Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4890

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com



Tết Nhi Đồng
(Tết Trung Thu)
Ngày 15 tháng 8 Âm lịch
 

Tết Trung Thu (chữ Nôm節中秋. Trung中秋节 (Trung thu tiết)Zhōngqiū jié) theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Thiếu nhi, Tết Nhi đồng, ra đời tại Việt nam. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích.

Nguồn gốc

Tết Trung Thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp Việt. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch. Nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa. Sau này người Hoa tiếp nhận từ văn hóa Việt và tiếp đó phổ biến thành ngày lễ truyền thống của dân tộc Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Sau này khi chiếm Trung Nguyên và Nam Dương Tử nhà Hán cũng du nhập luôn những nét văn minh gốc nông nghiệp của người Việt bởi vốn dĩ văn minh Hán là văn minh du mục và trồng khô. Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.

Hoạt động chính

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu. Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".

Ngắm trăng

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

  • Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.
  • Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.

Tết Trung thu trong văn học - nghệ thuật

Thơ về Tết Trung Thu

Trung Thu vốn là nguốn cảm hứng lớn cho các thi sĩ từ xưa đến nay, trong đó có nhà thơ đời Đường Đỗ Phủ với bài Trung thu:

Thu cảnh kim tiêu bán
Thiên cao nguyệt bội minh
Nam lâu thùy yến hưởng
Ty trúc tấu thanh thanh

Bản dịch của Thái Giang:

Cảnh thu nay đúng nửa rồi
Trăng thu thêm sáng, khung trời thêm cao
Lầu nam ai rót rượu đào
Tiếng tơ, tiếng trúc thanh tao nhịp nhàng[1]

Nhà thơ Tản Đà cũng nhắc đến ngày Trung thu với các câu thơ:

Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Câu hát về Tết Trung thu

Đèn ông sao bằng giấy kiếng
Các loại đèn lồng

Bài Chiếc đèn ông sao:

Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan...tùng dinh dinh là tùng tùng dinh

Bài Múa sư tử:

Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang

Bài Rước đèn tháng tám:

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu

Nhạc sĩ Lê Thương cũng có bài Thằng Cuội viết về chủ đề này, trong bài hát có đoạn "Có con dế mèn, suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ...". Nhạc sĩ Ngọc Lễ cũng có tác phẩm Cắc tùng cắc tùng về ngày Tết Trung thu cho các em thiếu nhi.

Tết trung thu tại Việt Nam

Làm đồ chơi Trung Thu

Mặt nạ và đèn ông sao là hai loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Trước đây ở miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp (1976 - 1986), các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng... cho trẻ em trong gia đình. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như : đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh... Ngày nay, phần lớn đồ chơi ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, các loại mặt nạ được làm bằng nhựa mỏng, không đẹp bằng mặt nạ thời trước.

Rước đèn

Cảnh rước đèn trung thu tại Phan Thiết, Việt Nam.
Thiếu nhi rước đèn Trung thu tại khu vui chơi.

Tại một số vùng nông thôn, những nơi mà quan hệ hàng xóm láng giềng vẫn còn được bảo tồn và trân trọng, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu. Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm. Họ phân công nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những lồng đèn thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn. Tại Phan Thiết (Bình Thuận), người ta tổ chức rước đèn quy mô lớn với hàng ngàn học sinh tiểu học và trung học cơ sở đi khắp các đường phố. Đây là lễ hội rước đèn trung thu được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam[2].

Múa lân

Múa lân trong Tết Trung Thu

Múa lân (ở miền Bắc thường gọi là múa sư tử mặc dù sư tử thì không có sừng) thường được tổ chức vào trước tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 14 và 15.

Bày cỗ

Các em nhỏ ở Hà Nội đang bày cỗ trông trăng

Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó[3] được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai...và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng với cả cây của mình. Nhìn lên mặt trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Các loại bánh

Bánh nướng ngày tết trung thu
Bài chi tiết: Bánh trung thu

Từ truyền thống đến hiện đại, bánh trung thu ngày càng đa dạng khi các nhà sản xuất sáng tạo trong sử dụng các nguyên liệu và thực phẩm khác nhau đưa vào nhân bánh; dập khuôn kiểu dáng bánh thành nhiều hình thù sinh động; đóng gói với bao bì mẫu mã đẹp mắt. Tuy nhiên, dựa theo công thức làm vỏ bánh thì chỉ có hai loại bánh trung thu là bánh nướng và bánh dẻo.

Bánh nướng

Bánh nướng được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn. Đường để trộn vào vỏ bánh thường được nấu với mạch nha để chuyển thành màu hổ phách và để càng lâu càng tốt (thường các nhà làm bánh sau tết trung thu nấu nước đường, cất kỹ để tới tận mùa sau mới dùng)[4]. Trước kia tại Việt Nam nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xường.

Sau khi nặn bánh, ép khuôn. Bánh được cho vào lò nướng. Quy trình nướng chia làm hai giai đoạn trong đó khoảng 2/3 thời gian nướng là giai đoạn đầu tiên. Sau đó bánh được dỡ ra, làm nguội, phết lòng đỏ trứng gà lên rồi cho vào nướng tiếp 1/3 thời gian còn lại.

Bánh dẻo

Theo truyền thống bánh dẻo trung thu được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội (không dùng mạch nha như bánh nướng), nước hoa bưởi[5]. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng.

Hát trống quân

Tết ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận tức là hát theo vần, theo ý hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.

Tục tặng quà

Tết Trung thu người ta thường tặng quà cho nhau. Quà thường là các hộp bánh, lồng đèn, áo quần, tiền. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng tặng quà cho khách hàng, cán bộ công nhân viên có khi mua cả xe tải bánh trung thu. Nhiều công ty có hàng ngàn công nhân, đặt hàng ngàn hộp bánh với số tiền hoa hồng hậu hĩnh.

Tính trên tổng lượng bánh trung thu tiêu thụ năm 2006 (thống kê từ các nhà sản xuất) ước khoảng 6.500- 6.800 tấn, lấy mức giá bình quân của 1 hộp bánh loại 220 - 250gr khoảng 100.000 - 130.000đ, người tiêu dùng đã tiêu pha hết hơn 800 tỉ đồng cho khoảng 7 triệu hộp bánh.[6] Và các hộp bánh đắt như vàng, người nghèo không sao mua nổi[7] cứ chạy lòng vòng từ người nọ sang người kia.

Đối tượng tặng quà của người lớn thường là các bề trên như cha mẹ, cấp trên, những người cần nhờ vả, thầy cô giáo hoặc cũng có thể hàng xóm, bạn bè hoặc con cháu trong nhà. Thường đối tượng nhận quà càng quan trọng thì giá trị món quà phải càng cao. Việc tặng quà Trung thu là một thói quen phổ biến khi đời sốfng khá lên sau đổi mới, nó có thể là một hình thức tiêu cực khi giá trị món quà quá lớn.

Đối với các doanh nghiệp hoặc cá nhân việc không có quà Tết biếu có thể bị đánh giá là lơ đễnh hoặc coi thường vì vậy đây là chi phí không nhỏ khi đến dịp trung thu. Chi phí tặng quà thường được chi từ chi phí tiếp khách bằng tiền. Do mức hoa hồng hoặc chiết khấu của các hiệu bánh cao (có thể lên đến 35%)[8] nên nhiều người thích dùng tiền cơ quan biếu xén để hưởng lợi.

Việc tặng quà trung thu đắt tiền là dịp "ơn nghĩa" của người lớn. Không ít người thường lợi dụng dịp này để biếu xen quà cáp nhằm mua quan bán chức. Những hộp bánh Trung thu đặc mà bên trong nhân bánh "là vàng", "là đô la" đã làm mờ mắt nhiều quan tham và biếu xén trong dịp Tết Trung thu là một lệ của những thành phần này[9].

Sản xuất đồ chơi Trung thu

Nói đến đồ chơi tết Trung thu là phải nói đến lồng đèn, thứ không thể thiếu để các em đi rước trăng. Từ xưa đến nay, hai thành phố Hội AnSài Gòn nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu. Theo Văn công Lý hiện sống tại Hội An, thì ông tổ ngành làm đèn lồng ở đây tên gọi là Xã Đường. Đèn Hội An độc đáo ít nơi có, đèn lồng Hội An đẹp nhờ có đủ hình thù, kiểu dáng, to nhỏ. Vải bọc đèn thay giấy là loại lụa Hà Đông nổi tiếng, làm cho ánh sáng thêm huyền ảo lung linh.

Tại Sài Gòn, từ trước năm 1975 tới bây giờ, Phú Bình thuộc quận 11 Đô Thành, cũng vẫn là một trung tâm sản xuất lồng đèn trung thu lớn nhất miền Nam Việt Nam, cung cấp cho cả vùng. Đây là một làng di cư năm 1954, nguyên gốc từ Làng Báo Đáp thuộc tỉnh Nam Định. Làng này ở Bắc Phần vốn nổi tiếng với nghề thợ nhuộm. Khi vào nam, dân chúng vẫn sống quây quần với nhau bằng nghề nhuộm, dệt vải và làm giầy dép. Phú Bình sau năm 1975 nằm trên điạ bàn của phường 19, Tân Bìnhphường 5, quận 11, cách khu du lịch Đầm Sen chừng nửa cây số. Lúc đầu khi vào nam, Phú Bình chỉ chuyên sản xuất những loại đèn Trung Thu đơn giản như đèn ống sáo, con cá, ngôi sao... cố ý để cho học sinh vui chơi trong đêm lễ mà thôi.

Từ năm 1960-1975, Phú Bình mỗi năm sản xuất hơn nửa triệu đèn lồng trung thu, cung cấp khắp các tỉnh thành từ Bến Hải vào tới Cà Mau. Sau này dân chúng ở dây vẫn tiếp tục nghề cũ. Năm 1994, lồng đèn Trung quốc ồ ạt xâm nhập thị trường ViệtNam khắp nước, chèn ép đèn Phú Bình, làm cho dân chúng ở đây lâm cảnh điêu đứng đói khổ, vì hàng bị ế ẩm do lồng đèn Trung quốc đẹp, kiểu cách mới lạ, lại rất tiện lợi khi ra gió không sợ cháy vì dùng pin, giá thành lại rẻ, nên ai cũng muốn ko bjt

Ở thị trường Việt Nam ngành công nghệ sản xuất đồ chơi cho trẻ em dịp trung thu giúp tạo việc làm và lợi nhuận cho rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, do nguyên liệu thông dụng và công nghệ đơn giản, vốn ít, sau một thời gian để đồ chơi của Trung quốc thống lĩnh thị trường đến năm 2006 ngành hàng sản xuất lồng đèn Việt Nam hồi phục và chiếm lĩnh lại thị trường nội địa.

Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%BFt_Trung_thu


  



Tết nhi đồng ở Nhật Bản

Hiếu Thảo
 
 

Ngày mồng 5 Tháng 5 vừa ra ngày tết Đoan ngọ đồng thời lại cũng vừa ra ngày tết Nhi đồng. Đó là ngày tết Các bé trai mục đích của ngày tết này là cầu khẩn cho Thần linh bảo hộ che chở khiến cho những bé trai khỏe mạnh mau lớn, trở thành những người đàn ông ưu tú trong tương lài. Vào ngày tết, tại các gia đình có các bé trai, người ta treo hình các võ sĩ, hoặc hình các võ sĩ đầu đội mũ sắt, trước cửa nhà treo xương bò để trừ tà ma ám khí. Ở các gia đình có bé trai, trước tết chừng một tháng cả nhà đã hội tụ trong sân dựng cờ cá chép. Vật gọi ra cờ cá chép chính ra một loại cờ hình cá chép, gió thổi xuyên vào trong cờ làm cho cờ phồng căng ra, trên không trung phát ra tiếng loẹt xoẹt, uyển chuyển như một chú cá chép đang bơi lội dưới nước. Người ta lấy việc làm đó làm tượng trưng cho sức mạnh và tinh thần vũ dũng của bé trai. Ngoài ra, các ngày mồng 7 Tháng 7 và ngày 15 Tháng 11 cũng trêu được coi là những ngày tết Nhi đồng được tổ chức với những sắc thái khá nhau.

 

 Nhật Bản ra quốc gia rất coi trọng những ngày tết dành cho trẻ em. Tết nhi đồng không phải mỗi năm có một lần mà có nhiền lần trong năm, nó là một bộ phận quan trọng trong sinh hoạt gia đình Nhật Bản.

Ngày mồng 3 Tháng 3 là ngày tết dành cho các em bé gái, còn gọi là “Tết ngẫu nhân” (Ngẫu là những pho tượng hình người). Mục đích của ngày lết này ra cầu chúc cho hạnh phúc sẽ đến với các em trong tương lai. Vào ngày đó, gia đình có các em bé gái sẽ tiến hành một số nghi lễ phong tục. Họ bày ra một cặp búp bê cung đình, hoặc búp bê đất, hay hình vẽ người ăn mặc theo kiểu nam, nữ truyền thống. Việc bày đặt này còn gọi là “Đàn sức”. “Đàn sức” chia ra làm ba tầng, tầng cao nhất bày những chú búp bê cung đình, tầng giữa bày 3 cung nữ và 5 nhạc công, tầng dưới cùng bày các đồ chơi và đồ dùng gia đình. Nhưng vì những chú búp bê đất rất đắt tiền cho nên các gia đình thường dùng hình vẽ người trang trí cùng hoa đào làm một khối rồi đặt lên giá, đồng thời đặt lên đó chiếc bánh tết hình quả trám hoặc những đồ ăn điểm tâm. Những cô bé gái mặc những bộ quần áo đẹp nhất theo kiểu truyền thống cùng cả gia đình uống rượu sakê chúc mừng ngày tết, đây là một cách mà người Nhật đem những cô bé gái của mình “ký thác” cho tương lai.

Nguồn: http://www.banhoangphaptw.com/index.php/phat-giao-quoc-te/515-tt-nhi-ng-nht-bn




Ngó nghiêng những ngày tết thiếu nhi độc đáo trên thế giới


Không phải ở nước nào tết thiếu nhi cũng là ngày 1/6 đâu nhé!

Trẻ em là mối quan tâm của cả cộng đồng quốc tế, Tết Thiếu nhi đối với cả thế giới là một ngày lễ đặc biệt. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều định ngày 1/6 là ngày quốc tế thiếu nhi, thời gian tổ chức Tết Thiếu nhi của các nước không giống nhau, hình thức chúc mừng cũng khác biệt, rất phong phú và đa dạng.

1. Nhật Bản: Một năm ba lần tổ chức Tết Thiếu nhi.

Nhật Bản là nước có nhiều Tết Thiếu nhi nhất trên thế giới, một năm có 3 lần Tết Thiếu nhi, cách thức tổ chức Tết Thiếu nhi tại Nhật Bản rất ý nghĩa, mang đậm phong cách Nhật Bản.

Tết Bé gái (Girl Day) vào 3/3

Tết Bé gái là ngày lễ dành riêng cho các bé gái. Mỗi khi đến ngày này, cha mẹ có con gái đều sắp xếp một bệ trưng bày trong nhà, trên đó đặt một cô búp bê xinh xắn mặc trang phục truyền thống Nhật Bản Kimono làm quà cho con gái của mình.


Tết Bé trai (Boys Day) vào ngày 5/5

Vào ngày này, trước cửa những gia đình có bé trai đều treo “cờ cá chép”, thể hiện ý nghĩa "cá chép vượt cửa rồng". Người Nhật Bản dùng vải hoặc lụa cắt thành hình cá chép rỗng ruột, phân thành 3 màu đen, đỏ, xanh. Màu đen tượng trưng cho cha, màu đỏ tượng trưng cho mẹ, màu xanh tượng trưng cho bản thân bé trai. Trong gia đình có bao nhiêu bé trai thì treo bấy nhiêu cờ cá chép. Càng nhiều cờ màu xanh càng nhiều bé trai.

Tại Nhật Bản, cá chép tượng trưng cho sức mạnh và sự dũng cảm.

Tết Thiếu nhi “ba năm bảy” 15/11

Trong văn hóa Nhật Bản, trẻ em 3 tuổi, 5 tuổi và 7 tuổi là 3 độ tuổi rất may mắn. Do đó, ngày 15/11 hằng năm, Nhật Bản đều chúc mừng các trẻ em ở độ tuổi này.


Ngày này, trẻ em sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống Nhật Bản Kimono đẹp nhất, sau lưng đeo một túi giấy có hình cây tùng, con rùa hay con hạc với đầy các món đồ chơi và kẹo ba mẹ mua cho. Sau khi ăn mặc chỉnh tề, cha mẹ đưa trẻ em đến Thần xã, cầu nguyện và cảm ơn thần linh đã mang lại sức khỏe và niềm vui cho trẻ em.

2. Hàn Quốc: Mặc trang phục truyền thống và nhận quà


Tết Thiếu nhi tại Hàn Quốc bắt đầu từ năm 1923, được bắt nguồn từ “Tết Bé trai” (Boys Day). Đây cũng là một trong những ngày nghỉ của Hàn Quốc, định vào ngày 5/5 hàng năm. Ngày này, trẻ em có thể tận hưởng niềm vui, cha mẹ phải chuẩn bị món quà mà con cái thích nhất. Rất nhiều trẻ em cũng sẽ mặc trang phục truyền thống vào ngày này để thể nghiệm văn hóa Hàn Quốc truyền thống.

3. Colombia: Đeo mặt nạ chú hề


Colombia định ngày 4/7 hằng năm là ngày Tết Thiếu nhi. Trong ngày này, các trường học toàn quốc đều tổ chức các hoạt động chúc mừng vui nhộn, trẻ em thường đeo mặt nạ chú hề vui chơi trên phố.

4. Brazil: Khám bệnh tiêm thuốc, sức khỏe là số một

Tết Thiếu nhi tại Brazil vào ngày 15/8, đúng vào Ngày Tiêm chủng phòng bệnh quốc gia của Brazil. Do đó, mỗi khi đến ngày này, bác sĩ tại các nơi đều khám bệnh cho trẻ em, hơn nữa còn tiêm chủng phòng ngừa bệnh bại liệt cho trẻ em dưới 5 tuổi, thể hiện chính phủ rất quan tâm đến sức khỏe của trẻ em.

Ngoài ra, Ngày Đức mẹ hiển linh 12/10 cũng được coi là ngày Tết thiếu nhi tại Brazil, cũng có những hoạt động chúc mừng vào ngày này.

5. Thụy Điển: Tết Bé trai và Tết Bé gái

Tết Thiếu nhi tại Thụy Điển được phân ra rõ ràng thành Tết Bé trai (Boys Day) và Tết Bé gái (Girl Day).

Ngày 7/8 hằng năm là Tết Bé trai, còn gọi là Tết Tôm hùm (Lobster Day) với ý nghĩa là mong muốn các bé trai học tập tinh thần dũng cảm của con tôm hùm. Ngày này, các bé trai thường hóa trang thành những con tôm hùm và biểu diễn một số tiết mục rất vui nhộn và đáng yêu.


Ngày 13/12 lại là Tết Bé gái của Thụy Điển, còn gọi là Ngày Nữ thần Lucia. Lucia là nữ thần chuyên bảo vệ các bé gái trong thần thoại Thụy Điển. Vào ngày này, các bé gái thường hóa trang giống nữ thần Lucia đi giúp đỡ những đứa trẻ khác.

6. Nga: Quê hương của Tết Thiếu nhi.


Ngày Tết Thiếu nhi tại Nga hoàn toàn trùng khớp với ngày Tết Thiếu nhi quốc tế, được định vào 1/6 hằng năm. Mỗi khi đến Tết Thiếu nhi, trẻ em trên khắp nước Nga đều rất vui vẻ, hơn nữa còn biểu diễn một số tiết mục múa dân tộc, tại trường học thì tổ chức các hoạt động chúc mừng.

Nguồn gốc của Tết Thiếu nhi có quan hệ mật thiết đến Nga. Tháng 11/1949, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế tổ chức Hội nghị Ban chấp hành tại thủ đô Nga Moscow. Để đảm bảo quyền sinh sống, quyền bảo vệ sức khỏe và quyền được học tập của trẻ em trên toàn thế giới, cải thiện cuộc sống của trẻ em, hội nghị đã quyết định định ngày 1/6 hằng năm là ngày Tết Thiếu nhi.

7. Các quốc gia Islamic: Ngày kẹo ngọt vui vẻ

Đa số các quốc gia Islamic đều định ngày thứ 14 sau tháng ăn chay là Ngày kẹo ngọt (Candy Day) , đối với trẻ em thì đây là ngày TếtThiếu nhi vui vẻ nhất.

8. Các quốc gia Châu Phi: Tết Nhi đồng kéo dài 1 tháng

Các quốc gia phía tây Châu Phi đều có Tết Thiếu nhi riêng, thường kéo dài 1 tháng. Mặc dù điều kiện sống của trẻ em ở đây không giống nhau nhưng vào ngày này tất cả trẻ em đều cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc.

9. Tết Thiếu nhi tại Tây Ban Nha: Thế giới tuyệt vời nhất

Tết Thiếu nhi tại Tây Ban Nha vào ngày 5/1 hằng năm, thực tế đây là một ngày lễ tôn giáo, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Ngày Quốc vương ma thuật”. Trong thần thoại Tây Ban Nha, cách đây rất lâu, có ba vị vua phương đông là vị vua mặt đen, vị mua mặt vàng và vị vua mặt trắng đến Tây Ban Nha, ba vị vua này đem đến hành phúc và vui vẻ cho nhân dân. Họ còn là những “sứ giả” tặng quà cho thiếu nhi. Thời gian tặng quà định vào ngày 5/1, do đó, ngày lễ này gắn liền với thiếu nhi.

Để chúc mừng ngày lễ này, tối ngày 5 và sáng sớm ngày 6/1, các nơi tại Tây Ban Nha đều có xe chở hoa diễu hành. Ba vị vua trên các xe chở hoa không ngừng tặng kẹo cho trẻ em. Khi đoàn xe điễu hành đến cửa chính quyền thành phố và chính quyền địa phương, những trẻ em ngồi trên đùi của các vị vua đều nhận được một món quà tuyệt đẹp, tuy nhiên, những trẻ em được nhận quà nhất định phải hứa với ba vị vua là chăm chỉ học tập.

Theo VTC

  Nguồn: http://ione.net/tin-tuc/nhip-song/2011/06/10290-ngo-nghieng-nhung-ngay-tet-thieu-nhi-doc-dao-tren-the-gioi.html



Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang : Tết Nhi Đồng
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com

Email: thuky@vietnamvanhien.net

"Bất chiến tự nhiên thành" chi kế
Văn Hiến ngàn năm sử đã đề
  Giải trừ quốc nạn bằng Tâm lực
"Nhân Chủ (tự chủ) - An Vi (an lạc)" khai lối về


Lấy Tâm Lực thay cho vũ lực để giải trừ quốc nạn là phục hoạt nếp sống Văn Hiến và phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.