Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net




Trang Nhị Vị Phu Tử


Đề Mục:

Tuyết Sơn Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm
49 Trạng Nguyên Đại Việt
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp






Tuyết Sơn Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm

Giai thoại Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

   (1491-1585)

Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm tân hợi 1491, thuộc đời vua Lê Thánh Tông Hồng Ðức thứ 22 tại thôn Trung An, làng Cổ An, huyện Vĩnh Bảo Hải Dương. Thân phụ cụ Văn Ðình, thân mẫu Nhữ Thị Thục, người đất Tiên Minh, làng An Tử hạ. Ngoại của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nhữ Văn Lan, đã làm rạng rỡ dòng họ và quê hương với bảng vàng tiến sĩ, khoa thi năm Quí mùi, niên hiệu Quang Thuận, đời Lê Thánh Tông, được nhà Vua tin dùng, phong chức Thượng thư bộ Hộ.

 Theo tài liệu để lại bà Nhữ Thị Thục là bậc nữ lưu tài hoa vào bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ. Con gái Hộ bộ thượng thư Nhữ văn Lân, được phong là Từ thục phu nhân. Bà giỏi văn chương và tài học về Lý số. Biết trước những gì có thể xảy ra và mộng lớn con cái nên danh phận không thể chờ thời. Như Nguyễn Du đã viết sau nầy “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” .Trạng Trình có người em cũng tài giỏi về lý số, người đời gọi là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoang cùng mẹ khác cha. Nguyễn Bỉnh Khiêm huý là Văn Đạt, tự Hanh Phủ, người làng Trình Tuyền (Trung An), huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng.

 Nguyễn Bỉnh Khiêm,lúc trẻ ông học với Lương Ðắc Bằng được truyền cho quyển “Thái ất thần kinh” từ đó ông tinh thông về Lý học,Tướng số học giỏi, nghiên cứu về lý số với thiên tài “thần thông” có khả năng siêu quần, quán chúng về thấu thị, thần giao cách cảm,  ông biết nhà Lê Trung Hưng, nên chờ đúng số mệnh năm 44 tuổi dự thi đỗ Giải Nguyên, đời nhà Mạc (1527-1592), làm việc bên cạnh Tả thị Lang, Ðông Các Ðại Học Sĩ, làm quan được 8 năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần vua nghe không. Ông cáo quan năm 1542 về vườn, lập Bạch Vân am và hiệu Bạch Vân Cư Sĩ mở trường dạy học cạnh sông Hàn giang còn có tên Tuyết giang nên học trò gọi ông  “Tuyết giang Phu tử “ thơ mang triết lý của Thái Ất là nguồn tri thức hữu thể, về đời sống nhân sinh với càng khôn trong vũ trụ. Thái Ất còn gọi là Lý Thiên, Lý Địa và Lý Nhân

                                           

Ngư ông bất ngộ Ðào Nguyên khách

Khởi thức hưng vong thế cổ kim

hay

Nhàn trung hoa thảo túc Cung xuân

Tà dương độc lập đô vô sự 

 

Dù Nguyễn Bỉnh Khiên không còn làm quan, nhưng vua Mạc Phúc Hải phong cho ông tước Trình Nguyên Hầu vào năm Giáp thìn (1544), ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn nghành lý học, giống như (Trình Y Xuyên,Trình Minh Ðạo bên Trung Hoa). Sau đó được thăng chức Thượng thư bộ Lại, tước hiệu Trình quốc Công. Từ đó người đời gọi ông là Trạng Trình. Nhờ học phương pháp tính theo Thái ất, tiên đoán được biến cố trước và sau 500 năm. Người Trung Hoa khen Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “An Nam lý học hữu Trình Tuyền”         

Tục truyền rằng Năm Bính ngọ (1546) Mạc Phúc Hải mất truyền ngôi lại cho con Mạc Phúc Nguyên mãi đến năm mậu thân (1548) vua Trang Tông mất, Trịnh Kiểm lập Thái tử tên Duy Huyên lên ngôi tức Trung Tông được 8 năm thì mất không có con nối nghiệp. Trinh Kiểm muốn làm vua nhưng còn sợ dư luận, nên sai người đến Hải Dương hỏi ý khiến Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. ông không nói gì chỉ bảo người giúp việc ngụ ý :

  “năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ, gữi chùa thờ Phật thì ăn oản.. “  Sau đó Trịnh Kiểm tìm con cháu họ Lê, lên làm vua.

 Dù Trạng Trình ở ẩn, vua Mạc cũng như các chúa Trịnh, Nguyễn có việc hệ trọng vẫn cho người đến hỏi ý ông. Ông thường kín đáo khuyên Vua cố gắng tránh chiến tranh để nhân dân khỏi chết chóc. Trong năm Quang Thiêu (Lê Chiêu Tôn) có việc biến loạn, Nguyễn Bỉnh Khiêm không muốn tiếng tăm với đời lúc bấy giờ Trịnh Tuy, Mạc Ðăng Dung cũng cố ý muốn tranh quyền, đánh nhau mấy năm dài. Ông tính số Thái Ất, biết có nhà Lê lại khôi phục được làm bài thơ

Non sông nào phải buổi bình thời

Thú đánh nhau chi khéo nực cười

Cá vực, chim rừng, ai khiến đuổỉ

Núi xương sông tuyết, thảm đầy vơi

Ng ựa phi chắc có hồi quay cổ (1)

Thú dữ nên phòng lúc cắn người (2)

Ngán ngẫm việc đời chi nói nữa

                    Bên đầm say hát, nhởn nhơ chơi

            Hoành sơn nhất đái

Sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung (1483-1541) chiếm ngôi, con của vị tướng triều Lê là Nguyễn Hoàng Dụ trốn sang Lào, được vua Lào cho nương náu ở xứ Cẩm Châu, trấn Nam Phủ, tỉnh Thanh Hoá. Năm Quý Tỵ (1532) Nguyễn Kim lập con út vua Chiêu Tông lên làm vua, gọi là Trang Tông.

Để mưu đồ đại sự, Nguyễn Kim (1467-1545) thu nạp kiện tướng ở tỉnh Thanh Hoá là Trịnh Kiểm, sau là rể của Nguyễn Kim. Năm Canh Tý (1540), Nguyễn Kim đem quân đánh chiếm Nghệ An và thu phục luôn cả Thanh Hoá. Nhưng bỗng dưng Nguyễn Kim chết vì ngộ độc (1545), mọi bình quyền về tay Trịnh Kiểm. Việt Nam lúc bấy giờ bị chia đôi: từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc, gọi là Bắc Triều. Từ Thanh Hoá trở vào là khu vực của nhà Lê hay gọi là Nam Triều.

 Nguyễn Kim mất, để lại hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng (1525-1613) cả hai tuy còn ít tuổi nhưng đã bộc lộ tài năng xuất sắc hơn người. Trịnh Kiểm không khỏi lo sợ cả hai sau này có thể tranh giành địa vị với mình, nên đã ngấm ngầm ngăn trở, và vì thế Nguyễn Uông chỉ mắc một lỗi nhỏ, Trịnh Kiểm cũng buộc Nguyễn Uông phải chịu phép gia hình. Nguyễn Hoàng thấy anh bị hại, sợ đến lượt mình, liền cử người kín đáo lên hỏi Trạng Trình. Trạng không trả lời cụ thể, chỉ đứng ngắm đàn kiến bò trên hòn non bộ trước sân nhà và thốt lên một câu:

“Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”

 Nghĩa là từ núi đèo ngang ở Quảng Bình kia có thể yên thân được muôn đời . Từ câu nói đó, Nguyễn Hoàng nghiệm ra rằng trạng Trình đã bày cho kế đi vào phương Nam lập nghiệp. Từ năm 1558 Nguyễn Hoàng vội vàng đến nói riêng với chị là bà Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phiá Nam, năm mậu ngọ (1558) đời vua Anh Tông Trịnh Kiểm tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá, phía Nam dãy Hoành Sơn. Nhờ thế mà lập nên cơ nghiệp của họ Nguyễn ở Đàng Trong, truyền nối lâu dài.
 
         Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, có lòng nhân đức, thu dụng hào kiệt giúp dân cho nên được lòng dân kính phục. Trấn giữ đất Thuận Hóa, mở đầu cho triều đình nhà Nguyễn từ từ khai phá cho đến vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

        Ngoài ra rất nhiều lời sấm được lưu truyền qua dân gian nhiều lời bàn diễn giải khác nhau câu : ” Cẩu vĩ trư đầu, xuất thánh nhân ” ứng nghiệm vào việc vua Gia Long lên ngôi từ (1802-1819) thống nhất sơn hà vào năm Nhâm tuất ngày 02-05-1802. trải qua 13 triều đại .Hoàng đế cuối cùng Bảo Ðại trị vì từ 1929 và thoái vị năm 1945 .

Tương truyền Trạng Trình nói trước nhà Mạc suy vong, tuy nhiên con cháu họ Mạc về đất Cao bằng tuy nhỏ nhưng được 3 đời là Mạc Kính Cung, Mạc Kinh Khoan và Mạc Kinh Vũ . Dòng dõi họ Mạc bị bắt, bị giết nhiều người đổi họ lưu lạc khắp nơi để mưu cầu sự sống

 Trạng Trình có 3 người vợ và 12 người con (7 trai 5 gái) các con trai đều có chức tước sau nầy. Ông mất ngày 28 tháng 11 năm đinh dậu, niên hiệu Diên Thành thứ 8 nhà Mạc (1585) hưởng thọ 94 tuổi. Trước khi chết, Trạng có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng:

             Bình sinh ta có tấm bia đá sẵn và đã sơn kia. Khi ta mất rồi, hễ hạ quan tài xuống phải để tấm bia đá ấy lên nắp rồi lấp đất. Chờ khi nào có khách tới viếng mộ và nói rằng: "Thánh nhân mắt mù" thì phải lập tức mời người ấy vào nhà, yêu cầu họ đổi hướng lại ngôi mộ cho ta. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau  sẽ suy đồi lụn bại đấy. Con cháu nghe lời, làm y như đã dặn. Nhưng chờ mãi đến năm mươi năm sau, mới có người khách đến nhìn mộ cụ một lúc rồi nói:

  Cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân gì chớ, hoạ chăng là thánh nhân mắt mù. Người trong họ nghe được, chạy về báo với trưởng tộc. Ông này vội vàng ra đón người khách Tầu kia về nhà, xin để xoay ngôi mộ kia lại. Ra đó là một nhà phong thuỷ (Feng Shui) trứ danh ở phương Bắc. Ông ta sang là để đi tìm xem di tích của Trạng, bấy lâu ông ta đã nghe tiếng đồn.

 Khi nghe vị trưởng tộc nói, ông ta sẵn lòng làm ngay, và tự đắc cho rằng mình giỏi hơn Trạng Trình. Ông ta bảo:  Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào lên rồi xoay lại, nhích đi một chút là được. Ông trưởng tộc bèn tụ họp con cháu lại, đưa thầy địa lý Tầu ra đổi lại ngôi mộ. Lúc đào đến tấm bia đá, ông ta làm lạ bảo đem rửa sạch xem những gì trên đó. Khi tấm bia được rửa sạch, mới thấy mấy câu thơ hiện ra: tạm dịch nghĩa:

 

Ngày nay mạch lộn xuống chân

Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu.

Biết gì nhữg kẻ sinh sau ?

Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ ?

 

Đọc tới đâu vị khách Tầu đổ mồ hôi hột đến đó, ra Trạng Trình mà ông ta nghe đồn là giỏi thật. So với Trạng, có lẽ ông còn thua xa.

             Năm 1930 Việt Nam Quốc Dân Ðảng lãnh tụ Nguyễn Thái Học (1901-1930) lãnh đạo cuộc tổng khởi nghiã ngày 10.2.1930 đánh Tây ở các tỉnh : Yên Bái, Hưng Hoá, Lâm Thao, Hải Dương, Kiến An. Thất bại bị Pháp đìên cuồng ném bom tàn phá làng Bảo an để trả thù. Có lời đồn Trạng Trình đã tiên đoán :

 Kìa kìa gió thổi lá rung cây

Rung Bắc rung Nam rung tới Tây

Tan tác kiến  kiều an  đất nước

Xác xơ cổ  thụ sạch am  cây

Lâm giang nổi gió mù thao cát

Hưng  địa tràn dâng hóa nước đầy

Một ngựa một yên ai sùng bái

Nhắn tin nhà vĩnh bảo cho hay „

 

            Thoát nạn sập nhà

 

Trước lúc mất, Trạng có giao cho con cháu một ống tre sơn son thếp vàng, bịt kín hai đầu, và dặn đúng năm tháng ấy, ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh Thống đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan thì sẽ cứu được tình thế gia đình. Khi Trạng mất, hằng trăm năm sau, con cháu Trạng lâm vào cảnh đói nghèo, sa sút, nhưng tuyệt đối không được mở ống ra xem trước thời hạn. Trạng còn dặn kỹ trừ quan Tổng đốc ra, không ai được mở ống, vì thế ống vẫn giữ nguyên vẹn. Trải qua bảy đời, cái ống tre ấy mới được rước lên dinh quan Tổng đốc, đúng ngày giờ đã ghi trong gia phả. Đang nằm nghỉ, nghe tin con cháu cụ Trạng mang thư đến gặp, quan Tổng đốc rất ngạc nhiên, không biết vì cớ gì, nên truyền cho vào, đồng thời quan ngồi dậy để đi ra cửa.

Quan Tổng đốc vừa bước khỏi giường nằm được mấy bước thì bỗng rầm một cái, chiếc sà nhà không biết bị mọt ăn hỏng từ bao giờ, rơi ngay xuống chỗ giường vừa nằm. Thật là một phen hú vía! Nếu ông không kịp ngồi dậy nhận thư Trạng, thì mạng ông đã khó mà sinh tồn. Quan Tổng đốc mở ống tre ra xem, thấy bên trong có một cuộn giấy, đề hai câu thơ:

Ngã giải nhĩ thượng lương chi ách, Nhĩ cứu ngã tử tôn chi bần

Nghiã là

Cứu người thoát nạn đổ nhà, Ngươi nên cứu cháu con ta khỏi nghèo

 Chưa hết kinh hoàng vì chuyện chiếc sà nhà vừa rơi xuống, ông thoát nạn nhờ ra lấy  lá thư. Quan Tổng đốc biết rằng trạng Trình đã cứu ông thoát chết, nên ông ta ân cần mời cháu trạng Trình về tư thất đãi hậu hỹ, sau đó đưa ra rất nhiều tiền để giúp con cháu cụ Trạng.

 

 Nguyễn Công Trứ  (1778-1858)  phá đền

Năm Minh Mạng (1791-1840) năm thứ 14, Nguyễn Công Trứ được vua điều đi khẩn hoang ở vùng Hải Dương, Nguyễn Công Trứ thấy địa thế cần phải đào con sông, đào sông thì phải phá đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông ra lệnh cho dân phu phá đền để khai phá công trường. Khi sai người đào mang bát hương ra, Nguyễn Công Trứ chợt thấy dưới bát hương có một tấm bia đá nhỏ phủ vải điều. Nguyễn Công Trứ lau sạch đọc được các câu đã ghi :

 

Minh Mạng thập tứ

Thằng Trứ phá đền

Phá đền phải làm đền

Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay

 Nguyễn Công Trứ lập tức thảo sớ về kinh, xin bãi bỏ lệnh phá đền. Ông còn cho người sửa sang lại đền Trạng khang trang hơn. Từ đó, ông không còn nghĩ đến việc phá đền để đào sông nữa.

 

  Cha con thằng Khả

Tục truyền trong làng có cha con ông Khả đi bắt dế (chuột) kiếm sống. Khi đến bên mộ Trạng, hai cha con vướng víu thế nào lại làm đổ tấm bia trên mộ. Dân làng rất sùng kính trạng Trình, nên khi thấy bia mộ bị đổ, họ nổi giận bắt cả hai cha con, kêu nộp phạt ba quan tiền mới tha, vì khi tấm bia đổ xuống thấy có hàng chữ ở sau:

Cha con thằng Khả. Đánh ngã bia tao

                              Làng xóm xôn xao.Bắt đền quan tám

Cha con ông Khả chịu nộp phạt, nhưng dân làng phải tha cha con về nhà chạy tiền. chỉ tìm được có một quan tám, dân làng không chịu, cha con ông Khả ngẫm nghĩ mới tìm được cách, cha con bèn nói với dân làng:  Cha con tôi bị Trạng Trình bắt phạt có quan tám, "Tam quán" nói lái lại thành quan tám . Ðúng như cha con ông Khả đã tìm đủ số tiền

Thơ văn của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Kiêm còn lại hơn 100 bài trong bộ Bạch Vân Thi Tập, được dịch ra chữ quốc ngữ thơ mang nặng tình người, khuyên người đời biết điều nhân nghĩa, ngoài ra còn một số giai thoại truyền tụng trong nhân gian…. và những lời sấm ký có giá trị.

1/  ứng nghiệm về sau nhà Lê khôi phục

2/ ứng nghiệm nhà Trịnh giữ nhà Lê

Tài liệu tham khảo

 

Việt Nam Sử lược : Trần Trọng Kim

Tự Ðiển nhân vật lịch sử : Nguyễn Quyết Thắng

Những câu chuyện lịch sử tập 3 : Trần Gia Phụng

Thái Ất thần Kinh nhà xuất bàn văn Hoá

 

Nguyễn Quý Đại

nguyenquydai@khoahoc.net

Nguồn: http:/www.khoahoc.net





Nguyễn Bỉnh Khiêm

Hoàng Điệp

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) nhà thông thái triết học lớn


Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, mất năm 1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc (cháu ngoại quan thượng thư Nhữ Văn Lan) có học vấn, cả hai thân mẫu đều là những người có văn tài học hạnh nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương. Nhất là phụ mẫu của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tương truyền bà là người giỏi giang văn tài và tinh thông địa lý, tướng số. Ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cất tiếng khóc chào đời, thấy con mình có tướng mạo khác thường, bà đã dốc lòng đào tạo con trai thành một tài năng giúp nước, cứu đời. Niềm thôi thúc đó khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Với trí tuệ mẫn tiệp, thông minh từ nhỏ, lại gặp thầy giỏi khác nào như rồng gặp mây. Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm thành tài năng kiệt xuất nổi tiếng. Và sau này, tài học vấn uyên thâm của ông đã vượt xa thầy. Tương truyền Lương Đắc Bằng là người giỏi lý học, đã đem sách Thái ất thần kinh ra dạy cho học trò, nhưng có những điều trong sách ấy Lương Đắc Bằng cũng không hiểu được mà chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này mới tinh thông.

Lớn lên trong một giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, các phe phái trong triều đố kỵ, chém giết lẫn nhau. Năm 1572, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra một triều đại mới. Thế là suốt cuộc đời thanh niên trai trẻ, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống trong ẩn dật, không thi thố được tài năng. Mãi tới năm 1535. Lúc này đã 45 tuổi, ông mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình). Triều đình nhà Mạc rất trân trọng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông hy vọng triều đại nhà Mạc có thể xây dựng lại đất nước. Lúc này, Mạc Đăng Dung đã nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh và rút về làm Thái thượng hoàng. Doanh là người tỏ ra có chí khí đảm lược. Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà học giả uyên thâm, một trí thức dân tộc đã nhìn thấy điều đó. Và ông hy vọng: với nhân vật này, triều đại mới có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng rối ren mà vua tôi nhà Lê và các tập đoàn phong kiến trước đó gây ra.

Nhưng niềm tin đó bị thất vọng. Là một học giả, học rộng biết nhiều, trong thơ ông hay nhắc tới sự thăng trầm "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành nương dâu) của trời đất, tạo vật và cuộc đời trôi nổi như "phù vân". Ông thương xót cho "vận mệnh" quốc gia và cảm thông sâu sắc tình cảnh của "dân đen", "con đỏ". Ông thật sự mong muốn đất nước thịnh vượng, thái bình. Tương truyền, hình như để tránh những cuộc binh đao khói lửa, tương tàn cho chúng dân và nhìn thấy trước thời cuộc, "vận mệnh" của đất nước trong hoàn cảnh ấy chưa thể có những lực lượng đảm đương được việc thống nhất, nên khi các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, ông đều bày cho họ những phương sách khác nhau để giữ thế "chân vạc". Năm 1568, Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm sát hại, lo cho "số phận" nên đã ngầm cho người hỏi kế an thân, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (ngụ ý nói: Dựa vào một dải Hoành sơn có thể lập nghiệp được lâu dài). Thế là Nguyễn Hoàng tức tốc xin anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa (từ Đèo Ngang trở vào).

Tại Thăng Long, thời ấy chúa Trịnh cũng ra sức ức hiếp vua Lê và muốn phế bỏ, liền cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không trả lời và lẳng lặng dẫn sứ giả ra thăm chùa và nói với nhà sư: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản", ngụ ý muốn khuyên chúa Trịnh cứ tôn phò nhà Lê thì quyền hành tất giữ được. Nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao. Còn đối với nhà Mạc, sau những cuộc chiến tranh liên miên, phải bỏ chạy lên Cao Bằng thế thủ, vua Mạc cho người về hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã trả lời: "Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể" (Cao Bằng tuy đất hẹp, nhưng có thể giữ được vài đời). Quả nhiên, mãi đến năm 1688, sau ba đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt. Các truyền thuyết trên đây muốn chứng tỏ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài tiên đoán, đo nắm được bí truyền của sách Thái ất thần kinh. Vả lại còn truyền thuyết nữa về Trạng Trình với tập Trình quốc công sấm ký. Tương truyền trong tập sách đó, ông đã tiên tri và biết trước các sự việc nhân tình thế thái, thời cuộc xảy ra "năm trăm năm sau". Thực, hư thế nào, còn là vấn đề cần phải nghiên cứu khẳng định hay phủ định của các nhà học giả Việt Nam sau này để trả lại giá trị xứng đáng cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đương nhiên, một điều cần khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm thật sự là nhà học giả "thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự" (trên trời hiểu thiên văn, dưới đất tường địa lý, ở giữa hiểu con người).

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như: Tập thơ Bạch Vân (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại) và hai tập: Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Ông phê phán gay gắt bọn tham quan ô lại hút máu, hút mủ của dân. Thơ ông còn truyền đạt cho đời một đạo lý đối nhân xử thế, đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Vì thế khi về ở ẩn, ông vẫn mở trường dạy học, mong đào tạo cho đời những tài năng "kinh bang tế thế". Học trò của ông cũng có người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền...

Có thể nói ở thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn của Việt Nam. Tư tưởng triết học của ông "không bận tâm đi vào xu hướng duy lý... đi tìm khái niệm bản thể luận như Lão Tử, như triết học Phật giáo hay cái phóng nhiệm nhiều lúc đến ngụy biện của Trang Tử. Ông hiểu sâu sắc triết học Tống Nho nhưng không đi vào sự câu nệ vụn vặt, không lý giải quá sâu cái lý, có khi rắc rối, hoặc chẻ sợi tóc làm tư để tìm hiểu, biện giải nhiều thứ mơ hồ rối rắm trong những khái niệm hỗn tạp đó. Với sự uyên thâm vốn có, ông được triều đình nhà Mạc và sĩ phu đương thời phong là Trình tuyền hầu, tức là một vị Hầu tước khơi nguồn dòng suối triết học của họ Trình (tức Trình Di, Trình Hiện - hai nhà triết học khai phá ra phái Lạc Dương của Tống Nho), hoặc đời còn gọi ông là cụ Trạng Trình. Tuy vậy, triết học của ông là triết học đã được sống dậy, biểu hiện trong thơ như sự gợi ý mách bảo của cuộc sống thực tiễn. Ông chắt lọc từ trong nhận thức triết học mà mình thu lượm được, phép biện chứng nhìn bên ngoài có vẻ như thô sơ để giải đáp nhiều hiện tượng tự nhiên và xã hội nảy sinh ở quanh mình. Trong thơ ông, ngoài mặt triết lý nhân sinh, nổi bật lên những suy ngẫm chiêm nghiệm, đúc kết như muốn vươn lên khái quát "luật" đời bằng những phạm trù triết học. Vì lẽ đó, ông rất hay dùng đến những cặp phạm trù đối lập như: đen - trắng, tốt - xấu, đầy - vơi, sinh - diệt, vuông - tròn, để giãi bày quan niệm triết lý nhân sinh của mình.

Tuy nhiên, "một hạn chế dễ nhận thấy trong tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tuy nắm được phép biện chứng, nhưng vẫn nặng về duy tâm. Quan niệm về sự phát triển của ông còn nằm trong khung tròn khép kín chứ chưa phải là vòng tròn xoáy ốc. Đó là sự phát triển tuần hoàn, là cái phép biện chứng của Chu dịch... ông đã nhận được trong nền giáo dục Nho học đương thời, cộng với phép biện chứng thô sơ của Lão Tử trong Đạo đức kinh. Đó cũng là những hạn chế đương nhiên của rất nhiều nhà triết học cổ đại" (Đào Thái Tôn).

Nhìn lại toàn bộ tiến trình lịch sử và con người thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm(1) xứng đáng là "cây đại thụ", nhà học giả, nhà triết gia của thế kỷ.


* Giai thoại về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
--------------------------------------------------------------------------------

(1) Còn có biệt hiệu là Tuyết Giang Phu tử

Nguồn: http://vietsciences.free.fr


Nguồn: http://vi.wikipedia.org






La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp


Chuyện kể về La Sơn phu tử

--- không rõ tác giả ---


Trong lịch sử nước nhà có hai nhân vật được tôn hiệu là phu tử (bậc hiền triết) đó là Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Hai nhân vật cách nhau gần 200 năm. Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đỗ đạt tuyệt đỉnh: Trạng Trình và Trình Quốc công còn La Sơn phu tử chỉ đỗ cử nhân (Hương giải), lận đận trong đường khoa cử và chỉ làm quan triều Lê tới tri huyện rồi giữa chừng treo ấn từ quan về sống ẩn dật trên núi Thiên Nhẫn (nay thuộc Hà Tĩnh). Cả hai đều là nhân vật trung tâm của thời đại, chủ yếu do thời cuộc biến loạn tạo nên một nhân cách đặc biệt. Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ trạng nguyên ở đời Mạc rồi ra làm quan thời Mạc, cuối đời trở về mở trường dạy học bên dòng Tuyết Giang, vừa đào tạo nhân tài, vừa tu luyện tâm đức bằng sấm ký để đời soi sét. La Sơn phu tử cũng vậy, sau khi từ quan lại mở trường dạy học trò, vui thú điền viên và ngao du sơn thuỷ. Điểm chung thứ 2 là cả hai bậc hiền triết đều được các đời vua chúa trọng nể, hỏi xin ý kiến. Việc vua Lê, vua Mạc rồi chúa Trịnh, chúa Nguyễn với Nguyễn Bỉnh Khiêm tới hỏi về hậu vận đã được sử sách chép truyền. Với La Sơn phu tử cũng vậy, năm 1789 chúa Trịnh Sâm khi muốn thoán đoạt ngôi vua Lê đã vời cụ ra để dạm hỏi ý cụ, cụ đã can ngăn chúa Trịnh đừng tiếm ngôi vua. ở thời thế ấy hiếm có ai dám thẳng ngay ngăn chúa như vậy!

La Sơn phu tử đã trải qua 3 triều đại, đặc biệt là giai đoạn hợp tác với nhà Tây Sơn. Nổi tiếng là chuyện La Sơn phu tử đã góp một câu nói giúp Quang Trung đại phá quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789: "Việc quân phải chóng". Sau ngày thắng trận trở về Phú Xuân, qua Nghệ An, vua Quang Trung lại vời ông tới để ban khen: "Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ". Từ lúc thi đậu cử nhân khi mới 20 tuổi, La Sơn phu tử đã tỏ chí ẩn dật, không ham hố quan trường. Nét đặc biệt của La Sơn phu tử nổi rõ trong một hoàn cảnh éo le khi nhà Tây Sơn nổi lên và triều Lê mạt vận, giặc Thanh theo gót vua Lê Chiêu Thống tràn sang. Cũng giống các sỹ phu thời bấy giờ, La Sơn phu tử cũng ngóng thờ vua Lê mà thôi, nhưng với nhãn quan thời thế xa rộng, cụ đã hợp tác với nhà Tây Sơn như một lẽ tự nhiên. Ban đầu là vì nghĩa cử, khi có giặc ngoại xâm thì sẵn sàng dẹp bỏ mọi niềm riêng vì nghĩa nước. Điều đó thể hiện ở câu nói giúp vua Quang Trung phá tan quân Thanh nhanh chóng. Nhưng khi vua Quang Trung phá tan quân Thanh ngỏ ý vời cụ ra làm quan 3 lần thì đều bị cụ từ chối. Cuối cùng mới nhận chức đứng đầu Sùng Chính Viện - như Thượng thư bộ học - góp phần cải cách nền giáo dục ở triều đại mới.

Nguồn: http://www.suutap.com



Nguyễn Thiếp

Nguyễn Thiếp (25 tháng 8 năm Quý Mão 1723-1804), tên hiệu phổ biến là La Sơn phu tử, huý là Minh, tự là Quang Thiếp, quê làng Mật Thôn, xã Nguyệt Úc hay Nguyệt Áo (tục gọi là Nguyệt Ao), tổng Lai Thạch, huyện La Sơn. Tổng La Thạch sau này lại thuộc về huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Thiếp sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi vọng tộc, là con cháu Lưu Quận công, Cao tổ của Phu tử là Nguyễn Bật Lạng đậu Bảng nhãn (dưới Trạng Nguyên, trên Thám Hoa) trong một Chế khoa dưới triều Lê Thần Tông niên hiệu Thịnh Đức nguyên niên (năm 1633). Năm 20 tuổi (1743) ông đỗ giải Hương, đến năm 26 tuổi, ông đi thi Hội một khoa vào tam trường. Từ đây, ông thề không đi thi nữa, và quyết tâm dứt bỏ con đường sĩ hoạn, chỉ vì ông thấy rõ lối học từ chương, khoa cử chẳng những vô ích cho bản thân và quốc gia, mà còn di hại cho tiền đồ Tổ quốc và hậu thế không ít.

Năm 1756, ông làm Huấn đạo rồi năm 1762 thăng Tri phủ. Năm 1768 từ quan về ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn, Hà Tĩnh. Chúa Trịnh Sâm nhiều lần cho mời nhưng ông không ra tham chính nữa. Đặc biệt là ông có đi thăm mộ Phạm Viên (Tiên ông đắc đạo) và thăm Bạch Vân Am của Nguyễn Bỉnh Khiêm vào lúc 55 tuổi và 58 tuổi (1777-1780).

Nguyễn Thiếp có nhiều tên tự hay tên hiệu, hoặc do ông tự đặt, hoặc do người đương thời xưng tặng, chẳng hạn: Lam Hồng Dị Nhân, Khải Xuyên, Lạp phong cư sĩ, Điên ẩn, Cuồng ẩn, Hạnh am, Hầu lục niên, Lục niên Tiên sinh, La Giang phu tử, La Sơn phu tử...

 Quan Hệ vơí Tây Sơn

Đầu năm 1787, Nguyễn Huệ sai 4 viên quan cao cấp ở bộ Binh và bộ Hình mang thư đến mời Nguyễn Thiếp. Bức thư có đoạn: "Đã lâu nay nghe tiếng Phu tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt, để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc…". Vốn là một ẩn sĩ, lại chưa hiểu Nguyễn Huệ, nên lần đầu nhận thư, Nguyễn Thiếp đã khéo léo đưa ra 3 lý do để từ chối. Tháng 8 năm 1787, Nguyễn Huệ lại cử quan Lưu Thủ là Nguyễn Văn Phương đưa thư mời La Sơn Phu Tử. Lời lẽ trong thư lần này thống thiết, chân tình: "Phu tử là danh sĩ hơn đời: vì định bụng không chịu cùng quả đức chứng khởi thiên hạ, nên mới nêu ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ như thế này, mà Phu tử nhất định ẩn không ra, thì sinh dân thiên hạ làm sao… Mong Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có thầy mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi". La Sơn Phu Tử lại từ chối. Ngày 13 tháng 9 năm Thái Đức thứ 10 (1787), Nguyễn Huệ lại sai quan Thượng thư bộ Hình là Hồ Công Thuyên dâng lá thư thứ ba lên Nguyễn Thiếp. Phần kết của lá thư có đoạn: "Mong Phu tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng; lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân mà ra dạy bảo, giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo, khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thầy, và đời này được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm". Nhưng, một lần nữa La Sơn Phu Tử vẫn chối từ.
Song, Nguyễn Huệ không nản lòng. Cuối năm 1787, ở ngoài Bắc Hà, Vũ Văn Nhậm cậy thế lộng quyền. Trên đường kéo quân ra Bắc trị tội Nhậm, Nguyễn Huệ nghỉ lại tại Nghệ An, đồng thời cho người đưa thư mời và rước La Sơn Phu Tử tới. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp gặp nhau. Theo sách Lê mạt tiết nghĩa lục, trước khi chia tay La Sơn Phu Tử, Nguyễn Huệ đã phải thốt lên: "Người ta đồn rằng Tiên sinh là kẻ sĩ của thiên hạ. Tiếng ấy thật không ngoa".

Thế nhưng, La Sơn Phu Tử vẫn chưa đồng ý ra giúp Nguyễn Huệ, phụng sự nhà Tây Sơn. Mãi đến khoảng cuối năm 1788 Nguyễn Thiếp mới bắt đầu trở thành "quân sư" cho Nguyễn Huệ - Quang Trung. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Huệ kéo đại quân Tây Sơn ra Bắc quyết chiến với quan xâm lược Mãn Thanh. Trên đường hành quân, Quang Trung ghé lại Nghệ An thăm hỏi La Sơn Phu Tử. Nhà vua hỏi: "Quân Thanh sang đánh, nay ta đem quân chống cự, về kế công thủ và số được thua, tiên sinh cho biết thế nào?" . Nguyễn Thiếp bình thản: "Nay trong nước trống không, lòng người li tán. Quân Thanh ở xa lại, tình hình quân ta sức mạnh sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay. Chúa công ra chuyến này chẳng qua mươi ngày là giặc Thanh sẽ tan". Nhận định của La Sơn Phu Tử thật sâu sắc. Dựa vào sự phân tích này vua Quang Trung đã không ngần ngại tuyên bố trước ba quân, tướng sĩ: "Nay ta tới dây thân đốc việc binh, kế chiến thủ ra sao đều đã có phương lược định sẵn. Chỉ nội mười ngày nữa, thế nào ta cũng quét sạch giặc Thanh". Đồng thời, đức vua quả quyết: "Nay hãy ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến mồng bảy tháng giêng, vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng như vậy không".

Quả nhiên, nhận định của La Sơn Phu Tử giống như lời tiên tri. Đúng vào ngày mồng 5 tháng giêng năm Kỉ Dậu (1789), quân Tây Sơn đã đập tan 30 vạn quân Mãn Thanh, tiến vào giải phóng Thăng Long. Sau ngày đại thắng, Quang Trung không quên ơn La Sơn Phu Tử. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, nhà vua thổ lộ: "Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Tiên sinh hẳn có thế thật". Đồng thời, ngài ban chiếu cấp cho Nguyễn Thiếp thuế xã Nguyệt Ao để làm tuế bổng và ban lộc dưỡng lão cho ông.

La Sơn Phu Tử chính thức hợp tác với nhà Tây Sơn vào năm 1790. Tháng 10 năm ấy, vua Quang Trung ban chiếu lập Viện Sùng Chính và cử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Kể từ đó, La Sơn Phu Tử đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với nhà Tây Sơn và Quang Trung nói riêng. Với cương vị Viện trưởng Viện Sùng Chính, Nguyễn Thiếp đã đề ra những cải cách về văn hóa, giáo dục của nước nhà cuối thế kỷ thứ XVIII. Trong đó, công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Cùng với các đồng sự ở Viện Sùng Chính, La Sơn Phu Tử đã dịch nhiều bộ sách quan trọng từ Hán tự sang Nôm, như các bộ: Tiểu Học, Tứ Thư (gồm 42 tập) và các bộ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch… Đồng thời, La Sơn Phu Tử còn là một nhà giáo có công lớn đối với nền giáo dục nước nhà. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung (tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789), Nguyễn Thiếp được cử làm Chánh Chủ khảo. Đáng lưu ý, La Sơn Phu Tử đã được Quang Trung tin tưởng giao cho việc thẩm định đức độ và tài năng của những người mới ra hợp tác với nhà Tây Sơn. Đặc biệt, ngoài Viện Sùng Chính, La Sơn Phu Tử còn được vua Quang Trung giao phó một nhiệm vụ cực kì hệ trọng. Đó là việc chọn địa điểm để xây dựng kinh đô mới của triều đại nhà Tây Sơn tại khu vực giữa núi Kỳ Lân và núi Phượng Hoàng (Nghệ An). Kinh đô mới được đặt tên Phượng Hoàng Trung Đô. Tiếc rằng công việc đang tiến hành dang dở thì vua Quang Trung đột ngột băng hà.

Quang Trung qua đời, Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, mọi quyền bính rơi vào tay Bùi Đắc Tuyên. Đáng lo ngại là nội bộ của triều đại nhà Tây Sơn ngày càng rạn nứt, "chia 5 xẻ 7". Trước bối cảnh đó La Sơn Phu Tử quyết định xin trả lại lộc dưỡng lão mà Quang Trung ban cho trước đây. Chuyện kể rằng, sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh - Gia Long có cho người mời La Sơn Phu Tử đến và hỏi: "Ngụy Tây Sơn mời Tiên sinh làm thầy, Vậy Tiên sinh dạy nó ra sao?". Nguyễn Thiếp ung dung trả lời: "Có tám điều trong sách Đại Học, có chín điều trong sách Trung Dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được". Thế rồi, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp lại trở về vùng núi Thiên Nhẫn làm một ẩn sĩ. Gia phả họ Nguyễn ở Mật Thôn - Nguyệt Ao, chép rằng: "Cụ ở lại trên núi, tự lấy làm vui, không bận lòng đến việc trần ai nữa".

 Tác Phẩm

Ông để lại tác phẩm Lạp Phong văn cảo, Hạnh am thi cảo gồm hơn 100 bài thơ chữ Hán và một số bài từ. Những di cảo về chữ Nôm còn lại rất ít, trong số đó đáng chú ý là bài “Qua Luỹ Sơn”. Thơ Nguyễn Thiếp bàn về thế thái nhân tình. Nguyễn Thiếp không tố cáo xã hội, nhưng qua thơ ông cũng thấy nạn tham quan ô lại đang đục khoét dân lành. Lời thơ mộc mạc, chân chất, ít điển tích, không có hình ảnh độc đáo.

Nguồn: http://vi.wikipedia.org


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Nhị Vị Phu Tử
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc
và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ.



Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt