Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net




Hào Khí Diên Hồng Có Thực Cao Hơn Thế Không?


Đinh Tấn Lực

 

 

        Đây là một cuộc giằng co tam giác: Hà Nội - Bắc Kinh – Việt Tộc.

Hà Nội thẳng tay khủng bố Việt Tộc, nhưng lại khấu đầu thần phục Bắc Kinh.

Bắc Kinh không ngán đàn em Hà Nội, chỉ ngại tính bất khuất kiên cường của Việt Tộc.

Việt Tộc bị trói tay bởi chính quyền của họ, nhưng nhất định không sợ Tàu khựa.

Trong cuộc chơi tay ba đó, khi người dân Việt không sợ chính quyền của họ nữa, thì đó chính là lúc họ chuyển nhượng trọn vẹn cho nhà cầm quyền Hà Nội cả hai nỗi sợ: vừa sợ quan thầy, vừa sợ nhân dân.

Rõ ràng là Dân Việt không sợ chính quyền của họ nữa: Họ sẵn sàng đi tù!

 

Kể ra cũng không dễ dàng gì…

 

Tại linh địa Thái Hà, các giáo dân đã nhẫm lời Thánh Phêrô: “Lạy Chúa, với Chúa, con sẵn sàng vào tù và có chết cũng cam”, rồi đọc một đoạn lời Chúa: “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che dấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10, 26-27).

Điều đó đã được LM Jos. Hoàng Kim Toan giảng rộng ra: Đừng Sợ! Đó là lời mời gọi của Chúa hôm nay, đi cùng với Chúa, sống là sống cho Ngài và chết cũng là chết cho Ngài nên chẳng còn gì sợ hãi. Hãy can đảm lên!

Điều đó đã từng được Đức Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt khẳng định vào cuối năm 2007, trong cuộc cầu nguyện 40 đêm ngày để đòi lại đất Toà Khâm Sứ Hà Nội: “Nếu có ai vì cầu nguyện mà phải đi tù, thì tôi sẵn sàng đi tù thay cho họ!”.

Điều đó lại được Đức Giám mục địa phận Thái Bình Nguyễn Văn Sang tái khẳng định mới đây bằng lời tuyên bố là Xin chào tất cả mọi người, tôi sẽ đi tù!, khi ngài được phỏng vấn về việc nhà cầm quyền đe dọa “sẽ xử lý những ai tới cầu nguyện ở mảnh đất đang tranh tụng ở Thái Hà?”.

Điều đó không chỉ là cách bày tỏ của những vị chủ chiên. VietCatholic News trích thuật điện thư của một giáo dân cho biết: “Tại Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, các tu sĩ đã dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp ngăn nắp tài liệu, kinh sách... chuẩn bị cho việc công an bắt các cha và kèm theo khám nhà Dòng. Có tin từ công an đưa ra ngoài là người mà Công an đang nhắm tới và muốn bắt đầu tiên là linh mục NVK”…. Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc công an sẽ bắt thêm những người 'tích cực' tham gia, tình nguyện hướng dẫn anh em giáo dân khắp nơi về cầu nguyện. Những người này đang gói ghém đồ đạc để mang theo nếu phải vào tù. Họ cũng thu dọn nhà cửa, chuẩn bị người ở nhà để khi công an bắt, khám nhà có người ở lại trông nhà”.

Điều đó có nghĩa là mọi người, cả giám mục, linh mục và giáo dân Công Giáo Việt Nam… đều đã sẵn sàng vào tù để tranh đấu cho quyền tự do hành đạo và đòi lại tài sản bị chính quyền CSVN cưỡng đoạt nhiều thập kỷ qua. Riêng trong ngày 10-9-2008 (cùng ngày với phiên tòa áp án Blogger Điếu Cày ở Sài Gòn), đã có ba giám mục cùng đến Thái Hà dâng lễ cầu nguyện cho Tu viện Thái Hà của Dòng Chúa Cứu Thế giáo xứ Thái Hà và các giáo dân đang bị công an giam giữ.

Điều đó đã giảng giải thật rõ ý nghĩa của Thông Điệp Thái Hà: “…Đã đến lúc chúng tôi muốn một giải pháp, và phải là một giải pháp công bằng chúng tôi mới chịu. Chúng tôi tranh đấu trong ôn hoà, nhưng chúng tôi tranh đấu”. (Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm).

Điều đó đã được tác giả J.B. Nguyễn Hữu Vinh đúc kết và vinh danh tinh thần Thái Hà lẫm liệt bằng một câu hỏi: “Vậy với hệ thống súng đạn, nhà tù của nhà nước sao không phát huy tác dụng? Kể ra cũng không dễ dàng, khi (giám mục, linh mục và giáo dân) họ sẵn sàng vào tù, sẵn sàng chịu chết, nếu chính nhà nước muốn phong Thánh cho họ”.

 

Gian nan là nợ anh hùng phải vay…

 

Điều đó đã từng xảy ra và thành công nhiều nơi khác nhau trên thế giới từ thế kỷ trước.

Ngay từ thời khởi động các cuộc đấu tranh bất bạo động bên Ấn (sau cuộc bộ hành ra biển muối của Thánh Gandhi), khi mà người dân lượt xếp hàng để (sẵn sàng chịu đòn dùi cui và) sẵn sàng vào tù, thì những hù dọa tạo sợ hãi cũng đã là chuyện cổ tích. Ở vào thời đại mà nội dung thẩm vấn của công an (Việt Nam) đã lần lượt lên mạng toàn cầu, và người dân nhắc nhau cùng mặc áo trắng ra đường để bày tỏ thái độ đối đầu bất bạo động với một chế độ độc tài độc đảng, thì xem ra thì những đòn hù dọa dơ bẩn đó càng mang nặng tính cổ tích”. Tác giả Trần Ngọc Hà đã viết như thế trong bài Xú Quyền (tháng 2-2007).

Trong cuộc đấu tranh đòi hỏi bình quyền cho người da đen ở thành phố Nashville bên Mỹ, sinh viên trường đại học ở đó (cả da đen lẫn da trắng) đã luyện tập và thực hành các kỹ thuật đấu tranh bất bạo động, bao gồm cả kỹ thuật “làm đầy các nhà tù” và cùng lúc, làm đầy các trang báo. Họ sẵn sàng vào tù và đã lần lượt vào tù, đến mức thành phố không thể quản lý (nói theo cách của BT Lê Doãn Hợp là không thể …quản có lý) nổi tập thể sinh viên tình nguyện đi tù đó. Sau cùng, họ thành công, đồng loạt cất bước ra khỏi nhà tù để nghe viên thị trưởng công nhận quyền bình đẳng của người da màu tại đây. Họ trở thành những sinh viên tiên phong cho phong trào tranh đấu giành quyền bình đẳng cho người da đen trên toàn nước Mỹ vào đầu thập kỷ 1960s.

Điều đó cũng từng xảy ra từ trước, ngay trên đất nước này.

Hãy lướt qua một đoạn ở bài Chui trong sổ tay thường dân của tác giả Tưởng Năng Tiến (từ hồi tháng 10-2001): “Tương tự, tu sĩ và giáo dân của mọi tôn giáo cũng thôi kiếp sống chui nhủi mà họ đã phải chịu đựng từ hơn nửa thế kỷ qua - như thuyết pháp chui, giảng đạo chui, cầu nguyện chui, dự lễ chui, phong chức chui. Họ đã cương quyết đứng lên đòi lại quyền ‘tự do tôn giáo hay là chết’, và sẵn sàng vào tù hay tự thiêu để bày tỏ sự quyết liệt của mình”.

Bức Thông Điệp Phật Đản PL 2551 của Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang có viết về một mùa hoa Vô Ưu nở rộ trong thời Pháp Nạn: “Chừng nào dân tộc Việt Nam chưa có tự do tôn giáo, chưa có dân chủ và nhân quyền thực sự, chừng đó GHPGVNTN còn bị bách hại gian truân và sẽ chấp nhận gian truân không bì quyện. Đức Phật dạy : ‘Nầy các con ! Các con hãy lên đường vì hạnh phúc của nhân loại và chư thiên’.Dẫu rằng, đó là con đường vạn dặm, con đường đầy dẫy nội ma ngoại chướng ; nhưng chúng ta là con Phật, là hậu duệ của Trì Địa Bồ Tát, của Phú Lâu Na, chúng ta đã chẳng sờn lòng nản chí, không mỏi mệt ươn hèn ; chúng ta đã không sợ khó, không sợ mọi gian nguy khổ cực, thậm chí có thể phải hy sinh tánh mạng ; chúng ta đã vượt qua không biết bao nhiêu chướng ngại từ bên trong đến bên ngoài, trong đó có những chướng ngại cơ hồ như không thể vượt qua được. Nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả, bằng ý chí kim cương bất hoại”.

“Tôi vẫn còn đứng ở Cấm Thành và bỗng dưng nhớ về cả Sài Gòn lẫn Hà Nội. Tôi nhớ đến Sài Gòn vì ở đó tôi có một ông Thầy cũ. Thầy tôi tên tục là Đặng Phúc Tuệ thì ít người biết, nhưng khi xuất gia Thầy mang tên Thích Quảng Ðộ thì cả thế giới đều hay. Thầy là người cũng từng nhiều năm lao cải, cũng bao nhiêu lần bị mấy ông công an bắt dẫn về Chùa. Nhiều đến độ đã có lần Thầy bảo với tôi ‘thời gian tôi ở tù nhiều bằng thời gian tôi ngồi tụng kinh niệm Phật’. Nhớ mãi có lần nghe tin Thầy vừa được “tha”, tôi vội vã gọi điện về mừng Thầy thoát nạn. Thầy thật vui khi nghe tiếng tôi, nhưng bảo ngay ‘có gì mà mừng hả con. Thầy mới thoát một nhà tù nhỏ, bây giờ sống ở một nhà tù lớn hơn’. Bây giờ đứng đây mới hiểu hết ý Thầy, mới biết ở quê hương tôi cũng có… Cấm Thành”. Phóng viên Nguyễn Khanh của đài RFA đã viết như vậy vào ngày 23-8-2008, trong bài Nhật ký Bắc Kinh, kỳ 15: Cấm Thành.

Lời Mở Đầu quyển Cội Tùng Trước Gió của GS Nguyễn Cao Can viết về quảng đời (hơn 26 năm bị tù đày, giam cầm và quản chế) của Hòa thượng Thích Quảng Độ có đoạn:

“Hai câu thơ của Hòa thượng Thích Quảng Độ trong tác phẩm Thơ Tù: ‘Lao xao sóng vỗ ngọn tùng - Gian nan là nợ anh hùng phải vay’… Thơ đã phần nào phản ánh cuộc đời của Người, đầy nguy nan trước thời cuộc, vì Đạo pháp ngửa nghiêng, vì Dân tộc đọa đày, vì nhân tình điên đảo, bị tù tội và giam hãm suốt 30 năm trường… Cuộc đời của Người là một thông điệp sống, một trượng phu “uy vũ bất năng khuất” trước danh lợi, bạo quyền, một hành hoạt Đại Bi Vô Uý Tâm của một Đại tăng thực hành Bồ Tát Đạo”.

Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam” với một chương trình thực hiện chính trị 8 điểm của Hòa thượng Thích Quảng Độ (tháng 2-2001) đã là một thông điệp bức phá sự sợ hãi cho nhân dân cả nước. Đến Tết Ất Dậu, 2005, Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi tiếp “Thư Chúc Xuân” (tức “Lời kêu gọi về Con Đường Dân Chủ Đa Nguyên Cho Việt Nam”) đến chư vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào các giới trong và ngoài nước, kêu gọi hãy đồng tâm kết hợp cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam với mô thức ba đảng.

Tháng 3 năm 2005, trong bài xã luận Có Thể Nào Việt Nam Sẽ Trở Thành Iraq – tác giả CLAUDIA ROSETT viết rằng: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế được thả tù, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy chế độ hà khắc dã man sẽ nới lỏng hơn, ông nói: “Rất có thể là tôi chỉ bị đổi từ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn mà thôi”. Trường hợp thả tù của ông có thể nhìn như là thả con tin chính trị, như hiện nay Việt Nam đang mặc cả với Hoa Kỳ về vấn đề mới đây Việt Nam bị coi là những “quốc gia đáng quan tâm” vì có những hành động mà theo như tổ chức Quan Trắc Nhân Quyền (Human Rights Watch) cho rằng: “Việt Nam là một trong những nước vi phạm quyền tự do tôn giáo thô bạo nhất trên thế giới”. Cơ quan Nhà Tự Do (Freedom House) thì liệt kê Việt Nam trong bảng danh sách hiếm hoi: một trong số ít những quốc gia có chế độ đàn áp và hà khắc nhất.

Cùng thời điểm đó, ngày 7-3-2005, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, bị nhà cầm quyền CSVN giam tù 26 năm, được thả hôm Tết cho biết và xác nhận trong thư gởi Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF) rằng: “Sự việc CS Hà Nội trả tự do chỉ là sự chuyển đổi từ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn”.

 

Chúng tôi không sợ hãi…

 

Trích đoạn Thông điệp của Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi đến khóa họp thường niên lần thứ 61 của Ủy hội Nhân Quyền LHQ tại Thụy Sĩ, ngày 8-4-2005:

“Thông điệp này kêu gọi quý vị hãy giúp cho tiếng nói của chúng tôi lan truyền ra thế giới. Mỗi ngày, các nhà dân chủ Việt Nam phải đối diện với bao hiểm nguy để giữ cho ý chí tự do hiện hữu. Chúng tôi không sợ hãi, nhưng chúng tôi biết rằng không thể thắng trận một mình. Chúng tôi cần được cộng đồng quốc tế hậu thuẫn, chúng tôi cần các nhà dân chủ trên toàn thế gới hậu thuẫn”.

Ngày 06-11-2005, trong bài ‘Đòn Kẻ Chợ’ Của Hà Nội, tác giả Nguyên Việt viết rằng: “Chúng tôi còn được biết ông Hoàng Minh Chính từng thổ lộ với anh em là ông sẵn sàng vào tù thêm lần nữa, sẵn sàng chết trong tù để tố cáo chế độ độc tài đảng trị của Hà Nội, và để bảo toàn danh dự của mình”.

Bài giới thiệu Giải Rafto năm 2006 trao cho Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam viết rằng : “Hội đồng Chỉ đạo Quỹ Tài trợ Rafto quyết định tặng thưởng năm 2006 Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto cho một trong những người Việt Nam lỗi lạc nhất đã không ngừng bảo vệ dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền : Hòa thượng Thích Quảng Độ. Đoạt giải này, vì suốt ba mươi năm qua Hòa thượng dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam, và trở thành biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc...”.

Trong bản Thông Ðiệp Xuân Đinh Hợi, 2007, Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Quảng Độ đã gửi lời nhắn nhủ: “Tôi kêu gọi chư Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, bằng đức tính Vô Úy - không sợ hãi - mỗi người là một Ứng thân của Chánh pháp, tức Pháp thân thường trú, để viên thành thực tại toàn giác và thực tại biến động …Bằng đức tính Vô Úy - không sợ hãi - mà thực hiện tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội”.

Sáng thứ ba ngày 17/7/2007, tại cuộc biểu tình đòi công lý của hàng ngàn dân oan thuộc 19 tỉnh Nam bộ, Trung bộ và 9 quận tại Saigon đã bước sang tuần thứ 4 tại Văn phòng Quốc hội II, số 194 đường Hoàng Văn Thụ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, HT Thích Quảng Độ - đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), đã khéo léo vượt qua bao khó khăn vì bị quản chế để đến tận nơi, kịp thời chia sẻ oan tình, ủy lạo và tiếp tế cho đồng bào. Vị Bồ tát Vô Úy đã nói: “Đồng bào có nhà có cửa, có cơ nghiệp, mà nay phải dầm sương dải nắng như thế này, rồi đòi hỏi như thế này mà chẳng được giải quyết. Muốn cho tình trạng này không còn xảy ra nữa, thì chúng ta phải đòi hỏi cho bằng được nhân quyền, công lý và công bằng xã hội. Buộc họ phải trả lại cái quyền sống và quyền làm người cho ta, là vấn đề quan trọng nhất. Muốn như thế, thì phải chấm dứt cái nạn độc quyền cai trị. Bởi vì độc quyền nó đưa đến bao nhiêu thối nát và bất công như thế này đây… Mỗi người góp một phần, chúng ta tiếp tục đòi hỏi cho bằng được tự do, nhân quyền và công lý. Phải đòi hỏi một chế độ đa nguyên, đa đảng, đại diện đầy đủ cho 80 triệu dân”.

 

Ta Là Một…

 

Điều đó không chỉ dành riêng cho giáo dân, linh mục, giám mục, phật tử, tăng ni, hòa thượng… Quần chúng nhân dân đã biểu lộ tinh thần vô úy – không sợ hãi đó bằng nhiều cách khác nhau, tại nhiều địa bàn khác nhau: Thái Bình đốt trụ sở UBND huyện. Đông Anh bắt công an làm con tin. Quỳnh Lưu trói gô Chủ tịch xã….

Một bài báo trên Diễn Đàn Nhà Đất TP/HC luận bàn về một hy vọng số người “sẵn sàng đi tù vì đất” sẽ giảm bớt. Một bài phỏng vấn trên báo NLD ra ngày 29-10-2006 cho biết: “Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh) kể, cách đây ít lâu, ở Giao Thủy (Nam Định) khiếu kiện không được giải quyết, người dân đã nói với cán bộ dân vận: “Tôi phải có những hành động đến mức phạm tội và tôi sẵn sàng đi tù. Chỉ có khi tôi đi tù thì ở trên mới chú ý giải quyết cho dân, mới phanh phui được cán bộ tiêu cực”.

Điểm nóng bật lên khắp nước. Trà Cỗ, Xuân Lộc, Tây Nguyên, Thái Bình, Nghệ An, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh long, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Bình Thuận… Hà Nội, và cả 9 quận ở thành phố Saigon: Gò Vấp, Bình Chánh, Bình Thạnh, quận 4, 5, 6, 7, 9, 12….

Tiếp đó, phản ứng Ta Là Một của Tuổi Trẻ Việt Nam trong tháng 12-2007 là một tuyên ngôn chính trị để hồi đáp lời tuyên bố về đơn vị hành chính Tam Sa của Trung Quốc, trước đại sứ quán TQ ở Hà Nội và tổng lãnh sự quán TQ ở Sài Gòn….

Gần nhất là phản ứng của giới trẻ về bản án “trốn thuế” mà nhà nước áp đặt cho Blogger Điếu Cày. Đơn cử một nhận định của Sinh Viên Sư Phạm: “Nếu cấp phúc thẩm cũng y án thì đảng ta loại trừ được một người bất đồng chính kiến trong 30 tháng. Đó là cái ‘lợi’. Nhưng sinh viên chúng tôi càng mất lòng tin. Dân càng mất lòng tin. Sẽ có nhiều người khác thay thế chú Điếu Cày. Đảng rất biết điều đó. Nhưng đảng hết kế khả thi rồi. Thương thay !”.

Họ khẳng định là có nhiều người thay thế cho từng người bị bắt. Rõ ràng là họ không sợ cái vũ khí bắt bớ sau cùng đó của nhà nước nữa. Họ hóa giải những đòn bẩn. Họ vô hiệu hóa bạo lực. Bằng một tinh thần vô úy nhân rộng: Sẵn Sàng Đi Tù.

 

Những Lãnh Đạo Ngày Mai…

 

Vào năm 1977 tại Tiệp Khắc, nữ GS TS Dana Niemcova, cùng với chồng là một bác sĩ, là hai người trong số 240 nhân vật ký tên vào bản Hiến Chương 77. Bà nhận định rằng những bài viết hay tham luận chỉ trích độc tài dù nặng nề và đúng đắn tới đâu cũng khó chuyển đổi được chế độ độc tài đương nhiệm nếu không có sức mạnh của đại khối quần chúng tham gia. Giới trí thức cần phải lên phương án chiến lược cho quần chúng đấu tranh. Và bởi đó, giới trí thức đã sẵn sàng vào tù, mất việc, mất thu nhập, và mất cả vị trí từng có trong xã hội. Hệ quả? Bà Dana Niemcova, ngay sau khi ký tên vào Hiến Chương 77, đã bị chế độ bãi chức giáo sư và trở thành một lao công tại viện đại học mà bà từng giảng dạy. Thành quả? Bà Niemcova cùng giới trí thức dũng cảm và đầy tinh thần trách nhiệm ký tên vào Hiến Chương 77 đã lãnh đạo giới trẻ Tiệp Khắc hoàn thành cuộc Cách Mạng Nhung lừng lẫy của Tiệp Khắc mười mấy năm sau đó.

Ở Việt Nam, đó là những nhân vật đấu tranh cho dân chủ nhân quyền. Trong dịp thăm viếng VN tuần trước, ngay vào ngày nhà nước áp án sơ thẩm cho Điếu Cày, Thứ trưởng bộ Ngoại Giao Mỹ Negroponte đã đề cập đến họ bằng danh xưng “Các đại diện của xã hội dân sự” của VN.

Có thể tạm liệt kê một vài trường hợp tiêu biểu:

Nhà văn Hoàng Tiến dõng dạc trả lại thẻ cử tri và chuẩn bị balô sẵn sàng đi tù.

Blogger BaoThu gửi thư ngỏ cho Người lính già Vũ Cao Quận: “Đừng! Đừng!Dù có uất ức như thế nào chăng nữa đ/c vẫn phải sống,sống để tiếp tục đấu tranh,sống để viết,viết nhiều hơn nữa và để….sẵn sàng vào tù vì đủ các thứ ‘tội’ ‘chống phá’, ‘phản động’ mà người ta sẵn sàng úp lên cái đầu bạc của đ/c. Một thằng tù gần 80 tuổi như đ/c, hoặc quá 80 như tôi chắc càng làm thế giới văn minh xôn xao và...cũng không… dễ phục vụ cho các anh cai tù đâu đ/c ạ! …Tôi chỉ có một điều phản đối kịch liệt đ/c đó mà thôi!”.

Bản Lên tiếng của Khối 8406 về việc chiến sĩ Nguyễn Vũ Bình vừa ra khỏi nhà tù nhỏ: “Chúng tôi xin chúc mừng Anh gặp lại gia đình, gặp lại người vợ can đảm, cũng như trở lại hàng ngũ các chiến sĩ đã và đang đem cả mạng sống mình khôi phục sự sống đích thực cho cả dân tộc, đã và đang noi gương Anh, chấp nhận đi vào nhà tù nhỏ để dân tộc ra khỏi nhà tù lớn mang tên ‘Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’, đã và đang chịu đựng gian khổ đàn áp để dân tộc sớm được sống trong an bình tự do, đã và đang dũng cảm đương đầu với độc tài độc đảng để dân tộc mau vui hưởng chế độ đa đảng đa nguyên”.

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do, ông Phương Nam đã khẳng định: “Tôi cũng đã nói với Công An, và hôm nay trên diễn đàn này, tôi cũng muốn nhắc lại một lần nữa quan điểm của tôi rằng tôi đã sẵn sàng bước vào một nhà tù nhỏ để dân tộc này sớm bước ra khỏi nhà tù lớn. Nhà tù lớn ấy hiện nay mang tên là Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.

Hãy nghe lại lần nũa những lời khẳng khái đến vang dội bốn ngàn năm lịch sử nước nhà của LS Lê Thị Công Nhân: “Tôi sẽ chiến đấu tới cùng dù chỉ còn một mình tôi....Và Cộng Sản đừng hòng mong tôi thỏa hiệp chứ đừng nói là đầu hàng. ... Gia đình tôi đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, đó là tôi sẽ bị khởi tố và có thể bị đi tù, nhưng tôi khẳng định một lần nữa đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra”.

Đưa tin về phiên toà xử phúc thẩm hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân ngày 27-11-2007, hãng thông tấn quốc tế AFP đã dẫn lời Luật Sư Lê Thị Công Nhân tuyên bố tại tòa: “Cho dù hôm nay tôi được thả thì điều đó cũng chỉ như chuyển tôi từ nhà tù nhỏ sang nhà tù lớn nên tôi sẽ tiếp tục nêu quan điểm của tôi”.

LS Lê Thị Công Nhân cũng đã từ chối lời đề nghị chấp nhận quy chế tỵ nạn chính trị để không bị đẩy ra khỏi nước.

“Đầu thần chưa rơi” và hào khí Diên Hồng của ta năm xưa có thực cao hơn thế không? Chủ chiên của ta đã dõng dạc như thế! Bồ tát Vô úy của ta đã ứng thân như thế! Trí thức của ta đã can trường như thế! Lãnh đạo tương lai của ta đã anh dũng như thế! Nhân dân của ta đã đồng cam cộng khổ triền miên như thế! Lòng dạ và mặt mũi nào ta chỉ ngồi yên nhìn cộng sản tiếp tục khấu đầu trước ngoại bang?

Hãy ôn hòa nhưng quyết liệt xuống đường để bẻ gãy một mối trong mớ giằng co tam giác nói trên. Để chỉ còn Việt Tộc dũng trí và hào hùng đối đầu với dã tâm của Bắc Kinh.

 

14-9-2008, kỷ niệm 50 năm công hàm dâng đảo của Phạm Văn Đồng.

Đinh Tấn Lực – Chung cư Nguyễn Thiện Thuật – Q3 – TP/HCM


Nguồn: http://www.troinam.net/


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Hào Khí Diên Hồng Có Thực Cao Hơn Thế Không ?
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc
và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ.



Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt