Việt Nam Văn Hiến Năm Thứ 4888 www.vietnamvanhien.net AN VI LUẬN 1. Thế nào là An vi Nhiều người hiểu an vi là thanh nhàn không phải làm gì, khỏi bận tâm đi kiếm tiền kiếm của: thế gọi là an vi. Nếu an vi là vậy thì cần chi đến triết lý chỉ việc gõ cửa mấy ông nhà giàu bự là đủ. Có người lại nghĩ rằng an vi là không nóng giận, cả không vui mừng nữa; sống bình thản trước mọi cảnh đời: éo le cũng như đắc ý, không dây mình vào việc chi, đời sao mặc đời. Nếu an vi là thế thì có khác chi mấy kẻ ù lì, việc chi phải đặt ra triết lý an vi. Ngược lại triết lý an vi cần: Cho những người dấn thân vào đời Cho những người phải chiến đấu Cho những ai gặp bước gian truân Cho những ai gặp cảnh bần hàn Cho những ai muốn cải tạo xã hội. Như thế thì an vi không có nghĩa là hưởng nhàn mà là làm việc hăng say mà vẫn thanh thản. An vi cũng không phải là vô cầu, nhưng cầu mà như không: không cầu mà cầu; nhắm thành quả mà quan trọng nhưng không đặt ở thành quả, nên không lấy thành quả để luận anh hùng. Bởi vậy với người đời đó là thứ triết lý rắc rối ỡm ờ, nhưng với người thấu hiểu thì lại nhận ra thứ triết lý vi diệu rất khó đạt được. Tuy nhiên nếu hiểu trúng, đặt nền tảng cho ổn thì hy vọng đạt được không phải là diệu vợi. Bởi vậy sau đây chúng ta sẽ bàn đến ít điểm cần cho sự hiểu triết lý an vi mong có thể hiện thực được vào bản thân cũng như đời sống xã hội. 2. Trước hết cần đặt vị trí cho an vi An Vi nằm đâu đó giữa hữu vi và vô vi, hay đúng hơn bên trên hoặc bao quanh lấy cả hữu vi lẫn vô vi. Chữ an có nghĩa thông thường là "yêu hòa giải không tranh chấp" (hiếu hòa bất tranh viết an). Nghĩa đó đúng nhưng chỉ ở vòng ngoài trong lối sống thường nhật, chưa phải là nghĩa siêu hình của chữ an vi. Muốn hiểu được An vi cần phải hiểu đến tận gốc rễ, mà cho được thế cần phải hiểu thế nào là Hữu vi và Vô vi và cái cạm bẫy đầy nguy cơ nấp sau hai triết thuyết đó. Vậy hữu vi là Có Làm. Có làm thì phải rồi tại sao lại bảo là chứa chấp nguy hiểm. Thưa rằng, cái đó rất tế vi nên không dễ nhìn ra được, cần phải phân tích thấu triệt. Ta quen hỏi bạn đang làm gì đấy? Và câu thưa sẽ là tôi đang uốn cảnh hay ngắm hoa, đọc sách, biên thư. Bạn có thể thưa cả hàng ngàn câu, nhưng khi phân tích ra thì câu nào cũng có một động tự (uốn) và một đối tượng (cảnh). Ngay trong câu hỏi làm gì cũng đã có đối tượng rồi: nằm trong chữ gì? Gì là đối tượng của làm. Vậy mà cạm bẫy trong chữ gì, nghĩa là nằm trong đối tượng. Cái hại là đối tượng sẽ thu hút hết nghị lực của con người, khiến cho trong hành động tác nhân sẽ trút hết tinh anh vào đối tượng. Người thường không thấy nguy cơ đâu cả, nhưng hiền triết nhận ra đó là đầu mối của nạn vong thân, nó ở chỗ bắt con ngừơi đầu tư trọn vẹn tâm thần ý chí vào đối tượng của việc làm, khiến cho dần dần đối tượng trở nên chủ và sẽ đối tượng hóa luôn con người (objectiver l’homme) mà nghĩa thông thường là "nhân hóa vật": người hóa ra như vật, nghĩa là người cư xử và động ứng theo cung cách vật thể. Ðiều đó sẽ dẫn tới chỗ người xử với người như với vật (chosifier). Từ đấy bất cứ cái chi dầu là linh thiêng nhất cũng quan niệm theo lối sự vật tức có hình thể. Thí dụ như siêu hình cũng bị quan niệm kiểu những vật hữu hình, tức như cái gì đứng bên ngoài mình, kiểu một đối tượng, nghĩa là cái tượng hình đứng đối diện với mình, mình phải đi tới nó để chống lại hoặc chiếm hữu lấy: avoir. Ðó là hậu quả đầu tiên làm tiêu tan mất cái linh thiêng vị tế trong tâm hồn mình mà chính nó mới là bản gốc của người, vì thế gọi là vong bản. Từ đó sẽ dẫn đến nhiều ác quả mà trước hết là sự đề cao những tác hành có đối tượng bên ngoài mình và thế là dẫn tới lợi hành: làm hoàn toàn vì lợi. Mà lợi đi với địa (thiên lợi, địa lợi) tức là đi với cái gì bé nhỏ, có cục hạn như mọi sự vật: vì thế lợi hành là con đường thẳng đưa người ta đến duy vật. Một khi đã duy vật thì sẽ coi là vô giá trị mọi việc gì không có lợi, không sản xuất ra cái gì cầm nắm được và như vậy sẽ đi đến chỗ phế bỏ mọi việc tinh thần, tâm linh. Hậu quả việc đó là cột chặt con người vào đất, khiến nó bị tước đoạt hết những khả thể thanh thoát bay bổng, như thấy rõ trong lối hành xử của người cộng sản: chỉ gọi là làm việc khi có sản xuất ra cái chi cụ thể. Ðó là tai họa lớn lao hơn hết trong kiếp người. Vì thế có một thái độ đi ngược lại là không làm: vô vi. Ở đây không nói đến chữ vô vi của Lão Tử (đã bàn rồi trong Ðịnh Hướng Văn Học) nhưng có ý nói vô vi là không làm gì, vì coi sự làm chứa đầy cạm bẫy giam hãm con người lại, không cho tung cánh bay cao. Nói theo kiểu triết Ấn Ðộ là hễ làm thì có quả mà có quả là có giây trói buộc do luật khắt khe nhân quả không cho con người giải thoát. Vậy tốt hơn hết là đừng có làm: vô vi. Nhưng vô vi cũng đặt ra đầy khó khăn như không làm thì sống sao đây? Muốn sống thì phải có làm, mà có làm thì lại bị trói buộc. Ðàng nào cũng chết. Ðại để đó là gọng kìm nan giải đặt ra trước những lương tâm bén nhậy cao độ để thấy nguy hại trong cái hữu vi, nên chạy ùa sang vô vi, vì chưa đủ tinh anh để đặt một lối thoát khác. Và lối đó chính là an vi được đề ra để hòa giải khó khăn gặp trên hai con đường hữu vi và vô vi. Chủ trương của an vi là làm nhưng không đặt trên cái có của hữu vi: nói khác, không đặt quan trọng trên đối tượng hay hậu quả, nhưng đặt vào tác động, và nhờ đó tuy có làm mà vẫn không bị đối tượng trăn trói, tức không bị lệ thuộc vào thành quả. Nhờ đó thành tựu hay thất bại không phá vỡ nổi tâm trạng an nhiên thư thái của tác nhân. Ðó là bí quyết của triết lý an vi, nó nằm bên trên hữu vi (có làm) và vô vi (không làm). Nó vừa giống hữu vi vì có làm, nhưng cũng giống vô vi vì không đặt trọn sinh lực vào đối tượng (gọi khác là thành công) nhưng phần lớn được đặt vào tác nhân hay thành nhân. Câu nói của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học "không thành công thì thành nhân" là hậu quả của triết lý an vi. Y như triết lý an vi là hiện thân của đạo Ba, là đạo đặt trọng tâm vào con người. Ðang khi các triết lý khác, không hữu vi thì cũng vô vi, và cả hai gặp nhau ở chỗ đặt quan trọng vào đối tượng, tức là những mục tiêu nằm bên ngoài con người. Ðấy là điều rất tế vi đã được minh chứng tỉ mỉ trong cuốn Chữ Thời. Ở đây chỉ có thể nói vắn tắt rằng nền siêu hình của các triết học đó đều sai lầm, nói là siêu hình mà kỳ thực là hữu hình hay ít ra hữu tượng như thí dụ lý giới của Platon hay thế giới bản thể của Aristote đều là hữu hình. Cho nên sau này Kant mới phê bình là siêu giả tạo (illusion transcendantale), nó gieo tai hại vô biên vì làm cho con người vong thân mà không hay biết. Cứ tưởng để lòng trí vào siêu hình là trở nên cao thượng, có biết đâu rằng đó mới là siêu hình mà chưa siêu tượng nên là lối vong thân tế vi, chính nó giam cầm con người trong gông cùm của trục vật (chạy theo sự vật mà quên bản thân). Dần dần đi đến chỗ cùng cực là chỉ biết trọng những việc gì có công hiệu cụ thể hữu hình v.v. hoặc chỉ biết trọng những việc có đối tượng cao cả, mà chưa sao đạt được thái độ coi trọng việc xét là việc, không cần đối tượng cao hay thấp, vì thế ở đây xin nói tới khía cạnh ấy của triết an vi, đó là: 3. Tìm hoàn bị trong mỗi việc bất kể to nhỏ Ðó là hậu quả của siêu hình đích thực. Người thực sự đạt siêu hình thì không còn lệ thuộc vào những cái hữu hình (tức đối tượng) nên không đặt quan trọng ở đối tượng, nhưng đặt ngay ở nơi tác nhân, đặt ở thành nhân, còn thành công chỉ được coi như phương tiện, như những chặng trung gian mà không là tối hậu: nên coi mỗi thành công là khởi điểm cho chặng tiến khác. Do đó khi thành tựu không tự mãn, khi thất bại không nản lòng. Bởi chưng kỳ vọng là thành nhân, thành thân, có tính cách vô biên tức quá cao chẳng bao giờ gặp giới mốc nên không thể tự mãn, vì trước mặt đường tiến vẫn còn rộng mở. Có thất bại cũng chỉ là lặt vặt thuộc đối tượng, không hỏng đến đại cuộc là thành nhân, vì thế mà không nản. Nói thành nhân không có nghĩa là coi thường thành công. Thực ra không thể thải bỏ thành công vì thành công đã nằm trong thành nhân như thành phần nằm trong toàn thể. Toàn thể là nhân, vì nhân được định nghĩa là "thiên địa chi đức" nên đương nhiên nhân bao gồm mọi đối tượng. Vì không một đối tượng nào dù to hay nhỏ có thể ra khỏi vòng thiên hay địa, còn thiếu chi đâu! Ðó là một tâm trạng coi như vu vơ, mà ai đạt được lại thấy hậu quả tràn ngập toàn thể thân tâm mình. Vì thế hậu quả đầu tiên khi đạt tâm trạng đó là sẽ làm rất hăng say bất cứ công việc nào vì lúc ấy to nhỏ không được đánh giá quan trọng như trước, bởi to nhỏ do đối tượng, nhưng bây giờ vì không đặt nặng đối tượng, nên việc nào cũng đáng làm với cả tâm hồn thể xác. Người ta nói về Thượng Ðế là đấng tỏ ra "rất cao cả trong những việc hết sức bé nhỏ" (maximus in minimis) là vì quan trọng đặt ở tác động, tức là đặt ở tác nhân là Thượng Ðế, mà vì Thượng Ðế có khả năng vô biên nên dù làm một việc rất nhỏ, như một con muỗi thí dụ, cũng làm đến độ cực kỳ vi tế đến độ đủ biểu lộ được quyền lực vô biên. Họa sĩ có thiên tài không cần phải vẽ cái chi cao cả mà chỉ vẽ vài quả táo thối như Mục Khê đã làm cũng đủ biểu lộ thiên tài, khỏi cần đối tượng to. Người sao chiêm bao vậy: không cần chiêm bao to hay nhỏ, nhưng cần người chiêm bao phải to. Làm như thế để cho con người nên to, đó là ý nghĩa sâu xa của nền minh triết tam tài đặt con người ngang cùng trời đất như được bàn nơi khác (Chữ Thời, Nhân Bản). Ở đây chỉ đề cập đến một khía cạnh cụ thể là nền giáo dục. Giáo dục muốn đạt an vi phải là nền giáo dục làm to con người, gọi tắt là vi nhân. 4. Giáo dục vi nhân Nghĩa là nền giáo dục trước hết nhằm đào luyện ra người to, người to rồi việc mới to, việc nhỏ cũng sẽ hóa ra to, người nhỏ thì việc to rồi cũng hóa ra nhỏ. Nói khác, không phải hễ chương trình hay thì rồi mọi việc sẽ hay khi thiếu người hay, nhưng nếu muốn cho mọi việc hay thì cần trước hết phải có người hay. Bất cứ chính trị, xã hội, kinh tế chi chi cũng không thoát luật chung đó. Vậy mà giáo dục hiện nay lại hướng hết vào đối tượng, mà bỏ bê con người, vậy là bỏ gốc ôm ngọn. Dấu hiệu rõ nhất của sự vụ là giáo dục hướng trọn vẹn vào lợi hành. Các nhà giáo dục tận tâm khuyến khích thành công: luôn luôn tập rèn cho trẻ biết đánh giá theo thành công, đến nỗi coi đó như cứu cánh cuộc đời. Ðấy là một việc thừa để khỏi nói là có hại. Thừa là vì thành công thuộc tiểu ngã không cần khuyến khích thì con người cũng đã chạy theo rồi, nhất là khi còn bé nhỏ chưa thể thấy gì khác hơn là thi đua. Lẽ ra giáo dục phải biết tiết chế chiều hướng đó lại, để nuôi dưỡng lòng hướng thượng, lòng ham muốn thành nhân, vì đó mới là sứ mạng của nền giáo dục chân chính tức là nuôi dưỡng (dục) cái nhân tính (giáo) chứ không phải là giáo dục con người để chạy theo sự vật đến độ quên mình như nay. Con người hiện đại chỉ biết trục vật là lỗi do nơi nền giáo dục chỉ biết đề cao thành công là làm nhỏ tâm hồn con người lại, không còn chỗ trống cho sự nảy nở những mối tình cao thượng vị tha. Chỉ khi nào biết đề cao chủ thể hay tác nhân, thì mới là vun tưới đại ngã man mác. Tổ tiên ta được tiếng là: "Thắng không kiêu, Bại không nản". Chính vì đã được tôi luyện trong nền giáo dục an vi vậy. Ðể chứng minh xin trưng ra đây hai việc rất linh thiêng đã được in dấu của nền giáo dục vi nhân như thế nào. Ðó là hai Lễ Gia Tiên và Tế Thiên. Tại sao Việt nho đã biến việc thờ tổ tiên ra lễ gia tiên, biến việc thờ Thượng Ðế ra lễ tế thiên? Thưa vì thờ tổ tiên là tin có linh hồn về hưởng của dâng, rồi xin ơn này nọ, vậy là bám vào những cái tư riêng hữu hình bé nhỏ. Ðiều đó sẽ gây tai họa sâu xa vì dùng những giờ phút trang trọng nhất để vun tưới cho lòng tham, khiến cho những giờ phút linh thiêng nhất được dùng vào việc tài bồi óc ham muốn. Vậy là bó chặt thêm mãi tâm hồn vào những cái bé nhỏ hữu hình, cho nên tiên nho nói: "tự cầu đa phúc" là vì vậy, tự cầu là không xin gì ngoài mình thì rồi lòng sẽ được thả buông dần và siêu lên đến chỗ thanh thoát an nhiên. Vì thế mà tục thờ ông bả đã thăng hoa thành lễ gia tiên. Nơi đây chỉ biết tế dâng là tế dâng, không để cầu cạnh cái chi hết, chỉ cốt dùng việc tế dâng để đi vào tới tận thâm tâm lòng mình, đặng hội thông cùng trời đất vạn vật hầu làm nên nhất thể Tế thiên cũng vậy. Thiên ở đây không còn là Thượng Ðế nhân hình nữa, nhưng chỉ còn là luật trời đất huyền vi. Người không hiểu cho là lờ mờ, nhưng với người hiểu thì biết đây mới chính là siêu hình: vì thiên không còn nhân hình nữa nhưng chỉ là khởi linh quang u linh bàng bạc cùng khắp, khiến cho tâm hồn quen thở trong bầu không khí man mác đó sẽ lơi dần khỏi đối tượng bé nhỏ để bay lên thanh thoát nhẹ nhàng theo tiết điệu uyên nguyên của vũ trụ, tiên nho kêu đó là "đại thuận đại hóa". Ðại thuận là thuận theo thời trời, gọi là đại vì không gì lớn lao hơn trời đất, nên cũng là đại hóa tức vươn ra mênh mông như vũ trụ "ngô tâm tiện thị vũ trụ" là vậy. Vì thế an hành, an vi được nhắm như lý tưởng tối hậu của nền giáo dục đặt xa bên trên hai đợt cưỡng hành và lợi hành. Cưỡng hành đặt móng trên sự sợ hãi: sợ trời đánh thánh vật, tức chưa đi vào đến lý trí nên là thấp nhất. Ðến lợi hành tuy đặt trên lý trí nhưng đối tượng chỉ mới là thành công, chưa đạt tâm linh. Chỉ còn an hành mới đạt tâm linh trọn vẹn, mới có sức phát huy nhân phẩm, nhân cách. Người ta sẽ dễ nhận ra điều đó khi thấy Việt nho đã đào tạo ra được nhiều nhân sĩ hơn hết với một tâm hồn thanh thản, cái thanh thản kiên cường không cần chắn gió che sương nhưng dám đi giữa bụi đời xoáy lốc mà vẫn thanh thoát tự tại. (đọc lại quyển Hồn Nước với Lễ Gia Tiên, chương II, Phúc giả bị dã.) Kim Định (trích trong “Văn Lang Vũ Bộ”)
Trang
mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang An Vi Luận www.vietnamvanhien.net www.vietnamvanhien.org www.vietnamvanhien.info www.vietnamvanhien.com Email: thuky@vietnamvanhien.net Trang
mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của
Việt tộc
và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ. Trở Lại Trang Mặt |