Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4888
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net



Lĩnh Nam Chích Quái

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

嶺南摭怪列傳 - Lĩnh Nam trích quái liệt truyện

Lĩnh Nam chích quái (chữ Hán: 嶺南摭怪; có nghĩa là "Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam") là một tập hợp các huyền sử hay truyện cổ dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần.

Mục lục


 Tác giả

Trước đây theo lưu truyền, người ta vẫn cho rằng Trần Thế Pháp là người đã có công sưu tầm, biên soạn. Tuy nhiên, dựa trên vấn đề xác định văn bản Lĩnh Nam chích quái hiện còn tồn tại hai giả thuyết khác nhau. Một số nhà nghiên cứu, căn cứ vào hai bài Tựa của Vũ Quỳnh và Kiều Phú chép trong một vài bản của bộ sách đó, cho rằng có thể Trần Thế Pháp là tác giả nhưng những bản Lĩnh Nam chích quái lưu truyền đến hiện nay đều là bản biên soạn lại của Vũ QuỳnhKiều Phú[1] thế kỷ thứ 15.

Một số nhà nghiên cứu khác, trong khi nghiên cứu sâu hơn bài Hậu tự của Kiều Phú, rồi áp dụng phương pháp thống kê đối với tất cả những bản Lĩnh Nam chích quái hiện còn, cho rằng bản hiện còn về căn bản vẫn là bản đời Trần, cổ hơn bản do Kiều Phú sửa chữa[1], nhuận sắc.

Theo bài Tựa, Vũ Quỳnh cho biết ông tìm được sách này và tiến hành nhuận chính vào năm 1492. Còn bài Hậu tự của Kiều Phú cho biết ông nhuận chính Lĩnh Nam chích quái vào năm 1493. Cả hai bản văn của Vũ Quỳnh và Kiều Phú đều tập trung vào 2 quyển đầu của sách, gồm 34 truyện, còn được Lê Quý Đôn gọi là văn bản cổ truyền.

Sau Vũ Quỳnh và Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái còn được sửa chữa, thêm bớt nhiều lần khác. Đoàn Vĩnh Phúc đời nhà Mạc thêm quyển thứ 3; Vũ Khâm Lân (thế kỷ 18) tiếp tục bổ sung thêm nhiều truyện khác và bên cạnh đó, có sự giúp sức của nhiều nhà nho chưa rõ tên tuổi[1]. trong suốt thế kỷ 18-19 đã tham gia biên soạn, bổ sung những truyện khác.

 Nội dung chính

Tuy chỉ bao gồm các truyền thuyết, nhưng cùng với Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái là một trong các nguồn tài liệu quan trong cho việc nghiên cứu về thời kỳ cổ xưa trong lịch sử Việt Nam.Gồm 34 truyện

 Các tích truyện

  1. Truyện Hồng Bàng thị - truyền thuyết về tổ Hồng Bàng và nguồn gốc Bách Việt
  2. Truyện Ngư tinh - truyền thuyết Lạc Long Quân diệt Ngư tinh ở Biển Đông
  3. Truyện Hồ tinh - sự tích Tây Hồ và cáo chín đuôi
  4. Truyện Đổng Thiên Vương - truyền thuyết Thánh Gióng
  5. Truyện Nhất Dạ Trạch - truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử
  6. Truyện Mộc tinh -
  7. Truyện rùa vàng
  8. Truyện Man nương - sự tích về Phật Mẫu Man nương

...

 Ảnh hưởng và giao lưu

Tuy chủ yếu là nguồn gốc từ Việt Nam, do ảnh hưởng, giao lưu văn hóa Lĩnh Nam chích quái vẫn có một số truyện có nguồn gốc nước ngoài, từ các truyện Trung Quốc có thể kể đến chuyện Giếng Việt, Đầm trâu vàng; từ các truyền thuyết phương Bắc có thể kể đến chuyện Rùa vàng; từ văn hóa phương Nam với nền văn minh Ấn Độ có thể kể đến Sọ dừa, Tấm Cám và thậm chí cả văn hóa Chiêm Thành với Dạ Xoa.

 Chú thích

  1. ^ a b c Từ điển văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới, H. 2005

Xem thêm

 Liên kết ngoài



Nguồn:http://vi.wikipedia.org



1- Truyện Hồng Bàng






1. Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh, Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.

2. Kinh Dương Vương xuống Thủy Phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu. Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần, tôn ty, có luân thường về phụ tử, phu phụ; hoặc có lúc đi về Thủy Phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn. Dân lúc nào có việc cần thời kêu Lạc Long Quân: “Bố đi đàng nào, không đến mà cứu chúng ta” (người Nam gọi cha bằng Bố, gọi quân bằng vua là tự đấy), thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được. 3. Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Long Quân đã về Thủy Phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại. Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy kỳ hoa, dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn, các lọai sơn hào hải vị không thứ nào là không có; khí hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh, Đế Lai ái mộ quá, quên cả ngày về.

4. Nhân dân nước Nam khổ về sự phiền nhiễu, không yên ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Long Quân về nên mới đem nhau kêu rằng:

- Bố ở phương nào, nên mau về cứu nhân dân.

Lạc Long Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi lang phong tú mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang đến hành tại. Âu Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long Quân bèn rước nàng về núi Long Trang. Đế Lai về không thấy Âu Cơ bèn sai quần thần tìm khắp thiên hạ. Long Quân có thần thuật, biến hiện trăm cách, nào là yêu tinh quỷ mị, nào là long xà hổ tượng, kẻ đi tìm úy cụ, không dám lục đảo tận cùng. Đế Lai trở về bắc truyền ngôi cho Đế Du Võng. Du Võng truyền lại cho Xi Vưu cùng với Hòang Đế đánh nhau ở Bản Tuyền và Trác Lộc không hơn nên tử trận. Họ Thần Nông bèn mất.

5. Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngòai đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, bà đem về nuôi nấng, không cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song tòan, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.

Long Quân ở lâu dưới Thủy Phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc quốc liền đi lên biên cảnh; Hoàng Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái; mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long Quân:

- Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ!

Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp mẹ con ở Tương Dã. Âu Cơ nói:

- Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một trăm trai mà không có gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ, một mình vò võ.

Long Quân bảo:


- Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy Phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.

6. Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã ra đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình Hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành), chia trong nước làm mười lăm bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hòai Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tường văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng; con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bố Chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.

7. Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên bạch với vua. Vua bảo rằng:

- Ở núi là lòai rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại.

Bèn khiến lấy mực châm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh được nạn giao long cắn hại; cái tục văn thân của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy.

8. Ban đầu quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây soa đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy; đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm, gác cây làm nhà để tránh nạn hổ lang; cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã cối gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp; trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu để làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới tương thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế.

9. Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.



----------------------------

Chú thích:

2. Xích Quỷ: xin chớ hiểu quỷ là quỷ đỏ, mà phải hiểu là lớn lao và thường đi với chữ chủ để chỉ người có quyền lớn lao ở miền Nam (xem Việt Lý Tố Nguyên tr.355). Còn Xích là phần tinh hoa nhất, cự phách nhất (xem tự điển Thiều Chửu chữ Xích). Vậy Xích Quỷ có nghĩa là làm chủ chốt cái tinh hoa của miền Nam, có thể nói là miền xích đạo, miền nông nghiệp lúa Mễ.

3. Tuy tả cảnh đất phì nhiêu, khí hậu không nóng không lạnh, nhưng cũng nên hiểu cả về môi sinh tinh thần là không thái quá hay bất cập v.v…

4. Có người sợ mang tiếng cho Âu Cơ dâm loạn hai chồng… nên đổi chữ vợ ra con gái, nhưng không nên làm thế.

5&6. Đây là lúc mẫu tộc chuyển sang phụ tộc nhưng một cách rất đặc biệt nên ảnh hưởng mẫu tộc còn lại rất nhiều, tô điểm cho văn hóa Kinh Hùng nét đặc trưng rất đáng quý (xem tòan vài VII Còn Mẹ). Có bản nói Long Quân ở lâu dưới Thủy Phủ quên mình có con, các con cũng không biết mình có cha. Nói vậy là tỏ ra mẫu tộc còn mạnh, lúc con mới biết có mẹ.

7. Xâm mình là bước cuối cùng trên con đường thờ vật tổ. Bước trước lá ăn vật tổ theo nghi thức tham dự linh thiêng (communion sacramentelle) sau đến vẽ hình vật tổ lên mình, để rồi cuối cùng chuyển ra vật biểu trong đợt minh triết. Vẽ mình tức đã ra vòng ngòai nhiều, nên rồng ghét, nhưng nhờ vẽ mình rồng (chỉ tiềm thức) nên còn hòa giải được. Không xảy ra vụ giết rồng như Tây Au.

8. Gác cây làm nhà sàn: giá mộc vi ốc. So với câu “giá mộc kết thảo vi cư”, lại so với hình vẽ nhà sàn trên trống đồng thì nhận ra đó là nhà sàn, và đã đủ dữ kiện để biểu thị trời, người, đất rồi. Lấy cây quang lang, cây xoa đồng làm bánh. Đây cũng hàm ý siêu hình, cây quang lang chỉ người sáng suốt kiểu nữ thần mộc.

- Giã cối làm hiệu: đó là tục sẽ dẫn đến việc đúc trống đồng.
Cập nhật ( 04/01/2008 )


2- Truyện Ngư Tinh





10. Trong biển Đông Hải có loài Ngư tinh, mình dài hơn năm mươi trượng, có nhiều chân giống như chân rết, biến hóa vô cùng, linh dị khó dò được; mỗi khi đi đâu thì nổi cơn mưa gió, hay ăn thịt người, ai cũng đều sợ hãi.

11. Thời thượng cổ có loại cá mặt giống như mặt người, thường đi chơi trên bờ Đông Hải, hóa thành hình người, ngôn ngữ thông hoạt dần dần sinh lớn ra người trai gái, lấy cá tôm, hến ốc làm vật ăn; lại có giống người mới sinh ở hải đảo lấy sự bắt người làm sinh nhai, cũng thành ra người, cùng với đàn ông đổi chác các phẩm vật như muối gạo, áo quần, dao búa, thường qua lại ở biển Đông Hải. 12. Trong có núi Ngư tinh, miệng răng nhô ra ngoài bờ biển, ở dưới núi có một chiếc hang lớn, đó là nơi cư trú của Ngư tinh; thuyền nhân dân qua lại phần nhiều bị hại; phong ba hiểm yếu, họ không có đàng nào mà tránh; muốn mở một lối đi ngã khác thì họ lại gặp cát đá không thể nào đào được.

Một đêm kia, có tiên xuống moi đá làm kênh cho sự thông hành của loài người được tiện lợi; kênh sắp được đào xong thì Ngư tinh hóa ra một con gà trắng gáy ở trên núi; quần tiên nghe thấy ngỏ là trời gần sáng nên đều tự nhiên bay đi hết, nay gọi là đường Phật.

13. Lạc Long Quân thương dân bị hại mới làm một con thuyền lớn, ra lệnh cho Thuỷ Dạ Xoa cấm thần biển không được làm gió sóng, chèo thuyền đến núi Ngư tinh, giả đem một người đến cho Ngư tinh ăn; Ngư tinh há miệng toan nuốt, Long Quân liền lấy một khối sắt nướng đỏ liệng vào miệng cá; Ngư tinh vùng vẫy nhảy đến đánh thuyền; Long Quân chém được khúc đuôi, lột da treo lên trên núi, nay gọi là Bạch Long Vỹ; khúc đầu trôi ra ngoài biển, hóa ra chó mà chạy mất; Long Quân lấy đá lấp biển thì chém được, nó bèn hóa ra đầu chó, nay gọi là Cẩu Đầu; khúc mình trôi vào Man Cầu, nay gọi là Cầu Man Cẩu là bởi đó vậy.



---------------------------

Chú thích:



11. Trong truyện nói cá ăn thịt người có thể do cướp bể xa xưa mà có hình ảnh này. Nhưng xem huyền thoại Tàu thì có lúc họ nhận cá làm vật tổ, đến đời nhà Tần còn nhận như vậy và do đấy có những truyện tế người cho Hà Bá. Nên lưu ý người Tàu xưa năng dùng hoa văn cá là liên hệ với tin tưởng ở đây. Về phương diện này Lạc Long Quân tiến sớm hơn phương bắc.

12. Gà trắng sẽ thấy xuất hiện trong truyện Kim Quy, cũng đều không tốt: gà (cung Dậu) cũng như sắc trắng đều nằm về phía tây.

13. Khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá có thể chỉ văn hóa Viêm phương hành hỏa chống lại văn minh du mục bắc phương (cá là hành thuỷ phương bắc).

Cập nhật ( 04/01/2008 )


3- Truyện Hồ Tinh






14. Thành Thăng Long ngày xưa gọi là đất Long Biên, đời thượng cổ chưa có người ở. Đến đời vua Lý Thái Tổ chèo thuyền ở sông Nhị Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, nhân đó mới đặt tên là Thăng Long và đóng đô ở đấy, tức là kinh thành ngày nay vậy.

15. Buổi đầu, chỗ đất này về phía Tây có một ngọn núi đá, dưới núi có một cái hang, có một con hồ chín đuôi sống hơn một nghìn năm thành ra yêu quái, biến hóa vạn trạng, có lúc hóa người, lúc hóa khỉ, đi khắp cả nhân gian. Lúc bấy giờ ở dưới chân núi Tản Viên có giống người mọi gác cây kết cỏ mà ở, trên núi có một vị thần được mọi người phụng thờ. Vị thần ấy dạy cho mọi người cầy ruộng, dệt vải, may áo trắng mà mặc, nhân đó gọi là bạch y man. 16. Hồ chín đuôi hóa ra người áo trắng nhập vào trong bọn mọi, cùng lũ mọi ca hát, dụ dỗ được người con trai, con gái nào thì đem về nhốt ở hang đá; người mọi lấy làm khổ sở về việc ấy.

17. Long Quân mới sai bộ hạ Thuỷ Phủ dâng nước lên đánh phá núi Tiểu Thạch Sơn, đào thành một cái đầm lớn, chính giữa thành có một chiếc vực sâu, gọi là Thi Hồ Trạch (nay là Hồ Tây) rồi lập chùa quán để trấn yểm nữa (nay là Thiên Niên Quán), bờ phía Tây bên đầm thì đồng nội bằng phẳng, ruộng ao cầy cấy, gọi là Lỗ Hồ Động. Chỗ nào cao ráo thì đều có dân cư, tục gọi là Hồ Thôn. Còn cái hang nay gọi là Lỗ Hồ Đàm vậy.



----------------------

Chú thích:

14. Thăng Long thành đặt giữa hai sông rõ ràng bao hàm ý sông Tương nước chảy hai dòng. Còn sự giữ được nét song trùng là nhờ có Thăng Long tức Việt lên siêu hình. Xin nhớ Lạc Long Quân với Âu Cơ gặp nhau ở Tương Dã (H.5 thì cũng hàm ý sông Tương.

15. Phía tây chỉ mưu trí liên hệ với cáo già, cũng gặp được trong lễ Na có đoạn đánh hổ rừng: “đả dã hổ”, nhưng nực cười là chữ hổ bộ cẩu lại cũng có nơi viết bộ cổ để chỉ Hung Nô phía tây bắc (Danses, 327). Hồ tinh liên hệ với Ngư tinh (lẽ ra phải nói Bắc mới là hành thuỷ (nơi ở của cá), thế mà sách lại nói đông thì chắc là do thói thường chỉ mạn đông bắc) cả hai loài Hồ tinh và Ngư tinh không bị diệt hẳn nên còn quấy phá văn hóa phương nam đến tận nay.

16. Truyện này có thể hàm ý du mục phá nông nghiệp. Óc du mục quỷ quyệt được chỉ bằng hồ 9 đuôi, bắt người nhốt hang như Cộng sản nhốt người ta vào hang ý hệ Mác-Lê, nói là hang vì trừ thuyết Mác-Lê ra thì không cho dân nghe hay xem chi bên ngoài. Các sách vở khác đều đốt hết như Tần Thuỷ Hoàng xưa.

17. Long Quân truyền thuỷ bộ phá Hồ. Có sách thêm Long Quân truyền cho “thuỷ phủ tam quan” làm việc đó, thì tam chỉ đạo ba của nông nghiệp. Có truyền thuyết nói là Kim Ngưu Tự (chùa trâu vàng). Trâu là nông nghiệp. Vàng là trung cung màu của Việt tộc.
Cập nhật ( 04/01/2008 )


4- Truyện Phù Đổng Thiên Vương





44. Đời Hùng Vương thứ ba, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ. Ân Vương lấy sự thiếu lễ triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta.

45. Hùng Vương nghe được mới triệu quần thần hỏi về kế hoạch đánh hay giữ. Có nhà phương sĩ dâng lời rằng:

- Không gì bằng cầu Long Quân để nhờ âm phù.

Hùng Vương nghe theo mới đắp đàn trai giới, đặt vàng bạc lụa là ở trên bàn, đốt hương cầu tế ba ngày thì trời cảm sấm mưa, thoắt thấy một ông già cao hơn sáu thước mặt vuông, bụng lớn, râu mày bạc phơ, ngồi ở ngã ba mà nói cười ca múa; người ta trông thấy, ngờ là người phi thường mới tâu với vua. Vua thân hành ra bái yết, rước vào trong đàn; ông già không ăn uống, không nói năng gì cả.

Hùng Vương đến trước hỏi rằng:

- Nay binh nhà Ân sắp sang đánh, hơn thua ra sao, nếu có kiến thức gì xin bày cao cho.

 46. Ông già giây lát mò thẻ ra bói, thưa với vua rằng:

- Sau ba năm giặc mới qua đánh.

Vua lại hỏi kế hoạch để đánh giặc, ông già đáp rằng:

- Nếu có giặc đến thì phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt để cho nước có uy thế, rồi tìm khắp thiên hạ có ai dẹp được giặc thì phong cho tước ấp, hễ được người ấy thì dẹp được giặc ngay.

Nói đoạn, bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân.


47. Vừa đúng ba năm, biên binh cáo cấp có quân Ân sang, Hùng Vương y theo lời nói của lão nhân, sai sứ đi khắp thiên hạ để tìm người dẹp giặc.

48. Sứ giả đến làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh, trong làng có một ông nhà giàu đã hơn sáu mươi tuổi mới sinh được một người con trai ba tuổi không biết nói, chỉ nằm ngửa không ngồi dậy được. Bà mẹ nghe Sứ giả đến, nói bỡn với con rằng:

- Sinh được thằng này thì chỉ biết ăn uống chớ không biết đánh giặc để lĩnh thưởng của triều đình mà đền ơn bú mớm.

Đứa trẻ nghe mẹ, thình lình nói lên rằng:

- Mẹ hãy gọi Sứ giả vào đây, con hỏi thử xem là việc gì.

Bà mẹ cả kinh, mừng rỡ báo với xóm làng:

- Con tôi đã biết nói.

Xóm giềng cũng lấy làm lạ mới rước Sứ giả về nhà.

49. Sứ giả hỏi rằng:

- Mầy là đứa trẻ mới biết nói mà bảo kêu ta đến làm gì?

Đứa trẻ mới ngồi dậy bảo Sứ giả rằng:

- Lập tức về tâu với vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao mười tám thước, một gươm sắt dài bảy thước, một cái nón sắt, trẻ này cỡi ngựa, đội nón đi đánh giặc cho, giặc sẽ phải tan tành, nhà vua việc gì mà lo.

50. Sứ giả chạy về trình cáo với vua. Vua mừng bảo rằng:

- Thế thì ta không lo gì vậy.

Quần thần đều tâu:

- Một người đánh giặc làm sao phá nổi?

Vua nói:

- Đó là Long Quân giúp ta, lời lão nhân đã nói trước không phải là lời nói không, các ngươi không nên ngờ.

Rồi sai người tìm sắt cho được năm mươi cân luyện thành ngựa sắt, gươm sắt và nón sắt; Sứ giả đem tất cả đến; bà mẹ thấy thế cả kinh, sợ họa đến cho mình, lo sợ hỏi con.

Đứa trẻ cả cười nói rằng:

- Mẹ đem cơm thật nhiều cho con ăn, con đi đánh giặc, mẹ đừng lo sợ.

51. Rồi đứa trẻ lớn rất mau, áo cơm hàng ngày bà mẹ cung cấp không đủ, hàng xóm nấu thêm cơm, làm thịt trâu, rượu, bánh, trái, thế mà đứa trẻ vẫn không no bụng; vải lụa gấm vóc mặc chẳng kín hình, đều phải lấy thêm hoa cây hoa lau mà che nữa.

52. Đến khi quân nhà An kéo đến Trâu Sơn, đứa trẻ mới duỗi chân đứng dậy, mình cao hơn mười trượng, nghểnh mũi mà nhẩy, nhẩy mũi hơn mười tiếng rồi tuốt gươm nói lớn lên rằng:

- Ta là Thiên Tướng đây!

Bèn đội nón nhảy lên ngựa, ngựa phi như bay, múa gươm xông đến trước, quan quân theo sau đến sát lũy giặc, dàn trận dưới núi Trâu Sơn. Quân An cả vỡ, trở giáo chạy lùi, An Vương chết ở Trâu Sơn, còn dư đảng thì la liệt sụp lạy và hô rằng:

- Thiên tướng, chúng tôi hết thảy xin đầu hàng.

53. Đứa trẻ đi đến núi Việt Sóc mới cởi áo mặc rồi cưỡi ngựa bay lên trời, chỉ lưu dấu chân trên đá ở dưới núi mà thôi.

Hùng Vương nhớ đến công lao, không biết lấy gì đền báo mới tôn làm Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ ở vườn nhà làng ấy, cho ruộng một trăm khỏanh để làm lễ hưởng tế xuân thu.

Đời nhà An hai mươi bảy vua, trải qua sáu trăm bốn mươi năm, không dám đem binh sang đánh nữa.

54. Man Di bốn phương nghe được như vậy cũng đều thần phục, về phụ với Vương. Sau vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương, lập miếu tại Phù Đổng (nay ở huyện Tiên Du) bên chùa Kiến Phúc, tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu đều có tế lễ vậy.

Có bài thơ rằng:

Vệ Linh năm tháng đám mây nhàn.
Muôn tía nghìn hồng chói thế gian.
Ngựa sắt ở trời, danh ở sử.
Uy linh lừng lẫy khắp giang san.




---------------------------------

Chú thích:


44. Có bản chỉ nói Hùng Vương. Bản khác nói Hùng Vương thứ 6, thế là sai với tòan bích nói đến số 3 năm lần:

- Cầu đảo 3 ngày.

- Ngồi ở ngã ba đường.

- 3 năm nữa giặc đến.

- Ba năm sau.

- Trẻ 3 năm mới nói.

Như vậy đủ biết là ý ẩn trong số 3 đã quá rõ.

45. Có bản nói ông già cao hơn 9 thước thì đúng hơn 6 thước, vì tự 3 tới 9 là bộ huyền số đi đôi.

50. 50 cân sắt làm sao đủ đúc ngựa, kiếm, mũ, roi? Vậy quả là nghĩa huyền sử 3, 5, 9 đầy đủ.

51&54. Ý sâu xa là tòan dân ngày thường chỉ biết ăn làm những khi giặc đến nhà thì đàn bà còn phải đánh nữa là đàn ông. Câu truyện nói lên tình đòan kết quốc gia mà hội nghị Diên Hồng là thí dụ. Thánh Dóng như vậy đã hiện hình đẩy xâm lăng rất nhiều lần.
Cập nhật ( 04/01/2008 )
 

5- Truyện Tiên Dung - Chử Đồng Tử


29. Hùng Vương truyền ngôi đến vua cháu ba đời, có sinh được một người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chiều mà nghe theo. Mỗi năm khỏang tháng hai, tháng ba, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngòai biển, vui chơi quên cả ngày về.

30. Lúc bấy giờ ở làng Chử Xá có người tên là Chử Vy Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cải khánh kiệt tận chỉ cò một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng:

- Ta chết thì chôn lộ thể cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.

31. Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử Đồng Tử bấy giờ thân hình trần truồng, đói rét khôn xiết, mới cầm cần câu đi đến bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buồm đi qua, đứng dưới nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên Dung bỗng đến đó; nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi trượng cờ xí, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn vào đâu, trông thấy trong bãi phù sa có chòm lau sậy, lơ thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thành huyệt để giấu mình, lại lấy cát vùi lên trên. 32. Giây lát, thuyền của Tiên Dung ghé vào đó; nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng màn vây kín cả chỗ lau sậy để tắm.

33. Tiên Dung vào trong màn, cởi áo múc nước dội tắm; cát chảy, thân hình Đồng Tử lộ ra, hồi lâu Tiên Dung biết là con trai. Tiên Dung nói:

- Ta đã không thích lấy chồng, nay lại gặp người này cùng lộ thân với nhau trong một huyệt cát, có lẽ trời khiến thế chăng? Thôi ngươi hãy dậy mà tắm rửa đi.

Rồi ban cho áo quần, cùng nhau xuống thuyền ăn uống hoan lạc; người trong thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có.

34. Đồng Tử nói rõ sự tích cho Tiên Dung nghe; Tiên Dung thương xót, bảo làm vợ chồng. Đồng Tử cố từ. Tiên Dung nói:

- Việc này tự trời tác hợp, việc gì mà từ chối?

35. Những người tháp tùng vội đem việc ấy tâu lên với Hùng Vương; Hùng Vương giận bảo rằng:

- Tiên Dung không biết trọng danh tiết, không biết tiếc tiền của ta, đi chơi giữa đường lại hạ giá, lấy người nghèo, còn mặt mũi nào mà thấy ta nữa, từ nay mặc kệ nó, không cho trở về nước nữa.

36. Tiên Dung nghe tin, sợ không dám trở về mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng nhân gian mậu dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn (nay là chợ Hà Lõa); thương nhân ngọai quốc qua lại buôn bán, kính sự Tiên Dung Đồng Tử làm chủ.

37. Có một nhà đại thương đến nói với Tiên Dung rằng:

- Quý nhân xuất ra một thoi vàng, năm nay cùng với người nhà buôn ra ngòai biển mà mua vật quý, sang năm sẽ lời được một thoi.

Tiên Dung bảo Đồng Tử rằng:

- Vợ chồng ta do trời định khiến, ăn mặc là của trời cho, bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mà mua hàng đem về làm kế sinh nhai.

38. Đồng Tử bèn cùng đi với người nhà buôn; ngòai biển có một hòn núi tên là Quỳnh Viên Sơn; trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đấy mà múc nước; Đồng Tử lên chơi trên am, có một tiểu tăng tên là Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử mới lưu lại am nghe thuyết pháp, giao vàng cho người đi buôn mua hàng, dặn lúc nào trở về thì ghé lại am để cho Đồng Tử về. Nhà sư mới tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng:

- Linh thông tại đây đó.

Đồng Tử trở về, đem chuyện đạo Phật nói hết với Tiên Dung, từ đó giác ngộ, bỏ chợ búa, nghề buôn, đem nhau đi tìm thầy học đạo. Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xà, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường, mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt.

39. Sáng ngày ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem những vật hoa hương, ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước.

Hùng Vương hay tin cho là con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh; quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngữ.

40. Tiên Dung rằng:

- Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là trời giun gửi; sinh tử tại thiên, ta đâu dám chống cha, phải thuận chịu điều chính, chờ lệnh chém giết.

Lúc bấy giờ những người mới tập họp, sợ hãi mà chạy tán loạn, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên Dung.

41. Quan quân kéo đến đóng doanh ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn; ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng đến nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn; bộ đảng, thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày, dân gian không trông thấy thành nữa, cho là linh dị bèn lập miếu đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, châu ấy là Man Trù Châu (hoặc gọi là Tự Nhiên Châu), chợ ấy là Hà Lõa Thị.

42. Sau đến thời Nam Đế, binh nhà Lương sang xâm chiếm nước ta, vua sai Triệu Quang Phục làm tướng đem binh ngăn giữ. Quang Phục điều động dân chúng tàng ẩn ở trong đầm, cái đầm ấy sâu rộng bùn lầy, khó bề tiến lui; Quang Phục cỡi chiếc thuyền độc mộc qua lại cho tiện, thường nhân đêm tối, dùng thuyền mà đột xuất đánh phá cướp lấy lương thực, làm kế trĩ cửu cho giặc kiệt quệ. Ba bốn năm trường giặc không đánh được. Bá Tiên than rằng:

- Đời xưa gọi là đầm nhất dạ thăng thiên, ngày nay lại là cái đầm nhất dạ đạo kiếp.

43. Gặp lúc Hầu Cảnh tác loạn bên Trung Hoa, vua Lương triệu Bá Tiên về, ủy quyền cho tỳ tướng Dương Sằn thống lĩnh quần chúng.

Quang Phục trai giới thiết đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo. Thóat thấy thần nhân cỡi rồng giáng xuống giữa đầm, bảo Quang Phục rằng:

- Ta lên trời nhưng linh dị còn ở đây, người có lòng thành cầu đảo, ta đến để giúp bình loạn tặc.

Rồi cởi vuốt rồng đưa cho Quang Phục bảo giắt vào đầu đâu mâu, hễ đánh đâu là được đó. Nói đoạn lại bay lên trời. Quang Phục y như lời dặn đem binh đột kích, binh Lương đại bại, chém được tướng Dương Sằn ở trận tiền, binh Lương lui chạy.

Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập lên làm Triệu Vương, đóng đô ở quận Vũ Ninh núi Trâu Sơn.





----------------------------

Chú thích:


29. Chử Đồng Tử còn bên dưới bậc “khố rách áo ôm”, tức khố cũng không có để mà rách, vậy mà lấy được công chúa Hùng Vương thì sự biểu lộ tinh thần dân chủ cao độ tuyệt không có óc kỳ thị đẳng phái giàu sang. Đó là điểm một.

35. Điểm hai là quyền định đoạt và sáng kiến của Tiên Dung rất cao, không những bên trên Chử Đồng Tử, mà còn ngòai cả quyền cha. Đó là nói lên giai đọan mẫu tộc còn mạnh. Điểm ba dầu vậy trời phật đều ủng hộ, khi sống cho làm ăn phát đạt, khi chết còn được linh ứng để giúp nước.

Từ số 37 đến 39 có nhiều pha tạp lộn xộn vừa trái với lịch sử vì lúc ấy đã có đạo Phật đâu, lại trái với môi sinh câu truyện quyền định đoạt nơi Tiên Dung chứ không nơi Đồng Tử. Tuy nhiên đoạn ấy nói lên sự liên lạc mật thiết sau này giữa đạo Tiên và đạo Phật.
Cập nhật ( 04/01/2008 )


6- Truyện Mộc Tinh


18. Thuộc địa giới Phong Châu, về đời thượng cổ có một cây đại thụ tên là Chiên Đàn, thân cao nghìn tầng, cành lá xum xê không biết mấy nghìn dặm, có chim thước làm ổ ở trên cây nên chỗ đất ấy đặt tên là Bạch Hạc. Cây Chiên Đàn trải qua không biết mấy nghìn năm đến khi khô hủ thì hóa làm yêu tinh, biến hiện dũng mãnh, thường sát nhân dân.

19. Kinh Dương Vương dùng thần thuật thắng được yêu tinh, nhưng yêu tinh quỷ quyệt, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, biến hóa bất trác, thường ăn người sống, dân phải lập đền thờ mà cầu đảo. Mỗi năm đến ngày ba mươi tháng chạp, dùng một người sống làm lễ tế thì con tinh ấy mới chịu thôi, mà nhân dân cũng được yên ổn, tương truyền với nhau là Thần Xương Cuồng. Địa giới phía tây nam gần nước Mi Hầu, người trong nước khiến Bà Lộ Man (nay là phủ Diễm Châu) cướp lấy một người Lão tử nạp làm lễ tế, năm nào cũng lễ thường như vậy. Kịp đến khi Tần Thuỷ Hoàng sai Nhâm Ngao sang làm quan Lệnh Long Xuyên, Nhâm Ngao đổi cái lệ đó, cấm không được đem người sống mà tế. Thần giận, thần giết đi, từ đó về sau sự tế thần lại càng kính cẩn. 20. Đến đời Đinh Tiên Hoàng, có một pháp sư tên là Dũ Văn Mẫu người Tàu, tu hành chín chắn, tuổi hơn bốn mươi, đã chu du các nước, thông hiểu nhiều ngôn ngữ, tập được phép nãnh vàng răng đồng, khi sang đến nước ta thì đã tám mươi tuổi; Tiên Hoàng lấy lễ thượng mà đãi đằng. Dũ Văn Mẫu dậy lấy kỹ thuật phỉnh thần Xương Cuồng rồi giết đi.

21 Từ đó miền được cái họa dâng người hàng năm, mà sinh hoạt của nhân dân được bảo toàn vậy.



-----------------

Chú thích:

Ba vĩ tích của Lạc Long Quân cho vào một nhóm vì nó nói lên bước xả một cách có hàm ngụ cơ cấu, đi theo lối khai quang sửa soạn (via negativa) để cho Hùng Vương xây nền nhân chủ sau này.

Truyện Mộc tinh có hai giai đoạn cuối cùng mang tính chất ma thuật đã thêm vào sau nhiều bản bỏ. Vậy ở đây cũng xin bỏ luôn. Xét ra nó nghịch với tinh thần xả bỏ bái vật ma thuật của ba vĩ tích.

18. Mộc tinh hiểu là “ma mộc” gỗ khô, tức những gì hư hóa, nhất là các thứ dị đoan chỉ bằng xương cuồng. Lạc Long Quân cũng đuổi đi, rồi sau có người dùng ma thuật thì cũng chì là tạm bợ, nên nó còn lưu hành trong dân chúng, tuy nhiên cả ba thứ tinh không còn nhô đầu lên văn đàn được nữa như bên Âu Tây. Hồ tinh và Ngư tinh chỉ còn tác hại dưới hình thức du mục võ biền.


 7- Truyện Rùa Vàng



97. An Dương Vương nước Au Lạc là người ở Ba Thục, họ Thục, tên Phán, nhân việc tiên tổ cầu hôn với con gái của Hùng Vương tên là Mỵ Nương không được nên sinh ra hàm oán; Phán muốn hòan thành ý chí của tổ tiên nên cử binh đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, cải hiệu là Âu Lạc mà ở, đắp thành ở đất Việt Thường; thành đắp xong lại sập. Vương mới lập đàn, trai giới cầu đảo ba tháng.

98. Ngày mồng bảy tháng ba bỗng thấy một ông già theo phương tây mà đến thẳng cửa thành, vừa đi vừa than rằng:

- Xây đắp thành này thì bao giờ cho xong!

Vương rước vào trên điện, lạy và khóc rằng:

- Ta đắp thành này đã xong lại đổ, hao tổn công sức mà rồi không thành là tại làm sao?

Ông già thưa:

- Ngày nào có sứ giả Thanh Giang cùng đắp với Vương thì thành ấy mới xong.

Nói đoạn cáo từ. 99. Rạng ngày, Vương đứng ở cửa Đông trông ra thì thấy một con rùa vàng theo hướng Đông mà bơi lại; rùa đứng trên mặt nước, nói được tiếng người, tự xưng là Thanh Giang sứ giả, biết rõ lẽ trời đất, âm dương, quỷ thần.

Vương mừng hỏi rằng:

- Điều đó ông già đã báo cho ta rồi.

Bèn sai lấy kim dư rước vào trong thành, mời ngồi trên điện, hỏi vì cớ gì mà thành không đắp được.

100. Kim Quy nói:


- Ở đây có tinh khí núi sông, con Tiên vương phụ vào để báo thù nước, lại có con gà trắng sống ngàn năm hóa làm yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu, trên núi có con quỷ, nguyên trước là một nhạc công chôn cất ở đây hóa ra quỷ. Ở bên có một cái quán để cho hành khách qua lại ngủ nhờ; chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng là dư khí của quỷ thần. Hễ có người khách nào qua lại đến đấy ngủ nhờ thì quỷ tinh hóa ra thiên hình vạn trạng mà giết hại rất nhiều. Bây giờ ta nên bắt con gà trắng và đứa con gái của chủ quán mà giết đi thì tinh quái sẽ hết. Nhưng chắc là nó lại hóa ra yêu thư, sai chim cú ngậm thư bay lên trên cây chiên đàn, tâu với Thượng Đế để xin phá thành ấy đi. Thần này xin cắn cho rơi cái thư ấy xuống, Vương lập tức thu lất tất nhiên thành đắp mới xong.

101. Kim Quy bảo Vương giả làm khách đi đường xin ngủ nhờ trong quán. Vương để Kim Quy ở trên ngưỡng cửa.

Ngộ Không nói:

- Quán này có yêu tinh, đêm thường giết người, Lang Quân không nên ở lại, vả nay trời cũng chưa tối, nên đi mau đến chỗ khác để tránh họa.

Vương cười rằng:

- Sinh tử tại mệnh, quỷ mỵ mà làm gì, ta không sợ.

Mới ngủ lại đó.

102. Trong đêm có quỷ tinh đến ngoài kêu rằng:

- Ai ở trong nhà này phải mở cửa ra mau.

Kim Quy mắng rằng:

- Cửa đóng thì mày làm gì nào?

Quỷ tinh phóng hỏa tan ra vạn trạng, quỷ dị đủ phương để khủng bố nhưng rốt cuộc cũng chẳng vào được nhà.

103. Đến lúc gà gáy, các quỷ đều chạy tan, Kim Quy khiến Vương đuổi theo đến núi Thất Diệu, quỷ tinh thu về hết cả, Vương trở lại quán trọ.

104. Sáng ngày, chủ quán đem người đồng đến để chôn thi thể của khách ngủ lại hôm qua, thấy Vương ngồi đó, nói cười như không có gì cả. Quán chủ bước đến, vái lạy rằng:

- Lang quân được như thế tức là Thánh nhân rồi, xin ban linh thuật để cứu sinh linh.

Vương bảo:

- Hãy giết con gà trắng của mày mà tế thì quỷ thần tan hết.

Ngộ Không giết con gà trắng thì đứa con gái tự nhiên cũng nhào xuống chết. Vương lập tức bảo người đào núi Thất Diệu, được một nhạc khí đời cổ và một hài cốt, sai đốt trộn thành tro mà quăng ra sông.

105. Lúc bấy giờ trời đã gần chiều, Vương cùng Kim Quy leo lên núi Việt Thường, quỷ tinh đã hóa ra chim si hưu ngậm thư bay lên cây chiên đàn.

Kim Quy bèn hóa ra một con chuột mà bò theo sau lưng cắn chân chim; thư rơi xuống đất; Vương lập tức thu lấy thì sâu đã ăn hết hơn một nửa rồi.

Từ đó, quỷ tinh tan hết, không lại phá phách như xưa nữa.

106. An Dương Vương đắp thành nửa tháng đã xong; thành dài và rộng nghìn trượng, xoáy tròn như hình con ốc, lại đặt tên là thành Thăng Long (chắc sai; bản của Despierres ghi là Tư Long). Người nhà Đường gọi là thành Sát Quỷ Lôn bởi vì thành rất cao lớn.

107. Kim Quy ở lại với Vương ba năm rồi từ về; Vương bảo rằng:

- Nhờ ơn của người, thành đã vững chắc, nếu như có việc ngoài thì lấy gì mà chống giữ?

Kim Quy thưa:

- Quốc độ tu đoản, xã tắc an nguy là vận của trời, nhưng người biết tu đức thì có thể lâu dài được, Vương đã có lòng ước nguyện thì tôi đâu dám tiếc.

Mới cởi cái móng chân đưa cho Vương và nói:

- Thản hoặc giặc có đến thì dùng móng này làm máy nỏ, đem ra mà đánh giặc thì không có gì đáng lo.

Nói đoạn trở về Đông Hải.

108. Vương khiến bầy tôi là Cao Lỗ làm nỏ, lấy móng này làm máy, hiệu là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỗ; sau Triệu Đà đem quân đến xâm lăng, cùng Vương giao chiến; Vương dùng thần nỗ mà bắn, quân Triệu Đà thua chạy, đóng đồn ở núi Trâu Sơn, đối luỹ với Vương. Triệu Đà biết Vương có nỏ thần nên không dám tái chiến mới khiến sứ thỉnh hòa. Vương mừng, cắt từ sông Tiểu Giang trở về phương Bắc cho Triệu Đà cai trị, trở về phương Nam thì do Vương cai trị (nay là sông Nguyệt Đức).

109. Chưa được bao lâu, Đà sai con vào túc vệ cầu hôn với con gái Vương là Mỵ Châu; Vương bất ý không ngờ gian kế của cha con Triệu Đà; Trọng Thuỷ dỗ Mỵ Châu trộm lấy nỏ thần cho xem, rồi lén làm nỏ khác đổi lấy vuốt rùa giấu đi, nói dối với Mỵ Châu là trở về Bắc thăm cha mẹ.

110. Nhân đó nói rằng:

- Tình phu phụ thì không nỡ quên, mà ơn phụ tử cũng không nên bỏ, ta nay về thăm cha mẹ mà vạn nhất hai nước thất hòa, Nam Bắc cách biệt, ta trở lại tìm nàng thì nàng lấy vật gì mà làm giấu cho ta biết.

Mỵ Châu nói:

- Thiếp là nhi nữ gặp phải bước phân ly thực khó thắng được tình cảm; thiếp có chiếc nệm gấm lông ngỗng thường mang trên người, đến lúc ấy thì thiếp lấy lông ngỗng mà rải ở các ngã ba để chỉ cho chàng biết chỗ thiếp mà đến cứu.

111. Trọng Thuỷ từ tạ, cắp nỏ mà về báo cáo với Triệu Đà, Đà được nỏ rất mừng liền phát binh đánh Vương; Vương không lo phòng bị, mải đánh cờ vây, cười rằng:

- Đà không sợ nọ thần của ta sao?

Đến lúc quân Triệu Đà tiến bức, Vương mới xách nỏ ra bắn thì thần cơ đã mất; quân chạy tán loạn.

112. Vương chở Mỵ Châu lên ngựa chạy về hướng Nam, đến bờ biển, cùng đường, không có thuyền để sang ngang, Vương hét lớn lên rằng:

- Trời để mất ta hay sao? Giang sứ đâu mau đến cứu ta.

Kim Quy nổi lên trên mặt nước, mắng rằng:

- Người cỡi ngựa ở sau lưng là giặc đó, hãy giết nó ta mới cứu.

Vương bèn tuốt gươmg chém Mỵ Châu.

Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà cầu xin:

- Thiếp là con gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại đến phụ thân thời chết hóa thành bụi trần, bằng như một niềm trung tín, bị người phỉnh phờ thời hóa làm ngọc châu để rửa cái thù nhục nhã này.

113. Mỵ Châu chết ở bờ biển, máu chảy trên nước, hàu hến ăn vào lòng hóa thành minh châu.

114. Vương cầm sừng văn tê bảy tấc, Kim Quy rẽ nước dẫn Vương vào biển, đời truyền tại núi Mộ Dạ, làng Cao Xá, châu Diễn tức là chỗ đó vậy.

115. Quân Triệu Đà đến chỗ ấy không thấy gì hết, chỉ thấy tử thi của Mỵ Châu; Trọng Thuỷ ôm thây nàng mà về chôn ở Loa Thành, hóa làm ngọc thạch. Trọng Thuỷ thương cảm vô cùng, thấy là những chỗ trang điểm hay tắm gội của Mỵ Châu, tưởng nhớ đến hình dung của nàng bèn nhảy xuống giếng mà chết. Sau này, ai được Ngọc Châu ở Đông Hải, càng múc nước giếng ấy mà rửa thì sắc ngọc càng thêm rực rỡ. Nhân tránh tên Mỵ Châu nên gọi ngọc châu là Đại Cưu, Tiểu Cưu vậy.



-----------------------

Chú thích:

97. Truyện Kim Quy cũng hàm ngụ triết lý cao độ, mà kết hậu cách bi đát nhất, nhưng bi đát mà đồng thời cũng là bi tráng với cấu kết có hậu mặc dầu là hậu mông lung bí ẩn, nhưng có thể hiểu vì nó đặt liền sau truyện Việt Tỉnh Cương.
Cập nhật ( 04/01/2008 )
 

   
  8- Truyện Man Nương






116. Thời Hiến Đế nhà Hán, quan Thái thú tên là Sĩ Nhiếp đắp thành ở phía Nam sông Bình Giang (nay là thành phía Nam sông Thiên Đức). Ở phương Nam có một ngôi chùa gọi là chùa Phúc Nham, có một nhà sư từ phương Tây đến, hiệu là Già-La-Đồ-Lê, trụ trì ở chùa ấy, hay làm phép đứng một chân; trai gái, trẻ tín mộ, kính phụng tôn hiệu làm Tôn sư, ai nấy đều cầu học đạo Phật.

117. Lúc bấy giờ có một người con gái tên là Man Nương, cha mẹ đều đã mất, nhà nghèo khổ nhưng cũng dốc lòng cầu đạo, chỉ vì nói ngọng, khó tụng kinh chung với mọi người nên thường ở sau bếp giã gạo nhặt rau, lo việc nấu thổi để cung dưỡng các sư trong chùa và học giả bốn phương đến học đạo.

118. Khoảng trời tháng năm, đêm lại ngắn ngủi, Man Nương vội vã lo thổi nấu cho xong. Nàng nấu đã xong xuôi, nhưng các sư còn tụng kinh chưa nghỉ để ăn cháo; Man Nương ngồi chờ, ngủ gật ở ngạch cửa không ngờ quên lửng nằm ngủ say. Đến khi tăng đồ tụng niệm xong, ai về phòng nấy thì Man Nương còn nằm ở cửa; nhà sư Đồ-Lê bước ngang trên mình nàng, Man Nương hồn nhiên tâm động, từ đó có thai. Trong khoảng được ba bốn tháng, Man Nương lấy làm xấu hổ bỏ đi, nhà sư Đồ-Lê cũng tránh đi đến chùa ngả ba đầu sông mà ở. 119. Mãn nguyệt, Man Nương sinh được một đứa con gái và tìm nhà sư để giao lại. Đêm khuya, nhà sư Đồ-Lê đến dưới cây đa ở ngã ba đầu sông mà đặt đứa con gái và nói:

- Ta gửi Phật tử này cho mày, mày giữ lấy, sau được thành Phật đạo.

120. Sư Đồ-Lê và Man Nương từ biệt nhau mà đi. Đồ-Lê cho nàng một chiếc gậy và bảo rằng:

- Ta cho em cái gậy này mà đem về, hễ gặp năm nào trời đại hạn thì lấy gậy vẩy vẩy dưới đất tự nhiên có nước chảy ra để cứu người ta.

Man Nương cầm gậy trở về, lại ở chùa như trước; gặp năm trời hạn, nàng lậy gậy vẩy trên đất, tự nhiên có nước suối chảy ra ào ào, dân chúng được nhờ vả rất nhiều.

121. Khi Man Nương đã hơn tám mươi tuổi thì bất đồ cây đa bị lật đổ trôi đến trước bên chùa, quanh quẩn ở đó không trôi đi; người ở đó đua nhau bửa củi thì búa rìu đều bị gãy mẻ hết; làng xóm rủ nhau ba trăm người đến kéo cũng không chuyển động.

122. Gặp Man Nương xuống bến rửa tay, nàng khẽ lấy tay kéo thử, cây lập tức chuyển động trôi vào, ai nấy kinh dị, vội bảo Man Nương kéo thẳng lên bờ, khiến thợ mộc trổ làm bốn pho tượng Phật; kịp lúc đẽo đến giữa cây, chỗ giấu người con gái thì chỗ ấy đã hóa thành một phiến đá rất cứng; người thợ đẽo đúng vào chỗ đó thì rìu búa mẻ hết, mới lấy phiến đá ném xuống giữa sông; phiến đá phóng xuất hỏa quang, giờ lâu mới chìm xuống nước; các người thợ đều chết hết. Mọi người đều xin nhờ Man Nương van vái mướn kẻ chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào điện Phật, lấy vàng tô lên mà phụng thờ.

123. Sư Đồ-Lê mới đặt tên cho bốn pho tượng Phập là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Già trẻ gái trai bốn phương thường nhóm họp ở chùa này chơi đùa ca múa, gọi là hội tắm Phật, đến nay đang còn vậy.



--------------------------

Chú thích:

116. Truyện Man Nương trước chúng tôi tính bỏ, nhưng vì đã được thâu nhận vào sách nên xin giữ lại, vì nó nói lên sức mạnh chuyển hóa của Việt Lý biến Kim Phật Tây Trúc ra Mộc Phật Đông Phương. Biến tam bảo Phật, Pháp Tăng ra Giác, Chính, Tính (xem lại bài VIII Vang Vọng của nước Văn Lang). Xem những số Tây Phương 4, 8 bị tràn ngập bởi các số Việt 2, 3 (300), 5 làm liên tưởng tới vụ ông Cổn là gấu 4 chân đổi ra 3 chân. Nhà Chu ban đầu đúc đỉnh 4 chân, sau đúc 3 chân cũng là tiến trình từ Tây sang Đông.
Cập nhật ( 09/01/2008 )
 
 Nguồn: http://lichsuvietnam.info



Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang LĨnh Nam Chích Quái
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc
và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ.



Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt