Đọc HUYỀN TÍCH VIỆT

Nguồn Gốc Việt Tộc

của Phạm Trần Anh


 

Uyên Hạnh

E-Mail: uyenhanh@khoahoc.net

12 tháng 06 năm 2008


     Trong một lần trao đổi thư từ với Thanh Văn Đặng Gia Thọai, một cây bút cộng tác của Khoahoc.net, ông đã nói đến một tác phẩm, đó là tác phẩm NGUỒN GỐC VIỆT TỘC của Quốc Việt Phạm Trần Anh, về vấn đề hòan chỉnh và xuất bản. Chúng tôi đã được nghe qua về những khắc khỏai của Thanh Văn với tác phẩm nầy vì những khó khăn nhà viết sử Phạm Trần Anh đã trải qua trong thời gian dài viết nên tác phẩm nói trên. Khắc khỏai của Thanh Văn là việc hòan chỉnh và xuất bản được tác phẩm hay và giá trị đó. Thế rồi nhà văn Đặng Gia Thọai mất, chúng tôi thương tiếc một bút hữu đáng kính đã vĩnh viễn ra đi, và rồi thời gian cũng như bao công việc khác tiếp tục trôi qua trong bình thường cố hữu. Nhưng một bất ngờ đã đến với chúng tôi, gây khá nhiều sững sốt lẫn xúc động, đó là hôm chúng tôi nhận được bức thư của anh Phạm Trần Anh gửi đến Khoahoc.net, cùng quyển NGUỒN GỐC VIỆT TỘC vừa được xuất bản (2007) với lời ngỏ muốn sách được giới thiệu trên Khoahoc.net. Chúnh tôi bàng hòang đọc bức thư của anh, tưởng nhớ đến những gì đã trao đổi với nhà văn Đặng Gia Thọai về Phạm Trần Anh và tác phẩm nầy. Vì rằng sự trở về của Phạm Trần Anh là chuyện không tưởng. Người tù lương tâm với bản án khổ sai chung thân mà Thanh Văn nói đến được coi như đã ”chết” nay đã thực sự trở về từ địa ngục trần gian, đặc biệt tác phẩm mà Thanh Văn từng khắc khỏai vừa được anh hòan chỉnh và cho xuất bản!

 

Tiếp sau đó là tác phẩm thứ hai của Phạm Trần Anh được ra mắt đồng bào. Và đến bây giờ tác phẩm thứ ba được ra đời: HUYỀN TÍCH VIỆT. Sách dày 373 trang, xuất bản ngày 30.04.2008.  

 

Chỉ trong vòng hơn 1 năm chúng tôi giới thiệu đến độc gỉa khắp nơi tất cả 3 quyển sách của Phạm Trần Anh. Sức làm việc của anh thật đáng nể phục! Một người ngoài sự kiện đôi mắt bị mù lòa, phải thay thủy tinh thể, bị đánh gãy 2 hàm răng cùng những thương tích khác, là nội thương, hiện tại là vấn đề cho sức khỏe của anh, nhưng tại sao anh lại có được sức mạnh vô bờ để hòan thành và liên tiếp cho xuất bản những tác phẩm lịch sử của mình. Phải chăng nhờ một tiềm lực vô biên tìm thấy được qua niềm hãnh diện lòng tự tin và hạnh phúc tiềm tàng của một người đã có được cái nhìn rất sâu vào vũ trụ vào con người và nhận chân được giá trị cao cả linh thiêng của huyết thống một dân tộc. Huyết thống của một dân tộc năng động quật cường bất khuất dũng cảm vị tha đã vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn gian nan để gầy dựng đất nước Việt. Từ đó biết được rằng sự hiện hữu của con người chúng ta không đơn thuần được đóng khung trong bốn chữ ”đất, nước, gió, lửa” mà chính thực do từ nguồn tạo nên thân tứ đại nầy. Đời sống của mỗi một cá nhân là sự tiếp nối của những gì thần kỳ lớn lao của một dân tộc. Phạm Trần Anh cho thấy anh đã chia sẻ hạnh phúc làm con dân nước Việt, bằng công sức tham khảo tra cứu phối hợp với khả năng cùng tấm lòng của mình, viết nên Huyền Tích Việt.

 

HUYỀN TÍCH VIỆT có tính chất thu hút vì văn thức nhẹ nhàng trong sáng. Những điển tích huyền sử với những diễn giải bình phẩm chứng minh rõ ràng minh bạch cho ta hiểu rõ rằng, huyền tích là lịch sử là đời sống xa xưa nhưng tiếp cận được với bây giờ. Một tiếp nối linh động cho những gì rất linh thiêng rất phong phú của ngàn xưa làm nền tảng cho sự sống, để sự cằn cỗi không dễ dàng lớn mạnh và sự vị kỷ không còn được ”thăng hoa” trong cuộc sống ngàn sau, là căn bản tạo niềm tin và đem lại sự vững chải, là điểm tựa cần có được trong đời sống hiện tại của chúng ta. 

 

Đọc Huyền Tích Việt chúng ta sẽ có nhiều nỗi ngạc nhiên không nhỏ, cụ thể như đọan sau đây: Chính “Vạn thế Sư biểu” của Hán tộc là Khổng Tử cũng đã phải đem những nghiên cứu, sưu tập, học hỏi của nền văn minh Bách Việt phương Nam đặt để thành những quy luật, trật tự cho xã hội phương Bắc. Tất cả những “Tứ thư, ngũ kinh” được xem như tinh hoa của Hán tộc đã được chính Khổng Tử xác nhận là ông chỉ kể lại “Thuật nhi bất tác”, sao chép lại của tiền nhân chứ không phải do ông sáng tác ra. Ngày nay, sự thật lịch sử đã được phục hồi khi giới nghiên cứu đều xác nhận hầu hết các phát minh gọi là văn minh Trung Quốc từ nền văn minh nông nghiệp đến văn minh kim loại, kỹ thuật đúc đồng, cách làm giấy, cách nấu thủy tinh, cách làm thuốc súng, kiến trúc nóc oằn mái và đầu dao cong vút … tất cả đều là của nền văn minh Bách Việt.

Hoặc khi chúng ta đọc đến đọan: « Mới đây nhà Sử học Shi Shi của Trung Quốc, công bố công trình nghiên cứu cho biết người U-Việt đã biết đánh bắt cá ngoài biển khơi cách đây cả 7 ngàn năm. Ngày nay các học giả quốc tế đều công nhận Việt tộc (U-Việt) là một chiếc nôi của nền văn minh biển cả và đã từng làm chủ một vùng từ Bắc xuống Nam Thái Bình Dương. Chính ý chí quyết tâm sống còn cùng với tài nghệ đi biển mà cách đây mấy ngàn năm khi bị đánh đuổi khỏi Trung Nguyên, họ đã vượt biển ngược lên Nhật, ra Đài Loan rồi xuôi Nam xuống Hải Nam, Việt Nam. Từ đây một cuộc hải trình mới xuống eo bể Malacca thành lập quốc gia Tân Gia Ba (Singapore) năm 1819, thành lập Vương quốc Malacca năm 1825 rồi xuống Mã Lai, sang Châu Mỹ định cư mà phương Tây gọi một cách sai lầm là thổ dân da đỏ là Indian thực ra là gốc Hoabinhian tức Protoviets  với đặc trưng là trồng lúa nước của Malayo-ProtoViets tức Bách Việt ».

 

Không nắm được giá trị căn bản của đời sống sẽ không thấy được giá trị đạo đức luân lý của con người. Nếu không học hỏi được tình thương đồng bào qua công lao dựng nước bằng một tâm lành trong sáng của ông cha chúng ta thì trên cương vị của người lảnh đạo đất nước, người ta sẽ chỉ thấy được nhu cầu đời sống qua mắt nhìn hạn hẹp để chỉ biết giới hạn tất cả quyền lợi của con dân trong cái tôi của lòng tham vô đáy, do từ sự ích kỷ của mình họ sẽ dễ dàng áp chế ép đặt nhân dân, mục đích biến dân chúng thành những cỗ máy vô hồn. Thì giá trị và sự linh thiêng của một đời sống con người hòan tòan bị hủy diệt. Trên cương vị của một người dân, nếu không thấy được một gốc tích đáng trân qúy của mình, khởi nguồn từ bao nhiêu thế hệ bao nhiêu thăng trầm bằng những gương hy sinh cao cả những tấm lòng khí khái quật cường của tiền nhân, chúng ta sẽ không học hỏi được, thế nào là một cuộc sống vị tha, một cuộc sống biết đem tim óc xây dựng cho người và cho mình. Sẽ làm đời sống của chúng ta nghèo nàn đi, vì tất cả sẽ gói trọn trong chủ thuyết cá nhân, thì hành động và tư tưởng sẽ không có gía trị đạo đức và luân lý. Là nguy cơ của họa diệt vong, bán nước. Khi người dân của đất nước đó là những con người vô cảm lạnh lùng, sẽ vong bản mất gốc vì ”ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai mang tính thực dụng, quên đi bản sắc văn hóa truyền thống Việt chan chứa tình người”.

 

Đọc Huyền Tích Việt ta bắt gặp nỗi lòng của một người con dân yêu nước Việt vô bờ: ”Chính vì vậy, vấn đề hết sức khẩn thiết là làm sao phải phục hoạt văn hóa Việt, phục hưng minh triết Việt để tu tâm dưỡng tánh rèn luyện cá thể, để tẩy rửa mọi ý hệ ngoại lai. Thế hệ con em chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cội nguồn dân tộc, thấy rõ hơn gía trị cao đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống Việt và tự hào là “con Rồng cháu Tiên” của một dân tộc có gần năm ngàn năm văn hiến để ngẩng cao đầu sánh vai cùng các cường quốc trong thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại”. (PTA/HTV)

Cành cây lớn muôn lá, gốc vốn ở rễ. Nước có nghìn dòng sông, muôn ngọn suối, vốn có gốc từ một ngọn nguồn. Cảnh vật còn như vậy, huống chi là con người chúng ta. Con người sinh ra đời, đời đời nối tiếp về sau, đều do các người đời trước nuôi nấng dìu dắt vậy.  (HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG. Nói chuyện với các bô lão làng Vân Nội)

 

Huyền Tích Việt có một nội dung hàm súc. Qua một trong những mục trong sách, như mục "Những LỄ HỘI  Dân gian của người Việt cổ", chúng ta đọc được rất nhiều điều thú vị vì sự phối hợp linh động của những nhận thức rất sáng những diễn giải rất sâu sắc:- Lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hoá truyền thống của Việt tộc đồng thời còn là dịp để mọi người luyện tập vũ bộ, rèn luyện kỹ thuật đi biển, chiến đấu trên sông nước đúng như lời của Việt Vương Câu Tiễn nói trong Việt tuyệt thư: “Người Việt đi trên nước mà ở trên núi, lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa. Đi như gió thổi mà về nhà thì khó theo, đã đánh thì quyết đánh không sợ chết, ấy là thường tánh của người Việt” . .   

         

Theo Phạm Trần Anh thì: « Truyền thuyết Việt Nam không mang tính huyền thoại hoang đường của chủ nghĩa duy thần cuồng tín hoặc duy nhân thái quá khiến con người bị nhấc bổng lên không, để tự mãn cho rằng chỉ có con người làm nên tất cả, chỉ có cái ta duy lý đó dẫn tới quan niệm độc tôn, độc đoán, độc tài … của phương Tây. Truyền thuyết Việt Nam không mang tính huyền thoại ly kỳ như truyền thuyết về tình yêu của những anh hùng không thực và giai nhân tuyệt sắc của Ấn Độ. Truyền thuyết Việt Nam cũng không thiên về sức mạnh của vật chất, của bắp thịt siêu nhiên kiểu Samson, Hercule ... Truyền thuyết Việt Nam cũng không tôn thờ những thần thánh “thế tục hơn cả thế tục” kiểu thần Ouranos loạn luân vô đạo, thần tửu sắc Baccus, nữ thần sắc đẹp Vénus dâm dục, thần quan thầy thương mại Mercure tay cầm túi tiền, tay cầm dùi đục như thần thoại La Hy phương Tây và những nước cận Đông khác”.

                         

Tình cảm và tinh thần vị tha yêu nước yêu nhân lọai là những gì đánh động được người đọc, cũng như sự trung thực của một tài liệu sử học luôn luôn có một giá trị rất cao. Trong Huyền Tích Việt Phạm Trần Anh đã lưu ý đến vấn đề nầy: - Ngày nay không ai phủ nhận được giá trị của huyền thoại và truyền thuyết được coi là lịch sử dân gian có giá trị trung thực hơn cái gọi là “chính sử” tại một số nước độc tài hiện nay. Nói cách khác như Jung, một triết gia thời đại thì “Huyền thoại là đạo sống của một dân tộc” mà theo Wallace Cliff thì “ Nếu dân tộc nào để mất đi huyền thoại là đánh mất mạch nối vào nguồn cội quá khứ của tổ tiên và cũng sẽ mất luôn căn bản cho việc xây dựng tiền đồ của dân tộc đó”. Thật vậy Laurens và de Post đã xem huyền thoại là di sản thiêng liêng nhất vì nó diễn tả tinh thần dân tộc ở mức độ cao nhất. Micia Eliado cũng cho rằng “Huyền thoại là gia sản quí báu nhất vì tính chất thiêng liêng điển hình và mang lại ý nghĩa sống cho cả một dân tộc”. 

                                                                 

Ngòi bút của Phạm Trần Anh đem lại cho huyền sử dân tộc Việt chất vị ngọt ngào vì chứa ít nhiều lãng mạn. Là nhà văn cũng là nhà thơ nên đọc văn anh chúng ta sẽ cảm thấy thích thú vì sự sống động trong lời văn và những cảm giác nhẹ nhàng dịu ngọt có được. Điểm đặt biệt ở nhà viết sử Phạm Trần Anh là anh cho chúng ta thấy được dù ngàn xưa hay bây giờ thì huyền thọai hay truyện kể vẫn là kể về con người và kể cho con người. Con người sống với tình yêu và cho tình yêu, nên huyền thọai, dã sử hay hiện sử Việt đã tiềm tàng ẩn hịện tình yêu nam nữ trong căn bản tình đồng bào vị tha và rộng lớn. Tình cảm và tinh thần vị tha yêu nước yêu đồng bào là những gì đánh động được người đọc. Huyền Tích Việt không mang tích chất xa vời mông lung mà lại cho chúng ta cảm giác rất gần gủi. Với những hiểu biết có được do Huyền Tích Việt đem lại chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc của một niềm hảnh diện không nhỏ. Với niềm hảnh diện nầy tâm chúng ta sẽ thỏai mái bình an hơn, lòng chúng ta sẽ rộng mở và chúng ta sẽ vững chải hăng hái hơn. Với một cá thể vững vàng năng động chúng ta dễ dàng mang lại những đóng góp hữu ích cho đời cho người cho dân tộc Việt hùng cường bất khuất. Đây chính là hạnh phúc Phạm Trần Anh muốn chia sẻ cùng chúng ta. 

 

UYÊN HẠNH

Tháng 6 năm 2008


 

Cùng một tác giả:

  1. NGUỒN GỐC VIỆT TỘC
  2. ĐOẠN TRƯỜNG BẤT KHUẤT
  3. HUYỀN TÍCH VIỆT

 

NHÀ XUẤT BẢN VIỆT NAM NGÀY MAI

IN LẦN THỨ NHẤT 1000 QUYỂN

NT PRINTING 714/724-8683. Tác gỉa giữ bản quyền

              

E MAIL: quocvietanhpham@yahoo.com

Qúi vị cần mua sách xin gửi ngân phiếu 20 USD về:

                                 

PHAM TRAN ANH

10095 Larson Ave

Garden Grove

CA. 92843  -  USA


Nguồn: http://www.khoahoc.net