Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net



Ý nghĩa ngày lễ Hai Bà Trưng mồng 6 tháng 2 Âm lịch

Nguyễn Xuân Quang  

 








    Hàng năm cứ tới ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch người Việt, nhất là phái nữ, con cháu hai Bà Trưng, tổ chức lễ tưởng nhớ hai Bà. Chắc chắn là ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch này không phải là ngày hai Bà Trưng trầm mình xuống sông Hát. Ngày này cũng không phải là ngày sinh nhật của hai Bà và cũng không phải là ngày hai Bà lên ngôi vua. Vậy thì tại sao, tổ tiên chúng ta lại chọn ngày này để làm lễ tưởng nhớ hai Bà? Tại sao trong một năm có 360 ngày (tính theo âm lịch) tổ tiên ta lại chọn ngày này? Hiển nhiên ngày này phải liên hệ tới hai Bà. Vậy trước hết ta hãy tìm hiểu sơ qua một chút về dòng dõi hai Bà. Theo lịch sử, hai Bà Trưng là con cháu, dòng dõi vua Hùng Vương. Hùng Vương đóng đô ở Phong châu. Lê Ngô Các, Phạm Đình Toái, đã ghi lại rành rành trong Đại Nam quốc sử diễn ca:         

 

                        Bà Trưng quê ở châu Phong,

                        Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.

                        Chị em nặng một lời nguyền,

                        Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân...

 

 

Như thế hai Bà Trưng quê ở châu Phong thuộc dòng dõi Hùng Vương. Hai  Bà khi lên ngôi đóng đô ở đất Mê Linh. Về ngôn ngữ học Mê-Linh là một từ phát gốc từ một từ cổ Việt. Theo tác giả Trần Quốc Vượng, ông dựa vào các nghiên cứu tổng hợp các tài liệu lịch sử, ngôn ngữ và truyền thuyết dân gian, Mê (Ma, Minh, Mi) Linh là Mling. Mling, mlang (cặp tên có tính chất lấp láy) theo tiếng của các dân tộc Tây nguyên có nghĩa là một loài chim... Mọi tài liệu đều nói lên một cách thống nhất huyện đó, bộ lạc đó, khi xưa mang tên một loài chim Mling với một thị tộc (bào tộc) gốc thờ chim làm vật tổ. Đó là bộ lạc gốc thời Hùng Vương dựng nước (Hùng Vương Dựng Nước, tập I, tr.154). Đúng như giáo sư Trần Quốc Vượng nói, trong dân ca Ê-Đê có bài hát nhắc đến tên loài chim này:

 

            Anh đến từ nơi xa,                 

            Anh mang theo chim mơ-linh từ nhà,

            Chim mơ-lang từ buôn.

Anh nghĩ rằng em là con gái chưa tơ vương...

 

            (Vũ Ngọc Phan, Tục Ngữ, Cao Dao, Dân Ca, Việt Nam).

 

Nhưng giáo sư Trần Quốc Vượng và các tác giả viết về ca dao này không biết rõ chim mơ-linh, mơ-lang là chim gì, chỉ giải thích một cách tổng quát là một loài chim to, lông đen, phía dưới cánh trắng hay lông nâu. Vậy chúng ta thử nhận diện xem thứ chim mling mlang này là chim gì? Tên chim có trong ngôn ngữ  các tộc Tây nguyên mà ta đã biết rằng một số tộc Tây nguyên có liên hệ mật thiết với một số tộc ở Mã Lai, Nam Dương và ngôn ngữ Việt Nam liên hệ với ngôn ngữ Mã Lai, Nam Dương, như vậy ta hãy tìm tung tích chim mling, mlang này trong ngôn ngữ Mã Lai xem sao? Trong từ điển Malay-English Dictionary của R.J.  Wilkinson có từ lang: a generic name for hauks, kites and eagles (một tên chủng loại chỉ diều hâu và ó, ưng). Như thế chim lang, chim linh chỉ chung loài mãnh cầm, loài chim mang hùng tính biểu tượng cho đực, dương, phái nam, mặt trời. Điểm này ăn khớp trăm phần trăm với hai từ langlinh trong Việt ngữ. Việt ngữ langchàng, con trai. Chàng còn có nghĩa là chiếc chàng, chiếc đục (chisel). Chàng, đục là vật nhọn biểu tượng cho bộ phận sinh dục phái nam, cho đực, dương. Linh ruột thịt với Ấn ngữ linga (bộ phận sinh dục nam). Linh biến âm với đinh theo kiểu linh đinh. Đinh là con trai, thanh niên như tráng đinh, lễ  thành đinh. Rõ ràng chim mlang, mling là chim lang, chim chàng, loài chim mang biểu tượng cho đực, dương, hùng tính, mặt trời. Ta thấy rất rõ  tổ Hùng Vương  gọi là quan lang (tiếng nôm Tầy quan có nghĩa là chàng), theo qui luật từ đôi có nghĩa như nhau (Tiếng Việt Huyền Diệu), ta có quan = lang = chàng. Như thế chim lang là chim chàng (trai, đục) chim biểu của các lang Hùng Vương. Ngoài ra từ hùng có một nghĩa chỉ chim đực (thư hùng). Lang Hùng có chim biểu là chim lang, chim hùng. Chim lang, chim hùng theo nghĩa tổng quát như đã thấy ở trên là loài mãnh cầm biểu tượng cho nọc, đực, dương, mặt trời. Theo ngày nay đó là loài diều hầu, ưng ó. Nhiều quốc gia hiện nay dùng loài mãnh cầm này làm chim biểu tượng cho quốc gia, ví dụ Hoa Kỳ lấy loài chim bald eagle làm quốc biểu. Tuy nhiên đối với Đại tộc Việt dòng dõi thần mặt trời Viêm Đế có vua tổ Hùng Vương, tức Vua Mặt Trời Hừng Rạng (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt) thì chim Lang, chim Hùng (thuộc loài mãnh cầm) là chim tổ  tất phải là chim Việt. Việt có nghĩa là vọt (que, nọc), vớt (dao dài), vác (mác), Việt biến âm với viết (que nhọn dùng để vạch, vẽ, viết trên đất sét, đá, vỏ cây, giấy), Hán Việt Việt có một nghĩa là rìu, búa nhọn. Tổng quát Việt là vật nhọn biểu tượng cho đực, dương, măt trời. Vậy chim lang, chim hùng là chim Việt, chim rìu.  Chim có mỏ to như chiếc rìu là chim mỏ cắt (bồ các, hornbill).  Vì vậy trong Việt ngữ chim cắt còn gọi là chim rìu. Ta thấy rất rõ chim lang (chim hùng, chim Việt) là chim chàng (có một nghĩa là chisel) là chim đục, chim rìu, chim Việt, chim cắt (bồ các).  Chim cắt, chim rìu là chim Việt, chim tổ của Đại tộc Việt là chim biểu của đực, hùng, dương, mặt trời. Điểm này ăn khớp trăm phần trăm với Mã Lai ngữ langling: the Southern pied hornbill (chim cắt có lông sặc sỡ, nhiều màu ở miền Nam).

Tóm lại chim Mê Linh, mling, mlang, chim lang, chim chàng, tổng quát là chim mang hùng tính biểu tượng cho ngành, tộc dương, lửa, mặt trời. Đối với Đại tộc Việt là chim Lang, chim Chàng, chim Hùng, Chim Rìu, Chim Việt, chim Cắt, chim tổ của người Việt mặt trời rạng ngời Hừng Việt, là chim biểu của vua tổ mặt trời hừng rạng Hùng Vương.

Hai Bà Trưng thuộc dòng ngoại Lửa Âu Cơ, nhánh Hùng Lửa, Hùng Kì  thuộc dòng dõi Hùng Vương vì thế mới đóng đô ở Mê Linh. Do đó ngày lễ mồng 6 tháng 2 âm lịch bắt buộc phải liên hệ với Hùng Vương. Bắt buộc. Bắt buộc. Và bắt buộc.

Trong Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt và nhiều lần khác, tôi đã chứng minh những ngày giỗ Tết, vía, kỷ niệm trong văn hóa Việt Nam như ngày lễ Lạc Long Quân, Hùng Vương, Thánh Dóng vân vân... đều chọn ngày tháng theo Dịch lý. Vì vậy ngày lễ hai Bà Trưng bắt buộc cũng phải chọn theo Dịch lý.  Vì hai Bà là dòng dõi Hùng Vương nên ngày này tính theo Dịch phải dựa vào bản thể của Hùng Vương.  Hùng Vương đẻ ra từ một cái bọc trứng mang hình ảnh bọc Trứng Vũ Trụ nên có bản thể là bọc, bầu vũ trụ, bầu trời, khí gió ứng với Đoài. Ở cõi tạo hóa, Đoài là bọc khí gió và ở cõi thế gian là bọc nước ấm, ao đầm (Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc). Như vậy ngày 6 tháng 2 phải liên hệ với bản thể Đoài của Hùng Vương.

Theo Dịch, những giỗ ,Tết, vía, kỷ niệm thường có  ngày  tháng là một kết hợp âm (số chẵn) dương (số lẻ) ví dụ ngày giỗ tổ Hùng Vương là ngày 10 (âm) tháng 3 (dương). Nhưng ở đây ngày 6 tháng 2, cả hai số đều là số chẵn tức số âm. Tại sao? Xin thưa, vì hai Bà Trưng là phái nữ nên ngày lễ hai Bà đều là hai số âm. Hai số âm cũng cho biết hai Bà thuộc dòng ngoại Âu Cơ của Hùng Vương. Thật vậy, ngày 6 theo Dịch số 6 là số Tốn, OII (gió âm). Âu Cơ, theo dòng Lửa, có một dòng máu Tốn nên có một khuôn mặt là chim vì thế  bà mới đẻ ra một bọc trứng chim nở ra trăm Lang Hùng. Tốn OII là khuôn mặt âm ngược của Đoài, IIO, theo dương Dịch, Tốn hôn phối với Đoài. Tháng 2 với số 2 là số Khảm. Khảm 2 là một số chẵn, số âm nằm ngay phía bên tay trái của số 3 (Đoài) nên số 2 là khuôn mặt âm của số 3 (Đoài) (Đoài 3 là Đoài vũ trụ có một khuôn mặt tạo hóa là bầu khí gió vũ trụ). Kiểm chứng lại, ta cũng thấy rất rõ số 2 mang khuôn mặt Đoài qua ma phương Đoài 3/18:

 

                                                       

 Ma phương 3/18 (lưu ý trong ma phương này số 1 còn tương đương với 10 và số 2 tương đương với 11).

 

Xin nhắc qua một chút về ma phương (magic square). Ma phương  là gì? Nói nôm na giản dị là hình vuông thần kì có 9 ô, trong mỗi ô có một con số. Đọc theo tất cả các chiều, 3 con số  cộng lại đều bằng nhau. Ma phương 3/18  có con số 3 là con số trục nằm ở ô giữa hình vuông và  cộng các con số  theo các chiều lại bằng 18 (lưu ý trong ma phương này số 1 còn tương đương với 10 và số 2 tương đương với 11). Như đã biết trăm Lang Hùng đẻ ra từ bọc Trứng Vũ Trụ nên có mạng Đoài vũ trụ. Số 3 là số Đoài vũ trụ  ứng với ma phương 3/18. Ma phương này cho thấy rõ mồn một là số 2 = 11. Số 11 là số  Đoài thế gian (theo Dịch, số 3 là số Đoài tầng 1 tức Đoài vũ trụ và số  11 = 3+8 là số Đoài tầng 2 tức Đoài thế gian, nên nhớ là cộng 8 vì các tầng cách nhau 8 quẻ). Đoài thế gian số 11 là khuôn mặt âm  tức số 2 của Đoài vũ trụ số 3. Ngày 6 (Tốn) hôn phối với Đoài và tháng 2 (Khảm) là khuôn mặt âm của Đoài vũ trụ  3 và tương đương với Đoài thế gian 11Rõ như hai năm là mười là ngày lễ hai Bà liên hệ với bản thể Đoài của Hùng Vương.       

 

Một lần nữa cho thấy muốn hiểu thông suốt văn hóa Việt ta phải dựa vào Dịch lý để tìm  hiểu. Không nhìn dưới lăng kính Dịch học thì không bao giờ hiểu thấu triệt được văn hóa Việt.

 

Tóm lại hai Bà Trưng dòng dõi Hùng Vương nên ngày  lễ hai Bà mồng 6 tháng 2 âm lịch là ngày tháng liên hệ với hai khuôn mặt tạo hóa (hay truyền thuyết) và  thế gian (hay lịch sử) của bản thể  Đoài Trứng Vũ Trụ của Tổ Hùng Vương.

                                                                                            

 

 

Tài Liệu Tham Khảo

 

.Trần Quốc Vượng, Hùng Vương Dựng Nước, NXB KHXH, Hà Nội, 1972,  tập I, tr.154).

.Lê Ngô Các, Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca.       

.Vũ Ngọc Phan, Tục Ngữ, Cao Dao, Dân Ca, Việt Nam.

.R.J.  Wilkinson Malay-English Dictionary.

.Hoàng Triều Ân, Từ Điển Chữ Nôm Tầy, NXB KHXH, Hà Nội 2003.

.Nguyễn Xuân Quang:

-Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt (Y Học Thường Thức, 1999).

-Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt (Y Học Thường Thức, 2002).

-Tiếng Việt Huyền Diệu (Hừng Việt, 2004).

-Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc (Hừng Việt, 2006).


 Nguồn: http://www.anviettoancau.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Ý Nghĩa Ngày Lễ Hai Bà Trưng
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc
và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ.



Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt