Huỳnh Thục Vy:
Bàn về Đạo đức thay lời chúc mừng Giáng sinh
December 22, 2011One Bình Luận
Trước nay tôi
thích nói về luật pháp hơn
đạo đức. Không phải do tôi xem thường
tầm quan trọng của nó trong mối các
quan hệ nhân sinh mà bởi
tôi cho rằng một chuẩn mực chỉ có thể
được giữ gìn khi đi kèm theo
nó là những biện pháp
thúc ước hữu hiệu. Chúng ta thấy
rõ luật pháp có được điều
kiện tích cực đó — cái
mà đạo đức không có được hoặc
có, nhưng kém hiệu quả hơn.
Thế nhưng cuộc đấu
tranh hiện nay của chúng ta là
vì một thể chế dân chủ tự do- một chế
độ chính trị mà đặc trưng của
nó là đạo đức, trong khi sự sợ
hãi là đặc trưng của chế độ độc
tài, như Montesquieu đã nói.
Tuy nhắc đến những giá trị dân chủ tự
do, chúng ta không trực tiếp đưa ra
những tuyên ngôn cho tinh thần đạo đức
nhưng kỳ thực chúng ta đang cổ vũ cho một
xã hội nơi đạo đức được trọng vọng. Thật lạ
đời rằng trong một chế độ dân chủ tự do,
nơi người ta không chính thức đưa
đạo đức lên như một giá trị của thể
chế, nơi người ta chỉ dành nhiều thời gian
và công sức để đề cao và bảo vệ
nền pháp trị thì đạo đức lại được
phát huy. Bởi xét cho cùng
những giá trị như công bằng, tự do, tự
thân chúng lại là một vấn
đề đạo đức. Không có kẻ vô đạo
đức nào yêu chuộng công bằng, tự
do. Bởi vậy, không ngoa chút nào
khi ta nói xã hội dân chủ được
đặc trưng bởi đạo đức.
Trong xã
hội hiện đại, con người vướng mắc vào
khá nhiều vấn đề khó tháo gỡ
dù đã cố gắng không mệt mỏi theo
đuổi việc hoàn thiện những định chế
chính trị và xã hội hiện
có của mình . Và khi các
chuẩn mực luật pháp chẳng thể phát huy
vai trò của mình trong nhiều lĩnh vực,
chuẩn mực đạo đức sẽ làm tiếp phần việc ấy.
Trong các
chế độ độc tài, như một điều rất tự
nhiên, con người thường sống, suy nghĩ
và hành động trong nỗi sợ hãi;
tất cả mọi tình cảm, ý chí
và nguyện vọng hầu như chỉ để xoa dịu, khỏa
lấp và thậm chí là để tự
phù hợp với nỗi sợ hãi từ tâm
thức đó. Nơi đó, đạo đức chỉ là
thứ yếu, là thứ để ca ngợi chứ không
phải để thực hiện. Vì thế sự băng hoại
đạo đức là hậu quả trực tiếp của nền độc
tài; đến lượt mình sự suy đồi
đó lại củng cố cho sự vững mạnh của nền
chuyên chính. Sự xói mòn
nền tảng đạo đức là vấn đề đáng lo
nhất trong tất cả những vấn đề đáng lo ở Việt
Nam ta ngày nay. Đồng ý là
thiện ác luôn song hành trong
bất cứ xã hội nào. Nhưng nếu một
xã hội dung túng cái ác
và không có những biện
pháp tích cực để chế tài
cái ác và bảo vệ cái
thiện, thì ắt xã hội đó
có vấn đề từ gốc rễ. Trong những xã
hội được vận hành bằng sự sợ hãi, đạo
đức trở nên điều thứ yếu, và khi đạo
đức đóng vai phụ trong nền văn hóa,
cái ác sẽ lên ngôi. Bởi
vậy, dù với một lực lượng công an
hùng hậu, chính quyền Việt Nam chỉ
có thể trấn áp những người dân
lương thiện mà không thể ngăn cản nổi
tội phạm tung hoành khắp nơi, cũng bởi
chính nó là hiện thân vĩ
đại của cái ác. Tư tưởng Hồ Chí
Minh, những giáo trình giáo dục
công dân… không thể ngăn nổi những
vụ giết người man rợ, hàng ngàn vụ
phá thai mỗi năm, những vụ tài xế xe
tải đâm xe cho tới khi nạn nhân chết mới
thôi để khỏi tốn phí tổn y tế,
cùng những vụ bê bối học đường…
Không
nói những tưởng tất cả chúng ta đều
nhận thức rõ đạo đức là nguồn mạch của
nhân văn, là thứ thể hiện bản chất một
xã hội. Nếu đạo đức là nhân tố
chính hình thành nên cốt
cách một con người thì cũng
chính đạo đức tạo nên thần thái
của một dân tộc. Theo tôi, một con người
đáng tôn kính không phải
vì tiền bạc và danh vọng mà
chính vì đức hạnh của họ. Không
khó hiểu khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được ca ngợi
là vị Thánh sống, một biểu tượng cho
tình yêu và đạo hạnh dù
Ngài chỉ là một Quốc vương vong quốc.
Cũng như thế, một dân tộc mạnh không
phải vì nó có vũ khí hạt
nhân. Sức mạnh tinh thần và tiềm lực
nội tại của nó phần chính đến từ đạo
đức. Xây dựng kinh tế, thủ đắc vũ khí
hạt nhân đã khó khăn, bảo vệ nền
văn hóa, xây dựng một xã hội văn
mình còn khó hơn gấp nhiều lần.
Thật khó tưởng tượng một dân tộc
có thể hội nhập nhân loại văn minh với
nền đạo đức suy hoại của mình. Bạn sẽ coi
quốc gia nào mạnh hơn, đáng
kính phục hơn: Đan Mạch hay Bắc Triều
Tiên? Nơi mà một người viết truyện cổ
tích nhân văn được suy tôn
là người Anh hùng dân tộc hay
một quốc gia bất hảo thủ đắc vũ khí hạt
nhân, được lãnh đạo bởi một tên
độc tài bệnh hoạn? Thật vậy, giá trị
tinh thần và nền văn minh của một dân
tộc bắt nguồn từ những giá trị đạo đức.
Trong cuộc đấu
tranh cho dân chủ hiện nay, đạo đức phải
được đề cao hơn nữa. Bởi trong những yếu tố cần
thiết đóng vai trò động lực cho cuộc
đấu tranh, nâng cao tinh thần người dân
hướng về dân chủ tự do và đoàn
kết người Việt khắp nơi , đạo đức đóng
vài trò lớn. Bởi thứ nhất, không
một người Việt nào có thể được gọi
là người tốt mà cảm thấy an
lòng, cảm thấy không phẫn nộ khi sống
trong xã hội Việt Nam hôm nay;
không một người có đầy đủ tư
cách đạo đức nào ủng hộ những kẻ
chà đạp con người. Không cần trí
tuệ cao xa, bất cứ ai có lòng
nhân ái, lòng yêu nước đều
không sớm thì muộn sẽ nhận rằng rằng
chế độ độc tài là vật chướng ngại cho
an sinh và sự phồn thịnh của chúng ta.
Chính đạo đức chứ không gì
khác sẽ góp phần chính vạch ra
chiến tuyến giữa một bên là những người
yêu nước, yêu chuộng tự do dân chủ
và bên kia là chế độ độc
tài. Thứ nữa, đối với những người đang
đấu tranh trong và ngoài nước, tinh
thần đạo đức sẽ là chất keo kết
dính họ với nhau dưới ngọn cờ dân chủ
tự do bất chấp những khác biệt về quan điểm.
Vì khi tinh thần dân chủ kết hợp với
đạo đức, mọi toan tính chính trị, mọi
đố kỵ ghen ghét, mọi mưu đồ trục lợi
cá nhân sẽ nhường chỗ cho tình
tự dân tộc, cho sự yêu chuộng công
lý và tự do. Tôi thiết
nghĩa rằng, không thể dễ dàng để
có một chính thể tốt đẹp khi
lãnh đạo nó là những kẻ
vô đạo đức, mưu mô trục lợi. Vì
thế, đạo đức là vũ khí của
chúng ta chống độc tài và cũng
chính nó mở ra khả năng xây dựng
thành công nền dân chủ tự do sau
này.
Lâu nay với
công việc dạy học ở nhà, tôi
đã không ít lần nghĩ ngợi
và thấy buồn khi từng lớp học sinh đi qua mỗi
năm, tôi nhận thấy lòng nhân
ái và tinh thần trách nhiệm của
những em lớp mới chẳng bằng lớp cũ- một sự tụt hậu
về đạo đức. Trong những câu chuyện của
các em, các em nói về những
việc đau lòng như thể nó là
việc bình thường, với một thái độ rất
thờ ơ. Các em đối xử với một người bạn
nghèo như kẻ ngoài lề. Các em
không giữ được sự lễ phép thường
có của trẻ em thời tôi còn
bé. Thật lòng, trong góc
nhà bé nhỏ của mình, tôi
lo lắng cho con đường đi lên của dân
tộc.
Nhưng những sự
việc đã xảy ra với gia đình tôi
hai tháng vừa qua cho tôi cơ hội
có một cái nhìn khác.
Hôm nay xin kể ra đây một vài
câu chuyện mà chúng ngày
càng trở nên thưa thớt trong xã
hội này. Có một bác buôn
bán ở chợ cóc, dành dụm những
đồng tiền vất vả, lăn lộn cả ngày
ngoài chợ để gởi cho tôi dù
bác chỉ biết tôi qua mấy bài
viết được in chui ra giấy. Những đồng tiền cũ,
nhàu nát, nhưng được gấp phẳng phiu
như mảnh đời khó nhọc của bác, như tấm
lòng yêu thương chất phác
mà bác dành cho tôi. Lại
có một bạn gọi điện thoại cho bạn trai
tôi phân trần vì hoàn cảnh
kinh tế khó khăn không thể giúp
nhiều cho tôi và hỏi xem có thể
tặng tôi ba chục ngàn bằng cách
nạp tiền vào tài khoản di động
của tôi được không? Một cụ già
sống tận Houston, Mỹ quốc dành tặng tôi
30 đô la. Rồi một tăng sĩ ở Sài
Gòn đã tám mươi tuổi,
dành tặng tôi hơn một triệu. Rồi những
em sinh viên, những nhà giáo
nghèo, những cô chú bác
tôi chưa từng gặp mặt khác…. Và
còn nhiều tấm lòng Người Việt
khác ưu ái dành cho gia
đình tôi trên khắp thế giới.
Mọi người thấy
không? Đó chính là Đạo
đức- Đạo đức dũng mãnh vạch ra lập trường đối
lập với Nhà cầm quyền bằng hành động
ủng hộ Dân chủ, Đạo đức lên
án kẻ ác vì chứng kiến sự
chà đạp nhân phẩm của họ, Đạo đức
yêu thương chia sẻ vì nhìn
thấy khổ đau của đồng loại. Tổ quốc sẽ vì
có những con người này mà
có thể vượt qua mọi kiềm tỏa để vươn
lên. Đó là tình yêu
thương mà những kẻ thấp cổ bé miệng
dành cho nhau lúc hoạn nạn. Đó
là hành động minh chứng dân tộc
đứng về phía của lẽ phải và đỡ đầu cho
Công lý. Đó chính
là sức mạnh của chúng ta, là
tia lửa hy vọng đang nhen nhóm một
ngày nào đó sẽ thắp bừng
lên ngọn đuốc canh tân. Đó
là những lá phiếu trong cuộc trưng cầu
dân ý ủng hộ xây dựng thể chế
Dân chủ tự do. Tôi tin vào chiến
thắng cuối cùng của chúng ta khi
chúng ta là những kẻ biết thương
yêu nhau, những kẻ có chính
nghĩa! Chế độ độc tài! Các người sẽ
thua không chỉ vì hoàn cảnh thế
giới bất lợi cho các người, mà
còn bởi đạo đức đang ở phía
chúng tôi, những người dân
có lương tri và trí tuệ
của đất nước này ủng hộ chúng
tôi.
Trong những
ngày mùa đông lạnh lẽo
này, những ngày chờ đợi lệnh cưỡng chế
từ Nhà Cầm quyền, gia đình tôi
đã có được sự ấm áp trong
tình yêu thương và ơn nghĩa của
đồng bào. Tôi mừng vui nhưng
không kém phần lo lắng vì nghĩ
mình chưa làm được gì xứng
đáng với tình yêu thương
đó. Mùa Giáng sinh đã
đến gần. Giáng sinh là mùa của
yêu thương, là dịp để gởi đi
thông điệp của tình yêu
không kể tôn giáo, văn
hóa; bởi vì cũng như đạo đức,
tình yêu mang tính phổ
quát. Xin nhân dịp này,
kính chúc quý đồng bào
trong nước cũng như hải ngoại một mùa
Giáng sinh ấm áp và an
lành. Xin cầu nguyện cho một Việt Nam sớm
có dân chủ tự do, cho dân tộc
Việt Nam thăng tiến cùng thế giới.
Tôi biết
rằng khi nói đến đạo đức là nói
đến thứ khó nắm bắt và thúc
ước. Thế nhưng không phải vì thế
mà chúng ta không nhận
thức được vai trò to lớn của
nó. Nếu chúng ta có thể tốn
giấy mực để lý luận về dân chủ,
pháp trị, thì không lý
nào không thể có những nỗ lực
cần thiết để đề cao Đạo đức trong tình
hình xã hội Việt Nam ngày nay.
Vì thế xin mượn bài biết này
như một thông điệp của tinh thần Đạo đức
và Tình yêu trong mùa
Giáng sinh. Đạo đức và Tình
yêu sẽ xóa nhòa bao cuộc chia
rẽ, ly tán và tổn thương của dân
tộc, sẽ giúp những người yêu nòi
giống Việt đoàn kết bên nhau trong cuộc
đấu tranh cam go này.
Tam Kỳ ngày 22 tháng 12 năm 2011
Huỳnh Thục Vy
www.vietthuc.org