Tác Giả
NGUYỄN CHÍ THIỆN

                                               Đôi Dòng Tiểu Sử - Nguyễn Chí Thiện: Nhà Thơ Đối Kháng  
       
                                                                             

Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 27 tháng 2 năm 1939 tại Hà Nội. Thân phụ ông, ông Nguyễn Công Phụng (1898-1976), làm lục sự Tòa Án Hà Nội. Thân mẫu ông, Bà Nguyễn Thị Yến (1900-1970) vừa là một người nội trợ truyền thống vừa là một nhà tiểu thương. Gia đình ông tản cư khỏi Hà Nội đến làng quê Mỹ Tho, Quận Bình Lục 4, Tỉnh Hà Nam, Miền Bắc Việt Nam vào ngày 19 tháng 12 năm 1946 và trở về Hà nội năm 1949. Năm 1956, sau khi hoàn tất bậc Trung Học tại các trường tư thục, Thiện cùng thân phụ ông đến Hải phòng sống với người chị cả và gia đình. Mắc bệnh lao, Thiện tự học và bắt đầu làm thơ cùng bạn bè. Những bài thơ của ông va chạm càng ngày càng nghiêm trọng đến chế độ khi chính phủ Cộng sản đang đè nặng áp bức lên người dân và phát động chiến tranh chống Miền Nam Việt Nam.
Nguyễn Chí Thiện là một tù nhân chính trị đã qua nhiều trại tù cải tạo và Khám Lớn Hỏa Lò của chế độ Cộng Sản hai mươi bảy năm, giữa 1961 và 1991. Trong thời gian tù tội, ông đã làm thơ bằng ký ức vì không được phép sử dụng giấy bút. Một thời gian ngắn sau khi được tha, ông chép lại những bài thơ này và ngày 16 tháng Bảy, 1979, mang bản viết tay dày 400 trang, “Hoa Địa Ngục,” đến Tòa Đại Sứ Anh. Ông bị từ chối tị nạn và bị bắt ngay trước cửa tòa đại sứ. Ông bị giam giữ mười hai năm, lần giam giữ này khắc nghiệt nhất trong các lần tù tội của ông.
Bản viết tay của ông được gởi đến Giáo Sư Patrick Honey (1925-2005), Đại Học Luân Đôn. Năm 1980, thơ ông được người Việt nam tị nạn tại Hoa Kỳ đăng tải trên nhiều báo chí và sách vở. Năm 1982, tổ chức Hành Động Cho Dân Chủ Việt Nam, “Quê Mẹ,” xuất bản Ngục Ca bằng Anh ngữ, Pháp ngữ, và Việt ngữ. Năm 1984, Huỳnh Sanh Thông trường Đại Học Yale dịch Hoa Địa Ngục ra Anh ngữ và tổ chức Lạc Việt xuất bản tập song ngữ. Năm 1985, Nguyễn Chí Thiện được Giải Thưởng Thơ Quốc Tế tại Rotterdam. Lúc đó, người ta không biết ông còn sống, đã chết, hay đang bị giam cầm đâu đó - trong thực tế thì ông đang bị giam tại Khám Lớn Hỏa Lò Hà nội từ năm 1979. Ông được đưa tới giữa rừng già năm 1985, gần chết vì đói và biệt giam.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế bắt đầu chiến dịch vận động viết thư vào đầu năm 1981, lúc tên của Nguyễn Chí Thiện đứng đầu danh sách của những Tù Nhân Lương Tâm tại miền Bắc Việt Nam. Năm 1988, sau khi nghe trình bày về việc bắt giữ ông năm 1979, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế và Quan Sát Nhân Quyền phổ biến rộng rãi cảnh ngộ khốn khổ của ông. Chị của ông, bà Nguyễn Thị Hảo (1924-2004) gởi ảnh của ông đến người tị nạn Việt nam ở hải ngoại yêu cầu giúp đở. Nhiều thư phản đối được gởi đến chính phủ Việt nam, Chủ Tịch Leopold Senghor của Senegal, Vua Hussein của Jordan, và Thủ Tướng John Major của Anh Quốc. Năm 1990, Thiện được đưa đến trại tù Ba Sao và được chăm sóc thuốc men. Trong tháng mười năm 1991, ông được tha về dưới sự săn sóc của chị ông ở Hà Nội, ngay lúc trước cuộc thanh tra của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế.
Nguyễn Chí Thiện di cư đến Hoa Kỳ ngày 1 tháng 11 năm 1995 với sự săn sóc tận tình của người anh ruột Nguyễn Công Giân (1932-), Trung Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và cũng là cố vấn tại Hiệp Ước Hòa Bình Ba Lê năm 1972. Ông Giân là người độc nhất trong gia đình ông di cư vào Nam trong khoảng thời gian biên giới bỏ ngỏ năm 1954-1955. Nguyễn Chí Thiện bị giam cầm mười ba năm sau năm 1975. Hoạt động đầu tiên của ông Thiện là viết lại và phổ biến những bài thơ ông đã sáng tác trong tù từ năm 1979 trong tập Hoa Địa Ngục thứ nhì. Những bài thơ này ông Nguyễn Ngọc Bích ở Virginia dịch ra và xuất bản trong những tập song ngữ năm 1996.
Trong năm 2005, Nguyễn Chí Thiện, tác giả nỗi bật đầu tiên trong Kế Hoạch Văn Chương Việt Nam, đã viết “tự truyện” của ông bằng Anh ngữ (
www.vietnamlit.org), và được xuất bản trong Beyond Words: Asian Writers on Their Works bởi Ban Báo Chí của Đại Học Hawai (Manoa Journal). Năm 2006, cơ quan East Coast USA Vietnamese Publishers Consortium xuất bản bằng Việt ngữ một tuyển tập toàn bộ 700 bài thơ Hoa Địa Ngục sáng tác từ năm 1957 đến năm 1996.
Năm 1998, Nguyễn Chí Thiện nhận Giải Thưởng Hội Nhà Văn Quốc Tế (International Parliament Of Writers Award), lưu lại tại Pháp ba năm và sáng tác Hỏa Lò Tập Truyện. Bảy câu chuyện của nhiều biến cố và nhân vật có thật bằng Việt ngữ đã được xuất bản năm 2001 tại Virginia và tái bản nhiều lần. Các bản dịch bằng Anh Ngữ đã được Cơ Quan Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu, Đại Học Yale, xuất bản dưới nhan đề Câu Chuyện Hỏa Lò/ Hà nội Hilton năm 2007. Hai trong các câu chuyện này đã được Allies For Freedom Publishers tại Palo Alto, California xuất bản bằng song ngữ Anh-Việt năm 2008 dưới nhan đề Hai Truyện Tù- Two Prison Life Stories;Nguyễn Chí Thiện Prose Bilingual Text. ISBN 978-0-3638-6-5.
Nhà thơ, từ năm 2004, là một công dân Mỹ hiện cư ngụ tại Orange County, California. Vào đầu năm 2008, bản gốc viết tay của nhà thơ đã được những thân hữu người Việt tại Luân Đôn nhận được từ Giáo Sư Patrick Honey thuộc Đại Học Nghiên Cứu Phi Châu và Đông Phương trước khi ông qua đời năm 2005 hoàn lại. Bản viết tay nay bình an thuộc về sở hữu chủ của người sáng tác, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Jean Libby, chủ bút
VietAm Review http://www.vietamreview.net/
November 2008
(Người dịch: Huỳnh Khuê)


Thư Mục

STT
Đề Tài (bấm vào đề tài đọc tiếp)
Tác Giả
1
Hoa Địa Ngục
Nguyễn Chí Thiện
2
Hỏa Lò [Tập Truyện]
Nguyễn Chí Thiện
3
Hoa Địa Ngục Và Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện
Phan Anh Dũng
4
Nguyễn Chí Thiện và Hoa Địa Ngục
Đỗ Thị Thuấn
5


6


7


8


9


10


11


12


13


14









Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến

www.vietnamvanhien.net (Tin tức cập nhật thường xuyên)
www.vietnamvanhien.org (Thuần ngữ, tải nhanh)

www.vietnamvanhien.com (Kinh tế & Tài chánh)

www.vietnamvanhien.info (Tủ Sách Văn Hiến, có hơn 5500 Tác phẩm )


Email: thuky@vietnamvanhien.net




Lấy Tâm Lực thay cho vũ lực để giải trừ quốc nạn là phục hoạt nếp sống Văn Hiến và phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.

Lấy Nhân Tâm làm phương tiện, dụng Dân Tâm làm quốc sách "An Dân & Lạc Quốc" là kim chỉ nam cuả thể chế Dân Chủ Văn Hiến.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt