Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com



 

Tâm Nguyện

 

 

Thế kỷ 21 vừa được 5 tuổi.

Trong buổi bình minh của thế kỷ và thiên niên kỷ mới nhìn lại chặng đường mang nặng tính cách bi hùng của 30 năm qua - một chặng đường đầy rẫy những thương đau, tủi hận, nhưng cũng rực sáng tinh thần nỗ lực chiến đấu và niềm tin vũng chắc ở tương lai - một chặng đường gian nan, vất vả, tứ tán phân ly trong thân phận những người tỵ nạn, nhưng đồng thời cũng là chặng đường nối kết những nỗi niềm riêng của hàng triệu đồng bào Việt Nam ở khắp nơi nơi, tạo thành một địa bàn sinh hoạt chung, từ đấy cùng hướng về quê cha đất tổ với những ước vọng chung cho tương lai dân tộc.

 

Ba mươi năm qua, kể từ 1975 đến 2005, về mặt tích cực, người Việt tỵ nạn ở khắp nơi trên toàn thế giới đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của dòng giống Việt qua những thành tựu đầu tiên trên đủ mọi lãnh vực.

 

Hồi tưởng lại mới ngày nào còn mang đầy những nét kinh hoàng của cuộc vượt biển trong ánh mắt thất thần, những vết thương chí tử của một lần khánh kiệt trên khuôn mặt hốc hác, những con người được gọi là "thuyền nhân", lớp trước lớp sau, được đưa đi định cư ở khắp các bến bờ bao dung trên thế giới. Khi mới đến các quốc gia  "tạm dung" ấy, hầu hết chúng ta chỉ còn có trên mình một bộ quần áo tả tơi chưa ráo mùi nước biển, vậy mà nay không thiếu gì những vị đã tay trắng làm nên triệu phú, có người đã thành tỷ phú... Người ta có thể nhìn thấy những thành công như vậy dường như trong tất cả mọi lãnh vực. Nhìn vào những thành tích trên lãnh vực tôn giáo chẳng hạn, từ chỗ không có đến một trái nhà chật hẹp để tạm làm nơi thờ phụng và quy tụ đạo hữu, đến nay đã vươn lên khắp nơi những ngôi Phật tự, những Giáo đường, Thánh thất... tráng lệ tôn nghiêm.

 

Phần lớn các gia đình người tỵ nạn, tuy không đạt được những thành công rực rỡ như thế, nhưng thời gian 30 ấy phải chăng đã tạm đủ để cho thế hệ các bậc cha anh rũ bớt những lớp đau thương, bề bộn, tạo dựng cơ sở vững vàng cho thế hệ kế tiếp vươn lên. Kế thừa những nỗ lực ấy, thế hệ con em dường như nay đã đủ ổn định để hội nhập thành công vào những nếp sống mới. Hoa thơm trái ngọt đã đua nhau triển nở. Trên đường học vấn cũng như phục vụ, hầu như ở bất cứ lãnh vực nào tuổi trẻ cũng đã có những thành tựu đáng kể, từ chính trị, kinh doanh, cho đến khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, nhân văn, xã hội, ...; chúng ta đã có một Lớp trẻ VN đông đảo có trình độ cao của thời đại siêu kỹ thuật. Nhìn vào những thành tích rực rỡ của lớp con em tại tất cả những quốc gia phát triển trên khắp thế giới chúng ta không thể không hãnh diện. Sức vươn vai của tinh thần Phù-Ðổng đã thành hiện thực.

 

Trong niềm hãnh diện pha lẫn ngưỡng mộ về những thành tích kể trên, tôi chợt vui mừng nghĩ rằng tập thể người Việt tỵ nạn chúng ta nay đã thật sự vững vàng trong giai đoạn hội nhập vào các nếp sống mới. Song lại lạm nghĩ rằng tất cả những thành tích và thành tựu của toàn thể cộng đồng người Việt hải ngoại trong suốt 30 năm qua sẽ trở nên và chỉ trở nên trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa, nếu như Tập thể người Việt tỵ nạn chúng ta xác lập được bản sắc dân tộc Việt trong mọi hoàn cảnh sinh hoạt và trên tất cả mọi phần đất tạm dung.

 

Mỗi cộng đồng tỵ nạn hoặc di dân trên khắp thế giới, trên bước đường lưu lạc và hội nhập của họ, đều mang theo ít nhiều cái bản sắc dân tộc của mình trong nếp sống.

Bản sắc dân tộc của chúng ta là gì?

 

Chắc hẳn ấy không phải chỉ là sự thông minh, sáng tạo, cần cù, kiên nhẫn, ... được chứng tỏ ở các thành tích học giỏi, làm giầu nhanh chóng... mà thật ra, đối với truyền thống Việt , đối với tinh thần Việt còn bàng bạc hồn ca dao tục ngữ, ấy chính là sự ràng buộc vô hình nhưng khắng khít với quê hương nguồn cội; ấy là tự thấy mình tuy xa quê hương xứ sở nhưng không rời nguồn gốc; ấy là ai nấy đều luôn luôn hãnh diện cộng đồng mình tuy là một tập thể lưu lạc nhưng không phải một tập đoàn lưu vong, mất gốc. Cái điểm mạnh của cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta chính là ở chỗ đã duy trì được cái bản sắc "không xa lìa nguồn cội" muôn đời trân quý ấy.

 

Làm sao để xác lập cái bản sắc "Không xa lìa nguồn cội"?

Tôi lại xin lạm nghĩ, phương cách cụ thể là toàn thể người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới hãy cùng nhau chung sức góp công dựng lên một ngôi Ðền Thờ Tổ tương xứng với kích thước đang vươn cao của Cộng đồng Người Việt Hải ngoại. Ngôi Ðền Thờ Tổ ở hải ngoại, với tầm kích tinh thần của nó,  không những là biểu tượng muôn đời về nguồn gốc mà còn nên mang thực chất một Trung Tâm Văn Hoá Việt.

 

Một mặt khác, cộng đồng Người Việt tỵ nạn chúng ta tuy có nhiều ưu điểm và đã đạt được nhiều thành tích phi thường như trên đã nói, nhưng đồng thời cũng không thiếu những nhược điểm. Một trong những nhược điểm được trông thấy rõ rệt nhất là người Việt chúng ta thường ít chịu lắng nghe để biết khoan dung, từ đấy nẩy sinh quá nhiều mối bất đồng, và như một hệ luận, lòng đố kỵ, tỵ hiềm cũng trở nên khá phổ biến. Một nhược điểm lớn khác là niềm tin ở truyền thống dân tộc đang mất dần nơi các thế hệ đang lớn lên. Chính những nhược điểm này đã là những đám mây mờ che khuất tầm nhìn của cộng đồng chúng ta và làm suy giảm đi phần nào sức vươn lên của tinh thần và tiềm năng Việt. Vì vậy sự đồng tâm hợp lực xây dựng một ngôi Ðền Thờ Quốc Tổ - Trung tâm Văn hoá Việt - sẽ tạo nên trong vô hình một làn vi ba bất tận có năng lực xua tan những đám mây mờ kia đi để làm hiển lộ những nét trong sáng, rực rỡ của truyền thống Việt trong cộng đồng thân yêu của chúng ta.

 

Một lẽ khác nữa, lịch sử dân tộc ta từ thời lập quốc đến nay vốn là một chuỗi dài chiến đấu liên tục để tự tồn. Có lẽ từ ngàn xưa người dân Việt qua các cuộc dâu biển, vật đổi sao dời đã biết đem linh vị Tổ tiên và các bậc tiền nhân vào trong tâm hồn để bảo tồn, thờ kính với tinh thần "Trì thủ ân nghĩa". Thật ra khi nói có Tổ tiên ở trong lòng, ấy là lối nói có tính cách biểu tượng. Người dân Việt có lẽ từ ngàn xưa đã ý thức rất sâu đậm là trong từng giọt máu, từng thớ thịt, từng tế bào cuả tự thân đã có sẵn cái mầm tinh anh, khí phách của Tổ tiên, ông bà, cha mẹ; cho nên phải làm sao cho xứng đáng với công ơn người xưa và không làm hoen ố dòng máu tinh anh ấy. Có lẽ cũng chính vì vậy mà trong truyền thuyết Tiên Rồng, Ðức Thủy Tổ Lạc Long Quân khi chia tay cùng Tổ mẫu Âu Cơ đã kết thúc bằng lời căn dặn: "Mỗi khi gặp nguy khốn thì các con hãy kêu lên: Bố ơi ở đâu về cứu lấy chúng con!".  Lời kêu cầu ấy phải chăng chính là lời tự nhắc nhở rằng: khi gặp bước nguy khốn, hết lối thoát, thì hãy tự đánh thức và làm tự chỗi dậy tinh thần Tự chủ, Bất khuất, tinh anh, khí phách vốn sẵn có trong dòng máu của giống nòi. Linh vị, đền đài thờ kính vì vậy đã trở thành phương tiện nhắc nhở, là những hình thức cần thiết để thức tỉnh mọi người về truyền thống cũng như về tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ.

 

Những bài học về luân lý thì thường có thể chuyển dịch theo thời gian và không gian, nhưng những gì thuộc về lẽ gốc thì bất biến. Gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc là lẽ gốc của một cộng đồng dân tộc, và trong hoàn cảnh của đất nước, ấy chính là lẽ gốc của cộng đồng VN hải ngoại chúng ta. Với ý nghĩ ấy, tôi xin thành tâm khẩn cầu đồng bào Việt Nam ở hải ngoại hãy dành cho Tâm nguyện nhỏ bé này một phút suy tư. Sau hết, người ta thường nói con đường ngắn nhất để thể hiện một thiện chí là hành động. Nếu cộng đồng chúng ta thành tâm hành động, chung sức dựng được một ngôi Ðền Thờ Tổ - Trung tâm Văn hoá Việt thì niềm tin tất sẽ được dựng lại nơi các thế hệ kế thừa.

 

Ðể có những đề nghị cụ thể, chúng tôi xin mạo muội nêu lên một số gợi ý có tính cách tổng quát và hết sức chủ quan như sau:

 

1- Ngoài những Nhà Thờ Quốc Tổ ở các địa phương để những ngày lễ tết đồng bào tụ tập hành lễ tưởng niệm, tập thể người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới chung đồng xây dựng một ngôi Ðền Thờ Quốc Tổ - Trung tâm Văn hoá Việt - có tính cách quy mô, nói lên được tinh thần tự chủ, bất khuất của dân tộc. Ðền Thờ Tổ có thể được xây dựng ở bất cứ châu nào có nhiều điều kiện thuận tiện nhất như châu Mỹ, châu Âu, châu Úc (hay mỗi châu có được một công trình chung thì càng quý).

 

2- Ðền thờ Quốc Tổ - Trung tâm Văn hoá Việt là tập hợp các công trình sáng tạo, vừa có kiến trúc cổ truyền, vừa mang đường nét thời đại, và là công trình đóng góp tâm trí, kỹ thuật, nghệ thuật, tài lực, vật lực...  của tập thể người Việt hải ngoại; nó đòi hỏi một khả năng điều hợp tuyệt cao.


 

3-Ðền thờ Quốc Tổ - Trung tâm Văn hoá Việt sẽ là nơi để người Việt hải ngoại đến hành hương, chiêm bái. Các thế hệ trẻ sẽ gặp ở đấy đất nước và lịch sử Việt Nam qua những kiến trúc thu nhỏ, những mô hình, bích họa... , thí dụ như : Ải Chi-Lăng, Gò Ðống-Ða, Tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm, vịnh Hạ-Long, lăng tẩm Huế, vịnh Hà-Tiên, Sài-gòn, ... gợi lên những ấn tượng sâu đậm về quê hương, về lịch sử, địa lý, danh lam thắng cảnh Việt Nam. Các lớp trẻ của cộng đồng hải ngoại có biết về quê hương mới nẩy nở tình yêu quê hương, từ đó mới sinh lòng tưởng nhớ công ơn Tổ tiên và các bậc tiền nhân, để sẽ sẵn sàng đóng góp mai sau cho dân tộc, đất nước.

 
Trên đây chỉ là những gợi ý hết sức khái quát và sơ sài. Xin được trân trọng gửi tới quý vị để cùng nhau suy nghĩ và đóng góp.

 
              Trân trọng,

            Lê Linh Thảo

 



Vài Nét Về Tác Giả


Trước năm 1975 cụ dạy môn Việt văn ở các trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Hưng Ðạo, Bồ Ðề, v.v…


Nhiều người quen biết nhận xét rằng cựu Giáo Sư Lê Linh Thảo “văn võ song toàn” vì ngoài việc dạy văn, ông theo Võ sư sáng tổ Vô Vi Nam Nguyễn Lộc học võ từ thời các võ sinh chưa có đồng phục, “còn phải mặc áo thun và quần xà lỏn đi học.”



Ðất nước chia đôi năm 1954, Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc di cư vào Nam. Sau khi Sáng tổ từ trần, Võ sư Lê Sáng lên làm trưởng môn; Võ sư Trần Huy Phong làm phó trưởng môn, cụ Lê Linh Thảo cùng với ông Trần Huy Phong phát triển Việt Ðạo tại miền Nam.


Sau biến cố 1975, cụ Lê Linh Thảo định cư ở Úc. Tình gắn bó với quê hương của cụ được thể hiện qua những sinh hoạt với tổ chức Dân Quân Yểm Trợ Phục Quốc VN, và việc sáng lập Tập Hợp Ðồng Tâm ở Sydney, kết hợp việc giỗ tổ Hùng Vương với mọi sinh hoạt của cộng đồng người Việt tị nạn ở Úc.



Hiện giờ cụ Lê Linh Thảo đặt trọng tâm vào các sinh hoạt văn hóa, vì với cụ “văn hóa, trong đó có công dân giáo dục, có tình yêu nước, là cái gốc của một dân tộc.”

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/Khach-trong-ngay-cuu-Giao-Su-Le-Linh-Thao-den-tu-Uc-Chau-0932/




 



Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang : Tâm Nguyện


www.vietnamvanhien.net (Tin tức cập nhật thường xuyên)
www.vietnamvanhien.org (Thuần ngữ -Tải nhanh)
www.vietnamvanhien.com (Kinh tế & Tài chính)
www.vietnamvanhien.info (Tủ sách Văn Hiến - Với  hơn 71
00 tác phẩm)

Email: thuky@vietnamvanhien.net

"Bất chiến tự nhiên thành" chi kế
Văn Hiến ngàn năm sử đã đề
Phá tan giặc Cộng bằng Tâm lược
"Nhân Chủ (tự chủ) - An Vi (an lạc)" khai lối về


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.