Nguyễn Bỉnh Khiêm



Nguyễn Bỉnh Khiêm (chữ Hán: 阮秉謙; 14911585), tên huý là Nguyễn Văn Đạt[1], tên tự  Hanh Phủ (亨 甫), hiệu là Bạch Vân cư sĩ[2], được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535)[3] và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công[4] mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Đạo Cao Đài sau này đã phong thánh cho ông và suy tôn ông là Thanh Sơn Đạo sĩ hay Thanh Sơn chân nhân. Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình.

Nguyễn Bỉnh Khiêm được xem là người xứng đáng kế thừa và phát triển ngôn ngữ thi ca dân tộc kể từ sau thời Nguyễn Trãi, góp phần giúp nó đạt đến mức độ hoàn thiện cao dưới thời Nguyễn Du. Hai tập thơ của ông là Bạch Vân am thi tập (chữ Hán) và Bạch Vân quốc ngữ thi tập (chữ Nôm) được coi là thành tựu lớn của thơ văn trung đại Việt Nam, mở đầu cho một dòng văn học chạm chân vào hiện thực, đã mô tả xã hội dưới góc nhìn đời tư và đời thường, là một cống hiến lớn của văn học thời Mạc đối với tiến trình phát triển và hoàn thiện của văn học dân tộc.

Là một người xuất thân từ tầng lớp danh gia trí thức quan lại nhưng cả cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa bao giờ coi việc làm quan là lý tưởng sự nghiệp cũng như ông luôn đề cao tư tưởng thân dân trong sách lược trị nước. Ông cũng được sử sách và người đời thừa nhận rộng rãi với tư cách là một nhà dự báo chiến lược kỳ tài, với tầm nhìn địa chính trị đi trước thời đại nhiều thế kỷ. Những lời cố vấn nổi tiếng của ông dành cho các tập đoàn quyền lực phong kiến Mạc, -Trịnh, Nguyễn (nói theo lời của danh sĩ Nguyễn Thiếp  phiến ngữ toàn tam tính) đã có ảnh hưởng to lớn, mang tính bước ngoặt đối với tiến trình của lịch sử dân tộc và từ đó tác động lớn tới quan hệ địa chính trị của cả khu vực Đông Nam Á trở về sau. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một tầm nhìn chiến lược thấu suốt về chủ quyền của đất nước trên biển Đông (còn được gọi là biển Hoa Nam hay biển Nam Trung Hoa) ngay từ thế kỷ 16. Ông cũng có thể là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam – với tư cách là quốc hiệu của dân tộc – một cách có ý thức nhất thông qua di sản thơ văn của ông còn lưu lại đến ngày nay.

Ngày 7 tháng 1 năm 2016 (tức ngày 28 tháng 1 năm Ất Mùi), tại Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, UBND Thành phố Hải Phòng đã trọng thể kỷ niệm 430 năm ngày mất của ông và đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệtdo Chính phủ trao tặng. Đây là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của Hải Phòng sau danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà được xếp hạng vào năm 2013.

 
Nguyễn Bỉnh Khiêm
 
Tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Văn miếu Trấn Biên(Đồng Nai)
Sinh 1491
làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương(nay thuộc xã Lý Học, huyệnVĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng)
Mất 1585 (95 tuổi)
làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương
Bút danh Trình Quốc Công, Trình Tuyền tiên sinh, Bạch Vân cư sĩ, Tuyết Giang phu tử
Công việc Chính khách, nhà thơ, nhà sư phạm, nhà dự báo chiến lược, nhà hoạt động từ thiện
Quốc gia Việt Nam
Dân tộc Kinh
Quốc tịch Việt Nam
Giai đoạn sáng tác Văn học thời Mạc (Văn học trung đại Việt Nam)
Tác phẩm nổi bật Bạch Vân am thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Sấm Trạng Trình
Vợ/chồng 3 vợ
Con cái 12 con (7 con trai)
Thân nhân Nguyễn Văn Định (cha), Nhữ Thị Thục (mẹ), Nhữ Văn Lan(ông ngoại)

Tiên tri và sấm ký

Khi theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, ông được truyền cho quyển Thái Ất thần kinh từ đó ông tinh thông về lý học, tướng số... Sau này, dù Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn làm quan nhưng vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) vẫn phong cho ông tước Trình Tuyền hầu vào năm Giáp Thìn (1544), ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn ngành lý học, giống như Trình Y Xuyên, Trình Minh Đạo bên Trung Hoa. Sau đó được thăng chức Thượng thư bộ Lại tước hiệu Trình Quốc công. Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được biến cố xảy ra đến 500 năm sau, được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam.

Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn gọi là "Sấm Trạng Trình" là những lời tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm về các biến cố chính của dân tộc Việt trong khoảng 500 năm (từ năm 1509 đến khoảng năm 2019). Đây là những dự báo thiên tài, hợp lý, tùy thời, tự cường, hướng thiện và lạc quan theo lẽ tự nhiên "thuận thời thì an nhàn, trái thời thì vất vả". "Trạng Trình đã nắm được huyền cơ của tạo hóa" (lời Nguyễn Thiếp – danh sĩ thời Lê mạt). "An Nam lý học hữu Trình Tuyền" (lời Chu Xán- sứ giả của triều Thanh). Sấm ký, giai thoại và giải đoán chứa đựng nhiều thú vị về một trí tuệ bậc Thầy kỳ tài muôn thuở, nặng lòng yêu nước thương dân và sâu sắc hiếm thấy.

Sấm ký ở bản A có 262 câu, gồm 14 câu "cảm đề" và 248 câu "sấm ký". Đây là bản trích ở bộ "Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển" (tập 2) của Trịnh Văn Thanh – Sài Gòn – 1966. Ngoài bản A còn có ít nhất ba dị bản về sấm Trạng Trình. Tài liệu liên quan hiện có 20 văn bản, trong đó 7 bản là tiếng Hán Nôm lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội (trước đây là Viện Viễn Đông Bác Cổ) và Thư viện Quốc gia Hà Nội và 13 tựa sách quốc ngữ về sấm Trạng Trình xuất bản từ năm 1948 đến nay. Bản tiếng quốc ngữ phát hiện sớm nhất có lẽ là Bạch Vân Am thi văn tập in trong Quốc Học Tùng Thư năm 1930 mà hiện nay vẫn chưa tìm được.

Sấm ký gắn với những giai thoại và sự thật lịch sử. Nhiều nội dung trong sấm ký hiện đã được giải mã, chứng minh tính đúng đắn của những quy luật- dự đoán học trong Kinh Dịch và Thái Ất thần kinh". Đến nay đã có 36 giai thoại và sự thật lịch sử về Sấm Trạng Trình đã được giải mã.

Trước Nguyễn Bỉnh Khiêm, vua Phật Trần Nhân Tông (1258- 1308) là người rất coi trọng phép biến Dịch. Người đã viết trong "Cư trần lạc đạo":"Kinh Dịch xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu. Sách Nhàn đọc giấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim". Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với "Thái Ất thần kinh","Sấm ký","Bạch Vân Am thi văn tập", "huyền thoại và di tích lịch sử" đã lưu lại cho dân tộc Việt Nam và nhân loại một tài sản văn hoá vô giá.

Tương truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê. Khi Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể Trịnh Kiểm giết, ông khuyên nên xin về phía nam với câu "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (có tài liệu viết là "khả dĩ dung thân") nghĩa là "Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài". Nguyễn Hoàng nghe theo và lập được nghiệp lớn, truyền cho con cháu từ đất Thuận Hoá. Lúc nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi ông, ông khuyên vua tôi nhà Mạc "Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể" (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa. Đối với Lê - Trịnh, khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ông. Ông nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểmnghe theo, sai người tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong".

Theo một số nhà sưu tầm và nghiên cứu, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được Trạng Trình dự báo qua câu thơ: "Đầu Thu gà gáy xôn xao/ Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long". ở câu 1, "đầu Thu" là tháng 7 Âm lịch, "gà" nghĩa là năm Ất Dậu, thời điểm sự kiện diễn ra, "gáy xôn xao" nghĩa là có tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người. Ở câu 2, "Trăng xưa" nghĩa là "cổ nguyệt" theo Hán tự, ghép lại thành từ "hồ", là họ của Hồ Chí Minh. "Sáng tỏ soi vào Thăng Long" là sự kiện Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình của thủ đô Thăng Long – Hà Nội[13].

Ảnh huởng và di sản

Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư cách một nhà dự báo chiến lược

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà chính trị có tư tưởng thân dân rất rõ ràng. Khi phê phán tầng lớp cai trị trong xã hội phong kiến, ông luôn đứng trên lập trường của những con người áo vải bình dân, mặc dù ông không xuất thân từ tầng lớp của họ.

Ông được sử sách và người đời thừa nhận rộng rãi với tư cách là một nhà dự báo chiến lược kỳ tài, với tầm nhìn địa chính trị đi trước thời đại nhiều thế kỷ. Những lời cố vấn nổi tiếng của ông dành cho các dòng họ Mạc, Trịnh, Nguyễn (nói theo lời của danh sĩ Nguyễn Thiếp  phiến ngữ toàn tam tính) đã có ảnh hưởng to lớn, mang tính bước ngoặt đối với cỗ xe tiến trình của lịch sử Việt Nam (trong đó bao gồm quan hệ Việt Nam – Trung Quốc) và từ đó tác động lớn tới quan hệ địa chính trị của cả khu vực Đông Nam Á từ thời kỳ trung đại (thế kỷ 16) trở về sau.

Bài thơ “Cự ngao đới sơn”[14] nằm trong tập thơ chữ Hán Bạch Vân Am Thi Tập được Nguyễn Bỉnh Khiêm viết cách đây gần 500 năm, được GS. Đinh Gia Khánh dịch thơ đã lâu, song gần đây, bài thơ được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Đặc biệt từ khi chính quyền Trung Quốc bộc lộ rõ tham vọng xâm lấn, thuộc địa hoá biển Đông, chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, vốn là một thực tế lịch sử được sử liệu các triều đại Trung Quốc, Việt Nam và nguồn tư liệu phong phú về hàng hải của nhiều quốc gia phương Tây thừa nhận.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thuộc Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt Nam trong bài viết “Bài thơ Cự Ngao Đới Sơn - một dự báo chiến lược thiên tài của Nguyễn Bỉnh Khiêm” (2013) đã có những phân tích về tầm nhìn đi trước hằng thế kỷ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của một quốc gia (cụ thể ở đây là phải chắc chắn xác lập được chủ quyền của con dân nước Việt đối với biển Đông hay còn gọi là biển Nam Trung Hoa) ở vào giai đoạn trung đại khi mà không mấy ai thực sự quân tâm đến nó, ngay cả với những nhà hoạch định chiến lược vốn nổi tiếng nhìn xa trông rộng của các triều đại phong kiến Trung Hoa trước đây. Tác giả bài viết có những phân tích: “Bài thơ có tuổi đã khoảng 500 năm mà bây giờ càng đọc càng thấy rất kim nhật kim thì, rất thời sự. Ta những tưởng như cụ Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay. Bài thơ nguyên là để nói cái chí của cụ: Chí những phù nguy xin gắng sức (Ngã kim dục triển phù nguy lực)... Câu thơ cuối bài của cụ: Ta nay cũng muốn đem sức phò nguy chính là nói về chúng ta trong những nhiệm vụ làm chủ biển Đông hôm nay vậy.”

Một bài phân tích đáng chú ý khác là bài viết “Tầm nhìn chiến lược về biển đảo của Trạng Trình từ 500 năm trước: Nhân đọc bài thơ Cự ngao đới sơn trong Bạch Vân am thi tập của danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm” (2014) của nhà thơ Nguyễn Đình Minh với những nhận định như sau: “Tác giả đã chỉ ra một trong những điều tất yếu của sự bền vững muôn đời của giang sơn Đại Việt chính là nắm giữ chủ quyền biển Đông. Trước đây khi đề cập đến lãnh thổ, chúng ta thường nói nhiều về sông núi, đất đai; chúng ta có nói về biển nhưng không nhiều, biển không là trọng điểm nhấn mạnh. Nhưng từ về 500 năm trước Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo tầm quan trọng của biển đảo dẫn đến sự tồn vong thịnh trị của cả quốc gia; điều ấy cho thấy tầm chiến lược về bảo vệ của ông rất rộng lớn và toàn diện.” Như tác giả bài viết đã kết luận: “Một tầm nhìn chiến lược về biển Đông”.

Chúng ta biết bài thơ “Cự ngao đới sơn” được viết ở thế kỷ 16, vào thời đó, chủ quyền của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không bị chanh chấp, các thế lực phong kiến Trung Quốc chỉ lăm le xâm lược phần lãnh thổ đất liền mà thôi. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở rất xa đất liền là nơi lánh nạn, trú bão của các đoàn thương thuyền, ngư thuyền mạo hiểm dám ra khơi xa, trong điều kiện phương tiện thuyền bè đương thời, vai trò của kinh tế biển - đảo khi đó chưa được khai thác như bây giờ. Như nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích, bài thơ nếu không phải sấm ký thì cũng là lời nhắn nhủ tận đáy lòng của tác giả, với tính dự báo chiến lược đi trước thời đại hằng thế kỷ, dụng ý dành cho hậu thế nhiều đời sau chứ không phải cho riêng đương thời thế kỷ 16.

Những đóng góp cho Phật giáo

Nếu Nguyễn Trãi có nhiều lần đọc "Pháp Bảo đàn kinh" (tác giả từng viết "Môn Thiền nhất phái Tào Khê thủy", "Vô thụ phi đài ngữ nhược tâm" – "Du Nam Hoa tự"); Nguyễn Du sau này đã viết "Ngã độc Kim Cương thiên biến kinh" (Tụng đọc "Kinh Kim Cương" hơn nghìn vạn lần) ("Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài") thì Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài "Độc Phật kinh hữu cảm". Ông đã chịu ảnh hưởng Phật giáo khá nhiều trong cuộc đời và sáng tác.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà nho có cái nhìn thời thế rất sâu sắc, độc đáo. Ông học được những kiến thức Nho học từ Lương Đắc Bằng (thuộc phái Tượng số học của Tống Nho). Học trò suy tôn ông là Tuyết Giang Phu Tử– một bậc chân nho.

Tuy nhiên ta vẫn gặp thái độ như không mấy lạc quan trong cuộc đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết những câu tương tự Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi: "Nho quan tự tín đa thân ngộ" (Tự biết "cái mũ nhà nho" đã làm cho tấm thân mắc nhiều lầm lỡ – "Ngụ hứng, 3", "Bạch Vân am thi tập"). Nguyễn Bỉnh Khiêm ra làm quan với nhà Mạc nhưng ông cũng thấy được sự đổ nát từ bên trong. Ông đã dâng sớ chống tham nhũng. Về trí sĩ ông lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ như là một tín đồ nhà Phật. (Cha ông là Văn Định cũng đã từng lấy đạo hiệu là Cù Xuyên).

Về quê ông tích cực xây chùa, mở trường học. Thường ngày ông cùng với vài nhà sư, một số bạn bè dạo chơi các danh thắng trong đó có núi Yên Tử – trung tâm thiền học Việt Nam. Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm chơi chùa Phổ Minh (ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Trần), ông đã sánh Pháp giới của nhà Phật với quan niệm Trời của Nho gia: "Pháp giới ưng đồng thiên quảng đại" (Pháp giới sánh ngang tầm rộng lớn của trời) "Du Phổ Minh tự"). Điều này chứng tỏ ông đã nhận thức được tư tưởng "Nhất thế chư pháp vô phi Phật pháp" ở "Kinh Kim Cang" [7, 56]. Đến tiết Trung nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm hy vọng ở lòng yêu thương rộng lớn:"Từ bi ta muốn nhờ công sức, Cứu được bao người chịu khổ oan" ("Trung nguyên tiết xá tội" – Đinh Gia Khánh dịch). Nhà thơ rất cảm hứng khi đọc kinh Phật ("Độc Phật kinh hữu cảm"). Ông tâm đắc triết lý sắc không: "Xuân hoa phong nguyệt không mà sắc" ("Tân quán ngụ hứng, 12"). Đây là tư tưởng "Sắc tức thị không, không tức thị sắc" nổi bật của "Kinh Bát nhã" Tư tưởng Thiền có lẽ đã gây chấn động trong nhận thức của tác giả: "Vị Phật na tri vô hữu tướng, Đáo thiền phương ngộ bổn lai ky (cơ)" (Chưa Phật nào hay vô hữu tướng, Đạt thiền mới biết bổn lai cơ – "Tân quán ngụ hứng, 18"). Tư tưởng này được tìm thấy ở "Kinh Kim Cang". Khi Phật nói với Tu – bồ - đề: "Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu các ông thấy các pháp (tướng) đều hư vọng, không thật (phi tướng) tức là thấy được Như Lai (thật tướng các pháp)" [7, 41]. Tư tưởng này cũng được tiếp nối ở "Pháp Bảo Đàn kinh". Tác giả nói "Bổn lai cơ" trong trường hợp này không ngoài mệnh đề "Bổn lai vô nhất vật" ("Pháp Bảo Đàn kinh"). Khái niệm "cơ" ở cuối câu có thể có nguồn gốc xuất pháp từ Tượng Số học – vốn là sở trường của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chính tư tưởng Thiền và kinh Phật đã làm phong phú và nâng cao bản lĩnh Nho học cùng bản sắc trí tuệ trong thơ và đời Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguồn gốc tên gọi Việt Nam

Cho đến trước thế kỷ 19 (trước khi nhà Nguyễn được thành lập), trong số các tác gia thời trung đại của Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm được xem là người có mối liên hệ mật thiết nhất với hai chữ Việt Nam thông qua các trước tác của ông hoặc có liên quan trực tiếp với ông. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam khẳng định điều này. Dù chưa có những bằng chứng chắc chắn để khẳng định Nguyễn Bỉnh Khiêm có phải là người đầu tiên sử dụng danh xưng Việt Nam với tư cách là quốc hiệu của dân tộc hay không nhưng nhiều nhà nghiên cứu hiện nay cũng đồng quan điểm với ông Nguyễn Phúc Giác Hải khi cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể là người đầu tiên sử dụng danh xưng Việt Nam một cách có ý thức nhất để gọi tên của đất nước.

Trong các tác phẩm liên quan đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, có ít nhất bốn lần danh xưng Việt Nam đã được sử dụng một cách có chủ ý. Điều này cũng góp phần bác bỏ quan điểm cho rằng hai chữ Việt Nam chỉ được Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng một cách ngẫu nhiên hay tùy hứng mà thôi. Trong kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán-Nôm hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu cổ (chép tay) về Nguyễn Bỉnh Khiêm có sử dụng danh xưng Việt Nam như một quốc hiệu tiền định. Ngay trong phần đầu của tập Sấm ký có tựa đề Trình tiên sinh quốc ngữ, tên gọi Việt Nam đã được nhắc đến: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Danh xưng Việt Nam còn được sử dụng một lần nữa trong bài thơ chữ Hán của ông có tựa đề Việt Nam sơn hà hải động thưởng vịnh (Vịnh về non sông đất nước Việt Nam). Ngoài ra còn có hai bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi hai người bạn thân đồng thời là hai Trạng nguyên của triều Mạc, cho thấy tên gọi Việt Nam được dùng như một sự chủ ý. Bài thứ nhất gửi Trạng nguyên, Thư Quốc công Nguyễn Thiến, hai câu cuối Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: Tiền trình vĩ đại quân tu ký / Thùy thị phương danh trọng Việt Nam (Tiền đề rộng lớn ông nên ghi nhớ, Ai sẽ là kẻ có tiếng thơm được coi trọng ở Việt Nam?). Bài thứ hai gửi Trạng nguyên, Tô Khê hầu Giáp Hải, hai câu cuối Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng viết: Tuệ tinh cộng ngưỡng quang mang tại / Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam (Cùng ngửa trông ngôi sao sáng trên bầu trời, Trước sau soi ánh sáng rực rỡ vào nước Việt Nam). Các bài thơ trên còn được chép trong tập thơ chữ Hán của ông là Bạch Vân am thi tập.

Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư cách một nhà hoạt động từ thiện

Trong các tác phẩm thơ văn của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường nêu cao chữ nhàn, hiểu theo nghĩa thông thường là nhàn hạ, nhàn tản. Nhưng như nhiều nhà nghiên cứu đã bàn luận, cách hiểu theo nghĩa trên sẽ khiến người ta dễ hiểu nhầm và đi đến chỗ tầm thường hoá tư tưởng và nhân cách của ông. Thực tế dù thường được sử sách và người đời mô tả như một nhà ẩn sĩ cốt cách thanh tao thoát tục nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa bao giờ là một người lánh đời hay bàng quan trước thế sự xung quanh mình. Ngược lại, qua những bài văn bia do ông soạn còn lưu lại người đời không chỉ thấy tính chủ động và thành tâm của Trình Quốc Công trong các hoạt động xã hội như vận động xây cầu, xây quán, xây đình chùa mà còn thấy được uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của ông trong các tầng lớp nhân dân. Trong lịch sử Việt Nam dưới thời phong kiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những danh nhân đi tiên phong trong việc phát động và tham gia tích cực các hoạt động xã hội mang tính từ thiện vì lợi ích chung của cộng đồng, đặc biệt là đối với tầng lớp thường dân. Trong bài văn bia Diên Thọ kiều bi ký (1568), Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những câu như tuyên ngôn cho tư tưởng nhân nghĩa của ông: “...Làm việc thiện không phải vì công tích mà ở tấm lòng. Nay vừa sau cơn loạn lạc thì chẳng những thân người ta bị chìm đắm, mà tâm người ta càng thêm chìm đắm. Các bậc sĩ đệ nên khuyến khích nhau bằng điều thiện, để làm cho mọi người dấy nên lòng thiện mà tạo nên miền đất tốt lành.”

Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy làm quan cho nhà Mạc, và khi cáo quan vẫn giúp nhà Mạc; nhưng với tinh thần nhập thế của một nhà Nho tinh đời, ông không ngần ngại bày kế sách cho cả vua Lê,chúa Trịnh và cả chúa Nguyễn. Nguyễn Bỉnh Khiêm bình thản nhìn sự đời thay đổi, chữ “trung” của ông được cắt nghĩa trong bài Trung Tân quán bi ký như sau: “Quán dựng xong, đề biển là Quán Trung Tân. Có người hỏi: lấy tên quán như vậy ý nghĩa thế nào? Ta trả lời rằng: trung nghĩa là trung chính vậy. Giữ được toàn vẹn tính thiện của mình là trung vậy, không giữ toàn vẹn được tính thiện của mình thì không phải là trung vậy. Tân tức là bến vậy. Biết chỗ dừng đó là đúng bến, không biết chỗ dừng thì là lạc bến vậy. Tên gọi của quán này đại thể là như thế. Như trung với vua, hiếu với cha mẹ, thân ái với anh em, hòa hợp vợ chồng, tín với bạn bè, đó là trung vậy. Đối diện với của cải mà không tham, thấy lợi mà không tranh giành, vui với điều thiện mà bao dung được người, lấy tình thực mà ứng đãi với mọi vật, đó cũng là trung vậy”. Điều này cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn ý thức về “tam cương ngũ thường” của Nho giáo, nhưng ông không phải loại nho sĩ cố chấp, ngu trung. Lòng trung của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện là giữ vẹn điều thiện và lấy tình thực mà ứng đãi.

Người đời đánh giá

Trạng nguyên, Lại bộ thượng thư Giáp Hải đời Mạc đã viết thơ ca ngợi tài lý học của Nguyễn Bỉnh Khiêm và tên tuổi của ông trong giới Nho gia đương thời cũng như công lao của ông đối với triều Mạc, trong đó có những câu sau: "Chu Liêm Khê hậu hữu Y Xuyên, Lý học vu kim hữu chính truyền"; "Danh quán nho khoa lôi chấn địa, Lực phù nhật cốc trụ kình thiên"; "Tứ triều huân nghiệp nhân trung kiệt, Cửu lão quang nghi thế thượng tiên" (dịch nghĩa: "Sau Liêm Khê lại có Y Xuyên, Lý học ngày nay bậc chính truyền"; "Long bảng đứng đầu tên sấm dậy, Chống trời cột vững sức cường kiên"; "Bốn triều nghiệp lớn tay anh kiệt, Chín lão dung nghi dáng khách tiên").

Bài văn tế "Môn sinh tế Tuyết Giang phu tử văn" đọc trước linh cữu Nguyễn Bỉnh Khiêm mùa đông năm 1585 do Tiến sĩ Đinh Thì Trung (Đinh Thời Trung) thay mặt các đồng môn soạn ra để tế viếng người thầy của mình. Trong bài văn tế, học trò Đinh Thời Trung đã coi Tuyết Giang phu tử là bậc "muôn chương đọc khắp, học tài chẳng kém Âu, Tô" (Âu Dương Tu  Tô Đông Pha đời Tống), "văn lực không nhường Lý, Đỗ" (Lý Bạch  Đỗ Phủ đời Đường), "một kinh Thái ất thuộc lòng, đốt lửa soi gan Dương Tử" (hiểu rõ lẽ huyền vi của bộ Thái ất như Dương Hùng đời Hán), "suy trước biết sau, học lối Nghiêu Phu môn hộ" (suy trước biết sau chẳng khác nào Thiệu Ung đời Tống) và "một mình Lý học tinh thông, hai nước anh hùng không đối thủ".

Tiến sĩ đời Lê Trung Hưng, Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân trong bài Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký soạn năm 1743 có những dòng ca ngợi:...Bởi tiên sinh chẳng những chỉ tinh thâm một môn Lý học, biết rõ dĩ vãng cũng như tương lai, mà sự thực thì trăm đời sau cũng chưa dễ ai hơn được vậy. Ôi! Ở trong thiên hạ, các bậc quân vương, các vị hiền giả, hỏi có thiếu chi, nhưng chỉ có lúc sống thì được phú quý vinh hoa, còn sau khi mất thì những cái đó lại cũng mai một đi với thời gian, hỏi còn ai nhắc nữa? Còn như tiên sinh, nói về thế hệ đã truyền đến 7, 8 đời, gần thì sĩ phu dân thứ ngưỡng vọng như bóng sao Đẩu trên trời, dẫu cách ngàn năm cũng còn tưởng như một buổi sớm, xa thì sứ giả Thanh triều tên Chu Xán, nói đến nhân vật Lĩnh Nam cũng đã có câu An Nam Lý học hữu Trình Tuyền tức là công nhận môn Lý học của nước An Nam chỉ có Trình Tuyền là người số một, rồi chép vào sách truyền lại bên Tàu. Như thế, đủ thấy Tiên sinh quả là một người rất mực của nước ta về thời trước vậy.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp sống thời nhà Tây Sơn, người được Quang Trung Nguyễn Huệ tôn kính như bậc thầy, từ xứ Nghệ ra Bắc, về trấn Hải Dương mong tìm lại những dấu tích gắn với cuộc đời của Tuyết Giang phu tử (Bạch Vân cư sĩ), đã ngậm ngùi viết trong bài thơ Quá Trình Tuyền mục tự (Qua chùa cũ của Trình Tuyền)[15] khi viếng cảnh xưa mà không còn am Bạch Vân, quán Trung Tân bên bến Tuyết Giang, trong đó có những dòng thơ ca ngợi Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài áo cơ thâm tạo hóa (mưu cơ thâm kín can dự cả vào công việc của tạo hóa) hay phiến ngữ toàn tam tính (một lời ngắn gọn mà bảo toàn cho cả ba họ).

Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút đã viết: "Lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan đều là tinh anh của non sông đúc lại".

Phan Huy Chú, danh sĩ thời nhà Nguyễn, trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí đã xem Nguyễn Bỉnh Khiêm là "một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở".

Nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười về thăm khu di tích Trạng Trình đã ghi những hàng chữ lưu niệm: "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ, nhà văn, một thầy giáo, một nhà triết học, một nhà dự báo, một danh nhân văn hóa như cây đại thụ bóng trùm cả một thế kỷ XVI. Tấm lòng yêu nước, thương dân tha thiết, nhân cách cao cả cùng với tri thức uyên bác và tài năng sáng tạo đã tạo nên sự nghiệp, uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của ông mà đến nay chúng ta rất đỗi tự hào, trân trọng."

Giáo sư Vũ Khiêu có những đánh giá về việc Nguyễn Bỉnh Khiêm đã quyết định đi theo phò tá triều Mạc mà không phải là nhà Lê: "Vì sao nhà trí thức kiệt xuất này, suốt cuộc đời cho đến lúc gần 50 tuổi vẫn nhất định không chịu đi thi, không chịu cộng tác với nhà Lê, không nhận bất cứ công việc gì của nhà Lê để cuối cùng chọn Mạc Đăng Dung như minh chủ của mình?... Tấm lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm và thái độ của ông do chính ông tự tay viết ra và còn để lại đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc vô căn cứ về ông. Những lời tâm huyết trong thơ của ông khiến người đời sau phải suy nghĩ vì sao ông lại gắn bó với Mạc Đăng Dung và triều Mạc đến thế."

GS Vũ Minh Giang (Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Sự dấn thân muộn màng của một con người tài năng bộc lộ từ khi còn bé chứng tỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm không thuộc người lãnh đạm với thời cuộc, mà trái lại ông là người có lý tưởng cao hơn nhiều so với chí hướng thi đỗ làm quan, vinh thân phì gia thường thấy ở phần lớn nho sỹ. Ông chỉ tham dự vào chính trường khi cảm thấy thời cuộc cần đến mình, khi hoàn cảnh chính trị có thể tạo điều kiện cho ông đem tài trí ra giúp đời, phụng sự đất nước".

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trong bài tham luận "Bước đầu suy nghĩ về văn học Mạc" đã đánh giá về Nguyễn Bỉnh Khiêm: "...Ông là một nhà văn hóa, và riêng ở bình diện văn hóa mà nói thì tầm vóc không thua kém Nguyễn Trãi là mấy, phần nào đấy còn khai phá vào một vài lĩnh vực sâu hơn. Bởi ông chuyên về dịch học. Chính ông xây dựng nền tảng của tư tưởng biện chứng trong Kinh Dịch, góp vào lịch sử tư tưởng Việt Nam một số kiến giải mới mẻ. Là một nhà dịch học nên ông nổi tiếng là bậc tiên tri, nhưng ông cũng lại là một nhà thơ lớn. Ông viết đến một nghìn bài thơ chữ Hán. Đây là con số mà từ thời đại Mạc trở về trước hoàn toàn chưa có..."

Giáo sư Nguyễn Tài Thư trong tác phẩm Nghiên cứu Kinh Dịch (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 2002) đã có những đúc kết về di sản Lý học (Dịch học) của Trạng Trình: "Chiêm nghiệm những nguyên lý của Chu Dịch, đưa nó vào xử thế mà ông nổi tiếng là người nhìn xa trông rộng. Những sự kiện Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên đoán nhà Lê trung hưng, chỉ cho nhà Mạc lên Cao Bằng, khuyên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Hóa Châu đã được lịch sử chứng minh là tài tình, thì ở đây không có gì là lời nói gặp may, mà là những dự đoán có cơ sở thực tế vững vàng, đáng được nhân dân tôn ông làm nhà tiên tri. Quả thật, học Dịch và hiểu Dịch như ông xưa nay không phải là nhiều... Ông đã vượt được các nhà Nho khác chính là ở chỗ ông học Dịch nhưng không bị lệ thuộc hoàn toàn vào Dịch".

Nhà nghiên cứu Trần Khuê trong tham luận hội thảo khoa học “Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc” (1991) đã có những đúc kết tinh tế về hành trạng cuộc đời cũng như tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân từ cửa Khổng, ông đi ngang qua sân nhà Lão tử, rồi dừng lại trước cửa Thiền, suy ngẫm về giáo lý và đạo lý, cuối cùng ông đã trở về với đồng ruộng và lũy tre xanh của làng quê Việt Nam, hay nói khác đi, ông đã trở về với dân tộc. Suốt đời ông, ông đã sống như mình cần sống và đã hành động như mình cần hành động.”

Hình tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tôn giáo

Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa duy nhất trong lịch sử Việt Nam cho tới nay được công nhận là một vị thánh của một tôn giáo chính thức. Ông được suy tôn là Thanh Sơn Đạo sĩ(còn được gọi là Thanh Sơn Chơn nhơn), là một trong ba vị thánh linh thiêng của Đạo Cao Đài. Bức tranh Tam Thánh ký hòa ước được lưu thờ tại Tòa Thánh Tây Ninh có vẽ chân dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm bên cạnh Victor Hugo  Tôn Trung Sơn.

Giai thoại

Tương truyền thuở nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên là Văn Đạt. Mẹ ông là Nhữ thị vốn tinh thông tướng số và có ước vọng là lấy chồng làm vua hoặc có con làm vua. Do đó trong quá trình dạy dỗ, bà đã truyền cho ông mơ ước ấy rồi.

Một hôm khi bà đi vắng, ông Định ở nhà với con và tình cờ hát:

"Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung".

Không ngờ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh nhảu ứng đối lại ngay:

"Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung".

Khi bà về đến nhà, ông rất tâm đắc kể lại chuyện ấy thì bị bà trách nuôi con mong làm vua làm chúa cớ sao lại mong làm bầy tôi (nguyệt chỉ bầy tôi).

Lại một lần khác bà dạy Nguyễn Bỉnh Khiêm câu hát

"Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con tựa ngai vàng".

Ông Định hoảng sợ vì nếu triều đình hay được sẽ mất đầu về tội khi quân nên sửa lại:

"Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con vịn ngai vàng".

Nhiều lần như vậy, bà rất bất bình nên bỏ đi. Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên chỉ được ở cạnh bố.

Tương truyền sau đó bà lấy một người họ Phùng và sinh ra Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Sau chính Khắc Khoan trở thành học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bà Nhữ Thị vẫn không thoả chí vì họ Phùng không có chí làm vua.

Mãi sau này bà Nhữ tình cờ gặp một trang nam nhi làng chài đang kéo lưới mà bà tiếc nuối vì cho rằng người này có số làm vua, còn tuổi mình đã cao. Người đó chính là Mạc Đăng Dung, vị vua khai triều của nhà Mạc

Nguồn:https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_B%E1%BB%89nh_Khi%C3%AAm


STT
 Tác Phẩm (bấm vào đề tài để đọc tiếp)
Tác Giả
1
Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm
2
Sấm Trạng Trình Toàn Tập
Nguyễn Bỉnh Khiêm
3
Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập
Nguyễn Bỉnh Khiêm
4
Tuyết Sơn Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm
5
Lời Tiên Tri Của Nguyễn Bỉnh Khiêm Đã Linh Ứng
Lý Thái Bình
6


7


8











        Trở lại trang mặt