Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net




Truyện Sử

Vũ Thanh Thư

 
Mục Lục

    Lời Nói Đầu

  * Lời Mở Đầu Về Thời Đại Tự Chủ

  * Nhà Ngô

  * Nhà Đinh

  * Nhà Tiền Lê

  * Nhà Hậu Lý

  * Lý Thái Tổ

  * Lý Thái Tông

  * Lý Thánh Tông

  * Lý Nhân Tông

  * Lý Thần Tông

   * Lý Anh Tông

   * Lý Cao Tông

   * Lý Huệ Tông

   * Lý Chiêu Hoàng

   * Nhà Trần

   * Trần Thái Tông

   * Giặc Nguyên

   * Kháng Nguyên Lần I

   * Trần Thánh Tông

   * Trần Nhân Tông

   * Kháng Nguyên Lần II

   * Kháng Nguyên Lần III

    * Trần Anh Tông

    * Trần Minh Tông

    * Trần Hiến Tông

    * Trần Dụ Tông

    * Trần Nghệ Tông

    * Trần Duệ Tông

    * Trần Phế Đế

    * Trần Thuận Tông

    * Chú Thích




LỜI NÓI ĐẦU

 

     Trước đây thân phụ tôi là cụ Vũ Huy Chân có xuất bản cuốn Việt Sử Thông Lãm,  là cuốn sử liệu viết bằng văn vần, kể từ thời lập quốc cho đến hết thời Bắc thuộc. Sách dường như đã được viết từ lâu lắm, nhưng trải qua nhiều năm di tản vì chiến tranh, bản thảo nhiều phần bị thất lạc, cho nên mãi đến năm 1973 mới được xuất bản ở Sài-gòn. Rồi vì những biến cố chính trị tiếp theo đó, việc phát hành đã lại bị chậm trễ và việc soạn thảo phần nối tiếp cũng đành phải bỏ dở dang. Cụ mất ở Sài-gòn vào năm 1988, vài tháng sau khi được trả về từ trại tù Cải tạo.

     Vì mong ước hoàn thành phần nào tâm nguyện của người trước tôi đã nẩy ra ý định tiếp tục viết phần sách chưa hoàn tất. Cuốn Truyện Sử này đã được khởi sự như thế.

     Về sử liệu, phần biên soạn của tôi phần lớn dựa trên hai tài liệu giáo khoa chính được xử dụng trước đây, là cuốn Việt-Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và cuốn Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn. Mặc dầu việc trình bầy sử kiện được viết bằng ngôn ngữ của tâm cảm và viết theo lối kể truyện, tôi cũng đã cố gắng tìm những chú thích cần thiết ở nhiều nguồn sử liệu khác để cho việc tham khảo được tạm đầy đủ.

     Về phần sử quan, hai chữ " Văn-hiến" mà tôi cảm nhận được như toàn bộ nội dung của một bản "Hiến chương lập quốc" từ ngàn xưa của nước ta đã là ngọn đuốc soi đường hướng dẫn việc biên soạn. Với ánh sáng ngàn đời ấy, nguồn tâm cảm không bị ngưng trệ ở những đắc thất hơn thua; những bài học quý giá của lịch sử được tìm ở cả những lúc vận nước thịnh cường cũng như những hồi suy vi, sa sút.

     Về quan điểm dân sinh, cuộc sinh tồn vừa bất khuất vừa bao dung của dân tộc đã cho tôi nhìn thấy ở đấy một nguồn đạo-sống dung dị nhưng tiềm tàng mãnh liệt, tạo nên nét tinh anh, khí phách của nòi giống Việt. Trong buổi ban đầu của thời đại tự chủ, vào các thời Lý- Trần, tinh thần "Tam giáo đồng lưu" đã chan hoà với nguồn đạo sống ấy. Thế hệ sau cho rằng chỉ khi nào đạo giáo "nhẹ thấm vào lòng người như sương như mưa" mới làm lợi lớn cho dân tộc; còn khi "đã thành đê thành đập" thì có khi lại gây nên những đổ vỡ khó khăn. Nước ta trọng Nho giáo vì triết lý đạo Nho tuy bao la mà lại gần gũi với với nếp sống tự nhiên của con người, nhưng cũng phải nhận rằng bởi có sự đồng hành của Phật giáo và Lão giáo, sự thành tựu của Nho giáo mới vẹn tròn thiết thực.

     Trở lại việc biên soạn, phụ thân tôi đã viết cuốn Việt Sử Thông Lãm, nội dung hầu hết nói về thời Bắc thuộc, để ghi chép lại những trang Vong Quốc Sử. Nay viết tiếp về thời đại tự chủ của dân tộc ta, tôi đã có cơ may được chép lại những dòng Văn Hiến Sử rõ nét nhất. Ước mong bạn đọc sẽ tìm thấy ở đây ít nhiều niềm vui thú khi đọc Quốc sử bằng văn vần.

     Sau hết việc biên soạn không tránh khỏi những điều thiếu sót, thành thật xin được quý vị chỉ giáo.

 Trân Trọng
 
Vũ Thanh Thư

 


LỜI MỞ ĐẦU VỀ THỜI ĐẠI TỰ CHỦ

 

             ... Nay giở lại mấy trang quốc sử

          Ngẫm những điều ấp ủ cao xa

          Ngàn xưa lưu thế hệ ta

4.       Lấy câu "Văn hiến" mở ra vui bàn...

           Ðất Giao Châu hơn ngàn năm cũ

          Từ Khúc (1), Dương (2) đuổi lũ sài lang

          Dựng cờ tự chủ vẻ vang

8.       Nước non riêng cõi, Nam bang một nhà.

           Nào ngờ họa can qua chưa dứt

          Nam Hán quân (3) dốc lực kéo sang

          Tiến vào cửa Bạch Ðằng Giang (4)

12.     Chiến thuyền chật nước kỳ quang rợp trời.

           Hồi trống đồng nung sôi lòng Việt

          Tiếng thét quân oanh liệt khí Hùng

          Ầm ầm một trận thủy công

16.     Sạch cơn sóng dữ cạn dòng kình ngư.

           Bậc danh tướng (5) thiên tư un đúc

          Xếp nhung y hiển đức quân vương

          Dựng nền tự chủ Nam phương

20.     Khơi dòng khí phách, mở đường tinh anh.

           Kể từ thuở Ngô, Ðinh dựng nước,

          Kế Tiền Lê chặn bước Tống quân,

          Trải qua triều đại Lý, Trần,

24.     Hồ, Lê nối nghiệp đến phần Tây-Sơn,

 

          Vận nước trải bao cơn nguy biến,

          Nỗi dân từng chinh chiến thảm thương

          Vẫn nuôi dòng máu quật cường,

28.     Xây nền văn hiến, khơi nguồn văn minh.

 

          Ðất ngàn năm đã thành sự nghiệp,

          Nền kỷ cương phải tiếp đắp bồi;

          Làm người đạp đất đội trời

32.     Há mang quốc phả ngàn đời bỏ đi.

 

          Chữ Văn Hiến khắc ghi gìn giữ

          Cho ngàn sau tự chủ lưu phương

          Ấy là Lập quốc Hiến chương (6)

36.     Làm nên nền móng tự cường quốc gia.

 

NHÀ NGÔ

 *Ngô Vương Quyền với bước đầu dựng nền tự chủ.

 

 

          Năm Tân-Hợi (dl.939) nước nhà độc lập

          Ðức Ngô Quyền xứng bậc quân vương

          Cổ-Loa mưu việc tự cường (7)

40.     Lập triều nghi dựng kỷ cương lâu bền.

 

          Xây xã tắc mở nền tự chủ,

          Vượng dân sinh mưu sự thái hoà,

          Khởi công tạo dựng quốc gia

44.     Làm cho tỏ mặt con nhà Rồng Tiên.

 

          Tiếc thay mới sáu niên ngắn ngủi

          Tiền Ngô Vương đã vội về trời

          Ðem lời ký thác con côi

48.     Là Ngô Xương-Ngập cho người Dương gia (8).

 

          Nào ngờ Dương Tam-Kha cải chiếu

          Tự lên ngôi xưng hiệu Bình-Vương

          Ngô Xương-Ngập đã cùng đường

52.     Mới tìm chạy đến Hải-Dương lánh mình (9).

 

          Ngô Xương-Văn cũng tình cốt nhục (10)

          Lại được Kha rất mực tin dùng

          Cho cùng tham dự quân trung

56.     Sai đi đánh dẹp ở vùng Sơn-Tây.

 

          Cơn tao loạn ai gây nên nỗi ?

          Buổi nhiễu nhương giặc nổi như ong.

          Nhân khi tiễu giặc vừa xong

60.     Ba quân trở ngọn cờ hồng về Kinh.

 

          Ðỗ Cảnh-Thạc hùng binh sẵn khởi

          Mưu cùng Dương Cát-Lợi tướng quân

          Giáo gươm thẳng Cổ-Loa thành

64.     Dựng cờ phò tá Xương-Văn trở về.

 

          Tung mẻ lưới kình nghê khôn lọt

          Bủa rừng gươm beo cọp phải tan

          Ngô triều thu lại giang san

68.     Anh em đoàn tụ nước non một nhà (11)

 

          Ngô Xương-Ngập xưng là Thiên-Sách

          Nắm quyền binh đảm trách chính triều

          Bốn năm sống chẳng bao nhiêu

72.     Càng lo gỡ rối càng nhiều khó khăn.

 

          Nam-Tấn-Vương, Xương-Văn xưng hiệu,

          Lúc lên ngôi dâng biểu cầu phong

          Ðang khi Nam-Hán thịnh hưng

76.     Phong Tiết-độ-sứ liệt trong chư hầu.

 

          Việc đánh dẹp trước sau trăm trận

          Gánh sơn hà lận đận ngược xuôi

          Hoa-Lư chưa kịp chiến hồi

80.     Thái-Bình kia đã sục sôi chiến trường (12).

 

          Vương cậy có binh cường tướng mạnh

          Tự đem quân tiến đánh Sơn-Tây

          Cũng vì khinh địch hại thay

84.     Trúng tên gục ngã ở ngay trận tiền.

 

          Ngô vương mất quân quyền xụp đổ,

          Sứ quân chia lãnh thổ xưng hùng,

          Cổ-Loa tàn cuộc phế hưng

88.     Cờ lau kia đã hẹn cùng nước non.

 

 

THẬP NHỊ SỨ QUÂN (945 - 967)

 

 

          Ngô Xương-Xí là con Xương-Ngập

          Bỏ Cổ-Loa giữ đất Bình-Kiều

          Từ nay sự nghiệp Ngô triều

92.     Chỉ còn một đám bọt bèo Sứ quân.

 

          Họa xâu xé tam phân ngũ liệt

          Mười hai phương hào kiệt chia phần

          Gọi là Thập Nhị Sứ Quân

96.     Hai mươi năm lẻ nước dân tiêu điều.

 

          Ngô Xương-Xí Bình-kiều phiêu bạt (13)

          Ðỗ Ðộng giang, Cảnh-Thạc xưng hùng (14)

          Bố Hải Khẩu : Trần Minh-Công (15)

100.   Kiều Công-Hãn đóng ở vùng Phong Châu (16)

 

          Nguyễn Khoan giữ địa đầu Tam  Ðái (17)

          Ngô Lãm-Công đóng tại Ðường Lâm (18)

          Lý Khuê Siêu-loại đồn quân (19)

104.   Nguyễn Thủ-Tiệp chiếm đóng phần Tiên Du (20)

 

          Tế-giang huyện là khu Lữ Tá (21)

          Phù-Liệt thành cát cứ Nguyễn Siêu (22)

          Hồi-hồ, sứ Thuận họ Kiều (23)

108.   Phạm Bạch-Hổ chiếm Ðằng-Châu quê nhà (24).

 

          Cơn thắng bại rượu hoà nước mắt

          Cuộc hơn thua ruột thắt nguồn đau

          Cuồng say giấc mộng công hầu

112.   Hăm hai năm ấy (25) ngàn sau biếm truyền.

 

          Thời đại loạn bạo quyền thao túng

          Buổi nhiễu nhương dân chúng lầm than

          Xót thay cốt nhục tương tàn

116.   Thảm thay giấc mộng kê vàng phù du!


NHÀ ĐINH (968 - 980)

* Ðinh Bộ Lĩnh dẹp loạn Sứ Quân

 

 

          Thời ấy ở Hoa-Lư sơn động (26)

          Có một người vũ dũng hiên ngang

          Họ Ðinh quê ở châu Hoan

120.   Tên là Bộ-Lĩnh con quan cựu triều (27).

 

          Cha mất sớm về theo quê mẹ,

          Lúc thiếu thời cùng trẻ chăn trâu

          Dàn quân tập trận cờ lau

124.   Xẻ cơm khao tốt, mổ trâu đãi hiền!

 

          Ðường sự nghiệp càng nên chí lớn

          Dời quê hương tìm chốn tiến thân

          Theo Bố-Hải-khẩu Sứ-quân (28)

128.   Ðược cùng dưới trướng dự phần binh cơ.

 

          Khi Lãm mất cơ đồ trao lại,

          Ông chuyển quân về trại Hoa -Lư

          Ðồn lương, đãi mộ sĩ phu

132.   Thao binh luyện tướng chờ cơ vẫy vùng.

 

          Thời thế tạo anh hùng mới biết

          Ðịa linh sinh nhân kiệt ngờ đâu

          Non xanh nước biếc một màu

136.   Hoa-Lư tụ cả Giao-Châu thất hùng (29).

 

          Hậu Ngô Vương đã từng chinh phạt

          Vào Hoa-Lư lại rút quân về (30)

          Ðến khi Ngô đại suy vi

140.   Hoa-Lư quật khởi dựng cờ dấy binh.

 

          Cờ Vạn-Thắng (31) đông chinh tây phạt

          Cõi sa trường gió cát ngùi bay

          Ầm ầm trống giục chiêng lay

144.   Lửa thiêu chất ngất khói vây chập chùng.

 

          Quân Ðằng-Châu (32) tuyệt đường tan vỡ

          Ðỗ-động giang (33) huyện đổ thành nghiêng...

          Hùng binh theo ngọn lửa thiêng

148.   Một năm ròng rã dẹp yên cõi bờ.

 

          Xuân Vạn Thắng cơ đồ một mối

          Nước thanh bình vận hội canh tân

          Trải qua một cuộc phong trần

152.   Trăm hoa nay lại muôn phần đẹp tươi.

 

 

* Ðinh Tiên-Hoàng dựng đế nghiệp

 

 

          Ðinh Bộ-Lĩnh lên ngôi hoàng đế (34)

          Lập triều nghi định kế an bang

          Ngài xưng đế hiệu Tiên-Hoàng

156.   Nước: Ðại Cồ Việt, Kinh: thành Hoa-Lư.

 

          Thuở ấy Tống cũng vừa khởi nghiệp (35)

          Họa Bắc phương chưa biết xa gần

          Lại vừa dứt loạn Sứ-quân

160.   Bởi nên việc võ dự phần quan ưu.

 

          Các chức phẩm đại triều khanh tướng,

          Các tước hàm ân thưởng công hầu

          Ðều ban thứ tự trước sau

164.   Cho hàng vũ dũng bấy lâu một lòng.

 

          Ðầu triều Ðịnh Quốc Công Nguyễn Bặc

          Bậc trung lương đệ nhất công thần,

          Lê Hoàn : Thập Ðạo Tướng Quân

168.   Hùng binh trăm vạn xa gần dưới tay (36).

 

          Tuy quân thế ngày rầy đã mạnh

          So hùng cường khó sánh Bắc phương;

          Hai lần sứ bộ lên đường

172.   Mang đồ phương vật tiến dâng Tống triều (37).

 

          Việc thông hiếu đã nhiều thuận lợi,

          Thuật chăn dân càng giỏi liệu bề

          Ðặt ra luật lệ khắt khe

176.   Dùng hình phạt dữ răn đe ác hành (38).

 

          Tiên-Hoàng lại lập ngành tăng thống

          Phong Quốc sư, trọng dụng nhân tài (39)

          Cho nên nước dưới triều ngài

180.   Dân sinh an lạc mười hai năm ròng.

 

          Mới biết bậc anh hùng chí cả

          Dù trên lưng chiến mã lập công

          Nào riêng đánh Bắc dẹp Ðông

184.   Ðã ngoài mềm mỏng lại trong cương cường.

 

 

* Nhà Ðinh suy tàn

 

          Tiếc thay đã trăm đường liệu định

          Cũng chỉ trong vụng tính phút giây

          Chọn người con nhỏ thơ ngây

188.   Phong làm Thái-tử mà gây tương tàn (40).

 

          Trong cốt nhục gia cang đã mất

          Ngoài triều cương vị tất vẹn toàn

          Người theo Ðinh-Liễn trưởng nam

192.   Kẻ hờn ấu chúa Hạng-Lang bỏ mình.

 

          Phúc chẳng nối, họa sinh thêm họa,

          Trong thịnh cường sẵn đã suy vi;

          Anh hùng trăm trận lừng uy

196.   Hại thay chung vận chết vì tiểu nhân.

 

          Kể Ðỗ-Thích cận thần ti tiện

          Nằm ngủ mê tính chuyện chiêm bao (41)

          Ðêm khuya cung cấm lẻn vào

200.   Giết luôn một lượt châu Giao nhị hùng.

 

          Tiên-Hoàng đế chết cùng Ðinh Liễn

          Chuyện tầy đình suy biện dễ thay:

          Gian thần Ðỗ Thích đầu bay

204.   Vệ Vương Ðinh Tuệ định ngày lên ngôi (42).

 

          Ðinh Thiếu-đế đang hồi thơ ấu,

          Mẹ là Dương Thái-hậu lâm triều

          Xuân xanh đang thuở nhụy kiều

208.   Chẳng ba đào cũng đắm xiêu anh hùng.

 

          Người ấy ngôi binh trung tột đỉnh,

          Lại đương triều Nhiếp chính đại thần

          Chính là Thập-đạo Tướng-quân (43)

212.   Vào ra thao túng mười phần tự chuyên.

 

          Bọn Nguyễn Bặc, Ðinh Ðiền, Phạm Hạp

          Về Ái-Châu khẩn cấp khởi binh;

          Lê Hoàn sẵn kế Nam chinh

216.   Lưới dầy hồ dễ dung tình hùm beo.

 

          Quân nghĩa dũng Ái-Châu tan vỡ (44)

          Nghiệp Ðinh triều cột trụ còn đâu

          Nước non man mác một màu

220.   Hoa-Lư gió phất ngàn lau xanh rì!

NHÀ TIỀN LÊ (980 -1009)

 *Lê Hoàn phá quân Tống

 

          Buổi triều chính suy vi chìm nổi

          Cõi biên thuỳ quen thói phong ba

          Nhìn vào cơ sự nước ta

224.   Bọn biên quan Tống dễ tha được nào.

 

          Truyền văn võ, Tống trào nghị sự,

          Kén tướng tài gấp cử đại binh

          Ầm ầm cờ kéo Nam chinh

228.   Ðạo xuôi xứ Lạng, đạo vòng biển khơi (45).

 

          Tin chiến sự dập dồi quan ải

          Hồi trống khuya khắc khoải canh thâu

          Lòng riêng gác lại bấy lâu

232.   Ba quân thề thốt trước sau một lòng.

 

          Phạm Cự-Lượng nay phong đại tướng

          Lãnh cẩm nang chấp chưởng binh phù;

          Trước giờ ban lệnh xuất sư

236.   Họp cùng tướng sĩ phân bua ngọn ngành:

 

          Kẻ chinh chiến vào sanh ra tử

          Vua còn thơ, ai xử cho đồng,

          Hoặc khi tiến thoái đột xông,

240.   Hoặc là tưởng thưởng chiến công chu toàn.

 

          Chi bằng trước tôn Hoàn lên chúa,

          Sau chiến bào yên ngựa xuất chinh.

          Ba quân vang dậy đồng thanh,

244.   Hoàng bào phút đã trong mành trao tay (46).

 

          Lê-Hoàn bước lên ngai quốc tể

          Xưng Lê triều Hoàng-đế Ðại-Hành (47)

          Sai người kíp ruổi Tống kinh

248.   Dâng thư, dối của họ Ðinh phong cầu.

 

          Mồi rước mắt dễ đâu buông thả

          Lời sách yêu nghiệt ngã chẳng vừa

          Ðòi Lê Hoàn đích thân đưa

252.   Mẹ con Ðinh Tuệ thẳng qua Tống triều (48).

 

          Biết giặc Tống đặt điều cự tuyệt,

          Chí Nam quân đã quyết đá vàng;

          Mịt mờ khói toả Nam hoang

256.   Nhấp nhô thuyền chiến rộn ràng vó câu.

 

          Quân lên Bắc chống Hầu-Nhân-Bảo,

          Thuyền sang Ðông ngăn nẻo Lưu-Trừng,

          Ðại-Hành Hoàng-đế ung dung

260.   Ðem binh thuyền xuống đóng vùng Ðằng-giang.

 

          Thuỷ quân giặc đánh sang dữ dội,

          Chiến thuyền Nam toàn đội phải lui.

          Ðằng-giang sóng bạc sáng ngời

264.   Quân Nam liều chết đền bồi núi sông.

 

          Mặt trận Bắc giặc công càng mạnh,

          Ải Chi-Lăng cờ lệnh ngả nghiêng;

          Viện quân chưa kịp kéo lên,

268.   Ðại quân Tống đã ngang nhiên tiến vào.

 

          Quân Lê vẫn lùi sâu tuyệt địa,

          Bước đường cùng người ngựa thảm sao!

          Tướng quân cởi lớp chiến bào,

272.   Dâng hàng thư tự nạp vào Tống doanh.

 

          Hầu-Nhân-Bảo hùng oanh lẫm liệt

          Kéo quân vào sào huyệt Ôn-khâu;

          Ầm ầm thác đổ bỗng đâu

276.   Nam quân khắp ngả xuất đầu bổ vây.

 

          Cờ Lê chúa tung bay phấp phới,

          Trận trống đồng vang dội sơn khê,

          Giáo gươm sáng quắc chỉnh tề

280.   Nam quân xung trận muôn bề hùng uy.

 

          Quân nhà Tống hồn phi phách tán,

          Chết thảm thương mấy vạn hùng binh,

          Ðại quân phút đã tan tành,

284.   Sa cơ chủ tướng cũng đành đầu rơi! (49)

 

          Thuỷ quân giặc rụng rời tháo chạy,

          Sóng Bạch-Ðằng nay lại bình yên.

          Non xanh nước bạc ngoan hiền,

288.   Ngàn năm công nghiệp còn truyền sử xanh.

 

 

*Chính sách đối ngoại: Ðánh Chiêm, hoà Tống.

 

 

          Năm Thiên-Phúc thăng bình mở hội (50)

          Vầng đẩu tinh chói lọi trời Giao.

          Vừa yên ổn với Bắc trào

292.   Ðại-Hành thân dẫn quân vào Nam chinh.

 

          Nguyên năm trước Chiêm-Thành đoạn nghĩa,

          Lại giam cầm sứ giả Giao-Châu (51);

          Lòng riêng dẫu chẳng thù sâu,

296.   Quốc hờn giục giã vó câu gập ghềnh.

 

          Gươm xẻ núi bạt thành chém tướng,

          Giáo chuyển rừng phá chướng khai thông,

          Ðánh vào cho tới Chiêm cung,

300.   Ðánh cho tỏ mặt anh hùng Giao-Châu (52).

 

          Nam Chiêm đã cúi đầu thần phục,

          Bắc Tống còn e lúc đa đoan;

          Âu là cứ kế vẹn toàn,

304.   Ngoài hoà cường Tống trong an cõi bờ.

 

          Sứ Nam đến kinh đô nhà Tống,

          Xin giữ phần tiến cống như xưa,

          Lại đem Quách, Triệu (53) trả qua,

308.   Trước là thông hiếu, sau là thị oai.

 

          Tống đế đã gờm tài Lê chúa,

          Lại đang hồi khói lửa Bắc biên (54),

          Cho nên dưới giải Nam thiên

312.   Mặc giao Lê chúa trọn quyền an dân (55).

 

          Năm Ư'ng-Thiên Nam quân khởi hấn,

          Mang chiến thuyền cướp trấn Như-Hồng (56),

          Lại khi quấy nhiễu châu Ung,

316.   Khi truy nội tặc đến vùng Khâm-Châu.

 

          Triều đình Tống trước sau chẳng hỏi,

          Lại ân ban ngọc đới, chiếu thư.

          Ðại-Hành tạ sứ, phân bua

320.   Rằng: là giặc bể, năm xưa Như-Hồng;

 

          Nếu Giao quân, Phiên-Ngung thẳng tiến,

          Rồi đại quân, Mân-Việt tràn lên,

          Há chi một mảnh trấn biên

324.   Chẳng hay văn võ Ngự tiền biết chưa? (57)

 

          Nền Bách-Bảo nắng mưa dầu dãi (58),

          Ngọn Ðại-Văn vạn đại trơ trơ;

          Nhân dân một thuở ơn nhờ

328.   Công, thương, nông nghiệp bấy giờ mở mang.

 

          Dân nô nức khai hoang lập ấp,

          Quân mở đường ngăn giặc lập công (59),

          Hai mươi năm lẻ mặn nồng,     

332.   Thịnh suy rồi cũng nối vòng tử sinh (60).

 

 

* Nhà Tiền Lê suy: Lê Trung Tông và Lê Ngoạ Triều.

 

 

          Khi Hoàng đế Ðại-Hành mệnh tuyệt,

          Con thứ là Long-Việt nối ngôi;

          Nhà Lê đến vận suy đồi

336.   Loạn cung em mượn tay người giết anh (61).

 

          Trong gia đạo đoạn tình cốt nhục,

          Chốn cung đình nát mục ươn hèn,

          Triều thần văn võ bon chen,

340.   Khóc vua riêng có Ðiện-tiền Tướng-quân (62).

 

          Long-Ðĩnh triệu quần thần xưng đế,  

          Học đòi theo nghi vệ Tống liêu.

          Người đâu dâm bạo đủ điều,

344.   Liệt giường nên phải ngoạ triều trị dân! (63)

 

          Ngoài trăm họ oán than bất phục,

          Trong anh em quay mặt chống nhau,

          Phù-Lan vừa mỏi vó câu

348.   Giặc Cử-Long đã vào sâu chiến tràng (64).

 

          Tiếc cho kẻ trụ vàng giáp ngọc,

          Thương cho người bổng lộc ngựa xe;

          Triều cung bầy một trò hề

352.   Ðắm chìm bể khổ sông mê mặc lòng.

 

          Thế mà cũng viển vông kinh kệ,

          Cũng ra tài tế thế kinh bang (65)

          Canh thâu kinh khuyết mơ màng

356.   Nào ngờ bụng kẻ sói lang biên đình.

 

          Sứ Tống rõ nội tình Nam thổ,

          Xin cất quân thủy bộ Nam chinh.

          May thay Tống đế thể tình

360.   Lê triều một dạ chẳng đành binh đao (66).

 

          Sai sứ xuống đất Giao phủ dụ,

          Khuyên anh em khá giữ luân thường,

          Lại phong Giao-Chỉ Quận-vương,

364.   Ban cho ấn tín liệu phương trị bình.

 

          Lê Long-Ðĩnh bình sinh tàn bạo,

          Bốn năm trời nắm đạo trị dân

          Chưa hề bố đức thi ân

368.   Nên khi nằm xuống Lê phần đổ theo (67).

 

          Mới biết lưới trời treo lồng lộng,

          Càng ác tai càng chóng suy tàn,

          Mất lòng dân mất giang san,

372.   Gìn tâm đức mới muôn vàn bền lâu.


NHÀ HẬU LÝ(1010 - 1225)

 * Lý Công Uẩn khởi nghiệp:

 

 

          Chữ Tâm ấy mở đầu nhân quả,

          Nghiệp theo duyên vay trả, trả vay;

          Người trong thiên hạ xưa nay

376.   Giữ điều tâm đức mới dầy phúc duyên.

 

          Khi ấy vận Lê tiền đã dứt,

          Có một người đáng bậc mẫu nghi

          Ðức tài vẹn đủ ân uy

380.   Tính tình trung hậu, dung nghi rỡ ràng.

 

          Người ấy vốn quê làng Cổ-Pháp (68)

          Nhỏ theo hầu sư bác Khánh-Vân (69)

          Ðược làm nghĩa từ, tình thâm

384.   Mới theo họ Lý nối phần tục gia (70).

 

          Lý Công Uẩn nay đà thanh thế

          Cầm Tả quân, Thân-vệ Ðiện-tiền (71)

          Xem ra quả bậc nhân hiền

388.   Quần thần mới quyết phò lên ngai vàng.

 

          Ấy cũng kế Ðào lang (72) khuynh chánh,

          Ấy cũng mưu Vạn-Hạnh thiền sư (73);

          Tuy nhiên trong cõi phù du

392.   Dân là quý trọng, quân cư xá gì (74).

 

          Nợ xã tắc thôi thì gánh vác,

          Nỗi trăm dân phó mặc lẽ nao;

          Cửa công đã bước chân vào,

396.   Càng dầy phúc phận càng cao nhọc nhằn.

 

          Triều Hậu Lý hai trăm năm lẻ (75)

          Ðại-Việt ta trăm vẻ hùng anh.

          Bông sen trắng giữa trời xanh

400.   Tám mùa xuân sắc một cành thiên hương (76).


Lý Thái Tổ (1010 - 1028)

 * Dời đô ra Thăng-Long.

 

          Tan giá lạnh vầng dương sáng tỏ,

          Dậy xuân thì hoa cỏ đua tươi,

          Mây lành từ độ lên ngôi,

404.   Gió hoà mưa thuận, người người cảm an.

 

          Sớm Thuận-Thiên vua ban chiếu chỉ (77),

          Khắp kinh thành chuẩn bị dời đô;

          Ðinh triều kinh cũ Hoa-Lư

408.   Lập thành biệt phủ đổi là Trường-Yên.

 

          La-thành xưa dựng nền xã tắc,

          Ðất ngàn năm văn vật từ đây.

          Xe loan vừa đến thôn Tây

412.   Rồng vàng đã hiện ngàn mây đón mừng (78).

 

          Bèn lấy chữ Thăng-Long khai hiện

          Mở mang nền văn hiến Nam phương,

          Xây Văn miếu, dựng Phật đường (79),

416.   Mở khoa Tam-giáo xiển dương đạo hành (80).

 

          Lại chia nước ra thành lộ, trại

          Thêm cõi nam trại mới Ðịnh-Phiên;

          Khuyến nông, khích lệ thợ thuyền,

420.   Ðắp đê Cơ-xá, vỗ yên dân tình (81).

 

          Việc binh chế ngày càng tinh thục,

          Kén tướng tài, đôn đốc rèn quân;

          Phàm trong quốc thích, hoàng thân,

424.   Nhà nhà đều phải dự phần quân cơ.

 

          Khi nhà Lý gồm thu xã tắc

          Sai sứ sang triều Bắc cầu phong;

          Bắc triều khó nỗi tư dung (82)

428.   Tống vương đành cũng thuận đồng biểu chương

 

          Phong "Giao-chỉ Quận-vương" ban chiếu

          Sau gia phong vương hiệu "Nam-Bình"

          Nhân khi Dực-Thánh xuất chinh

432.   Phá hai mươi vạn Man binh Dương, Ðoàn (83).

 

          Miền châu Diễn lại toan gây rối (84)

          Rợ Cử-Long cũng nổi đao binh (85)

          Vua bèn ngự giá thân chinh

436.   Phong ba lại lắng, bất bình lại yên.

 

          Các hoàng tử binh quyền chấp chưởng,

          Khi đánh Chiêm chém tướng Bồ-Linh,

          Khi bình Man ở biên đình,

440.   Tràn qua đất Tống san bằng đụn kho (86).

 

          Trải mười chín xuân thu biến đổi

          Dưới trời Nam một mối sơn hà;

          Mục đồng vẳng khúc âu ca,

444.   Cỏ cây dầu cũng chan hòa móc mưa.


Lý Thái Tông (1028 - 1054)

 * Lê Phụng Hiểu dẹp loạn triều đình.

 

 

          Vua Thái Tổ mới vừa tạ thế (87),

          Trong hoàng triều huynh đệ tranh ngôi.

          Ðông-cung tuy đã định rồi,

448.   Nọc tham xui khiến lòng người đảo điên.

 

          Bởi sẵn nắm binh quyền vây cánh,

          Võ-Ðức vương, Dực-Thánh, Ðông-Chinh

          Mang quân vây kín thành kinh,

452.   Triều cung rối loạn, dân sinh phiền hà.

 

          Ðau xót cảnh nồi da xáo thịt,

          Gánh cương thường dẫu biết nặng vai,

          Trong hàng Võ vệ có người

456.   Chỉ gươm dõng dạc mấy lời trung ngôn:

 

          "Các ngươi trước quên ơn tiên đế,

          Sau sinh lòng khi dễ tự quân;

          Ðã không giữ đạo quân thần,

460.   Vậy Lê Phụng-Hiểu xin dâng gươm này!".

 

          Quát một tiếng chém ngay Võ-Ðức,

          Vòng trùng vi lập tức vỡ tan,

          Ðông-Chinh, Dực-Thánh kinh hoàng,

464.   Buông gươm bỏ giáp dậm ngàn cao bay.

 

          Lý Phật-Mã lên thay ngôi vị (88),

          Vốn am tường chính trị, lược thao,

          Thái Tông cũng bậc anh hào

468.   Ðáng cho hậu thế liệt vào minh quân.

 

          Vua vì đạo quân thần, cốt nhục

          Lấy khoan dung mở đức hiếu sinh;

          Một nền Ðồng-Cổ u linh

472.   Treo cao Hiếu, Nghĩa, Trung, Trinh sáng ngời (89).

 

          Năm hoạn nạn cứu người nghèo đói,

          Lại thường khi xá tội giải oan,

          Sửa điều luật pháp đa đoan

476.   Ðúc tiền Minh-Ðạo, sửa sang cầu đường.

 

         

* Giặc Nùng : Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao

 

 

          Mười năm lẻ bốn phương phẳng lặng,

          Giải Trung châu mưa nắng thuận hoà,

          Ðất bằng bỗng nổi can qua

480.   Một miền sơn cước chàm pha máu đào.

 

          Ðất Quảng-Nguyên bấy lâu nội thuộc,

          Nay biến thành cõi nước Tràng-Sinh (90);

          Người Nùng một thuở liệt oanh,

484.   Vạch riêng bờ cõi, đắp thành chiêu quân.

 

          Năm Minh-Ðạo Mậu Dần (dl.1038) vừa lúc

          Người Nùng tên Tồn-Phúc quật cường

          Xưng là Chiêu-Thánh Ðế-vương

488.   Ngang nhiên chống lại triều đường Thăng-Long (91).

 

          Ðầu Kỷ Mão Thái Tông ngự giá,

          Tiến quân vào biên địa Quảng-Nguyên,

          Ðạp bằng một giải lâm tuyền,

492.   Bắt Nùng Tồn-Phúc dẹp yên cõi bờ (92).

 

          Ngọn sóng gió vẫn chưa chịu lắng,

          Vợ con còn mật đắng nấu nung;

          Trí-Cao cũng kẻ anh hùng,

496.   Quật cường chiếm lại một vùng Ðảng-Ro (93).

 

          Ðại-Lịch quốc lập cơ nghiệp mới,

          Vạch sơn hà, chí nối cha anh.

          Thái Tông lần nữa thân chinh,

500.   Bắt rồi lại thả chẳng đành chu di (94).

 

          Mười năm thoáng qua đi như chớp

          Nùng Trí-Cao lập nước Ðại-Nam

          Xưng Nhân-Huệ Ðế Thánh -hoàng (95)

504.   Lâm tuyền lại đổi sa tràng, thảm chưa!

 

          Quách Thịnh-Dật xuất sư tiễu giặc,

          Hai bên cùng tổn thất bất phân.

          Trí-Cao bèn cử sứ thần

508.   Xin quy phục Tống toan phần dựa nương.

 

          Triều đình Tống tìm phương cự tuyệt,

          Nùng Trí-Cao bèn quyết điều quân,

          Tiến sang vây hãm Ung, Tân

512.   Tràn binh chiếm lấy phủ thành tám châu (96).

 

          Vua Ðại Tống toan cầu nhà Lý

          Khởi Nam quân bình trị biên đình.

          Bấy giờ Tống tướng Ðịch-Thanh

516.   Can, xin Lưỡng Quảng cử binh đánh vào.

 

          Quân Lưỡng Quảng binh đao chểnh mảng

          Khiến Tống triều hốt hoảng càng thêm;

          Trí-Cao dâng biểu ngang nhiên

520.   Ðòi phong Tiết-độ hai miền Quý, Ung.

 

          Thế mà Tống toan ưng cho ổn,

          E đánh càng hao tổn thiệt thua.

          Ðịch-Thanh lần nữa can vua,

524.   Xin cầm quân lệnh liệu mà phản công.

 

          Tống Ðịch-Thanh vốn dòng danh tướng,

          Cầm đại quân trụ vững như non,

          Ðợi khi giặc đã mỏi mòn

528.   Mới điều quân, cửa Côn-Lôn đánh vào.

 

          Giặc đang lúc trí kiêu ý mãn,

          Chia tướng tài phân tán đại binh;

          Vừa toan bổ cứu tình hình,

532.   Kỵ binh Tống đã cắt ngang bên sườn.

 

          Hoàng Sư-Mật tử thương trên ngựa,

          Nùng Trí-Cao nổi lửa bỏ thành.

          Vạn quân phút đã tan tành,

536.   Ngổn ngang chiến địa một vùng tang thương! (97)

 

 

* Lý Thái Tông đánh Chiêm, vào thành Phật-Thệ.

 

          Lại nhắc chuyện Chiêm vương ngày trước,

          Dưới tiền triều gây cuộc binh đao (98).

          Hai mươi năm lẻ về sau,

540.   Chưa nguôi khói lửa siết bao hãi hùng.

 

          Năm Giáp Thân (dl.1044) Thái Tông ngự giá,

          Mang chiến thuyền qua cửa Ngũ-Bồ;

          Tướng thành, ôi vạn cốt khô!

544.   Việt quân dẵm nát cơ đồ nước Chiêm (99).

 

          Cảnh quốc phá càng thêm tan nát,

          Phản tướng Chiêm hạ sát vua Chiêm (100);

          Bó thân hàng trước trận tiền,

548.   Kinh thành Phật-Thệ lại phen điêu tàn (101).

 

          Quân Việt bắt mấy ngàn người ngựa,

          Cùng Chiêm triều nhạc nữ, vương phi (102)

          Ngự thuyền rong ruổi về quê,

552.   Rượu vui vua bắt Mỵ-Ê sang chầu.

 

          Ðau nhục nước lòng sầu dạ hận,

          Mảnh chăn chiên gói phận thuyền quyên,

          Nước sâu rửa sạch ưu phiền,

556.   Nêu cao tiết liệt lưu truyền ngàn thu (103).



Lý Thánh Tông (1054 - 1072)

 * Ðổi quốc hiệu là Ðại-Việt: thời toàn thịnh của nước nhà.

 

 

          Trải mưa nắng mấy mùa dầu dãi,

          Sen Tây hồ nay lại trổ bông,

          Ðắm say ngàn biếc chen hồng,

560.   Vành khuyên thỏ thẻ, bướm ong tự tình.

 

          Năm Long-Thụy Thái-bình mở hội,

          Lý Thánh Tông lên nối ngôi vua (104),

          Ơn trời hòa gió thuận mưa,

564.   Vườn xuân Văn-Hiến được mùa trổ hoa.

 

          Nước từ nay gọi là Ðại-Việt (105),

          Dân bây giờ càng biết văn phong,

          Phạm nhân cũng được khoan hồng,

568.   Hình quan cũng được dậy lòng thanh liêm.

 

          Ðịnh quan chế, trang nghiêm phẩm phục,

          Soạn binh thư, bổ túc quân cơ (106),

          Nổi danh binh chế bấy giờ

572.   Tống triều cũng phải thăm dò học theo.

 

          Cửa từ bi cũng nhiều công đức,

          Chẳng những xây mấy bậc phù đồ,

          Dựng bia Phật ở Tiên-Du,

576.   Mà còn thương xót trùng tu lòng người.

 

          Nền Nho học đến thời vinh vượng,

          Thờ thánh hiền, đắp tượng Chu-Công,

          Xây miếu Khổng ở Thăng-Long,

580.   Khơi nguồn đạo sống từ trong luân thường (107).

 

 

* Chính sách biên thùy: Cứng rắn với phương Bắc, mở rộng bờ cõi về phương Nam.

  * Lý Thường Kiệt bình Chiêm.

 

 

          Việc giao hiếu Bắc phương cũng khéo,

          Hội Ung-Châu dễ chịu kém ai;

          Năm xưa Tống tướng Bảo-Tài

584.   Bị quân Việt bắt ở ngoài biên cương...

 

          Nay Tống phái Thị-lang Dư-Tĩnh,

          Ðến Ung-châu bàn định thảo thương;

          Việt không trao trả họ Dương

588.   Hiển nhiên đã có chủ trương Bắc thùy (108).

 

          Người Chiêm quốc lắm khi quật khởi,

          Vượt biển khơi gây rối ven duyên;

          Tiền triều hai cuộc chinh yên

592.   Vẫn chưa nguôi chí cương kiên phục thù.

 

          Từ dạo Tống cho mua lừa ngựa,

          Ban bảo câu, nâng đỡ tinh thần,

          Giúp ngầm lực lượng Chiêm quân,

596.   Chiêm vương Chế Củ định phần tuyệt giao.

 

          Thế là cuộc binh đao Chiêm-Việt

          Do Lý triều Thường Kiệt thảo nghiên

          Bệ rồng nay đã dâng lên,

600.   Vua cho chuẩn bị chiến thuyền vượt khơi (109).

 

          Năm bữa tới chân trời Nhật-Lệ (110)

          Thuỷ lực Chiêm ra bể cản nghênh,

          Rồng thiêng một trận tung hoành

604.   Ba đào thắt đã an bình như không.

         

          Bốn ngày tới Tư-Dung duyên hải,

          Thêm ba ngày Thị-Nại hiện ra,

          Mênh mông một giải cát ngà,

608.   Việt quân đổ bộ vượt qua chiến hào.

 

          Tướng Chiêm dựa Tu-Mao dàn trận (111),

          Quân Thăng-Long thừa vận tràn lên,

          Ầm ầm thác đạn mưa tên,

612.   Việt quân rầm rộ thẳng miền kinh đô.

 

          Chế Củ thấy cơ đồ đã nát,

          Bỏ kinh thành lưu lạc Nam phương;

          Việt quân đuổi đến cùng đường,

616.   Vua Chiêm phải dắt vợ con xin hàng (112).

 

          Thành Phật-Thệ thêm trang quốc phá,

          Hận Ðồ-Bàn vay trả rồi đây,

          Vua tôi năm vạn bó tay,

620.   Mây thành theo ngọn gió bay thảm sầu!

 

          Ðoạn trường có qua cầu mới biết,

          Khí hùng thời oanh liệt còn đâu,

          Mũ gai, áo vải gục đầu,

624.   Theo xe vua Lý mà đau nỗi nhà!

 

          Chiêm vương phải dâng ba châu huyện (113)

          Mới được cùng gia quyến hồi hương;

          Từ nay Ðại-Việt hùng cường,

628.   Tìm đường Nam tiến, mở mang Nam thuỳ (114).

 

 

* Ỷ-Lan Thái phi. 

 

          Lý Thánh Tông khi về cõi phúc,

          Thái tử là Càn-Ðức nối ngôi.

          Nhân Tông đang thuở thiếu thời,

632.   Buông rèm giám quốc ấy người Ỷ-Lan (115).

 

          Thái-sư Lý Ðạo-Thành phụ chánh,

          Vốn vẹn toàn đức thịnh tài cao;

          Võ thần thêm bậc lược thao

636.   Một tay Thường-Kiệt  trào đình vững yên (116).

 

          Nay nhắc chuyện nhân duyên thuở trước,

          Buổi thái hoà, dân nước bình an;

          Thánh Tông phải nỗi muộn màng

640.   Mới cầu tự khắp chùa làng, miếu kinh.

 

          Một hôm ngự phương đình Thổ-Lội (117),

          Cho bàn dân chiêm bái long nhan;

          Thôi thì nô nức hân hoan,

644.   Trẻ già, trai gái mấy làng chen nhau.

 

          Hương đồng nội hoa cau thanh thoát,

          Sắc quê mùa xanh ngát vườn ai,

          Có người thôn nữ trâm cài,

648.   Thản nhiên dựa bụi lan đài hái dâu.

 

          Cảnh xa mã trước sau chẳng ngó,

          Sắc khuynh thành chưa tỏ dung nhan;

          Vua bèn vời đến hỏi han,

652.   Mới hay ngôn hạnh đoan trang tuyệt vời.

 

          Trúc xanh ngắm càng tươi nét trúc,

          Lan nụ nhìn thêm tạc vẻ lan;

          Tình trong thôi đã chứa chan,

656.   Vua cho xa mã vời nàng về kinh.

 

          Yến nương vốn thông minh ưu tú,

          Chẳng bao lâu kinh sử lầu thông,

          Nào hay người chốn ruộng đồng,

660.   Cũng trang liệt nữ đứng trong đất trời.

 

          Khi thuyền ngự vượt khơi Nam tiến,

          Mấy tháng trời chinh chiến cầm quân,

          Ỷ-Lan giờ bậc phu nhân

664.   Sau rèm định việc quân thần thay vua (118).

 

          Nay tự quân mới vừa bẩy tuổi

          Nước nhà lâm thời buổi khó khăn,

          Trong thì chính kiến đôi phân (119),

668.   Ngoài thì giặc Tống chuyển quân đắp đường.

 

          Thái -phi vẫn cương cường trung chánh

          Vừa dậy con vừa gánh sơn hà (120);

          Mới hay trong đạo đàn bà

672.   Tam tòng, tứ đức, nước, nhà ... dễ đâu.

 

          Thế mới biết nối sau Trưng, Triệu

          Khách má hồng nào thiếu tinh hoa;

          Lẽ thường cọp chết để da,

676.   Tiếng thơm là cái người ta để đời.

Lý Nhân Tông (1072 - 1127):

 *Triều đại hùng cường, đánh Tống bình Chiêm.

 

          Khi Càn-Ðức lên ngôi cửu ngũ,

          Phò Lý triều văn võ trung lương,

          Lập nên triều đại hùng cường,

680.   Văn tài hiển đạt, võ công rạng ngời.

 

          Tuy chinh chiến chẳng dời chính trị,

          Ngoài đê điều trị thủy ích dân,

          Vua còn xứng bậc anh quân,

684.   Mở khoa chọn kẻ chính nhân hiền tài (121).

 

          Lớp sĩ tử chen vai từ đó,

          Khoá Tam-trường rộng mở Nho tâm;

          Quốc-tử-giám, viện Hàn-lâm

688.   Là nơi kiến tạo mống mầm quốc gia.

 

          Kẻ trên ngựa xông pha cũng lắm

          Ðem máu đào tô thắm non sông

          Thời nay con cháu Lạc-Hồng

692.   Bình Nam đánh Bắc chiến công chưa từng.

 

 * Lý Thường Kiệt đánh Tống

 

          Nguyên, Tể-tướng Tống Vương An-Thạch

          Nuôi hùng tâm quét sạch biên thùy,

          Cử người Thẩm-Khởi chỉ huy,

696.   Toàn vùng biên địa tùy nghi tiến hành (122).

 

          Thẩm ban lệnh tuyển binh lập trại,

          Ðắp cầu đường, triệt thoái biên dân,

          Sung công thuyền muối tập quân,

700.   Xuất tiền mua chuộc thành phần nước đôi (123).

 

          Việc chuẩn bị đang hồi tiến triển

          Bỗng xẩy cơn binh biến Hạ, Liêu

          Quảng, Ung ta thán cũng nhiều

704.   Cho nên việc đánh Lý triều tạm ngưng.

         

          Lý lên tiếng đòi Nùng Thiện-Mỹ

          Ðem về triều xử trị dậy răn;

          Kẻ kia chưa chịu phân trần

708.   Còn thêm chiêu dụ thích thân họ Nùng.

 

          Cuộc Bắc phạt đã trong định kế:

          Thủy quân từ cửa bể Ðồ-Sơn,

          Chiến thuyền dựa vách núi non

712.   Tiến lên đánh úp thủy đồn Khâm-Châu.

 

          Lục quân cũng ba đầu Bắc tiến,

          Từ Quảng-Nguyên, Cổ-Vạn, Quảng-Lăng;

          Ðại quân thẳng nẻo Tư-Minh,

716.   Hợp cùng thủy lực đánh thành Ung-Châu.

 

          Lý Thường-Kiệt cầm đầu hạm đội,

          Tôn Ðản thân phân phối lục quân;

          Việt quân mười vạn giáp nhân

720.   Tràn lên tựa ngọn sóng thần bủa vây.

 

          Phòng tuyến địch Quảng-Tây tan vỡ

          Mặt Ðông-Nam toàn bộ tan tành.

          Lục quân Ðại-Việt tung hoành,

724.   Bảy ngày đã tới vây thành Ung-Châu.

 

          Quân thủy lực càng mau tốc chiến,

          Ðánh tràn vào ven biển Quảng-Ðông,

          Khâm, Liêm hai mặt tiến công,

728.   Ung-châu thoắt đã ở trong tầm nhìn.

 

          Tống triều mới hay tin hoảng hốt,

          Hạ lệnh cho sĩ, tốt, quân, dân;

          Khắp nơi tử thủ liều thân,

732.   Chờ quân tiếp viện Quế, Tân đổ về.

 

          Trời tháng chạp lạnh tê chiến bãi,

          Tuyết pha màu quan tái thê lương,

          Nửa đêm trống giục đoạn trường,

736.   Thành Ung thôi đã vô phương sống còn!

 

          Quân tiếp viện mỏi mòn chẳng thấy,

          Phút tử ly trông đấy mà đau.

          Tô-Giàm mượn ngọn lửa sầu,

740.   Ðền xong nợ nước vẹn câu anh hùng (124).

 

          Quân Lý đánh hỏa công tiêu diệt,

          Dân thành Ung một chết không hàng.

          Thương thay mấy vạn hồn oan ,

744.   Ghi trong chiến sử một trang não lòng!

 

          Việc đánh Tống cũng trong chiến sách,

          Cốt phá tan kế hoạch Nam chinh.

          Tháng ba vừa tiết Thanh-Minh,

748.   Lý Thường Kiệt kéo đại binh trở về.

 

* Nhà Tống phục thù.

 

          Việc châu chấu đá xe gây hấn

          Khiến Tống vương nổi trận lôi đình,

          Cấp thời kén tướng điểm binh,

752.   Xuất quân tinh nhuệ Nam chinh phục thù.

 

          Quân Ðại-Việt còn chưa cởi giáp,

          Lấy binh nhàn cường tập sau lưng,

          Hai bề Nam Bắc giáp công,

756.   Ấy là kế sách bàn trong Tống triều.

 

          Cử Triệu Tiết làm Chiêu-thảo-sứ

          Cùng Quách Quỳ chức Phó nguyên nhung

          Cờ bay, tám vạn binh hùng

760.   Hội quân Chiêm, Lạp trùng trùng kéo sang.

 

          Thuyền Tống ngược tiểu giang Như-Nguyệt,

          Gặp thủy quân Ðại-Việt đón đường,

          Việt quân làm chủ chiến trường

764.   Ðánh cho giặc Tống tổn thương hơn ngàn.

 

          Ðại quân Tống tiến sang sông Nhị

          Cũng bị quân nhà Lý bổ vây;

          Ầm ầm sóng dập, tên bay,

768.   Lửa chan mặt sóng, khói dầy cồn hoang.

 

          Trận mưa đá bắn sang như bấc,

          Chiến thuyền Nam thủng nát tơi bời,

          Mấy ngàn tử sĩ thây phơi,

772.   Hồn thiêng thét sóng đáp lời núi sông.

 

          Ðêm bãi chiến chập chùng sương cát,

          Nhìn trại thù san sát vây quanh;

          Bỗng nghe vang vọng âm thanh

776.   Từ đền Trương-Hát bên ghềnh khói lam:

 

          "Nước Nam Việt vua Nam làm chủ,

          Ðã tiệt nhiên định ở Thiên thư;

          Kẻ kia xâm phạm cõi bờ

780.   Trước sau cũng bại, chỉ mua nhục nhằn!" (125).

 

          Lời sông núi muôn phần linh ứng,

          Thủy quân ta chặn đứng quân thù;

          Từ miền biên địa hoang vu,

784.   Ðến vùng châu thổ dựng cờ phản công...

 

          Xuân vừa đấy đã nung lửa hạ,

          Cuộc tranh hùng chưa ngả hơn thua;

          Ðầy đồng bao bãi xương khô,

788.   Cỏ vàng chen lộn nấm mồ không tên.

 

          Buồn nghe giọng đỗ-quyên thảm thiết

          Nẻo quê nhà biền biệt thêm xa;

          Vì chưng thể diện quốc gia,

792.   Ðược thua cũng hổ tiếng là ngoại xâm.

 

          Triều đình Lý biết tâm dạ giặc,

          Cử sứ thần sang Bắc nghị hoà,

          Cũng là điều Tống thiết tha,

796.   Ngày đi tám vạn nay đà nửa vơi.

 

          Ðại quân Tống phải dời Nam thổ,

          Song rút về còn giữ mấy châu

          Quảng, Tư, Tô... mạn địa đầu (126)

800.   Hẳn mong vớt lại nửa câu anh hùng.

 

          Năm Mậu Ngọ (dl.1078) Nhân Tông cử sứ

          Sang Bắc triều nối sự bang giao;

          Năm voi đổi Quảng-Nguyên Châu,

804.   Mấy vùng còn lại cũng sau đòi về (127).

 

 * Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành.

 

          Nhắc lại việc trước khi đánh Tống

          Giặc Chiêm-Thành đã động binh đao.

          Dù chưa thoả chí lược thao,

808.   Hùng binh Lý đã tiến vào ba châu.

 

          Gần ba chục năm sau Lý Giác

          Lại gây mầm loạn lạc Nam biên;

          Quân triều đánh dẹp đã yên

812.   Nào ngờ Giác đã sang miền Chiêm vương.

 

          Chế Ma-Na quật cường nuôi chí,

          Nay được lời họ Lý hưng binh

          Mang quân lấy lại ba thành

816.   Ầm ầm kinh động triều đình Thăng-Long.

 

          Việc chinh phạt nhọc công lão tướng (128)

          Lại đem quân kéo xuống biên thùy.

          Chiêm vương bại trận khiếp uy

820.   Ba châu xin lại quy về nước Nam.


Lý Thần Tông (1128 - 1138)

Giai đoạn thịnh trị.

 

          Cuộc trần thế trăm năm cũng ngắn,

          Cõi con người ba vạn thoáng qua;

          Vua Nhân Tông lúc băng hà,

824.   Không con nối dõi nghiệp nhà lên ngôi.

 

          Triều đình mới lập người dưỡng tử,

          Cũng là con đệ ngự Sùng-Hiền,

          Tên là Dương-Hoán, tôn lên

828.   Mới mười một tuổi, vẹn tuyền nết na.

 

          Thần Tông, niên hiệu là Thiên-Thuận,

          Mở từ tâm khai vận thái hoà,

          Truyền đem tội phạm thả ra,

832.   Ruộng công cũng được trả về cho dân.

 

          Năm đại hạn mấy lần thí xá,

          E có người tội vạ oan khiên;

          Xem ra quả bậc vua hiền,

836.   Mới còn nhỏ tuổi tuy nhiên rộng lòng.

 

          Tống sắc phong Quận-Vương Giao-Chỉ,

          Sau gia phong vương vị Nam-Bình.

          Nước nhà ít việc chiến chinh,

840.   Tướng tài có Lý Công-Bình lược thao.

 

          Chân-Lạp bốn phen vào cướp phá,

          Có lần đem hơn cả vạn quân,

          Chiến thuyền ước bẩy tám trăm;

844.   Ta đem quân Nghệ bốn lần đánh lui.

 

          Người Chiêm cũng chưa nguôi hùng khí,

          Tiến quân vào biên địa Nghệ-an,

          Vua bèn kén chọn võ quan,

848.   Cử Dương Anh-Nhị xuất quân tiễu trừ.

 

          Từ mấy bận ban sư đắc thắng,

          Cửa Nam thùy gió lặng sóng yên.

          Mới vừa qua một thập niên,

852.   Thần Tông sớm đã quy tiên về trời.


Lý Anh Tông (1138 -1175)

 * Việc Ðỗ Anh-Vũ và công nghiệp Tô Hiến-Thành

 

          Thần Tông đã ra người vạn cổ,

          Thái-tử là Thiên-Tộ nối ngôi.

          Anh Tông đang thuở ấu thời,

856.   Bà Lê Thái-hậu ấy người trị dân.

 

          Bấy giờ kẻ cận thần Anh-Vũ,

          Vốn cùng người quả phụ tư thông,

          Lạm quyền tính chuyện cuồng ngông,

860.   Triều đình thao túng, cửa công kéo phường.

 

          Bọn Vũ Ðại, Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc,...

          Ðã toan vì đại cuộc trừ gian,

          Chẳng may hành sự đa đoan,

864.   Cơ mưu bại lộ thác oan mấy người.

 

          Ấy có phải lòng trời xui khiến,

          Mới gieo cơn tai biến thử xem,

          Hay là nhân thuật đảo điên,

868.   Mới gây nên nỗi oan khiên lật lường?

 

          May còn bậc trung lương chính trực,

          Gánh cương thường tận lực phò nguy,

          Mới qua bến mộng bờ mê,

872.   Nước nhà thoát cảnh rẽ chia tương tàn.

 

          Người ấy hiện làm quan Thái-úy,

          Tên Hiến-Thành, nguyên thủy họ Tô (129),

          Chính là một bậc chân Nho,

876.   Thân dân, minh đức chăm lo chuyên cần.

 

          Khi quốc biến cầm quân lên ngựa,

          Lúc thái bình khai hoá dân tâm;

          Ngẫm trong sự nghiệp ngàn năm

880.   Cũng là một bậc chính nhân đại hiền.

 

          Nhờ vận nước đã yên chính sự,

          Bởi tôi hiền giặc dữ gờm e;

          Quân Lào, giặc Hống đôi khi

884.   Nhọc công đánh dẹp đuổi về ngoại biên.

 

          Riêng ở mạn Thái-nguyên, Thân-Hợi

          Tự xưng là hậu bối Nhân Tông (130),

          Khởi binh chống lại Thăng-Long,

888.   Triều đình đã phải mấy công tiễu trừ.

 

          Ðỗ Anh-Vũ xuất sư đánh giặc,

          Thân-Hợi thua bỏ mặt Phú-lương

          Ðưa quân lên đóng Lạng-sơn,

892.   Hiến-Thành đuổi đến cùng đường đánh tan.

 

          Từ đấy được bình an trăm họ;

          Năm Mão, Thìn vua ngự long xa,

          Thăm dân, xem cảnh nước nhà,

896.   Sai người lưu họa quốc gia địa đồ (131).

 

          Thời ấy nước gọi là Ðại-Việt,

          Từ Hán, Ðường vẫn liệt quận châu,

          An-Nam gọi cũng từ lâu,

900.   Tống triều nay đã bắt đầu đổi thay (132).

 

          An-Nam Quốc từ rầy thay Phủ,

          Phong Anh Tông hai chữ "Quốc-Vương"...

          Ở ngôi ba bảy năm trường,

904.   Vua Anh Tông mất, ngôi nhường Cao Tông.


Lý Cao-Tông (1176-1210)

 * Mầm loạn trong lòng người

 

          Long-Cán được tấn phong Thái-tử,

          Cũng tuổi vừa mới độ lên ba;

          Theo như di chúc vua cha,

908.   Truất ngôi Long-Xưởng cũng là cơ duyên (133).

 

          Tuy Thái-hậu đòi phen phế lập,

          Tô Hiến-Thành một mực trung kiên.

          Ðến khi ông sắp quy tiên,

912.   Cử Trần Trung-Tá thay quyền phò vua (134).

 

          Khi ông mất, triều thừa Thái lệnh,

          Cử Yên-Di phụ chính tự quân.

          Tuy nhiên còn lắm trung thần,

916.   Nên điều phế lập mới đành bỏ qua.

         

          Cao-Tông lớn, xa hoa ngang ngạnh,

          Thiếu đức tài, tánh hạnh quân vương,

          Mua quan, bán tước nhũng nhương;

920.   Lý triều nghiêng mạch, đổ tường từ đây.

 

          Người Mường, Mán thường hay nổi loạn;

          Quân Chiêm-Thành hung hãn thừa cơ;

          Nghệ-An có gã Phạm Du

924.   Kéo phường vong mạng mưu đồ dã tâm.

 

          Quan Phụng-ngự điều quân đánh diết,

          Phá tan tành sào huyệt nghịch quân.

          Phạm Du bỏ chạy thoát thân,

928.   Sai người đút lót triều thần, cung vi...

 

          Vu cho Phạm Bỉnh-Gi hung bạo,

          Giết lương dân, trái đạo quân thần.

          Cao-Tông trong, đục bất phân,

932.   Triệu quan Phụng-ngự lao trần tống giam.

 

          Thấy chủ tướng hàm oan mắc nạn,

          Quách-Bốc bèn vây hãm kinh sư.

          Cao-Tông hạ lệnh giết tù

936.   Rồi mang Thái-tử chạy về sông Thao.

 

          Nhà Trần Lý, gởi vào nương náu,

          Ấy lòng Trời đã báo việc sau.

          Họ Trần nguyên đã từ lâu

940.   Ở làng Tức-Mặc sông sâu lưới chài.

 

          Từ vận nước hoạ tai hỗn độn

          Người Trần gia việc lớn sinh tâm;

          Lâu nay tính chuyện âm thầm,

944.   Tung tiền mộ cả những quân bán trời.

 

          Trần tiểu thư vốn người nhan sắc,

          Mảnh lưới tình ai thắt dây oan.

          Người trong cuộc, kẻ mơ màng,

948.   Khiến gây nên cuộc giang san đổi dời.

 

          Thái-tử Sảm lấy người Trần thị (135),

          Cha vợ phong tước vị, binh quyền,

          Lại phong quan chức Ðiện-tiền

952.   Cho người cậu ruột vốn tên Trung-Từ.

 

          Trần dấy nghĩa phò vua dẹp loạn,

          Khởi nghiã binh cứu nạn kinh sư.

          Một cơn khói lửa mịt mù,

956.   Lý triều nay lại trùng tu ngai vàng.

 

          Năm sau cơn kinh hoàng biến động

          Cao-Tông lâm bệnh trọng lìa trần.

          Ba mươi năm lẻ phù vân,

960.   Sen hồ xưa đã phai tàn từ đây!


Lý Huệ Tông (1211 1225) :

 *Nhà Lý bị họ Trần lấn át.

 

          Thái-tử Sảm lên thay hoàng phụ,

          Trên ngai vàng áo mũ, cân đai;

          Huệ Tông nhu nhược bất tài

964.   Chính triều trao cả vào tay họ Trần.

 

          Trần-Lý đã mãn phần tục cảnh (136)

          Con thứ là Tự-Khánh cầm binh

          Anh em chú bác hiển vinh

968.   Chẳng công hầu cũng loát khuynh đại thần (137).

 

          Thái-hậu đã đôi phần nghi ngại,

          Thường dầy vò hạch hỏi Nguyên-phi;

          Khánh đem quân rước vua đi,

972.   Huệ Tông cũng đã sinh nghi ngấm ngầm...

 

          Giáng Trần thị xuống làm ngự nữ,

          Rồi mẹ con lên ở Lạng-Sơn

          Lạ chi cái cảnh giận hờn

976.   Mẹ chồng khi cũng nổi cơn tam bành.

 

          Ðã trót nỗi sâu tình nặng nghĩa,

          Lòng dạ nào chia rẽ uyên ương;

          Bách nhau đến chỗ cùng đường

980.   Dẫu tình mẫu tử cũng mang thương lòng (138).

 

          Huệ Tông lén về cung từ đấy,

          Như cá tôm trong đáy thu mình;

          Nguyên-phi nay gọi Thuận-Trinh,

984.   Phong làm hoàng-hậu mặc tình báo ân.

 

          Người em họ là Trần Thủ-Ðộ,

          Ðiện-tiền quan nắm giữ trọng quyền

          Dụ vua lánh cảnh ưu phiền

988.   Vào chùa Chân-Giáo ngẫm nghiền lý Không!

 

          Thế mới biết dù trong quyền quý

          Chẳng ngoài vòng tục lụy tử sinh

          Trót mang hạt giống hữu tình

992.   Ðố ai thoát khỏi ngục hình tự tâm.

 

          Triều Hậu Lý hai trăm năm lẻ

          Rực rỡ nền văn trị, võ công,

          Khởi từ cửa Phật ruổi rong

996.   Ngựa xe rồi lại cửa Không mà về.


Lý Chiêu Hoàng (1225)

Nhường ngôi cho chồng.

 

          Thuận-Trinh ngôi chính thê Hoàng-hậu

          Sanh được hai gái thảo ngoan hiền

          Chị là công chúa Thuận-Thiên

1000. Gả cho Trần Liễu kết duyên họ nhà (139).

 

          Nhị công chúa hiệu là Chiêu-Thánh,

          Tên Phật-Kim, dung hạnh nhu kiều

          Huệ Tông rất mực quý yêu

1004 .Mới đem ngôi báu Lý triều truyền cho.

 

          Lý Chiêu-Hoàng tuổi vừa lên bảy,      

          Dẫu ngôi cao cũng gái ngây thơ,

          Cung vi, triều chính bấy giờ

1008. Một tay Thủ-Ðộ tha hồ tác tung.

 

          Ðộ lập kế, mưu cùng Trần thị,

          Thay đá vàng, vương vị đổi trao;

          Nội cung Trần Cảnh đưa vào,

1012. Làm quan Chính-thủ cận hầu nữ vương (140).

 

          Rồi bầy cảnh uyên ương tác hợp

          Khắp hoàng cung hoa đuốc rỡ ràng;

          Nữa sau là lễ đăng quang,

1016. Rành rành chiếu chỉ nữ-hoàng truyền ngôi!

 

          Chuyện vật đổi sao dời riêng để

          Ngàn năm sau miệng thế còn bưng :

          "Trống chùa ai đánh thùng thùng,

1020. Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng!" (141).

                                                                        

                                                                                    

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Truyện Sử
www.vietnamvanhien.net
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ của Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt

Trang [ 1 ][ 2 ][ 3 ]