Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com





Đề Mục


1- Truyền Thuyết Hoa Mai
2- Hoa Mai trong ngày tết cuả ngưởi miền Nam
3- Mai Vàng, Muà Xuân và Việt Nam



Truyền Thuyết Hoa Mai

                                                     Posted by: thuyngakhanhhoa on: Tháng Bảy 28, 2009


hoa mai vàng

   Nếu như người dân ở miền Bắc chăm chút cho những cành đào khoe sắc đón năm mới, thì miền Nam, hoa mai lại chính là biểu tượng của ngày Tết Nguyên đán. Hoa mai có thể nở được quanh năm, vì chỉ cần làm cho mai rụng lá thì nụ hoa sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, chỉ có hoa mai nở trong dịp Tết mới mang được ý nghĩa sâu đậm mà thôi.

  Màu vàng của hoa mai từ lâu được xem là màu hy vọng, tượng trưng cho sự giàu sang phú quý (trùng màu với vàng), hợp với niềm hân hoan chờ đón Tết đang rạo rực trong lòng người. Vì vậy, ngày Tết mà trong nhà có một vài cây mai hoa nở rộ thì niềm hân hoan lại càng được dịp dâng cao gấp bội.

Theo nhiều người, hoa mai càng có nhiều cánh thì càng đẹp và nhà đó càng giàu. Nhưng theo retre được biết từ các cụ già, nếu cây mai nhà nào chỉ nở hoa mai 7 cánh thì nhà đấy sẽ đại cát đại quý trong năm đó.

xin được gửi đến mọi người điển tích hoa mai vàng rất cảm động

Ngày xửa… Ngày xưa… Có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô yêu bố mẹ mình, chị mình đã đành, cô còn yêu cả bà con quanh xóm, yêu cả ba ông Táo bằng đá núi đêm ngày chịu khói lửa để nấu cơm, hầm ngô, nướng thịt cho mọi người ăn. Một lần, thương ba ông Táo, trời đã nóng lại chịu lửa suốt ngày đêm, cô bé mới lên năm ấy đã lấy một gáo nước to dội luôn lên đầu ba ông. Tro khói bốc lên mù mịt. ông Táo già nhất vụt hiện ra nói:

- Cháu thương ta nhưng chưa hiểu ta. Lửa càng nóng, ta càng vui. Cháu mà dội nước thì có ngày ta bị cảm mất. Từ đấy, cô bé không dội nước lên đầu ba ông Táo nữa. Nhưng ông Táo già thì thỉnh thoảng lại hiện lên trò chuyện với hai chị em cô bé trong chốc lát. Một hôm thương ông, cô em hỏi:

- Ông thích lửa thôi à? Ông còn thích gì nữa không?

-Có chứ! Năm sắp hết. ông phải về trời! Cháu bắt cho ông con cá chép ông cưỡi về Trời thì ông thích nhất. Cô bé liền rủ chị đi bắt cho bằng được một con cá chép về. Cô bỏ ngay vào bếp lửa rồi nói:

- Ông Táo ơi! Chúng cháu biếu ông con chép này đây!

Con cá chép vụt biến mất. Tối hăm ba Tết, quả nhiên hai chị em thấy ông hiện ra, sau đó cưỡi con cá chép như cưỡi ngựa, bay ra khỏi nhà và bay cao mãi lên trời… Bố cô bé là một người đi săn thú rất tài giỏi. Ông thường chỉ thích đi săn thú dữ. Ông bảo:

- Còn thú ác thì tôi còn đi săn cho kỳ hết!

Ông không muốn truyền nghề cho con mình, vì cả hai đều là gái. Nhưng cô em lại rất thích nghề của cha. Lên năm cô đã xin cha dạy cho mình đủ cả côn, quyền và đao kiếm. Cô tuy bé người nhưng nhanh nhẹn vô cùng, và về sức mạnh của đôi tay cô, người cha cũng phải kinh ngạc. Lên chín, cô đã hăm hở xin theo cha đi săn thú. Người mẹ và người chị lo lắng, nhưng cô bé đã thưa ngay:

- Con không giết được con mồi bằng một nhát như cha thì con đâm ba nhát, năm nhát, mẹ và chị cứ yên tâm.

Nói sao làm vậy, cô bé lần đầu theo cha đi săn đã giết ngay được một con lợn lòi rất hung dữ… Trong vùng bỗng xuất hiện một con quái đầu người mình báo. Bà con ai cũng lo lắng, khiếp sợ. Vì con quái vật chỉ thích ăn thịt người, nhất là thịt trẻ con. Người cha liền dẫn cô gái nhỏ đi tìm quái vật để giết. Người mẹ và chị can ngăn nhưng không được. Người cha bảo:

- Tôi chỉ cho nó đi theo để xem, còn diệt quái ác là việc của tôi, hai mẹ con đừng lo.

Hai cha con đi được mấy ngày thì có tin con quái đã bị người cha giết chết thật. Bữa hai cha con trở về, bà con trong vùng mang rượu, gà vịt đến làm cỗ ăn mừng. Cô gái nhỏ không quên đặt vào bếp lửa một con cá chép và khấn với ông Táo già:

- Chúng cháu xin gửi biếu ông con chép để thỉnh thoảng ông cưỡi đi chơi.

Ông Táo già lại hiện lên cám ơn cô bé và hỏi:

- Cháu thấy con quái có sợ không?

- Cháu chỉ thích được cha cháu cho cháu được cùng đánh với nó, nhưng cha cháu không chịu.

Người cha sau đó bỗng bị ốm nặng. Người mẹ và hai cô gái hết lòng chăm sóc. Bệnh người cha có đỡ, nhưng sức khỏe thì không còn được như trước nữa. Vài năm sau, ở vùng trong xa, bỗng xuất hiện một con quái cũng đầu người nhưng mình trăn. Con quái này có sức khỏe ghê gớm. Nó có thể quấn chết một con bò mộng chỉ trong chớp mắt. Nó lại cũng thích ăn thịt trẻ con và có thể ăn một lúc đến mấy đứa. Bà con vùng đó liền cử người ra mời cha con người đã giết con quái đầu người mình báo vào diệt quái giúp bà con. Người cha nhìn cô gái nhỏ của mình hỏi:

- Liệu con có nhận lời đi giúp bà con không?

Cô gái nhỏ liền đáp:

- Con xin cha mẹ và chị để cho con đi!

Người cha nói:

- Cha sẽ cùng đi với con, nhưng cha chỉ giúp con thôi. Lần này chính con phải lo diệt quái đấy. Người mẹ và chị càng lo lắng gấp bội.

- Ông ơi! Đường từ đây vào đó xa xôi cách trở. Quái thì dữ ác mà con bé thì mới mười bốn tuổi, tôi sợ lắm.

- Cha ơi! Cha và em nhận lời, rủi có chuyện gì thì mẹ và con làm sao sống nổi.

Cô gái nhỏ liền thưa:

- Mẹ và chị à, con tuy còn nhỏ nhưng con có đủ sức để diệt quái. Bà con đã ra nhờ lẽ nào mình lại từ chối. Mẹ và chị cứ yên lòng. Cha và con diệt xong quái sẽ trở về ngay.

Thấy không can ngăn được, người mẹ và chị đành lo chuẩn bị mọi thứ cho hai cha con lên đường. Trước đó người mẹ đã may áo mới cho hai con ăn tết, bây giờ bà liền hỏi cô gái nhỏ:

- Con muốn mẹ nhuộm áo cho con màu gì?

Cô bé nhìn ra ngoài đồi núi, rồi đáp:

- Con rất thích màu vàng!

Người mẹ liền giã nghệ nhuộm cho con một màu vàng thật tươi. Ngày lên đường, cô bé mặc chiếc áo vàng, nhìn càng khỏe, càng đẹp. Cô nói với mẹ và chị:

- Diệt xong con quái lúc về con sẽ mặc áo này cho mẹ và chị nhận ra được con ngay từ xa…

Trước khi đi cô gái cũng không quên khấn chào ông Táo đá núi và hứa:

- Cháu sẽ trở về kể chuyện diệt quái cho ông nghe.

Ông Táo liền hiện ra nói:

- Chúc hai cha con mau trừ được quái. ông sẽ chờ ngày trở về…

Hai cha con đi ròng rã hơn một tháng trời mới vào đến nơi có con quái đầu người mình rắn. Nghỉ ngơi được dăm ba ngày, hai người liền đi tìm quái để diệt. Hai cha con đánh nhau với nó hai ngày liền mà không diệt nổi. Sức của người cha thì cứ yếu dần. Cô bé liền thưa với cha:

- Cha ơi! Ngày mai cha cứ để cho con bám sát nó. Con sẽ đâm một con dao găm chặt đuôi nó vào thân cây này, đâm một con dao cắm chặt mình nó vào thân cây khác. Nó không quăng mình đi được thì ta sẽ lựa thế mà chặt đầu nó đi. Người cha biết cách đánh đó hay nhưng rất nguy hiểm.

Tin vào tài nghệ của con, ông gật đầu:

- Được! Nhưng con phải đề phòng cẩn thận nếu nó dứt được đuôi ra.

- Cha cứ yên tâm.

Ngày hôm sau theo cách đánh ấy, hai cha con quả đã diệt được quái. Nhưng trước khi chết nó đã quẫy mạnh một cái, dứt được cái đuôi ra khỏi mũi dao. Sau đó nó liền cuốn ngay lấy người cô bé. Cô bé vừa chặt được cái đầu con quái thì cũng bị con quái quấn gẫy cả xương mềm nhũn cả người. Thấy con gái yêu của mình chết, người cha buông rơi cả thanh kiếm, chạy đến đỡ lấy xác con. Bà con trong vùng cũng vừa chạy đến. Họ đem xác cô gái về chôn cất rồi lập đền thờ. Nhưng cô gái đâu chịu chết như vậy. Vì cô biết rằng cha mẹ chị mình cùng bà con vùng trong, vùng ngoài đều yêu quý mình, mà cô cũng yêu quý và muốn sống với họ. Cô xin thần Đất giúp cô biến thành một con chim lông vàng rực rỡ, một con chim chưa ai thấy bao giờ rồi bay về quê nhà xin gặp ông Táo đá núi:

- Ông ơi! Cháu bị con quái quấn chết. Nhưng cháu mà chết thì mẹ cháu, chị cháu làm sao sống nổi. Vậy đêm nay hăm ba Tết, ông có về trời ông hãy tâu với trời cho cháu sống lại…

Ông Táo đá núi liền hứa:

- Được, ông sẽ tâu giúp cho cháu…

Con chim lông vàng rực rỡ liền bay xuống chỗ mẹ và chị đang ngồi, kêu lên mấy tiếng rồi bay đi. Cũng vừa lúc đó người mẹ và chị biết tin là cô gái nhỏ đã không còn nữa. Bà mẹ ngã ra chết giấc bên bếp lửa. ông Táo đá núi liền đưa hai bàn tay ấm nóng áp vào trán cho bà tỉnh lại và nói ngay:

- Bà cứ yên tâm. Đêm nay về trời, tôi sẽ xin trời cho cháu sống lại.

Hai mẹ con nghe nói mừng quá liền sụp xuống lạy tạ ơn. Ông Táo đi tối hăm ba thì tối hăm tám ông trở về hạ giới. ông nói với hai mẹ con:

- Trời rất thương cô bé nhưng cháu chết đã quá ngày, xin sống lại quá chậm. Vì vậy trời chỉ có thể cứu cho cháu mỗi năm sống lại được chín ngày.

Hai mẹ con nghe nói vừa buồn nhưng cũng vừa mừng. Thôi cứ được trông thấy con, thấy em trong giây lát cũng đã đỡ khổ rồi. Huống gì lại được thấy đến chín ngày. Bà mẹ liền hỏi:

- Ông ơi! Bao giờ thì cháu sống lại được?

- Tùy hai mẹ con cứ cầu trời sống từ ngày nào, trời sẽ cho ngày ấy.

- Vậy nhờ ông xin cho cháu sống lại ngay đêm nay!

- Đêm nay thì chưa được, sớm nhất là phải từ đêm mai!

- Vâng, ông xin cho cháu sống lại từ đêm mai vậy!

Hai mẹ con suốt đêm hôm ấy cứ thức mãi. Cả ngày hôm sau, hai mẹ con đều chẳng muốn làm gì. Chỉ mong cho trời chóng tối. Chờ mãi rồi trời cũng tối thật. Hai mẹ con hồi hộp đợi, không biết con mình, em mình sẽ sống lại trở về như thế nào. Định khấn gọi ông Táo thì bỗng nghe ngoài cổng có tiếng gọi:

- Mẹ ơi! Chị ơi!

Hai mẹ con vụt chạy ra và thấy đúng là cô gái nhỏ đã trở về. Trong chiếc áo vàng vẫn sáng lên nhìn rất rõ. Ba mẹ con ôm nhau khóc như mưa. Ngày hôm sau người cha cũng từ vùng trong trở về. Dọc đường thương con, thương vợ ông chưa biết sẽ nói gì cho vợ và con ở nhà đỡ khổ. Không ngờ khi về đến nhà đã thấy cô gái nhỏ đang nằm ngủ bên cạnh mẹ và chị. Ông dụi mắt tưởng là con bé nhà ai đến chơi. Khi biết cô gái nhỏ đã được sống lại, trở về ông liền ôm chầm lấy con và cứ để cho nước mắt chảy dài trên má.

Cô gái nhỏ ăn Tết với cha mẹ và chị đúng chín ngày. Trong chín ngày đó, cô gái nhỏ dành làm hết mọi công việc để giúp cha mẹ, giúp chị. Nhưng cả nhà lại không muốn cô gái làm việc gì. Trong chín ngày, họ sống bù cho cả một năm sắp phải xa nhau. Đến đêm thứ chín trời vừa tối, cô bé vừa kịp ôm lấy cha, mẹ và chị để chào ra đi thì người cô bỗng cứ mờ dần như sương khói rồi biến mất. Cả nhà buồn rầu, thương nhớ cô gái nhỏ vô cùng. Nhưng nghĩ đến chuyện Tết năm sau, cô sẽ về, mọi người lại ôn ủi nhau, lại kiên nhẫn chờ đợi…

Và năm sau, cũng vào chiều hai chín Tết, cô gái nhỏ áo vàng lại trở về ăn Tết với gia đình rồi đến tối mồng Bảy lại ra đi… Năm nào cũng thế. Nghe chuyện lạ, người vùng trong liền cử người ra mời cả gia đình vào sinh sống trong đó để bà con được trả ơn và gặp lại cô gái nhỏ đã giúp bà con diệt được con quái đầu người mình trăn. Thấy sức người cha đã suy yếu, cả nhà bàn với nhau và nhận lời. Từ đấy hàng năm, cô gái nhỏ áo vàng lại trở về sống chín ngày cuối năm, đầu Xuân với cha mẹ, với bà con vùng trong. Khi cha mẹ và chị đều mất cả, cô gái không về nữa. Cô hóa thành một cây hoa ngay ở ngôi đền bà con đã dựng lên để thờ cô. Cây ấy hầu như cả năm chỉ có lá, nhưng cứ vào khoảng gần Tết, hoa lại nở đầy. Hoa màu vàng tươi như màu áo của cô gái nhỏ ngày trước.

Hoa vui Tết với bà con khoảng chín mười ngày rồi rụng xuống đất, biến mất để năm sau lại trở về. Cây hoa ấy ngày nay ta gọi là cây Mai Vàng. Ngày Tết ở miền Trung và ở Nam Bộ, bà con thường mua một cành mai vàng về cắm trên bàn thờ ông bà. ôi cũng tin rằng, có cành mai vàng vừa đẹp nhà vừa vui Tết lại vừa có thể xua đuổi được hết các loài ma quái trong suốt cả năm.


Nguồn: http://thuyngakhanhhoa.wordpress.com



Hoa mai trong ngày tết của người miền Nam

      Hoa Mai, với miền Nam nước Việt, nằm trong vùng khí hậu nhiêt đới rất thích hợp môi trường cho Hoa Mai đơm bông nẩy lộc mỗi dịp Xuân về Tết đến. Khác với miền Bắc, khí hậu có phần nào lạnh lẽo hơn, thích hợp cho Hoa Đào khoe sắc.



       Đào đỏ, mai vàng. Màu đỏ thăm tươi biểu tượng cho sự vui mừng; màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang. Tại nước Việt màu vàng còn tượng trưng cho Vua (thời phong kiến) Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành- Thổ nằm ở vị trí Trung Ương, và màu vàng cũng tượng trưng cho nòi giống Việt. Không ngạc nhiên dân Việt chuộng mai vàng cho ngày đầu năm tại phương Nam.
      Nói đến hoa Mai sách vở và trong dân gian chia Mai làm mấy loại:
   -Khánh khẩu mai: Mai trồng ở vùng núi Khánh Khẩu (Có lẻ ở bên Tàu)
   -Hà Hoa mai: Cánh mai giống cánh hoa sen ôm tròn vào nhụỵ
   -Đàn Hương mai: Mai vàng màu sậm, nhiều hoa, hương thơm nồng, nở sớm.
   -Ban Khấu mai: Cánh hoa cong cong, không nở xòe như các loại khác.
   -Cẩu Đăng mai: Hoa nhỏ không có hương thơm.
      Không biết từ lịch sử nào trong dân gian có những phân chia như vậy về Mai. Tuy nhiên, theo sự thông tục bình thường, người chơi mai, mua mai chỉ chú đến 2 loạị Mai Tứ Quý, nở bốn mùa có năm cánh, bông to, và một loại Mai có mười cánh, bông nhỏ hương thơm.
      Khi chọn mua một cành mai về chưng trong ba ngày Tết, người mua thường để ý các điểm sau đây:
  - Những cành mai có dáng đẹp, với các hình dáng một gốc “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng Hoàng…
      Ngoài những nét trên, người mua mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự sắp xếp các nhánh. Có thể phân chia tên gọi tùy sự phong phú của các tay chơi mai chuyện nghiệp.
      Nhìn chung có các điểm cần chú ý khi lực một nhành mai: Các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ bụ bẩm, lá non vừa nhú.
      Ngoài ra những người chơi mai chuyên môn còn phân biệt thêm nhiều thứ phụ khác nữa mà chỉ có các nhà ấy biết mà thôi. Thí dụ như Nhụy Âm Dương, Cành Tứ Quý. Nhụy âm đương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành từ quý chỉ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông…v.v. Đặc biệt là các nhà nho học chơi mai rất công phụ Một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là xui xẻo cả năm (Người chơi mai tin như vậy).
Nói chung do sự nhân cách hóa mà con người đã đặt vào cây mai khi đem bày trong nhà trong ba ngày Xuân. Phong tục á Đông nói chung, Việt nam nói riêng rất trọng sự tôn ti trật tự, trên dưới trong ngoài thành nề nếp. Và mỗi cuộc chơi đều mang theo nhiều ý nghĩa cao siêu.
      Từ những nhu cầu như thế cho nên ngoài những cành mai bình thường bày bán trong các chợ tết, những cành mai nầy cắt từ những cây mai trong vườn, bó lại bằng lá dừa và mang ra chợ bày bán, cốt mua về cho có hương thơm, có màu vàng trên bàn thờ cho tăng thêm không khí tết; các chủ nhân các gốc lão mai thường ỏ công ra chăm bón những cành mai rất đạt tiêu chuẩn yêu cầu của các bậc danh nho đòi hỏi. Tất nhiên các gốc mai nầy giá đáng bạc vạn.
       Trồng mai trên đất vườn phải là thứ đất đen, đất thịt nhưng không giữ nước để tránh úng thủy. Mai trồng trên các luống vồng cao, có khoảng cách vừa đủ đề cây tăng trưởng. Mỗi năm vào rằm tháng 10 Âm Lịch phải ngắt hết lá để dồn nhựa cho các nhánh ra hoa. Tuốt lá không đúng ngày sẽ ảnh hưởng đến ngày hoa nở. Khi cắt nhánh đem ra chợ phải đốt gốc. Cách đốt gốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc giữ cho hoa nở bền hơn.
      Ngoài các loại mai vàng kể trên, tại Lục Tỉnh còn một loại mai trắng, còn có tên gọi là Nam Mai- Cây Nam Mai chánh thực là cây gì? Đó là cây Mù U. “Nhánh mù u con bướm vàng không đậu, vì xa em mà thành điệu nhớ não lòng” Mù u bông trắng, năm cánh, lá mù u to bản dày kích thước chừng bàn tay người lớn. Thân mu u là thân mộc, mù u có trái tròn không ăn được, hột mù u ép làm dầu thắp đèn, nhiều khói ít sáng. Cây mù u có tên Nam Mai trong sự tích Gia Long Tẩu quốc.
     Cứ mỗi dịp Xuân về bất cứ con người Việt Nam nào, nếu còn yêu quê hương, còn trông về nguồn gốc, đều cảm thấy một nỗi sầu man mát dâng tràn. Dù cho đang sống tại quê nhà hay đang lưu lạc khắp năm châu bốn biển. Nhắc đến cây Mai là nhắc đến ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc đến bành dày bánh chưng, cây nêu tràng pháo, thịt mỡ dưa hành.


     Tại Hoa Kỳ không tìm được giống Mai Vàng nên tạm dùng cành đào hồng (plum) bông nhỏ mỏng manh thay thế cây Mai Vàng ngày đó để chưng nơi bàn thờ và treo đôi bà cánh thiệp xuân để nhớ những ngày Xuân yêu thương trên đất mẹ.
                                                                                                                    

 Sưu Tầm
Nguồn: http://www.hoatuoidep.com




 Mai Vàng, Muà Xuân và Việt Nam


Lý Lạc Long



Mai, Lan, Cúc, Trúc là biểu tượng của bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mai vàng, một loài hoa đẹp cao quý chỉ nở mỗi năm một lần đúng vào dịp Xuân về, với dân Việt, hoa mai đã trở thành sứ giả biểu tượng cho mùa xuân của vùng đất phương Nam từ nghìn năm trước. Trong văn chương, hoa mai đã có mặt trong thơ của thiền sư Không Lộ, thiền sư Mãn Giác từ thời nhà Lý, thiền sư Huyền Quang thời nhà Trần, trong thơ của Nguyễn Trãi thời nhà Lê, trong những tác phẩm nổi tiếng như Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, trong Lục Vân Tiên của Nguyễn đình Chiểu ... và rất nhiều những vần thơ, những áng văn của các văn thi nhân khác từ cổ chí kim viết để ca tụng hoa mai . Trong số này, có hai câu thơ, tương truyền là của Chu Thần Cao Bá Quát, mà khi đọc sẽ thấy ngay địa vị của hoa mai trong tâm tưởng của thi nhân Việt .

”Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.
(Mười năm chu du tìm gươm cổ
Một đời chỉ cúi lạy hoa mai.)

Thiền sư Huyền Quang, ông tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã "phong" cho hoa mai ngang hàng "ngự sử".

"Ngự sử mai hai hàng chầu ráp
Trượng phu tùng mây rặng phò quang"

Mai cũng có mặt trong hai câu thơ khắc trên chiếc dĩa cổ cuả triều Nguyễn, trưng bày ở Huế mà tác giả theo tương truyền là của Nguyễn Du.

"Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen"

Nhưng hiện nay tác giả của hai câu thơ trên là đề tài đang được tranh luận . Giữa Nguyễn Du, Định Viễn Quận Vương và Đông Các Đại Học Sĩ Đinh Phiên, ai là tác giả vẫn chưa có kết luận.( Ðịnh Viễn Quận Vương là hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long. Ðông Các đại học sĩ Ðinh Phiên là người đã phụng mệnh vua Gia Long làm phó sứ cho Cần Chánh đại học sĩ Nguyễn Xuân Tình sang Thanh năm 1819) .
Xuân đến- xuân đi, những ngày Xuân trôi qua, nhìn những cánh hoa mai vàng rơi lìa khỏi thân cành như nhắc nhở dòng thời gian đến-đi, hoa nở- hoa tàn, tóc xanh- tóc bạc . Vòng đời luân chuyển, mọi việc trên đời đều vô thường. Vô thường của thời gian, vô thường của cỏ cây hoa lá, vô thường của kiếp người. Một sự chu chuyển tất yếu của thiên nhiên và sinh mệnh. Ai cũng đến đi, ai cũng trẻ già, ai cũng sống chết. Ngắn ngủi một kiếp người, đã là thế nhân làm sao thoát khỏi vòng sinh tử. Phàm nhân tục tử, như hầu hết chúng ta, chắc ai cũng có những cảm giác băn khoăn, nuối tiếc, lo lắng, sợ hãi... khi nghĩ đến thời điểm phải rời xa trại tạm trú trần gian này. Làm sao có thể an nhiên, tự tại, thanh thản, sẳn sàng đón nhận sanh tử vô thường như các bậc giác ngộ ? Dù có chờ hay chẳng đợi, thì con người vẫn phải phụ thuộc theo sự vận hành của đất trời, như một phần tử của bộ máy tạo hóa xoay chuyển và biến hóa mãi không ngừng. Dù vui hay buồn thì Xuân cũng đến và đi . Như tâm sự của Chế Lan Viên khi xuân về :

" Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả là vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau…"

Mỗi độ xuân về, có lẽ bài kệ thi "Cáo Tật Thị Chúng " của thiền sư Mãn Giác được nhắc đến nhiều nhất vì cái hay, cái đẹp của tứ thơ và phong thái của một bậc giác ngộ đối diện với Sinh, Trụ, Dị và Diệt của vạn vật và con người .

Cáo Tật Thị Chúng
"Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai."
(Xuân đi, trăm hoa rụng
Xuân đến, trăm hoa khai
Đời thoáng ngang qua mắt
Tóc trên đầu bạc phai
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai.)

    Xuân đến trăm hoa khoe sắc thắm, xuân đi qua trăm hoa rơi rụng. Xuân đến và đi, với thiền sư, thanh thản, nhẹ nhàng, bình yên và an lạc . Với thời gian, tóc xanh mới đó đã thành bạc thì cũng chẳng có gì vướng bận tâm hồn. Những gì đã qua không nuối tiếc, những gì chưa đến không mong cầu. Bình thản, tự tại và an lạc sống với hiện hữu, trước những cảnh biến đổi của thời tiết thiên nhiên, trước những đổi thay dâu bể của cuộc đời. Nhưng đây là cách ứng xử của một bậc chân tu, đã giác ngộ lẽ sinh tử vô thường của cuộc sống. Còn thế nhân như chúng ta, tâm tư đầy ắp bóng dáng khổ lụy của kiếp người. Lúc được thì vui, lúc mất thì buồn. Khi gần gũi thì hạnh phúc, khi ly biệt thì đau khổ. Được khen thì tươi tắn, bị chê thì ủ rũ. Như ý thì hân hoan, trái ý thì cáu giận ... Tóm lại, chúng ta là phàm nhân, rất khó kềm chế lòng ham muốn của con người nên luôn bị chi phối bởi những cảm giác thương yêu, ghen ghét, lo âu, sợ hãi, buồn sầu, vui vẻ, khổ đau, hạnh phúc ... và làm sao không nao núng tâm thần trước những biến đổi lớn lao của cuộc sống. Nhưng đã sinh ra làm kiếp con người, dù có "Trải qua những (một) cuộc biển dâu; Những điều trông thấy mà đau đớn lòng", dù không đủ khả năng giác ngộ mọi việc như một bậc chân tu, dù phải chân ngắn bước dài, lên cao xuống thấp, thăng trầm theo buồn vui nhân thế thì chúng ta cũng phải sống, và sống cho trọn một kiếp trăm năm. Dù vẫn biết bài thi kệ "Cáo tật thị chúng", thiền sư Mãn Giác có ý nhắn dạy thế nhân về qui luật vận hành tất yếu của thiên nhiên và cái vòng tử sinh luân hồi của kiếp người. Nhưng mùa xuân đã qua mà thiền sư vẫn trông thấy một nhành mai ở sân trước. "Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận; Đình tiền tạc dạ nhất chi mai." Có chăng một cành mai nở muộn lúc xuân tàn? Hay thiền sư đã nhìn thấy sự trường cửu của mùa xuân nơi cành mai tàn có thực trước sân chùa? Theo qui luật thiên nhiên thì cành mai chắc chắn là không có hoa , nhưng sư Mãn Giác đã nhận ra thông điệp của mùa xuân kế tiếp, của thế hệ kế tiếp nơi cành mai không hoa ấy mà nói thế để truyền dạy cho thế nhân thông điệp: Mùa Xuân trường cửu trong vạn vật. Ước mong chúng ta có thể nhìn thấy sự trường cửu của mùa Xuân trong mọi việc đã qua, đang xảy ra và sắp đến. Mùa Xuân là mùa cây lá đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa khoe sắc thắm... Mùa Xuân là mùa của sự sống, là biểu tượng cho sự cát tường của đời sống.

   Hoa mai đã đươc tao nhân, mặc khách ưa chuộng bởi cái vẻ đẹp thanh khiết cao quý, hương hoa nhẹ nhàng thanh tịnh . Trời càng lạnh, hoa càng tỏa hương thơm hơn nên hương của hoa mai còn được gọi là "lãnh hương" (hương lạnh). Màu vàng của hoa mai là màu tượng trưng cho sự vinh hiển cao sang, màu tượng trưng và dành riêng cho vua chúa thời xưa. Theo thuyết ngũ hành, thì màu vàng thuộc hành Thổ, nằm ở vị trí Trung Ương của bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Màu vàng cũng là màu biểu tượng cho nòi giống Việt. Cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi dân Việt phuơng Nam chọn mai vàng để đón Xuân, để đón cái Tết Nguyên đán thiêng liêng, cổ truyền của dân tộc .
Nhiều quốc gia trên thế giới có một tập quán rất hay, họ gọi tên quốc gia bằng tên của một loài hoa như : Hòa Lan là xứ sở của hoa tulip, Bungari là đất nước hoa hồng, Nhật Bản là đất nước hoa anh đào, lá phong (maple leaf) là biểu tượng của Canada ...v.v Cũng là thảo mộc như bao loài thảo mộc khác nhưng nhưng những hoa, lá đó là biểu tượng của một quốc gia, mang trên mình sứ mệnh của một đất nước, chuyển tải cái hồn của cả một dân tộc. Cũng với định ý này, người Nhật đã vinh danh hoa anh đào là quốc hoa (kuni no hana) của Nhật Bản. ChoViệt Nam, nếu theo tập quán có ý nghĩa, hay và đẹp này thì hoa mai có thừa đủ mọi tiêu chuẩn để trở thành biểu tượng cho đất nước Việt Nam. Mặc dù là vậy, ở Việt Nam, hoa mai vẫn chưa được "vinh danh" xứng đáng với tầm vóc và phẩm chất của một loài hoa cao quý. Có lẽ, mọi người dân Việt nên suy nghĩ "dùm" cho hoa Mai . Có thể nói, đây là suy nghĩ cho cả dân tộc và đất nước VN luôn chứ không phải cho riêng hoa mai. Phần của hoa mai thì chắc cũng đã hài lòng với những tước hiệu như "sứ giả của mùa xuân", " ngự sử", "loài hoa cao quý", "bạn song hành với thi nhân" ... mà dân Việt đã dành tặng cho hoa mai qua bao nhiêu thế hệ.

   Mỗi độ xuân về, ngoài trời tuyết phủ trắng cảnh vật. Đã bao nhiêu cái Tết chẳng có mùi vị Xuân trôi qua im lặng đến lạnh lùng như khí hậu lạnh lẽo của nơi này. Giao thừa đến không hay, giao thừa đi chẳng biết. Đôi khi có dịp cùng vài người bạn thân cạn vài ly rượu mừng Xuân, cũng thấy ấm áp, khuây khỏa vơi bớt nỗi buồn ngày Xuân xứ lạ đôi chút. Cùng nhau ôn lại quá khứ, nhắc lại những kỷ niệm đã qua. Chợt nhận ra, đã có quá nhiều thay đổi, khác biệt do cuộc sống mang lại . Những giấc mơ đầy nhiệt huyết thuở nào dường như đã bị chôn vùi sâu dưới lớp bụi thời gian. Nhạt nhoà và mất dần dấu tích theo năm tháng trôi qua. Buồn lại kéo về tràn ngập, tát không vơi.

Đón Xuân nơi xứ lạ
Cành mai giả, màu vàng
Ngoài trời tuyết phủ trắng
Những giấc mơ muộn màng
Ngày Xuân đem rao bán
Tiếng tơ lòng ai mua ?
Nỗi lòng người xa xứ
Chờ cơn gió giao mùa .

Thêm một mùa Xuân đang chờ ngoài ngõ, nỗi nhớ quê hương càng thêm da diếc. Tự nhủ lòng : Thôi đừng buồn nữa tôi ơi! Quê hương còn đó, bè bạn còn đây. Rồi sẽ có một ngày đất nở hoa, đón xuân về ngắm huỳnh mai nở hoa sân trước.
Cầu nguyện cho mùa Xuân dân tộc và Việt Nam trường cửu trong lòng người dân Việt ly hương.

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai


Lý Lạc Long (Xuân 2005)
Nguồn: http://vnthuquan.net








Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang : Truyền Thuyết Hoa Mai
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt