Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net




Khơi Lại Nguồn Văn Hóa Nhân Bản
Kim Bằng




Mục Lục

* Khai Từ

* Khi Văn Hóa Cạn Dòng Đứt Đoạn

* Trời, Đất và Người

* Thiên Lý

* Biến Dịch và Bất Dịch

* Tất Nhiên và Ngẫu Nhiên

* Tã Trắng hay Cờ Hồng

* Suy Ngẫm về Văn Hóa Nhân Bản

* Dựng Lại Niềm Tin

* Từ Quẻ Bĩ Sang Quẻ Thái



Khai  từ

 

           Có những sự kiện chỉ xảy ra một lần trong đời nhưng đã để lại trong ký ức những ấn tượng thật sâu đậm không bao giờ quên  nổi.  Những ấn tượng đó gợi cho ta biết bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp khiến ta suy nghĩ miên man về kiếp sống con người, về ý nghĩa cuộc sống, về những nỗi khổ đau của loài người, về nguyên nhân đưa đến những nỗi khổ đau đó và về những con đường giải thoát.

             Những sự kiện đó chỉ xảy ra thoáng trong một phút giây, giống như những tia chớp chợt lóe sáng rồi tắt lịm, nhưng nhờ những tia chớp đó ta mới thấy được vũ trụ đầy bí ẩn chợt hiện lên trong khoảnh khắc sau màn đêm dày đặc.         

            Tôi xin kể lại một mẩu chuyện đã xảy ra khi tôi còn ở trại Bù Gia Mập vào khoảng tháng 8 năm 1977. 

             Bù Gia Mập là một trại cải tạo nằm sâu trong  rừng thuộc tỉnh Phước Long, cách biên giới Miên chỉ năm bảy cây số.   Ngày xưa thực dân Pháp lập trại tù khổ sai để giam tù chính trị thuộc loại nguy hiểm nhất tại Bà Rá.  Bà Rá là một trại tù hắc ám nhất ở miền nam dưới thời thực dân Pháp, dường như nằm dưới chân núi Bà Rá, sau này được gọi là tỉnh lỵ Phước Bình.  Từ Phước Bình đi vào trại cải tạo Bù Gia Mập phải đi qua một đoạn đường đất đỏ chừng bốn chục cây số , hai bên rừng núi âm u, vượn hú bìm bịp kêu não nùng.  Vào mùa mưa năm đó, trong trại nhộn nhịp chuẩn bị đón đợt thân nhân đầu tiên được phép lên thăm tù cải tạo từ khi chúng tôi được đưa đến đó phá rừng.  Anh em bàn tán xôn xao, náo nức chờ đợi, hồi hộp đếm từng ngày.

            Ngày đầu tiên có ba chị lên tới trại thăm chồng.  Chiều hôm đó lan truyền khắp trại những tin thắt ruột.

            Con đường từ Phước Bình đi Quảng Ðức xuyên qua Bù Gia Mập chỉ có một xe đò nhỏ ọp ẹp lâu lâu chạy một lần.  Ðúng khi đó chính quyền loan báo xe bị hư , nằm ụ chờ sửa chữa.  Các thân nhân tù cải tạo lũ lượt lên tới Phước Bình đành đi mua đòn gánh cho quà cáp vào tay nải gánh gồng đi từng đoàn đi xuyên rừng tới trại.  Khát thì xuống múc nước suối mà uống, đói thì lấy quà giành cho tù ra mà ăn.  Ðêm trải chiếu bên vệ đường, túm tụm nhau nằm cho đỡ sợ ma.               

            Nhưng cái tin gây xúc động nhất là tin một cô gái mới lớn đi thăm cha trong trại cải tạo bị bộ đội chặn lại thay phiên hãm hiếp cho đến chết, lột trần truồng và chặt thành nhiều khúc nhỏ bỏ trong rừng.  Chúng tôi hầu hết đang chờ thân nhân là phái nữ, người chờ vợ, kẻ chờ mẹ, anh này ngóng em gái, anh kia đợi chị.  Lòng chúng tôi buốt như kiến lửa đốt, đêm nằm cầu nguyện cho người thân mà nước mắt chảy ra dàn dụa .  Phật ở đâu ?  Chúa ở đâu ?  Tổ tiên ở đâu ?   Các người có linh thiêng xin ban cho phép thần thông để chúng tôi có thể nhắn thầm một câu mà lọt được đến tai người thân thích.  Một câu thôi.  Chỉ một câu thôi :

            "Em về đi !  Chị về đi !  Mẹ về đi !"

            Chúng tôi không có lòng nào nhận quà cáp của gia-đình khi biết rõ thân nhân mình phải đi qua một đoạn đường rừng đầy những loài yêu quỉ đó.

            Nhưng mà Chúa ở cao quá, Phật ở xa quá, Tổ tiên ở trong lòng đất sâu quá;  không ai nghe thấy lời chúng tôi cầu nguyện, nên đoàn thân nhân lên thăm tù cải tạo cứ lũ lượt kéo nhau tới.      

            Ngày hôm sau khi nắng chiều đã nhạt, một toán thân nhân kéo vào trại, trong đó có một bà lão chừng 65 tuổi và một ông cụ đầu tóc bạc phơ đã xấp xỉ thất tuần, cùng với rất nhiều chị em phụ nữ.  Bà lão gặp con ôm con khóc ngất.  Nỗi đau của bà lão thật giản dị :  Thân già lội bộ đường rừng, đường đất đỏ lên đồi xuống giốc, gặp mùa mưa trơn như mỡ.  Bà lão té oành oạch quá nhiều lần .  Tay nải quà cáp thì quá nặng.  Người đi đường thì ai cũng như ai, lần lượt quẳng dần thức ăn vào bụi cho nhẹ bớt, chỉ còn giữ lại những gì thật cần thiết vừa sức mang theo.  Lên tới nơi thì bà lão vừa đói mềm, vừa khóc khản cả tiếng, với nỗi đau kêu trời không thấu.  Mấy năm trời cách biệt, bán đồ đạc đi dồn hết tiền mua quà cho con, nay lên tới nơi, nhìn thấy con thì hai bàn tay trắng.

            Hai mẹ con ôm nhau mà khóc.  Tôi chắc rằng nỗi đau của người con cũng không thua gì nỗi đau của bà mẹ.  Không phải đau vì không nhận được quà , nhưng đau vì thương mẹ.

            Tôi gặp ông lão đầu tóc bạc phơ và hỏi cụ :

            - Ở nhà bộ không còn ai nữa hay sao mà bác phải lặn lội đi bốn chục cây số đường rừng lên đây ?

            Ông cụ cười ngạo nghễ :

            - Bốn chục cây chứ một trăm cây qua cũng đi ! Ði  tới nơi gặp mặt con rồi chết qua cũng đi !

            Tôi hỏi một chị còn rất trẻ :

            - Chị có sợ không ?

            Chị ngước mắt nhìn tôi, nói rất dịu dàng :

            - Chúng em sợ lắm chứ !

            -Thế sao chị vẫn lên ?

            Chị ngó tôi chưng hửng, mặt hơi có sắc giận:

            -Sao anh lại có thể hỏi những câu như thế ?  Người ta sống với nhau vì Tình Nghĩa; lúc này mà không lên thăm nhau, thì rồi ra còn mặt mũi nào nhìn nhau nữa ?

            Tôi cúi gầm mặt xuống vì thẹn.  Nhưng cũng đồng thời  trong lòng tôi bừng lên một ngọn lửa rực rỡ sáng ngời.  Những người đàn bà mảnh mai gày yếu thế kia, những bà già lưng còng run rảy thế kia, những ông lão râu tóc trắng xóa thế kia, phải chăng họ chính là hiện thân thật sống động những gì cao quí nhất của một nền văn hóa Việt Nam đầy TÌNH NGƯỜI mà ông cha ta đã bao đời mới gây dựng được hay không ?  Cái tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam là đó: một nền văn-hóa đầy Tình Người.  Con đường ta đi là đó :  Gìn giữ lấy Tình Người.

            Năm 1978 tôi được đưa về trại Suối Máu thuộc tỉnh Biên Hòa.  Tại đây tôi được gặp anh Ð. và được nghe kể lại chi tiết về cái chết của cô Út H., người đã bị bộ đội Cộng Sản chặn lại hãm hiếp và chặt thành nhiều khúc nhỏ để phi tang.  Theo anh kể lại, các anh em tù cải tạo đi lao động trong rừng  đã tình cờ khám phá ra xác chết cô H. bị vùi lấp sơ sài vội vã.  Anh chính là một trong số mấy người được lãnh nhiệm vụ đi chôn xác cô H. sau khi cả trại biết tin cô bị giết.  Tôi không muốn kể thêm chi tiết về chuyện này, để tránh gợi lại đau thương cho gia-đình cô và để linh hồn cô được yên nghỉ.           

            Mười sáu năm đã trôi qua, kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên trong ký ức.  Kỷ niệm đó làm tôi khắc khoải thao thức với bao nhiêu câu hỏi dường như không có lời giải đáp.   Khi chứng kiến bao nhiêu thảm cảnh đau thương xảy ra cho những người dân hiền lành vô tội, tôi tự hỏi :  "Tại sao con người phải chịu những nỗi đau khổ lớn lao như vậy ?  Tại sao con người có thể đối xử với nhau tàn ác như vậy ?"

            Nhưng chính nhờ có những người vợ trẻ mảnh mai gày yếu, những bà lão lưng còng, những ông lão đầu tóc bạc phơ tôi đã gặp trong những trại tù cải tạo, tôi đã lấy lại được niềm tin thật mãnh liệt rằng trần gian này không phải đương nhiên bắt buộc phải xấu xa tồi tệ như nó hiện hữu.  Nếu ta khơi lại được nền văn-hóa nhân bản đầy Tình Người mà ông cha ta đã bao đời dày công vun đắp thì ta vẫn có hy vọng dựng lại một xã-hội đáng sống cho những thế hệ tương lai.  Chính niềm tin đó đã thúc đẩy tôi viết tập sách này.

 

                                                                                       2 - 10 - 1993

                                                                                      Kim Bằng



Khi Văn-Hóa

Cạn Dòng Đứt Đoạn

 

           Tôi không sao quên được hình ảnh bà lão già chết đứng trên bãi biển Kuku vào một ngày cuối tháng tư năm 1982.

            Kuku là một hòn đảo nhỏ thuộc lãnh thổ Nam Dương, được dùng làm trạm tiếp cư cho những thuyền nhân may mắn dạt vào lãnh thổ Nam Dương.  Trên đảo không có dân cư.  Thuyền nhân được tạm giữ ở Kuku trước khi được chuyển về trại tị nạn Galang, nơi có Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bảo trợ.  Trên đảo dựng sơ sài vài chục căn nhà làm bằng  nylon mỏng manh phủ lên sườn gỗ dùng làm nơi tạm trú cho vài trăm thuyền nhân tị nạn.  Mỗi buổi chiều chúng tôi thường kéo nhau ra bờ biển nhìn về phía xa.  Cứ vài ngày lại có một thuyền tị nạn được hải thuyền Nam Dương hộ tống tới đảo.           

            Một buổi chiều cuối  tháng tư năm 1982, chúng tôi reo mừng đổ xô ra bãi biển đón một thuyền tị nạn vừa tới.

            Chúng tôi chăm chú nhìn từng người tị nạn bước lên cầu tàu làm thủ tục kiểm dịch trước khi bước lên bờ.  Ai cũng mong ngóng hy vọng gặp được một người thân trong số người mới tới.  Khi đoàn người tị nạn mới đã lên hết trên bờ, tôi ngạc nhiên thấy một đám đông túm tụm xúm xít bao quanh một bà lão.  Tôi bước tới gần, cố len vào để xem tận mặt bà lão.

            Khi len được vào đứng ngay trước mặt bà lão, tôi bỗng cảm thấy toàn thân rung động  như muốn rụng rời chân tay.  Trước mặt tôi không phải là một người sống mà chỉ là một thây ma đứng sững.  Hai mắt bà lão đã hoàn toàn lạc thần bất động, thân thể và chân tay cứng như khúc gỗ.  Tôi không có đủ tài như Nguyễn Du để tả cảnh Từ Hải chết đứng.  Tôi chỉ biết ghi lại cái cảm giác lạnh buốt  xương sống khi nhìn một bà già đứng bất động như khúc cây, sắc mặt đã hoàn toàn hết sinh khí.  Nếu các anh em thuyền nhân đứng quanh không đỡ có lẽ bà lão đã đổ xuống như một cây chuối vô tri.

            Nhìn vào đôi mắt đờ đẫn lạc thần của bà lão, tôi  thấy tất cả nỗi đau khổ tận cùng của một con người.  Nỗi đau khổ câm nín không sao nói lên được.

            Những mẩu chuyện được ráp nối từ những gì các thuyền nhân đi chung chuyến ghe với bà lão kể lại  giúp tôi hình dung được vài nét chính nỗi đau đớn của bà cụ .  Bà lão đã khoảng xấp xỉ tám mươi.  Bà cụ có một người con trai duy nhất vẫn còn nằm trong trại cải tạo.  Người vợ lên thăm chồng được chồng dặn dò hãy tìm mọi cách vượt biên đưa đứa con trai duy nhất mới chừng 7,8 tuổi tới vùng trời tự do.  Người vợ làm theo lời chồng.  Sau một chuyến vượt biên thất bại, ngả bệnh và lìa trần.

            Bà lão thương con và thương cháu, quyết hoàn thành tâm nguyện của người con trai.  Bà cụ dẫn đứa cháu vượt biên.  Cuộc phiêu lưu trên biển cả kéo dài cho đến khi trên tàu cạn hết lương thực và nước uống.  Ðứa cháu nhỏ kiệt sức dần và chết.  Bà lão đau đớn nhìn những người đi cùng thuyền  vứt xác đứa cháu xuống biển khơi.  Ôi làm sao tả hết nỗi thất vọng tột cùng của bà lão !

            Hình ảnh bà cụ già chết đứng trên bãi biển Kuku đã làm tôi ray rứt mãi nhiều năm sau khi đã định cư ở vùng đất mới.  Bà cụ già không phải là người duy nhất phải chịu những thảm cảnh sau cuộc chiến ở Việt Nam .Bà lão cũng chưa hẳn là người chịu những thảm trạng lớn nhất.  Nhưng bà lão có thể là biểu tượng nỗi đau đớn chung mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu sau một cuộc chiến tranh dai dẳng.  Nỗi đau đớn đó chìm sâu vào đôi mắt lạc thần, uất nghẹn và tắt lịm vì không nói lên được.

            Nhìn vào đôi mắt tê dại đờ đẫn của bà lão tôi thấy tất cả sự đổ vỡ thê thảm chưa từng có của xã-hội Việt Nam.

            Ðây không phải là một cuộc chiến như mọi cuộc chiến.  Thường thì khi bão tố của một cuộc chiến đã tan người dân trong nước bắt đầu bình tĩnh lại thu vén những gì còn chưa mất, hàn gắn những vết thương đau và bắt đầu dựng lại một cuộc sống mới.  Chưa có một cuộc chiến nào khi tàn cục người dân phải chịu những hậu quả tàn khốc như cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

            Thực là mỉa mai khi cuộc chiến tranh đó đã được gán cho những mỹ từ lộng lẫy như "chiến tranh chống xâm lược".  Trong lịch sử Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần đứng dậy chống ngoại xâm.  Có bao giờ sau chiến thắng chống Mông Cổ, Mãn Thanh mà cả triệu người dân trong nước lâm vào cảnh tuyệt vọng đau thương đến nỗi phải liều chết bỏ quê hương ra đi hay không ?

            Nỗi đau lớn lao của người dân Việt là đất nước Việt Nam đã không còn là đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã không còn là dân tộc Việt Nam, xã-hội Việt Nam đã không còn là một xã-hội đáng sống.

            Nếu xưa kia những câu ca dao như :

          "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, 

      "Người trong một nước phải thương nhau cùng"

            đã thấm sâu vào tận cùng tâm hồn mỗi người dân Việt qua bao nhiêu thế hệ, thì nay cũng câu ca dao đó trở thành kỳ dị và đầy những ý nghĩa mỉa mai đến nỗi khó ai có thể thốt lên mà không nghẹn ngào đau xót.

            Không biết bao nhiêu người Việt nay có thể thành thật nhận xét rằng những kẻ đã đối xử tàn ác nhất đối với bản thân họ, gia-đình họ, thân nhân, bạn bè hoặc đồng bào họ không hẳn đã là những ông Tàu  bụng phệ, ông Tây mũi lõ, ông Mỹ mắt xanh mà thường lại chính là người Việt Nam máu đỏ da vàng.

            Xưa kia dân tộc Việt Nam rất đồng tâm mỗi khi đứng dậy chống lại kẻ ngoại bang thống trị dân Việt vì tin chắc  rằng chỉ có những thái thú Tô Ðịnh hoặc những toàn quyền Pháp mới tham lam tàn ác với dân lành.  Nhưng nay kẻ thống trị dân tộc Việt còn tàn ác gấp nghìn lần  Tô Ðịnh hoặc những quan Toàn Quyền Pháp. Ðiều đau đớn nhất là những kẻ thống trị đó ngày nay lại chính là người Việt Nam.

            Có lẽ đó là một trong muôn nghìn lý do đã khiến một bà cụ già 80 tuổi liều mình vượt biên.  Hẳn là bà cụ đã không mong đợi gì cho chính bản thân khi phải ra đi.  Cái điều mong ước duy nhất mà ai cũng có thể thấy rõ là bà cụ muốn cứu lấy đứa trẻ thơ.  Cứu lấy nó là giúp nó thoát khỏi một xã hội không còn đáng sống và cho nó một cơ hội để sống như một con người.

            Sự đổ vỡ lụn bại của xã-hội Việt Nam cũng như sự mất mát thê lương trong lòng người dân Việt từ đâu mà có ?

            Truy nguyên lại nguồn gốc, ta phải nói ngay nguyên nhân chính đã đem đến nỗi bất hạnh lớn lao cho dân tộc Việt chính là sự du nhập những chủ nghĩa ngoại lai, trong đó chủ nghĩa Cộng sản hiển nhiên là độc hại nhất.

            Tác hại lớn nhất của chủ nghĩa Cộng Sản là đã xé nát dân tộc Việt thành từng mảnh vụn, đã tàn phá tâm hồn người dân Việt và  đã hủy hoại nền văn hóa nhân bản vốn có sẵn tự ngàn xưa.

            Sự mất mát văn hóa đó đã được giáo sư Trần Ngọc Ninh mô tả là "văn hóa cạn dòng đứt đoạn".  Vì văn hóa cạn dòng đứt đoạn nên người không còn là người mà đã biến thành thú dữ.  Vì văn hóa cạn dòng đứt đoạn nên độc ác bất nhân đã trở thành quốc sách được nhồi nhét vào đầu óc mỗi tên cán bộ ngu đần.

            Nhưng có trách những kẻ thừa hành đầu óc tối tăm cũng là vô ích.  Việc cần thiết hơn thế là tìm hiểu rõ cái hấp lực ma quái của chủ nghĩa Mác-xít để tìm cách phá giải.  Việc cần hơn nữa là dựng lại nền văn hóa nhân bản mà tiền nhân đã bao đời dày công vun đắp.

            Khi bàn về văn hóa, thượng tọa Thích Nhất Hạnh đã đưa ra một định nghĩa thật ngắn gọn và khá chính xác:

            "Văn hóa là nếp sống vươn lên Chân Thiện Mỹ của một dân tộc."

            Câu nói đó rất hay, tuy nhiên vẫn còn đôi chút khó hiểu nếu ta nhớ lại câu nói của Lão Tử :

            "Làm thày thuốc mà lầm thì giết một người, làm chính trị mà lầm thì giết một nước, làm văn hóa mà lầm thì di hại đến muôn đời."

            Nếu văn-hóa là nếp sống vươn lên Chân Thiện Mỹ của một dân tộc thì tại sao làm văn hóa lại có thể lầm và di hại đến muôn đời ?  Làm văn-hóa, hiểu theo nghĩa của Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh, là nỗ lực vươn lên Chân Thiện Mỹ.  Chẳng lẽ nỗ lực vươn lên Chân Thiện Mỹ mà lại có thể "lầm"  và di hại tới muôn đời hay sao ?

            Thoạt nghe câu hỏi đó ta thấy dường như phi lý, dường như đó là chuyện không thể xảy ra, hay dường như hai ý niệm "văn-hóa" của Lão Tử và của thượng tọa Thích Nhất Hạnh không phù hợp với nhau, nếu không muốn nói là mâu thuẫn trái ngược với nhau.  Nhưng ngẫm cho kỹ ta mới thấy ý nghĩa thâm trầm trong câu nói của Lão Tử.

            Những kẻ chạy theo chủ nghĩa Cộng-Sản chẳng hạn, có thể đa số vì bị ép buộc hoặc bị lừa gạt,  nhưng một thiểu số lãnh đạo chóp bu thì biết rất rõ họ muốn gì.  Những kẻ lãnh đạo này tin chắc rằng họ đã nắm rất vững những "qui luật lịch sử tất yếu".  Những qui luật lịch sử tất yếu đó là những Luật Tạo Hóa bất di bất dịch, khách quan vô tư, những chân lý muôn đời không thay đổi, không thể nào sai.  Niềm tin cuồng nhiệt rằng những qui luật lịch sử tất yếu đó chính là Chân Lý đã khiến cho người Cộng Sản thẳng tay sử dụng mọi phương tiện để đạt cho được cứu cánh mà họ nhắm tới .

            Dưới mắt Tố Hữu thì Stalin quả là một ông già hiền từ nhân hậu, một cây đại thụ đời đời rợp bóng mát hòa bình.   Không phải Tố Hữu quá ngu đến nỗi không biết là Stalin đã giết hơn 20 triệu nông dân Nga trong các đợt tập thể hóa ruộng đất;  nhưng việc tập thể hóa ruộng đất là một qui luật lịch sử tất yếu, việc tàn sát những kẻ chống đối qui luật lịch sử đó là chuyện không thể nào tránh khỏi.  Vì thế dưới mắt Tố Hữu bàn tay đỏ lòe máu 20 triệu nông dân Nga của Stalin chính là đôi bàn tay đáng yêu đáng kính, đó chính là biểu tượng của Chân Thiện Mỹ.

            Thi sĩ Heine có lần đã viết :

            "Những ý niệm triết học được nuôi dưỡng trong sự tĩnh lặng nơi căn phòng làm việc của một giáo sư đại học có thể phá vỡ cả một nền văn minh."

             Câu nói của thi sĩ Heine cũng như lời Lão Tử nói lên tác động sâu xa và lớn lao của văn-hóa  đối với cuộc sống loài người.  Không phải những xe tăng của Liên Xô, những oanh tạc cơ B52 của Mỹ hoặc những khẩu đại pháo của Trung Cộng là những yếu tố then chốt hủy diệt xã-hội Việt Nam.  Yếu tố then chốt tàn phá xã-hội Việt Nam và hủy diệt nền văn minh nhân bản chính là những chủ nghĩa ngoại lai, trong đó chủ nghĩa Mác-xít đã mang lại những tác hại lớn nhất cho dân tộc Việt.

            Văn-hóa không phải đến trong một ngày mà từ từ len lỏi và thấm sâu vào tâm hồn mỗi người dân qua nhiều thế hệ.  Văn-hóa cũng không phải đột ngột đổ vỡ như một tòa lâu đài bỗng nhiên sụp đổ vì một cơn động đất.  Sự tan vỡ lụn bại của một nền văn-hóa đến thật chậm rãi đến nỗi nhiều khi ta khó mà nhận thấy được.

            Xin hãy cùng nhau trở về với bối cảnh của nước Việt Nam trong vòng một trăm năm trở lại, đào sâu vào tâm tư mỗi người dân qua từng thế hệ để tìm hiểu sự đổ vỡ của nền văn minh nhân bản đã khởi đầu ra sao khi có sự va chạm giữa những nền văn hóa dị biệt.

            Ngẫm lại thì câu định nghĩa của thượng tọa Thích Nhất Hạnh ít ra cũng phác họa được vài nét đan thanh giúp ta hiểu được những nét chính yếu thế nào là văn hóa.

            Văn-hóa là nếp sống vươn lên Chân Thiện Mỹ của một dân tộc.  Nếu một dân tộc nhìn thấy rõ thế nào là Chân Thiện Mỹ thì sẽ nỗ lực vươn lên Chân Thiện Mỹ đó.  Khi đó nỗ lực của mỗi cá nhân sẽ hòa nhập vào sức mạnh của tập thể , biến thành sức mạnh tổng hợp của một dân tộc.  Khi văn hóa thăng hoa nảy nở thì cũng là lúc sức sống của một dân tộc cuồn cuộn đẩy dân tộc đó tiến lên thật mạnh mẽ.

             Văn-hóa chính là chất keo kết hợp lòng người, khiến mỗi người dân cảm thấy đồng bào mình dính liền với  mình như cùng chung khúc ruột.  Văn-hóa là những tinh hoa của dân tộc được tích lũy và đãi lọc qua nhiều thế hệ.  Văn hóa làm ta yêu mến đất nước ta, dân tộc ta, đồng bào ta , gia-đình ta  và chính bản thân ta.

            Nền văn-hóa nhân bản của Việt Nam đã khá ổn định vững vàng qua mấy ngàn năm lịch sử.  Người dân Việt vốn hiền hòa thuần hậu, biết đùm bọc nhau, thương yêu nhau , nhưng cũng biết quật khởi đứng lên khi bị áp bức.  Tinh thần nhân bản và tinh thần bất khuất đã là nền móng vững chắc nhất để kết hợp toàn dân thành một khối đồng tâm giúp dân tộc Việt tồn tại và phát triển mạnh mẽ sau bao lần bị ngoại bang đô hộ.

            Cốt lõi của văn hóa nhân bản Ðông Phương nói chung và Việt Nam nói riêng có lẽ chính là vũ trụ quan và nhân sinh quan được hình thành dựa trên ba thành tố TRỜI, ÐẤT và NGƯỜI.  Vũ trụ quan và nhân sinh quan đó giúp cho người dân Việt có những khái niệm uyển chuyển nhưng khá rõ ràng thế nào là Chân Thiện Mỹ.         

            Chân  là Ðạo của TRỜI.  Chân Lý hay Thiên Lý chính là những Luật Tạo Hóa hoặc Luật Thiên Nhiên chi phối vạn vật, vũ trụ và con người.

            Thiện là Ðạo của NGƯỜI.  Con người đứng giữa TRỜI và ÐẤT, nối liền TRỜI và ÐẤT.  Con người có một trái tim.  Lương Tâm hoặc Lương Tri giúp cho con người phân biệt Thiện và Ác.

            Mỹ là Ðạo của ÐẤT.  Ðó là những tinh hoa của vạn vật trong vũ trụ, sống động và muôn màu muôn vẻ.

             Khi một nền văn-hóa nảy nở thăng hoa thì mỗi cá nhân trong xã-hội sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, đất nước và đồng bào mang lại niềm vui cho mỗi cá nhân khiến ta yêu mến.  Nói chung mỗi cá nhân đều cảm thấy xã-hội họ đang sống là một xã-hội  tốt đẹp đáng sống.  Họ yêu mến cuộc sống của chính mình và yêu mến mọi người.

            Vũ trụ quan và nhân sinh quan nhân bản rất linh động uyển chuyển giúp cho dân tộc Việt vững tin ở mình và dễ dàng thích ứng với Trời Ðất, hòa hợp với Người.

             Tuy thế, mỗi lần có hai hoặc nhiều nền văn-hóa dị biệt gặp nhau thì xã hội lại gặp một cơn thử thách.  Cơn thử thách đó thường tạo thành những khúc quanh cho dòng lịch sử của một dân tộc.

             Việt Nam vốn là cửa ngõ giao lưu của nhiều nền văn-hóa.  Từ phía Tây nền văn minh Ấn Ðộ tràn qua; từ phía Bắc nền văn minh Trung Hoa lan xuống, từ phía Nam nền văn minh Chiêm Thành Chân Lạp và Hải Ðảo tiến lên.  Xa hơn nữa không ít nền văn minh từ những quốc gia Tây Phương xa xôi tìm đến.

             Khi một dân tộc chứng kiến nhiều nền văn hóa gặp nhau thì có thể xảy ra nhiều trường hợp:  Hoặc là dân tộc đó sẽ được kích thích và tiến lên thật mạnh mẽ , hoặc là xã hội đó sẽ đổ vỡ lụn bại.  Nếu dân tộc đó rút tỉa được những tinh hoa của nền văn hóa ngoại lai hòa nhập với những tinh hoa của nền văn hóa sẵn có, xóa bỏ được những sai lầm khiếm khuyết trong nền văn-hóa cố hữu, tránh được những cái dở của nền văn minh ngoại lai, khi đó dân tộc đó sẽ tiến lên thật mạnh mẽ.  Ðó là trường hợp Nhật Bản vào thời Minh Trị Thiên Hoàng.  Một cách nhẹ nhàng hơn đó cũng là trường hợp dân tộc Việt Nam trước khi có sự va chạm với Tây Phương.

             Qua mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ có một tâm hồn thật cởi mở phóng khoáng, một tinh thần bao dung biết dung hợp những tinh hoa của nhiều luồng tư tưởng dị biệt, biến cái hay của người thành cái hay của mình, thán phục người mà vẫn không mất tinh thần tự chủ, học hỏi người mà vẫn tỉnh táo nhìn thấy cái sai của người.

             Tinh thần đó đã giúp cho dân tộc Việt rất dễ hòa đồng với nhân loại mà vẫn giữ được một bản sắc riêng, đầu óc không bị tê liệt mụ mẫm vì những định kiến, cố chấp.  Tinh thần đó cũng giúp cho dân tộc Việt nối liền quá khứ, hiện tại với tương lai thành một mạch sống liên miên bất tận.  Gắn bó với cội nguồn mà vẫn dốc lòng hướng tới tương lai; uống nước nhớ nguồn mà nước mắt vẫn chảy xuôi; thờ cúng tổ tiên mà vẫn sống vì con cái, sẵn sàng làm những rừng mắm ngã xuống cho thế hệ trẻ lớn lên.  Quá khứ, hiện tại và tương lai quyện với nhau thành một mạch sống cuồn cuộn chảy không ngừng.  Nền văn hóa nhân bản đã tạo thành một sức sống thật mãnh liệt cho dân tộc Việt.

             Nhưng sự hội ngộ của nhiều nền văn hóa dị biệt có khi cũng đưa tới những va chạm đổ vỡ thê thảm.  Ðó chính là trường hợp Việt Nam từ hơn một trăm năm nay và nhất là từ khi có sự du nhập chủ nghĩa Cộng Sản.

             Khi tiếng súng đầu tiên của đoàn quân viễn chinh Pháp bắt đầu nổ ròn rã tấn công thành Gia-Ðịnh thì cũng là lúc dân tộc Việt Nam choàng tỉnh dậy như vừa qua một giấc ngủ dài.

             Nhiều người Việt bắt đầu có dịp so sánh sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Ðông Tây.  Họ bắt đầu ý thức được sự yếu kém của Ta so với sự hùng mạnh của Người Khác.

             Hình ảnh một nhúm quân sĩ của Henri Rivierre trang bị súng ống cổ lỗ sĩ đủ sức công hãm thành Hà Nội khiến cho những bậc trung thần nghĩa sĩ như Hoàng Diệu phải tuẫn tiết đã làm cho không ít người  mất hết niềm tin vào nền văn hóa nhân bản của dân tộc.  Họ bắt đầu chối bỏ văn hóa của tiền nhân và háo hức chạy theo những nền văn minh ngoại lai.

             Họ quên đi rằng khi hai nền văn hóa khác nhau hội ngộ nếu ta tỉnh táo và giữ vững được tinh thần tự chủ thì đó có thể là một cơ hội vàng son để cả dân tộc tiến lên thật mạnh mẽ.  Bài học DUNG HỢP của tiền nhân đã bị vứt bỏ.  Thay vì tĩnh tâm suy xét, rút tỉa những tinh hoa trong nền văn hóa của người, đãi lọc và gìn giữ những tinh hoa trong nền văn hóa của mình, hòa nhập làm một để dân tộc cùng tiến lên thì họ đã hoặc vùi đầu xuống cát, hoặc chóa mắt khấu đầu lạy những thần tượng ngoại bang , từ Lamartine, Jean Paul Sartre, Adam Smith  tới Karl Marx, Lenin, Stalin, Mao Trạch Ðông.

             Trong tất cả những nền văn hóa ngoại lai được du nhập vào Việt Nam thì văn hóa Mác-xít có tác dụng hủy diệt tàn khốc nhất.  Kết quả là nền văn hóa nhân bản của Việt Nam tàn lụn dần, người Việt trở thành kẻ thù không đội trời chung của người Việt, những tên đồ tể khát máu như Stalin bỗng được đội lên ngồi chễm chệ trên bàn thờ gia-tiên khiến ông bà tổ tiên biến thành những tên địa chủ phú nông gian ác bị con cháu mang ra sỉ vả đấu tố ngõ hầu kiếm được chiếc khăn quàng đỏ tanh hôi mùi máu.

             Người dân Việt dường như đã mất hết cội nguồn, mất hết niềm tin vào sức mạnh của dân tộc mình.

             Khi văn hóa đã cạn dòng đứt đoạn thì sức sống của dân tộc cũng tàn lụi dần.  Thế hệ đi trước vẫn ngã xuống như những rừng mắm, nhưng chất độc Mác-xít đã thấm vào mạch đất hủy hoại hết màu mỡ phì nhiêu khiến những mầm non không sao lớn lên được.  Nỗ lực cứu lấy trẻ thơ của những bà già lưng còng tóc bạc trở thành nỗ lực vô vọng.  Trái tim con người đã khô héo.  Bà lão 80 dù muốn khóc thì dòng nước mắt cũng chẳng còn để chảy xuôi xuống hai gò má nhăn nheo.

Trời, Ðất và Người

 

           Văn-hóa là những tinh hoa của một dân tộc được tích lũy và đãi lọc qua nhiều thế hệ.  Những tinh hoa đó kết thành một vũ trụ quan và nhân sinh quan chung cho đại đa số người dân trong nước.  Chính cái vũ trụ quan và nhân sinh quan chung này đã là sợi dây kết nối cả dân tộc lại thành một khối bền vững.  Nhận thức chung về vạn vật, vũ trụ và con người đã tạo  thành một mối đồng tâm khiến trên đại thể cả dân tộc có cùng một nếp suy nghĩ, cùng một cách hành động, cùng một lối cư xử, cùng một cách sinh hoạt.

             Văn hóa nhân bản Việt Nam được đặt nền tảng trên những mối tương quan giữa Trời, Ðất và Người;  những mối tương quan đó luôn luôn lấy con người làm gốc.

             Nét đặc thù của văn hóa nhân bản Việt Nam là ý niệm Trời Ðất rất bao la và mông lung khác hẳn quan niệm Thượng Ðế của Tây Phương và cũng không giống quan niệm Trời Ðất của Trung Hoa.

             Thượng Ðế, theo quan niệm của Tây Phương, là Ðấng Tạo Hóa có quyền lực vô biên đã tạo nên vạn vật trong vũ trụ trong 7 ngày đêm.  Thượng Ðế cũng là Ðấng Phán Xét tối cao sẽ đưa ra phán xét cuối cùng cho toàn thể nhân loại trong ngày phán xét sẽ tới.

             Theo quan niệm Trung Hoa thì ông Trời chính là Hoàng Thiên Thượng Ðế hay Ngọc Hoàng Thượng Ðế.  Ngọc Hoàng Thượng Ðế đội mũ cánh chuồn ngồi ở thiên đình, có thiên binh thần tướng bao quanh không khác gì triều đình các vua chúa dưới trần thế.  Ngọc Hoàng Thượng Ðế là ông Trời của riêng dân tộc Trung Hoa, vì chỉ có hoàng đế Trung Hoa mới được coi là Thiên Tử, nghĩa là con Trời.

             Việt Nam không quan niệm ông Trời như vậy.  Cứ xét ông Trời được mô tả trong hai tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Việt Nam là truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm ta sẽ thấy ngay sự khác biệt sâu xa giữa quan niệm Trời Ðất của dân tộc Việt Nam  với quan niệm của Trung Hoa và Tây Phương.

             Mở đầu truyện Kiều, Nguyễn Du viết :

                                    "Trăm năm trong cõi người ta

                              Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

                                    Trải qua một cuộc bể dâu

                               Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

                                    Lạ gì bỉ sắc tư phong, 

                              Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen..."                    

             Tương tự như vậy, Ðặng Trần Côn và Ðoàn Thị Ðiểm đã mở đầu cuốn Chinh Phụ Ngâm như sau :

                                     "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

                                    Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên.

                                    Xanh kia thăm thẳm từng trên

                                    Vì ai gây dựng cho nên nỗi này..."

             Ông Trời Xanh, theo quan niệm Việt Nam, không đội mũ cánh chuồn, không mặc long bào, không có thiên đình, không có thiên binh thần tướng bao quanh, và nhất là không có con làm vua dưới trần thế.  Ông Trời Xanh ở trên chín từng mây cao ngất, không biết hình dáng ra sao, chỉ được hình dung bằng màu xanh thăm thẳm thật mông lung.  Nhờ quan niệm trời xanh bao la và mông lung như vậy, nên Trời Xanh có thể là ông Trời chung của tất cả loài người, không phải của riêng ai.

             Chính quan niệm trời đất phóng khoáng rộng rãi đó đã giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi những bế tắc tư tưởng của những dân tộc coi Thượng Ðế là của riêng của dân tộc mình.

             Xét qua tư tưởng loài người thì Trời Ðất bao hàm rất nhiều ý niệm khác nhau chứ không phải chỉ có một ý niệm duy nhất.  Trời có thể là Tạo Hóa, Hóa Công, Hóa Nhi hay Ðấng tạo ra vạn vật, vũ trụ và muôn loài.  Trời có thể là Thượng Ðế, Ðấng Chủ Tể của vạn vật,  Ðấng Phán Xét tối cao chí công vô tư, thưởng lành phạt dữ.  Thượng Ðế có quyền năng vô biên và ý chí tối thượng.  Trời cũng có thể chỉ là Thiên Lý và Thiên Tính, hay những Ðịnh luật thiên nhiên hoặc Luật Tạo Hóa chi phối vạn vật, vũ trụ và muôn loài.

             Ðất là trái đất nơi loài người sinh sống.  Rộng hơn nữa Ðất bao hàm vạn vật trong vũ trụ từ khoáng chất, thảo mộc tới muôn loài sinh vật.  Ðất chính là thế giới vật chất hữu hình hữu tướng.

             Tự thuở có loài người, có lẽ những mối bận tâm lớn nhất của con người luôn luôn vẫn là :  Làm sao để sống ?  Làm sao để sống có hạnh phúc ?  và Làm sao để sống một cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống ?

             Trên con đường đi tìm lời giải đáp cho ba câu hỏi đó con người hầu như không thể tránh được phải hình dung ra mối tương quan giữa Trời Ðất và Người.

             Sống không phải chỉ là ăn uống, hít thở không khí, sinh con đẻ cái và chờ ngày chết.  Sống bao hàm vô vàn sinh hoạt của con người từ suy nghĩ, làm việc, ẩm thực, vui chơi, cũng như sinh con , nuôi con, dạy con và không biết bao nhiêu sinh hoạt khác.

             Nhưng giá thử ta cứ thu về một quan niệm giản lược nhất "Sống nghĩa là chưa chết, sống nghĩa là còn tồn tại trên mặt trái đất như một sinh vật" thì câu hỏi "Làm thế nào để sống ?" vẫn không phải là một câu hỏi dễ trả lời.

             Ðành rằng ta có thể dễ dàng sống nếu ta luôn luôn có đầy đủ lương thực để ăn, nước ngọt để uống và không khí trong lành để thở.  Nhưng đâu phải tự nhiên mà ta có đầy đủ mọi thức cần thiết cho cuộc sống như vậy ?  Lương Thực từ đâu mà có ?  Nước uống từ đâu mà có ?  Con người không thể sống giữa sa mạc khô cằn mà phải tìm đến những nơi có lương thực và nước uống mới có thể tồn tại.  Xem thế cuộc sống con người luôn luôn tùy thuộc vào thiên nhiên và vạn vật trong vũ trụ.  Không có những điều kiện sống thì cũng không còn sự sống.  Nếu ta coi thiên nhiên và vạn vật trong vũ trụ là Ðất thì chính Ðất đã cho ta sự sống.  Ðất là vật chất.  Không có vật chất thì cũng không có cuộc sống con người.

             Nhưng Ðất, hay vật chất và thiên nhiên, không phải là yếu tố duy nhất tạo nên sự sống.  Nếu không có mưa thuận gió hòa thì cây cỏ cũng không thể mọc lên được; trâu bò không có cây cỏ tất nhiên cũng phải chết, và do đó con người cũng phải tận diệt.  Mưa thuận gió hòa có được là nhờ những định luật tuần hoàn trong vũ trụ.  Nước biển mặn không thể dùng để tưới cây, nhưng hơi nước biển bốc lên trời tụ lại thành mây, gặp lạnh đọng lại thành mưa, rơi xuống và làm cho cây cỏ sống được.  Nếu không có những định luật thiên nhiên khiến vật chất luôn luôn  biến dịch luân lưu tuần hoàn thì cũng không có sự sống.  Hơi nóng mặt trời không truyền được tới mặt đất, máu không luân lưu trong cơ thể, không khí không được hít thở vào ra, thức ăn không được tiêu hóa thì dù có mặt trời, có máu, có thức ăn, có không khí cũng không còn cuộc sống con người.  Nếu ta gọi những định luật biến dịch tuần hoàn chi phối vạn vật trong vũ trụ là Thiên Lý, hay lẽ Trời, hoặc vắn tắt hơn gọi là Trời, thì Trời chính là một yếu tố then chốt tạo nên nguồn sống.

             Từ cái nhìn đó mà từ lâu đa số loài người luôn luôn tạ ơn Trời Ðất đã ban nguồn sống cho loài người.  Văn hóa Ðông Phương càng nghiêng đậm về mối tương quan thuận thảo giữa Trời Ðất và Người.  Ðạo sống Ðông Phương rút lại chính là đạo sống Thái Hòa :  hòa hợp với Trời Ðất và hòa hợp giữa Người với Người.

             Thế nhưng không phải ai cũng đồng một quan niệm như vậy.  Thái hòa có thực là đạo của Trời Ðất hay không ?

             Thử xét xem trên mặt trái địa cầu, tự cổ chí kim, tự đông sang tây, có lúc nào không có chiến tranh, không có tàn sát, không có chém giết, không có tiêu diệt lẫn nhau để tìm sự sống hay không ?

             Con cọp ăn thịt con người và các loài muông thú khác để sống, sài lang ăn tươi nuốt sống cừu non, dưới nước cá lớn nuốt cá bé, trên trời chim ưng chim ó xà xuống bắt gà con, trên mặt đất con mèo ăn thịt con chuột, nước lớn diệt nước nhỏ, người mạnh bắt kẻ yếu làm tôi tớ nô lệ.

             Phải chăng luật Tạo Hóa chính là luật "Mạnh Ðược Yếu Thua", "Khôn Sống Mống Chết", "Ưu Thắng Liệt Bại" ?  Phải chăng muôn vật muôn loài đều tàn sát nhau để mà sống ; kẻ sống sót chỉ là kẻ biết tàn sát không thương tiếc, dù là tàn sát đồng loại hay những sinh vật khác loại ?

             Trời có thật là một Thượng Ðế chí công vô tư hay không ?  Trời có thật yêu thương tất cả loài người như con cái hay không ?

             Khi con người chịu những thảm cảnh tai biến lớn lao thì niềm tin vào một Thượng Ðế chí thiện chí công cũng dễ dàng tan biến.

             Xưa kia Lão Tử đã từng đưa ra nhận định :

            "Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu."  ( Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm )

             Sinh vào thời tao loạn, thấy tận mắt những thảm trạng người chết , nhà tan, nước mất, Lão Tử cho rằng nếu Thượng Ðế là một đấng chí thiện chí công thì đã không để xảy ra những cảnh thê thảm như vậy.

             Văn hóa là cái nhìn chung của một dân tộc về vũ trụ và cuộc sống loài người.  Giáo sư Trần Ngọc Ninh đã đưa ra một nhận định rất xác đáng :

             "Văn hóa là tất cả những cái khác nhau trong sự sinh hoạt của ta và của họ"

             Ta là dân tộc ta.  Họ là các dân tộc khác.

             Câu nói của giáo sư Trần Ngọc Ninh hàm ý rằng dân tộc ta trên đại thể có chung một nếp sống, chung một cách sinh hoạt; cách sinh hoạt đó khác với cách sinh hoạt của những dân tộc khác.

             Văn hóa Việt Nam nghiêng nhiều về đạo sống Thái Hòa giữa Trời Ðất và Người.  Con người Việt Nam lấy tâm hồn thuần hậu làm căn cốt.  Khi ngoại bang đem quân xâm lược biết đứng lên giành lại nền tự chủ, nhưng khi đánh đuổi hết xâm lược rồi thì lại lấy chữ hòa làm căn bản cư xử giữa người với người.  Mạc Cửu là người Trung Hoa, sống ở Trung Hoa không được, nhưng sống ở Việt Nam thì rất yên bình.

             Văn hóa đó đã giúp cho dân tộc Việt Nam giữ được nền tự chủ, tạo được một xã hội ổn định yên bình và một cuộc sống an vui cho người dân qua nhiều thế hệ.  Tình yêu tổ quốc thật nồng nàn , tình yêu quê hương thật thắm thiết, tình yêu đồng bào thật sâu đậm :  đó là những nét nổi bật trong tâm hồn người dân Việt.

             Dân tộc ta không thiếu tinh thần cởi mở bao dung.  Trong quá khứ dân tộc Việt đã biết dung hợp nhiều nền văn hóa dị biệt.  Nếu so sánh những cuộc thánh chiến ác liệt ở Âu châu hay những cuộc tàn sát đẫm máu giữa tín đồ Hồi giáo và Ấn giáo ở Ấn Ðộ với sự hòa hợp êm ả giữa những tôn giáo khác nhau, từ Phật, Khổng, Lão, Thiên Chúa giáo, tới Tin Lành, Cao Ðài, Hòa Hảo ở Việt Nam, ta sẽ thấy rõ tinh thần cởi mở bao dung của dân Việt thật không nhỏ.

             Tuy nhiên nếu trong quá khứ dân tộc Việt có thể dung hợp nhiều luồng tư tưởng dị biệt mà xã hội không đổ vỡ, có lẽ cũng là vì những luồng tư tưởng đó có những nét chung có thể thích ứng với nhau và không hoàn toàn xung khắc.  Nét chung đó có thể tóm tắt là tất cả những luồng tư tưởng đó đều hướng Thiện và ngầm chứa đạo Thái Hòa.  Thêm vào đó văn hóa Việt đã không được hình thành từ những tư tưởng cực đoan.  Ông Trời Xanh không có con làm vua dưới trần thế cho nên có thể là ông Trời chung của tất cả loài người.  Người Việt không  thấy cần  phải tranh luận xem ông Trời đó đội mũ cánh chuồn hay quấn khăn Ả rập. Một lý do nữa khiến sự hội hợp nhiều luồng tư tưởng khác nhau ở Việt Nam trong quá khứ đã xảy ra thật êm thấm là nhờ các luồng tư tưởng đó đến rất chậm rãi từ tốn, đủ thời giờ cho người Việt suy ngẫm đãi lọc và hấp thu không hấp tấp.

             Nhưng khi có sự va chạm với nền văn hóa Tây Phương thì tình thế khác hẳn.  Dân tộc Việt đã chịu một cơn khủng hoảng chưa từng có trong mấy ngàn năm lịch sử.

             Cơn khủng hoảng đó chính là những gì Erik Erikson, một trong những nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế giới hiện nay gọi là "the Identity crisis"  ( tôi tạm dịch là "cơn khủng hoảng bản sắc" hoặc "khủng hoảng cội nguồn" ).

             Tai họa lớn lao xảy tới cho dân tộc Việt không chỉ đơn thuần là sự xâm lược bằng võ lực của người Pháp.  Người Pháp chỉ xâm chiếm nước ta trong vòng một trăm năm, thời gian đó tương đối ngắn ngủi so với một ngàn năm bắc thuộc.  Hơn nữa trong vòng một trăm năm đó người Pháp mới chỉ "bảo hộ" mà chưa "đô hộ"; chủ quyền nước ta chưa hoàn toàn mất hẳn.  Nước ta khi đó vẫn có vua và triều đình, chưa đến nỗi biến thành quận huyện của ngoại bang như trong thời bắc thuộc, dù ai cũng biết vua và triều đình đó không có thực quyền.

             Tai họa lớn nhất xảy ra khi có sự va chạm với nền văn hóa Tây Phương là nền móng văn hóa Việt Nam đã bị đổ vỡ thê thảm.  Cơn khủng hoảng xảy ra khi người dân trong nước không còn tin là mình đúng người ta sai nữa.  Nếu xưa kia quân Minh xâm chiếm nước ta người dân Việt có thể đồng tâm đứng dậy đánh đuổi kẻ xâm lược thì chính là nhờ niềm tin sắt đá rằng mình đúng kẻ kia sai.  Kẻ kia tàn bạo khát máu, kẻ kia tham lam độc ác; trong khi đó mình là người dân hiền lành lương thiện, mình là đạo quân nhân nghĩa; nhân nghĩa chắc chắn phải thắng bạo tàn.

             Vào đời Trần, Nguyên chủ sai Thoát Hoan mang 50 vạn quân sang đánh nước ta.  Khi đó Trần Quốc Tuấn truyền hịch đi các nơi chiêu mộ binh sĩ tất cả vỏn vẹn chỉ được 20 vạn người.  Quân địch mạnh, quân ta yếu; quân địch đông đảo hơn gấp bội, quân ta ít hơn rất nhiều; vậy mà quân ta đã phá tan quân Nguyên, chém đầu Toa Ðô khiến Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn về Tàu.

             Nếu so sánh với trận Francis Garnier đánh thành Hà Nội năm 1873 ta thấy hoàn toàn trái ngược.  Francis Garnier chỉ có 90 quân sĩ, hợp với 90 quân ô hợp của Jean Dupuis, tất cả chưa tới 200 người, vậy mà đủ sức phá tan thành Hà Nội, giết chết phò mã Nguyễn Lâm, bắt sống Tổng Ðốc Nguyễn Tri Phương.  Nguyễn Tri Phương khi đó có tới 7000 quân tinh nhuệ.          

             Tai họa đổ xuống đầu dân tộc Việt khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam không hẳn chỉ đơn thuần là sự "bảo hộ" của ngoại bang.  Tai họa lớn nhất cho dân tộc Việt chính là từ đó người dân mất hết niềm tin vào nền văn hóa của dân tộc mình.  Nếu một nhúm quân sĩ ô hợp của Francis Garnier đã đủ sức phá tan đạo hùng binh của Nguyễn Tri Phương thì chắc hẳn phải có một nguyên do.  Câu hỏi:"Tại sao người hùng mạnh như vậy ?  Tại sao ta yếu hèn như vậy ?" bắt đầu trở nên nỗi ám ảnh hàng đầu của mọi người dân Việt.  Người Việt bắt đầu không còn tin mình là đúng, người khác là sai nữa.  Người Việt bắt đầu thấm thía cảm thấy rằng dường như văn hóa mình, xã hội mình có một cái gì sai sót ghê gớm cho nên mới đưa dân tộc mình tới chỗ yếu hèn như vậy.

             Từ nỗi ám ảnh đau đớn đó mà có những phong trào Duy Tân, Ðông Du, và sau đó có sự du nhập chủ nghĩa Cộng Sản.  Chủ nghĩa Cộng Sản quả thực đã có một hấp lực thật ma quái và một sức tàn phá thật khủng khiếp.

             Chủ nghĩa Cộng Sản đã phá nát tương quan hòa hợp giữ Trời Ðất và Người, đã đập vụn đạo Thái Hòa, nền tảng của văn hóa Ðông Phương.

             Mũi công phá mạnh nhất của Karl Marx chĩa thẳng vào Trời.  Câu nói bất hủ của Karl Marx "tôn giáo là thuốc phiện" không phải nhằm công kích giới tu sĩ tăng ni hoặc tín đồ mà đích thực là nhằm triệt hạ ông Trời.

             Tại sao Cộng Sản cảm thấy cần triệt hạ ông Trời ?

             Ông Trời, theo quan niệm của hầu hết các tôn giáo, là Ðấng Chủ Tể của vạn vật, chí thiện chí công.  Ông Trời là Ðấng Phán Xét tối cao thưởng lành phạt dữ.  Có ông Trời thì loài người mới biết run sợ không dám làm ác vì sợ bị trời phạt. Có ông Trời thì loài người mới nỗ lực hướng Thiện để sống hợp đạo Trời.  Triệt hạ ông Trời đi thì Thiện Ác cũng không còn phân biệt nữa, khi đó con người hành động mà không cần lương tâm, giết người mà không gớm tay, hành hạ đày đọa đồng loại mà không tự cảm thấy tội lỗi, làm mọi điều ác mà không sợ bị trời phạt xuống địa ngục.

             Ông Trời có thực hay không vẫn là một câu hỏi lớn cho toàn thể nhân loại, nhưng không ai phủ nhận được là ông Trời trong tất cả mọi nền văn hóa đều được hình dung là đấng chí thiện chí công.  Chính vì lẽ đó mà Voltaire, một trong những người không tin ở Thượng Ðế và đã từng mạnh mẽ phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Ðế, rút cục sau nhiều năm suy nghĩ cũng phải thốt ra một câu bất hủ;

             "Nếu Thượng Ðế không có thực thì ta cũng cần sáng tạo ra Thượng Ðế."

             Lòng tôn kính ông Trời của nhân loại đã là một trở lực lớn lao cho những kẻ  muốn làm ác.  Vì lẽ đó những người Cộng Sản đã nỗ lực chửi trời, mắng trời, hạ nhục trời để "giết" cho được ông Trời.

             Khi người Cộng Sản Việt Nam vênh váo chửi trời bằng những câu:

                                     "Thằng Trời đứng lại một bên

                              Ðể cho thủy lợi bước lên làm Trời"

          ...thì không phải chỉ đơn thuần muốn triệt hạ tính cách chí tôn của ông Trời, mà thâm ý chính là muốn diệt cái thiện tâm trong lòng người.  Còn ông Trời thì còn có Thiện tâm trong lòng người, và những kẻ có ác tâm không được tự do để làm ác.

             Một mặt triệt hạ ông Trời, mặt khác Cộng Sản hết lời đề cao vật chất

 .  Ðề cao vật chất không phải chỉ vì vật chất cần thiết cho cuộc sống loài người mà chính vì thâm ý muốn sử dụng vật chất để khống chế loài người.

             Tận cùng trong tâm mỗi người Cộng Sản đều dấu kín một niềm tin cuồng nhiệt rằng chính vật chất tạo nên sức mạnh.  Kẻ nào cướp hết được vật chất thì sẽ thu tóm hết quyền lực trong tay và sẽ đủ sức khống chế tất cả loài người.

             Mao Trạch Ðông từng nói: "Quyền lực được tạo lập từ đầu mũi súng".  Ðó mới chỉ là một mẩu suy nghĩ của những người Cộng Sản.  Người Cộng Sản tin rằng nếu họ có thể thu tóm hết mọi tài sản thiên hạ trong tay thì sẽ có thể vĩnh viễn thống trị nhân loại.  Con người bị bóp bao tử sẽ biến thành con giun con dế sẵn sàng khom lưng uốn gối làm tất cả mọi việc ti tiện ngõ hầu có chút cơm hẩm cháo thiu  để sống cho qua ngày.  Kẻ nô lệ sẽ chẳng bao giờ còn hy vọng đứng thẳng dậy làm người.

             Nhưng sở dĩ chủ nghĩa Cộng Sản tạo thành một hấp lực ma quái giúp họ khống chế được một phần nhân loại trong suốt 70 năm phần lớn là nhờ họ đã khai thác lòng thù hận ẩn kín trong con người. Lòng thù hận là động cơ thúc đẩy con người hành động thật cuồng nhiệt.

             Cuộc sống con người vốn đầy dẫy khổ đau.  Ðâu là nguyên nhân gây ra những nỗi khổ đau đó ?  Hầu hết các tôn giáo đều qui nguyên nhân những nỗi khổ đau đó về chính con người.  Vì ta tham sân si nên ta khổ.  Vì tổ tiên loài người chót phạm tội ăn trái cấm nên loài người khổ.  Lỗi ở ta, tội ở ta.  Muốn diệt hết khổ đau chỉ có con đường tu tập.  Nhưng con đường tu tập thật gian nan vất vả, chẳng phải ai củng đủ nghị lực và kiên nhẫn để noi theo.  Niết bàn ở đâu ?  Thiên đường ở đâu ?  Sao chẳng ai thấy được ?  Nỗi khổ đau của loài người thì vẫn đầy dẫy trần gian.

             Cộng Sản đã lật ngược bài toán, tách loài người làm hai :  Ta và Người Khác.  Ta khổ đau không phải lỗi ở Ta mà lỗi ở Người Khác.  Ta khổ đau vì có kẻ áp bức Ta, bóc lột Ta, đày đọa Ta.  Giết hết những kẻ đã áp bức ta, bóc lột ta đi hoặc bắt chúng quì phục dưới chân ta, làm nô lệ cho ta là ta sẽ hết khổ đau.

             Con đường giải thoát của Cộng Sản thực hấp dẫn và dễ dàng thực hiện khiến không ít kẻ nhẹ dạ tin theo.  Con đường đó chẳng đòi hỏi con người phải nỗ lực hướng Thiện, chẳng đòi hỏi con người phải lắng nghe tiếng gọi của lương tâm mà chỉ cần khơi dậy lòng thù hận để GIẾT, GIẾT và GIẾT là đủ để giải thoát khỏi mọi khổ đau.  Từ những nông trường tập thể ở Nga, cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Cộng, cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam cho đến những vụ đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn, Tiệp Khắc, Lỗ Mã Ni  đâu đâu lòng thù hận cũng được khơi dậy thật cuồng nhiệt.

             Trên con đường "giải phóng nhân loại" đó, bàn tay những người Cộng Sản đã đỏ lòe máu đồng bào và đồng loại.  Họ đã biến thành những sinh vật không tim và mối tương quan hòa hợp giữa Trời Ðất và Người cũng bị xóa bỏ.

             Người Việt từ trong nước tới hải ngoại vẫn tiếp tục băn khoăn :  Phải chăng nền văn hóa nhân bản đã là nguyên nhân chính khiến dân tộc yếu hèn hay phải chăng ta đã đánh mất một gia tài vô cùng quí báu của tiền nhân để lại ?


Thiên Lý

 

             Mặc cảm tự ti là bước khởi đầu dẫn tới sự suy sụp toàn diện con người.  Mất niềm tin vào văn-hóa dân tộc cũng là bước khởi đầu đưa tới sự sụp đổ toàn bộ xã-hội.

             Nhìn lại buổi giao thời, tĩnh tâm suy xét kỹ nhiều khi ta nửa muốn khóc nửa muốn cười.  Nhiều vấn đề một thời gây ra tranh cãi sôi nổi tưởng như rằng đó là vấn đề sinh tử của một quốc gia, nay có khơi ra chắc chẳng còn một ai thèm góp ý.

             Vào thời phong trào Duy Tân đang lớn mạnh, ai cũng háo hức "theo mới, bỏ cũ".  Cách giản dị nhất để chứng tỏ mình dứt khoát theo mới là cắt phăng mái tóc trên đầu.  Phong trào cắt tóc ngắn trở thành biểu tượng của phong trào Duy Tân. Cắt tóc là duy tân, là yêu nước.  Ở Hà Nội một thời đi đâu cũng nghe có người hát bài "Húi hề !":

                                                 "Tay  trái cầm lược,

                                                  Tay phải cầm kéo,

                                                  Húi hề ! Húi hề !

                                                  Thủng thẳng cho khéo.

                                                  Bỏ cái ngu này,

                                                  Bỏ cái dại này.

                                                  .........................

                                                  .........................

                                                  Ngày nay ta cúp,

                                                  Ngày mai ta cạo."

             Và như thế là cả một dân tộc đã đua nhau cắt tóc ngắn, để bỏ cho được cái dại cái ngu.  Các chị em phụ nữ cũng không thua kém các bậc nam nhi, cắt phăng mái tóc dài óng ả trên đầu để uốn  quăn cho hợp với thời đại mới.

             Thế rồi  thời gian qua, nước Việt Nam mở rộng cửa nhìn ra thế giới bên ngoài.  Người Việt có nhiều dịp gặp gỡ người Âu Mỹ hơn.  Chắc hẳn không ít người Việt đã ngạc nhiên vì người Tây phương có nhiều ý tưởng khác lạ quá, táo bạo quá, nhất là giới trẻ.

             Một thời giới trẻ Âu Mỹ đã làm cho những bậc cha mẹ già nua hủ lậu phải tức điên lên vì những hành vi thác loạn của họ.  Ai đời thanh niên thiếu nữ gì mà không chịu cắt tóc ngắn gọn gàng tề chỉnh như con nhà gia giáo mà lại để tóc dài xõa ngang lưng.  Có cậu táo bạo hơn, không những đã để tóc dài mà còn búi thành búi tó củ hành y hệt như ở Việt Nam vào cái thời cổ lỗ xa xưa.  Dưới mắt các cụ già bảo thủ Tây phương thì lũ trẻ đã "mới" quá trớn.  Dưới mắt giới trẻ Tây phương thì cha mẹ họ nay đã quá lạc hậu lỗi thời, cứ bám víu mãi vào cái "hủ tục" cắt tóc ngắn của cái thời thất thập cổ lai hi.

             Ngẫm lại thì không có cái dại nào bằng cái dại nào.  Giá mà các cụ già hủ lậu Việt Nam xưa kia đừng vội cắt búi tó củ hành trên đầu thì nay có lẽ đã trở thành những người đi tiên phong trong phong trào đổi mới duy tân cho giới trẻ ở Tây Phương !

             Niềm tin hấp tấp vội vàng rằng chỉ cần cắt tóc ngắn là đã trút sạch được mọi hủ tục và hấp thu hết những tinh hoa của nền văn minh Âu Mỹ rút cục đã chỉ giúp dân ta học được nghề hớt tóc mà không đủ giúp dân ta thu nhập những tinh hoa của người.

             Nhưng cái răng cái tóc mới chỉ là một góc con người.  Cái dại của con người đâu chỉ giới hạn vào cái răng cái tóc !  Cái dại cũng không chia biên giới, người Việt Nam không độc quyền giành hết cái dại của loài người.  Như Voltaire giành gần hết cuộc đời đả kích sự hiện hữu của Thượng Ðế, đến cuối đời suy ngẫm lại mới biết mình hố và buột miệng thốt lên; "Nếu Thượng Ðế không có thật thì ta cũng nên sáng tạo ra Thượng Ðế".

             Cái nhiệt tình của người  Cộng Sản muốn "giết" ông Trời cũng vậy.  Tỉnh ra có lúc họ sẽ ngỡ ngàng tự hỏi:  Ông Trời là mê tín hay chính họ mê tín ?

             Nếu họ cho rằng ông Trời là Ngọc Hoàng Thượng Ðế thì quả thực ông Trời là mê tín.  Ngọc Hoàng Thượng Ðế đội mũ cánh chuồn chỉ là cái hình ảnh mà các ông con Trời đã sáng tạo nên trong trí tưởng tượng phong phú của họ để hình dung Ðấng Chủ Tể của vạn vật.  Ðấng Chủ Tể đó có thực hay không là một điều chưa ai dám khẳng định là mình biết rõ.  Dãu sao hình ảnh Ngọc Hoàng Thượng Ðế quả nhiên đã có thực trong trí tưởng tượng của đa số người dân Trung Hoa.  Hình ảnh đó có nên có hay không thì xin hỏi lại đại văn hào Voltaire.

             Nhưng nếu những người Cộng Sản hiểu được rằng Trời cũng có thể là Thiên Lý hay những Luật Tạo Hóa chi phối vạn vật, vũ trụ và con người thì có một lúc nào đó họ sẽ giật mình tự hỏi:  họ có thực đã tỉnh táo chống lại ông Trời hay thực ra họ đã cuồng tín tin theo một vài "qui luật lịch sử tất yếu" mà họ đã sáng tạo ra y hệt như những kẻ mê muội đã tin cái mũ cánh chuồn tưởng tượng của Ngọc Hoàng Thượng Ðế là có thực ?  "Qui luật lịch sử tất yếu" là gì nếu không là những định luật chi phối vạn vật, vũ trụ và con người ?  Khách quan mà nói những "qui luật lịch sử tất yếu" đó, nếu có thực, thì chính là những gì mà mọi người gọi là Thiên Lý, hay Luật Tạo Hóa.  Mê muội tin theo những "Thiên Lý" do mình tưởng tượng ra, trong lúc đồng thời tìm mọi cách để triệt hạ Thượng Ðế : người Cộng Sản đã tự  mâu thuẫn với chính họ từ căn bản của tư tưởng.

             Karl Marx tìm ra cái chân lý muôn đời không thay đổi là "mâu thuẫn sinh tiến hóa".  Chẳng hiểu cái chân lý đó có được bao nhiêu phần sự thật, nhưng trong trường hợp những người Cộng Sản, cái chân lý đó thường khi chỉ khiến họ nghĩ quẩn vì luôn luôn tự mâu thuẫn với chính họ.  Mâu thuẫn, trong trường hợp đó chỉ sinh ra bế tắc chứ chẳng hề sinh ra tiến hóa.

             Không phải tự nhiên mà từ khi có loài người, nhân loại luôn luôn suy nghĩ miên man về Trời Ðất.  Tự thuở có loài người con người đã đủ trí khôn để nhận thấy vạn vật trong vũ trụ luôn luôn biến dịch, những biến dịch đó dường như luôn luôn bị chi phối bởi những định luật thiên nhiên.  Trong trí nghĩ con người hình như vũ trụ phải có một hệ thống điều lý hoặc một bàn tay vô hình sắp đặt.  Óc tưởng tượng phong phú đã khiến con người hình dung ra sự hiện hữu của một Ðấng Chủ Tể vạn vật.  Ði thêm một bước nữa, con người hình dung Ðấng Chủ Tể chí tôn đó theo hình ảnh của chính con người.  Ðấng Chí Tôn đó ta không thể khẳng định có hay không có thực.  Dãu sao sự hiện hữu của Ðấng Chí Tôn đó dù chỉ trong trí tưởng tượng của loài người cũng rất cần thiết và hữu ích.  Vì tin rằng có một Ðấng Thượng Ðế chí thiện chí công mà con người ngước mặt nhìn lên nỗ lực hướng Thiện, xa lánh cái Ác.  Nếu không có ông Trời thì Thiện Tâm trong con người cũng biến mất.  Ðó chính là ý nghĩa thâm trầm trong câu nói của Voltaire.

             Vào khoảng tháng 7 năm 1969 cả thế giới hầu như rung chuyển vì một trong những biến cố lớn lao nhất của nhân loại:  hai phi hành gia Neil Armstrong và Edwin J.Aldrin Jr. lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.  Bước chân nhỏ bé của hai phi hành gia đó trên mặt trăng đánh dấu một bước tiến lớn lao của loài người.  Thế nhưng khi bước vào không trung, nhìn thấy vũ trụ quá bao la, con người quá nhỏ bé, Neil Armstrong đã bồi hồi cảm khái thấy rằng cái biết của loài người chỉ là một hạt bụi so với cái không biết bao trùm vạn vật trong vũ trụ.  Những điều gì con người đã làm quả thật còn quá nhỏ nhoi so với những gì hóa công đã tạo ra.  Từ đó, Neil Armstrong không cảm thấy cao ngạo vì đã làm được một việc vĩ đại chưa từng có là đặt chân trên mặt trăng mà chỉ thấy niềm tin vào sự hiện hữu của Thượng Ðế là xác đáng.

             Những nhà bác học đã cống hiến những hiểu biết quí báu nhất cho loài người như Einstein, Pascal thì luôn luôn thành thực thú nhận là cái biết của họ thật nhỏ nhoi so với những điều họ chưa biết.  Chỉ có những bậc "Ðỉnh cao trí tuệ loài người" trong xã-hội Cộng Sản Việt Nam vừa đào được vài đường mương dẫn bùn hôi hám đã vội vênh váo ngạo mạn hỏi:  "Thằng Trời, mày có làm được công tác thủy lợi như tao không ?".  Sự ngu đần thường đi đôi với óc cao ngạo; phải chăng đó chính là "qui luật lịch sử tất yếu" mà người Cộng Sản Việt Nam đã dùng để đưa một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến xuống hàng một trong những nước nghèo nàn lạc hậu nhất trần gian ?

             Sự hiện hữu của một Ðấng Chí Tôn chủ tể của vạn vật đòi hỏi con người phải có đức tin.  Ðó là lãnh vực của các tôn giáo.  Kẻ viết bài này tự xét không sao đủ hiểu biết để lạm bàn.  Tốt hơn hết là quay về với những gì mà loài người có thể biết được, có thể kiểm chứng được; những điều đó dù ta gọi là Thiên Lý, Thiên Ðạo, hay giản dị hơn là những Luật Thiên Nhiên chi phối vạn vật, vũ trụ và con người, thì có lẽ khó ai có thể phủ nhận được.

             Nhìn dưới nhãn quan đó thì trước hết tất cả mọi định luật khoa học mà loài người khám phá được nếu được chứng nghiệm đều là Thiên Lý.

             Ðịnh luật Archimedes đặt nền tảng cho khoa thủy tĩnh học, cắt nghĩa tại sao một vật thả vào trong một lưu chất lại nổi.  Ðịnh luật đó có thể phát biểu như sau :  Khi một vật thả trong một lưu chất hoặc hoàn toàn bị lưu chất phủ ngập hoặc chỉ bị phủ ngập bán phần cũng mất trọng lượng.  Trọng lượng bị mất- cũng có thể coi như lực của lưu chất đẩy vật nổi lên- bằng với trọng lượng của khối lưu chất bị dời chỗ.

             Ðịnh luật Archimedes, cũng như vô số những nguyên lý, định đề, định lý trong mọi nghành khoa học, như nguyên lý động lực học của Newton, định đề Euclide, vv... đều là những Luật thiên nhiên chi phối vạn vật, vũ trụ và con người.  Nói khác đi, đó chính là những Thiên Lý.

             Cái nhìn cởi mở khách quan như vậy sẽ giúp ta phá bỏ được rất nhiều định kiến đã là hố sâu chia cắt loài người tạo nên vô số bế tắc tư tưởng của nhân loại.  Mâu thuẫn giữa khoa học và Thiên Lý tự nhiên sẽ tan biến.  Mâu thuẫn giữa Ðông và Tây, Cổ và Kim cũng sẽ không còn nữa.  Ta sẽ đủ bình tâm để suy xét và tìm hiểu đâu là những luật thiên nhiên chi phối vạn vật, vũ trụ và con người và kiểm chứng xem những luật đó có thực phù hợp với những gì loài người chứng nghiệm được hay chỉ là những sáng tác do trí tưởng tượng phong phú của loài người .

             Tuy nhiên những định luật khoa học chỉ mới là một phần của Thiên Lý mà không phải là tất cả Thiên Lý.  Ðịnh luật Archimedes có thể giúp ta hiểu được tại sao một vật thả trong nước lại nổi, nhưng không sao cắt nghĩa được tại sao con người không thể sống mãi để cùng Trời Ðất trường tồn bất diệt;  định luật Archimedes cũng không thể cắt nghĩa tại sao con người lại giết nhau như ngóe.  Có muôn nghìn ức triệu câu hỏi "Tại sao ?" được đặt lên trong đầu óc con người.  Những tư tưởng gia lớn của nhân loại  đã để hết cuộc đời suy ngẫm để tìm ra những Luật Thiên Nhiên có tính cách bao quát hơn những định luật khoa học như định luật Archimedes.

             Những Luật Thiên Nhiên có tính cách bao quát đó bao trùm lên vạn vật, do đó rất khó diễn tả chính xác bằng lời.  Nhưng những Luật Thiên Nhiên bao quát đó lại có ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với mọi suy nghĩ và hành động của nhân loại.

             Ở Ðông Phương ba luồng tư tưởng lớn nhất là Phật Lão Khổng đã gặp nhau ở Luật Vạn Vật Vô Thường hay Lẽ Biến Dịch Tuần Hoàn trong vũ trụ.

             Luật Vạn vật vô thường hay lẽ Biến Dịch Tuần Hoàn của Vạn Vật trong vũ trụ đó hàm ý rằng vạn vật trong vũ trụ đều luôn luôn biến đổi không ngừng.  Thành Trụ Hoại Không là luật Vạn Vật Vô Thường của nhà Phật.  Doanh Hư Tiêu Tức là lẽ Biến Dịch được đề cập tới trong Kinh Dịch.

             Từ lẽ Biến Dịch hay luật Vạn vật Vô Thường đó con người có thể rút ra không biết bao nhiêu hệ luận khác nhau để ứng dụng vào cuộc sống loài người.

             Có người đi đến kết luận rằng danh lợi , địa vị, tiền tài cho tới quyền lực đều chỉ là phù du hết; tranh đua cho lắm rút cục chết cũng thành đống xương khô; những đau khổ phiền não của con người chỉ là do tham sân si mà ra cả.  Diệt hết tham sân si là diệt được khổ; diệt được khổ thì loài người sẽ được sống an vui trong thanh tịnh đại hải, sẽ tìm được niềm vui vĩnh cửu.

             Có người cho rằng luật Biến Dịch hàm ý rằng xã-hội luôn luôn PHẢI đổi mới.  Tất cả những gì Cũ đều là xấu xa hủ bại, tất cả những gì Mới đều là ưu việt tốt đẹp.  Do đó xã-hội loài người luôn luôn PHẢI biến dịch, PHẢI đổi mới, PHẢI cách mạng.  Không có biến dịch, không có đổi mới, không có cách mạng thì xã hội sẽ đứng ì một chỗ, sẽ lụn bại, sẽ bị tiêu diệt.

             Lý luận người nào thoạt nghe cũng rất hữu lý, nhưng ngẫm cho kỹ lại thấy chứa đựng không biết bao nhiêu điều nghịch lý.

             Nếu ta tin chắc chắn rằng vạn vật trong vũ trụ luôn luôn biến dịch không ngừng thì xã hội hôm nay, dù ta không muốn thay đổi, cũng đâu còn là xã hội ngày hôm qua ?  Biến Dịch nếu đã là định luật tất yếu của tạo hóa thì con người làm sao cản lại được ?  Những người lớn tiếng hô hào "đổi mới" đã vô tình thú nhận rằng họ bất mãn về tình trạng "đứng ì một chỗ không nhúc nhích" của xã-hội hiện hữu, và do đó mặc nhiên phủ nhận tính cách xác thực của Luật Biến Dịch.  Nếu vạn vật luôn luôn biến dịch không ngừng thì hô hào đổi mới chỉ là hô hào làm những chuyện đương nhiên sẽ xảy ra, muốn tránh cũng không được.  Ðã hô hào "đổi mới" tức là mặc nhiên cho rằng không phải tất cả vạn vật trong vũ trụ lúc nào cũng thay đổi.

             Vậy Luật Biến Dịch hay Vạn Vật Vô Thường đúng hay không đúng ?  Liệu rằng trong vũ trụ có gì luôn luôn bất biến, không bao giờ thay đổi hay không ?

             Có chứ !  Ít ra thì cũng có một cái không bao giờ thay đổi:  đó chính là Luật Vạn Vật Vô Thường hay Lẽ Biến Dịch.  Nếu Luật Vạn Vật Vô thường đó cũng có tính cách vô thường, nghĩa là hôm nay đúng ngày mai có thể sai, thì có nghĩa là ngày mai ta có thể tìm được một vài hoặc rất nhiều sự vật trong vũ trụ không tuân theo định luật đó, nghĩa là không luôn luôn biến dịch, cứ đứng ì một chỗ không nhúc nhích, cứ bất biến cùng thời gian.  Chỉ khi nào Luật Vạn vật Vô Thường đó không bao giờ thay đổi, vĩnh viễn đúng ở mọi nơi, trong mọi trường hợp, trong mọi thời đại thì ta mới có thể nói đó là Luật Tạo Hóa.

             Trớ trêu thay, như vậy là ta đã mặc nhiên công nhận hai điều đối nghịch có thể đồng thời hiện hữu :  Lẽ Biến Dịch và lẽ Bất Dịch, hoặc Luật Vạn Vật Vô Thường và luật Chân Thường Bất Biến.

             Từ nhận thức đó nảy ra một câu hỏi khác cũng nhức óc không kém :  Mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ có tính cách Thuần Lý ( rational ) hay không Thuần Lý ( irrational ) ?  Cho rằng mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ đều có tính cách Thuần Lý có nghĩa là hễ cái gì đã ÐÚNG thì không thể đồng thời lại SAI.  ÐÚNG và SAI không thể đồng thời hiện hữu.

             Ðó chính là căn bản của khoa toán học.  Dường như rằng Descartes đã đặt nền tảng cho khoa toán học  bằng suy luận chắc nịch sau đây :

            Nếu A / B thì không thể đồng thời A = B

            ÐÚNG khác SAI, cái gì đã đúng thì không thể đồng thời lại SAI.  Nếu đó quả là chân lý thì vũ trụ và xã-hội loài người đã vận hành một cách rất thuần lý.  Nhưng nếu vũ trụ vận hành một cách thuần lý thì ta làm sao giải thích được sự hiện hữu đồng thời của Luật Vạn Vật Vô Thường và Luật Chân Thường Bất Biến ?  Vũ trụ chỉ thuần lý khi một trong hai chân lý đó biến mất.  Nhưng nếu Luật Vạn Vật Vô Thường không có tính cách Thường Hằng Bất Biến thì tự nó cũng không còn tồn tại.  Có cái nọ thì phải có cái kia, không cái nọ thì cũng không có cái kia.  Có Luật Chân Thường Bất Biến thì mới có Luật Vạn Vật Vô Thường.  Nói theo Chu Dịch:  chính cái Bất Biến chỉ huy cái Biến.

             Từ câu hỏi "Thuần Lý hay không Thuần Lý ?" loài người lại tách thành hai. 

             Xã-hội Tây Phương, cùng với sự bột phát mạnh mẽ của Khoa Học Kỹ Thuật, đã khiến cho không ít người chỉ tin những gì lý trí có thể kiểm chứng được, nói khác đi chỉ có những gì thuần lý mới có thể chấp nhận được, ngoài ra đều là mê tín hết.

             Ðối chiếu với những gì thực sự xảy ra trong xã-hội loài người, Fyodor Dostoevsky  đã có cái nhìn khác hơn.  Ông viết:

             " Tóm lại, người ta có thể nói bất cứ điều gì về lịch sử thế giới, bất cứ điều gì có thể nảy sinh trong trí tưởng tượng hỗn độn nhất của con người.  Chỉ duy có một điều họ không thể nói được là lịch sử loài người có tính cách  Thuần Lý."

             Thiên Lý như thế chẳng hề chỉ có một.  Luật Tạo Hóa có thực hay không có thực ?  Nếu nó có thực thì nó là đạo Thái Hòa giữa Trời Ðất và Người hay đó là lẽ Mạnh Ðược Yếu Thua, Ưu Thắng Liệt Bại ?  Nếu nó có thực thì vạn vật trong vũ trụ hiện hữu một cách Ngẫu Nhiên hay Tất Nhiên ?  Vũ trụ và xã-hội loài người vận hành theo những luật nhân quả hoặc qui luật lịch sử có tính cách tất yếu như một guồng máy hay chỉ hỗ tương tác động lẫn nhau, thích ứng với nhau một cách hài hòa để cùng tồn tại ?

             Bao nhiêu câu hỏi rối mù được đặt ra từ thuở có loài người đã, đang và dường như vẫn còn là những avyakrta hay những điều bất khả tri, bất khả ngôn (the inexpressible ).

             Con người có thực có Tự Do hay cuộc sống loài người luôn luôn bị chi phối bởi Ðịnh Mệnh ?  Con người có trách nhiệm gì về những việc mình làm hay mọi suy nghĩ và hành động của con người chỉ là sản phẩm tất yếu của hoàn cảnh xã-hội và những qui luật lịch sử bất biến ?  Lương Tâm có thực hay chỉ là một sáng tác bịa đặt của con người ?

             Bao nhiêu câu hỏi đó phải chăng chỉ là những câu hỏi phù phiếm được nêu lên trong lúc trà dư tửu hậu hay chính là những nguyên nhân sâu xa đã đưa tới cái chết của hàng chục triệu người trong những cuộc cách mạng đẫm máu ở Nga, những đợt cải cách ruộng đất và cách mạng văn hóa khốc liệt ở Trung Hoa và những cơn bão tố đưa mấy trăm ngàn người dân Việt trên đường vượt biển tìm tự do chết chìm uất ức trong biển cả ?


Biến Dịch và Bất Dịch

 

           Tự ngàn xưa, ba dòng tư tưởng lớn Phật Lão Khổng đã hòa nhập làm một và có ảnh hưởng thật sâu đậm đối với văn-hóa Ðông Phương.  Cả ba dòng tư tưởng đó đều đề cập rất nhiều tới Lẽ Biến Dịch ( hoặc Luật Vạn Vật Vô Thường ) và lẽ Bất Dịch ( hoặc Luật Chân Thường Bất Biến ).

             Tuy nhiên nếu lẽ Biến Dịch hoặc Luật Vạn Vật Vô Thường rất phổ cập trong dân gian thì Lẽ Bất Dịch hoặc Luật Chân Thường Bất Biến dường như rất ít người đề cập tới, ngoại trừ những học giả khổ tâm nghiên cứu Chu Dịch và các vị cao tăng.

             Vạn Vật Vô Thường có nghĩa là vạn vật muôn loài trong vũ trụ luôn luôn biến đổi từng giờ từng phút từng giây, không có cái gì cố định, không có cái gì là trường tồn bất biến.  Ðiều đó thật dễ hiểu:  Con người sinh ra, lớn lên, già yếu rồi chết đi; cây cỏ mọc mầm nhú lên, đâm trồi nảy lộc, cành lá xum xuê, rồi lá rụng thân khô, tàn lụn dần đi mà chết.  Núi cao có ngày thành biển sâu; biển xanh có ngày thành ruộng dâu; trong vũ trụ dường như chẳng có gì là trường tồn bất diệt.

             Chân Thường Bất Biến ngược lại hàm ý rằng có những cái luôn luôn bất dịch, không bao giờ thay đổi.

             Nhưng đã có Luật Vạn Vật Vô Thường tại sao còn có Luật Chân Thường Bất  Biến ?  Ðã có lẽ Biến Dịch tại sao còn có lẽ Bất Dịch ?  Nếu vạn Vật trong vũ trụ luôn luôn thay đổi không ngừng thì còn có cái gì không bao giờ thay đổi ?

             Ðây có thể là một trong những công án hóc búa nhất, khó giải nhất.  Nhưng nếu ta giải được công án này thì ta cũng đồng thời hy vọng có thể giải được một loạt những công án khác, những câu hỏi hóc búa dường như đã đưa tới bế tắc tư tưởng cho toàn thể nhân loại.

            Ðã nói vạn vật trong vũ trụ luôn luôn biến đổi không ngừng mà lại nói có những cái không bao giờ biến đổi, như thế có phải tự mâu thuẫn không ?  Thoạt nghe ta thấy triết lý Ðông Phương cực kỳ khó hiểu, cực kỳ mâu thuẫn, cực kỳ phi lý và dường như cực kỳ phản khoa học.

            Những người quen với lối suy luận toán học của Tây Phương có lẽ sẽ thấy cách suy luận toán học của Tây Phương rõ ràng sáng sủa, dễ hiểu và thuần lý hơn rất nhiều.  Descartes đã đặt nền tảng cho khoa toán học bằng suy luận sau đây :

             Nếu A / B thì  không thể đồng thời A # B.

             Trắng khác Ðen.  Cái gì đã Trắng thì không thể đồng thời lại Ðen.  Nếu vạn vật đã luôn luôn biến dịch thì không thể có những cái không bao giờ biến dịch. Ðó là nền tảng nhị nguyên luận của Tây Phương.

              Có thể nào đồng thời công nhận luật Vạn Vật Vô Thường và luật Chân Thường Bất Biến mà không thấy tự mâu thuẫn không ?  Ngay đến một cao đồ của Ðức Phật là ngài A Nan cũng thấy mâu thuẫn đó thực không thể hiểu nổi.

             Trong kinh Lăng Nghiêm có dẫn tích đức Phật sai La Hầu La đánh tiếng chuông lên để giải cho ngài A Nan thấy cái "tính" trong vạn vật.  Vạn vật tuy thay đổi không ngừng nhưng cái "tính" của vạn vật thì không hề thay đổi.

             Ðoạn kinh Lăng Nghiêm vẫn còn quá khó hiểu đối với mọi người chúng ta.  Ta thử tìm những thí dụ cụ thể hơn, có tính cách khoa-học hơn để làm sáng tỏ những gì đức Phật muốn nói.

             Nói rằng vạn vật trong vũ trụ luôn luôn biến đổi không ngừng thì thật dễ hiểu, chẳng cần bàn tới.  Ðiều ta cần tìm hiểu là :  có gì luôn luôn bất dịch, không bao giờ thay đổi hay không ? 

             Giả thử ta đứng nhìn một dòng nước và nhớ câu Khổng Tử nói :

             "Thệ giả như tư phù ! bất xả trú dạ."

            ( Nước trôi mãi như thế này ư ! Ngày đêm không ngừng. )

             Thực là một hình ảnh sống động nói lên sự biến dịch của vạn vật trong vũ trụ.  Dòng nước chảy không ngừng từ núi cao ra biển cả, bốc lên trời, rơi xuống rừng núi và lại chảy ra biển cả.  Quả nhiên rằng nước luôn luôn biến đổi.

             Thế nhưng ngày nay ai cũng biết rằng dưới áp suất khí trời nước bốc hơi ở 100 độ Celsius và đông đặc thành nước đá ở 0 độ Celsius.  Nhiệt độ đông đặc và nhiệt độ bốc hơi của nước dưới áp suất khí trời được dùng làm mốc đo nhiệt độ.  Sở dĩ ta có thể dùng nhiệt độ đông đặc và nhiệt độ bốc hơi  của nước làm mốc đo nhiệt dộ vì qua rất nhiều quan sát và thí nghiệm ta kết luận rằng hai nhiệt đó bất biến, không thay đổi.  Ðó là cái "tính" của nước mà đức Phật đã nói tới.

             Tự ngàn xưa nước vẫn trôi chảy mãi, vẫn luôn luôn biến dịch; nhưng trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, cái "tính" của nước vẫn không bao giờ thay đổi :  hễ đun tới 100 độ Celsius thì nước bốc hơi, hễ để lạnh tới 0 độ Celsius thì nước đông đặc.  Trực giác cho ta thấy rằng tuy vạn vật luôn luôn biến đổi nhưng cái "tính" của vạn vật thì lại bất dịch, không bao giờ thay đổi.

             Thử bàn sang một lãnh vực khác :  những Luật Thiên Nhiên hay Luật Tạo Hóa.  Ta thử xét những định luật và nguyên lý khoa học xem chúng biến dịch hay bất dịch.  Archimedes phát biểu định luật mang tên ông vào khoảng 200  năm trước Thiên Chúa giáng sinh; định luật đó đã được chứng nghiệm là đúng vào thời đó, nay đã hơn 2000 năm sau vẫn luôn luôn được chứng nghiệm.  Nếu một định luật hoặc nguyên lý khoa học được chứng nghiệm là đúng thì nó sẽ còn đúng mãi.  Nếu nó không còn đúng nữa thì ta cũng chẳng thể gọi nó là định luật.  Như thế mọi định luật khoa học đều phải có tính cách bất dịch.  Mọi Luật Tạo Hóa nói chung đều như vậy.

             Từ những dẫn chứng trên ta thấy Ðông Phương có cái nhìn thâm thúy vô cùng khi lấy Tam Tài ( Thiên Ðịa Nhân ) làm nền tảng cho vũ trụ quan và nhân sinh quan nhân bản.  Khi ta bàn tới vạn vật biến dịch trong vũ trụ là ta bàn tới vật chất; đó chính là lãnh vực của ÐỊA trong Tam Tài.  Khi ta bàn tới "tính" và Luật Tạo Hóa ( bao gồm cả những định luật và nguyên lý khoa học ) là ta bàn tới lãnh vực của THIÊN  ( thiên lý, thiên tính).  Luật Tạo Hóa là những luật chi phối vạn vật và con người trong vũ trụ :  THIÊN chi phối ÐỊA và NHÂN.  ÐỊA  ( vật chất ) luôn luôn biến dịch, THIÊN  ( tính của vật chất và những luật Tạo Hóa ) luôn luôn bất dịch.  Con người vừa được cấu thành bởi vật chất vừa bị chi phối bởi những Luật Thiên Nhiên cho nên hàm chứa cả những thành tố BIẾN và BẤT BIẾN.  Nhưng vì THIÊN chi phối ÐỊA và NHÂN nên sách Chu Dịch mới có câu :  "Cái Bất Biến chỉ huy cái Biến" chính vì lẽ đó.

             Sự hiện hữu đồng thời của lẽ Biến Dịch và lẽ Bất Dịch là một công án cực kỳ hóc hiểm, không thể dùng tri thức suy luận toán học thông thường để phân giải.  Tri thức suy luận toán học có tính cách thuần lý; mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ dường như không phải lúc nào cũng thuần lý.  Dường như ta phải dùng tới bát nhã hoặc trực giác không phân cực ( non-dual intuition ) mới có thể hiểu nổi .

             Tri thức thực nghiệm cho ta thấy vạn vật trong vũ trụ luôn luôn biến đổi không ngừng.  Tri thức thuần lý cho ta thấy luật Biến Dịch có tính cách thường hằng bất biến, bất di bất dịch.  Trớ trêu thay khi ta công nhận Luật Biến Dịch có tính cách bất dịch thường hằng bất biến thì ít ra trong vũ trụ ta đã tìm thấy một cái không bao giờ thay đổi :  đó chính là Luật Biến Dịch.  Mâu thuẫn đó đưa tới bế tắc trên con đường dùng lý trí để đi tìm chân lý.  Chỉ có bát nhã hay trực giác không phân cực mới có thể phá giải nổi bế tắc đó.

            Một trong những công án thường được đề cập tới trong thiền môn là câu hỏi sau đây :

            "Người có thể dùng hai bàn tay để tạo thành tiếng vỗ tay.  Vậy thế nào là tiếng vỗ tay của một bàn tay ?"

             Trực giác giúp ta nhận thấy ngay là không thể nào có tiếng vỗ tay của một bàn tay.  Cũng như vậy, "Vạn vật luôn luôn biến dịch" là một bàn tay, "Luật biến dịch đó có tính cách thường hằng bất biến" là bàn tay thứ hai.  Nếu muốn có vế thứ nhất thì không thể không có vế thứ hai, cũng như muốn có tiếng vỗ tay thì không thể chỉ dùng một bàn tay.

             Tới đây thì ta thấy vạn vật trong vũ trụ luôn luôn hỗ tương tùy thuộc lẫn nhau.  Muốn giải một công án thì đồng thời ta lại vấp phải một, hoặc rất nhiều , công án khác.

             Suy luận toán học rất rõ ràng sáng sủa, dễ hiểu, chính xác, hữu dụng và thuần lý; nhưng dường như lại không hoàn toàn phù hợp với những gì thực sự xảy ra trong vũ trụ.

             Dường như ngay sau khi ta vừa khám phá ra một "chân lý", chỉ cần suy ngẫm lại và đối chiếu với những gì thực sự xảy ra trong vũ trụ, ta lại giật mình nhận thấy "chân lý" đó hầu như rung rinh muốn sụp đổ.

             Mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ có tính cách THUẦN LÝ  ( rational ) hay KHÔNG THUẦN LÝ  ( irrational ) ?  Ðây lại là một công án vô cùng nan giải.

             Trước hết xin hãy cùng nhau suy ngẫm lại suy luận toán học của Descartes :

             "Nếu A # B thì không thể đồng thời A = B "

             Thoạt tiên ta thấy suy luận toán học của Descartes quá đúng, đúng đến nỗi hầu như không thể nào tìm được một kẽ hở để mà chỉ trích; đúng một cách hiển nhiên như 1 + 1 = 2 vậy.

            Nhưng suy ngẫm lại và đối chiếu với những gì thực sự xảy ra trong vũ trụ ta lại thấy dường như chân lý đó chỉ đúng trong một khoảnh khắc phù du trong khi ta làm toán.

             Giá thử có hai nhóm người; nhóm thứ nhất ta gọi là A, nhóm thứ hai ta gọi là B, mỗi nhóm đều gồm 2 người.  Ta có thể nói hai nhóm người đó bằng nhau được không ?  Ðược lắm chứ !  Vì cả hai nhóm đều gồm 2 người như nhau.

             Giả thiết :    A = 2  ;  B = 2

            Suy ra :       A = B

            Suy luận toán học đó chắc như cua gạch.

             Nhưng giả thử nhóm A là một cặp vợ chồng trẻ khỏe mạnh và rất mực hòa thuận; nhóm B là hai kẻ thù bất cộng đái thiên như Sadam Hussein và George Bush chẳng hạn.  Nếu ta thả hai nhóm người đó lên hai hoang đảo khác nhau thì sau một thời gian rất có thể cặp vợ chồng ở nhóm A sẽ sinh con đẻ cái thành một gia đình đông đúc, trong khi đó hai người ở nhóm B có lẽ đã biến thành một kẻ tàng tật và một bộ xương khô hoặc cả hai bộ xương khô.

             Ngay trong khoảnh khắc mà ta làm toán thì suy luận của Descartes dường như quá đúng; nhưng chỉ một thời gian sau đó thì suy luận đó lại không còn đúng nữa.  Sở dĩ như vậy là vì trong khi ta suy luận toán học ta đã giản lược hóa con người thành những con số.  Phải giản lược hóa như vậy thì ta mới cộng trừ nhân chia được.  Trên thực tế con người chẳng bao giờ chỉ là những con số.

             Nếu con người chỉ là những con số thì 1 + 1 = 2 là một chân lý muôn đời không thay đổi, ta có thể đếm đầu người mà vững bụng cộng trừ nhân chia với tin tưởng rằng mọi hiện tượng trong vũ trụ đều diễn biến một cách tuyệt đối thuần lý như những công thức toán học.  Tiếc thay con người chẳng hề chỉ là những con số, vì thế suy luận toán học của Descartes đúng đấy mà cũng có thể sai đấy.

             Nhưng dẫn chứng nói trên chỉ khiến ta mường tượng thấy mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ không hẳn đã luôn luôn thuần lý như Descartes đã nghĩ; dẫn chứng đó không đủ để ta kết luận rằng mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ đều có tính cách phi lý ( irrational ), nghĩa là không tuân theo một định luật nào, không sao thể hiểu nổi và cũng không sao thể tiên liệu trước được.

             Nếu ta cho rằng mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ đều có tính cách phi lý thì có nghĩa là ta đã mặc nhiên phủ nhận tất cả mọi luật tạo hóa.  Ở thời đại ngày nay quan niệm đó dường như khó có thể đứng vững.

             Biết bao định luật khoa học đã được chứng nghiệm và vẫn còn được chứng nghiệm.  Ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của những Luật Tạo Hóa.  Tuy thế mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ có tính cách thuần lý hay không thuần lý vẫn là một bí ẩn chưa thể hiểu nổi.  Ðó vẫn là một câu hỏi mà loài người vẫn đang khắc khoải muốn tìm lời giải đáp, nhưng cho đến nay vẫn chưa ai tìm được một lời giải đáp thỏa đáng.

             Tính cách thuần lý hay không thuần lý của mọi hiện tượng trong vũ trụ tùy thuộc rất nhiều vào nhận thức của nhân loại về lẽ Biến Dịch và Bất Dịch.  Ta hiểu lẽ Biến Dịch và Bất Dịch đó ra sao ?

            Phải chăng vạn vật trong vũ trụ luôn luôn biến dịch theo những luật nhân quả khắt khe cố định ?  Phải chăng nếu ta biết rõ những luật nhân quả đó thì ta có thể tiên đoán thật chính xác mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ cũng như trong xã hội loài người ? Nếu Luật Nhân Quả chi phối vạn vật trong vũ trụ thì mọi hiện tượng xảy ra trong trời đất có tính cách Tất nhiên hay Ngẫu Nhiên ?  Biến Dịch cũng có nghĩa là Tiến Hóa; vậy vũ trụ và xã hội loài người tiến hóa theo đường thẳng hay biến dịch tuần hoàn theo từng chu kỳ ?

             Bao nhiêu câu hỏi đó rối mù và dường như chỉ là những công án hóc hiểm nát óc không sao thể hiểu nổi.  Dãu sao ta cũng sẽ phải cố gắng tìm hiểu từng câu hỏi một, bởi vì dù muốn dù không trong đầu mỗi người cũng từ từ hình thành những lời giải đáp cho những câu hỏi đó hoặc thật rõ rệt, hoặc mù mờ lúc ẩn lúc hiện.  Những lời giải đáp cho những câu hỏi đó của mỗi cá nhân trong xã hội sẽ hòa với nhau biến thành một vũ trụ quan và nhân sinh quan chung cho đại đa số người dân trong nước.  Vũ trụ quan và nhân sinh quan đó chính là nền móng của một nền văn hóa.

             Có người chắc hẳn sẽ thắc mắc tại sao trong thời đại tân tiến hiện nay mà còn mất thì giờ bàn những chuyện trên trời dưới đất vớ vẩn trừu tượng và vô bổ như Biến Dịch và Bất Dịch.

            Có lẽ "Biến Dịch" và "Bất Dịch" là những chữ quá cổ nay ít ai còn dùng tới.  Nhưng nếu ta hiểu một cách giản dị Biến Dịch có nghĩa là "Thay Ðổi" và Bất Dịch có nghĩa là "Không Thay Ðổi", ta sẽ thấy vấn đề đặt ra chẳng hề trừu tượng và xa vời chút nào.  Chỉ cần đổi chữ dùng đi một chút ta sẽ giật mình nhận thấy lẽ Biến Dịch và Bất Dịch đó ảnh hưởng sâu đậm đến mọi sinh hoạt của loài người như thế nào.

             Cuộc "cách mạng" 1789 tại Pháp làm đảo lộn cơ cấu xã hội ở các nước Tây Phương; cuộc "cách mạng" tháng 10 ở Nga đưa một phần nhân loại vào những cơn thảm họa tàn khốc suốt 70 năm trường.  Trên địa hạt nông nghiệp, người ta thường nói tới cuộc "cách mạng xanh", trên địa hạt khoa học kỹ thuật người ta lại bàn tới cuộc "cách mạng tín học".  "Cách mạng" là gì, nếu không phải là "Thay Ðổi" ?  Những thay đổi đó dù nông hay sâu, dù nhanh hay chậm, dù tốt hay xấu thì vẫn là thay đổi; và thay đổi thì có khác gì Biến Dịch ?

             "Cách mạng" cũng là Biến Dịch, "Ðổi Mới" cũng là Biến Dịch, "Cải Tạo" cũng là Biến Dịch, "Ðổi đời" cũng là Biến Dịch.  Biến Dịch có thể mang lại niềm hy vọng lớn lao cho nhân loại như cuộc cách mạng 1789 ở Pháp, cuộc cách mạng xanh trong lãnh vực nông nghiệp, cuộc cách mạng tín học trong lãnh vực khoa học kỹ thuật; nhưng Biến Dịch cũng có nghĩa là "cải cách ruộng đất", là "cách mạng văn hóa", là "cải tạo" , là "đổi đời".  Nghĩ tới các trại cải tạo hoặc tới cuộc đổi đời ngày 30 - 4 -1975 là muốn rụng rời chân tay.

             Một trong những câu nói của Karl Marx đã hầu như làm rung chuyển nếp suy nghĩ của loài người trong mấy thập niên vừa qua là câu ông ta phê bình các tư tưởng gia của nhân loại.  Ông viết:

             "The philosophers have only interpreted   the world in different ways, but the point is to make it different."

            ( Các triết gia cho tới nay đã chỉ  diễn giải  vũ trụ theo những cách nhìn khác nhau, nhưng điều cần thiết là phải  đổi khác nó đi. )

             Câu nói đó có một hấp lực quyến rũ thật ma quái.  Khi nói tới nỗ lực đổi khác vũ trụ, đổi khác vạn vật, đổi khác xã hội, đổi khác con người là nói tới ý định muốn thay trời hành đạo, muốn thay đổi vạn vật trong vũ trụ theo ý muốn con người, hay nói đúng hơn theo ý muốn của một nhóm người.  Ðó là nỗ lực đưa con người lên ngang hàng với Thượng Ðế hoặc trên Thượng Ðế.

             Ý tưởng táo bạo đó đã lôi cuốn không ít người nhẹ dạ.  Tư tưởng "cách mạng" đó đã như một luồng gió mới thổi vào xã hội Việt Nam cổ kính, thế rồi một sớm một chiều những con người mới xã hội chủ nghĩa đã đứng dậy đập phá tan tành nền văn hóa của dân tộc.

            Ngẫm cho kỹ sẽ thấy một điều vô cùng lạ lùng khó hiểu.  Luồng gió cách mạng thay cũ đổi mới đó đã thổi vào xã hội Việt Nam một tư tưởng rất mới là vũ trụ và xã hội loài người đã không hề thay đổi suốt mấy ngàn năm và như thế là lẽ Biến Dịch của vạn vật trong vũ trụ mà Ðông Phương thường đề cập tới dường như không đúng, hoặc không hề có.  Dường như tự thuở khai thiên lập địa vạn vật trong vũ trụ cũng như xã hội  loài người luôn luôn ù lì bất biến, và chỉ có nỗ lực của những con người cách mạng như Karl Marx mới có thể "đổi khác" nó đi.  Nhưng xét cho cùng thì ý nghĩ của Karl Marx cũng chẳng có gì lạ.  Nếu ta muốn người Tây Phương cầm đũa ăn cơm với mắm bồ hóc như ta mà họ không chịu nghe theo, cứ giữ mãi cái hủ tục ăn bánh mì có từ mấy ngàn năm, thì có lẽ ta cũng bực mình vì họ quá ù lì bảo thủ thiếu hẳn tinh thần cách mạng thay cũ đổi mới như ta.  "Cách mạng" dường như chỉ có nghĩa là mình nay đã đổi khác, đã biến thành người khác, suy nghĩ bằng đầu óc của người khác, mở miệng nói ra những điều người khác muốn mình nói, hành động theo ý muốn của người khác, cái đổi khác lớn nhất là mình không còn là mình nữa.

             Từ khi có sự va chạm với nền văn hóa Tây Phương và nhất là từ khi có sự du nhập chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam thì lòng háo hức thay cũ đổi mới hầu như luôn luôn bồng bột trong lòng đa số người dân Việt.

             Nhưng thay cũ đổi mới hoài mà sao dân tộc mình vẫn không khá, chỉ thấy mỗi ngày một thêm lụn bại ?  Tại sao cuộc cách mạng 1789 đã đưa dân tộc Pháp tiến lên mà cuộc cách mạng tháng 10 ở Nga rút cục đã sụp đổ theo bức tường Bá Linh ?  Tại sao cuộc cách mạng mùa thu héo úa ở Việt Nam đã chỉ đưa mấy trăm ngàn người dân Việt chết tức tưởi trong lòng biển cả và cả một dân tộc bốn ngàn năm văn hiến xuống hàng một trong những nước nghèo nàn lạc hậu nhất trần gian ?  Hẳn nhiên phải có một cái gì sai lầm ghê gớm !

             Ðôi khi tĩnh tâm, tôi chợt nhớ lời Phật dạy :

             "Khi còn ở bên này bến mê thì núi là núi sông là sông, khi bắt đầu dời khỏi            

bến mê thì núi không còn là núi sông không còn là sông, khi sang tới bờ giác ngộ thì núi vẫn là núi sông vẫn là sông."

             Chẳng biết mình vẫn còn mê hay đã tỉnh ?

             Qua bao nhiêu đổi thay trong xã hội, chẳng biết giấc mơ lớn lao nhất trong lòng mỗi người dân Việt nay vẫn chỉ là mau mau "thay cũ đổi mới" cho sớm thành quả chuối vỏ vàng ruột trắng hoặc con khỉ đỏ đít hay ước mơ thầm kín vẫn chỉ là giấc mơ giản dị được làm người như thuở ban đầu ?

             Biến Dịch hay Bất Dịch ngẫm lại vẫn luôn luôn là những thắc mắc lớn lao cho toàn thể nhân loại.


Tất Nhiên Và Ngẫu Nhiên

 

           Kẻ hậu sinh này thuở nhỏ may mắn được theo học chữ Nho vài năm.  Lớn lên cũng có dịp tìm hiểu Nho học, hoặc ở môi trường Ðại học, hoặc ngoài đời.  Trong tất cả những sách gọi là kinh điển của nhà Nho để lại, người viết vốn rất ngưỡng mộ và cho rằng Chu Dịch là một bộ kỳ thư của nhân loại, ý tứ thật cao thâm.  Chỉ duy có điều sách viết cao quá, thật khó hiểu.  Mãi đến khi đã hơn năm chục tuổi đầu, đọc đi đọc lại rất nhiều lần mới võ vẽ gọi là hiểu được đôi điều hữu ích.

             Theo sự hiểu biết nông cạn của người viết thì sách Chu Dịch trước hết đưa ra một vũ trụ quan cho thấy lẽ Biến Dịch của vạn vật hoặc nguyên lý vận hành của vũ trụ. Từ nguyên lý vận hành vũ trụ mà suy ra những nguyên lý chi phối cuộc sống con người.   Người tinh thông Dịch lý do đó hiểu được lẽ thịnh suy của một triều đại, biết được lẽ tồn vong của một xã-hội, biết cách xử thế sao cho hòa hợp với người, biết lúc tiến lúc thoái, biết lúc nào nên cương nên nhu.  Tiến thêm một bước nữa người thấu hiểu Dịch lý có lẽ có thể đạt tới khả năng tiên tri mà Lão Tử gọi là "bất xuất hộ nhi tri thiên hạ"  ( Không ra khỏi cửa mà biết chuyện thiên hạ )

             Trong lịch sử nhân loại không thiếu những người có khả năng tiên tri đó.  Khổng Minh ngồi trong túp lều tranh mà tiên liệu được thiên hạ sẽ chia ba.  Churchill thấy thỏa ước Munich được ký kết mà nghe trước được tiếng chân giày của đoàn quân Ðức Quốc Xã sẽ rầm rập bước khắp Âu Châu.  Những nhà thiên văn nhìn trong viễn vọng kính mà tiên liệu trước sự xuất hiện của những vì sao xa lắc xa lơ.  Những nhà quản trị nhìn vào biểu đồ thống kê mà biết trước được nền kinh tế một nước sẽ suy thoái hoặc sắp sang thời kỳ phát triển phồn thịnh.  Thời tiết ngày nay có thể được tiên đoán khá chính xác 24 giờ trước khi xảy tới.  Những thiên tai như hạn hán, bão tố, động đất đều có thể tiên liệu trước được.

             Như thế khả năng tiên tri của con người là một khả năng có thực, khó ai có thể phủ nhận nổi.       

             Tiên tri là biết rõ mối tương quan giữa sự vật.  Trong mọi trường hợp, tiên liệu hay tiên tri là đoán trước những sự kiện chưa xảy ra nhưng sẽ xảy ra ( nếu ta đoán đúng ).  Căn cứ vào đâu mà ta có thể tiên tri hay tiên đoán ?  Ngày xưa người ta thường căn cứ vào những điềm trời.  Chẳng hạn phong dao  có câu :

             "Mống đông vồng tây, chẳng mưa dây cũng bão dật"

             Ngày nay người ta thường căn cứ vào những hiện tượng quan sát được hoặc những dữ kiện thâu thập được.  Nhưng yếu tố chính yếu giúp ta tiên đoán được một sự kiện chưa xảy ra chính là những nguyên lý vận hành vũ trụ hoặc những Luật Tạo Hóa.  Hầu hết các Luật Tạo Hóa hoặc định luật khoa học đều có tính cách nhân quả.  Nếu không nắm được tương quan nhân quả giữa sự vật thì có lẽ cũng không có cách gì biết trước được những chuyện chưa hề xảy tới.

             Tương quan nhân quả có thể rất rõ ràng chính xác và biểu thị bằng những công thức toán học, như công thức  E=mc2  của Einstein, nhưng cũng có thể chỉ là những sợi dây tơ hồng mỏng manh kết nối giữa triệu chứng và những chuyện sẽ xảy ra hoặc chưa nhìn thấy trước mắt.  Chẳng hạn một y sĩ thấy áp huyết bệnh nhân quá cao nghĩ ngay rằng rất có thể bệnh nhân là một người ghiền thuốc lá quá nặng.

            Mọi Luật Tạo Hóa hầu như đều có tính cách nhân quả.  Nhưng thế nào là nhân quả ?  Phải chăng hễ nhân nào thì tất nhiên phải sinh quả đó ?  Tới đây thì một câu hỏi lớn lại gợi cho ta suy nghĩ rất nhiều :  Mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ có tính cách TẤT NHIÊN hay NGÂŨ NHIÊN  ?

             Phải chăng vũ trụ giống như một guồng máy vận hành theo những qui tắc cố định bất biến không thể nào khác được, hay vạn vật trong vũ trụ từ thuở khai thiên lập địa vốn đã hỗn mang chẳng hề tuân theo một định luật nhất định cứng ngắc nào ?  Ðây là một câu hỏi khó ai có thể trả lời dứt khoát được.

             Nếu ta cho rằng vũ trụ giống như một guồng máy vận hành theo những qui tắc cố định bất biến, thì mọi hiện tượng xảy ra trong trời đất phải chăng đều có tính cách TẤT NHIÊN và THUẦN LÝ ?  Với cái nhìn này thì trong vũ trụ chẳng có gì là bí ẩn cả.   Tất cả mọi hiện tượng xảy ra trong trời đất đều có thể giải thích được bằng những định luật khoa học khách quan; nếu ta nắm vững những định luật khoa học khách quan thì không những ta có thể hiểu và giải thích được mọi hiện tượng xảy ra trong trời đất mà ta còn có thể tiên đoán thật chính xác những gì chưa xảy ra nhưng chắc chắn sẽ phải xảy đến.  Nếu có gì ta chưa hiểu được thì chỉ là vì nhân loại chưa khám phá hết được những định luật khoa học liên hệ;  nhưng chắc chắn một ngày kia khoa học sẽ tiến tới mức giải thích được tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ.  Ði xa hơn nữa  khoa học có thể giúp cho loài người thay đổi vũ trụ và xã-hội loài người theo đúng ý muốn con người.

             Karl Marx đã đưa ra những "qui luật lịch sử tất yếu" và cho rằng những qui luật đó có tính cách khoa học khách quan nên không thể nào sai được.  Marx từng nói :"Sẽ có một ngày chuyện TẤT NHIÊN phải đến không thể nào tránh được là những kẻ chiếm hữu sẽ bị truất hữu".  Ngày ấy đã đến cho hàng chục triệu người dân ở Nga, Trung Cộng, Việt Nam cũng như các nước Cộng Sản khác.   Họ đã bị "truất hữu" không những chỉ ruộng đất, nhà cửa, vợ con mà còn cả mạng sống của họ nữa.  Nếu hàng chục triệu người dân hiền lành vô tội ở các nước Cộng Sản đã bị thảm sát thì đó là lỗi ở họ.  Họ đã NGÂŨ NHIÊN sinh ra vào một thời mà phong trào Cộng Sản đang thịnh phát; do đó họ có bị thảm sát cũng là chuyện TẤT NHIÊN thôi.  Nếu họ không bị thảm sát thì làm sao có thể chứng minh được là những "qui luật lịch sử tất yếu" của Karl Marx có tính cách tất yếu ?  Những người dân vô tội đó chỉ cần sinh ra sớm một chút, trước khi có Karl Marx, hoặc trễ một chút, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ thì cái chuyện TẤT NHIÊN bị thảm sát đó có lẽ đã không bao giờ xảy ra.

             Trực giác cho ta thấy mọi "Luật Tạo Hóa" nếu quả thật là Luật Tạo Hóa thì ắt phải luôn luôn được chứng nghiệm.  Nếu những "qui luật lịch sử tất yếu" của Karl Marx không được chứng nghiệm thì chỉ vì một lẽ giản dị nó không phải là Luật Tạo Hóa mà chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng do một vài cá nhân sáng tạo ra.  Tin theo những "qui luật lịch sử" đó để vội khẳng định dòng lịch sử nhất định phải thế này hoặc thế nọ thật chẳng khác gì tin theo lời của một kẻ mất trí.

             Cái hay của Kinh Dịch là những Luật Biến Dịch được đề cập tới không có tính cách cứng ngắc của những công thức toán học.  Vạn vật trong vũ trụ luôn luôn biến dịch theo ức triệu nẻo khác nhau chứ không phải chỉ có một nhân một quả duy nhất.  Sáng suốt thì vẫn có thể tiên đoán được những gì có thể xảy tới, không sáng suốt thì chỉ thành những ông thày bói sờ mu rùa.

              Mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ đều tùy thuộc quá nhiều yếu tố chứ không phải chỉ tùy thuộc vào một vài yếu tố duy nhất.  Vì thế có những điều ta có thể tiên liệu TẤT NHIÊN sẽ phải xảy tới, nhưng có những điều ta rất khó mà quyết đoán sẽ xảy tới ra sao.

             Cứ suy ngẫm về cuộc sống con người sẽ thấy ngay lời giải cho câu hỏi "Tất Nhiên hay Ngẫu Nhiên ?".  Con người sinh ra ai cũng có lúc phải chết.  Thành Trụ Hoại Không là luật Vạn Vật Vô Thường của nhà Phật, luật đó có tính cách thường hằng bất biến không bao giờ thay đổi.  Từ thuở khai thiên lập địa chưa từng có ai đã sinh ra mà không bao giờ chết.  Theo truyền thuyết ông Bành Tổ sống hơn 300 năm.  Cứ cho rằng truyền thuyết đó đúng đi nữa, thì nay đống xương tàn của ông Bành Tổ cũng đã mục trong lòng đất.  Như thế quả nhiên đã có những luật tạo hóa khiến ta vững tin rằng có những hiện tượng trong trời đất TẤT NHIÊN sẽ phải xảy đến.

             Nhưng nếu từ những sự kiện đó mà vội vã kết luận rằng tất cả mọi hiện tượng trong trời đất đều có tính cách Tất Nhiên thì e rằng ta sẽ trở thành những kẻ cuồng tín ngụp lặn trong bến mê, dù sự mê tín đó dựa trên chiếc mu rùa nhẵn nhụi, những định luật khoa học khách quan thật chính xác hay những "qui luật lịch sử tất yếu" của Karl Marx.

             Dãu rằng con người sinh ra trước sau ai cũng phải chết , nhưng có cái chết nào giống cái chết nào đâu ?  Có kẻ vừa mới lọt lòng đã chết non khi chưa đầy tuổi thôi nôi, có người chết vì bom đạn, có người chết vì bệnh tật, có người chết vì đói khát kiệt lực, và cũng có người chết êm ái nhẹ nhàng trong lúc tuổi già.  Có ai biết trước được chắc chắn một đứa trẻ vừa sinh ra đời sau này Tất Nhiên sẽ phải thế này hoặc thế nọ hay không ?

             Tại sao cũng là Luật Tạo Hóa mà có những luật ta có thể dựa vào để khẳng định sẽ có những chuyện tất nhiên sẽ phải xảy ra trong khi cũng là luật tạo hóa mà có những định luật khác không cho phép ta quyết đoán như vậy ?

             Ném một hòn đá xuống ao ta biết chắc chắn nó sẽ chìm, không thể nào khác được. Thả một quả trứng gà trong ly nước ta thấy ra sao ?  Thông thường thì quả trứng sẽ chìm.  Nhưng có người tinh nghịch có thể "phù phép" cho quả trứng nổi.  Họ đã làm được chuyện đó mà chẳng cần có phép thần thông gì hết, chỉ cần bỏ thật nhiều muối vào ly nước và khoắng cho tan.  Tỉ trọng nước muối lớn hơn tỉ trọng nước sông hồ sẽ làm quả trứng nổi lên.  Nếu ta vội vã kết luận rằng hễ thả một quả trứng vào trong một ly nước  Tất Nhiên quả trứng sẽ chìm thì ta đã lầm lẫn lớn.  Trong cả hai trường hợp, định luật Archimedes vẫn y hệt như nhau không có gì thay đổi, tuy nhiên hiện tượng quả trứng chìm hay nổi thì khác nhau rất xa.

             Newton nhìn quả táo rơi mà suy ra nguyên lý động lực học :  Mọi vật rơi trong chân không đều có cùng một độ gia tốc.  Nguyên lý đó rất đúng nếu các vật đem ra thí nghiệm rơi trong chân không.  Nếu ta thả những vật đó rơi trong không khí thì dường như nguyên lý đó không còn đúng nữa; sức cản của không khí sẽ làm cho những vật đó rơi với những độ gia tốc khác nhau.  Trong vũ trụ vạn vật luôn luôn hỗ tương tác động lẫn nhau.  Nói cách khác vạn vật trong vũ trụ bị chi phối bởi vô số Luật Tạo Hóa, chứ không phải chỉ tuân theo một Luật Tạo Hóa duy nhất.

             Ðức Phật đưa ra Luật Nhân Quả, có người vội vã kết luận rằng Luật Nhân Quả có nghĩa là "nhất ẩm nhất trác giai do tiền định" ( một miếng ăn, một ngụm nước uống đều do tiền định).  Hệ luận đó e rằng quá võ đoán chăng ?

             Ðức Phật thường nói tới thập nhị nhân duyên.  Ðã có Nhân lại có Duyên, mà còn có rất nhiều Nhân Duyên khác nhau thì làm sao mà có thể mọi hiện tượng trong trời đất đều do tiền định được ?  Vì có vô số "Luật Tạo Hóa" đồng thời tác động lên vạn vật nên ta mới thấy hầu như chẳng thể tiên liệu một cách thật chính xác vũ trụ hoặc xã hội loài người sẽ biến đổi thế này hoặc thế nọ được.

             Nếu ta để hai cục nam châm đối đầu nhau, thì hai cục nam châm đó sẽ đẩy nhau hay hút nhau ?  Ai cũng biết hai cục nam châm đó sẽ hút nhau nếu hai cực đối diện khác nhau và sẽ đẩy nhau nếu hai cực đối diện giống nhau.  Nếu ta kéo hai cục nam châm đó ra cách nhau một khoảng cách khá xa thì ta thấy dường như hai cục nam châm đó chẳng hề đẩy nhau, cũng không hề hút nhau.  Luật Tạo Hóa vẫn có đấy, nhưng có khi nó tác động lên một sự vật thật mạnh mẽ khiến ta thấy rõ, có khi tác động đó quá yếu ớt đến nỗi ta không thể nhìn thấy được.   Chính vì lẽ đó dãu những Luật Tạo Hóa vẫn luôn luôn hiện hữu và bất di bất dịch, nhưng cái hậu quả của nó trên vạn vật thì có khi thế này có khi thế khác.  Ðiều đó cắt nghĩa tại sao phần lớn mọi hiện tượng trong vũ trụ và xã hội loài người xảy ra dường như có tính cách NGÂŨ NHIÊN mặc dàu những Luật Nhân Quả vẫn luôn luôn chi phối vạn vật trong vũ trụ.

             Câu hỏi "Tất nhiên hay Ngẫu nhiên ?" thoạt nghe dường như có tính cách vô thưởng vô phạt, nhiều lắm chỉ gây tranh luận cho những kẻ nhàn cư.  Nhưng ngẫm cho kỹ thì câu trả lời cho câu hỏi đó có thể gây ra những ảnh hưởng thật sâu xa đến cuộc sống loài người. 

             Chỉ cần vài nhà lãnh đạo nắm được quyền bính trong tay tin theo tính cách Tất Nhiên của những qui luật lịch sử tất yếu do họ sáng tạo nên là nhân loại sẽ khốn khổ vì những chế độ độc tài chuyên chính như những guồng máy vô tri nghiền nát con người thành cát bụi.  Chỉ cần tin tưởng tuyệt đối vào tính cách Tất nhiên của mọi luật tạo hóa là con người dễ dàng buông xuôi hai tay phó mặc cho Ðịnh Mệnh khắt khe chi phối cuộc sống con người.

             Ngược lại hoàn toàn không tin ở Luật Nhân Quả thì cũng dễ dàng phủ nhận quan niệm "ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác".  Từ đó con người có thể sẽ không còn cảm thấy có trách nhiệm gì về bất cứ một việc làm nào của chính mình.

             Ngẫm cho kỹ thì vạn vật trong vũ trụ luôn luôn hỗ tương tác động lẫn nhau.  Tác động nào mạnh nhất sẽ in vết sâu đậm trên mỗi con người khiến tương quan nhân quả rõ ràng hiển hiện nhất.  Nhưng chỉ có trời mới biết được chuyện gì xảy ra trong trời đất sẽ ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ nhất đến nếp suy nghĩ và hành động của mỗi người.

             Một lần trong trại cải tạo người viết được nghe một người bạn tâm sự.  Anh ta là một người khá thông minh, tính tình thành thực, đã tốt nghiệp đại học và đã từng khá thành công ngoài xã hội trước năm 1975.  Anh ta thú nhận thuở nhỏ anh đã sống ở vùng do Việt Minh kiểm soát.  Thời thơ ấu anh đã nhiệt tình tham gia nhi đồng cứu quốc.  Lớn lên cha mẹ anh dẫn cả gia đình về thành.  Trong suốt thời kỳ mới lớn anh đã được Việt Cộng cho người móc nối mà cha mẹ không hề hay biết.  Anh tiếp tục hoạt động ngầm cho Việt Cộng rất đắc lực mẫn cán.  Tới khi tốt nghiệp đại học, cha mẹ anh cho anh tiền từ miền Trung vào Saigon vừa để nghỉ ngơi một thời gian và cũng để thăm thú tình hình tìm việc làm.  Thay vì vào Saigon, anh được Việt Cộng móc nối vô rừng để theo một khóa học chính trị ngắn hạn.  Họ thấy anh đã gần đủ tiêu chuẩn để kết nạp vào đảng Cộng Sản.  Họ nói anh sẽ phải qua một thời kỳ thử thách, nếu vượt qua tất cả mọi thử thách sẽ được kết nạp vào đảng Cộng Sản.

             Hơn hai tháng trong rừng, anh đã vượt qua mọi thử thách.  Cán bộ Cộng Sản rất hài lòng và nói thẳng với anh rằng chỉ còn một thử thách cuối cùng nếu anh vượt qua nổi sẽ được kết nạp vào đảng.  Thử thách đó gọi là "Ly khai giai cấp".  Tưởng gì chứ "ly khai giai cấp" thì quá dễ !  Là một thanh niên đầy nhiệt huyết anh bước vào đời với hai bàn tay trắng, với một thân thể tráng kiện tràn đầy sức sống, với đức tính cần lao sẵn có của một gia đình gốc nông dân, với một kiến thức rộng rãi thâu lượm được từ môi trường đại học, anh sẵn sàng từ bỏ mọi địa vị, vinh hoa phú quí cũng như danh vọng để theo đuổi lý tưởng cao đẹp.  "Ly khai giai cấp" đối với anh thật quá dễ !

             Ðiều bất ngờ vượt ra ngoài mọi dự đoán của anh là "ly khai giai cấp" chẳng hề có ý nghĩa như anh tưởng.  Anh có một tuần để suy nghĩ và viết ra một bản kiểm điểm, sau đó sẽ đứng ra trình bày trước mặt cán bộ Cộng Sản, tố cáo tất cả những hành vi "sai trái" của thân nhân.  Cán bộ Cộng Sản nhắm nhiều nhất vào ông nội anh là một người mà họ biết có một số ruộng đất tuy không nhiều nhưng cũng đủ để liệt kê vào hàng địa chủ.  Sau mấy đêm thao thức suy nghĩ anh nhớ lại thuở nhỏ ông nội đã thương anh thế nào và cảm thấy bất nhẫn tủi hổ nếu phải đứng trước đám đông kể tội ông nội.  Thế rồi anh tìm cách bỏ trốn về với gia đình, kể hết chuyện cho bố mẹ, rồi vội vã cuốn gói vô Saigon.  Từ đó cắt đứt hết liên lạc với Việt Cộng.

             Quyết định của anh quả là một bất ngờ lớn lao cho những người Cộng Sản.  Một kẻ khi chưa được Ðảng "giáo dục" đã tự nguyện hăng say thi hành mọi công tác do Ðảng giao phó, vậy sau khi đã được Ðảng "giáo dục" và hứa hẹn kết nạp lẽ ra phải vui mừng mà đón nhận cái vinh dự đó chứ !  Ðó là chuyện lẽ ra TẤT NHIÊN phải xảy tới.

             Chỉ có một điều bất ngờ mà người Cộng Sản không hề nghĩ tới là trong tận cùng tâm hồn con người còn có một cái rất quí gọi là Lương Tâm.  Chính Lương Tâm đã khiến cho những chuyện dường như đáng lẽ TẤT NHIÊN phải xảy ra lại không xảy ra.  Nhưng quyết định của Lương Tâm cũng chẳng hề là một quyết định NGÂŨ NHIÊN.


Tã Trắng Hay Cờ Hồng ?

 

           Một buổi sáng vào năm 1980, lúc đó người viết còn đang ở Saigon, một thân nhân chạy đến hốt hoảng báo cho người viết một tin vô cùng rùng rợn.  Trong một đường hẻm phía sau nhà thân nhân đó có một cán bộ Cộng Sản nuôi heo bán kiếm lời.  Không biết anh ta làm cách nào mà móc nối được với nhân viên trong bệnh viện Từ Dũ, xin được thai nhi của những người đàn bà tới đó phá thai.  Anh cán bộ Cộng Sản mang những thai nhi đó về băm nhỏ và trộn với bo bo làm thức ăn cho heo.  Người trong xóm tình cờ nhìn thấy và tin tức lan truyền thật mau lẹ.

             Thân nhân người viết thở hổn hển, vừa kể vừa run rảy với một xúc động ghê gớm.  Người viết ngồi lặng đi không nói được một lời.  Nhìn lên đôi mắt người kể chuyện, người viết thấy hai giọt lệ long lanh nơi đáy mắt.  Trời đất dường như quay cuồng sụp đổ.  Chưa bao giờ người viết cảm thấy cái cảm giác đau đớn như trăm ngàn mũi dao đâm thấu tim phổi như vậy.  Chân tay rã rời bải hoải.  Khối óc như bị tê liệt chẳng thể hoạt động.  Nếu ngày tận thế có thực và xảy đến cho toàn thể nhân loại thì có lẽ ngày tận thế đó cũng còn dễ chịu hơn rất nhiều.

             Phải qua một thời gian khá lâu, cơn xúc động ban đầu mới từ từ chìm xuống và hai người mới đủ bình tĩnh để trao đổi với nhau vài lời.  Cứ theo thân nhân người viết kể lại thì sau khi bị phát giác, anh cán bộ Cộng Sản chẳng hề hốt hoảng nao núng, trái lại có thái độ rất ung dung thản nhiên, coi như không có chuyện gì xảy ra.  Anh ta còn đủ bình tĩnh để mỉm cười khoe với người trong xóm rằng nuôi heo bằng thai nhi rất có lời, heo mau lớn lắm.

             Hiện tượng sau năm 1975, bệnh viện Từ Dũ tràn ngập những vụ phá thai đã là một sự kiện đau lòng, nhưng sự kiện anh cán bộ Cộng Sản lấy thai nhi băm nhỏ làm thức ăn cho heo thì quả thực khiến ai còn chút lương tri phải tan nát cả lòng.  Tất cả những sự kiện đó thật ra chỉ là một vài chuyện nhỏ trong vô vàn hiện tượng đau lòng đã, đang và chắc chắn vẫn còn đang tiếp diễn ở quê hương Việt Nam yêu dấu.  Nếu ít ai muốn nói lên thì dường như chỉ là vì trái tim con người đã bị tê dại hết cảm xúc khi phải chứng kiến quá nhiều chuyện đau lòng xảy ra như cơm bữa khắp nơi ngoài xã hội.  Lương tâm đã biến thành một xa xỉ phẩm trong một xã hội mà miếng thịt heo béo ngậy đã trở nên giấc mơ vĩ đại luôn luôn ám ảnh đầu óc con người.

             Nhưng nếu ngày xưa cụ Khổng từng nói "Con giết cha, bày tôi thí vua không phải là chuyện xảy ra một ngày một bữa", thì nay sự kiện anh cán bộ băm thai nhi làm thức ăn cho heo cũng chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên xảy ra trong một sớm một chiều.  Nó phải có nguyên nhân.  Cái nguyên nhân đó là xã hội đã đổ vỡ lụn bại, là văn hóa nhân bản đã bị hủy diệt.  Nhìn xa hơn nữa ta cũng có thể nói nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng băm thai nhi làm thức ăn cho heo đó chính là những giọt lệ vui mừng của bác Hồ rơi xuống trang sách của Lenin.  Nếu bác Hồ đừng quá vui mừng đến rơi lệ khi tìm được  "cẩm nang thần kỳ" của Lenin để lại thì có lẽ dân tộc Việt Nam đã tránh được không biết bao nhiêu tang tóc đau thương và những người dân hiền lành vô tội không đến nỗi cạn khô hết nước mắt vì quá nhiều đau buồn tủi nhục.

             Nền tảng văn hóa Việt Nam có thể đã bị rung chuyển ngay từ khi tiếng súng đầu tiên của đoàn quân viễn chinh Pháp nổ ròn rã đánh thành Gia Ðịnh, nhưng phải tới khi giọt lệ vui mừng  bác Hồ rơi trên trang sách  Lenin dân tộc Việt Nam mới thực sự bước vào cơn "khủng hoảng cội nguồn".

             Sự rung chuyển nền móng văn hóa nhân bản Việt Nam khi có sự va chạm với những nền văn minh ngoại lai thoạt tiên mới chỉ là những nghi vấn:  Phải chăng chính nền văn hóa nhân bản truyền thống đã khiến cho dân tộc Việt Nam yếu hèn thua kém các dân tộc Tây Phương ?  Nghi vấn đó dù mỗi ngày một lớn vẫn chưa ai giải quyết được con đường dân tộc phải đi sẽ ra sao.  Chính Hồ Chí Minh đã tìm ra câu trả lời thật dứt khoát.  Trước câu hỏi "Tã trắng hay cờ hồng ?"  Hồ Chí Minh đã lựa chọn dứt khoát lá cờ hồng như một giải pháp tất yếu không thể nào tránh được.

             Tã trắng là nền văn hóa nhân bản đặt nền tảng trên TÌNH NGƯỜI.  Cờ hồng là nền văn hóa Mác-xít đặt nền tảng trên BẠO LỰC và DỐI TRÁ.  Cẩm nang thần kỳ của Lenin có thể tóm tắt là nếu không dùng BẠO LỰC và DỐI TRÁ thì không có hy vọng gì cướp được quyền lực.  Cứu cánh cuối cùng  của mọi cuộc đấu tranh chính trị hoặc quân sự chỉ là cướp lấy quyền lực.  Cướp được quyền lực là có tất cả.  Có quyền lực trong tay thì sẽ tha hồ nói phét, nói khoác, nói láo, nói dối.

             Nền móng văn hóa nhân bản Việt Nam dù sao cũng đã bị rung chuyển ngay từ khi có tiếng súng đầu tiên của đoàn quân viễn chinh Pháp đánh thành Gia Ðịnh.  Người Việt thời đó dường như choàng tỉnh sau một giấc ngủ dài.  Nghi vấn ban đầu về tính cách khả tín của những gì Nguyễn Trường Tộ nêu lên trong bản điều trần có lẽ không kéo dài quá lâu như nhiều người thường nghĩ.  "Ngọn đèn lộn ngược" của Nguyễn Trường Tộ, dù là một hình ảnh cực kỳ quái dị, cũng không làm cho ông ta bị kết án "khi quân" đến nỗi bị chém bêu đầu.  Ðiều đó đủ chứng tỏ vua quan triều Nguyễn chưa hủ lậu đến nỗi phủ nhận tất cả những gì Nguyễn Trường Tộ mắt thấy tai nghe.  Vả chăng những trung thần nghĩa sĩ như Hoàng Diệu phải tuẫn tiết chỉ vì một nhúm quân Pháp trang bị súng ống cổ lỗ sĩ thô sơ đã không làm một ai kết án Hoàng Diệu là hèn nhát, mà chỉ khiến mọi người đối diện với một cơn khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

             Lần đầu tiên người Việt không còn tin tưởng ở nền văn-hóa nhân bản của dân tộc mình.  Xưa kia dân tộc Việt Nam có thể luôn luôn vững tin rằng mình đúng người ta sai, mình là một dân tộc văn hiến, văn hóa mình dựa trên nhân nghĩa, kẻ kia bạo ngược hung tàn; trước sau gì nhân nghĩa cũng thắng hung tàn.  Nay thì niềm tin đó bị lung lay tận cỗi rễ.  Bạo ngược hung tàn lần đầu tiên đã thắng văn hiến nhân nghĩa quá rõ rệt đến nỗi không ai có thể phủ nhận nổi.  Hịch cần vương

 của Hàm Nghi, Phan Ðình Phùng có lẽ không thua hịch tướng sĩ của Trần Hưng Ðạo bao nhiêu;  Trương Công Ðịnh, Hoàng Hoa Thám dựng cờ khởi nghĩa vị tất đã hoàn toàn thua kém Lê Lợi lúc rút về Lam Sơn; nhưng trước sau mọi lá cờ khởi nghĩa đều lần lượt bị triệt hạ, như thế ắt hẳn phải có một nguyên nhân sâu xa hơn là sự bất tài hoặc thiếu dũng khí của những lớp hào kiệt nổi lên chống Pháp.  Tại sao các dân tộc Tây Phương quá hùng mạnh ?  Tại sao dân tộc ta quá yếu hèn ?       

             Những câu hỏi đó như những nhát búa gõ liên tục xuống trái tim khối óc của mọi tầng lớp dân chúng trong xã-hội Việt Nam, vô hình chung một "thủ phạm" lần lần hiện ra mỗi ngày một thêm rõ rệt.  Thủ phạm đó chính là nền văn hóa nhân bản cổ truyền của dân tộc.  Tất cả nếp sống của dân tộc Việt Nam nay được mang ra xem xét dưới kính hiển vi và qui kết là mê tín hủ tục.  Tất cả nếp suy nghĩ của dân tộc Việt lần lần được coi là bảo thủ, hủ bại.  Tất cả nền văn hóa nhân bản lần lần được coi là nguyên nhân chính đưa dân tộc tới tình trạng yếu hèn lụn bại.  Ít ai đủ bình tâm mà tỉnh táo suy xét nông sâu, đưa ra một nhận định trung thực giúp cho dân tộc mình đừng hốt hoảng vứt bỏ hết gia tài vô cùng quí báu mà tiền nhân đã bao đời dày công vun đắp mới gây dựng nên được.  Ít ai đủ sáng suốt để khuyên can đồng bào đừng vội vã chụp giựt những rác rưởi của các nền văn hóa ngoại lai mang về chưng nơi phòng khách coi như đồ gia bảo.

             Người ta vội vã kết luận rằng sở dĩ dân tộc mình lụn bại chỉ là vì nền văn hóa nhân bản đã đề cao Tạo Hóa là ông Trời.  Con người "mới" có tư tưởng cách mạng phải lôi cổ Tạo Hóa xuống gọi nó là "Thằng Trời", hạ nhục nó, chà đạp nó; có thế dân tộc mới hùng mạnh được.  Người ta vội vã qui tội cho nền văn hóa nhân bản là đã đề cao những anh hùng dân tộc như Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, vv...  Trần Hưng Ðạo là dòng dõi vua quan phong kiến hủ bại, Lê Lợi là một gã địa chủ phú nông gian ác, Nguyễn Trãi là một tên trí thức tiểu tư sản bạc nhược; tất cả đều thuộc những giai cấp phản động cần phải triệt hạ.  Con người mới phải là những Paven đâm cha chém chú biết chửi thề bằng những câu tục tĩu nhất.  Thần tượng của dân tộc Việt Nam mới phải là những Stalin, Lenin, Mao Trạch Ðông có đôi bàn tay thép bóp cổ cả chục triệu dân lành mà không hề nhăn mặt.  Ôi, chỉ có ở cái thời xa xưa lạc hậu dân tộc Việt Nam yếu hèn mới mỗi người một tay ném một cục đá chôn vùi vĩnh viễn cột đồng Ðông Hán của Mã Viện.  Nếu lũ dân ngu đó vẫn bị nền văn hóa nhân bản hủ bại che mờ trí sáng suốt khiến cho không đủ tinh thần cách mạng để xì xụp quì lạy thần tượng Lenin thì làm sao mà cẩm nang thần kỳ BẠO LỰC CÁCH MẠNG có thể phát huy được hết cái hiệu năng siêu việt của nó !

             Khi tìm hiểu cơn khủng hoảng cội nguồn của dân tộc Việt, ta không thể không xét tới những nguyên nhân sâu xa đã dẫn tới cơn khủng hoảng đó.  Cơn khủng hoảng đó khởi đầu bằng sự hoài nghi dần dần dẫn đến sự chối bỏ mọi giá trị của nền văn hóa nhân bản.  Sau hết sự phủ nhận mọi vũ trụ quan và nhân sinh quan lấy con người làm gốc đã dẫn tới sự đạp đổ và hủy diệt nền văn hóa nhân bản không chút sót sa thương tiếc.

             Trải qua bao nhiêu đổ vỡ đau thương, không biết giờ  đây người Việt khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại, đã đủ bình tâm để xét kỹ lại xem có thực nền văn hóa nhân bản của dân tộc mình đã là nguyên nhân chính yếu khiến dân tộc Việt Nam yếu hèn lụn bại hay thật ra đã bị xử dụng như một vật tế thần để giúp cho những hôn quân bạo chúa thâu tóm hết quyền lực trong tay lên ngôi hoàng đế.

             Vào lúc hoàng hôn nhá nhem tranh sáng tranh tối của buổi giao thời, bao nhiêu tội lỗi đã được đổ hết xuống đầu nền văn hóa nhân bản của dân tộc.  Cái gì dính líu tới nền văn hóa Việt Nam đều bị coi như hủ bại, mê tín, lạc hậu, bạc nhược, yếu hèn, u tối, xấu xa.  Cái gì mang từ phương xa về đều được trầm trồ ngưỡng mộ thán phục và bắt chước.

             Lamartine lừng danh bên trời Tây với bài "Le Lac" lập tức có chàng Xuân Diệu bắt chước rập khuôn.  Cũng kéo cổ áo cao dựng đứng, cũng uốn tóc quăn xoắn tít trên đầu, cũng những vần thơ ướt át lãng mạng và một triết lý sống vội vàng chụp giựt :

                                     "Thà một phút huy hoàng rồi chợp tối

                                    Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm..."

             Nay ta thử nhìn lại xem cái nền văn hóa nhân bản của cha ông đã tạo nên một xã-hội buồn le lói suốt mấy ngàn năm như thế nào.

             Trước hết nền văn hóa nhân bản của dân tộc bị chỉ trích là đã tạo ra một từng lớp vua quan bạc nhược yếu hèn.  Ðiều đó có thể rất đúng.  Nhưng cái "đúng" đó ngẫm cho kỹ không hẳn chỉ đúng riêng cho dân tộc Việt.  Xét cho cùng thì vua quan triều Nguyễn bạc nhược yếu hèn cũng còn có những Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hàm Nghi, Thành Thái; khách quan mà nói chưa hẳn đã tệ như thủ tướng Anh Chamberlain và thủ tướng Pháp Eduard Deladier khi hai người này phải cắn răng cúi gầm mặt ký hòa ước Munich nhục nhã với Ðức Quốc Xã.

             Nhưng cũng nền văn hóa "hủ bại" của Việt Nam lại đã tạo ra biết bao nhiêu sĩ phu đầy nhiệt huyết:  từ Trương Công Ðịnh, Phan Ðình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, Phạm Hồng Thái, Lương Ngọc Quyến, Tăng Bạt Hổ đến Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc,vv... Nếu đem so sánh những sĩ phu hào khí ngất trời tình yêu quê hương đất nước và đồng bào vô bờ bến được đào tạo từ nền văn hóa nhân bản "cổ hủ" nói trên với một chàng Xuân Diệu tóc quăn than mây khóc gió được đào tạo từ nền văn minh Pháp rực rỡ nhất trời Tây, hay với một tiến sĩ giấy Nguyễn Văn Hảo xuất thân từ một đại học danh tiếng lẫy lừng ở Mỹ để rồi khom lưng uốn gối không chút liêm sỉ trước bạo quyền Cộng Sản, hoặc với thiên tài vĩ đại Hồ Chí Minh nhờ duyên may bị Bộ Thuộc Ðịa Mẫu quốc khước từ đơn xin vào trường Thuộc Ðịa mà trở thành tà-loọc cho đồng chí Borodin , thì ngẫm cho cùng cái "hủ bại" của nền văn hóa nhân bản Việt Nam cũng chưa hẳn đã tệ hại đến nỗi phải vội vã vứt vào sọt rác.

             Khi ánh sáng của những nền văn minh ngoại lai quá rực rỡ làm chóa mắt biết bao người, thì nền văn hóa nhân bản của dân tộc bị sỉ vả thậm tệ vì đã tạo ra nếp sống đại gia đình cực kỳ lạc hậu bảo thủ.  Bao nhiêu tệ nạn trong xã-hội đều được qui kết vào nếp sống đại gia đình đó.  Nào chế độ mẹ chồng nàng dâu cực kỳ khắc nghiệt, nào sự đối xử bất bình đẳng giữa nam nữ, nào cái tệ nạn phân chia đẳng cấp ép buộc con người vào tôn ti trật tự quá đáng, nào những tín điều trung hiếu tiết nghĩa ngu xuẩn, vv và vv...

             Mỗi lần chợt nhớ lại hình ảnh bà lão già 80 tuổi liều chết dẫn đứa cháu nội vượt biên, người viết lại giật mình tự hỏi chuyện đó liệu có thể xảy ra được không nếu không có nền văn hóa nhân bản của dân tộc ?  Ở những xã hội văn minh Tây Phương thật khó có thể xảy ra chuyện đó.  Bà lão 80 đâu còn trách nhiệm gì mà phải liều chết lo cho tương lai đứa cháu nội ?  Còn cha mẹ nó ở đâu ?  Bộ An Sinh Xã-Hội ở đâu ?  Bộ Phúc Lợi ở đâu ?  Lại còn biết bao nhiêu dân biểu nghị sĩ, chính trị gia cần kiếm phiếu cử tri nữa chứ !  Họ phải có trách nhiệm lo cho tương lai đứa trẻ chứ sao lại bắt bà lão 80 phải xả thân mà lo chuyện ấy ?  Quả nhiên chỉ có trong một nền văn hóa nhân bản hủ bại của Việt Nam thì con người mới ngu dại xả thân làm những chuyện không phải thuộc trách nhiệm của mình như vậy.  Nhưng tấm lòng của một bà lão già thiết tha thương cháu chỉ khiến ta bồi hồi ngưỡng phục chứ chẳng hề gây cho ta cái cảm giác lợm giọng buồn nôn như khi phải chứng kiến những cảnh một ông phó thủ tướng uốn gối khom lưng trước cường quyền bạo ngược.

             Nền văn hóa nhân bản Việt Nam cũng bị chỉ trích đã là nguồn gốc gây ra sự đối xử bất bình đẳng giữa nam và nữ.  Thoạt nghe thì lời chỉ trích đó đúng quá, nhưng ngẫm lại có khi cũng chỉ là một định kiến.  Thử nhớ lại mà xem, ai là những vị anh hùng đầu tiên đứng lên dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược giành lại nền tự chủ cho dân tộc ?  Phải chăng chính là những vị nữ lưu hào kiệt như Hai Bà Trưng, Bà Triệu ?  Cho tới nay một đại cường quốc văn minh tiến bộ và chủ trương nam nữ bình đẳng nhất trên thế giới là Mỹ quốc vẫn chưa hề có một vị nguyên thủ quốc gia là phụ nữ.  Nước ta đã có hai chị em bà Trưng là những bậc nữ lưu chói sáng nắm quyền lãnh đạo quốc gia từ gần 2000 năm trước đây.  Như thế liệu ta có thể kết luận rằng nền văn hóa nhân bản của dân tộc mình đã trọng nam khinh nữ hơn nước Mỹ không nhỉ ?  Vả chăng phụ nữ Việt Nam lấy chồng rồi vẫn giữ nguyên họ mình trong khi phụ nữ Tây Phương lấy chồng rồi phải đổi thành họ chồng; như thế xã hội nào mới thực sự kỳ thị nam nữ đây nhỉ ?

             Bình tâm xét lại thì những lời chỉ trích nền văn-hóa nhân bản vào buổi giao thời dãu có nhiều điểm đúng nhưng cũng có rất nhiều điều chỉ là những nhận định hốt hoảng hấp tấp.

            Tuy nhiên tất cả những lời chỉ trích nền văn hóa nhân bản như đã nêu trên chỉ mới tạo nên một mối hoài nghi mơ hồ rằng chính nền văn-hóa nhân bản đã khiến cho dân tộc yếu hèn .  Chỉ tới khi chủ nghĩa Cộng Sản chính thức du nhập vào Việt Nam thì nền văn hóa nhân bản của Việt Nam mới bị thẳng tay triệt hạ.

             Người Cộng Sản chẳng hề bận tâm tranh cãi về những chuyện vớ vẩn như tóc ngắn tóc dài, răng đen răng trắng.  Họ dùng búa liềm để đánh thẳng ngay vào tử huyệt của nền văn hóa nhân bản.

             Văn-hóa nhân bản thấm sâu vào tâm hồn mỗi người dân Việt qua bao nhiêu thế hệ đã tạo cho đa số người dân có một tâm hồn thuần hậu, một nếp sống hiền hòa.  Theo những người Cộng Sản, chính nếp sống hiền hòa, chính tâm hồn thuần hậu đó đã đưa dân tộc tới chỗ yếu hèn lụn bại.

             Xã-hội loài người đâu phải là nơi cho những nhà hiền triết sinh sống ?  Muốn làm nhà hiền triết hãy lên mặt trăng mà ở !  "Nhân nghĩa thắng hung tàn" chỉ là những sáo ngữ trong bản Bình Ngô Ðại Cáo hủ lậu của tên "trí thức tiểu tư sản bạc nhược" Nguyễn Trãi.  Dưới mắt những người Cộng Sản Việt Nam nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không đủ để giữ cái đầu ông trên cổ, cũng không đủ để cứu vợ con họ hàng gia tộc khỏi bị chém bêu đầu, làm sao dám nói nhân nghĩa thắng hung tàn ?  Nguyễn Trãi nếu có đủ trí khôn đã không chịu thảm họa chu di tam tộc.

             Xã hội loài người, dưới nhãn quan những người Cộng Sản Việt Nam, chỉ gồm toàn sài lang hổ báo với cừu non.  Ngu lắm mới làm cừu non cho sài lang ăn thịt.  Nền văn hóa nhân bản Việt Nam đã tạo nên một dân tộc hiền hòa thuần hậu, nói khác đi đã biến cả dân tộc thành một bày cừu non sẵn sàng làm mồi cho sài lang hổ báo ăn thịt.  Ðó chính là nhược điểm của nền văn hóa nhân bản; đó chính là cái tội của tầng lớp sĩ phu trong nước.

             Chính vì lẽ đó giọt lệ bác Hồ đã vui mừng rơi trên trang sách Lenin.  Cẩm nang thần kỳ của Lenin đã giúp cho Hồ Chí Minh tìm được con đường cứu nước :  chỉ có BẠO LỰC CÁCH MẠNG mới làm nên sự nghiệp.  Con đường cứu nước là con đường biến cả dân tộc thành một bày lang sói hùm beo, đó là con đường duy nhất đúng, đó là qui luật lịch sử tất yếu, đó là chân lý muôn đời không thay đổi.

             Từ đó thì một chuỗi những hệ luận tất nhiên phải đến :  nào giai cấp đấu tranh, nào chuyên chính vô sản, nào cứu cánh biện minh phương tiện, vv và vv...

             Ôi, nhìn lại lịch sử mới thấy được Hồ Chí Minh quả là một thiên tài vĩ đại.  Nguyễn Trãi đã nằm sâu trong lòng đất.  Phan Bội Châu đã bị bán đứng cho mật thám Pháp.  Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử Anh, Lý Ðông A, Khái Hưng và vô vàn kẻ sĩ khác đã lần lượt bị triệt hạ.  Nguyễn Ðan Quế, Ðoàn Viết Hoạt mòn mỏi đếm ngày tháng trôi qua lặng lẽ trong tù.  Bày cừu non "nhân bản" ngu muội đó rút lại chỉ "thắng hung tàn" ở trong những huyền thoại xa xưa.  Những kẻ đó đâu được hưởng vinh quang như những người  Cộng Sản Việt Nam anh hùng đã từng đánh thắng ba tên đế quốc đầu sỏ để rồi được cái vinh hạnh quì gối van xin Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận ?  Lá cờ hồng thắng thế đã được treo la liệt khắp nơi, khiến người dân bước đi không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ máu.

             Nhưng ở cái nước Việt Nam tiền rừng bạc bể vừa là đỉnh cao trí tuệ loài người vừa là một trong mấy nước nghèo nàn lạc hậu nhất trần gian vẫn còn những tâm hồn chưa bị thui chột hết vì lá cờ đỏ tanh hôi mùi máu.

             Việt Nam vẫn còn những Nguyễn Chí Thiện dựng Tã trắng thay cờ hồng.  Việt Nam vẫn còn những Phùng Quán Trần Dần khắc lời mẹ dặn lên đá.  Việt Nam vẫn còn những Nguyễn Ðan Quế hiên ngang đứng dậy khơi lại nguồn sống nhân bản cho dân tộc.  Việt Nam vẫn còn những Trần Văn Thủy sót sa viết "chuyện tử tế" lên trời xanh.

             Mạch sống nhân bản, dãu đã bị những người Cộng Sản tìm mọi cách triệt hạ, vẫn chưa dứt hẳn.  Tinh thần nhân bản hòa với tinh thần bất khuất vẫn còn đây , nơi đáy lòng mỗi người dân Việt.

             Nếu trong những thập niên vừa qua dân tộc Việt Nam đã điêu linh thống khổ vì những người Cộng Sản Việt Nam đã mang cẩm nang thần kỳ của Lenin về biến thành sài lang hổ báo dựng cờ hồng triệt hạ tã trắng, thì ta vẫn còn hy vọng rồi đây những thế hệ trẻ lớn lên sẽ đủ sáng suốt để chung sức dựng lại nền văn hóa nhân bản Tã Trắng trên quê hương yêu dấu, xé nát lá cờ máu tanh hôi.



Suy Gẫm về Văn-Hóa Nhân Bản

Nhân bản chỉ có nghĩa giản dị là lấy con người làm gốc.

             Nhưng thế nào là văn-hóa nhân bản ?

             Ta có thể diễn tả câu định nghĩa của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh "văn-hóa là nếp sống vươn lên Chân Thiện Mỹ của một dân tộc" một cách nôm na rằng văn-hóa chính là nỗ lực của cả một dân tộc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi :

             Làm sao để sống, sống có hạnh phúc, sống một cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống ?

             Ðó là câu hỏi then chốt liên quan đến cuộc sống con người.  Trên con đường đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó, mỗi dân tộc đã phác họa ra một vũ trụ quan và một nhân sinh quan khác nhau.  Dù cách diễn tả khác nhau, nhưng tựu chung các vũ trụ quan và nhân sinh quan đó cũng phản ảnh tương quan giữa ba thành tố tạo thành vũ trụ, đó là TRỜI, ÐẤT và NGƯỜI.

             Có hai cách nhìn khác nhau.  Trước hết là quan niệm TRỜI, ÐẤT và NGƯỜI là ba thành tố riêng biệt.  Ðó là quan niệm mà người xưa gọi là TAM TÀI HỮU BIỆT.  Theo quan niệm này ÐẤT là VẬT CHẤT, bao gồm muôn vật muôn loài trong vũ trụ.  Ðó là thế giới hữu hình hữu tướng.  TRỜI là Thiên Lý, Thiên Tính hay những Luật Tạo Hóa chi phối vạn vật trong vũ trụ.  NGƯỜI là Ý chí và Nhận Thức đưa tới mọi hành động của con người.  Ý chí và Nhận Thức đó là kết tinh của sự hợp nhất Tâm, Trí, Dũng trong con người.

             Quan niệm thứ hai cho rằng ba thành tố TRỜI, ÐẤT và NGƯỜI dính liền với nhau, không thể tách riêng ra được.  Ðó là quan niệm mà người xưa gọi là TAM TÀI HỢP NHẤT.  Trong cách nhìn này thì TRỜI ÐẤT và NGƯỜI không sao có thể tách bạch hẳn ra được.  Thật vậy, ngay trong một con người thì làm sao có thể tách đầu óc chân tay xương thịt ra khỏi nhau được ?  Nếu không có thân thể (Vật chất, hay ÐỊA ), nếu không có máu luân lưu ( Thiên Lý, hay những định luật chi phối cuộc sống) thì liệu con người có thể gọi là con người được hay không ?

             Dù quan niệm Tam Tài Hữu Biệt hay quan niệm Tam Tài Hợp Nhất thì ta cũng không thể thoát khỏi phải xác định mối tương quan giữa TRỜI, ÐẤT và NGƯỜI.

             Trong ba yếu tố tạo thành vũ trụ đó, yếu tố nào là yếu tố then chốt quyết định cuộc sống con người ?  Cuộc sống con người là do TRỜI, ÐẤT quyết định chăng ? hay do chính con người quyết định ?  Con người sống có hạnh phúc hoặc phải chịu khổ đau là do lỗi ở TRỜI ÐẤT chăng ?  hay do lỗi ở chính con người ?  Con người có tạo được một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống hay không là do TRỜI, ÐẤT sắp đặt chăng ?  hay do chính con người ?

             Không ai sống có suy nghĩ mà trong đời không có lần đã tự đặt cho mình những câu hỏi quái ác như vậy.

             Văn-hóa nhân bản là một nền văn-hóa lấy con người làm gốc.

             Lấy con người làm gốc không có nghĩa là coi con người là cái rốn của vũ trụ, là chủ tể của vũ trụ.  Lấy con người làm gốc chỉ có nghĩa là trong mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người thì chính con người là yếu tố then chốt quyết định.

             Trước hết hãy thử bàn về lẽ SINH DIỆT.  Sự sống còn của xã-hội loài người là tùy thuộc vào TRỜI, ÐẤT hay tùy thuộc chính con người ?

             Xưa kia đã rất nhiều người tin rằng cuộc sống loài người là do ông Trời sắp đặt hết.  Ông Trời là đấng chủ tể của vạn vật.  Ðó là mầm mống của thuyết Thiên Ý và Thiên Mệnh.  Từ đó nảy sinh ra ý định đi tìm hiểu Thiên Ý để biết rõ Ý Trời ra sao.  Nhưng muốn biết rõ Ý Trời ra sao thì có lẽ chỉ có cách duy nhất là bắc thang lên hỏi ông Trời.  Mà ông Trời thì ở cao quá, muốn lên hỏi ông Trời thì phải có thang.  Cho tới nay mới chỉ có chú Cuội là lên được tới cung trăng hỏi chuyện chị Hằng Nga.  Ngoài ra còn có hai phi hành gia Neil Armstrong và Edwin J.Aldrin  Jr., nhưng hai người này lên tới cung trăng không gặp được chị Hằng Nga.  Vả chăng Hằng Nga cũng chưa phải là ông Trời, mà mặt trăng cũng chỉ mới là một hành tinh của trái đất.  Vì thế cho tới nay vẫn chưa ai biết rõ được Thiên Ý  ra sao.

             Cái tệ của thuyết Thiên Ý và Thiên Mệnh là đã có không ít kẻ mạo nhận  mình biết rõ Thiên Ý và Thiên Mệnh.  Thí dụ điển hình là các vì Thiên Tử ở Trung Hoa.  Những vì Thiên Tử này tự cho rằng mình chịu MỆNH TRỜI để xuống trị vì trần thế.  Cái Ý Trời do đó chỉ còn có nghĩa là ý muốn bắt toàn thể nhân loại cúi đầu phục tùng mệnh lệnh của những vì Thiên Tử.

             Dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều của nền văn minh Trung Hoa.  Cũng may không vì ảnh hưởng đó mà trí sáng suốt của dân tộc Việt Nam bị thui chột hết đến nỗi u mê tin vào thuyết Thiên Mệnh.  Nếu quả thật có một ông Trời chí công vô tư thì ông Trời đó phải là một ông Trời chung của toàn thể nhân loại chứ không thể chỉ là ông Trời riêng của bất cứ một dân tộc nào.  Những vì "Thiên Tử" giả mạo đó rút cục rất dễ biến thành những Kiệt Trụ móc tim gan thừa tướng Tỉ Can, hoặc những U Vương đốt lửa núi Ly Sơn để mua lấy tiếng cười của nàng Bao Tự.

             Thuyết Thiên Mệnh dù sao cũng là thuyết ở những thời xa xưa, tới nay ít còn ai nói tới.  Tuy thế điều  đó không có nghĩa là ở trong thời hiện đại không còn những kẻ muốn mạo nhận mình là Thiên Tử.  Dĩ nhiên những ông "Con Trời" ở thời đại mới khôn ngoan và mưu lược hơn những vì Thiên Tử Trung Hoa rất nhiều.

             Karl Marx đưa ra những "qui luật lịch sử tất yếu".  "Qui luật lịch sử tất yếu là gì nếu không là những định luật chi phối xã-hội con người ?  Nếu những qui luật lịch sử tất yếu đó được chứng nghiệm thì đó chính là những luật tạo hóa, hoặc nói theo ngôn từ của người xưa đó chính là Thiên Lý.  Nói theo ngôn từ hiện đại thì những qui luật lịch sử tất yếu đó, nếu được chứng nghiệm, chính là những định luật khoa học khách quan chi phối cuộc sống con người.

             Không may những qui luật lịch sử tất yếu đó chẳng hề được chứng nghiệm.  Bức tường Bá Linh sụp đổ đã khiến cho toàn thể nhân loại bừng tỉnh ngộ để nhận thấy sự giống nhau giữa Karl Marx và những vì Thiên Tử ở Trung Hoa.  Xưa kia những vì Thiên Tử ở Trung Hoa vin vào thuyết Thiên Mệnh để biện minh cho cái quyền được chinh phục và thống trị mọi chư hầu.  Ngày nay những người Cộng Sản, từ Karl Marx, Lenin, Stalin tới Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh vin vào những qui luật lịch sử tất yếu để biện minh cho cái quyền chuyên chính của giai cấp vô sản, hoặc nói đúng hơn, quyền thống trị toàn thể nhân loại của một thiểu số chóp bu cầm đầu đảng Cộng Sản.

             Văn-hóa nhân bản không nhất thiết là một nền văn-hóa phủ nhận sự hiện hữu của ông Trời.  Ông Trời có hay không có vẫn là một câu hỏi lớn lao cho toàn thể loài người, chưa ai dám quả quyết là mình biết rõ.  Ðiều mà mọi người biết rõ là nếu ông Trời đó đội mũ cánh chuồn và nói tiếng Trung Hoa thì vị tất đã là ông Trời của người Việt Nam.  Thượng Ðế, nếu có thật và nếu quả là một Ðấng Chí Thiện Chí Công thì phải là ông Trời chung của tất cả loài người.  Nếu cái Thiên Ý chỉ là móc tim gan Tỉ Can để mua vui cho nàng Ðát Kỷ, nếu cái Thiên Lý chỉ là những qui luật lịch sử tất yếu được viện dẫn để biện minh cho sự tàn sát hơn 20 triệu nông dân Nga, hoặc sự chôn vùi hàng chục ngàn đồng bào vô tội trong những nấm mồ tập thể ở Huế, thì cái Thiên Ý hoặc Thiên Lý đó trên thực tế chỉ là những thủ đoạn bịp bợm của những vì Thiên Tử giả mạo cuồng sát.

             Văn-hóa nhân bản sở dĩ lấy con người làm gốc là vì ý thức rõ rệt được rằng ông Trời hoặc những qui luật lịch sử tất yếu có thể chỉ là những sản phẩm của trí tưởng tượng của con người.  Nếu những sản phẩm đó được ngụy tạo với mục đích lừa gạt mọi người thì hậu quả có thể là những tai họa khủng khiếp cho nhân loại.

             Cũng không ít kẻ cho rằng Vật chất mới là yếu tố then chốt quyết định cuộc sống con người.  Vật chất là cơm gạo, xe hơi nhà lầu, là cái cày, cái máy, là khẩu súng và cũng là miếng thịt heo béo ngậy.

             Dãu rằng không ai có thể phủ nhận được sự cần thiết của vật chất, không ai phủ nhận rằng nếu không có vật chất thì cũng không còn cuộc sống con người, nhưng khi quá đề cao vai trò của vật chất thì rất dễ dàng biến thành nô lệ cho vật chất.  Ðiều tai hại hơn nữa là khi có những kẻ đề cao vai trò của vật chất chỉ với thâm ý muốn sử dụng vật chất như một công cụ để áp bức chà đạp đồng loại.   Các lãnh chúa xưa kia dùng võ lực đi chiếm đoạt đất đai để sống cuộc đời sa hoa nhung lụa trên xương máu của người nô lệ, các đế quốc thực dân mang quân đi chiếm thuộc địa, và ngày nay những người Cộng Sản dùng chính sách bóp bao tử để trấn áp và kềm kẹp dân lành, tất cả những người ấy trong thâm tâm đều mang một niềm tin thật mãnh liệt đến độ cuồng tín vào sức mạnh của vật chất.

             Nền văn-hóa nhân bản không hề phủ nhận vai trò của vật chất trong việc duy trì cuộc sống con người.  Văn-hóa nhân bản chỉ là một nền văn-hóa trong đó con người ý thức được rõ rệt tính cách hữu hạn của vật chất : Vật chất trong thiên nhiên chẳng hề là của kho vô tận, thừa thãi ê hề đến nỗi ai cũng có thể "hưởng theo nhu cầu" bao nhiêu cũng được.  Vì thế mà con người phải đổ mồ hôi ra làm việc quần quật để kiếm sống, vì thế mà con người phải nát óc tìm hiểu luật tạo hóa để có đủ hiểu biết khoa học kỹ thuật ngõ hầu sử dụng vật chất một cách hữu hiệu và thích đáng, vì thế mà con người phải chia xẻ với nhau từng chén gạo hạt muối.  Lấy con người làm gốc là biết nương nhau mà sống, biết dùng cái trí để vừa sử dụng vừa nuôi dưỡng thiên nhiên, biết chia xẻ với nhau vật chất hữu hạn để cùng sống với nhau.  Lấy con người làm gốc là không vì miếng thịt heo béo ngậy mà nỡ băm thai nhi, là không viện dẫn qui luật lịch sử tất yếu để tàn sát đồng loại.

             Một nền văn-hóa nhân bản là một nền văn-hóa trong đó con người ý thức được rõ rệt vai trò của chính mình giữa Trời Ðất.

             Văn-hóa nhân bản không hề mang tính cách phủ nhận Ông Trời, lại càng không hàm ý phủ nhận sự hiện hữu của những Luật Tạo Hóa.

             Luật Tạo Hóa là có thực, những định luật khoa học khách quan là có thực.  Luật Tạo Hóa chi phối toàn thể vạn vật trong vũ trụ cũng như toàn thể xã hội loài người.  Dù loài người có bị tận diệt thì những Luật Tạo Hóa vẫn còn tồn tại mãi mãi.  Dù Newton không nghĩ ra những nguyên lý động lực học  mang tên ông thì những nguyên lý đó vẫn luôn luôn hiện hữu và chi phối vạn vật trong vũ trụ từ khi chưa có loài người, khi có loài người cũng như sau khi loài người đã bị tận diệt.  Ðiều đó cho thấy con người không thể là chủ tể vạn vật trong vũ trụ, cũng không thể là chủ tể của những luật tạo hóa.

             Tuy nhiên nếu không có trí óc con người thì không ai nhận thức được sự hiện hữu của những luật tạo hóa đó.  Con người là một gạch nối giữa TRỜI và ÐẤT.  Con người đã khám phá ra những Luật Tạo Hóa chi phối vạn vật trong vũ trụ, đã tìm biết những thiên tính của muôn loài muôn vật.  Quan trọng hơn nữa con người đã biết sử dụng những Luật Tạo Hóa đó để biến đổi Vật Chất ngõ hầu duy trì sự sống, mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống cho loài người.

             Khoa học Kỹ thuật tự nó đã là một sự kết nối giữa TRỜI ÐẤT và Người.  Khoa học Kỹ Thuật khởi đầu bằng sự khám phá ra tính chất của vật chất và những luật tạo hóa.  Nếu không có con người thì không có những sự khám phá đó.  Sau nữa chính con người đã biết ứng dụng những hiểu biết của mình về Luật Tạo Hóa để biến đổi vật chất hầu duy trì sự sống và tạo hạnh phúc cho nhân loại.  Vai trò then chốt của con người chính là chữ DỤNG.  Luật Tạo Hóa là của TRỜI, Vật Chất là của ÐẤT.  Nhờ có chữ DỤNG con người có thể sử dụng Thiên Lý để biến đổi Vật Chất nuôi sống và tạo hạnh phúc cho loài người.

             Văn-hóa nhân bản lấy con người làm gốc vì tuy không ai phủ nhận vai trò của TRỜI ÐẤT nhưng nếu không có con người thì vật chất vẫn chỉ là vật chất vô tri không thể biến thành những dụng cụ hữu ích cho cuộc sống.

             Tuy nhiên ý niệm  lấy con người làm gốc còn quan trọng hơn nữa khi ta xét kỹ chữ DỤNG của con người.  Khoa học kỹ thuật vừa rất cần thiết cho nhân loại trong thời đại mới, nhưng khoa học kỹ thuật cũng có thể mang lại những nguy cơ lớn lao cho tất cả loài người.  Bom nguyên tử, bom vi trùng, vũ khí hóa học đủ sức tận diệt loài người trong một thời gian ngắn ngủi.  Con người có thể sử dụng những hiểu biết khoa học kỹ thuật để tạo nên những xe tăng nghiền nát người thành bánh tráng ở quảng trường Thiên An Môn.  Sự hiểu biết khoa học cũng giúp cho Hitler lập những lò  giết người tập thể tàn sát dân Do Thái.  Tóm lại khoa học kỹ thuật mà không có trái tim thì sẽ mang lại những hậu quả thê thảm tàn khốc cho nhân loại.

             Lấy con người làm gốc là nhận thức rằng sự hiểu biết khoa học kỹ thuật là con dao hai lưỡi.  Nếu không có trái tim con người thì khoa học kỹ thuật có thể trở thành công cụ cho những bạo chúa duy trì guồng máy thống trị biến loài người thành những con giun con dế.

             Nền văn-hóa nhân bản chẳng hề là một nền văn-hóa đưa ra sự đối nghịch giữa TRỜI, ÐẤT và NGƯỜI.  Văn-hóa nhân bản luôn luôn đặt nền tảng trên sự hòa hợp giữa Trời Ðất và Người.

             Lấy con người làm gốc là nhận thức rằng Trời và Ðất vừa là yếu tố cần thiết cấu thành cuộc sống vừa có thể trở thành những công cụ cho những bạo chúa áp bức đồng loại.  Vì thế cuộc sống loài người còn được duy trì hay không, hạnh phúc con người còn được bảo đảm hay không, cuộc sống con người có ý nghĩa và đáng sống hay không phần lớn tùy thuộc vào TÂM,TRÍ, DŨNG của chính con người.

             Văn-hóa nhân bản không những chỉ chú trọng đến tương quan hòa hợp với TRỜI ÐẤT mà còn đặt nặng tương quan giữa người với người.

             Văn-hóa nhân bản Việt Nam chẳng hề là một nền văn-hóa đưa con người lên ngồi trên đỉnh cao chót vót của một đống sọ người, cũng chẳng hề là một nền văn hóa biến xương sống con người thành một cọng bún.  Người Việt từ lâu đã hiểu rõ rằng tương quan giữa người và người chỉ tốt đẹp khi ta biết đối xử với nhau bằng cả cái trí sáng suốt lẫn cái tâm thuần hậu.

             Ðức Huỳnh Phú Sổ có lần đã nói :

             "Hãy giữ gìn cái Trí sáng suốt để khỏi bị kẻ khác lừa, nhưng hãy giữ gìn cái Tâm thuần hậu để không tính chuyện lừa người khác."

             Kẻ bất trí cam tâm cúi đầu làm nô lệ, hoặc tệ hơn, làm ưng khuyển cho kẻ thống trị bạo ngược là những kẻ vừa hèn vừa ngu.  Kẻ trí xảo dùng thủ đoạn quỉ quyệt lừa dối lường gạt đồng bào là kẻ độc ác bất nhân.  Ngu hèn, xảo quyệt, độc ác, bất nhân là những gì sẽ xảy ra trong xã hội khi nền văn-hóa nhân bản đã bị tàn phá hủy diệt, khi Tâm, Trí, Dũng đã bị đập ra từng mảnh vụn.

             Thiếu chữ Tâm thì Trí biến thành TRÁ, Dũng biến thành Tàn Bạo Khát Máu.  Thiếu sáng suốt thì suốt đời ta sẽ thành kẻ bị lừa, chắp tay niệm Phật  mà rớt nước mắt tủi nhục trước nụ cười chế riễu của kẻ đắc thế.  Thiếu dũng khí thì Bi biến thành Hèn.  Uốn gối khom lưng chẳng hề là đức Từ Bi Nhân Ái.

             Cái Trí của những người Cộng Sản nay đã biến thành cái TRÁ, cái dũng của người Cộng Sản nay đã biến thành sự hăm hở của những anh tài xế xe tăng cán người thành bánh tráng, còn cái Tâm của những người Cộng Sản Việt Nam thì nay có lẽ chỉ còn là miếng thịt heo béo ngậy thơm phưng phức thúc đẩy anh cán bộ Cộng Sản hăng hái băm thai nhi thật nhiễn trộn với bo bo để nuôi cho heo mau ăn chóng lớn.

            Vì thế mà đất nước Việt Nam vẫn còn quá nhiều đổ vỡ tang thương.  Vì thế mà ước mơ dựng lại nền văn-hóa nhân bản vẫn là giấc mơ lớn lao trong lòng mỗi người dân Việt.



  Dựng Lại Niềm Tin

Khi nhìn lại lịch sử Việt Nam trong vòng 100 năm trở lại ta không khỏi đau lòng nhìn nhận dân tộc Việt Nam đã trải qua một cơn khủng hoảng lớn lao chưa từng có trong dòng lịch sử.

             Lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đã mất hết niềm tin vào nền văn-hóa nhân bản của dân tộc mình, lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đã hối hả đổ xô ra ngoài, ngỡ ngàng nhìn ra những chân trời mới lạ, ngẩn ngơ và thán phục khi thấy những "ngọn đèn lộn ngược", lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đã phải đối diện với một thực tế phũ phàng:  chỉ vài chục tên lính Pháp ô hợp với vài chục khẩu súng trường trên tay là đủ phá tan những đạo quân tinh nhuệ của những trung thần nghĩa sĩ khiến những hịch Cần Vương thiết tha xúc động tan vào không khí như những làn sương khói mỏng manh.

             Thế rồi người Việt hối hả chạy ra ngoài tìm đường cứu nước, vội vã chụp giựt những chủ nghĩa ngoại lai mang về làm bí kíp võ công.  Thế rồi người dân trong nước bắt đầu chĩa những mũi dáo sáng quắc vào nhau, đâm nhau, giết nhau, tàn sát lẫn nhau, sỉ nhục nhau, kết án nhau.  Từ những phương trời xa lắc người Việt hăm hở mang về hàng chồng mũ quái dị, hăm hở chụp mũ bừa bãi lên đầu thân nhân, bạn bè, đồng bào mình :  nào mê tín, địa chủ, phản động, Việt gian, phản cách mạng, phản khoa học, phản tiến hóa, phong kiến, hủ lậu, thực dân mới, tư bản bóc lột, tay sai đế quốc, vv và vv...

             Thế rồi người Việt đã leo lên ngồi chễm chệ trên những đống sọ người cao ngất với niềm hãnh diện lớn lao rằng những trại Ðầm Ðùn, trại Lý Bá Sơ và vô vàn trại tù cải tạo của ta dã man tàn ác gấp nghìn lần các trại tù Ðức Quốc Xã.  Cái "đỉnh cao trí tuệ loài người" cao vòi vọi đó nồng nặc mùi xú uế phát ra từ những thây người chết và những rác rưởi cặn bã của những nền văn minh ngoại lai mà ta đã vui mừng đến rơi lệ lượm lặt về.

             Thế rồi thế hệ trẻ lớn lên nhìn ra ngoài xã hội chỉ toàn thấy những điều nghịch lý :  Ðảng Cộng Sản Việt Nam anh hùng ngủ chỉ nhắm một mắt vì chưa van xin được tên Ðế Quốc đầu sỏ Mỹ quên quá khứ mà tha cho ta cái bản án Cấm Vận, những người mang danh "vô sản" có trong tay những tài sản kếch xù lớn hơn nhiều tỉ phú ở Mỹ trong lúc nhân dân đói khổ lầm than nằm la liệt nơi vỉa hè xó chợ, xã hội do nhân dân làm chủ mà người dân chỉ cần mở miệng thốt ra một lời nói thật là bị tù 20 năm...  Cái huyền thoại "dân tộc giải phóng" rút lại biến thành việc thay thế những quan Thái Thú Tô Ðịnh hoặc những quan Toàn Quyền Pháp tàn ác xì xồ nói tiếng Tây tiếng Tàu bằng những quan Cách Mạng Việt Nam độc ác bất nhân gấp bội.

             Cơn khủng hoảng niềm tin lớn lao đó vẫn đè nặng chĩu trên con tim khối óc mỗi người dân Việt, khiến không ai còn có thể tin ai.  Ðiều đau sót nhất là sự mất tin tưởng vào nền văn-hóa nhân bản tràn lan khắp nơi như một bệnh dịch, khiến không ít người Việt khinh bỉ dân tộc mình, khinh bỉ đồng bào mình và khinh bỉ luôn chính mình.  Người Việt trở thành kẻ thù không đội trời chung của người Việt.  Con tố cha, anh em oán hận nhau thấu xương tủy, bạn bè nối khố đâm sau lưng nhau.  Những chuyện đó xảy ra nhan nhản ở khắp nơi.  Hiện tượng thê thảm đó chưa từng có trong dòng lịch sử.

             Thử truy nguyên lại xem vì đâu mà có cơn khủng hoảng niềm tin đó.  Bình tâm suy xét kỹ ta sẽ thấy chuyện đó không có gì là lạ :  khi một người bị chính đồng bào mình lường gạt, đối xử tàn ác hơn loài dã thú, thì cái ý niệm TÌNH NGƯỜI dễ dàng trở nên vô nghĩa mỉa mai.  Tôi chẳng thể tin anh nếu tôi biết rõ trong thâm tâm anh chỉ nghĩ tới một điều duy nhất là lừa gạt tôi, tước đoạt tất cả những gì tôi có, chiếm hữu mọi quyền lực để bắt tôi làm khuyển mã cho anh.  Cái "thiên đường hạ giới" anh vẽ ra càng đẹp đẽ bao nhiêu khi đối chiếu với thực tại phũ phàng càng tương phản bấy nhiêu.

            Vì đâu mà có cơn khủng hoảng niềm tin đó ?

             Khi có sự va chạm với một nền văn-minh ngoại lai, ta có dịp so sánh và nhận thấy sự khác biệt giữa các nền văn-hóa.  "Ngọn đèn lộn ngược" mà Nguyễn Trường Tộ mang về là một thí dụ điển hình của sự khác biệt đó.  Ta cũng có dịp nhận thức được một sự thực phũ phàng là xã hội ta có những điều yếu kém, trong khi đó các dân tộc Tây phương hùng mạnh hơn rất nhiều.

             Nhưng nếu ta tĩnh tâm suy xét thì sẽ thấy ngay rằng sự gặp gỡ giữa những nền văn-hóa dị biệt không hẳn tất nhiên phải gây ra đổ vỡ thê thảm trong xã hội.  Nếu khôn ngoan sáng suốt biết gạn lọc những cái hay của người hòa nhập với những cái hay của mình, thì sự gặp gỡ giữa những nền văn-hóa dị biệt có thể là một cơ hội vàng son để cả dân tộc tiến lên thực mạnh mẽ.  Dó là bài học DUNG HỢP của tiền nhân.  Tiền nhân ta đã dung hợp rất nhiều nền văn-hóa khác nhau mà không hề gây ra những thảm cảnh cho đất nước.  Sót sa thay trong vòng 100 năm qua người Việt đã không làm được chuyện đó.

             Mặc cảm tự ti đã phá nát niềm tin vào nền văn-hóa nhân bản của dân tộc mình và đưa đến sự ngưỡng mộ sùng bái không cân nhắc bất cứ cái gì mang từ phương xa về.

             Cái sai lầm lớn lao đó đã khiến cho không ít người Việt vội vã mang những chủ chủ nghĩa ngoại lai từ phương xa về tưởng như bắt được những "cẩm nang thần kỳ" đủ phép màu để biến Việt Nam thành một đất nước hùng mạnh phú cường trong một sớm một chiều.

             Những câu thơ sau đây của Tố Hữu bộc lộ hết những ý nghĩ thầm kín trong đầu óc những lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam :

                                     Thuở anh chưa ra đời

                                    Trái đất còn nức nở

                                    Nhân loại chưa thành người

                                    Ðêm ngàn năm man rợ !

             "Anh" đây là cuộc cách mạng tháng 10 ở Liên Xô.  Ý tứ những câu thơ đó có thể diễn tả huỵch toẹt như thế này :  Trước khi có cuộc cách mạng tháng 10, cả nhân loại sống trong u mê tăm tối, xã hội loài người là là một xã hội man rợ chưa thành người.  Chỉ nhờ có chủ nghĩa Cộng Sản mà nhân loại mới phút chốc một sớm một chiều biến thành một thiên đường hạ giới.

             Chỉ cần bình tâm suy nghĩ kỹ một chút ta sẽ thấy ngay đó là một tư tưởng cực kỳ cao ngạo đến độ lố bịch.  Nó là sự biến đổi đột ngột của một đầu óc ngu muội tối tăm khi vừa bước ra đường gặp một thằng điếm chỉ vẽ cho chút mánh lới thủ đoạn lừa người đã vội cảm thấy mình biến thành một ông khổng lồ vĩ đại.  Ðó là sự "phối hợp nhuần nhiễn" giữa cái rác rưởi của cả hai nền văn-hóa, kết quả là một sự pha trộn lộn xà ngầu cái mặc cảm tự ti thảm hại với cái mặc cảm tự tôn kệch cỡm.

             Không ai phủ nhậ rằng các xã hội Tây phương đã phát triển rất nhanh chỉ trong vòng một vài thế kỷ vừa qua.  Sự phát triển đó phần lớn là nhờ những khám phá khoa học kỹ thuật.  Xã hội cổ truyền Việt Nam thiếu hẳn mọi nỗ lực phát triển khoa học kỹ thuật, vì thế dân tộc ta cảm thấy mình thua kém khi có dịp va chạm với văn-hóa tây phương.

             Nhưng khoa học kỹ thuật thực ra chỉ là sản phẩm của một nền văn-minh, tự nó chưa phải là nền văn minh.  Khoa học kỹ thuật là kết quả sự góp sức của rất nhiều người trong việc tìm tòi, khám phá, quảng bá và ứng dụng những định luật khoa học vào việc cải thiện đời sống con người.  Nếu không có sự góp sức của rất nhiều người vào nỗ lực chung đó thì cũng không có khoa học kỹ thuật.

            Sở dĩ xã hội Tây phương tiến bộ được chính là vì họ đã tạo được một môi trường thích hợp khiến mọi người cảm thấy hăng hái nỗ lực làm việc, chung sức nhau tạo dựng một xã hội đáng sống.

             Một xã hội đáng sống là một xã hội mà những giá trị tinh thần được thấm sâu và tỏa rộng vào tâm hồn mỗi người dân, khiến đa số người dân đều cảm thấy mình phải ăn ở đàng hoàng tử tế với nhau, nếu mình muốn người khác cũng đối xử đàng hoàng tử tế với mình như vậy.

             Cuộc cách mạng 1789 ở Pháp đã đề ra ba giá trị văn hóa làm nền tảng để xây dựng xã hội  :  Tự Do - Bình Ðẳng -  Bác Ái .

             Những giá trị văn hóa đó tuy có khác với những giá trị tinh thần được đề cao trong nền văn hóa nhân bản của Việt Nam, nhưng nếu bình tâm suy xét kỹ ta sẽ thấy hai nền văn hóa Ðông Tây không hề xung khắc nhau, mà lại bổ túc nhau.  Thực là một điều dại dột lớn lao khi ta vội vã mù quáng đặt Ðông Tây vào hai thế đối nghịch để rồi, hoặc khăng khăng ôm lấy đấng quân vương vùi đầu xuống cát, hoặc hốt hoảng đoạn tuyệt với quá khứ vội vã vứt bỏ di sản vô cùng quí báu mà tiền nhân đã phải trả xương máu nhiều đời mới gây dựng nên được.

             Người Nhật đã khôn ngoan hơn dân tộc ta rất nhiều.  Vào thời Minh Trị Thiên Hoàng, họ mở thật rộng cửa đón nhận mọi trào lưu văn minh Âu Mỹ tràn tới.  Họ cử rất nhiều người đi du học khắp nơi, họ mời rất nhiều khoa học gia, kỹ thuật gia Âu Mỹ tới giảng dạy, họ nỗ lực dịch sách của các tư tưởng gia , khoa học gia Âu Mỹ trên một qui mô thật rộng lớn.  Chính sách khai phóng đó đã làm thay đổ bộ mặt nước Nhật trong một thời gian thật ngắn ngủi.

             Nhưng đồng thời với nỗ lực canh tân đó, họ nỗ lực không kém vào việc vun đắp gìn giữ những giá trị tinh thần trong nền văn hóa sẵn có của họ.  Họ hiểu rõ văn-hóa là chất keo kết hợp lòng người, thiếu chất keo đó thì dân tộc sẽ rã rời thành từng mảnh vụn.  Cái sáng suốt của người Nhật là họ đã nhận thấy rõ Ðông và Tây khác nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau.

             Cuốn Kinh Dịch mà rất nhiều người Trung Hoa và Việt Nam chỉ dùng làm sách để bói toán, đã được người Nhật tìm hiểu thật thấu đáo  để đem ra ứng dụng vào đời sống thực tế.  Khi mà rất nhiều người Trung Hoa nghiền ngẫm Kinh Dịch như bước vào một Bát Quái Trận Ðồ mờ mờ ảo ảo, rối mù dày đặc, không sao tìm thấy đâu là cửa Sinh cửa Tử thì người Nhật tĩnh tâm suy ngẫm về cái lẽ TRONG SÁNG GIẢN DỊ là đầu mối của vô vàn phức tạp.

             Michio Kushi chẳng hạn đã có thể diễn tả những Luật Tạo Hóa được đề cập tới trong Kinh Dịch bằng những lời thật giản dị sáng sủa sau đây :

             The Seven Universal Theorems :

 

                        1- Everything is a differentiation of one Infinity

                        2- Everything changes

                        3- All antagonisms are complementary

                        4- There is nothing identical

                        5- What has a front has a back

                        6- The bigger the front, the bigger the back

                        7- What has a beginning has an end

             Bảy Luật vũ trụ :

                         1- Mọi sự vật đều chỉ là biến thái của Vô Cực

                        2- Mọi sự vật đều biến dịch

                        3- Mọi đối cực đều có tính cách bổ trợ lẫn nhau

                        4- Không có gì là hoàn toàn đồng nhất

                        5- Cái gì có mặt tiền thì có mặt trái

                        6- Mặt tiền càng lớn thì mặt trái cũng càng lớn

                        7- Cái gì có Bắt đầu thì sẽ có Kết Thúc

             Những tư tưởng thâm trầm sâu sắc như trêN rút ra từ Kinh Dịch đã được người Nhật phối hợp với thuyết Tri Hành Hợp Nhất của Vương Dương Minh để biến thành những tư tưởng chỉ đạo hướng dẫn mọi chính sách thực tiễn của quốc gia họ.

             Nay ta thử suy ngẫm xem đâu là sự khác biệt căn bản giữa hai nền văn hóa Ðông Tây và thử xét xem hai nền văn-hóa đó có thực sự lâm vào thế đối đầu một mất một còn hay không.

             Có lẽ sự khác biệt lớn lao nhất giữa Ðông và Tây là Tây Phương thiên nhiều về Lý Trí, trong khi Ðông Phương nghiêng nặng về Trực giác.  Trực Giác đó Vương Dương Minh gọi là Lương Tri,  Ðức Phật gọi là Bát Nhã, tiếng dùng tuy khác nhau nhưng đều là Trực Giác cả.  Vì thiên về Lý Trí nên người Tây Phương phát triển rất mạnh óc Phân Tích.  Chính óc Phân Tích đó đã giúp họ có tinh thần khoa học, bất cứ chuyện gì cũng chuộng sự tách bạch rõ ràng,sáng sủa, phân định trắng đen thật rõ rệt.  Suy luận toán học của DEscartes là điển hình của óc phân tích đó.  Ngay trong lãnh vực khoa học nhân văn là lãnh vực của những vấn đề phức tạp bao quát và đa diện nhất thì người Tây Phương cũng luôn luôn sử dụng óc phân tích để tìm hiểu, do đó Triết Học là khoa học phát sinh từ Tây Phương.  Triết vốn có nghĩa là bẻ nhỏ ra, là tách bạch.  Triết học là khoa học bẻ nhỏ những vấn đề thực lớn lao phức tạp ra thành nhiều vấn đề nhỏ để có thể nhìn thật rõ ràng chính xác.

             Cái nhìn đó khác hẳn cái nhìn của Ðông phương.  Ðông Phương nghiêng nặng về Trực giác, nên thường có cái nhìn tổng hợp.  Tìm hiểu một con người thì quan sát nguyên vẹn con người đó chứ không tìm cách mổ sẻ ra thành từng bộ phận rời rạc.  Về lãnh vực nhân văn, Ðông Phương chỉ có Ðạo học mà không có Triết học.  Một trong những thí dụ điển hình nhất cho cái nhìn nguyên thể này là tư tưởng của Khổng Tử.

             Khổng Tử từng nói :

            "Ngô đạo nhất dĩ quán chi"

           ( Ðạo của ta lấy Một mà suy ra Tất cả )

             Ðạo đó là đạo Hiệt Củ, đạo Trung Thứ, quan sát một sự vật, một hiện tượng mà suy ra cái lý chung chi phối vạn vật trong vũ trụ.  Do đó Ðông Phương thường nghiêng nặng về cái nhìn tổng hợp mà ít chú trọng đến việc phân tích sự vật ra từng mảnh vụn.

             Nói chung thì như vậy, nhưng điều đó chẳng hề có nghĩa là Tây Phương không có cái nhìn tổng hợp hoặc Ðông phương không có óc phân tích.  Từ mấy nghìn năm trước ở Tây phương Aristotle cũng đã từng nhìn thấy sự khác biệt giữa hai cái nhìn phân tích và tổng hợp.  Ông từng nói :

                         "The Whole is more than the Sum of its Parts"

                        ( Cái Toàn Thể không phải chỉ là Tổng Số của những phần tử hợp thành )

             Ý tưởng đó thực thâm trầm sâu sắc.  Ta có thể lấy một thí dụ nhỏ để làm sáng tỏ những gì Aristotle muốn nói :  Nước ( H2O ) do Oxy ( O ) và Hydro ( H2 ) hợp thành; nhưng tính chất của nước khác hẳn tính  chất của Oxy và Hydro.

             Thí dụ đó cho ta thấy nếu ta dùng suy luận toán học của Descartes để suy ra H2O  = H2 + O thì suy luận đó vừa đúng vừa không đúng tùy theo cách nhìn của mỗi người.

             Những điều nói trên tới nay chẳng còn gì mới lạ đối với toàn thể nhân loại.  Ngày nay những người có cái nhìn sáng suốt dù ở Ðông hay Tây cũng chẳng xem Ðông và Tây như hai nền văn-hóa đối nghịch xung khắc nhau đến độ cái nọ phải diệt cái kia đi thì mới có thể tồn tại.  Óc Phân Tích và Óc Tổng Hợp tuy khác nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau.  Cái nhìn Nguyên Thể ( the Whole ) và cái nhìn tách bạch từng phần ( the Parts ) cũng y hệt như vậy.

             Với cái nhìn cởi mở dung hợp như trên thì mọi thế lưỡng cực đố đầu giữ Ðông và Tây, giữ Lý Trí và Trưc Giác, giữa Tâm và Vật, giữa Thượng Ðế và con người, giữ Cá Nhân và Xã-Hội đều có thể dễ dàng hóa giải.

             Một nhà văn-hóa học Nhật Bản là Shimahara cũng tìm cách mô tả sự khác nhau giữa các nền văn-hóa.  Ông cho rằng văn-hóa nhân loại có hai khuynh hướng khác biệt chính yếu.  Ông gọi hai khuynh hướng đó là khuynh hướng ly tâm và khuynh hướng qui tâm.

             Một xã-hội qui tâm khi đa số người dân trong nước mưu tìm sự Hòa Hợp giữa các cá nhân trong xã-hội, người nọ nương tựa với người kia, gắn bó với người kia.  Những xã hội Ðông Phương xưa kia, từ Trung Hoa, Nhật Bản đến Việt Nam đều có thể được xem như những xã hội qui tâm  điển hình.  Trung Hoa đề cao Tam Cương Ngũ Thường.  Cương Thường là giềng mối hay những sợi dây vô hình ràng buộc những phần tử trong xã hội với nhau.  Việt Nam đề cao Tình Nghĩa, từ Tình Nghĩa Vợ Chồng, Cha Con, Anh Chị Em, Bạn Bè, Ðồng Bào tới Tình Người.

             Một xã-hội ly tâm là một xã hội trong đó đa số người dân trong nước mưu tìm Tự Do Cá Nhân; khuynh hướng chung của đa số người dân trong nước là khuynh hướng Tự Lực.

             Nếu đi về hai  đối cực tuyệt đối thì cả hai khuynh hướng đó đều tai hại như nhau.  Khuynh hướng qui tâm khi có tính cách cực đoan quá khích sẽ biến thành độc tài chuyên chính, hủy diệt tự do cá nhân, con người bị ép vào khuôn khổ cứng ngắc bị guồng máy xã hội vô tri nghiền nát vụn.  Trung Hoa cổ xưa đã phần nào đi về tận cùng đối cực như vậy nên mới có những tư tưởng như " Quân sử thần tử thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu" ( Vua muốn bày tôi chết, bày tôi không chịu chết là bất trung ;  cha muốn con chết, con không chết là bất hiếu ).  Việt Nam thời xưa dù chịu ảnh hưởng của văn-hóa Trung Hoa rất nhiều cũng chưa hề có tư tưởng quá khích như vậy.

             Mặt khác khuynh hướng ly tâm nếu trở thành cực đoan sẽ đẩy xã hội tới chỗ phân hóa rã rời thành từng mảnh vụn, mỗi cá nhân sẽ trở thành một ốc đảo tách biệt chỉ mưu tìm hạnh phúc cá nhân mà không nghĩ gì tới đồng loại.

             Nhưng nếu ta hiểu rõ mọi đối cực đều có tính cách bổ trợ lẫn nhau thì khuynh hướng qui tâm và ly tâm chẳng phải là hai kẻ thù bất cộng đái thiên mà trái lại sự phối hợp hài hòa hai khuynh hướng đối nghịch đó có thể là một động lực thúc đẩy xã-hội tiến lên thật mạnh mẽ.

             Không may khi có sự va chạm giữa hai nền văn hóa Ðông Tây trong những thập niên đã qua thì đa số người Việt đã bối rối như con lừa đứng trước hai máng cỏ và thái độ chung dường như chỉ là sự lựa chọn dứt khoát giữa một trong hai đối cực, chọn cái nọ thì dứt khoát đoạn tuyệt với cái kia.

             Những người Cộng Sản còn mắc phải lỗi lầm lớn lao hơn nữa.  Không những họ khinh rẻ nền văn-hóa nhân bản của Việt Nam mà cũng bài xích luôn nền văn hóa Tây Phương.  Lưỡi liềm được dùng để chặt đứt văn hóa qui tâm Ðông Phương ra từng mảnh nhỏ, cái búa được dùng để đập cho nền văn-hóa ly tâm Tây Phương bẹp dúm.  Họ mê mẩn chạy theo Karl marx , tin tưởng tuyệt đối vào thuyết "mâu thuẫn sinh tiến hóa".  TỪ quan niệm đó họ chặt vụn con người thành Tâm và Vật, xé nát nhân loại thành những giai cấp đối nghịch, biến loài người thành những kẻ thù bất cộng đái thiên, luôn miệng hô hào đấu tranh một mất một còn giữa những người đồng chủng.  Cuộc đấu tranh một mất một còn do họ đề xướng nếu chẳng may thành tựu thì nhân loại có lẽ sẽ chỉ còn là con số không to tướng.

             Sau bao nhiêu đau thương đổ vỡ có lẽ giờ đây người Việt đã bắt đầu từ từ tỉnh ngộ và nhìn thấy những giá trị lớn lao trong nền văn hóa nhân bản của dân tộc.  Những giá trị đó thực giản dị đơn sơ, mộc mạc như đôi guốc gỗ, như chiếc nón lá, như không khí trong lành buổi sáng , như gáo nước mưa mát rượi.

             Nền văn-hóa nhân bản đã tạo cho Việt Nam một dân tộc hiền hòa thuần hậu, biết đối xử với nhau bằng một tấm lòng thiết tha chân thật, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

             Cái tâm hiền hòa thuần hậu đó là cốt lõi của nền văn-hóa nhân bản mà tiền nhân đã bao đời vun bồi gìn giữ.  Cái tâm hiền hòa thuần hậu đó chẳng có gì là phản khoa học, phản tiến bộ hết.  Nó không hề là một trở ngại ngăn cản ta hấp thu những tinh hoa trong nền văn hóa Tây phương, nó chẳng phải là tư tưởng độc tài độc tôn đối nghịch với Tự Do Dân Chủ, nó chẳng phải là mê tín dị đoan đối nghịch với khoa học kỹ thuật, nó chẳng hề là yếu tố tạo nên một dân tộc ươn hèn.  Tấm lòng của người Việt được thể hiện qua những Phạm Ngũ Lão, Lương Ngọc Quyến chỉ nói lên sức mạnh quật cường hiền hòa nhưng mãnh liệt đã là chất keo gắn bó dân tộc Việt Nam trong mấy ngàn năm.

             Những người lớn lên trong ngục tù Cộng Sản thấu hiểu hơn ai hết tác hại của chủ nghĩa Cộng Sản như Nguyễn Chí Thiện, Phùng Quán, Trần Dần, Trần Văn Thủy, Nguyễn Ðan Quế đã không cầ tới bất cứ một chủ nghĩa ngoại lai nào, họ cũng chẳng thèm dùng những từ ngữ dao to búa lớn.  Những lời họ nói lên phát xuất tự đáy lòng, giản dị nhưng chân thật, vừa thốt lên là đủ khiến cả triệu trái tim cùng rung động.

             Phùng Quán, Trần Dần chỉ nói tới lòng Thành Thật, Trần Văn Thủy chỉ viết chuện Tử Tế, Nguyễn Chí Thiện chỉ dương Tã Trắng lên thay cờ, Nguyễn Ðan Quế chỉ dựng tấm bảng "Cao Trào Nhân Bản" rồi bình thản ngồi chìa tay cho cán bộ Cộng Sản móc còng dẫn vô tù.

             Ôi những con người ấy họ có gì khác chúng ta đâu ?  Họa chăng họ chỉ có một tấm lòng Việt Nam phát xuất từ nền văn-hóa nhân bản của cha ông mà họ đã không vội vã vứt bỏ để đổi lấy đồng đô la hoặc chiếc khăn quàng đỏ.  Nhưng chính nhờ những tấm lòng cao quí đó mà chúng ta mơ"i còn hy vọng dựng lại niềm tin cho những thế hệ mai sau.


 

Từ Quẻ Bĩ

 

Sang Quẻ Thái




Tập sách nhỏ này thật mỏng manh.  Khi tôi viết tới dòng này thì trong thâm tâm tôi nghĩ là chưa viết nổi một phần mười những gì định viết.  Khả năng con người thực quá nhỏ bé.  Tôi nghĩ cần nói đôi điều về diễn tiến việc viết tập sách này để độc giả có thể hiểu nổi nỗi khổ tâm của người viết.  Tôi tin rằng có rất nhiều người cũng có ý định viết những điều tương tự như tôi đang viết, nhưng hễ cầm tới bút là lại quẳng ngay đi.

             Và sự thật là tôi đã quẳng bút đi rất nhiều lần.  Ý định viết tập sách này đã có từ ngày tôi bị giam ở trại Bù Gia Mập, cách đây 17 năm.  Ngay từ khi vừa đặt chân tới Úc vào năm 1983, tôi vội vã ngồi xuống đem hết tâm trí ra viết được một bản thảo chừng 100 trang viết tay.  Viết xong đọc lại xé nát tập bản thảo.  Sau đó thêm hai lần nữa, mỗi lần viết được vài chục trang, viết xong đọc lại, ngậm ngùi mà vứt vào sọt rác.

             Tại sao có chuyện kỳ cục như vậy ?

             Tâm trạng tôi có lẽ cũng không khác với tâm trạng của rất nhiều người khác đã được chứng kiến quá nhiều sự thật đau lòng, nhưng nghẹn ngào vì không thể diễn tả nổi, và vì cảm thấy rõ rệt là những điều mình định viết có lẽ cũng hoàn toàn vô ích, viết ra có lẽ chẳng ai thèm đọc, có đọc cũng chẳng ai tin.  Nghĩ ngấm nghía càng thấy lời Lão Tử là thấm thía :

                         "Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri."

                        ( Kẻ biết thì không nói, kẻ nói là vì không biết )

             Mãi tới lần này tuổi đã lớn, sức khỏe mỗi lúc một suy kém, vài tháng trước  khi vào bệnh viện chịu một cuộc giải phẫu, ý thức được cuộc đời quá ngắn ngủi, tôi mới vội vã viết cho xong tập sách này với ý nghĩ rằng cuộc đời mình có lẽ cũng không còn dài nữa, thôi thì viết được chút nào hay chút đó.  Cũng may tập sách nhỏ này đã được viết tới đây mà người viết vẫn còn nằm trên giường bệnh.

             Thôi nếu cuộc đời ngắn ngủi như vậy thì thà làm một kẻ bất tri còn hơn là làm một kẻ bất ngôn.  Kẻ bất tri là kẻ điếc không sợ súng.  Nhưng biết đâu chẳng có một vài người đọc cảm thông được với những gì mình định nói.  Trang giấy thật trắng, dòng mực xanh thật hiền lành, nhưng chứa đựng trong đó là cả bao nỗi khắc khoải của cả một thế hệ đã chứng kiến quá nhiều chuyện u buồn xảy ra trên đất nước.

             Lắng tâm ngồi nghĩ lại bây giờ tôi lần lần hiểu được tâm trạng mình, hiểu được tại sao viết xong rồi lại xé.  Tôi chỉ là một con người, như tất cả mọi người khác, sống trong cơn khủng hoảng niềm tin triền miên của cả một dân tộc.  Tôi chẳng tin tôi đủ khả năng thuyết phục bất cứ một ai.  Vả chăng dường như tất cả mọi người đều phải tự chứng ngiệm trong cuộc sống thực mới tìm ra sự thực.  Vậy thì cầm bút để làm gì ?

             Nhưng chính vì quá thấm thía với cơn khủng hoảng niềm tin chung của tất cả mọi người, cho nên mới có ý nghĩ tìm cách phá vỡ cơn khủng hoảng đó.  Chính ý nghĩ đó đã thúc đẩy tôi viết tập sách này.  Tôi xin kể lại một mẩu chuyện thật về một người đã thấy và đã không thể nói lên điều mình thấy cho bạn hữu cùng nghe.

             Người kể câu chuyện này là một người bạn tù đã cùng ở với tôi qua ba trại cải tạo.  Thay vì dùng tên thực, tôi xin gọi anh ta là Luận để tránh những điều phiền toái có thể xảy ra cho anh nếu anh còn ở lại Việt Nam.

            Một buổi chiều chủ nhật chúng tôi đang ngồi trầm ngâm trong một căn nhà tù ở trại Bù Loi, vào khoảng năm 1978.

             Một người trong đám chợt khơi chuyện.  Anh ta than rằng bọn mình quá ngu, dân tộc mình quá ngu.  Vì quá ngu nên mới bị lừa.  Nếu không ngu đã không chui đầu vào rọ.  Sao cả mấy trăm ngàn người có thể ngây thơ dễ tin đến thế, cứ tưởng rằng mình sẽ đi học tập mười ngày hoặc một tháng là sẽ được trở về cùng gia đình.  Tất cả chúng ta đều là những kẻ bị lừa vì quá ngu muội.  Không có lấy một người sáng suốt.

             Anh Luận trầm ngâm ngồi nghe.  Mãi một lúc sau anh mới chậm rãi nói :

                         - Không, tôi không bị lừa !

             Tất cả chúng tôi giật bắn mình vì điều anh nói.  Nếu anh ta không bị lừa tại sao anh cũng vô đây ?

             Anh Luận ôn tồn kể :

             - Tôi biết rất rõ là mình đã chui vào rọ.  Tôi biết rất rõ là chẳng làm gì có chuyện học tập 10 ngày hoặc một tháng.

             Vào dịp Tết Mậu Thân tôi bị kẹt ở ngoài Huế.  Những gì xảy ra ở Huế cũng là những gì được lập lại năm 1975.  Cộng Sản nắm được Huế trong một thời gian ngắn, họ ra thông cáo yêu cầu quân nhân công chức của chính quyền Miền Nam ra trình diện.  Chỉ có một số rất ít tin theo hoặc ở thế bất khả kháng đành phải ra trình diện.  Bọn Cộng Sản cấp cho mỗi người một phiếu chứng nhận đã ra trình diện rồi thả về.  Sau đó họ lại ra một thông cáo khác, yêu cầu tất cả mọi quân nhân công chức của chính quyền Miền Nam, dù đã ra trình diện lần đầu hay chưa, đều phải ra trình diện lần thứ hai.  Lại thêm một số người rụt rè ra trình diện, và lại được cấp phiếu chứng nhận rồi thong dong trở về nhà.  Hai ba lần như vậy, đến lần chót thì những người ra trình diện đông hơn, và tất cả nay đã nằm sâu dưới những nấm mồ tập thể ở Huế.

             Tất cả chúng tôi đều bàng hoàng khủng khiếp.  Tôi hỏi anh tại sao anh đã biết rõ như vậy mà không nói với những người thân, và không tìm đường trốn tránh, để đến nỗi rút cục phải chui vào rọ.

             Anh Luận buồn bã nói :

             - Tôi có nói với vài người thân, nhưng không một ai tin lời tôi nói hết.  Họ nói :  Trước khác bây giờ khác.  Từ đó tôi thấy có nói cũng vô ích, im lặng là hơn cả.  Tôi tìm mọi cách để trốn, không may bị bắt lại.  Thật cứ y như chuyện Trạng Quỳnh !

             Nghe anh kể, tôi bồi hồi nhớ tới mẩu chuyện Trạng Quỳnh tôi đã đọc từ hồ nhỏ.

             Trạng Quỳnh nổi tiếng là người văn hay chữ tốt.  Một hôm Trạng làm căn nhà ở giữa hồ.  Muốn vào căn nhà đó phải đi qua một cây cầu.  Trạng loan tin ai muốn xem văn Trạng thì phải nộp một quan tiền.  Thiên hạ háo hức rủ nhau qua cầu vào xem văn Trạng.  Người thứ nhất bước vào căn nhà giữa hồ chẳng thấy văn Trạng đâu chỉ thấy một tấm giấy lớn viết mấy chữ nguệch ngoạc :"Ð. M. thằng nào bảo thằng nào !"

             Người đó trở ra, hầm hầm tức giận.  Người đứng ngoài xúm xít hỏi văn Trạng có hay không.  Anh ta đỏ mặt tía tai xửng cồ lên gắt gỏng :

             - Làm gì có văn với vẻ ! Chỉ có mỗi một câu : "Ð.M. thằng nào bảo thằng nào !"

             Người nghe tức giận vì nghĩ rằng anh ta xấu bụng, biết mà không nói.  Thế là đoàn người cứ lũ lượt kéo nhau vào xem văn Trạng.

             Những gì xảy ra trong xã hội Cộng Sản cũng y hệt như vậy.  Không biết bao nhiêu người đã bị lừa.  Người bị lừa nói lại cho người khác nghe thì chẳng ai tin.  Tri giả bất ngôn là như vậy.

             Ðó chính là cái hiệu lực thần kỳ do áp dụng "cẩm nang" của Lenin mà bác Hồ đã vui mừng đến rơi lệ khi đọc được.  Trí chẳng đủ để người tin, bác Hồ bèn dùng TRÁ lừa người để đạt được cứu cánh quyền lực., và dạy dỗ cho môn đệ làm theo lời bác dạy.  Trong một xã-hội càng nhiều người lương thiện chừng nào càng dễ tin và dễ bị lừa chừng ấy.  Lọt vào một kẻ TRÁ Tào Tháo gian hùng là kẻ TRÁ sẽ làm vua.

             Làm sao để gỡ cho dân tộc thoát khỏi một tai họa khủng khiếp như vậy ?  Dùng lý luận chăng ? Dùng giáo dục chăng ?  Vị tất đã có kết quả !  Không thiếu những bậc đại trí thức cũng bị lừa y hệt như những người nông dân chất phác, có khi còn tệ hơn nữa.

             Trước năm 1975, một trong những trí thức tên tuổi và rất có uy tín là Châu Tâm Luân, giáo sư trường Ðại Học Nông Lâm Súc.  Châu Tâm Luân là cháu Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình.  Anh rất thông minh, du học tại Mỹ, đậu bằng Tiến Sĩ về Kinh Tế Nông Nghiệp.  Anh là một con người gương mẫu liêm khiết, sống giản dị thanh bạch.  Tính tình anh rất thẳng thắn, dám nói dám làm.  Anh được sinh viên Nông Lâm Súc rất quí mến kính phục.  Rất nhiều sinh viên và giáo chức đại học coi anh như một thần tượng.  Chỉ cần tinh ý một chút là biết ngay anh có khuynh hướng thiên tả, nghĩa là giành nhiều cảm tình cho phe Cộng Sản hơn là phe Quốc Gia.

             Sau năm 1975, Cộng Sản đưa anh ra làm Phó Chủ Tịch Hội Trí Thức yêu nước, cho anh ra tham quan Hà Nội, rồi Liên Xô, rồi Ðông Âu.  Ðùng một cái vào khoảng năm 1981 nghe tin anh ta vượt biên tới Thái Lan.  Sao lại có chuyện lạ đời thế nhỉ ?  Chưa ở với Cộng Sản thì mê Cộng Sản như điếu đổ, đến khi cá đã gặp nước thì lại vội vàng bỏ chạy, thế là nghĩa làm sao ?

             Người viết có hân hạnh quen một người bạn thân của Châu Tâm Luân.  Nghe tin Châu Tâm Luân đã vượt biên, người bạn đó kể cho người viết một điều đáng lẽ phải dấu kín.  Theo lời người bạn đó kể lại, trước khi vượt biên Châu Tâm Luân đã nói với anh ta như thế này :

             "Họ tàn ác lắm !  Hở ra một chút là họ giết liền !"

            "Họ" đây là những người Cộng Sản.

             Ôi thế thì ra một giáo sư đại học hay một gã dân quê nào có khác gì nhau !  Cũng phải mất một quan tiền mới xem được văn Trạng Quỳnh đấy chứ !

             Cho tới nay không ít người Việt vẫn tin rằng dân tộc Việt Nam đang có một tiềm năng phát triển rất lớn.  Vào cái thời Ðông Du xa xưa, cụ Phan Bội Châu chỉ mới đưa được vài trăm du học sinh ra ngoài du học, kẻ nào kẻ đó xất bất xang bang, vừa đi làm nghề hớt tóc, thợ hồ, thợ mộc kiếm sống vừa đi học lóm những tinh hoa trong nền văn minh của người.  Học lóm vì không đủ tiền và đủ điều kiện để xin vào các trường đại học, trung học của họ.  Vậy mà cụ Phan Bội Châu đã gây được một phong trào ái quốc bồng bột, mở mắt cho cả dân tộc.  Ngày nay có từ một tới hai triệu người Việt ở hải ngoại, đầy đủ điều kiện để vào học những trường danh tiếng nhất của những quốc gia tân tiến trên thế giới.  Tiềm năng đó thực quá lớn so với thuở Ðông Du, không ai có thể phủ nhận điều đó.  Nhưng cái tiềm năng đó có phát huy được hay không lại là một dấu hỏi lớn.

             Người viết xin kể lại hai mẩu chuyện sau đây để độc giả cùng suy ngẫm.

             Trong chuyến vượt biên năm 1982, người viết may mắn thoát khỏi gọng kềm Cộng Sản.  Con tàu vượt biên lênh đênh trên biển cả nhiều ngày.  Mỗi ngày khẩu phần của mỗi người trên tàu là một nắm gạo rang và 3 nút chai nước ngọt, ngoại trừ chủ tàu và đoàn thủy thủ bộ hạ.  Họ canh gác lương thực và nước uống rất kỹ.  Rất nhiều người trên tàu bắt đầu kiệt sức lả dần vì thiếu nước uống.  Người viết thì gần tới độ hôn mê bất tỉnh.  Trong lúc đó quả thật một ly nước quí hơn một lượng vàng.

             May mắn thay chỉ vài ngày sau con tàu vượt biên tới được một dàn khoan dàu thuộc hải phận Nam Dương.  Trên dàn khoan tiếp tế nước uống xuống và chỉ đường cho con tàu đi tiếp.  Tới được dàn khoan chưa phải là đã tới được đất tự do.  Hành trình trước mặt vẫn còn dài và chưa ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.  Có một điều chắc chắn là mọi người trên tàu cũng vẫn cần nước uống như trước.  Người viết xin được một ly nước đầy.  Ôi, ly nước đó sao mà mát rượi.  Ðúng là ly nước cải tử hoàn sinh !  Người viết tỉnh táo hẳn, và đủ sức đứng dậy đi ra sau boong tàu.  Ở đây người viết chợt chứng kiến một chuyện, có lẽ rất bình thường, nhưng sao trong tim chợt như có gì đau nhói.

             Hai người đàn bà ngồi chút can nước uống ra gáo giội thoải mái rửa mặt, rửa tay, lau mình mảy, rửa chân và tẩn mẩn kỳ cọ từng ngón chân.

             Chuyện đó có lẽ cũng là lẽ thường, một chuyện vặt như thế có gì đáng nói đâu nhỉ !  Nhưng bỗng nhiên người viết nghĩ tới ý nghĩa chuyến ra đi và liên tưởng tới gáo nước lã.  Tại sao mình ra đi ?  Ai cũng có thể dễ dàng trả lời :  Vì lý tưởng tự do !

             Nhìn can nước hai người đàn bà dùng để rửa chân và nhớ tới những nút chai nước nhỏ xíu đã giúp mình sống sót, người viết bỗng nhiên có ý nghĩ so sánh Tự Do với can nước lã.  Tự Do là gì nhỉ ?  Có lẽ nó rất giống với can nước lã.  Nó rất quí vì có thể cứu sống cả mấy trăm người trong một ngày vượt biên nắng gắt- mỗi người chỉ cần ba nút chai nước nhỏ xíu là đủ thoát chết -  thế nhưng nó cũng có thể chỉ được dùng để rửa đôi bàn chân lem luốc.

             Hơn một triệu người Việt hải ngoại hiện nay có rất nhiều Tự Do, khối lượng Tự Do cho mỗi người có thể tính bằng hàng chục hoặc hàng trăm thước khối nước trở lên chứ chẳng phải chỉ bằng một can nước nhỏ.  Chẳng hiểu họ đang dùng lượng nước khổng lồ đó để làm gì, hay vẫn chỉ dùng để rửa đôi bàn chân cho sạch ?

             Người viết xin kể tiếp một mẩu chuyện khác để cố gắng diễn tả những gì thật khó nói nên lời.

             Năm 1980, sau một chuyến vượt biên thất bại trở về, người viết lang thang bước trên đường phố như người mất hồn.  Bỗng nhiên giật mình vì tiếng reo hò của một lũ trẻ trên đường phố.  Lũ trẻ chạy theo một người đàn bà, chỉ trỏ và cười rầm rĩ.

             Người đàn bà đó mặc một chiếc áo cánh với một chiếc quần đen.  Quần áo rách tả tơi, đến nỗi gần như lõa lồ thân thể.  Bộ ngực gần như phơi trần một nửa.  Quần thì rách như sơ mướp, hầu như để lộ nguyên vẹn hai cái mông trắng nõn.  Người đàn bà đó tay cầm một cục đá nhỏ giơ cao, dậm dọa cho lũ trẻ tránh xa ra.  Lũ trẻ vô tư cười đùa rầm rĩ cứ bám từng đoàn theo đuôi người đàn bà đó, thỉnh thoảng lại la lên : "Mụ dại ! Mụ dại !"

             Người viết đi bên này đường, tò mò tiến lại gần để xem mặt "mụ dại".  Khi tới bên này đường đối diện với mụ dại, người viết giật thót mình như bị điện giật.  Nào có phải ai xa lạ đâu !  Cô ta chính là em gái một người bạn cũ !  Trước năm 1975 cô ta là một cô nữ sinh viên đại học Saigon, sống với vợ chồng người anh ruột.  Tại sao có thể nên nông nỗi thế này ?

             "Mụ dại" ngó sang và chợt thấy người viết, nhận ra người quen.  Cô ta cuống quít lấy tay che ngực che mông và chạy đi mất.

             Người viết thẫn thờ đứng lặng.  Một lát sau buột miệng hỏi mấy người đàn bà trên đường phố :  tại sao không ai giúp cô ta một bộ quần áo cũ ?

             Một người đàn bà chép miệng nói :

             - Bộ quần áo cô ta đang mặc là của tôi vừa cho cô ấy hôm qua.  Tội nghiệp con bé !  Không biết gia đình di tản đi đâu, nhà cửa bị tịch thu hết.  Ðêm đêm nó về ngủ dưới gầm cầu thang một chung cư.  Ngay giữa chung cư là một đồn công an.  Mỗi đêm mấy thằng phải gió mò ra thay phiên mần thịt con bé.  Chúng nó kháo nhau thằng anh con bé tội nặng lắm, vì thế mần thịt con bé xong rồi còn xé tanh banh ra cho bõ ghét

             Tôi biết người anh cô bé.  Anh ta hiện giờ ở Mỹ.  Trước năm 1975 anh ta cũng là một sinh viên đại học.  Một thời, anh ta rất hăng hái hoạt động chống Cộng.  Cái tội của anh ta có lẽ chỉ là như vậy.

             Ở nước Việt Nam hiện nay có không biết bao nhiêu người đang chịu những nỗi đau đớn xót xa như thế.  Họ đau đớn tủi nhục mà không nói lên được.  Người bên đường thương họ, nhiều lắm chỉ có thể cho họ một bộ quần áo cũ đủ che thân trong một đêm.  Ôi niềm đau đớn tủi nhục đó đến bao giờ mới dứt ?

             Khi ra tới vùng trời tự do tôi vẫn để tâm tìm kiếm người anh cô ta.  Một hôm tôi nhận được lá thư của một người bạn học cũ.  Người bạn học cũ kể chuyện về người anh của cô bé.

            Anh ta hiện giờ khá thành công ở Mỹ.  Kiếm tiền  khá nhiều, địa vị vững chắc, hào hoa phong nhã, gái bu theo đông như kiến.

            Từ đó tôi bỏ hẳn ý định tìm kiếm để kể cho anh ta nghe những gì đã xảy ra cho người em gái còn ở lại.  Nói với một người không tim thì ích gì !

            Và cũng từ đó tôi ý thức được thật rõ rằng chẳng phải chỉ lật đổ được chính quyền Cộng Sản để thay thế bằng một chế độ "kinh tế thị trường" là đủ tạo cho xã-hội Việt Nam thành một xã hội đáng sống.  Có lẽ ta phải làm một cái gì hơn thế nữa.

            Niềm hy vọng của tôi chỉ là ước mong rằng Luật Phản Phục trong Kinh Dịch được chứng nghiệm.  Luật Phản Phục có được chứng nghiệm thì mới có hy vọng Bĩ cực Thái lai.

             Luật Phản Phục đó đã được Lão Tử diễn tả trong một câu hết sức kỳ quặc quái dị :

             "Quốc gia loạn hữu trung thần, phụ bất từ sinh hiếu tử"

             Câu nói đó phá vỡ rất nhiều lý thuyết giáo dục đang được đề cao và phổ biến khắp nơi trên thế giới hiện nay, nhất là những lý thuyết dựa trên thí nghiệm "con chó, tiếng chuông và miếng thịt" của Pavlov.  Con người bị điều kiện hóa lẽ ra phải thuần phục như con chó của Pavlov chứ sao lại phản ứng ngược lại ?

             Cái ý nghĩ "kỳ quặc" của Lão Tử có thể diễn tả như thế này :

             Hễ một xã-hội càng xấu xa tồi tệ chừng nào, hễ con người trong xã-hội càng độc ác bất nhân gian trá quỉ quyệt chừng nào thì sự tương phản giữa Thiện Ác càng rõ rệt chừng đó.  Chính vì nhìn thấy cái độc ác bất nhân quá lộ liễu mà lòng khát khao một xã-hội thuần lương trở nên mỗi lúc một mạnh mẽ.  Chính vì thấy khắp nơi đầy dẫy những kẻ gian trá quỉ quyệt mà lòng khao khát một xã-hội trong đó con người có thể đối xử tử tế thành thật với nhau mỗi lúc một thiết tha lớn mạnh.  Ðó là Luật Phản Phục được đề cập tới trong Kinh Dịch.

             Tôi không tin rằng đa số người dân trong xã-hội có phản ứng như vậy.  Ta phải nhìn nhận rằng nói chung Ðộc Ác sẽ sinh Ðộc Ác, Dối Trá sẽ sinh Dối Trá, Xảo quyệt sẽ sinh Xảo quyệt.  Hễ anh lừa tôi thì tôi sẽ nghĩ cách lừa lại anh.  Ðó là cái luật chung của xã-hội.  Vì thế đất nước Việt Nam mới tang thương đổ nát như ngày nay.

             Nhưng tôi tin rằng trong mọi hoàn cảnh trong một xã hội luôn luôn có những trái tim trong sáng không bị vẩn đục, luôn luôn có những trí óc tỉnh táo sáng suốt, những con người có sức mạnh hiền hòa nhưng không ai có thể khuất phục nổi.  Những con người đó sẽ đốt lên ngọn lửa Từ Bi dũng cảm, soi đường cho cả dân tộc.  Khi bóng tối của u mê đã phủ ngập quê hương thì ngọn lửa Từ Bi sẽ bừng sáng dậy và đủ sức cảm hóa cả triệu người đang trầm luân trong biển khổ.

             Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Ðan Quế, Phùng Quán, Trần Dần, Trần Văn Thủy chỉ là một vài người trong số những con người có tấm lòng cao quí đó.  Ta biết tới họ vì may mắn ta được nghe lời họ nói.  Nhưng chắc chắn còn vô số những tấm lòng cao quí như vậy ở Việt Nam mà ta chưa biết tới.

             Càng bị áp bức những con người có lương tri càng trổi dậy, càng đối diện với Ðộc Ác những con người sáng suốt càng hướng về Thuần Lương, càng phải đối phó với xảo quyệt trí trá những người có Thiện Tâm càng quay về với lòng Thành Thật.  Dĩ nhiên rằng những người có trí sáng suốt và tấm lòng thiết tha đối với đất nước như thế hiện nay vẫn còn tương đối ít, nhưng cái Tâm của họ, cái Trí của họ, cái Ðức của họ rồi đây sẽ tỏa rộng và thấm nhuần khắp nơi.  Nhờ có những con người như thế rồi đây Việt Nam mới có hy vọng phục hồi lại nền văn hóa nhân bản.

             Những tinh hoa của một nền văn hóa cũng chỉ giống như chén nước lã, quí biết bao, nhưng cũng giản dị biết bao !  Phùng Quán, Trần Dần chỉ nói tới lòng Thành Thật, Trần Văn Thủy chỉ kể chuyện Tử Tế, Nguyễn Chí Thiện chỉ giơ cao chiếc tã trắng tinh khiết, Nguyễn Ðan Quế chỉ dựng bảng "Cao Trào Nhân Bản".  Lòng Thành Thật, chuyện Tử Tế, chiếc Tã Trắng, Cao trào Nhân Bản, đó là tất cả những gì thật mộc mạc nhưng đã  tạo nên những tấm lòng Việt Nam cao quí, những tâm hồn thuần hậu, hiền hòa nhưng bất khuất là những nhân tố của một nền văn-hóa nhân bản.  Nền văn hóa đó đã từng là chất keo kết hợp lòng người khiến cả dân tộc kết với nhau thành một khối.

             Tiếc thay những tinh hoa của nền văn-hóa nhân bản vốn rất mộc mạc đơn sơ nên ít người hiểu được giá trị vì thế đã có lúc bị mọi người bỏ quên chỉ dùng làm nước rửa chân.  Ông cha ta chắc đang ngậm ngùi nơi chín suối.

             Tôi ước mong rằng sau mấy thập niên ê chề tủi nhục với thân phận bị làm con vật thí nghiệm cho thí nghiệm của Pavlov, hoặc để thí nghiệm những chủ nghĩa ngoại lai, sẽ có một ngày người Việt khước từ thân phận làm chó ngựa để cùng nhau đứng dậy làm người.

             Ngày ấy sẽ là ngày đất nước Việt Nam được thấy quẻ Bĩ biến sang thành quẻ Thái.

                                                                               Úc Châu, 31.03.1994

                                                                                      Kim Bằng

Nguồn: http;//www.taphopdongtam.org

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Khơi Lại Nguồn Văn Hóa Nhân Bản
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa Của Việt tộc
 và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ.



Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt