Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net




Tâm Tư Tổng Thống Thiệu
Nguyễn Tiến Hưng





GS Nguyễn Tiến Hưng ra mắt cuốn " Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" tại California


Nhân dịp kỷ niệm ngày Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tạ thế, 29 tháng Chín, xin đặc biệt giới thiệu một số chi tiết về những ngày cuối của ông tại Việt Nam, trong khung cảnh nhiễu nhương của miền Nam đang hấp hối. Tác giả là Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng tại một Đại học ở miền Đông Hoa Kỳ, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Ông có những quan hệ đặc biệt với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại sứ Graham Martin và sau 1975 đã thu thập dữ kiện, kể cả tài liệu sống của những người trong cuộc, để viết về thân phận Việt Nam Cộng Hoà. Sau cuốn “The Palace Files” bằng Anh ngữ xuất bản năm 1986, được Cung Thúc Tiến chuyển qua Việt ngữ, ông đã viết cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” cho độc giả Việt Nam, xuất bản năm 2005.

Tài liệu kế tiếp là cuốn sách có tựa đề “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” sẽ xuất bản nay mai. Đây là một phần trong Chương 18 của cuốn sách trên, liên hệ đến hoàn cảnh của Tổng thống Thiệu sau khi phải từ chức và ra khỏi Việt Nam. Chúng tôi xin cảm tạ tác giả và xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả…

Đám đông đứng dọc đại lộ ngước lên nhìn những chiếc phản lực xé mây tung cánh sắt. Trên đài danh dự, quan khách chăm chú theo rõi cuộc duyệt binh vĩ đại. Các binh chủng trong những bộ quân phục đủ mầu theo nhau diễn hành. Từng lớp rồi lại từng lớp, xe tăng thiết giáp lừ lừ lăn bánh, trông thật oai hùng. Bất chợt, một chiếc xe dừng lại ngay trước khán đài. Viên sĩ quan chỉ huy bước xuống, rồi đứng vào thế nghiêm giơ tay chào. Người chủ tọa ngồi ghế giữa đứng lên để chào lại. Nhưng ông vừa đứng lên thì tiếng súng nổ đùng đùng, một loạt đạn bắn xả vào hàng ghế danh dự.
Đó là quang cảnh tại Cairô vào ngày 6 tháng 10, 1981. Hôm ấy là ngày Ai Cập kỷ niệm chiến thắng Do Thái năm 1973. Tổng thống Anwar El Sadat hãnh diện chủ tọa cuộc diễn binh với những khí giới tối tân nhất. Khi ông đứng lên để chào người sĩ quan, những kẻ sát nhân từ trong xe nhảy bổ ra hô lên thật to “Death to Pharaoh,” (Chết cho Pharaô) rồi bắn ông ngã gục. Cùng chịu số phận với ông là một số quan khách, gồm cả Đại sứ Cuba, một tướng lãnh, và một giám mục.

Ngồi xem tivi chiếu cảnh này buổi sáng hôm ấy, chúng tôi giật mình nhớ lại câu chuyện Tổng thống Thiệu kể chỉ mới gần một năm trước đó. Ông kể rằng vào ngày Quân Lực năm 1974 (20 tháng Sáu), ông rất ưu tư về nguy cơ bị hạ sát trong lúc duyệt binh. Mà cũng dễ thôi, vì ông phải ngồi ngay trên khán đài để duyệt từng đoàn quân với đầy đủ vũ khí các loại, trên không thì A-37, F5 bay rợp trời, làm sao mà kiểm soát cho hoàn toàn được là tất cả vũ khí đều không có nạp đạn như luật lệ về diễn binh quy định? Nếu có âm mưu ám sát thì chỉ cần gài một vài người ăn mặc quân phục đeo súng có nạp đạn đi lẫn vào đoàn quân diễn hành là đủ rồi. Trong Chương 21, chúng tôi có trích dẫn về dịp ông Thiệu đi duyệt binh một lực lượng năm ngàn nhân dân tự vệ đầy đủ võ trang đứng dàn chào. Ông nói với nữ ký giả Oriana Fallaci: “Muốn giết tôi thì chỉ cần một viên đạn đến từ một khẩu súng là xong.”

Đó là hè 1974. Đến mùa xuân 1975 thì có vụ ném bom Dinh Độc Lập.

Trong suốt thời gian lãnh đạo, ông Thiệu đã gặp nhiều nguy hiểm, nhưng vụ ném bom sáng ngày 8 tháng Tư là lần đầu tiên hành động sát hại trở nên rõ ràng và cụ thể. Lúc ấy tin đồn thổi về đảo chính âm ỷ từ ngày này sang ngày kia. Sau khi mất Đà Nẵng thì đêm đêm, chúng tôi cũng thấy có nhiều binh sĩ canh gác tại các hành lang Dinh Độc Lập. Dù sao, độ nguy hiểm của vụ ném bom tương đối cũng không cao lắm, vì khuôn viên tòa nhà này rất rộng, thả vài quả bom mà trúng đúng mục tiêu thì cũng khó: khi chiếc máy bay nhào xuống thả bom đợt đầu, hai quả đã rơi xuống khu sân vườn.

Tuy nhiên, chỉ hơn vài tuần sau đó, âm mưu ám sát lần cuối cùng đã có xác suất thành công rất cao. Xuýt nữa thì ông Thiệu đi về thế giới bên kia chứ không phải sang Đài Loan. Và nếu như vậy thì hằng năm Lễ Tưởng Niệm ông sẽ là ngày 25 tháng Tư chứ không phải 29 tháng Chín. Chuyện này thì cho tới ngày tạ thế, chính Tổng thống Thiệu cũng không biết rõ. Bản thân chúng tôi cũng chỉ mới biết gần đây.

Đảo Chính, Đảo Chính!

Theo như chuyện Tổng thống Thiệu kể lại và nghiên cứu thêm thì chúng tôi đếm ra cũng đã có tới ít nhất là sáu lần ông bị đe dọa, hoặc vì một lý do nào đó làm ông cảnh giác về đảo chính. Trước hết, để kiểm điểm lại những nguy hiểm trong thời gian ông lãnh đạo cho mạch lạc, chúng tôi xin nhắc lại vài trường hợp đã ghi trong cuốn KĐMTC:

•Năm 1968
Nguy hiểm đầu tiên là vào dịp bầu cử Tổng thống Hoa kỳ năm 1968. Sau vụ ông tháu cáy với Tổng thống Johnson vào giây phút cuối (tuyên bố ngay trước ngày tuyển cử là không tham gia Hòa đàm Paris) để giúp ông Nixon thắng cử, chính phủ Johnson phẫn nộ và Bộ trưởng Quốc Phòng Clark Clifford đã tính lật đổ ông. Từ đảo chính tới sát hại thì cũng không bao xa, như đã xảy ra cho vị tiền nhiệm của ông. Tác giả Seymour Hersh trong cuốn “The Price of Power,” sau khi đúc kết các tài liệu về vụ này đã tiết lộ rằng sau cuộc bầu cử 1968, chính ông Kissinger đã báo động cho phía Nixon về mưu đồ của Bộ trưởng Quốc Phòng Clifford và cảnh cáo: “Nếu ông Thiệu chịu chung một số phận với ông Diệm thì tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nghĩ rằng làm kẻ thù của Mỹ có thể là nguy hiểm, chứ làm bạn với Mỹ chắc chắn là chết”

TT Thiệu kể lại rằng trên đường từ Dinh Độc Lập tới Quốc Hội, ông hết sức lo ngại có thể ông bị CIA ám sát nếu như TT Johnson và Phó TT Humphrey biết trước được là ông sắp sửa bác bỏ kế hoạch hòa bình của Hoa Kỳ và phá hoại cơ hội thắng cử của Humphrey. “Và nếu họ muốn ám sát tôi thì cũng dễ thôi. Rồi sau đó cứ việc đổ cho Việt cộng hoặc là do ‘âm mưu đảo chính.’ ”


Khi kể về chuyện này, ông Thiệu cho rằng chính vì ông đã cưỡng lại áp lực của Mỹ lúc ấy mà kéo dài thêm đời sống của VNCH được gần sáu năm.

•Năm 1972


Vào mùa thu 1972, sau khi ông Thiệu nhất định không chấp nhận ký Hiệp Định Paris, TT Nixon áp đảo tinh thần ông bằng cách nhắn khéo về đảo chánh. Trong bức thư đề ngày 6 tháng 10, 1972, Nixon viết: “Tôi yêu cầu Ngài cố áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968.”
Richard Nixon.

Biến cố năm 1963 là đảo chánh và ám sát Tổng Thống Diệm mà chính ông Thiệu đã tham dự. Còn biến cố 1968 thì đã đề cập trên đây: chính Nixon và Kissinger cực lực phản đối và cứu được ông Thiệu. Nhưng tới 1972 thì lại đến lần hai ông này đi theo con đường cũ. Về đe dọa của các ông Nixon – Kissinger thì hai chuyên viên trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia là Roger Morris và Anthony Lake đã viết cho Kissinger một phúc trình (ngày 21 tháng 10, 1972) trong đó có nói tới các phương cách lật đổ ông Thiệu. Sau này Morris xác nhận: “Tôi bảo Tony rằng hai đứa mình phải cho Henry hiểu rõ là ta sẵn sàng thanh toán Thiệu”. Chắc là có mặc cảm về những đe dọa ấy nên sau này ông Kissinger cũng đã viết cho ông Thiệu, vào đầu năm 1980: “Giá như ý định của Tổng Thống Nixon và của tôi là phản bội Ngài, thì chúng tôi đã có thể làm như thế từ đầu năm 1969 rồi.”

•Năm 1973

Hình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Tống Nixon gặp nhau tại California năm 1970.

Mặc dù có những lời đe dọa ghê gớm ấy, ông Thiệu vẫn chống đối không chấp nhận bản hiệp định. Nhưng khi ngày đăng quang nhiệm kỳ hai gần kề, Tổng thống Nixon muốn cho hình ảnh hòa bình chiếu sáng, ông không ngần ngại nói rõ hơn về việc đảo chánh. Ông viết cho ông Thiệu: “Tôi nhất quyết cho phê chuẩn bản Hiệp Định vào ngày 23 tháng Giêng, và sẽ ký vào ngày 27 tháng Giêng, 1973 tại Paris. Tôi sẽ làm việc này dù phải làm một mình… Kết quả không tránh khỏi sẽ là việc cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức, mà dù có sự thay đổi về nhân sự trong chính phủ của Ngài cũng không thể cứu vãn được…” (Thư ngày 14 tháng Năm, 1973).

Trong ngôn ngữ chuyên môn về mối bang giao Hoa Kỳ-VNCH, “thay đổi nhân sự” là câu nói nhẹ, đồng nghĩa với việc đảo chính. Năm 1963, khi việc chuẩn bị lật đổ TT Ngô Đình Diệm đang tiến hành ráo riết, TT Kennedy, trong một buổi phỏng vấn với Walter Cronkite trên đài CBS, đã nhắc tới nhu cầu “thay đổi nhân sự.” Thông điệp ấy đã là tín hiệu ‘bật đèn xanh’ từ cấp cao nhất để cho tướng lãnh đảo chính.

•Ngày Quân Lực 1974

Về nguy hiểm vào ngày này như đã đề cập trên đây, chúng tôi hỏi Tổng thống Thiệu là tại sao trong ngày 20 tháng Sáu những năm trước cũng có duyệt binh mà ông không lo, chỉ có năm 1974?

Ông Thiệu giải thích rằng sau Hiệp định Paris là tới lúc phải thành lập “Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc”, một hình thức chính phủ liên hiệp với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Cộng Sản. Tiến bộ về việc này thì hầu như không có gì, và cuộc đàm phán ở La Celle St. Cloud gần Paris thì bị ngừng từ ngày 16 tháng Tư, 1974. Ông Kissinger rất bất mãn và đang gây áp lực cho ông Thiệu phải làm lẹ việc này. Lúc ấy thì ông Kissinger rất mạnh vì ông Nixon như bị tê liệt vì vụ Watergate, sắp phải từ chức. Ông Thiệu biết rằng vào lúc ấy ông không là người lãnh đạo thích hợp với kế hoạch ‘hòa bình trong danh dự’ của hai ông Kissinger và Nixon, nên luôn đề cao cảnh giác về khả năng bị loại trừ.

Sự việc này có thể cắt nghĩa được là tại sao sau Hiệp định Paris ông cho thiết kế một trung tâm chỉ huy dưới lầu hầm Dinh Độc Lập. Đây là nơi được trang bị đầy đủ với máy phát điện, đường điện thoại riêng biệt, đài phát thanh, rađiô liên lạc với tướng lãnh, một cái giường nhỏ và một cái gối mây. Tổng thống Thiệu rất cẩn thận, luôn luôn sẵn sàng để đề phòng những trường hợp biến loạn có thể xẩy ra.

•Ngày tám tháng Tư, 1975
Một quả bom thật to chọc thủng bãi trực thăng trên nóc Dinh Độc lập, lọt xuống rồi nổ tung. Ông Thiệu vừa ngồi xuống bắt đầu ăn tô phở ở một bàn nhỏ ngoài hành lang trên lầu bốn, cận vệ vội tới đưa ông vào ngay thang máy để xuống lầu hầm. Đầu tháng 4 là thời gian có nhiều chống đối từ mọi phía đòi ông Thiệu phải từ chức. Chúng tôi nghe vậy cũng ái ngại, nhưng thấy ông vẫn bình tĩnh, chỉ hơi cáu kỉnh khi nghe báo cáo về một số quý vị thuộc đảng Dân Chủ tại Quốc Hội đã quay lại chống ông.
Về biến cố hôm ấy, bà Thiệu kể là trái bom lại rơi trúng ngay chỗ mỏng nhất của bãi trực thăng. Mùi khét tỏa ra khắp nơi khi những tấm thảm giầy bốc cháy dữ dội. Lúc ấy bà bị kẹt cứng trong phòng vì cháu bé người làm đang lo sắp xếp quần áo đã sợ quýnh lên, tay run lẩy bẩy, không tìm và mở được cái khóa vào cầu thang. Một lúc sau mới có sĩ quan đến giúp bà xuống hầm trú ẩn. Khói bay lên nghi ngút làm bà như ngạt thở.

•Ngày 21 tháng Tư, 1975
“Tôi sẽ nói cho ông Thiệu rõ tôi đã đi đến một kết luận vô tư là nếu ông ta không chịu từ chức thì các tướng lãnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông làm điều này,”
đại sứ Martin báo cáo (ngày 21 tháng Tư) cho Ngoại trưởng Kissinger về việc ông sẽ cố thuyết phục TT Thiệu từ chức. Ý ông đại sứ muốn nói là sẽ có đảo chính.

Thoát chết lúc ra đi

Sau khi Tổng thống Thiệu từ chức, tân Tổng thống Hương vẫn để ông lưu lại trong Dinh Độc Lập. Nhưng rồi có nhiều áp lực đòi ông Thiệu phải rời khỏi Việt Nam, nếu không thì phía Cộng sản không chịu điều đình với “một chính phủ Thiệu không Thiệu.” Nhân dịp có tang lễ Tổng thống Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, Đại sứ Martin báo cáo về Washington: “Ông Hương nói ông ta sẽ đề cử cả hai ông Thiệu và Khiêm làm Đại sứ Lưu động và gửi hai người sang Đài Loan mệnh danh là một phái đoàn đại diện ông để phúng điếu tang lễ ông Tưởng Giới Thạch. Tôi nghĩ rằng mọi chuyện đã được sắp xếp với phía Đài Loan.”

Thực ra, ngoài việc ông Thiệu phải ra đi để dễ hơn cho việc đàm phán về một giải pháp chính trị, Tổng thống Hương còn lo ngại cho sự an toàn của ông. Ông Đại sứ thêm: “Tổng thống Hương nói với tôi là ông ta lo ngại cho sự an toàn của cựu Tổng Thống Thiệu… Bởi vậy ông Hương yêu cầu chúng ta giúp cho ông Thiệu ra đi thật kín đáo và sớm nhất có thể.”

Ngoài những mưu toan nguy hiểm cho ông Thiệu từ các phe phái, Tổng thống Hương còn để ý tới một khía cạnh cá nhân: sự bất hòa giữa hai tướng lãnh Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh. Sự bất hòa đã có mầm mống từ lâu và mọi người đều biết. Như chúng tôi đã đề cập tới trong Chương 11, chính ông Thiệu đã cố vấn Tổng thống Hương là chớ đề cử Tướng Minh làm Thủ tướng vì sẽ rất nguy hiểm. Việc ông Minh không ưa gì ông Thiệu thì cũng đã công khai. Bởi vậy vào giờ chót, Tổng thống Hương muốn đưa ông Thiệu ra khỏi Việt Nam trước khi ông Minh lên nắm chính quyền. Ông Martin viết: “Tổng Thống Hương nhất quyết là ông Thiệu phải ra khỏi nước đã rồi lúc đó ông ấy mới đi tới quyết định cuối cùng là trao quyền cho ông Big Minh.”

Đó là về sự cần thiết và thời điểm ra đi, nhưng còn cách ra đi thì làm sao cho được an toàn?
Chi tiết chuyến đi của hai ông Thiệu và Khiêm từ Bộ Tổng Tham Mưu ra phi trường Tân Sơn Nhất thì nhân viên CIA là Frank Snepp đã kể lại và chúng tôi cũng có đề cập tới trong cuốn KĐMTC. Ông Snepp và một nhân viên khác là Joe đã giấu vũ khí dưới chỗ ngồi trong xe vì lo sợ tái diễn vụ sát hại như trường hợp hai anh em Tổng thống Diệm.

Mới đây, câu chuyện từ lúc Tổng thống Thiệu rời bỏ Dinh Độc Lập tới Bộ TTM và ra phi trường được Thiếu tá Nguyễn Tấn Phận kể lại rất chi tiết. Ông Phận là một trong đoàn tùy tùng tám người (cuối cùng chỉ có bảy người) của Tổng thống Thiệu và bốn người của Thủ tướng Khiêm được Tổng thống Hương cho đi tháp tùng theo như yêu cầu của ông Thiệu. Diễn biến có thể tóm tắt như sau:

Vào khoảng 7 giờ 30 tối, Tổng Thống Thiệu thay bộ đồ bốn túi trong phòng ngủ rồi qua phòng nhỏ bên cạnh nghiêng đầu qua cửa sổ nhìn xuống. Dưới sân, bên cạnh thềm tam cấp một xe Mercedes mầu xanh đậm đã đậu sẵn. Người lái xe là Đại Tá Nhan Văn Thiệt. Thấy mọi việc đã sẵn sàng, Tổng thống Thiệu vội vã rút trong hộc tủ cây Browning đã lắp đạn, ông khóa chốt an toàn rồi cho vào túi áo. Ông xuống tầng trệt bằng thang máy. Khi cánh cửa mở ra thì Đại Tá Trần Thanh Điền đã túc trực tại đó. Ông vừa bước xuống bậc tam cấp thì lại cũng vào lúc có hai binh sĩ (tên là Sanh và Khình) xuất hiện làm ông giật mình. Thực ra là họ chỉ đến để đổi gác. Ông Thiệu và ông Điền lanh lẹ bước vào xe. Đại tá Điền ngồi bên phải của Tổng thống Thiệu ở băng sau. Như vậy là ông Điền đã ngồi vào chỗ chánh thức của Tổng thống và chịu làm Lê Lai cứu Chúa! Vừa ngồi vào xe, ông Thiệu hỏi ‘có mấy cây súng?’ Đại tá Điền đáp: ‘có hai cây, một cây dài, một cây ngắn.’

Theo như vậy thì vào lúc đó Tổng thống Thiệu đã nhận thấy ông bị nguy hiểm trên đường tới Bộ Tổng Tham Mưu (ta nhớ lại là Tổng thống Diệm đã bị sát hại trên đường tới Bộ TTM). Việc ông Điền ngồi vào chỗ chính thức của Tổng thống thì cũng trùng hợp với câu chuyện ông Thiệu kể cho chúng tôi là khi đi xe tới dự nghi lễ bên Quốc Hội hay nơi khác, ông thường ngồi ngay bên cạnh tài xế lái xe chứ không ngồi chỗ dành cho tổng thống ở băng sau.

Khi đoàn xe tới phi trường Tân Sơn Nhất, Thiếu tá Phận kể lại là đã “giật mình khi nhận ra cả khu vực phi trường tối om. Dường như hệ thống điện hoàn toàn bị cắt… Đoàn xe chạy vòng qua khu dành riêng cho hãng Air America của cơ quan tình báo Mỹ. Khi sắp tới đường băng, tất cả xe đều tắt đèn di chuyển trong bóng đêm. Sau đó một chiếc máy bay lù lù hiện ra dưới chân trời nhờ đèn trong buồng máy cháy sáng, một loại máy bay giống như DC6. Khi tới gần chiếc máy bay, đoàn xe bất thần thắng gấp vì thấy có bóng người… Xe Tổng thống Thiệu bị bao vây bởi ba chiếc xe Chevrolet to lớn. Xa xa trong bóng đêm, xung quanh chúng tôi xuất hiện nhiều người Mỹ vạm vỡ, vận thường phục, súng M16 dựng đứng bên hông, trong thế tác chiến. Rồi hình ảnh ông Đại sứ Graham Martin hiện ra tại chân cầu thang máy như một vị thần hộ mạng.”

Chuyện này làm cho chúng tôi mới hiểu được tại sao khi nói về chuyến ra đi của Tổng thống Thiệu, Đại sứ Martin cứ nói úp úp mở mở là “Ông Thiệu đã ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn,” và “chúng tôi đã để ý và cố gắng sắp xếp mọi chi tiết.”

Thì ra, mọi chi tiết được sắp xếp gồm cả việc cắt điện để phi trường tối om và việc đoàn xe phải di chuyển trong bóng đêm. Khi máy bay đáp xuống thì đã có sẵn một toán lính Mỹ canh gác để đề phòng những biến động có thể xẩy ra vào phút chót, thí dụ như việc ngăn chận không cho máy bay cất cánh. Vì sao như vậy? Vì một việc xẩy ra trước đó mấy ngày. Vào lúc 10 giờ đêm ngày Chủ nhật 20 tháng Tư t ại Tân Sơn Nhất, một nhóm binh sĩ với võ trang nặng bao vây, định ngăn chận chiếc C-141 của Mỹ chở người di tản không được cất cánh (xin xem Chương 7).

Thiếu tá Phận cũng kể lại là “Trung tá Nguyễn Phú Hiệp, phi công chiếc máy bay Air Viet Nam 727 có lệnh ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng, chỉ dành riêng cho Tổng thống Thiệu sử dụng… và cũng vào thời gian này thì một vài đơn vị trưởng các đơn vị phòng thủ thủ đô, và các đơn vị đóng quân gần khu vực phi trường Tân Sơn Nhất lại được nghe dư luận rỉ tai là ‘ông Thiệu sẽ dùng Air Viet Nam để ra khỏi nước.’

Thật rõ ràng là lệnh cho phi công Hiệp ứng trực chiếc máy bay Air Viet Nam 727 và tin đồn về ‘ông Thiệu sẽ dùng Air Viet Nam ra khỏi nước’ là những sắp xếp để đánh lạc hướng những kẻ mưu sát vì khi đó ông Martin đã nhận được nhiều thông tin tình báo về âm mưu sát hại ông Thiệu ở ngoài khơi.
Theo kế hoạch này thì chiếc máy bay Air Vietnam mà ông Thiệu định dùng để ra đi sẽ bị bắn rơi khi ra khỏi không phận Việt Nam. Bởi vậy, trong vòng bí mật, ông Martin đã gọi ngay chiếc máy bay riêng của mình từ Thái Lan sang Tân Sơn Nhất để bốc ông Thiệu. Để bảo mật tối đa thì dù có dùng điện thoại đặc biệt an toàn của tòa đại sứ để báo cáo về Tòa Bạch Ốc, ông Martin cũng vẫn không tiết lộ chi tiết mà chỉ nói mập mờ. Tuy nhiên, lúc tới sát nút rồi thì ông phải nói cho rõ.

Mời độc giả theo dõi vài đoạn trong thông điệp ngày 25 tháng 4 (in kèm chương này) của đại sứ Graham Martin gửi về Tòa Bạch Ốc:

Số 250420 – Chỉ mình ông xem và qua đường giây Martin
Sàigòn số 0736 – FLASH (Cấp tốc)
Chuyển Ngay
Ngày 25 tháng 4, 1975
Gửi tới: Tướng Brent Scowcroft
(Phụ Tá An Ninh Tổng Thống Ford)

“Thông điệp này xác nhận câu chuyện tôi nói vòng vèo qua điện thoại vừa mới đây. Lúc muộn chiều hôm qua, Tổng thống Hương nói với tôi là ông ta lo ngại cho sự an toàn của cựu Tổng Thống Thiệu. Nói chung, dường như ông ta cũng đã biết về một thông tin mà chúng tôi đã nhận được nhiều lần, đó là có một số phần tử của Không Quân Việt Nam là những người có ý kiến hết sức chống đối Thiệu và Khiêm, đã nói rằng hai ông này sẽ không rời khỏi Việt Nam mà còn sống nguyên vẹn (gạch dưới là do tác giả). Chúng tôi biết rằng những phần tử này đang để ý chiếc máy bay thường dùng để chuyên chở các nhân vật cao cấp VIP của chính phủ đi ngoại quốc…

“Tôi đã xếp đặt với Tướng Hunt ở NKP (Nakhom Phanom, Thái Lan) để ông ta gửi một chiếc C-118 tới Sàigòn sẵn sàng chiều nay. Chúng tôi cũng sẽ sắp xếp hết sức kín đáo để đưa hai ông Thiệu và Khiêm lên máy bay và cất cánh thật nhanh. Chúng tôi đã suy nghĩ về việc này và chúng tôi chắc chắn rằng sẽ có thể làm hết sức nhanh để nếu có sự can thiệp nào thì chiếc máy bay đó cũng đã (cao bay xa chạy) ra quá tầm có thể truy kích được rồi…

“Bởi vậy, trừ phi có chỉ thị ngược lại và ngay tức khắc từ chính ông Ngoại Trưởng, tôi sẽ tiến hành theo như trình bày trên đây. Ông Bộ trưởng không cần phải có hành động nào vào lúc này, trừ khi có người đặt vấn đề (tại sao lại) dùng máy bay quân sự, một điều tôi nghĩ khó có thể xẩy ra.…
Trân trọng

Martin
Về việc này chúng tôi có hỏi Đại tá Nguyễn Quốc Hưng hiện ở Salem, Oregon. Khi đó, ông là Phó Trưởng phòng Đặc trách Khu trục, thuộc Phòng Tham Muu Phó Hanh Quan tại Bộ Tư lệnh Không quân. Ông Hưng xác nhận là có chuyện này va nay vẫn còn nhiều nhân chứng. Chúng tôi hy vọng quý vị còn lại trong Không quân có thể giúp thêm chi tiết xác thực, nơi đây thì chỉ có thể trình bày lại ý kiến của Đại tá Hưng.

Ông Hưng cho biết là có một nhóm trong Không Quân thực sự có âm mưu này và đã theo sát chiếc máy bay Boeing 727 là chiếc lãnh đạo cao cấp thường dùng trong những chuyến đi xuất ngoại. Sau cùng thì họ giao cho một sĩ quan ở Cần Thơ thuộc Sư Đoàn 4 Không Quân lo việc này. Ở phi trường Cần Thơ có loại máy bay khu trục A-37 và cả phản lực F5. Kế hoạch là tại Tân Sơn Nhất có những người được chỉ định theo rõi thật sát các chuyến bay, đặc biệt là chiếc Air Vietnam Boeing 727. Khi nào thấy hai ông Thiệu và Khiêm lên máy bay thì sẽ báo cho Cần Thơ để phản lực cất cánh bay thẳng ra khơi và sẽ bắn rơi chiếc máy bay chở ông Thiệu và ông Khiêm, ở khoảng 100 cây số cách bờ biển.

Nếu như vậy thì cũng chẳng có tang tích, chẳng có chứng cớ gì về vụ sát hại. Trừ một số người rất nhỏ trực tiếp dính líu thì không ai biết tin tức gì về việc này. Lúc ấy là đêm 25 rạng ngày 26 tháng Tư rồi, khi dầu sôi lửa bỏng đã lên tới cực điểm, mọi người chỉ còn có thể lo cho chính bản thân, nên cũng chẳng ai để ý tới chuyện gì xảy ra cho ông Thiệu.

Đại tá Hưng cũng cho biết lúc ấy ở ngoài khơi cũng có những máy bay luôn luôn thay nhau theo dõi. Chúng tôi hỏi ông xem nhóm người nào ra lệnh cho phi công ở Cần Thơ? Ông trả lời là do một phe nhỏ chống ông Thiệu ở ngay Bộ Tư Lệnh Không Quân. Đại tá Hưng thêm rằng: về vấn đề đảo chính nói chung thì chính hai Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan đều không đồng ý và đã khuyên không được làm như vậy.

Sau cùng thì hai ông Thiệu, Khiêm lại không đi chuyến Boeing 727 mà đi chiếc C-118 của Đại sứ Martin. Đại tá Hưng kể là vài ngày hôm ấy cứ thấy Đại sứ Martin ra ra vào vào phi trường Tân Sơn Nhất.

Tối muộn cùng ngày 25 tháng 4, 1975, ông Martin báo cáo về Tòa Bạch Ốc:
Số 251510Z – Chỉ mình ông xem và qua đường giây Martin
Sàigòn – C738 – Cấp tốc
Chuyển ngay
Ngày 25 tháng 4, 1975
Gửi tới: Tướng Brent Scowcroft
Người gửi: Đại sứ Graham Martin
Tham chiếu: Sàigòn 0736

1. Vào lúc 9 giờ 20 phút chiều nay, một chiếc C-118, có đuôi số 231 đã cất cánh từ Tân Sơn Nhất cùng với cựu Tổng thống Thiệu và cựu Thủ tướng Khiêm. Họ đã bay sang Đài Loan nơi mà anh ông Thiệu làm đại sứ VNCH. Công việc sắp xếp rất xuôi xẻ. Tôi đã tháp tùng họ lên máy bay và tôi cho rằng sự vắng mặt của họ ở đây sẽ giảm bớt được sự xôn xao có thể xẩy ra.

2. Chúng tôi sẽ không bình luận gì về việc này ở đây. Phi hành đoàn từ NKP (Nakhon Phanom, Thái Lan) bay chiếc C-118 của tôi tới Davis-Montohn và tới nơi nghĩa trang. Tôi nghĩ rằng hai ông cũng sẽ không tuyên bố gì cả trừ phi và cho tới khi chuyện này lộ ra ở Đài Loan.
Trân trọng,

Martin

Khi chiếc máy bay có đuôi số 231 sửa soạn cất cánh, Đại sứ Martin đã có mặt tận cửa máy bay để tiễn ông Thiệu. Dù buồn thảm và cam chịu số phận, ông Thiệu vẫn đi thủng thẳng, cố giữ phong độ. Ông quay lại cám ơn ông Martin đã dàn xếp chuyến đi. Với một giọng xúc động, ông Martin đáp lại: “Thưa tổng thống, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Xin tạm biệt và chúc ngài may mắn.”

Nhìn lại lịch sử thì thấy ông Thiệu đã thật may mắn. Không những chính ông, ông Khiêm mà cả chuyến Air Vietnam 727 cũng may mắn. Nếu như không có sự can thiệp của ông Martin thì những người khác cũng đã cùng chịu chung một số phận. Đó là phi công Hiệp, các nhân viên khác trong phi hành đoàn, và 12 người trong phái đoàn của cựu tổng thống và thủ tướng, họ đều đã bị chôn vùi dưới đáy biển cùng với chiếc Boeing 727. Trong số này có Đại tá Cầm, Chánh Văn Phòng và là người chúng tôi làm việc gần gũi, có Đại tá Đức, người đã ôm hồ sơ mật Dinh Độc Lập đưa đến tư gia trao chúng tôi vào đêm ngày 22 tháng Ba. Rồi cả Thiếu tá Phận, người vừa kể lại câu chuyện về những ngày cuối của TT Thiệu ở Sàigòn. Những người khác gồm mấy sĩ quan gần gũi Tổng thống Thiệu (Đại tá Điền, Thiệt; Trung tá Chiêu, Bác sĩ Minh, Đại úy Hải, và binh sĩ Nghị); và phái đoàn của Thủ tướng Khiêm (Trung tá Châu, Thiếu tá Thông, và ông Đăng Vũ).

Nguyễn Tiến Hưng

@TamnhinUtah


Nguồn: http://anle20.wordpress.com/2010/05/10/3642/








Bí mật quanh hồ sơ "Nixon-Thiệu"

Xuân Hồng
BBCVietnamese.com



GS Nguyễn Tiến Hưng ra mắt cuốn " Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" tại California

Tác giả cuốn sách mới về "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" nói với BBC rằng một trong những hồ sơ quan trọng liên quan cuộc chiến Việt Nam vẫn chưa được giải mật.

Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Bộ Trưởng Kế Hoạch của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, nhắc đến cái gọi là hồ sơ "Nixon-Thiệu" chứa các tài liệu và thư từ giữa Tòa Bạch Ốc và Dinh Độc Lập từ năm 1971.

Ông Hưng, người được chỉ định đi cầu viện vào giờ chót, nói rằng vào ngày 23 tháng Ba năm 1975, nói ông Thiệu có cho ông xem hồ sơ này trong đó có hai bức thư của TT Nixon mà ông đã yêu cầu TT Thiệu gởi cho người kế nhiệm của TT Nixon là TT Ford qua trung gian của Tướng Frederick Weyand, cựu Tư Lệnh Quân Đội Mỹ, lúc đó là Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ.

Trong cuốn sách "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" mới được xuất bản, GS Hưng nói "Điểm trớ trêu là thư của TT Nixon mà TT Ford không biết gì."

Vào ngày 5 tháng Tư năm 1975, đích thân Tướng Weyand đã đưa cho TT Ford xem hai bức thư đó chỉ 5 phút trước khi TS Kissinger đến cùng họp. Bấm Ngày 30 tháng Tư, TS Hưng tiết lộ hai thư này trong một cuộc họp báo tại Khách sạn Mayflower ở Washington để đặt trách nhiệm bội ước và yêu cầu Hoa Kỳ đền bù lại bằng cách cứu vớt và cho định cư một triệu người Việt Nam.

Sau đó Quốc Hội Mỹ, theo GS Hưng, đã phản ứng "tại sao Hành Pháp Mỹ không cho Lập Pháp biết hồ sơ Nixon-Thiệu," đặc biệt là các nghị sĩ chủ trương cắt viện trợ cho VNCH như Henry Jackson, Frank Church, Ted Kennedy, Mike Mansfield...

Ngay chủ tịch của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ lúc đó là ông John Sparkman đã viết thư yêu cầu TT Ford cho xem hồ sơ "Nixon - Thiệu" nhưng TT Ford viện dẫn quyền đặc biệt của người đứng đầu hành pháp, đã từ chối. Rồi từ đó chính phủ Mỹ "đã ém nhẹm" toàn bộ hồ sơ này.

Năm 1978, ông Ronald Nesson, tùy viên báo chí của TT Ford, có viết một cuốn hồi ký trong đó ông tiết lộ rằng ông được lệnh cấp trên đi tìm hồ sơ "Nixon-Thiệu" trong Tòa Bạch Ốc, và tìm được vỏn vẹn chỉ có "bảy cái thư ".

GS Nguyễn Tiến Hưng nói có tổng cộng 27 văn thư trong hồ sơ này, nhiều hơn số thư mà ông Ronald Nesson đã tiết lộ trong cuốn hồi ký.

Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (bên phải) đã im lặng trong suốt thời gian sống ngoài nước, trừ một lần trả lời báo ̣Đức.

Theo GS Nguyễn Tiến Hưng, hầu như tất cả các hồ sơ về cuộc chiến Việt Nam nay đã được giải mật, trừ hồ sơ "Nixon-Thiệu" mà cho tới hôm nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Tại sao ông Thiệu không lên tiếng?

Tác giả Nguyễn Tiến Hưng không tin rằng người Mỹ đã bảo cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không được nói gì về liên hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa từ khi gia đình ông dọn sang Mỹ năm 1985 tới khi ông từ trần năm 2001.

Là một người tâm sự thân tín của ông Thiệu trên bước đường sống lưu vong, GS Hưng nói rằng " tôi không tin là khi dọn sang Mỹ, ông Thiệu đã bị áp lực nào bắt phải yên lặng vì đó là thời của tổng Thống Reagan và ông Reagan rất ưu ái Tổng Thống Thiệu. Có lẽ vì phần nào của sự ưu ái đó mà ông Thiệu dọn nhà sang Hoa Kỳ sống."

Ông Thiệu đã tâm sự với ông Hưng rằng "khi vừa đến Đài Loan vào ngày 25 tháng Tư năm 1975, phái đoàn tùy tùng đã bị nhân viên Mỹ khám xét hết hành lý và tịch thu hết giấy tờ vì họ chỉ sợ hồ sơ Thiệu-Nixon lọt ra ngoài".

Ông Hưng thuật tiếp lời ông Thiệu: "Còn chuyện cái cặp bị đánh cắp nữa, vì họ tưởng rằng hồ sơ để trong đó, chứ không phải là để lục xét tiền."

Tuy nhiên, ông Hưng nói: "Phía ông Kissinger và đảng Cộng Hòa muốn giấu hồ sơ đó đi, cho nên có thể họ đã yêu cầu TT Thiệu giữ im lặng."

Theo GS Hưng, ông Thiệu không muốn viết hồi ký vì "sau khi tôi làm lãnh đạo của miền nam gần 10 năm, tôi biết quá nhiều chuyện, và khi tôi nói cái hay thì tôi cũng phải nói cái dở nữa."

Ông Thiệu được cho là đã nói: "Người Mỹ đã phản bội mình rồi, cho nên mình cũng không nên vạch áo cho người xem lưng, và tôi chẳng cần để ý tới dư luận Mỹ nữa." Theo giáo sư Hưng đó là lý do chính tại sao ông Thiệu không muốn viết hồi ký.

Trước đây khi được GS Hưng yêu cầu nói rõ về vụ 16 tấn vàng, ông Thiệu nói: "Tôi đã làm hết sức mình rồi cho nên dù có nói ra, thì người đời sẽ nói rằng tôi cố tình chạy tội mà thôi."

Trong cuốn sách, GS Hưng cho hay cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã im lặng trong suốt thời gian sống ngoài nước, trừ một lần trả lời báo Đức, tờ Der Spiegel năm 1979.

Tăng quân là để rút lui?

GS Nguyễn Tiến Hưng cho biết trong những lần đàm luận tại Luân Đôn, ông Nguyễn Văn Thiệu đã cho rằng Tổng Thống Mỹ Johnson, một người được cho là lập trường diều hâu, "đem quân vào Việt Nam là để thương lượng ở thế mạnh."

Vào đầu năm 1964, khi ông Johnson lên thay cho TT Kennedy bị ám sát, chính phủ Mỹ đã cho bộ trưởng McNamara sang Việt Nam hứa đủ điều, rồi đề nghị 12 biện pháp rất mạnh trong đó, yêu cầu chính phủ Việt Nam đặt Miền Nam vào thế chiến tranh bằng một lệnh tổng động viên để "mưu cầu một nước Việt Nam không cộng sản".

Sau đó, Mỹ tăng quân viện cho miền Nam Việt Nam và đồng thời mở ra các chiến dịch như là Mũi Tên Lên vào tháng Tám cùng năm, rồi đến chiến dịch Phi Tiêu Lửa oanh tạc miền Bắc rất dữ dội.

Đến tháng Ba năm 1965, quân đội Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng và bước tháng Tư, Tổng Thống Johnson tuyên bố sẽ ở lại miền Nam "bao nhiêu lâu còn cần thiết, với bất cứ sức mạnh nào còn cần thiết, với bất cứ nguy hiểm nào, phí tổn nào" như Tổng Thống Kennedy đã nói "We shall bear any burden" khi nhậm chức.

Tổng thống Nixon từng đe dọa "cắt đầu ông Thiệu"

Tháng Sáu năm 1965, TT Johnson đã gởi vị tướng kinh nghiệm nhất của quân đội Mỹ là tướng Westmoreland đến Việt Nam để chỉ huy quân đội và một tháng sau, đã bổ nhiệm một vị tướng khác là Maxwell Taylor làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, ông Thiệu lên làm Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia vào tháng Sáu năm 1965.

Theo GS Hưng, ông Thiệu và các tướng lãnh đều thấy rằng Mỹ quyết chiến và quyết thắng tại miền nam Việt Nam.

Nhưng chẳng mấy chốc sau đó, Bộ Trưởng McNamara lại rỉ tai ông Thiệu và nói là phải tổ chức bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội cho sớm để còn điều đình với Mặt Trận giải Phóng Miền Nam.

Mãi sau này với thời gian, ông Thiệu mới chiêm nghiệm câu "đem quân vào để điều đình ở thế mạnh," và "đem quân vào là để rút quân đi."

Không kết quả

Trong số này, có bức thư của TT Johnson gởi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày Tám tháng Hai năm 1967 trong đó, Hoa Kỳ mong muốn đi đến một giải pháp hòa bình, nhưng không hiểu vì một lý do nào đó, các nỗ lực mưu tìm hòa bình không đi đến một kết quả nào.

Một tuần lễ sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại một bức thư nói rằng "nếu như Ngài muốn đàm phán trực tiếp với nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thì phía Hoa Kỳ phải ngưng ngay các vụ oanh tạc vô điều kiện".

Hai bức thư này được lưu lại trong hồ sơ của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam gồm tổng cộng 12 tập, cho thấy phía Hoa Kỳ từ năm 1965 đã 26 lần tìm cách bắt liên lạc với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa qua nhiều ngả khác nhau để điều đình hòa bình.

Nay với thời gian, GS Hưng nói rằng có thể là vì một "vấn đề nhận thức" gây ra bởi các "tín hiệu trái ngược nhau" mà 26 lần tìm cách bắt liên lạc này, không đi đến một kết quả nào. Thí dụ như cũng có thể là Mỹ đề nghị điều đình ngày hôm trước thì hôm sau lại oanh kích Bắc Việt còn mạnh hơn hôm trước.

Theo GS, có thể vì các tín hiệu trái ngược nhau mà cuộc chiến cứ leo thang.

Cuộc chiến 'ủy nhiệm'

Trước khi đắc cử tổng thống Mỹ, Bấm ông Nixon đã từng nói cuộc chiến tại Việt Nam không phải là cuộc chiến giữa hai miền nam bắc Việt Nam, hay là giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam, mà thực sự ra là một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo GS Hưng thì TS Kissinger và TT Nixon cho rằng tất cả những sự thành công của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã giúp cho chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

GS Hưng nói rằng theo như sự suy nghĩ của hai người này thì "cũng vì sự cứng rắn của Hoa Kỳ - mang nửa triệu quân tới Việt Nam rồi xúc tiến chương trình Việt Nam hóa cuộc chiến - mà đã thuyết phục Trung Quốc mở cửa bang giao với Hoa Kỳ."

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/06/100601_nixon_thieu_dossier.shtml




Muốn mua sách xin bấm vào đây

Hoặc nôí mạng: http://tamtutongthongthieu.com



Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Giơí Thiệu Sách: Tâm Tư Tổng Thống Thiệu
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc
và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ.



Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt