Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com



Văn Lang Vũ Bộ
Kim Định



 TỰA

 

Tập này mang tên Văn Lang Vũ Bộ vì trọng tâm là sự phân tích cái cơ cấu bài vũ tối sơ của chủng tộc. Nét đặc trưng của văn hóa Việt là đầy Đạo hành vi, nên luôn luôn trình bày Đạo trong thế di động. Thế mà không gì biểu lộ di động rõ bằng ca vũ. Vì vậy tiên tổ đã dùng ca vũ để truyền Đạo cho con cháu. Nhờ đó, nhìn bước đi của đoàn vũ, ta có thể vẽ lại cơ cấu của Việt Đạo. Nắm được cơ cấu đó, rồi nhìn lại những chuyển động của đoàn vũ trên mặt trống đồng Ngọc Lữ, ta mới thấy rằng trong đó quả là kinh thánh của dân ta, là điển chương chói chang hơn hết diễn đạt nền Văn hóa nhiều ngàn năm của Việt tộc.  

Xin tóm lược thứ tự của các chương. Vì đạo được Việt nho quan niệm là đường, là đi, (đúng hơn) là nhẩy, là ca vũ nên mở đầu là bài hát Trống Quân để nói lên nhịp song trùng sơ thuỷ. Rồi tới bài vũ đầu tiên gọi là lưỡng lưỡng tam tam. Hai số đó làm nên cái cơ cấu uyên nguyên được cụ thể bằng dạng tự chữ Tỉnh, cũng như được áp dụng vào vòng con giáp tức vào thời gian với không gian làm nên nền siêu hình Việt nho. Vì thế mà có hai bài Việt Tỉnh Cương với bài Vòng Con Giáp.  

Vũ phải có hướng. cái hướng lớn lao hơn cả là tả nhậm được trình bày qua hai bài: Hoa Quỷ và Tả Nhậm.  

Do đó cũng là nét cong duyên dáng của Việt tộc biểu lộ con đường không thẳng tắp cũng không ngang phè nhưng lượn cong cách uyển chuyển. Sợ rằng lại lạc vào suy luận viễn vông, nên đem theo bài Xử Thế (Hiệt Củ) tức áp dụng nét cong trừu tượng vào việc xử kỷ tiếp vật vậy.  

Liền sau là phân tích năm động tác nền móng của con người: ở, ăn, mặc, nói, làm và thấy rằng tất cả đều vươn lên đến chỗ An vi, nên có bài An vi luận tiếp theo. Để An vi được cụ thể hóa hơn nữa thì thêm bài Làng xã: để thấy rõ triết ở đây không hư cấu mà nó bám sát thực thể sống động hơn hết là cái làng, mà linh hồn là nền tự trị xã thôn. Tinh hoa văn hóa Việt ở đó, và sự mất mát cũng ở đó, được tả bằng ba vụ ăn trộm rùa, tức ba lần làm hỏng mất đạo Việt. Bài cuối cùng là câu hỏi có Hoàng Kim Thời Đại chăng. Và câu thưa là Hoàng Kim phải ở tại hiện thực được nền triết Việt: không cần hỏi trong dĩ vãng có thời Hoàng Kim chăng, mà điều cần phải làm là có thiết lập cho được thời Hoàng Kim Thời Đại.  

Nền triết Việt nho ở tại chỗ đó.

O

I. Trống Quân

 

1. Tầm quan trọng  

Trong lãnh vực văn hóa nứơc ta nếu ai muốn đưa ra một sự kiện vừa căn bảnvừa bao trùm hơn hết còn sót lại từ buổi sơ nguyên thì đó là trống quân. Phải, chính tục lệ này nếu không cung ứng thì cũng biểu thị cách chói chang, phong phú hơn hết cái cơ cấu uyên nguyên về vũ trụ quan của tiền nhân Việt tộc cũng như về mối nguyên lý hướng dẫn trọn nền triết lý nhân sinh của cả miền Đông Á, nơi nhân sinh quan xây trên đạo vợ chồng: “Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ”. Vậy mà trước khi nên được vợ chồng thì phải biết ve nhau, nên Kinh Dịch mở đầu hạ kinh bằng hai quẻ hàm và hằng. Hàm là ve: ve gái hay ve trai tuỳ. Còn Hằng là ở với nhau mãi mãi. Đây là một nhân sinh quan được xây trên vũ trụ quan ở thượng kinh của Dịch mở đầu với hai quẻ Kiền Khôn có nghĩa là Trời Đất, giao thoa. Nét căn bản nổi bật của văn hóa Việt tộc đầy sinh động nằm trong đó.  

Trống quân chính là biểu diễn lại cái nét lưỡng hợp sinh động. Cho nên nắmvững tinh thần trống quân chính là hiểu được đầu mối cái cơ cấu triết lý sinh động của tổ tiên xưa kia vậy. Đó quả là điều quan trọng hơn hết trong lúc này, lúc mà con người khắp nơi đang cảmthấy thiếu thốn cái chi nên nảy ra ý muốn trở về nguồn. Khắp nơi trên thế giới đều đang vang lên chữ về nguồn mà vẫn không sao về cho được, là bởi thiếu lối về. Với người Đông Á thì một trong những lối về đó là trống quân, nên hiểu trúng được sẽ giúp ta trên nẻo đường về. Bởi chưng căn bệnh trầm kha của nhân loại hiện nay là bệnh một chiều kích, cần tìm cho nó con đường nào giàu lưỡng hợp tính hơn cả và đó là trống quân. Lý do: trong trống quân có nhiều cặp đôi hơn hết. Hãy kể sơ qua: trước hết nó được tổ chức vào hai mùa Xuân Thu. Đó là đôi đầu thuộc thời gian. 

Sau là dưới chân núi nơi có suối nước: cặp đôi thứ hai thuộc không gian. Còn nếu không có núi có sông thì thay bằng cử Đông Nam, hay cùng lắm thì cửa Nam.  

Thứ ba, nơi hát phải đào một lỗ làm cái trống đất trên có chăng dây làm trống Trời cũng như làm biên giới giữa hai bè nam nữ đóng vai hai đạo quân.  

Còn khí giới là ca, là vũ, toàn là thứ có nhịp đôi như sẽ phân tích ở dưới.  

Cuối cùng những đôi nào “bị bắt” sẽ sang qua sông, trao hoa cho nhau và hợp thân ngay trên nệm cỏ xanh (đạp thanh). Đó là đôi uyên ương trng thế sáng tạo hơn cả.  

Kèm theo là nhiều trò như bắn nhau bằng những quả cầu làm bằng chỉ ngũ sắc như nói người Mèo, người Thổ chẳng hạn… Hoặc nhiều trò chơi khác tương tự làm cho trống quân càng thêm giàu tính chất sinh động. Tây phương nói “La vie est un combat: đời là chiến đấu” và ngày xưa hay dùng việc đấu gươm mà xử kiện: ai thua là đuối lý. Như vậy là lý lẽ dựa trên sức mạnh. Đó là lối du mục. Đông phương theo lối nông nghiệp tuy công nhận đời là chiến đấu, nhưng thay vì đấu gươm thì lại đấu lý, đấu tình, đấu ca, đấu nói như được bày tỏ mặn mà nhất trong trống quân, một bên hát xướng, bè bên kia phải hát đáp liền, nếu không là “thua”… Điều đó nói lên tính chất lưỡng hợp, mà lưỡng hợp tính chính là linh hồn của triết lý Việt nho. Nên trống quân là một lễ trong có liên hệ:  

Tới vũ trụ quan như trời với đất,  

Tới quốc gia như non với nước,  

Tới làng mạc như của Đông với Nam,  

Tới gia đình như hai bè nam nữ đưa đến việc nối dõi tông đường.  

Hai bè dàn quân ra, rồi biểu diễn các tác động của chiến đấu: nào ve, nào ghẹo, nào thách, nào đố, nào tiến vào đất địch chớp nhoáng lại rút ra vì địch cũng đang tiến vào đất mình, đong đưa như hai con rồng lượn khúc theo nhịp thùng thình “vài ba” của trống ngũ liên: 3 trời 2 đất. Quả là một cuộc chiến đấu quan trọng nhưng đừng sợ chết chóc tang thương vì đây là “một cuộc cờ người”: gọi là “đấu trí mà chơi” nên thay vì chết chóc thì chỉ có sống, sống mạnh: sinh sinh, vì cuộc chiến kết hậu bằng sự hợp thân trên nền cỏ xanh. Trứơc đó có tặng hoa nên hoa trở thành quan trọng, đến độ tiếng hoa gắn liền với tình thành hoa tình. Hoa đây thường là hoa lan (hay thược dược) được trao tặng nhau trước khi giao hợp và sau cuộc đấu mà nàng “phình phình từ giữa phình ra” thì đến mùa Thu sẽ làm lễ cưới.  

Chỉ phác họa sơ qua thế đã thấy ngay tầm quan trọng của trống quân, nó bao hàm một triết lý nhân sinh xây trên vũ trụ quan động, nên cũng là một thứ tế tự của toàn dân. Vậy mà cho tới nay chưa được nghiên cứu thấu đáo nhất là về phương diện triết lý. Vì thế đó sẽ là điều chúng ta bàn ở đây. (1)  

(1) Tài liệu trong việc này phần lớn chúng tôi mượn của ông Granet trong cuốn Fêtes et chansons anciennes de la Chine, Paris 1929, sẽ viết tắt là Fêtes. Quyển ấy nhằm tìm hiểu Kinh Thi đúng với ý nghĩa trung thực của nó. Quyển thứ hai là “Le Chants Alternés” của tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Paris 1934, sẽ viết tắt là Huyên. Bá nho hay Hán nho đều là Nho đã bị bẻ quặt.  

 Phương pháp sẽ là triết lý với sự trợ giúp của xã hội học, cơ cấu luận… tất cả đi ngược với lối nho thanh giáo dùng vương triều để giải nghĩa phong tục dân gian. Còn đây dùng phong tục dân gian để tìm hiểu Kinh Điển, lấy tiếng dân để hiểu trống quân. Đó cũng là lấy chất gia làm nội dung tìm hiểu văn gia… nên xoay quanh quyển Kinh Thi, nói có cả văn cả chất. Đây là sách mở đầu toàn bộ kinh điển Nho giá, nên hiểu sai Kinh Thi là dễ dàng hiểu sai cả các kinh sau. Vì Kinh Thi không là chi khác hơn là chiến lợi phẩm của trống quân. Nói khác nó ghi tiếng dân nhưng không phải là bất cứ lúc nào mà chính là lúc dân hát trống quân hay ít nữa cũng theo phong thái của trống quân, trong bầu không khí đó, hoặc hướng vào đó. Sau này bá nho uốn nắn để theo chiều hướng thanh giáo nên không nhận ra điều trên (Fêtes 7). Nhưng cũng nhờ bị cạo tẩy mà nó được sống qua các đời để nay chúng ta còn có dấu vết đi tìm lại được nhiều tục lệ cũng như đời sống thời xa xưa. (Về việc cạo tẩy, tức gán tác quyền cho vua quan xin xem Histoire de la literature chinoise, Prose Georges Margoulies p.13).  

2. Những yếu tố nền tảng  

Là chính những yếu tố gặp thấy trong các cuộc tế lễ:  

- Bàn thờ là trống đất trống trời thay cho non và nước khi hoàn cảnh không cho phép có.  

- Tư tế là hai bè nam nữ mặc áo đẹp ngày lễ.  

- Còn tế là sự đấu của hai bè: đấu ca, đấu lý, đấu tình…  

- Rồi tới giao hợp được coi là cái đinh của cuộc lễ biểu thị sự phối hợp cao độ nhất mà con người có thể hiện thực: nên non phải trèo, nước phải lội, người phải giao. Ong Granet gọi là “chịu lễ giao tình” (communion sexuelle). 

Cuối cùng có cuộc đại ẩm làm như nghi lễ giao thoa với đất. Tất cả được gọi là bôn tức lối cưới hỏi trực tiếp: cả hỏi thằng không môi giới, lẫn làm thằng, tức hợp thân liền, với niềm tin rằng năm nào không có “bôn” thì sẽ mất mùa. Niềm tin này thuộc giai đoạn bái vật sau sẽ thăng hoa và truyền sang cho vua: đức hạnh ông vua ảnh hưởng đến thời tiết. Cả hai niềm tin là một, cùng thuộc tôn giáo phong nhiêu và ở đợt bái vật, lợi hành. Nói dân gian là công thể (toàn dân chịu trách nhiệm) đến khi quy tụ vào vua thì một mình vua chịu trách nhiệm về việc mưa gió, nóng lạnh… nhưng rồi niềm tin đó sẽ được thăng hoa tới đợt triết lý là giúp trời đất trong việc hóa dục. Đó là một tiến trình đi lên, muốn hiểu đựơc ý nghĩa cần tới bầu khí bao quanh trống quân.  

Trước hết đó là bầu khí tự do lúc con gái chưa bị bó chân còn có thể một mình đi dạo trên bờ sông Hán sông Giang, có thể mời trai ăn trầu, cho địa chỉ hội họp… Mối tình thôn dã lúc ấy chưa bị thanh giáo cấm đoán hay bẻ quặt nên mọi cử chỉ đều làm trong tâm trạng vô tội, đường hoàng chứ không phải giấu diếm chi hết. Tất cả được nói thẳng ra. Người ta đang gánh nước nặng trĩu vai mà dám đường đột hỏi:  

Cô kia gánh nước quang mây  

Tôi hỏi câu này có lấy tôi chăng.  

Nói thẳng, làm thẳng “trên Bộc trong đâu” như thấy ở nước Trịnh nơi giữ được nhiều tục lệ xưa hơn cả, cũng là nơi có con sông Bộc chảy qua. Nên nhớ Bách Việt cũng có tên Bạch Bộc vì nhóm ở trên sông này có nhiều nét biểu hiệu hơn cả (Xuân Thu nói đến Bộc rất nhiều xem bản của Legge tr.273).  

Thứ hai, lúc ấy chưa có câu “nam nữ thụ thụ bất thân” phát xuất từ óc thanh giáo bắc phương nên có thể tự do ca hát ngoài đồng nội, trên bờ sông, chung quanh bờ giếng, có thể cùng lên xe, nhìn mặt, cầm tay (xem bài Hưng Ư Thi trong Nguyên Nho).  

Điểm thứ ba, gái còn nắm chủ tình thế nên chính các cô khiêu chiến trước. Phu lúc ấy còn là cô, cậu mới là phụ, theo phong thái tả nhậm như có thể đọc thấy rất nhiều trong ca dao Việt, cả đến KinhThi cũng còn có chỗ giữ thứ tự thất (vợ) trước gia (chồng) “nghi kỳ thất gia” (thi đào chi yêu yêu) tức âm đi trước dương, gái trước trai. Nhiều nho gia có thấy điểm này nhưng lại giải nghĩa bằng lý lẽ siêu hình giả tạo như mùa Xuân dương khí lên mạnh nên con gái (âm) bị ảnh hưởng!! Sự thật thì lễ tổ chức vào hai mùa Xuân Thu, là hai mùa của người hơn hết, đã vậy lại theo tả nhậm: gái nắm phần sáng kiến y như người trước trời đất. Cần nhấn mạnh điểm này để đặt nổi sự cấm đoán của vương triều không cho gái bắt đầu trước mà phải phu xướng phụ tuỳ về sau.  

Điểm thứ tư cũng rất nền tảng là sự thống nhất và căn cơ của sự thống nhất đó là điển tiết cũng gọi là thời tiết, nên Kinh Thi cũng có thể coi là quyển triết lý của Chữ Thời trong đó hai mùa quan trọng hơn hết là Xuân Thu mà con én đóng vai đại sứ du hành để thông tin cho các cặp nam nữ biết đã đến ngày hội họp để mà “đưa thoi”. Như vậy con én là biểu hiệu của cưới xin tự do đã đưa thoi từ những ngày Xuân của muôn thế hệ trước, nên trống quân đã trở thành một cơ cấu, một lễ, tức là cái gì u linh trang trọng dù sức vật lộn với văn hóa du mục đến sau.  

Tóm lại yếu tố nền tảng là cuộc tế trong bầu khí tự do cởi mở của công thể: mọi cái là của chung theo một lối nào đó, có thể tóm vào hai cặp danh từ là tâm linh và công thể. Đó là những đức tính đi kèm trống quân và sẽ bị văn hóa du mục phá vỡ. Vì nét đặc trưng của du mục là độc hữu ngược hẳn với tinh thần công thể của nông nghiệp: Độc hữu là óc cá nhân riêng rẽ với sự độc quyền là hậu quả tất nhiên. Khi óc cá nhân thắng thế thì mạnh được yếu thua, càng mạnh càng có nhiều, chiếm nhiều, chiếm tài sản, rồi chiếm luôn cả đàn bà làm tài sản, vì thế nảy ra sự cấm đoán đàn bà tự do đi lại, cũng từ đó mà nảy ra tục “nam nữ thụ thụ bất thân”. Chính vì vậy mà trống quân trải qua nhiều cuộc lột xác. Ta hãy theo dõi một số trường hợp: trước hết với vương triều.  

3. Lột xác phía vương triều để thành tế giao  

Nói rằng lễ tế giao phát xuất tự trống quân là một câu nói khó có thể xác quyết vì nó thuộc phạm vi tiền sử bao la. Rất có thể lễ tế giao là hậu thân của hai lễ phong và thiện cũng như phong thiện là một dị bản chính thúc của nhà cai trị có tính cách tương đương với trống quân của dân gian. Tuy nhiên trong tiến trình đàn áp trống quân thì tế giao có thể đóng vai trò thay thế và nhân đấy là biến thể của trống quân như học giả Granet đã nhận xét. Học giả Maspéro cũng cho rằng lễ tế thêm vào sau đạo phong nhiêu, CA p.53. Như vậy là đã hé thấy mối liên hệ giữa hai bên, và trong ý hướng đi tìm chi tiết của liên hệ có thể kể ra những chặng biến thể từ trống quân hướng về tế giao.  

Ong Granet đã làm điều đó xuyên qua những tục lệ mùa Xuân của nước Trịnh, Trần, Lỗ. Ở Trần và nhất là Trịnh có tiếng là duy trì được nhiều tục lệ dân gian nhất thì người ta thấy hầu còn nguyên vẹn hình thức trống quân như trong Quốc phong bài Trăn Vĩ. Ở đây xin chú mục vào nước Lỗ vừa là quê hương của Khổng Tử vừa có sự biến thể rõ hơn. Trong Luận ngữ, thiên XI, câu 25 có lời rằng:  

Mộ xuân giả, xuân phục kí thành:  

Quán giả ngữ lục nhân.  

Đồng tử lục thất nhân  

Dục hồ nghi  

Phong hồ vũ vu  

Vịnh nhi quy.  

Chúng tôi nhớ khi xưa mới học nho đến bài này đã cảm thấy có cái chi chèo kéo bí ẩn lạ thường (như đã bày tỏ trong quyển Tâm Tư, chưong IV). Sau này đọc rộng thêm mới nhận ra nhiều học giả khác cũng khoái đoạn văn trên như vậy, cuối cùng chúng tôi nhận ra sức thu hút của câu văn là do tinh thần trống quân còn lởn vởn trong đó.

 Bàn thờ là nơi cầu mưa: đó là đài vũ vu,  

Tư tế là hai đoàn trai trẻ mối đoàn từ 6 đến 7 người,  

Ca hát là vịnh, là phong (hóng gió),  

Tế là sang sông như trong câu “dục hồ nghi: tắm ở sông Nghi”.  

Chịu lễ là quy. Chữ quy theo Vương Thông có liên hệ tới ăn.  

Đây là bước thứ hai trên đường hoán thể vì ở bước nhất sách Chu Lễ còn dùng cả trai lẫn gái: cả vu lẫn hích chỉ khác không còn ở tuổi xuân nữa mà đã lớn tuổi, lại đi tu. Đây thì không tu, cũng chưa già nhưng toàn trai thì cũng chẳng làm nên được trò trống gì ngoài sự nhai lại kiểu diễn tuồng trong các nội trú nam sinh: vai nữ phải hóa trang. Dầu sao đó không chỉ là một cuộc chơi thường nhưng là một cuộc lễ, vì có sửa soạn xiêm áo cho dịp này trong câu “xuân phục ký thành”. Rồi lại có ca vũ dưới đài cầu mưa, nên Vương Thông trong sách Luận Hành cho đó là lễ cầu mưa. Sự thực thì không những cầu mưa mà là cầu mùa, hay đúng hơn là lễ phong nhiêu nhưng đang được “thăng hoa”: tức đang trút bỏ những gì không hợp cho thời Chu nữa, thí dụ bỏ bê nữ để khỏi phạm tục “nam nữ thụ thụ bất thân”. Còn hai việc bôn và đại ẩm thì bỏ hẳn. Vương Thông cho rằng việc đại ẩm nằm trong chữ quy mà lẽ ra quỹ có nghĩa là một thứ tiệc thánh, nên viết với bộ thực (Fêtes 156). Nếu không là lễ phong nhiêu thì tại sao phải hát, phải ăn (quỹ). Tại sao phải mặc áo xuân. Tại sao phải hai bè. Tại sao phải qua sông (dục hồ Nghi có nghĩa như “thiệp đại xuyên: qua sông”). Tại sao lại ca hát trên sông và dưới chân đồi (vũ vu)? Người ta chỉ tìm ra lối đáp thỏa đáng khi cho đó là trống quân đang lột xác, nói cụ thể là bỏ hai yếu tố: toàn dân và bè nữ. Đây là cuộc lột xác thứ hai hay ba, còn đợt bốn sẽ đưa sang lễ tế thiên (hoặc đây là lễ trung gian giữa trống quân và lễ nam giao). Lễ Nam giao xét về nội dung được truyền tụng là có từ đời Vô Hoài thuộc thời đại Thần Nông. Vô Hoài có nghĩa là từ đời nào không ai nhớ đụơc nữa vì lâu quá. Rồi sau đờiTam Đại gọi là phong thiện. Phong là tế trời: đắp đất cao lên làm bàn thờ để tế, còn thiện là tế đất nên quét sạch đất mà tế (1)  

(1) Có mối liên hệ nào chăng với câu “phụ đồng phụ chổi, thổi lổi ma lên” và câu hát múa Lào: tôi cầm cái chổi, tôi quét cái nhà…  

Có thể phong thiện đã là một hình thái biến thể của trống quân và cũng là tiền thân của lễ Nam giao, với mục đích không được rõ ràng như là phong nhiêu của trống quân. Vì có lúc thiên về việc cầu tự cho nhà vua. Khi vua ra tế thì đưa cung phi đi cùng, người nào được vua ngự rồi thì được uống rượu và trao bao cung tên để chỉ sự cầu cho có con trai (Fêtes 168).  

Người ta có thể thấy ấn tích của trống quân trong những sự kiện đặt vào lễ giao thấy không ổn. Thí dụ tại sao không tế thiên trong thành như trong cung điện mà phải ra ngoài đồng, ở phía Nam? Tại sao có thời tế địa trên phía Bắc, tế thiên phía Nam? Tại sao lại gọi là giao khi không có giao nào cả… Và ở đây cũng chỉ tìm ra lối đáp thỏa đáng trong trống quân mà tế giao là một biến thể: vì có sự giao hợp trên ruộng nên trống quân là lễ bao giờ cũng diễn trên ruộng.  

Đã có dạo người ta tế địa ở Bắc thành, tế thiên ở Nam, nhưng sau không rõ vì lý do nào lại dồn một: có lẽ vì cách một cái thành thì làm sao mà giao. Vì vậy cuốicùng đưa cả về Nam và tế thiên cũng là tế địa: cơ xông hương cho thiên, đổ rượu xuống đất cho địa. Còn chịu lễ thì vuaăn và chia cho các quan phần thịt tế gọi là quỹ. Nếu chư có thế là đủ để bù vào chỗ huỷ bỏ cuộc đại ẩm trong trống quân thì đã có những lễ bát chá và na gọi là trừ tà cuối năm để đón năm mới nên có ăn uống linh đình. Ban đấu bát chá và na là những lễ đi theo mùa gặt. Bát chá là để ăn mừng gặt xong, và thường đặt ở mùa thua. Sau này được kể như lễ cuối năm đặt ở trục chí, như vậy là từ trục phân thuộc nhân chủ chuyển sang trục chí chỉ trời đất, thuộc chủ nô (về hai trục chí và phân xin xem bài Xuân Thu trong Ngũ Điển). Cách giải nghĩa như trên mới hợp tinh thần xã hội học là dùng tục lệ dân gian để tìm hiểu việc tế tự chính thức. Vì tục lệ có trước và đã đâm rễ sâu vào dân gian không thể phá nên vương triều phải thích nghi.  

Nếu hỏi tại sao lại gọi là Nam Giao, có người giải nghĩa bằng chứ cao môi là thần coi việc môi giới ở phía Nam: entremetteur de banlieue du sud (Fêtes 160), nơi mà các bà phải đến cầu khẩn để thoát nạn không con (trừ kỉ vô tử chi tật) nên chữ giao do cao đọc trại. Trả lời thế là gượng, ấy là chưa kể chữ nam chưa có giải nghĩa. Vì thế xin đưa ra một lời thưa khác: là chữ giao nhắc lại nơi phát xuất là chi tộc Dao: có lối đọc giống chữ Keo mà người Nùng người Thái dùng để chỉ người Lạc Việt. Lối ngày giải nghĩa được cả chữ Nam là địa bàn của dân Việt. Dầu sao thì ta cũng đã nhận tên Nam tên Giao tên Dao, cũng như xưa đã là chủ tích nhóm trống quân, và hai chữ Giao Chỉ là tên thuận lợi nhất để nói lên sự giao thoa giữa hai chỉ: đất trời, đông nam, sông núi, nữ nam.  

Vì thế tác động giao có nhiều: giao tình, giao lý, giao ca, giao thân, và đại ẩm là giao với đất (giao thực hồ địa). Như vậy ta thấy nói lễ tế giao là biến thể của trống quân là câu nói có bằng chứng, tuy xét về nội dung đã mất đi nhiều, nhất là thiếu dân gian và bè nữ nên nét công thể tính, nhưng có lẽ cần thải bớt như vậy để dành cho nhà vua đặng để trọng thể hóa. Điều đó tốt, giả sử Vương triều đã không cấm trống quân mà cứ để nó sống song hành với tế Nam Giao thì mới đúng tinh thần hợp tác giữa chất gia và văn gia. Nhưng không may trống quân đã bị cấm đoán theo óc du mục chủ nô. Nhưng “phép vua thua lệ làng” nên trống quân vẫn sống và cùng với không gian và thời gian mà biến đổi, ta cần đặt vào đó cái nhìn tổng quan.  

 4. Lột xác phía dân gian  

Biên cương của dân gian hát trống quân rất rộng từ Hoa Nam xuống tận các đảo Thái Bình Dương, còn thời gian thì có tự rất lâu đời trước vương triều. Vì thế việc nghiên cứu đòi rất nhiều công sức. Đã có một số học giả lưu tâm và được ông Granet thâu lượm lại ở cuối quyển Fêtes. Xin trích dịch ra vài triệt tiêu biểu để độc giả thấy sơ qua những hình thái khác nhau của trống quân.  

Nhật: Bên Nhật trống quân biểu lộ trong lối hát đối gọi là Kagai. Đặc biệt là lúc hai bè đang hát bỗng ngưng lại rồi một người trong nhóm nay đứng ra ứng khẩu hát lên một câu, bè kia cũng sẽ có một người đứng ra hát đáp lại: nội dung vẫn là bày tỏ yêu đương. Tác giả có kể ra một số câu mẫu… rất nhiều đoạn giống thơ “Quốc phong”. Lối hát Kagai này vẫn còn được duy trì trong dân gian, tuy giới thượng lưu đã bỏ.  

Tibet và Tân Cương (Fêtes 281): Người ta ưa thích cuộc hát hai bè bên nam bên nữ đối diện với nhau, vừa hát vừa tới rồi lui lại theo nhịp nhàng được tổ chúc vào mùa Xuân và hát công cộng, không được riêng lẻ, nhưng trong lúc làm đồng áng gieo gặt cũng có thể hát.  

Vân Nam (Fêtes 281): Người Lô Lô làm cả ngày tối lại hát đối. Xong ngồi từng đôi tặng rượu nhau. Nữ tặng trai trước, trai tặng lại sau. Cuối cùng ai về nhà nấy ngủ nghỉ mai làm để rồi tối lại hát nữa. Có nói sau khi hát quay quần cùng uống rượu.  

Lô Lô (Fêtes 282): Cuối năm có hát mà còn thêm một thứ lửa trại, khởi hát từ lúc đi lấy củi về chụm lửa, sau còn thêm đốt pháp cho thêm rộn ràng. Trong Socio 125, ông Granet nhận xét thơ Lô Lô rất giống Kinh Thi quốc phong.  

Miêu ở Vân Nam (Fêtes 283): cũng có trống quân như người Miêu ở Quảng Tây hay người Thổ ở Cao Bằng, hai bè trai gái cầm tay nhau hát theo nhịp trống cơm và một thứ dân (lou sen?) cũng có những câu hỏi ứng khẩu phải thưa liền, thưa không được bị phạt rượu uống cho đến say mèm. Có nơi người thua bị vò tai rất mạnh.  

Hải Nam (Fêtes 288): Khi một cậu trai ưa cô nào thì mang đàn đến gẩy trước cửa nhà cô ấy. Nếu cô ưng thì ra. Khi đã thỏa thuận về các khoản rồi thì trình lên cha mẹ. Cha mẹ làm lễ cưới tại nhà và cậu trai về ở nhà gái.  

Nam Chiếu (Fêtes 288): Nơi đây người ta tin tưởng có những vụ mang thai một cách lạ với rồng nhân lúc tắm… hoặc khi ra đến giữa sông thì chạm phải cái gậy rồi có thai. Người Miêu Tử có thêm vào trống quân trò ném cầu làm bằng chỉ ngũ sắc và đánh trống đồng. Tất cả các sắc dân ở đây cũng như Vân Nam đều có ít nhiều thói tục này. 

Các sắc dân BôDi, nam nữ bao giờ cũng hợp thân trước rồi mới cưới sau. Họ không ưa những người nữ ở vậy, y như ở miền Dương Tử Giang và Hán Thuỷ (Fêtes 291). 

Long Châu (Fêtes 293): Các người đi dự mang cơm theo, mỗi lần hội có cả trên ngàn người. Tuy tục lệ này bị nhà cầm quyền ngăn cản nhưng vẫn lưu hành trong khắp miền Việt Tây (Quảng Tây). Hễ mỗi lần vua quan Tàu cấm thì sinh xôn xao.  

Lô Lô ở Quý Châu (Fêtes 295) cũng hát trên núi. Có sự đấu tài hùng biện và thi ca. Những cuộc hội này vẫn còn truyền tụng tuy đang trên đà biến mất.  

Bên Java vợ chồng vẫn giao hợp trên ruộng (Civ I 191). Mã Lai cũng có (Fêtes 228).  

Dân Dao, Chi Lao, Lê, Bạch Mán, Thái được nói tới nhiều nhất. Tất nhiên Mán, Mèo, Thái, Thổ, Nùng ở Bắc Việt cũng đựơc nói tới, đủ biết biên cương của trống quân rất rộng, rộng bằng với cái biên cương của nền văn hóa Viêm Việt.  

Thứ đến có thể nói rằng khắp thế giới cổ xưa đâu đâu cũng có thể tìm ra vết tích một thứ trống quân (Civ I 19) nhưng sau đều biến mất hay biến thể trọn vẹn chỉ còn ở Viễn Đông là tồn tại. Điều đó giải nghĩa được bằng sức mạnh của nền văn hóa Việt nho trước sức xâm lăng của vương triều, nên đã xuất hiện sự kiện duy nhất trên đời là có sự hợp tác giữa văn gia với chất gia, nhờ đó mà chúng ta sẽ tìm ra được chiều kích thâm sâu của trống quân như sẽ bàn ở triệt sau. Tuy hai bên sống chung nhưng cũng phải lột xác, trong đó Việt tộc phải bỏ phần bị công kích hơn là hợp thân ngay trên cỏ, rồi thay vào bằng nhiều trò chơi khác: đánh đu, bắt chạch, bắt dế, ném cầu… Phần nổi nhất còn lại là hát đối, là nơi nhận được nhiều sự hợp tác giữa Thôn dân và Kẻ sĩ. Vì phần hát đối này được biểu lộ sâu xa nhất trong Lạc Việt nên chúng ta sẽ theo dõi cách riêng.  

5. Trống quân đối với Lạc Việt  

Sở dĩ hát liên hệ mật thiết với trống quân vì trống quân chính là đạo trời đất, hay nói cách khác là lễ hòa hợp trời đất nên cần tiết nhịp như đất cùng trời, nhất là trời. Tiết trời thì như sáng với tối, Xuân với Hạ, tiết đất thì như Đông với Nam, sông với núi. Vậy mà hát cũng đầy nhịp, có thể nói đó chính là nhịp nghĩa là chưa cần đến lời thì nhạc đã khởi sự có từ lúc có nhịp. Vậy ngôn ngữ nào giàu nhịp nhàng nhất cũng là giàu nhạc tính nhất, do đó hợp với trống quân hơn cả. Thế mà trong các nhóm Nam Man, Việt ngữ là một trong những tiếng giàu song ngữ nhất: thanh thanh, nhẹ nhõm, vàng vọt, lung tung, lè phè, tà tà… Tiếng thêm sau có khi để tăng gia phẩm tính như vàng hoe, đỏ đỏ… hoặc để bớt đi như tím tím, vàng vàng, đo đỏ… Nhưng nhiều khi thêm vào coi như là để cho có vậy thôi. Rõ nhất là trong vần iếc: ăn iếc, yêu iếc, học hiếc, chơi chiếc, hôn hiếc… Nhờ những tiếng song trùng đó mà Việt ngữ có một số nét đặc trưng như sau:  

Thứ nhất phải kể đến nét co giãn làm cho nó biến hóa vô cùng mà hình thức đầu tiên là nói lại. Riêng tiếng nhị âm mới nói lái được, đa âm như Tây hay độc âm như Tàu đều không có nói lái. Tây thì đã rõ: dù có tiếng hai âm nhưng không là bản chất của tiếng, nên không nói lái được, thí dụ maison mà lái ra son/mai thì hết nghĩa; còn Việt mà nói nhá cài ai cũng hiểu liền là cái nhà. Tiếng Tàu không thể nói lái. Lối ký âm trong tự điển kiểu Ngô Hoàn chiết đọc là Ngoan không phải là nói lái. Tiếng Tàu đôi khi kể một hai tích nói lái thì quá cầu kỳ (xem Vân Đài Loại Ngữ quyển VI, câu 42 có cho một thí dụ dài lê thê). Có lẽ vì thế Tàu ưa dùng lối đồng âm. Con dơi Tàu đọc là phúc nên vẽ hình dơi để chỉ chúc phúc, vẽ con hầu để chỉ hầu tước…  

Tính chất thứ hai là giàu nhạc tính đến độ nói thông thường đã có nhạc tính rồi, như nhận xét của nhiều người ngoại quốc rằng: nói tiếng Việt đã là ca hát. Có thể vì đó mà ta có những danh hiệu đồng hóa được với ca hát chăng như Lạc và Dao, Lạc cùng với nhạc viết như nhau (nhạc giả lạc dã) còn Dao thì là ca dao, có thể hiểu là tiếng hát của người Dao hay Giao Chỉ. (Tàu viết Dao, Diêu, Giao khác nhau mà thấy chua là yao cả).  

Tính chất thứ ba là nói với thơ hầu như một gieo vần ngay trong câu nói “có mới nới cũ, vì cây giây quần” vậy mà đó là thể lệ trong lúc hát trống quân. Trong đó nói bằng thơ, hỏi bằng thơ, thưa cũng phả bằng thơ. Thế mà hầu như không ai cho đó là chuyện khó. Hỏi là thưa liền, ứng khẩu thành thơ. Đây là chỗ phải nói về vè. Vè là một lối ở giữa thơ và nói. Nói như thơ, thơ như nói, rất hợp cho trống quân. Nên ghi ra đây như giả thuyết làm việc là vè do chữ ve mà ra, mà ve là ve gái: “vẻ vè ve bắt vè con nhện”. Và khi đã có sự ưng thuận thì bắt về. Ai bắt về? Bắt về đâu? Thời xa xưa là gái bắt trai. Người đàn bà Radhé hiện còn nói “không đủ tiền đi bắt cái chồng”. Sau này khi phụ hệ lên chân thì trai bắt gái. Xa xưa nữa là bắt cóc. Sau này bỏ tục bắt cóc thì vẫn còn một vài nơi giữ một số nghi thức để giả đò bắt cóc. Theo đó câu truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh là bắt gái về núi.  

Một điều cần phải nhấn mạnh cho tâm thức hiện nay hay khinh thường những cái giản dị, tưởng vè dễ quá nên không có gì cao sâu, sự thực là không thiếu cao sâu cả trong thơ lẫn trong tiết nhịp. Thứ nhất về thơ thì vè là thơ không những trong tiếng đôi mà luôn trong câu đôi, đó là lục bát so le làm nên nhịp câu. Cả nhịp tỏ trong từng từ (6-8) lẫn nhịp ngầm trong cặp đôi từ (3-4). Còn triết lýt thì nó ẩn trong một nét lạ lùng là gieo vần trên lưng câu sau:  

Trăm năm / trong cõi / người ta  

Chữ tài / chữ mệnh / khéo là / ghét nhau.  

Triết lý ẩn bên trong sự vụ là tinh thần chí trung hòa của nền văn hóa Đông Nam: theo cung ngũ hành thì đông số 3 chỉ trời, nam số 2 chỉ đất. Đất cũng chỉ bằng các số chẵn khác như 4, 6, 8. Số 3 trời đi với 2 đất thì ra số 5 trong ngũ hành. Số 3 đi với 4 thì ra bánh trời bánh đất.  

Áp dụng nét song trùng vào hai số 3, 4 thì ra 6-8. Đó là số của thể thơ lục bát. Nên thể thơ này gọi được là thể thơ riêng của nước, y như bánh dầy, bánh chưng, hay con số vài ba, bào thai của ngũ hành vậy. (1)  

(1) Lần viết đầu tiên tôi móc nối câu thơ với quẻ Chấn Li (xuất chân hướng li). Chấn số 4 Li số 3 nhân đôi thành 8-6. Nhưng sau xem lại sự móc nối đó không uyển chuyển bằng móc nối với ngũ hành.  

Nói theo tiên thiên thì là “ba trời hai đất”. Tức là bao hàm được tiết điệu vũ trụ vừa trong hai câu thơ, vừa trong từng cặp đôi tiếng, vừa trong bước chân vũ tức là tiết nhịp đầy ắp, nên câu thơ lục bát nói lên cái nhịp của trống quân hơn hết, cũng là nhịp song trùng đã xuất hiện với dân tộc từ mãi xa xưa. Bởi đó khi đọc lên những tiếng đi đôi nó gâycho ta cảm giác man mác nhiệm mầu là do cái tiết nhịp cũng như thể thơ và triết lý tàng ẩn bên trong. Vì xuất hiện quá sớm nên khi Hoa tộc vào nước Tàu thì không đổi nữa mà chỉ còn cách thích nghi.  

Trước hết bằng đưa vào tiếng Tàu nhiều cặp song ngữ. Mở đầu Kinh Thi đã thấy hai chữ quan quan (thư cưu) rồi kể tiếp biết bao tiếng khác:

 Đào chi yêu yêu  

Săn săn hề  

Hoàng hoàng hề  

An ân, điền điền…  

Những tiếng đôi đó có đầy trong Kinh Thi… Ong Granet đã thu thập vào trong ba trang lớn rồi nhấn mạnh rằng những cặp chữ đôi đó gợi là cái gì cụ thể như những bức họa bằng lời: Comme de véritables peintures vocales (Socio 114).  

Việc thứ hai là đưa các hư tự như các chữ tư, hĩ, nhất là hề lên bậc từ chính cho chiếm một chỗ trong câu thơ. Điều đó với tiếng Việt không cần, nên những tiếng ngân nga (í, a, tình, tang, tính) đứng ngoài thơ là vì tự nhạc đến thơ không gặp khó khăn nào như đã nói trên về vè. Còn Tàu thì gặp khó khăn khi thơ muốn tách khỏi nhạc, nên phải dùng nhiều hư tự. Sau này Ly Tap dùng hề thả dàn la do thơ đã gần tách hẳn khỏi nhạc để sống độc lập, nên phải thêm tiếng hề để người đọc có cảm tưởng hát, mà đồng thời cũng là chấm câu dùng lời thay cho dấu chấm.  

Chữ nho không dùng dấu chấm câu là do chịu ảnh hưởng quá nặng văn trống quân đó. Còn lại mấy cái khác như nhịp câu thì Tàu không có mấy thành công. Kinh Thi hầu hết câu 4 chữ. Sau này chỉ có thơ ngũ ngôn, thất ngôn, vẫn gieo vần ở cuối cả. Không có nhịp từng cặp từ. Sài Ung đã cố đưa thể tứ lục vào thơ Trung Hoa nhưng không được phổ biến, vì không phải cơ cấu của tập thể mà là của một cá nhân. Thứ đến câu 4 quá ngắn không đủ diễn tả tư tưởng cách đầy đủ, nên không chơi nổi vai trò tiếng nói thông thường như thể lục bát. Ay là chưa nói tới cái vụ câu 4, không theo lối gieo vần trên lưng câu 6 nên thiếu chiếu sâu của triết lý.  

Trên đây là thử phác họa sơ sài ảnh hưởng trống quân trên ngôn ngữ và do đó trên tư tưởng của Tàu, một nền tư tưởng xây trọn vẹn trên cặp đôi âm dương mà âm dương chỉ là kiểu thức hóa các cặp đôi trong trống quân. Vậy tiếng Lạc Việt vốn đã là cặp đôi nên có lý do chân chính để nói Lạc Việt là chủ chính của trống quân. Câu chuyện Au Cơ đưa 50 con lên núi, Lạc Long Quân đưa 50 xuống biển với hai cái tết mồng 5 tháng 5 xuống nước nên có cuộc đua thuyền, và tết trùng cửu là lên núi gọi là đấng cao để hái hoa vạn thọ để chỉ thu thường, có thể giải nghĩa là phát xuất từ nguồn gốc xa xưa của trống quân. Vì tổ chức đúng chỗ thì khi khỏi hát một bên từ núi xuống một bên từ sông qua. Khi ca dao nói:  

Công cha như núi Thái Sơn,  

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.  

thì nền tảng siêu hình phải là cặp song trùng sơn xuyên nọ. Chính cặp đôi đó đã làm nền cho 8 quẻ Kinh Dịch vì cả 8 có thể quy vào hai thực thể là núi và nước.  

Núi: lửa, gío, mẹ = cấn, li, tốn, khôn  

Nước: sấm, ao, cha = khảm, chấn, đoài, kiền  

Khi mẹ ông Bành Tổ giở nách tả sinh ra ba con, giở nách hữu sinh ra ba con nữa, cũng như 6 anh em Hi Hòa: 3 bên tả 3 bên hữu… đều phải quy chiếu vào cặp nước non sơ nguyên nọ mới hiểu được mối liên hệ nằm ngầm. Còn khi bỏ huyền thoại mà nói bóng thì ra:  

Quốc tắt ỷ sơn xuyên  

Sơn băng xuyên kiệt  

Vong quốc chi trung dã (Sử Ký II 278).  

Nước dựa vào núi sông: khi núi lở sông cạn thì đó là điểm triệu báo hiệu nước sắp mất, nên có niềm tin truyền đời như sau:  

Sông Nghi sông Lạc cạn nhà Hạ mất,  

Sông Hà cạn nhà Thương tiêu.  

Núi Thái Sơn sụt là điềm nguy khốn.  

Vì sông núi chính là biểu tượng trời đất, cũng như 2 quẻ kiền khôn là hai trụ cột cho nền đạo lý giữ nước. Đó là điều chúng ta phải hiểu khi “đứng lên đáp lời sông núi”. Đó cũng là đứng lên đáp tiếng gọi của Tiên Rồng, của con người tiểu ngã đứng lên đáp tiếng gọi u linh của Nguyên Tính. Có thấy mối liên hệ sâu xa đó mới nhận ra giá trị nghệ thuật ẩn trong thể thi lục bất trống quân.

  6. Trống quân vốn là một cuộc lễ  

Sau khi đã biết tiến trình giao thoa của hai nền văn hóa nông du, sau khi đã hiểu lý do vì sao du mục cấm đoán hay bôi xấu trống quân, sau khi đã hiểu sự sống dẻo dai của trống quân xuyên qua nhiều thời đại trong một biên cương bát ngát… hẳn không còn ai phải ngạc nhiên nữa về câu nói trống quân vốn là một cuộc lễ, trái lại cơ thể yên lòng tìm hiểu đến chỗ thâm sâu của nó.  

Ai cũng biết tế tự là rốn của tôn giáo, mà tôn giáo là để kết hợp với Thượng Đế. Hiểu theo nghĩa cao siêu hơn hết Thượng Đế là cái toàn thể u linh nên việc gì bất cứ nếu giúp con người kết hợp với toàn thể u linh thì là tế tự. Vậy mà đó là ý chính của trống quân trong buổi sơ nguyên. Hát trống quân là để hòa hợp với trời bằng ca hát nhịp nhàng. Thứ đến là hòa hợp với tha nhân trong mối tình sâu thẳm hơn hết là hai người trai gái hợp thân. Ba là ăn với đất bằng đình đám vì thế phải nói không những là một lễ nhưng là lễ trọng nhất, đầy đủ nhất. Nó trình bày một vũ trụ quan của “hóa nhi đa hí lộng” hay một vũ trụ sinh sinh hóa hóa.  

Rồi một nhân sinh quan cũng theo nhịp vũ trụ:  

Cá nhân có ăn uống  

Giòng tộc có hợp thân giúp trời đất sinh hóa là sinh con và nuôi dưỡng giáo hóa. Vì thế đó là lễ phong nhiêu. Có hai lối hiểu, một lối bái vật là năm nào không có trống quân, không có hợp thân trên ruộng, năm đó mất mùa. Còn một nữa thăng hoa theo lối tâm linh gọi là giúp trời đất hóa dục: “tán thiên địa chi hóa dục”. Tức nói lên sự đóng góp của con người vào cái tiết nhịp cao cả của vũ trụ để làm nổi bật lên mối “thiên nhơn tương dữ” đã được đổ khuôn vào thuyết Tam tài. Đó là một vũ trụ quan thống nhất bao gồm trọn vẹn cả kinh tế, chính trị, tôn giáo, ăn, chơi, hát, xướng. Con người thời nay quá quen với ý niệm nhị nguyên tách rời không thể chấp nhận được sự đi đôi của du hí với tế tự, nhưng với quan niệm nhất nguyên lưỡng cực thì chỉ có một toàn thể không có gì tục với linh, nhưng linh bao hàm tục y như nội ngoại gắn bó vậy. Cho nên chơi cũng là thành phần của lễ, vì chơi biểu lộ bản chất con người hơn hết ở chỗ nó siêu thoát, không còn cầu lợi nữa nhưng đã nhô đầu vào cõi an hành là đợt đầu tiên để kết hợp với toàn thể u linh. Cho nên hiểu theo vũ trụ quan “thiên địa vạn vật nhất thể” bất phân ly thì trống quân dù có đi kèm với những cuộc du hí, ăn uống linh đình vẫn không mất chút nào tính chất cuộc tế lễ của nó cả. Trái lại càng biểu lộ đến cao độ nền minh triết thâm sâu vì đã thỏa đáp được cả ba nhu yếu nền móng của con người: “Thực, sắc, diện thiên tính dã”.  

Xưa nay lễ hay bị quan niệm quá cao khi chỉ hiểu là cuộc kết hợp với Thượng Đế trừu tượng ngự trên cao xanh. Vậy là lệch lạc vì mới có hàng dọc lý trí khô cằn. Hoặc lại hiểu theo kiểu tả turyện “lễ là để điều chỉnh việc dân”. Vậy là mới có hàng ngang. Lễ mà đầy đủ phải có cả ngang cả dọc: cả trời, cả đất, người đều tham dự. Nói khác là cả ý, tình, chí phải được thỏa thuê mới đúng câu: sử thần nhơn bách vật vô bất đắc kì cực (làm cho cả thần, cả người, cả vạn vật đều được thỏa thích cùng cực). Fêtes 189. Câu này nói về lễ bát chá, là lễ bế mạc mùa gặt mà sau này đổi ra lễ tất niên, trong đó có cuộc đại ẩm là nét còn ghi lại dấu trong trống quân, khiến mọi người đựơc no say nhảy múa như điên (quốc chi nhơn giai nhược cuồng) điều đó bị người theo thuyết thanh giáo khắc nghị khinh chê, nhưng thực ra đó mới là bản chất của lễ, cũng gọi là tiết, ta đọc là tết. Lễ hay tết phải có một cái gì qua mức thường để biểu lộ sự thoát khỏi quy ước thường nhật; đó là một yếu tố quan trọng của lễ. Toute fête est un excès là câu nói mà con người thời nay không hiểu nổi nữa vì bị đè nặng dưới ảnh hưởng của thanh giáo.  

Còn ở thời sơ nguyên khi chưa bị những quy ước trái khoáy của du mục bẻ quặt thì trống quân là một cuộc tế lễ toàn vẹn có ăn uống, hát xướng, giao hoan… và do đó nó gây âm vang sâu thẳm vào lòng con người đến độ chỉ huy cuộc sống trong cả năm, từ ý nghĩ, việc làm, lời nói, nó gây sức mạnh đến nỗi mọi lời khác đã qua đi nhưng những lời hát trong trống quân được giữ lại, như ca dao tục ngữ hay nếu đã có văn học thì như Kinh Điển. Kinh Thi chính là kết nạp những bài đã hát trong trống quân (Fêtes 224). Còn trong Việt thì trống quân kết tinh vào trống đồng. Trống đồng không chi khác hơn là tinh tuý trống quân, nơi Au Cơ tiên đang lao xuống miệng rồng là bố Lạc.  

Đây là chỗ cần đặt câu hỏi tại sao lại nói trống quân. Có nên viết là chống quân với ý nghĩa hai đạo quân chống nhau chăng: opposer toupes? (như ông Nguyễn Văn Huyên đề nghị trong Chants alternés p.29). Thưa viết chống không hẳn sai nhưng muốn toàn vẹn phải nói trống quân với ý nghĩa để trống. Y như cái trống trời trống đất phân hai bè nam nữ cũng để trống mặt. Và sau này khi đã làm thành trống đồng cũng để trống một mặt gọi là trống bộc (Huyên 28) tức là trống của dân Bách Bộc (trên Bộc trong dâu) cũng như trống đồng cũng phải để một mặt trống mới đúng tên là trống, là “thần cổ đánh ở kinh đô Việt mà tiếng ngân mãi tới Lạc Dương”. Đó là để nói lên lối thông giao với toàn thể u linh vốn là vô biên là cái không thể diễn tả mà chỉ biểu lộ bằng nhạc, bằng sự im lặng, bằng trống rỗng tâm hồn. Vì lẽ đó cái trống phải để trống một đầu, sau này người ta mất ý thức nên bịt luôn hai đầu, mà vẫn cứ kêu là trống, là đánh trống, mà thực ra là đánh bịt, đánh bùng, đánh lùng bùng vòng ngoài đối kháng làm ra hai bè chống nhau mà không biết đến vòng trong sinh sinh nội tại. Như thế là sa đọa tự nhất nguyên lưỡng cực đốc ra nhị nguyên bịt kín: chọn một bỏ một theo kiểu biện chứng, ý hệ , không còn hợp với dịch lý kết hậu bằng quẻ vi tế, tức để trống đầu cuối cho nó mở sang cõi vô biên.  

Y như hội họa mà đi đến cùng kỳ cực phải như Mã Viễn “vẽ bằng không vẽ” tức biết phối hợp cảnh vật với quãng trống lúc ấy đóng vai vô biên. Chính sự hiện diện của quãng trống kể như một thực tại vô biên đó đem lại cho bức họa nét trầm hùng bi tráng không tìm thấy ở nền hội họa nào khác như René Grousset nói về bức họa “chiếc thuyền câu trên ao thu” của Mã Viễn “une des oeuvres les plus poignantes de la peinture de tous les temps” (La Chine et son art p.177, 186) vì nó cũng nằm trong một nền triết lý của quẻ vi tế tức của cái trống, cột trụ của trống quân.

II. LƯỢC ĐỒ BÀI VŨ SƠ NGUYÊN CỦA VIỆT TỘC

 

Đạo là đường, là đi, là hạnh kiểm. Hình thái sung mãn hơn hết của bấy nhiêu là ca vũ. Vì thế với Việt nho thì vũ chính là đạo. Đấy là lý do tại sao vũ giữ phần quan trọng nhất trong việc tế tự. Ong Granet vívũ với nhiệm tích thông dự phép mầu (communion sacramentelle) của tôn giáo nên thiếu vũ thì việc tế không thành. Vua nhà Chu có lần đã phải bỏ cuộc tế vì không hội đủ người cho ban vũ.  

Tại sao vũ lại quan trọng như vậy? Đó là điều khó hiểu cho chúng ta đang sống trong bầu khí triết lý lấy sự ngắm nhìn ý niệm làm mục đích tối hậu; ngược lại triết Việt nho lại đặt quan trọng trong tác hành, mà tác hành đến độ an vi thì vũ chính là biểu tượng chói chang rực rỡ hơn cả. Chính vì trống đồng ghi lại bản vũ trọng đại nhất nên được gọi là Thần Cổ, Linh Cổ và được tôn thờ cũng như dùng làm linh chứng cho những lời thề nguyền trọng đại. Vì vậy mà chúng ta phải coi trống đồng như bản tóm văn hóa Việt hay nhất, mang một sứ điệp quan trọng hơn cả. Hiểu được trống đồng là hiểu được vũ, hiểu được vũ là hiểu được Việt Đạo. Hôm nay chúng ta thử tìm hiểu cái lược đồ của bài vũ trên mặt trống đồng. Bài đó có thể gọi bằng rất nhiều tên, mà tên nào cũng đúng hết, như là:  

Động Đình Hồ  

Hàm Trì  

Vũ Nghi

Nghê Thường vũ y khúc v.v…  

Còn nhiều tên lắm nhưng nội dung đều phát xuất từ bài vũ sơ nguyên, hễ nắm được cơ cấu bài đó là lần ra manh mối các bài khác. Vậy bài căn bản đó là điệu vũ “vài ba” mà chữ nho kêu là “lưỡng lưỡng tam tam” tức là hai hàng ba người, kể thành năm. Đó chẳng qua là cơ cấu âm dương (hai), tam tài (ba), ngũ hành (năm), nhưng diễn bằng vũ nên khó nhận ra. Vì khi múa không nói số mà chỉ có những hình vuông, tròn, chéo góc… nhưng nhìn kỹ sẽ thấy các số ẩn trong đó. Lược đồ quan trọng nhất là ngũ hành, mà ngũ hành kép bởi hai và ba.  

Thoạt mở màn, người ta thấy hai hàng ba người, rồi múa lượn làm ra nhiều hình thái mà quan trọng hơn cả là bốn người đứng bốn góc, còn hai người ở giữa. Vậy là năm, nghĩa là chỉ có năm chỗ đứng: bốn góc chỉ bốn phương, còn chỗ giữa (trung cung) chỉ Trời Đất. Thay vì nói Trời Đất, nhiều khi chỉ nói có Trời, vì vậy là một, và dù có nhắc tới Đất thì cũng chỉ có một chỗ đứng ở trung cung, nên tuy sáu người mà không nói sáu lại nói năm.  

Nắm được lược đồ đó rồi, ta sẽ hiểu được những vụ rắc rối khi đọc cổ thư. Thí dụ tại sao cũng là Trùng Lê mà có khi được kể như một người, có khi hai. Có khi lại là sáu nữa. Vì Trùng Lê có người anh em tên là Vô Hoài (nghĩa là: lâu lắm không nhớ là bao giờ: immemorial) đẻ sáu con bằng cách rẽ xác mẹ mà ra. Rõ ràng là đó là hình ảnh đoàn vũ sáu người chập vào rồi tỏa ra. Lại như truyện ông Bành Tổ được mẹ cưu mang ba năm, đến lúc đẻ mẹ giơ tay tả thì ba con ra, rồi giơ tay hữu lại thêm ba con nữa. Những truyện kỳ dị ấy chỉ có ý nghĩa khi móc nối vào bộ vũ “vài ba tham lưỡng”. Cả hai chữ phải hiểu một cách co giãn: vài là hai mà cũng là một, còn năm cũng có thể là bốn, là sáu, rồi kép lên thì thành 12, hay 24 hoặc 81 v.v…  

Mở đầu Kinh Thư thiên Nghiêu Điển, ta thấy anh em Hy Hòa khi thì là hai, khi là bốn, khi là sáu.  

Hy Hòa em thứ coi hai hướng Đông Tây.  

Hy Hòa em út coi hai hướng Nam Bắc.  

Hy Hòa anh cả ở giữa.  

Huyền thoại có chỗ nói Hy Hòa là mặt trời, có chỗ lại nói là mẹ đẻ ra mặt trời, rồi tắm cho con và phơi trên cây dâu. Đó chẳng qua là bài vũ diễn tả Việt lý. Chính bài vũ nọ đã dùng lược đồ khung Kinh Dịch trong đó:  

Số 1 là Thái cực viên đồ (hình Thái cực tròn)  

Số 2 là Âm Dương (Lưỡng nghi)  

Số 3 là ba hào trong quẻ đơn (gồm ba vạch)  

Số 6 là quẻ kép gồm sáu vạch  

Số 5 hàm ngụ trong quẻ kép vì hào 6 không dùng nên kể như còn có 5 hào.  

Cũng vì cơ cấu đó mà Kinh Dịch có lúc được ám chỉ bằng chim Tất Phương có 8 cánh và 1 chân tức Thái Cực với 8 quẻ. Đó cũng là bài vũ nguyên thuỷ sẽ biến ra nhiều bài vũ kép nét khác. Ngay như chính tên Việt cũng mang rất nhiều tên hàm ngụ bài vũ “vài ba”. Như Cửu Lê và Tam Miêu vì số 9 chính là con số 3 tự nhân thành 9, nên Cửu Lê hay Tam Miêu cũng thế. Nhà lãnh đạo Tam Miêu tên là Li Vưu (có nghĩa là rồng vàng thượng thặng) là người có 4 mắt, 6 tay với 2 phụ tá là thần gió và mưa. Rõ ràng là lược đồ bài vũ “vài ba” (số 3 ẩn trong số 6). Vì thế tên Li Vưu cũng chỉ bàn vũ gồm một số người khác nhau mà nhiều nhất là 81 người (9*9=81). Li Vưu cũng còn chỉ lá cờ xuất hiện trên trời như hình sao chổi mà đuôi cong. Đây là lý do tại sao cứ thấy Li Vưu sống hoài, vì thực ra thì Li Vưu chỉ là sơ nguyên tượng của Việt lý trong thế tiến hành.  

Đồ múa thì gồm có mộc, búa, đuôi bò và nhất là lông chim ngũ sắc, chữ nho kêu là vũ. Chính vì thế bài vũ có tên Vũ Nghi tức là trang sức (nghi) bằng lông chim ngũ sắc (vũ). Nếu nói Nghê thường vũ y khúc thì nghê chỉ màu ráng (đỏ) phương Nam, thường là váy, y vũ là áo bằng lông… Những đồ vũ đó nhất là lông chim ngũ sắc đã từ lâu gắn liền vỡi vũ, hễ múa là phải đeo lông chim thì múa mới thành, mà múa có thành thì lễ mới nên (valid). Bởi thế vũ có mang lông chim đã trở nên con chấm chủ quyền của Việt lý, con cháu có thể dùng để nhận diện gia bảo.  

Chính nhờ đó ta biết được bờ cõi văn hóa Việt lan rộng đến đâu. Ta nói được hễ đâu có vũ đeo lông chim ngũ sắc và múa theo cơ cấu Ngũ hành thì bờ cõi nước Văn Lang lan tới đó. Huyền sử nói nước Văn Lang gồm 15 bộ là nói bằng phạm trù Lạc Thư gồm 9 lô số mà cộng chiều nào cũng ra 15 cả. Số 15 là do số 3 và 5 tức cơ cấu bài vũ đầu tiên của Việt.  

Hầu hết các trang huyền sử đều có mang ấn tích của Việt tộc thí dụ sách “Mục thiên tử truyện” nói đến cái trống có 4 mặt, hoặc 6 mặt hay 8 mặt thì thấy ngay liên hệ với điệu vũ “lưỡng tam” cũng như các bài vũ khác: Động Đình Hồ, HàmTrì, Bích Ung, Linh Đài, Phán Thuỷ v.v… đều mang cùng một cơ cấu, một trang sức. Động Đình Hồ chẳng hạn mới đọc chẳng thấy cơ cấu đâu cả, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy số 2 ẩn trong sông Tương nước chảy hai chiều để đổ vào cái hố tròn là số 3, cái đình vuông số 4, trong có cái động trống rỗng chỉ linh thiêng.  

Cũng chính nhờ bộ cơ cấu đó mà ta có thể móc nối Tam Miêu, Li Vưu vào với trống đồng, vì trống đồng cũng chia hai mảnh cộng với trung cung (mặt trời) là ba, bên ngoài có 4 con vật, hoặc 4 cái quai. Rồi có đủ số 6, 8 lu bù. Nhiều học giả (Befeo XXIII p.48) còn móc nối trống đồng với chữ Điền hay hình quả trám. Nói như vậy cũng được miễn là hiểu theo lối cơ cấu thì lý lẽ mới mạnh (hơn lý lẽ văn tự) vì đó là biến thể của lược đồ Lạc Thư (tức sách do sông Lạc, có nghĩa là nền Minh Triết xuất hiện từ ruộng nước). Vì vậy có lưu truyền rằng khi múa (cầu mưa) trúng cách thì tất phải có mưa. Cũng vì liên hệ nước đó nên ta có quyền móc nối trống với quẻ Tỉnh (giếng) hoặc với truyện Việt tỉnh cương (trong Kinh Hùng) vì cả hai đều có nước. Giếng có nước là chuyện đương nhiên, nhưng trống cũng có nước, có thuyền đi trên nước mới lạ. Cũng vì vậy truyện cổ nói nếu đánh trống trúng cách thì có nước chảy ra (D.366).  

Nước thật hay nước cam tuyền, nước sông Lạc, đều chỉ hạnh phúc của con người khi múa trúng điệu, tức là sống trúng Đạo Việt thì đạt được hạnh phúc. Nói sông Lạc hay Việt tỉnh đều như nhau.  

Đó là lược đồ bài vũ sơ khởi của Việt tộc, hiệu là Tam Miêu. Vì Tam Miêu cũng sinh ra bởi Tiên và Rồng với người chỉ huy có tên là Rồng (Li Vưu đọc trại ra là Si Vưu) lại mang lông chim (tiên), tức Tam Miêu cùng một gốc văn hóa Tiên Rồng như Việt tộc.

 

Ong Đại Vũ  

Bây giờ hãy bàn tới người thứ hai có liên hệ tới vũ và có tên rực rỡ trong Kinh Thư, đó là ông Đại Vũ. Cái lầm xưa nay là đọc thiên sách này theo lối sử địa mà thực ra đó chỉ là một huyền thoại của Việt tộc diễn tả bằng những con số của bài vũ “vài ba” hay “lưỡng tam” kép nét. Xưa nay chỉ hiểu chữ Vũ như tên riêng mà không ngờ chữ Vũ còn có nghĩa là ca vũ. Và nghĩa này mới là nguyên nghĩa, tức nghĩa gốc, nghĩa nền tảng, còn tên ông Vũ chỉ là đến sau. Đại Vũ như vậy có nghĩa là người múa thượng thặng (le danseur par excellence). Tôi hay nói: ông lấy vợ Việt là nói theo ý trên. Thực ra Kinh Thư nói là ông lấy người Đồ Sơn (Thú vu Đồ Sơn). Các học giả tranh luận rất nhiều để xem đó là đâu, nhưng xét ra sự chi li sử địa đó không bõ công, vì đây là huyền sử nên Đồ Sơn cũng có khi gọi là Miêu Sơn, Vũ Sơn, rõ ràng là của Việt tộc. Vì thế tôi nói gọn lại là ông Vũ lấy vợ Việt, nên vua Việt Chiết Giang vẫn xưng mình là dòng dõi ông Đại Vũ. Như vậy chữ vợ Việt vừa có liên hệ địa lý mà đồng thời còn bao hàm ý nghĩa siêu hình là ông Vũ học được nền Minh Triết của Việt tộc. Sách nói ông lập ra nhà Hạ. Chữ Hạ có một nghĩa là mùa hạ ở phương Nam, nơi phát xuất của ngũ hành, nên chữ Hạ còn chỉ lông chim ngũ sắc lấy từ núi Vũ sơn đưa về làm đồ trang sức cho người vũ (D.460) tức cũng là Đạo (vũ) diễn tả bằng khung ngũ hành. Đó là bản tómlược sống động của nền Minh Triết Việt nho mà ai theo sẽ đạt an vui hạnh phúc. Vì thế nói ông lập ra nhà Hạ, hoặc nói ông Vũ lấy vợ Việt đều cùng một ẩn dụ như Đế Minh tuần thú phương Nam gặp Vụ Tiên trên núi Ngũ lĩnh, nên cũng lập ra được những nước đầy hạnh phúc (Xích Quỷ, Văn Lang) như vậy.  

Đến đây có một thắc mắc cần được khai thông. Ai cũng thấy ca vũ là do Việt tộc, ông Vũ chỉ là học lại với Việt mà cụ thể là học với ông Thuấn trong trường hợp mà Kinh Thư đã nêu rõ như sau: ban đầu Tam Miêu không chịu phục ông Thuấn, ông Thuấn mới phải sai ông Vũ đem quân đi đánh dẹp, nhưng đánh không được, nên ông Thuấn bảo chỉ còn con đường duy nhất là phải vũ. Thế là ông Vũ múa. Có sách nói cả ông Thuấn đều mặc áo lông chim vào rồi cầm khiên mộc mà múa. Sau ba năm thì Tam Miêu mới phục. Đó là vài mảnh vụn chứng tỏ ông Vũ học múa theo Việt. Không hiểu vì lẽ nào mà Kinh Thư lại quy hết công cho ông Vũ, đang khi chính ông Thuấn mới là chủ và đã sáng tác ra bài nhạc vũ Cữu Thiều. Tại sao như vậy? Có nhiều giả thuyết. Một là vì ông Vũ là người Tàu đầu tiên du học ở Việt và biết cách áp dụng vũ vào việc trị thuỷ nên đáng được đề cao đặng khuyến khích. Hoặc nữa vì ông Thuấn là vua, ông Vũ là quan. Theo Việt nho thì vua là thể, quan là dụng. Thể thuộc vòng trong nên ẩn. Dụng thuộc vòng ngoài nên hiện, nên nói Vũ mà không nói Thuấn. Hoặc nữa đó là lối quảng diễn bài vũ một cách đại quy mô bằng đưa vũ vào việc cai trị gọi bóng là trị thuỷ: sau khi ông Vũ đã trị thuỷ cả bốn hướng đông tây nam bắc rối thì trở về Cối Kê, kinh đ6 Việt để lên ngôi thiên tử. Rõ ràng là lược đồ vũ theo ngũ hành mà trung cung là Hoàng cực gồm ngũ phúc, nên gọi là lên ngôi ở Cối Kê, tức là nơi hội tụ từ bốn phương để tính toán sổ sách, xem được bao hạnh phúc. Hạnh phúc là sự cộng lại tất cả những điều thích thú, vừa ý, vừa thỏa. Đấy gọi là Hội Kế cũng đọc là Cối Kê. Không hiểu sao lại đọc như thế.  

Như vậy xét về biểu tượng thì ông Vũ đã thấm nhuần Việt lý và đã lấy nơi ông gặp vợ Việt là Cối Kê làm đất thánh. Tuy nhiên về hiện thực, ông còn mắc một số lỗi: trước hết, khi lên ngôi ông đã giết chư hầu Phòng Phong để tế cờ, lý do chỉ vì Phòng Phong đến hội trễ, đó là thác lý. Sự thực thì Phòng Phong là vua Cối Kê nên ông giết để chiếm chỗ.  

Thứ đến ông không theo đường lối Việt nho là thiện nhượng tức trao quyền cho ông Ích là ngừoi hiền mà lại trao cho con là Khải. Thói chiếm công vì tư có từ đấy. Cũng vì lòng tham nọ mà họ nhà ông mắc họa Bao Tự do vụ ăn thịt rồng không trúng cách. Theo sách Sơn Hải Kinh nếu muốn tham dự sức linh thiêng của vật tổ thì có ba cách: một là gọi tên vật tổ, hai là vẽ hình vật tổ lên mình, ba là ăn thịt vật tổ. Khổng Giáp dòng dõi ông Vũ đi theo lối thứ ba thì cũng là đúng sách vở, nhưng xem ra ăn nhằm rồng cái, hay đúng hơn là ăn nhằm rồng đã chết bệnh do không biết cách nuôi dưỡng, nên sau sinh ra cái họa Bao Tự.  

Từ khi nhà Hạ mất thì tinh thần Vũ lu mờ dần: đến mấy đời sau Thương, Chu, Tần, Hán không có thấy nhắc đến Vũ nữa, cả đến Kinh Nhạc cũng mất luôn. Thiếu nhạc, thiếu vũ thì còn chi là Việt lý với nguyên Nho. Cũng may mà Vũ còn được ghi lại trên trống đồng khiến ta có tiêu điểm để đi tìm lại cái lược đồ vũ xưa đã bị thổi bay tản mát vào các truyện huyền thoại nằm ngổn ngang mỗi nơi một ít. Nhưng khi nhìn kỹ trống đồn, rồi móc nối với bộ cơ cấu “lưỡng lưỡng tam tam” lúc ấy mới hiểu được câu nói: “Ong Quỳ vỗ bụng cười hì hì”, là gồm thâu đại đạo An vi vậy (Quỳ long cồ phúc tiếu hi hi).  

MẤY BÀI HÁT XƯA  

Đây là những bước khởi đầu hiện thực các yếu tố căn bản vừa bàn trên kia. Vậy khi đi ngược dòng theo lối tố nguyên, người ta sẽ gặp một thế giới làm toàn bằng vũ mà bài cổ xưa nhất cũng như nền tảng nhất diễn tả bộ cơ cấu Vài Ba là bài lưỡng lưỡng tam tam (lưỡng là vài, tam là ba, sẽ bàn ở dưới).  

Thứ đến là bài múa Hàm Trì mà ta có thể thấy lược đồ trong khung Hồng Phạm. Đó là bài múa nền tảng phản chiếu trên trống đồng Ngọc Lữ.  

Thứ ba là bài vũ Bạch hạc nhị bát (vũ bạch hạc 2 hàng 8 người được nói đến trong Ngô Việt Xuân Thu, chương IV có liên hệ đến trống đồng). (D.219)  

Thứ bốn là bài vũ bát chá nhịp theo trống đất như một thứ trống quân (D.333)  

Thứ năm là bài múa Na (có ba bài cho phương Bắc, Đông, Tây trừ phương Nam đã có Nam Giao), nói đến trong Nguyệt lệnh (D.328).  

Thứ sáu là bài múa phượng tướng sĩ để tống cựu nghinh tân gồm 12 người giả làm 12 con vật chỉ 12 tháng. Khi múa kêu 3 tiếng, chạy 3 vòng… (D.300)  

Thứ bảy là bài múa kính thần Phòng Phong ở Việt Cối Kê theo nhịp ống quyển dài ba thước.  

Sau cùng là những bài múa như bà sa và sau này bài “Phong hồ vũ vũ” còn nói tới trong Luận ngữ …  

Trên đây chỉ kể sơ qua ít bài vũ để nói lên sự quan trọng vượt bậc của vũ trong miền Việt nho, không nơi nào có như thế (có thể xem chú thích về vũ trong Maspéro: Chine antique, tr.214).  

Vì vậy bên Viễn Đông thưở ban sơ chưa có quốc ca thì đã có quốc vũ và thay vì đứng chào cờ thì vũ chào cờ. Khi vua lên ngôi, thay vì đưa ra một huy biểu (blason) thì đưa ra một bài vũ của triều đại (danse dynastique). Người làm ra bài vũ này phải là một bậc hiền triết như ông Cao Dao làm bài vũ cho nhà Hạ, ông Y Doãn cho nhà Thương, ông Chu Công cho nhà Chu… vì nó quan trọng như một bản Tuyên ngôn hay một thứ Hiến pháp. Chính bài vũ nói lên cái triết lý trị nước như được thỉ tỏ trong thiên Vũ Cống nói về trị thuỷ mà thực ra là bài vũ lớn lao hiện thực cái lược đồ ca vũ mênh mông của Hồng phạm, nên cũng có tên là Vũ nhất bộ mà kỹ thuật là “bộ bất tương quá = chân nọ không bước quá nửa chân kia, để đề cao tận nền (tận chân) nguyên lý Thời Trung. 

Ở đây không có ý lên sổ mọi bài vũ, càng không có ý làm lịch sử ghi lại từng biến cố chi tiết mà chỉ nhằm gỡ ra cái cơ cấu chỉ huy mọi bài vũ. Hễ nắm được cơ cấu của vũ cũng là nắm được cơ cấu của triết. Vậy điều cần chú ý trước hết khi muốn đi tìm cơ cấu là tiết nhịp, vì như đã nói, tiết nhịp là bóng dáng của thời tính, là bước đi của thời gian. Tiết nhịp nền tảng hơn cả là nhịp hai, biểu thị bằng số 2, rồi đến số 3 chỉ thuyết Tam tài cũng được biểu lộ bằng vòng tròn, và do đấy mà có vòng xoáy ốc đặc trưng của Việt tộc, cũng như số 5 (tức 3+2) và 9 (tức 5+4).  

Thế rồi đến các số khác đều đã được sắp đặt vào lược đồ, về sau được lược đồ hóa thành Hồng Phạm Cửu Trù cũng như Hà Đồ, Lạc Thư mà ta có thể gọi là bấy nhiêu lược đồ ca vũ. Mới xem tưởng phiền tạp nhưng lần theo các con số gốc thì sẽ tìm ra đường tiến từ 9 về 1 vớ các lối sắp đặt khác nhau nhưng quy về một mối (đồng quy nhi thù đồ), tất cả đều mang tính chất vũ trụ (danse cosmique), nên phục được mãnh thú (nhạc vũ phục mãnh) hòa hợp được quỷ thần với nhân và vật. Tức là những kiểu nói lên trạng thái hòa hợp cũng là trạng thái sống cao độ nhất như ta được thấy trên mặt trống không những người vũ mà luôn cả chim muôn, cả đời sống với các đồ như nhà, thuyền, dụng cụ làm ăn… tất cả đều có mặt trong đoàn vũ trước các yếu tố vũ trụ như trăng, sao, non, nước. Vì thế đường cong rất quan trọng: nó nói lên đường tiến của vũ trụ vốn đi theo lối vòng tròn; chung nhi phục thuỷ như sẽ bàn dưới. Thế rồi ta lại đọc ra các hàng số ẩn bên trong: nào những cặp song trùng nói lên các số 2, rồi các vòng 3 (nhiều tổ hợp 3) rồi số 5 ẩn trong điệu vũ xoáy ốc và thế là chúng ta gặp những dấu đại đồng chủng tộc (tức mẫu số chung) thuộc văn hóa ưa đề cao vũ như đã bàn ở trên.  

Nếu ta lùi về tận lúc sơ khởi của Bách Việt vào miền văn hóa cổ đại Viêm Việt, chúng ta sẽ gặp Li Vưu chống với Hoàng Đế. Hoàng Đế dẫn 4 thú dữ nên thuộc về lông mao du mục, còn Li Vưu đeo lông chim thì rõ ràng thuộc lông vũ nông nghiệp và như vậy ta có thể coi Li Vưu là thuỷ tổ của mặt trận văn hóa Viêm Việt và khi thử đi vào để quan sát, ta sẽ nhận ra Li Vưu không phải là tên cá nhân nào hết mà là tên một gánh hát gồm 81 người có khi 72 người (ám chỉ đạo Việt).  

Con số đó nói lên cái chi? Thưa là số 9: 9-9=81 hoặc 8*9=72 mà căn bản của nó là số 3 nên làm ta giật mình: thì ra đó là con số của Tam Miêu và Cửu Lê là những tên xa xưa chỉ những tổ đầu tiên của Bách Việt đã diễn đạt Đạo bằng Vũ.  

Nên Đạo là vũ, vũ là Đạo, mà cơ cấu là ngang dọc với trung cung. Ngang là vài (2), dọc là ba (3), thiên địa nhân chồng lên nhau thành ra ngũ hành. Rồi thêm 4 số vòng ngoài là 6, 7, 8, 9 thì có bộ cơ cấu nền tảng cho mọi bài vũ. Thí dụ bài múa “Bát sĩ trục ngưu” (tám người đi bắt trâu) hát bài “bát chung” (8 chuông) cũng gọi là Tải dân: là tóm tắt muôn vật.  

Người thì dậm chân,  

Người thì co duỗi,

Người thì gõ sừng…  

Rõ ràng là cảnh nông nghiệp ở miền Đông Nam mới có trâu (bài này ghi trong Vân Đài Loại Ngữ, tr.325 chép lại Lã Thị Xuân Thu).

III. VIỆT TỈNH CƯƠNG XÉT NHƯ ẤN TÍCH CỦA NHÂN CHỦ THUYẾT

 

Giếng vàng ánh ngọc ngàn xưa  

Giở trang sách cũ hương thừa cơn bay.  

Trong văn hóa cổ đại của loài người có một số biểu hiệu mà triết học dùng được như sợ dây aradnee đặng tìm ra mối nhất quán, hoặc dùng như những dấu chỉ đường hướng của từng nền văn hóa: đó là thập tự nhai và các hình thái phát triển tự đó. Trong bài này chúng tôi sẽ dùng để tìm ra những bước chân của nhân chủ thuyết.  

Trước hết là thập tự nhai phát xuất từ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Đây có lẽ là dấu đầu tiên và phổ cập tức không đâu không có cũng như sẽ mặc rất nhiều hình thức với những nội dung khác nhau thí dụ hình kèm theo lấy từ Larousse (xem tự điển Webster loại lớn chẳng hạn thấy có đến 20 thứ thập tự, xem chữ cross).  

Hình Thập tự  

Trong các hình trên nhiều thập tự không còn là sơ nguyên vì đã mang tính chất lịch sử rõ rệt thí dụ thập tự gọi là Saint André. Trong các thập tự sơ nguyên thì đáng kể nhất là hai hình thái chữ Vạn và chữ Vãn. Chữ Vạn xoay theo chiều hữu nhậm (theo kim đồng hồ) được Đức Quốc Xã làm nổi nên ta có thể coi như đại biểu của những nền văn hóa du mục hữu vi. Còn chữ vãn là của An Độ gọi là Swastika xoay ngược kim đồng hồ (nhiều người không rõ nên vẽ xuôi như chữ vạn) đại biểu cho văn hóa vô vi (1), tị thế. Ơ giữa có thập tự nhai cân đối + mà Tây Au gọi là của Hy Lạp. Một hình thái khác gọi là Tau (chữ T) cũng gọi là của Hy Lạp. Cả hai nói lên hướng tiến của Hy Lạp đã đi đến bờ sự cân đối giữa trời với đất, giữa hữu với vô. Nói bờ vì mới là sự cân đối vòng ngoài lý trí, chưa đạt vòng trong tâm linh của con người Đại Ngã; chứng cớ là nền nhân bản do triết lý Hy Lạp đề ra còn khập khiễng như đã minh chứng trong quyển Nhân Chủ.  

(1) Chữ vô vi viết thường để chỉ vô vi bị thoái hóa xuống đợt chống đối hữu vi, nên cùng bình diện. Đó là điều đã xảy ra cho các tôn giáo xưng là vô vi An, Thích, Lão. Ta cần dùng chữ Vô Vi viết hoa cho nền Tâm Đạo thực sự có nội dung siêu linh, nó sẽ không tị thế mà là xử thế.  

Muốn đạt cân đối tận cùng vòng trong tức có chất nhân chủ thí phải sang miền Việt nho, nơi đây không những có thập tự nhai và thập tự chữ đinh (Tau của Hy Lạp) lại còn thêm thập tự chữ Nghệ, cả ba đều chan chứa chất người.  

Thập tự nhai là cơ cấu con người Đại Ngã Tâm Linh được bồng trong tay Nữ Oa Nghi Mẫu, người ta quen gọi là cái quy dùng để vẽ vòng tròn đối với cái củ trong tay Phục Hy để vẽ hình vuông. Nếu muốn nói đích xác thì Phục Hy cầm củ vòng ngoài, còn Nữ Oa cầm quy vòng trong, vậy ngoại hình là quy, mà nội dung là con người đại ngã, cả hai cùng một cơ cấu ngang dọc cân đối.  

Thập tự chữ Đinh cũng đầy chất nhân chủ nên ta thấy nó đi với Nữ Thần Mộc dậy làm nhà chữ Đinh, tức dạy đạo làm người. Muốn làm người thì phải “tu thân” đó là ý can Đinh đi trước hai can Mậu, Kỷ: có nghĩa như hai chữ tu thân tức làm phát triển (mậu) cái kỷ hay cái Đại Ngã, vì thế có lễ thành đinh, có lệ “tế các tiên hiền tiên thánh trong ngày đinh” như đã nói trong bài pho tượng đẹp của Việt tộc.  

Thập tự chữ nghệ có thể gọi là thập tự chéo giống với thập tự Saint André, nhưng ở đây không đi vào lịch sử mà là huyền sử, tức biểu thị chỉ hướng phụng sự con người, vì thế trong huyền thoại Việt nho có truyện Hậu Nghệ bắn chín mặt trời chỉ để lại một nên được chức Tư Mệnh tức làm chủ vận mệnh của mình, không để cho trời đàn áp (biểu thị bằng 9 mặt trời) hàm ý rằng trời đất rất cần nhưng không nên để lấn đất người. Trong huyền sử Việt, thập tự chữ nghệ xuất hiện trong vụ “Vua Kinh Dương Vương vậng ngọc chỉ phụng mệnh trời về núi Miên Sơn lập đô ở phía Nam Hoan Châu thuộc Nghệ An xứ. Câu đó ngụ ý rằng khi đi vào nhân sinh theo chữ Nghệ thì hậu quả sẽ là hoan lạc tràn ngập cả một châu.  

Đại để đó là đợt phát triển đầu tiên của thập tự nhai gồm 5 hình thái. Hai hình thái chỉ hướng thái quá một bên hữu vi với chữ Vạn, bên kia vô vi với chữ Vãn (1); còn ở giữa thì có Hy Lạp và Việt nho. Hy Lạp đi được hai bứơc là thập tự nhai 4 cánh đều đặn và thập tự chữ Tau ngang dọc bằng nhau. Việt nho cũng vậy nhưng thêm được chữ nghệ nên đi được vào vòng trong phụng sự con người biểu thị bằng thập tự nhai trong tay Nữ Oa Nghi Mẫu. Có thể thấy sự dị biệt nọ trong vụ thập tự chữ Tau đổi ra thập tự chữ Đinh làm cửa mở vào Mậu Kỷ do Nữ Thần Mộc vậy. Như vậy thập tự chữ nghệ chỉ nhân đạo: đó là đạo nghệ do Lạc Long Quân thiết lập ở Nghệ An xứ.  

(1) Chữ vãn đây cũng xin hiểu theo sự suy thoái của các tôn giáo, chứ còn chính ý nguyên sơ thì vãn rất quý vì nó chỉ vãn hồi, phản bổn hoàn nguyên: con người trở về căn tính của mình.  

 Bây giờ đi vào đợt phát triển thứ hai ta sẽ gặp “Việt tỉnh” và điện thờ (templum). Điện thờ mà tiếng khoa học gọi là templum gặp nhiều nơi dân Etrustque với hình……… Đó chẳng qua là thập tự nhai nhưng đã kép nét để trở nên templum có hai chiều ngang dọc: chiều ngang gọi là decamus, chiều dọc là cardo. Đại biểu bên Việt nho là cái giếng Việt với hình chữ tỉnh hoặc đúng hơn là…… tức trên miệng giếng tròn có 4 mảnh gỗ đóng 4 bên thành khung vuông như ta thấy trong những tượng giếng nặn bằng đất nung để làm đồ tuỳ táng tìm được trong những mộ khai quật ở miền Bắc Ninh. Nhưng hình dáng không quan trọng, quan trọng là cái hướng của nó, cái hướng đi vào cuộc sống của con người là ăn uống, nói kiểu triết đó là đi vào “xử thế”, một lối trung dung giữa nhập thế và xuất thế. Vì thế xếp Việt tỉnh vào đợt hai cũng là tạm thời, vì nó giống một phần với điện thờ, nhưng đã mang mầm để tiến sang đợt 3 thành ra các hình Hà Đồ Lạc Thư, minh đường mà cơ cấu là chữ tỉnh kép nét ra Hồng Phạm, còn cái mầm nói trên là vòng tròn nằm giữa chữ tỉnh.  

Hình 1: Hình Giếng (Đồ tuỳ táng hình giếng đào được ở Bắc Ninh)  

Đó là chỗ riêng biệt của Việt bởi vì giếng thì đâu không có, tại sao phải nói Việt tỉnh: giếng của Việt. Thưa nói thế tự lúc giếng đựơc tổ tiên Việt cho mang theo một dạng thức và một ý nghĩa. Dang thức là bài vũ Tham lưỡng hiện hình vào 4 mảnh gỗ gác dọc ngang sẽ thành ra hai đường dọc ngang với ba tầng vũ trụ như đã bàn trong bài “Văn lang vũ bộ”. Cũng hình giếng sẽ trở nên tự dạng cho chữ tỉnh. Còn ý nghĩa có hai.  

Một là chung và riêng kết nối, hai là ý nghĩa tâm linh. Điểm một là chung riêng kết nối được biểu thị cách thông thường đến độ lọt ra ngoài ý thức của con cháu đó là mâm cơm của người Việt: mâm tròn chỉ cái gì chung đặt ở giữa chiếu vuông 4 góc chỉ những cái tư riêng. Thế là có vuông chỉ bằng 4 người hay chiếu vuông, lại có tròn là mâm cơm, ở giữa có bát tương hay nước mắm mà 4 người múc tự đấy ra hoặc nếu mâm vuông thì bát nước tương hay nước mắm tròn ở giữa. Đó là hình ảnh bánh dầy bánh chưng: vuông tròn hòa hợp.  

Hình ảnh đầy triết lý đó sẽ được chiếu giải vào phép tỉnh điền ở tại chia một lô đất theo hình chữ tỉnh thành 9 lô chia cho 8 gia đình làm của riêng, còn lô giữa 8 gia đình làm chung để nộp thuế. Ơ lô giữa cũng đào một giếng chung cho cả 8 gia đình. Các học giả tranh luận có hay chăng cái thể chế nọ (xem đầy đủ trong La Chine Antique) nhưng với triết ly thì không cần bàn có hay không mà chỉ cần xem xét ý nghĩa thâm sâu ẩn trong chữ tỉnh. Vậy ý nghĩa đó là dọc ngang nối kết, chung riêng ràng buộc tức không cá nhân chủ nghĩa với quyền tuyệt đối về tài sản khiến kẻ có người không. Cũng không hoàn toàn chung theo kiểu cộng sản đến bóc lột quyền làm chủ của cá nhân, nhưng là bình sản: có mà như không có, không mà lại có. Ruộng là của chung làng chứ cá nhân không có, nhưng vì định kỳ quân phân nên ai cũng có, nhưng có mà như không, vì ba năm có thể đổi diện tích theo số nhân đinh thêm bớt, hoặc khi qua đời phần điền lại trở về của làng để chia cho các người tiến lên sau, như thấy trong định chế công điền công thổ cố hữu của nước ta từ ngày lập quốc.  

Nói thế có nghĩa là ý nghĩa sâu xa của quẻ tỉnh trong Kinh Dịch đã thẩm thấu tinh thần nước ta: đó là tinh thần cộng tác, san sẻ, chị ngã em nâng, nên Kinh Dịch quẻ tỉnh nói “quân tử dĩ lạo dân khuyến tương: quên tử phải khuyến khích nhân dân đi theo đường hướng tương trợ, trái ngược với đường hướng bóc lột chủ nô tranh đấu”. Nói theo tiếng Mỹ đó là xã hội nông nghiệp cộng tác cooperative agricultural society khác hẳn xã hội tư sản chiếm đoạt kiểu du mục acquistitive nomadic society. Xã hội xây trên tư sản cá nhân kiểu này sẽ dẫn đến nạn giai cấp đấu tranh kiểu tư bản cộng sản, còn xã hội Việt tỉnh có tính cách công thể với định chế bình sản thì lấy sự tương thân tương trợ làm nền. Đây là điểm khác đầu tiên trong Việt tỉnh cương.  

Điểm hai là tâm linh nằm trong chữ tỉnh có thể biểu thị bằng câu tục ngữ  

Bằng cái sàng ba làng uống không hết  

Hay muốn nói Nho thì

“Tính dưỡng nhi bất cùng dã” (quẻ tỉnh), tỉnh nuôi dưỡng không cùng, cũng như nói tỉnh chỉ bằng cái sàng mà ba làng uống không hết. Ba làng là mọi làng uống không hết cũng như “dưỡng nhi bất cùng”, đều nói lên chiều kích tâm linh bất tận. Nói vậy đã khó hiểu còn muốn nói khó hơn nữa thì đưa ra phương trình sau:  

5 = linh

Hay nói cho râm ran là “ngũ hành biểu thị tâm linh”. Đó là những câu nói mới đọc lên chẳng mấy ai thấy liên lạc ra sao cả, nhưng lại là những câu nói tối quan trọng nên biết khó mà vẫn phải nói, nói rồi giải rộng.  

Muốn hiểu ba câu trên thì trước hết phải hiểu thế nào là linh đã. Linh với thần là một và đây lại là tiếng khó định nghĩa nhất trong ngôn ngữ nhân loại nên trong cả ngàn câu định nghĩa linh hay thần khắp nơi không biết cơ tìm ra được câu nào đáng chấp nhận vì tất cả dẫn đến chỗ duy vật hết trọi. Muốn có một câu định nghĩa linh hay thần xứng hợp thì phải mở Kinh Dịch mà tìm ra câu định nghĩa đó là “Thần vô phương: Thần không có phương” hay là thần không có ở riêng phương nào cả, nghĩa là không đâu không ở, khỏi cần nơi chốn riêng. Những thứ thần còn cần đến nơi riêng như núi Olympe của các thần Hy Lạp, núi Meru của thần Brahma, cung tử vi của Thượng Đế toàn là thần giả có đem mà đập chết hết càng hay vì thần thực sự không được có nơi riêng, để không đâu không ở. Muốn nói kiểu tích cực là thần ở khắp trong vũ trụ: nên tâm linh cũng là tâm vũ trụ “vũ trụ chi tâm”, “ngô tâm tiện thị vũ trụ; vũ trụ tiện thị ngô tâm”. Tâm tôi là vũ trụ, vũ trụ cũng là tâm tôi. Với tâm thức bịt bùng trong duy vật thì đây là câu nói duy tâm mơ mộng, nhưng với người tu tâm đến một mức nào đó sẽ được thể nghiệm thấy đây là chân lý cùng triệt, là cứu cánh của kiếp người. Đó là lý do tại sao nói “ba làng uống không hết” hoặc “tỉnh dưỡng nhi bất cùng”. Có nói vậy mới diễn tả được chiều kích tâm linh, vì tâm linh không có mốc giới nào hết.  

Còn phương trình 5 = linh là do cơ cấu ngũ hành mà ra, nó cũng phát xuất từ hình chữ tỉnh như sau:  

Hình 2: 5 Ô NGŨ HÀNH  

Hình trên gồm 4 khung cho 4 hành chung quanh: 1 thuỷ, 2 hỏa, 3 mộc, 4 kim. Nếu đem tách lìa 4 khung kia ra thì khung số 5 của hành thổ biến mất, vì hành thổ không có bờ cõi riêng, không hướng không mùa, xem sơ sài thì tưởng là có mà sự thực là không. Tưởng có do sự đứng cạnh của 4 khung kia chứ sự thực hành thổ không có khung nào cả vì thế hành thổ cũng có tên là hành vô danh, địa vô địa. Nhiều học giả Tây Au cho là hành kém nhất “moindre agent” nhưng với Việt nho thì chính chỗ vô hành vô địa đó làm cho hành thổ trở nên cao cả bằng với thần, vì nếu thần vô phương thì đây thổ cũng “vô địa” tức là thứ chân không nhưng là diệu hữu. Và đó là lý do của phương trình “5 = linh” hoặc nói rộng “ngũ hành chỉ thị tâm linh” cũng thế. Chữ tâm linh khác với thiêng liêng của templum chỉ cái gì bên ngoài con người, còn nơi chữ tỉnh, nói ngũ hành thì linh phát xuất ngay từ nội tâm của mình nên nói tâm linh mà không nói thiên linh hoặc địa linh. Đó là đại để sự phát triển đợt hai của thập tự nhai dưới dạngthức Việt tỉnh. Trong đợt nhất của thập tự nhai thì có đủ mặt toàn cầu. Giai đoạn hai chỉ còn một số với templum. Đợt ba templum cũng rớt đài luôn, vì dừng lại ở điện thờ mà không đi vào cõi sống: templum không biến ra Việt tỉnh cương.  

Đi vào đợt ba này thì chỉ còn có Việt nho: nó chỉ những việc lớn nhất của nhân sinh, mà các văn hóa vong thân đã để rụng ngay từ đợt thập tự nhai; đợt hai cũng chỉ còn thấy có Etrusque với Templum lạnh ngắt. Chỉ ở Việt nho đi vào chữ tỉnh với ý nghĩa hai tầng cao ngất, vì vậy còn tỏa ra mấy đợt nữa hàm tàng trong chữ cương (Việt tỉnh cương). Chữ cương ở đây chỉ những phép cái trị làm cho chính quyền vững mà dân vẫn sung sướng như Trang Tử nói về Cửu Lạc: “trị thinh, đức bị” là ý đó. Đó là điều rất khó: thường khi muốn cho chính quyền mạnh như các chính quyền chuyên chế thì thế nào cũng lấn chân sang quyền lợi và tự do của nhân dân như thấy rõ trong các xã hội cộng sản: dân mất trọn. Còn nếu để cho dân đầy đủ tự do thì dễ dàng di đến tháo thứ (anarchie).  

Nói khác quá chung như chuyên chế cũng hỏng mà quá tự do như Lão Trang đề nghị rồi cũng hỏng (cũng sẽ dẫn tới chuyên chế) chỉ có phép cai trị pha độ giữa công và riêng được ám chỉ trong phép chia ruộng theo tinh thần tỉnh điền thì lúc ấysẽ được cả hai: cả dân thì đức bị tức được tự do hạnh phúc, cả trị thịnh tức chính quyền vẫn vững (ý nghĩa riêng biệt của chữ thịnh ở đây). Cửu Lạc với Lạc Thư là một: Lạc Thư đến sau là công thức của Cửu Lạc (1). Cũng phải nói như thế về Hồng Phạm Cửu Trù cũng đến sau Cửu Lạc. Muốn gọi Cửu Lạc, Lạc Thư là của Lạc Việt cũng được, nhưng ý nghĩa đáng ghi nhận phải là ý siêu hình đó là “chín” phép cai trị mà khi người ta theo thì dân sẽ được hoan lạc… Chín phép đó đã được ghi trong Hồng Phạm Cửu Trù, mà nếu không theo sẽ dẫn đến lục cực, còn giữ được thì sẽ đạt ngũ phúc gọi bóng là “Hoan Châu” thuộc về Nghệ An xứ.  

(1) Người Mường có phép bói rùa căn cứ trên số 9 như Cửu Lạc và họ gọi là “chí rò” (rò là rùa). Lạc Thư cũng có tên là sách rùa (quy thư) vì thế suy đoán được là Lạc Thư cũng như Hồng Phạm Cửu Trù đến sau.  

Đại để đó là ba loại lốt chân nhân chủ đã đi qua cánh đồng văn hóa nhân loại. Nó đã để dấu lại rõ nhất trong nền văn hóa Việt nho: từ bước một xứ Nghệ qua bước hai Việt tỉnh với h2nh ngữ. Đến bước ba Việt tỉnh cương Cửu Lạc. Đó cũng chính là con đường dẫn tới hạnh phúc, cũng như đưa đến cứu cánh con người mà Hồng phạm Cửu trù gọi là Hoàng cực (perfection royale) tức là sự thiện toàn triệt. Tuy Việt nho cũng suy thoái như các thứ hữu vi và vô vi, nhưng các thứ đó thiên lệch quá đến nỗi Vô Vi hiểu ra vô vi hiện tượng nên trong cõi này An Vi chính tông lúc ấy sẽ là cảnh toàn thiện vậy.

IV. GIÁ TRỊ NHÂN CHỦ TRONG VÒNG CON GIÁP

 

Vòng con giáp là chi?  

Thưa là vòng 60 năm mà nhiều nơi xưa đã dùng để ghi niên kỷ, nó căn cứ trên đường Hoàng Đạo của sao Mộc tinh (Jupiter) cứ 60 năm thì đi hết một vòng chung quanh mặt trời. Lối này đã xuất hiện rất sớm bên Sumer cách đây cả 5, 6 ngàn năm, nhưng rồi nó đã chết dần vì rất bất tiện: chỉ gồm 60 năm đang lúc lịch sử gồm nhiều ngàn năm. Bởivậy những nền văn hóa lớn đã tìm cách thay thế thí dụ Roma lấy năm lập thành Roma làm khởi điểm. Tuy vậy đó còn là khởi điểm tư riêng nên vẫn chưa ổn. Cho đến khi người ta nhận năm đấng Christ ra đời làm kỷ nguyên thì mới trở nên phổ cập và chôn táng hẳn vòng 60 năm, ngoại trừ bên Viễn Đông vì ít giao thông với Tây Au nên mới nhận công nguyên chừng hơn trăm năm nay. Thế là vòng 60 năm không còn liên hệ chi tới đời sống thường ngày mà chỉ còn là vấn đề cho các nhà khảo cổ.  

Nhưng bên Viễn Đông thì ngoài việc khảo cổ, vòng con giáp còn có một liên hệ nào đó, nên tuy đã nhận công lịch hơn trăm năm nay rồi mà bây giờ vẫn cứ nhắc đến tên năm theo con giáp: hiện nay chúng ta đang sống năm Kỷ Mùi (79) và đang sửa soạn đón Tết năm Canh Thân (80), điều này tuy có thể giải nghĩa bằng liên hệ với bói toán, với những điều tin tưởng của tử vi, nhưng cũng chưa hẳn đủ, đằng sau còn ẩn tàng một cái gì đó. Hỏi đó là cái chi?  

Đây là câu hỏi chưa được đặt ra mà lý do đơn sơ là chưa ai có thể trả lời, vì phải đi theo lối cơ cấu như Việt nho mới tìm ra một ít manh mối. Vậy điều khác biệt đầu tiên là nơi phát nguyên của hai vòng khác nhau: một do Mộc tinh, một do Kinh Dịch với hệ quả quan trọng là vòng Mộc tinh kh6ng có triết. Nó chỉ là một vòng suông, chung nhi phục thuỷ. Còn vòng con giáp thì không chỉ có ý là đầu giáp cuối, mà còn là giáp cả hai vòng một trật.

 

Hai vòng đó khác nhau: một vuông một tròn,  

Vuông chỉ đất với 12 con vật địa chi là

 

 Tí – chuột                    7. Ngọ - ngựa  

Sửu – trâu                   8. Mùi - dê  

Dần – hùm                  9. Thân – khỉ  

Mão – mèo                  10. Dậu – gà  

Thìn – rồng                  11. Tuất – chó  

Tị – rắn                        12. Hợi – lợn

 

Tròn là trời với 10 thiên can là:  

Giáp                6. Kỷ  

At                     7. Canh  

Bính                 8. Tân  

Đinh                 9. Nhâm  

Mậu                 10. Quý

 

Hình 2B: 12 CON VẬT ĐỊA CHI  

 Để định tính vòng trong với vòng ngoài, ta hãy dùng câu sách Kinh Dịch trong hệ từ rằng:  

Tại thiên thành tượng  

Tại địa thành hình  

Tại địa đã hiện ra hình tích cụ thể như 12 con vật rõ ràng ai cũng thấy được. Còn tại thiên mới là cái tượng như một ý niệm tiên thiên chưa hiện ra hình tích cụ thể vì vậy tuy 10 thiên can có chỉ ngũ hành, nhưng mới là đợt tượng đợt trong, chưa có hình tích cụ thể nên không gọi tên được đành dùng những tên trừu tượng là: Giáp, At, Bính, Đinh v.v… Hai vòng hình và tượng đó giao nhau làm thành triết lý. Như vậy triết lý nọ nằm trong nét song trùng cơ bản tức tròn vuông.  

Tròn vuông dù khác nhau đến ngược chiều mà vẫn đi đôi, lâu lâu lại giáp với nhau (vòng con giáp). Ai đã học triết lâu dài có thể nhận ra đó là điều quý vô biên. Triết học duy lý chính vì thiếu con giáp mà gây nên muôn tai họa cho con người, vì thiếu nó thì hết là lưỡng thê (hai đợt sống: một thuộc thân xác, một tâm linh) mà chỉ còn là Duy, thí dụ Duy vật vô thần. Heidegger gọi đó là việc duy lý đã đánh mất nét gấp đôi (the twofoldness, le pli en deux) vì thế văn hóa này đã gây nên đầy tang thương khổ não. Do vậy ta mới hiểu tại sao triết lý Việt nho đã cực kỳ nhấn mạnh đến nét gấp đôi nọ, và đem thiên can địa chi xếp thành cơ cấu như sau:

 

Hình 3: CON GIÁP GIAO THOA  

Vòng đó đã nói lên sự “giao chỉ” của hai chiều tròn vuông, tuy khác nhau như vậy mà vẫn quấn lấy nhau cách khắng khít. Sự khắng khít này được biểu lộ không những ở đợt âm dương mà cả đến đợt ngũ hành theo cơ cấu 5-6 (nhân gấp đôi thành 10-12) ẩn trong những câu như:  

Đêm 5 canh, ngày 6 khắc  

Ngũ phúc, lục cực  

Thành Hà Nội 5 cửa nàng ơi  

Con song Lục đầu 6 khúc nước chảy xuôi một giòng…  

Đấy là những câu hàm tàng nền triết lý song trùng của Việt tộc. Và đây là điểm khác biệt đầu tiên với vòng 60 năm của Mộc tinh, nhưng vì quá lớn lao nên khó nhận ra.  

Sau đây là điểm tuy thuộc triết lý nhưng đã hiện hình vào vòng các con vật, nên dễ nhận hơn, tuy vậy muốn thấy được cách đích đáng, cần phải đối chiếu với bằng 12 con vật của Tây Au là:

 

Bạch dương                7. Kim ngưu  

Song tử                       8. Cự giải  

Sư tử                           9. Sử nữ  

Thiên xứng                  10. Thiên yết  

Nhân mã                     11. Mai yết  

Bảo bình                      12. Song ngư

 

Hình 4: HOÀNG ĐẠO  

Đem hai bảng Đông Tây đối chiếu, ta sẽ nhận ra một điều nổi bật là bảng hoàng đạo thì xa lạ trừu tượng. Trừu tượng như Song nữ, Bảo bình, Thiên xứng; hoặc xa cách như Song ngư, Kim ngưu, Cự giải… Ngược lại bên Đông vừa cụ thể như rắn, hùm, chuột, hoặc gần gũi như mèo, chó, gà. Phải nói trong 12 con thì đến 8 con đã thuần hóa sống liền bên người; vật rừng chỉ có chuột, hùm, rắn, khỉ tức 1/3 tổng số. Trong hoàng đạo chỉ có dê (mai yết) là đã thuần hóa còn toàn thú rừng. Rõ ràng là tang chứng không có nền triết lý nằm ngầm vì không thấy ảnh hưởng nào vào vạn vật, vào môi sinh nên con người bị vật hóa tức không có địa vị đặc biệt cho mình. Tuy Song tử và Sử nữ là người nhưng cũng chỉ chiếm một cung như các con vật khác vậy thôi. Đó quả là hình ảnh triết học cổ điển đầy những vấn đề trừu tượng thí dụ vấn đề Hữu Thể (bàn về sự Có xét như là có) vấn đề sự Hữu của ý niệm. Sự phân biệt giữa tồn hữu (existence) và bản tính (essence) toàn những vấn đề hóc búa xa xôi khiến cho nhiều người học triết xong cảm thấy khô cạn cả tâm hồn.  

Ngược lại triết Việt nho thì đầy ứ tình tứ và thiết thực vào tận thân tâm mà ta có thể thấy biểu thị trong những con vật địa chi. Con nào cũng phải phục vụ người hết mình kể cả những con thú rừng, trước là chúng được chọn ít không đủ đa số lấn át vật nhà, chỉ có 4 con đại diện cho 4 phương là chuột, hùm, rắn, khỉ. Hùm phụng sự người bằng cách ở cung của con người khi sinh ra, đó là Dần.  

Thiên khai ư tí  

Địa tịch ư sửu  

Nhân sinh ư dần  

Con người phải là Nhân chủ nên vật được chọn để đặt vào cung ngoại ô (1) con người phải là con vật mạnh nhất, đó là hùm (Dần). Cũng vì Dần ở cung người nên được gọi bằng ông, ông ba mươi. Chữ ba chỉ cung thứ ba. Con rắn thì phụng sự người bằng cách nào? Thưa bằng cách nhắc nhở hàng năm phải tĩnh tâm, tức rắn lâu lâu lột da nên chi con người phải cô lột bỏ lốt người cũ mặc lốt mới đặng ngày ngày đổi mới, canh tân đức tính “nhật tân chi vị thịnh đức”. Còn khỉ có tính thắc mắc hay đặt vấn đề nên chỉ óc thông minh, tìm kiếm, sáng tạo, vì vậy đựơc chọn. Các con thú nhà thì hỏi nói, con nào con nấy cũng phục vụ Người hết mình, khi sống đã vậy mà cả khi chết, thí dụ chó lục chết còn trối lại cho chủ một chầu mộc tồn. Chỉ còn có chột thì hơi khó nghĩ, đối với người thì hay làm hại, đã vậy sao lại được đặt vào cung Trời. “Thiên sinh ư Tí”, trời bao la cao cả lẽ ra phải tìm một con nào to nhất thí dụ con voi hay cá voi và lúc ấy thay vì nói Tí Sửu Dần thì phải nói Voi Sửu Dần mới đúng chứ tại sao lại đưa chuột vào cung của Thiên?  

Thưa lý luận kiểu trên là lý luận theo cung cách duy vật sử quan lấy lượng làm nền. Ngược lại với “tâm linh sử quan” của Việt nho lấy phẩm làm trọng thì càng nhỏ càng hay, nhỏ cho đến vô hình thì mới là thần, là linh, là thiêng. Đó là lý do tại sao ở cung của Thiên lại đặt chuột là vật nhỏ nhất trong 12 con. Cũng vì lý do trọng phẩm đó mà cái đức con người được biểu tượng bằng con rồng vì rồng là vật vô hình theo nghĩa chẳng ai thực thấy. Các rồng ta thấy chỉ là hình vẽ, chứ rồng thực có ai thấy đâu, khi bay lên trời, lúc chui xuống đất để trật “long mạch” ra cho những ai thích phú quý chỗ mà chôn cha mẹ!  

Vậy hình ảnh rồng là con giao long vật biểu của Lạc Việt phương Nam có cộng với con rắn là vật biểu của Việt tộc phương Bắc gọi là long xà. Vì là long nên có 4 chân, nhưng có thêm sự đóng góp của rắn nên mình con rồng dài ra. Rắn đóng góp có vậy, còn chính bản thân không dịch hóa nên phải ở lại nguyên hình rắn và cư ngụ tại vòng địa chi. Điều ấy có nghĩa cùng là Việt cả, nhưng Việt phía Nam tiến mạnh hơn phía Bắc trong nấc thang Nhân chủ. Cũng vì vậy mà cung Mão Tàu cho là thỏ, còn Việt cho là mèo. Mèo gần với người hơn vì vừa cùng họ dần (hổ) lại sống trong nhà với người, tính tình độc lập bất cần ai, lâu lâu đưa ra một cái lườm dài thượt khiến nhiều người không thích mèo. Đó là ngộ nhận, chứ mèo noi theo đức tự cường tự lực của hùm nên gần người hơn, còn thỏ rút rát, vì thế nói mèo thay thỏ là tỏ ra bảng Việt còn nhân chủ hơn cả bảng của Tàu. Nên ghi nhận là mèo cũng được tế như hùm, chứ thỏ thì không (Kinh Lễ, chương IX, tiếtII, câu 10). Tàu Việt khác nhau có điểm Mão, còn thì y như nhau gọi chung là bảng Việt nho.  

Điểm then chốt làm cho bảng địa chi của Việt nho giàu tính chất Nhân chủ là hai chữ “Mậu Kỷ” đặt ở trung cung, đó là hình ảnh Nhân Hoàng ngự ở giữa để ra lệnh cho vạn vật chung quanh. Mậu có nghĩa là làm cho tốt tươi, làm cho phát triển, còn Kỷ là đại ngã tâm linh. Hai chữ Mậu Kỷ nói lên việc quan trọng hơn cả của con người là phải phát triển cái phần đại ngã tâm linh ngay nơi mình khiến cho mình ngày thêm tươi thắm: Nhật tân chi vị thịnh đức.  

Chính vì con người “ngự giữa hai vòng” như vậy nên đã không vong thân mà còn gây được ảnh hưởng quyết liệt vào các con thú bên ngoài, nói lên rõ giá trị của con người linh thiêng hơn vạn vật (nhân linh ư vạn vật). Đấy chính là tinh thần của dân tộc “trọng nghĩa khinh tài” khác xa một trời một vực với dy vật sử quan y cứ trên “vật bản” (choisisme) đánh giá người theo mức độ cao thấp của sản xuất vật thể: sản xuất nhiều là người cao.  

Tóm lại ngoài giá trị lịch sử thì vòng con giáp của Việt nho còn là một chứng tích hùng hồn về Nhân chủ tính. Thay vì bị mất hút trong đám sự vật, thú vật thì ở đây con người ngự giữa như một ông vua để thuần phục hết mọi loài vật. Đó là bí quyết sống lâu của vòng con giáp Việt nho. Nó sống lâu vì đầy giá trị nhân bản, nhân chủ. Xin nói thêm rằng lối tính tuổi theo con giáp chính là một phương tiện giáo khoa nhằm nhắn nhủ mỗi người rằng mình có mang trong tâm hồn chiều kích linh thiêng thuộc trời mà sứ mạng của mình là phải tài bồi phát triển cái phần thiên tính đó để mỗi ngày mỗi leo cao trên nấc thang Nhân chủ, đấng xứng danh là “Nhân linh ư vạn vật”.

 

TÁI BÚT  

Bài này không giây vào vấn đề nguồn gốc là Tàu có nhận vòng con giáp hay chăng? Tuy nhiên không nghịch với ý kiến cho rằng Tàu có nhận của Sumer-Babylon như ông René Berthelot chủ trương đi nữa (La pensée de l’Asie et l’astrobiologie. Paris: 1972 p.105). Chính ông cũng nói chỉ nhận như sản phẩm văn minh vòng ngoài tức vòng 60, rồi sau Tàu thêm yếu tố văn hóa vào tức vòng trong “thiên can” thành ra vòng 60 trở nên một sản phẩm kép bởi (10*6) + (12*5) = 60 tức mang đậm ảnh hưởng ngũ hành để trở nên một lâu đài triết lý vĩ đại. Nhân tiện cũng có thể nói về các dữ kiện khác thuộc thiên văn, lịch sử là có thể mượn của Sumer Babylon nhưng đã được tẩm nhuận đầy triết lý.

V. TRỐNG ĐỒNG MỘT CHIẾC HOA QUỲ VĨ ĐẠI


Sau nhiều năm ngắm nhìn mặt trống tôi nghĩ là đã nắm được then chốt của Trống: rất cao xa tuyệt diệu. Tuy vậy ý nghĩa vòng hoa văn ngoài cùng gồm 18 đôi chim vẫn chưa chịu xuất hiện. Bỗng ngày kia nhớ lại câu Kinh Thi bài “Thổ Tứ” (bài thứ 7) tả người đi săn thỏ đặt lưới vào con đường ngã chín (dị vu trung quỷ) một tia sáng bỗng vụt lên trong đầu. A! đây rồi, mười tám đôi chim kia là biểu thị cho hai hoa quỳ kép 2*9 = 18 và 2*18 = 36 hay nói kiểu khác: bốn chỉ tứ quý mà quý cũng như quỳ đều quy hướng về nội tâm (quỳ giả quy dã) mà Tâm là Trời. Trời chỉ bằng số 36 là vậy. Như thế trống đồng còn là quốc bảo có mãi tự đời ông cụ ông kỵ đã xuất hiện với con số 18. Đời ông kỵ là Bàn Cổ đã phải khổ nhọc 18.000 năm mới rèn ra được vũ trụ. Khi ông chết, xác ông hóa ra chấy rận. Các vua sau đều cai trị 18.000 năm, phải tranh đấu để biến những con chấy rận Bàn Cổ thành con người văn minh (Civ I. 642). Việc đó truyền xuống đời các ông cụ là 18 đời Hùng Vương và miêu duệ các ngài, đại diện do Thánh Dóng cưỡi ngựa cao 18 thước. Đó là ý nghĩa con số 18, số đó là thành số 2*9. Mà số 9 chỉ hoa quỳ.  

Hoa quỳ buộc liền với số 9, vì là hoa tiêu biểu tháng 9 nên cũng chuyển sang nghĩa “con đường thông chín nẻo cửu đạt chi đạo, a place from which 9 ways proceed (Legge, The She Kinh p.14). Con số 9 này là lão dương, nó ở đợt cùng cực nên cũng được dùng để chỉ nền minh triết Việt dưới nhiều tên khác như:  

Cửu Thiên Huyền Nữ: Mysterious female (déese) of nine heavens.  

Người Cổ Việt gọi đó là Cửu Lạc, người Mường gọi là phép “chí rò” (9 rùa).  

Sau Nho công thức hóa thành Lạc thư và Hồng phạm Cửu trù.  

Tất cả đều mang số 9. điều đó nói lên rằng nền minh triết này được tổ chức theo cơ cấu với các huyền số mà số khởi đầu là 2 được biểu thị bằng mặt trống chia ra hai vòng bán nguyệt, vì thế mới có hai cặp hoa quỳ, mỗi bên một cặp. Nhìn kỹ mặt trống sẽ nhận ra bộ số này (đã đựơc phân tích kỹ trong hai quyển Kinh Hùng và Sứ Điệp). Ơ đây chỉ nói tới đặc tính của hoa quỳ là hướng dương như phong dao hát:

 

Hoa quỳ chăm chăm hướng về thái dương.  

Hướng dương được tộc Việt chỉ bằng tục tả nhậm theo nghĩa bao quát là sinistrogyre tức hướng đi ngược kim đồng hồ chỉ Trời. Trái với “hữu nhậm” dextrogyre hướng Đất. Hai hướng này rất quan trọng được dùng để phân biệt tộc Việt với Tàu như Kinh Tư nói “Tứ Di tả nhậm: các Di (tức các tộc Việt) đều cài áo bên trái hàm ý coi trọng hướng tả tức hướng Trời. Ta thấy các vòng vũ trên mặt trống đều tiến theo hướng tả nhậm tức hướng dương (hướng trời) nên nói được Trống Đồng chính là một đóa hoa quỳ vĩ đại: hoa quỳ hướng dương, các vòng vũ đều hướng dương. Đó là ý nghĩa mà sau Nho công thức hóa thành hai tiếng “thuận thiên” nghĩa là sống theo trời, hay nói cho rành rẽ hơn là sống theo mệnh lệnh trời, sống theo thiên mệnh, mà theo nguyên nho thì thiên mệnh không là mệnh trời của nhà vua nhưng chính là bản tính con người, mỗi con người.  

Thiên mệnh chi vị tính  

Xuất tính chi vị đạo  

(Thiên mệnh gọi là Tính người,

 

Tuân theo Tính gọi là Đạo. Trung Dung câu 1)  

Cho nên nói “thuận Thiên” hay “xuất Tính” chính là diễn tả ra bằng lời cái ý nghĩa của các vòng vũ theo hướng “tả nhậm”  

Đó là nét đặc trưng thứ nhất của nền minh triết Việt được xây trên bản tính con người chứ không trên chi khác bên ngoài con người. Bản tính đó được quan niệm cách rất cụ thể là những mệnh lệnh của Thiên (Thiên mệnh) nghĩa là những nhu yếu thâm sâu nơi con người, làm cho con người cảm thấy như những lệnh truyền trọng đại, cần phải tuân theo những mệnh lệnh có ba là trí, nhân, dũng; nhưng rồi chi tiết hóa thành 9 gọi là Cửu Lạc hay Cửu Trù, và sự tuân theo Cửu Lạc nọ gọi là Đạo. Đạo không là chi khác hơn là vâng theo các mệnh lệnh thâm sâu kia.  

Vì là những lệnh truyền sâu thẳm, nên nhiều khi bị giả mạo bằng những lệnh truyền ngoại vi, như những lệnh truyền ra do bái vật hay ý hệ. Vì thế phương pháp quan trọng là phải để lòng trống vắng, không cho những tiếng của bái vật hay ý hệ khua vang làm át đi mệnh lệnh của Trời (Tính mệnh), không để tâm hồn bị lèn đầy những tư tưởng dị đoan, những định kiến trái với tính con người, hoặc những lệnh truyền tuy thuộc vòng ngoài chỉ cần một giai đoạn nhưng vì có đã lâu đời nên được thần thánh hóa, được nội tâm hóa, được coi như bất di bất dịch, nên chắn mất đường không cho tâm nghe được tiếng thiên mệnh chính truyền, thế là đi dần vào con đường tha hóa. Vì vậy điều quan trọng là phải để lòng trống vắng.  

Tiên tổ Việt đã ghi tạc điều đó bằng cái tên Trống đặt cho di vật quý trọng nhất của nước, đáng gọi là quốc bảo. Đó là tên kỳ lạ! Trống có nghĩa là gì. Thưa trứơc hết là Trống có nghĩa tiêu cực là để tâm hồn trống trơn hầu nghe được tiếng không lời “thinh ư vô thanh”, tức là thiên mệnh. Vì thiên mệnh phát xuất từ bản tính tự tiềm năng không cần đến ngôn từ, nên gọi là “thính ư vô thanh” vì Trời đâu có nói “thiênhà ngôn tai”. Bởi thế sau Nho công thức hóa thành câu “vô thanh vô xú”. Còn nghĩa tích cực là Thiên mà đại biểu là vầng thái dương ở giữa mặt trống, các vòng vũ tả nhậm là hướng đi về thái dương, hướng về Trời. Đó là Đạo, đã được Nho công thức hóa thành câu “xuất Tính chi vị Đạo” đi theo Tính (thiên mệnh) là Đạo. Như vậy đạo Việt được biểu lộ trong vầng Thái Dương tròn xoe, ngự giữa mặt trống làm chốn hướng về cho các vòng vũ. Chữ Đạo viết với bộ xước là đi, hướng về đầu cội rễ muôn loài chính là một lối công thức hóa nội dung trống đồng vậy.  

Nhiều nhà nghiên cứu đã thấy rằng các hoa văn trên mặt trống đều được tổ chức theo một diễn đề thống nhất nào đó nhưng chưa ai tìm ra, tôi không ngần ngại cho đó là hoa quỳ. Phải, chính hoa quỳ đã thống nhất các hoa văn trên mặt Trống vì:  

Vòng ngoài 18 đôi chim là hai cặp hoa quỳ (chữ hai cũng nói lên các vòng song trùng nằm tràn ngập trong trống).  

Các đường vũ tiến theo đường tả nhẩm tức cũng là hướng về thái dương.  

Còn thái dương ở giữa mặt trống.  

Quả thực không diễn đề nào biểu lộ sức bao quát toàn mặt trống, lại còn thấu nhập qua các vòng, cho đến tận trung tâm bằng hoa quỳ, nên nói được hoa quỳ là diễn đề thống nhất hết thảy các hoa văn trên mặt trống, cũng như nói được mặt trống chính là hai cặp hoa quỳ nở rộ.  

Đó là lối diễn tả theo cơ cấu tức là dùng hình ảnh đồ sộ và huyền thoại. Tôi vừa nói đến hoa quỳ và con số 18 hay 36. Xin nói thêm về các số của triết Việt, đó là số 9 chỉ hoa quỳ (cũng gọi là số lão dương, cùng ý nghĩa hoa quỳ là hoa hướng dương). Số 9 có căn là số 3 (3*3=9) mà ý nghĩa là Đạo, còn số 9 là nghĩa. Tức số 3 chỉ đạo lý uyên nguyên được trình bày cách phổ quát, còn số 9 chỉ sự hiện thực Đạo đó vào từng trường hợp lúc ấy nó phải tuỳ thời tuỳ nơi mà thích nghi, nghi là nghĩa (Nghĩa giả nghi dã: nên nói đến nghĩa là có ý nói đến đạo được thực thi vào đời. Hai số này được biểu diễn bằng các huyền thoại và huyền sử sau:  

Trước hết là đạo Ba được gọi là Nữ Thần Mộc (Goddess Tree) cũng có tên là Cửu Thiên Huyền Nữ (Mysterious Female of nine Heavens) ta thấy 3, 9 đi liền.  

Rồi tới huyền sử là Hùng Vương thứ 3 truyền ngôi cho Công Tử 9 vì đã làm được cặp bánh vuông tròn.  

Ong Hạ Vũ lập ra nhà vua đầu tiên của Tàu cũng đi theo đạo 3-9 của Nữ Thần Mộc nên sách nói Vua lấy vợ Việt (quê ở Đồ Sơn tên cũ của Cối Kê nước Dương Việt) nên công lớn của Vua là đúc được chín đỉnh có ba chân (không hiểu tại sao sách Civ I.737 lại viết three nine legend: 3 đỉnh 9 chân! Có lẽ Nữ Thần Mộc khiến viết 3 trước 9 chăng). Đạo này truyền đến Tần Thuỷ Hoàng thì mất, huyền thoại nói là nhà Tần làm mất một đỉnh còn 8, 8 là số âm số đất: số du mục võ biền đánh mất sự huyền diệu của nguyên lý mẹ là Cửu Thiên Huyền Nữ.  

Trong các huyền số thì trung tâm là cặp số 2-3 thành ra 5 mà Kinh Dịch gọi là số nền tảng (tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số) sự quan trọng được diễn tả bằng số 5 (hiểu là 2 cộng 3) là số ngũ hành mà đặc trưng huyền bí của nó là số 5 chỉ hành Thổ, trung ương, có tính cách thống nhất toàn bộ. Nói huyền bí vì nó là hành trống không (không mùa, không hướng) do đó ngũ hành chính là sự lược đồ hóa mặt trống, được trình bày theo vòng khắc: tức đi theo tay trái là vòng tâm tình, nên gọi là Nư Thần Mộc. Hành Mộc số 3. Số 3 gặt hái được số 5 hành Thổ tức là nguồn mọi ơn lành. Nói khác trống là con đường đi từ sở (to have) đến năng (to be) từ có tới không, nhưng không ở đây lại là Diệu Hữu mà sự diễn tả trừu tượng là ngũ hoàng cực, còn cụ thể là hình ảnh những con người đang hân hoan ca múa trên mặt trống đồng Ngọc Lữ. Điều đó được huyền sử viết gói gọn vào hai chữ Nghệ An.

 

Hình 5: VÒNG KHẮC  

Hai chữ Nghệ An lấy từ huyền sử nước Việt, quyển Hùng Vương Sự Tích Ngọc Phả Cổ Truyền chép rằng: “Vua Kinh Dương Vương vâng ngọc chỉ phụng mệnh trời về núi Nam Miên Sơn lập đô ở phía Nam Hoan Châu thuộc Nghệ An xứ.” Câu trên giải theo ý chính thực (không bóng bảy) là tổ tiên Việt tộc (mang tên là vua hai châu Kinh và Dương) “vâng ngọc chỉ phụng mệnh trời” đó là xuất tính: tức sống theo thiên mệnh (thiên mệnh chi vị Tính, xuất Tính chi vị Đạo) nên đạt được sự an lạc, hoan hỉ, hạnh phúc. Như ta thấy rõ trên mặt Trống đoàn vũ ai cũng an vui, sảng khoái tỏ ra hạnh phúc tràn ngập cả vật lẫn người.  

Câu huyền sử trên còn một chữ cần được giải rộng đó là chữ nghệ trong Nghệ An. Nghệ đây là nghệ thuật tức là phương thức diễn tả vô biên bằng hữu hạn. Nói rộng là nghệ thuật dùng những phương tiện hình thể để biểu lộ tinh thần cũng gọi là hồn tức cái gì không thấy được. Định nghĩa nghệ thuật như vậy ta thấy liền sự trái khoáy trong sự vụ là diễn tả vô biên bằng hữu hạn. Hữu hạn thuộc hữu, vô biên thuộc vô đi với nhau sao được, quả là diệu vợi. Vậy mới cần đến nghệ thuật. Nếu biểu thị những cái hữu hình bằng những cái hữu hình khác thì là khoa học. Đàng này lại diễn ta cái vô hình bằng cái hữu! Khó vô cùng, làm sao thấy mặt cái vô để diễn tả. Đó là nhiệm vụ của mỹ thuật. Mỹ thuật có cao mấy mà không thấy mặt cái vô (gọi là hồn) thì mỹ thuật phụng sự cho cái chi?  

Đến đây nảy ra nét đặc trưng thứ hai của Việt lý là muốn thấy cái mặt của cái không có mặt thì phải đi ngược chiều (kim đồng hồ) tức từ cái sở (to have) phải đi tới cái năng (to be). Nói cụ thể là con đường thiêng liêng Việt ở tại đi từ những cái hữu ích đến cái viễn dụng, từ to tới nhỏ: càng nhỏ càng gần tinh thần, nhỏ cùng cực là chính tinh thần, mà đã là tinh thần thì lại bao trùm khắp hết. Dịch nói “thần vô phương” là thần không ở nơi nào, tức là đâu đâu cũng ở. Và đó là thiên, thiên nhỏ đến độ “vô thanh vô xú” nhưng lại có sức bao trùm khắp vạn vật. Nho công thức hóa tất cả tiến trình trên bằng câu “chí trung hòa”: có đi vào đến cùng cực mới đạt được hòa cùng cực, do đó đạt thống nhất cùng cực. Trống đồng diễn tả tiến trình đó bằng những tam giác gốc (chỉ hậu quả do sự đi vào cùng cực), vì tam giác gốc tiếp cận với thiên vốn là cùng cực nên tỏa ra ngoài cũng bao trùm hơn hết, biểu lộ bằng hai vòng vô số tam giác nhỏ ở ngoài cùng đứng đối đầu nhau giăng ra cùng khắp mặt trong: đó tức là thống nhất, là quy hướng tất cả vào một mối, hậu quả là an vui, an lạc, an hành, an cư lạc nghiệp. Đó thực là một nghệ thuật siêu phàm vì khởi từ sự đi ngược với thường tình, nhưng hậu quả thâu đạt được lại quá cỡ thường tình trông đợi. Vậy không phải là siêu tuyệt sao. Vì thế Kinh Dương Vương quả đáng tên là Nghệ Tổ tức nghệ sĩ thượng thặng, Nghệ Giả viết hoa.  

Cần nói thêm ít lời về chữ an (sau chữ nghệ). Chữ an đây là hoa trái đầu mùa nó sẽ kết ra quả đủ thứ như an vui, an lạc, an hòa… Sách Trung Dung công thức hóa tinh thần Trống Đồng vào câu:  

Chí trung hòa  

Thiên địa vi yên  

Vạn vật dục yên  

Đi vào đến chí trung sẽ đạt được chí hòa, mà chí hòa cũng là chí an. Thế nào là chí hòa. Thưa là đặt trời đất vào đúng vị trí. Hỏi thế nào là đúng vị trí? Xem vào Trống Đồng sẽ nhận được câu trả lời: đó là Thiên, Nhân, Địa, sắp xếp này khéo léo vô kể vì nó làm cho con người được an nhiên tự tại. Điều này họa hiếm lắm: thường thì không được như vậy mà chỉ có duy tâm là các lối xếp duy có trời hoặc duy vật duy có đất, trong cả hai trường hợp con người bị đè bẹp, bị tha hóa như đã bàn dài trong quyển Sứ Điệp. 

Tiên nho có nói: “Đại nhân giả ứng vận mà sinh, kẻ đại ách ứng kiếp mà sinh, ứng vận mà sinh làm cho thiên hạ được an vui thịnh trị, kẻ ứng kiếp mà sinh làm loạn thiên hạ” đem lại khổ luỵ tràn lan. Đại nhân ứng vận mà sinh biết xếp đặt vị trí cho Thiên Địa phụng sự con người. Còn ứng kiếp là kẻ đi theo một chiều duy vật chỉ có làm hại con người vô kể.  

Đó là đại để cái nhìn bao quát đặt trên triết Việt như được chiếu giãi trên mặt Trống Đồng. Thật là man mác hết lớp nọ đến lớp kia nên trong tựa đề một sách tôi dùng hai chữ trùng trùng. Nhưng không may nền triết đó đã bị chôn vùi từ lâu và nay còn sót lại được ít nét cũng đang ngáp thở làm tôi nhớ tới hai chữ vời trông để nói lên sự tiếc thương vô cùng với niềm hy vọng làm phục hoạt nền minh triết ơn ích nọ. “Vời trông an Việt trùng trùng” là tên một tập sẽ xuất hiện trong triết Việt (sau đổi lại là An Vi Phong Thái).

VI. TRIẾT LÝ TẢ NHẬM

 

Tả nhậm có nghĩa là cái áo bên tả. Đó là tục lệ của Viêm Việt như đã được ghi nhận trong sử ký và cả trong trống đồng với các vòng vũ tiến theo lối tả nhậm tức ngược kim đồng hồ (bài này tuy không thuộc quyển Sứ Điệp Trống Đồng nhưng đã được viết nhân khi nhìn các vòng vũ trên mặt trống đồng). Tại sao tục lệ đó được ghi trên mặt trống cũng như trong các điển chương như Lạc Thư và Kinh Dịc. Thưa là vì nó hàm ngụ cả một nét tết vì mà bài này sẽ bàn qua. Nó liên hệ tới triết lý mà sứ mạng là phải bênh vực phe tả (tả đản) nên triết gia phải là người theo phe tả như câu nói “chiếc xe lư tả để đón hiền nhân”. Như thế chứng tỏ có một nguyên lý nằm ngầm mà những gì vừa kể lại (tả nhậm, tả đản,  lư tả) chỉ là biểu hiệu của nó. Vậy điều quan trọng đối với người nghiên cứu triết chính là tìm ra cái nằm ngầm kia: càng có thể chắc tâm như thế vì tả nhậm là một nét đặc trưng của cả một khối văn hóa Viêm Việt.  

Tuy rằng cũng tìm ra được đôi nơi có một hai nét tả nhậm như nói dân Turc và dân Sumer nhưng nó chỉ xuất hiện như một yếu tố lẻ loi, phần mớ, ngẫu hữu mà không có tính cách trường cửu và đứng trong cơ cấu, nên cũng không chòi vai trò quyết định tính chất văn hóa như trong nền văn hóa Viêm Việt. 

Cũng cần nói rằng đây là một ví dụ cụ thể nói lên lý do, tại sao nhiều người cho triết lý là lẩn thẩn vì chú tâm vào những cái vớ vẩn: tay phải hay tay trái, tay tả hay tay hữu… có người nào ngoài phố đặt câu hỏi như vậy bao giờ đâu. Xin thưa ngay rằng hơn nhau ấy cũng nhờ những cái không đâu đó. Và trong ngàn người đọc triết chỉ một vài người thấu vào được tinh hoa của triết cũng vì đó. Thực ra thì nó không vớ vẩn mà chính là Tế Vi, nên sai một li, đi một dặm. Chỉ có chữ tả nhậm mà nó dài cả hàng dặm với biết bao nét đặc trưng, thí dụ tinh thần nghĩa hiệp dám phù suy phù yểu là những đức tính đi liền với tục tả nhậm. Đành rằng khắp trong loài người đâu đâu cũng tìm ra óc đó, thí dụ nghĩa hiệp bên Tây Au thời Trung cổ, nhưng nó không đặt nền tảng trên tả nhậm, mà do lương tri nên có thể nói nền tảng của hiệp sĩ là sức mạnh. Chính tên gọi nói lên điều đó: chevalier, cavalier, cabelero đều do cheval là ngựa nên chính ra phải dịch chữ chevalier là kỵ sĩ, le knight mới đúng (Civ XI.284). Trái lại ở Việt nho thì rõ ràng là nó đặt trên tay tả và tả nhậm là một dấu nói lên sự tài bồi vun tưới bên tả đến độ hệ thống hóa thành cơ sở tinh thần. Nhờ đó mà nó đi thật xa đi đến chỗ chí cực là xây đắp nổi nền Nhân chủ. Nói là chí cực vì Nhân chủ là cứu cánh của triết lý. Triết lý chỉ đạt thân khi nó thiết lập được Nhân chủ. Và đó là thành quả của Việt nho như đã bàn nơi khác. Nhờ việc hệ thống hóa tả nhậm mà tất cả mọi yếu tố văn hóa khác có liên hệ với nhau. Đó là điều tế vi cần phải để tâm suy nghĩ mới nhận ra được. Cho nên chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu về tả nhậm mà trước hết là nguồn gốc của tục lệ đó.  

1. Nguồn gốc  

Nguồn gốc lịch sử văn hóa của Viêm Việt có tự lúc nào không rõ, nhưng biết chắc là có trước khi Trung Hoa trở thành một dân tộc, nên Việt đã có tục tả nhậm trường kỳ và phổ cập lâu trước. Ngược lại ở nguyên thuỷ, người Tàu lại vẫn trọng bên hữu. Đến sau dần mới trọng bên tả (xem Việt Lý Tố Nguyên bài Chiêu Mục) tuy nhiên không dứt khoát đồng đều, nên danh từ tả có lúc mang ý nghĩa hèn kém, thí dụ khi nói “tả đạo” thì tả chỉ cái đạo hèn kém sai lầm. Như vậy thì càng chứng tỏ nguồn gốc Viêm Việt chủ nhân của tục lệ đó.  

Bây giờ muốn tìm hiểu sâu hơn vì lý do nào lại đặt ra tục tả nhậm thì có thể do việc mặt trời mọc từ Đông sang Tây theo kim đồng hồ. Còn đất trái lại cho cảm giác đi ngược kim đồng hồ mà theo lối xếp của Ngũ hành là từ tả qua hữu. Mà vì văn hóa Bách Việt đề cao mẹ và gắn liền với đất, nên tên đất với tên mẹ là một, như Au Lạc với mẹ Au Cơ. Vì thế mà lấy bên tả làm bên thuận. Nên tả nhậm trở nên dấu biệt trưng của đại gia đình Viêm Việt từ Tứ Xuyên, Đông Di, Kinh Sở xuống đến các đảo NamThái Bình Dương chứ không lẻ loi mà nằm trong một cơ cấu, nên rõ rệt là sản phẩm văn hóa bản địa. Bây giờ ta hãy đi tìm ý nghĩa.  

2. Ý nghĩa  

Vậy vấn đề đầu tiên đặt ra là tại sao lại quan trọng tay tả? Có thể đưa ra nhiều lý do. Trước hết là bởi nó Yếu hơn tay hữu nên cần bênh vực và đó là lý do mạnh nhất. Vì loài người ai mà không có lòng trắc ẩn, phù suy; nếu tình cờ ta gặp 2 đứa trẻ đánh nhau thì hầu hết ai cũng thấy cần bênh vực đứa yếu. Vậy tả nhậm hiểu theo lối phù suy (tả đản) là do đức tính cao thượng trên.  

Thứ đến bên tả chỉ Phẩm đối lại bên hữu chỉ Lượng. Vì phẩm không cần sức mạnh nên nếu chọn một trong hai tay để chỉ phẩm thì đương nhiên đó là taytả, rõ rệt như tả sử chép lời, hữu sử chép việc. Lời là cái gì vô hình nên trao cho bên tả.  

Thứ ba nó chỉ tâm tình là cái gì yếu mềm không cứng mạnh như tay mặt. Lại ở về phía trái tim nên càng tiện chỉ tâm tình là cái vô hình hay đúng hơn có mà như không, không mà lại có.  

Đó là mốt số lý do có thể đưa ra và nói được rằng lý do để nhận hơn cả là lý do thứ nhất, rồi càng tiến thì càng trở nên tế vi nhất là lý do thứ ba bảo tay trái ở phía trái tim nên là chủ tâm linh. Tuy nhiên có thể chấp nhận cả vì chúng ăn khớp với nhau. Thí dụ tả nhậm là phù yếu thì đàn bà yếu hơn đàn ông, nhưng đứng về trực thị tâm linh thì lại nhạy cảm hơn. Vì vậy có thể chấp nhận cả ba lý do trên cũng như các lý do khác liên hệ có thể đưa ra.

 

 

3. Triết lý

 

Bây giờ xem đến nền móng triết lý thì cần xét 2 điểm Cứ Lý và Cứ Sự (de jure, de facto).  

a. Cứ Lý  

Hay tiên thiên tức hỏi có nên chăng? Thưa nên vì nó yếu mới cần phù trợ. Tay hữu hay những cái gì đã mạnh sẵn mà lại phù trợ thì vô ích vì nó không cần mà lại còn di hại vì nó lấn bên yếu gây nên cái bệnh một chiều. Vì thế tả nhậm nói lên bước tiến cuối cùng của triết lý. Nói là cuối cùng vì con người khi mới thoát ra khỏi thú tính chưa dễ gì theo lý ngay được. Trước hết vì sinh sống giữa muôn khó khăn phải khắc phục: nào thú dữ, cảnh thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt v.v… rồi phải chinh phục chính mình. Mỗi bước tiến là đạt một đợt văn hóa cao hơn.  

Bước đầu tiên là thuần phục thú dữ: từ chỗ bị thú dữ làm hại đến chỗ bắt nó phục mình; có thú đưa về nuôi trong nhà như chó, ngựa… Con nào không thuần phục được thì ít ra trị bằng săn bắt. Thời đó huyền sử bên ta kêu là Phục Hy, xảy đến sau thời săn bắt.  

Bước thứ hai thuần phục thảo mộc: lúa mạ, rau cỏ, cây trái, ta sẽ gọi đợt này là Thần Nông tức bước vào thời bằng thời công nghệ hiện nay.  

Rồi sẽ đưa tới bứơc sau nữa là kỹ nghệ của con người phong lưu (homo ludens). Nhưng trước đó phải đi được bước sau cùng là bước thuần phục chính con người.  

Đây là bước khó khăn nhất vì nhiều lý do: trước hết vì con người không nhận ra sự cần thiết, bởi quên rằng mình cũng tự thú tính đi ra nên cũng phải tranh mồi, dũng mạnh hiếp yếu, lấy tàn bạo làm tiêu chuẩn để đo lường giá trị: có giá trị nhiều là được việc nhiều, mà được việc có nghĩa là được ăn. Đây là lối nhìn của cấp thấp nhất cần phải vượt mới tiến được, tuy nhiên rất khó vì nó đã quen thuộc hàng triệu năm.  

Thứ đến vì nhu cầu ăn uống vẫn còn y nguyên mà của nuôi lại thiếu theo hệ số gia tăng của người. Cho nên chỉ khi nào con người có thể tạo được cảnh phồn thịnh cùng khắp: tìm đâu cũng dễ dàng có cái ăn thì lúc ấy mới dễ dàng vượt qua giai đoạn cá lớn nuốt cá bé. Điều ấy cho đến nay chưa đâu đạt được.  

Lý do thứ ba thuộc về cái hướng chinh phục: hai bước trước đều hướng ngoại cả vì đối tượng thuần phục đều ở ngoài mình, đến đợt thứ ba thì đối tượng ở ngay trong mình, là chính mình. Vì thế phải đổi hướng, phải chĩa mũi dùi chinh phục vào mình.  

Điều đó đi ngược lại với tập quán hướng ngoại đã kéo dài nhiều triệu năm trước, chưa dễ gì đổi ngay được. Chính vì thế mà việc thuần hóa người tiến rất chậm, hậu quả là giống nguy hiểm nhất co con người lại chính là con người: chính người mới độc ác với người hơn bất cứ thú vật nào. Vì thế bứơc tiến hóa này cam go hơn các bước trên.  

Muốn thuần phục được người thì phải chia ra rất nhiều nấc: mà nấc đầu tiên là phải biết đề cao phẩm trên lượng, vì phẩm là cái gì tế vi không căn cứ trên sức mạnh như lượng.  

Thứ đến là đi sâu vào cội rễ gây nên việc đề cao phẩm đó là cái biết. Cái biết có nhiều lối, một thuộc lượng thì cần Nhiều, một thuộc phẩm lại cần Ít. Vậy muốn tiến tới phẩm thì cần đi từ đa tạp trở về đơn thuần, càng đơn thuần càng thành tựu. Đơn thuần cùng cực là vượt hình hài để đạt tâm linh. Tâm linh chính là cái cùng cực, vì nó siêu hình, siêu tượng khác hẳn với cái biết lý trí vòng ngoài bám sát hiện tượng: càng nhiều càng hay, vì đối tượng nào cũng hữu hạn. Trái lại tâm linh thì đi vào, mà luật trung tâm là vào càng sâu thì sức bao quát càng lớn; vào cùng cực thì sức bao quát cùng cực nên gọi là “chu tri” mà bao lâu chưa khắc phục được thì tất cả chỉ là vòng ngoài: chỉ nắm được từng góc, từng khúc nên Việt nho kêu là “khúc sĩ”. Khi bám riết một khúc, một góc nào đó thì là ứ trệ lại vòng ngoài. Mà ở lại vòng ngoài thì không thấu đến căn bổn của con người bao gồm cả vòng trong, vì thế không đạt toàn thể làm sao thuần phục nổi con người. Luân lý, tôn giáo hỏng là tại chỗ đó. Trên đã nói rằng tả nhậm ám chỉ lối biết vòng trong, thuộc tâm linh nên mới đi hướng tố nguyên: tức ngược chiều để về đến gốc. Bây giờ ta lại đi lối hậu cứ để minh chứng lối quyết đoán trên.

 

b. Cứ sự  

Xét về vũ trụ thì đó là âm dương và ta thấy liền sự xếp đặt đi theo lối tả nhậm là âm trước dương. Đọc sơ qua sẽ không chú ý tới âm vang của thứ tự đó. Nhưng đối với cơ cấu thì vị trí của một yếu tố rất quan trọng, nhất là những yếu tố nền tảng như âm dương, vì chúng làm nên gương mẫu cho các cặp đôi khác sau này, kể cả cặp tả hữu cũng chỉ là biểu tượng cho cặp đôi gốc nọ mà thôi.  

Vậy nền tảng hơn cả, đến nỗi mang tính chất vũ trụ thì là cặp đôi Trời–Người. Ai trên ai dưới: người hay trời? Lý đương nhiên là trời hơn người mọi đàng, vì có đã lâu đời hơn, mạnh mẽ vô biên. Chưa kể đến trời, mới chỉ mấy cái lặt vặt của trời như nước, lửa, bão, băng tuyết đã đủ tiêu diệt con người. Vì thế mọi nền triết lý đều xây trên thiên nhiên (hoặc địa cũng thế) để con người làm dân của trời hay của đất. Hợp lý quá đi rồi ai mà cãi được.  

Riêng có dân tả nhậm thì khác, lại đề cao con người. Sao lại kỳ cục vậy? Người là chi mà dám sánh với trời cùng đất? Thưa là vì nó yếu xìu, yếu quá chỉ bấm nhẹ ngón tay vào cò súng là rồi đời cái thằng người yếu như bún. Vì thế mà cần phong nó lên làm vua.  

Hỏi: ích chi?  

Thưa: ít nhất là nó khỏi làm dân: dân trời hay dân đất.  

Hỏi: sao mà sợ làm dân vậy chớ?  

Thưa: làm dân có nghĩa là làm nô lệ. Đây là cái phiền thứ nhất. Cái phiền thứ hai là dân bên này muốn bắt dân bên kia về cùng phe: thí dụ dân đất muốn bắt dân trời cùng về làm dân đất. Người Việt ngoài Bắc là dân đất muốn bắt người trong Nam làm dân đất luôn thể. Đánh nhau chí choé hơn 20 năm nay cũng chỉ vì có thế. Cho nên phe Tả Nhậm xin tha hết để cho con người làm chủ lấy mình, tiết kiệm được biết bao là xương máu.  

Không chịu làm dân đất mà cũng từ chối làm dân trời, vậy rồi tụi bay làm dân nào?

 

Thưa: làm dân của nhân ạ!  

Nghĩa là chi?  

Thưa: nghĩa là làm chủ, kêu bằng Nhân chủ. Xin đừng đổ quạu vì trời đất vẫn được nhìn nhận là vua như thường, nhưng cho người cùng làm vua với. “Xin trời che đất chở” để cho con người thong thả.

 

A! tụi này kiêu ngạo thật!  

Thưa kiêu ngạo hay không chưa cần biết. Chỉ biết đây là quan niệm duy nhất đã miễn chết cho biết bao người theo nó, cũng như tạo được hạnh phúc cho con người hơn bất cứ triết lý nào xây trên trời hay trên đất. Nhưng ít được nhận ra, vì nó là nền triết lý bị chống đối, miệt thị nhiều nhất là do kẻ có máu chuyên chế, luôn luôn rình chực tước đoạt, bắn giết, nô lệ hóa con người, càng nhiều càng hay nên ghét cay ghét độc thứ triết lý bênh vực con người. Đại để đó là lý do tại sao lại tả nhậm. Tả nhậm là phù yếu mà trước hết là phù con người, vì người yếu như cây sậy.  

Thế là có thể kết luận: thứ tự nằm trong vũ trụ cũng theo tả nhậm là âm trước dương, thì đến thứ tự giữa trời và người cũng đặt người trước trời. Và thứ tự này sẽ là nền móng cho các mối liên hệ hàng ngang trong xã hội mà ta cần bàn lướt qua.

 

 4. Cõi nhân sinh  

Trong cõi nhân sinh có bao nhiêu mối liên hệ và mối nào ở trên? Nếu hữu nhậm thì chỉ có một liên hệ duy nhất xây trên sức mạnh gọi là chủ nô, chính mối liên hệ này đã lấn át mọi liên hệ khác đến nỗi khỏi cần đặt câu hỏi thứ hai là câu chỉ đặt ra trong miền tả nhậm, vì nơi ấy có nhiều mối liên hệ thường gọi là ngũ luân. Bởi thế mới cần hỏi luân nào đặt trước? Nếu là Hán nho theo nguyên lý hữu nhậm thì sẽ là quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu. Nhưng theo tả nhậm bên Việt nho thì ai cũng nhận thấy phu phụ yếu hơn quân thần nên phải đặt liên hệ phu phụ trước. Lại hỏi phu trước phụ chăng? Thưa rằng phụ yếu hơn phu nên đặt phụ trước phu thành ra thứ tự ngũ luân Việt là vợ chồng, cha con, vua tôi, anh em, bàn bè (có nói trong Kinh Hùng). Việt nho đã dùng chữ thê thay cho phụ vì thê bao hàm ý bằng nhau: “phu thê Đại tướng” nên có lễ tương bái trong nghi thức thành hôn: khi hai vợ chồng sắp mình lạy nhau, tức nếu vợ lạy chồng thì chồng cũng lạy vợ. Điều đó chỉ xảy ra trong xã hội tả nhậm, chứ với xã hội hữu nhậm thì vợ chỉ là thứ tài sản của chồng, bị đàn áp khinh bỉ đến nỗi bên Au Châu có thời tranh luận xem đàn bà có linh hồn chăng. Hữu nhậm nhi dĩ hĩ!  

Bây giờ xét vài ba liên hệ chưa kể vào số ngũ luân trên và trước hết là trẻ già. Ở đây sẽ không hỏi già hơn trẻ chăng, vì ai cũng cho già là hơn, nhưng đó là xã giao, cần xem xã hội có tôn trọng tuổi già hay không vì có tôn trọng mới là nội dung của sự tôn kính kia, nên mới kể là tuân theo tả nhậm tức coi già hơn trẻ vì xét về yếu giữa trẻ già, thì rõ rệt già yếu hơn, nhưng xét về phẩm về kinh nghiệm thì già hơn nên đáng kính hơn. Nho kêu lạ Trọng Xỉ. Xỉ đây có nghĩa đen là răng, nghĩa bóng là tuổi già. Tuổi già được kính trọng và biểu lộ bằng nhiều lối mà tục ngữ tóm vào câu “kính lão đắc thọ”. Nếu xem sơ sái thì đâu chẳng kính tuổi già, nhưng xét thấu triệt thì sự kính kia chỉ do lương tri mà không do triết, khi do triết thì nó phải đi với thể chế, thí dụ không căn cứ trên tài sản nhưng trên tuổi tác mà được vào hội đồng kỳ mục. Vậy điều này chỉ xảy ra trong các xã hội tả nhậm. Còn các xã hội hữu nhậm như La Hy thì dùng lượng số tài sản để định giai cấp cao thấp chứ chẳng ai kể đến tuối tác.  

Ngoài ra cũng còn một số liên hệ nữa cũng có thể giải nghĩa theo tả nhậm như:  

Làng nước: phép vua thua lệ làng, vì làng yếu hơn vua.  

Nhà nước: hiểu thảo trước trung quân, vì nhà yếu hơn nước.  

Dân vi quý, quân vi khinh: cũng theo lẽ là dân yếu hơn vua.  

Bà con cô bác: đặt nổi đàn bà và cô trước bác.  

Tất cả những thứ tự, vị trí đó đều nằm trong mối liên hệ tả nhậm và hệ quả thâm sâu của nó là duy trì được lưỡng nhất tính như đã bàn rộng trong Việt Lý Tố Nguyên. Bởi nhờ được đủ thứ nâng đỡ nên bên yếu cơ thể góp mặt với bên mạnh để làm nên đối cực cần thiết cho chữ Tương hay Lưỡng nhất tính do hai chỉ giao thoa, tránh được nạn một chiều, là cái vừa giáng xuống đầu người Việt.

 

 5. Liên hệ giữa tả nhậm và nho giáo  

Đó là mối liên hệ thâm sâu đến nỗi phải gọi là đồng tính. Để hiểu rõ điều đó chúng ta hãy quan sát từ tên tuổi qua nội dung đến phần số.  

Trước hết tên gọi thì phải nói ngay rằng cả hai là một: nếu tả nhậm bênh phe Yếu, thì nho cũng phù Nhu nên chính tên nho là Nhu, có nghĩa là yếu nhược. Cả tả nhậm lẫn nho nói lên tôn chỉ của mình là nhận trách nhiệm bênh vực kẻ yếu. Sở dĩ nhu cũng là nhân vì trong tam tài thì nhân yếu hơn cả, nên nhu đạo lấy việc bênh vực con người làm trách nhiệm. Bởi vậy nền tảng nhu giáo là nhân giáo, nhân theo nghĩa đạo lý xây trên con người. Tìm cứu cánh con người ngay nơi con người.  

Nội dung cũng lại thấy nho đi theo tả nhậm với chủ trương “dĩ nhu thắng cương, dĩ nhược thắng cường”, rồi luôn đặt văn trên võ, tức đặt tinh thần trên vật chất. Nhất là câu của Khổng Tử trong Trung Dung 10: “khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo. Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi” thì chính là nói đến chỗ phát xuất của đức hùng, đức dũng dám đứng về phe yếu, phe tả nhậm và từ đấy thì dân Việt thêm phần nhu để thành ra Việt nho. Khổng Tử có lần ví mình với Lão Bành là người Kinh Sở, huyền sử nói ông sinh ra từ hông tả mẹ, có nghĩa ông thuộc văn hóa tả nhậm. Vậy nói “quân tử cư chi” thì chính là nói lên chỗ quân tử phải đồng quê với, đó là tả nhậm chứ không với phe hữu. Cho nên xét về nội dung đạo lý thì cả hai chỉ là một: nói nho giáo hay nói tả nhậm cũng là một nội dung. Những yếu tố coi chồng như chúa, coi vợ như tôi rõ ràng thuộc du mục đề cao sức mạnh đã được đưa vào sau (xem Tinh Hoa Ngũ Điển, trang 11 nhưng nếu đọc toàn sách đều nói lên nét tả nhậm).  

Bây giờ bàn tới Vận Hệ để coi Việt Đạo và Nhu Đạo có cùng chung một dòng máu chăng thì phải thưa ngay là có. Ta biết rằng phù nhu là một lập trường đòi hỏi phải có hùng tâm dũng chí cùng cực vì đó là một lập trường gian nguy mà lại không có ngoại viện do trời hay đất như thiên đạo hay địa đạo, vì đây là nhân đạo là tự lực tự cường, là “trung lập nhi bất ỷ”. Đã không có viện trợ lại còn biết bao gian nguy rình rập phát xuất từ phía cường cương luôn luôn tìm cách uy hiếp những cái nhu nhược: nên ai dám đứng ra phù nhu là dễ dàng rứơc lấy họa vào thân. Thí dụ các chính quyền chuyên chế bao giờ cũng muốn nhân gian khiêm nhu ngoan nguỳ, thế mà có ngừơi dám giảng cái đạo tự cường, tự lực, tự trọng “trung lập nhi bất ỷ”… thì khó lòng được thiện cảm của nhà cầm quyền. Muốn thấy điều đó ta hãy nhìn khái quát trên dòng lịch sử Trung Quốc và chúng ta thấy rõ mỗi lần có chính quyền từ phía Tây Bắc quê hương củahữu nhậm tràn vào thì nho giáo bị đàn áp. Cần ôn lại sơ qua vì đó cũng chính la SỨ MỆNH CỦA VIỆT NHO, CỦA TẢ NHẬM TRƯỚC HỮU NHẬM LÀ HÁN NHO.  

Lần đầu tiên là khi Hoàng Đế đánh Si Vưu. Si Vưu là tù trưởng các dân tả nhậm nên cùng với nhu đạo là một, còn Hoàng Đế hữu nhậm theo về thiên đạo nên đề cao quyền quý, bởi vậy khi thắng được Si Vưu rồi thì xảy ra hiện tượng: “dĩ cường lăng nhược” như được ghi trong sách Trang Tử (trang 470 trưng theo bản của Wieger). Đó là lấy hữu đè tả, lấy mạnh đè yếu, lấy quý quyền đàn áp lê dân gọi là Cửu Lê hay Tam Miêu cũng thế (Danses 250) trong đó có nhu sĩ. Vì thế ma 2nhu sĩ phải trải qua bao đời chiến đấu cuối cùng mới bước vào chỗ tôn quý “sĩ thành quý dã” (Trang Tử tr.474). Như thế cái quý của sĩ khôgn do dòng máu quý tộc, mà do tranh đấu cam go, do giá trị nội tại, tự lực tự cường mà có.  

Chính vì giá trị nội tại này mà một nhóm tả nhậm ghi được thành tích vĩ đại ở đợt hai: đó là Dục Hùng được mời làm thầy dạy Võ Vương nhà Chu. Nhà Chu từ phía Tây Bắc tràn vào cướp chính quyền nhà Thương và đã đưa lối cai trị rập khuôn của du mục là chủ nô vào, thí dụ quý tộc nhà Chu thì ở trong thành, còn dân chúng thì ở vòng ngoài. Đề cao tù trưởng tận mây: nếu ở Perse xưa các thần dân phải bái gối cúi đầu hôn chân vua, thì nhà Chu cũng bắt chước thế: sứ giả đến chầu phải quỳ lạy ngoài sân, không được xem mặt vua cũng như không đựơc nói. Thế nhưng đó chỉ là một thứ quyền lực dựa trên sức mạnh nên sẽ bị văn hóa tả nhậm chinh phục lần và mau lẹ, vì đến đời Võ Vương thì đã nhận Dục Hùng làm thầy và phong cho đất Kinh Man, nơi có tục tả nhậm, sau này đến đời Chiến Quốc, nước Sở vẫn còn coi bên tả là chính. Nhiều người lấy họ Tả như Tả Khâu Minh viết truyện Xuân Thu, với tinh thần đề cao dân với câu nói: “Đạo là trung với dân” hoặc câu “Dân là chủ của thần”… Và đó mới là điều chắc chắn. Còn về những chuyện gia phả của Dục Hùng được móc nối với Chuyên Húc với Hoàng Đế thì đã bị nhiều học giả phanh phui ra là chuyện mạo nhận, đặt ra để dễ giao thiệp với Trung Hoa hoặc để tôn dòng dõi của mình.  

Điều chắc chắn là Võ Vương học được với Dục Hùng bài học Tả nhậm, nên văn hóa Phương Nam đã thắng: Khổng Tử đã ví mình với Lão Bành, và tuyên dương đức cường của Phương Nam ở tại “Khoan Nhu” tức xây trên tả nhậm. Thế nhưng thắng rồi để bị chịu những đợt tấn công mới, nên Việt nho suy sụp trong thời Chiến Quốc và nước Tàu dần dần rời vào tay của phe hữu nhậm. Nhà Hán tuy xuất thân từ tả nhậm của Viêm Việt nên cũng có chỗ kêu là Viêm Hán, vì đã nhờ thế lực của dân tả nhậm mà bước lên chính quyền nhưng rồi thì ăn cháo đái bát; đái thật: Hán Cao Tổ đã đái lên mũ nho gia. Mãi sau thấy không bỏ nho được mới cho lập thư viện Thạch Cừ để xuyên tạc nho giáo (xem Cửa Khổng, bài 3). Nhưng rồi nho đã trỗi dậy để đến lần thứ tư là Mông Cổ thì bị xếp hàng dưới con đĩ: công, dĩ, sĩ, khất. Tưởng xuống đến thế là cùng, không dè đến lần thứ năm bị cộng sản đàn áp và kết án là cái học ăn cứt: “Khổng Khâu nghiết phấn chi học” (tri thức thua một đống phân).  

Đến đây tôi sững sờ nhận ra không ngờ có câu tiên tri xa đến thế. Xin nhớ lại tả nhậm trấn Đông Nam với biểu hiệu lông vũ, còn hữu nhậm trấn Tây Bắc với biểu hiệu lông mao. Mấy người Tàu rứơc cộng sản vào nứơc Trung Hoa như Li Ta Chao, Trần Độc Tứ xuất thân từ miền Bắc (Hà Bắc, Tứ Xuyên). Rồi Mao thì dùng ngay tự danh tính là Mao, còn nơi xuất quân là Diên An tức phía Tây Bắc, y như Mông Cổ xưa kia, trước nữa là nhà Chu, trên cùng là Hoàng Đế đều phát xuất tự phía Tây Bắc. Nhiều học giả đã ghi nhận sự giống nhau giữa tâm trạng người Nga và tâm trạng người Tàu mạn Bắc (xem Soul of China, Amaurry de Riencourt p.210). Rõ rệt Tây Bắc là quê hương của hữu nhậm luôn luôn tìm cách đè bẹp Đông Nam tả nhậm. Các cuộc nổi loạn mang tính chất xã hội như Khăn Vàng, Xích Mi, qua Vương Mãng, Vương An Thạch cho tới giặc Thái Bình đều mang tính chất phò đại chúng của phía Đông Nam.  

Ở trên là mấy thí dụ mẫu, chứng tỏ hữu nhậm luôn luôn trấn áp tả nhậm tức lấy cương hiếp nhu, lấy cường bức nhược, nói lên quá rõ những pha giao chiến giữa phẩmvà lượng mà cuối cùng là giữa con người một bên và thiên địa bên kia được đại diện bằng những chính quyền chuyên chế, và mỗi khi phe tả nhậm thất thế thì cũng chính là sự bại vong của con người và nền triết lý nhân chủ bị chà đạp giày xéo.

 

6. Sứ mạng của Hùng Thị  

May thay trong lịch sử nhân loại không thiếu những tâm hồn quảng đại dám đứng về phe yếu, trong đó có họ Hùng Thị của Lạc Việt. Ngay cả việc lấy hiệu Hùng Vương đã nói lên ý hướng đứng về phe tả nhậm, vì muốn tả nhậm thì hùng là đức tính cần thiết hơn hết, phải có can trường dũng cảm phi thường mới dám đứng về phe yếu và nhờ đó đã bảo vệ được nét Lưỡng Nhất trong văn hóa: tức yếu vẫn còn đủ sức giao thoa với mạnh, và vì thế đã có những tên như Dao hay Giao Chỉ bao hàm sự giao thoa đó. Trên thế giới không đâu có nội dung giao thoa này cả mặc dầu thiện chí có thừa, nhưng thiện chí mới chỉ thuộc lương tri (vòng ngoài) ít khi đủ sức gây ảnh hưởng vào định chế, vì thế đâu đâu trên hoàn vũ cũng thường thấy kẻ có thì cho thêm, kẻ không có thì lấy đi chút ít phần nó đang có. Riêng ở xứ Việt nho sớm có được định chế: bớt của người có, bù đắp người không: “tổn hữu du, bổ bất túc”. Tại sao lại hiếm cái điều quân phân như vậy, là vì muốn làm được như thế thì thiện chí không chưa đủ, mà cần phải có một nền triết lý lưỡng nhất tính. Mà để có lưỡng nhất tính thì phải có tả nhậm là định chế bênh vực phe yếu để nó giao thoa với mạnh đặng làm nên chữ Tương. Điều đó Lạc Việt đã có ngay từ đầu lịch sử nên gọi là Dao, Nam Giao. Huyền thoại nói Nam Giao có từ đời Vô Hoài (nghĩa là có từ lúc nào không ai nhớ nữa: immemorial) chỉ biết thuộc dòng dõi Thần Nông, tức chỉ có tinh thần nông nghiệp mới đề cao tả nhậm, và do đó phe yếu mới được nâng đỡ và tồn tại. Như thế là nét đặc trưng nọ có ngay từ đầu và được bảo trì cho đến ngày nay, thì mới bị tràn ngập bởi văn hóa Thái Tây chói chang huy hoàng, nên hầu hết con cháu Giao Chỉ thần phục chạy theo và cả một nửa nước không những đi theo phe hữu nhậm nhưng còn dùng võ lực để chinh phục nốt miền Nam nơi con giữ được chút tả nhậm, khiến cho biết bao người Việt Nam đâm ra chán nản trứơc sứ mạng phù yếu của mình, vì thấy sức mạnh bên kia quá lớn lao. Tuy nhiên cần phải suy nghĩ lại. Nếu chúng ta mà chủ bại, thì chính văn hóa tả nhậm chủ bại. Điều đó không chỉ có nghĩa là văn hóa Đông nam thua văn hóa Tây Bắc, mà chính là sự trầm diệt của con người.  

Riêng với nước nhà thì đó là một chấm hết dòng lịch sử tranh đấu cho con người đã kéo dài từ năm ngàn năm rồi và sao đó khó còn có thể tìm ra người dẫn đầu trận tuyến tả nhậm. Bên các phe tự do thì thiện chí có thừa, nhưng thiếu triết lý. Và nếu có ngày gặp may, nảy nòi ra một triết gia tả nhậm thì cũng bị lấn át do bao tiếng om sòm của cảnh cá đối bằng đầu không sao trổi lên được. Vì thế đối những người lúc này còn nghi nan chưa quyết đứng về phe tả nhậm tôi xin tặng câu truyện cổ sau (rút từ Vân Đài Loại Ngữ):  

“Xưa có người tên là Dư Bất Đình ở Ngô Hưng thấy có người đang nhốt con rùa trong cái giỏ bên đường liền mua rồi thả xuống khe. Sau Dư làm việc có công, Vua phong làm Dư Bất Đình Hầu. Dư đúc ấn mà hình con rùa nơi mũi ấn cứ nghiêng về phía tả, phải đúc lại lần nữa, cho đến lần thứ ba cũng quay bên tả như trước. Du liền giác ngộ dùng ngay ấn đó mà không đúc lại nữa.”  

Tôi kể lại câu chuyện này vì nó mang một sứ điệp gửi đến cho chúng ta, miêu duệ của dòng tả nhậm rằng không nên đổi hướng đi mà cần kiên trì bảo vệ kẻ yếu, bảo vệ con người chống lại những thế lực phi nhân. Là vì con người vẫn còn đó, càng ngày càng cần được bảo vệ hơn bao giờ hết.

VII. NÉT CONG DUYÊN DÁNG CỦA VIỆT TỘC

 

Năm 1976 UNESCO tổ chức tại Thái Lan một cuộc hội thảo về khảo cổ miền Đông Nam Á. Trong những vấn đề đưa ra có khoản bàn về những dáng hình và mô típ được tạo nên trong quan hệ với ý nghĩa nghệ thuật của người chế tác di vật với câu hỏi đâu là nét đặc trưng của Đông Nam Á?  

Hội nghị chủ trương năm điểm, trong đó hai điểm liên hệ tới nước ta. Một làkhuyến nghị nên hợp sức với Hội Đồng Quốc Tế triết học và khoa học xã hội để thành lập một nhóm các nhà khảo cổ của Đông Á và Đông Nam Á. Hai là xin UNESCO lập viện khảo cổ chung cho Đông Á và Đông Nam Á.  

Vào lối 1978-1979 tôi có đọc trong báo Times một bài của học giả nào đó đang làm việc trong văn hóa Liên Hiệp Quốc còn nói lại vụ này, tiếc rằng trong cảnh tị nạn tài liệu tản mát hết chẳng còn biết ngày tháng tên tuổi liên hệ tới các điều ghi trên đây. Nhưng về ý chính và mục tiêu nêu lên thì đại khái là nhấn mạnh sự cần thiết phải có triết tham dự vì giả sử có lập được viện khảo cổ theo đề nghị cũng khó đạt được kết quả mong muốn, nếu thiếu sự tham dự của ngành triết nhất là triết Việt nho, vì sự khám phá chỉ sẽ hạn cục vào đợt mỹ thuật, thí dụ về kiểu cách, dáng điệu, các loại hoa văn cùng là niên đại của hiện vật hoặc những liên hệ với các ngành văn hóa khác…  

Bấy nhiêu điều tuy rất thú vị và cần thiết nhưng chưa vượt khỏi biên cương của những cái hữu hình để thấu vào hồn linh văn hóa, chưa nói lên được tại sao nét nọ kia là đặc trưng của miền ấy? Nếu thưa tại họ yêu thích như vậy thì xin hỏi tại sao lại yêu thích như thế? Thí dụ tại sao Tàu ưa thích hồi văn, tại sao các nét cong của Tàu nhỏ hơn nét cong của Việt. Tại sao trên các kiến trúc của Chăm có nhiều đường cong trên cửa sổ hơn bên Angkor Vat. Tại sao những đường nét của Việt lại bé nhỏ thanh thoát. Và nếu tinh tế thêm một độ thì sẽ đặt câu hỏi những nét thanh tú kia cũng như nét cong nọ có là những nét quan trọng hơn hết của Việt tộc chăng? Nếu có thì tại sao? Đó là những câu hỏi thoạt xem coi như lẩn thẩn do những người vô công rỗi nghệ nặn trán đặt ra chứ thường tình chẳng ai nghĩ tới. Cái đó đúng: văn hóa bao giờ cũng phải có giờ rảnh rang. Nhưng giả sử có giờ rảnh rang liệu có đặt những câu hỏi trên chăng. Và nếu có đặt ra được, liệu có trả lời nổi chăng, nhất là khi không thấy ơn ích đâu cả. 

Nhưng nếu bạn tìm về nguồn gốc dân tộc, đang tìm đâu là nét đặc trưng của Việt Nam để thành lập quốc học thì sẽ thấy đó là những câu hỏi quan trọng ít ra ở chỗ chúng có thể cung ứng chứng từ cho các lời quyết đoán rằng Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến. Chính trong chiều hường đó mà hôm nay tôi bàn về nét cong và quyết rằng nét cong và thanh tú chính là những nét đặc trưng hơn hết của Việt nho, và đó là nét quý hóa vô biên: chính vì thiếu nó mà triết học Tây Au đã sa vào những lỗi lầm chí tử khiến 25 thế kỷ triết học đã qua đi hầu như vô ích, phải làm lại toàn triệt.  

Ngược lại vì có được nét cong nọ mà triết Việt Nho còn đang được nhân loại đặc biệt chú ý cho mãi tới nay vì nó tiêu biểu cho một đức tính, một khả năng là đã móc nối vào được với nền minh triết, tức đã gây đựơc nhiều hạnh phúc cho con người trong những điều kiện kinh tế hết sức eo hẹp. Tinh hoa minh triết nằm trong hai chữ uyển chuyển mà Nho kêu là quyền biến hoặc vắn tắt là quyền được đặt trên cùng, sau ba bước: 1/ học, 2/ hành, 3/ lập, 4/ quyền. Bước một là Học đã ít người bứơc vào nổi. Thế mà đến bước hai là Hành còn ít nữa. Thế rồi hành lung tung thì nhiều, chứ hành có lập trường thì hiếm, thế mà trong số hiếm hoi đó lâu lâu mới nảy ra đựơc một hai người đạt được bứơc Quyền. Quyền là chi mà lại họa hiếm và được tôn quý như thế? Thưa đó là biểu hiệu của sự hòa hợp cùng tột, là hậu quả cua sự đúc lại hai hình vuông cộng với hình tròn xoe được nghệ thuật biểu thị bằng nét cong.  

Xin nhắc lại trong bài Đúc Người tôi đã bàn đến sự quan trọng của việc đúc: đúc trống, đúc gươm, đúc đỉnh… với ý nghĩa sâu xa là đúc người. Người là chi mà phải đúc? Thưa Người là sự giao hội của hai nét đất trời, nói theo cơ cấu là tròn vuông hay ngang dọc. Ai cũng thấy ngay đó là việc diệu vợi đúc sao được, vì là hai dạng thức khác nhau: đã tròn thì thôi vuông, đã 4 góc thì thôi tròn. Đúng lắm, vậy mà tất cả đạo làm người lại nằm trong chỗ đúc đó, nếu đúc sai thì không ra người. Nói khác Người là vật lưỡng thê: vừa có hình thể thù lù có góc cạnh, nhưng đồng thời lại có tinh thần bao la không mốc giới. Biết sống là biết pha hai thứ trái chiều kia cho đúng liều lượng. Liều lượng nói bao la trừu tượng là 2-3 nôm na nói là “vài ba”. Kinh Dịch nói là “tham luỡng” hay nói rộng là “tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số”. Xin nói ngy đạo làm người trở nên hiếm hoi, các triết đã thất bại trong việc đúc này.

 

Hình 5 BIS: NÉT CONG  

Khánh ở Huế tượng trưng cho nét cong Việt  

Thường thì các triết gia chỉ mải bàn về những chuyện trời đất cho đó là cao cả, mà cao cả thật cao như trời, rộng như đất. Vậy mà lại là những vấn đề tương đối dễ: vì chúng chỉ có một chiều: đã cao là cao, đã thấp là thấp, đã vật là duy vật, đã tâm là duy tâm, tha hồ mà múa bút chứ nói đến chuyện vuông mà lại tròn, có mà lại như không, không mà lại như có… thì đành xếp bút. Thế là triết lý trật đường. Nếu đi đúng nẻo thì phải bàn về con người, về cứu cánh, về hạnh phúc con người, hết mọi con người. Bởi vì con người là thành tích chói chang hơn hết của trời đất gặp nhau, giao hội. Việt Nam kêu là giao chỉ, là chỉ trời chỉ đất giao thoa, khoa vi thể nay kêu là thời không liên tục (time-space continuum). Thực ra muôn vật đều là công hiệu của thời không giao hội, của đất trời gặp gỡ, nhưng nơi con người là một tác nhân, một “tạo hóa” tức cái gì cũng phải làm lấy. Sự pha độ này được hiện thực trong cụ thể bằng chữ quyền, bằng sự uyển chuyển giữa hai bờ đối cực được biểu thị bằng tròn vuông. Sự thống nhất tròn vuông với nhau được biểu thị bằng nét cong lượn. Cho nên nét cong lượn là hình vẽ của chữ quyền, là sản phẩm của lò tạo hóa, của thời không, của trời đất giao chỉ.  

Phải nhận thức sâu sắc về nền móng vạn vật và con người như hai chỉ trời đất giao thoa mới nhận ra đựơc giá trị của vật biểu tiên rồng đi đôi, hoặc tiến thêm một bước nữa là bánh trời bánh đất (bánh dầy tròn chỉ số 3 (số pi), bánh vuông chỉ 4 phương đất). Đấy là biểu tượng mà nội dung hay hệ quả là văn hóa Việt toàn nói về con người, về những gì liên quan tới con người: ăn làm, yêu thương, giao tế, buồn vui, hạnh phúc… chứ không có bàn về sự hữu, về sự hư vô như trong triết lý Au An xưa kia. Trong các điều liên quan đến con người thì có một khoản được đặc biệt chú ý đó là tình duyên. Mở bất cứ quyền ca dao nào cũng thấy liền đó là những câu tình duyên, yêu thương, gửi gắm ngày cũng như đêm:  

Đêm qua và bốn lần mơ  

Chiêm bao thì thấy dậy rờ thì không.  

Chi vậy? Thưa là sốt sắng tích cực trong việc đúc đó. Đúc chi? Thưa là đúc người, nó sẽ mở đầu cho hết các cuộc đúc khác, mà tổng quát hơn hết là trời đất, Kinh Dịch kêu bằng hai danh từ nặng về tác động là “kiền khôn”. Kiền khôn là nói cụ thể hơn về hai cột cái của cổng chào mà quan khách nào cũng như muôn vật đều phải đi qua: “âm dương tương thôi nhi sinh biến hóa”. Thế rồi bỏ kinh sách để quay ra nhìn vào những điều quan trọng ta cũng thấy hai đàng đi đôi: như đền tế Thiên thì nền phải vuông, mái phải tròn. Xe vua đi thì thùng (xe) cuông, mui tròn. Người quân tử phải đi giầy vuông đội mũ tròn…  

Trên đây dầu sao mới là những hình ảnh tuy rõ ràng nhưng còn đang ở thế sửa soạn đúc mà chưa đúc thực sự, nên tròn còn là tròn, vuông còn là vuông. Khi đúc rồi thì hậu quả phải là một hình thái mới. Vậy hình thái đó là chi?

 

Thưa là nét cong đó.  

Như vậy cong là một hình thức xuất hiện do sự đúc tròn với vuông vào một, vì thề trong cổ nghệ Việt người ta thường gặp những đường cong lớn bao trùm hiện vật nên suy đoán ra được đó là sự nhập thể lẫm liệt của nền triết lý thái hòa tức hòa trời cùng đất: hòa tròn với vuông mà trở nên nhu nhuyễn (Trung Quốc dùng hai tiếng đó để dịch chữ mandala cũng có tròn vuông).  

Vậy mà nét cong lớn lao nọ lại là của Việt tộc. Câu này rất lơ mơ nên cần phải minh chứng, vì khi đi vào nghệ thuật thì đâu cũng có nét cong hết chứ có riêng gì Việt tộc đâu. Nhưng nếu nhìn kỹ thì những nét cong kia là hậu quả của óc thẩm mỹ mà không là hệ quả của triết. Cả hai đều do trực giác lành mạnh, nhưng ở nghệ thuật thì nó bàng bạc, còn ở triết thì nó trở nên ý thức nên đi vào nền tảng và xuất hiện cả vào những cái khó làm. Rõ rệt hơn hết là mái nhà cong.

 

Hình 5 TER: NHÀ CONG  

NHÀ NGỌC LỮ: chi tiết thuyền cong (trống Ngọc Lữ)  

NHÀ HOÀNG HẠ  

NHÀ QUẢNG XƯƠNG  

Đó là nét cong lớn và khó hiện thực, nhất là khi nhà làm bằng tre, vậy mà vẫn cố làm cho mái nhà uốn lên, cho dao đầu cong vắt thì không còn là nét cong cầu âu, nhưng là một sự tính toán, một sự tìm cầu, để gửi gắm một ý nghĩ nào đó mà theo bầu môi sinh tinh thần thì đó phải là ý nghĩa của trời đất giao hội.

 

 Hình 6: THUYỀN CONG  

Thuyền cong trong Hoàng Hạ.  

Chi tiết đầu thuyền cong (trống Ngọc Lữ)   

Ngoài mái nhà thì đến thuyền cong, đó cũng là nét cong lớn bao trùm toàn thể sự vật. Sau đến các phủ việt thì lưỡi đều cong, vì đó là đồ dùng trong những việc tế tự, tức là rất trọng đại linh thiêng. Khi róc xác ông Cổn người ta dùng dao Côn Ngô, có chỗ nói Câu Ngô để chỉ sự cong. Chúng ta rất có lý để suy đoán rằng những lưỡi rìu xoè (cong lượn) gặp được ở Đông Sơn làm nên nét đặc trưng của nó có liên hệ với những giao cong này, nếu không phải là chính nó gọi là phủ việt, vì nó hàm ngụ số 2-3, 2 giao long giao tay, 3 người (hoặc vật) ở dưới.

 

Hình 6 BIS: LƯỠI RÌU XOÈ Ở ĐÔNG SƠN  

Lưỡi rìu xoè ở Đông Sơn, trên 2 giao long giao tay, dưới hình 3 người hoặc 3 con thú.  

Khi bắn con cú người ta cũng dùng tên cong. Vì cú là chim bất hiếu ăn thịt mẹ, nên ý sâu xa là giống chống con người cần phải diệt nó bằng vũ khí đã mang đậm tính người là tên cong. Đọc những truyện như vậy ta thấy liền sự vô lý vì tên cong bắn sao được. Còn rót thịt thì dao nào đâu có quan trọng. Vậy mà đây lại quan trọng hóa bằng gọi tên dao là Côn Ngô vì hình dáng dao là Câu Ngô tức là cong, thì ta biết nó hàm ngụ một cái gì đó. Y như làm thẳng bớt tốn công hơn nhiều, vậy tại sao lại làm mái cong, cong đầu dao, thì phải hiểu tiền nhân muốn gởi gắm vào đó một ý nghĩa nào đây. Nếu ta lấy toàn khối văn hóa làm chân trời để có tiêu điểm thì sẽ quy định được đó là hậu quả của việc đúc tròn vào vuông: tròn vuông nằm trong thể lưỡng hợp mà trong nghệ thuật là nét cong lượn, tức là hậu quả cuộc linh phối giữa những gì có cùng với cái vô biên tức giữa những phương tiện có chất thể chỉ bằng những hình có góc cạnh với hồn linh biểu thị bằng cái không có góc cạnh tức là tròn. Vì tròn nên dễ động cũng như không hiện hình, không thể xem thấy nên là linh thiêng. Những đặc tính đó (năng động và vô hình) chỉ trỏ cái gì linh thiêng và khi nó nhuần thấm xác thể (chỉ bằng vuông) thì làm cho xác thể trở nên nhẹ nhàng và linh thiêng hơn (tiêu biểu bằng sự làm cùn những góc cạnh) kết quả là hình cong lượn mà tiêu biểu lớn lao là đường cong giữa âm và dương trong thái cực viên đồ.  

Đó là thứ vẽ lại “quá trình” hình thành của nét cong lượn. Vậy đó là nét đặc trưng của nghệ thuật Đông Nam Á. Ong Laurence Binyon nhận xét “khi tiến về phía Tây ta thấy khuynh hướng đặt nặng trên cái gì đặc, chắc, vững. Còn tiến sang Tàu và Đông Nam Á thì khuynh hướng đặt trên sự trôi chảy, lượn sóng, nhẹ như không khí (the spirit of man in asian asrt, Dover N.Y 1963, p.82). Chỗ khác ông nhận xét sự nổi vượt của họa Đông Á là hoà hợp với thiên nhiên và đầy năng động tính như không muốn ở lại trần gian (Id p.27). Đó là nét đặc trưng của văn hóa Đông Nam Á mà Việt Nam là thủ chỉ. Vậy là đã đủ bằng chứng cũng như nền tảng để kết luận rằng nét cong lớn là của Việt tộc, hay nói là của Việt nho cũng được; nhưng phía Tàu vì chứa nhiều chất du mục, nên nét cong thường xuất hiện nhỏ, bằng những đường tỉa tót, không hẳn vươn lên địa vị chủ đạo như bên Việt.

Nhìn vào khảo cổ ta nhận thấy điều này: chỉ đến những trống đồng muộn về sau mới dùng hồi vãn cùng nhiều đồ án hình học gẫy khúc, còn trước thì chuyên dùng những đường cong lớn: ngay từ thời Phùng Nguyên phong cách diễn đạt đã tỏ ra ưa dùng những đường cong lớn lao lấy hiện vật, hoặc những hoa tiết tạo nên bằng những đường cong hầu như không mấy khi kết thành hàng dọc. Các nồi niêu phần lớn phình bụng mà đáy tròn có thể nằm trong liên hệ này.  

Đến giai đoạn Đông Sơn là giai đoạn có thể coi như đỉnh cao chót vót thì thấy các đường cong lớn tập hợp lại và chạy quanh mặt trống, thân trống, và nhất là thuyền cong cả con chứ không phải từng phần nhỏ. Rồi tới mái nhà cong, cong ngay từ lúc Tàu chưa có mái nhà cong thì ở Việt tộc đã cong rồi. Cái đình xưa (dân Bana kêu là rong) bao giờ cũng có dao đầu cong vút. Những hình người múa trong thể nhún nhẩy đó là một thứ cong sinh động. Sau này ta thấy hài các bà đi cũng cong mũi.  

Đây là chỗ tiện để nhận xét về sự liên hệ giữa nét cong với nguyên lý mẹ. Nơi nào có đường cong lớn là dấu còn nhiều nguyên lý mẹ được coi như hồn thiêng để tẩm nhuận những cái quá gẫy khúc đến trở nên bớt gay gắt. Các bà ưa nét cong, cũng như thân hình có nhiều đường cong hơn. Đó là dấu chỉ linh hồn các bà có sức thẩm thấu xác thân hơn. Nói đàn ông thiên về vuông nhiều nên thua các bà về sự cân đối và hòa hợp (là nền của sự đẹp). Văn hóa Việt tộc giàu nguyên lý mẹ nên ưa nét cong. Đây là chỗ cần bàn đến luật Giao chỉ theo đó đàn ông trong là dương nhưng ngoài lại là âm, nên có dáng dấp vuông gẫy góc, còn đàn bà trong là âm nhưng ngoài lại là dương nên giàu nét cong lượn, đẹp hơn đàn ông. Luật này được biểu lộ trong hình Phục Hy Nữ Oa trong thế giao thoa thì ông lại cầm cái củ (vuông) bà cầm cái quy (tròn).  

Thoạt coi tưởng là sai vì Phục Hy là dương tượng trời lã ra phải cầm cái quy tròn, để cái củ vuông cho bà (âm) chứ. Đó là ta quên luật Giao chỉ. Đàn ông mê đàn bà (hoặc ngược lại) vì chỗ quên này: thấy đàn bà đầy dương nên mê như điếu đổ. Chả là đàn ông cốt dương nhưng sơn bằng âm, nên lòng mê dương, thấy các bà tráng men dương nên mê nhưng đem về cọ xát quá mạnh làm bong hết men dương, trật lại còn có âm, mới chán thấy mồ. Muốn tránh tai họa nọ cần phải luyện đúc để lúc hết nạc vạc đến xương thì xương không còn là âm nữa mà là âm đức cũng gọi là cái nết: có sức đánh chết cái đẹp. Nhà uyên tâm Karl Jung đã hé nhìn ra luật Giao chỉ này khi tuyên bố linh hồn đàn bà có giống đực (gọi là animus) còn linh hồn đàn ông có giống cái (anima). Ong dùng hai chữ anima animus là hồn này vì tiếng Au Tây thiếu từ nên phải dùng chữ hồn, chính ra không phải là hồn mà là vía: vía đàn ông giống cái (anima), vía đàn bà là dương giống đực (animus).  

Nếu ta chỉ dương bằng linh hồn, còn âm bằng thể xác thì linh hồn đàn bà xuất lộ nhiều hơnnơi thể xác (tinh anh phát tiết ra ngoài). Theo triết gia Ortega Y Gasset thì chính đàn bà đã thiết lập ra nền văn hóa hướng vào việc chăm sóc xác thân: khởi đầu là sự trang sức thân hình, kế tới là sự sạch sẽ, tăng thêm bằng tinh chất của hoa hương, rồi kết hậu bằng phép lịch sự với những động ứng và điệu bộ vi tế. Chính cái xác thân đựơc tẩm nhuyễn đậm chất linh hồn nọ là nền tảng làm nên sự duyên dáng cũng như giàu sức lôi cuốn đối với đàn ông. Người ta nhận ra rằng những họa đồ hình học là dấu chỉ đã đi vào lý trí, thiên trọng về đàn ông rất nhiều, tức là yếu tố dẫn vào văn minh thành thị, có óc du mục chuyên chế, vì thế những nghệ thuật ưa đồ án hình học kéo dài và gẫy khúc thường đi với chế độ chuyên chế và thành thị y như hình vuông vậy: nó nói lên cái chi gãy gọn, thiếu sự uyển chuyển duyên dáng. Văn minh đực rựa của du mục ưa lý luận tranh biện.  

Văn hóa Đông Á ưa nghệ thuật (thay vì logic thì học Kinh Thi) đề cao lễ nhượng, coi tục lệ hơn cả luật tắc. Một trong những lý do Mạnh Tử bị coi kém hơn Khổng Tử vì tính ông “khuê giác” (bắt góc, ưa bẻ bác) tức ít nguyên lý mẹ hơn Khổng Tử. Rất đáng hện nhóm vẽ mẫu nào đó gần đây chịu ảnh hưởng của mini jupe cứng cỏi đã cắt ngắn cái áo dài của các bà các cô Việt Nam, coi nó cũn cỡn thế nào ấy, mất đi biết bao làn sóng kiều diễm linh độngcủa cái áo dài xưa lúc chưa bị ảnh hưởng cái váy ngắn của Au Mỹ.

 

Hình 7: THƯỚT THA  

Ao dài cụt ngủn làm sao tạo được nét cong tha thướt diễm ảo này?  

Ơ chỗ này ta có thể nhận xét mấy tiêu biểu của Việt có phần thâm thiết hơn của Nho: đó là áp dụng vuông tròn vào việc ăn như bánh dầy bánh chưng. Điều này hàm ngụ hai ý nghĩa: thứ nhất việc đúc tuy nói về sự vật mà chính ra là nói về người. Người phải làm thế nào để cho hai chữ trời đất giao thoa nơi mình đúng liều lượng Giao chỉ (3-2) mới thực là con người chân nhân.  

Thứ đến sự đúc biểu thị bằng sự ăn, sự tiêu hóa, tức vuông tròn phải được tiêu hóa biến thể mới làm ra nét thưa ba. Vì vậy ngoài bánh dầy bánh chưng thì còn có truyện Trầu Không nói lên sự đúc một cách sinh động: cây cau chỉ trời, đá vôi chỉ đất, cây trầu quấn lấy cả hai, vậy đã là nối kết, nay lại được người nhai ra hòa lại, hóa nên một thực thể mới là màu đỏ tươi như máu, ý nghĩa của sự đúc thâm thiết biết bao. Cho nên tiên tổ đã dùng miếng trầu làm đầu câu truyện đúc ra con người. Thật là chí lý. Đến đây ta có thể đưa ra hai nhận xét một riêng một chung. Riênglà giữa Việt với Nho thì ta thấy Việt đi sâu hơn như vừa nhận xét về việc ăn, uống, ở. Vì vậy mà ta thấy Việt ưa những hoa văn có đường cong lớn, cũng như hiện thực mái nhà cong, thuyền cong trước người Tàu. Tàu cũng ưa đường cong nhưng như đã nói thường là đường cong nhỏ bé. Về nhà trong Kinh Lễ có câu (608) “phá ngung nhi ngõa hợp: phá góc để hòa hợp như ngói” (lợp nhà). Chưa hiểu tác giả câu nói muốn ám chỉ hình tượng nào, nhưng cứ xem chung thì đoán được đó là những sự hợp nhỏ bé y như một mái nhà gồm rất nhiều ngói vậy. Việt làm cong cả một mái nhà còn Tàu chỉ hòa hợp nhiều ngói trong mái nhà. Đó là nhận xét riêng.  

Còn nhận xét chung là đường cong không chỉ do lương tri hay khiếu thẩm mỹ, mà chính là biểu tượng của một nền triết lý thái hòa giữa tròn vuông, một nền triết hàm hồ thượng thặng. Lúc trước khi Đông Tây mới tiếp cận nhau thì Tây Au đã đánh giá rất lầm khi muốn kéo văn hóa Việt Nho vào một duy nào đó. Thí dụ bảo Việt Nho là vô thần, phe khác cho là hữu thần. Sự thực thì Việt Nho không hữu không vô, mà thuộc loại cong tức là tham dự vào cả hai, cả có lẫn không.  

Không mà lại có.  

Hữu nhược vô, thực nhược hư.  

Bảo Việt Nho là duy nào cũng sai: không duy tâm cũng không duy vật nhưng trong vật có tâm, trong tâm có vật, “âm trung hữu dương căn, dương trung hữu âm căn”. Đó là triết hòa trời với đất, hòa vuông với tròn, gọi kiểu khác là giao chỉ: hai chỉ trời đất giao nhau. Ap dụng vào thực tế đó là triết lý ưa chuộng hòa giải, lấy chín bỏ làm mười, tránh tuyệt đối hóa, tránh quan trọng hóa quá đáng một sự kiện, một biến cố, coi mọi sự trong thể biến động, nay còn mai mất, nên tránh lối sống khắc nghị, giữ tâm hồn thanh thản, tránh những lo âu phiền muộn: được thua cũng chỉ coi là gặp thời hay thất thời, tránh xa giai cấp, càng tránh xa hơn nữa giai cấp đấu tranh, thay vào là lễ nhượng kính tôn: lấy cách sống như chơi làm lý tưởng, uyển chuyển trong thái độ, uyển chuyển trong tâm hồn. Đây cũng là lý do tại sao tiền nhân ưa thơ, vì thơ là lôi nói làm cho sự vật mất góc cạnh, trở nên chập chờn, biến thực ra mộng, mộng ra thực: âm u dạt dào như những bức tranh thuỷ mạc diễn tả cùngmột tâm trạng: sự vật đã không có góc cạnh lại còn thường phủ lên bằng đám mây cong lượn. Tranh ấy cũng như óc sính thơ đều nằm trong ảnh hưởng của nét cong giao chỉ nọ.  

Xin thêm ít lời về sự thanh thoát: những đường chỉ nhỏ nét chạy dài có khi vòng bao cả sự vật là do luật tả nhậm hay luật chí trung hòa. Càng vào thì càng nhỏ, nhưng sức bao quát lại càng to. Cho nên nét thanh thoát là hệ luận của nét cong, nét cong thành bởi sự cong tròn nuốt nét vuông mà thành cong lượn. Muốn nuốt được nét vuông thì nét cong tròn phải đi vào, phải nhỏ lại… tức hiện thực nguyên lý có chí trung thì mới chí hòa. Và đó cũng là con đường để hiện thực được nét cong lượn cũng như nét thanh tú cách đúng tinh thần. 

Nhân loại đang đi tìm một triết lý thái hòa nghĩa là không tròn không vuông để có thể hòa đựơc tinh thần với vật chất, đông với tây, đạo học với khoa học… và hiện chưa tìm ra. Vậy xin giới thiệu cho tới nay mới có Việt nho là loại triết lý thứ ba đó, nó không hữu vi mà cũng chẳng vô vi, nhưng là an vi với đường cong bao la như vũ trụ: bao trùm lấy mọi cái góc cạnh. Đó là nền triết cần thiết cho thời đại mới khi chân trời của mọi tri thức đều mở rộng. Nhớ lại thuyết tương đối đã minh chứng sự vô dụng của toán học hình học cũ trong cái vũ trụ quan mở rộng này, chỉ vì nó thiếu nét cong bao la: theo hình học cũ thì hai đường chạy song song chẳng bao giờ gặp nhau. Đó là nói nhỏ chứ nói to ra vũ trụ hay chỉ trên địa cầu, hai chỉ cùng chạy lên bắc cực thì sức mấy mà không gặp nhau. Cũng vậy triết học cổ điển Tây Au xây trên những ý niệm sự vật bé nhỏ không thể hòa hợp nhưng nếu đặt nó vào cái vòng bao la vũ trụ thì chúng sẽ hòa hợp được hết, nghĩa là chúng được chứa đựng trong cái vòng thái hòa, cũng gọi là vũ trụ chi tâm.  

Chính vì thế, nên triết Việt nho nhằm lấy tâm vũ trụ làm lý tưởng tâm hồn, tâm hồn phải mở ra bao la như vũ trụ để có thể nói ‘ngô tâm thiện thị vũ trụ’ thì sẽ nói được “vũ trụ nội mạc phi phản sự” trong vũ trụ không việc gì không phải là nghĩa vụ của tôi. Cho nên nói được nét cong Việt tộc có thể dùng làm tiêu biểu cho việc kiến tạo nền triết hòahợp mà nhân loại đang mong tìm.

VIII. HIỆT CỦ HAY LÀ LỐI XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Hiệt Củ: hai chữ lấy trong sách Đại học, có nghĩa là dùng tâm mà đo người khác. Chữ “Hiệt” viết như chữ Khiết (cùng chữ mà âm khác) có nghĩa là tâm trong sạch lọc khỏi những ý niệm bái vật, lấy cái tâm đó mà đo người thì cũng như nói yêu người bằng mình, nhưng hai chữ hiệt củ có hơi hưởng cơ cấu (do chữ đo đạc) nghĩa như sau: ý đó cũng được diễn tả trong câu sau:  

“Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”. Điều mình không muốn ai làm cho mình thì đừng làm cho ai.  

Trên đây là một câu nói lên đạo xử thế rất phổ thông, nhưng thường được coi như của riêng Việt nho vì có tên là hiệt củ với lối trình bày gọn ghẽ và nhất là tiêu cực của nó.  

Tuy nhiên đến nay thì nó cùng với Việt nho đã trở nên lu mờ, nhiều người không còn dám động tới, hơn thế nữa nhà “cách mạng” vĩ đại của Tàu là Mao Trạch Đông đã đưa ra nguyên lý ngược lại là “điều mình không muốn ai làm cho mình thì hãy làm cho người khác”. Nhắc đến Mao chẳng qua vì Mao đã nhại câu cách ngôn trên, chứ có cộng sản nào mà không thi hành như vậy đâu. Tệ hơn nữa trên thế giới ngoài cộng sản, còn biết bao người cũng thi hành theo đó, nếu không vì vô tình thì ít ra vì không có tiêu chuẩn nào khác hướng dẫn, và rồi thấy làm như vậy cũng chẳng sao. Nói khác bất kể tới tiêu chuẩn hiệt củ mà rồi thấy đời cũng xuôi: cũng tiền tài sanh vọng đầy đủ. Cần chi phải hiệt củ, hay nói chung thì chẳng còn mấy ai thấy tiêu chuẩn hiệt củ là quan trọng. Vì thế bài này sẽ bàn đến điểm đó.  

Chúng ta đã bàn luận nơi khác về mục tiêu cuộc sống này là phải sống sao cho no tròn, sao cho phát triển hết mọi khả năng có thể được, cũng như đáp ứng được những nhu yếu, những khát vọng sâu thẳm nhất của con người, và khi đạt được thì dấu hiệu là sung sướng, an vui, nói gọn là hạnh phúc. Hạnh phúc cao hay thấp là phát triển được nhiều hay ít khả năng, đáp ứng được nhiều hay ít nhu yếu cao thấp. Như vậy kết luận được rằng cứu cánh cuộc đời này là đạt hạnh phúc, y như khi ta trồng một cụm hoa hay một cây trái ta mong cho cây ra nhiều hoa trái hết cỡ có thể vậy. Hóa công với con người cũng thế, nên đã là người thì phải là người hết cỡ, mà dấu hiệu là được hạnh phúc, cho nên ta chắc tâm rằng hạnh phúc là một tiêu chuẩn giá trị: nói rộng ra là cái gì làm cho ta vui thích, giúp ta có cuộc đời thoải mái thì đấylà điều hợp cho tiêu chuẩn trên, nói kiểu thông thường đó là điều phải lẽ, hợp đạo: khi ta cư xử với lân nhân mà ít nhất là không làm cho lân nhân bị khó chịu thì đấy là bước đầu tiên. Ta không vặn ti vi ồn ào làm phá vỡ bầu khí an tịnh của lân nhân, không hội họp ăn nói bô bô mãi tới muộn giờ làm ngăn trở việc ngủ nghê của lân nhân thế là “đúng đạo”.  

Đừng ngại hạ chữ đạo xuống đến những phép lịch sự như vậy: vì đạo cũng như đời sống làm nên bởi những cái nho nhỏ như vậy đó: cái sẩy làm nảy cai ung. Biết bao cuộc hạnh phúc tan vỡ, bao cuộc đời khổ luỵ truy căn ra cũng chỉ vì những cái nhỏ mọn làm nên. Vậy không làm cho ai khó chịu phải là bước đầu tiên, có giữ được mới không vô tình làm sứt mẻ hạnh phúc của tha nhân.  

Bứơc thứ hai tích cực hơn liên hệ tới những người bó buộc ta phải có sự tiếp xúc cụ thể hơn, như thân nhân hay lân nhân vì vậy khó hơn nhiều vì con người rất khác nhau ở sở thích, cái tôi ưa đã vị tất là cái anh thích, do đó có muôn vàn lối cư xử. Nhưng nhiều tới đâu ta cũng có thể quy ra hai loại lớn: một là nhân nghĩa hai là chủ nô. Cả hai đều căn cứ trên quan niệm về con người, một coi người như sự vật, còn một coi người như một thực thể riêng biệt, linh thiêng hơn vạn vật. Về quan niệm người như sự vật thì thực ra không có ai chủ trương rõ ràng như vậy, nhưng do cách đối đãi ta có thể rút ra hệ luận. Thí dụ lối chủ nô phát nguyên từ quan niệm coi trọng sự vật, không dám nói là hơn con người, nhưng trong thực tế thì như vậy, quan niệm đó đã kết tinh vào câu nói của cộng sản là hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng văn hóa. Thực tế là xưa kia các xã hội La Hy căn cứ trên tài sản để đánh giá người: có tiền đền trăm ngàn thì được quyền bỏ phiếu, không trăm ngàn nào thì không được bỏ phiếu nào. Đó là quan niệm căn cứ trên sức mạnh, do đó chính sức mạnh đã trở nên tôn chỉ của cuộc sống. Hội sống đi theo lối đấu tranh để sinh tồn, trong đó kẻ được thì chiếm đoạt nên có của và làm chủ, kẻ thua bị tước đoạt phải làm nô. Nô không là người mà chỉ là sự vật, chủ muốn giết hay bán đi đều tuỳ ý như bán một đồ vật. Vì vậy tuy không nói rõ ra nhưng hậu quả là thế tục coi con người như sự vật. Và xin nói ngay là chính quan niệm này đã chỉ huy các xã hội cổ xưa và đổ khuôn mọi liên hệ của con người vào mối liên hệ duy nhất là chủ nô.  

Ngày nay liên hệ này không hiện hình rõ rệt nhưng nội chất vẫn còn, vì thế triết hiện đại gọi là “I-that”: tôi với cái đó, “Je et cela”. Tất cả mọi người chỉ là cái “that” cái “cela” tuỳ quyền tôi quản lý. Khỏi nói thì ai cũng thấy cộng sản nắm giải quán quân trong việc thể hiện tương quan I-that này, biến các xã hội nó cướp đoạt được thành các nhà tù vĩ đại khốn khổ khôn lường. Tất cả bấy nhiêu khổ luỵ đã xa hay gần khởi nguồn từ quan niệm người như con vật, hay sự vật…  

Ngoài quan niệm người như sự vật thì có quan niệm người như người, mới nghe như nói quẩn, nhưng khi đã biết quan niệm người như sự vật thì mới thấy sự đặc biệt của quan niệm ngừơi như người vì lối giao liên của nó căn cứ trên nhân nghĩa đặt nền trên hai yếu tố: trứơc hết là định nghĩa con người trên nhân, Việt nho nói “nhân giả nhân dã” chính đức nhân làm nên người. Nhân là gì? Thưa là cái mà khi người nào có thì tỏ ra nhân tình, nhân hậu, nhân ái, nhân nhượng… Còn nghĩa là gì? Sách Trung Dung định nghĩa là “nghi”: “nghĩa giả nghi dã”. Chữ nghĩa do chữ nghi, mà nghi tối hậu là thuận theo trời cùng đất. Theo đó nói “thiên địa lưỡng nghi”. Theo nghĩa thông thường là thích nghi: thích nghi với tình người: nó tuỳ hoàn cảnh mà khác nhau. Hoàn cảnh đó khi nói cách tổng quát và với con người thì có 5 vị trí: 1/ vợ chồng, 2/ cha con, 3/ vua tôi 4/ anh em, 5/ bằng hữu.  

Đấy là nền tảng, còn khi pha trộn vào nhau cùng với thời gian không gian thì làm nên vô số trường hợp không thể nói hết, và lúc ấy cần đưa ra một nguyên lý thực tiễn để giúp đỡ đó là hiệt củ, dùng thước vuông mà đo: square measuring, nói đến vuông là nói đến cái gì có mốc giới, cụ thể, có một không hai trong lúc đó, nên chỉ có người trong cuộc có quyền quyết định, thày dạy hay sách vở không thể thay thế được, vì thế phải lấy bụng ta suy ra bụng người. Đó là câu nói bình dân diễn tả đạo hiệt củ: điều mình không muốn ai làm cho mình thì đừng làm cho ai. Đó là khuôn vàng thước ngọc.  

Nhiều người cho đó chưa là cao vì còn tiêu cực. Tất nhiên rồi, nếu nói trong lý thuyết thì chưa đủ cao thật. Muốn cao phải nói kiểu tích cực là điều tôi muốn người khác làm cho tôi thì tôi phải làm cho người khác thế mới tích cực, mới cao trội hẳn lên. Tuy nhiên đây là nói lý thuyết còn trong thực tế thì khó vô cùng. Thí dụ tôi muốn người giàu san sẻ cho tôi ít tài sản, thì tôi cũng san sẻ cho người khác. Nhưng cho ai? Bao nhiêu?…. nó kéo theo vô số vấn đề ghen tị (người có kẻ không) kẻ nhiều người ít, rắc rối vô kể. Vậy mà chưa hẳn trầm trọng cho bằng rất có thể phạm đến tự do tha nhân. Vì không phải bất cứ cái gì mình thích mà người khác thích, anh thích hot dog mà tôi đâu có thích, nay anh bắt tôi ăn, tôi không chịu, anh giằn tôi ra nhét vào thì đâu có làm cho tôi sướng. Đó chỉ là thí dụ để chỉ sự áp đặt mà lối yêu tích cực cơ thể dẫn tới, như ta thấy trong chế độ cộng sản.  

Đừng ai nghĩ rằng cộng sản không yêu người mà phải nói rằng cộng sản đã nảy sinh do lòng yêu người rất tích cực, họ bất bình vì thấy người bị tước đoạt, nên muốn chấm dứt nạn người bóc lột người, thế mà cuối cùng cộng sản đã trở nên những kẻ bóc lột người khác đến tận cùng, tước đoạt không những tài sản mà luôn cả ý nghĩ, cảm tình, những tình tự tư riêng thuộc bạn bè, anh em, cha mẹ. Ay chỉ vì họ đã yêu theo lối tích cực: họ giằn người ta ra để lèn vào những điều họ thích: vô thần, vô gia tộc, vô quốc gia. Vậy có nghĩa là lối yêu tích cực rất dễ đốc ra quan niệm về người như sự vật tức yêu kiểu chiếm đoạt, coi lân nhân như một đối vật mà mình cần chiếm lấy để làm ra của mình, tức bắt kết mọi người khác phải đồng nhất mình cả trong niềm tin lẫn tình cảm, ý nghĩ, đường đi nước bước.  

Đó chính là lý do tại sao Việt nho rất dè dặt không dám trình bày “hiệt củ” theo cung cách tích cực. Sách Trung Dung (13) nhắc lời Khổng Tử rằng:

 

Quân tử chi đạo tử, Khâu vị năng nhất yên: 

Sở cầu hồ tử dĩ sự phụ, vi năng dã.  

Sơ cầu hồ thân dĩ sự quân, vị năng dã  

Sở cầu hồ đễ dĩ sư huynh, vị năng dã  

Sở cầu bằng hữu dĩ tiên thi chi, vị năng dã  

Đạo quân tử có 4 điều mà Khâu này chưa làm nổi một:  

Phụng sự cha như tôi mong cho tôi phụng sự tôi, điều đó tôi chưa đạt.  

Phụng sự vua như tôi mong đại thần phụng sự tôi, điều đó tôi chưa đạt.  

Phụng sự anh tôi như tôi mong em tôi phụng sự tôi, điều đó tôi chưa đạt.  

Cư xử với bạn hữu tôi như tôi muốn bạn tôi cư xử với tôi, điều đó tôi chưa đạt.  

Tôi chỉ cố gắng hiện thực những đức thường thường: cẩn trọng những lời nói thông thường. Trong mấy khoản đó nếu có điều nào không đủ thì không dám không cố gắng, nếu có điều nào thái quá thì không dám không tận lực, sao cho lời theo việc, việc theo lời. Đó không phải là dấu chí thành của quân tử sao.  

Điểm khác thứ hai của lối nhân nghĩa là nhấn mạnh trên tình người mà bỏ nhẹ lý sự. Theo câu phương châm triết lý An vi: lý là lý sự mà tình là tình người. Đó là câu nói đặc biệt vì người duy lý thì đi theo quan niệm sự vật về người nên không trọng tình. Cần phải đi lối tình mới trông hiểu được người vì con người làm bằng 1 lý 9 tình. Muốn đạt tâm con người thì phải đi theo lối tình, Việt Nam quen nói tâm tình là vì vậy. Không có lối nào phát triển tình cảm tự nhiên, trong trắng bằng tình cảm gia đình vì đây là những tình cảm tự nhiên cao thượng, khi đã thấm nhuần những tình cảm đó thì dễ dàng xử với mọi người đúng hiệt củ, tức gây hạnh phúc cho người. Chữ hiệt củ Mỹ dịch là square measuring thì mới dịch có nghĩa đen. Chính chữ hiệt cũng là chữ khiết, là làm cho trong trắng cái thước đo, mà thước đo ở đây là bụng: suy bụng ta ra bụng người, nếu bụng ta tốt thì sẽ cư xử với người tốt, tốt bụng hơn hết thì không đâu bằng sự đối xử với nhau giữa những người ruột thịt. Vì vậy lấy tình nhà làmmẫu cho tình nước, gọi vua quan là phụ mẫu chi dân chính là thế: muốn cho vua quan yêu cái dân yêu, ghét cái dân ghét. Và khi vua quan đặt mình làm dân, và không muốn người cai trị làm cho mình những điều chi thì đừng làm cho dân những điều đó. Mọi mối liên hệ khác cũng rập khuôn như vậy. Đó gọi là hiệt.

IX. Ở ĐỜI

 

Thiên Nga hay Hồng Bàng là họ Thuỷ tổ nước ta. Trứơc kia tôi chỉ được nghe qua huyền thoại không cảm thấy mấy rung động, nhưng từ ngày tôi nhận ra nó liên hệ mật thiết với khảo cổ thì hai chữ Hồng Bàng bỗng trở nên óng ánh chói chang gây cảm xúc rung rinh tràn ngập, đã vậy còn mang theo cả hào quang cảu khách quan tính rất khoa học. Xin trình bày ít điểm sau đây:  

Khảo cổ nói ở đây là trống đồng Ngọc Lữ mà trên mặt có hai hình chim lớn đậu rợp nóc nhà sàn. Nếu chỉ xem có trống thì không mấy ý nghĩa, nhưng móc nối vào truyện Hồng Bàng thì giá trị tự nhiên bật nổi hẳn lên. Trước kia Hồng Bàng chỉ là một hình ảnh tượng trưng, nhưng nay nhờ trống đồng tôi thấy trực thị được hình ảnh về Hồng Bàng mà tiền nhân đã ấp ủ và tạc ra hình để lưu lại cho con cháu. Tôi thấy có một cái gì vững chắc dùng được làm bàn nhún có tính chất khách quan khoa học khiến cho cuộc ngoi ngược về nguồn (tố nguyên) trở nên đầy hứng thú.  

Thoạt đi vào huyền sử nước nhà ta liền nhận ra mình đang bước vào bầu trời tràn ngập những chim là chim. Trong khi quan sát ta thấy cả hai loại đáng chú ý: một là chim trĩ hai là con Hồng Hộc. Tôi nói loại mà không nói thứ vì thứ là phạm vi điểu học, hay cả khảo cổ, ở triết chỉ cần biết loại chim là đủ. Vậy trĩ là loại nổi hơn hết, lông được dùng để múa, để trang sức áo quần. Xưa áo các bà đều thêu hình chim trĩ, lông nó kêu là địch là vũ, nên áo đó kêu là địch y, vũ y… Vậy loại này thuộc về Việt rõ ràng như câu sách Kinh Thư nói Châu Từ cống lông trĩ ngũ sắc. Châu Từ là đất thuộc châu Dương của Di Việt cũng gọi là Hoài Di. Theo sách Quảng Đông Tân Nghĩa nói “tuỳ dương Việt trĩ”: con trĩ của Việt đi theo hướng mặt trời mà hình ảnh còn tràn ngập trong trống đồng đi theo vòng ngược kim đồng hồ. Còn trong nghệ thuật là con phượng. Phuợng bao giờ cũng vẽ theo hình trĩ, nên có thể coi Phượng là Trĩ. Sau Phượng Trĩ thì đến Hồng Hộc đứng tên cho Hồng Bàng thị của nước Văn Lang tức là tị tổ của ta đã nhận Hồng Hộc làm quốc điểu. Hồng Hộc là chim nước, con lớn gọi là Hồng, con nhỏ gọi là Hộc, cả hai thuộc loại chi chủ đề của Đông Nam Á. Hai chứng tích trên cho thấy huyền sử nước ta gắn bó với cả hai loại chim ngay từ đầu, từ lúc thờ mặt trời ghi lại bằng con “Việt Trĩ đi theo hướng mặt trời”, cho tới lúc chuyển sang thờ trời với chim nước mà Hồng Hộc dẫn đầu. Thiết nghĩ không những Tàu mà cả các chi Việt khác cũng không đâu có được sự gắn bó với chim như vậy. Có thể coi con Việt Trĩ là giai đoạn tổ tiên ta còn đang nằm trong khối Viêm Việt lúc còn thờ mặt nhật chưa tách ra thành một dân tộc riêng. Đó là điều chỉ xảy đến với nước Văn Lang được thiết lập vào giai đoạn thờ trời (xem sự phân biệt thờ trời và mặt trời ở Sứ Điệp). Như vậy là ta có một điểm tựa nào đó rồi để xác định lối Ở Đới được gói ghém trong hai chữ Hồng Bàng.  

Vậy Hồng Bàng là nhà chim tức cha ông ta lấy “điểu tục” làm lối ở đời của dòng tộc, của Hồng Bàng thị. Điều đó tối quan trọng vì việc “làm người” một cách siêu việt, Nho giáo quen gọi việc học làm người là xây nhà và việc thành nhân là vào được Nhà (nhập ư thái thất). Vậy sự bước được vào thâm cung của nhà chính là hiện thực được đầy đủ tính bản nhiên con người đại ngã tâm linh. Đây là ý tưởng rất sâu trong triết đã manh nha từ đời Hồng Bàng, thời nhận chim nước làm vật biểu và cố sống theo cung cách của chim là bay bổng. Sau này gọi nước là Việt thì vẫn còn giữ liện hệ với ý tưởng ban sơ này, vì việt có nghĩa là siêu việt, là bay lên cao như chim Hồng chim Hộc. Đó gọi là sống theo lối chim mà nho kêu là “điểu tục”, tổ tiên xưa đã bày tỏ “điểu tục” bằng nhiều cách, nhưng cách cụ thể hơn hết là lối ở nhà sàn, vì nhà sàn giống với tổ chim hơn bất cứ kiểu nhà nào khác: chim làm tổ trên cây thì cái sàn cũng ở lưng chừng nhà.  

Chỗ này phải ghi lại truyền thuyết nói rằng ông Hữu Sào làm nhà trên cây, nên gọi bằng tên đó, vì sào là tổ, Hữu Sào là người “có tổ”. Hình ảnh này hợp cho nhà sàn hơn hết, nên suy đoán được ông Hữu Sào chẳng qua là tên tiên thiên đặt ra để ghi việc sáng nghĩ ra nhà sàn, hay đúng hơn ghi việc gán nghĩa cho nhà sàn: một hình ảnh cụ thể hóa ý niệm người là trung gian giữa trời cùng đất. Trời chỉ bằng nó nhà có chim đậu trên, Đất chỉ bằng nền nhà, Người ở giữa gọi được là nơi giao chỉ (giao thoa của chỉ trời chỉ đất). Đó là hình ảnh tiến bộ cho thuyết Tam tài thiên, địa, nhân. Chính lối ở quy định bản tính con người, mà tính thì biểu lộ bằng tên, nên ta gọi cha ông là tiên nhân tức nói lên lối ở đời của cha ông như tiên. Tiên đi với chim, nên gắn hai tiếng vào nhau thành ra tiên tổ có nghĩa là muốn nên tiên thì phải ở ăn cách thanh thoát, mà cụ thể chỉ bằng nhà sàn làm cho người ở trên giống như chim ở tổ. Con cháu đã ghi bài học đó bằng gọi tiền nhân của mình là tiên tổ, là tổ phụ. Lâu đời quá không còn để ý đến chữ tổ có nghĩa là nhà chim trước khi chỉ các bậc tiên nhân: cao, tằng, cố, tổ. Chứ ban đầu theo ý nghĩa sơ nguyên thì mấy tiếng đó (nhà sàn, tiên tổ) mang đầy ý nghĩa rung rinh thắm thiết: lối ở nhà sàn quy định tính con người biểu thị bằng tên (là tiên, là tổ, là hữu sào) là như vậy. 

Bây giờ xin hỏi thêm lối ở đó có ảnh hưởng đến vấn đề ăn mặc chăng. Thưa có đó là tiên tổ ta đã hóa trang chim: áo, xiêm, mũ tất cả đều làm bằng lông chim, như ta thấy hình ảnh trong trống đồng những người trang sức bằng lôn chim và đang cầm khiên, mộc, giáo, phách để múa (đã nói cặn kẽ trong quyển Sứ Điệp). Nên nhớ đời xưa tục múa bằng lông chim rất phổ biến, đến đời vua Thuấn, vua Vũ cũng còn múa kiểu đó. Cả trường Bích Ung nhà Chu cũng còn múa như vậy, thì đủ biết cái nét đặc trưng nọ rộng và xưa biết bao: hễ đâu có múa lông chim là đấy có “Hồng Bàng chút giọt máu đào”, có Xích Quỷ, có Văn Lang. Không ngờ chỉ một cái tên, một câu tục ngữ lại trở nên chìa khóa vững chắc cho cuộc thám hiểm vào nền văn hóa nước nhà đến như vậy. Ay là nhờ trống đồng đã ghi lại chói chang hình ảnh cái nhà chim, với cuộc ca vũ của những người đã hóa trang chim. Nó mở chân trời cho ta bước đi vững vào khu rừng già của huyền thoại Trung Hoa cổ đại để biết đích xác hơn những chi tộc thuộc về ta, cũng như chứng thực Nho giáo đã bắt nguồn tự Việt vậy.  

Trước hết về chim, với Tàu xét như vật biểu thị không thấy dấu nào rõ như Hồng Bàng. Tàu chỉ có mờ mờ về chim cú xem ra là vật tổ của Hoàng Đế, còn không có một lâu đài rực rỡ đầy chim như trống đồng. Chỉ về sau có chim chu tước hay hỏa tước đời Chu nhưng chắc chắn là mượn con “tuy dương Việt trĩ” của ta, như khoa khảo cổ nhận thấy loại chim đó (quen gọi là chim nhà Hán cũng gặp ở Bornéo) thì biết là mượn của Viêm Việt. Về chim nước thì rõ ràng là của ta. Các nhà nghiên cứu đều ghi nhận chủ đề chim nước là của Đông Nam Á. Tàu chỉ có cá vậy là duy thuỷ. Phải gọi là chim nước mới là âm dương giao chỉ (bay được trên trời mà vẫn sống được dưới nước).  

Còn nhà của Tàu thì có vừa muộn về sau, vừa không vươn lên đến độ triết lý Tam tài. Nói muộn vì mãi đến thế kỷ 13 tr.c.n, thủy tổ nhà Chu là ông Đản Phụ còn phải ở hang. Kinh Thi phần Đại Nhã bài Miên (237) nói: “Cổ công Đản phụ, đào phúc đào huyệt, vị hữu gia thất”: ông Cổ Công Đản Phụ còn ở lò nung gốm và hàng, chứ chưa có nhà. Đào phúc là lò nung gốm, còn đào huyệt là hang khoét vào đất để ở. Do tính chất đất (loes) hoang thổ miền Thiểm tây có thể làm như vậy. Các nhà nghiên cứu đoán rằng chính loại hang này đã gợi ra lối chữ viết chỉ nhà gọi là gia, kép bởi bộ miên là nhà và thỉ là heo: vì lúc ấy người Tàu cũng như Au Châu trung cổ còn nuôi súc vật chung trong một nơi với người. Xem thế đủ biết khi nho nói về lối ở (cư) về nhà (thái thất) về tính con người… thì đều khởi nguồn tự văn hóa Việt được phân tích như sau:  

Trong Nho có hai tiếng để chỉ nhà liên hệ đến vấn đề này một là gia hai là thất. Gia là cái gì vòng ngoài chỉ con trai, chỉ thói tục (nhập gia tuỳ tục), còn thất chỉ con gái, chỉ cái gì thâm sâu như bản tính con người, nên câu “vào được nhà: nhập ư thất” phải hiểu là nguời khi đã đạt thân, tức hiện thực được nhân tính. Chữ thất giống với nhà sàn ở chỗ có ba bộ miên, công, thổ (thực ra bộ phận giữa không rõ, nhiều học giả cho là chữ công biến thể). Như vậydạng tự chữ thất thuận lợi để chở theo ý nghĩa Tam tài cũng như nhà sàn. Trong Kinh Thi (bài Si Hiêu) chim cũng gọi nhà của nó là thất, như vậy lại thêm một liên hệ nữa chỉ Hồng Bàng là nhà chim.  

Sau nhà thì đến việc ở. Nho giáo cũng đặt vào đó sự quan trọng rất mực. Trong lễ gia quan là lễ khai mạc cuộc đời tự lập của con người, cha nói với con khi được nhận mũ phải biết ở chỗ rộng lờn trong thiên hạ tức biết hiện thực đại đạo:

 

Cư thiên hạ chi quảng cư  

Hành thiên hạ chi đại đạo  

Chư cư được các học giả đồng hóa với chữ tâm chí, tức để chí vào đâu gọi là ở đó, còn chữ hành đi với thân theo như Mạnh Tử phân biệt:  

Cư chi ư tâm giả  

Hành chi như nhân giả.  

Nghĩa là khi nói ở đời thì phải hiểu về cái tâm tức về cái chỗ của mình để lòng vào. Vậy đâu là chỗ con người phải để lòng vào. Nói khác cái gì làm nên con người? Cái ăn hay cái ở? Đây là chỗ rất lộn xộn, chúng ta thường nghe người nay nói: anh ăn cái gì, anh là cái ấy: “you are what you eat”. Còn Việt nho xưa lại nói:  

Vô nghĩa vô lễ hà dĩ vi nhân: không lễ không nghĩa lấy gì để làm người tức cái làm cho người ra người không phải là cái ăn mà là cái ở, ở sao cho có nghĩa có lễ. Thiếu lễ nghĩa thì không có gì để làm người. Giữa những câu nói trái ngược đó chúng ta cần phân tích để tìm câu đáp ổn thỏa. 

Ai cũng thấy rằng trong con người có hai loại nhu yếu một là ích dụng như ăn, ở, đi, lại… hai là loại phí ích dụng như các loại tình tự, cư xử, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, liêm xỉ… Vậy trong hai loại đó, loại nàolàm nên conngười. Duy vật chủ trương là loại một, ngày nay gọi là kinh tế. Đôi khi có dùng tên khác như xã hội, nhưng xã hội lại do kinh tế chỉ huy nên người vẫn là người kinh tế “homo economicus”. Trái lại tâm linh sử quan đặt căn tính con người trên những đức tính phi ích dụng: có thể tóm vào chữ nhân. Vậy nói “nhân giả nhân dã” là khước từ vai chủ động trong con người không phải là kinh tế mà là tình người. Chính chữ nhân mới làm nên con người chứ không phải cái anh ăn vào miệng. Nói vậy không có nghĩa là không chú ý đến ăn. Bài sau sẽ cho thấy ăn còn được tổ tiên chú ý hơn các nơi: nhưng nói cho cùng tâm trí con người chưa cần lưu ý đến cái ăn thì đã có dạ dầy nhắc nhở, điều đó giống với các con vật khác cũng thế, nên đây không phải là cái làm nên con người, phải tìm ở chỗ khác: ở chỗ tình người. Đấy là điểm một.  

Điểm hai là trong các mối tình người có hai loại là tích cực như yêu thương quảng đại và tiêu cực như hận thù, oán ghét, ta hỏi loại nào thuộc bản tính con người. Việt Nho cho là loại tích cực tức cái làm nên bản chất con người là những đức tính cao cả những mối tình quảng đại, yêu thương, nhân nhượng… chứ không phải những khuynh hướng ngược lại như căm thù, nham hiểm, độc địa… Chính theo định nghĩa tiên thiên trên mà Mạnh Tử đã cho tính con người là tốt. Tuân Tử đã chống đối cho tính con người là ác. Nhiều người như Cáo Tử không biết bên nào phải nên chủ trương tính con người trung hòa không tốt không xấu, tuỳ uốn nắn mà ra tốt hay xấu mà thôi. Chủ trương như Cáo Tử là lối ba phải thường nghiệm không đi tới triệt để, nên cũng không tìm ra được tiêu chuẩn để phán quyết thế nào là tốt thế nào là xấu.  

Vì vậy cần đi xa hơn đến chỗ triệt cùng và lúc ấy ta nhận được điểm giàn hòa giữa Mạnh và Tuân. Tuân Tử cho là xấu vì căn cứ trên hậu thiên, trên hiện tình con người thì quả là xấu có đầy. Kant cũng nói theo hướng Tuân Tử rằng con người làm bằng một thứ gỗ quá cong vẹo không trông làm nên được cái gì tốt. Mạnh Tử theo thuyết này, nhưng không triệt để nên ông còn trừ ra mấy thánh nhân như Nghiêu, Thuấn, nhưng học giả Legge đã chối luôn cả trường hợp ngoại lệ nọ, cho là không thể có dù chỉ một người trọn vẹn tốt. Legge có thể coi như đại diện quan niệm hậu thiên của Tây Au cho rằng con người vì mắc nguyên tội, nên dẫu tiên thiên có tốt nhưng không còn phương thế tự nhiên nào lấy lại được trạng thái “nhân chi sơ” đó nữa. Quan niệm của Mạnh Tử vì đặt trên căn bản triết lý nhân chủ nên cho là có thể lấy lại được. Theo đó ta cần xét tới lập trường của Mạnh và Tuân.  

Vì chúng ta đang đi tìm một định nghĩa con người tuy có lấy thực tiễn làm trọng nhưng lại không bỏ qua tính chất lý tưởng nên cần đặt vấn đề như sau: xét trong con người hiện tại xấu có tốt có = có cả lòng muốn yêu người, yêu hết mọi người, thích quảng đại, bao dung, nhân nhượng, nhưng đồng thời cũng có khuynh hướng ác độc, căm thù, báo oán, gian tham…  

Cả hai khuynh hướng nguợc chiều đó đều hiện diện trong con người, nên Việt nho cho người là nơi quỷ thần hội tụ. Con người vừa là thần vừa là quỷ. Và trong thực tế, chủ nhân của con người có lúc là thần có lúc là quỷ, tuỳ ý chí con người quyết định. Vậy xin hỏi cứ tiên thiên mà xét thì chủ nên là thần hay quỷ. Nếu là thần thì tức là bản tính con người chính là những đức tính nhân ái, bao dung, quảng đại, và đó là chủ trương Việt nho khi nói “nhân giả nhân dã”. Vậy ta hãy xét xem câu trên có đúng chăng. Để thấy điều đó nênx em trong con người ý hướng mạnh nhất là gì: ghét hay yêu? Có thể nói đó là yêu, ai cũng muốn mọi người được hạnh phúc sung sướng, mà cụ thể là muốn mọi người được tự do, no ấm… Đó là điều rất rõ, khi xét các triết thuyết, các đạo lý, các đảng chính trị cũng như các phong trào bao giờ cũng thấy xây trên ý hướng yêu thương, đến nỗi như cộng sản hễ thở ra là phải nói đến căm thù, phá hoại, nhưng cũng chỉ coi đó là bước tuy cần thiết để dẫn tới giải phóng con người khỏi nạn bóc lột, khỏi nạn vong thân, nếu vậy thì dự phóng căn bản cũng là yêu thương, cũng là tốt!  

Như thế cần phải tìm bản tính con người trong phía yêu thương quảng đại, công bằng, kính trọng tha nhân. Mạnh Tử đã minh họa bằng những ý hướng vô vị lợi trong con người mà ông gọi là tứ đoan: 4 cái khởi đâu:

 

Một là lòng chẳng nỡ đối với người khác.  

Hai là lòng hổ thẹn khi lầm lỗi.  

Ba là lòng từ nhượng.  

Bốn là biết phải biết trái (II.6)  

Đó là những mối tình chớm nở một cách đột nhiên ai cũng có. Nó có tính cách vô vị lợi, thí dụ khi thấy đứa trẻ gần rơi xuống giếng tự nhiên ai cũng muốn cứu không cầu cái chi như sự ghi ơn của mẹ cha đứa nhỏ. Những tình cảm đó rất tự nhiên ở đâu và bao giờ cũng có như vậy, nên kết luận được đó là bản tính con người, tức là nó đã có trước khi con người đựơc dạy dỗ như vậy, cũng như trải qua cuộc đời đầy nham hiểm độc ác mà những mối tình kia dẫu bị chà đạp có khi tắt hẳn ở một số người nhưng nói chung thì nó không bị tiêu diệt, vẫn còn tìm cách vươn lên, vươn lên được nhiều hay ít là tuỳ hoàn cảnh mà nho gọi là mệnh.  

Mệnh là những gì hạn chế khả thể hiện thực của ta: nó đi cả với những đức tính vươn lên như nhân nghĩa, quảng đại… nó không cho ta hiện thực những đức tính đó một cách đầy đủ như ý muốn: mệnh cũng đi với những điều xác thân ta ham muốn như những thèm khát nhục thể cũng đều thuộc thiên tính (thực, sắc, thiên tính dã) và đấy là trường hoạt động đã dành cho mọi người. Con nười phải làm thế nào để vượt qua những mệnh, những trở ngại kia. Phải phân biệt thứ nào căn bổn, thứ nào tuỳ phụ để biết đặt quan trọng trúng chỗ. Nếu đặt đúng để phát triển cái phần chính cốt làm nên con người thì sẽ là đại nhân, ngược lại là tiểu nhân. Việt nho gọi đó là tu tâm, tâm cần được nuôi dưỡng bằng những mối tình yêu thương, quảng đại, bao dung, nhân ái. Những mối tình cao cả quảng đại đó là những món ăn tinh thần nuôi dưỡng cái tâm cái chí, nếu nuôi được đều đặn thì nó sẽ lớn lên dần cho tới độ to bằng với vũ trụ, lúc ấy gọi là “vũ trụ chi tâm”, vì tâm mình to lớn đủ để bao dung khắp vũ trụ. Nguyễn Công Trứ nói “vũ trụ nội mạc phi phận sự” = không gì trong vũ trụ mà không là việc của tôi. Đấy là phần tâm cũng gọi là chí, còn phần hiện thực bằng tác động thì được đại diện bằng cái gọi là khí. Khí phải đựơc nuôi dưỡng bằng những việc công minh chính trực, những nghĩa cử bất vụ lợi. Được nuôi như thế lại không bị hại nó sẽ lớn lên dần để trở thành kh1i hạo nhiên đầy khắp trong khoảng trời đất “kỳ vi khí dã, chí đại chí cương, dĩ trược dưỡng chi vô hại, tắc tắc hồ thiên địa chi gian” Mạnh II 2  

Với chí khí lớn lao như vậy thì gọi là Đại Ngã Tâm Linh hay cái bản tính tiên thiên của con người. Đó là lập trường của Việt nho, nó trung dung ở chỗ không gảy bỏ tính ác khỏi con người, cho rằng con người có cả ác, nói bóng là có cả quỷ cả thần, nhưng thần phải làm chủ; nói theo cơ cấu “vài ba” thì quỷ 2 thần 3, 2 là thực và sắc, còn 3 là tâm (chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài) với những mối tình cao thượng. Chính cái này mới làm nên con người. Sở dĩ người ta ít thấy được vì bị hai nhu yếu dưới (thực và sắc) choán hầu hết năng lực. Nhưng nếu đáp ứng được hai nhu yếu kia rồi, thì người ta liền nghĩ đến điểm ba và dễ dàng nhận ra thiếu nó thì người không ra người. Như vậy thần chỉ vượt hơn quỷ một điểm, nên chỉ là chủ tương đối, có thể bị lấn át, và đấy là chỗ dành cho sự đóng góp của con người, nêu con người đóng góp hữu hiệu thì thần là chủ, con người sẽ có tính thiện, tất cả mọi người đều có thể trở nên thiện. Đó là quan niệm của Việt nho, trung dung tránh hai thái cực là cùng cực tốt hay cùng cực xấu. Vì vậy Việt nho không đặt Đạo ở rất cao xa vượt hẳn con người, nhưng đặt vào những mối nhân luân thường ngày, nói là Đạo của Nghiêu Thuấn tức hai vị được coi là thánh thì cũng chỉ tóm vào hai chữ hiếu đễ mà thôi. “Nghiêu Thuấn chi đạo hiếu đễ nhi dĩ hĩ”. Đó là đại lược quan niệm về con người đặt vừa tầm sức con người để có thể hiện thực. 

Sau khi đã nghiên cứu hết mọi nền triết lý, tôi đoan quyết rằng không phải bất kỳ nhà nào cũng có thể đưa ra một hướng đi, một hướng ở đời. Phải, không phải nhà nào, không phải house nào kể cả White House mà phải là Việt House mới có thể cung ứng cho con người một nơi ở xứng hợp với bản tính con người: nhiều nơi con người hoặc còn nằm trong bậc bái vật thì làm chi có “nhà” hiểu là thái thất ba tầng. Nhiều nơi khác như Au Mỹ lại đang luẩn quẩn ở vùng ý hệ nên cũng thiếu nhà luôn; cùng lắm có gia, chưa có thất nên kể là thiếu nhà. Chứng cớ là tiếng homeless được nói vang lừng trong sách triết. Ngừơi Việt chịu bỏ công ra học hỏi trở lại về nguồn gốc văn hóa nước nhà để nhận thức trở lại giá trị cái nhà Việt thì sẽ khỏi phải thanh phiền vì nạn “thiếu nhà” mà chỉ cần dồn hết tâm lực vào việc trùng tu ngôi nhà Hồng Bàng thái thất và cố gắng vào ở (cư chi) cho tới ngày đạt hạnh phúc là vào đặng trong nhà Hồng Bàng mà Nho gọi là “Nhập ư thất” còn Việt gọi là “Vũ hóa” trở nên có cánh, trở nên con Bạch Hạc vỗ đôi cánh thiên nga bay tuốt lên cõi Thiên Tiên Đại Vũ Trụ.

X. ĂN: PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT Á CHÂU TRONG NƯỚC VĂN LANG

 

Một trong những điều đã làm K.Marx vang lừng danh tiếng kéo được vô số trí thức tận tình ủng hộ đó là việc “khám phá” ra rằng con người cần phải có cơm ăn áo mặc nhà ở… trước khi nghĩ đến chính trị, tôn giáo, nghệ thuật. Chính vấn đề ăn mặc gọi bằng tên tổng quát là kinh tế nó chỉ huy thượng tầng kiến trúc văn hóa… Lịch sử loài người toàn là truyện tranh ăn nên thượng tầng văn hóa của nô lệ thường dân, nói khác là văn hóa của người bị trị, bị đàn áp do văn hóa của kẻ thống tri… Đại để đó là những nhận xét đã được Engels gọi là khám phá vĩ đại, chính nó đã gây ảnh hưởng quyết liệt trên hoàn cầu, thúc đẩy mọi người hướng trọn vào việc sản xuất đầy đủ những nhu yếu về ăn mặc… Chính vì thế ta thấy Việt cộng lúc nào cũng nói đến sản xuất. Đang đêm đột nhập Lâm Đồng cũng hỏi linh mục ở đấy bác có sản xuất chăng. Đủ biết hai chữ sản xuất đã ám chúng đến mức độ nào. Đó là hậu quả của một cuộc “khám phá” do Karl Marx.  

Người Việt Nam đọc đến đây không khỏi bỡ ngỡ đặt câu hỏi tại sao một việc quá thông thường lại gây nên được hiệu lực lớn lao như kia. Có gì lạ đâu: bên ta dù em bé chăn trâu không đi học cũng thường nghêu ngao câu tục ngữ “có thực mới vực được đạo” tại sao câu nói của K.Marx xét về nội dung không khác lại được đề cao như một khám phá vĩ đại và đã gây ảnh hưởng lớn lao đến thế. Để thấy điều đó cần phải nhớ lại môi sinh văn hóa Tây Au là duy tâm nơi mà triết lý là một ý hệ tức xây trên những ý niệm trừu tượng xa thực tế như vấn đề ăn mặc, vì vậy sự nhận xét của K.Marx quả là một “khám phá mới lạ”, mới lạ với bầu khí duy tâm của Tây Au trước kia. Đấy là điểm một.  

Điểm hai là hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng văn hóa cũng có thực nữa: vì xét tới cơ cấu mới thấy văn hóa Tây Au xây trọn vẹn trên lợi hành, trên sự đấu tranh giai cấp và văn hóa của chủ đã thắng văn hóa của nô, tức những nền triết lý chính thức được nhận vào chương trình học tập hàn lâm: Plato, Aristotle, Kant… toàn vô tình vào phe chuyên chế để đè bẹp tự do nhân phẩm con người (điều này mới nghe tưởng như trái ngược nhưng sự thực là thế, xin xem phân tích trong quyển Sứ Điệp Trống Đồng) vì vậy phải công nhận K.Marx đã nói rất đúng, nhưng chỉ đúng cho Tây Au và cũng chỉ có đến đấy, còn về phương pháp đề ra là duy vật sử quan, duy vật biện chứng với nền thống trị của vô sản chuyên chính cũng lại sai lầm trầm trọng như giải pháp duy tâm, để khỏi nói là gây tai họa bi thảm hơn nhiều: nghĩa là dân chúng vẫn khốn khổ vì miếng ăn, mặc dầu đảng và nhà nước đã giết hại hàng trăm triệu người để thiết lập đường lối mới nhằm tạo cơm áo cho mọi người. Hãy lấy thí dụ cụ thể về nước ta khi Việt cộng đã tiêu diệt cả triệu người để thiết lập triết lý lao động vinh quang mà toàn dân nước hiện đang đói như chưa từng khi nào có trong lịch sử, thì đúng là sự sai lầm của cộng sản rất trầm trọng.  

Xưa kia nếu đói có thể đổ cho sự thiếu chăm nom của chính quyền. Ngược lại ngày nay chính quyền lo đêm lo ngày bắt dân làm việc không còn giờ nghỉ, vậy mà lại đói khổ hơn thì đủ biết sai lầm không nằm trong sự thiếu đường hướng mà nằm chính ngay trong đường hướng. Đấy là hậu qủa của triết lý một chiều duy vật. Việt cộng đổ cho đủ thứ: Mỹ, nguỵ, thiên tai… nhưng các nước cộng sản khác kể cả nước đầu xỏ là Nga cũng chỉ cao hơn Việt cộng, chứ so với các nước tự do thì mức sống còn thấp kém hơn rất nhiều.  

Xin hỏi đâu là căn do của sự vụ trái ngược nọ: tức từ khi khám phá ra sự quan trọng của việc ăn uống và chú tâm tới thì dân lại đói dài? Thưa là tại triết lý. Xưa kia đói là do triết lý duy tâm không lo cho dân còn nay là duy vật lại chỉ lo có miếng ăn: bề ngoài chống nhau như nứơc với lửa, nhưng cả hai cùng nằm trong một bình diện, nên hậu quả nay với duy vật cũng vẫn đấu tranh giai cấp, còn mở rộng thêm ra khắp vũ hoàn, thì hậu quả tất nhiên vẫn là chủ nô, chỉ đổi có cái tên: chủ thành kẻ thống trị còn nô là người bị trị. Người bị trị tuy không còn bị gọi là nô nhưng tình cảnh bi đát hơn nhiều vì không những đói cơm đói gạo, mà còn đói tai mắt, đói chân tay, đói tình cảm, đói ý chí, đói sáng tạo v.v…  

K.Marx không sống đủ dài để thấy hết sự sai lầm của mình nhưng đã có lúc mở tầm mắt xa hơn, để thấy rằng Á Châu không hẳn đúng với cái khuôn của mình đã đề ra là hạ tầng chỉ huy thượng tầng, nên đã đặt ra vấn đề phương thức sản xuất Á Châu, với ngầm ý là lịch sử loài người có thể đi lối khác với lối giai cấp đấu tranh mà có lẽ Á Châu là một thí dụ. Tuy nhiên K.Marx đặt ra vấn đề nhưng không tìm ra giải đáp nên sau bỏ qua. Có hai lý do bất lực. Một thuộc chủ quan là vấn đề tâm lý: nếu nhìn rõ ra được phương thức sản xuất Á Châu thì khám phá của K.Marx hết là “khám phá” mà chỉ còn là sự thực quá quen thuộc của Á Châu đã có từ nhiều ngàn năm lịch sử trước rồi, không để lại chi cho K.Marx khám phá nữa. Thứ đến sự thực nọ sẽ đánh đổ hệ thống tư tưởng duy vật sử quan, nghĩa là trong nhân loại có những nơi không theo duy vật cũng như duy tâm, thế mà tài sản lại được phân chia đồng đều hơn. Nếu vậy thì còn gì là chủ thuyết duy vật sử quan. Huống chi đối với cộng sản thì đảng tính phải vượt trên sử tính: nói cho dễ hiểu là khi nghiên cứu lịch sử, văn công phải chú ý uốn nắn sự kiện theo chỉ thị của đảng hơn là theo ánh sáng khách quan của sự kiện.  

Về phần khách quan cũng không có gì trợ giúp cho cộng sản thấy được phương thức sản xuất Á Châu như thế nào. Trước hết vì cho tới nay chưa ai thấy nó ra sao: không nói chi đến các văn nô cộng sản bị trói buộc do đảng tính, thì chỉ có thể thấy một hai lối trung ương tập quyền ở một vài nơi rồi mở rộng đại ra cho cả Á Châu. Đấy là phía cộng sản, còn phía các học giả tự do cũng lờ mờ nốt, hầu như chẳng ai ít ra trong phạm vi triết thấy được cách sáng tỏ, thế mà có thể thấy được sự khác biệt giữa Á Au, mới đáp được câu hỏi đâu là nét đặc trưng của phương thức Á Châu.  

Sau này thấy nền kinh tế Xô Viết vẫn không đủ khả năng nuôi dân, Staline trở lại vấn đề và cho rằng phương thức sản xuất Á Châu ở tại tập trung sản xuất theo kế hoạch và sự kiểm soát của chính quyền. Thế rồi đem áp dụng vào nông nghiệp của Nga: kết quả vẫn không đủ ăn và nhất là phẩm quá kém, thóc gạo thì mốc, khoai sắn thì thối mục. Có phải tại phương thức Á Châu đâu, đó chẳng qua là lối nhìn của cộng sản và một số học giả Tây Au. Hoặc là chữ Á Châu quá rộng nghĩa bao cả An Độ và Cận Đông. Nếu nói gọn vào Trung Quốc và nhất là Việt Nam thì phương thức đó trái ngược hẳn lại cái nhìn của Staline.  

Vậy sau đây là tóm lược phương thức đó: như được hiện thực trong nước Việt cổ đại gọi là Văn Lang. Sở dĩ chúng tôi nói tới Văn Lang hơn là Trung Quốc là vì về vấn đề này Văn Lang chính truyền hơn, đang khi Trung Quốc phần nào đã bỉ bẻ quặt theo du mục bắc phương, nên giống Tây Au nhiều hơn.  

Vậy phương thức sản xuất Á Châu trong nứơc Văn Lang ở tại bốn chữ tự do bình sản. Vì tự do nên không có chế độ nô lệ. Còn bình sản là ai cũng được tham dự tài sản quốc gia theo định chế định kỳ quân cấp lại ruộng đất. Vì vậy không có tư bản với vô sản. Nhưng đó mới là hai hậu quả bên ngoài, còn gốc rể của nó là chi? Chắc chắn không phải duy tâm sử quan, cũng không phải duy vật sử quan mà là một vũ trụ quan khác. Ta hãy đặt cho nó tên là tâm linh sử quan. Theo nghĩa thông thường “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” hoặc nói vắn tắt “có thực mới vực được đạo”: thực là ăn trở nên điều kiện tiên quyết để hiện thực đạo. Tuy vậy theo Việt nho thì đạo mới là phần chính, phần cốt cán của con người, phần làm nên con người. Còn tài sản, hay nói đơn sơ là vấn đề ở ăn tuy rất cần nhưng đó chỉ là điều kiện mặc dầu là điều kiện bất khả vô, nhưng mới là phần ngoài: phần chính bản tính con người phải là tâm linh.  

Tâm là chính cốt đến nỗi thiếu nó con người không thể giải quyết vấn đề ăn mặc. Như được chứng tỏ trong thế giới duy vật cộng sản nay, cũng như thế giới duy tâm của Tây Au xưa, cả hai nơi chỉ chừng 20% dân là chủ, là có ăn, còn 80% là nô không có ăn, mà chỉ được nuôi sống như người ta duy trì những con vật để nó kéo cầy, chứ có được vươn lên đến những tầng cao đâu. Ta có thể cảm nghiệm ngay trong mình điều đó: chỉ khi hết bị dằn vặt về vấn đề sinh sống ta mới nghĩ đến được những vấn đề cao thượng thụôc văn hóa. Nhưng nếu nghĩ đến văn hóa đúng cách thì nó lại giúp rất nhiều vào việc mưu sinh. Nói vậy có nghĩa con người là một toàn thể không thể cắt lấy một phần mà lo cho được, không thể cắt rời việc ăn mặc ra khỏi vấn đề văn hóa tinh thần để lo cho chu đáo hơn, trái lại nó sẽ tệ hại hơn rất nhiều. Muôn cho con người có ăn thỉ phải lo đồng đều cả ăn mặc cả tinh thần, nói theo triết lý là lo cho cả ý, tình, chí. Chỉ lo một ý sẽ dẫn đến tai họa.  

Xin mở dấu ngoặc để nói về trường hợp Mao Trạch Đông đã đựơc tiếng là có óc sáng tạo mà không mù quáng theo K.Marx. Vậy tất cả sự “sáng tạo” của Mao là biết tựa vào nông dân Á Châu mà theo K.Marx chỉ còn có một vai trò lịch sử là chết đi để làm phân bón cho cây cộng sản. Mao đã làm trái hẳn lại điều đó. Tuy nhiên Mao thành công không do cái nhìn của triết mà là hậu quả của lương tri: sau khi Mao đã theo lối hướn dẫn của Staline dựa trên thợ thuyền rồi thất bại tam tứ thứ mới quay về với nông dân. Vì vậy với sự quay về đó Mao đã không dọi được tia sáng nào vào vấn đề sản xuất Á Châu cả.  

Biết đại để như thế rồi bây giờ ta hãy liếc nhìn cách Việt cộng tìm lối đáp cho vấn đề phương thức sản xuất Á Châu. Ta thấy chúng rất hăm hở về đề tài này, vì là đề tài đã được bàn tới rất nhiều trong thế giới cộng sản, và vẫn chưa tìm ra đáp số nên nếu Việt cộng tìm ra được lời đáp đúng thì lúc ấy chúng sẽ có một đóng góp ngoạn mục cho vấn đề nóng bỏng kia và lẽ ra chúng phải tìm ra được. Là vì phương thức đó đã hình hiện lên trong nước Văn Lang một cách chói chang, cũng như được bảo lưu qua bao thế hệ của Việt tộc cho tới tận đầu thế kỷ 20 này. Chỉ cần trút bỏ “đảng tính” tức trú bỏ thành kiến do Marx, Staline đã lèn vào đầu óc để xét lịch sử một cách khách quan sẽ thấy phương thức Á Châu, hay ít ra phương thức đó đã hiện thực ở Việt Nam ra sao.  

Muốn biết đặc tính của một phương thức sản xuất thì cần xem dấu biểu lộ ra ngoài rõ hơn cả, đó là vấn đề có giai cấp hay không có giai cấp. Nếu có giai cấp thì tức là có kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Đó là liên hệ chủ nô. Hỏi rằng ở Việt Nam cổ đại là nước Văn Lang có nô lệ chăng, có giai cấp chăng? Đây là chỗ lúng túng của Việt cộng nên chưa đưa ra được câu đáp khoa học.  

Để trả lời câu hỏi này, cần trước hết phải phân loại giai cấp, để tránh tình trạng tiền đề nói về một sự kiện, đến tiểu đề hay kết luận nhảy sang sự kiện khác dưới cùng một danh hiệu. Theo đó ta thấy có đến bốn loại giai cấp:  

Giai cấp giàu nghè quý tiện  

Giai cấp cai trị và dân gian  

Giai cấp kẻ thống trị và người bị trị  

Giai cấp chủ nô  

Thứ đến phải định nghĩa thế nào là giai cấp mình muốn nói tới. Phải tránh hẳn lối nói khơi khơi thiếu định nghĩa, rồi sau thấy không ổn thì thêm đầy những chữ nhưng vô duyên vào để sửa lại. Thí dụ Văn Lang có giai cấp nhưng chưa sâu sắc! Thế nào là sâu sắc, cần quy định mới là nghiên cứu theo phương pháp khoa học.  

Vì thế để chữ lại, chúng ta cần định nghĩa sơ qua thế nào là giai cấp. Theo mạch văn của cộng sản thì trên hết phải hiểu là giai cấp chủ nô, vì cộng sản là thuyết thoát thai từ thực thể Au Châu quê hương của giai cấp chủ nô. Vậy để có giai cấp chủ nô thì trước hết phải là một định chế nghĩa là có pháp luật theo đó nô lệ không có quyền tạo mãi tài sản, không có quyền là người nữa, vì bị coi như đồ vật, chủ có quyền đem bán hay huỷ hoại đi. Giả sử một nô lệ bỗng nhiên trở nên giàu có, hoặc tài giỏi như triết gia Epictete cũng vẫn không được là người tự do vì hàng rào pháp luật ngăn cản.  

Thứ đến tỉ lệ nô lệ phải lớn, ít ra quá bán số dân vì đó là định chế nhà nước. La Hy xưa số nô lệ thường là 80% lên xuống tuỳ thời và nơi, nhưng rõ ràng là vượt quá bán.  

Đem hai điều đó áp dụng cho Văn Lang đều không có, nơi đây chỉ có sự kiện nô lệ mà không có chế độ nô lệ. Vì không có chế độ nên số phận khá hơn rất nhiều, như được chủ tin dùng, cùng đi đánh giặc với chủ, nhiều khi còn được gả con và cất nhắc như An Tiêm là một mẫu đề. Vì vậy nên gọi là nô tỳ hay tên gì khác và tổng số tất quá vài ba phần trăm dân số.  

Còn giai cấp giàu nghèo chỉ là giai cấp thông thường, không là định chế và không bao giờ hay ở đâu tránh được, nó gắn liền với con người vốn khác nhau về may rủi và tài cán, nên dù ở xã hội nguyên thuỷ cũng có giàu nghèo nếu không giữa cá nhân thì giữa các thị tộc bộ lạc, rồi nữa nếu có bao giờ cộng sản thực hiện nổi xã hội không giai cấp đi nữa thì vẫn cứ có nguời nghèo kẻ giàu, chưa nói trong dân chúng mà nói ngay giữa cán bộ với nhau. Vậy giai cấp giàu nghèo không là một phạm trù khoa học, không nên đem ra dùng khơi khơi được. Tư bản thì khác vì nó nằm trong xã hội Au Tây căn cứ trên giai cấp chủ nô mất rồi, nên có thể dùng như phạm trù định tính. Còn giàu nghèo bên ta không thuộc loại đó. 

Về giai cấp thống trị cũng không có bên ta. Để đáng tên là giai cấp thống trị không những phải có toàn quyền mà còn có tôn giáo và văn hóa riêng cho giai cấp đó được dùng để đè bẹp văn hóa đại chúng. Bên ta trái lại chỉ có một nềnv ăn hóa duy nhất của toàn dân, do dân sáng tác và duy trì, đó là những tục ngữ, ca dao, những truyện kể: vua tôi cũng ca múa như nhau, cũng thờ gia tiên, quốc tổ như nhau. văn chương bác học cũng múc chất liệu từ nguồn suối chung đó, nên vẫn bám sát đời sống đại chúng, không làm gì có văn hóa riêng cho giai cấp thống trị, vì không có giai cấp thống trị, mà chỉ có giai cấp cai trị, là điều cũng tự nhiên: hễ đã có tổ hợp là phải có nhà cai trị tức phải có người ứng tác, điều hợp, ra mệnh lệnh… Vậy với xã hội Văn Lang thì đó là Lạc Hùng, Lạc Tướng. Không thể gọi Lạc Hùng Lạc Tướng là thống trị, vì họ rất gần dân, họ giống với quan lang trên Mường khi uống rượu thì lang phải đối đãi dân tử tế, khi dân cần vay mượn thì phải cho dân vay, y như khi lang túng thiếu phải vay dân vậy. Lang Liêu là con Hùng Vương cũng túng nghèo như ai, nếu thật thống trị đâu có thế. Tất nhiên không thiếu lạm dụng nhưng đó vừa là trường hợp ngoại lệ, vừa đến một chừng mực nào thôi. 

Chỉ có một điểm kèm ngày nay là cha truyền con nối, nhưng đời bấy giờ chưa tiến bổ đủ, hoặc vì người xưa muốn tránh việc cướp chính quyền gây xáo trộn đời sống. Tóm lại không có giai cấp nên không có việc dân oán hờn nhà cai trị, chứng cớ là trải qua nhiều ngàn năm Hùng Vương vẫn được tôn thờ; mới lên sổ sơ sơ đã có tới hơn bốn trăm đền điện ghi nhớ Hùng Vương, vợ con tướng tá. Những nhà nghiên cứu cộng sản coi bộ như quên mất chữ cai trị, chỗ nào cũng thấy viết thống trị, cả đến chũ phục trong câu “Hùng Vương dĩ huyền thuật phục chư bộ lạc” cũng phải thêm tiếng thống phục vào mới yên mà lẽ ra phải dịch chữ thần phục mới đúng với mạch văn.  

Sở dĩ nhiều người (1) muốn Văn Lang có giai cấp là vì họ đã dính chặt mắt vào bộ tiền đề của K.Marx, Engels cho rằng mâu thuẫn giai cấp là điều kiện thiết yếu để cho nhà nước xuất hiện. Nhưng ai cũng thấy đó chỉ là sự kiện của Tây Au, cùng lắm thì là luật tắc của những nước miền Lưỡng Hà chứ không phải là luật phổ quát tức nhiều nơi không cần giai cấp mà bộ tộc cũng có thể bước lên nhà nước đựơc vì còn nhiều công tác khác thí dụ những việc công như đê điều, chống xâm lăng, xử kiện, đều đòi chính quyền trung ương mạnh.  

(1) Nói nhiều người vì cũng có những học giả chủ trương Văn Lang không có nô lệ. Tuy nhiên vì khả năng luận lý và tinh thần chính xác khoa học không đủ sắc bén nên không đưa ra được lý chứng mạnh mẽ để thuyết phục đối phương. Tuy về các phương diện nghiên cứu khác thì lề lối khoa học đựơc thi hành một cách nghiêm chỉnh, nhưng về mặt suy luận thì tất cả còn ở đợt ý kiến, vài người mấp mí đợt tư tưởng còn vươn tới đợt triết gia thì tuyệt nhiên chưa thấy bóng dáng.  

Theo những điều trên đây thì phải kết luận thế này là phương thức sản xuất Á Châu ở tại bình sản và tự do. Bình sản là ruộng để làm của chung làng xã rồi cứ định kỳ quân cấp cho dân, như vậy là xã hội không lấy tư sản làm căn bản, càng không tuyệt đối hóa quyền tư hữu. Nếu có ít chút tư điền thì đó chỉ là sự lạm dụng, sự áp đặt do phong kiến về sau, không phải là nền tảng lúc đầu và cũng không lấn át nổi chế độ bình sản: tức ruộng đất chung bên ta vẫn chiếm phần đa số ít ra tới thế kỷ 19.  

Do đấy không có chủ nô vì ai cũng tự do, ai cũng có tài sản cũng như có quyền ăn nói: hễ đến tuổi thì được vào hội đồng kỳ mục.  

Vậy nếu cần một ngữ thuật chỉ thị tìn trạng đặc trưng nọ thì đó là tâm linh sử quan bao gồm cả trời và đất mà nho đã công thức hóa thành câu: “thiên địa vị yên vạn vật dục yên”. Trời đất đặt cho đúng vị trí thì vạn vật sẽ được nuôi dưỡng. Điều đó Việt nho đã đặt đúng theo thuyết tam tài thiên, địa, nhân, cả ba đều là vua, người cũng là vua.  

Vua thực sự có địa vị. Địa vị đó rất cao cả tức đứng giữa trời cùng đất, nên có quyền thực sự: quyền trên vận hệ mình, trên thân xác mình cũng như tâm tình ý chí của mình, không ai được xâm phạm tới. Khác với duy tâm nghĩ về con người như một thứ hồn ma bay lâng lâng trên không khí không cần phải nghĩ đến ăn uống, như vậy người đâu có vị yên, đất cũng không có vị yên. Lại cũng khác với duy vật chỉ nghĩ đến có miếng ăn, còn bao nhiêu tình cảm tâm linh bỏ hết như vậy đâu người có vị yên, trời cũng đâu có vị yên, làm sao vạn vật dục yên cho được.  

Chỉ có vị yên là khi nói đến con người như một vua trong ba vua. Đã là vua phải có chủ quyền nào đó về tài sản. Nó là bứơc đầu bảo đảm cho bước sau như tự do, nhân phẩm, cũng như các động ứng phát huy các đức tính làm nên con người toàn vẹn. Con người toàn vẹn phải có cả quyền phát triển mọi khả năng của mình thí dụ đức tính tiên liệu sao cho miếng đất mình cấy cầy kết quả tốt đẹp. Nội một việc tiên liệu đó đòi óc sáng kiến, điều động, dự trữ dài hạn ngắn hạn, chứ không như người trong công xã chỉ là một nô lệ bảo làm gì biết làm việc ấy lúc ấy, mà không còn biết gì đến ngày mại, hay toàn thể vấn đề ra sao. Làm thế nào cho ruộng tốt, cấy giống lúa nào, thời gian nào, tích trữ ra sao cho khỏi mối mọt… Cả ngàn đều phải tự liệu… Chính những lo liệu ấy làm nên những bứơc chân đi trên con đường kiện toàn nhân tính.  

Đó là những điểm then chốt mà sự chối bỏ chỉ gây tai họa. Các nứơc cộng sản đàn anh đã mở mắt dần. Khrushchev đã phải bãi bỏ luật cưỡng ép bán nông sản cho nhà nước; các nước Đông Au đã phế bỏ hầu trọn lối canh tác cộng đồng. Trung cộng cũng phải bỏ dần các công xã. Đó là những bước đi lần về với phương thức sản xuất Á Châu. Tuy nhiên đó chỉ là từng mảng phụ bên ngoài do kinh nghiệm đau thương bó buộc phải sửa đổi, nên chưa đạt hậu quả tốt đẹp. Muốn đạt sự tốt đẹp thì phải đổi triết lý: từ duy vật sử quan đổi ra tâm linh sử quan, phải coi trọng con người, mỗi con người với những nhu yếu thâm sâu của nó mà nhu yếu đầu tiên là ẩm thực nhưng nhu yếu cuối cùng lại là ăn lời tâm linh. Có vậy mới mong lâu dài.

XI. MẶC

Đính nhân lý nghĩa: đội lấy nhân dẵm lên nghĩa.  

Đó có thể là câu nói tóm triết lý về cách ăn mặc, trang sức của tiền nhân. “Đính nhân là đội lấy nhân”, nói kiểu khác đầu đội trời. Còn câu chân đạp đất được thay bằng “lý nghĩa”, “dẵm lấy nghĩa” tức đi theo nghĩa, mà “nghĩa” chỉ đạo lý (nhân) được áp dụng vào từng trường hợp. Nhân là đạo lý, còn nghĩa là đứng trước trường hợp cụ thể thì phải áp dụng ra sao.  

Muốn xét về ý nghĩa cái Mặc của tiền nhân phải trở ngược lại thời văn minh. Xâm mình là bước tiến đầu tiên để trẽ ra khỏi giai đoạn “vật tổ”, “ăn Thánh” hay lối “thông dự nhiệm tích” (communion sacramentelle) tức thời kỳ thờ vật tổ thì người ta ăn thịt con vật được thờ để được tham dự linh lực của Thần vật ấy. Đó là bước tiến thứ nhất ở tại bỏ ăn Vật tổ để mặc Vật tổ: thờ con nào thì mang sắc phục con vật ấy, thí dụ dân miền Altai (Thiên Sơn) thờ nai chà thì xâm mình nai chà. Có thể một số tiên tổ rất xa xưa của ta cũng ở vào giai đoạn này, đó là giai đoạn thờ mặt trờ. Về phía các bà lá mặc áo lông trĩ. Nhớ trĩ là chim mặt trời, nên cũng gọi là Chu tước = con tước đỏ: đỏ mặt trời, quẻ li.  

Nhưng đến giai đoạn thờ Trời thì các bà lại mang áo lông ngỗng (ngỗng trời cũng gọi là Thiên Nga) đó là bộ áo tiên. Còn các ông không có da rồng để may áo, thì vẽ hình rồng trên mình. Cũng trong đợt này nên kể đến tục xâm trán (điều đề). Đây cũng còn là giai đoạn mặc Vật tổ (trong đó có tục xâm mình) nhưng cao hơn một độ vì dùng đến hình vẽ, tức là tiến thêm một bước trong việc trừu tượng hóa, nhất là có một số bộ lạc xâm trán với màu xanh đỏ gọi là “xích văn lực tự”: xích là đỏ, lục là xanh, nghĩa là văn đỏ chữ xanh. Đây lại là bước tiến nữa lên đến đợt cơ cấu ngũ hành, trong đó xanh chỉ đông, đỏ chỉ nam, tức hàm ngụ triết lý của ta là đông (số 3) và nam (số 2) cộng thành số 5, tức là ngũ hành với cái triết lý thâm sâu của nó. Chính ở chỗ này mà người ta thấy sự hiểu lầm được ghi lại trong sách Lĩnh Nam Trích Quái: là xâm mình long giao để khỏi bị giao long làm hại khi xuống sông bắt cá. Đó là tán phỏng chừng không có gốc rễ. Sự lầm này khởi đầu có lẽ do một tác giả người Tàu là Cố Dã Vương.  

Xin nói thêm về chim trĩ. Chữ Nho kêu là Địch. Địch là thứ trĩ có đuôi dài, lông ngũ sắc. Ngũ sắc Nho xưa kêu là hạ. Đôi khi đặt chữ Lạc trước thành Lạc Địch thì nghĩa là chim trĩ của Lạc Việt (Leg III tr.105). Hoặc câu nói thông thường của Việt Nho là “Lạc Địch tập kỳ tả dực”, con chim trĩ của Lạc Việt thu cánh bên trái lại. Hoặc câu “tuỳ dương Việt trĩ”, con trĩ của Việ đi theo hướng của mặt trời. Trưng tới ba câu Nho để ghi nhận bốn điểm sau:

 Trĩ là chim của Lạc Việt.  

Trĩ đi theo hướng của mặt trời.  

Nó xếp cánh bên trái lại.  

Lông nó có ngũ sắc.  

Cả bốn điều cần thiết để nhận ra di sản của Việt tộc gồm chim trĩ có lông ngũ sắc (tức ngũ hành đi theo hướng tả nhậm).  

Đoán được chính ở vào xuýt xoát giai đoạn này mà ta có thể đặt để ý nghĩa cho nón chóp hình tam giác, mà hình tam giác là một trong những tiêu biểu lớn của nhân loại để chỉ thần minh hoặc chỉ mặ trời (thay mặt thần minh) đối với giầy vuông chỉ đất hay bánh dầy bánh chưng. Khi nói đầu đội trời chân đạp đất thì có thể hiểu vào việc này.  

Hài cong của các bà xưa là muốn cộng hai hình tròn (tam giác) với hình vuông vào thành một nét cong. Cũng trong chiều hướng này, ta có thể nghĩ đến các thứ nón hoặc khăn của dân ta: khăn chữ nhất hoặckhăn chữ nhân v.v… đều nằm trong ý hướng hiện thực lý tưởng là “Thánh nhân thể đạo”= thánh nhân phải biết mặc lấy đạo vào mình. Quần, áo, khăn, nón hiện thực sự mặc tiêu biểu để giúp tâm hồn mặc được đức tính thiệt. Đến giai đoạn biết dệt vải để may quần áo thì giữ đạo lý vào kiểu áo năm thân hoặc 5 cái cúc: xấp đặt theo số vài ba là số cúc trên ngực 2 dưới hông 3: làm nên ngũ hành. Ta thấy nhờ bộ số vài ba mà đạo có thể “khảm vào” rất nhiều vật dụng thường nhật như vậy.  

Bây giờ còn việc cái cúc áo thì cài bên nào? Việc tộc cài bên tả gọi là tả nhậm (tư Di tả nhậm). Còn Hoa tộc cài bên hữu xin hãy gọi là “hữu nhậm”. Nhân tiện nên ghi vào đây là những chim nào quen xếp cánh bên tả như chim Lạc Địch, Tất Phương, Uyên Ương thì nên hiểu đó là những chim của Việt tộc. Về sau văn minh Tàu lấn át nên bắt người mình phải “hữu nhậm” như Tàu. Mình yếu đành chịu vậy chớ biết sao nhưng cố tìm cách gỡ gạc chút ít là dùng vạt áo bên tả đặt lên vạt áo bên hữu. Đó là một gỡ gạc gọi được là quan trọng vì nó có tính cách triết lý, tức bên tả là âm đi trước bên hữu là dương theo thứ tự Việt là “âm dương: tả đè lên hữu”.  

Nhiều nơi cũng đắp vạt tả lên vạt hữu, nhưng xét đồng văn thì đó chỉ là một sự tình cờ do thuận tiện hay óc thẩm mỹ chứ không do triết, thí dụ thì người Tây phương đến Tàu, người Tàu thấy họ cài như vậy thì chê là trái cựa.  

Bài Mặc này tuy ngắn nhưng cũng có thể coi như thí dụ rất chính xác của bộ số vài ba (làm nên ngũ hành) nó giúp ta rất nhiều trong việc tìm về nguồn. Việc ăn mặc của dân ta tuy chẳng có hình thể nhiều nhưng nhờ có bộ số đó mà ta theo dõi đựơc quá trình hình thành và biến thể trong việc ăn mặc của tiền nhân xưa các khá xác định.  

Đáng lẽ đây phải nói đến bài “Nghê Thường Vũ yY Khúc”, vì đó là đỉnh chót vót của triết lý ăn mặc, nhưng vì đã nói đến hai nơi một trong Trống Đồng chương V và hai ở bài Từ Việt Mễ tới Việt Thường. Vậy xin gửi tới hai nơi đó để chấm hết bài.

XII. NÓI: TÍNH THẾ SIÊU LINH CỦA TIẾNG VIỆT

Tiếng nói là một phát minh rất sớm của con người. Có thể vì đó mà Hy Lạp nói “đầu trước hết có lời”. Vì sớm sủa nên rất quan trọng nó mang theo những đức tính của nền văn hóa mà nó chuyên chở. Bởi vậy nghiên cứu tiếng nói của một dân chính là xử dụng một chìa khóa đa năng mở vào nhiều kho tàng ẩn náu của nền văn hóa ấy, thí dụ nhạc tính trong tiếng Việt tạo nên do âm, thanh, vần, nhịp và đủ đề tài không những cho ngữ học là điết tất nhiên, mà luôn cho văn chương và cả tư tưởng nữa.  

Hôm nay, chúng tôi thử bàn về điểm cuối cùng, tức về liên hệ giữa cơ cấu tiếng Việt và Việt lý xem hai đàng ăn chịu với nhau đến đâu.  

Trong các cơ năng hiển hiện của con người, tiếng nói bày tỏ tính thể con người nhiều hơn hết. Con người được định nghĩa là nơi giao hội của đức trời đức đất, tiếng nói cũng vậy nó đứng giữa vật chất và tinh thần, vì thế nó chỉ còn có thanh âm mà thanh âm là cái đã thoát khỏi hình hài khí chất, nó là nhịp cầu nối thể chất ở đợt tinh vi cùng cực (thanh âm) với cái vô hình là ý niệm và tư tưởng. Chính do chỗ đó mà ta có thể xét xem ngôn ngữ của một dân có tinh thần nhiều hay ít.  

Hãy nhớ lại câu định nghĩa Thần trong Kinh Dịch là Thần vô phương. Thần không ở nơi nào nhất định, thế có nghĩa là Thần có tính cách uyển chuyển, biến động và thấu triệt… Vật nào càng giàu thể tính năng động và thẩm thấu thì càng giàu siêu linh tinh thần. Theo tiêu chuẩn đó ta có thể chia tiếng nói của loài người ra hai loại: một loại đi theo cơ cấu, một loại vâng theo ngữ luật. Theo cơ cấu thì uyển chuyển và giàu khả năng thẩm thấu. Theo ngữ luật thì bị ràng buộc bằng cả một hệ thống mẹo luật gọi là ngữ luật gồm động tự, danh từ, quán từ (article), giống, số, cách, thì v.v… hợp tác nhau đóng khung câu nói xuống theo một cấu trúc ngữ pháp nghiêm nhặt cột chặt các tiếng vào một ý nghĩa không thể hoán vị, hễ hoán vị là trật ngữ luật và trở nên vô nghĩa. Có thể nói chung đó là các tiếng Au Tây.

Loại hai đi theo cơ cấu thì không có những thứ như trên, không thì, không cách, không số, không quán tự, trạng tự hoặc nếu có thì cũng đứng rời không ảnh hưởng nhau để dễ bề hoán vị mà cơo cấu chỉ định đặng mang theo ý nghĩa khác nhau tuỳ theo vị trí. Thí dụ “vào được” khác với “được vào”. Đó là tiếng Tàu và tiếng Việt. Ong Burton Watson (1) nhận xét rằng ngữ luật tiếng Tàu rất đơn giản chỉ gồm có thực tự và hư tự (full words and empty words) (chi, hồ, giả, dã). Hư tự thường dùng như quán tự để nốikết hoặc giải nghĩa, nhưng cũng thường bỏ luôn. Phương chi tiếng Việt với cơ cấu rõ hơn và hư tự giàu hơn.  

(1) Early Chinese Literature, Columbia Univ, Press N.Y.1962 p.146-170.  

 Về cơ cấu chỉ việc xem thí dụ với 5 tiếng dưới đây: hễ hoán vị một chữ là có ý mới.  

Sao không bảo nó đến.  

Nó đến sao không bảo.  

Không bảo nó đến sao.  

Sao bảo nó không đến.  

Sao nó bảo không đến.  

Không bảo sao nó đến.  

Sao nó đến không bảo.  

Không sao bảo nó (cứ) đến.  

Nó không đến bảo sao.

(Tôi nhớ láng máng xưa kia đã đọc thí dụ này đâu đó, có lẽ của L.M Lê Văn Lý thì phải và với nhiều xếp đặt hơn)  

Quả là một sự uyển chuyển và năng động vô địch chứng tỏ trình độ cao cấp mà Việt ngữ đạt được trong việc đi đến cơ cấu. Lấy về đàng số mà nó thì cơ cấu thượng thặng phải gồm ba bộ số: 2, 3 và 5.  

Số 2 nói lên tính chất năng động căn bản. Muốn động phải có hai hạn từ: động bao hàm sự di chuyển từ A đến B, bứơc chuyển động cùng cực là từ vô tới hữu, tứ có tới không, nên số 2 nền tảng phải là từ có tới không. 

Số 3 nói lên nhân chủ tính. Vì nhân chủ nên đứng ở giữa, không hề lệ thuộc vào hai thái cực nhưng độc lập như một chủ nhân ông. Số 2 là số căn bản có đấy trong trời đất giữa sáng tối, đất trời, đực cái, cứng mềm… Thế nhưng duy trì đựơc số 2 trong văn hóa phải có một nền nhân chủ mới đủ mạnh để duy trì, và sự duy trì được biểu lộ bằng số 3, nên số 3 là số nhân chủ, là số chỉ đựơc đề cao trong văn hóa có nhân chủ tính. Chứ như trong duy vật hay duy tâm thì không có số 3 vì con người thuộc vào một trong hai bên, vào trời hay đất, duy vật hay duy tâm, và chỉ có một tức nguyên lý đồng nhất được đề cao rất mực. Còn số 3 bị gảy bỏ. Pháp gọi là tiers exclu = triệt tam. Tertrium non datur.  

Số 5 là số ngũ hành thành bởi 2+3 cũng gọi là “vài ba” hay “tham lưỡng” tức nói lên tác động cùng cực của con người. Muốn làm được tác động cùng cực thì phải là con người nhân chủ (số 3) còn tác động cùng cực là nhảy từ có tới không, phải hiểu là cõi không u linh đầy tràn diệu hữu gọi là tâm linh. Chính vì thế mà để tóm tắt thì quan nói số 5 là số tâm linh, hay là số thẩm thấu cùng cực. Tóm lại sự uyển chuyển (do cơ cấu) nói lên sự thẩm thấu cùng cực, thẩm thấu biểu lộ tình chất tâm linh (số 5). Tâm linh biểu lộ bằng số 2 (từ có đến không) và tính chất nhân chủ số 3. Đó là tóm lược tinh tuý của bộ cơ cấu “vài ba tham lưỡng”. Có bộ cơ cấu đã được chi tiết hóa như vậy rồi bây giờ chúng ta thử đi vào phân tích tiếng Việt.

 Số 2  

Số 2 quan trọng như nền tảng được bàn trong bài Nét song trùng (Kinh Hùng). Đây là nền tảng tối quan trọng nên văn hóa nào thiếu nó thì sẽ gieo tai họa. Hiện nước ta đang phải rên xiết dưới ách độc tài chuyên chế phi nhân của cộng sản thì cũng vì cộng sản thiếu nét song trùng. Bởi cộng sản là duy vật. Tại họa nằm trong chữ duy. Chữ ấy nói lên sự thiếu nét song trùng một cách công khai lộ liễu, nên sự hiểm độc, đi đến thái thậm. Chính cái độ thái thậm nọ làm cho nhân loại giật mình mới nhìn nhận ra căn nguyên tai hại, chứ trong thực tế thì văn hóa Tây Au đã đánh mất nét song trùng từ khuya. Heidegger kêu là đánh mất nét gấp đôi (the twofoldness). Chính sự đánh mất này là nguyên uỷ sâu xa tại sao văn hóa Tây Au trải qua 25 thế kỷ không sao kiến tạo nổi một nền triết lý hòa giải, như chúng tôi đã mình chứng điều đó trong quyển sách mang tựa đề như trên và đề nghị ra một nền triết lý hòa giải đặt nền trên Việt lý (rất tiếc bản thảo quyển này đã bị mất vào dịp tị nạn năm 75) là vì cuối cùng chúng tôi khám phá ra trong triết Việt có nét song trùng nọ, nó hiện hình vào cùng khắp những gì quan trọng như vật biểu là tiên rồng, cai trị nước đựơc biểu thị bằng bánh trời bánh đất, quê nước được kêu là sông núi v.v… cái gì cũng đi cặp đôi như thế.  

Vậy sự đi cặp đôi nọ cũng thấy nhan nhản trong tiếng Việt một tiếng nói gọi là độc âm, nhưng lại ưa đi đôi theo lối nhị âm một cách tràn ngập: chợ búa, chăn màn, giờn phản, làm lụng, ngổn ngang, hồ hởi, lè phè… (Theo môn Việt Nghĩa Lý (1) thì ban đầu tiếng ta đi đôi. Về sau chịu ảnh hưởng Tàu nên mới đi vào hướng một).  

(1) Mỗi khi nói tới Việt Ngữ Lý là tôi quy chiếu tới cụ Mai Ngọc Liệu người đã mở ra một trường phái riêng về ngữ lý học đặc biệt Việt Nam. Tôi đã được đọc một vài bài thấy các khám phá của cụ có nền tảng nghiêm túc. Xin chờ đọc cụ Mai Liệu để biết thêm về ngữ lý của ta.  

 Thường thì không mấy người để ý đến lối đi cặp đôi đó vì tiếng nào trên thế giới chẳng có, thí dụ blanket, table thiếu chi. Nhưng khi nhìn lại liền nhận ra đó là tiếng đa âm nên cần cả hai âm mới đủ nghĩa, nói mar không đủ, phải thêm ket vào mới có nghĩa là chợ. Còn tiếng Việt nói chợ là đủ, âm búa không cần cho ý nghĩa, thêm vào có thể coi là thừa, là hư tự, có người cho là vô ích. Kỳ thực thì nó không còn nằm trên cấp vô ích với hữu ích, nhưng đã vươn vào vòng trong. Trong bộ triết lý An vi tôi hay dùng chữ vòng trong thay cho siêu hình, là vì vòng trong tàng ẩn ngay trong sự vật, khác siêu hình đi luôn vào cõi ý niệm, kêu là lý giới như của Plato. Còn “vòng trong” là cái gì vẫn nằm trong sự vật làm nên cái hồn, cái ý nhị của sự thể và như thế là diễn tả nét song trùng cách thẩm thấu, nên ta còn nhận thấy tính chất thẩm thấu đó ngay trong chữ cặp đôi được bày tỏ bằng nhiều lối.  

- Liên hệ ý nghĩa như nâng lên, hạ xuống, mở ra, đóng vào, chợ búa, tập tễnh mon men…  

- Liên về lân cận, về liên tưởng như chăn màn, bát đĩa, giường chiếu, mâm bàn, nồi niêu, xoong chảo, viết lách, nói năng, ăn ở, điệu bộ…  

- Có khi bằng nguyên âm như ngâm nga, ngân nga, nết na (nguyên âm N), lập loè (L), đủng đỉnh (Đ), kêu ka (K)…  

- Có khi bằng chủ âm như lỉnh kỉnh (ỉnh), khoác lác (ác), lảo đảo (ảo)…  

- Có trường hợp đặc biệt về chủ âm iếc như học hiếc, thi thiếc, làm quan làm kiếc, láo liếc, ho hiếc, ốm iếc, phải đi xin eo phe eo phiếc, phút tem phút tiếc…  

Trên đây chỉ kể sơ qua một cách ngẫu hữu (cách hệ thống dành lại cho ngữ lý học) vừa đủ để chứng tỏ đó là một sáng tạo không phải là vô ích như có người tưởng, mà là tối quan trọng để diễn đạt nét song trùng của Việt Lý, hai mà một, một mà hai.

 Số 3  

Bây giờ xin hỏi hậu quả nét song trùng là chi? Xin thưa đó là số 3 chỉ nền Nhân chủ tức một nền nhân sinh quan hùng tráng cùng cực đến độ trời cao đất thấp mà cũng có thể nắm giữ cùng một trật để làm nên “cõi người ta” ở giữa trời cùng đất. Nếu là thứ nhân sinh quan yếu hèn thụ động thì chỉ nắm nổi một bên: đánh mất nét song trùng và trở nên một chiều kích, một duy nào đó: vì chọn một bỏ một, chọn lý bỏ tình là duy lý, chọn trời bỏ đất là duy tâm, chọn tư sản bỏ vô sản là tư bản, chọn vô sản bỏ tư bản là cộng sản…  

Cứ thế mà giằng co chống đối, đấu tranh, đựơc bên nọ mất bên kia, nên gieo tai họa cho con người vốn là một vật lưỡng thê (sống ở hai cấp bậc).  

Văn hóa con người chia ra được hai loại lớn một bên có nhân sinh quan hùng mạnh thì sẽ nhân bản hóa vũ trụ còn bên có nhân sinh quan yếu ớt thụ động thì tất sẽ bị vật hóa, như triết học bàn về con người theo cung cách bàn về sự vật tức đứng cùng một bộ định đề và nguyên lý của sự vật nên người bị vật hóa, Mỹ kêu là “man reified”, như đã được nhắc tới trong tiếng người homme do tiếng humus là đất bùn: cả hai tiếng cùng một gốc đất. Sau đây là mấy thí dụ nền tảng.  

Tây Âu gọi trời là the sky, đất là the earth, còn Việt Nam thì kêu là Ông Trời, Ông Địa. Thế là ta đã thấy khuynh hướng nhân bản hóa vạn vật ló dạng trong chữ ông đặt cho trời cho đất. Hãy đi đến vài thiên thể lớn nhất là mặt trời mặt trăng, hai chữ mặt nói lên bóng dáng con người chiếu dọi tới trong chữ mặt: mặt trời, còn mặt trăng không những là mặt trăng mà còn có cả cưới xin nữa tức nhân bản hóa trọn vẹn.  

Trẻ con hát: “Ông trăng mà lấy bà trời”.  

Câu này chở theo bầu khí sơ nguyên của thời mẫu hệ lúc mặt trăng còn nắm chính quyền kêu là ông trăng, về sau đến thời phụ hệ thì ông trăng trở nên bà nguyệt. Như vậy kể có phần mất mát nên dân gian an ủi bằng cách rút tuổi đi và kêu là cô Hằng, đã vậy còn yêu cô ra rĩ.  

Tôi yêu cô Hằng  

Đêm xưa xuống trần  

Mình ơi tình ơi.  

Nhưng thôi yêu em anh để trong lòng để anh xét tới các vật khác. Vậy khi xét tới cách kêu tên các vật ta thấy sự khác biệt lơn giữa Tây ngữ và Việt ngữ. Ta thì kêu là cái là con, cái bàn, cái bút, cái nhà… con gà, con cá, con trâu. Tây thì lại chú ý đến đực cái trừu tượng: le monde, la table v.v… sự khác biệt này nói lên nhiều nét đặc biệt, mà điểm đầu tiên là tiếng Âu Tây quá ứơc định, thí dụ nói la table giống cái thì căn cứ vào chi mà bảo cái với đực.  

Thứ đến là vụ giống cái thì tiếng Pháp phải thêm “e câm” (e muet). Nếu theo cụ thể thì e câm phải cho vào giống đực. Các bà nói nhiều thì e nói chứ sao e câm? Hay là có ý bảo các bà phải “câm đi” theo cung cách duy dương độc chiếm, đàn áp đàn bà?  

Ngựơc lại tiếng Việt thì có nền tảng đàng hoàng vì căn cứ trên sự sống hiện và sống ẩn. Sống hiện kêu là con: con gà, con vị, con chim… sống ẩn kêu là cái: cái nhà, cái bút, cái ban. Đây mới là nét xét vòng ngoài chứ vòng trong còn lắm điều hay kinh khủng.  

Trước hết nên nhớ chữ cái xưa kia có nghĩa là mẹ như câu con dại thì cái mang (tội). Như vậy hai tiếng con cái nói lên mối tình thắm thiết nhất trong loài người được đem dùng cho sự vật. Đó là tang chứng không những nhân bản hóa vạn vật mà còn đem đặt vào đó mối liên hệ bao là và sâu thẳm nhất, nên vạn vật được ràng buộc với nhau như một thân thể, mà nho kêu là “thiên địa vạn vật nhất thể”. Chính quan niệm nhất thể này gây nên môi sinh tinh thần công thể (espirit communautaire) mênh mông không những bao trùm nhân loại không phân biệt chủ nô, mà còn tỏa ra khắp vũ trụ đến nỗi Nguyễn Công Trứ đã nói được “vũ trụ nội mạc phi nhân sự” = trong vũ trụ không có chi không phải là phận sự của ta. Nó khác biết bao với cá nhân chủ nghĩa, mọi cái rời rạc xa lạ như Alber Camus đã nói đâu đó rằng: tôi cảm thấy tôi xa lạ với vũ trụ, với Thượng Đế, với tha nhân và hỡi ôi với chính tôi nữa.  

Điểm hai nó dính dáng đến lịch sử, lúc mẫu hệ nhường quyền cho phụ hệ. Ơ thời mẫu hệ thì cái chỉ vật sống hiện như câu:  

Cái cò cái hạc cái nông  

Sao mày nhổ lúa ruộng ông hỡi cò?  

Nhưng đổi sang phụ hệ thì cái lui vào hậu trường để chỉ những gì có cái sống ẩn tàng. Huyền sử nước ta chỉ thời quá độ bằng truyện 50 con theo mẹ lên núi lập ra nứơc Văn Lang và chia nhau cai trị thay mẹ. Còn mẹ rút vào trong nắm lấy cái “cồng bà” với chức nội tướng và từ đấy thì vật sống ngầm kêu là cái: cái bút, cái chén, cái nhà, còn vật sống hiện thì kêu là con “con cò bay lả bay la”  

Trên đây chỉ là cái nhìn thoáng của triết, vừa đủ để đặt ra nhiều vấn đề bàn luận để gây sinh động trong lãnh vực văn hóa, cũng như để nhận ra mối liên hệ giữa tư tưởng và ngôn ngữ: cả hai cùng một nét song trùng y hệt. Nếu tư tưởng là tiên rồng, sông núi, đất trời, mẹ cha… thì ngôn ngữ cũng thích đi cặp đôi: chăn chiếu, ngân nga, lê phê, ve vãn. Nếu tư tưởng là nhân chủ thì tiếng nói cũng thế, từ ông trời, qua cô hằng cho đến cái cò, con tôm, cái nồi, cái chảo đều mang ấn tích con người. Đó là hai bước song trùng và nhân chủ hay là nhịp vài ba 2-3 hoặc tham lưỡng = 3-2.

 

Số 5  

Bây giờ xin bàn đến số 5 hay hành ngũ, nó bao trùm tiếng ta bằng 5 dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Tại sao tiếng ta lại được tràn hợp bởi số 5. Ý nghĩa sâu xa nằm ẩn trong hai chữ hành ngũ. Hành là hành động vì đây là đợt cơ cấu nên phải nói tới hành căn để, vậy hành đó là bước vào cung ngũ mà theo cơ cấu là “hành vô hành”, “địa vô địa” tức là An vi = theo nghĩa không còn đối tượng, đi đến chỗ “vô thanh vô xú”. Cái bứơc quan trọng đó Kinh Dịch kêu là “thiệp đại xuyên” sang qua sông lớn, nhà Phật kêu là “đáo bỉ ngạn” vì thế cần thuyến bát nhã, mà trong trống đồng là thuyền rồng là thứ “thuyền tình bể ái” cùng cực để nối trời với đất. Vì thế xa xưa trống Linh Cổ có 6 mặt và có cái cả 8 mặt. 8 mặt chỉ trời (8 gió của Kinh Dịch) 6 mặt chỉ đất (lục phương). (1)  

(1) Thứ trống này gọi là Linh Cổ được nói đến trong sách Mục Thiên Tử truyện, chương 5. Linh Cổ có 6 mặt nhưng cũng đựơc trình bày như trống kép 3 (6 mặt) và được dùng để tế thần đất (nhờ Thổ Bá có ba con mắt). Còn trống 8 mặt cũng gọi là trống sấm để tế trời. Lẽ ra 6 trời 8 đất hay 3 trời 4 đất chứ sao lại 8 trời 6 đất. Thưa ở đây theo luật Giao chỉ là theo dụng mà không theo thể (thể viên dụng phương, thể âm dụng dương) 3 trời dương nhưng dụng 4 vuông. 4 đất âm nhưng dụng dương. Vì luật giao chỉ đó mà Phục Hy dương lại cầm cái củ vuông, bà Nữ Oa âm lại bồng cái quy tròn (diễn nôm là ông giò miếng chả, bà giả miếng nem, nem Thủ Đức gói khá tròn!). Còn nhiều rắc rối khác nên không lạ con cháu mất trọn ý thức về bộ cơ cấu uy linh của mình. Chúng tôi đạt cố tìm lại dấu vết trong hai quyển Kinh Hùng Khải Triết và Sứ Điệp Trống Đồng. 

Nhưng xin hỏi 6-8 liên hệ với ngũ hành chỗ nào? Thưa đó là liên hề ngầm có đầy trong các số cơ cấu là loại số cũng đầy uyển chuyển linh động. Vậy 6-8 cũng là 3-4 (cặp đôi) mà 3-4 cũng chính là 3-2 mà 3-2 là số 5, số 5 kép bởi 3 trời 2 đất. Hai đất cũng có thể là 4 đất, hai số có thể dùng thay nhau: 2 hay 4 cũng được. Nói 3 + 2 (vài ba) hay 3-4 cũng là một. Nhà Phật nói “tam tế tứ đại” = 3 cái tế vi chỉ trời, chỉ cái gì vô hình siêu linh, tứ đại là 4 cái thô đại chỉ đất. Đó là liên hệ ngầm giữa 6-8 (ra 3-4) với ngũ hành. Ngũ hành thành bởi 3-2. 3 chỉ nhân chủ, 2 chỉ bứơc lưỡng hành: hành trong cõi hiện tượng lẫn hành trong cõi vô hình: có vậy mới ra lưỡng thê = amphibious gồm cả cái sống của phàm ngã lẫn siêu ngã. Ta thấy tính chất ghê sợ của hành ngũ cũng biệu thị bằng số vài ba, 3+4 hay 6+8 sâu xa dường nào, thẩm thấu tới tận trời cùng đất. Có ngày chúng ta sẽ tham luận về tính chất thiên biến vạn hóa của hình thái song trùng kép này.  

Hôm nay chỉ xin áp dụng bộ số vài ba vào ngữ lý. Ta biết song trùng là nhịp đầu, nhân chủ là nhị kép một, vài ba là nhịp kép hai. Ta đã thấy tiếng Việt phản chiếu hai nhịp đầu (song trùng và nhân chủ). Bây giờ đến nhịp vài ba nó cũng phản chiếu cách kỳ diệu trong thể thơ lục bát (6 là 3 cặp, 8 là 4 cặp). Hãy mở truyện Kiều ra đọc những câu lục bát tuyệt vời:

 

Trăm năm / trong cõi / người ta.  

Chữ tài / chữ mênh / khéo là / ghét nhau.  

(đánh dấu phân để thấy câu đầu có 3 cặp, câu sau có 4 cặp)  

Cơ cấu nói bằng số vài ba hay nói bằng hình tròn vuông giao hợp, hoặc cụ thể cùng cực là làm hai chiếc bánh dầy bánh chưng, hoặc muốn sổ nho thì “thiên viên địa phương” đều cũng một cơ cấu. Vậy cơ cấu đã hiện thân cách kỳ diệu vào ngôn ngữ qua thể thơ lục bát trong cách gieo “yêu vận” tức câu trên không gieo vận vào cuối câu mà lại gieo vào lưng vào lòng câu sau:  

Trăm năm trong cõi người ta  

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.  

Vậy mới là tình thâm chứ! Đọc lên như thầm bảo “yêu em anh để trong lòng (trong là) mà không để ngoài da đâu! Em đừng có ngại! Thật là bất ngờ, thảo nào thể lục bát được nhìn nhận là thể thơ độc nhất nói lên đức tính An vi ở chỗ gieo toàn vần bằng: dấu hiệu của an lạc siêu linh.  

Xem ra thể thơ này cũng có trong nhiều chi của đại chủng Việt vì thấy hiện diện trong nhiều chi khác và có thể ngờ là đã đựơc phản chiếu vào trống đồng Ngọc Lữ nơi vòng hoa văn giữa gồm 14 con chim chia hai bè: một bè 6, bè kia 8. Phải chăng chúng đang ngâm thơ lục bát. Ít ra lục bát đang manh nha? Vì thế mà chúng có thái độ siêu thoát trần tục để đi về miền thái cực linh thiêng. Dầu sao mặc lòng, tức dầu 6-8 con chim có phản chiếu lối thơ lục bát hay không, nhưng không ai chối cãi rằng đó là thể thơ đặc trưng của Việt tộc, gói ghém cả hai bộ số 2 và 3 cũng như cơ cấu kép vài ba. Có thể lối đó đã manh nha từ buổi bình minh với nhịp trống quân khai quốc. Câu sáu có thể chỉ bè nam (3 cặp từ) câu 8 bè nữ (4 cặp từ) tức là đã từ lâu đời lắm. Chính vì vậy mà lòng ta nao nao ngây ngất khi đọc những câu lục bát trong Kiều nhất là khi gặp những chư đi đôi như nao nao, nho nhỏ, sè sè… Mỗi cặp đôi xuất hiện như nhịp cầu 2 mối: một mối bắc bên có mối kia cắm vào hư không làm cho ta như chạm vào cõi u linh bát ngát.  

Nao nao dòng nước uốn quanh.  

Nhịp cầu nho nhỏ dưới ghềnh bắc ngang.  

Sè sè nắm đất bên đường.  

Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.  

Xem thế đủ biết tiếng ta thuộc loại ngôn ngữ đầy tràn nhân chủ tính cũng như tâm linh tính tức nghiêng về nghệ thuật và triết lý: đề cao cái tổng quát trên cái tư riêng, tránh rõ rệt, ưa âm u nên dùng rất nhiều hư tự.  

Ngược với tiếng của Au Mỹ có tính cách khoa học ưa khúc chiết khi đến độ không cần, thí dụ bắt cả mọi cái phải là đực hay cái, số nhiều, ít phân biệt chi li. Ta nói “ba cái hoa này đó”, chỉ một chữ ba đủ chơi vai trò số nhiều, các từ khác không bị phiền hà chi cả. Mỹ thì “these three flowers are red”. Đã có three rồi còn bắt these flowers cũng phải thêm chữ s, this phải đổi ra these, verb phải đổi ngôi và số is ra are. Tiếng Pháp còn phải đổi đỏ ra đỏs (rouges). Đó là một thí dụ về sự tôn thờ ý niệm mà tiếng nói là dấu hiệu. So với tiếng Việt thì vừa thừa mà lại thiếu, thừa vì đã có 2 chữ s, verb còn phải đổi ra số nhiều; thiếu vì chữ ba không đủ bao quát toàn bộ, đấy là điểm một, còn điểm nữa là cú pháp mạch lạc mà cơ cấu yếu: ta nói ăn được, được ăn… chỉ cần đổi vị trí của từ. Còn Mỹ phải dùng hai verb can và may. Đấy là lý do ngữ luật trở nên bề bộn và đựơc quan trọng hóa rất mực. Ở La Hy xưa trẻ mới khai tâm phải học ngữ luật chứ không học về luân lý, sử ký.  

Tiếng ta trái lại rất đơn sơ nên có sức hàm súc nhiều. Trong quyển Man and People ông Ortega Y Grasset nhận xét rằng tiếng Tàu giàu nhất thế giới về khả năng hàm súc (comprehension) do cơ cấu mạnh với sự dùng nhiều hư tự, vì hư tự chơi vai trò âm u với toàn bích. Ta có thể nói về tiếng Việt như vậy mà còn hơn nữa vì về hư tự thì tiếng Việt giàu hơn tiếng Tàu. Hư tự của ta là những chữ kép vào không cần thiết thí dụ nói chợ, nết, ngân đủ rồi không thêm chợ búa, nết na, ngân nga như ta quen dùng: đó chỉ là hư tự không cần mà lại cần: không cần cho nghĩa từng chữ nhưng lại rất cần để móc nối với âm u toàn thể. Đó là nét biểu lộ nhiều tính chất triết lý của dân tộc chủ nhân trống đồng, trống là hư, là không, hư không làm nền tảng cho triết Việt do thế mà ngôn ngữ của ta tràn ngập hư tự tức là tiếng đầy triết lý nhân sinh vậy.  

Có lẽ đây là lý do của một kinh nghiệm bản thân tôi. Số là nhiều người đọc sách tôi mà không hiểu, có người đề nghị cần sửa đổi dăm ba từ ngữ thí dụ không nên viết “cần suy nghĩ lại”, “đã bàn rồi”, “xin nhắc lại” mà nên viết cần chúng ta suy nghĩ lại, chúng tôi đã bàn rồi, chúng tôi xin nhắc lại… Tôi bằng lòng sửa lại vì với tôi từ ngữ chẳng qua chỉ là để hiểu đạo, nói chúng ta cần suy nghĩ lại là đặt nổi chủ từ như Tây Au cũng chẳng sao, y như hiện nay trong việc viết tên ta phải đặt cá nhân trước dòng họ, thay vì Lý Ông Trọng thì phải viết Trọng Lý Ong, thôi thì vào xứ cá nhân ta cũng phải đành đi một đường cá nhân vậy. Nhưng nhượng bộ rồi tôi cứ cảmthấy một cái gì ray rứt tạm gọi là khổ tâm như phải đi xa khỏi việc coi trọng gia tộc hơn bản thân, coi trọng lối giương mặt cá nhân (tôi, chúng tôi) hơn là ẩn náu để nhường chỗ cho đạo lý… nhưng gặp thời thế thế thì phải thế. Phải thế nhưng vẫn suy đi nghĩ lại về khía cạnh triết lý của tiếng Việt và ghi lại một ít trong bài này để mở chân trời cho những suy nghĩ về sau.

XIII. LÀM

Không còn chi vinh dự hơn khi nghĩ đến rằng tiên tổ chúng ta đã thiết lập được một nền triết lý tác hành. Tuy nhiên đó là mối vinh dụ ít ai ngờ, cần phải được phân tích thấu đáo mới thấy được.  

Trứơc hết xin hỏi rằng thế nào là triết lý tác hành. Đây là câu hỏi đầy khả năng soisáng, được gơi ra do phương pháp tỉ giáo, tức là triết lý hiện đại đang cố thiết lập một nền triết làm bằng động tự như Heidegger cố chứng minh rằng là một hình thức sa đọa của To Be. To Be là một động tự, To Be (verb) sau đã đốc ra danh từ being. Nếu triết xây trên verb To Be thì là triết ngon, ngược lại xây trên danh từ being là triết hỏng. Vì being là một vật thể (entity) mà không là động tự To Be như thưở sơ nguyên nữa. Đây là những vấn đề người ngoài thấy như vô tích, kỳ thực thì thế giới chỉ huy do những vấn đề tế vi nọ, nơi mà “sai một li đi một dặm”. Con người phải chịu trận với một dặm là những ác quả của cái sai lầm một li, nhưng vì bé quá (một li) nên không thấy. Thế nhưng nếu dùng sự so sánh một dặm hậu quả thì có thể nhìn ra sự quan trọng của một li, và lúc ấy sẽ hiểu tại sao dựng nên được một triết lý bằng động tự, bằng tác hành là một vinh dự tối cao. Tại sao triết gia thượng thặng của Tây Au hiện nay được nổi tiếng chỉ vì khám phá ra sự vụ động tự “To Be” đọa ra “Being”, tức triết lý tác hành ban sơ đọa ra triết lý ý niệm nằm lì bất động.  

Vấn đề nằm trong tâm lý con người mà Việt nho nói là “nhân tâm duy nguy” = tâm con người rất tế vi dễ nghiêng lật nên đầy nguy hiểm, vì nó là khởi điểm cho những sự nghiêng lệch ở những chỗ chẳng ai ngờ đến. Để soi sáng sự nghiêng lệch này xin lấy một thí dụ trong câu “tôi dọc sách” gồm ba hạn từ: tôi, đọc, sách, có ai ngờ rằng chỗ quan trọng hơn hết là chữ đọc, là động từ, là verb, nếu không xây trên động tự mà xây trên năng là tôi, hay trên sở là sách thì đêu là bước tiến lên đầu mối nghiêng lật. Xưa nay các nền triết đều nằm trong chỗ nghiêng về tôi, hoặc về sách. Về tôi là duy tâm, về sách là duy vật: đây là đợt một li.  

Hãy đi xuống một độ nữa là thứơc (còn lâu mới đến một dặm) thì ta sẽ thấy loài người như Descartes xây triết trên câu “tôi suy tư, vậy có tôi”. Câu ấy nói lên cái bệnh duy tâm nghiêng hẳn sang phía bên chủ tri (subject) là “tôi suy tư”, nghiêng đến nỗi không còn tin là có đối tượng nữa, những người đi đường mà ông xem thấy ông không dám chắc là có, cuối cùng ông phải nại đến uy quyền Chúa phán rằng phải yêu người ta, thế là đích rồi, nhất định có người ta, vì có người ta mới yêu được chứ. Nhưng đó là tin người ta, nên không lập lại được quân bình giữa chủ tri nên gọi là nhị nguyên: hai bên li lìa không tìm ra được mối liên hệ giữa chủ tri (tôi) và đối tượng (sách), vấn đề đành bỏ dở.  

Về sau Malebranche đưa ra thuyết hòa hợp tiền chế harmonie preetablie để cứu vãn tình thế: đại để là Chúa dựng nên một linh hồn (tôi suy tư) và một thân xác song song với nhau. Tôi muốn đọc sách và xác thân tôi, mắt tôi đọc sách. Hai việc đó: tôi muốn đọc sách và chính việc đọc sách không liên hệ chi với nhau, nhưng nhờ sự hòahợp tiền chế nên lúc tôi muốn đọc thì cũng chính là lúc cái máy xác thân chạy đến chỗ đọc.  

Đó là một thí dục cùng cực của sự chi li, vớ vẩn của triết có thể đem rốt nhà thương điên. Thế nhưng xưa nay chỉ có chửi triết chứ ai dámnghĩ đến đưa các triết gia vào nhà thương điên. Thực ra có cho tiền cũng không ai dám làm, vì rằng các chính quyền tự xưa tới nay cứ bắt người học triết phải học như thế, nếu có rốt thì phải rốt mấy ông nắm chính quyền trước đã, rồi mới đến các người khác, nghĩa là tất cả mọi người. Bởi vì mọi người đều chịu ảnh hưởng của những thứ triết đó, của Plato đặt căn cớ trên lý giới (duy tâm), của Aristotle đặt trên ý niệm bản thể sự vật (duy vật). Các triết gia sau tuy có phá phác, có thử thách đủ mặt nhưng không sao rút chân ra khỏi hai hạn từ đó mà triết đông goi là năng (subject) sở (objet). Vì thế mà xã hội Tây Au đầy những sự chia rẽ tự nền tảng: vô thần chống hữu thần, chủ chống nô và ngược lại, rồi tư bản vô sản, chủ nhân thợ thuyền, bà chống ông… Không một mối liên hệ nào là vắng bóng sự chống đối. Lâu ngày một số trí giả hé nhìn ra đôi chút lỗi tại đâu nhưng phải đợi đến đủ một dặm tam vô với đủ thứ để giả bạo tàn ngu xuẩn bần tiện của cộng sản thì bà con mới thấm mùi sự sai một li. Và từ đấy mới mọc lên nào triết lý tác hành, nào là triết lý lao động, ngày lễ lao động, lao động vinh quang…  

Thành công chăng? Thưa không vì đó mới là nói về làm chứ đã làm đâu, hay có làm nhưng đặt căn bản trên “duy vật” thì vẫn là bánh xe cũ: tức cũng xây trên một duy nào đó mà không trên tác động tinh tuyền. Vì chỉ có tác động tinh tuyền (an vi) mới đặt mối liên hệ cơ bản. Có nối được năng sở mới thống nhất, có thống nhất mới có sinh động, có sinh động mới có tinh thần. Thế có nghĩa là con người phải tìm sao cho ra một triết lý tác hành cao quý nọ.  

Điều đó chỉ có thể tìm trong những loại triết kiểu thuyết tam tài của Việt nho. Vì tài là tác, nó chỉ trỏ lối Tác Hành viết hoa, tức không phải là tác thường mà là Tác cùng cực. Việt nho nói bằng huyền số 3, Đao Ba, Tam tài. Đấy là lý do của thuyết tam tài, chữ tài viết theo điệu tác (hành), nôm na gọi là “tài gảy” bến thể của chữ thủ là tay (cơ quan để làm). Chính nhờ thuyết tam tài mà triết lý Việt nho đã không bị bệnh duy nào: không duy tâm, không duy vật, không duy lý, không duy tình v.v… Trái lại có một mối thống nhất lẫm liệt bao trùm cùng khắp, không còn chỉ là nối kết những cái nhỏ bé mà là nối kết toàn cả vũ trụ. Do đó có một sự sinh động đáng tên là triết lý nhân sinh và đạt tới bậc tinh thần cao độ nhất với câu “thần vô phương”, nghĩa là thần không ở hẳn đâu, nhưng đâu cũng ở, nghĩa là thẩm thấu cùng cực.  

Những điểm trên đã bàn dài nơi khác, ở đây chỉ cần nhắc sơ qua như thế để soi đường cho cuộc tìm về cảnh giới tổ tiên xưa, để xem các ngài đã đạt đến đâu. Muốn thấy ý hướng của các ngài thì một trong các phương tiện hiệu nghiệm hơn hết là suy tư về những danh hiệu nước, danh hiệu người, vì đấy là những kết tinh của lý tưởng được ấp ủ, đựơc lưu truyền từ đời nọ đến đời kia, nênlà những căn cứ bền bỉ. Vậy thuỷ tổ tối sơ của đại tộc ta là Tam Hoàng gồm Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, cả ba danh hiệu đều nói lên cái gì bao la và cùng cực. Điều đó được bày tỏ bởi chữ tam trong Tam Hoàng. Tam là Tam Tài: Trời, Đất, Người, cả ba làm nên một thân thể: “thiên địa vạn vật nhất thể”, không mảy may chia lìa chống đối:nhất thứ khi con người lại là cái tâm của vũ trụ (vũ trụ chi tâm). Như vậy khi đã đạt Tam Hoàng là đã bao trùm hết mọi đối tượng bé nhỏ, chỉ còn lại những động từ nằm ẩn trong chữ tài. Tài là power, là sức mạnh, một sức mạnh tinh tuyền tự phát ra tác động không cần bất cứ cái chi mảy đông nên đó là việc cao nhất, bao trùm hơn cả nên cũng đi vào cùng cực hơn hết, đến chỗ “hư tâm” tức là tinh thần cùng cực.  

Trong tập này đã mở đầu bằng 5chương về bốn việc căn bản Ở, Ăn, Mặc, Nói, Làm. Đọc bài nào rồi ta cũng sẽ thấy nó dẫn đến cái cùng cực, cái gì bao la vô hình.  

Ở dẫn tới thái thất: cho con người Đại Ngã ở trong vũ trụ, “cư chi quảng cư”.  

Ăn dẫn tới Việt tỉnh vớt lên nước cam tuyền bất tận.  

Mặc dẫn tới thể đạo:mặc đạo vào thân.  

Nói dẫn đến hư tự để hòa tan với vô biên.  

Làm dẫn đến An vi: làm là làm không lệ thuộc đối tượng.  

Tất cả 5 chương đều chứng minh nền triết lý tác hành có tầm bao la cũng như thẩm thấu đến cùng triệt.  

Như vậy là tạm xong chữ Tam Hoàng, bây giờ bàn đến ba nhân vật hay đúng hơn ba mẫu mực tối sơ làm nên bộ Tam Hoàng đó là Phục Hy, Nữ Oa,Thần Nông. Ơ đây ta cũng thấy liền đó là những động tác căn bản. Phục Hy là thuần phục súc vật, còn Hi là nuôi dưỡng cúng tế. Đó là hai chữ nói lên giai đoạn từ bỏ săn bắn tức ăn sẵn để tự tay mình làm ra bằng thuần phục súc vật và gây nuôi ngay trong nhà. Thần Nông cũng thế nói lên giai đoạn từ bỏ hái lượm lang thang để bứơc vào nông nghiệp với lối sống định cư tự tay làm ra thức ăn. Nữ Oa là sự tàng trữ chứa đựng nóilên sự làm nhà để thâu đựng. Đó mới là nghĩa đen vòng ngoài, còn nghĩa bóng thì Tam tài tức tác động cao nhất.  

Phục Hy chỉ thiên sinh  

Thần Nông chỉ địa dưỡng  

Nữ Oa chỉ nhân hòa.  

Đó là những tác động bao trùm hơn cả, cũng có nghĩa là đáo để, triệt cùng đều đã xuất hiện với bộ ba của Việt tộc.  

Sau này Nho giáo đã công thức bộ ba trên thành thuyết Tam tài: Thiên, Địa, Nhân đặt con người ngang hàng cùng trời, đất mà nhà cách mạng Trần Cao Vân đã diễn tả một cách oai nghiêm rằng:  

Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh,  

Trời Đất ta đây đủ hóa công.  

Nhưng học giả như James Legge cho đấy là những ý tưởng ngông cuồng càn giở dại dột. Nhưng ta trả lời đó là tại J.Legge đứng ở quan niệm triết học bản thể mà xét con người cùng một vị trí như trời. Đó là sai, hay đúng hơn đó là hiểu theo nghĩa đen câu nói bóng bảy. Muốn hiểu cho đúng tinh thầnViệt nho thì phải hiểu về phương diện tác động có tính cách chiến thuật chiến lược tức phải quan niệm về trời đất thế nào cho hợp triết lý tác hành, sao cho con người duy trì và phát triển được khả năng tác động của mình, mình vẫn hăng hái say sưa làm việc. Đó là điều quan trọng.  

Đã là triết lý nhân sinh thì chỉ nên xét tới những tác động liên can đến mình. Tuân Tử ví với quan niệm về hòn đá cạnh đường, người đi ban đêm tưởng là hổ thì rụng rời chân tay tê liệt cả thân mình, mất khả năng chịu đựng, nhưng nếu xem đó chỉ là tảng đá thì khả năng đi đứng vui hưởng còn giữ y nguyên. Về trời cũng vậy, trời vô hình nên mỗi nơi mỗi đời có những quan niệm về trời khác nhau, mỗi nền triết lý đạo lý đưa ra một quan niệm thuận với chủ trương của mình. Theo đó triết lý nhân chủ tác động không thể chọn quan niệm về trời quá toàn quyền đến độ coi con người là sự vật hoàn toàn bất lực chỉ còn phải vâng theo cách tối mặt. Với Việt nho quan niệm người như thế là xúc phạm đến trời. Trời là đấng thông minh vô cùng, quyền phép vô biên mà đến lúc dựng nên con người yếu xèo hoàn toàn thụ động không dám có một sáng kiến nào… thì không hổ mặt Thượng Đế sao. Ca dao ta nói: con hơn cha là nhà có phúc. Con người cũng là con trời, dám nói đến hơn nhưng cũng phải giống Thượng Đế phần nào, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh chứ lị. Nếu Thượng Đế là đấng toàn năng thì con người cũng phải là giống đầy năng lực đầy khả năng tác hành tự chủ.  

Vậy cho nên quan niệm quá hạ thấp con người chính là quan niệm xỉ nhục trời, nó sẽ dẫn đến thuyết định mệnh, bóc lột con người hết thảy, không còn chút tự do nào. Vậy hỏi tại sao quan niệm thấy kém đó lại được duy trì xuyên qua Au Tây cổ đại? Ngừơi ta nhận ra rằng quan niệm này đựơc các nhà chuyên chế ưa thích vì nó rèn luyện tâm trí con người để suy phục quyền bính và nếu nhà cầm quyền lại thành công trong việc tự đồng hóa mình với trời như thuyết vua thần, thì sự đàn áp chuyên chế đi đến cùng cực, khiến con người bị vong thân mất hết chủ quyền và khả năng tác động.  

Đó là lý do thầm kín đã gây nên thuyết vô thần chối bỏ thần minh để cho con người ngóc đầu lên để được tự do, tự làm lấy lịch sử. Do đó con người coi trời bằng vung. Nhưng đó là quan niệm không tưởng trái với thực tại. Trời che cùng khắp sao dám coi là vung. Trời là gì cao cả bao la vây bọc quanh mình từng giây từng phút chối đi đâu có được. Vì vậy mà Au Tây cứ lúng túng trong hai thái cực nọ: trời là tất cả, con người không làm chi được; hoặc con người là tất cả: không có trời. Nhưng cả hai đều có hại cho khả năng làm việc của con người. Cụ thể là không thiết lập nổi một nền triết lý tác hành. Muốn giàn hòa hai thái cực đó nên dùng thuyết Tam tài là đặt con người lên cùng hàng Tài, tức Tác, tức là bất cứ tác động nào liên quan đến con người thì con người cùng đóng góp vào đó “một phần ba” (xin hiểu co giãn kiểu tam tài). Ngay việc lên thiên đàng xuống hỏa ngục thì chính con người phải có phần đóng góp quyết liệt chứ nếu cho là tại trời cả như Calvin chủ trương thì ra ông trời là đầu mối sự bất công sao? Việc lớn lao như vậy mà con người không có phần, huống chi việc khác.  

Đấy là lý do của thuyết Tam tài, và đây là lý do tại sao Việt nho có ý nghĩa đặt tên người là thánh ngang với trời (Tề Thiên Đại Thánh) khác hẳn ông trời Tây Au, thấy con người bất tuân thì làm sét đánh cái rẹt. Ong trời Đông phương thì không, nhiều khi con người làm bậy ông chỉ nhìn rồi khóc, chứ tuyệt không can thiệp sợ phạm vào tác quyền của nó, cái quyền tự tạo tự thành chứ không được ỷ lại. Phong dao ta có câu:  

Hoàng Thiên ngự tại thiên đàng  

Thấy con uống rượu hai hàng lệ rơi  

Tưởng rằng con uống con chơi  

Ai dè con uống con rơi xuống xình.  

Tôi nghĩ trời cũng phải thích thú câu trên, bởi vì quyền phép vô biên của trời thì quá chói chang, sức mấy mà hạ giá nổi, cần chi cảnh cáo. Trời quá đủ thông minh để hiểu rằng: tụi nó quá kính nệ mình là cái chắc có nói ngông chút cốt chẳng qua là chiến lược tâm lý thôi, tức là mạnh miệng một chút cốt để bảo toàn nội lực, nuôi dưỡng được tác phong của con người hùng, sẵn sàng nắm lấy phần tích cực dành cho con người trong mọi việc liên hệ đến nó, để

 “Có trời mà cũng có ta” và  

“Tận nhân lực nhi quy thiên số”.  

Có quy thuận theo thiên số theo vận mạng chứ, nhưng trước hết phải làm cho đầy đủ đã những gì con người có thể làm, làm tận nhân lực. Chính nhờ chiến thuật đó mà triếtlý Việt nho đã đạt thành tích hầu không một triết lý nào làm được: là đã cứu gỡ con người ra khỏi mọi trông nô lệ của tai dị rồi đặt con người lên địa vị chủ nhân, gọi vắn tắt là nhân chủ.  

Đấy là lý do sâu xa giải nghĩa hiện tượng dân chủ rất sớm của nước ta xưa là đề cao kinh nghiệm thực lực bên trên quyền bính, coi trọng uy tín hơn uy quyền, đề cao những sáng tạo những thành tích như xa xưa là ông Hữu Sào người sáng nghĩ ra nhà sàn, Toại Nhân, Viêm Đế là người biết dùng lửa, Hữu Miêu người biết gieo mạ, rồi đến một lượt các bà: Bà Đà trồng cây xây núi, Bà Dâu phát minh ra việc nuôi tằm bằng lá dâu, Bà Nành nghĩ ra việc trồng đỗ nành, Bà Giàn biết làm giàn dưa. Trong Nam có đầy tên các bà: Bà Điểm, Bà Hom, Bà Quẹo… Tóm lại không phải thuộc dòng tộc vua quan mới được lưu danh mà tất cả ai ai dầu là thường dân miễn có tác động sáng tạo là được lưu danh hậu thế.  

Về điểm này có thể nói Việt còn giữ đựơc tinh tuyền hơn Tàu, bên Tàu còn có những kiểu nói chỉ dân nước là người nhà Chu, người nhà Hán, người nhà Đường… (Chu nhân, Hán nhân, Đường nhân) chứ bên Việt Nam thì không. Có lẽ vì vậy mà danh hiệu nước ta có những tên hay một cách tuyệt với như Văn Lang, Giao Chỉ, và nhất là Việt, cả Việt Mễ lẫn Việt Tẩu. Tóm lại triết bằng động tự với nghĩa là nhấn trên tác hành hơn là trên bản thể của sự vật, hoặc trên quyền bính vì quyền bính cụng là một vật thể ngoài con người. Quả là một nền triết thấu triệt vậy.

 

BẠT CHO NĂM BÀI TRÊN  

Sau bằng ấy bài (Ở, An, Mặc, Nói, Làm) chúng ta đã có một số ý niệm về Hồng Bàng Cảnh Trí” tức là một thực thể luôn luôn hướng về siêu việt được biểu lộ ngay trong tên Hồng Bàng là giống chim bay cực cao nên cũng có tên là ngỗng trời hoặc thiên nga tức nói lên rằng đời sống thật của con người phải thành bởi phần siêu linh để con người thực là vật lưỡng thê: có hai đời sống một của tiểu ngã ở phàm trần một của đại ngã tâm linh trên cõi siêu việt. Nói theo triết là triết phải có thêm nguyên lý mẹ là điều có tràn ngập trong nước Văn Lang nơi mà các bà thường mang đồ mặc bằng lông ngỗng (chim hồng hộc) để chỉ sẵn sàng bay lên. Đó là tục phổ thông ở thời xưa mà ta còn thấy dấu vết trong truyện Mỵ Châu trên đường chạy trốn đã trải lông ngỗng cho Trọng Thuỷ biết đường tìm tòi, hoặc áo các bà có thêu chim trĩ gọi là địch y v.v…  

Có lẽ chính vì tính chất lung linh bay bổng này mà lãnh địa cổ Việt đã có thời tỏa từ các dao Thái Bình xuyên qua Việt Nam lên cùng khắp nước Tàu. Để biểu hiện tính chất siêu linh của cảnh vực nọ chúng ta đã xét qua năm hành trang căn bổn của con người Việt tộc là ăn, ở, mặc, nói, làm và ta đã thấy các điểm đó đều mang nặng tính chất siêu hình tiêu biểu bằng đôi cánh thiên nga luôn luôn bám sát những tác động căn bản của tiên tổ như ở, ăn, mặc, nói, làm.  

An là một thứ bình sản tức một lối phân chia tài sản làm cho con người có mà như không để vừa được độc lập kinh tế, vừa để tâm hồn khỏi dính bén bụi trần. Trong trống đồng hình giã gạo bằng chày có lông chim biểu thị điều đó. 

Mặc bằng lông chim hoặc vẽ hình rồng để sẵn sàng bay bổng.  

Nói theo cơ cấu đầy biến ảo thanh thoát tiêu biểu bằng hư tự: không hư mà hư, để nối liền cảnh vực với cõi hư linh đầy ảo diệu. Nhiều học giả Tây Au nhận xét tiếng Việt nghe như chim hót. Câu đó có thể mang theo ý rất cao.  

Làm theo lối an vi không để mình bị trói buộc vào đối tượng, không chịu làm tôi cho mục tiêu, nhưng vươn lên đến tác động tinh tuyền: tác động không cần động lực bên ngoài thúc đẩy, lên đến chỗ không lấy hậu quả để luận anh hùng, vì cốt cán của anh hùng là an vi, tự lực, tự thành như Thánh Dóng: làm tận lực để rồi siêu thoát như thiên nga bay về trời.  

Đó là nền triết lý cao cả mà lại trình bày bằng nghệ thuật (ca vũ). Nền triết đó mà hiện thực được sẽ đưa lại an vui, hoan lạc cho con người.

XIV. AN VI LUẬN

1. Thế nào là An vi:  

Nhiều người hiểu an vi là thanh nhàn không phải làm gì, khỏi bận tâm đi kiếm tiền kiếm của: thế gọi là an vi. Nếu an vi là vậy thì cần chi đến triết lý chỉ việc gõ cửa mấy ông nhà giàu bự là đủ. Có người lại nghĩ rằng an vi là không nóng giận, cả không vui mừng nữa; sống bình thản trước mọi cảnh đời: éo le cũng như đắc ý, không dây mình vào việc chi, đời sao mặc đời… Nếu an vi là thế thì có khác chi mấy kẻ ù lì, việc chi phải đặt ra triết lý an vi. Ngược lại triết lý an vi cần:  

Cho những người dấn thân vào đời  

Cho những người phải chiến đấu  

Cho những ai gặp bước gian truân  

Cho những ai gặp cảnh bần hàn  

Cho những ai muốn cải tạo xã hội…  

Như thế thì an vi không có nghĩa là hưởng nhàn mà là làm việc hăng say mà vẫn thanh thản. An vi cũng không phải là vô cầu, nhưng cầu mà như không: không cầu mà cầu; nhắm thành quả mà quan trọng không đặt ở thành quả, nên không lấy thành quả để luận anh hùng. Bởi vậy với người đời đó là thứ triết lý rắc rối ỡm ờ, nhưng với ngừơi thấu hiểu thì lại nhận ra thứ triết lý vi diệu rất khó đạt được. Tuy nhiên nếu hiểu trúng, đặt nền tảng cho ổn thì hy vọng đạt được không phải là diệu vợi. Bởi vậy sau đây chúng ta sẽ bàn đến ít điểm cần cho sự hiểu triết lý an vi mong có thể hiện thực được vào bản thân cũng như đời sống xã hội.  

2. Trước hết cần đặt vị trí cho an vi  

An vi nằm đâu đó giữa hữu vi và vô vi, hay đúng hơn bên trên hoặc bao quanh lấy cả hữu vi lẫn vô vi. Chữ an có nghĩa thông thường là “yêu hòa giải không tranh chấp” (hiếu hòa bất tranh viết an). Nghĩa đó đúng nhưng chỉ ở vòng ngoài trong lối sống thường nhật, chưa phải là nghĩa siêu hình của chư an vi. Muốn hiểu được An vi cần phải hiểu đến tận gốc rễ, mà cho được thế cần phải hiểu thế nào là Hữu vi và Vô vi và cái cạm bẫy đầy nguy cơ nấp sau hai triết thuyết đó. Vậy hữu vi là Có Làm. Có làm thì phải rồi tại sao lại bảo là chứa chấp nguy hiểm. Thưa rằng, cái đó rất tế vi nên không dễ nhìn ra được, cần phải phân tích thấu triệt.  

Ta quen hỏi bạn đang làm gì đấy? Và câu thưa sẽ là tôi đang uốn cảnh hay ngắm hoa, đọc sách, biên thư… Bạn có thể thưa cả hàng ngàn câu, nhưng khi phân tích ra thì câu nào cũng có một động tự (uốn…) và một đối tượng (cảnh…). Ngay trong câu hỏi làm gì cũng đã có đối tượng rồi: nằm trong chữ gì? Gì là đối tượng của làm. Vậy mà cạm bẫy trong chữ gì, nghĩa là nằm trong đối tượng. Cái hại là đối tượng sẽ thu hút hết nghị lực của con người, khiến cho trong hành động tác nhân sẽ trút hết tinh anh vào đối tượng. Người thường không thấy nguy cơ đâu cả, nhưng hiền triết nhận ra đó là đầu mối của nạn vong thân, nó ở chỗ bắt con ngừơi đầu tư trọn vẹn tâm thần ý chí vào đối tượng của việc làm, khiến cho dần dần đối tượng trở nên chủ và sẽ đối tượng hóa luôn con người (objectiver l’homme) mà nghĩa thông thường là “nhân hóa vật”: người hóa ra như vật, nghĩa là người cư xử và động ứng theo cung cách vật thể. Điều đó sẽ dẫn tới chỗ người xử với người như với vật (chosifier).  

Từ đấy bất cứ cái chi dầu là linh thiêng nhất cũng quan niệm theo lối sự vật tức có hình thể. Thí dụ như siêu hình cũng bị quan niệm kiểu những vật hữu hình, tức như cái gì đứng bên ngoài mình, kiểu một đối tượng, nghĩa là cái tượng hình đứng đối diện với mình, mình phải đi tới nó để chống lại hoặc chiếm hữu lấy: avoir. Đó là hậu quả đầu tiên làm tiên tan mất cái linh thiêng vị tế trong tâm hồn mình mà chính nó mới là bản gốc của người, vì thế gọi là vong bản. Từ đó sẽ dẫn đến nhiều ác quả mà trước hết là sự đề cao những tác hành có đối tượng bên ngoài mình và thế là dẫn tới lợi hành: làm hoàn toàn vì lợi. Mà lợi đi với địa (thiên đợi, địa lợi) tức là đi với cái gì bé nhỏ, có cục hạn như mọi sự vật: vì thế lợi hành là con đường thẳng đưa ngừơi ta đến duy vật. Một khi đã duy vật thì sẽ coi là vô giá trị mọi việc gì không có lợi, không sản xuất ra cái gì cầm nắm được và như vậy sẽ đi đến chỗ phế bỏ mọi việc tinh thần, tâm linh. Hậu quả việc đó là cột chặt con người vào đất, khiến nó bị tước đoạt hết những khả thể thanh thoát bay bổng, như thấy rõ trong lối hành xử của người cộng sản: chỉ gọi là làm việc khi có sản xuất ra cái chi cụ thể. Đó là tai họa lớn lao hơn hết trong kiếp người.  

Vì thế có một thái độ đi ngược lại là không làm: vô vi. Ở đây không nói đến chữ vô vi của Lão Tử (đã bàn rồi trong Định Hướng Văn Học) nhưng có ý nói vô vi là không làm gì, vì coi sự làm chứa đầy cạm bẫy giam hãm con người lại, không cho tung cánh bay cao. Nói theo kiểu triết An Độ là hễ làm thì có quả mà có quả là có giây trói buộc do luật khắt khe nhân quả không cho con người giải thoát. Vậy tốt hơn hết là đừng có làm: vô vi. Nhưng vô vi cũng đặt ra đầy khó khăn như không làm thì sống sao đây? Muốn sống thì phải có làm, mà có làm thì lại bị trói buộc. Đàng nào cũng chết.  

Đại để đó là gọng kìm nan giải đặt ra trứơc những lương tâm bén nhậy cao độ để thấy nguy hại trong cái hữu vi, nên chạy úa sang vô vi, vì chưa đủ tinh anh để đặt một lối thoát khác. Và lối đó chính là an vi được đề ra để hòa giải khó khăn gặp trên hai con đường hữu vi và vô vi.  

Chủ trương của an vi là làm nhưng không đặt trên cái có của hữu vi: nói khác, không đặt quan trọng trên đối tượng hay hậu quả, nhưng đặt vào tác động, và nhờ đó tuy có làm mà vẫn không bị đối tượng trăng trói, tức không bị lệ thuộc vào thành quả. Nhờ đó thành tựu hay thất bại không phá vỡ nổi tâm trạng an nhiên thư thái của tác nhân. Đó là bí quyết của triết lý an vi, nó nằm bên trên hữu vi (có làm) và vô vi (không làm). Nó vừa giống hữu vi vì có làm, nhưng cũng giống vô vi vì không đặt trọn sinh lực vào đối tượng (gọi khác là thành công) nhưng phần lớn đựơc đặt vào tác nhân hay thành nhân. Câu nói của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học “không thành công thì thành nhân” là hậu quả của triết lý an vi. Y như triết lý an vi là hiện thân của đạo Ba, là đạo đặt trọng tâm vào con người. Đang khi các triết lý khác, không hữu vi thì cũng vô vi, và cả hai gặp nhau ở chỗ đặt quan trọng vào đối tượng, tức là những mục tiêu nằm bên ngoài con người.  

Đấy là điều rất tế vi đã được minh chứng tỉ mỉ trong cuốn Chữ Thời. Ở đây chỉ có thể nói vắn tắt rằng nền siêu hình của các triết học đó đều sai lầm, nói là siêu hình mà kỳ thực là hữu hình hay ít ra hữu tượng như thí dụ lý giới của Platon hay thế giới bản thể của Aristotle đều là hữu hình. Cho nên sau này Kant mới phê bình là siêu giả tạo (illusion transcendentale), nó gieo tai hại vô biên vì làm cho con người vong thân mà không hay biết. Cứ tưởng để lòng trí vào siêu hình là trở nên cao thượng, có biết đâu rằng đó mới là siêu hình mà chưa siêu tượng nên là lối vong thân tế vi, chính nó giam cầm con người trong gôm cùm của trục vật (chạy theo sự vật mà quên bản thân). Dần dần đi đến chỗ cùng cực là chỉ biết trọng những việc gì có công hiệu cụ thể hữu hình v.v… hoặc chỉ biết trọng những việc có đối tượng cao cả, mà chưa sao đạt được thái độ coi trọng việc xét là việc, không cần đối tượng cao hay thấp, vì thế ở đây xin nói tới khía cạnh ấy của triết an vi, đó là:  

3. Tìm hoàn bị trong mỗi việc bất kể to nhỏ  

Đó là hậu quả của siêu hình đích thực. Ngừơi thực sự đạt siêu hình thì không còn lệ thuộc vào những cái hữu hình (tức đối tượng) nên không đặt quan trọng ở đối tượng, nhưng đặt ngay ở nơi tác nhân, đặt ở thành nhân, còn thành công chỉ được coi như phương tiện, như những chặng trung gian mà không là tối hậu: nên coi mỗi thành công là khởi điểm cho chặng tiến khác… Do đó khi thành tựu không tự mãn, khi thất bại không nản lòng. Bởi chưng kỳ vọng là thành nhân, thành thân, có tính cách vô biên tức quá cao chẳng bao giờ gặp giới mốc nên không thể tự mãn, vì trước mặt đường tiến vẫn còn rộng mở. Có thất bại cũng chỉ là lặt vặt thuộc đối tượng, không hỏng đến đại cuộc là thành nhân, vì thế mà không nản.  

Nói thành nhân không có nghĩa là coi thường thành công. Thực ra không thể thải bỏ thành công vì thành công đã nằm trong thành nhân như thành phần nằm trong toàn thể. Toàn thể là nhân, vì nhân được định nghĩa là “thiên địa chi đức” nên đương nhiên nhân bao gồm mọi đối tượng. Vì không một đối tượng nào dù to hay nhỏ có thể ra khỏi vòng thiên hay địa, còn thiếu chi đâu! Đó là một tâm trạng coi như vu vơ, mà ai đạt được lại thấy hậu quả tràn ngập toàn thể thân tâm mình. Vì thế hậu quả đầu tiên khi đạt tâm trạng đó là sẽ làm rất hăng say bất cứ công việc nào vì lúc ấy to nhỏ không được đánh giá quan trọng như trước, bởi to nhỏ do đối tượng, nhưng bây giờ vì không đặt nặng đối tượng, nên việc nào cũng đáng làm với cả tâm hồn thể xác. Người ta nói về Thượng Đế là đấng tỏ ra “rất cao cả trong những việc hết sức bé nhỏ” (maximus in minimis) là vì quan trọng đặt ở tác động, tức là đặt ở tác nhân là Thượng Đế, mà vì Thượng Đế có khả năng vô biên nên dù làm một việc rất nhỏ, như một con muỗi thí dụ, cũng làm đến độ cực kỳ vi tế đến độ đủ biểu lộ đựơc quyền lực vô biên. Họa sĩ có thiên tài không cần phải vẽ cái chi cao cả mà chỉ vẽ vài quả táo thối như Mục Khê đã làm cũng đủ biểu lộ thiênt ài, khỏi cần đối tượng to. Người sao chiêm bao vậy: không cần chiêm bảo to hay nhỏ, nhưng cần ngừơi chiêm bao phải to. Làm như thế để cho con người nên tọ, đó là ý nghĩa sâu xa của nền minh triết tam tài đặt con người ngang cùng trời đất như được bàn nơi khác (Chữ Thời, Nhân Bản).  

Ơ đây chỉ đề cập đến một khía cạnh cụ thể là nền giáo dục. Giáo dục muốn đạt an vi phải là nền giáo dục làm to con người, gọi tắt là vi nhân.  

4. Giáo dục vi nhân

 Nghĩa là nền giáo dục trứơc hết nhằm đào luyện ra người to, người to rồi việc mới to, việc nhỏ cũng sẽ hóa ra to, người nhỏ thì việc to rồi cũng hóa ra nhỏ. Nói khác, không phải hễ chương trình hay thì rồi mọi việc sẽ hay khi thiếu người hay, nhưng nếu muốn cho mọi việc hay thì cần trứơc hết phải có người hay. Bất cứ chính trị, xã hội, kinh tế chi chi cũng không thoát luật chung đó. Vậy mà giáo dục hiện nay lại hướng hết vào đối tượng, mà bỏ bê con người, vậy là bỏ gốc ôm ngọn. Dấu hiệu rõ nhất của sự vụ là giáo dục hướng trọn vẹn vào lợi hành. Các nhà giáo dục tận tâm khuyến khích thành công: luôn luôn tập rèn cho trẻ biết đánh giá theo thành công, đến nỗi coi đó như cứu cánh cuộc đời. Đấy là một việc thừa để khỏi nói là có hại. Thừa là vì thành công thuộc tiểu ngã không cần khuyến khích thì con người cũng đã chạy theo rồi, nhất là khi còn bé nhỏ chưa thể thấy gì khác hơn là thi đua. Lẽ ra giáo dục phải biết tiết chế chiều hướng đó lại, để nuôi dưỡng lòng hướng thượng, lòng ham muốn thành nhân, vì đó mới là sứ mạng của nền giáo dục chân chính tức là nuôi dưỡng (dục) cái nhân tính (giáo) chứ không phải là giáo dục con người để chạy theo sự vật đến độ quên mình như nay. Con người hiện đại chỉ biết trục vật là lỗi do nơi nền giáo dục chỉ biết đề cao thành công là làm nhỏ tâm hồn con người lại, không còn chỗ trống cho sự nảy nở những mối tình cao thượng vị tha. Chỉ khi nào biết đề cao chủ thể hay tác nhân, thì mới là vun tưới đại ngã man mác. Tổ tiên ta được tiếng là:  

Thắng không kiêu,  

Bại không nản.  

Chính vì đã được tôi luyện trong nền giáo dục an vi vậy. Để chứng minh xin trưng ra đây hai việc rất linh thiêng đã được in dấu của nền giáo dục vi nhân như thế nào. Đó là hai Lễ Gia Tiên và Tế Thiên. Tại sao Việt nho đã biến việc thờ tổ tiên ra lễ gia tiên, biến việc thờ Thượng Đế ra lễ tế thiên? Thưa vì thờ tổ tiên là tin có linh hồn về hưởng của dâng, rồi xin ơn này nọ, vậy là bám vào những cái tư riêng hữu hình bé nhỏ. Điều đó sẽ gây tai họa sâu xa vì dùng những giờ phút trang trọng nhất để vun tưới cho lòng tham, khiến cho những giờ phút linh thiêng nhất được dùng vào việc tài bồi óc ham muốn. Vậy là bó chặt thêm mãi tâm hồn vào những cái bé nhỏ hữu hình, cho nên tiên nho nói: “tự cầu đa phúc” là vì vậy, tự cầu là không xin gì ngoài mình thì rồi lòng sẽ được thả buông dần và siêu lên đến chỗ thanh thoát an nhiên.  

Vì thế mà tục thờ ông bả đã thăng hoa thành lễ gia tiên. Nơi đây chỉ biết tế dâng là tế dâng, không để cầu cạnh cái chi hết, chỉ cốt dùng việc tế dâng để đi vào tới tận thâm tâm lòng mình, đặng hội thông cùng trời đất vạn vật hầu làm nên nhất thể (đọc lại quyển Hồn Nước với Lễ Gia Tiên, chương II, Phúc giả bị dã…)  

Tế thiên cũng vậy. Thiên ở đây không còn là Thượng Đế nhân hình nữa, nhưng chỉ còn là luật trời đất huyền vi. Người không hiểu cho là lờ mờ, nhưng với người hiểu thì biết đây mới chính là siêu hình: vì thiên không còn nhân hình nữa nhưng chỉ là khởi linh quang u linh bàng bạc cùng khắp, khiến cho tâm hồn quen thờ trong bầu không khí man mác đó sẽ lơi dần khỏi đối tượng bé nhỏ để bay lên thanh thoát nhẹ nhàng theo tiết điệu uyên nguyên của vũ trụ, tiên nho kêu đó là “đại thuận đại hóa”. Đại thuận là thuận theo thời trời, gọi là đại vì không gì lớn lao hơn trời đất, nên cũnglà đại hóa tức vươn ra mênh mông như vũ trụ “ngô tâm tức thị vũ trụ” là vậy. Vì thế an hành, an vi được nhắm như lý tưởng tối hậu của nền giáo dục đặt xa bên trên hai đợt cưỡng hành và lợi hành. Cưỡng hành đặt móng trên sự sợ hãi: sợ trời đánh thánh vật, tức chưa đi vào đến lý trí nên là thấp nhất. Đến lợi hành tuy đặt trên lý trí nhưng đối tượng chỉ mới là thành công, chưa đạt tâm linh. Chỉ còn an hành mới đặt tâm linh trọn vẹn, mới có sức phát huy nhân phẩm, nhân cách. Ngừơi ta sẽ dễ nhận ra điều đó khi thấy Việt nho đã đào tạo ra được nhiều nhân sĩ hơn hết với một tâm hồn thanh thản, cái thanh thản kiên cường không cần chắn gió che sương nhưng dám đi giữa bụi đời xoáy lốc mà vẫn thanh thoát tự tại.

XV. LÀNG XÃ XÉT NHƯ CÁI BỌC MẸ ÂU CƠ

Làng xã với Kinh Hùng và trống đồng Ngọc Lữ ba chân của cái kiềng vàng văn hóa Việt tộc. Trống đồng như điển chương tiềm ẩn u linh. Kinh Hùng là phát ngôn viên bằng huyền thoại. Làng xã là chứng nhân cụ thể sống động, là xương thịt huyết khí cho hai điển chương cao cả nọ.  

1. Làng xã là bản tóm sống động hơn hết nền văn hóa Việt Nam  

Sau nhiều năm lặn lội trong làng triết học và văn minh xã hôi học chúng tôi mới nhận ra câu tiêu đề trên là một chân lý rất quan trọng cho người Việt. Vì thế hôm nay xin mời quý vị cùng chúng tôi luận bàn về làng xã.  

Nhiều học giả Au Tây nhận xét đó là cái gì kỳ diệu: “le village Vietnamien est une chose merveilleuse” (P.Mus) trong đó người ta sống hoàn toàn bình đẳng; đó quả là một tổ chức cai trị kỳ diệu. Un organe qui est un merveilleux outil de gouvernement. Trên đây chỉ là một vài mẫu, còn có thể kể thêm nhiều chứng từ khác. Tôi nhớ lại cảm tưởng bỡ ngỡ xưa khi đọc những lời như vậy: tôi hỏi có nền tảng nào để Tây Au khen tặng như thế hoặc những lời khen nọ có ngụ ý đồ nào đó chứ thực sự có được như vậy chăng.  

Có lẽ phần lớn người Việt cũng cảm nghĩ như tôi ít ra trước đây vài chục năm khi còn đọc những sách của Tự Lực Văn Đoàn chế diễu những hủ tục trong làng xóm, hay cả những tác giả loại Phan Kế Bính hễ mở miệng nói đến phong tục Việt Nam thì phải chê cho bằng được mới nghe. Nguyễn Văn Vĩnh cho cái cười người Việt là nham hiểm xấu xa v.v… Tất cả là tại nhìn bằng cặp mắt của quan cai trị nhà nước bảo hộ đầy nghi ngờ luôn luôn muốn hạ giá dân bị trị. Trong vấn đề này ai phải Paul Mus, hay Tự Lực Văn Đoàn, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh?… Câu hỏi đó thúc đẩy chúng tôi cất bước đi tìm và sau ít lâu tôi nhận ra rằng sở dĩ có hai loại phán quyết khác nhau không phải vì ý đồ nào hết, ít ra những người vừa được trưng dẫn, nhưng họ nói quá khác nhau chỉ vì quan điểm và đối tượng khác nhau. Ngoại nhân thì đã trải qua thời sùng bái khoa học rồi, còn người minh chưa. Vì thế ngoại nhân nhìn phong tục mình dưới khía cạnh nhân bản với cặp mắt lạ lẫm còn ngừơi mình nhìn với cặp mắt quen thuộc, chiếu trên những cái làm bực mình như những hủ tục, những đàn áp bất công đầy nhóc trong thôn xóm làm cho nước chậm tiến hơn Tây vô vàn. Đó là điều quá hiển nhiên nên cần nói lên, viết ra để tìm cách cải tổ. Vậy có chê cũng vì thiện chí, chứ không có ẩn ý nào cả.  

Nhưng đến nay chúng ta đã lùi xa hơn về thời gian và đã biết rõ hơn về Tây Au cũng như đã được xem hậu quả của hai nền văn hóa về nhiều mặt thì có thể cho quan điểm các ông Bính, Vĩnh, Tự Lực Văn Đoàn là có hại. Đành rằng làng xã Việt Nam có nhiều hủ tục và tham nhũng cần cải tổ, nhưng phải phân ra đâu là cơ cấu móng nền, đâu là những tệ lậu do sự điều hành kém. Nếu không thì giống người ném ba con chuột chạy quanh những bình sứ quý, chuột có thể chết nhưng bình cũng vỡ luôn. Muốn xem cơ cấu có đáng bảo tồn chăng chúng ta cần dùng phương pháp tỉ giáo là so sánh làng Tàu, Tây với làng ta. So trong cơ cấu cũng như nguồn gốc và bầu khí. Lối nghiên cứu đó vừa hứng thú, đồng thời giúp ta biết rõ đâu là giá trị để duy trì, đâu là hủ tục để trừ khử.  

2. Nguồn gốc  

Nhiều sách nghiên cứu về Việt Nam cho rằng làng Việt Nam cóp nhặt của Tàu, vì thoạt xem qua thấy rất nhiều điểm giống nhau nhưng so sánh kỹ rồi mới thấy ý kiến đó cần thải bỏ vì những điểm giống kia cùng lắm chỉ nói lên họ hàng văn hóa giữa ta và Tàu, chứ không thể quyết định rằng làng Việt do làng Tàu. Trái lại khi xem đến một số nét dị biệt phải nhận rằng làng Việt đã có lâu trước khi tiếp xúc với Tàu và vẫn lẩn tránh văn minh Tàu, mà nơi lẩn tránh đó chính là cái làng. Vậy làng Việt là một thực thể độc lập có đã từ lâu đời mà nét đặc trưng của nó là tự trị. Ta có thể quả quyết như vậy theo hai nẻo quan sát. Nẻo trước liên hệ đến những nét dị biệt với làng Tàu. Nẻo thứ hai là quan sát tình trạng làng Việt từ thời độc lập, cũng như khi gặp nền văn hóa thực dân.  

Trước hết làng Tàu khác với làng ta trong những điểm sau đây:  

1. Thứ nhất làng Tàu mới xuất hiện từ thế kỷ 11. Khi chính quyền trung ương không thể làm khác; ngược lại với làng Việt chính là hậu thân của Hồng Bàng Thị, nghĩa là có ngay từ trong nôi của nước Việt lúc đang hình thành (theo quyển Peuple chinois của Fayene). Điểm này hiện đã được minh chứng do khảo cổ đã khai quật được hàng trăm làng cổ xưa có trước khi tiếp xúc với Tàu.  

2. Bên Tàu làng nào cũng thờ Hậu Tắc, còn làng Việt thờ Thổ Thần hay thần làng (tr.256).  

3. Hội ở chùa không ở đình như ở bên Việt (tr.260).  

4. Tư tế là ban bảo thành mà không là hội đồng kỳ mục như bên ta (tr.264).  

5. Thờ 6 thần. Con số này xuất hiện với du mục Tây Bắc (Danses 7.10)  

Trên đây là vài điểm trích từ một tài liệu đã cũ, được ghi ra đây để làm khởi điểm cho một cuộc nghiên cứu sâu rộng sau này, nó sẽ rất phiền tạp vì trải ra nhiều nơi và nhiều thời nên vừa rộng vừa lâu. Nhiều người từ Ba Thục đến cư ngụ nơi khác đã nhiều thế hệ vẫn coi mình như ngụ cư tạm còn lòng vẫn hướng về Ba Thục…  

Ta nên ghi nhận rằng bên Tàu có nhiều địa phương với nhiều luật lệ khác nhau qua nhiều triều đại dị biệt không thể nói chung mà đúng cho tất cả. Chỉ biết rằng có một số điểm khác nhau như khi Mã Viện thắng hai Bà Trưng rồi nhận thấy luật ta khác luật Tàu đến 10 điểm và sửa đổi bắt theo Tàu. Nhưng dân chúng chỉ tuân theo bề ngoài cho êm chuyện, còn bên trong vẫn “phép vua thua lệ làng”, dù cuộc đô hộ có kéo dài cả ngàn năm cũng thế.  

Bây giờ quan sát sự trưởng thành của nền tự trị xã thôn trong thời độc lập Đinh, Lê, Lý, Trần. Quãng này sự tranh đấu di chuyển từ nhà nước Tàu sang nhà nuớc Việt. Vì tuy nứơc đã độc lập nhưng vương triều vẫn còn cố bám víu vào những lề lối chuyên chế do Tàu để lại nên chỉ chịu trả cho dân nền tự trị xã thônt heo đà thời gian. Ban đầu tức lối đời Tiền Lê, triều đình vẫn cư xã quan để cai tri, có lập sổ đinh để kiểm tra dân số và sổ điền để phân loại các hạng điền thổ.  Điều này được tiếp tục dưới đời Trần, nhưng thay vì xã quan thì đặt đại tư xã cho làng lớn tiểu tư xã cho làng nhỏ. Hội đồng kỳ mục chỉ giữ vai tư vấn. Như thế là nhà vua vẫn lấn thêm vào nền tự trị xã thôn và tất nhiên bị chống đối nên đến đời Trần Thuận Tôn (1388-1397) đã phải bãi bỏ xã quan.  

Khi nhà Minh đô hộ nước ta đã tìm cách thay hẳn bằng cơ cấu làng xã bên Tàu: bắt mọi gia đình phải có một sổ gia đình gọi là hộ thiếp, chia dân chúng thành từng lý, mỗi lý gồm một trăm mười gia đình. Người đứng đầu gọi là lý trưởng được cử lại hàng năm.  

Đời Lê lập lại chức xã quan, chia dân chúng theo đinh mà không theo hộ như thế là còn chuyên chế tuy có nới tay hơn nhà Minh: dân vẫn chưa lấy lại được nền tự trị xã thôn. Mãi cho tới đời vua Lê Thần Tôn và Lê Ý Tôn (1732-1740) dân chúng mới được bầu lấy xã trưởng cho mình: đây là điều then chốt cho nền tự trị xã thôn. Từ đấy nền tự trị này đã được duy trì suốt qua triều Nguyễn “quan của triều đình bổ ra chỉ đến phủ huyện còn từ tổng trở xuống thuộc quyền tự trị của dân. Dân tự chọn lấy người của mình mà cử ra coi việc trong hạt” (Sử ký Trần Trọng Kim, tr.481).  

Đó là quá trình tranh thủ để duy trì nền tự trị xã thôn, nó lớn lên theo sự loại bỏ dần ảnh hưởng Tàu và vươn lên cùng nhịp với nền độc lập quốc gia. Chính trong tình trạng đó mà xã thôn ta phải đương đầu với Tây phương. Không thể nào họ không sử đổi theo mẫu làng Pháp. Muốn thấu đáo chúng ta nên xem qua nguồn gốc làng Tây. Có vậy mới thấy những điều lên án triết Tây có đủ nền tảng không những tiên thiên lý thuyết mà cả hậu thiên thực hiện.  

 3. Làng Tây  

Làng Tây mới có vào lối thế kỷ thứ 10 trở đi. Trứơc đó xã hội Tây Au trung cổ đặt nền trên liên hệ chủ nô trước rồi lãnh chúa nông nô sau, nhưng tựu trung vẫn là chủ nô, tức một bên làm chủ trọn vẹn và chỉ gồm suýt soát ¼ dân số. Đó là những người thong dong gồm quý tộc, giáo sĩ, quân nhân, chuyên nghiệp, những người làm nghề tự do như thương gia, công nghệ và những chủ điền không vướng dịch vụ đối với lãnh chúa. Số điền chủ này không nhiều lắm, bên Anh thế kỷ XV là 4%, bên Đức, Pháp, Ý lối gần ¼ dân. Như thế có thể nói không xa sự thực mấy là bên chủ chỉ gồm ¼, còn lại bao nhiêu là nô. Đã biết rằng nô lệ không được kể là người mà chỉ là đồ vật người ta có thể mua đi bán lại, muốn giết cũng được. Đây là một định chế tuy cực kỳ bất công nhưng lại quá quen thuộc nên không mấy cho là chướng, đến nỗi cả nhiều dòng tu cũng có từng vạn nô lệ. Thánh Venise buôn nô lệ để lấy tiền xây cất đền thờ (Civ XI.141). Vì thế không hề có nền triết học hay đức lý nào thực sự tìm cách giải phóng nô lệ. Số phận nô có giảm bớt dần nhưng là do những tiến bộ kinh tế và công nghệ mà thôi. Nhờ kinh tế mà nô lệ dần dần trở thành nông nô. So với nô lệ tình thế có được cải thiện ít nhiều. Tuy nông nô chưa được làm chủ đất, nhưng đã được lãnh chúa trao cho một lô nhất định để gia đình khai thác, chỉ cần nộp cho lãnh chúa tiền tô đất và một số dịch vụ. Những dịch vụ này rất nặng thí dụ phải làm việc không công cho lãnh chúa mỗi tuần 3 hoặc 5 ngày vào mùa vụ. Cũng có nơi khi nông nô cưới vợ phải để vợ nằm với chúa đêm đầu (jus primae noctis). Tục này có nơi giữ tới thế kỷ 18 như ở Bavière. Vì thế tuy tô chỉ là 1/10 nhưng cộng với dịch vụ liên miên thì lên tới 2/3 năng suất.  

Con cái nông nô không được đi học vì phần lớn lãnh chúa mù chữ, nên cho con đi học là muốn tranh hơn với chúa. Hoặc lãnh chúa có biết chữ đi nữa nhưng cho con đi học là giảm mất người phục dịch chúa, vì thế muốn con theo học phải nộp một thứ tô riêng (Civ XI 266-273). Nhất là không có quyền bỏ chúa lúc nào tuỳ ý như kiểu tá điền. Vì nông nô đã thuộc trọn về chúa. Xem thế nông nô cũng vẫn còn là nô, lãnh chúa vẫn có gần đủ quyền sinh tử trên nông nô như trước kia chủ với nô.

Để được binh lực chúa bảo vệ các nông nô phải sống tụ tập chung quanh lâu đài chúa, làm thành một bourg đặt dưới quyền điều khiển của lý trưởng do chúa chỉ định. Dân cũng chọn ra một số đại diện riêng gọi là bailli hay prévot để giao thiệp với chúa. Số gia đình một bourg từ năm chục đến năm trăm. Nhưng đông mấy cũng chưa thành một công xã (commune). Đó sẽ là việc của nhóm buốc gioa, một giai cấp mới mọc lên do sự bành trướng của công nghệ và thương mại. Chính giai cấp này mới là chủ của bourg được cải tên là commune tạm dịch là thị xã. Nói tạm vì thiếu yếu tố tinh thần không thể là xã cũng không gọi được là công vì bourg chỉ là của riêng một giai cấp chống lại với hai giai cấp trên là quý tộc và giáo sĩ, cũng như không thâu nhận các nông nô làm thành viên. Buốc gioa tự xưng là công dân = citoyen và tranh đấu cho “thị xã” được thoát quyền của lãnh chúa. Nhờ họ có nhiều tiền của nên khi thì mua chuộc, khi thì xui nguyên giục bị cho các chúa chống nhau. Khi khác họ bỏ tiền ra mua hiến chế tự do (charte de liberte). Lối này rất công hiệu vì các chúa nghèo dần theo đà đi lên của công nghệ và do các thị xã đông lên mau lẹ theo sự gia nhập của nhiều thôn dân. Số này còn đông thêm nữa nhờ những dịp nghĩa binh: nông nô nào gia nhập đạo quân đi cứu đất thánh thì đương nhiên thoát được kiếp nông nô vì thế số nghĩa binh rất đông đảo làm cho thị xã lớn lên mãi đến độ lấn át được quý tộc, nhờ đấy buốc gioa trở thành giai cấp nắm nhiều quyền bính. Đó là phủ quyền (ploutocratie) cai trị theo nền tảng đặt trên tài sản với những nét sau đây:  

Nắm độc quyền đánh giặc để chiếm thị trường và nguyên liệu.  

Cấm lao động lập nghiệp đoàn.  

Cấm đình công.  

Quyết định số lương bổng v.v…  

Người nghèo không có quyền nào hết vì quyền đầu phiếu căn cứ trên tài sản kiểu Roma xưa: mỗi người có một hay nhiều phiếu tuỳ có một hay nhiều trăm tiền (nên gọi là scrutin centurique do tiếng cent = trăm).  

Tóm lại thị xã đặt nền trên tài sản hay phú quyền kiểu công thương du mục, tức thiểu số làm ăn thịnh đạt bên cạnh, hoặc trên lưng một đại chúng bần hàn.  

Nhờ lối phân chia không đồng đều đó lần lần buốc gioa rút tỉa quyền hành từ hai giới quý tộc và giáo sĩ để lập ra đệ tam cấp (tiers état). Đừng tưởng đệ tam cấp bao gồm toàn dân mà lầm bởi người nghèo cũng như nông nô không có quyền bỏ phiếu. Vì thế đó chỉ là một trong ba giai cấp chứ nông nô và dân quê không có tiếng nói, không được kể tới. Vì thế cuộc cách mạng Pháp chỉ lợi cho buốc gioa.  

Trên đây là một số nét đại cương (có thể xem thêm Civ III (1) từ trang 13-85) về nguồn gốc và cơ cấu của thị xã Tây Au, mà chúng ta cần biết sơ qua như thế để khỏi đem thực thể Tây phương trùm lên thực thể Việt Nam, vì hai bên khác nhau cả một trời một vực. Thị xã Tây đặt trên phú quyền được coi trọng hơn nhân quyền. Nó là của thiểu số công thương với tinh thần “ối ai ôi của nặng hơn người”. Vậy đem tiếng buốc gioa sang gọi thực thể của ta là bóp méo lịch sử đến triệt cùng. Điều này còn rõ hơn nữa khi ta nghiên cứu đến làng Tây.  

(1) Đây là tên tắt cho quyển Story of Civilisation của Will Durant. Trưng theo bản dịch của nhà Payot đánh số theo thứ tự xuất bản.  

Giai đoạn khi hai thứ làng gặp gỡ:  

Đó là làng Tây và làng ta, một bên xây trên chủ nô còn bên này là nhân chủ. Câu trên nói lên một cách chính xác tinh thần của hai nền văn hóa hiện thực vào hai thứ làng. Làng ta là một thực thể tự trị. Nhiều người Pháp gọi là một thứ tiểu bang và họ đã muốn khai thác khía cạnh đó để giúp vào việc chia để trị, nên ban đầu họ để xã thôn ta như cũ, hy vọng rằng óc xã thôn quá mạnh nên người Việt thiếu tinh thần quốc gia. Họ không ngờ rằng tuy tự trị nhưng làng lại gắn liền với nước, nên óc quốc gia rất vững mạnh đủ để đánh đuổi những đoàn quân xâm lăng hùng hổ như Mông Cổ, hơn thế nữa còn là những ổ ương mầm cách mạng chống Pháp. Cuối cùng họ nhận ra điều đó nên đã làm đủ cách để phá vỡ nền tự trị xã thôn. Họ hiểu được tầm quan trọng cũng như sức chống đối sẽ quyết liệt lắm nhất là ngoài Bắc nơi làng xã đã có lâu đời, dân khí cao nên chưa vội động tới. Vì thế họ bắt đầu thử cải tổ trong Nam trứơc.  

Năm 1904 Pháp đưa ra hội đồng tề tuyển lựa trong số điền chủ. Thế là yếu tố tài sản đã xuất hiện như điều kiện kiểu thị xã tây. Thêm vào đó là sự chọn lựa phải có chính quyền (tỉnh) chuẩn y.  

Ngoài Bắc họ phải chờ mãi tới năm 1921 mới dám thay hội đồng kỳ mục cũ bằng hội đồng tộc biểu mới. Điều kiện tuyển lựa phải hoặc là giàu và không bị can án hoặc là công chức, và tất nhiên phải được duyệt y do chánh sứ. Tuy đã khéo léo nhưng che được những mục tiêu chính trị là loại trừ quyền lực của những phần tử yêu nước, những nhân sĩ có uy tín… Vì thế đã gặp sức chống đối của dân ta hoặc bằng tẩy chay, hoặc bằng sự lan rộng cách mạng. Chính quyền bảo hộ thấy không xong nên năm 1927 cho khôi phục hội đồng kỳ mục bên cạnh hội đồng tộc biểu nhưng điều kiện tuyển lựa là giàu có thì vẫn giữ. Vì thế số người chống đối vẫn gia tăng, mặc dầu đó là lúc người Pháp đã ngầm phát động chiến dịch bôi lọ làng xã (1).  

(1) Nên nhớ có cả một chủ trương tâm lý bôi đen các dân bị trị chẳng hạn như học phái chức năng dựa vào những lý luận của Malinowski coi dân tộc học như phương pháp tốt nhất để cai trị các dân thuộc địa.  

 Một trong những quyển thành công nhất có lẽ là De la Rizière à la Montagne của Jean Marquet. Trong đó tác giả đả kích những vụ bất công như kỳ hào bắt dân làng giam giữ đánh đập… với nhiều cái hủ lậu khác mà không một người Việt Nam nào không muốn phá bỏ. Chính vì thế có những người, những văn đoàn chạy cờ hiệu cho họ: quay ra chế diễu mọi phong tục cho là hủ tục. Tuy nhiên chiến dịch chỉ gây ảnh hưởng phần nào trên thị dân còn đại đa số thôn dân vẫn chống đối những cải tổ của thực dân. Vì thế đến năm 1941 thực dân đã phải mượn tay nhà vua để cải tổ lại bằng cách bãi bỏ cả hai hội đồng kỳ mục lẫn tộc biểu để sự thâu nhận được rộng rãi hơn. Nhưng đó cũng chỉ là bề ngoài, bên trong vẫn là lý trưởng được người Pháp chỉ định nắm then chốt. Vì thế sức chống đối chỉ có gia tăng.  

Không may sự chống đối đó đã được Việt cộng bao thầu không phải để dành lại độc lập cho xã thôn nhưng để tiếp nối con đường của Pháp mà còn đẩy cho đến cùng cực: nhân viên uỷ ban hành chánh cấp xã đều do tỉnh lựa chọn trong những người địa phương trung thành với đảng như kiểu thực dân, nhưng còn quyết liệt đến tận cùng tức phá vỡ không những tự trị xã thôn mà luôn cả gia đình để con cái chuyển tình yêu cha mẹ sang nhà nước: báo cáo mọi cử chỉ ngôn từ mẹ cha cho chính quyền. Thế là xong việc tinh thần văn hóa Tây Au chôn táng văn hóa Việt dưới hình thức hai thứ làng. Ta có thể tóm lại tiến trình đó như sau:  

Ở giai đoạn Bắc thuộc dân làng Việt vừa phải chống ngoại xâm vừa phải chống chính quyền ngoại xâm.  

Thời độc lập phải chống chính quyền bản quốc.  

Thời thực dân vừa phải chống chính quyền ngoại xâm vừa phải chống văn hóa ngoại lai.  

Tới Việt minh là sự toàn thắng của văn hóa ngoại lai.  

5. Phép vua thua lệ làng  

Phép đi với vua, với nước, cũng gọi là pháp, là luật.  

Lệ đi với dân với làng cũng gọi là lệ, là phong, là tục.  

Nếu vậy phép vua thua lệ làng, cũng chính là toàn quốc thua địa phương. Có thể nào lại như thế được sao? Và nếu có thì phải do một triết lý nào đó? Ta có thể thưa rằng quả có thua. Đó là việc lịch sử, nó diễn ra bằng nhiều cách. Không những trong thời Bắc thuộc mà luôn trong thời độc lập. Thời Bắc thuộc không lạ lắm vì nó bao hàm việc chống xâm lăng. Nhưng cả trong thời độc lập với triều đại bản quốc cũng vẫn chống, ít nhất là vừa đủ để bảo toàn tự trị xã thôn. Mới nghe có vẻ lạ nhưng lúc xét lại thì dễ hiểu. Vì vương triều dễ nghiêng theo chiều hướng chuyên chế. Đã thế vì nhà cầm quyền chỉ học nho mà nho lúc ấy chỉ là mạt nho nên đã tiêm nhiễm những thói du mục hay ít nữa mắc tự ti mặc cảm nên bắt dân làng phải tuân theo những cái không đúng hồn nước. Thí dụ vua Lê Thánh Tôn lập ra 24 điều hương ước thì có khoản cấm nghề tập hát xướng, dân không chịu theo. Ta biết câu “xướng ca vô loại” do óc ích dụng của Mặc Địch cũng như pháp gia, nó đi ngược với tinh thần Lạc Việt coi việc hát như hơi thở. Vậy cấm hát xướng là phạm vào lệ tục của dân Lạc Việt. Có thể kể vào đây tục hát trống quân vẫn sống trong dân mặc dầu vương triều cấm đoán. Vụ cuối cùng thú vị nhất là cái váy bị vương triều cấm, bắt đàn bà mặc quần như dân nhà Thanh. Dân chúng đã phản lại bằng câu:  

Sắc vua mồng tám tháng ba,  

Cấm quân không đáy người ta hãi hùng,  

Không đi thì chợ không đông,  

Đi thì phải lột quần chồng sao đang.  

Vậy cứ sự quả thực phép vua có thua lệ làng. Bây giờ chuyển sang bình diện cứ lý (de jure) để xét có nên chăng, ta sẽ nhận ra rằng không những nên mà còn cần thiết vì lệ và luật tượng trưng cho hai chiều kích của con người. Nếu nói nhân dân thì nhân đại diện cho cái chi linh thiêng, có muốn điều lý phải dùng lễ là cái có chiều kích linh thiêng; còn dân cho xã hội thì phải cai trị bằng luật (hay pháp luật cũng thế). Như thế pháp đi với dân còn lệ đi với nhân. Dân là con người sống trong hàng ngang xã hội có liên hệ với chính quyền mà xưa kia là quân vương nên được quy tụ vào việc trung quân đến độ thành câu trung quân ái quốc. Đó là liên hệ vòng ngoài nên đã trở thành phổ quát, trừu tượng, vì phép là phép nước lớn hơn gấp bội, nên không thể kể tới cái tiết riêng biệt, cụ thể. Còn lệ đi với nhân, nên cũng gọi là nhân trị, hay lễ trị. Lễ với lệ cùng một tinh thần đều công nhận chiều kích linh thiêng nơi con người nên chữ lễ trong chữ nho được viết với bộ kỳ chỉ chiều kích linh thiêng đó; còn lệ thì bao gồm những lễ lạy, hội hè, tục lệ bao giờ cũng đề cao phần vô biên nhân chủ của con người. Cái đó nói theo triết là hàng dọc giữa trời với đất, còn thực chất là tự do biểu lộ bằng sự đơn độc, không phải lệ thuộc khiến cho lệ chú ý đến những cái tư riêng, những hoàn cảnh đặc biệt của mỗi cá nhân, vì thế sự cai trị theo lệ tục giàu tính chất nhân bản hơn pháp.  

Đó là đại để hai nét riêng biệt, cả hai đều cần thiết cho con người, hễ nó nghiêng về một bên thì có hai. Nếu chỉ biết có lệ tục thì mỗi làng là mỗi nước, quốc gia không thể mạnh được, nên cần đến luật pháp để đem lại cho quốc gia sự đoàn kết cần thiết. Tuy nhiên nếu độc chú có pháp luật thì là không nhìn nhận những gì riêng tư đặc sắc của từng cá nhân, từng nhóm cá nhân, mà chính nó mới là cái làm nên con người gồm cả những gì riêng tư bé nhỏ mà nếu không kể tới thì là vật hóa con người, tức xử với ngươi như những con thú, như sự vật phải trị như trị nước, vì thế chữ pháp được viết với bộ thuỷ. Nếu cai trị người như trị thuỷ thì là biến đoàn người thành đoàn súc vật. Tần Thuỷ Hoàng đi theo lối đó. Chữ Thuỷ trong tên ông cũng có nghĩa ngầm là nước vì thờ hà bá.  

Nhà Chu gọi các quan cai trị là mục: “thập nhị mục” là đúng với tinh thần du mục: cai trị người theo lối chăn vật không kể đến những riêng tư u uẩn… nên pháp luật là cái gì rõ ràng dứt khoát, không cần tài ba cũng có thể làm được, nó cũng ví như có thước trong tay con nít cũng có thể vạch được đường thẳng tắp. Vì thế đó là lối cai trị đầy sức quyến rũ đối với nhà cầm quyền. Vậy sự chống lại được tham vọng của vương quyền trong việc áp đặt pháp luật là cả một nét đặc trưng của Việt nho và nó chỉ thành công nhờ vào những hoàn cảnh đặc biệt, mà sâu xa hơn hết phải kể tới triết lý tả nhậm bênh vực kẻ yếu chống lại kẻ mạnh, bênh dân trước sức mạnh của quân, bênh lệ tục trước pháp luật để cho lệ đi với luật. Điều vinh hiển của Việt nho chính là đã không để cho luật diệt lệ, nhưng lệ với luật song hành, đến nỗi thành tiếng đôi lề luật y như những cặp đôi khác: nhân dân, vũ trụ, làng nuớc, nhà nước vậy. Ta đọc quen đi nên không ngờ đó là bấy nhiêu chứng tích sự đắc thắng của nền triết lý tả nhậm. Chính nhờ đó mà nền văn hóa nông nghiệp giữ được nét cân đối có mẹ cùng cha, ngoài là lý nhưng trong là tình. Ngoài là phép nước nhưng trong là lệ làng. Và nhờ đó mới hiểu được câu phép vua thua lệ làng không chỉ là một tục ngữ lờ mờ nhắc lại một dĩ vãng đã qua, nhưng chính là bản tóm một khúc khải hoàn ca của một trận tuyến lâu đời giữa tả nhậm và hữu nhậm, giữa bên tình bên lý, giữa bên dân bên quân.  

Và ta sẽ hiểu được tại sao Nho giáo chân chính vốn chống lại pháp gia hay nói đúng hơn chống lại sự lấn át của pháp gia nhưng vẫn tôn trọng pháp luật, mà cụ thể là vừa tôn vua vừa chống vua. Tôn vua tức là thuợng tôn phép nước, nhưng chống vua là chống lại sự vô đạo của vua, mà vô đạo là lấy quyền lực để diệt lệ làng. Như vậy Việt nho là một mặt trận bảo vệ con người, vốn ở trong tình trạng nhỏ bé yếu nhược trước sức mạnh bạo tàn lăm le nô lệ hóa nó. Chính nhờ lập trường kiên trì đó mà nó vun tưới đuợc óc mẫn tiệp tỉnh thức nên phe hữu nhậm pháp hình luôn luôn gặp sức chống đối của nho gia. Hãy ghi lại đây một số ấn tích:  

Lần đầu khi nhà Chu thịnh đạt hơn cả thì đưa ra hình luật như được ghi lại ở thiên Lã Hình trong Kinh Thư. Nhiều nho gia nghi ngờ rằang đây lại là một tráo trở kinh sách, vì Khổng Tử chủ trương lễ trị, tại sao lại đưa thiên Lã Hình Pháp trị vào Kinh Thư (Kinh Thư, Legge tr.588).  

Lần thứ hai là khi Tử Sản cho khắc hình luật vào đỉnh bị Thúc Hướng phản đối đại để rằng: các đạo hình luật của ba nhà Hạ, Thương, Chu đều ra đời vào cuối mỗi triều đại lúc đã có loạn. Tôi nghe nói một nước mà sắp chết thì sinh ra nhiều luật lắm: ý ấy nghiệm sẽ đúng chăng?  

Lần thứ ba là lúc sách của Lý Khôi (người nước Nguỵ, năm 400 tr.c.n) được đề cao cùng cực đến độ được gọi là pháp kinh. Điều đó xảy ra đời Tần, một nhà đại diện chính tông du mục, chà đạp lên mọi giá trị tinh thần đạo nghĩa, chỉ biết tôn thờ có pháp luật. Chính vì thế mà bị chống đối dữ dội nhất và để tiếng lại là nhà tàn bạo hơn hết.  

Lần thứ tư là nhà Hán kế tiếp óc thượng luật của nhà Tần nên đặt ra nào thư viện Thạch cừ, nào 50 quan bác sĩ… nhằm xen giặm vào kinh điển những yếu tố thượng luật để che lấp ý hướng nền tảng của nho là bênh vực con người trước các sức mạnh tàn bạo. Từ đấy trận tuyến kéo dài dưới danh nghĩa vương đạo chống bá đạo, tức cũng là một hình thức lệ làng chống phép vua đó.  

Tóm lại nho sĩ luôn luôn tìm các ép buộc nhà cầm quyền phải thích nghi guồng máy cai trị theo phong tục từng miền như khẩu lệnh: “tu kì giáo bất dịch kì tục” = chú ý vun tưới nền giáo hóa của dân, chứ không nên thay đổi phong tục của họ. Và nhờ đó mà Kinh Thi Quốc phong là tiếng nói của dân được hân hạnh mở đầu Kinh Điển. Ít người nhận ra rằng đó là một thành tích duy nhất trên đời (xem quyển Tinh Hoa Ngũ Điển chương Kinh Thi) mà âm vang bên Việt là câu “phép vua thua lệ làng” tức là một lối diễn tả cực kỳ bình dân tinh thần lễ trị. Lễ trị cũng gọi là nhân trị, bởi vì trong lối cai trị đó chiều kích dân không lấn át nổi nhân, nên con người không bị vong thân và nhờ vậy mà cảm thấy thích thú, an vui. Đó là điều đã không có được ở các xã hội Tây phương xưa cũng vì ở đó đâu có lệ làng làm bầu khí nuôi dưỡng nhân, mà chỉ có dân hàng ngang thẳng tắp, vì  

6. Phép vua không thua lệ làng  

Hay đúng hơn là lệ làng chưa có để mà thua với được.  

Trứơc hết bầu khí văn hóa Tây Au là “hữu nhậm”: óc phò mạnh được triết học vun tưới. Nói triết học, chứ còn óc phò nhu đâu đâu cũng có, như đã nói về các hiệp sĩ thời trung cổ. Nói chung bất kỳ người nào thời nào cũng không thiếu óc phò nhu. Nhưng đó mới là vòng ngoài thuộc lương tri mà chưa là triết, nên còn thiếu khả năng buộc định chế phải có hai chiều:  

Có tả có hữu,  

Có làng có nước,  

Có lề có luật.  

Tây Au chỉ có pháp luật, mà đó là nét đặc trưng của xã hội phân chia giai cấp. Đã phân chia giai cấp thì giai cấp trên sẽ nắm hết quyền hành tài sản nên trở nên chủ, nô không còn được gì nên cũng không được kể tới mà trước hết là không ai chú trọng đến tiếng nói hay tục lệ của nô, vì đã coi nô như sự vật thì chỉ còn gia tăng luật pháp để thêm quyền uy cho tù trưởng, cho giai cấp thống trị. Vì thế pháp bao giờ cũng đi với xã hội du mục mà dấu hiệu là phụ hệ cực đoan, cũng như triết học mang tính chất cơ khí vì đặt nền trên sự vật nên chỉ có một chiều từ trên xuống dưới: từ chủ tới nô.  

Như vậy là ta thấy rõ giữa triết học cơ khí và liên hệ chủ nô có tương quan nhân quả, chính liên hệ đó đã đổ khuôn luôn các mối liên hệ khác bắt chúng trở nên một chiều, thí dụ liên hệ giữa công dân và nhà nước thì ngôn ngữ Tây phương không có danh từ nhân dân với hai chiều ngang dọc, mà chỉ có hàng ngang là công dân: citoyen. Chữ này mãi về sau mới có để thay cho chữ thần dân: sujet. Đó là một bước tiến lớn bởi xưng mình là sujet thì nói lên sự phục tùng cùng cực. Còn khi nói citoyen thì đã độc lập khác vì citoyen do cité là thị xã. Tuy nhiên đó mới chỉ có tính chất công thương hàng ngang, còn thiếu chiều dọc tâm linh hàng dọc. Ngược lại khi ta nói nhân dân thì dân là chiều ngang vâng phục phép nước, còn nhân là chiều dọc tâm linh không vâng phục ai hết vì nhân là vua, là chủ, là nhân chủ tức người tự làm chủ lấy mình.  

Đó là sự phân biệt nền tảng, nhưng lại quá tế vi nên không mấy ai nhận thấy ít ra trong các thế hệ trước, bởi vậy các nền triết học cũng như đức lý đã vô tình đi một đường hữu nhậm đậm đà là hùa theo kẻ mạnh: tôn pháp diệt tục, như thấy rõ trong bộ luật của Platon biện minh cho chế độ nô lệ tức là uy hiếp kẻ yếu vậy. Xưa nay kẻ yếu mà được bên đỡ đến tột cùng thì chỉ trông vào triết lý, nay triết lại hữu nhậm: lại đi bênh che kẻ mạnh để hiếp yếu thì không còn mộto lực lượng nào cản trở. (1)  

(1) Có thể thâu thập trong sách Platon và các nền đức lý nhiều vô vàn những câu bênh vực con người, bênh vực công lý nhưng đó toàn là những câu nói của lương trin, có tính cách cầu âu, chẳng ăn nhằm chi hết với định đề và với nguyên lý của họ. Điều quan trọng là phải xét trong nguyên lý, trong những định đề chứ không trong những câu nói kiểu cầu âu nọ.  

Khi văn hóa từ Hy Lạp chuyển sang Roma là một dân tộc thiếu óc triết thì cũng là thời ngự trị lớn lao của pháp gia, bởi vì người Roma tuy giỏi về binh bị và cai trị nhưng rất kém về tinh thần, kém đến độ không thiết lập nổi cho mình một tôn giáo hay một nền triết học. Tôn giáo thì thờ một mớ của Hy Lạp: Jupiter, Mars, Minerva (chính là Athena), một mớ của cận đông: Demeter, Liber, Libera… Còn triết học thì hạ thấp xuống trình độ văn chương, thành thử tinh anh phát tiết hết ra ngoài, kết tinh vào luật được tôn lên bậc tối cao. Khi luật không được triết hướng dẫn nữa thì sẽ đi đến chỗ quá đáng, làm cho người học bị tước đoạt mất quyền sáng kiến những giải pháp hợp nơi hợp thời. Lâu rồi họ tin luật là cái gì tuyệt đối bất di bất dịch nằm bên ngoài con người, có uy quyền trùm lấy vạn vật.  

Ông Needham đã kể lại vụ xử gã đực đẻ trứng phải thiêu sống ở Bazel năm 1474 lấy lý lẽ là đực mà dám đẻ là lấn sang bên nữ, lỗi luật quả tang (Need II 574). Chính cái khuynh hướng thượng tôn luật pháp đó đã đẻ ra những lối xử kiện rất rắc rối thí dụ đi kiện người phá hoại vườn nho thì hỏng, bởi vì trong bản luật (douze tables) không nói đến nho mà chỉ nói đến cây. Vì những cái câu nệ nhỏ bé đó nên mới cần biết bao nhiêu người chuyên môn về luật. Ngay một việc định quyền lợi của công dân đã khó vô cùng: có thứ gồm 4 quyền, có thứ chỉ một cùng hai:  

- Quyền đầu phiếu (jus suffragii),  

- Quyền hành nghề (jus honorum),  

- Quyền kết hôn với người tự do (jus conubii),  

- Quyền buôn bán (jus commercii)…  

Giới quý tốc có cả bốn quyền, nhiều người tự do chỉ được hưởng một hoặc hai, ba… đều phải biết để cãi kiện… Bởi vậy phải mất nhiều công học tập.  

Người muốn vào nghề trước hết phải đến với một giáo sư để tự học cho biết đại cương. Đợt sau là theo dõi các cuộc tranh luận của các luật sư danh tiếng. Đợt ba đi tập sự… thế là có những chuyên viên: pragmatici, jurisconsulti, jurisprudentes, avocatus… Học xong còn phải biết mánh lới vì số người theo đuổi nghề luật quá đông, nên phải dùng thủ đoạn, thí dụ khi đi đến tòa cãi kiện phải mang theo chồng tài liệu do tổ bố, có khi phải thuê người mang theo, hoặc thuê người vỗ tay lúc biện hộ; làm thế nào để tội nặng ra nhẹ. Tội giết mẹ mà tuyên bố là nhẹ thì phải đặt bao nhiêu tiền cọc. Vì thế óc tôn thờ luật gây nhiều vụ kiện tụng vô vàn. Người ta cho là trong tất cả các dân thời cổ thì người Roma ưa kiện tụng nhất. Và cũng là nước duy trì và mở rộng nhất sự bất công nền tảng là chế độ nô lệ. Đúng là summun jus, summa injura (sự đòi hỏi quyền lợi cùng cực dẫn tới bất công cùng cực). Trung bình chỉ từ 10- 20% người là dân có tài sản còn bao nhiêu đều vô sản, tạo nên một xã hội đầy chênh lệch.  

Khốn khổ hơn nữa là không có triết nhân sinh, nên là một xã hội thiếu hạnh phúc. Nguời quý tộc Roma xưa không thiếu chi cả: ăn thì thừa mứa, trò chơi thì lớn lao như chưa có đâu bằng, hát xướng thì kéo dài từng tháng… Vậy mà vẫn không lấp được lỗ trống trong tâm hồn, vẫn cảm thấy buồn tẻ xao xuyến (Civ VII 215).  

Các nước Tây Au nay vì nối tiếp óc Roma nên cũng vậy: về khoái lạc tưởng không còn thiếu chi hết, khoa học lại tiến tới cung trăng, vậy mà tâm hồn vẫn khắc khoải, bất an không tìm đâu ra lối thoát: tôn giáo thì họ cho là quá dị đoan, còn triết học thì quá nhạt nhẽo vô vị, nên lòng trí hoang vắng trong bầu khí hư vô = Nihilisme, nền văn hóa chỉ sản xuất thêm những con người “xa lạ với cuộc đời” như A.Camus đã tả rất tài tình trong quyển “Kẻ Xa Lạ”. Xa lạ với đời, với tha nhân, với thượng đế, với vũ trụ. Đó cũng là hậu quả của độc tôn pháp luật. Bây giờ cần trở lại với cái bọc mẹ Au Cơ để xem hậu quả lệ làng khi nó được sống ngang hàng với phép nước.  

 7. Cái bọc trăm trứng  

Trước các đợt xâm lăng của pháp gia thì bên Tàu các nho gia chống đối bằng sách vở, còn bên Việt thì chống bằng cái làng mà ta có thể móc nối với huyền sử của mẹ Au Cơ đẻ bọc trăm trứng. Hãy tìm hiểu ý nghĩa của cái bọc đó ra sao.

Truyện kể rằng mẹ Au đẻ ra cái bọc một trăm trứng nên sợ hãi đem vất ra đồng thế mà về sau con nào cũng phương trưởng cả. Đọc xong ta nhận ra ngay là câu truyện muốn đề cao tinh thần công thể xây trên minh triết có nguyên lý mẹ (Au Cơ). Cái bọc chỉ tinh thần bao bọc tương thân tương trợ, nên ai ai cũng có tài sản: trăm người đều thế chứ không phải kiểu chủ nô một người có chín người không. Cụ thể hơn hết cho điều đó là cái làng Việt, nơi mà dân làng cảm thấy dễ chịu như được cái chi linh thiêng ấp ủ, nhào nặn hoặc như bức tường ấm cúng bao bọc bênh che. Nhất là những khi đi xa lâu ngày càng cảmthấy sức trìu mến huyền vi đó. Vì sao?  

Câu thưa nằm đâu đó trong những nét đặc trưng sau:  

Thứ nhất là nó xây trên tình nghĩa, tức trên tình người chứ không trên dòng máu hay tín ngưỡng như Tây Au lúc xưa, cũng không trên phú quyền như đã nói về thị xã, vì nó không bao giờ đẩy người nghèo ra ngoài. Làng Việt Nam không hề có những ỳ thị kiểu đó vì nó được xây trên mối tình nhân bảo bao trùm khắp hết nên giàu hay nghèo ai cũng có tiếng nói. Vì nhân bản đó có tính chất tâm linh nên dẫn đến nét thứ hai là:  

Lễ gia tiên và tế thần làng. Đây là hai lễ quan trọng của dân làng và cả hai nơi đều nhận thấy nét công thể. Ở đợt gia tiên thì tư tế là hai bố mẹ, đàn bà vẫn là chủ phụ. Thiếu chủ phụ lễ không thành, nên nhiều trường hợp người chồng đã già nếu chưa quá 70 tuổi cũng phải cưới vợ mới, không phải chỉ để có con nữa nhưng là để có chủ phụ đặng đồng tế. Đến đợt tế thần làng thì các bà nhường hẳn cho các ông theo luật nam ngoại nữ nội, nên ở đây nét công thể biểu lộ bằng lối khác: cả hội đồng kỳ mục thay phiên nhau mà tế. Đó là nét công thể đầu tiên. Nét sau là đồ lễ chia hai một nửa làm nhắm cho quan viên tại lễ, một nửa chia cho bô lão chức sắc: một cái oản, một miếng trầu, có khi nửa quả chuối, vì đó là đồ thừa huệ của thánh.  

Còn cho toàn dân đã có các cuộc hội hè đình đám. Tinh thần công thể được biểu lộ hai đợt một là toàn dân đều tham dự, hai là cả ngũ quan: thính, thị, vị, khứu, xúc như xem trò, nghe hát, ăn uống linh đình rồi những trò chơi như đánh đu, bắt chạch… Khi con người ra khỏi cuộc lễ, mọi giác quan đều được thỏa mãn cũng như mọi người đều được tham dự nên sự vui tràn ngập.  

Nét thứ ba thuộc kinh tế là bình sản quen gọi là công điền, công thổ. Thể chế này có ngay từ đầu chứ không phải cóp của phép tỉnh điền hay xảy ra sau vụ Mã Viện giết hại các tù trưởng Lạc Việt. Chính vì nó là nền tảng nên về sau này Việt Nam vẫn giữ đựơc tỉ lệ công điền cao hơn bên Tàu: cho đến đầu thế kỷ ruộng công vẫn còn nhiều hơn ruộng tư. Thứ đến không có phong kiến theo Tàu hay Tây cắt đất phong, khiến kẻ được có mọi quyền trên nông nô, kể cả quyền sinh tử. Bên Việt Nam có được phong cũng ít người, lại chỉ được hưởng có một đời. Đã vậy không hề có quyền ra luật riêng về điền trạch (1). Mà cái nghèo bên xã hội Việt nho không biết kỳ thị kiêng nể ai hết, nên ai ai cũng có thể nghèo hay giàu.  

Ai giàu ba họ ai khó ba đời. 

(1) Xem chẳng hạn Tài sản xã thôn Bắc Việt của Vũ Văn Hiền hoặc Xã Thôn Việt Nam của Nguyễn Hồng Phong, Văn Sử Địa, Hà Nội.   

Thế là đủ những điều kiện nền móng cho sự an vui thoải mái. Tuy trong làng có dư luận kiểm soát rất ngặt, nhưng nhờ hai yếu tố tự do và bình sản, nên sự kiểm soát bằng dư luận không làm cho con người vong thân (vì vong thân thực sự chỉ xảy ra do hai yếu tố trên là nô lệ và vô sản).  

Thứ tư, tự do chính trị được biểu thị bằng sự bầu bán không có kỳ thị nào về dòng máu hay tiền của mà chỉ căn cứ trên tuổi tác (trọng xỉ) vì tuổi biểu thị kinh nghiệm sống.  

Thứ năm, tự do văn hóa: tuyệt nhiên không có bó buộc ai theo thuyết nào, đạo nào. Tuy có tam giáo nhưng để tuỳ ý mọi người. Học hành cũng vậy, không có hạn chế nào ngoại trừ những hạn chế do cái nghèo là nạn không riêng của ai, hay nơi nào.  

Trên đây là năm ba nét đặc trưng của cái làng Việt. Ta có thể nói được như sau: đó là một chính thể toàn diện bao gồm cả tôn giáo, chính trị, văn hóa, đáp ứng cho mọi nhu yếu con người, ông Paul Mus cho là cái gì kỳ diệu thì quả là có đầy lý do.  

Ngoài ra tất cả bấy nhiêu khía cạnh đã đi đến trình độ cao nhất ở chỗ vượt mọi phân chia gây ra do sự đặt nền bên ngoài con người như dòng máu, tăng lữ. Dân làng được miễn hai điều đó. Lễ thì chính mình tế lấy, triết cũng chính mình tự sống, xét về giá trị tâm linh thì không bị sự thiếu đói. Chính điều đó giải nghĩa tại sao người Việt Nam lại ôm lòng quyến luyến làng nước. Những người đi phương xa lâu ngày ngóng mong được trở về trầm mình vào bầu khí của làng dưới gốc cây đa rủ bóng che giếng nước, hoặc con sông uốn khúc bao quanh. Ong Legusteguy nhận xét bên Việt Nam xưa người ta không có ý niệm giải phóng là cái gì cả. Câu nói thật là trúng: giải phóng ai? Toàn dân đã là người tự do cả. Giải phóng phụ nữ ư? Thì các bà đã là chủ phụ rồi. Không ai chối cãi những bê bối hà lạm, nhưng đấy là những thiếu sót thuộc thừa hành, chứ về cơ cấu đã có đủ.  

Như vậy dẫn đến sự thực này: làng xã Việt Nam là chế độ tạo được nhiều hạnh phúc cho con người hơn cả. Sự thực này khó chấp nhận cho người Việt đời nay vì bị đặt bên cạnh đời sống huy hoàng của Tây Au. Tuy nhiên nếu so sánh qua các đời và nhất là xét về phương diện tự do và bình sản thì câu trên vẫn là sự thực hiển nhiên. Còn nếu xét đến tận nguồn gốc thì làng xã bên ta bao hàm một chiều kích mà Tây Au đã không có ở bất cứ cấp thị xã hay quốc gia: đó là chiều kích tâm linh.  

Bên An Độ hay Tây Âu có linh thiêng trong tôn giáo nhưng do hàng giáo sĩ, tăng lữ nắm độc quyền, nên khi dân chúng ác cảm với giáo sĩ (anti-clerical) thì hết đạo. Đúng hơn đó là bước đầu sẽ dẫn đến bước sâu: cho đạo là vô lý.  

Còn triết là môn chuyên nghiệp của các triết học gia chứ dân không hề tham dự vào đó, vì coi đó là cái gì nhạt nhẽo xa lạ.  

Đây là điều giải nghĩa sự trống rỗng trong tâm hồn người Tây Au thường được các sách ngày nay đề cập tới bằng danh từ “nihilisme occidental”, nhưng chưa mấy ai nhìn ra nguyên uỷ sâu xa là nó phát xuất do nền văn hóa nghiêng hẳn về pháp hình, với những tổ chức gồm toàn những lý với sực, đẳng với phái, đầy tình chất du mục. Vì thế khi người Việt chúng ta nay bị hút vào quỹ đạo của nó thì cảm thấy như bị cắt lìa khỏi những rễ sâu đâm xuống đất để hút nhựa sống, cảm thấy lòng trống trải như mất mối liên hệ với cái nền âm u của quê mẹ đã nuôi dưỡng ấp ủ thực thể mình tự ngàn xưa, nên tinh thần sa sút, vì tinh thần là cái chi nếu không là cơ cấu lớn lao hơn mình làm bằng muôn thế hệ kinh nghiệm tình thâm tích luỹ nên trở thành man mác như bào thai bao bọc lấy cá nhân mình. Nay bị búng ra khỏi cội gốc đó, làm sao cho khỏi bơ vơ:  

Tình thương bể thắm lạ điều,  

Mà hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào?  

Có thế chúng ta mới hiểu ra được tại sao dân làng tận tình giữ tục lệ mà hững hờ với phép nước. Thì ra phép nước là thứ luật chung thường do tự quyền trên áp đặt xuống. Học luật thì lấy gốc mãi từ bên Tàu, bên Roma xa xôi… vì thế nó trừu tượng ít hợp với hoàn cảnh. Ngược lại lệ làng là kết tinh của nhiều đời kinh nghiệm được tuyển chọn trong những đường lối hoạt động đã thích nghi với những hoàn cảnh đặc thù cũng như với tục lệ đã có từ thời sơ khai dựng nước: chúng xuất hiện như một thứ luật tinh thần với hiệu lực mạnh mẽ như của tôn giáo có cái chi đó đáp ứng được khát vọng thâm sâu nhất, tư riêng nhất của con người.  

Vì thế mà ta có lý do nhìn sự suy sụp của lệ làng trước các làn sóng pháp hình của Tây Au cũng chính là sự suy sụp của nhân linh, mà chỉ còn lại dân sinh trơ trọi: một thứ hàng ngang được kể như dụng cụ sản xuất hay tiêu thụ tức chỉ còn là một thứ thú vật, tất nhiên cũng sẽ bị đoàn ngũ hóa, đúng hơn là đoàn lũ hóa, xuất nhập đều qua cửa chuồng.

XVI. TINH HOA VĂN HÓA VIỆT

(Tóm lược mấy ý tưởng trong buổi nói chuyện về văn hóa Việt tại Minneapolis ngày 3/12/1977)  

 Một nền văn hóa có thể định tính theo cảnh vực xuất hiện của nó. Theo Đạo lý Cổ Việt có ba cảnh vực là trời, đất, người.  

Nói Trời là khi văn hóa đặt nền trên những tin tưởng vào trời thí dụ xã hội An xưa phân chia người trong xã hội làm nhiều đẳng cấp tuỳ theo người ấy sinh ra do Brahma hay không nếu không thì là nô lệ, còn có thì là người tự do, cao thấp tuỳ: nếu sinh ra bởi miệng Brahma thì làm tăng lữ giảng đạo, nếu sinh ra bởi cánh tay thì làm quân nhân, sinh ra bởi bụng thì là tư bản giàu có, sinh ra bởi chân thì làm thủ đà la (sudra) nông công vi bản.  

Còn đất thì hiểu theo nghĩa rộng là triết lý sức mạnh như binh bị, thế lực, quyền uy hay tiền tài. Thí dụ theo định chế centuric của La Mã đặt con người cao thấp tuỳ theo có nhiều hay ít tiền = có nhiều trăm ngàn thì được bỏ nhiều phiếu, không có trăm ngàn nào thì không có quyền bỏ phiếu. Xã hội như thế tất nhiên chia ra giai cấp, thành ra bên chủ bên nô (master slave).  

Người là khi văn hóa đặt nền trên con người: bất cứ ai hễ đã sinh ra thì đều được làm người, dù nghèo túng không sao: xã hội vì thế không có giai cấp theo định chế. Và đấy là nền tảng văn hóa Việt Nam.  

Câu nói này thoạt nhìn coi như quá đáng vì hiện nay văn hóa hầu hết các nước đều xoay quanh con người. Tuy nhiên đó mới là xét theo đợt lương tri (bon sens) và ý muốn hiện đại chứ chưa phải là nền tảng. Để một nền văn hóa xứng danh là đặt trên nền người cần phải xét qua ba đợt trắc nghiệm chứng minh (probation) là siêu hình, triết lý và tôn giáo. Có trải qua được ba cuộc thử thách đó mới đích thị là nền người. Ta hãy lần lượt duyệt qua.

 

TRÊN CẤP SIÊU HÌNH  

Siêu hình là cấp cao nhất của trí tuệ con người. Cấp này có thể đi theo lối huyền thoại. Huyền thoại có hai loại, một là thần thoại hai là nhân thoại. Thần thoại là khi trong câu truyện Thần làm chủ. Còn nhân thoại là khi người làm chủ. Văn hóa xây trên thần thoại là văn hóa vật bản (chosime). Còn xây trên nhân thoại là xây trên con người. Tinh hoa văn hóa Việt được gói gọn trong truyện bánh dầy bánh chưng: bánh dầy tròn chỉ trời, bánh chưng vuông chỉ đất. Nho giáo kêu là “thiên viên địa phương” và coi đó là hai đối cực làm nên con người Đại Ngã Tâm Linh đứng giữa trời cùng đất. Nên ngụ ý chính là Người được công thức hóa trong Nho bằng câu “nhân giả kỳ thiên địa chi đức”. Người chính là đức của trời của đất. Hoặc nói theo Kinh Dịch thì người là cái khí tinh tuyền của âm và dương (âm dương chi tú khí).  

Theo định nghĩa đó thì con người cũng kêu là Đại Ngã tức con người bao la có tầm kích vũ trụ. Cho nên Viêm Việt có truyện ông Bàn Cổ không do thần minh, mà tự mình xuất hiện, rồi xếp đặt trời đất, phân định núi sông… tức toàn là những việc có tầm kích vũ trụ. Bà Nữ Oa cũng thế: đội đá vá trời. Kế tới rất nhiều những ông khổng lồ bạt núi lấp biển. Trẻ con quen hát:  

Nhất ông ném cát  

Nhì ông tát biển  

Ba ông kể sao  

Bốn ông đào sông  

Năm ông trồng cây

Sáu ông xây núi  

Bảy ông trụ trời.  

Đó chỉ là bài đồng diêu mà đã phản ánh một nhân sinh quan đầy tác động tính, cũng như đầy thế chủ động chứ không trong thế suy phục, thì biết văn hóa Việt quả là một nhân thoại báo hiệu một nền nhân bản hùng tráng phi thường.

 

TRÊN CẤP TRIẾT  

Ta có thể nói đó là một nền Nhân Chủ.  

Để một nền triết đáng tên nhân chủ thì con người cần đạt được tự chủ cả hàng dọc lẫn hàng ngang. Hàng dọc là khi con người không nô lệ cho trời hay đất, theo nghĩa là không lệ thuộc vào những tin tưởng kiểu đẳng cấp bên An Độ xưa được quy định theo niềm tin mà không theo bản tính con người cụ thể; cũng không nô lệ cho tài sản thí dụ nước nào quy định rằng ai có tài sản là người thong dong, không tài sản là nô lệ thì đó là nô lệ cho đất. Trái lại con người theo Việt nho luôn giữ được độc lập; giữ được quyền làm chủ, nó bóng là làm vua làm hoàng:

 

Nếu trời là vua, Đất là vua, thì Người cũng là vua. Đó là thuyết Tam Hoàng mà sau Nho công thức hóa thành thuyết Tam tài.  

Xét về hàng ngang thì mọi con dân trong nước bất cứ giàu nghèo đều được hưởng tự do, không có chế độ nô lệ, tuy sự kiện nô lệ có nhưng chế độ thì không. Ngoài ra lại có chế độ bình sản theo nghĩa ai cũng có quyền tham dự vào tài sản chung của làng nước như ta thấy phần nào còn thi hành trong các làng xã của ta. Trái với chế độ tư sản tuyệt đối bên Au Tây hay An Độ kẻ có người không. Nó sẽ dẫn đến tư bản để rồi cuối cùng gây ra cộng sản. Như vậy cộng sản là con hoang của tư bản. Tư bản phát sinh do quyền tư sản tuyệt đối. Xin lấy một thí dụ thiết thực vào hoàn cảnh nứơc ta dưới thời Pháp thuộc. Nước Pháp theo chế độ tư sản tuyệt đối nên một người có thì đến chín sẽ không. Trái lại bên ta vì theo chế độ bình sản nên tài sản được định kỳ quân cấp. Tuy chế độ này sau đã sứt mẻ nhiều vì ảnh hưởng Tàu, nhưng vào năm 1940 còn giữ được lối 26% ruộng công. Đang khi Nam Kỳ vì là thuộc địa Pháp chỉ còn giữ được 2.5%, tức dẫn tới bờ vô sản. Rõ ràng nứơc ta không có vô sản, mãi tới thời nay mới có ít chút là do văn hóa ngoại lai. Vì thế nói được là Việt Nam không có vô sản, ngoại trừ ba nơi nằm dưới ách Pháp là Hồng Gay, Cotonkin và Bạc Liêu (Cotonkin chỉ nhóm thợ Bắc Kỳ làm cho xưởng dệt của Pháp).

 

TÔN GIÁO  

Tôn giáo chính của Việt Nam là Gia Tiên và Quốc Tổ. Gia Tiên cho cấp gia đình còn Quốc Tổ dành cho quốc gia thờ trời và những vị anh hùng có công với dân với nước, xét thấu đáo thì cả hai đều là thờ nhân tính theo nghĩa nếu trời đáng thờ, đất đáng thờ thì người cũng đáng thờ. Cho nên nói được đó là tôn giáo Việt Nam. Còn một số tín ngưỡng khác Đạo Tiên hoặc Đạo Quốc Nội thờ tứ bất tử là thần Tản Viên, Thánh Dóng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh nhưng xét cho cùng đó đều là những dị bản của đạo thờ người, nhưng được bí truyền vì những lề thói riêng biệt mà thôi, chứ thực không khác về bản tính. Cả đến Tam giáo cũng lấy con người làm đích điểm để phụng sự, tuy đôi khi không còn tinh tuyền như trong Đạo Gia Tiên và Quốc Tổ.

 

KIỆN CHỨNG (CONFIRMATION)  

Trên đây là ba khía cạnh nền tảng chứng tỏ văn hóa Việt xây trên con người, cả ba phương diện gây thành bầu môi sinh tinh thần khiến cho cái chi cũng mang màu sắc nhân chủ: từ ca dao, thói tục, định chế đến văn chương: tất cả đều xoay quanh con người. Xin kể vài thí dụ:  

Trước hết là tính ngông của người Việt. Đây không chỉ là thứ ngông thường mà là ngông tới mức tối hậu tức đối với trời đất quỷ thần, thí dụ câu:  

Bắc thang lên hỏi ông Trời  

Bắt bà Nguyệt Lão đánh mười cẳng tay.  

Như thế có nghĩa coi trời cũng vừa phải theo điệu nếu người là ông thì trời cũng chỉ là ông, “ông trời”: Người với Trời là ông ngang nhau, nên ta quen nói “có trời mà cũng có ta”, hoặc câu “thiện căn ở tại lòng ta”.

 

VĂN HỌC  

Sau đây xin trưng bài vịnh “Tam Tài” do nhà cách mạng Trần Cao Vân gồm Trời, Đất, Ta trong hết các câu:  

Trời, Đất sinh Ta có ý không?  

Chưa sinh Trời Đất có Ta trong

 Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh.  

Trời Đất in Ta một chữ đồng  

Đất nứt, Ta ra, Trời chuyển động.  

Ta thay Trời mở Đất mênh mông  

Trời che, Đất chở, Ta thong thả.

Trời, Đất, Ta đây đủ hóa công.  

Trong bất cứ câu nào con người (chỉ bằng Ta) cũng chơi vai trò chủ động ngang cùng Trời Đất. Nhất là câu cuối: Trời, Đất, Ta đây đủ hóa công. Nếu Trời, Đất là hóa công thì Người cũng là một hóa công tức óc tự sáng tạo được đề cao hơn hết. Nói khác cái đáng đề cao nhất trong con người là tự tác, tự động, trái với ỷ lại. Ơ tỉnh Phú Thọ có đền thờ ba vị kêu là:  

Uyên Công  

Mẫn Công  

Đạt Công  

Tức là hết sức đề cao hành tác của con người. Nếu căn bản văn hóa Việt là con người thì tinh hoa của nó chính là sự tác hành của con người. 

Đại để đó là kết quả của bốn đợt minh chứng và kiện chứng: tất cả đều bày tỏ rằng Việt Đạo đã đủ điểm để “đỗ” trong cả bốn kỳ thi sát hạch. Ít nền văn hóa nào có thể biểu lộ nhân chủ tính rõ nét trải qua bốn đợt trắc nghiệm như thế: từ siêu hình, triết lý, tôn giáo tới môi sinh tinh thần đều đỗ và đỗ cao. Tiếc rằng về sau sa đọa cũng như Hán Nho nên để cho những tục kiêng cữ có tính cách tại dị về phong thuỷ che lấp mất cái nền, cái tinh hoa nhân bản nọ.

 

KẾT LUẬN  

Văn hóa Việt quả có một nền tảng vừa quý hóa vừa vững bền. Quý hóa vì khi nhìn bao trùm các nền văn hóa trong nhân loại ta thấy hầu hết đều đặt nền hoặc trên trời hoặc dưới đất mà không đặt trên nhân bản như văn hóa ta. Nếu như họ cứ đứng ở đó thì không nói làm chi, đàng này họ lại đang cố gắng tiến dần về nhân bản. Biết bao Đạo giáo xưa kia rất thanh giáo, khắc khổ, ngày nay cũng trở nên gần con người: cũng sống bình thường, bớt chú ý đến khắc phục hãm xác mà chuyển sang làm phát triển con người toàn diện. Do đó ta biết nền văn hóa phải là nhân bản mới đáng quý trọng, mới tỏ ra là một tiêu chuẩn trung thực vững bền. Tức không cần thay đổi nền móng nữa.  

Nhìn vào các nền văn hóa khác tuy không thiếu giá trị nhân bản như coi trọng nhân phẩm con người, kính nể lẫn nhau… nhưng có thể nói đó là do lương tri thông thường (bon sens) cũng như do hậu quả của kinh tế phồn thịnh làm cho sự lao tác bớt nặng nhọc vất vả, nên gây được sự coi trọng phẩm giá con người, mà chưa do sự đổi nền triết. Còn nếu căn cứ trên chính nền thì như cộng sản đó, coi con người như một dụng cụ sản xuất. Cho nên nếu phải nói theo lý luận chặt chẽ của triết thì cộng sản chính là hậu quả đương nhiên của nền văn hóa y cứ trên Địa của Tây phương. Tây phương chống cộng vì lương tri, chứ trong bản chất văn hóa thì không khác cộng sản: cũng đưa bóc lột lên thành định chế.  

Dầu sao thì mỗi lần tiến bước cũng phải có đổi một ít: từ trời hay đất đổi sang người. Những sự thay đổi này sẽ kéo theo sự sụp đổ biết bao giá trị cổ truyền. Ngược lại văn hóa Việt khỏi cần phải thay đổi nền móng mà chỉ cần trau chuốt gạn lọc, tại bởi vì nền tảng đã là con người rồi. Chính trong chỗ đó mà chúng ta tìm thấy lý do đáng bảo tồn văn hóa Việt, cũng như hy vọng nó có thể đóng góp vào bản hòa ca của các nền văn hóa khác. Hơn thế điều đó lại rất khẩn cấp. Vì thế giới tự do hiện đang trải qua cơn khủng hoảng trầm trọng do sự thiếu một nền văn hóa trung thực, đó là lý do sâu xa khiến phe quốc gia đã thua trận bên Việt Nam. Nay chúng ta muốn cứu quốc, kiến quốc, hay chỉ duy trì hồn nước thì tất phải nghĩ đến việc trước hết là kiến tạo một nền văn hóa trung thực với con người.  

Trong việc đó chúng ta may mắn đã có được một nền tảng vững chắc, nên việc phải làm chỉ còn là đào bới lên để trung tu lại. Đó là mục tiêu của triết lý Việt Nho.

XVII. BA VỤ TRỘM RÙA

Rùa đây là đạo người thành bởi đạo trời, đạo đất. Xuyên qua cả huyền sử lẫn lịch sử, nước ta đã xảy ra ba vụ ăn trộm rùa và cả ba lần đều gây ra đau thương cho quê hương đất nước. Vì vậy hôm nay, chúng ta bàn về ba vụ đó mong tài bồi cho đạo người ngày thêm vững mạnh để bảo vệ con người.  

Con người được Việt nho quan niệm như sự tổng hợp đức trời với đức đất. Khi hai chỉ trời đất giao thoa đúng liều lượng thì đó là con người chân nhân. Tiền nhân đã dùng rùa làm biểu hiệu người vì nó có lưng tròn tượng trưng trời, mình vuông tượng đất. Do biểu hiệu như thế, nên kể nó vao một trong tứ linh là: Lân, Li, Quy, Phượng.  

Quy đặt ở giữa Li và Phượng chính là cơ cấu hóa biểu tượng Tiên Rồng: tiên là chim (phượng); rồng là li (rồng biển) sinh ra con là quy, nên quy chính là hình ảnh người. Người Việt là con của mẹ tiên, cha rồng nên rùa cũng được coi như bản tóm lược đạo lý của Việt tộc.  

Vì nền đạo lý này xuất hiện rất sớm mãi ở thời tiền ngôn, tiền niệm tức thời chưa có văn tự cũng như chưa có lý thuyết, nên đạo lý được gửi vào những huyền thoại. Về sau con cháu mất ý thức nên gọi là truyện hoang đường. Vì muốn trả lại cho các truyện kể trên ý nghĩa thâm sâu của nó nên tôi gọi là huyền sử. Như vậy huyền sử chính là sử trình của đạo người nhưng được ghi lại bằng những nét u linh huyền ảo. Bởi đó là điều đã xuất hiện rất sớm ngay từ thời hồng hoang. Vì xuất hiện rất sớm nên cũng rất căn bản quan trọng. Hễ người giữ được thì hạnh phúc mà lỗi đạo thì khổ luỵ. Chính vì thế nên sử trình của đạo người gắn liền với sử mệnh của Việt tộc tức Việt tộc thịnh hay suy là tuỳ thuộc vào mức độ giữ được đạo người nhiều hay ít. Sau đây là mấy truyện huyền sử nói lên những cuộc hưng vong đó.

 

Truyện đầu tiên ghi lại trong sách Liệt Tử kể về một vụ ăn trộm rùa như sau:  

Ở phía Đông trong Bột Hải có một vực thẳm không đáy, gần đó nổi lên 5 đảo tên là Đại Dư, Viên Kiều, Phương Hồ, Doanh Châu và Bồng Lai. Mỗi đảo cao 3 vạn đặm, rộng 9 ngàn lý, các đảo cách nhau 7 vạn dặm. Nhà cửa trên đảo làm bằng vàng ngọc; chim muông thân thiện với người, cây cối tốt tươi, hoa thơm, quả ngọt, ăn vào làm cho không già, không chết. Vì vậy mà sống trên đảo toàn là thánh, mỗi ngày bay qua lại thăm nhau nhiều lần. Chỉ phiền là các đảo cứ trôi nổi theo nước thuỷ triều. Thượng Đế sợ một ngày kia các đảo sẽ trôi sang Tây, nên truyền cho thần Trung Cương liệu lý. Thần này sai khiến những con rùa khổng lồ đội đảo trên lưng, cứ mỗi đảo là 3 con, 5 đảo thành 15 rùa, nhờ vậy mà các đảo trở nên vững như bàn thạch. Không may ngày kia có người khổng lồ tên Long Bá từ biển Bắc đến câu mất 6 con đưa về lấy mu rùa dùng vào việc bói toán. Thế là hai đảo Đại Dư và Viên Kiều trở nên bồng bềnh, dạt trôi về biển Bắc rồi chìm mất. Chỉ còn lại có 3 đảo Phương Hồ, Doanh Châu và Bồng Lai.  

Trên đây quả là một trang huyền sử. Bột Hải hay Việt Hải cũng thế. Có thời nhiều chi Việt tộc cư ngụ trên sông Bộc nên Bách Việt cũng có tên là Bách Bộc. Còn những con số toàn là huyền số quen thuộc của Việt tộc: số 3 chỉ đạo Ba, số 9 là “cửu thiên huyền nữ” (nguyên lý Mẹ), số 15 là 3*5=15 bộ nước Văn Lang. Dân Văn Lang là những người giữ được Đạo đó nên sung sướng như tiên thánh; thức ăn đầy đủ, đối với nhau bằng tình ái, trong nước không có cảnh chủ nô với đấu tranh giai cấp. Thần Trung Cương là những cương vị của đạo Trung Dung tức đạo người, đạo trời, đạo đất hợp lại mà thành, nó bóng là mỗi đảo được chở bởi 3 con rùa, không cho trôi lên mạn Bắc hay sang Tây vì đó là hai miền trái đạo Trung Dung. Bắc số 1, Tây số 4, cả hai là những số chỉ sự thái quá (bộ số giữa là 2-3) nên là miền chưa vượt được bái vật (bói rùa) hoặc ý hệ (ăn trộm, tức chinh phục).  

Long Bá là Bá Đạo ưa dùng số chẵn, số 6 (trong 6 con rùa bị câu) là số duy vật. “Con sông Lục đầu nước chảy xuôi một dòng” tức là duy nào đó, (duy vật hay duy tâm đều là nứơc chảy xuôi một chiều cả), nên cũng làm chìm mất Đại Đạo. Còn lại được 3 đảo: một đại biểu đức đất là Phương Hồ  (hồ vuông), một đại biểu đức trời là Doanh Châu (doanh là tròn đầy ngầm chỉ số 3 trời), Bồng Lai là cộng hai đảo kia lại mà thành nên rất đầy đủ. Ta quen nói “Bồng lai tiên cảnh” là do tích này. Đó là hình ảnh xa xôi diễn tả cùng một ý như bánh dầy, bánh chưng tức đạo làm người. Hễ giữ được thì đạt hạnh phúc gọi là được “thiên sinh địa dưỡng: vạn vật dục yên” (mọi vật đều được hưởng nhờ). Ngựơc lại là trầm luân khổ luỵ như được chứng minh bằng hai truyện trộm rùa sau:  

Truyện trộm rùa thứ hai là Trọng Thuỷ mà ai trong chúng ta cũng đã biết là nó đã gây ảnh hưởng quyết liệt vào nước ta. Trọng Thuỷ cũng từ phương Bắc như Long Bá, đánh lừa Mỵ Châu là tiêu biểu nguyên lý Mẹ (lúa mễ: mỵ hay mễ là một) nên nước Văn Lang bị tan tành, văn hóa Việt tộc bị Hán nho che phủ.  

Lần trộm thứ ba xảy ra khi Hegel lấy hứng từ Kinh Dịch để đưa ra biện chứng pháp. Tuy không có chỗ nào Hegel nói là mình đã lấy hứng từ Kinh Dịch, nhưng người ta có quyền suy đoán như thế do hai lẽ sau: trước hết là Kinh Dịch đã được Leibnitz (1646-1716) giới thiệu với Au Châu trước Hegel (1770-1831). Hai là những đề luận chính của Hegel đều tương tự với luận đề Kinh Dịch, như dùng biện chứng động thay vì danh lý cứng đọng: dialectic thay vì logic. Đồng thời thuyết phiếm thần tương tự với thuyết “thiên địa vạn vật đồng nhất thể”… Tôi nói tương tự mà không nói y hệt, vì nếu Hegel cũng như Cộng sản múc được chính đạo của Dịch Lý thì đã là đại phúc cho con người rồi, nhưng đàng này chỉ lấy được có cái vỏ. Học giả Armaury de Riencourt gọi Hegel là con hoang Á Châu (xem The soul of China, Harper: Colophon Book, 1964, từ trang 166).  

Theo dịch pháp thì mọi sự biến động đều tự nội giữa hai đối cực âm dương, nói bằng biểu tượng là giữa trời cùng đất mà trung đạo là con người. Khi nào người đánh mất một cực thì cũng là mất ý thức về sự biến động tự nội như trường hợp triết học Tây Au chỉ là một chiều hoặc duy vật hay duy tâm nên là triết học im lìm làm bằng những ý niệm cứng đọng. Mãi cho tới Hegel mới nhận ra sự sai lầm đó, nên đánh đổ danh lý, tức là lý luận căn cứ trên những ý niệm im lìm để đưa ra biện chứng pháp thay vào. Biện chứng có hai điều mới đối với logic cũ, một là nó động, hai là sự động nằm ngay trong nội tại sự vật. Sự vật nào cũng biến động do đó mang trong mình yếu tố mâu thuẫn. Hegel gọi là quyết đề và phản đề, khi giải hòa đựơc quyết đề và phản đề thì có tổng đề. Rồi tổng đề lại trở nên quyết đề mới hàm chứa phản đề mới và cả hai lại hòa giải trong tổng đề mới nữa. Sự vật cứ thế mà tiến mãi cho tới tinh thần tuyệt đối.  

Karl Marx đã học được biện chứng với Hegel. Nhưng Marx chê Hegel là sai lầm vì đặt biện chứng trong ý niệmmà lẽ ra phải đặt trong sự vậ, trong nhân sự, vì chính vật chất quyết định tinh thần, tư tưởng chỉ là phản ảnh của sự vật. Chính sự vật là đầu mối mọi tư tưởng. Tư tưởng tiến theo biện chứng là vì sự vật tiến theo biện chứng như thấy được trong các đợt kinh tế: kinh tế đời phong kiến bị phá vỡ do buốc gioa. Buốc gioa bị phá vỡ do tư bản, rồi tư bản sẽ bị phá vỡ do phản đề của nó là vô sản.  

Hiên tư bản đang mang trong mình mâu thuẫn sắc bén là giới vô sản của thợ thuyền vì sự sản xuất có tính cách công cộng do vô sản làm ra, thế mà quyền sở hữu lại nằm trong tay mấy chủ nhân tư bản. Đó là mâu thuẫn nội tại nên thế nào rồi tư bản cũng sụp đổ theo luật duy vật biện chứng mà tiến trình xảy ra đại khái như sau: giới thợ thuyền càng ngày càng đi đến chỗ nghèo khổ cùng cực nên càng đoàn kết lại mạnh, càng được tổ chức chặt chẽ có kỷ luật, đang khi giới chủ nhân càng ngày càng trở nên thiểu số thì càng không đủ sức điều hành guồng máy sản xuất… thế là sụp đổ. Chính giới tư bản với máy móc ngày càng tinh vi đang tự đào lỗ chôn mình để nhường lại quyền hành cho giới thợ, cho giới vô sản, từ đó sẽ hiện thực đựơc chính sách “tam vô, nhị các”. Tam vô là không tôn giáo, không quốc gia, không gia đình, còn nhị các là ai cũng sẽ làm tận khả năng của minh và tiêu dùng theo sự cần dùng, nhờ đó sẽ chấm dứt cái nạn “kẻ ăn không hết, người đào không ra”. Đó là những lời hứa hẹn đầy sức quyến rũ đựơc truyền bá mạnh giữa lòng thế kỷ 19. Nhưng đến nay thì ai cũng đã thấy những dự đoán của Karl Marx đều xảy ra trái ngược hẳn lại.  

Thứ nhất: thợ thuyền không càng ngày càng nghèo cực mà trái lại đời sống càng ngày càng lên cao, có nơi lên tới 20 lần so với thời Karl Marx. 

Thứ hai: tư bản đã không sụp đổ mà lại ngày thêm lành mạnh do những cải cách mới như thuế luỹ tiến và chế độ an sinh nhằm phân phối lợi tức quốc gia cho mọi người được hưởng.  

Thứ ba: thuộc địa không còn là nơi kéo dài cuộc sống tư bản thêm lâu như Lenine nói, trái lại các nước tư bản đã nhả hết thuộc địa, đang khi Nga chiếm thêm đất đai còn rộng hơn các thuộc địa cũ của tư bản.  

Tất cả những dự đoán trật đó bày tỏ sự sai lầm căn bản nằm trong biện chứng pháp là duy tâm hoặc duy vật. Biện chứng là sự động giữa hai hạn từ, nay bỏ một thì còn đâu là động nữa, vì chỉ có biện chứng khi có sự biến động, nhưng hễ nơi nào cộng sản cướp được chính quyền là tuyệt đối cấm đoán thay đổi, cấm đoán mâu thuẫn với chính quyền. Thế là diệt mất căn do của sự tiến bộ, tức cũng là diệt mất biện chứng. Ta thấy rõ điều đó trong tính chất độc hữu và bất tương dung của cộng sản. Chúng khai trừ đối lập: không chịu nhận bất cứ ý kiến nào trái ngược lại với hệ tư tưởng của chúng.  

Điều này đã xuất hiện ngay từ Karl Marx. Marx đã dùng những lời thô bị tục tằn để mạt sát đối phương, thí dụ Proudhon, một nhà xã hội học nổi tiếng của Pháp cùng thời với Marx, đựơc Marx hết sức ân cần mời mọc nhiều phen để cùng cộng tác. Proudhon đã trả lời đại để:  

“Chúng ta nên tìm hết cách để cộng tác với nhau đặng tìm ra luật xã hội, tìm ra con đường tác động của những luật lệ đó, nhưng không bao giờ chúng ta được đưa ra những lý thuyết độc đoán. Tôi hoan nghênh ý kiến phải đưa ra ánh sáng mọi ý nghĩ dị đồng. Chúng ta hãy tỏ ra là những nhà học thức sâu xa với lòng bao dung rộng rãi. Đừng bao giờ trở nên những nhà lãnh đạo cho một sự bất tương dung mới. Chúng ta hãy hoan nghênh và khuyến khích hết mọi lời phản đối. Hãy lên án hết mọi sự khai trừ, mọi huyền thuyết. Đừng bao giờ coi một vấn đề như đã đóng hẳn, hãy bắt đầu lại nếu cần, cả với sự tự mỉa mai chính mình. Trên điều kiện ấy, tôi sẽ thích thú có chân trong hội của ngài, ngược lại thì không”.  

Để trả lời Marx đã viết quyển “Sự nghèo khổ của Triết lý” chọi lại quyển “Triết lý về sự nghèo khổ” của Proudhon. Chủ trương của Karl Marx đã là mầm gieo ra những ác quả của bất tương dung không những trong chính trị, kinh tế mà luôn trong tư tưởng, lời nói cũng như cảm tình: tình nhà, tình nước, tình người, đều bị chống đối đến cùng cực. Mao Trạch Đông đã học được trọn vẹn bài học vô phúc đó trong quyển sách quan trọng của y nhan đề “Mâu Thuẫn” theo nghĩa lấy mâu đâm thuẫn, tức là chỉ có đối kháng, thiếu mất vòng trong tâm linh của Kinh Dịch, nên hai hạn từ tâm và vật mất đất hội thông hòa hợp, chỉ còn cách chọn một bỏ một, y như duy niệm ngày xưa. Thế là các Long Bá mới này (Hegel, Marx, Mao, Hồ) đã làm chìm mất nền đạo lý nhân sinh của con người Đông phương đầy an vui, để gây nên cảnh đau thương muôn trùng mà người Việt đang cảm thấm thía tận tâm can tì phế. Trong cảnh nước mất nhà tan, toàn dân phải từ bỏ đời sống an vui để đi vào cảnh sống thiếu thốn đến cùng cực không những về thể xác mà cả tinh thần cũng bị dày vò vì nạn khủng bố rình rập lo âu, đang khi xemvề tương lai không thấy một tia sáng nào hết.  

Việt nho đã tóm tính chất các lối cai trị vào câu sau:  

Nhân giả an nhân  

Trí giả lợi nhân  

Uý giả cưỡng nhân  

“Nhân giả an nhân” là khi giữ được đạo Nhân hoàn toàn thì như trong 5 đảo ở biển Bột Hải, của nuôi có đầy trong tầm tay, nói bóng là chim muông thân thiện với người, hoa trái đầy trên cây, người ăn không già, tức không bị lo âu làm cho tổn thọ. Đó là cảnh “nhân giả an nhân”, người giữ được đạo Nhân thì làm cho dân nước an vui.  

“Trí giả lợi nhân” thì như Trọng Thuỷ tuy làm lợi đựơc cho phe mình nhưng lại gây hại cho bên Văn Lang, nước tan mà tình nhà cũng vỡ, cha đành tâm giết chính con mình.  

“Uý giả cưỡng nhân” là các tên chuyên chế, đàn áp con người toàn triệt, nên bị người oán ghét căm thù chỉ mong lật đổ. Chính cái lòng oán ghét của toàn dân làm cho những kẻ thống trị đâm ra nghi ngờ sợ bị lật đổ, vì vậy chúng lập ra đủ phương thế để kiểm soát không những trong phạm vi công cộng mà còn xâm nhập vào gia đình, vào cả đời sống tư riêng làm tan biến trọn vẹn cảnh an nhiên thư thái, chỉ còn lại một bầu không khí nồng nực làm bằng lo âu sợ sệt.  

Mấy điều trên chứng tỏ rằng những trang huyền sử của ta chứa đựng những chân lý bất hủ, đời nào cũng thực, cái thực thiết thân đến nỗi hễ ly lìa thì lâm vào những cảnh đau thương thống khổ. Như vậy nói truyện cổ mà hóa kim, nói chuyện xưa mà hóa nay, đủ biết sự học về đạo lý, về đạo làm người là điều phải được coi trọng vào bực nhất trong đời vậy. 

Từ bài học đau thương vừa rồi, chúng ta cần rút ra một kết luận là phải làm thế nào cho chút đạo lý mà người Việt tỵ nạn còn giữ được không bị mất cắp nốt, trái lại được nuôi dưỡng cho ngày thêm to lớn để mai sau về ràng buộc lấy nước Việt Nam, không cho trồi sang Tây Bắc, đặng gây an vui hạnh phúc cho toàn dân.  

Bài học xưa đã để lại: đó là biến rùa thành sách rùa, biến quy thành quy thư, tức phải đem các tinh thần văn hóa còn mập mờ để làm sáng tỏ và truyền bá đến hết mọi người tỵ nạn khắp nơi. Làm được như vậy thì rùa sẽ không bị ăn trộm lần nữa mà còn được lớn lên để cho 15 bộ nứơc Văn Lang nhất định sẽ hưng phục.

XVIII. THỜI VÀNG SON KHẢ DĨ CỦA NHÂN LOẠI

Có một hoàng kim thời đại chăng? Câu hỏi trên nếu hướng về dĩ vãng thì chỉ là vấn đề khảo cổ không có chỗ đứng trong triết lý an vi. Nhưng câu hỏi không chỉ có hướng về dĩ vãng mà còn hướng về tương lai và xuất hiện như những dự phóng căn bản của các nhà chính trị, trong đó có những dự phóng rất tai hại cũng như những dự phóng ơn ích. Xét theo hướng đó vấn đề bỗng mang tính chất thời thượng cần phải một lần đưa ra thảo luận.  

Ta hãy khởi đầu bằng xét xem trong dĩ vãng quả có một thời đại vàng son như lưu truyền nhân loại đều nói tới và xưa kia ai cũng tin tưởng như vậy. Đến nay niềm tin đó bị một số người bác bỏ, cho rằng trong tình trạng ăn lông ở lỗ, con người là nạn nhân của thú dữ: hùm, beo, mãng xà, bão lụt, tuyết băng, nóng cháy da thịt… Tất cả những sự khắt khe của thiên nhiên đó khiến đời sống trở nên hết sức cơ cực làm sao có được hoàng kim.  

Có thể trả lời rằng nói vậy là mới chú ý tới khía cạnh khách quan vật thể, chưa phải là lối đạo dứt khoát, vì thế hoàng kim thời đại cứ còn sống hoài trong tin tưởng của rất đông, vì đời sống không chỉ gồm yếu tố duy vật, căn cứ trọn vẹn trên tiện nghi vật chất mà còn bao hàm tâm trạng, đặt trên phầm chất, trên lối giao du giữa người với nhau. thí dụ sống trong yêu thương tương trợ không tranh chấp, với một cơ chế xã hội dễ dàng đáp ứng những nhu yếu căn bản con người lúc xưa còn ít và đơn giản. Hiểu theo khía cạnh tinh thần đó thì có hoàng kim thời đại, tuy không cách toàn bích cho hết mọi nơi, cùng một lúc, nhưng tuỳ thời tuỳ nơi, và ngay đời ta nếu chính quyền tạo ra đủ điều kiện thì thờivàng son vẫn có được như thường.  

Vậy cần hỏi thế nào là hoàng kim thời đại? Muốn nhìn ra khuôn mặt trung thực của “hoàng kim thời đại” việc nên làm trước hết có tính cách tiêu cực là lược bỏ mọi nét huyền thoại thường bám theo, thí dụ lúa thóc không phải gieo gặt cứ đến mùa chúng tự rũ nhau về xếp hàng cho người dẫn vào kho… Các súc vật sống thân thiện với người, người không bệnh nạn, sống già rồi lột da trẻ lại như rắn v.v… Đó toàn là những thêu dệt quá đáng không bao giờ có, nó chỉ biến thời đại hoàng kim thành một huyền thoại hoang đường. Vậy phải tìm một thứ hoàng kim không những khả dĩ, và cứ sự đã có, và nay muốn lập lại thì phải theo những điều nào.  

Nếu ta coi những truyện hoang đường về hoàng kim thời đại chỉ là lối văn tả cảnh phong nhiêu trong thời săn hái có thực trong một số nơi do tình trạng người còn thưa, hoa trái cũng như súc vật còn nhiều, không cần tranh dành, nên đáp ứng được hầu khắp vấn đề sinh sống lúc ấy còn thô sơ. Đàng khác vì người còn thưa nên để đựơc quý trọng ít ra như tác nhân làm ra của. Người xưa quen nói một con một của: điều đó có thực trong thời nông nghiệp người ít, đất đai để khai phá còn nhiều, ít có xảy ra vụ người bóc lột người thì thời hoàng kim tương đối tất nhiên có. Nhưng rồi thời này sẽ teo lại dần ở những lúc và nơi khác nhau mà tình trạng chung có thể tóm tắt như sau.  

Khi người đông lên mãi, thức ăn bớt đi theo đà thì nảy sinh hai giải đáp một là du mục hai là nông nghiệp. Trong hai lối này thì nông nghiệp có nhiều cơ may để nối tiếp phần nào tinh thần hoàng kim vì cần hòa bình kéo dài, cần tổ chức gia đình vững mới khai thác được ruộng đất v.v… Ngược lại du mục vì năng phải đổi đồng cỏ nên hay sinh nạn tranh giành, thế là cần võ lực. Đã nói đến võ lực thì cần số đông, càng đông càng mạnh nhưng để đám đông mạnh hết cỡ thì cần kỷ luật, kiểm soát khắt khe, thế là có dịp làm nảy sinh sự đề cao quyền lực và người nắm giữ quyền lực.  

Đó là những yếu tố dẫn đến văn minh theo nghĩa chuyên biệt khác với văn hóa của nông nhiệp. Phát minh quan trọng nhất của văn minh là khám phá ra khả thể khai thác tha nhân như một dụng cụ sản xuất. Do đấy mà có nạn người bóc lột người mà hình thái cùng cực là đế quốc chuyên chế. Như vậy du mục với văn minh cùng một khuynh hướng nó đã chôn táng hoàng kim thời đại với một cơ chế xã hội lý làm bằng kiểm soát, đề cao nhà cầm quyền đến tận mây xanh với quyền lực mênh mông đặt trên vô biên.  

Nông nghiệp đề cao tài năng, hiền đức thì văn minh đề cao lời nói lý luận. Nói theo triết là đề cao nguyên lý cha: bỏ nhẹ tình nhà để xây xã hội trên pháp hình, trên giai cấp, lấy đấu tranh làm tôn chỉ v.v… Tóm lại đó là khuynh hướng đi ngược hẳn lại với tinh thần nông nghiệp. Chính đà tiến của văn minh này đã lần lượt giết chết mọi nền văn hóa nông nghiệp lớn, chỉ còn sót lại có nền văn hóa Việt nho là còn sống ngoi ngóp bên Tàu đượcmột nửa còn bênViệt có thể đến hai phần ba như ta thấy hình ảnh trên mặt trồng Ngọc Lữ, và sau này còn tiếp tục tức Việt Nam là một xã hội đầy tình người vắng bóng định chế giai cấp, nên thể chế không xây trên sự người bóc lột người; văn hóa của nước xây trên sự trọng nghĩa khinh tài, lấy tương thân tương trợ làm tôn chỉ (1). Nói gọn là có tự do và bình sản, tức có hai cột trụ của hoàng kim rồi đó. Như vậy nếu chúng ta nghiên cứu cơ chế xã hội với những thói tục chung cũng như hiểu hoàng kim cách co giãn thì nói được là nhất định có hoàng kim thời đại: càng lui về xa xưa càng có nhiều; nhưng rồi nó chết lụi dần chỉ còn sót lại trong một số nơi bé nhỏ hẻo lánh thí dụ trên núi rừng hoặc các đảo nhỏ giữa trùng dương bát ngát.  

(1) Xin nhớ là nói về thể chế mà không nói về cá nhân. Về cá nhân thì nạn người bóc lột người đâu cũng có.  

Nhiều nhà xã hội học đã tìm nghiên cứu thì nhận thấy sự thể giống câu sách nho: “nhân chi sơ t ính bản thiện”, tức người tiền sử tốt hơn hẳn người văn minh. Trong cuộc nghiên cứu sâu rộng của mấy nhà nhân chủng học (1) thì thấy trong số 31 bộ lạc được nghiên cứu chỉ có 8 bộ lạc (Astec, Dobu, Ganda…) kể là dữ từ trong cơ chế xã hội. Còn lại 23 thì tốt đến gần ¾. Trong đó có 9 bộ lạc như Zuni, Pueblo Indian, Arapesh, Bathonga, Eskimos… tốt hầu như cả thể chế lẫn cá nhân. Còn 14 thì không tốt bằng nhưng cũng chỉ là cá nhân còn cơ chế không xây trên đàn áp, bóc lột.  

Cần nhận xét rằng chưa biết những bộ lạc gọi là ác đã ác tự lúc nào, từ lúc đầu chưa hẳn ác như vậy căn cứ trên số chiến tranh xảy ra ở Au Châu từ thế kỷ 16 đến nay (2) ta có thể suy đoán rằng càng tiến vào văn minh con người càng trở nên ác độc hơn. Lý do gần có thể kiểm soát được đó là tại của nuôi không thêm nhiều kịp với đà gia tăng của dân số. Đấy là về mặt vật chất, còn mặt tinh thần là do lòng tham của con người mà khi thiếu một đạo lý ám hợp để kìmhãm thì nó sẽ trở nên vô đáy; trở thành tai họa còn lớn hơn sự ít của. Vậy mà lòng tham cũng lớn mạnh với đà người khôn của khó. Từ lúc người không còn thể để nhiều thì giờ tâm trí vào việc phát triển nhu yếu chính là cảm quan được giá trị cao cả con người biểu lộ qua “thể diện” thì lịch sử loài người quả thực trở nên cuộc đấu tranh liên tục để sinh tồn, không còn đâu nữa cảnh an bình thư thái cũng như ít chuyên về việc tài bồi đức tính làm nên con người.

 

Thế là chôn táng hoàng kim thời đại… (3)  

(1) Thí dụ Ruth Benedict (1934) nghiên cứu về các bộ lạc Zuni, Dobu, Kwakiutl; Margaret Mead (1961) về 13 bộ lạc như  Arapesh, Greenland, Eskimos, Manu, Iroquois, Maori v.v…; G.P Murdoch (1934) về 15 bộ lạc khác như Tasmamians, Samoans, Ainus, Eskimos, Hopi, Astecs, Incas, Witotos, Hotentos…

 

(2) Thế kỷ 16: 87 trận  

            Thế kỷ 17:       237 trận  

            Thế kỷ 18:       791 trận  

            Thế kỷ 19:       651 trận  

gần nửa thể kỷ 20 (1900-1940) 892 trận.    

(3) Những suy đoán này cũng hợp với lối phân chia tiến trình hình thành văn hóa làm ba giai đoạn đã nói nơi khác là: 1/ Thời đặt nền với những ý tưởng sáng tạo. Bên ta đó là thời Hoàng Việt cũng là Hoàng kim thời đại. 2/ Thời sau là nguyên nho đổ khuôn thời Hoàng Việt, bớt hiện thực để tỏa ra lời nói sách vở. 3/ Thời ba là Hán nho để triết hết đạo lý còn giữ được có cái vỏ nho, cũng là hủ nho.  

Những điều suy luận trên đây có thể kiện chứng bằng vài nhận xét thực tế. Thực tế đầu tiên là nứơc Việt trước đây: so sánh ba miền Bắc, Trung, Nam thì trong Nam còn gần hoàng kim hơn ngoài Bắc và nhất là Trung. Tại sao cùng là nước Việt, cùng một nền văn hóa mà trong Nam con người vui tính rộng rãi, xuề xòa, trọng khách hơn… thưa vì điều kiện sinh sống dễ dàng hơn xa, ruộng đất nhiều mà người ít.  

Thí dụ tân thời là Au Mỹ: cũng là một giống người, một nền văn hóa mà sao người Mỹ tốt hơn người Au Châu xưa, người Mỹ nay tốt hơn người Mỹ lúc mới tới lập nghiệp. Lúc ấy họ giết người bản thổ như ngoé, họ bắt người da đen làm nô lệ. Nay thì chế độ nô lệ không còn, người bản thổ đã được đối xử tốt hơn xưa, người nghèo đã được thể chế an sinh giúp đỡ cho có một cuộc sống xứng hợp con người. Đó là tại kinh tế phồn thịnh hơn xưa cả chục lần.  

Cũng nói đựơc như thế về nhiều nước bên Au Châu. Thời kỳ khởi thuỷ kỹ nghệ phải gọi là thời sắt: làm việc một tuần từ 70 đến 80 giờ, trẻ con từ 5, 6 tuổi đã phải đi kiếm việc thế mà chỉ được có đồng lương chết đói, sống trong những xóm nhà lục sụp. Nhưng nay thì mực sống đã cao hơn cả chục lần. Đó cũng là nhờ kinh tế tiến mạnh. Như vậy có thể nói nhờ kinh tế phồn thịnh mà Au Mỹ đang lập lại được hoàng kim thời mới. Nó sẽ cao hơn hoàng kim tiền sử về tiện nghi vật chất, cũng như sự bảo đảm về an sinh. Chỉ còn ước mong làm sao cho tình trạng đó tốt đẹp hơn và mở rộng ra cho toàn thể nhân loại, trên các nước kém mở mang. Đó là hướng tiến sẽ gặp đầy khó khăn, tuy nhiên không phải là không thể hiện thực, mặc dầu phải có thời gian và óc sáng tạo.  

Nhiều người khó tính cho rằng nói vậy là quá. Đời sống Au Mỹ nay còn đầy những khuyết điểm trầm trọng sao gọi được là Hoàng Kim. Tôi nghĩ rằng nếu không chấp nhận thuyết tương đối không gọi đây là Hoàng Kim thì chẳng bao giờ danh từ ấyđược dùng đến. Thiết nghĩ đời sống như Mỹ hiện nay đã là hoàng kim: về đàng vật chất có xa lộ, có xe hơi hai người một cái, có tivi, tủ lạnh… còn nứơc uống chỉ cần giơ một ngón tay đẩy lên là có, đẩy sang là nóng liền, sẽ còn tiến nhiều những không thêm cho đời sống được nhiều lắm nữa.  

Về mặt xã hội có chế độ an sinh người nghèo được rất nhiều giúp đỡ: an sinh cho tiền, food stamp giúp thêm thực phẩm, cơ quan địa ốc giúp bớt tiền nhà, y tế cho medical… không thể chối cãi được rằng còn nhiều bê bối trong những thể chế này nhưng cũng không thiếu thử thách và cố gắng để cải thiện cho thêm tốt đẹp hơn và quả thực có mấy việc nền móng cần phải làm liền như sẽ bàn sau. Nhưng điều cần nhấn mạnh là bản chất con người nếu là tương đối, mọi sự tốt xấu cũng không thể thoát khỏi luật tương đối. Về bất cứ phương diện nào mà đạt tới 70-80% đã là cao lắm. Nếu ngừơi Mỹ có được 75% tốt, lịch sự, không kỳ thị thì phải gọi là tốt rồi, nếu phải đợi tới “một trăm phần trăm” thì chẳng bao giờ có, vì đó là một tuyệt đối vượt tầm tay với của loài người. Muốn đạt tới không những là mơ mộng mà còn có hại.  

Cần nhận chân như vậy để đề phòng những thứ hoàng kim tuyệt đối thường được đề ra trong đó phải kể tới “thiên đàng cộng sản”. Theo lý thuyết quả là hoàng kim, nhưng khi thực hiện ở đâu thì nơi ấy trở thành hỏa ngục và điều ấy đã được thử đi thử lại ở nhiều nơi nhiều thời: hết Nga đến Đông Au, hết Tàu thì đến Cao Ly, Việt, Lào… đâu đâu con người cũng phải chạy có cờ: số người gặp may mà thoát khỏi cái “thiên đàng” tính đến nay là 16 triệu; còn những người phải ở lại thì không ngớt rên xiết. Vậy mà còn biết bao người chưa nhận ra. Điều kỳ lạ đáng sợ hơn hết là không những các nước hậu tiến ít học, mà chính các nước tân tiến học thức ngập răng vẫn cứ còn người tin vào hoàng kim của cộng sản. Bực hơn hết là những thứ to đầu như những Sartre, Merleau Ponty, Marcuse… được gọi là triết gia mà vẫn tin vào giải pháp cộng sản gần trọn đời. Cần làm thế nào để Au Mỹ nhận chân được sự nguy hiểm của cộng sản. Cần làm thế nào cho sự nhận thức thấu tới những nhà cầm quyền để họ đưa ra những giải pháp hữu hiệu chặn ngăn cộng sản. Vì thực ra chỉ cần một cái búng là ngăn chặn nổi, nhưng trình độ nhận thức quá thấp nên không hiện thực được. (như đã trình bày trong Hoa Kỳ với chiến lược toàn cầu)  

Để giúp vào việc nhận thức cũng như cải thiện hoàng kim hiện đại cần trước hết phải có một nền triết lý nhân sinh ám hợp cho tâm trạng hiện nay. Một nền triết lý có thể giúp vào việc xây dựng thời vàng son mới, một nền triết lý phải hợp cho mọi thời mọi nơi, vậy đó là điều Tây Au còn thiếu. Những việc cải thiện đời sống thợ thuyền cũng như thuộc an sinh mới là do lương tri tức do thúc bách bên ngoài, chứ chưa do triết lý, nên sự cải thiện vừa chưa ổn đáng vừa còn để lại những yếu tố có hại như sự tôn thờ tiền, sự phi nhân trong mối giao liên con người, nền giáo dục chuyên môn đến độ khiến cho tình người khô cạn. Đó là những hệ quả ác độc lưu lại do những nền triết học xưa. Đó không là triết lý nhân sinh mà chỉ là những triết học về ý niệm cứng ngắc, đã không làm ơn mà còn giúp vào việc đàn áp con người, nên nay đã mất thế giá. Còn triết mới thì chưa thấy một khuôn mặt nào xứng đáng. Những tên tuổi như Sartre, Merleau Ponty đã tận tình ủng hộ cộng sản thì làm sao gọi được là có minh triết. Heidegger mới có cái xương mà chưa có sức sống. Người ta đang chờ đợi một thiên tài nào đó sẽ bơm lửa của Kierkergaard vào bộ xương khô của Heidegger thì sẽ có nền triết mới cho con người ngày nay, nhưng thiên tài đó chưa xuất hiện, nên thế giới tự do chưa có một nền triết để hóa giải cộng sản. Đấy là một thiếu sót trầm trọng. Là vì lối thoát chính không phải ở phía vật chất suông, nếu biết chia đều thì tình trạng chưa đến nỗi tệ. Vậy lối thoát chính phải tìm về phía tinh thần. Nhưng cho tới nay thì quả là thất vọng vì tinh thầan do các nền văn hóa lớn đề ra lại làm bằng vật chất (như đã chứng minh trong Sứ Điệp) thành ra không thỏa mãn được sự đói khát cái vô biên trong con người.  

Trong khi chờ đợ tôi đề nghị nền triết lý an vi xây dựng trên quan niệm trống rồng (trống đồng) tức quan niệm về tinh thần đúng cách, thứ thần có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn thực sự. Điều đó đựơc chứng tỏ xuyên qua nguồn gốc Việt nho của nó: một nền triết đã tuyên bố rằng: “bất hoạn bần nhi hoạn bất quân” = không sợ ít của mà sợ chia không đều. Làm thế nào để có thể chia đều. Thưa chỉ làm được khi những nhà cai trị thấm nhuần triết lý an vi. Nếu không thì lòng tham của họ sẽ còn vô đáy, và sẽ nhờ cơ hội nắm chính quyền mà vơ vét. Kiểu này hoặc kiểu kia, nhưng kiểu nào cũng hại. Dù nó thu được ít nhưng lòng tham đó đã che khuất lấp con mắt thứ ba nên không thể sáng kiến ra được những đường hướng dẫn đưa nứơc đến chỗ thịnh đạt ơn ích thực sự cho con người, cho nên sự ăn lạm của chung có khi chỉ bằng một, nhưng đường hướng của họ gây tai hại gấp trăm ngàn lần. Có những người cầm quyền coi như rất thanh liêm kiểu Hồ Chí Minh chẳng hạn, thoạt nhìn tưởng như không có bụng tham mà thực đó là thứ tham đẩy đến tột cùng, tức không còn thêm tham của nữa, mà tham chính cái làm ra của tức là chính con người, nên chiếm đoạt mọi người trong nước, cả trong thân xác lẫn linh hồn, cả ý, tình, chí không bỏ sót một thứ gì chỉ cốt sao xây được một xã hội có dáng vẻ huy hoàng để lưu danh sử sách, còn dân nước có chết bao nhiêu không đáng kể. Với những thứ tham lam độc địa đó không thể nào nghĩ ra được đường lối làm cho xã hội đạt hạnh phúc được. Nói tổng quát: duy vật chính là kẻ phá trọn di sản hoàng kim thời đại.  

Bởi vậy muốn lập lại thời đại hoàng kim tức làm cho xã hội hạnh phúc thì điều quan trọng hơn hết là giáo dục phải được đặt trên một nền triết xây trọn vẹn trên đạo làm người, một đạo lưỡng thê toàn triệt. Ai đã đọc triết lý toàn cầu rồi trở lại Việt lý sẽ nhận ra liền: Triết Tây bàn những vấn đề cao cả nhưng trừu tượng đặt mãi trên trời hay tận dưới đất, còn Việt nho thì tha thiết đến việc nên người, luyện tập những đức tính, những tâm tình cao thượng, bồi dưỡng nhân luân, đề cao những gương lễ, nghĩa, kính nể nhau, nhường nhịn nhau như vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn. Vua Thuấn nhường cho ông Vũ v.v… Đó là những lối đề cao đức tính của Hoàng kim thời đại coi trọng đức độ đến nỗi vua xin làm bạn với nhà hiền triết mà hiền triết không chịu (xem Mạnh Tử V.30).  

Xin nói ngay trong thực tế không được như vậy, nhưng chính nhờ việc nhấn mạnh đến đức độ mà những xã hội Việt nho đã giữ được phần nào hoàng kim thời đại mặc dầu điều kiện vật chất rất eo hẹp. Ai đã có dịp sống ở miền đồng ruộng nhất là trong Nam cũng cảm thấy những nét của hoàng kim: ít có tranh dành, trộm đạo. Trái lại là hiếu khách, làm ít, chơi nhiều. Tôi quen một gia đình có 6 sào (cao) dừa), mỗi ngày làm việc vài ba tiếng còn toàn nhậu, chơi cờ, với ba câu vọng cổ hoặc nằm đưa võng đọc truyện hoặc đi chùa đền… Tôi thấy đời như vậy cũng đáng sống rồi, một làng gồm toàn những nhà như vậy lại không đáng tên là hoàng kim sao, nhất là khi đem so với làng xã Tây Au xưa đầy nhóc nô lệ, hoặc nông nô, chứ đâu có toàn người tự do như xã hội Việt Nam cổ đại.  

Có người sẽ vấn nạn rằng nếu cứ thế thì làm sao tiến bộ? Xin thưa rằng có ai cấm tiến bộ đâu? Nhưng ý tứ có nhiều lối tiến. Có thứ tiến đến chỗ làm hùng hục cả ngày tối về đi học tập, hoặc xếp hàng cả buổi để mua mớ khoai thối thì tiến bộ cái nỗi nào? Tính theo khả năng của con người hiện đại cả về tinh thần lẫn vật chất thì phải nói rằng nếu trên mặt đất này mà có được thời vàng son thì đó là xã hội trong Nam xưa, còn nay là Au Mỹ, Canada, Uc… hiện nay đã là thờivang rồi. Duy trì đựơc như vậy lâu dài là phúc. Xem về trước chỉ thấy có nhiều chiều đi vào sa sút, chứ không có tiến xa hơn được. Các nhà làm chính trị nên thực tế, chớ mơ mộng hão, chớ nhảy vọt, đưa dẫn nứơc vào chỗ khổ lúc nào không hay. 

Đó là điểm mà triết lý an vi cần nhấn mạnh để chống lại các thứ thờ tuyệt đối: lý tưởng tuyệt đối, xã hội tuyệt đối. An vi chủ trương vũ trụ con người không có tuyệt đối từ trong bản chất: trong âm có dương, trong dương có âm. Cái nọ hạn chế cái kia không làm sao có sự trọn hảo toàn triệt. Muốn toàn vẹn chỉ là ảo ảnh. Không thấy điều đó mà cứ cố chấp thiết lập thiên đàng ở trần gian thì sẽ là thiên đàng đỏ của cộng sản tức chính là hỏa ngục.  

Trong thực tế cần đặt những điều kiện nền tảng cho một thời hoàng kim, rồi liên tục cố gắng hiện thực những điều kiện đó. Còn trong hiện thực mà gặt hái được 70-80% hiệu quả tốt đã là phúc lắm. Plato cho là nói chung thì xã hội loài người có tốt có xấu, nhưng xấu nhiều hơn tốt. Nên hiện thực chữ tri túc: biết tự đủ mới được hưởng tâm thức đủ. Có biết dành giờ ra để nhàn rỗi, mới được hưởng nhàn rỗi. Nếu không thì suốt đời lao động vinh quang mà vẫn ăn độn, ăn đói. Đánh được miền Nam rồi mà không chịu tri túc lại còn ròm ít Cao Miên nữa. Cao Miên rồi Thái. Cứ thế thì cuộc sống đã không hạnh phúc mà còn đi tàn phá chút hạnh phúc sót lại trên mặt đất.  

Cá nhân cũng vậy nếu không biết dừng ở mức đủ nào đó thì cả đời lận đận. An bất quá ngày ba bữa thôi mà cứ đòi kiếm thêm, kiếm hoài. Cho nên ai cũng cần phải học chữ tri túc. Chỉ có trong bầu khí an vi mới học được chữ ấy. Biết tri túc là nền, còn hiện thực thì tuỳ thời thay đổi. Nay ngồi xe hơi đi thăm bạn thì sướng hơn người nhà quê phải lội bộ đến thăm nhau. Nhưng người nhà quê lại được bù bằng tha hồ truyện trò thỏa thích khi về lội bộ là tập thể thao khỏi lo nạn sắp hàng cả giờ để mua xăng. Hoặc sáng còn đang buồn ngủ đã phải dạy đi kịep đến sở… Mỗi cái hay là có cái dở: đời là tương đối. Tuy nhiên trong những cái tương đối có cái tạo nhiều hạnh phúc có cái tạo được ít. Cái thời vàng của cộng sản tạo được quá ít. Cái tương đối gây hạnh phúc nhiều hơn hét là xã hội sống theo triết lý an vi. Chưa một nền triết nào lại sản ra được quan cảnh ghi trên mặt trống đồng trình bày những con người hân hoan hạnh phúc, đang ca múa như chimtrời cả nước hạnh phúc tràn sang cả các con vật cùng múa theo. Nếu ai hỏi bạn rằng có còn đâu giữ được hình ảnh của hoàng kim thời đại chăng thì câu thưa khỏi cần ngần ngại: đó là trống đồng Ngọc Lữ.  

Còn một điểm nữa thuộc vật chất, cũng gọi được là tri túc trên phương diện toàn cầu đó là sự cần cản đà gia tăng luỹ tiến của loài người trên mặt đất. Số người hiện nay xấp xỉ 5 tỉ. Đó có thể gọi là con số “tối đa tốt nhất” = maximum optimal. Cả về mặt nguyên liệu và nhất là nhiên liêu để có thể duy trì hoặc đạt tới thời hoàng kim: thêm vài ba tỉ người nữa thì môi sinh thuận lợi cho sự sống cả tinh thần vật chất sẽ lâm nguy. Theo đà tăng hiện nay chỉ cần một thế hệ (30 năm) thì dân số đã gấp đôi như Mễ, Nam Dương, Việt Nam, ấy là tỉ số sinh chưa hẳn cao nhất (33 so với Au Mỹ chỉ có 15) thế mà năm 1945 Việt Nam 25 triệu nay (1980) đã 50 triệu. Năm 2000 mấp mí một trăm triệu. Một nước Việt nhỏ hơn California phải nuôi một trăm triệu người thì làm sao duy trì được thời vàng son trong Nam xưa. Lúc ấy con người phải tiêu trọn thời giờ vào việc kiếm miếng ăn: luân lý sẽ xuống đến độ đen tối đầy tranh dành trộm đạo. Đừng đặt quá nhiều hy vọng vào các đất đai chưa khai phá: vì các đất tốt đã tận dụng, chỉ còn lại những miền hoặc khô cằn, hay ứ đọng hoặc đầy sỏi đá. Cũng đừng hy vọng quá nhiều vào kỹ thuật vì kỹ thuật lệ thuộc vào nhiên liệu. Nhiên liệu có cỗ giữ được mức sản xuất như nay cũng chỉ trong vòng dăm chục năm nữa thôi, hiện đã phải tận lực tìm thêm các túi dầu mới để thay cho các túi đã cạn, hoặc khởi đầu cạn. Cho nên xét cả về mặt nguyên liệu lẫn nhiên liệu thì dân số hoàn cầu hiện nay đã là mức tối đa tốt nhất cho hoàng kim thời đại.  

Tóm lại, là có thời vàng son không phải nói về xa xưa hay trong mộng tưởng nhưng trong thực tế theo tầm quan sát của ta thì đã thấy có hai nơi tương đối đã hiện thực được: một là xã hội miền Nam xưa (cho tới quãng năm 54 bỏ những tai họa chiến tranh để chỉ nói về thể chế và triết lý), hai là các xã hội tự do của Au Mỹ lối từ 1945 tới nay: kể từ lúc có nghiệp đoàn, có thuế luỹ tiến, có thể chế an sinh… tất cả nhằm chế tài những quá đáng của tư bản, và đưa sự tái phân phối tài sản quốc gia cho bớt chênh lệch, cũng như gắn với công bình xã hội hơn. Thời vàng của miền Nam Việt Nam là do công của triết lý an vi. Thời vàng của Au Mỹ là do kinh tế phồn thịnh. Lý tưởng của ngày mai là cộng triết lý an vi vào với kinh tế phồn thịnh: sao cho triết khỏi đói rách và để cho kỹ thuật có linh hồn. Bằng tên này hay tên khác xe lửa vàng của nhân loại phải chạy trên con đường song trùng đó vì cả hai đã chứng tỏ hiệu nghiệm, đã tạo được nên hạnh phúc tương đối cao nhất cho con người.  

Nếu muốn mưu cầu hạnh phúc thực sự cho con người, nếu muốn tránh rơi vào nẻo rồ dại n hư cộng sản thì phải lăn trên hai đường đó. Nếu Kinh Dịch nói “tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số” thì chúng ta sẽ nói “tham an vi, lưỡng kỹ thuật nhi ỷ số” là hai yếu tố cần đặt làm nền móng phải là kỹ thuật và tinh thần. Kỹ thuật hai thì tinh thần ba. Chữ tâm kia (triết lý an vi) phải bằng ba chữ tài (kỹ thuật). Đó chính là lấy tâm trùm cảnh: một hướng đi vững chắc tiến vào thời Hoàng Kim.

XIX. KẾT TOÁN CHỚP NHOÁNG VỀ THUYẾT VIỆT NHO

Thuyết Việt nho ra đời năm 1970 đến nay (82) đã được 12 năm. Thành quả thâu được là nó không còn là giả thuyết nữa mà đã trở nên chủ thuyết rồi. Vì một đàng đã tự thu gọn lại bằng bỏ phần nguồn gốc phát khởi: tức Việt tự đâu đến, từ Bắc xuống Nam hay từ Nam lên Bắc. Vấn đề này xét ra không cần cho chủ thuyết Việt nho nên xin dành lại cho cổ sử để dồn chú ý vào vấn đề chính là Việt sinh ra Nho, nói khác nền văn hóa nông nghiệp ở miền Đông Á và Đông Nam Á là của Việt tộc. Chính Việt tộc đã có mặt khắp cõi nước Tàu trước khi người Tàu xuất hiện như là một dân tộc. Do đó tất cả những gì cao cả nhất trong Nho đều là sản phẩm của Việt. Điều này đã được chứng minh trong quyển Việt Lý Tố Nguyên và 9 quyển kế tiếp nhưng tài liệu phần lớn là suy luận từ huyền thoại và kinh điển.

Đến giai đoạn sau tính tự quyển Kinh Hùng trở đi thì thêm tài liệu khảo cổ và cổ nghệ thuật, phương pháp thì triệt để khai thác cơ cấu nên xoáy vào bộ số 2, 3, 5 (vài ba tham lưỡng) nhờ đó có thể phân biệt được rất rõ cái nào là của Tàu cái nào là của Việt như độc giả có thể đọc được trong Kinh Hùng và nhất là quyển Sứ Điệp Trống Đồng nó cung ứng các ấn tín có kèm theo bằng chứng cụ thể khách quan của khảo cổ, nhờ vậy vấn đề nền gốc văn hóa nước nhà thoát ra khỏi cảnh ám u trong đêm trường của thời dĩ vãng, nên về thời đại cũng mở rộng ra hơn: trước kia trong quyển Việt Lý chủ trương Việt nho chỉ dám bao quãng thời gian từ nhà Thương trở lên. Đến nay dám gồm cả nhà Thương, cả sông Hoài và thời Chiến Quốc nữa.

Vì có đầy đủ chứng nhân công nhận rằng nghệ thuật nhà Thương với cổ Việt là một, hoặc nghệ thuật Chiến Quốc (cũng là nghệ thuật sông Hoài) không khác Đông Sơn, hoặc văn hóa nước Sở giống như Đông Sơn. Vì nhân chứng vừa nhiều vừa có uy tín nên thuyết Việt nho dám duỗi chân xuống tận thời Chiến Quốc mà vẫn còn là chủ thuyết như thường. Vấn đề còn lại rất mênh mông bát ngát đó là thu dọn chiến trường để lên sổ thành tích. Việc thu dọn chiến trường đó có thể quy hướng vào hai điển chương rực rỡ là văn thao thiết và trống đồng. Đó là hai điển chương kết tinh tất cả nền văn hóa Việt nho.

Văn Thao Thiết ở mạn Bắc chính là bản ghi lại tiến trình của văn minh Tàu được Việt hóa (xem lại chương Từ Hùng gấu tới Hùng chim trong tập Hùng Việt Sử Ca): văn minh Tàu du mục biểu thị bằng bạch hổ được biến ra hổ phù, rồi đầu bò, rồi chim cuối cùng là rồng hay tiên long chính là dòng máu của hồn Đại Việt đó.

Trống Đồng ở miền Nam kết tinh hồn Đại Việt là thái hòa: trời đất người kết tinh một cách quá rực rỡ huy hoàng, xin xem kỹ chương III và V trong Sứ Điệp.

Về mặt tinh thần nên chú ý tới cơ cấu ngũ hành: ngũ hành đã được áp dụng cách ma thuật và xếp loại cách tràn ngập nhưng được dùng như cơ cấu thì chưa, người Tàu cũng như Việt kể cả học giả Au Mỹ nhất là ông Granet và Needham nói rất dài về ngũ hành cũng chưa nhận thấy. Xin chú ý điểm nọ (xem Sứ Điệp chương VII, VIII) sẽ giúp cho nắm được một thứ khí cụ sắc bén để tìm về nguồn Việt ra sao.

Chính bộ cơ cấu này giúp thiết lập nên bộ triết lý an vi mà phương diện nguồn gốc gọi là Việt nho, nhưng không là thứ Nho thường: hủ nho hay Hán nho nhưng là Việt nho không những hợp cảm quan thời đại mà còn đón trước bước tiến của con người.

Kim Định
Nguồn: http://anviettoancau.net



Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang : Văn Lang Vũ Bộ
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt