Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4888
www.vietnamvanhien.org
 www.vietnamvanhien.net

TRUYỆN PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG
 HAY LÀ SỰ TÍCH THÁNH GIÓNG

Tạ-quốc-Tuấn

(Thân gửi bác sĩ Lê-đình-Thái &

tiến sĩ Lê-đình-Thông để

tưởng nhớ những ngày Sóc-sơn)



Tranh Phù Đổng Thiên Vương
(ảnh cuả datviet.com)

        

                                                                




  Ảnh của Cao Tường
Núi Sóc Sơn chụp từ Đền Thượng Phù Đổng Thiên Vương: Chân Không Diệu Hữu.



 

Hầu như không người Việt-nam nào lại không biết chuyện Phù-đổng Thiên-vương hay Thánh Gióng, một vị thiếu niên anh hùng vào buổi sơ khai của lịch sử Việt-nam, theo truyền thuyết, đã dẹp tan giặc Ân từ phương bắc tràn xuống xâm lăng nước Văn lang, rồi sau khi thắng trận đã về trời, không màng công danh bổng lộc của triều đình hay sự tôn vinh của dân tộc. Hành vi của Thánh Gióng đã gieo muôn vàn kính phục trong lòng dân tộc. Họ đã đặt nhiều sự tích về Ngài cùng những người, những sự kiện liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Ân của Ngài.

I. Sự Tích Thánh Gióng

            Sự tích về Thánh Gióng có rất nhiều và tản mác. Trong bài này chúng tôi căn cứ vào các truyền thuyết, thần tích, cố đúc kết lại thành một tài liệu đơn giản.

            Tục truyền rằng vào thời Việt-nam lập quốc có một người khổng lồ dân gọi là ông Đổng. Ông người to lớn và nhất là rất cao, cao đến độ đầu đội trời, chân đạp đất, vai chạm những đám mây. Tiếng ông nói oang oang như sấm nổ, mắt toé ra những tia chớp. Mỗi khi thở, ông phun ra nếu không phải là mây đen thì là gió bão hay giông tố.

            Tuy khổng lồ, người ông không chậm chạp chút nào. Ông đi rất nhanh, nhanh đến nỗi gây ra bão táp. Mỗi bước chân ông dài từ đỉnh núi này qua đỉnh núi kia và làm lún cả đá, thủng cả đất. Chân ông dẫm nát ruộng lúa, vườn cà, và làm gẫy nhiều cầu tre. Hiện nay ở nhiều nơi tại tỉnh Bắc-ninh còn nhiều dấu vết chân ông: gò làng Bình-tân (xã Thị-cầu, huyện Quế-võ), núi Dam (xã Nam-sơn, cùng huyện), núi Khám (xã Việt-đoàn, huyện Tiên-sơn), bờ giếng làng Bưởi-nôi (xã An-bình, huyện Gia-lương), thôn Đổng-viên (nay là Gióng Mốt, xã Phù-đổng, huyện Tiên-sơn), Cổ-viên (còn gọi là Vườn Cũ, Đổng-viên hay Vườn Đổng). Ngay trên đỉnh Núi Sóc (ở huyện Đa-phúc, tỉnh Vĩnh-phú) cũng có dấu chân ông Đổng nữa.

            Vẫn theo truyền thuyết, ông Đổng thường cào đất thành đồng ruộng, vun đá thành đồi gò, và xẻ cát thành sông bãi. Ông hay xuất hiện vào những ngày đầu hè, vào khoảng thời gian hay có giông bão, cà đã ra trái và lúa chiêm trổ đòng. Trước và trong ngày ông xuất hiện bao giờ cũng có gió bão, sấm sét, mà người xưa cho là lúc ông hái cà. Do đó người dân gọi gió vào thời gian đó là “gió hái cà ”.

            Do sự tích này làng Gióng xưa mang tên là Kẻ Đổng. Ở đấy có tục trồng riêng một sào cà để dành cho ông Đổng về hái. Còn ở các ruộng khác, cạnh mỗi cây cà người dân làng cắm một "que bông" (que tre dài, ở một đầu vót thành xơ xoắn xít dính vào thân que như hoa cà) để dành cho ông, kẻo ông trẩy cà gây ra thiệt hại cho cả mùa cà.

            Đời vua Hùng thứ 6 (có tài liệu nói là vua Hùng thứ 3), ở làng Gióng (tên chữ là Phù-đổng), bộ Vũ-ninh(1), có một thiếu phụ đã lớn tuổi và nghèo, lấy chồng lâu năm mà không có con. Sau khi chồng chết, bà sống một mình trong một túp lều tranh, sinh sống bằng việc trồng cà trong khu vườn cạnh nhà và mò cua bắt ốc ngoài đồng.

            Vào một đêm mưa to gió lớn, ông khổng lồ Đổng về Đổng-viên, vườn của bà. Ông đã dẫm nát khu vườn cà của bà và để lại một dấu chân to cỡ năm gang tay. Sáng hôm sau bà thức dạy, ra ngoài vườn, trông thấy dấu chân đó, bà bèn ướm thử bàn chân mình vào. Bà còn thấy rau bị dẫm nát nhưng chưa bị úa vàng nên tiếc rẻ hái về nấu canh ăn. Sau đó bà thấy trong mình chuyển động rồi có thai. Vì việc này bà bị dân làng nhiếc móc và đuổi ra khỏi làng. Bà bỏ lên ở rừng Trại Non (nay là thôn Phù-dực) và sinh ông Gióng dưới bóng cây trên một gò nổi giữa đầm.

            Trời ban cho nhiều cua, ốc, cá để bà ăn lấy sữa nuôi con và nhiều đá đẽo thành thống để bà tắm rửa cho con, liềm để bà cắt rốn cho con, và chõng để cho con bà nằm. Mặc dù đã ăn uống mau lớn, nhưng cho tới ba tuổi cậu bé vẫn nằm im trên chõng đá, không đi lại, không nói cười. Ai cũng nghĩ là cậu bé bị câm.

            Trong khi đó, người dân Việt đang cùng nhau nỗ lực xây dựng quốc gia mới thành lập, nước Văn-lang. Họ không ngờ một tai họa lớn lao sắp đổ lên đầu.

            Viện cớ Văn lang thiếu triều cống, vua Ân ở phương bắc định thác danh đi tuần thú phương Nam để tìm cách xâm chiếm nước này. Khi hay tin, vua Hùng đã triệu quần thần lại hỏi xem nên đánh hay nên giữ. Lúc ấy có một vị phương sĩ đề nghị nhà vua cầu xin Long-vương, tức Lạc-long quân, ông tổ của nhà vua, âm trợ.

            Vua Hùng nghe lời, bày đàn trai giới, tế trong ba ngày thì trời bỗng mưa dữ dội và sấm sét, rồi có một ông lão cao to lớn ngồi bên đường, cười nói múa hát. Khi được tâu trình, nhà vua thân đến bái yết, vì cho rằng đây là một vị thần nào đó. Nhà vua xin ông lão bói xem giặc Ân có sang đánh Văn-lang hay không và được thua như thế nào. Lão già cho hay phải ba năm sau giặc Ân mới đến nơi. Lão nói thêm là khi giặc đến thì phải chỉnh tề khí giới, tinh luyện quân sĩ, rồi tìm xem trong nước có ai là kẻ phá được giặc thì phong tước lộc. Hễ được người ấy thì dẹp yên được giặc. Nói xong ông lão bay lên trời mà đi. Nhà vua lúc đó mớI biết ông già chính là tổ Lạc-long quân giáng hiện.

            Đúng ba năm sau có tin cáo cấp là giặc Ân đánh tới. Chúng đi đến đâu thì ra sức tàn phá xóm làng, nhà cửa. Những người dân bất hạnh không chạy trốn kịp đều bị giết hại không nương tay. Chúng không tha bất cứ một ai, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con. Chúng bắt đàn bà con gái về làm tôi tớ hay tì thiếp, còn đàn ông con trai phải đi cắt cỏ cho ngựa đá chúng ăn, nếu ngựa không ăn thì chúng giết chết họ. Chúng còn bắt họ phải trồng ngược cây và nếu cây bị chết thì chúng sẽ giết. Dường như không có cách nào ngăn cản chúng cả.

            Vua Hùng bèn phái sứ giả đi khắp nơi trong nước tìm người có thể dẹp giặc. Khi sứ giả đến làng Gióng thì đột nhiên cậu bé bật nói được, xin mẹ gọi sứ giả đến hỏi xem có việc gì. Tuy hoảng sợ, bà mẹ cũng vui mừng, chiều con, liền báo cho hàng xóm biết con mình nói được và nhờ họ mời sứ giả đến.

            Lúc trông thấy sứ giả, cậu bé rời chõng đá, đứng phắt dạy, bảo sứ giả về tâu với vua xin cho đúc một con ngựa sắt cao 18 trượng, một gươm sắt dài 7 thước và một cái nón sắt để đi đánh giặc. Sứ giả về tâu vua. Vua mừng lắm, ra lệnh cho tìm 50 cân sắt để đúc ngựa, gươm và nón. Sứ giả mang các thứ này cho cậu bé.

            Lại có một truyền thuyết cho rằng có một vị thần trên trời đã mách thầm cho cậu bé cứ rèn đồ sắt mà đánh giặc thì thế nào cũng đánh tan được giặc. Theo một số người kể lại, vị thần đó chính là ông tổ nghề thợ rèn ờ các làng Gióng, Na (tức Y-na) và Mòi (tức Mai-cương) thuộc bộ Vũ-ninh. Tên vị ấy nguyên là Hồng, sau dân gọi trệch đi là Hường để tránh tên hèm.

            Cậu bé lúc ấy đã đột nhiên to lớn, xẻ núi lấy sắt, gọi một nghìn thợ rèn ờ các làng trên tới đúc ngựa, gươm và nón sắt. Tuy có nhiều sắt nhưng cũng không đủ, chỉ đúc được một con ngựa rỗng ruột. Lúc nhận được ngựa, ông Gióng mới vỗ nhẹ vào con ngựa một cái là con ngựa đã bẹp dí lại. Thợ rèn phải tìm thêm sắt đúc một con ngựa khác, với đủ cả các bộ phận, cơ quan trong người. Chỗ các thợ rèn họp nhau lại để rèn ngựa, gươm và nón sắt cho ông Gióng là làng Mòi. Hiện nay ở trong làng hãy còn rải rác khắp nơi các xỉ sắt. Ở bên rià làng có các Cồn Phó Lò, Cồn Cây Táo Trong, Cồn Cây Táo Ngoài, tương truyền chính là các đe của các ông thợ rèn thời đó. Chi chít chung quanh làng có tới 99 cái ao, vốn là dấu chân ngựa sắt thợ rèn đã đem đi dạo trước khi trao cho ông Gióng.

            Được ngựa, gươm và nón sắt rồi, ông Gióng xin mẹ thổi nhiều cơm cho ông để ăn xong ông sẽ đi đánh giặc. Cơm mẹ thổi không đủ cho ông ăn. Hàng xóm nấu thêm mà ông ăn vẫn chưa được no. Cơm bà mẹ và hàng xóm thổi chỉ là cơm chay, gồm cơm và cà thôi. Do đó, sau này để nhắc lại sự tích ông ăn hết cơm cà của làng Gióng, người ta mới có câu nói là "Ra Gióng lấy cà, về nhà lấy cơm" và câu ca:

                        Bảy nong cơm, ba nong cà,

                        Uống một hơi nước, cạn đà khúc sông.

            Cứ ăn hết một nong cơm, ông Gióng lại cao thêm một cây sào. Ăn xong cơm thì ông ruỗi chân đứng lên, cao hơn 10 trượng(2), đến nỗi vải mặc không che kín thân, phải lấy thêm hoa cây lau nối vào. Lại có một truyền thuyết khác nói rằng áo của ông cũng làm bằng sắt, nhưng vì không đủ sắt nên áo đó phải quấn thêm bông lau.

            Ông Gióng vừa ăn cơm xong thì có tin giặc Ân đã kéo đến núi Trâu (còn gọi là núi Vũ-ninh, vì núi nằm ở hạt Vũ-ninh thuộc huyện Quế-võ, tỉnh Bắc-ninh). Ông liền tuốt gươm, hô to rằng ông là thiên tướng, rồi đội nón sắt, nhảy lên lưng ngựa phi như bay, xông đến trước quân địch rất là dũng mãnh.

            Có truyền thuyết kể rằng khi ông Gióng nhảy lên lưng con ngựa sắt thì ngựa thét ra lửa cháy cả một bãi đất rất rộng (nay là làng Cháy, gồm các thôn Phù-luân, Phù-đảo và Phù-chẩn, ở cạnh làng Phù-đổng), rồi phi vút đi gây nên một trận bão gió làm xiêu cả cây cỏ. Chân ngựa dẫm lún cả đất thành ra những ao chuôm nằm rải rác dọc các đường cái, nay còn thấy từ cuối huyện Thuận-thành đến huyện Quế-võ (cả hai ở trong tỉnh Bắc-ninh). Phân ngựa rơi vãi thành đá ong, xỉ sắt, hiện còn thấy ở những nơi dân gian cho là ông Gióng đã thắng cương ngựa, như Quế-tân, Dũng-võ và Mòi.

            Ông Gióng và đoàn quân xông tới chân núi Trâu, chém giặc rất dữ dội. Quân giặc quá hoảng sợ, quay lại đánh chém lẫn nhau, chết rất nhiều. Tướng giặc bị giết tại trận. Có thuyết cho rằng tướng giặc bị ông Gióng chém là nữ tướng, và vì vậy bài hát của làng Gióng trước Đền Gióng (hay Đền Thượng) vào ngày Hội Gióng có nói đến 28 tướng nữ:

                        Nhớ xưa thứ sáu Hùng-vương,

                        Hai mươi tám tướng, tướng cường nữ nhung.

                        Cậy thế xâm thượng khoe hùng,  

                        Quân sang đóng chặt một vùng Vũ-ninh.

            Ngựa đá của tướng giặc bị chém đứt đầu. Mình ngựa lăn trên đồi làng Cựu-tự (ở cuối xã Ngọc-xá, nay giáp xã Châu-phong) và đầu ngựa văng xa đến tận chân núi Phả-lại. Hiện nay ở hai nơi này còn những tảng đá có hình thù tương tự đầu và mình ngựa.

            Trong lúc đánh nhau, gươm sắt của ông Gióng gãy đôi, một đoạn cắm trên đỉnh núi Trâu, một đoạn ông Gióng đeo bên mình. Thuận tay, ông nhổ luôn các bụi tre ngà bên đường làm vũ khí, đánh thẳng xuống đầu giặc Ân, khiến nhiều tên bị chết hay bị thương. Do đó, ở làng Gióng mới có câu hát là:

                        Đứa thì sứt mũi sứt tai,

                        Đứa thì chết nhóc vì gai tre ngà.

            Tre ngà mọc thành rừng ở phiá đông bắc làng Thất-gian (xã Châu-phong). Đất nơi ông Gióng nhổ bật các bụi tre lõm xuống thành một đầm nước (đầm Thất-gian) và các cành tre ông Gióng vứt tung đi các ngả nay hãy còn mọc từng bụi nhỏ, cạnh những ao đầm, vốn là những vết chân ngựa, tại các làng Ngọc-xá, Dũng-quyết, Đức-thành, Mai-cương (nay thuộc huyện Quế-võ), Giang-sơn, Đông-cứu, Lãng-ngâm, An-bình (nay thuộc huyện Gia-lương), Đông-côi và Gia-định (nay thuộc huyện Thuận-thành). Điểm đáng chú ý là theo dân ở những nơi này, dù người ta nhiều lần chặt tre đi mà tre vẫn cứ mọc lại như cũ.

            Thấy khí thế dũng mãnh của ông Gióng như vậy và lại thấy tướng của mình tử trận rồi, đám giặc Ân bèn sụp lạy xin hàng.

            Sau khi dẹp xong giặc Ân, ông Gióng ngồi nghỉ ở làng Cựu-tự. Ông buộc ngựa sắt vào hai cọc đá (nay còn cao lối 3 thước tây, vòng to khoảng 60 phân tây, cắm sâu xuống một bệ đá hình bầu dục). Quá mệt mỏi vì xông trận nên con ngựa sắt của ông sùi bọt mép mà biến thành một bãi cát màu trắng. Hiện nay ở xã Ngọc-xá, huyện Quế-võ, có một bãi cát trắng tinh ở xa bờ sông, gọi là Bạch-nha Sa hay là Bãi Bùng.

            Sau đó người ngựa lại lên đường đi tới làng Mai-cương, nơi đúc ngựa sắt. Ông buộc ngựa ở đây, rướn mình qua sông Đuống, quì gối, vục đầu xuống uống nước giếng làng Bưởi-nôi (nay là xã An-bình, huyện Gia-lương). Vì ông ăn trầu trước khi uống nước nên nước giếng làng Bưởi-nôi ngày nay có màu đỏ. Phiến đá bên bờ giếng có mang vết gối ông Gióng quì.

            Đoạn ông lại phi ngựa tới bến Bồ-đề, rồi ngừng lại uống nước một lần nữa bên bờ sông Hồng. Ở đây còn thấy trên một phiến đá lớn tại thôn Phù-viên một dấu lõm in dấu chân ngựa ông Gióng.

            Ngựa ông vượt sông Hồng đi đến làng Cáo (nay là làng Xuân-tảo) bên bờ Hồ Tây (trong thành phố Hà-nội). Tại đây ông cởi áo mặc và bỏ lại nửa cây gươm gẫy, đoạn giở cơm nắm ra ăn. Ăn xong ông xuống hồ tắm, rồi lên ngựa đi về phía núi Sóc. Qua Đông-đô (xã Nam-hồng, huyện Đông-anh, ngoại thành Hà-nội ngày nay), ông lại nghỉ một lần nữa. Hai bên đường chạy từ đây qua huyện Kim-anh đến huyện Đa-phúc (cả hai thuộc tỉnh Vĩnh-phúc ngày nay) có rất nhiều ao chuôm mà tục truyền đó là dấu chân ngựa ông Gióng. Điểm đáng chú ý là càng đến gần núi Sóc những dấu chân ngựa càng rõ, trông như những giếng nước thẳng hàng nhưng so le. Theo dân địa phương, những giếng này không bao giờ cạn nước, bờ giếng không bao giờ sứt lở.

            Theo một truyền thuyết khác, khi ông Gióng ghé vào một làng uống nước và được biết tên làng là Khốn, ông bảo với lũ trẻ chăn trâu lúc đó đang chơi ở đấy về nói với các cụ trong làng đổi tên thành làng Mát. Do đó làng Khốn mới có tên khác là Kẻ Mát, tên chữ là Thanh-nhàn. Hai bên bờ khe làng, nơi dân chúng bảo là chỗ ông Gióng xuống múc nước uống, hiện nay có rất nhiều vết chân ông Gióng và ngựa của ông.

            Khi đến chân núi Sóc (cuối dãy núi Tam-đảo, nay ở huyện Sóc-sơn, ngoại thành Hà-nội) ông Gióng ghìm cương ngựa lại. Ngựa hí và dậm chân xoay bốn phía. Do đó, ở làng Mã hiện còn nhiều ao chuôm dày chi chít như dấu chân ngựa ông Gióng.

            Tại núi Sóc, ông đã cưỡi ngựa bay về trời, chỉ để lại cái áo vắt trên cành cây. Cây ấy nay gọi là cây Dịch-phục. Trong dẫy núi Tam-đảo còn có đỉnh núi Sọ Ngựa (Phù-mã), tương truyền là đầu ngựa ông Gióng. Lại có thuyết cho rằng ông Gióng phi ngựa lên vúi Vệ-linh, một tên khác của núi Sóc, trèo lên cây đa mà bay về trời.

            Trong dân gian từ vùng ông Gióng sinh cho tới nơi ông phi ngựa về trời, cùng là những nơi khác ông đi qua, còn kể lại rất nhiều chuyện khác nữa. Theo họ, trong lúc dẫn quân ra chiến trường, ông đã được nhiều người theo chân đi đánh giặc. Những người này thuộc đủ các hạng, các giai cấp trong xã hội.

            Họ là những trẻ chăn trâu, chăn bò. Một truyền thuyết nói rằng khi đoàn quân của ông Gióng đi qua làng Nội-xá, gần làng Gióng, thì có một đám trẻ chăn trâu bò đang chơi đùa, rước cờ lau, đánh trống, gõ khăng, trông thấy. Chúng vội buộc trâu bò lại rồi nhập đoàn quân ông Gióng.

            Lại có người đang câu cá bên bờ sông, mấy người đang mang nỏ đi săn thấy đoàn quân ông ồ ạt kéo qua, bèn vác cả cần câu, mang cả nỏ, nhập bọn luôn để đi đánh giặc.

            Cũng có nhiều người vốn làm ruộng. Ở làng Trung-mầu (huyện Gia-lâm, ngoại thành Hà-nội) có một ông đang cầm vồ đập đất ngoài ruộng. Khi trông thấy đoàn quân ông Gióng đi ra bãi chiến trường đánh giặc Ân, ông ta bèn bỏ công việc ruộng nương, vác vồ đi theo luôn. Hiện nay ở làng Trung-mầu có thờ ông Cầm Vồ. Dân chúng còn gọi ông ta là ông Đường Ghênh (tên một cánh đồng làng này) hay ông Quách-nhân (tên trong thần tích). Vào ngày Hội Gióng, dân làng Trung-mầu rước ông lên đền Gióng dự hội.

            Họ cũng có thể là những anh em sinh đôi, sinh năm. Ở Võ-giàng (nay là Quế-võ) có một cặp sinh đôi. Khi lớn lên, người anh ở làng Cán (tức là Can-vũ), người em ở làng Ngườm (hay Nghiêm-xá). Khi đoàn quân ông Gióng trảy qua ruộng nơi hai anh em đang đập đất, hai người bèn ném vồ, chạy tới xin ông Gióng cho theo tong quân. Dân chúng ở đây còn kể lại là sau khi thắng giặc, hai anh em cũng biến mất. Chiếc vồ của người anh làm bằng gỗ nên khi người anh ném đi để đi theo đoàn quân nó đã biến thành rừng gỗ quanh đền Ông Anh ở làng Cán; còn chiếc của người em làm bằng tre, sau biến thành rừng tre quanh đền Ông Em ở làng Ngườm. Hàng năm, đến ngày Hội Gióng, người ở Phù-đổng và Sóc-sơn đến rừng tre làng

Ngườm chặt tre mang về vót thành "que bông cà" để rước ông Gióng và thành đũa để thờ ông.

            Một cặp sinh đôi khác tên là Dực và Minh, người làng Hà-lỗ và Hà-phong (nay là xã Liên-hà, huyện Đông-anh, ngoại thành Hà-nội). Họ từ trong một bọc sinh ra. Trước kia họ đã đánh nhau với giặc Ân trong một thời gian rất dài nhưng không thắng. Sau họ nhập vào đoàn quân ông Gióng ở Cầu Bài, làng Rỗ. Thắng giặc rồi họ cũng lên trời hóa. Người em, tên là Minh, phi ngựa đến gò Hạ-nham núi Độc (ở huyện Định-hóa, tỉnh Thái-nguyên) rồi biến mất. Người anh đi tìm em khắp nơi không thấy nên cũng lên trời hóa ở làng Tuy-xá (nay thuộc về huyện Đại-từ, cùng tỉnh).

            Làng Y-na có một thiếu phụ phúc đức, thường chữa bệnh miễn phí cho dân làng, nên được mọi người mến. Một hôm có chiếc cầu vồng năm màu xuất hiện trên trời rồi nhằm thẳng người bà mà sa xuống. Bà liền thụ thai, sau sinh ra một cái bọc nở ra năm người con trai. Năm họ 12 tuổi thì mẹ mất. Cùng năm ấy giặc Ân tràn tới. Năm anh em, cùng 35 người dân làng trai tráng khoẻ mạnh, kéo nhau nhập vào đoàn quân ông Gióng lúc đó ở gần núi Trâu. Sau khi dẹp tan giặc Ân, vua Hùng phong cho năm ông giữ đất Quế-dương và cho lấy làng Y-na làm dinh cơ. Giữa lúc cả làng mở hội ăn mừng, chiếc cầu vồng năm màu lại xuất hiện, sa xuống đưa năm ông về trời. Làng Y-na về sau tách đôi: một là làng Y-na thờ ba ông lớn nhất và làng kia là làng Bò (nay là Bồ-sơn) thờ hai ông sau. Hai làng kết nghĩa anh (Y-na) em (Bò). Trai gái hai làng không bao giờ lấy nhau.

II. Ý Nghĩa Huyền Thoại Thánh Gióng

            Mặc dù sự tích Thánh Gióng rất hay và đã được lưu truyền trong dân gian hàng nghìn năm, nhưng một số người đã không tin, cho rằng sự tích ấy có tính cách hoang đường, một câu chuyện thần thoại. Chẳng hạn trong bài "Từ Tư Duy Thần Thoại Đến Tư Duy Lịch Sử " sách Hùng Vương Dựng Nước, Trần-quốc-Vượng đã viết: "Ông Gióng là một nhân vật thần thoại. Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân thời Hùng Vương thứ 6 đã là một nhân vật lịch sử hóa." (tập III, tr.  404). Trần-trọng-Kim trong sách Việt-nam Sử Lược cũng đưa ra nhận xét rằng: "Truyện này là truyện tục truyền như vậy, chứ không có lẽ tin làm sự thực được." (ấn bản 1971, q. I, tr. 15)

            Theo nhiều người, huyền thoại Thánh Gióng biểu thị sự ấu trĩ của dân tộc. Họ không tin những sự kiện như là một đứa bé không biết nói từ lúc lọt lòng mẹ đến năm lên ba, thế mà chỉ mới nghe tin có sứ giả triều đình đến làng mình là đã đột nhiên bật nói lên được và còn đòi triều đình đúc cho mình ngựa sắt, gươm sắt, nón sắt để dùng đi đánh giặc. Họ còn cho là phi lý chuyện cậu bé lên ba đó đã ăn một hơi hết bảy nong cơm, ba nong cà và uống cạn một khúc sông vẫn chưa đủ no, đã khát. Vẫn theo họ, làm sao mà vừa ăn uống xong cậu bé đã vươn mình một cái người cao tới 10 trượng (nghĩa là gấp 13, 14 lần người thường), lại còn cưỡi ngựa sắt phi ra chiến trường đánh nhau với giặc ngoại xâm, chém đầu 28 tướng giặc (dù là nữ tướng theo như truyền thuyết) như chẻ tre. Nhất là họ không có cách nào giải thích hợp lý và khoa học việc cậu bé đó đã bay về trời sau khi hoàn thành sứ mạng.

            Tuy nhiên, đáng may là những người quan niệm như vậy chỉ là thiểu số. Đành rằng sự tích Thánh Gióng là một câu chuyện huyền thoại, có thể cho là hoang đường, nhưng trong tín ngưỡng dân tộc Việt-nam, Thánh Gióng là một vị thiên sứ, một thần tướng, vâng mệnh Trời xuống nước Văn-lang để cứu dân Việt thoát khỏi tai kiếp ngoại xâm. Họ tin câu chuyện như có thật và nhất là họ "vẫn nuôi trong lòng một hình ảnh linh thiêng phản chiếu tinh thần dân tộc độc lập tự cường coi như quyền sống bất khả xâm phạm."(3)

            Do đó, nếu chúng ta chỉ nhìn sự tích Thánh Gióng bằng con mắt duy lý và bằng tinh thần "sợi tóc chẻ làm tư", đúng là chúng ta không thể giải thích thỏa đáng những vấn nạn do sự tích này mang lại. Trái lại, nếu chúng ta nhìn nó bằng một đầu óc cởi mở, phóng khoáng, không bị bóng mây duy lý, duy vật, hay bất cứ duy gì đi nữa che mờ, để tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của sự tích Thánh Gióng, những gì người dân thực thà, chất phác, cả "quê mùa" nữa, gửi gấm vào đó, chúng ta sẽ hiểu tại sao đã mấy nghìn năm rồi mà người dân Việt vẫn không hề quên lãng vị anh hùng cứu quốc ấy, cho dù sau họ đã bị người Trung-quốc đô hộ hơn 11 thế kỷ (207/180 TCN-939 SCN) và đã dùng đủ mọi cách xóa bỏ những dấu tích của một lịch sử oai hùng và một nền văn minh sáng chói của họ.

            Tuy câu chuyện Thánh Gióng là một sự tích thần thoại và vì nó là thần thoại nên nó phải hoang đường, nhưng nó vẫn tượng trưng cho lý tưởng người anh hùng dân tộc của nhân dân Việt-nam theo quan niệm bình dân.

            Vốn thực thà chất phác, người bình dân Việt-nam ngay từ khi biết sống quây quần với nhau thành một quốc gia vẫn nuôi trong lòng hình ảnh một người anh hùng lý tưởng là một con người hồn nhiên và trong trắng, có khả năng siêu phàm, biết xả thân cứu nước giúp dân, và không màng công danh lợi lộc.

            Đức tính hồn nhiên trong trắng của người anh hùng lý tưởng ấy đã thể hiện qua hình ảnh một cậu bé không nói không cười.

            Nếu nói thì con người khó tránh khỏi sai lầm, đấy là chưa kể nói lắm khi còn có hại nữa. Nói nhiều dễ trở nên ba hoa, vọng ngôn, lộng ngôn, ngoa ngôn, khoe khoang về mình và chê bai, dè bỉu, nói xấu người khác, làm thương tổn đến danh dự người, làm mất lòng người. Hơn nữa, con người có ít nói thì mới có nhiều thì giờ và tâm trí để suy nghĩ đắn đo, cân nhắc từng hành động, từng cử chỉ, từng ý nghĩ của mình, chẳng phải chỉ để làm lợi cho mình, mà cốt để có thể phục vụ người khác được.

            Con người ít nói hay không nói không phải là con người câm, ì cù lì, mà chính là con nguời chỉ nói khi nào thật cần thiết như cậu bé Phù-đổng đã bật nói khi nghe tiếng gọi cứu quốc, và chỉ nói những gì liên quan đến việc đánh dẹp quân xâm lăng.

            Con người anh hùng dân tộc lý tưởng ấy cũng cần có khả năng cứu quốc độ dân. Cái khả năng đó không phải là khả năng tầm thường mà là siêu phàm, nghĩa là có thể làm được cái mà không ai khác làm được. Con nguời đó chỉ có thể thấy nơi các thiên sứ, thần tướng, những nguời do Trời sai xuống trần gian để làm công việc phi phàm. Cậu bé Phù-đổng chính là con người đó, một thiên tướng vâng lệnh Trời xuống nước Văn-lang giúp dân Việt đánh đuổi kẻ thù xâm lăng.

            Khả năng siêu phàm của Thánh Gióng khiến chúng ta liên tưởng đến các vĩ tích của Lạc-long quân, vị sơ tổ của nhân dân Việt-nam, như được diễn tả qua Truyện Mộc tinh, Truyện Hồ tinh, Truyện Ngư tinh, v.v., trong sách Lĩnh-nam Chích Quái của Trần-thế-Pháp. Vì thế không phải là một sự tình cờ mà trong sự tích Thánh Gióng, cũng được Trần-thế-Pháp thuật lại thành Truyện Đổng Thiên-vương trong sách này, đã kể việc ông tổ Lạc-long quân xuất hiện để mách đường chỉ lối cho hậu duệ là vua Hùng đi tìm cậu bé làng Phù-đổng, con người có khả năng siêu phàm, có thể cứu nước giúp dân được. Điểm này còn nhắc chúng ta nhớ đến Truyện Hồng-bàng cũng ở trong sách Lĩnh-nam Chích Quái đã nói là sau khi cha Lạc-long quân và mẹ Âu-cơ chia tay nhau cùng với đám con đi định cư khắp nơi trong nước, mỗi khi dân Việt lâm nguy bao giờ cũng kêu gọi và được tổ Lạc-long quân đến cứu giúp.

            Mặt khác, vẫn theo quan niệm bình dân của người Việt-nam, người anh hùng lý tưởng phải biết xả thân cứu nước giúp dân khi quốc gia lâm nguy. Quan niệm này đã được diễn tả qua sự tích Thánh Gióng.

            Bất cứ người nào sống trong nước Việt-nam, dù chỉ là một trẻ thơ như Thánh Gióng, cũng có bổn phận chẳng những là đối với gia đình và họ hàng mình mà trên hết phải có nhiệm vụ đối với quốc gia, dân tộc. Tùy khả năng, mỗi người có thể thi hành nhiệm vụ đó một hay nhiều cách khác nhau. Cách nào cũng được, kể cả việc dùng pháp thuật, miễn là có thể phục vụ quốc gia dân tộc một cách hữu hiệu. Tới đây chúng ta không khỏi không nhớ đến bộ Đại Việt Sử Lược (thường được gọi là Việt Sử Lược) của tác giả khuyết danh (có thuyết cho tác giả là Trần-chu-Phổ hay Trần-Phổ, có thuyết cho là Hồ-tông-Thốc, lại có thuyết cho là Sử-hi-Nhan) đã nói về vua Hùng thứ nhất dựng nước Văn-lang như sau (q. 1, tờ 1a):

            "Đến đời Châu Trang-vương ở bộ Gia-ninh có người lạ dùng pháp thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng-vương, đóng đô ở Văn-lang, hiệu là nước Văn-lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng-vương."(4)

            Pháp thuật ở đây không nên hiểu là bùa phép, ngải gồng, v.v., và cũng không nên hiểu là "ảo thuật"(5) . Nó chính là sự khéo sử dụng các đặc tính của mọi tài nguyên sẵn có trong nước mà người khác không biết đến. Pháp thuật đó không được nhằm làm lợi cho cá nhân hay gia tộc của kẻ sử dụng, mà là để làm lợi cho quốc gia, dân tộc. Trong sự tích Thánh Gióng, pháp thuật đó chính là sự rèn sắt luyện kim thành võ khí giết giặc.

            Hơn nữa, người anh hùng lý tưởng còn là anh hùng vô danh. Thực ra tuy vô danh nhưng tên tuổi vẫn để đời.

            Chúng ta không biết tên thật của vị thiếu niên anh hùng đã dẹp tan giặc xâm lăng. Đến cả họ tên cha mẹ của vị đó chúng ta cũng không biết nốt. Chúng ta chỉ biết vị anh hùng được gọi theo tên nơi ra chào đời, đó là Phù-đổng hay Gióng. Tuy nhiên, cái tên Gióng hay Phù-đổng này đã được lưu truyền muôn đời vạn kiếp, trong quá khứ cũng như trong hiện tại và sẽ còn được lưu truyền mãi mãi trong tương lai cho đến vô tận, ngày nào còn có người Việt-nam trên mặt địa cầu.

            Hơn nữa, trong sự tích Thánh Gióng, ngoài Ngài ra còn có biết bao nhiêu người khác cũng đã góp phần vào công cuộc kháng chiến chống quân xâm lăng mà chúng ta không biết họ tên, hay quá lắm là chỉ biết tên một vài người thôi, nhưng lại không biết ngay cả họ của các vị đó nữa. Tuy thần tích ở những nơi thờ họ có chép, nhưng chưa chắc đó chính là tên thật của họ, mà có thể chỉ là tên do hậu thế đặt với một ngụ ý nào đó, giống như trường hợp tên của 18 vị vua Hùng vậy.

            Mô thức Phù-đổng Thiên-vương đã được cả triệu anh hùng bằng xương bằng thịt noi theo trong các cuộc chiến chống ngoại xâm từ sau Thánh Gióng cho đến ngày nay. Khi giang sơn có nạn, họ đứng lên cứu nước, và chỉ nghĩ đến điều đó thôi. Họ đâu cần ai biết đến họ tên của mình làm gì.

            Lại nữa, danh đã không màng thì lợi đâu có thiết. Đó là một quan niệm khác về người anh hùng lý tưởng của dân Việt-nam.

            Sau khi dẹp tan giặc xâm lăng, khử bạo trừ hung, cứu nòi giúp nước, cậu bé làng Gióng cho là mình đã đền xong nợ nước nên đã biến đi, chứ không ở lại nhận tước vua lộc nước và lòng sùng kính của nhân dân. Ngay cả tấm áo che thân Phù-đổng Thiên-vương cũng bỏ lại. Một người một ngựa về trời, hiểu là sống mai danh ẩn tích. Hơn nữa, theo các truyền thuyết, như thuật lại bên trên, nhiều người phục vụ trong đoàn quân của Thánh Gióng cũng noi gương ngài sau khi dẹp tan giặc Ân đã về trời.

            Phê bình việc Thánh Gióng không màng danh lợi, cố giáo sư Nguyễn-đăng-Thục đã viết rằng(6):

            "Đấy là cái triết lý 'Chí công vô tư, công thành thân thoái' trong tinh thần truyền thống của dân tộc. Nó là một triết lý tự nhiên như hệ thống Lão-Trang nhưng có điểm khác biệt là nó công nhận tinh thần quốc gia dân tộc, một quyền tự nhiên và siêu nhiên của nhân loại, cho nên Đổng Thiên-vương đã hưởng ứng tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc mà bước vào hành động nhập thế hiện sinh, cũng chém, cũng giết, chỉ có không cầu mong gì vào kết quả của hành động. Đấy là triết lý hành động vô cầu mà cận đại Nguyễn-công-Trứ đã nhắc lại.

                        Chữ vô cầu là chữ thiên tiên,

                        Đem bẩm Trời, Trời cũng phải khuyên,

                        Khuyên chữ anh hùng yên sở ngộ.”

            Nói tóm lại, huyền thoại Thánh Gióng quả là một "huyền thoại lãng mạn cao đẹp" như lời Trần-quốc-Vượng(7). Mặc dù bị một số người chỉ trích, huyền thoại này không vì thế mà phai mờ. Nó được luôn nói tới vì nó nhằm nhắc nhở nhân dân Việt-nam hãy luôn luôn nhớ đến một kỳ tích trong đời sống dân tộc vào lúc quốc gia mới được thành lập và bắt đầu mở mang, và nhất là vì nó diễn tả đúng quan niệm bình dân về người anh hùng dân tộc lý tưởng mà nhân dân mong muốn thấy lại xuất hiện vào những lúc quốc gia lâm nạn.

III. Những Yếu Tố Tương Phản Trong Sự Tích Thánh Gióng

            Đặc điểm của tư tưởng triết lý Việt-nam là sự dung hòa các nguyên tố tương phản như là âm dương, đất trời, thực ảo, v.v. Tuy nhiên, cho dù có tương phản, các nguyên tố đó lại dung hòa với nhau, phụ trợ nhau, để làm nên một nhân dáng đặc biệt.

            Sự tích Thánh Gióng dẹp giặc xâm lăng cứu nước giúp dân có thể dùng làm thí dụ điển hình để chứng minh đặc điểm này. Sự tích đã chứa đựng nhiều nhân tố và chi tiết tương phản. Tuy nhiên, các tương phản đó lại trợ giúp nhau để làm nổi bật những quan niệm, những ý nghĩ, những mơ ước của ngưòi Việt-nam từ thuở lập quốc cho đến hiện tại.

            Điểm nổi bật trong sự tích Thánh Gióng là Thánh Gióng chính là kết quả của sự giao hòa giữa thực và ảo, giữa thực thể và ý niệm, giữa dương và âm, giữa trời và đất.

            Mẫu thân Thánh Gióng là một bà mẹ có thực, một người bằng xương bằng thịt có sống, có chết. Đó là một thực thể hữu cơ, và vì hữu cơ nên hữu hạn, hữu sinh hữu diệt, hữu thủy hữu chung. Trái lại, phụ thân Thánh Gióng chỉ là một người cha ảo, không có thực. Đây chỉ là một ý niệm về hiện tượng thiên nhiên hơn là một sự vật tự nhiên. Do đó, thân phụ Thánh Gióng không phải là một thực thể hữu cơ. Vì chỉ là ý niệm nên không có sống có chết, và cũng không có giới hạn nữa. Nói cách khác, phụ thân Thánh Gióng vô tận vô biên, vô hình vô tướng, vô thanh vô sắc.

            Cũng vì là con người bằng xương bằng thịt, mẫu thân Thánh Gióng đã mang các đặc tính của con người. Bà yếu đuối về thể xác, địa vị xã hội thấp kém. Bà bị dân làng khinh bỉ khi thụ thai một cách không tự nhiên sau khi dẫm dấu chân ông khổng lồ Đổng và bị đuổi ra khỏi làng mà không có cách gì bào chữa và không có ai chống đỡ. Bà cũng mang những lo âu, những đau khổ, những quan tâm, những dè dặt như mọi phụ nữ khác. Bà sinh trưởng và chết trên mặt đất, sống nhờ đất (như trồng cà, rau ...), vì thế đã mang luôn các đặc tính, cá tính của đất. Nói cách khác, bà chính là Đất, là Khôn.

            Ngược lại, phụ thân Thánh Gióng là Trời, là Càn. Ông tượng trưng cho uy lực toàn năng của trời, của vũ trụ, của thiên nhiên, qua hình ảnh mưa giông, gió bão, sấm chớp, v.v. Ông có sức lực vô địch. Vạn vật phải chịu khuất phục ông, chứ ông không chịu thua ai. Ông muốn làm gì thì làm, chẳng ai ngăn cản được. Mỗi một cử động của ông đều mang lại những biến đổi của vũ trụ, đều gây đổ nát, thiệt hại.

            Trong con người và sự nghiệp Thánh Gióng chúng ta có thể thấy được sự hài hòa giữa cái mềm dịu hòa nhã của Đất, của Khôn, của Âm cũng như cái cứng rắn, cái hùng mạnh, cái uy thế của Trời, của Càn, của Dương.

            Thánh Gióng tuy là trẻ con mà lại sai khiến được người lớn. Ông nói gì tất cả mọi người đều nghe, bảo gì mọi người đều làm. Tuy con nhà bình dân, thuộc hạng cùng đinh, ông lại có uy thế sai khiến được cả triều đình. Trên từ vua quan dưới đến thứ dân, ai ai cũng nhất nhất nghe theo, làm theo ý muốn của ông. Ông đòi có ngựa sắt, gươm sắt, nón sất, là triều đình cung cấp cho ngay không nề hà khó khăn, tốn kém. Ông đói, ông khát thì cả làng đua nhau làm cơm nấu nước cho ông dùng. Ngay cả đám giặc xâm lăng hung bạo và đông đảo cũng phải khuất phục trước uy lực của cậu bé làng Đổng. Một mình một ngựa, chưa hề ra trận lần nào, thế mà cậu bé ấy đã chém đầu tướng giặc nhiều kinh nghiệm chiến trường, đã hàng phục được hàng nghìn hàng vạn quân xâm lăng.

            Tuy trong việc chiến đấu chống quân thù ông đã được nhiều người giúp đỡ, nhưng họ đều theo ông vì thấy ông tuổi nhỏ mà chí lớn, người thì hữu hạn nhưng lại làm công việc siêu phàm vô hạn. Họ tùng phục Thánh Gióng và làm việc theo sự chỉ huy của ông, chứ không có ai sánh được với ông cả. Họ chỉ là những người phụ thuộc, những thừa tác viên, chứ không ai đủ khả năng làm lu mờ uy thế của Thánh Gióng hay thay thế ông được.

            Mặt khác, sự hòa hợp giữa trời và đất, giữa âm và dương, còn biểu thị qua các chi tiết khác liên quan đến bản thân và hành động của Thánh Gióng. Từ một cậu bé lên ba bé nhỏ (âm), yếu ớt (âm), nhu mì (âm), dễ thương (âm), sinh sống trên mặt đất (đất), không nói không cười (âm), không đi không đứng (âm), cứ nằm trơ trơ (âm) trên chõng đá (đất), thế mà chỉ cần ăn hết bảy nong cơm với ba nong cà và uống cạn khúc sông (đất), Thánh Gióng đã đột nhiên lớn như thổi thành con người khổng lồ (dương), có một sức mạnh vô biên (dương), đánh chém giặc như chẻ tre (dương), và sau khi dẹp tan giặc xâm lăng do nhiều nữ tướng chỉ huy (âm) lại ăn uống (âm) vài lần nữa, sau đó mới bay về trời (dương). Điểm đặc biệt là những lần ăn uống (đất) này đều xảy ra ở bên bờ sông, bờ giếng, khe nước (đất), chứ không phải là ở trong nhà. Yếu tố đất hiện rõ ở đây. Chúng ta thấy một sự chuyển vận theo hướng đi lên là từ đất tới trời hay từ âm tới dương.

            Chiều hướng chuyển vận từ âm tới dương còn được diễn tả bằng việc Thánh Gióng chiến thắng quân xâm lăng. Như đã nói ở một đoạn bên trên, truyền thuyết cho rằng giặc Ân có 28 nữ tướng chỉ huy đã bị bại dưới tay Thánh Gióng. Việc lựa chọn nữ tướng Ân đáng chú ý.

            Trước hết, gạt bỏ sang một bên vấn nạn quân của nhà Ân có thực đã sang xâm lăng nước Văn-lang không sang một bên (sẽ bàn tới trong phần IV, Tìm Hiểu Về Việc Quân Ân Xâm Lăng Nước Văn-lang, bên dưới), điều đáng nói là tên nước phái quân sang xâm lăng nước Văn-lang là “Ân”. Từ “Ân” này trong Hoa ngữ phát âm giống một từ khác là “âm”, vì cả hai cùng đọc là “yin”.

            Chi tiết này khiến chúng ta phải hỏi tại sao nhà Ân bên Trung-quốc mới đầu gọi là nhà Thương sau mới gọi là Ân, thế mà các tài liệu đều nói là quân Ân xâm lăng, chứ không phải là quân Thương.

            Thực vậy, trong 644 năm cai trị Trung-quốc, nhà Thương (1766-1122 TCN) đã dời đô sáu lần và đặt quốc hiệu hai lần. Khi lật đổ nhà Hạ (2205-1766 TCN), Tử Thiên-ất , tức vua Thang (sử sách còn gọi là Thành-thang) đã đặt quốc hiệu là Thương. Kinh đô mới đầu là ấp Bạc (nay là thành phố Thương-khưu thuộc tỉnh Hà-nam), 1766-1557 TCN; sau dời đến Ấp Hiêu (nay là vùng đất tây-nam thành phố Huỳnh-dương cùng tỉnh), 1557-1534 TCN; Ấp Tương (vùng đất phía tây thành phố An-dương cùng tỉnh), 1534-1525 TCN; Ấp Cảnh (ở phía nam thành phố Hà-tân thuộc tỉnh Sơn-tây), 1525-1517 TCN; Ấp Hình (nay là thành phố Hình-đài thuộc tỉnh Hà-bắc), 1517-1401 TCN; Ấp Ân (nay là huyện và thành phố Yển-sư thuộc tỉnh Hà-nam), 1401-1198 TCN, và quốc hiệu đổi gọi là Ân; Ấp Triều-ca (địa khu đông-bắc huyện Kỳ cùng tỉnh), 1198-1122 TCN.

            Trong khi đó, sau khi thuật lại chiến công của Thánh Gióng, Truyện Đổng Thiên Vương trong sách Lĩnh-nam Chích Quái đã kết luận là từ đó "Đời nhà Ân trải qua hai mươi bảy vua, sáu trăm bốn mươi bốn  năm, không dám đem binh sang đánh nữa"(8). Nói cách khác, việc xâm lăng này phải hiểu là, theo Truyện Đổng Thiên Vương, đã xảy ra trong đời vua đầu tiên của vương triều là Thang (1766-1753 TCN) và vương triều lúc đó là Thương, chứ chưa phải là Ân.

            Như vậy, tại sao Truyện Đổng Thiên Vương lại nói quân xâm lăng là Ân? Phải chăng vì có sự trùng âm giữa hai từ “Ân” và “âm”? Hơn nữa, con số 28 tướng giặc khiến chúng ta liên tưởng đến 28 ngôi sao sáng ban đêm (nhị thập bát tú), một biểu tượng của âm. Như thế vẫn chưa hết. Hai mươi tám tướng giặc lại là nữ tướng chứ không phải là nam tướng. Việc chọn tướng giặc là nữ cốt để tượng trưng cho âm. Dĩ nhiên đối lập với âm là dương.

            Nguyên tố dương được diễn tả bằng Thánh Gióng, một người nam (dương) khổng lồ (dương), cưỡi ngựa sắt (dương) và đánh tan giặc (dương). Như vậy là dương đã tương khắc với âm.

            Tuy nhiên các nguyên tố tương phản này không vì thế mà bị cách biệt hay tách rời nhau. Trái lại, chúng quyện lấy nhau, hòa vào nhau, làm nên một. Đúng là thái cực sinh lưỡng nghi và lưỡng nghi hồi thái cực.

            Một đặc điểm khác về Thánh Gióng là mặc dù ông đã giết giặc không chùn tay, nhưng đó không phải vì bẩm sinh ưa chém giết hay khát máu, mà chẳng qua chỉ là để đáp lại tiếng gọi của tổ quốc vào lúc gặp nguy khốn. Vì thế sau khi làm xong nhiệm vụ đối với quốc gia dân tộc, Thánh Gióng đã "công thành thân thoái," không như những người khác ở lại cõi đời để tận hưởng công danh, phú quí, bổng lộc của triều đình cũng như sự ngưỡng mộ của nhân dân. Đây có thể coi là mâu thuẫn hay tương phản nơi con người Thánh Gióng. Mặc dù không theo đạo nào, Thánh Gióng đã có tác phong của người ngộ đạo. Trúc-sơn Mai-đăng-Đệ đã viết về những tương phản trong con người Thánh Gióng như sau:

            "Sắc mà không, không mà sắc, thiền mà động, động mà thiền, quả là một vị hiệp Phật, nhập thế được, xuất thế cũng được, cứu người được, giết người cũng được. Ngày nay đền Gióng tế chay, đền Sóc tế mặn, có lẽ là bậc thái thượng không thể lấy pháp môn tầm thường mà luận chăng? Cho nên lấy công đánh giặc mà nói, nên gọi là cứu quốc anh hùng, lấy sự ngộ Đạo mà nói, nên gọi ông là Vô-Ngôn Bồ-tát."(9)

            Trên đây chúng tôi chỉ kể sơ qua một số sự kiện biểu tượng sự dung hòa các nguyên tố tương phản nhưng phụ trợ trong sự tích Thánh Gióng. Nếu nghiên cứu kỹ hơn, chúng ta có thể sẽ nhận thấy nhiều sự kiện khác nữa. Đáng tiếc là sự dung hòa các nguyên tố tương phản, vốn là đặc trưng của tư tưởng triết lý Việt-nam, ít còn thấy có, nếu không nói là không còn có, nơi các anh hùng dân tộc khác sau Thánh Gióng nữa.

IV. Tìm Hiểu Về Việc Quân Ân Xâm Lăng Nưóc Văn-lang

            Như đã nói ở một đoạn bên trên, truyền thuyết về việc Thánh Gióng giết giặc cứu nước đã được Trần-thế-Pháp thuật lại trong Truyện Đổng Thiên-vương sách Lĩnh-nam Chích Quái. Các tài liệu sau đó cũng viết tương tự như vậy.  Điều khiến chúng ta chú ý là Truyện nói đến quân xâm lăng Ân và, sau khi thuật lại những kỳ tích của Thánh Gióng trong việc đánh giặc, Truyện kết luận bằng câu: "Đời nhà Ân hai mươi bảy vua, trải qua sáu trăm bốn mươi năm, không dám đem binh sang đánh nữa."

            Tác giả Minh-Văn trong bài "Kỷ Niệm Phù Đổng Thiên Vương: Nhân Ngày Hội Gióng" cũng viết rằng: "Thời đó có giặc Ân từ bên Tàu tràn sang nước ta..." (Viet Magazine, số 608, ng. 1-14/5/1997, tr. 29).

            Như vậy rõ ràng là các tác giả đã cho rằng quân xâm lăng đây là quân của nhà Ân bên Trung-quốc. Tuy nhiên, có nhiều lý do để nghi ngờ tính cách xác thực của chi tiết này.

   A. Lý Do 1: Các Tài Liệu Không Đồng Nhất về Thời Gian Có Cuộc Xâm Lăng của Quân Ân

            Điều nhận xét đầu tiên là sử sách và truyền thuyết không đồng nhất về thời gian xảy ra cuộc xâm lăng của quân Ân.

            Truyện Đổng Thiên Vương trong sách Lĩnh-nam Chích Quái, dựa vào truyền thuyết, thuật rằng việc này xảy ra vào đời vua Hùng thứ 3. Trái lại, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô-sĩ-Liên lại chép rằng vụ xâm lăng của quân Ân xảy vào đời vua Hùng thứ 6 (NK, q. 1, tờ 3b-4a). Đa số các tài liệu khác cũng theo thuyết của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

            Ngoài hai bài của hai tác giả Trần-quốc-Vượng và Minh-Văn kể trên, trong phần Tiếm Bình bài “Ký Về Sự Tích Sóc Thiên Vương” trong sách Việt Điện U Linh Tập của Lý-tế-Xuyên, nhà bình luận Cao-huy-Diệu đã viết rằng "Sử có chép rõ đời vua Hùng thứ 6"; sách Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê-ngô-Cát và Phạm-đình-Toái kể rằng "Sáu đời Hùng vận vừa suy" (Chuyện Phù-đổng Thiên Vương, câu 1).

            Ngay cả các tài liệu trong thế kỷ thứ 20 vẫn theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, như Nam-hải Dị Nhân Liệt Truyện của Phan-kế-Bính (tr. 141), Việt-nam Sử Lược của Trần-trọng-Kim (ấn bản năm 1971, q. I, tr. 14), Tóm Tắt Niên Biểu Lịch Sử Việt-nam của Hà-văn-Thư và Trần-hồng-Đức (tr. 11), v.v. Chính tác giả Minh-Văn cũng 4 lần nhắc đến vua Hùng thứ 6: (a) "Thánh Gióng, vị anh hùng trẻ tuổi đã giúp vua Hùng thứ 6 dẹp tan giặc Ân" (tr. 28); (b) "Hùng Huy Vương thuộc chi thứ 6 họ Hồng Bàng làm vua nước Văn Lang, thường gọi là Hùng Vương thứ VI, truyền được 2 đời (1712-1632 Trước Tây Lịch)" (tr. 29); (c) "đời vua Hùng thứ 6, nhân trong nước có giặc Ân xâm phạm lãnh thổ..." (nt); và (d) "Thánh Gióng sinh vào giữa thời vua Hùng thứ VI" (nt.).

            Lại nữa, trong bài ca nhân dân địa phương hát trước bàn thờ Thánh Gióng trong ngày hội ở Đền Phù-đổng ngày 9 tháng 4 âm lịch cũng có câu:

            Thứ (thứ) sáu là (là) Hùng (á) vương,

            Nhớ (á) xưa là (là) nhớ (á) xưa,

            Thứ (thứ) sáu là (là) Hùng (á) vương...

            Nếu là một sự kiện lịch sử có thực thì tại sao thời gian của sử kiện lại không được ghi chép nhất định? Đành rằng vì thiếu tài liệu chính xác nên những sử kiện khác xảy ra ở nước Việt-nam trước thời Bắc thuộc (207/179 TCN - 939 SCN) đều không được ghi rõ niên đại, nhưng ít nhất các việc ấy phải được ghi chép là xảy ra trong đời vua nào. Đằng này, việc quân Ân xâm lăng, nếu có thực, là một sử kiện hết sức quan trọng vì có liên quan đến sự sống còn của quốc gia, lại chỉ được truyền thuyết và các tài liệu kể bất nhất, khiến chúng ta càng có cớ hoài nghi sự hiện hữu của cuộc xâm lăng này.

   B. Lý Do 2: Sử Sách Trung-quốc Không Nói Tới Việc Nhà Ân Xâm Lăng Văn-lang

            Mặt khác, chỉ có sử sách của người Việt-nam mới đề cập tới việc này, còn các tài liệu của người Trung-quốc không hề nói tới, dù chỉ là thoáng qua, cuộc xâm lăng nước Văn-lang của nhà Ân.

            Chúng tôi đồng ý là trước năm 1928 có rất ít tài liệu của người Trung-quốc viết về nhà Thương/Ân, cho nên người ta không biết nhiều về vương triều này, cũng như những biến cố có liên quan tới vương triều, hoặc xảy ra ở Trung-quốc dưới quyền cai trị trong 645 năm của vương triều, đến nỗi có một số người tin là nhà Thương/Ân chẳng qua chỉ là một vương triều thần thoại không khác gì Bàn-cổ, Thiên-hoàng thị, Địa-hoàng thị, Nhân-hoàng thị, Hữu-sào thị, Toại-nhân thị, Phục-hi thị, Nữ-oa thị, Thần-nông thị, Hoàng-đế Cơ Hiên-viên (2697-2598 TCN), Thiếu-hiệu Kỷ Chí (có tài liệu viết là Cơ Kỷ-chí, có tài liệu viết là Cơ Thanh-dương, 2598-2515 TCN), Huyền-đế Cơ Chuyên-húc (2515-2437 TCN), Đế Khốc Cơ-Thuân (2437-2367 TCN), Đế Chí Cơ-Chí (2367-2358 TCN), Đế Nghiêu Cơ Phóng-huân (có tài liệu viết là Cơ Y-kỳ Phóng-huân, có tài liệu viết là Cơ Duẫn-kỳ Phóng-huân, 2357-2258 TCN), Đế Thuấn Diêu Trọng-hoa (2255-2205 TCN) và nhà Hạ (2205-1766 TCN) chỉ là những nhân vật hoặc vương triều thần thoại, truyền thuyết thôi.

            Tuy nhiên, từ năm 1928 trở đi, người ta đã dần dần biết được nhiều về nhà Thương/Ân nhờ việc tìm thấy hơn 100.000 mảnh xương thú hay mu rùa trên có viết chữ(10) phát xuất trong triều đại này. Mặc dù các tài liệu giáp cốt nói trên đã ghi chép nhiều trận chiến tranh trong thời nhà Thương/Ân, nhưng không có tài liệu nào nói là quân Ân đã xâm lăng nước Văn-lang.

            Sự thiếu sót này có thể giải thích bằng một trong hai nguyên nhân.

            Thứ nhất, có thể người ta vẫn chưa tìm thấy một tài liệu thành văn nào trong đó có ghi cuộc xâm lăng nước Văn-lang. Lập luận này rất hợp lý. Tuy cho tới nay người ta đã tìm thấy hơn 100.000 mảnh giáp cốt ghi chép rất nhiều việc xảy ra trong thời nhà Thương/Ân(11), nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì còn có nhiều vấn đề các tài liệu đó không đề cập tới. Vụ xâm lăng nước Văn-lang, nếu thực sự có, biết đâu đã chẳng nằm ở trong các tài liệu mà ngày nay các nhà khảo cổ học vẫn chưa khai quật thấy.

            Thứ hai, cũng có thể là không hề có vụ xâm lăng này. Theo thiển ý của chúng tôi, đây mới là nguyên nhân, như chúng tôi sẽ chứng minh trong lý do 4 bên dưới. Không có lý gì rất nhiều tài liệu Trung-quốc đã ghi chép những vấn đề kém quan trọng hơn có liên quan đến nước và người Việt-nam trước thời Bắc thuộc, như tính chất đất đai và tổ chức chính quyền (rất nhiều tài liệu nói về việc này, thí dụ: Giao-châu Ngoại Vực Ký của tác giả khuyết danh được Lịch Đạo-nguyên dẫn trong sách Thủy Kinh Chú, Thái-bình Hoàn Vũ Ký của Nhạc-Sử, v.v.), hay những gì không có liên hệ, trực tiếp hay gián tiếp, đến Trung-quốc, như việc Thục-Phán đánh chiếm Văn-lang (được nói tới trong sách Giao Quảng Ký của Hoàng-Sâm), việc người Lạc-Việt cha con tắm chung sông (trong tờ sớ năm 46 TCN của Giản Quyên-chi trình lên Hán Nguyên-đế Lưu-Thích, 48-32 TCN, được thuật lại trong Hán Thư của Ban-Cố), v.v., mà vụ xâm lăng một nước xa xôi là Văn-lang nếu thành công sẽ giúp cho lãnh thổ Trung-quốc lan tới tận bắc bộ Trung phần Việt-nam ngày nay (biên giới nước Văn-lang) lại không được một tài liệu nào nói tới, trừ phi thực sự không có vụ xâm lăng đó.

   C. Lý Do 3: Hai Nước Văn-lang và Thương/Ân Ở Cách Nhau Quá Xa

            Mặt khác, nước do nhà Thương/Ân cai trị ở quá xa nước Văn-lang, nên không dễ gì Ân có thể xâm lăng Văn-lang được.

            Thương nguyên là tên một địa khu do Đế Nghiêu ban cho Tử-Tiết, người anh cùng cha (Đế Khốc Cơ-Thuân) khác mẹ (mẹ Tiết là vợ thứ hai của Đế Khốc tên là Tử Giản-định, còn mẹ Đế Nghiêu là Khánh-đô, vợ thứ ba). Địa khu này nay là thành phố Thương-khưu thuộc tỉnh Thiểm-tây.

            Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Tuy cha của hai người là Đế-Khốc mang họ Cơ của tằng tổ là Hoàng-đế Cơ Hiên-viên, nhưng vì mẹ của Tiết họ Tử và vì lúc đó chế độ mẫu hệ còn thịnh hành ở Trung-quốc nên Tiết mang họ Tử của mẹ(12).

           

            Truyền qua 12 đời (Chiêu-minh, Tương-thổ, Xương-nhược, Tào-ngữ, Minh, Chấn, Vi, Báo-đinh, Báo-ất, Báo-bính, Chủ-nhâm và Chủ-quí) đến đời Tử Thiên-ất thì vì Tử Thiên-ất diệt được nhà Hạ nên được tôn làm vua, tức vua Thành-thang (1766-1753 TCN).

            Thành-thang (thường được gọi tắt là Thang) đã lấy tên đất phong của tổ tiên, Thương, làm quốc hiệu và đồng thời cũng là tên của vương triều(13). Năm 1401 TCN, quốc hiệu đổi là Ân cho đến khi vương triều bị nhà Châu diệt năm 1122 TCN.

            Lãnh thổ chính của nhà Thương/Ân, tức điện phục, gọi là  Trung-Thương, nằm ở hai bên bắc ngạn và nam ngạn Hoàng-hà, phần lớn ở bắc bộ tỉnh Hà-nam, một phần đồng bằng ở chân cao nguyên Sơn-tây chạy tới rặng Thiên-sơn (rặng núi ở tây bộ, ngăn cách Trung-quốc và Tây-bá-lợi-á của Nga), và một phần nam bộ tỉnh Hà-bắc ngày nay. K.C. Wu viết trong sách The Chinese Heritage rằng Trung-Thương dài khoảng 300 cây số và rộng lối 200 cây số (tr. 155-156).

            Ở bốn phương điện phục là “tứ thổ” (Bắc-thổ, Tây-thổ, Nam-thổ, và Đông-thổ) là đất của các chư hầu (phần nhiều mang tước bá, điền, hầu).

            Ở bên ngoài "tứ thổ" là các "phương" với hàng ngàn bộ lạc du mục, kể cả thần phục lẫn không thần phục nhà Thương/Ân. Rất nhiều tên các bộ lạc này, như được ghi trong các tài liệu giáp cốt, cho đến nay vẫn chưa ai đọc được, vì thế chỉ có một số "phương" được biết tên như là: (a) Khương-phương (có thuyết cho là ở tây bộ tỉnh Hà-nam ngày nay, có thuyết cho là ở cực nam tỉnh Sơn-tây và các vùng phụ cận thuộc hai tỉnh Thiểm-tây và Hà-nam, có thuyết cho là ở bắc bộ tỉnh Thiểm-tây); (b) Thổ-phương (ở bắc bộ tỉnh Sơn-tây); (c) Công-phương(14) (ở bắc bộ tỉnh Thiểm-tây); (d) Châu-phương (có tài liệu cho là ở lưu vực sông Vệ thuộc tỉnh Thiểm-tây, có tài liệu cho là ở lưu vực sông Phần thuộc nam bộ tỉnh Sơn-tây); (e) Triệu-phương (có lẽ là ở trung bộ tỉnh Thiểm-tây); (f) Ngẫu-phương (có thuyết cho là ở lưu vực sông Hoài vùng tỉnh An-huy, có thuyết cho là ở lưu vực sông Hán vùng tỉnh Hồ-bắc); (g) Nhân-phương (ở trung và hạ lưu sông Hoài vùng tỉnh Giang-tô và nam bộ tỉnh Sơn-đông); (h) Hướng-phương  (gần huyện Hà-nội thuộc tỉnh Hà-nam); (i) Quỉ-phương (có tài liệu cho là đất tỉnh Thanh-hải ngày nay, có thuyết cho là đất tỉnh Quí-châu, có thuyết cho là đất Kinh-Sở, tức vùng hai tỉnh Hồ-bắc và Hồ-nam, v.v.) Ngoài ra, còn có một số “phương” tuy biết tên nhưng vị trí chưa định được, như: Chỉ-phương, Hổ-phương, Vu-phương, Di-phương, v.v.

            Tất cả điện phục, tứ thổ và các phương hợp lại thành đế quốc Thương hay Ân, dài 1.000 cây số từ đông sang tây và 1.500 cây số từ bắc xuống nam (K.C.Wu, tr. 156). Như vậy, lãnh thổ của đế quốc tuyệt đối không ra ngoài trung lưu và hạ lưu Hoàng-hà và khu vực sông Hoài. Mỏm cực nam của đế quốc chỉ mới tới sông Hoài(15).

            Trong khi đó, lãnh thổ nước Văn-lang của các vua Hùng ở phía bắc chỉ mới lên tới vùng nay là các tỉnh Tuyên-quang, Cao-bằng, Lạng-sơn, Quảng-ninh. Cho dù có dựa theo truyền thuyết (được Trần-thế-Pháp thuật lại trong Truyện Hồng-bàng sách Lĩnh-nam Chích Quái) mà tính thì lãnh thổ nước Văn-lang cũng chỉ mới lên tới hồ Động-đình (nằm ở bắc bộ tỉnh Hà-nam, giữa 6 huyện Nhạc-dương, Hoa-dung, An-hương, Thường-đức, Hán-thọ và Nguyên-giang ngày nay), nghĩa là cách mỏm cực nam của đế quốc Thương/Ân ít nhất là 600 cây số. Hoặc nếu theo vị trí các bộ hợp lại thành nước Văn-lang, trong đó có hai bộ, vẫn theo Truyện Hồng-bàng, thuộc phần đất nay thuộc lãnh thổ Trung-quốc là Ninh-hải và Thang-tuyền, thì Văn-lang và Thương/Ân còn cách nhau xa hơn nữa. Thực vậy, bộ Ninh-hải là phần đất ở miền nam châu Khâm thuộc tỉnh Quảng-đông (năm 1965 huyện Khâm-châu được tách ra khỏi tỉnh Quảng-đông, nhập vào Quảng-tây Đồng tộc tự trị khu và năm 1978 huyện Khâm-châu được cải làm thành phố Khâm-châu thuộc Quảng-tây Tráng tộc tự trị khu) và bộ Thang-tuyền ở gần Ung-châu (nay là thành phố Nam-ninh cũng thuộc Quảng-tây). Ninh-hải hay Khâm-châu cách mỏm cực nam đế quốc Thương/Ân 1.300 cây số, còn Thang-tuyền hay Nam-ninh cách cũng tới 1.100 cây số.

            Khoảng cách 600 cây số, 1.100 cây số hay 1.300 cây số là một đoạn đường dài rất đáng kể vào thế kỷ thứ 18 TCN. Đấy là chưa nói giữa Văn-lang và đế quốc Thương/Ân còn có nhiều bộ lạc hoặc là không thần phục, hoặc là thù nghịch với, nhà Thương/Ân và không phải là thành phần của đế quốc Thương/Ân. Vì thế việc quân Ân xâm lăng Văn-lang khó mà có thể có được, dù là theo Truyện Đổng Thiên-vương trong sách Lĩnh-nam Chích Quái quân Ân phải 3 năm mới sang đánh Văn-lang được.

   D. Lý Do 4: Nhà Thương/Ân Không Hề Xâm Lăng Nước Nào

            Tuy nhiên, dù cho là quân Ân xâm lăng vào đời vua Hùng thứ 3 hay đời vua Hùng thứ 6, việc này không chắc có thực.

            Chúng ta biết nhà Thương/Ân bắt đầu thành lập năm 1766 TCN và bị diệt vong năm 1122 TCN. Trong khi đó, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nhà Hồng-bàng cai trị nước Văn-lang trong năm 2879-258 TCN (NK, q. 1, tờ 5b); trái lại, theo Việt Sử Lược của tác giả khuyết danh, vua Hùng đầu tiên áp phục được các bộ lạc và tự xưng là Hùng-vương vào đời Châu Trang-vương bên Trung-quốc (q. 1, tờ 1a), tức là trong khoảng năm 696-681 TCN; còn theo cách tính gần đây của một số học giả căn cứ vào kết quả các vụ khai quật khảo cổ học ở thôn Phùng-nguyên (thuộc xã Kinh-kệ, huyện Lâm-thao, tỉnh Phú-thọ) thì nước Văn-lang được thành lập khoảng năm 2000 TCN.

      1. Trước hết, nếu theo thuyết của Việt Sử Lược cho rằng vua Hùng thứ 1 dựng nước Văn-lang đời Châu Trang-vương thì tuyệt đối không thể có việc quân Ân sang xâm lăng nước Văn-lang, bởi vì, như đã nói ở một đoạn bên trên, nhà Thương/Ân đã bị diệt vong năm 1122 TCN, tức là hơn 400 năm trước khi nước Văn-lang được thành lập, thì làm gì còn quân Ân nữa để xâm lăng nước Văn-lang?

            Chúng tôi không phủ nhận việc Cơ-Phát, thủ lĩnh bộ lạc Châu (sinh tụ ở vùng nay là huyện Kỳ-sơn thuộc tỉnh Thiểm-tây), đánh bại vua Trụ Tử-Tân (1155-1122 TCN; vua Trụ tự thiêu chết) và diệt được nhà Thương/Ân, đã lên ngôi vua, tức Vũ-vương (1122-1115 TCN), khai sáng vương triều Châu (1122-256 TCN), và lấy đất Tống (nay là thành phố Thương-khưu thuộc tỉnh Hà-nam; đất này do vua Tử Vũ-ất, 1191-1154 TCN, xưa ban cho con trai là Vi-tử) ban cho Vũ-canh, con của vua Trụ, để lo việc tế tự vua Thành-thang. Tuy nhiên, đến đời Châu Thành-vương Cơ-Tụng (1115-1078 TCN), vì Vũ-canh làm phản nên bị giết, và đất Tống được ban lại cho Vi-tử, với tước Tống-công. Nước Tống truyền qua nhiều đời (sử sách chỉ kể tên 19 đời cuối cùng, từ Tống Mục-công Tử-Hòa, 730-720 TCN, đến Tống Khang-vương Tống-yển, 328-286 TCN), sau bị nước Tề diệt năm 286 TCN. Lãnh thổ nước Tống là địa khu nay chạy từ thành phố Thương-khưu thuộc tỉnh Hà-nam ở phía đông tới huyện Đồng-sơn thuộc tỉnh Giang-tô ở phía tây.

            Như vậy, nước Tống của hậu duệ của nhà Thương/Ân ở quá xa nước Văn-lang, cách 2.350-2.450 cây số. Hơn nữa, giữa hai nước cũng còn có rất nhiều nước khác (thực ra là bộ lạc) của các người phi Hán tộc (hay phi Hoa-hạ), đặc biệt là nước Sở (lúc đó ở vùng nay là tỉnh Hồ-bắc) rất hiếu chiến và đã nhiều lần làm khó dễ cho nhà Châu, nên khó mà quân nước khác có thể đi qua được. Do đó lại càng không thể có việc quân Tống sang xâm lăng Văn-lang để có thể cho rằng người ta đã lầm quân Tống với quân Ân (dù họ cùng chung tổ tiên).

      2. Trái lại, nếu theo thuyết của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho rằng nhà Hồng-bàng bắt đầu cai trị nước Văn-lang năm 2879 TCN thì sao?

            Năm 2879 TCN là năm Lộc-Tục được cha là Đế Minh (cháu ba đời Viêm-đế họ Thần-nông) phong làm vua nước Xích-quỉ, hiệu là Kinh-dương vương. Chúng ta hãy giả thiết (xin nhấn mạnh là “giả thiết”):

         a. Vua Kinh-dương "cưới con gái vua Động-đình tên là Long-nữ" (theo Truyện Hồng-bàng) trong cùng năm thụ phong. Tuy Truyện Hồng-bàng không nói nhà vua lấy Long-nữ (có tài liệu viết là Thần-long nữ) năm nào, nhưng theo tục lệ mấy nghìn năm ở Trung-quốc trước khi thiên Thân Thuộc trong bộ Dân Pháp (tức Dân Luật) được công bố năm 1930 và thi hành năm 1931, con trai lấy vợ muộn lắm là năm 16 tuổi và con gái lấy chồng muộn lắm là năm 13 tuổi (như được diễn tả trong câu ngạn ngữ “nữ thập tam, nam thập lục”). Chúng ta giả thiết nhà vua lấy vợ năm 20 tuổi cho tiện tính.

         b. Năm sau, 2878 TCN, Long-nữ sinh Sùng-Lãm.

         c. Sùng-Lãm nối ngôi cha năm 20 tuổi, tức năm 2859 TCN, hiệu là Lạc-long quân, và cùng năm này Lạc-long quân lấy vợ là Âu-Cơ.

         d. "Âu-Cơ và Lạc-long quân sống chung với nhau; cùng năm đó sinh ra một bọc... qua bảy ngày, trong bọc nở ra trăm trứng, mỗi trứng là một con trai" (vẫn theo Truyện Hồng-bàng). Nói cách khác, Âu-Cơ sinh 100 con trai năm 2859 TCN trong giả thiết của chúng ta.

         e. Cũng 20 năm sau, năm 2840 TCN, một người con trong số 50 người theo mẹ ở lại trên đất liền, Truyện Hồng-bàng gọi là người “hùng trưởng”(16), được 49 anh em kia suy tôn làm vua, tức vua Hùng thứ nhất.

            Nếu theo các giả thiết trên, 18 vị vua Hùng cai trị nước Văn-lang tổng cộng 2582 năm (2840-258 TCN) và mỗi người ở ngôi trung bình 143 năm. Tuy việc này vô lý, nhưng cũng có thể tạm (chúng tôi xin nhấn mạnh chữ “tạm”) chấp nhận được nếu chúng ta nhớ rằng ở Trung-quốc vào thời thượng cổ, có hai người đã trị vì nước 100 năm: Hoàng-đế (2697-2598 TCN) và Đế Nghiêu (2357-2258 TCN).

            Nếu vụ xâm lăng của quân Ân xảy vào đời vua Hùng thứ 3 thì đó là vào khoảng năm 2295-2152 TCN (theo giả thiết nói trên), ngang với đời Đế Nghiêu, Đế Thuấn, cùng các vua Đại Vũ Tự Văn-mệnh (2205-2197 TCN), Tự-Khải (2197-2188 TCN), Tự Thái-khang (2188-2159 TCN) và Tự Trọng-khang (2159-2146 TCN) của nhà Hạ. Lúc đó vương triều Thương/Ân chưa được thành lập (mãi 380 năm sau) thì làm sao có quân Ân xâm lăng Văn-lang được?

            Còn nếu xảy vào đời vua Hùng thứ 6 thì đó là vào khoảng năm 1866-1723 TCN (vẫn theo giả thiết nói trên), ngang với đời các vua nhà Thương (chưa gọi là Ân): Tử Thiên-ất hay Thành-thang, Tử Ngoại-bính (1754 TCN), Tử Trọng-nhâm (1753-1752 TCN), Tử Thái-giáp (1752-1748 TCN), Y-doãn (1748-1741 TCN) và Tử Thái-giáp (lần thứ hai, 1741-1721 TCN).

            Trong 13 năm tại vị, Thành-thang không có lần nào phải đụng binh cả, tuy ông rất thích việc võ và muốn được người ta tôn mình là "Vũ-đế"(17). Để củng cố địa vị và bảo vệ tương lai của vương triều mới được thành lập còn trong trứng nước, Thành-thang lúc nào cũng lo làm hòa với khoảng 3.000 chư hầu lớn nhỏ. Các nước chư hầu ở "tứ thổ " đều hoàn toàn thần phục nhà Thương/Ân nên Thành-thang không phải lo việc đánh dẹp (đến cuối thời nhà Thương/Ân mới có chư hầu gây loạn).

            Hơn nữa, không lâu sau khi lên ngôi, Thành-thang đã phải lo đối phó với một biến cố rất quan trọng là trong nước đã xảy ra trận đại hạn hán kéo dài 7 năm, đến nỗi cát nóng bỏng như bị nung, đá bị nhừ ra, cả đến sông Lạc (Lạc-thủy) cũng bị khô cạn sạch. Nhà vua phải lo cách trị nạn và phải sai người đúc đỉnh ba chân để cúng tế thần sông. Ngoài ra, cũng vì nạn này ông mới quyết định dời đô từ ấp Bạc sang Tây-bạc (nay là thành phố Yển-sư cùng tỉnh) ở cách đó 280 cây số về phía tây-bắc, vì nơi đây bắc có sông Lạc (lúc đó có nước trở lại) lợi cho việc canh nông hơn là ấp Bạc, còn ở các phương tây, nam và đông có núi cao hiểm trở nên dễ phòng thủ. Ngoài ra, Tây-bạc lại gần ấp An (nay là một bộ phận của thành phố Vận-thành thuộc tỉnh Sơn-tây, cách Tây-bạc/Yển-sư 190 cây số về phía tây-bắc), kinh đô cũ của nhà Hạ, nên dễ canh chừng mọi hoạt động của con cháu nhà Hạ hay những người còn tưởng nhớ đến vương triều này. Công việc dời đô cũng chiếm nhiều thời giờ và tâm trí của ông, khiến ông không thể nghĩ tới việc đánh chiếm những nước lân cận, chứ đừng nói là xâm lăng nước Văn-lang quá xa xôi.

            Mặt khác, Thành-thang có ba người con trai: Tử Thái-đinh, Tử Ngoại-bính và Tử Trọng-nhâm. Thái-đinh chết rất sớm, trước khi Thành-thang lên ngôi, nên sau khi Thành-thang qua đời, Ngoại-bính kế vị, nhưng chưa đầy 1 năm (1754 TCN) thì qua đời. Trọng-nhâm kế nhiệm, nhưng chỉ được 2 năm (1753-1752 TCN) thì chết. Y-duẫn  (ngườI Việt-nam quen đọc là Y-doãn), tù trưởng bộ lạc Hữu-sân (ở Sân-trủng-tập, phía bắc huyện Tào thuộc tỉnh Sơn-đông ngày nay) và là sủng thần của Thành-thang, mới đầu đưa cháu đích tôn của Thành-thang, Tử Thái-giáp (con của Tử Thái-đinh) lên ngôi, nhưng được 5 năm thì cho là Thái-giáp đã lỗi đạo làm vua (theo ý Y-duẫn), nên năm 1748 TCN đã đày Thái-giáp đến ấp Đồng(18), gần nơi có mộ  của Thành-thang,  rồi tự lập làm vua. Năm 1741 TCN, Thái-giáp từ ấp Đồng khởi binh kéo về giết Y-duẫn đoạt lại ngai vàng(19).

            Từ đó cho đến khi chết Thái-giáp không lần nào động binh. Đối với gia đình của Y-duẫn, vì thế lực bộ lạc Hữu-sân rất lớn nên Thái-giáp phải nhiệm dụng hai con trai của Y-duẫn, một cho làm tù trưởng bộ lạc Hữu-sân và một cho làm đại thần là chức quan coi việc công bố và thi hành các mệnh lệnh, bố cáo của nhà vua, cùng là lo việc nghi lễ trong các dịp lễ lớn.

            Nói cách khác, vì trong triều đình nhà Thương lúc đó có nhiều biến cố trọng đại nên không thể phái quân đi xâm lăng nước Văn-lang được, cho dù vì lý do nước này không chịu triều cống (sẽ nói thêm ở đoạn E bên dưới).

      3. Còn nếu theo thuyết cho rằng nước Văn-lang được thành lập khoảng năm 2000 TCN (thời kỳ bắt đầu văn hóa Phùng-nguyên), thì trong 1742 năm nhà Hồng-bàng cai trị Văn-lang (2000-258 TCN), mỗi vị vua Hùng ở ngôi trung bình là 97 năm. Như vậy vua Hùng thứ 3 trị vì khoảng năm 1806-1709 TCN, ngang đời vua cuối cùng nhà Hạ là Kiệt Tự Lý-quý (1818-1766 TCN) và các vua Thành-thang, Ngoại-bính, Trọng-nhâm, Thái-giáp (2 lần), Y-duẫn, và Ốc-đinh (1721-1692 TCN) nhà Thương/Ân; hay vua Hùng thứ 6 trị vì năm 1515-1418 TCN, ngang với đời các vua Tổ-ất (1526-1507 TCN), Tổ-tân (1507-1491 TCN), Ốc-giáp (1491-1466 TCN), Tổ-đinh (1466-1434 TCN) và Nam-canh (1434-1409 TCN) nhà Thương/Ân.

            Trong đời vua Hùng thứ 3 không thể có quân Ân xâm lăng nước Việt vì hai lý do.

            Thứ nhất, trong khoảng thời gian 1806-1766 TCN của đời vua Hùng thứ 3 (theo giả thiết nói trên), ở Trung-quốc nhà Hạ đang tiến dần đến chỗ diệt vong. Vua Kiệt lúc đó chỉ lo việc đánh dẹp bộ lạc Hữu-thi ở Mông-sơn (vùng ranh giới huyện Mông-ân thuộc tỉnh Sơn-đông ngày nay) năm 1786 TCN, bộ lạc Hữu-mân (vùng đông-bắc huyện Kim-hương cùng tỉnh) năm 1769 TCN, và nhất là lo chống chọi lại quân của Tử Thiên-ất nổi dạy năm 1766 TCN.

            Mặt khác, Kiệt là một ông vua tàn ác và hoang dâm vô độ, nên ngoài mấy vụ đánh dẹp kể trên chỉ biết hưởng lạc (nhất là từ khi bắt được một người con gái bộ lạc Hữu-thi tên là Thi Muội-hỉ về làm phi), và thích hành hạ người (như giam tù Tử Thiên-ất năm 1777 TCN, người 11 năm sau sẽ nổi lên chống lại Kiệt và diệt nhà Hạ), giết người (như giết gián thần Quan Long-phùng năm 1767 TCN), nên đâu có đầu óc tính chuyện đi xâm lăng một nước quá xa xôi như Văn-lang. Vả lại, truyền thuyết cũng như nhiều sử sách nói rõ quân xâm lăng là quân Ân, chứ không phải quân Hạ.

            Thứ hai, trong khoảng thời gian 1766-1709 TCN của đời vua Hùng thứ 3 (vẫn theo giả thuyết nói trên), ngoại trừ việc Tử Thái-giáp nhà Thương/Ân khởi binh đánh giết Y-duẫn ra (nhưng chỉ có một số ít tài liệu theo thuyết này), các vua từ Thành-thang đến Ốc-đinh (và cả các vua khác cho đến hết thời nhà Thương/Ân) rất bận khuất phục các nước và bộ lạc chư hầu ở "tứ thổ" và các "phương" xung quanh Trung-Thương nên không thể mở cuộc xâm lăng nước Văn-lang quá xa xôi.

            Còn trong đời vua Hùng thứ 6, (1515-1418 TCN, theo giả thiết), thì sao?

            Trong đời 5 vua Tổ-ất, Tổ-tân, Ốc-thân, Tổ-đinh và Nam-canh, chỉ có các bộ lạc du mục ở các "phương" đôi khi chống lại triều đình thì các vua này hoặc là thân chinh hoặc là sai một chư hầu đi đánh dẹp. Vì bận rộn như vậy, không có vua nào trong thời gian này có đủ quân để có thể phái đi xâm lăng Văn-lang. Hơn nữa, đa số các bộ lạc bất phục này lại ở miền tây bộ của đế quốc, chứ không có bộ lạc nào ở nam bộ chống lại triều đình để cho quân Ân có thể sau khi đánh dẹp xong tiến luôn xuống xâm lược Văn-lang.

            Dựa vào hai nhận xét trên, chúng tôi không đồng ý với Truyện Đổng Thiên-vương trong sách Lĩnh-nam Chích Quái cũng như với sách Nam-hải Dị Nhân Liệt Truyện nói rằng vì vua Hùng thứ 3 (Truyện Đổng Thiên-vương) hay thứ 6 (Nam-hải Dị Nhân) đã không tiến cống với nhà Ân (Nam-hải Dị Nhân nói rõ là "nhà Ân bên Tàu") nên vua nhà Ân mới giả tiếng đi tuần thú để đem quân sang cướp nước Văn-lang.

            Chúng tôi cũng không đồng ý với tác giả Minh-Văn cho rằng "giặc Ân từ bên Tàu tràn sang nước ta" (tr. 29) trong đời vua Hùng thứ 6, tức là trong thời gian 1712-1632 TCN (tác giả không cho biết căn cứ vào đâu mà định rằng vua Hùng thứ 6 trị vì trong thời gian này). Năm 1712-1632 TCN ngang với đời các vua Ốc-đinh, Thái-canh (1692-1667 TCN), Tiểu-giáp (1667-1650 TCN), Ung-kỷ (1650-1638 TCN) và Thái-mậu (1638-1563 TCN) nhà Thương/Ân. Không một tài liệu Trung-quốc nào nói đã có những vụ đánh dẹp ngay cả các nước hay các bộ lạc không thần phục nhà Thương/Ân trong thời gian này, chứ đừng nói là xâm lăng nước Văn-lang.

   E. Lý Do 5: Văn Lang Không Hề Triều Cống Nhà Thương/Ân

            Truyện Đổng Thiên-vương  và sách Nam-hải Dị Nhân đều cho rằng vì thấy Văn-lang đời vua Hùng thứ 3 (Truyện Đổng Thiên-vương) hay thứ 6 (Nam-hải Dị Nhân) không triều cống nên vua Ân đã giả đi tuần thú để đem quân sang xâm chiếm. Nói cách khác, nước Văn-lang đã có lệ triều cống Trung-quốc ít nhất là trong thời nhà Thương/Ân rồi.

            Lý luận này có đáng tin không? Câu trả lời là không.

            Nước Việt chỉ bắt đầu triều cống Trung-quốc từ năm 972 SCN, đời vua Đinh Tiên-hoàng (968-979), trở đi, nghĩa là hơn 3.000 năm sau thôi.

            Thực vậy, trong khi Đinh-bộ-Lĩnh đang đánh dẹp Loạn Thập Nhị Sứ Quân (945-967) ở nước ta thì ở bên Trung-quốc xảy ra việc Triệu Khuông-dận lật đổ nhà Hậu-Châu (951-960) do Quách-Uy dựng nên. Sau khi Triệu Khuông-dận được quân sĩ tôn làm vua, hiệu là Thái-tổ (960-976), khai sáng nhà Tống (960-1280) -- không nên lầm với nước Tống của hậu đại nhà Hạ đã nói ở đoạn D bên trên và với nhà Tống họ Lưu cai trị Trung-quốc năm 420 - 479 --  ông sai tướng Phan-Mỹ mang quân đánh nhà Nam-Hán do Lưu-Ẩn lập(20).

            Vì Đinh-bộ-Lĩnh, sau khi dẹp xong Loạn Thập Nhị Sứ Quân và lên ngôi hoàng đế, hiệu Tiên-hoàng, sáng lập vương triều Đinh, thấy trong nước hãy còn nhiều rối loạn, thế nước yếu kém, e rằng quân Tống có thể thừa cơ sang đánh chiếm nước ta, nên năm 972 đã sai con trưởng là Nam-Việt-vương Đinh-Liễn sang thăm nhà Tống (TTBK, q. 1, tờ 4a; CMCB, q. 1, tờ 5),  đem biếu sản vật địa phương (CMCB, q. 1, tờ 5).

            Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Theo sách Việt Sử Lược, người đi sứ là Nguyễn-tử-Du (q. 1, 17b), chứ không phải là Đinh-Liễn.

            Nhân việc triều cống ấy, Trần-trọng-Kim đã viết trong sách Việt-nam Sử Lược rằng:

            "Năm nhâm-thân (972) Tiên-hoàng lại sai Nam-việt-vương là Liễn đem đồ phương vật sang cống nhà Tống. Vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Tiên-hoàng làm Giao-chỉ quận vương và phong cho Nam-việt-vương Liễn làm Tĩnh-hải-quân Tiết độ sứ, An-nam đô hộ.

            "Từ đó nước ta cứ giữ lệ sang triều cống nước Tàu." (q. I, tr. 86)

            Các vương triều trước nhà Đinh không hề triều cống Trung-quốc, tuy có việc hiến rùa thần và chim trĩ trắng cho một vài vua Trung-quốc. Thực vậy, theo một số tài liệu Hoa và Việt thì:

      1. Người Việt-thường thị đã:

         a. Hiến rùa thần cho Đế Nghiêu, như được đề cập trong các sách Thông Chí của Trịnh-Tiều, Cương Mục Tiền Biên của Kim Lý-tường; cả hai tài liệu của người Trung-quốc này được sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc lại.

         b. Hiến chim trĩ trắng cho Châu Thành-vương Cơ-Tụng năm 1110 TCN (được thuật lại trong các sách của người Trung-quốc như Thượng Thư Đại Truyện của Phục-Thắng, Hàn Thi Ngoại Truyện của Hàn-Anh, Hiếu Kinh Vĩ của tác giả khuyết danh, và được các tài liệu của người Việt-nam kể tới, như Truyện Bạch Trĩ  trong sách Lĩnh-nam Chích Quái, Việt Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Sử Tiêu Án của Ngô-thời-Sĩ, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc sử quán triều Nguyễn).

         c. Hiến chim trĩ trắng cho Hán Bình-đế Lưu-Khản (1-6), được chép trong bộ Hán Thư của Ban-Cố.

      2. Người quận Nhật-nam hiến chim trĩ trắng cho Hán Quang-vũ-đế Lưu-Tú (25-58) và cho Hán Chương-đế Lưu-Huyên (76-89); cả hai việc này được kể trong bộ Hậu-Hán Thư  của Phạm-Diệp.

            Về ý nghĩa chuyện hiến rùa thần và chim trĩ trắng đã được trình bày kỹ trong bài “Chuyện Việt-nam Hiến Rùa Thần và Bạch Trĩ Cho Trung-quốc”, nên không cần nhắc lạI ở đây.

            Việc Việt-thường thị, được đồng hóa với nước Văn-lang, hiến rùa thần và chim trĩ trắng, nếu có thực, thì cũng chỉ là một hành vi giao hảo giữa hai nước như chúng ta thường thấy trong bang giao quốc tế của hai quốc gia độc lập và ngang hàng nhau, chứ không phải là việc triều cống của một nước thần phục nước khác, mà sự thiếu sót hay chậm trễ thường là nguyên nhân của những cuộc chiến tranh trừng phạt thường thấy trong lịch sử Trung-quốc. Còn việc người quận Nhật-nam hiến chim trĩ trắng cho hai vua Hán cũng không thể coi là việc người Việt triều cống vua Hán được, bởi vì việc này xảy ra trong thời kỳ nước ta bị nhà Đông-Hán đô hộ (43-220) và đây là việc làm lấy lòng hay tâng công của quan lại đô hộ Hán, chứ không phải của nhân dân Việt.

            Nói cách khác, Văn-lang (và người Việt khi bị đô hộ) không hề triều cống Trung-quốc nói chung và nhà Thương/Ân nói riêng để rồi vì không có triều cống nên mới bị quân Ân xâm lăng.

   F. Lý Do 6: Trong Quân Đội Thương/Ân Không Có Nữ Tướng

            Theo truyền thuyết, quân xâm lăng Ân do 28 nữ tướng chỉ huy, như được diễn tả trong bài ca được dân địa phương hát trước bàn thờ Thánh Gióng vào dịp Hội Gióng (sẽ xét trong phần V bên dưới):

                        Hai (mà) mươi là (là) tám tướng,

                        Tướng (tướng) cường là (là) nữ (á) nhung,

                        Tướng (tướng) cường là (là) nữ (á) nhung.                 

            Tác giả Minh-Văn cũng nhắc đến truyền thuyết này qua việc kể chuyện các thiếu nhi nam nữ diễn lại tích Thánh Gióng đánh giặc Ân: "... trong khi 28 thiếu nữ đóng tượng trưng vai giặc Ân..."  "Hai mươi tám cô thiếu nữ theo các dân kiệu về đền Phù Đổng." Việc quân xâm lăng Ân do 28 nữ tướng chỉ huy chỉ là một sự tưởng tượng không có thực.

            Trong thời nhà Thương/Ân có Phụ-Hảo (còn gọi là Hậu Tân), 1 trong 63 ngườI vợ(21) của vua Tử Vũ-đinh (1325-1266 TCN) đã từng cầm quân đánh giặc ở tứ thổ. Tuy nhiên, đây chỉ là một trường hợp ngoại lệ hi hữu. Hơn nữa, không thấy cả sử sách lẫn truyền thuyết nói bà đã chỉ huy quân Ân sang xâm lăng nước Văn-lang. Chúng ta có thể nói được rằng, từ thời dựng nước cho tới những thập niên đầu thế kỷ thứ 20, Trung-quốc không hề có nữ binh, cũng như là nữ tướng. Tuy có những chuyện như Hoa Mộc-lan giả trai thay cha đi tòng quân đánh giặc hay chuyện Mộc Quế-anh và Dương Gia Thập Tam Nữ Tướng chống giữ giang sơn nhà Tống họ Triệu, nhưng đây chỉ là những chuyện hư cấu thôi, mặc dù những người nam dòng họ Dương như Dương-Nghiệp (tức Dương lão lệnh công trong tiểu thuyết Dương Gia Tướng của tác giả khuyết danh) và con là Dương Diên-chiêu (tức Dương lục lang trong tiểu thuyết Dương Gia Tướng), v.v., hoặc là tử chiến ngoài chiến trường (Dương-Nghiệp) hoặc mấy chục năm trấn giữ biên cương không cho quân Khiết-đan  xâm nhập nước Tống họ Triệu (Dương Diên-chiêu) là những người có thực.

            Chúng tôi không phủ nhận là ở Trung-quốc thời xưa trong dân gian có không ít nữ nhân đã hợp sức cùng chồng con, anh em hay trai tráng trong địa phương chống lại kẻ địch, dù là kẻ đạo tặc hay phỉ loạn trong nước hoặc giặc ngoại xâm, nhưng họ chỉ là những người vì tình thế bắt buộc, phải chiến đấu để tự vệ, chứ không phải là những quan binh, dân binh, chính qui hay bị động viên, và được huấn luyện. Lịch sử Trung-quốc trước năm 1906 chưa hề có một phụ nữ nào lãnh đạo những cuộc khởi nghĩa hay kháng chiến(22) như các bà Trưng, bà Triệu của Việt-nam, dù đã có đàn bà trực tiếp cai trị quốc gia như Lữ-hậu (còn gọi là Lữ Cao-hậu, húy Lữ-Trĩ, 187-179 TCN) thời nhà Hán hay làm vua như Vũ Tắc-thiên (húy Vũ-Chiếu, 684-705) thời nhà Đường (618-907), v.v. Ngay cả trường hợp Tần Lương-ngọc, sống đời hai vua Minh Thần-tông Chu Dực-quân (1573-1620) và Trang-liệt-đế Chu Do-kiểm (1620-1644) được giữ chức vụ quân sự cũng chỉ là một bổ nhiệm ngoại lệ và bà cũng chưa hề ở trong quân đội, chưa hề thụ huấn quân sự bao giờ(23).

   G. Lý Do 7: Không Có Thái Tử Ân Nào Tên là Thạch-linh

            Trong tập Les Fêtes de Phù-Đổng của Nguyễn-văn-Huyên có một đoạn viết rằng giặc Ân xâm lược Văn-lang do thái tử nhà Ân tên là Thạch-linh chỉ huy. Điều này cũng không đúng.

            Trước khi đi xa hơn, chúng ta nên biết qua nghĩa của từ "thái tử". Ở Trung-quốc, thái tử là người con trai trưởng do người vợ cả của vua sinh ra (đích tử) được lập để làm người kế vị vua (hoàng tự). Tuy nhiên, từ này trong thời nhà Châu còn được dùng để gọi đích tử của một chư hầu cũng được lập để kế vị người đó. Từ thời nhà Minh trở đi, thái tử gọi là "hoàng thái tử" để phân biệt với các con trai khác của nhà vua cũng được gọi là thái tử.

            Chúng tôi nói lời của Nguyễn-văn-Huyên không đúng là bởi vì các con của các vua nhà Thương/Ân không ai có tên húy, tên tự hoặc tên hiệu là Thạch-linh. Theo quyển Ân Bản Kỷ  trong sách Sử Ký của Tư-mã Thiên, trong số 31 vua nhà Thương/Ân chỉ có 17 người là thái tử trước khi lên ngôi. Đó là: Thái-giáp (con của Thái-đinh), Ốc-đinh (con của Thái-giáp), Tiểu-giáp (con của Thái-canh), Trọng-đinh (con của Thái-mậu), Tổ-ất (con của Hà-đản-giáp), Tổ-tân (con của Tổ-ất), Tổ-đinh (con của Tổ-tân), Nam-canh (con của Ốc-giáp), Dương-giáp (con của Tổ-đinh), Vũ-đinh (con của Tiểu-ất), Tổ-canh (con của Vũ-đinh), Lẫm-tân (con của Tổ-giáp), Vũ-ất (con của Canh-đinh), Thái-đinh (con của Vũ-ất), Đế Ất (con của Thái-đinh), và Đế Tân hay Trụ (con của Đế Ất). Không có ai tên húy, tên tự hay tên hiệu là Thạch-linh cả. Ngay cả những vị vua khác của vương triều này cũng vậy.

            Nói tóm lại, vì bảy lý do kể trên, chúng tôi không tin là quân sang xâm lăng Văn-lang thời vua Hùng (dù là Hùng-vương thứ 3 hay là thứ 6) là quân của nhà Thương/Ân từ bên Trung-quốc sang. Trái lại, đây có lẽ chỉ là quân của một bộ lạc nào đó ở gần Văn-lang (giống như quân Thục của Thục-Phán đánh chiếm nước Văn-lang năm 258 TCN).

            Hiện nay chúng tôi vẫn chưa định được một cách đích xác tên và vị trí của bộ lạc đó, mà chỉ nghĩ rằng tên của bộ lạc không phải là Ân mà là một tên nào đó mang âm tương tự âm "ưân" hay "ư-ân". Từ “ân” được dùng để ghi âm bằng Hán tự tên bộ lạc có quân sang xâm lăng thời vua Hùng đọc là “yin” (tương tự âm Việt ngữ “in” hay “yin”) theo âm Hoa ngữ hiện đại (từ thế kỷ kỷ thứ 13 đến nay), còn âm thượng cổ (từ thế kỷ thứ 11 TCN đến thế kỷ thứ 6 SCN) và trung cổ (từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 12) là “ ˛'iĕn” (tương tự âm Việt ngữ “ưân” hay “ư-ân”), như được phiên thiết là “ư thân thiết” trong các sách Thuyết Văn Giải Tự của Hứa-Thận và Đường Vận của Tôn-Miên, hay “ư cân thiết” trong các sách Tập Vận của Đinh-Độ và Cổ Kim Vận Hội của Hoàng Công-thiện.

            Chúng tôi còn nghĩ rằng quân Ân nói ở đây cũng rất có thể chính là giặc ở ngay trong nước Văn-lang (lúc đó không thể gọi là "xâm lăng" được). Chúng ta nên nhớ là truyện Ký Về Sự Tích Sóc Thiên Vương trong sách Việt Điện U Linh Tập của Lý-tế-Xuyên chỉ nói trống không là “trong nước có giặc” (quốc nội hữu tặc), chứ không xác định là giặc ở trong nước hay giặc từ ngoài nước xâm nhập và giặc mang tên gì.



V. Hội Gióng

            Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao:

                        Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu,

                        Mồng chín đâu đâu, trở về hội Gióng.

hay là:

                        Ai ơi, mồng chín tháng tư,

                        Không đi hội Gióng cũng hư mất đời!

hoặc:

                        Lâm râm hội Khám,

                        U ám hội Dâu,

                        Vỡ đầu hội Gióng.

            Ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch là ngày hội Gióng được tổ chức rất trọng thể tại làng Gióng (nay là xã Phù-đổng, tỉnh Bắc-ninh) để kỷ niệm việc Phù-đổng Thiên Vương đã đánh tan giặc xăm lăng Ân vào thời kỳ Việt-nam mới lập quốc. Thực ra hội Gióng được cử hành trong nhiều ngày, từ ngày 5 đến 12 tháng tư âm lịch, với ngày lễ chính là mồng 9. Địa điểm chính nơi hội được tổ chức là đền thờ Thánh Gióng, thường gọi là Đền Thượng.

            Để tưởng nhớ công lao cứu quốc của vị thiếu niên anh hùng dân tộc, người sau khi dẹp xong giặc Ân đã biến mất, không màng danh lợi, vua Hùng thứ 6, theo một số tài liệu, không biết báo đáp cách nào bèn tôn vị anh hùng đó làm Phù-đổng Thiên Vương và sai lập đền thờ ngay ở trong vườn của ngôi nhà nơi vị anh hùng đã ra chào đời tại làng Gióng, cấp 100 mẫu ruộng để làm lễ xuân thu nhị kỳ. Mấy ngàn năm sau, vua Lý Thái-tổ (1010-1028) đã cho trùng tu ngôi đền ngay sau khi nhà vua hạ chiếu dời đô từ Hoa-lư ra thành Thăng-long. Đến thế kỷ thứ 17, dời Hậu-Lê (1428-1788) đền lại được trùng tu.

            Đền là một kiến trúc to lớn, đẹp đẽ, xây trên nền nhà cũ của Thánh Gióng, với một tam quan phía trước. Trong chính điện có bức tượng lớn Thánh Gióng. Hai bên có hai hàng tượng các quan văn võ và lính hầu cận. Bên ngoài thềm điện có đôi rồng chầu, đôi sư tử đá và bia đá ghi lại công đức Thánh Gióng. Ngoài ra còn có đôi chóe sứ cổ do bà Đặng-thị-Huệ (tục gọi là bà Chúa Chè), thứ phi của chúa Trịnh-Sâm (1767-1782), dâng.

            Nhiều ngày trước hội Gióng, dân làng Gióng cử ra 6 người trai tráng để làm 6 vị tướng của Thánh Gióng. Họ mang cờ, kéo đoàn quân gồm 100 người, kể cả quân thám sát và vận lương. Ngoài ra còn có 28 nữ tướng tượng trưng cho giặc Ân. Tất cả tập luyện đánh trận từ ít nhất là một tháng trước để diễn lại sự tích Thánh Gióng dẹp giặc Ân.

            Ngày mồng 5 là ngày tổng tập diễn. Theo nghi lễ cổ truyền, cuộc tổng tập diễn có chiêng trống và múa hát kèm theo. Ngày mồng 6 là ngày rước nước từ giếng Đền Mẫu về đền Gióng.

            Đền Mẫu, mang tên là điện Khánh-quang, là nơi thờ mẫu thân Thánh Gióng. Đền xây ở ngoài đê làng Phù-đổng. Đằng trước đền có một cái ao hình bầu dục, nơi hàng năm dân làng lấy nước rước về Đền Gióng dùng vào việc cúng bái. Gần đó là khu vườn gọi là Cố-viên (Vườn cũ) hay Đổng-viên (Vườn Đổng), ngày trước là vườn cà thuộc gia đình Tháng Gióng. Trong vườn có một tấm bia nhỏ và một tảng đá có in sâu dấu chân người khổng lồ mà truyền thuyết cho là dấu chân của ông Đổng, phụ thân Thánh Gióng, mà bà mẫu thân Thánh Gióng đã ướm thử chân mình vào do đó mới thụ thai sinh ra Thánh Gióng.

            Qua mồng 7 có lễ rước cỗ chay, cũng từ Đền Mẫu về Đền Gióng. Gọi là cỗ chay vì cỗ chỉ gồm có cơm và cà là hai món ăn phổ biến nhất thuở xưa của người dân địa phương và, theo truyền thuyết, đó cũng là hai món ăn mẫu thân Thánh Gióng và dân làng đã dọn ra cho Ngài ăn trước khi đi dẹp giặc Ân. Trong phần tế lễ ngày hôm này có những điệu hát thờ ca ngợi chiến công của Thánh Gióng và các điệu vũ truyền thống trên hồ trước Đền Gióng. Phần này do phường Ải-lao phụ trách.

            Ngày mồng 8 các giáp duyệt lại 28 cô gái tướng giặc Ân để tuyển chọn xem các cô nào đẹp nhất theo thứ bậc trên dưới.

            Hội Gióng được tổ chức rất trọng thể vào ngày hội chính, mồng 9.

            Bắt đầu là việc rước cờ từ Đền Mẫu sang Đền Gióng. Trong lúc đi đường, đoàn quân của Thánh Gióng biểu diễn các động tác theo nhịp trống và chiêng. Ngoài ra, thỉnh thoảng lại có pháo đốt chào mừng. Phường Ải-lao tiếp đó diễn trò bắt hổ qua điệu múa hổ. Mục này gồm có múa hát theo điệu chiêng trống.

            Sau đó thì có tin giặc Ân tràn tới. Lập tức có ba hồi chiêng trống. Đoàn quân của Thánh Gióng mở đầu đám rước lớn. Họ mặc quần áo đủ màu, hàng ngũ chỉnh tề, có cờ quạt và lọng che, đi theo bờ đê, tới Đền Mẫu thì dừng lại bái lạy trước khi tiến ra chiến trường. Trận chiến bắt đầu bằng điệu múa cờ lệnh theo tiếng nhạc, chiêng và trống thúc giục. Khi điệu múa cờ lệnh dứt thì cũng là lúc giặc Ân, do các nữ tướng điều khiển, tan rã.

            Đến đây đoàn quân chỉnh đốn lại hàng ngũ rồi cùng đám rước kéo về Đền Gióng dự tiệc khao quân do hàng tổng khoản đãi. Trong lúc họ đang dự tiệc lại có tin cấp báo là giặc Ân quay trở lại. Lập tức đoàn quân Thánh Gióng bỏ bàn tiệc, đổ ra nơi có giặc. Họ lại xông vào trận chiến theo lệnh múa cờ, chém đầu tướng giặc, lấy thủ cấp về dâng lên Thánh Gióng. Tiếp theo là các điệu hát ca ngợi chiến thắng giặc Ân, các trò vui công cộng, kéo dài từ chiều cho đến quá nửa đêm.

            Ngày mồng 10 là lễ rước vãn. Lễ này gồm phần duyệt quân, tạ ơn Thánh Gióng và kiểm điểm vũ khí.

            Ngày 11 có lễ rước nước của ba quân từ giếng Đền Mẫu về Đền Gióng để rửa vũ khí. Sau đó lại có nhiều trò vui và múa hát suốt ngày.

            Hội Gióng chấm dứt ngày 12 với cuộc rước cờ và báo thắng trận trước trời đất. Buổi lễ kết thúc bằng lễ hạ hồi với bản Lạc-thành, ca ngợi chiến thắng giặc Ân.

            Mặc dù sự tích Thánh Gióng có thể là một thần thọai hoang đường, nhưng người dân Việt vẫn tin như có thật. Do đó hàng năm nhân dân tổ chức một hội tế lễ linh đình nhiều ngày cốt là để nhắc nhở cho nhau nhớ lại một kỳ tích trong đời sống dân tộc ngõ hầu giữ cho lòng tin đó khỏi bị thời gian làm phai mờ. Theo giáo sư Nguyễn-đăng-Thục, họ "vẫn nuôi trong lòng một hình ảnh linh thiêng phản chiếu tinh thần dân tộc độc lập tự cường, coi như quyền sống bất khả xâm phạm."(24)

Chú Thích

(1) Vị trí bộ Vũ-ninh thời Hồng-bàng (2879-258 TCN) không được rõ. Có thuyết cho rằng bộ này tương đương với tỉnh Bắc-ninh ngày nay. Thực ra tên Vũ-ninh mới có từ thời Ngô thuộc (222-265). Đó là tên một huyện thuộc quận Giao-chỉ (tương đương với bắc bộ Việt-nam). Cương vực huyện Vũ-ninh thời Ngô thuộc tương đương với hai huyện Quế-võ và Gia-lương tỉnh Bắc-ninh ngày nay.

(2) Đơn vị đo chiều dài của người Việt thời Hồng-bàng như thế nào không rõ. Theo giáo sư Đằng-đường Minh-bảo (Todo Akiasu), vào thời nhà Châu (1122-256 TCN), 1 trượng Trung-hoa = 225 phân tây (Kan-go to Nihon-go, nxb. Tú-Anh, Đông-kinh, 1969, tr. viii). Nếu đơn vị đo lường của người Việt khi đó tương tự thì Thánh Gióng cao 22 mét rưỡi hay 73 ft 8 in.

(3) Nguyễn-đăng-Thục, Tư Tưởng Việt-nam: Tư Tưởng Triết Học Bình Dân, Khai trí, Sài-gòn, 1964, tr. 115 (gọi tắt: Tư Tưởng).

(4) Châu Trang-vương Cơ-Tha làm vua năm 696-691 TCN. Bộ Gia-ninh chính là huyện Mê-linh thời Hán thuộc (111 TCN - 221 SCN). Theo truyền thuyết, vua Hùng định đô ở đây và đây cũng là đất bản bộ của gia đình hai bà Trưng-Trắc và Trưng Nhị.

(5) Trần-quốc-Vượng đã dùng từ này trong bản dịch Việt ngữ bộ Đại Việt Sử Lược, nxb. Văn Sử Địa, Hà-nội, 1960, tr. 14.

(6) Tư tưởng, sđd., tr. 118-119.

(7) Trần-quốc-Vượng, "Căn Bản Triết Lý Người Anh Hùng Phù-đổng và Hội Gióng," Trong Cõi, nxb. Trăm Hoa, Garden Grove, California, 1993, tr. 127.

(8) Chỗ này Trần-thế-Pháp đã lầm. Nhà Thương/Ân có 31 vua trị vì 645 năm. Nếu tính riêng, thời kỳ gọi là Thương có 19 vua trị vì 364 năm (1766-1401 TCN), và thời kỳ gọi là Ân có 12 vua trị vị 280 năm (1401-1122 TCN).

(9) Trúc-sơn Mai-đăng-Đệ, Việt Sử Đại Toàn, Hà-nội, 1944, trích dẫn trong Tư Tưởng, sđd., tr. 118.

(10) Theo Đổng Tác-tân trong Giáp Cốt Học Lục Thập Niên, nxb. Nghệ Văn, Đài-bắc, 1965, tr. 11-13.

(11) Xem hai sách sau của Trương Quang-trực (một đề tên là Kwang-chih Chang và một đề tên là K.C. Chang): (a) Shang Civilization, Yale University Press, New Haven & London, 1980; (b) Studies of Shang Archaeology, cùng nhà xuất bản, 1986.

(12) Giống như trường hợp 25 người con trai của Hoàng-đế Cơ Hiên-viên, 11 người không có họ, còn 14 người mang 12 họ khác nhau là: Cật, Cơ, Châm, Dậu, Đằng, Huyên, Hy, Kỳ, Kỷ, Nhâm (người Việt-nam thường đọc là Nhậm hay Nhiệm), Tuân và Y.

(13) Thời xưa ở Trung-quốc tên vương triều cũng là tên nước. Còn tên “Trung-quốc” (lần đầu tiên do Tư-mã Thiên dùng trong sách Sử Ký) chỉ được chính thức dùng từ sau cuộc cách mệnh Tân-hợi 10.10.1911.

(14) Từ “công” ở đây thời nhà Thương/Ân viết với chữ “công” (= khéo; người thợ; quan) ở trên và chữ “khẩu” (= cái miệng) ở dưới. Từ viết lối này đã biến mất từ lâu, không thấy ở trong bất cứ tự điển nào, kể cả bộ cổ nhất ngày nay còn tồn tại là Thuyết Văn Giải Tự của Hứa-Thận (biên soạn từ năm 100 đến năm 121)

(15) Sông Hoài (Hoài-hà, còn gọi là Hoài-thủy) phát nguồn từ núi Đồng-bá ở tây-nam huyện Đồng-bá thuộc tỉnh Hà-nam ngày nay, chảy qua các huyện Phụ-nam, Cố-thượng, Phụng-đài, Hoài-viễn, Bạng-phụ, và Ngũ-hà ở bắc bộ tỉnh An-huy, và qua các huyện Tứ-hồng, Hoài-âm, Liên-thủy, và Tân-hải ở bắc bộ tỉnh Giang-tô.

(16) Nhiều người đã hiểu lầm từ “hùng trưởng” được dùng trong Truyện Hồng-bàng nên dịch là “con trưởng” hay “con trai trưởng”. Vấn đề này đã được chúng tôi trình bày trong bài “Ai Là Vua Hùng Thứ Nhất?” đăng trong Viet Magazine, số 607, ng. 15-30.4.1997, tr. 41-45.

(17) Xem Sử Ký của Tư-mã Thiên, q. 3, Ân Bản Kỷ; và Thi Kinh, q. 7, Thang Tụng.

(18) Nay là huyện Vạn-vinh (do hai huyện Vạn-tuyền và Vinh-hà hợp lại năm 1954) thuộc tỉnh Sơn-tây. Bá-Dương lại cho rằng ấp Đồng ở huyện Ngu-thành thuộc tỉnh Hà-nam ngày nay (Trung-quốc Lịch Sử Niên Biểu , Tinh quang xbx., Đài-bắc, Đài-loan, 1977, q. thượng, tr. 87).

(19) K.C. Wu viết trong sách The Chinese Heritage là sau khi Trọng-nhâm chết, Y-duẫn tôn Thái-giáp lên ngôi, sau vì Thái-giáp không giữ bổn phận làm vua nên bị Y-duẫn đày đi ấp Đồng. Sau 3 năm Y-duẫn thấy Thái-giáp biết ăn năn hối cải nên lại đưa Thái-giáp về phục vị rồi sau một thời gian quan sát thấy Thái-giáp thực sự đã thay đổi hẳn Y-duẫn mới cáo quan về hưu. Hơn nữa, Y-duẫn còn thọ hơn Thái-giáp vì ông chết trong đời Ốc-đinh (1720-1691 TCN). Khi chết, Y-duẫn được Ốc-đinh cho an táng theo nghi lễ thiên tử. Vẫn theo K.C. Wu, trong suốt triều đại nhà Thương/Ân, Y-duẫn được con cháu vương triều này tôn sùng ngang với vua Thành-thang. (Crown Publishers, New York, 1982, tr. 165-169).

(20) (a) Lãnh thổ nhà Hậu-Châu gồm đất các tỉnh Hà-nam, Sơn-đông, Thiểm-tây, Cam-túc và Hồ-bắc, cùng nam bộ tỉnh Hà-bắc và bắc bộ tỉnh An-huy ngày nay. (b) Lãnh thổ nhà Nam-Hán nay là địa khu gồm toàn tỉnh Quảng-đông cùng nam bộ Quảng-tây Tráng tộc tự trị khu -- và góc phía nam tỉnh Phúc-kiến.

(21) Vua có 3 vợ chính thức là Tân (tức Phụ-Hảo), Quí và Mậu; ngoài ra sử sách còn đề cập tới 60 người vợ khác nữa.

(22) Mãi tới năm 1906-1907 mới có nữ thi nhân kiêm nhà báo, nhà giáo, nhà cách mệnh Thu-Cẩn (1877-1907) được ủy nhiệm lãnh đạo phân bộ Chiết-giang của tổ chức cách mệnh mang tên là Quang-phục Hội, tổ chức và điều khiển trường huấn luyện quân sự cùng là trực tiếp huấn luyện các nghĩa quân của Hội, và lãnh đạo kế hoạch lật đổ triều đình Mãn-Thanh (1644-1911). Bà bị bắt trong khi chiến đấu chống lại quân triều đình và bị xử trảm.

(23) Tần Lương-ngọc là vợ của Mã Thiên-thừa, tuyên phủ sứ sảnh Thạch-trụ (nay là Thạch-trụ Thổ Gia Tự Trị Huyện thuộc tỉnh Tứ-xuyên). Khi chồng tử trận trong vụ dẹp quân phản loạn Xa-sùng-minh (thuộc tộc Quả-la, người Việt gọi là Lô-lô) ở Bá-châu (nay là thành phố Tuân-nghĩa thuộc tỉnh Quí-châu), bà thay thế chồng chỉ huy dẹp loạn, sau được ban hàm đô đốc kiểm sự (chánh nhị phẩm, có nhiệm vụ phụ tá đô đốc, và đô đốc là người đứng đầu 1 trong 5 đô đốc phủ ở cấp trung ương, cai quản việc binh của một quân khu) và giữ chức tổng binh quan (tương đương với chức tư lệnh vùng ngày nay). Đời vua Sùng-trinh bà nhiều lần phá tan các lưu tặc khiến chúng không dám xâm phạm biên cảnh.

(24) Tư Tưởng, sđd., tr. 115.

 

Tác giả Tạ Quốc Tuấn
Trích:http://www.dunglac.org


Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang : Phù Đổng Thiên Vương
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com

Email: thuky@vietnamvanhien.net

"Bất chiến tự nhiên thành" chi kế
Văn Hiến ngàn năm sử đã đề
Phá tan giặc Cộng bằng Tâm lược
"Nhân Chủ (tự chủ) - An Vi (an lạc)" khai lối về

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.