ngày bỏ đói, những đêm không cho ngủ, ông Tôn đã đầu hàng vì bản tính chung con người là tham sinh úy tử. Ngờ đâu, trước các phóng viên quốc tế, ông Võ Đại Tôn tuyên bố ông sẽ tiếp tục  tranh đấu cho tự do và giải phóng dân tộc.

Chắc chắn là ông Tôn thừa biết hậu qủa của những lời ông vừa nói. Vâng, ngày 13 tháng 7 năm 1982 tại Hà Nội, có thể khẳng định là ông Võ Đại Tôn đã quyết định tự sát. Tự sát để cho trọn ý nghĩa của kẻ tự nhận làm viên gạch lót đường. Tự sát để làm sáng cái lý tưởng của người chiến sĩ, lên đường tranh đấu không vì công danh phú quí cho bản thân. Tự sát để cái viên gạch lót đường kia sẽ có hàng vạn gót chân của người Việt yêu nuớc bước lên tham gia cuộc đấu tranh diệt cộng. Tự sát để sớm có một ngày những viên gạch tinh hoa của giòng giống Việt Nam không chỉ dùng lót đường mà sẽ  được dùng để xây dựng nên một toà nhà Việt Nam nguy nga tráng lệ.

Chính hành động tự sát của ông Võ Đại Tôn trong buổi họp báo ở Hà Nội ngày 13 tháng 7, 1982 đã khiến ông trở thành một Trần Bình Trọng của thời đại. Ông xứng đáng được vinh tặng hai tiếng anh hùng.

Nhưng, tại sao ông Võ Đại Tôn lại có quyết định băng suối bằng rừng trở về nước, mong dấy lên một cuộc đấu tranh chống cộng trong thời điểm mà nhiều người khác cho rằng chưa thuận lợi ?

Câu trả lời chung chung sẽ là : Vì ông Võ Đại Tôn yêu nước.

Tôi nói chung chung là bởi vì lòng yêu nước trong người Việt khó có thể biết ai hơn ai. Tại hải ngoại có biết bao nhiêu cựu quân cán chính Việt Nam cộng hoà, sao chỉ có vài ba người như ông Tôn lăn mình vào công cuộc phục quốc ? Vài ba người đó chắc chắn là phải có thêm một động lực mạnh mẽ nào khác.

Tôi được quen biết ông Võ đại Tôn trên 40 năm hồi cùng làm việc ở Bộ Thông tin, nhưng tôi vẫn phải đi tìm vì tôi chưa được thấy điều mà tôi muốn biết. Mãi đến khi đọc xong cuốn “Tuổi thơ và chiến tranh” hồi ký của Võ Đại Tôn, thì tôi mới có lời giải đáp.

Cuốn sách này có tựa là “Tuổi thơ và chiến tranh” thì tuổi thơ là tác giả lúc 10 tuổi, và chiến tranh là lúc cộng sản nổi lên khống chế dân tộc Việt Nam. Gia đình ông Tôn đang giàu có bỗng một sớm một chiều cơm không có mà ăn. Mẹ ông bị ho lao đã tới thời kỵ nặng nhưng không thuốc thang điều trị, không bồi dưỡng, bị cô lập trong một chòi lá ngoài vườn để tránh lây bệnh cho gia đình. Là một người con muôn vàn thương yêu mẹ, nên ông Tôn vẫn lẩn quẩn bên mẹ, chăm sóc miếng ăn cho mẹ, ban đêm không được nằm bên mẹ thì ông đứng trong phòng ngủ của ông mà nhìn sang chòi lá hiu hắt ánh đèn, nơi mà ông biết mẹ ông cũng đang ngồi nhìn về phía đàn con...

Thế rồi, vì muốn chồng con thoát cảnh tù túng đói khổ nên không xá gì đang bị bệnh nặng, mẹ ông vẫn tình nguyện vượt vòng phong tỏa của cộng sản  những mong mở ra một đường sống cho chồng con.

Chẳng may bà bị Việt cộng bắt và Việt cộng chém bà bằng những nhát cuốc. Sau đó Việt cộng đã chôn sống bà. Phải nhiều năm sau, ông Tôn mới được sờ vào thân thể người mẹ nhưng không phải là làn da mịn màng ấm áp mà chỉ còn là những khúc xương tàn bị chôn vùi ngoài đồng hoang cô quạnh không một nén nhang, không một giọt nước mắt của chồng con.

Theo tôi, chính nỗi căm thù cộng sản giết mẹ từ tiềm thức này đã biến thành hành động, đưa Võ Đại Tôn vào con đường tranh đấu dù đó là một cuộc tranh đấu rất cô đơn, mà những người cho là khôn ngoan sẽ không làm.

Ngày xưa, trong lịch sử Việt Nam có bà Trưng,  đang là khách má hồng bỗng phất cờ khởi nghĩa vì thù quân Tầu đã giết chồng bà.  Thư sinh Nguyễn Trãi vì thù giặc bắt cha mà trở thành quân sư của Bình Định Vương Lê Lợi.

Ngày nay, Võ đại Tôn từ hải ngoại vượt rừng băng suối về quê hương mưu đồ phục quốc cũng là do nợ nước cộng với mối thù cộng sản chôn sống mẹ ông.

Thưa qúy vị,

Hai mươi năm trước, khi ông Võ Đại Tôn được thả do áp lực của quốc tế, tôi đã tổ chức tại nhà tôi buổi tiếp đón ông bà lần đầu tiên trở lại nước Mỹ.

Với gần  một trăm người, gồm rất nhiều anh em thuộc các đoàn thể, chính đảng khác nhau, mọi người lúc bấy giờ đều hứng khởi với sự xuất hiện của ông Võ đại Tôn trong cuộc  trao đổi nhau về phương thức đấu tranh. Và, điểm đầu tiên là nhiều vị đã ân hận rằng khi ông Tôn “lên đường tranh đấu”, bị tù không có ngày về, thì rất ít ai ở Mỹ thăm hỏi và giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho bà Tôn  ở bên Úc.

Cũng trong buổi đón tiếp ông bà Võ Đại Tôn tại nhà tôi năm 1993, một ý kiến được nhiều vị gật gù đồng ý là cuộc đấu tranh chống cộng không phải là cuộc đi tìm vàng để  phải tranh giành nhau. Các đoàn thể chống cộng nên coi nhau như một bộ phận của cùng một cơ thể. Người này là mắt thì người kia là mũi. Người này là tay thì người kia là chân.   Nếu là một người bình thường thì tay sẽ không chặt chân, tay sẽ không đâm mù mắt. Mắt sẽ không ích kỷ để mặc cho chân bước xuống hố. Bởi vì những hành động hại nhau như thế đều là tự sát.

Thế nhưng, sau đó tôi vẫn nghe ông Võ đại Tôn than thở, dù than  thở bằng thơ : Anh không sợ kẻ thù trước mặt mà sợ người chiến hữu sau lưng.

Đồng thời, tôi còn nhớ một số ý kiến hôm đó là, cộng đồng chúng ta phải lập ra một qũi gọi là qũi tranh đấu. Chúng ta đã sẵn sàng gửi tiền về giúp một số nhà dân chủ trong nước, nhưng những nhà đấu tranh ở hải ngoại tại sao chúng ta không yểm trợ ? Cụ thể, với một người như Võ Đại Tôn, tên tuổi ông được cả thế giới biết đến, lý tưởng chống cộng của ông đã được thử thách, tại sao chúng ta không giúp ông giải quyết các nhu cầu cuộc sống, để ông có toàn thời gian làm việc cho công cuộc đấu tranh phục quốc ?  Nếu ông phải đi làm một công việc nào đó để mưu sinh và nuôi vợ con thì thì giờ của ông sẽ bị ràng buộc với công việc, như thế cuộc đấu tranh của ông tất nhiên sẽ bị hạ xuống thành “part time” cuối tuần.  Tiếc rằng vì không có qũi tranh đấu nên nhiều người dù rất nặng lòng với quê hương cũng đành nhìn thời gian trôi qua.

Thê thảm hơn, một số vị muốn đấu tranh đã tự đi tìm nguồn tài trợ khác cho mình thì chẳng những đã không được thông cảm mà còn bị đánh phá rất trớ trêu.

Mang chuyện cũ từ hai mươi năm trước ra nói, chẳng qua là vì tôi rất quí trọng và thương mến Võ Đại Tôn. Bây giờ dù ông đã được vinh danh là anh hùng, là liệt sĩ sống nhưng tôi biết, đó không phải là giấc mộng của ông.  Giấc mộng của ông là được nhìn thấy quê hương không còn màu cờ máu , không còn cộng sản để tuổi thơ Việt Nam được sống hồn nhiên trong sáng, để mọi người dân Việt  được sống tự do, để Việt Nam được năm châu bốn biển nể phục..

Đó là lý do mà ông Tôn  thường quên rằng tuổi ông đã thuộc loại cổ lai hy. Mỗi lần nghe tin bên Úc đồng bào ta có cuộc biểu tình chống cộng  là tôi thấy hình ảnh Võ Đại Tôn với lá cờ vàng ba sọc đỏ đi đầu. Tháng trước, ngay khi vừa đặt chân đến Nam Cali ông đã có mặt trong các buổi lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen. Ngoài ra, ông viết sách, viết báo, làm thơ. Chữ của ông thay ông tiếp tục làm viên gạch lót đường. Thơ của ông là tiếng trống thúc đẩy anh em và đồng hương đừng quên nhiệm vụ đối với tổ quốc.

Cố thi sĩ Nguyên Sa gọi Võ Đại Tôn tức thi sĩ Hoàng Phong Linh thuộc trường phái “thi ca ái quốc”. Thi sĩ Du Tử Lê viết rằng Võ Đại Tôn là “tài hoa của đất nước” nên trong thơ của ông mới có được những rung cảm đỉnh ngọn, có nhịp đập của tổ quốc trong dòng máu Tiên Rồng.

Như thế thì, ông Võ Đại Tôn đã đi vào lịch sử của đất nước bằng  cửa chính. Và ông đang cõng trên lưng  một nhà thơ tên là Hoàng Phong Linh bước vào lịch sừ văn học Việt Nam. Tôi  chúc mừng sự thành công của ông.


          Đỗ Tiến Đức
          Nguồn: http://www.banmeonline.org




Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang: Giới Thiệu Tác Phẩm: Tuổi Thơ và Chiến Tranh
www.vietnamvanhien.net (Tin tức cập nhật thường xuyên)
www.vietnamvanhien.org (Thuần ngữ, tải nhanh)
www.vietnamvanhien.info (Tủ Sách Văn Hiến)
www.vietnamvanhien.com (Kinh tế & Tài chánh)

Email: thuky@vietnamvanhien.net


Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi lưu trữ và phổ biến những biên khảo, sáng tác và ý kiến của quý nhân sỹ, thi-văn sỹ và độc giả nhằm hai mục đích: (1) Bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. (2) Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiền hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời của Việt tộc


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt