Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4888
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net







Lê Việt Thường


NHẬP ÐỀ 

I.     SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN DÂN CHỦ TÂY PHƯƠNG

II.   ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO TRÊN TƯ TƯỞNG CỦA THẾ KỶ ÁNH SÁNG

III. VƯƠNG ÐẠO HAY TINH THẦN DÂN CHỦ TRONG NHO GIÁO

IV.   LUẬT HỒNG ÐỨC VÀ NỀN DÂN CHỦ VIỆT

V.     CÁC NÉT ÐẶC TRƯNG CỦA NỀN DÂN CHỦ VIỆT

 

NHẬP ÐỀ

A) NHỮNG NGHỊCH LÝ CỦA VẤN ÐỀ VIỆT NAM:

Nếu nghiên cứu một cách thấu đáo vấn đề Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy những điểm NGHỊCH LÝ sau đây về mặt:

1) KINH TẾ XÃ HỘI:

Chỉ hơn một thập niên sau 1975,Việt Nam bị xếp vào hạng một trong những nước nghèo nhất thế giới, trong khi trước 1975, mặc dầu có tình trạng chiến tranh, nhưng có lẽ nhờ có môt chút TỰ DO, nên miền Nam VN cũng đã đạt được mức phát triển "ngang ngửa" với các nước láng giềng sau này trở thành những "con Rồng Á Châu". Nay thì tình trạng KINH TẾ của Việt Nam khá hơn trước, nhưng cũng còn lâu mới đạt được mức độ lý tưởng của tiềm năng dân tộc.

2) QUÂN SỰ CHÍNH TRỊ:

Giới lãnh đạo CSVN ngày nay có thái độ khúm núm, sợ sệt, cầu cạnh, đối với giới cầm quyền Bắc Kinh để mong được giúp củng cố địa vị cá nhân, gia tăng quyền lực của đảng Cộng sản, đến độ họ không ngần ngại bán đất, dâng biển của Tổ Tiên để lạiTrong khi đó, Tiền Nhân ta , có lẽ nhờ được hun đúc trong bầu khí Văn Hóa Truyền Thống nên có được tinh thần "uy vũ bất năng khuất" như Trần Bình Trọng, hay oai hùng như Lý Thường Kiệt với thành tích "Phá Tống Bình Xiêm", hay thao lược như Trần Hưng Ðạo đã đánh bại ba lần đạo quân Mông Cổ hùng mạnh nhất thế giới đương thời, hay lẫm liệt như Nguyễn Huệ nhất quyết đòi Trung Hoa phải trả lại hai tỉnh Lưỡng Quảng của Tổ Tiên Lạc Việt.vvv.

3) NGUỒN GỐC VĂN MINH:

Cách đây không lâu trở về trước, có lẽ do tình trạng phôi thai của Khoa Học, cũng như dụng ý của Thực dân Tàu rồi Thực dân Tây, người Việt bị mang tiếng là một dân tộc chỉ chuyên HỌC MƯỚN VIẾT NHỜ. Trong khi đó, các khám phá Khoa Học mới nhất cho thấy là Tổ Tiên chúng ta đã khai sinh ra nền văn hóa Nông Nghiệp ÐẦU TIÊN của Nhân loại và đã giúp SÁNG LẬP ra các nền VĂN MINH LỚN như Trung Hoa, Ấn Ðộ, Lưỡng Hà..

4) NHÂN QUYỀN DÂN CHỦ:

Một số ít các nhà quan sát cũng đã bắt đầu hé thấy các điểm MÂU THUẪN nêu trên.Nhưng còn những điều NGHỊCH LÝ sau đây trong lãnh vực NHÂN QUYỀN DÂN CHỦ thì rất ít người nhận biết, và nếu có biết đến thì cũng có lẽ chưa có ai thấy đúng tầm mức quan trọng của vấn đề.

Thật vậy, trong khi chính quyền CSVN ngày nay bị các cơ quan Nhân quyền Quốc tế "lên lớp" trong các bản phúc trình hàng năm của họ về mặt vi phạm Nhân quyền và đàn áp Chính trị và Tôn giáo, thì có ai ngờ rằng vào khoảng hơn 500 năm trước đây, trong khi hầu hết toàn thể Nhân loại đang ở trong tình trạng dã man, mông muội thì Tổ Tiên chúng ta đã thành tựu được bộ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT còn được gọi là LUẬT HỒNG ÐỨC, mà sau khi được phân tích đối chiếu với các tiêu chuẩn NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ và các điều khoản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, chúng ta sẽ ngạc nhiên một cách thú vị là không những các quy định nằm trong Luật Hồng Ðức về mặt nhân bản và nhân đạo tiến bộ bỏ xa luật pháp của các nước Ðông Á và Tây Phương ít ra là bốn thế kỷ, mà còn VƯỢT QUA ở một số điểm cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc lẫn Luật Pháp Tây Phương ngày nay.

B) NHÂN QUYỀN VÀ DÂN CHỦ:

Nghiên cứu Bộ Luật Hồng Ðức về khía cạnh Nhân Quyền có lẽ cũng là dịp tốt để bàn về vấn đề Dân Chủ. Lý do là như chúng ta có thể nhận thấy trong thời cận đại, nền DÂN CHỦ Tây Phương đã thành hình SONG SONG với việc tranh đấu cho những QUYỀN căn bản của người DÂN và hai ý niệm NHÂN QUYỀN và DÂN CHỦ thường đi đôi như hình với bóng.

Vậy nên, nếu nền LUẬP PHÁP VN qua Bộ LUẬT HỒNG ÐỨC đã ÐI TRƯỚC Nhân Loại ít nhất 4 thế kỷ về mặt NHÂN QUYỀN thì có lẽ một hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra về khía cạnh DÂN CHỦ. Nhưng có lẽ phát xuất từ tinh thần VỌNG NGOẠI của đa số trong giới Trí Thức VN do ảnh hưởng nặng nề của thời kỳ Thực Dân Ðô Hộ gần đây, các PHONG TRÀO TỰO DÂN CHỦ VIỆT NAM hôm nay để giải quyết các vấn đề thiết cận của mình, của dân tộc mình, có vẻ CHỈ trông chờ giải pháp đến từ BÊN NGOÀI, mà không đếm xỉa gì đến NỘI LỰC của mình, của nền Văn Hóa TỔ TIÊN để lại.

Ðể bổ túc sự THIẾU SÓT rất trầm trọng nêu trên, chúng tôi sẽ đề cập đến TƯƠNG QUAN giữa LUẬT HỒNG ÐỨC và vấn đề DÂN CHỦ dưới hai khía cạnh TINH THẦN và THỂ CHẾ. Nhưng trước đó, chúng tôi xin được lướt qua sự HÌNH THÀNH của nền DÂN CHỦ TÂY PHƯƠNG.

I) SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN DÂN CHỦ TÂY PHƯƠNG:

A) LỊCH SỬ:

Chúng ta thường nghe nói Lịch sử của nền Dân chủ Tây Phương bắt nguồn từ ba cuộc CÁCH MẠNG Anh Quốc (1642), Hoa Kỳ (1776) và Pháp quốc (1789).

B) NGUỒN GỐC:

Về nguồn gốc xa xưa của nền Dân Chủ Tây Phương, thì người ta thường nghĩ đến ảnh hưởng của HY LẠP và LA MÃ. Nhưng ngay nền Cộng Hòa LA MÃ cuối cùng cũng đã trở thành ÐỘC TÀI CHUYÊN CHẾ khi La Mã trở thành ÐẾ QUỐC.

Khi thời Trung Cổ chấm dứt với sự lớn mạnh của giai cấp Thương gia Trung lưu giàu có, thì tại Âu Châu nẩy sinh một khuynh hướng muốn làm sống lại các Giá trị Dân Chủ kiểu Hy Lạp, La Mã trong thời PHỤC HƯNG (Renaissance) và sau đó trong thời CẢI CÁCH (Reformation).

C) THẾ KỶ ÁNH SÁNG:

Nhưng ảnh hưởng quyết liệt nhất đối với sự ra đời của nền Dân Chủ Tây Phương có lẽ bắt nguồn từ thế kỷ XVIII còn được gọi là THẾ KỶ ÁNH SÁNG (le Siècle des Lumières) với các Triết gia hay Chính trị gia sau đây:

1)LOCKE :

Locke quan niệm CHỦ QUYỀN không thuộc về Nhà Nước, mà về NGƯỜI DÂN. Và Quyền hành của NHÀ NƯỚC bị ràng buộc bởi luật "Tự nhiên" hay Dân luật. Nhiều ý tưởng của Locke về quyền Tự nhiên, quyền Tư hữu, về Trách nhiệm của Nhà Nước , về luật của Ða số được đưa vào Hiến Pháp của Hoa Kỳ.

2) VOLTAIRE:

Voltaire tố cáo tất cả những hình thức MÊ TÍN, ÐÀN ÁP, KỲ THỊ ở mọi lãnh vực. Ông chủ trương ÐẠO ÐỨC phải được dựa trên các nguyên tắc TỰ DO TƯ TƯỞNG, TÔN TRỌNG THA NHÂN.

3) MONTESQUIEU:

Montesquieu được biết nhiều với chủ trương TAM QUYỀN PHÂN LẬP (Séparation des Pouvoirs): Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, nhằm bảo đảm TỰ DO và các QUYỀN của CÁ NHÂN.

4) ROUSSEAU:

Nổi tiếng về mặt CHÍNH TRỊ với tác phẩm "Khế Ước Xã hội"( le Contrat Social), Rousseau bênh vực cho TỰ DO CÁ NHÂN chống lại các loại ÐÀN ÁP đến từ Nhà Nước và Giáo Hội.

5) FRANKLIN:

Về mặt CHÍNH TRỊ, Franklin gây ảnh hưởng cũng như chịu ảnh hưởng của các triết gia, tư tưởng gia, lãnh tụ cuộc Cách Mạng Pháp.

6) JEFFERSON:

Là nhân vật Hoa Kỳ sáng giá nhất của Thế kỷ Ánh Sáng, mà ba công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp CHÍNH TRỊ của Jefferson là các vận động của ông về việc thiết lập một hệ thống GIÁO DỤC CÔNG LẬP, soạn thảo TUYÊN NGÔN ÐỘC LẬP của Hoa Kỳ và Ðạo Luật về TỰ DO TÔN GIÁO tại Tiểu bang Virginia.(1)

Phần trình bày trên đây phản ảnh lối nhìn thông thường của đa số những người bàn về vấn đề DÂN CHỦ ngày nay. Theo họ, NGUỒN GỐC Dân Chủ phát xuất từ TÂY PHƯƠNG, gần thì từ thế kỷ XVIII, còn xa thì từ HY LẠP, LA MÃ. Nhưng nếu nghiên cứu một cách thấu đáo, nghiêm chỉnh hơn thì chúng ta có thể nhận thấy vấn đề không chỉ đơn giản như vậy !

Xem tiếp II


II)ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO TRÊN TƯ TƯỞNG CỦA THẾ KỶ ÁNH SÁNG

Thật vậy, G. LANSON, người sáng lập ra khoa Lịch Sử Văn Học PHÁP có nhận xét sau đây: "Giữa năm 1692-1723 trong giai cấp thượng lưu xã hội Pháp xuất khởi một ý thức xã hội và một tinh thần cải cách MÀ TRƯỚC KIA CHƯA CÓ NHƯ VẬY BAO GIỜ"

A) SỰ THAY ÐỔI TƯ DUY TRONG XÃ HỘI TÂY PHƯƠNG:

Theo Lanson, cuộc biến đổi đó gồm 6 điểm đặc biệt sau đây:

 1) Nhu yếu suy tư cách rõ ràng mạch lạc căn cứ trên sự kiện và kinh nghiệm chống với thiên kiến hay quyền lực. Chỉ tìm chân lý vì chân lý.

2) Lấy lương tâm làm tòa án tối cao độc lập ngoài giáo điều. Như thế mỗi người có thiện chí ở mọi nơi, không phân biệt nòi giống hay tôn giáo, đều có những nguyên tắc luân lý cốt yếu như nhau và cá nhân có quyền xét đoán cái gì là tốt, cái gì là xấu cho mình. Nói chung, cái tốt là những cái gì trung bình (không thái quá, không bất cập).

3) Tốt lành và khoái trá trở nên đồng cư, người ta không thể khử trừ mà chỉ nên hướng dẫn dục vọng, nhấn mạnh đến việc hưởng lạc thú ở đời. Những xét đoán đặt căn cứ ngoài thế giới đều biến mất.

4) Không nên theo Rousseau mà tìm cầu sự tốt nơi tuyền dã. Nhưng phải tìm trong nền văn minh và văn hóa.

5) Triết lý lạc thú được mở rộng cho tới triết lý hỗ tương: người ta phải cảm thức rằng có giúp cho người khác hạnh phúc thì mới được hạnh phúc

6) Nhân Ái được thay cho Bác Ái

B) SỰ DU NHẬP NHO GIÁO VÀO XÃ HỘI TÂY PHƯƠNG:

Cả 6 điểm của triết lý nước Pháp ở thế kỷ XVIII vừa kể trên, theo Cố Triết Gia KIM ÐỊNH, đều giống một cách lạ lùng tinh thần của NHO GIÁO NGUYÊN THỦY.

Thời mà Lanson nhận là thời xẩy ra biến đổi, tức từ năm 1680-1715, lại chính là thời mà Nho Giáo Nguyên Thủy được giới thiệu thực sự với công chúng Pháp. Bản dịch Nho Giáo đầu tiên xuất hiện vào năm 1662 và nhiều bản dịch khác tiếp theo mấy chục năm sau.

Năm 1685, phái đoàn bác học Dòng Tên do vua Louis XIV cử tới Trung Hoa, từ đấy luôn luôn có những thư dài và sách dịch hoặc xuất bản được gởi riêng cho các nhà bác học nổi tiếng nhất. Những tài liệu đó sẽ làm nền cho các sách xuất bản các năm sau để giới thiệu với Âu Châu về Khổng Tử, nhiều hơn khi nào hết.V. Pinot có nhắc đến ngót 200 sách và báo trong khoảng thời gian kể trên.(2)

Hậu quả là theo nhận xét của Gs H. CREEL, "Bên Âu và cách riêng bên Pháp, tất cả những phương pháp suy tư đã bị biến thiên trong hai thế kỷ XVII, XVIII. Và sau sự biến trạng đó thì nền tư tưởng Tây Âu trở nên giống Viễn Ðông trong nhiều khía cạnh. Sự biến dạng cũng như trở nên giống nhau không phải chỉ có hời hợt bên ngoài."(3)

Còn theo Học giả V. PINOT, có ba điều làm cho giới trí thức Âu Châu thế kỷ XVI, XVII chú ý đến Trung Hoa:

1)TRUNG HOA ÐÔNG DÂN: Nếu mối bận tâm của các chính phủ ngày nay là nạn nhân mãn, thì trái lại, từ thế kỷ XVIII trở về trước, mối lo đầu tiên của chính quyền là làm sao cho dân được đông đúc. Ðang lúc bên Tây Âu dân số cứ trụt lùi thì bên Tàu dân đông vô kể. Ðiều đó đã làm cho người ta thán phục chính phủ Trung Hoa và thầm ước bắt chước.

2)VẮNG BÓNG HÀNH KHẤT: Ðiểm thứ hai làm cho các du khách phải ngạc nhiên là trong đám đông đúc đó, vắng bóng hành khất. Ðang khi đó, số hành khất đã trở nên đông đảo và lang thang trên khắp ngả đường Âu Châu và trở nên mối bận tâm của mọi chính quyền lúc đó.

3)TRUNG HOA PHONG PHÚ SUNG TÚC: trong khi Âu Châu lại nghèo nàn.

Mỗi người giải thích khác nhau về sự kiện mà tất cả ai nấy đều đồng ý: Tàu là một dân sung sướng và phồn thịnh. Và đó là nhờ nền LUÂN LÝ và CHÍNH TRỊ TUYỆT HẢO CỦA HỌ.

Có người giải thích bằng lòng cương trực của các quan đại thần không sợ liều mạng can gián vua. Người thì cho là tại chính sách CỬ HIỀN DỮ NĂNG, tức hễ người nào có TÀI ÐỨC thì có thể ra LÀM QUAN, không kể đến xuất xứ hay dòng tộc.(4 

Và vì bấy giờ Tây Phương chưa biết bí quyết làm đồ sứ, và đồ lụa còn thô sơ hơn của Trung Hoa rất nhiều, nên lắm người cho là TÀU GIỎI HƠN TÂY.

C) THÁI ÐỘ CỦA GIỚI ÐẠI TRÍ THỨC TÂY PHƯƠNG:

Còn nếu bước sang phạm vi VĂN HÓA TRIẾT HỌC thì người Tây Phương thời đó còn gặp nhiều lý do hơn để thán phục.

1) TRÍ THỨC ÐỨC:

Triết gia LEIBNITZ rất mừng rỡ khi vào năm 1887, vua Khang Hy cho phép các Thừa sai được tự do truyền bá Ky Tô giáo bên Tàu. Ông viết:

" Chúng ta cần họ gửi cho chúng ta những nhà Hiền triết và Chính trị gia để họ dạy lại ta phép Cai Trị và tất cả khoa Thần học Tự Nhiên mà họ đã đẩy đến một mức độ hoàn bị cao viễn dường ấy".(5)

 

2) TRÍ THỨC PHÁP:

a) VOLTAIRE: viết: "Nếu bao giờ có một thời kỳ hạnh phúc nhất và đáng kính nhất trên Trái Ðất này thì đó là thời kỳ người ta theo luật cai trị của Khổng Tử" và " Hiến pháp của Trung Hoa thật ra là hoàn hảo nhất trên thế giới..là môt nước duy nhất khi mà quan cai trị tỉnh phải thuyên chuyển nếu không được dân hoan hô."(6)

b) QUESNAY và nhóm "Physiocrates" nhấn mạnh đến lãnh vực GIÁO DỤC với chế độ THI CỬ của VIỄN ÐÔNG được người Âu Châu thời đó hoan nghênh nhiệt liệt vì được xem như lá cờ TIÊN PHONG cho BÌNH ÐẲNG và DÂN CHỦ.(7)

c) CÁC TRÍ THỨC PHÁP KHÁC: Hầu như không có một tác giả nào thời đó mà không nhắc đến Trung Hoa:

MONTESQUIEU nhắc đến một cách ÔN HÒA.

ROUSSEAU tuy ghét Tàu về mặt LỄ NGHI phiền toái, nhưng khen Tàu về mặt CÔNG BÌNH và CAI TRỊ.

D. HELVÉTIUS trong quyển "De lHomme à la Science Philosophique".

DIDEROT trong "Encyclopédie" (article "Chinois") đều nhắc tới..

Và biết bao lời nồng nhiệt khiến gây thành một trào lưu sùng mộ Triết Trung Hoa với khẩu hiệu "INOCULER AUX FRANCAIS LESPRIT CHINOIS"(= Tiêm tinh thần TÀU vào cho PHÁP". (8)

3) TRÍ THỨC ANH:

a) Chủ trương của QUESNAY trong lãnh vực GIÁO DỤC có ảnh hưởng rất lớn đối với giới Trí thức ANH thời đó. Năm 1731, dân biểu EUSTACE đề nghị là nước ANH nên thâu nhận chế độ THI CỬ của TRUNG HOA.

b) Năm 1762, dân biểu O. GOLDSMITH cũng dùng các lý luận của ông Eustace để đả kích gắt gao chế độ Ðẳng cấp Quý phái thế tập bên Anh. Nhờ những cuộc vận động ráo riết đó nên cuối cùng chính phủ ANH ÐÃ CHẤP NHẬN PHÉP THI CỬ THEO LỐI TRUNG HOA.(9)

4) TRÍ THỨC HOA KỲ:

a) FRANKLIN:

Năm 1767, khi sang Pháp đã làm quen với Tư tưởng của QUESNAY mà ông sẽ dùng sau này trong các lãnh vực GIÁO DỤC và HIẾN PHÁP.

b) JEFFERSON:

Jefferson đặc biệt chú trọng đến Tư tưởng của QUESNAY. Năm 1779, ông đưa ra dự án CẢI TỔ toàn diện hệ thống GIÁO DỤC HOA KỲ theo tinh thần và thể thức của TRUNG HOA và VIỄN ÐÔNG. Trước đó, năm 1776 ông đã có dịp đọc những dòng sau đây của VOLTAIRE: " Trí khôn loài người không thể tưởng tượng ra được một chính phủ tốt hơn..bởi vì các phần tử quan lại chỉ được thâu nhận sau nhiều đợt khảo thí nghiêm nghị".(10) Bàn về hệ thống THI CỬ của TRUNG HOA, ít nhất có hai quyển đã nằm trong tủ sách của JEFFERSON: một của DU HALTE, một của L. LECOMTE với lời lẽ như sau:"Quyền quý không bao giờ mang tính cách kế thừa và không có sự phân biệt nào khác giữa dân chúng ngoài sự phân biệt do chức vụ mà họ đang thi hành"(11) và"một khóa sinh dẫu là con một nhà thường dân cũng có thể nuôi hy vọng lên đến chức Khâm Sai hay cả chức Tể Tướng như những sinh viên con nhà thế lực vậy". (12)

Phần trình bày trên đây cho thấy ảnh hưởng lớn lao của NHO GIÁO trên các Triết gia, Chính trị gia của thế kỷ XVIII thường được mệnh danh là những người CHA TINH THẦN của nền DÂN CHỦ TÂY PHƯƠNG như Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Franklin, Jefferson...qua nội dung của nền TRIẾT LÝ CHÍNH TRỊ của Nho Giáo còn được gọi là VƯƠNG ÐẠO.

III) VƯƠNG ÐẠO HAY TINH THẦN DÂN CHỦ TRONG NHO GIÁO:

A) NỘI DUNG VƯƠNG ÐẠO:

Nói vắn tắt thì Vương Ðạo dùng ÐỨC TRỊ, còn Bá Ðạo dùng LỰC TRỊ: "Dĩ lực phục nhơn giả Bá, dĩ đức phục nhơn giả Vương"(13)

1) CỬ HIỀN: Trước câu hỏi: "Quyền bính thuộc về ai? Người có tài đức hay võ lực? Hoặc dòng tộc?

VƯƠNG ÐẠO chủ trương quyền bính thuộc người HIỀN ÐỨC: "Tôn hiền, sử năng, tuấn kiệt tại vị" (14). Ðó là lập trường đối lập với quan niệm "Kế thừa huyết thống của Thượng Ðế" của Quý Tộc Ðông cũng như Tây xây trên Thần thoại với chế độ Kế Tử "cha truyền con nối", kể cả trong hàng quan lại.

Theo nguyên tắc trên, Khổng Tử chỉ chú trọng tới TÀI ÐỨC mà không kể đến Dòng Tộc. Về việc Trọng Cung có TÀI mà không được đắc dụng chỉ vì thuộc tầng lớp thường dân, thì theo Khổng Tử, Trọng Cung không những nên cử làm QUAN, mà cả đến làm VUA: "Ung giả khả sử nam diện"(15).

Trong dòng tư tưởng đó, Khổng Tử chủ trương QUAN CAI TRỊ, VUA KIỂM SOÁT, tức sự QUAN TRỌNG đặt nơi QUAN, chứ không nơi Vua: "Dĩ đạo sự quân, bất khả tắc chỉ" (16)(= Quan phải trung với Ðạo, chứ không trung với cá nhân vua). Quan niệm trên sau này được Mạnh Tử đặt nổi với câu"Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh"(17)

2) GIÁO CHI:

Chủ trương CỬ HIỀN TÀI như trên thật đúng là TINH THẦN DÂN CHỦ, chỉ chưa có phổ thông đầu phiếu. Nhưng bù lại, ông đã cố gắng BÌNH DÂN HÓA VIỆC HỌC, cố gắng giật cái độc quyền học thức ra khỏi tay phái quyền quý để mở rộng ra với quần chúng:" Hữu giáo vô loại"(18)(= trong việc giáo hóa, không có phân biệt giai cấp quý tiện sang hèn)

Ở phần trên chúng ta đã thấy là mãi đến khoảng giữa thế kỷ XIX, các nước Âu Mỹ mới bắt chước chế độ THI CỬ của VIỄN ÐÔNG để mở cửa giáo dục cho toàn dân!

3) PHÚ CHI:

Muốn cho dân nhờ giáo dục thì phải có của dư giả mới tìm ra thì giờ nhàn rỗi mà đi học. Và không có Triết gia nào tha thiết về vấn đề làm giàu dân bằng Mạnh Tử: "Dân khả sử phú dã"(19). Ðó cũng là lý do tại sao Khổng Tử đặt "Phú chi" trước "Giáo chi" và ngược lại với Pháp gia, Khổng Tử chủ trương "làm giàu Dân", chứ không phải" làm giàu Chúa": "Bá tánh bất túc, quân thục dữ túc" (20)(= Bá tánh không đủ ăn thì vua đủ ăn với ai).Và tất cả Triết lý Chính trị của Nho Giáo đặt trên Nguyên tắc Căn bản sau đây: "Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân"(= Không lo ít của cho bằng lo chia của không đều).(21)

4) LỄ TRỊ:

Con người hễ đã "giàu có thì sinh lễ nghĩa", nhân vị cao lên. Bởi vậy tiếp theo chương trình "Giáo chi, Phú chi", Khổng tử chủ trương LỄ TRỊ vì theo Ông, "Ðạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Ðạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sĩ thả cách" (22) "Dùng chính trị hình luật mà cai trị thì dân mới biết có tránh phạm luật.Dùng đạo đức và lễ nhạc mà cai trị thì dân mới trau dồi nhân cách".

5) CHỮ TÍN:

Lễ Trị là một lối cai trị tôn trọng người dân, coi người dân như người cộng tác với chính quyền. Ðã nói đến cộng tác thì chữ TÍN là cần: "Thượng háo Tín tắc dân mạc cảm bất dụng tình"(23)(=Nếu người trên Thành Tín thì không ai không hết lòng". Ðã TÍN thì coi Ý DÂN làm trọng. Trong ba vấn đề "Túc thực, túc binh, dân tín chi hĩ"(= lương thực cho đủ nuôi dân, binh lực cho đủ bảo vệ dân, lòng tin cậy dân đối với mình) thì Khổng Tử cho chữ TÍN là quan trọng hơn cả vì "Dân vô tín bất lập"(24)(= dân không tín nhiệm thì chính quyền hết đứng nổi).

B) ÐỐI CHIẾU VƯƠNG ÐẠO VỚI TINH THẦN DÂN CHỦ NGÀY NAY:

Khi đem 5 nguyên tắc căn bản trên đây của nền VƯƠNG ÐẠO của Nho Giáo để so sánh với Tinh thần Dân chủ Ngày nay mà nội dung đã được học giả Charles Merriam xác định, thì Gs H. CREEL cho rằng Khổng Tử đã áp dụng được tất cả các khoản trừ khoản Ý DÂN hay "Phổ thông Ðầu phiếu" vì theo ông " đấy là một điều chưa có dân nào lúc đó dám nghĩ tới"(25). Do đó, ông kết luận: Tuy chưa có thể chế Dân Chủ, mà sự cải tổ của Khổng Tử đã mang tự thân TINH THẦN DÂN CHỦ.Còn Triết gia H. Keyserling thì cho rằng ngay khoản Ý DÂN cũng được Nho Giáo thực thi bằng lối "Ðầu phiếu Trường ốc"(=Scrutin décole), tức khoa THI CỬ.

C) LÝ DO ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO BỊ LÃNG QUÊN:

Tại sao một trào lưu mạnh mẽ đã gây ảnh hưởng đến thế lại bị lu mờ để cuối cùng người Tây Phương quên đi ảnh hưởng của Nho Giáo trên sự thành hình của nền Dân Chủ Tây Phương ở thế kỷ XVIII. Có 2 loại lý do:

1) LÝ DO THỜI THẾ:

Sau khi Cách Mạng Pháp thành công đạp đổ nền Quân Chủ thì các phe phái tại Tây Phương không còn cần dùng Trung Hoa để bênh vực cho lập trường Chính trị của họ nữa.

Nhưng lý do chính cốt nằm trong vấn đề THUỘC ÐỊA và KHOA HỌC. Nhờ có những thuộc địa nên tài nguyên được quy tụ về Âu Châu gây dựng nền Tư Bản. Tư bản giúp cho kỹ nghệ có phương tiện phát triển và đem lại cho Âu Châu sự giàu sang phồn thịnh, khiến nẩy sinh nơi người Tây Âu mặc cảm tự cao là tài trí hơn các dân khác mà họ đã chinh phục được.

Tự đấy người ta quên hẳn ảnh hưởng của Trung Hoa hay có nói đến là để tỏ dấu khinh thị một tình trạng ứ đọng. Mà quả thật, sau hai đời Khang Hy và Càn Long thì nước Tàu đi xuống giốc để cuối cùng bị các cường quốc Âu Mỹ đến thao túng, xâu xé, rồi đâm ra khi dễ. (26)

2) LÝ DO NỘI TẠI:

Tuy nhiên, sự suy tàn của Nho Giáo trong giai đoạn vừa qua không chỉ vì lý do THỜI THẾ , mà còn có những nguyên nhân NỘI TẠI nữa. Thật vậy, vào thế kỷ XVII, khi các Giáo sĩ Dòng Tên được vua Louis XIV cử qua Tàu, nhờ được vua Khang Hy trọng đãi, nên họ được nghiên cứu Nho Giáo đến tận nguồn. Ðó là Nho Giáo Nguyên Thủy, Nho của TAM CƯƠNG: Trí, Nhân, Dũng, Nho "DÂN VI QUÝ" của Mạnh Tử là loại Nho Giáo đã ảnh hưởng đến những người Sáng lập ra nền Dân Chủ Tây Phương như Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Franklin, Jefferson..

Còn trong thực tế, Nho Giáo của các Vương triều Trung Hoa không còn giữ được tính chất Tinh tuyền như vậy. Chẳng hạn:

a) Ở thời Huyền sử, Nho VIÊM VIỆT của Si Vưu đã bị Nho HOA TỘC của Hoàng Ðế lấn áp.

b) Kế đến, nhà CHU đốt sách nhà THƯƠNG Nông Nghiệp và du nhập các yếu tố DU MỤC của nền văn minh Lưỡng Hà (Perse, Assyria) như các ý niệm THIÊN TỬ, LUẬT HÌNH, HOẠN QUAN, PHONG KIẾN.

May là sau đó, Nho Giáo được KHỔNG TỬ phục hưng thành nền VƯƠNG ÐẠO.

c) Còn nhà TẦN thì "Ðốt sách chôn Nho" với sự thắng thế của phe PHÁP GIA.

d) Ðến nhà HÁN bề ngoài có vẻ tôn Nho nhưng trong thực tế lại lập tháp Thạch Cừ nhằm xuyên tạc Nho như chẳng hạn giải nghĩa Nho theo kiểu ma thuật có lợi cho chính quyền chuyên chế, hạ giá đạo Hiếu để đề cao "trung quân". Ðó là Nho loại TAM TÒNG của Ðổng Trọng Thư.

e) Nho VƯƠNG TRIỀU còn tiếp tục SA ÐỌA với các nhà MINH, TỐNG, THANH.

IV) LUẬT HỒNG ÐỨC VÀ NỀN DÂN CHỦ VIỆT:

Phần trình bày trên cho thấy một mặt là muốn tìm ra TINH THẦN DÂN CHỦ chân thựcchúng ta phải biết vượt qua HÁN NHO và các loại Nho của các VƯƠNG TRIỀU để trở về với nền VƯƠNG ÐẠO của NHO GIÁO NGUYÊN THỦY mà người đại diện ưu tú nhất là KHỔNG TỬ. Nhưng mặt khác, Khổng Tử lại nói:"Thuật nhi bất tác"(=Ta không sáng tác gì, mà chỉ thuật lại Ðạo của người xưa). Ở chỗ khác, Ông hé cho chúng ta thấy "người xưa" đó là người ở phương Nam:"Nam phương chi cường giả, quân tử cư chi".

Mặt khác, vì Dân Chủ và Nhân quyền đi đôi như hình với bóng như trường hợp nền Dân Chủ Tây Phương đã thành hình sau bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của cuộc Cách Mạng 1789, do đó trước khi bàn về nền DÂN CHỦ VIỆT có lẽ cũng nên đề cập đến khía cạnh

A) NHÂN QUYỀN TRONG LUẬT HỒNG ÐỨC:

1) SƠ LƯỢC:

Năm 1483 vua Lê Thánh Tôn cùng với một số quan đại thần biên soạn bộ THIÊN NAM DƯ HẠ gồm 100 quyển viết về việc chính là Hình Luật. Bộ luật được đặt tên là QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT và thường được gọi là LUẬT HỒNG ÐỨC, gồm 722 điều khoản liên hệ tới nhiều lãnh vực luật pháp. Chẳng hạn bàn về:

2) QUYỀN BÌNH ÐẲNG GIỮA CON TRAI VÀ CON GÁI , GIỮA VỢ VÀ CHỒNG:

a) SO SÁNH VỚI LUẬT TRUNG HOA:

_ VỀ NHÂN THÂN:

Luật Hồng Ðức định rằng nếu người chồng bỏ bê vợ mình vì si mê một người đàn bà khác hay vì bất cứ lý do gì (trừ khi thi hành công vụ) mà kéo dài tới năm tháng hay một năm, nếu có con, thì người vợ có thể kiện chồng.

Ðặc biệt là những lý do này không có trong luật Trung Hoa và các nước Ðông Á khác.

_ VỀ TÀI SẢN:

Theo điều 88 của ÐẠI THANH LUẬT LỆ, chỉ con trai được hưởng quyền chia tài sản của cha mẹ. Còn theo điều 78, khi người đàn bà lấy chồng thì tất cả tài sản riêng của mình kể cả tài sản mình tự tạo lập ra hay nhận của cha mẹ ruột của mình, đều phải sáp nhập hết vào gia sản của nhà chồng. Nếu ly dị hay cải giá, người đàn bà phải rời nhà chồng với hai bàn tay trắng, không lấy được các tài sản riêng mà mình mang đến cho gia sản của nhà chồng.

Trái lại, LUẬT HỒNG ÐỨC cho con gái được thừa kế ngang hàng với con trai. Và cho người đàn bà có chồng tiếp tục làm chủ tài sản riêng của mình. Khi ly dị hay cải giá, người đàn bà có chồng có quyền lấy lại các tài sản riêng của mình.

b) SO SÁNH VỚI LUẬT TÂY PHƯƠNG ÐỒNG THỜI:

_ VỀ TÀI SẢN:

Trong khi LUẬT HỒNG ÐỨC cho vợ chồng hoàn toàn BÌNH ÐẲNG VỀ HÔN SẢN thì tại Mỹ, mãi tới năm 1890 nhiều tiểu bang mới sửa đổi và một số tiểu bang vần còn áp dụng học lý Femme Couverte của Thông Luật, theo đó NGƯỜI VỢ LÀ VẬT SỞ HỮU CỦA CHỒNG và không có quyền pháp lý đối với lợi tức do chính bà kiếm ra cũng như đối với con cái và tài sản của bà, trừ khi hai vợ chồng ký hôn khế trước đặt tài sản của họ dưới chế độ giám hộ(trust).

_ TỔNG QUÁT:

Trong khi người phụ nữ VIỆT ở thế kỷ 15có quyền tư hữu tài sản ngang hàng với chồng và giữ vai trò quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội, thì mãi tới thế kỷ 18 ở Âu Châu và thế kỷ 20 ở Mỹ, địa vị pháp lý của người đàn bà TÂY PHƯƠNG còn thấp trong cả gia đình lẫn ngoài xã hội. Cao trào phụ nữ (Feminism) chỉ thực sự lên cao tại Mỹ vào thập niên 1960 và thu thành quả tích cực vào những năm 1990.

Luật Hồng Ðức còn tiến bộ hơn luật Tây Phương ít ra là 4 thế kỷ ở chỗ đã dành cho đàn bà quyền tham gia công vụ (làm quan) và dự liệu rằng NỮ QUAN được ưu đãi trong thủ tục thiết triều. Sự Tiến Bộ của luật Hồng Ðức còn được thấy qua:

3) QUYỀN BÌNH ÐẲNG CHỦNG TỘC:

a) NỘI DUNG:

Luật Hồng Ðức tìm cách loại bỏ mọi Hình Thức Phân Biệt Chủng Tộc bằng 3 biện pháp sau đây:

_ Sắc dân thiểu số được XÉT XỬ theo TỤC LỆ CỦA HỌ nếu vụ kiện chỉ liên hệ tới những người trong cùng một sắc tộc.

_ Luật Hồng Ðức còn cho phép sắc tộc thiểu số được quyền TỰ TRỊ HÀNH CHÁNH bằng cách đặt ra các CHÂU (ngang cấp HUYỆN của người Kinh) do chính người Sắc tộc giữ chức Tri Châu cai trị.

_ Luật Hồng Ðức cũng đảm bảo các quyền kinh tế và văn hóa của các sắc tộc bằng cách cho họ TỰ DO CANH TÁC không hạn chế diện tích các vùng đất hoang (điều 348), TRỪNG PHẠT QUAN QUÂN triều đình nào SÁCH NHIỄU hay cướp bóc người sắc tộc (điều 72).

b) SO SÁNH VỚI LUẬT TÂY PHƯƠNG:

Mãi đến năm 1965, với đạo luật Quyền Bầu Cử, tất cả mọi người Da Ðen tại Mỹ mới bình đẳng đầy đủ về Chính trị. Trước đó 5 thế kỷ, Luật Hồng Ðức đã dành cho Sắc dân Thiểu số Quyền BÌNH ÐẲNG đó rồi.

B) SO SÁNH VỚI HIẾN CHƯƠNG LHQ:

Về các QUYỀN KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA, Luật Hồng Ðức đã VƯỢT QUA Hiến Chương LHQ. Thật vậy, hiện nay các nước Hội viên LHQ KHÔNG BỊ BÓ BUỘC phải thực thi những quyền ấy ở mức độ định trước, vì việc thực hiện bị giới hạn bởi mức khả dụng của tài nguyên quốc gia. Trái lại, Luật Hồng Ðức xem những QUYỀN ấy là THỰC SỰ mà NHÀ NƯỚC có nghĩa vụ phải ÐẢM BẢO cho những người thụ hưởng luật định bằng cách TRỪNG PHẠT QUAN CHỨC KHÔNG THI HÀNH.

1) VỀ QUYỀN KINH TẾ:

Luật Hồng Ðức đảm bảo cho người dân 4 thứ quyền kinh tế được ghi nơi điều 25 bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ:

a) Quyền An sinh Xã hội (Social Security)

b) Quyền được Săn sóc Sức khoẻ (Medical Care)

c) Quyền không bị bỏ đói (Freedom from Hunger)

d) Quyền Tư hữu.

2) VỀ QUYỀN XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA:

Giống như các Tiêu chuẩn Nhân quyền LHQ :

a) QUYỀN GIA ÐÌNH:

Luật Hồng Ðức đảm bảo 3 quyền chính:

_ Quyền Thuận tình Kết hôn và Lập một Gia đình

_ Quyền Bình Ðẳng Dân sự giữa Vợ Chồng (đã bàn ở trên)

_ Quyền Bà mẹ và Trẻ em được Săn sóc và Bảo hộ.

b) QUYỀN TỰ DO GIÁO DỤC:

Luật Hồng Ðức đảm bảo:

_ Quyền hưởng Cơ hội Ðồng đều

_ Quyền Tự do Mở trường Dạy học

_ Quyền Tự do Chọn Trường học và Thầy học.(27)

C) SO SÁNH VỚI LUẬT PHÁP TÂY PHƯƠNG NGÀY NAY:

Về mặt NHÂN QUYỀN, Luật HỒNG ÐỨC còn VƯỢT QUA ở một số điểm như sau:

1) Án Tử hình phải được nhà Vua duyệt xét rồi mới thi hành.

2) Vua Minh Mạng chẳng hạn , thường bảo rằng mạng người rất quý nên các quan chức xử án phải xem xét án Tử hình nhiều lần, dẫu cho nhà Vua đã xem qua. Và phải tâu lại nếu thấy còn chỗ nghi ngờ.

3) Ðặc biệt, phụ nữ không bị án tử hình.

Các điều vừa nêu trên không có trong Luật pháp Tây Phương ngày nay.

V) CÁC NÉT ÐẶC TRƯNG CỦA NỀN DÂN CHỦ VIỆT:

A) THỂ CHẾ DÂN CHỦ VIỆT:

Phần trình bày trên cho chúng ta thấy tính chất TIẾN BỘ VƯỢT BỰC của LUẬT HỒNG ÐỨC khi so với Luật TRUNG HOA và nhất là Luật TÂY PHƯƠNG cùng thời. Ngay khi so sánh với Hiến Chương LHQ và Luật Pháp Tây Phương NGÀY NAY về khía cạnh NHÂN QUYỀN thì Luật Hồng Ðức cũng VƯỢT QUA ở một số điểm. Do đó, chúng ta sẽ không còn ngạc nhiên, nếu Tiền nhân ta đã thiết lập được một THỂ CHẾ thực sự DÂN CHỦ từ thời rất xa xưa.

1) DÂN CHỦ LÀNG XÃ:

Nền DÂN CHỦ VIỆT phát xuất từ môi trường LÀNG XÃ, như Học giả PAUL MUS đã nhận xét: "Làng Việt Nam là một cái gì kỳ diệu, vì trong đó người ta sống hoàn toàn BÌNH ÐẲNG, cũng như là một tổ chức cai trị tuyệt vời".(28) 

2) SO SÁNH CƠ CẤU LÀNG XÃ VIỆT VỚI THỂ CHẾ DÂN CHỦ NGÀY NAY:

a) CƠ CẤU CHÍNH TRỊ:

Tổ chức LÀNG XÃ VIỆT xưa cũ đã ngàn năm nhưng có đủ THỂ CHẾ và CƠ CHẾ của một xã hội DÂN CHỦ HIỆN ÐẠI. HỘI ÐỒNG KỲ MỤC bao gồm:

_ các Khoa Bảng Chức Sắc

_ các Cựu Lý Dịch 

Khoa Bảng là người đỗ đạt, biết nhiều hiểu rộng. Chức Sắc là những người đã từng có chức vụ trong xã hội, tức vừa có kinh nghiệm vừa có vai vế trong xã hội.. Vậy KHOA BẢNG, CHỨC SẮC trong Hội Ðồng Kỳ Mục tương đương với giới Quý Tộc trong Hội Ðồng QUÝ TỘC ANH (House of Lords).

HỘI ÐỒNG KỲ MỤC quyết định mọi việc tương đương với QUỐC HỘI trong một quốc gia. LÝ DỊCH ÐƯƠNG THỨ do dân bầu lên, tương đương với một ỦY BAN CHẤP HÀNH, có nhiệm vụ XỬ LÝ và ÐIỀU HÀNH các việc thông thường, nhưng phải chịu mệnh lệnh của TIÊN CHỈ và THỨ CHỈ (Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Kỳ Mục). Khi mãn nhiệm, Lý Tưởng và Phó Lý vẫn còn là thành viên của Hội đồng Kỳ Mục. (29)

Trong Ủy Ban Chấp Hành, ngoài hai chức LÝ TƯỞNG và PHÓ LÝ có thể so sánh với các chức THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG ngày nay, còn các chức khác như TRƯƠNG TUẦN tương đương với bộ QUỐC PHÒNG, HƯƠNG BẠ lo các vấn đề Hôn Thú, Sinh Tử tương đương với bộ NỘI VỤ, HƯƠNG BẢN lo về TÀI CHÁNH.

Hội Ðồng Kỳ Mục quyết định mọi việc trọng đại nhưng cũng không thể vượt qua giới hạn xác định bởi một Hiến Chương đã được dân chấp nhận từ xưa gọi là HƯƠNG ƯỚC. Vậy Hương Ước chính là HIẾN PHÁP của một LÀNG.

Ngoài ra, từ nhà Lý trở đi mỗi triều đại đều có lập những cơ quan có nhiệm vụ phê phán những sai trái của triều đình, gọi là NGỰ SỬ ÐÀI hay ÐÔ SÁT VIỆN có thể so sánh với TỐI CAO PHÁP VIỆN ngày nay.

Chế độ CÔNG ÐIỀN CÔNG THỔ tương đương với thể chế WELFARE ngày nay đặc biệt với QUỸ NGHĨA THƯƠNG quyên góp hằng năm để giúp các thành phần gặp tai ương như Cô Nhi, Quả Phụ, Bô Lão. hoặc dùng làm "Học Bổng" cho các Thư Sinh Ưu Tú.

Cơ cấu tổ chức của LÀNG XÃ VIỆT vừa được trình bày trên đây RẤT GIỐNG với THỂ CHẾ DÂN CHỦ NGÀY NAY. Còn hai điểm ÐẶC SẮC và TÂN TIẾN khác là chế độ TẢN QUYỀNTỰ TRỊ ÐỊA PHƯƠNG

b) TẢN QUYỀN:

GS J.Mc.Alister thuộc Ðại học Stanford có viết về vấn đề này như sau:" Chính quyền Trung ương Việt Nam thời trước có thể giữ các nhu cầu về Ngân sách ở mức độ thấp, và sử dụng quyền KIỂM SOÁT của Trung ương đối với Ðịa phương, nhưng loại quyền này KHÔNG có tính chất HÀNH PHÁP, vì trách nhiệm thi hành các biện pháp trong từng chi tiết nằm trong thẩm quyền của Làng Xã. Trung Ương PHỐI HỢP chứ KHÔNG ÐIỀU KHIỂN!"(30) Một đặc sắc khác của đời sống Làng Xã là Thể chế

c) TỰ TRỊ ÐỊA PHƯƠNG:

Bao gồm việc mỗi Xã TỰ CHỈ ÐỊNH lấy XÃ TRƯỞNG có nhiệm vụ điều khiển công việc của Xã và đại diện Xã đối với quan trên. Triều đình không cần biết đến từng cá nhân trong Xã, và chỉ cần ấn định mỗi năm Xã phải cung cấp bao nhiêu thuế, bao nhiêu người làm xâu, bao nhiêu người đi lính. Xã chỉ cần cung cấp đủ số tiền và người cho Triều Ðình, còn sự phân phối cho dân Xã chia ra chịu mỗi người một phần là việc riêng của Xã.

Tự Trị Xã Thôn còn được quãng diễn qua câu PHÉP VUA THUA LỆ LÀNG được thấy qua các trường hợp cụ thể như việc áp dụng các HƯƠNG ƯỚC nhằm ấn định phương pháp làm việc của Xã theo Nguyên tắc của Thánh Hiền: Về mặt này, Xã TỰ ẤN ÐỊNH nội dung của HƯƠNG ƯỚC theo Tục Lệ của Ðịa phương chứ không bắt buộc phải theo Nghi thức của Triều Ðình.(31)

d) CHÍNH SÁCH KINH TẾ:

Một đặc điểm khác của Làng Xã VN khi xưa là chế độ BÌNH SẢN mà nét đặc trưng có thể làm nổi bật qua việc so sánh với hai chế độ TƯ BẢN và CỘNG SẢN.

Nói cách chung, chủ nghĩa TƯ BẢN thì quá TƯ RIÊNG, còn CỘNG SẢN thì quá CÔNG CỘNG, mà điều trên là hậu quả của nền Văn hóa MỘT CHIỀU của TÂY PHƯƠNG, còn Văn hóa VN vì chủ trương HAI CHIỀU như "Âm-Dương", "Thiên-Ðịa" nên với thể chế BÌNH SẢN chẳng hạn, Tiền nhân ta quan niệm là phải có sự QUÂN BÌNH giữa ÐẤT CÔNG và ÐẤT TƯ. Một mặt, người Nông dân VN trước kia được quyền SỞ HỮU trên bình diện PHÁP LÝ, mặt khác, những thành phần KHÔNG có đất TƯ thì cứ định kỳ được Làng Xã cấp cho một phần đất CÔNG để cày bừa, trồng trọt và hưởng phần hoa lợi do công lao mình tạo ra, tránh được khủng hoảng do tâm lý tiêu cực "của CÔNG là của CHÙA" gây ra, đã dẫn tới THẤT BẠI KINH TẾ và sự SỤP ÐỔ của chế độ CỘNG SẢN.

Ngoài ra, cũng khác với TƯ BẢN NGUYÊN THỦY, vì quá đề cao cái TƯ RIÊNG, và với chủ trương quyền TƯ HỮU TUYỆT ÐỐI, nên để thiểu số ưu đãi thống trị và chiếm hữu phần lớn tài sản của quốc gia, đã gây ra những bất công trầm trọng là nguyên nhân của sự ra đời của phong trào CỘNG SẢN, thể chế BÌNH SẢN đã dự trù những biện pháp TRÁNH tình trạng ÐỘC QUYỀN của giai cấp Thống Trị trên tài sản quốc gia, như cách thức được áp dụng dưới thời Vua Minh Mạng chẳng hạn, chính phủ Trung ương canh chừng giới Hào mục tự tiện BIẾN đất CÔNG thành đất TƯ, hay phương thức mua lại số đất tư thặng dư của TƯ nhân để QUÂN BÌNH với số đất CÔNG hiện hữu hoặc như tập tục của Làng Xã VN trước đây nhằm khuyến khích giới Hào phú Xã thôn chia xẻ của cải giàu sang với các thành phần khác không được may mắn như họ.(32)

Cách tổ chức LÀNG XÃ như trên có thể xem là hội đủ phần lớn các TIÊU CHUẨN của một XÃ HỘI TIỀN TIẾN ngày nay. Nhưng nếu ta nhớ lại rằng Thể Chế này đã được phát minh ra từ thời mà nông nô Âu Châu bị bóc lột đến xương tủy thì ta mới đánh giá đúng mức trình đột TIÊN TIẾN của XÃ HỘI VIỆT.(33) 

B) TINH THẦN DÂN CHỦ VIỆT:

1) NGUỒN GỐC NỀN DÂN CHỦ VIỆT:

Theo chủ thuyết VIỆT NHO của Cố Triết Gia KIM ÐỊNH hình thành vào thập niên 1960 và được kiện chứng sau này bởi những khám phá Khoa học Tân tiến nhất thì Bách Việt vào đất Trung Hoa trước Hoa Tộc và đặt nền móng đầu tiên cho Nho Giáo. Do đó, Tổ Tiên LẠC VIỆT đã khai sáng ra nền Văn Minh NÔNG NGHIỆP ÐẦU TIÊN của Nhân Loại tại Ðông Nam Á, nên có Truyền Thống DÂN CHỦ LÂU ÐỜI. Còn Hoa tộc tuy vào sau nhưng vì là dân DU MỤC nên mạnh về QUÂN SỰ, ép dần về phương Nam nước Trung hoa, các bộ tộc Bách Việt mà Lạc Việt là một thành phần và Việt Nam là nhóm đại diện cuối cùng của VƯƠNG ÐẠO tức nền DÂN CHỦ theo tinh thần NHO GIÁO, mà hai đặc tính nền tảng là :

a)    NHÂN BẢN: tức lấy CON NGƯỜI làm trung tâm cho mọi suy tư lo lắng, cũng như bàn về những chuyện thiết yếu đến TỰ DO, NHÂN PHẨM và HẠNH PHÚC của con người xét nguyên về phương diện là người.

b)    TÂM LINH: tức KHÔNG tự GIAM hãm mình trong những phạm trù HỮU HÌNH nhưng luôn luôn vươn tới NGUỒN SỐNG mênh mông PHỔ BIẾN đang ngầm chảy trong VŨ TRỤ và làm MỐI QUÁN THÔNG cho mọi tư tưởng thâm sâu nhất của Triết lý Ðông Phương.

2) NGUỒN GỐC NỀN DÂN CHỦ TÂY PHƯƠNG:

Phần trình bày trên cũng cho thấy ẢNH HƯỞNG LỚN LAO của NHO GIÁO ở thế kỷ XVIII trên những người CHA TINH THẦN của nền DÂN CHỦ Tây Phương như Voltaire, Rousseau, Montesquieu, Franklin, Jefferson.và qua họ Nho Giáo đã đóng góp vào đời sống mới của Nhân loại những tư tưởng BÌNH ÐẲNG, TỰ DO, HUYNH ÐỆ PHỔ BIẾN..hoặc chế độ THI CỬ cũng như ba NGUYÊN LÝ đang hướng dẫn đời sống ÂU CHÂU hiện đại:

a)     Tìm Hạnh Phúc ở Trần Gian

b)     Quyền Làm Cách Mạng của Dân

c)     Nền Luân Lý Công Dân

Nhưng có lẽ lý do kỳ thị chủng tộc, hay thiên kiến tôn giáo hoặc ý hệ..khiến người Tây Phương chấm dứt sự khai thác thấu triệt nền Minh Triết NHO GIÁO bao gồm hai khía cạnh NHÂN BẢN và TÂM LINH vừa nêu trên. Thực vậy, với ảnh hưởng của Nho Giáo ở thế kỷ XVIII, người Tây Phương mới chỉ đi được những bước đầu tiên ở phạm vi NHÂN BẢN Xã Hội, chứ CHƯA đạt tới bình diện TÂM LINH.(34)

Do đó, tuy bề ngoài người Tây Phương đã có thể chế Dân Chủ, đã có nhiều luật lệ bảo vệ Nhân phẩm và Tự do con người, nhiều tổ chức xã hội chăm lo đến những nỗi bất công hay những cảnh huống bi thảm trong xã hội..nhưng đó có vẻ chỉ là hậu quả của sự Thịnh vượng của nền Kinh tế Tây Phương kiểu GIÀU SANG SINH LỄ NGHĨA chứ các điều nêu trên KHÔNG thực sự phát xuất từ nội dung VĂN HÓA.

Và đây là điểm NGHỊCH LÝ NỀN TẢNG của văn minh TÂY PHƯƠNG ngày nay, vì bên trong người Tây Phương hiện đang mắc loại bệnh "MẤT HỒN", rơi vào sự "TRỐNG RỖNG", "HƯ VÔ"(Nihilism)...khiến các quốc gia ÂU CHÂU hiện nay chẳng hạn phải dành phần chi phí cao nhất ngân sách của họ cho lãnh vực TÂM THẦN. Ðiều này chứng tỏ sự KHỦNG HOẢNG TRẦM TRỌNG của nền văn minh TÂY PHƯƠNG !

Thực vậy, không dễ gì một sớm một chiều mà các dân tộc Tây Phương có thể rủ bỏ ÁC QUẢ 25 thế kỷ của nền văn hóa DUY LÝ mà bộ ba Triết Gia HY LẠP Socrates, Plato, Aristotle là đồng tác giả.

3) SO SÁNH NỀN DÂN CHỦ VIỆT VỚI DÂN CHỦ LA-HY:

Và để hiểu rõ tất cả giá trị của nền DÂN CHỦ VIỆT, hãy thử so sánh với nền Dân Chủ LA-HY là một trong những nguồn gốc của Dân Chủ TÂY PHƯƠNG ngày nay.

a) NỀN DÂN CHỦ KIỂU LA-HY:

Ở HY LẠP, LA MÃ xưa, chỉ có từ 10% đến 20% người TỰ DO có đặc ân thờ cúng Tổ Tiên vì họ cho là tổ tiên của họ mới có máu Thần linh. Ðiều trên rất quan trọng vì có quyền cúng tế Tổ Tiên, tức cũng là có quyền làm CÔNG DÂN với các quyền lợi theo sau như quyền được hưởng đất, mua sắm, đi học.Còn 80 đến 90% dân chúng LA-HY là Nô Lệ. Các triết gia Tây Phương như Plato, Aristotle. lại còn chứng minh và bênh vực chế độ Nô Lệ, coi như là điều cần thiết cho nền móng xã hội.Do đó, nạn người bóc lột người từ NÔ LỆ La-Hy chuyển qua NÔNG NÔ thời Trung Cổ, rồi qua giới THỢ THUYỀN Âu Châu của thế kỷ XIX với số phận rất là bi đát.

Ðó là lý do làm nẩy sinh phong trào CỘNG SẢN mà hiểm họa diệt vong khiến giới TƯ BẢN phải nhượng bộ một phần nào trước những đòi hỏi của giới Thợ Thuyền Tây Phương. Và những bất công mà trước kia giới này phải gánh chịu, nay được chuyển qua các dân Nhược tiểu. Ta mới thấy tính chất ÐẠO ÐỨC GIẢ của những người làm Chính trị như Henry Kissinger, bề ngoài tuy nhân danh Dân Chủ Tây Phương, nhưng bên trong lại "đi đêm" và ủng hộ các chế độ Ðộc tài, chuyên chế đàn áp người dân của họ tại các nước Nhược tiểu. Các triết gia Tây Phương thời mới như Hobbes, Darwin, Machiavel, Hegel.vẫn biện hộ cho việc dùng võ lực để chiếm đoạt và bóc lột các dân nhược tiểu.

Do đó nếu nền Dân Chủ LA-HY trước kia dành cho thiểu số được gọi là CÔNG DÂN, thì nền Dân Chủ TÂY PHƯƠNG ngày nay có vẻ chỉ dành cho thiểu số các dân tộc DA TRẮNG.

b) NỀN DÂN CHỦ VIỆT:

Trái lại, ở đất VIỆT có 1ẽ nhờ có cuộc CÁCH MẠNG TÂM LINH nâng tục thờ cúng Tổ Tiên lên thành Lễ GIA TIÊN với bài vị VĂN TỔ, nên hễ ai là NGƯỜI thì đương nhiên có đủ quyền đứng ra tế GIA TIÊN, nên tục thờ cúng Tổ Tiên hết còn là đặc ân dành cho quý tộc như ở các nơi khác thời xưa, mà trái lại Lễ GIA TIÊN ở đất VIỆT được mở rộng ra cho khắp mọi tầng lớp với các quyền lợi đi kèm như quyền được đặt tên tự, và do đó quyền được hưởng công điển, quyền được đi học, đi làm quan.

KẾT LUẬN:

Tóm lại, nền Dân Chủ TÂY PHƯƠNG vì bắt nguồn từ những thúc bách bên ngoài thuộc các lãnh vực CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI, KINH TẾ. mà KHÔNG thực sự phát xuất từ nền tảng TRIẾT LÝ và VĂN HÓA nên vẫn chứa đựng rất nhiều điểm nghịch lý, MÂU THUẪN.

Trái lại, nền Dân Chủ VIỆT có lẽ nhờ bắt nguồn từ cuộc Cách Mạng TÂN THẠCH Nguyên Thủy của Tổ Tiên Lạc Việt , có tính chất VĂN MINH-VĂN HÓA thực sự nên đạt được MINH TRIẾT TOÀN DIỆN với tính chất Nhất Nguyên LƯỠNG CỰC.

Do đó, nền DÂN CHỦ VIỆT tương lai phải là nền NHÂN - DÂN CHỦ Ðích Thực vừa trung thành với NGUỒN CỘI của NHÂN, nhưng vừa lại có tính chất KHAI PHÓNG Tiên Tiến của DÂN. Và Thể Chế DÂN CHỦ VIỆT sau này sẽ không chỉ là PHÁP TRỊ, mà là LỄ PHÁP SONG HÀNH, tức vừa là LỄ TRỊ vừa là PHÁP TRỊ, nên dung hòa được hai nhu yếu trong con người: đó là Trật Tự Xã Hội qua PHÁP LUẬT và nét Riêng Tư độc Ðáo qua LỄ TỤC.

Lê Việt Thường

 

CHÚ THÍCH:

(1) Encarta ,1995 Ed.

(2) & (4) & (5) Pinot, Vigil, "La Chine et la Formation de lEsprit Philosophique en France (1640-1740)", Ed. de Paris, 1932.

(3) & (9) & (25) Creel, Herrlee G., "Confucius and the Chinese Way", Harper, N.Y.1960

(6) & (10)Voltaire (1694 - 1778), "Dictionaire Philosophique", Londres,1767

(7) Kim Ðịnh, "Cửa Khổng",Lĩnh Nam, Louisiana, USA, 1997, tr.239

(8) Idem, tr.224

(11) & (12), LeComte, Louis (1655-1728), "Histoire Génerale de la Chine"

(13) Ðoàn Trung Còn, "Mạnh Tử" IIa.3, Trí Ðức Tòng Thơ, in kỳ 3, SàiGòn, 1950

(14) MT IIa.5

(15) Ðoàn Trung Còn, "Luận Ngữ", VI.1, Trí Ðức Tòng Thơ, in kỳ 2, SaiGòn, 1950

(16) LN: XI.23

(17)MT:VIIb.14

(18) LN:XV.38

(19) MT: VIIa.23

(20) LN: XII.9

(21) LN: XVI.1

(22) LN: II.3

(23) LN: XIII.4

(24) LN: XII.7

(26) Hudson, Geoffrey F.,"Europe and China, A Survey of Their Relations from the Earliest Times to 1800", E. Arnold, London, (1961),c(1931)

(27) Hoàng Xuân Hào, "Nhân Quyền Trong Luật Hồng Ðức: Niềm Tự Hào Dân tộc", Thế kỷ 21, số 113, th.9/1998, tr.28 - 33

Tóm lượt Tác phẩm của GS Tạ Văn Tài "The Vietnamese Tradition of Human Rights", University of California, Berkeley, USA,1988.

(28) Nguyễn Ngọc Huy, "Quốc Triều Hình Luật", Canada, 1998

(29) & (31) Paul Mus & John McAlister,"Les Vietnamiens et leur Révolution", Du Seuil, 1972

(30) & (34) Phạm Khắc Hàm, "Triết lý Lý Ðông A", Nhóm Diễn Ðàn Ðịa Lý

(32) Nguyễn Ngọc Huy, "Di Cảo V" tr.42,44

(33) Lê Việt Thường, "Con Ðường Nào Cho Việt Nam Hôm Nay", Tham Luận DHVH 2005, San Jose, USA

(35) Kim Ðịnh, "Cửa Khổng", Lĩnh Nam, Lousiana, USA, 1997, tr. 261



Nguồn: http://www.anviettoancau.net                                                                Trở Lại Trang Mặt