Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4888
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com





CUỘC CHIẾN ĐẤU
CHO MỘT NƯỚC
VIỆT-NAM VĂN-HIẾN



Kính dâng:
Liệt vị Quốc Tổ,
Minh quân, Văn Thánh,
Anh hùng, Nghĩa sĩ.

Kính Tặng:
Đồng bào đang chiến đấu
cho Tự do và Tự chủ.






Nội Dung

Phần I: Lời Mở Đầu (trang 1)

Chương I - Một Nước Việt Nam Văn Hiến Cho Dân Tộc Việt Nam Văn Hiến
Chương II - Gánh Nặng Đường Xa...

Phần II:Tâm Vấn (trang 2)

Chương I - Xác Tín
Chương II - Quan Niệm Hành Động
Chương III - PHỤC VĂN: Đạo sống Vịêt
Chương IV - PHỤC HIẾN: Dân Tộc Văn Hiến
Chương V - PHỤC CHÍNH: Văn trị hòa đối, kinh tế an vi
Chương VI - PHỤC NHÂN: Xã hội Nhân chủ

PHỤ LỤC: (trang3)

BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO- Nguyên bản Hán văn của danh thần Nguyễn Trãi triều Lê. Bản dịch của cụ Bùi Kỷ.


Phần I

LỜI MỞ ĐẦU

Năm 1428, sau cuộc chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta dưới ngọn cờ đại nghĩa của Ðức Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, người anh hùng áo vải đất Lam-sơn được tôn lên làm vua tức vua Lê Thái-Tổ. Ngài bèn cử ông Nguyễn Trải (138O- 1442) làm bài "Bình Ngô Ðại cáo" để nêu cao chính nghĩa Tự chủ của dân-tộc. Bài Ðại cáo ấy là một áng văn tuyệt tác, được coi là bản "thiên cổ hùng văn" của nước ta, là một trong những bản Tuyên-ngôn Tự chủ, và cũng là một tài liệu lịch sử vô cùng quý giá. Ðoạn mở đầu bài Đại cáo viết:

Như ngã Đại Việt chi quốc.
Thực duy Văn Hiến chi bang.
Sơn xuyên chi phong vực ký thù.
Nam Bắc chi phong tục dịch dị...

Ðược dịch ra quốc văn như sau :

Như nước Việt ta từ trước
Vốn xưng Văn Hiến đã lâu
Sơn hà cương vực đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác….
(Bản dịch của Bùi Kỷ)

Chữ "Văn hiến" vốn có từ ngàn xưa trong ngôn ngữ của các Dân tộc Á đông, nhưng ngoài dân tộc Việt nam chúng ta, dường như chưa có một quốc gia nào đê xướng nó như một thứ Hiến chương lập quốc. Thật vậy, người Việt Nam vốn tự tin ở nền văn-hiến lâu đời của dân-tộc mình. Niềm tự tin ấy đã biến "Bốn ngàn năm văn hiến" thành tiếng reo vui rạng rỡ nhất, trong sáng nhất và vinh quang nhất của cả một dân tộc.

Chữ "Văn hiến" có nghĩa là gì ?

Theo nghĩa cổ, một nước văn-hiến (Văn-hiến chi bang) là một quốc gia có pháp chế, kỷ cương, có thuần phong mỹ tục (văn) và có những người hiền đức (hiến). Chữ Văn-hiến như vậy bao gồm cả người và nếp sống con người. Nếp sống Văn hiến vốn là nếp sống Văn minh; nhưng xét kỹ mới thấy nếp văn minh ấy đã được thể hiện cả ở ngoài con người (pháp chế, kỷ cương, thuần phong mỹ tục... ) lẫn ở trong con người (người hiền đức) . Nói khác đi, văn hiến bao gồm cả nền văn minh ứng dụng (ngoài con người) lẫn nền văn minh đạo học (trong con người) . Thuật ứng dụng thuộc về kỹ thuật, thì ngày một tiến bộ và phát triển nhưng "đạo" thì từ cổ chí kim vốn không khác; cho nên nền văn minh văn hiến không phải chỉ được biểu trưng bằng sự tiến bộ của kỷ thuật, nó còn có những giá trị không bao giờ biến đổi. Hiểu theo nghĩa ấy thì "văn-hiến" chính là một nền văn minh tổng hợp và trọn vẹn của loài người xưa cũng như nay, nghĩa là trong mọi thời đại. Trong thời buổi suy vi điên đảo, người ta thường chỉ nhận thức nếp sống văn minh là một nếp sống tiến bộ, vô tình đã lãng quên những giá trị bất biến của cuộc sống.

Theo một vài tác giả. chữ "Hiến" còn có nghĩa là hiến dâng, nghĩa rất bình thường và có lẽ chẳng có gì sâu sắc lắm. Nếu ta tạm hiểu chữ "Hiến" theo nghĩa ấy thì nền "Văn-hiến" của một dân tộc chắc hẳn phải có ý nghĩa gì khác hơn là một nếp sống, ở đấy con người chỉ biết mòn đời hiến dâng cho văn-chương chữ nghĩa. Vậy phải chăng " hiến " ấy là hiến dâng cho văn-minh loài người? Có như thế thì "Bốn ngàn năm văn-hiến" mới là niềm hãnh diện lớn lao nhất, là tiếng reo vui vinh quang nhất của dân tộc Việt Nam. Cả một dân-tộc biết hiến dâng bao nhiêu thế kỷ nỗ lực cho lẽ sống văn minh; cho nên nếp sống văn hiến ấy đã trở thành gốc nền chính trị minh triết của dân tộc Việt chúng ta.

Dù hiểu theo nghĩa nào thì "văn hiến" cũng là nền tảng sinh tồn đã có từ mấy ngàn năm trong nếp sống Việt-nam . Chúng ta thường gọi đó là "Nền văn hiến" tức là nền văn trị làm sáng tỏ đạo Nhân, để phân biệt với các nền võ trị lấy sức mạnh làm lẽ sinh tồn, lấy gông cùm chuồng cũi làm phương tiện thống trị; hoặc cũng để phân biệt với các nền pháp trị cực đoan lấy những phán quyết lạnh lùng của lẽ công bằng về quyền và lợi rèn lưỡi gươm công lý.

Về phương diện chính trị, thế giới ngày nay lấy tinh thần dân chủ pháp trị làm nền tảng xây dựng quốc gia. Trong khi đó nhiều chế độ lạc hậu vẫn bảo thủ và phát triển nền độc tài võ trị và lại có những quốc gia trong tình trạng chậm tiến vẫn phải chấp nhận một sự hoà trộn giữa tinh thần pháp trị và những phương tiện võ trị . Ðiêu đáng tiếc là đạo văn trị sáng ngời nhân tính thì dường như không còn ai biết đến hoặc nói đến.

Trong cuộc sống văn hóa, nhân loại đề cao nếp sống văn minh , nhưng như trên đã đề cập, nếp sống văn minh ấy chưa được nhận thức một cách chính xác, chữ "Văn hiến" không có trong ngôn ngữ phổ thông, nên có thể nói thế-giới chưa có "mô thức" rõ rệt cho một nền văn minh trọn vẹn. Văn hoá được định nghĩa tòan bộ những gia sản thừa kế của một dân tộc và được cả dân tộc cùng tự ý thừa nhận nên đã trở thành nếp sống. Còn văn minh thì được coi như sự phát triển văn hoá của những dân tộc tiến bộ nhất. Nếu hỏi rằng thế nào là một dân tộc tiến bộ ? chắc hẳn mỗi người sẽ có thể hiểu theo một cách.

Chữ "Nền văn minh" tiếng Anh viết là "civilization" (chữ civil ở đây gốc ở chữ civis có nghĩa là thị dân, tức là dân chúng sống nơi đô thị có những phương tiện sinh sống tiến bộ hơn dân chúng sống ở thôn quê). Chữ "văn minh" của Tây phương chỉ rõ nếp sống thị thành. Ai cũng biết phương tiện sống nơi đô thị chắc chắn tiến bộ hơn ở thôn quê, nhưng cách sống thì chưa hẳn đã hoàn toàn tốt đẹp.

Văn minh hay "Lẽ sáng" là vốn liếng sinh tồn của loài người. Ai cũng chuộng cái văn minh, thế nhưng trong cái vốn văn minh ấy cũng có thứ văn minh được gọi là "nhân bản" và cũng có thứ văn minh nên gọi là "vật bản". Loài người nếu biết hiến dâng những công lao và thành qủa của cuộc sinh tồn cho nền văn minh nhân bản thì mới đáng gọi là "văn hiến"; còn nếu chỉ biết hiến dâng đời mình cho nếp sống tiện nghi vật chất thì chỉ đáng gọi là "vật hiến" mà thôi. Vậy văn hiến chính là một nền văn minh tổng hợp và trọn vẹn: văn minh kỹ thuật lưu hành ngoài con người và văn minh đạo học thể hiện trong con người.

Vì những lợi ích thiết thực, chữ "văn-hiến" và danh xưng "Nước Việt-Nam Văn-hiến" có nên và có thể dịch ra Anh ngữ hoặc những ngôn ngữ khác được không? Chúng tôi thành thật xin được các bậc cao minh chỉ giáo.

Thế kỷ 20 là thế kỷ vượt tiến của nền văn minh kỹ thuật, là thế kỷ ưu thắng của nền dân chủ pháp trị theo quan niệm và lề lối Tây phương; chúng ta học hỏi và được thừa hưởng những tiến bộ vượt bực của thế giới; nhưng trong cuộc hành trình ấy người Việt Nam vẫn cần phải giữ lấy cái gốc nhân bản cổ truyền; nền văn minh Việt Nam cũng như nền chính trị Việt cần phải được soi sáng dưới tinh thần văn hiến Việt, ta mới không biến thành một thứ chư hầu lệ thuộc văn hoá duy lý Tây phương, mà dựng cờ Tự chủ.

Nhân nói tới hai chữ "văn hiến" chúng ta hãy lắng tâm để hoà mình với những âm hưởng xa xưa của nền văn hiến vẻ vang ấy… Huyền sử thuật rằng khoảng trên dưới năm ngàn năm xưa, vua Ðế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, nhân đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp bà Vụ tiên, hai người kết duyên sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục sau làm vua ở phương Nam, tức là về phía nam sông Dương Tử, lấy sông Kinh và sông Dương làm ranh giới với phương Bắc; nhân đó xưng hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ (là tên một vì sao trong nhị thập bát tú, đóng ở phương Nam, hành hoả, sắc đỏ). Vua Kinh Dương Vương kết duyên cùng bà Long Nữ ở Ðộng Đình Hồ, sinh ra Sùng Lãm tức là Ðức Lạc Long Quân, ông tổ của Bách Việt.

Lạc Long Quân là con bà Rồng (Bà Long Nữ ở Ðộng Đình Hồ) và là cháu bà Tiên (Bà Vụ Tiên ở núi Ngũ Lĩnh). Thời xưa theo mẫu hệ nên con cháu vua Lạc Long tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên để dễ ghi nhớ nguồn gốc.

Lạc Long Quân sáng lập Bách Việt; Trăm Việt phải liên miên đương đầu với các thế lực du mục võ trị từ phương Bắc tràn xuống xâm lăng, gây cảnh cá lớn nuốt cá bé. Dòng Lạc Việt lập nước Văn Lang ở phương Nam, là phương hướng tác hành của Hoả đức, lấy họ là Hồng Bàng, đổi mẫu hệ thành phụ hệ (gọi là phụ đạo) để lấy sức nam nhi chống giặc ngoại xâm; nhưng dựng nền văn hiến để giử gìn đạo Nhân, khởi xướng văn-trị. Các vị Lạc Vương dòng Lạc Việt đều xưng vương hiệu là Hùng Vương, truy hiệu Tổ Kinh Dương Vương là Hùng Dương, Tổ Lạc Long Quân là Hùng Hiền. Người Việt thờ cúng Tổ tiên, tôn xưng mười tám vị Thánh vương đời Hùng là Tộc tổ và Quốc tổ, lại nhận mình là con Hồng cháu Lạc (tức là con họ Hồng Bàng, cháu nội họ Lạc Long).

Huyền thoại kể rằng : Lạc Long Quân kết duyên với bà Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con, nhân đó mới sáng lập Bách Việt . Ngài đem thuần phong mỹ tục dạy dân, trăm họ được yên ổn. Lạc Long Quân lại thường hay du ngoạn thuỷ phủ, nhưng dân hễ có việc nguy biến thì gọi " Bố ơi ! đi đàng nào không về cứu chúng con! " tức thì uy linh cảm ứng, Lạc Long Quân lập tức về ngay. Ngày kia, nhân luận bàn về nghĩa hợp tan, Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ rằng:

- Ta là loài Rồng, sinh trưởng ở Thuỷ phủ; nàng là giống Tiên, người ở trên núi; thủy hoả phân biệt, khó mà cùng nhau trường cửu. Nay nàng hãy đem 50 con lên núi, còn 50 con theo ta xuống biển…Lại dặn rằng tuy vậy khi có việc gì thì cùng nghe không được bỏ nhau (nhân đó truyền đạo sống Tiên Rồng) và dặn các con khi gặp nguy biến thì gọi to lên:

- Bố ơi ! ở đâu về cứu chúng con !

Ðời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân từ phương Bắc xâm lăng nước Văn Lang ta. Dân tình lầm than tàn hại. Quân triều chống không nổi giặc, thế cùng vua Hùng mới lập đàn cầu Tổ Lạc Long về cứu. Ðức Quốc Tổ liền hiện thân thành một cụ già áo đỏ (tượng trưng hoả đức) chơi đùa cùng đám con nít bên đường. Vua ngự qua, biết chẳng phải người thường, bèn xuống ngựa bước tới đảnh lễ thỉnh cầu Ngài dậy việc cứu nước. Ðức Quốc Tổ dậy nhà vua hãy sai sứ đi khắp nơi tìm người hiền giúp nước… Sứ giả một ngày kia đi đến làng Phù Đổng thì có một cậu bé lên ba từ lúc sinh ra chưa biết nói chưa biết cười, bỗng mở lời xin vua ban cho ngựa sắt roi sắt để đi đánh giặc. Sứ kinh dị nhưng cũng y lời trở về tâu vua. Vua sai đúc ngựa sắt roi sắt ban cho. Cậu bé Phù Đổng bèn vươn vai nhảy lên ngựa sắt, cầm roi sắt xông vào trận giặc. Ðánh mãi roi sắt phải gẫy, người bèn nhổ những khóm tre sẵn mọc bên đường thay khí giới mà đánh tan giặc Ân. Từ đấy nước lại thanh bình.

Lại kể rằng: Dân Văn Lang ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá thường bị thuỷ quái làm hại. Vua Hùng dạy:

- Ta là giống Rồng, cùng với loài thuỷ tộc có khác. Bọn chúng ưa đồng mà ghét dị nên mới xâm hại…

Nhân đó dạy dân tục vẽ mình. Nhờ hiểu lời dạy vẽ mình nên dân ta mới không bị hoạ cá lớn phương Bắc nuốt sống, đồng hoá tiêu diệt trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc

Thế kỷ 19, 20 nước ta lại bị giặc phương Tây xâm lăng, ngót một trăm năm chịu cảnh đô hộ nhục nhả. Con cháu vì lâu ngày quên mất lời Tổ dạy; có người cầu Tổ Mác Lê về cứu nước, có người lại giao nước cho ngoại bang giữ hộ. Do đó nước mất nhà tan, dân phải bỏ nước mà đi, còn lại 50 triệu người phải vẽ mình sống với loài thuỷ quái ưa đồng ghét dị.

- Sao không ai nhớ lời Quốc Tổ mà gọi to lên : Bố ơi! ở đâu về cứu chúng con!

Việt lịch Văn hiến năm thứ 4864
Ngày Rằm tháng Bảy năm Giáp-tý
(Tháng 9 năm 1985).

Người ghi chép: Vũ Thanh Thư


CHÚ THÍCH:

* Chữ Văn hiến có lẽ đã xuất hiện đầu tiên trong sách Luận Ngữ Thiên "bát dật" (chương tám) của sách này viết:
"Thầy nói: Lễ nghi của triều Hạ, ta có thể nói được; (lễ nghi ) nước Kỷ đông đủ để trưng dẫn. Lễ nghi của triều Ân, ta có thể nói được; (lễ nghi nước Tống không đủ để trưng dẫn. Sở dĩ vậy là vì Văn Hiến (của hai nước này) không đủ; nếu đủ ta có thể trưng dẫn rồi !"

Chú thích hai chữ văn hiến trong đoạn trên đây, Chu Hi (1130-1200) - triết gia triều Nam Tống ( 1127-1279) đã viết như sau:
"Văn, điển tịch dã; Hiến, hiền dã!" (Văn là định chế, phép tắc, hiến là người hiền tài).

Các từ điển nổi tiếng của Trung Hoa sau này như "Từ Nguyên, TỪ HẢI"… đều theo định nghĩa trên đây của Chu Hi.
(Chú thích của Minh Di)


CHƯƠNG I

MỘT NƯỚC VIỆT NAM VĂN HIẾN CHO
DÂN TỘC VIỆT NAM VĂN HIẾN

Trên bản đồ thế giới, Việt Nam là quốc gia ở vị trị cực nam đối với hai khối đế quốc khổng lồ Nga Hoa, và là phần đất ở viễn đông đối với khối Tây phương. Ở vào vị trí ấy, Việt Nam được thừa hưởng tinh thần học thuật phong phú của Ðông phương và là ải địa đầu tiếp nhận tinh hoa của nền văn hóa từ Tây phương đem lại. Nhưng đồng thời, theo lý giải đông phương, Việt Nam tất phải chịu trọn vẹn những thử thách trước sức mạnh tràn ngập của phương Bắc (hành thủy) cùng với khuynh hướng bành trướng của Tây phương (hành kim) . Lịch sử đã chứng minh điều này bằng những sự kiện thực tế.

Trong khoảng 20 thế kỷ, Việt Nam đã phải chống trả với ít nhất 15 cuộc xâm lăng của phương Bắc. Từ thế kỷ 19, Việt Nam lại phải đương đầu với sự bành trướng dãn nở của các dân tộc Tây phương đi tìm thuộc địa. Ðến thế kỷ thứ 20, khối Tây phương bất đầu co rút lại thì chủ thuyết duy vật của Tây phương lại mượn phương Bắc, tức là con gấu địa cực Nga sô, để tràn xuống xâm lăng các dân tộc phương Nam kể cả Trung-hoa. Thế là kể từ thời lập quốc cho đến nay, dân tộc ta đã trải qua ba cơn kiếp nạn:

- Cơn quốc nạn thứ nhất là cuộc Bắc thuộc một ngàn năm, dân tộc Việt bị phương Bắc xâm lăng cai trị và âm mưu đồng hóa;

- Cơn quốc nạn thứ hai là ngót một trăm năm nô lệ thực dân, ảnh hưởng văn hóa Tây phương như dòng nước lũ đã cuốn phăng đi những gì không bám chặt được vào đất;

- Cơn quốc nạn thứ ba chính là cuộc xâm lăng hiện tại của đế quốc Đỏ với chủ thuyết duy vật. Ðây là cuộc xâm lăng có tầm mức toàn cầu, có đường lối tinh vi nhất và có chủ trương sâu độc nhất. Nó hết sức tinh vi vì đối với phần lớn dân chúng, thật khó mà phân biệt được sự thật và sự giả ngụy, vì quân xâm lăng đã biến thành vô hình trong hào quang của các cuộc chiến tranh giải phóng, hơn nữa vì chính những kẻ làm tay sai cho giặc cũng luôn luôn tưởng mình là những bậc anh hùng cứu nước cứu dân (!). Hồ Chí Minh đã xiết bao mừng rỡ khi đọc bản " Luận cương Cộng-sản ", đến nỗi " Lệ bác Hồ rơi xuống chữ Lê Nin " (!). Giờ đây chắc hẳn tác giả của câu này đã có lúc nghĩ rằng những giọt nước mắt quá sớm ấy thật là thừa thãi và thảm nhục! Cơn kiếp nạn thứ ba của dân tộc ta hiện nay chính là cuộc tấn công phối hợp đại quy mô từ Bắc phương và Tây phương vậy.

Trong cơn kiếp nạn tàn hại nhất này; vì nó tàn phá không những các nền tảng quốc gia, xã hội, dân tộc, mà còn huỷ hoại cả bản chất con người . Cùng một lúc ta phải đương đầu với tư tưởng duy vật Tây phương và sức mạnh xâm lăng tràn ngập của Bắc phương. Vì thế dân tộc ta cần kiên nhẫn chiến đấu để tự giải thoát, giành lại tự chủ, đồng thời để bảo tồn và thành tựu nền Nhân chủ của phương Nam (phương hướng tác hành của " hỏa đức " ). Nhưng làm sao chiến đấu? làm sao ta có thể vẫy vùng dưới sức mạnh và sự thống trị tinh vi của xâm lược Tây Bắc ?

- Mượn sức mạnh và khí giới hiện đại đề chống lại sức mạnh của Bắc phương được trang bị khí giới giết người hiện đại? Lấy sở trường của giặc để đánh giặc là con đường phiêu lưu nhất, vì ta chưa thể tự lực, chưa thức tỉnh được những kẻ đang làm tay sai cho giặc (tức là nhóm lãnh đạo đảng cộng sản địa phương), và ta không có một đồng minh chiến lược thực sự để chống lại ngọn sóng xâm lăng duy vật (chính thế giới Tây phương đang bị tư tưởng duy vật tràn ngập);

- Lấy chủ thuyết chống lại chủ thuyết? Ta cũng vẫn dùng sở trường của giặc để đánh giặc. Chủ thuyết là sản phẩm Tây phương. Tinh thần duy lý Tây phương đang ưu thắng; thế giới ngày nay tôn thờ năng lượng, đề cao các giá trị vật chất. Các khối kinh tế dù là tư bản hay cộng sản cũng không thoát khỏi vũng lầy duy vật. Nền nhân bản học của thế giớỉ không đủ sức chống lại ma lực của văn minh vật chất Tây phương, trái lại hai chữ " nhân bản " còn bị chủ thuyết duy vật tiếm đoạt xử dụng. Ði tìm một chủ thuyết chỉ là ảo vọng của những ai qúa tin vào sức mạnh của nền triết học duy lý. Nền triết học đã tạo ra những trung tâm bạo lực của thế giới ngày nay.

- Ðấu tranh chính trị? Mặc dầu ta phải bênh vực cho chính nghĩa tranh đấu của dân tộc trong mọi hoàn cảnh, mọi phút giây, ta cũng khó có hy vọng tạo được một thế lực chính trị đơn phương không có sự hỗ trợ hữu hiệu của bạo lực. Ðối với thế giới yêu chuộng Tự do cơm áo, ta cũng không hy vọng sự gào thét trong sa mạc về quyền sống dân tộc sẽ được người ta nghe thấy và bênh vực. Trong bóng tối vĩ đại của nền văn minh vật chất ngự trị, chỉ có tiếng nói của bạo lực là vang vọng hơn cả. Trên thực tế, thế giới Tự do Tây phương luôn luôn bênh vực những lý lẽ của kẻ thù để bào chữa cho những thất bại, những cuộc tháo chạy của mình.

Tuy nhiên dân tộc chúng ta đang thực sự chiến đấu trong mọi hoàn cảnh, dưới mọi hình trạng, kể cả những hình thức cổ điển nhất tức là các cuộc võ trang nổi dậy của từng nhóm nhỏ với vũ khí thô sơ. Cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam tất phải kết thúc bằng cuộc chiến thắng thầm lặng trên chiến trường Việt-nam. Tại sao?

Thế giới ngày nay đang tôn sùng và dâng hiến cho nền văn minh vật chất, do đó phái duy vật mới thắng thế trên trường chính trị, hiện tượng thiên tả xẩy ra khắp mọi nơi. Đó là kết quả của cuộc phối hợp vô hình giữa Bắc phương và Tây phương được biểu thị bằng tinh thần "vật hiến". Trước hoàn cảnh suy đồi về chính trị và luân lý do cuộc xâm lăng của chủ nghĩa Cộng sản và tư tưởng Duy vật, thế giới Tự do "duy lợi" chỉ biết xử dụng chiến lược duy nhất là tự thu nhỏ dần dần, làm sao để chính mình không bị thiệt thòi thái quá. Như vậy chúng ta có còn một chút hy vọng nào ở một người bạn đồng minh Tây phương không? Phải khẳng định rằng chúng ta không thể hy vọng ở sự bênh vực của bất cứ một siêu cường Tây phương nào cả. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta sẽ không hợp tác với khối Tự do , ngược lại ta phải giúp nhân loại "thiến" con gấu địa cực (theo lý thuyết của triết gia Kim Định). "Thiến" có nghĩa là làm cho nó không sinh sản truyền giống mà bành trướng được. Nhưng "thiến" bằng cách nào?

Chúng tôi tin tưởng bằng cách xử dụng tất cả sự kiên trì và tất cả uy lực của một truyền thống văn hiến bốn ngàn năm để đánh thẳng vào tinh thần "vật hiến" đang ngự trị thế giới, chúng ta có thể làm một cuộc cách mạng phi thường: cuộc cách-mạng văn hiến. Ðây chính là sứ mạng thiêng liêng cao cả nhất của dân tộc Việt Nam, dân tộc "vốn xưng văn hiến đã lâu".

Trong bối cảnh toàn cầu của một cuộc chiến đấu giành tự chủ cho dân tộc, chiến thắng đầu tiên và chiến thắng cuối cùng phải củng cố ở lòng người và ở tư tưởng loài người. Việc giải quyết chiến trường Việt Nam sẽ chỉ là một kết quả tất yếu; và cuộc tháo chạy hoặc thái độ tạm thời cúi đầu chấp nhận của dân tộc Việt Nam ngày nay trước mạnh xâm lược phối hợp của Bắc phương và Tây phương phải là bước nốì tiếp cho cuộc chiến đấu trường kỳ đã kéo dài hơn bốn mươi thế kỷ: cuộc chiến đấu cho một nước Việt Nam Văn Hiến. Cuộc chiến đấu ấy cũng là sự góp phần của dân tộc vào công cuộc Xây dựng nền văn minh văn hiến của cả nhân loại mai sau.

1 - SỬ HỌC VÀ TRIẾT LÝ CHÍNH TRỊ

Lịch sử loài người là một cuộc đi tiếp sức không ngừng, từ một khởi điểm không biết đến một điểm cuối chưa biết. Người viết sử ghi chép lại những sự kiện đã xẩy ra, và căn cứ vào những sự kiện ấy người ta ghi nhận được những bước tiến của nhân loại.

1.1 - TỪ DUY VẬT SỬ QUAN …

Sự tiến hóa của nhân loại vừa là một hiện tượng sử học, vừa là một vấn đề triết học. Các triết gia phái Duy vật, tiêu biểu là K. Marx, quan sát những hiện tượng lịch sự để ghép nó vào một mô thức, một chu trình tiến hóa qua các hình thức xã bội loài người mà họ cho là tất phải xẩy ra. Bước tiến ấy là một hành trình theo hình khu ốc: từ đời sống bộ lạc là hình thức một cộng đồng thô sơ nhất, đi vòng vo qua các giai đoạn lịch sử để tiến tới một xã hội gọi là cộng sản; cuối cùng thành hình một thế giới đại đồng: loài người không còn biên giới do giai cấp kinh tế xã hội tạo nên. Ðể đẩy mạnh bước tiến ấy, chủ nghĩa cộng sản chủ trương đấu tranh giai cấp: giữa hai giai cấp xã hội có sự mâu thuẫn với nhau trong cuộc sinh tồn (như chủ và thợ) tất sẽ xẩy ra một cuộc xung đột; kết quả của cuộc xô sát ấy là cả hai giai cấp sẽ không còn nữa, chúng sẽ tiêu diệt lẫn nhau để thành hình một thực thể thứ ba tiến bộ hơn… và cứ như thế cho tới khi không còn giai cấp nữa! Quan niệm triết lý về sử học này được gọi là Duy vật sử quan.

Thế giới đại đồng là một ước mơ lớn của nhân loại, vì thế Duy vật sử quan (danh từ K. Marx mượn của triết học Hegel) có một hấp lực đặc biệt đối với dân chúng các nước bị áp bức đang đòi quyền sống. Nó cũng hết sức hấp dẫn đôi với những nhà trí thức hằng quan tâm đến một xã hội nhân bản lý tưởng. Tuy nhiên ít ai nghĩ rằng đằng sau bốn chữ "Ðấu Tranh Giai Cấp" có vẻ bình thường như chuyện ăn và ngủ ấy là cả một sự thật tàn nhẫn, kinh dị, hãi hùng, vô luận và tuyệt vọng. Cuối cùng một thế giới đại đồng như thuyết duy vật phác họa, nếu như nó có thể thành sự thật được, thì cũng chỉ là một thế giới xây dựng trên những tương quan thuần vật chất, ở đấy những quyền và lợi vật chất được chia đồng đều cho mọi người (công bằng kinh tế, bình đẳng xã hội). Người ta sẽ không thể tìm thấy được gì, hoặc không thể đòi hỏi gì hơn, ngoài sự đồng đều câm nín và… bất công ấy!

Tin vào một cuộc cách mạng công bằng hóa xã hội dựa trên những căn bản vật chất, người Cộng-sản đã dấy lên một phong trào quốc tế lấy giáo điều "Ðấu tranh giai cấp" và sách lược "chiến tranh giải phóng", "chiến tranh nhân dân"... để thực hiện cuộc san bằng giai cấp và bất công xã hội. Người ta đã thấy những kết quả đầu tiên của cuộc cách mạng duy vật: đó là sự thù hận và tàn phá toàn diện trong hầu hết các dân tộc và giữa các quốc gia trên thế giới. Nói về sự công bằng kinh tế và xã hội của người Cộng sản, ông W. Churchill đã phát biểu một cách hài hước và đầy ý nghĩa rằng: "Trong một xã hội dân chủ (Tư bản), quyền và lợi chỉ được dành ưu tiên cho một thiểu số mà thôi; còn trong một xã-hội Cộng sản thì sự nghèo khó và lầm than được chia đồng đều cho tất cả dân chúng"!

1.2 - …ĐẾN VĂN HIẾN SỬ QUAN.

 Trên thực tế, lịch sử không phải chỉ ghi chép những dữ kiện đã yên giấc ngàn thu, mà ẩn nấp sau những sự kiện, những cơ cấu chết cứng ấy là một quá trình sinh động hằng sống của văn minh loài người. Trên thực tế người ta không mấy quan tâm đến những mô thức xã hội mà chỉ mưu cầu sự an lạc trong cuộc sống. Sự an lạc không phải và không thể coi như một thứ phó sản của một công thức xã hội lấy sự chia xẻ đồng đều quyền và lợi làm mục đích. Mô thức xã hội tự nó không tạo ra an lạc. Sự chú trọng quá đáng đến quyềnlợi lại chỉ đưa đến mâu thuẫn và tranh chấp dưới mọi hình thức từ đình công đến bạo động. Vậy quan niệm chia xẻ đồng đều quyềnlợi phải được thay thế bằng quan niệm chung hưởng anlạc.

Chỉ có văn minh thực sự của loài người mới bảo đảm được sự an lạc của xã hội loài người. Văn minh không phải là vật chất hoặc sự phát triển về đời sống vật chất, mặc dầu những sản phẩm của kỹ thuật đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa nhân loại. Văn minh cũng không có hình thù, nó là sự tỏa sáng của văn hóa, là vẻ đẹp của nếp sống con người . Vì những lẽ đó, sự tiến hóa của văn minh loài người không thể mô tả như những đường vòng khu ốc hoặc như bất cứ một hình thù nào cả. Nếu ta nhìn sự tiến hóa ấy trong một quan điểm triết học, tức là nói đến một triết học sử quan thì " duy-vật sử quan " không đủ. Cần phải nói đến một Văn hiến sử quan, vì nó làm hiện ra trong dòng lịch sử những nỗ lực của loài người đã hiến dâng cho cuộc phát triển tiến hóa của văn minh loài người.

Tác giả Trần Lê trong cuốn "Làm gì?" giải thích Văn hiến như một giai đoạn của lịch trình tiến hóa loài người:

- Văn hiến là một quy ước xã hội có văn tính, với sự cộng tác xã hội và sự bao dung tương đối, khác biệt với sự đấu tranh sinh tồn theo bản năng của loài vật;

- Là sự tổ chức một đời sống theo một quy ước mở rộng cho nhiều bộ lạc qui tụ với nhau để cộng tác với nhau một cách hòa bình trong lâu dài;

- Là sự biến đổi từ đời sống bộ lạc sang chế độ nước;

- Con người bước vào thời kỳ văn hiến khi từ thời kỳ đá đập bước sang thời kỳ đá mài, thời kỳ kỹ thuật dùng lửa, xây lò nung gạch, lai giống lúa, thuần hóa một số súc vật…

Người Tàu gọi một nước văn hiến (Văn hiến chi bang) là một nước có kỷ cương văn hoá, có thành tích văn học (Văn) và có người cai trị hiền đức (Hiến).

Văn hiến như vậy biểu hiệu cho sự phát triển một nền văn minh văn tính hay văn minh nhân tính, lấy nhân tính làm gốc cho cuộc đại đồng. Loài người đang trải qua giai đoạn văn minh kỹ thuật để thành tựu trọn vẹn nền văn minh nhân tính mai sau.

Văn-hiến sử quan cần phải thay thế cho Duy vật sử quan trên đài viễn vọng của tư tưởng nhân loại để hướng dẫn bước tiến của nhân loại. Văn hiến sử quan nhìn lịch sử với sự chú trọng về tiến trình của văn minh nhân loại, lấy sự phát triển nhân tính làm căn bản (nhân bản). Nó khác với duy vật sử quan, vì nó không mô tả, tiên liệu và đổ khuôn cuộc tiến hoá của loài người dựa trên những hiện tượng, những cơ cấu, những vật thể và những công thức kinh tế. Nó chú trọng về sự phát triển và phát biểu của cái "tính người" trên những hiện tượng những cơ cấu, những sự biến chuyển của đời sống vật chất, kinh tế ấy. Do đó người không bị biến thể, theo những biến thiên của đời sống kinh tế xã hội để trở thành những sinh vật xã hội thuần tuý như bầy ong lũ kiến (đoàn lũ hoá) hay những con vật kinh tế bẩm sinh (nô dịch hoá).

2 - MỘT DÂN TỘC VĂN HIẾN

"Người không thể bị biến thái thành một thứ sinh vật xã hội thuần túy hay một con vật kinh tế bẩm sinh" là sự quan tâm của chúng ta trong giai đoạn lịch sử bị tràn ngập bởi tư tưởng duy vật này. Nó cũng là sự quan tâm của tổ tiên chúng ta hơn bốn ngàn năm trước. Thật vậy…

Huyền sử Tiên Rồng đã khai sinh nền văn hóa Tiên Rồng của Bách Việt. Nền văn hóa đó ngày nay còn tồn tại với dân tộc Việt Nam và còn bàng bạc trong phong tục tập quán của người Trung Hoa, nơi quê hương cũ Ðộng Đình, Ngũ Lĩnh của Bách Việt, với hình ảnh Tiên Rồng lưỡng hợp... Non ấy, nước ấy đã trở thành tiêu biểu của nghĩa mẹ, công cha:

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...
"

Nền văn hóa Tiên Rồng đã làm phong phú ngôn ngữ của người Việt với những chữ kép như: non nước, gia đình, tràn ngập, gắn bó, gánh vác, thương yêu, trìu mến, ngon lành... mỗi chữ có một vế Rồng và một vế Tiên kết họp bổ nghĩa cho nhau. Ngôn ngữ Việt đã bao hàm một triết lý hòa thể, nền văn hóa Tiên Rồng lại chứa đựng một đạo sống hòa hài: Ðạo sống Việt lấy sự hòa nhập thểtính làm nhân (Tiên Rồng); lấy sự liên hệ huyết thống làm gốc (Bọc Mẹ Trăm Con); Từ đấy trăm hoa đua sắc, trăm họ hòa vui (Bách Việt); nhưng chỉ có niềm an lạc sâu xa, trong tự tính là vĩnh cửu (Lạc Việt). Bản chất người được tổ tiên chúng ta định nghĩa như sự hòa hợp hoàn mỹ trong dòng máu của hai yếu tố: Tâm (thể tính Tiên) và Vật (thể tính Rồng). Tiên và Rồng kết hợp biểu hiệu cho thể tính người. Người biểu lộ sự sinh hoạt của hai khuynh hướng Tâm và Vật (Lưỡng hợp). Nếu chỉ khảo sát người trên Vật thể tính, thì người giống như những sinh vật hạ đẳng khác. Trái lại nếu chỉ nhìn người trên Tâm thể tính thì người không có chỗ bám víu trên trái đất. Vậy khảo sát người cần chú trọng tới Nhân thể tính hay Nhân tính. Ðó là mục đích của nhân bản học.

2.1 – NHÂN BẢN HỌC

Người và thế giới loài người là đốì tượng khảo sát của nhânbản học. Ta hãy xem nhân bản học khảo sát Người và cách "người ta ăn ở với nhau" như thế nào.

Cho đến cuối thế kỷ thứ 20 này, thế giới vẫn đang đi tìm một mô thức cho một xã hội nhân bản, hay nói đúng hơn, đang định nghĩa thế nào là một xã hội nhân bản. Theo quan niệm Tây phương thì nhân bản học (Humanism) là cách nhìn thế giới của chúng ta với những chú ý đặc biệt về sự quan trọng của bản tính bản chất con người (Human nature), và chỗ đứng của loài người trong vũ trụ.

Nhân bản học cho rằng mỗi người đều có nhân vị (dignity and worth) và do đó phải được tôn trọng. Mặc đầu nhân bản học đã bắt nguồn từ những tư tưởng của các triết gia cổ Hy La, nó đã chỉ bừng nở như một phong trào lịch sử ở Âu Châu từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16 (thời kỳ Phục Hưng).

Sự phát triển trong trào nhân bản của thời kỳ Phục Hưng (Renaissance) của Âu Châu khởi đầu bằng sự khám phá lại những kinh sách cổ. Những nhà nhân bản học thời kỳ ấy sở dĩ chú trọng đến những bản cổ văn vì họ tìm thấy ở đấy những định hướng cho sự tìm hiểu về đời sống con người. Sự hiểu biết này tương phản với những quan điểm của nhiều nhà hiền triết học giả thời Trung Cổ ở Âu châu cho rằng người ta nên coi nhẹ cuộc sống phù du trên trái đất vì kiếp nhân sinh chỉ là tội lỗi và nên dành cả cuộc đời để cố gắng trở về với cõi hằng sống (hiến thân cho Trời). Nhân bản học Tây phương bác bỏ quan niệm đó và nhìn nhận trái đất là quê hương đích thực của loài người... Còn trên quan điểm chính trị sự chống đối của thuyết nhân bản với các chế độ độc tài võ trị vào cuối thế kỷ 18 đã có ảnh hưởng sâu xa trong các cuộc cách mạng tại Hoa kỳ và Pháp. Cả hai Bản Tuyên ngôn Ðộc lập của Hoa kỳ và Tuyên ngôn Nhân Quyền của Pháp đều tuyên dương nhân vị. Đó là những tài liệu vừa chính trị vừa nhân bản học.

Cho đến ngày nay, nhiều nhà giáo dục và triết gia Tây phương tin rằng sự thử thách lớn nhất với học thuyết nhân bản, và cũng là sự đe dọa cho an ninh xã hội loài người, đã bắt nguồn từ sự quá chú trọng và tôn sùng khoa học kỹ thuật. Họ công nhận rằng những thành quả của khoa học và kỹ thuật đã nâng cao rất nhiều sự hiểu biết và quyền năng của loài người, nhưng họ cũng tin rằng một nền nhân bản phải dạy cho người ta biết xứ dụng sự hiểu biết và quyền năng ấy hợp với nhân luân, nhân tính.

2.2 – NHÂN BẢN HỌC VÀ VĂN HIẾN VIỆT NAM

Như vậy nhân bản học cho tới nay vẫn chưa đạt tới sự trọn vẹn của một học thuyết nhân sinh làm căn bản cho cuộc sống loài người. Từ bao thế kỷ nay, nhân bản học vẫn chỉ vận dụng hầu hết những khả năng uy lực của nó để đòi lại nhân vị cho loài người dưới hai hình thức rõ rệt nhất: một là phản kháng lại quan niệm hiến dâng đời người cho một cõi sống khác, cho một chân lý làm chủ đời sống con người (hiến dâng cho Trời); hai là chống đối lại sự cưỡng bách dân chúng phải hiến dâng sự tự chủ của mình để phục vụ cho quyền lợi của một nhóm cầm quyền (nô lệ cho Người).

Nhân bản học đã đóng vai một kẻ nghĩa hiệp đi đòi lại nhân vị cho mọi người. Nhưng đòi rồi, qua mấy thế kỷ người ta mới giật mình không biết trong lúc vội vã đã giao lại cái vốn quý ấy cho ai canh giữ! Đó là cái giật mình của thế kỷ 20, thế kỷ của "vật hiến"; nhân bản bị phái duy vật cưỡng đoạt. Thế là "của Thiên lại trả Ðịa".

Tóm lại nhân bản học đã tấn công vào hai mục tiêu chính:
- Vong thân vì hiến dâng cho "Trời" (Thần quyền).
- Vong thân vì nô lệ cho người (giai cấp nông nô dưới chế độ Phong kiến).

Còn mục tiêu thứ ba nữa mà nhân bản học không đả động đến là :
- Vong thân vì hiến dâng cho vật.

Sở dĩ nhân bản học Tây phương lúng túng ở đây vì không định nghĩa vật một cách trọn vẹn đầy đủ và không ai dám tấn công thẳng vào những thành quả của nền văn minh vật chất hiện đại đã trở thành một phần của quan niệm nhân bản. Người Ðông phương nhìn vật bao quát hơn, nó bao gồm cả chất lẫn thể của thế giới hữu hình, nó bao gồm cả thế giới của "" và "sự". Đó chính là phần địa hữu hình hữu tướng của vũ trụ quan Ðông phương để phân biệt với thành phần thiên không hình tướng. Ðối với Ðông Phương, Vật là Ðịa và Tâm là Thiên. Khoa học và triết học không lý giải được Tâm giới cho nên Vật giới tự lên ngôi bá chủ. Kinh tế và kỹ thuật ngự trị, đương nhiên phải trở thành một thử thách lớn lao nhất cho thuyết nhân bản cũng như cho sự an ninh của xã hội loài người.

Như vậy muốn trở thành "nhân bản" thực sự, học thuyết nhân bản Tây phương phải đánh thẳng vào thành trì "vật bản". Ðiều đó không phải là bác bỏ hoàn toàn nền văn minh vật chất, nhưng là tấn công vào tinh thần "vật hiến" đang ngự trị trong tâm não thế giới loài người. Tấn công bằng cách nào? Bằng cách dựng văn hiến, nền Văn hiến Nhân loại, hiến dâng cho văn minh loài người. Văn minh Loài người là gì? là đối nghĩa của chữ "mọi rợ", là người không ăn thịt người bằng cách này hay bằng cách khác, là biểu lộ được "văn tính" trong cuộc phát triển nhân sinh. Biểu lộ được văn tính trong cách "người ta ăn ở với nhau" là biểu lộ được tinh hoa của nhân tính. Biểu lộ được nhân tính mới tìm thấy nhân bản và đạt được nhân bản.

Nhưng hạ bệ tinh thần vật hiến không phải là việc làm của vài ba người. Trào lưu duy vật Tây phương đã trở thành một cơn thác lũ nó cuốn phăng đi tất cả những triết gia, những nhà lãnh đạo, những chính trị gia cứng cỏi và cứng đầu nhất. Tất cả mọi người đều có thể một lúc nào đó nhận thấy sự bất ổn của thế giới tôn sùng vật chất này, nhưng không ai nghĩ rằng có thể ngăn chận được dòng thác vật hiến ấy. Dòng thác ấy chỉ có thể lắng xuống và tan đi cùng với trào lưu vật hiến trước một sức mạnh vô hình: sức mạnh của một nhân loại văn hiến.

2.3 – DÂN TỘC VIỆT NAM CÒN LÀ MỘT DÂN TỘC VĂN HIẾN KHÔNG ?

"Bốn ngàn năm văn hiến" vốn là tiếng reo vinh quang và niềm hãnh diện tột cùng của dân tộc Việt. Hoa kỳ có bản hiến pháp thành văn đầu tiên trên thế giới. Người Pháp hãnh diện với cuộc Cách mạng 1789 và với một Montesquieu đã mang ngọn gió nhân quyền và tinh thần dân chủ gieo khắp thế giới. Mỗi dân tộc đều có một niềm hãnh diện lớn nào đó nhưng có lẽ chưa có một niềm hãnh diện nào được biểu lộ một cách ngắn gọn, lớn lao và đầy vinh quang như tiếng reo vui "Bốn ngàn năm văn hiến" của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên tiếng reo vinh quang ấy chưa đủ để chứng tỏ dân tộc ta là một dân tộc văn hiến, hay nói đúng hơn chưa đủ để cho ta sống thực với tinh thần văn hiến của tổ tiên. Trước hết ta hãy tự hỏi tinh thần văn hiến ấy có không? Có lẽ trong cuộc sống hòa nhập với văn minh hiện đại, hầu hết chúng ta chưa từng tự hỏi rằng dân tộc mình đã là một dân tộc văn hiến hay không? bởi vì chữ văn hiến đối với ta hình như chỉ là một mỹ từ không hơn không kém . Thế nhưng lý do nào đã khiến Bốn ngàn năm văn hiến trở thành tiếng nói truyền khẩu của người Việt Nam ? Và vì nguyên do nào cụ Nguyễn Trải đã viết chữ Văn hiến một cách trang trọng và khẳng định trên những dòng đầu của thiên Bình Ngô Ðại Cáo, bản tuyên ngôn Tự chủ đầy hùng khí của dân tộc Việt Nam?

Ðể chứng minh dân tộc Việt đã là một dân tộc văn hiến, có lẽ Chúng ta phải trở về với những dấu tích thời xa xưa của nền văn hóa Tiên Rồng, ở đấy sự giao hòa của Trời và Ðất, của Tâm và Vật đã hiện trong huyền thoại, trong đời sống, trong tập quán... của người Việt. Từ sự nhận định đó ta có thể nói rằng nền văn hóa Tiên Rồng đã bao hàm một đạo sống Tiên Rồng, một triết lý Tiên Rồng, một ngôn ngữ Tiên Rồng, một tập quán Tiên Rồng... Ðối chiếu với những tài sản văn hóa của dân tộc Việt, phải chăng người Việt đã lấy đạo sống Tiên Rồng làm đạo sống Việt, lấy triết lý Tiên Rồng làm triết lý An Vi Việt, lấy ngôn ngữ Tiên Rồng làm quốc ngữ Việt, lấy tập quán Tiên Rồng làm phong tục, nếp sống Việt? và lấy tất cả sự tự hào ấy dựng nước thiêng Tiên Rồng?

Tiên và Rồng là biểu tượng của hai thể tính đối kháng. Hai thể tính đối kháng mà hòa nhập được với nhau là một điều kỳ diệu. Nhưng tổ tiên ta đã làm cho sự kỳ diệu ấy trở thành bình dị tự nhiên qua hình ảnh huyền sử của bà Vụ Tiên trên núi Ngũ Lĩnh và bà Long Nữ dưới Ðộng Đình Hồ. Từ ngàn xưa Mẹ là tiêu biểu của tình thương, của nhân tính. Thuở ban sơ loài người lấy mẫu hệ làm gốc tộc hệ. Ông tổ Lạc Long Quân là con bà Rồng (bà Long Nữ) và là cháu bà Tiên (bà Vụ Tiên), rồi để con cháu dễ hình dung ghi nhớ, đã mượn ngay hình ảnh Tiên Rồng làm biểu tượng nguồn gốc.

 Tiên là sự thanh thoát của Tâm giới, Rồng biểu hiệu cho năng lực vô biên của vật giới. Tiên thì thanh tịnh, vĩnh cửu. Rồng thì biến hóa, mãnh liệt. Sự hòa nhập của hai thể tính đối kháng ấy đã tạo nên thể tính Người. Ðạo sống Tiên Rồng hay Ðạo sổng Việt dạy cho người ta biết sống trong sự bòa hợp giữa năng lực của vật chất và sự thanh thoát bất diệt của tâm linh. Khi nào con người tách rời hai thể tính đối kháng ấy ra ( nhị nguyên), thì sự hiểu biết của loài người sẽ đem đến tai họa cho họ (ăn trái thông thái). Đó là những gì ta có thể tìm thấy trong kho tàng phong phú của đạo giáo Ðông Tây. Người Việt không lấy sự tôn sùng vật chất và triết lý sức mạnh làm lẽ sống nên không dựng vật tổ (1) mà đã tìm thấy ánh sáng văn minh ngay trong huyền sử Tiên Rồng, lấy sự đối đãi Tâm Vật hòa hài làm đạo sống, và ngay trong "Bọc Mẹ Trăm Con" lấy tình cốt nhục biểu hiệu cho những ràng buộc của xã hội. "Bọc Mẹ trăm Con" là hình ảnh của một thế giới đại đồng lấy nhân tính làm gốc, lấy sự an lạc làm mục đích cuối cùng, ở đấy không có chỗ đứng cho thuyết chia xẻ quyền lợi, không có đất nẩy mầm cho chủ nghĩa giai cấp đấu tranh. Ðây là một bằng cớ để ta có thể nói rằng người Việt đã có một "Văn hiến sử quan" từ thuở sơ khai hơn bốn ngàn năm trước.

Nếu muốn dẫn chứng xa hơn nữa về quan niệm văn hiến và nhân bản của Việt tộc, ta có thể tìm trong huyền thoại Việt, những kỳ tích của ông Tổ Bách Việt là Lạc Long Quân, với công cuộc diệt Ngư Tinh phương Bắc ( Bắc: hành thủy, tính tràn ngập, tai họa "cá lớn nuốt cá bé" ), diệt Hồ tinh phương Tây ( Tây: hành kim, tính bành trướng, tinh xảo; sự tinh xảo của vật chất là khí cụ, khí giới; sự tinh vi của tinh thần là ý thức hệ, chủ thuyết ), diệt Mộc tinh phương Ðông ( Ðông: hành Mộc, mới thì tươi tốt, cũ thi là gỗ khô củi mục, hủ hóa, mê tín ... ) Tổ Lạc Long chỉ dành lại phương Nam ( Nam: hành hỏa, chỉ Hỏa đức ) là phương hướng của sự thành tựu nhân bản lấy Nhân tính làm gốc đại đồng để cho con cháu dựng nước. Từ những ngụ ý sâu xa đó, ta có thể xác nhận sự đinh hướng của Việt tộc trên con đường Văn hiến. Chọn con đường văn hiến ấy, nền kinh tế và triết học Việt phát triển nếp sống An vi, nền chính trị Việt phát triển Văn tri; các triều đại Việt không mang tính chất của các nền quân chủ phong kiến Bắc phương. Chọn con đường lớn văn hiến ấy dân tộc Việt đã phải chấp nhận ba cuộc thử thách lớn. Thử thách dầu tiên đến từ phương Bắc: thử thách của tinh thần võ trị, cá lớn nuốt cá bé - Thử thách thứ hai là cuộc bành trướng của Tây phương: thử thách của văn minh vật chất và ý thức hệ - Thử thách thứ ba là cuộc tấn công phối hợp của cả Tây phương và Bắc phương: chủ thuyết Duy vật Tây phương mượn sức mạnh xâm lược của Bắc phương (con gấu địa cực Nga) để khuynh đảo thế giới, tận diệt nền nhân bản Ðông Nam . Nếu vượt thắng được cơn thử thách lớn lao và khủng khiếp này ta mới chứng tỏ được con đường Văn hiến là đường sống vinh quang của nhân loại. Tuy nhiên, trong cơn lốc của nền văn minh vật chất làm điên đảo lòng người,vấn đề nêu ra vẫn còn đó: dân tộc Việt Nam còn là dân tộc văn hiến hay không? Người Việt Nam cần phải tự chứng nghiệm và chứng minh điều đó.

2.4 - BẰNG CÁCH NÀO PHONG KIẾN, THỰC DÂN VÀ CỘNG SẢN TIẾP TAY NHAU TIÊU DIỆT MỘT DÂN TỘC VĂN HIẾN.

Trong lịch sử nhân loại, tất cả những kẻ thống trị ngoại nhập đều nuôi tham vọng củng cố vĩnh viễn chế độ cai trị của mình trên các dân tộc bị trị. Phương thức sâu độc nhất thường được bọn xâm lược xử dụng để dìm cho các dân tộc bị trị không ngóc đầu lên được là phá hủy nền văn hóa của các dân tộc đó. Khi một nền văn hóa bị phá hủy rồi thì không một niềm tự tin tự hào dân tộc nào đứng vững; dân tộc bị trị sẽ mất hết ý chí và sức mạnh để vùng dậy. Từ đó chúng ta có một nhận đinh: kẻ phá hoại văn hóa của một dân tộc là bọn xâm lược hoặc là tay sai của quân xâm lược.

Thời Bắc thuộc, xâm lược võ trị Phương Bắc ngoài việc vơ vét báu vật, triệt hạ long mạch phương Nam, các quan cai trị Tàu bắt dân sống theo phong tục phương Bắc, dùng văn tự Tàu để dễ sát nhập đồng hóa. Thậm chí chúng còn đòi cống hiến cả thợ khéo, thầy tướng số giỏi để bắt nhân tài... Dưới thời Mãn Thanh, người Trung Hoa cũng phải cạo tóc, tết đuôi sam theo phong tục Mãn.

Thời Pháp thuộc Thực dân Pháp đã dạy cho người Việt nhạo báng những phong tục tập quán của mình và cho đó là chậm tiến để phá hủy tận gốc rễ niềm tự tin, tự hào và sinh phong sĩ khí Việt. Họ dạy người mình lấy sự bắt chước phong tục, ngôn ngữ và cách suy luận của kẻ thống trị làm điều vinh hiển. Người Việt bị Pháp khai hóa bằng văn minh vật chất Tây phương, ngỡ ngàng trước những tiến bộ rực rỡ của khoa học kỹ thuật, đương nhiên sinh lòng bài bác chê bai sự " chậm tiến " của dân tộc mình. Người làm văn hóa cũng đua nhau chỉ trích những tục lệ, nếp sống xưa mà họ nghĩ là không còn thích hợp, cho nên đã vô tình đập phá căn nhà ọp ẹp của ông cha để lại. Văn hóa Duy lý Tây phương đã được thực dân xử dụng để đánh siêu vẹo nền Văn-hóa Tiên Rồng của Việt.

Triết học Duy lý là cha đẻ của chủ thuyết Duy Vật.

Người Duy vật khởi xướng chủ nghĩa Cộng sản và thành lập một siêu đế quốc Cộng sản lấy giáo điều và văn hóa Mác Lê làm gốc. Trong cuộc chiến đấu chống Thực dân để dành tự chủ, một lần nữa người Việt lại bị đế quốc Cộng sản xử dụng để thanh toán người Việt và thống trị dân Việt. Phương thức ngàn đời lại được xử dụng, sự nhồi sọ chủ thuyết Duy vật Mác Lê là bước đầu để mượn người Việt đánh đổ văn hóa Việt. Thâm độc hơn bọn Thực dân, Cộng sản không phá hủy hình thức mà triệt hạ tinh thần. Ðây là điều rất dễ làm cho ta nhầm lẫn nếu chỉ nhìn hành động của người Cộng sản qua hình thức. Người Cộng sản cổ động dân chúng học chữ quốc ngữ nhưng dùng chữ quốc ngữ theo đường lối Mác Lê, chuyên chở, diễn tả tư tưởng Mác Lê nên chữ quốc ngữ dần dần bị biến thể, không còn tiêu biểu cho văn hóa Việt. Người Cộng sản Việt Nam cũng xưng tụng hai chữ Văn hiến nhưng tôn thờ chủ nghĩa Duy vật. Họ cũng dựng bàn thờ các vị Quốc Tổ Hùng Vương và các anh hùng liệt nữ với những nghi thức còn rực rỡ hơn bao giờ hết, nhưng dựng tượng Lê- nin, thờ Mác, và xây lăng Hồ. Ðể đánh bật gốc nền văn hóa Tiên Rồng, chế độ Cộng-sản Việt Nam cho xuất bản hàng loạt những sách biên khảo đồng loạt lên án các triều đại xưa, văn hóa xưa, những bộ luật xưa là phong kiến, bại hoại. Quan sát xã hội Việt Nam ngày nay người ta thấy nó không khác những xã hội Cộng sản Ðông Âu (2) hay bất cứ ở những nơi nào khác; cùng một thể thức tuyên truyền, cùng một hình ảnh đoàn lũ bị kinh tế kiểm soát và đàn áp đến cùng cực. Với những dữ kiện đó ta có thể kết luận nền văn hóa Tiên Rồng đang bị chế độ Cộng sản đào xới để đánh bật gốc rễ. Đó là điều mà các chế độ xâm lược ngoại nhập trước kia chưa làm được, và đó là những nỗ lực hủy diệt nền Văn hiến Việt Nam, hủy diệt một dân tộc Văn hiến.

2.5 - BẰNG CÁCH NÀO TA CÓ THỂ LÀM SỐNG LẠI MỘT DÂN TỘC VĂN HIẾN

Trước những cuộc tấn công liên tiếp của Bắc phương và Tây phương qua bao nhiêu thế kỷ, nền văn hiến Việt có còn không? Ðương nhiên nó không thể hiện thực như một thế lực. Nó chỉ còn một chỗ sống duy nhất và vững vàng nhất là trong tâm hồn người Việt Nam mà thôi. Những người Việt Nam còn giữ được Văn hiến Việt, còn giữ được Ðạo sống Việt, sinh phong Việt là những người sẽ làm phục hồi một dân tộc Văn hiến. Thế giới Cộng sản càng ngày càng tỏ rõ tham vọng bành trướng chủ nghĩa và sự thống trị của họ trên khắp địa cầu . Các chư hầu của Ðế quốc Cộng sản luôn luôn kiêu hãnh với "Chủ nghĩa Mác Lê bách chiến bách thắng". Trên thực tế chủ nghĩa Mác Lê quả nhiên không phải là con dao cùn; nhưng nó càng sắc bén thì máu và nước mắt nhân loại càng chảy nhiều hơn để đi tới một cuộc tận diệt không thể tránh được khi các siêu cường tận dụng sức mạnh vật chất để chống lại sức mạnh vật chất.

Như ta đã biết, Chủ nghĩa Cộng sản Duy vật là kết tinh của tinh thần triết học Duy lý Tây phương, nhưng nó không bành trướng ở Tây phương được mà phải mượn Bắc phương làm phương hướng tác hành, từ đó tràn xuống phương Nam bằng chiến tranh giải phóng, bằng chiến thuật biển người, bằng đàn áp khủng bố, cá lớn nuốt cá bé để thanh toán các cứ điểm của tinh thần nhân bản phương Nam. Việt Nam là một điểm trọng yếu trong những cứ điểm đó, không phải vì địa lý hình thể hay tài nguyên vật chất, mà vì tinh thần văn hiến và nền văn hóa Tiên Rồng là những ốc đảo đã làm tươi mát cả một vùng Ðông Nam Á.

Lịch sữ là một cuộc tái diễn những thử thách triền miên cho nhân loại . Không những tinh thần văn hiến của Việt tộc một lần nữa phải lùi bước trước sức mạnh võ trị Duy vật, mà biết bao nhiêu tinh hoa của dân tộc Việt cũng phải quy phục và trở nên những tín đồ mù quáng của Mác Lê.

Việt Nam, một dân tộc đã từng đại thắng cuộc viễn chinh của đế quốc Mông Cổ vào cuối thế kỷ 13, đã thua đế quốc Cộng sản vào cuối thế kỷ 20. Thật sự chúng ta đã thua đế quốc Cộng sản, nhưng đây chính là cơ hội để dân tộc ta suy nghiệm lại những giá trị thiêng liêng của một nền văn hóa Tiên Rồng, của Ðạo sống Việt và cũng là cơ hội để người Việt Nam thực hiện một cuộc cách mạng Văn hiến, mang tinh thần văn hiến Việt Nam đi reo rắc khắp thế giới chứ không phải mang sự mệt mỏi chán chường của những kẻ bại trận đi ăn vạ khắp nơi. Vì đây đúng là một cuộc thử thách lớn; nếu người Việt Nam biết kiên trì thực hiện cuộc cách mạng văn hiến này thì đương nhiên họ sẽ làm sống lại một dân tộc Văn hiến và sẽ dựng lại được một Quốc gia Văn hiến.

Công việc của tất cả người Việt Nam ở hải ngoại là tiếp nối được cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc. Nếu thế giới cần biết đến người Việt thì không phải qua cuốn phim phóng sự tuyên truyền mô tả cuộc chiến tranh được mệnh danh là "Cuộc chiến mười ngàn ngày" mà phải biết đến người Việt-nam như một dân tộc văn-hiến, họ (người Việt Nam) phải chấp nhận những thử thách lớn để khai thông con đường lớn cho văn minh và sự tồn tại của nhân loại . Ðương nhiên trong cuộc chiến đa diện này, đối phương (Duy vật Cộng sản) sẽ không dễ dàng bị đánh thua ở chiến trường Việt Nam, nhưng chúng sẽ thua ở mặt trận toàn cầu, ngay thủ đô địa cực của chúng, vì sự thức tỉnh của nhân dân các nước, khi loài người hiểu được chữ "nhân bản" qua con đường "văn-hiến" . Nền văn-hiến phát sinh từ bên trong con người, để hiến dâng cho văn minh đích thực của loài người.


2.5 - BẰNG CÁCH NÀO TA CÓ THỂ LÀM SỐNG LẠI MỘT DÂN TỘC VĂN HIẾN

Trước những cuộc tấn công liên tiếp của Bắc phương và Tây phương qua bao nhiêu thế kỷ, nền văn hiến Việt có còn không? Ðương nhiên nó không thể hiện thực như một thế lực. Nó chỉ còn một chỗ sống duy nhất và vững vàng nhất là trong tâm hồn người Việt Nam mà thôi. Những người Việt Nam còn giữ được Văn hiến Việt, còn giữ được Ðạo sống Việt, sinh phong Việt là những người sẽ làm phục hồi một dân tộc Văn hiến. Thế giới Cộng sản càng ngày càng tỏ rõ tham vọng bành trướng chủ nghĩa và sự thống trị của họ trên khắp địa cầu . Các chư hầu của Ðế quốc Cộng sản luôn luôn kiêu hãnh với "Chủ nghĩa Mác Lê bách chiến bách thắng". Trên thực tế chủ nghĩa Mác Lê quả nhiên không phải là con dao cùn; nhưng nó càng sắc bén thì máu và nước mắt nhân loại càng chảy nhiều hơn để đi tới một cuộc tận diệt không thể tránh được khi các siêu cường tận dụng sức mạnh vật chất để chống lại sức mạnh vật chất.

Như ta đã biết, Chủ nghĩa Cộng sản Duy vật là kết tinh của tinh thần triết học Duy lý Tây phương, nhưng nó không bành trướng ở Tây phương được mà phải mượn Bắc phương làm phương hướng tác hành, từ đó tràn xuống phương Nam bằng chiến tranh giải phóng, bằng chiến thuật biển người, bằng đàn áp khủng bố, cá lớn nuốt cá bé để thanh toán các cứ điểm của tinh thần nhân bản phương Nam. Việt Nam là một điểm trọng yếu trong những cứ điểm đó, không phải vì địa lý hình thể hay tài nguyên vật chất, mà vì tinh thần văn hiến và nền văn hóa Tiên Rồng là những ốc đảo đã làm tươi mát cả một vùng Ðông Nam Á.

Lịch sữ là một cuộc tái diễn những thử thách triền miên cho nhân loại . Không những tinh thần văn hiến của Việt tộc một lần nữa phải lùi bước trước sức mạnh võ trị Duy vật, mà biết bao nhiêu tinh hoa của dân tộc Việt cũng phải quy phục và trở nên những tín đồ mù quáng của Mác Lê.

Việt Nam, một dân tộc đã từng đại thắng cuộc viễn chinh của đế quốc Mông Cổ vào cuối thế kỷ 13, đã thua đế quốc Cộng sản vào cuối thế kỷ 20. Thật sự chúng ta đã thua đế quốc Cộng sản, nhưng đây chính là cơ hội để dân tộc ta suy nghiệm lại những giá trị thiêng liêng của một nền văn hóa Tiên Rồng, của Ðạo sống Việt và cũng là cơ hội để người Việt Nam thực hiện một cuộc cách mạng Văn hiến, mang tinh thần văn hiến Việt Nam đi reo rắc khắp thế giới chứ không phải mang sự mệt mỏi chán chường của những kẻ bại trận đi ăn vạ khắp nơi. Vì đây đúng là một cuộc thử thách lớn; nếu người Việt Nam biết kiên trì thực hiện cuộc cách mạng văn hiến này thì đương nhiên họ sẽ làm sống lại một dân tộc Văn hiến và sẽ dựng lại được một Quốc gia Văn hiến.

Công việc của tất cả người Việt Nam ở hải ngoại là tiếp nối được cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc. Nếu thế giới cần biết đến người Việt thì không phải qua cuốn phim phóng sự tuyên truyền mô tả cuộc chiến tranh được mệnh danh là "Cuộc chiến mười ngàn ngày" mà phải biết đến người Việt-nam như một dân tộc văn-hiến, họ (người Việt Nam) phải chấp nhận những thử thách lớn để khai thông con đường lớn cho văn minh và sự tồn tại của nhân loại . Ðương nhiên trong cuộc chiến đa diện này, đối phương (Duy vật Cộng sản) sẽ không dễ dàng bị đánh thua ở chiến trường Việt Nam, nhưng chúng sẽ thua ở mặt trận toàn cầu, ngay thủ đô địa cực của chúng, vì sự thức tỉnh của nhân dân các nước, khi loài người hiểu được chữ "nhân bản" qua con đường "văn-hiến" . Nền văn-hiến phát sinh từ bên trong con người, để hiến dâng cho văn minh đích thực của loài người.

3 - MỘT NƯỚC VIỆT NAM VĂN HIẾN

3.1 - TINH THẦN VĂN HIẾN VIỆT NAM

 Trong giai đoạn lập quốc với ý thức quốc gia còn thô sơ chắc hẳn nền Văn hiến của ta mới chỉ được biểu lộ như một Tâm thức hay một sinh thức dọn đường cho một cuộc phát triển quốc gia xã hội lý tưởng. Đó mới là tinh thần văn hiến chứ chưa có nền văn hiến thực sự. Tinh thần văn hiến đó qua quá trình lịch sử của dân tộc phải tranh đấu để sống còn đã ăn sâu vào mô thức tổ chức xã hội để tạo thành một thể chế chính trị đặc biệt của dân tộc ta, và đóng góp lớn lao vào việc tạo dựng nền tự chủ. Từ đó (thời kỳ dựng văn hiến), các chế độ của ta đã có những đặc điểm khác hắn những thể chế quân chủ, phong kiến trên thế giới. Ta cũng có vua, nhưng "Phép Vua thua lệ Làng".Ta cũng có chế độ tập quyền, nhưng đồng thời cũng có Hội nghị Diên Hồng mở rộng cửa cho dân chung lo việc nước. Ta cũng có tứ dân: Sĩ, nông, công, thương; nhưng "Hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sĩ ". Như thế chế độ vua chúa của ta ngày xưa, trừ một vài ngoại lệ đã được vay mượn của ngoại bang như lệ phong tước, không phải là chế độ quân chủ chuyên chế hay phong kiến. Ta có thể tìm thấy ở đấy nhiều đặc điểm của một chế độ văn trị, một nền Dân chủ Văn Hiến lấy Văn hiến làm gốc Tự chủ, làm nền tảng đại đồng, và làm cốt tủy cho nền văn minh Việt tộc, nền văn minh hòa nhập hai thể tính đối kháng Tiên và Rồng, Tâm và Vật, đề cao Nhân tính để tiến tới sự thành tựu niềm mơ ước của loài người: nền Nhân bản nhân loại.

3.2 - SỨC MẠNH CỦA MỘT NỀN VĂN TRỊ

Khi nói đến một quốc gia Văn hiến, ta thường thấy lởn vởn một vài vấn đề về khả năng quốc phòng của nó, tức là nghĩ đến vấn đề sức mạnh của một nền văn trị. Sức mạnh là gì? Cái gì tạo nên sức mạnh cho một người lính, một quân lực, một quốc gia ? Nền văn trị có sức mạnh không?

Trước bết hãy xét đến sức mạnh của một người lính . Câu nói "sức mạnh của một người lính" dường như hoàn toàn vô nghĩa nếu không đặt người lính ấy trong một tập thể võ trang, một quân đội. Vậy người lính sẽ có sức mạnh khi anh ta được trang bị võ khí và ở trong một khối đồng đội được trang bị võ khí...Nhưng giả thử người lính ấy được trang bị khí giới đầy mình, nhưng đứng giữa một đám đồng đội hốt hoảng bỏ chạy, tan rã và hỗn loạn thì liệu anh ta còn giữ được sức mạnh hay không? Và giả như một người lính được trang bị đầy đủ súng đạn nhưng không được phép bắn, hay hơn nữa tự mình không thấy có lý do để nổ súng vào đối phương, hoặc tự mình thấy run sợ khi cầm một khí cụ giết người, thì liệu anh ta có sức mạnh hay không ? Vậy những yếu tố căn bản tạo thành sức mạnh cho một người lính phải là Chính nghĩa và Tinh thần đồng đội. Chính nghĩa tạo nên tinh thần chiến đấu và ý chí quyết thắng. Sau những trang bị tinh thần ấy mới đến những kỹ thuật tác chiến, trang bị võ khí. Võ khí chỉ là những phương tiện cần thiết mà không phải là sức mạnh . Sức mạnh chủ yếu vẫn là ý chí của người xứ dụng võ khí.

Bây giờ hãy thử phân tích cái gì tạo ra sức mạnh, cho một quân lực một chế độ? Tiền? – có tiền, chúng ta chỉ mua được khí giới chứ không mua được sức mạnh. Một núi xe tăng, chiến cụ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa còn chất đống như sắt vụn, như củi mục. Ai bảo quân lực VNCH mạnh nhất nhì Á Châu? Chắc chắn chúng ta đã thiếu một số yếu tố quan trọng nào đó, nên ngần ấy trang bị chưa đủ tạo thành sức mạnh. Nhận xét qua một số chế độ tiêu biểu khác:

- Sức mạnh của Đức Quốc Xã đã được cấu tạo bởi chủ nghĩa Phát xít hiếu chiến đề cao chủng tộc, bởi khả năng phát triển kỹ nghệ chiến tranh trong niềm kiêu hãnh của dân tộc Ðức, bởi tài chỉ huy và tổ chức của lãnh tụ Hitler và những tướng tá của ông ta, bởi kỷ luật thép và chính sách khủng bố tàn sát đối phương kể cả dân chúng. Ðây là cấu trúc tiêu biểu của sức mạnh Võ trị.

Không ai phủ nhận được sức mạnh khủng khiếp của một nền võ trị, lúc bùng dậy có thể áp đảo cả thế giới, như đã xảy ra trong đệ nhị thế chiến, như cuộc xâm lược của Thành Cát Tư Hãn vào thế kỷ 13. Nhưng sức mạnh võ trị là sức mạnh bạo phát bạo tàn.

- So sánh Phát Xít với chế độ Cộng sản đương thời , ta nhận thấy hai chế độ chống đối lại có những điểm tương đồng. Cộng sản lấy chủ nghĩa Mác Lê Nin "bách chiến bách thắng" làm chủ lực. Họ đề cao lãnh tụ. Họ phát triển võ khí chiến lược bằng tất cả khả năng thu góp của nhân dân, phát triển tư tưởng "giải phóng" để khống chế nhân loại. Họ tổ chức nhân dân thành những cơ cấu chiến thuật áp dụng biện pháp trừng phạt cứng rắn và tinh xảo để kiểm soát từng cá nhân.Tuy nhiên nền võ trị của cộng sản tinh vi hơn phát xít vì họ biết nấp sau tấm bình phong "dân chủ pháp trị", ngụy trang dưới chiêu bài "chiến tranh giải phóng nhân dân", và áp dụng triệt để chính sách kinh tế trị để kiểm soát nhân khẩu.

- Sức mạnh của Hoa-kỳ, trái lại được cấu tạo bởi tinh thần luật pháp (kỷ luật) và tư tưởng dân chủ (pháp trị). Chế độ dân chủ Hoa-kỳ tôn trọng nhưng không tôn sùng và đề cao lãnh tụ. Họ tin tưởng và hãnh diện ở truyền thống lập quốc, ở tinh thần thượng tôn luật pháp của toàn dân và ở tài nguyên phong phú và khả năng phát triển kinh tế kỹ thuật cao độ. Hoa-kỳ phát triển võ khí chiến thuật và chiến lược như một phương tiện để hỗ trợ cho sức mạnh pháp trị chứ không chủ trương chinh phục thế giới bằng võ lực (chính sách Mỹ châu của người Mỹ châu). Sức mạnh của quân đội Hoa-kỳ thể hiện qua tinh thần kỷ luật cao độ và khả năng kỹ thuật cao độ. Nhưng như bản chất của một xã hội tư bản, người Mỹ tin vào sự giàu có của mình. Có tiền mua tiên cũng được, nên họ không ngần ngại trước một cuộc mua bán đổi chác có lợi.

- Tóm lại dưới quan niệm võ trị thì sức mạnh và phương tiện đã hòa nhập làm một, và cứu cánh biện minh cho phương tiện, vì thế họ triệt để xử dụng những phương tiện võ trị, khủng bố, đàn áp. Con người trở thành vô tri và một khối người giống như một khối sắt di động.

- Dưới các chế độ dân chủ pháp trị thì sức mạnh pháp trị luôn luôn cần có phương tiện võ trị để hỗ trợ mới đứng vững. Cho nên chính quyền bảo vệ dân mà dân luôn luôn cảm thấy mình bị áp bức, thiệt thòi. Đó là điểm mâu thuẫn dễ bị khai thác.

Còn sức mạnh của một nền văn trị là gì? Ta không hình dung được sức mạnh của một nền văn trị qua bộ quân phục, không ước lượng được bằng một con số, vì đó là sức mạnh văn hiến, lấy "tự chủ" làm gốc tự cường. Tinh thần tự chủ là sức mạnh chủ yếu của dân tộc Việt Nam; thật vậy, trước thời ông Bảo Đại nước ta chưa từng có một đoàn quân chính quy mà chỉ có dân quân và nghĩa quân. Thời Pháp thuộc, trong giai đoạn toàn dân nổi dậy chống xâm lăng, cụ Phan Bội Châu lúc đầu đã từng nhiệt liệt cổ động phong trào Ðông-du, đưa du học sinh ra nước ngoài học lấy những kỹ thuật tân tiến, những tư tưởng mới của Tây phương để mang về cải tạo đất nước, phát triển sức mạnh chống ngoại xâm. Thế rồi qua nhiều kinh nghiệm và sự suy nghiệm, cụ mới nhận thấy sức mạnh đích thực đã bảo tồn dân tộc qua mấy ngàn năm thử thách không phải là ở vũ khí tân kỳ, không phải là ở kỹ thuật tân tiến, mà chính là ở nền văn hóa truyền thống của dân tộc, nền văn hóa bao gồm một đạo sống sâu xa và một nền giáo dục đầy tính quật khởi. Ðể nhắc nhở điều tri kiến ấy cụ đã viết trong phần đề tựa của cuốn Chu Dịch: "Phật trong nhà không cầu mà đi cầu Thích Ca ngoài đường, trong túi mình có bảo châu mà lại ngửa tay xin người từng hạt gạo; đó chả phải là điều hết sức kỳ quái hay sao?"

Lấy sức mạnh văn trị làm chủ lực, nhờ "tự chủ" ta luôn luôn làm chủ. Trong việc quốc phòng, dù ta yếu cũng làm chủ, dù giặc mạnh cũng vẫn là giặc mà thôi. Chủ rồi thì cũng về nhà mình, giặc thì tất sẽ phải cuốn gói ra đi. Nhờ tinh thần tự chủ từ phạm vi sâu xa của nhân tính, ta đã mở rộng thành tinh thần quốc gia tự chủ. Chính cái sức mạnh tự chủ không hình trạng ấy, không đếm được bằng con số ấy đã bảo tồn dân tộc Việt Nam qua hơn một ngàn năm Bắc thuộc, đã dựng rừng gươm trên ải Chi Lăng, đan bể giáo dưới nước Bạch Ðằng để giúp dân ta dựng cờ tự chủ. Sức mạnh văn trị đã đào tạo nên một lớp kẻ sĩ Việt Nam không xuất thân từ một trường võ bị nào mà có thể chiêu mộ nghĩa binh, cầm quân trăm vạn cứu nguy xã tắc. Xã hội ta lấy nông nghiệp làm căn bản. Kẻ sĩ và nhà nông là một kết hợp hoàn hảo. Chưa có một nông dân nào bán nước, chưa có một kẻ sĩ nào chịu khuất phục kẻ thù, trừ lớp khoa bảng đội lốt kẻ sĩ. Kẻ sĩ biết "lấy chí nhân thay cường bạo" làm sức mạnh, kẻ sĩ có "binh giáp tàng hung trung" làm khí giới. Ðã có sức mạnh và làm chủ được sức mạnh của mình thì có thể xử dụng mọi phương tiện mà vẫn không rời "đạo", từ phương tiện văn trị (giáo hóa), đến pháp trị (trừng phạt) và võ trị (hủy diệt).

- Tóm lại, sức mạnh văn trị là sức mạnh tự chủ, có tự chủ thì sẽ tự cường, có sức mạnh thì dù chưa có phương tiện ta sẽ tạo ra phương tiện, còn không có sức mạnh thì phương tiện tốt cũng trở thành sắt vụn đồng nát mà thôi.

Sự sai lầm căn bản trong cuộc chống cộng của chế độ Cộng Hòa Việt Nam là không lưu tâm đến sức mạnh văn trị "tự chủ", không phát triển uy đức của sức mạnh văn trị, mà chỉ tin vào uy lực pháp trị, người lãnh đạo quan niệm chính trị là thủ đoạn, và tệ hại hơn nữa đã đồng hóa sức mạnh chống Cộng của toàn dân với phương tiện tức là võ khí. Thành lập quốc gia trên nền tảng pháp trị thuần túy Tây phương làm cho dân tộc mất tự chủ. Xử dụng phương tiện võ trị (trả thù, đàn áp…) để hỗ trợ nền pháp trị làm cho chế độ mất chính nghĩa. Lầm tưởng phương tiện (võ khí trang bị) là sức mạnh tạo cho bọn lái buôn tư bản có cơ hội lũng đoạn sức mạnh cứu nước của dân tộc Việt để rồi bán đứng Việt Nam Cộng Hòa cho Cộng sản quốc tế. Khi ta trở thành món hàng trao đổi bị coi rẻ, thì cả một quân lực được gọi là mạnh nhất nhì Á Châu theo quan niệm lượng giá bằng vật chất của Tây phương, chỉ còn một cách duy nhất là quăng võ khí mà chạy tháo thân. Võ khí lúc đó là gì? là củi mục? là sắt vụn, đồng nát? Bởi vậy, trong cuộc chiến đấu cuối cùng với giặc Cộng để giải trừ Cộng sản và giải phóng quê hương ta không thể tự cho phép sai lầm một lần nữa, lầm lẫn phương tiện với sức mạnh và sức mạnh văn trị của dân tộc với sức mạnh xâm lược võ trị của kẻ thù.

3.3 -CHIẾN ĐẤU CHO MỘT NƯỚC VIỆT NAM VĂN HIẾN

Nền văn hiến Việt đã và đang bị thử thách, và hầu như bị chôn vùi dưới những tầng quên lãng của kỷ nguyên "vật hiến" này. Dựng lại một nước Việt Nam Văn Hiến ta sẽ không tránh được những thử thách mới, vì thế phải sẵn sàng tinh thần chiến đấu.Trong tất cả các cuộc chiến đấu, bạn và thù vẫn thường được xác đinh rõ rệt. Cuộc chiến đấu phục hồi nước Việt Nam Văn Hiến cũng không ngoài quy luật đó. Tuy nhiên bạn và thù không phải là những ý niệm tuyệt đối. Phục hồi một nước Việt Nam Văn Hiến trong tinh thần hiến dâng cho văn minh nhân loại, ta nhìn "kẻ thù" khác hơn là tất cả những con người đang bị trói buộc trong những quy ước chằng chịt của đối phương, và nhìn "bạn" rộng hơn đồng thời cũng tinh vi hơn tầm mức hạn hẹp của phe nhóm. Người bạn và người đồng minh đáng tin cậy không phải là người có thể bán ta bất cứ lúc nào có lợi, không phải là người sẵn lòng ban bố cho ta vừa đủ quân nhu võ khí để trang bị cho một đoàn lính đánh thuê trong giai đoạn.

Người bạn của dân tộc ta phải là người thể hiện được tinh thần văn hiến, tức là thể hiện được Tình người và Nghĩa làm người trong cuộc chiến đấu chung. Còn kẻ thù chính là tinh thần "vật hiến", là gông cùm duy vật đang tròng lên đầu lên cổ một phần lớn nhân loại, kể cả những dân tộc không thuộc vào khối duy vật Cộng sản. Nếu muốn triệt hạ cái gông đó mà giết người mang gông thì không khỏi oan uổng. Nhưng nếu không chấp nhận một sự hủy diệt thì làm sao mở trói cho những người khác? Tấn công vào thành trì duy vật là một vấn đề tế nhị vì nó là một thực thể không biên giới. Vậy trước khi nói chuyện hủy diệt ta hãy bàn chuyện cứu người. Những người cần phải cứu đầu tiên là những người duy vật. Cứu những người duy vật để cứu đồng bào ta đang bị duy vật Cộng sản chà đạp, cũng như đã từng bị duy vật Tư bản thao túng bán đứng.

Thoạt nghe nới "Hãy cứu những người duy vật" chắc hẳn chúng ta sẽ giật mình, vì nó có vẻ ngô nghê và phản thực tế! Nhiều người Tây phương lái xe trên đường phố dán trên kính xe của họ câu "Save the Dinosaur". Dinosaur là loài khủng long đã từng sống trên trái đất hàng trăm triệu năm trước lịch sử loài người, ngày nay những nhà khảo cổ chỉ tìm thấy những di tích hóa thạch, phải xứ dụng đến đồng vị Phóng xạ để đếm tuổi của nó. Tại sao cứu con Dinosaur? Và làm sao cứu con Dinosaur? Ðây là một lối vui đùa của người Tây phương, để kêu gọi cứu vãn những gì chậm chạp vĩ đại nhất! nhưng con khủng long chậm chạp thời thái cổ làm ta liên tưởng tới con Rồng thiêng của huyền thoại Việt. Rồng là tượng trưng cho sức mạnh bền bỉ, là tiềm năng của Ðịa (tiên tích Ðức, hậu tầm Long). Ta không sợ con Rồng Việt lâm nguy, con Rồng thiêng ấy vốn bất tử vì nó tiềm ẩn trong sự sống của con người (Người là hòa thể Tiên Rồng), trong sức sống của dân tộc ta và của chính chúng ta. Nhưng cần cứu nó, thực vậy, vì con Rồng thiêng ấy đang gặp hội vùng vẫy trên mây và tưởng mây là Trời. Mây chỉ là áng phù vân, là một kết tụ nhẹ của vật chất, là tinh thần chuộng vật chất. Vì thế Rồng chưa gặp được Tiên, Thiên chưa bén Ðịa, đường "Giao Chỉ" chưa nối, và loài người chưa tìm được bản tính con người !

Bởi thế tiếng kêu cứu của chúng ta là: Hãy cứu lấy con Rồng Việt khỏi đám phù vân duy vật để cứu lấy nhân tính.

Làm sao cứu lấy con Rồng Việt? Cứu Rồng thì phải có " thuốc Tiên ", hay nói cách khác, muốn cứu vãn cơn đổ giốc " vật hiến " thì phải dựng " văn hiến ". Phải vững tin vào những bước tiến của nền nhân bản thực sự của loài người để dựng lại nước Việt Nam Văn Hiến cho dân tộc Việt Nam Văn Hiến, và khởi xướng nền Dân Chủ Văn Hiến, mở lối thoát cho cộng đồng nhân loại đang chìm đắm trong những ý niệm của cuộc tranh thủ triền miên cho Quyền và Lợi.

Có thể cứu bằng cách nào nữa không ?
Nhà thơ "Ngục sĩ " Nguyễn Chí Thiện viết về sự hung bạo của lũ người trót thờ tà thuyết Cộng sản duy vật mà ông ta là nạn nhân cả một kiếp sống như sau:

Ðừng sợ cái cực kỳ man rợ
Dù nó đang thịnh thời rực rỡ nơi nơi
Phải vững tin vào bước tiến con người.
Phải cứu lấy chúng nó, phải tìm ra một phương thuốc
Dù là thuốc Nổ.
(Ðừng sợ, N. C. T. 1975)

Thuốc Tiên hay thuốc Nổ? Cả hai đều cần thiết, vì nó là sức mạnh và phương tiện, sức mạnh văn trị và phương tiện võ trị. Con đường chiến đấu của chúng ta cho một nước Việt Nam Văn Hiến phải được soi sáng bằng đạo sống Tiên Rồng Việt, bằng những giá trị đạo đức của nền văn hiến, văn trị Việt; nhưng có thể phải được mở lối bằng thuốc nổ và sức con người.


PHẦN TẠM KẾT

Ðể kết thúc đề tài này, chúng tôi xin thêm vài lời về vấn đề "Chính nghĩa". Chữ chính nghĩa đã trở thành thời trang trong thế kỷ đầy tranh đấu sắt máu của chúng ta. Ai cũng nói đến chính nghĩa. Những thế lực cường bạo phi nhân lại nói chính nghĩa nhiều nhất. Bởi vậy chữ chính nghĩa đã mất hết nghĩa của nó.

Chữ chính nghĩa đã mất hết ý nghĩa, nhưng "chính nghĩa" thì vẫn còn ý nghĩa. Vì mất chính nghĩa là mất sức mạnh chiến đấu. Giả thử nếu ta chỉ biết nhắm mắt tận diệt đối phương trong cuộc chiến đấu này, cũng như người Cộng sản chỉ biết nhắm mắt bắn giết và triệt hạ cái mà chúng gọi là " Ngụy ", thì cả hai bên đều xứng đáng với chữ " ngụy ". Vì thế chúng ta vẫn còn bàn đến chính nghĩa.

- Chính nghĩa chỉ có thế hiểu được nếu trong cuộc chiến đấu này chúng ta giành được thế Tự chủ, tức là dành được tư thế " Chủ " và phanh phủi được bản chất " Giặc " của giặc Hồ, của đảng cướp Cộng sản Việt Nam, tay sai của đế quốc Cộng sản quốc tế.

- Chính nghĩa chỉ có thể nghe được, nếu chúng ta không phản bội niềm reo vui "Bốn ngàn năm văn hiến" của tổ tiên còn vang vọng.

- Chính nghĩa chỉ có thể cảm được, nếu chúng ta biểu lộ được cái uy đức của nền văn trị Việt trong cuộc cứu nước bằng mọi phương tiện có thể có.

- Chính nghĩa chỉ có thể chấp nhận được nếu chúng ta không xa lìa thực tế và đồng thời không bỏ quên những giá trị cổ truyền.

Vì những lẽ đó, và vì tin tưởng ở những bước tiến của dân tộc, của nhân loại, chúng ta đã không ngần ngại dấn thân vào cuộc tranh đấu và chiến đấu cho một nước Việt Nam Văn Hiến. Chúng tôi tin tưởng rằng nước Việt Nam Văn Hiến là Tụ Ðiểm Sinh Tồn của dân tộc chúng ta, vì nó dựng được tinh thần tự chủ của dân tộc ta, nó làm vang dội tiếng reo vinh quang nhất của dân tộc ta, nó làm cho người Việt sống thực với đạo đức và niềm an lạc của nền văn hiến Việt. Thế kỷ 20 không còn là kỷ nguyên của tinh thần võ trị. Bạo lực Cộng sản và chủ thuyết duy vật của nó tất phải bị hủy diệt hoặc suy thoái, nhường chỗ cho nền dân chủ thực sự của thế giới. Nhưng nền dân chủ pháp trị cần được soi sáng dưới tinh thần văn hiến, thì dân tộc mới được an lạc và thế giới mới được hòa bình, nhân loại mới hưởng được ánh sáng văn minh.

***


chuongII

CHƯƠNG II

GÁNH NẶNG ĐƯỜNG XA

 ĐOẠN ĐƯỜNG THỨ NHỨT: Yêu nước

Từ lúc tâm hồn còn vô tư chưa có ý thức về trách nhiệm với quốc gia và đồng bào, đến khi nấy nở tình yêu nước và thể hiện tình yêu nước ấy bằng hành động là một đoạn đường xa. Kẻ có lòng với nước như lữ khách, gánh trên vai cả một gánh nặng Tình và Nghĩa. Tình với non sông, Nghĩa với đồng bào. Vì yêu nước biết bao nhiêu người đã dám chết cho Tổ Quốc. Chết cho Tổ Quốc quả là nghĩa cử đáng tôn vinh, là những tấm gương rạng ngời hàng ngàn thế hệ. Thế nhưng điều mà Tổ Quốc cần hơn và mong mỏi hơn có lẽ, là những người biết sống và dám sống cho Tổ Quốc.

 Tình yêu là một trong những khí giới tối thượng của loài người. Người biết thương biết yêu nên phát sinh ý chí và sức mạnh để bảo vệ cái đối tượng của tình yêu ấy. Nhưng cũng vì cái bản năng thương yêu mà người có khuynh hướng chiếm đoạt, cho dù phải chết vì làm việc chiếm đoạt. Yêu thương là nguồn của sự sống. Biết sống cho mình và cũng cho người khác được sống mới là biểu lộ của thương yêu, là phát biểu trọn vẹn của nhân tính. Giơ tay hái một bông hoa hương sắc bên đường không phải là thương yêu, mà chỉ là phát biểu của bản năng chiếm hữu. Hành động yêu nước cũng vậy.

 Trong lịch sử nước ta có những người tài cao chí cả, học rộng biết nhiều, hiểu biết lẽ "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" nhưng chỉ vì quá trọng cái địa vị, quá yêu cái xã tắc mà mang trọng tội với nước với dân.

 Nhà Trần mất vì Hồ Quí Ly thoán đoạt. Hồ Quí Ly là người tài trí phi thường, chỉ vì tham lợi tranh quyền, muốn canh tân đất nước mà làm mất đất nước. Trần Thiêm Bình là hậu duệ nhà Trần, sang Tàu kêu van với vua nhà Minh xin đem binh về đánh Hồ báo thù mới tạo nên cái cớ cho bọn Trương Phụ, Mộc Thạch kéo quân vào bờ cõi dầy xéo, bóc lột, tàn sát dân ta, nỗi thống khổ oan khiên không bút mực bào tả xiết. Nếu không có người nông dân Lê Lợi nuôi chí bất khuất khởi nghĩa cứu nước thì từ đầu thế kỷ 15 đen tối ấy, không biết đến bao giờ dân ta mới ngóc đầu lên được. Cuối đời Lê lại có Chiêu Thống cùng bọn thuộc hạ sang Tàu làm thân lữ khách qụy lụy cầu cứu nhà Thanh để đòi lại nước. Vua nhà Thanh nhân dịp ấy mới mượn tiếng cứu nhà Lê, sai bọn Tôn Sĩ Nghị mang quân vào Thăng Long để mưu chiếm lấy nước ta. Cái họa Bắc thuộc gần kề, may nhờ có vị anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ một trận oanh liệt đại phá 20 vạn quân Thanh, dân tộc ta mới giữ được nền tự chủ. Sau lại đến Nguyễn Ánh nuôi chí nhất thống sơn hà, mượn quân Xiêm La về đánh Tây Sơn rồi nhờ Bá Đa Lộc mang Hoàng tử Cảnh sang cầu viện người Pháp. Vua Gia Long thống nhất được đất nước, gọi Tây Sơn là "ngụy", nhưng cái họa gần 100 năm nô lệ thực dân Pháp sau này ai gánh vác?

 Trường hợp Hồ Chí Minh rõ rệt hơn nhưng cũng oái ăm hơn. Hồ Chí Minh tức Nguyễn ái Quốc, trong dịp kỷ niệm 70 tuổi của y tại Hà Nội đã thú nhận rằng hành động của mình lúc đầu là vì "chủ nghĩa yêu nước". Vì yêu nước (hãy tạm coi đó là yêu nước) và chưa biết làm sao tranh thủ cái đối tượng mình yêu trong tay thực dân Pháp, nên Hồ bắt chước những nhà ái quốc đương thời, tìm cách lẻn ra hải ngoại để học bài học cứu nước và trở thành đệ tử của Lê Nin ngay khi đọc xong bản Luận Cương Cộng Sản:

"Người đọc Luận cương rồi bật khóc
Lệ Bác Hồ rơi xuống chữ Lênin (!)"

 Từ đó, vì yêu nước họ Hồ đã trở thành nhân viên của sở phản gián Nga; vì yêu nước họ Hồ đã ngầm bán cụ Phan Bội Châu cho Thực dân lấy mười ngàn đồng bạc Ðông Pháp và thủ tiêu hầu hết những thanh niên yêu nước tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố (Trung Hoa) trên đường về quê hương hoạt động chống Pháp; Vì yêu nước họ Hồ đã hành động không mấy khác Trần Thiêm Bình, Lê Chiếu Thống, mượn chủ thuyết Mác Lê Nin và thế lực Cộng sản quốc tế để chiếm đoạt cái đối tượng mình thương yêu; nhưng nham hiểm hơn, họ Hồ đã mượn tiếng nói và mượn tay những người quốc gia yêu nước để triệt hạ những người quốc gia yêu nước trong cuộc tranh thủ ấy. Sau này Hồ đã thú thật, mới đầu thì do tình yêu nước đấy (Hồ gọi là chủ nghĩa yêu nước), nhưng sau thì do sự nghiền ngẫm sâu xa chủ nghĩa Cộng sản duy vật, Hồ và đồng bọn đã tìm thấy ở đấy một hình ảnh tối thượng, một đối tượng còn cao hơn Tổ quốc, còn rộng hơn nghĩa đồng bào, còn sâu hơn tình dân tộc ruột thịt. Cho nên Tổ quốc và đồng bào dưới tay Hồ đã trở thành những công cụ vô tri cho phong trào Cộng sản quốc tế. "Yêu nước là yêu Xã hội chủ nghĩa", với định nghĩa ấy họ Hồ và đồng bọn đã trút sạch gánh nặng Tình và Nghĩa với non nước, với đồng bào để biến phong trào Việt minh trở thành bọn giặc Hồ, bọn giặc Minh ủy nhiệm. Những người "yêu nước" ấy đã trút xong gánh nặng, đáng lẽ không nên nói tới nữa, nhưng đó là câu chuyện nên luôn luôn nhắc nhở trên đường xa gánh nặng để phân biệt Yêu nướcCứu nước:

Yêu nước, cứu nước hai cái khác
Yêu là đam mê, cứu là gánh vác.

 ĐOẠN ĐƯỜNG THỨ HAI: Gánh nặng cứu nước.

  Nhà nước Cộng sản lập ra rất nhiều đoàn thể lấy tên là các Hội Yêu nước. Người Việt chống cộng ở hải ngoại cũng có rất nhiều hội đoàn yêu nước. Vậy biết ai là người cứu nước?

 Từ hành động yêu nước đến hành động cứu nước là một quãng đường xa. Con đường hành động của người Việt Nam yêu nước nếu không được hướng dẫn bởi ý thức cứu nước, được tôi luyện qua các giai đoạn lịch sử, nếu không được trải bằng hạnh hy sinh, không được soi bằng đạo sống Việt thì chỉ là những "đường đi không tới" Biết bao nhiêu công dân Việt ưu tú hiện giữ những chức vị trọng yếu trong hàng ngũ Cộng sản Việt Nam đang cười đau khóc hận trên quãng "đường đi không tới" ấy!

 Thế giới không có một trường học nào dạy cứu nước cả. Hồ Chí Minh lúc còn trẻ tuổi là một người "yêu nước" quá lanh lợi, cho nên ngay khi lẻn ra hải ngoại để học bài cứu nước đã tìm ra được một "ông thầy phi thường", dạy lấy chân làm đầu, lấy đầu làm cái để đi, lấy vật làm chủ, dạy nắm lấy bao tử (dạ dầy) nhân dân để điều khiển bộ óc con người, dạy lấy căm hờn, sắt máu làm động cơ, làm sức mạnh và phương tiện cứu nước! Vì thế mà dù cho "Sông có thể cạn, đá có thể mòn" nhưng con đường mòn Hồ Chí Minh chắc chắn đi mãi cũng không bao giờ tới vinh quang tự chủ dân tộc được, chỉ có máu và nước mắt của đồng bào mà thôi.

- Vậy thì ta học bài học cứu nước đâu? - Xin thưa, ở Tổ tiên.

 Hơn bốn mươi thế kỷ trước họ Hồng Bàng khai sáng nước Văn Lang; tổ tiên trăm họ Việt chúng ta đã chiến đấu để gây dựng và bảo vệ nước Văn Lang văn hiến. Ðức Phù Đổng nhổ tre đuổi giặc, dạy con cháu lấy ý chí dân tộc tự chủ và tài nguyên quốc gia làm căn bản cho đạo quốc phòng. Vua Thục An Dương Vương cậy có nỏ thần, thành chắc, tức là dựa vào sức mạnh bên ngoài và sức mạnh vật chất mà mất nước. Đó là những bài học khai tâm. Hơn bốn mươi thế kỷ, đã có biết bao bài học cứu nước …

 Vậy thì trên con đường cứu nước, ngoài "Tình sâu, nghĩa nặng", người ta phải gánh trên vai thêm gánh nặng "ý thức cứu nước" và "Ý thức về sự hy sinh cứu nước" chứ không phải những đam mê lãng mạn của một cuộc thay cũ đổi mới kiểu cách mạng mùa thu: Cách mạng vô sản biến con người thành chó sói biết "phanh thây uống máu quân thù"!

ĐOẠN ĐƯỜNG THỨ BA : Thành tựu việc cứu nước.

Gánh thì nặng, đường thì xa, biết lấy gì làm niềm tin mà mạnh tiến?

- Phải vững tin vào bước tiến con người.

 Ðây là câu trả lời xác đáng nhất. Bước tiến của loài người đã được chính Duy Vật sử quan mô tả bằng những chứng tích cụ thể. Thế kỷ của chúng ta là thế kỷ chói sáng của nền văn minh vật chất với những phát triển tột bực về năng lượng, về kỹ thuật, với sự bành trướng tột độ của hai chủ thuyết cùng huyết thống, cùng thứ loại là Cộng sản duy vật và Tư bản duy lợi. Nhìn theo sử quan duy vật và nói theo biện chứng duy vật thì hai sức mạnh chủ yếu ấy tất phải xung đột và tiêu diệt lẫn nhau để làm sinh ra một thực thể thứ ba nào đó, không biết. Làm sao ta biết được con gà con khi nở ra từ một quả trứng sẽ là một sinh vật dễ thương hay sẽ là một con gà què, một quái trạng? Ta không đủ căn cớ để tin vào một lời biện chứng như vậy, nhất là biện chứng ấy lại xây dựng trên những chuỗi dài của những căm thù, xung đột và hủy diệt. Nhưng chúng ta có thể vững tin vào bước tiến con người, vì người là sinh vật có hai chân để tiến về phía trước, có hai mắt để nhìn về phía trước. Và đơn giản như vậy, như hai hơi thở ra và vào giữ gìn mạng sống, như hai bàn chân đẩy guồng máy hoạt động, nền văn minh vật chất và nền văn minh tâm linh phải ngẫu hợp với nhau và trở thành ngẫu lực tiến hóa để thành tựu nền văn minh nhân tính.

 Nhân loại đang chuyển mình để bước từ kỷ nguyên văn minh vật chất sang kỷ nguyên văn minh nhân tính, và các chế độ vật bản sẽ phải thay đổi lông, đổi cánh, chuyển hồi tâm tính để bước sang thời đại văn hiến mới của nhân loại.

 Suy nghiệm lại con đường dài của hơn 40 thế kỷ qua, tất cả những nỗ lực, những xương máu, những thành bại của tiền nhân đều là những minh chứng để cho thế hệ chúng ta xác tín một điều duy nhất là phải lấy ý thức tự chủ làm nền tảng để xây dựng một quốc gia văn hiến. Nhìn lại những quá trình tranh đấu ấy, ta thấy trong lịch sử văn hiến Việt bị thử thách nặng nề bởi xâm lược phương Bắc thì phần lớn nhân loại vẫn ở trình độ phong kiến. Từ thế kỷ 19, thế giới thực sự bước vào ngưỡng cửa của nền văn minh vật chất với các cơ chế chính trị đặt nặng trên cuộc tranh thủ quyền và lợi, thì ý thức văn hiến càng mờ nhạt. Ta không tìm thấy ở hầu hết các phong trào chống thực dân phương Tây một ý thức tự chủ rõ rệt nào cả, mà chỉ thấy thấp thoáng những chủ thuyết Tây phương, những bản Tuyên ngôn Ðộc Lập đầy mỹ từ và đầy tính sắt máu.

 Đến chặng cuối thế kỷ 20 này, khi thế giới đã mỏi mòn vì hiến dâng cho văn minh vật chất, người ta mới ơi ới gọi nhau để trở về nhân bản. Ðây là lúc thức giấc của loài người để bước vào nền văn minh mới: Văn minh nhân tính. Nói theo duy vật sử quan thì đây là một bước tiến vòng trôn ốc theo chu trình tiến hóa, và vì thế thì " trở về nhân bản " hay " tiến tới văn minh nhân tính " cũng đồng nghĩa. Cho nên cát bụi phải trở về cát bụi, các chế độ duy vật tất sẽ phải tự giải trừ, rũ bỏ những lớp áo phong sương vay mượn, để hòa mình vào cuộc tiến hóa ấy. Còn nền văn hiến Việt đã sẵn có một cơ sở nhân tính, đó là Ý thức tự chủ, tự chủ từ tâm thức mở rộng ra tầm kích quốc gia; nhưng nó đã mất một phần lớn năng lực hoạt động trong những lớp lớp vòng đai duy vật. Cho nên cuộc chiến đấu cho một nước Việt Nam ngày nay vẫn là cuộc chiến đấu cho một nước Việt Nam Văn Hiến để khôi phục năng lực tiến hóa. Người chiến sĩ trên đường cứu nước như thế phải là một chiến sĩ văn hiến, nghĩa là ngoài gánh nặng trên vai còn phải mang nhân tính trong nhân thể, chứ không phải là những con quỷ đỏ đòi nợ máu. Đó là tiếng réo gọi của đạo sống Việt, của đạo sống loài người.

 Ðạo sống Việt là đạo sống Tiên Rồng lưỡng hợp hòa đối. Ðạo sống ấy khai thị bốn đức tính căn bản Nhẫn , Cẩn, Kính, Hòa từ những cơ sở nhận thức: thân thức, ý thức, trí thức và tâm thức.

 1 - Rồng là tiềm năng của dân tộc, là khí thiêng sông núi kết tụ. Lúc vị ngộ rồng uốn khúc nằm ao tù, rồng ẩn sâu trong mạch đất (Long mạch tiềm ẩn) ấy là đạo Nhẫn. Người làm việc cứu nước lấy nhẫn làm gốc, biết gánh trên vai cả một núi những khinh khi, nhục mạ cũng thấy nhẹ như những ca ngợi, thôi thúc, mới mong làm nên việc… Nhẫn là căn bản của đạo sống Việt: một sự nhịn chín sự lành. Nhẫn là thu mình lại để nuôi ý chí, tích lũy tiềm năng. Bốn mươi năm bị Cộng sản lừa gạt, bóc lột, đàn áp, toàn dân ta đã biết nhẫn nhục để chờ một ngày quật khởi, thì mười mấy năm lưu vong của người Việt ở hải ngoại mới chỉ là một giai đoạn thử thách ngắn ngủi để học chữ nhẫn. Rồng ẩn càng sâu thì bay lên càng cao.

 2- Rồng gặp mây là lúc thỏa chí vẫy vùng, là lúc đắc ý nhất. Nhưng đây chính là lúc phải cẩn trọng nhất. Người cầm quân chỉ thường thua trận đúng lúc tưởng mình đang đắc thắng; người ta chỉ ngộ nạn ngay khi tưởng mọi sự đều an toàn, không ngờ đến những cái bất ngờ. Cẩn tắc vô ưu người đánh trận thắng không kiêu, bại không nản; biết mình biết người... Người làm việc cứu nước không thể bắt chước những phường tiểu nhân đắc chí. Gần đây người ta nghe nói đến những tập hồi ký "Kết thúc trận chiến tranh ba mươi năm" của Trần Văn Trà, tập "Ðại thắng mùa xuân" của Văn Tiến Dũng, nội dung là những giọng khoe khoang quá lố của những kẻ không ngờ là mình thắng, ít nhất cũng không ngờ là mình lại thắng lớn đến thế. Kết quả là những cái mâu thuẫn của sự khoe khoang đã đưa tướng Trà về vườn và đưa Văn Tiến Dũng kẻ thắng trận của truyền thống "nhất tướng công thành vạn cốt khô" lên ngôi người hùng của quân đội nhân dân Việt cộng. Thái độ đắc chí là mầm của tai họa. Cái họa cho mình là họa nhỏ; họa cho dân tộc mới là họa lớn. Ấy là đạo Cẩn của đạo sống Việt.

 3- Rồng không phải chỉ bay lên mây để vẫy vùng đắc chí trong đám phù vân vật chất, mà còn phải bay cao hơn nữa. Rồng phải gặp Tiên.

Cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam là Cộng sản thắng, là nhân dân miền Nam thảm bại và nhân dân miền Bắc chua xót. Kẻ thắng trận thỏa chí bóc lột, đàn áp, trả thù. Người thua trận âm thầm nhịn nhục. Giả thử nếu là một cuộc chiến đấu cho dân tộc thì tại sao dân tộc ta lại có người nhục kẻ vinh? Cuộc chiến đấu cho một nước Việt Nam văn Hiến là cuộc chiến đấu cho toàn dân, không phải cho một nhóm, một phe đảng, hoặc cho một thế lực quốc tế như kiểu đế quốc Cộng sản hay đế quốc Tư bản. Cho nên khi thắng, là toàn dân cùng thắng, nếu bại là toàn dân cùng thất bại. Người làm việc cứu nước biết đau xót với cái thất bại của toàn dân ngày nay, để biết kính trọng cái phút vinh quang của cả dân tộc mai sau mà xóa tan các dị biệt. Ấy là đạo Kính của đạo sống Việt: Trên kính dưới nhường.

 4- Cứu cánh của đạo sống Việt là đạo Hòa, Tiên Rồng lưỡng hợp, hòa thể. Tiên và Rồng sinh thành ra Việt, nhưng khi đã tạo thành Việt thì không còn phân biệt Rồng và Tiên. Tất cả đều là anh em trong cùng một bọc mẹ " xung khí dĩ vi hòa "; sau chiến tranh chỉ có thanh bình, chỉ có an lạc, chỉ có anh em; lẽ nào còn kẻ thắng người thua, kẻ hơn người kém, kẻ bóc lột đàn áp và người bị bóc lột đàn áp? Chữ đồng bào là ý nghĩa đạo hòa trong việc lạc quốc an dân, là đối tượng của việc cứu nước.

 Thân nhẫn, ý cẩn, trí kính, tâm hòa; người làm việc cứu nước có thể mang theo ngần ấy trang bị cùng với những gánh nặng trên đường chiến đấu cho an lạc của trăm họ Việt hay không?

 Người Ghi Chép chỉ xin dâng lên một vài ý kiến

   Thứ nhất - Gánh còn nặng, đường còn xa, xin hãy cùng nhau lắng tâm suy nghiệm để làm sáng nghĩa chữ "yêu nước" từ lâu đã bị bọc kín trong những cái túi nhung túi gấm. Rồi nhân những phút lắng tâm ấy, có lẽ chúng ta mới vỡ lẽ hai chữ Tự chủ nó khác với hai chữ Ðộc Lập đã được xướng lên từ Mười Hai Sứ Quân thời nhà Ngô, trong giai đoạn đầu mong manh của nền tự chủ nước nhà; và gần đây hơn đã được đọc trong bản Tuyên-ngôn Ðộc-lập ở Ba Đình trong thời quốc tế cộng sản tràn vào Việt Nam. Ý thức tự chủ khởi từ Tâm, không phải từ một tham vọng. Từ tâm thức tự chủ ta mới mở rộng ra thành ý thức dân tộc tự chủ để cùng dân tộc quy tụ vào một nền văn hiến mới, một nước Việt Nam Văn Hiến mới để cùng thế giới tiến bước vào kỷ nguyên văn minh nhân tính mới. Đó là vấn đề thuộc chiến thuyết.

 Biết lấy tâm làm khởi điểm tức là lấy tự chủ làm gốc mọi hành động ta mới có được "chân cứng đá mềm, chí bền dạ sáng" để cứu nước. Người xưa lấy "tâm công" đánh giặc, đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo để đuổi giặc Tàu xâm lược; Nay chúng ta cũng nên lấy "công tâm" làm phương sách căn bản của chiến-thuyết dân-tộc để đánh đuổi bọn thái thú ủy nhiệm giải cứu toàn dân. Nhưng làm sao đánh vào lòng người mà không đánh vào vết thương của dân tộc?

 Giặc "nhất trí" củng cố, bành trướng tà thuyết Mác-lê . Ta "Đồng Tâm" dựng đạo sống Việt.

 Giặc lấy "chiến tranh giải phóng" lấy "đấu tranh giai cấp" để thống trị nhân dân, thành lập nước Xã hội Chủ nghĩa để tiến tới Cộng sản chủ nghĩa đại đồng duy vật; Ta lấy "đại nghĩa phục quốc" và "bọc mẹ trăm con" để giải cứu toàn dân, dựng lại nước Việt Nam Văn Hiến mới, để cùng thế giới tiến tới văn minh nhân bản hòa đồng.

  Tổ chức nhất tâm, đồng bào đồng tâm, kết chặt bức thành đồng bao vây giặc Cộng.

  Thứ hai - Gánh còn nặng, đường còn xa... nhưng gánh không còn nặng, nếu ta biết quẳng đi những cái gì không cần phải gánh; và đường không còn xa như ta tưởng. Nếu không cấp thời chuẩn bị để sẵn sàng cứu nước khi thời cơ đột chuyển, thì con đường dẫn tới cuộc Bắc thuộc lần thứ tư hoặc Tây thuộc lần thứ hai không phải là chuyện huyền hoặc nữa.

***

(1) Vật tổ (totem): Trong các xã hội nguyên thủy (bộ lạc), người ta thường chọn một con vật hay một vật tự nhiên nào đó, mà họ cho là có liên hệ huyết thống với thị tộc (giòng họ) để tôn thờ như thần thánh.

(2) Bài này được viết trước khi các dân tộc Đông Âu quật khởi giải trừ các chế độ Cộng sản thống trị trên quê hương họ.

         
Ngươì ghi chép: Vũ Thanh Thư

 Xin mời xem tiếp   PHẦN II - TÂM VẤN (trang 2)


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Cuộc Chiến Đấu Cho Một Nước Việt Nam Văn Hiến
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi lưu trữ và phổ biến những biên khảo, sáng tác và ý kiến của quý vị và các bạn nhằm mục đích bảo tồn di sản văn hóa và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ của Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt
Trang[ 1 ][ 2 ][ 3 ]