Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4888
www.vietnamvanhien.net

 

Thư viết từ hải ngoại

Kính gời đồng bào toàn quốc

Nhân kỷ niệm Thăng Long bước sang thiên niên kỷ thứ 2

 Kính thưa đồng bào,

 Bước sang năm mới Canh Dần - 2010, nhân lúc trong nước đang chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, cũng đúng vào lúc nước nhà đang bị đe dọa bởi một cuộc xâm lăng mới từ phương Bắc, chúng tôi - một số người Việt sinh sống ở hải ngoại đứng trong hàng ngũ một Tập hợp những người dân bình thường chống Bạo lực, Dối trá, Chủ nghĩa, Hận thù để xây dựng một nước Việt văn hiến – trước hết xin kính gởi tới anh em bà con đồng bào toàn quốc lời chúc mừng một năm mới Thịnh vượng- An khang- Hạnh phúc; sau là để đóng góp một vài ý nghĩ về việc kỷ niệm Thăng Long trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước hiện nay.

 Năm 1010 vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô ra Thăng Long vì cố đô Hoa Lư địa thế chật hẹp không thể hội đủ những yếu tố chiến lược cần thiết để vận động sức mạnh toàn dân chống xâm lược phương Bắc. Việc dời đô ra Thăng Long là một quyết định lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước trên con đường xây đắp nền tự chủ lâu dài.

 Người xưa tin rằng hùng khí của Thăng Long với đồng bằng sông Hồng và sông Thái Bình trù phú đã tạo nên hai triều đại Lý Trần hùng mạnh nhất của VN ta với những thành tích văn trị, võ công vô cùng hiển hách. Thế nhưng xét cho cùng, nếu vượng khí của thành Thăng Long cùng với địa lợi của miền châu thổ sông Hồng là điều kiện cần thì chính sự xây dựng kinh đô Thăng Long trên những nền tảng chiến lược bền vững đã là điều kiện đủ khiến hai triều đại lịch sử ấy chẳng những đứng vững được qua các trận tấn công xâm lược cuồng bạo nhất của Tống, Nguyên từ phương bắc vào VN, mà còn giúp cho các thế hệ kế thừa giữ vững được nền độc lập tự chủ.

 Nay kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại đất ngàn năm văn vật xưa qua những cơn thăng trầm của vận nước.

 Trước hết, Thăng Long của nước Đại Việt ta dưới thời Lý- Trần  đã được kiến tạo như thế nào?

 Thăng Long vốn là thành Đại-La cũ của Giao Châu ta xưa, do Kinh lược sứ nhà Đường là Trương Bá Nghi cho xây lên để ngăn giặc biển cướp phá, sau do Tiết độ sứ Cao Biền nhà Đường đắp lại để bảo vệ Giao Châu chống quân Nam Chiếu, đồng thời để củng cố nền đô hộ của phương Bắc trên đất Giao Châu ta.

 Triều đình nhà Hậu Lý không đắp lại Phủ thành Đại La- một chứng tích lệ thuộc phương Bắc- mà đã xây dựng kinh thành Thăng Long trên nền tảng chính trị tự chủ, lấy xã tắc làm nền, lấy dân làm gốc, lấy việc đào tạo tinh anh khí phách nơi toàn dân bằng tinh thần “Tam giáo đồng hành” làm quốc sách, mặc dầu Lý Công Uẩn vốn xuất thân từ cửa Phật và đạo Phật dưới thời nhà Lý rất được coi trọng. Trên nền tảng chính trị văn hiến ấy, triều đình lấy sự gánh vác trọng trách bảo vệ toàn dân, mở mang dân tâm, dân trí và giữ gìn từng tấc đất giang sơn làm nguyên tắc; toàn dân lấy sự đồng tâm giữ vững nền tự chủ nước nhà làm bổn phận. Sự hòa hài gắn bó giữa quốc dân và triều đình thời đó chính là điều kiện đủ để các vua nhà Lý vận động được sức mạnh toàn dân trong việc giữ nước chống quân xâm lăng nhà Tống. Một Thăng Long nồng ấm - trái tim của Nam quốc sơn hà - đã được sáng lập.

 Tiếp sau triều Lý, nhà Trần đã bồi đắp Thăng Long  trên chính sách thân dân và trên nền tảng dân chủ. Thật vậy, vua Trần Thánh Tôn thường nói đất nước là của chung anh em cả nước, và Hội nghị Diên Hồng đời vua Nhân Tôn chính là nền tảng dân chủ rất sớm và rất đáng hãnh diện của dân tộc VN. Từ căn bản toàn dân ấy triều đình và toàn dân cùng chia xẻ trách nhiệm giữ nước. Một Thăng Long của toàn dân được thành hình, là nơi hội tụ khối óc và sự đồng tâm của toàn quốc. Quân dân nhà Trần do đó đã ba lần đánh đuổi được các đoàn quân viễn chinh bách chiến của Nguyên Mông từng dẵm nát hai phần ba thế giới từ Á sang Âu.

 Thăng Long oai hùng, sau những thời oanh liệt ấy, cũng đã phải trải qua biết bao cơn điêu tàn đổ nát. Cuối đời nhà Trần vua tôi u mê, chính sự thối nát, kẻ có quyền thế chỉ lo nhũng lạm, vơ vét, chèn ép dân, cướp đất dân để xây dinh thự riêng, đã tạo nên bộ mặt một Thăng Long kiêu sa, bạc bẽo, cho nên dân hèn nước yếu. Thời ấy vua Chiêm Chế Bồng Nga đã mấy lần đem quân vượt đường thuỷ bộ tiến vào đốt phá Thăng Long như vào chỗ không người. Vua tôi nhà Trần nhiều lần phải bỏ kinh thành bỏ dân chúng chạy lên mạn ngược để lánh nạn.

 Đến đời nhà Hồ, giặc Minh lại lấy cớ bênh vực con cháu nhà Trần để đem quân xâm lăng nước ta. Nhà Hồ dù có quyết tâm đánh giặc nhưng vì lòng dân không phục nên vua tôi mất chỗ dựa. Tuyến phòng thủ Đa Mang vừa xụp đổ, đại quân nhà Hồ tan vỡ, thì lập tức Thăng Long bị giặc Tầu tràn ngập bức tử. Trang thảm sử Bắc thuộc lại một lần tái diễn.

 Nhưng anh linh Hồn Thiêng Sông Núi đã không bao giờ bị giặc Tầu bức tử. Một Thăng Long kiên cường bất khuất hiển nhiên đã đứng dậy với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vang vang lời Bình Ngô Đại Cáo. Một Thăng Long linh hiển với trang diễm sử  Hồ Gươm trao kiếm còn sống mãi, sống hồn nhiên và nhiệm mầu trong lòng người dân Việt. Vua Thành Tổ nhà Minh, trước đoàn quân viễn chinh tan tác được Bình-Định-Vương Lê Lợi tha cho về Tầu, đành phải công nhận nền độc lập của An Nam và nhìn nhận nước ta là một “văn hiến chi bang”.

 Thăng Long có lẽ từ những trang hùng sử ấy đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc và trong dòng tranh đấu sử của nước VN. Nhưng Thăng Long cũng không thoát khỏi nhiều phen bị vò xé bởi chính những bàn tay mà nó từng cưu mang. Một Thăng Long đau sót trong cơn tương tàn Trịnh-Nguyễn. Một Thăng Long tức tưởi trong cơn u mê của Lê Chiêu Thống rước giặc Tầu về cứu giang sơn! Tôn Sĩ Nghị - dưới chiêu bài cứu Lê - ngang nhiên kéo quân vào chiếm Thăng Long. Trong lúc mệnh nước như chỉ mành treo chuông ấy, nếu không có vị đại anh hùng Quang-Trung Nguyễn Huệ, mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, một trận oanh liệt quét sạch 20 vạn quân Thanh thì không biết nước Việt Nam nay có còn không, hay chỉ còn trong biểu tượng một ngôi sao nhỏ trên lá cờ lục tinh hằng mơ ước của chế độ Trung Cộng ngày nay.

 Sau khi vua Quang Trung tạ thế, dưới triều đại nhà Nguyễn và trong những giai đoạn chiến đấu chống thực dân Pháp thời cận đại, Thăng Long Hà-nội đã lại chứng kiến biết bao nhiêu cơn quằn quại của đất nước. Năm 1873 dưới đời vua Tự Đức, quân Pháp đánh Bắc Hà lần thứ nhất. Thành Thăng-Long bị đại bác Pháp bắn vào như mưa. Thành vỡ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nặng nhịn đói mà chết. Năm 1882 quân Pháp đánh Bắc Hà lần thứ hai. Thăng Long quằn mình chịu đựng sức công phá của đại pháo và mìn của Thực dân Pháp. Thành lại vỡ, Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tử tiết với thành…

 Thăng Long cho tới nay, một ngàn năm lịch sử đã trải qua với biết bao nhiêu vinh nhục. Một thiên niên ấy cũng đã để lại cho dân tộc biết bao nhiêu bài học vô giá dựa trên những sự thật không thể phủ nhận:

 - Bài học thứ nhất là bài học tự chủ. Tự chủ là lẽ sống của toàn dân và là mục tiêu tranh đấu ngàn đời của dân tộc. Tự chủ không những là độc lập, mà là độc lập và đứng vững trên chính đôi chân của mình. Tiền nhân ta dù luôn luôn phải khôn khéo để sinh tồn trước kẻ mạnh nhưng chưa từng nương nhờ vào sức mạnh ngoại bang để giữ nước. Trái lại những kẻ mượn tay ngoại bang để tranh thủ địa vị cũng đã chỉ tạo cơ hội cho ngoại cường xâm nhập, thao túng và cướp nước.

 - Bài học thứ hai là bài học về nhân tâm. Quân xâm lược phương Bắc dù chưa bao giờ biết mỏi mệt trong việc rình rập cơ hội để nuốt sống nước ta, nhưng trước sau chúng chỉ dám mở những cuộc tấn công xâm lăng vào nước ta khi có được những bằng chứng đích xác cho thấy tiềm lực dân tộc ta đang bị suy yếu do tệ nạn chia rẽ, bè phái, dân chúng bất phục kẻ cầm quyền vì bị áp bức, hà hiếp, bắt nạt. Trái lại, quân Tầu chưa bao giờ dám đánh vào nước ta khi trong nước anh em một lòng, nhân tâm được quy về một mối.

 - Bài học thứ ba là bài học về chính sách: “Tự nhất thời chi thất sách, toại vạn cổ chi di ương” (Từ sự sai lầm chính sách trong chốc lát mà để vướng tai họa cho đến vạn năm sau). Trên đây xin trích một câu trong bài phú Danh Sơn Lương Ngọc của các cụ Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. Đây là một nhận định về văn hóa dưới thời nhà Nguyễn: Cho dù có “Văn như Siêu, Quát…, thi đáo Tùng, Tuy…” nền văn hoá của ta vẫn bị đè nặng dưới cái bóng vĩ đại của văn hoá Trung Hoa. Qua mấy chục năm sau người ta mới nhận thấy cái thất sách đó, nhưng rồi lại bị chóa mắt bởi cái hào nhoáng của văn minh Tây phương. Cho nên từ thất sách này đi đến thất sách khác.

 Thật vậy, ách nô lệ tám mươi năm chưa kịp gỡ thì cả dân tộc vì thất sách, mất định hướng đã lại bị lôi cổ vào khúc thòng lọng oan nghiệt của các chủ nghĩa kinh tế phương Tây. Vì thế đất nước bị chia đôi, dòng Bến Hải thay thế cho dòng sông Gianh năm xưa ngăn cách tình dân tộc. Và vì không có tự chủ nên miền Bắc VN bị biến thành đội ngũ tiền phong của phong trào CS quốc tế. Vì không có tự chủ nên miền Nam VN bị biến thành tiền đồn chống Cộng của Thế giới Tự do. Rồi cũng vì không có tự chủ cho nên những họng súng hận thù thay cho gươm dáo già nua của Thăng Long ngày xưa lại một phen chĩa thẳng vào nhau. Giữa hai lằn đạn oan khiên ấy, một thi nhân nào đó (mà rất nhiều người biết) đã thốt lên tiếng kêu thảng thốt: “Trước mặt là Tư bản, sau lưng là Cộng sản. Giật mình nghe tiếng hô…!”. Đằng nào cũng chết, dân tộc ta gục ngã trong tư thế đó. Trong cơn gục ngã ấy có những biểu ngữ được treo cao tung hô Chủ nghĩa Mác- Lênin bách chiến bách thắng, có những bước chân lưu vong buồn bã trên khắp các miền đất lạ hoặc ngay trên quê hương thân yêu của mình. Đau thay! Bao nhiêu xương máu của toàn dân đổ xuống, rốt cuộc chỉ có chủ nghĩa là đại thắng. Dân tộc VN chưa bao giờ được hưởng một phút vinh quang hay chỉ một phút yên vui nhỏ bé, vì dân tộc VN đã thảm bại. Một trang sử vừa lật qua, thoáng chốc đã hơn ba chục năm. Thăng Long Hà-Nội nay còn đó, và nước hồ Gươm vẫn xanh dòng lưu niệm, nhưng hồn của Thăng Long thân yêu năm xưa bây giờ ở đâu?

 Và nay, trên bước đường sinh tồn của dân tộc, người VN ở trong nước và ở khắp bốn phương dường như lại gặp nhau. Gặp nhau trong nguy nan của vận nước, gặp nhau trong e dè của hoàn cảnh; trước mặt là kẻ thù thuyền thống, còn sau lưng hoặc là những dấu vết khó xoá nhoà hẳn của một cuộc chiến tương tàn, hoặc là những thật giả khó phân định của một thời đã thuộc về các thế hệ đi trước. Vì thế, dù thời gian có là một liều thuốc nhiệm mầu, trong ánh mắt người Việt chúng ta nhìn nhau – dù chỉ là những người dân bình thường - đôi khi vẫn có ít nhiều nghi ngại. Nhưng có một điều không ai còn nghi ngờ: Đất nước lại đang lâm nguy trước tham vọng bành trướng của phương Bắc, và người dân bình thường chúng ta thì dường như đang bị nhốt kín trong chiếc lồng được người ta đan bằng ảo tưởng và ảo giác. Người dân có mắt mà không được nhìn vào sự thật, có miệng mà không được nói lên sự thật.

 Hãy nói về nguy cơ từ phương Bắc. Không cần phải mất nhiều công sức và thì giờ để suy đoán về chiến lược biển Đông của Trung Cộng - một sách lược tối ưu có mục đích hiện đại hóa tài nguyên và hiện đại hóa biên giới, phát xuất từ nhu cầu sinh tồn và do tham vọng bành trướng cố hữu của họ- người ta cũng biết TC khó mà bỏ qua ý muốn chiếm trọn biển Đông trong lúc thế giới đang gặp nhiều khó khăn này. Và trên thực tế họ đã tuyên bố chủ quyền trên biển Đông bất chấp sự phản kháng của các nước có liên hệ. Chủ trương mở rộng biên cương của họ, trước kia là cướp đất của lân bang, nay để phù hợp với thời thế, được chuyển thành cướp biển, vì khác với chủ quyền trên đất liền, ranh giới chủ quyền trên biển cả cho đến thế kỷ này vẫn còn là một ý niệm khá mơ hồ, và vì kho tài nguyên của biển Đông đã được tiết lộ là một nguồn cung cấp nhiên liệu hầu như bất tận. Nhưng một khi biển Đông vẫn còn là buồng phổi, là hơi thở, là một phần cơ thể vốn đã không thể tách rời của VN thì chúng ta khó tránh được một cuộc thử lửa với TC, không phải chỉ trên mặt biển mà cả trên đất liền. Đó hiển nhiên cũng nằm trong sự tiên liệu của TC và là lý do khiến TC phải vừa trấn an VN, vừa ra tay trước bằng mọi cách: áp lực, đe dọa, xâm nhập, lấn chiếm, bao vây kinh tế, phá hoại thị trường, hủy hoại môi sinh, thậm chí khủng bố ngư dân ta, đồng thời kêu gọi mở các cuộc thương lượng song phương, và chỉ song phương mà thôi, với chính quyền VN để tách dân chúng VN ra khỏi chính quyền, và tách chính quyền VN ra khỏi cộng đồng quốc tế với hy vọng sẽ đạt được những gì họ muốn một cách dễ dàng hơn và trọn vẹn hơn. Vấn đề là nếu không đạt được ý muốn bằng phương thức “hoà bình” trên thì họ sẽ xử dụng ưu thế quân sự của mình để tấn công VN sớm hay muộn? Và sẽ đánh lớn, đánh cực nhanh cực mạnh, trước khi VN kịp tiếp nhận và xử dụng được những chiến cụ hiện đại, để thanh toán cái gai trong mắt, cái đinh dưới chỗ ngồi; hay sẽ chỉ phát động những trận đánh giới hạn gọi là “dậy cho VN một bài học” vừa đủ để làm thay đổi bộ mặt lãnh đạo, do đó thay đổi lập trường của VN,  và nhất là không gây nên tình trạng phải trực tiếp đối đầu với các thế lực quốc tế do Mỹ đứng sau lãnh đạo.

 Điều nên nhận định rõ, là Trung Cộng mặc dầu là một nước Cộng sản theo Tư tưởng Mao, nhưng bản chất thật của họ chỉ là một chế độ phong kiến không có quý tộc, một đế quốc thời đại với chủ trương bành trướng đế quyền và mở rộng biên cương ra khắp thế giới. Điều này thì chắc hẳn giới lãnh đạo CSVN và đồng bào chúng ta đều biết.

 Về phía Hoa Kỳ và các đồng minh kể cả Nga, chúng ta cũng không cần phải quá nhiều suy nghĩ để biết thật sự những người bạn phương Tây này muốn gì và tính gì khi sẵn sàng tiếp trợ những võ khí hiện đại nhất cho VN và sẵn sàng ký kết nhanh chóng những hiệp ước gọi là  “hợp tác toàn diện”với VN. Trở về quá khứ, người ta còn nhớ một trong những quan điểm chiến lược của Đảng Dân chủ Mỹ vào thập niên 60, khi Mỹ mới can thiệp vào VN, là “Cứ để cho VN thống nhất dưới sự lãnh đạo của HCM là một trong những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng xuống Đông Nam Á”. Tóm lại, biến VN thành tiền đồn ngăn chặn Tầu ở Đông Nam Á châu vốn từ lâu đã là mục tiêu chiến lược của Mỹ và có lẽ của cả Nga. Dù sao thì có sự tiếp trợ từ phía Tây phương cũng là điều cần thiết trong lúc này.

 Tuy nhiên cũng có điều nên nhận định, là Mỹ tuy hào phóng và luôn tỏ ra có tinh thần mã thượng, sẵn sàng bênh vực kẻ yếu thế; nhưng xét cho kỹ, sách lược của tòa Bạch ốc lắm khi cũng không hơn, không khác mưu lược cùng thủ đoạn của phường lái trâu ngày phiên chợ. Nếu cần, tức là nếu như thời thế biến chuyển khiến họ phải đổi thù thành bạn, đổi bạn thành thù, và nếu VN nhỏ yếu không có thế toàn dân để bảo đảm cho nền độc lập tự chủ mong manh của mình, thì chỉ cần một cái đập tay song phương sau khi đã ngã giá, Nam quốc sơn hà của hậu duệ Lý - Trần kể như cũng đã được định phận,  không cần phải tại thiên thư, mà ở một bàn hội nghị vu vơ nào đó.

 Trở lại với Thăng Long, biểu tượng bất diệt của cuộc chiến đấu toàn dân tộc cho nền Độc lập Tự chủ nước nhà. Sẽ rất thiếu sót nếu chỉ nói đến diện mạo của Thăng Long qua những vết thăng trầm lịch sử. Thăng Long Hà-nội ngày nay, trong vẻ thanh lịch sẵn có cũng như trong nếp sống xô bồ hàng ngày, cũng đang ấp ủ biết bao niềm riêng không nói lên được. Cái “không nói lên được” cũng là hình ảnh quen thuộc của những hàng bia đá lặng lẽ trong Văn miếu Hà-nội– biểu tượng trân quý của kẻ sĩ Việt Nam . Nhưng Kẻ sĩ VN không phải chỉ tìm thấy ở trên những tấm bia đá trong Văn miếu Hà-nội. Tiếng nói của họ đang vang vọng từ khắp nơi trong nước, những tiếng nói phát xuất từ lẽ phải, từ lương tâm con người, từ nhiệt tình đối với đất nước, nhất là khi đất nước bị đe dọa bởi nạn ngoại xâm. Trong tiếng kêu gào của lớp kẻ sĩ ngày nay người ta nghe như vang dội tiếng thét quật cường của Nguyễn Thái Học cùng 13 liệt sĩ Yên Bái trên đoạn đầu đài, của Hoàng Diệu, của Nguyễn Tri Phương, của bao nhiêu lớp người từ nhiều thế hệ trước nữa đã hy sinh để Thăng Long thành bất diệt. Phải chăng hồn Thăng Long đang mượn tiếng nói của kẻ sĩ để nói lên nguyện vọng và hoài bão của chính mình.

 Tiếc thay, có lẽ những tiếng nói tự đáy lòng con người ấy, tiếng nói từ trái tim Thăng Long ấy, lại không phải là những tiếng nói mà nhà cầm quyền VN mong đợi. Cho nên kẻ sĩ VN ngày nay - những người đã dám đại diện cho toàn dân để nói lên những điều chẳng đặng đừng, những điều “không tiện nói”- đã và sẽ lần lượt phải ra trước vành móng ngựa để nghe tuyên án.

 Nhân đây chúng tôi cũng xin phép đồng bào để được gởi đến quý vị đang nắm cơ chế lãnh đạo đất nước một vài lời khẩn thiết.

 Kính thưa quý vị đang lãnh đạo các cơ chế lãnh đạo đất nước,

 Nay, trước tình hình ngày một nghiêm trọng, là những người dân bình thường lại sống xa quê hương đã lâu, chúng tôi thành thật không biết thật sự quý vị đang suy tính gì, nên không có ý lạm bàn về những vấn đề thuộc sách lược cứu nguy đất nước. Chúng tôi chỉ xin góp vài lời về sức mạnh toàn dân trong các cuộc chiến tranh giữ nước.

Các nhà chiến lược ngày nay đều biết rõ tầm quan trọng của võ  khí trong chiến tranh hiện đại. Nhưng trong chiến tranh giữ nước, võ khí, nhất là võ khí được tiếp trợ từ bên ngoài, dù là nhu cầu tối yếu vẫn chưa phải là yếu tố quyết định. Sức mạnh của khí giới cần phải được đặt trong sức mạnh của một nền tự chủ, mà sức mạnh của nền tự chủ sẽ không đứng vững nếu không có thế toàn dân làm bảo đảm. Như vậy có thể nói sức mạnh toàn dân mới là sức mạnh chủ yếu và là yếu tố quyết định thắng bại trong việc giữ nước. Từ thời giành được tự chủ, sức mạnh toàn dân ở nước ta đã được vận dụng và xử dụng một cách hữu hiệu như sức mạnh căn bản, sức mạnh chủ yếu, và cũng là sức mạnh cuối cùng trong việc giữ nước chống xâm lược phương Bắc. Chính vì thế mà các triều đại Trung quốc xưa dù hùng mạnh đến thế nào cũng không dám xâm phạm nước ta một khi họ chưa nắm chắc được những bằng chứng rõ rệt cho thấy triều đình phương Nam không có sức mạnh toàn dân hậu thuẫn.

 Thành thật mà nói, chúng tôi tin rằng hơn ai hết, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước biết rõ sự cần thiết của sức mạnh toàn dân trong việc giữ nước, nhưng e rằng quý vị sẽ, cũng như đã từng, phạm sai lầm khi vận dụng sức mạnh toàn dân bằng phương thức bạo lực, vì bạo lực đang được xử dụng trong việc đàn áp những người yêu nước. Về việc này, theo thiển ý của chúng tôi, mặc dầu những người vì nhiệt tình với nước có thể đã biểu lộ lòng yêu nước của mình hoặc không đúng lúc, hoặc khác với chủ trương của nhà nước; khi áp dụng bạo lực người cầm quyền đã phạm điều sai lầm lớn là làm tiêu hao dân khí cả nước, đồng thời đã đẩy những thành phần tích cực về phía tiêu cực, đẩy toàn dân vào bóng tối lạnh nhạt nghi ngờ. Về việc này, Đức Trần Hưng Đạo cũng đã có lời dậy: Hãy khoan sức dân để giữ lấy gốc bền sâu rễ”. Đây là kế sách “khoan dân” trong chiến pháp giữ nước để gây dựng sức mạnh toàn dân. Bởi vậy chúng tôi đề nghị, ở tư thế lãnh đạo, quý vi cần phải có biện pháp tức khắc để cởi trói cho kẻ sĩ và phục hồi danh dự cho tất cả những ai đã dám thay mặt toàn dân để nói lên những điều tuy có tính cách cấm kỵ đối với Đảng và Nhà nước, nhưng là những điều phát xuất từ lẽ phải, từ lương tri, từ tâm huyết con người. Bằng biện pháp cởi trói kẻ sĩ quý vị mới có thể khởi đầu việc vực lại Sức mạnh toàn dân để xử dụng vào việc giữ nước.

 Đồng thời, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đây cũng là cơ hội, sau nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ một cách oan uổng đáng tiếc, để quý vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước thuận tay cởi trói cho Thăng Long, dẹp bỏ những vòng dây oan khiên không còn cần thiết của bạo lực, của chủ nghĩa, của hận thù… để phục hồi một “Thăng Long nồng ấm –trái tim của Nam quốc sơn hà” thời đánh Tống, một “Thăng Long của toàn dân” thời kháng Nguyên, một “Thăng Long kiên cường bất khuất” thời đuổi Minh, một “Thăng Long mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789” ngày Quang-Trung Nguyễn Huệ cùng toàn quân toàn dân một trận oai hùng quét sạch 20 vạn quân Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi. Quý vị cần phải lập tức cởi trói cho Thăng Long để tạo hoàn cảnh cho toàn dân tộc được cùng nhau sát cánh chiến đấu bảo vệ đất nước trong cơn nguy biến này, và sẽ cùng xum họp dưới mái ấm đại gia đình trong một mùa xuân đại thắng đúng nghĩa. Chúng tôi thành thật nghĩ rằng nếu thực hiện được những điều đại phúc ấy thì công nghiệp của quý vị trong lịch sử và nhất là trong lòng người VN sẽ không phải là nhỏ.

 Sau hết, chúng tôi xin thành thật cảm tạ quý đồng bào trong và ngoài nước đã quan tâm và chia xẻ với chúng tôi khi đọc lá thư này. Xin hứa sẽ lắng nghe và chia xẻ các quan điểm của tất cả quý vị nếu hân hạnh nhận được những góp ý từ bốn phương.

 

Trân trọng,

TẬP HỢP ĐỒNG TÂM - ÚC CHÂU

 Nguồn: http//www.taphopdongtam.org

Trở Lại Trang Mặt