Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com



Dân Chủ
Nguyễn Vũ Bình






Chương I: CƠ SỞ TƯ TƯỞNG

Lịch sử xã hội loài người là lịch sử quá trình con người đấu tranh tìm kiếm tự do. Quá trình này bao gồm giai đoạn tự do nguyên thủy của con người, giai đoạn mất tự do và cuối cùng là giai đoạn con người tìm được tự do trong toàn thức (ý thức toàn thể, toàn diện).

Nhu cầu có tính nền tảng của con người là tự bảo tồn. Chính nhu cầu căn bản này của cuộc sống con người đã đưa con người từ tự do nguyên thủy đến chỗ mất tự do. Đó là một giai đoạn lịch sử rất dài, khởi đầu từ xung đột và dẫn tới sự diệt vong của một số bộ lạc. Ý thức tự bảo tồn nòi giống con người với tư cách bộ lạc xuất hiện. Sự hình thành tập thể để bảo tồn nòi giống bắt buộc con người phải tuân theo những quy định và sự quản lý, lãnh đạo chính là bước đi đầu tiên của con người tới chỗ mất tự do. Cùng với tiến trình của lịch sử, sự xuất hiện tù binh, quá trình phóng thích tù binh và hoà nhập vào xã hội đã làm phai nhạt ý thức bảo tồn nòi giống với tư cách bộ lạc. Thay vào đó là ưu tư bảo tồn con người với tư cách một vùng, một khu vực địa lý – đây chính là quá trình xuất hiện các lãnh địa và lãnh chúa…tiếp theo là vương quốc, nhà nước dân tộc. Nếu nhu cầu tự bảo tồn của con người buổi bình minh đưa đến sự mất tự do của mình thì chính nhu cầu tự bảo tồn con người với tư cách nhân loại – trên phạm vi toàn cầu – chính là bước cuối cùng để con người đạt được tự do trong toàn thức.

Có hai quan niệm làm cơ sở cho cách thức tổ chức đời sống của con người. Một quan niệm cho rằng xã hội, hoặc quốc gia là một thực tại bên trên cá nhân các công dân. Quốc gia có thể sử dụng sức mạnh của nó trên các công dân nhân danh toàn thể dân chúng. Quan niệm thứ hai cho rằng, không có cái được gọi là xã hội. Chỉ có các cá nhân cùng nhau quyết định các nguyên tắc và các quy định nhằm mang lại phúc lợi cho nhau, và cùng nhau hợp đoàn để làm những điều vượt quá khả năng của một con người hoặc một gia đình. Những lập luận trong cuốn sách này đặt trên cơ sở Chủ nghĩa Tự do. Theo đó, cá nhân là một thực thể độc đáo, hoàn toàn độc lập, giữ vai trò quyết định và phải được ưu tiên trên hết so với cộng đồng, tập thể, xã hội, nhà nước. Cá nhân hoàn toàn có đầy đủ lý trí và năng lực để làm chủ bản thân và quyết định tất cả các hành vi của mình, do đó cá nhân được hoàn toàn tự do trong mọi hành động, miễn là hành động của cá nhân này không làm tổn hại đến cá nhân khác.

Sở dĩ có sự tồn tại song song hai quan niệm trên bởi vì nó phản ánh thực tiễn vận động của hai cấu trúc dân chủ tương đối khác nhau hiện nay. Một bên là thể chế dân chủ Hoa Kỳ, đặt hoàn toàn trên cơ sở của chủ nghĩa tự do, được hình thành và xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Và một bên là toàn bộ các nhà nước dân chủ còn lại hiện nay. Tính chất giằng co của hai quan niệm trên càng thêm quyết liệt bởi cấu trúc dân chủ Hoa Kỳ, có ưu thế vượt trội nhưng lại không (chưa) áp dụng được cho bất cứ quốc gia nào. Đồng thời, sự mong manh của các thể chế dân chủ ngoài Hoa Kỳ và Tây Âu đã tiếp sức cho sự tồn tại của quan niệm đặt xã hội lên trên cá nhân.

Tại sao nền dân chủ Hoa Kỳ, đặt trên nền tảng là chủ nghĩa tự do, trên thực tế đã thể hiện ưu thế vượt trội, lại chưa áp dụng được cho bất kỳ quốc gia nào? Tại sao các nền dân chủ ngoài Hoa Kỳ và Tây Âu lại mong manh và vô cùng khó khăn để vượt qua cái ngưỡng dân chủ tuyển cử để trở thành dân chủ tự do? Bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay có vai trò gì và tác động như thế nào trong hành trình tìm kiếm tự do của loài người?

Trước hết cần phân biệt sự khác nhau của hai hình thái dân chủ Hoa Kỳ và Tây Âu. Điểm khác biệt quan trọng nhất là quá trình hình thành nền dân chủ Hoa Kỳ đi cùng với quá trình hình thành quốc gia dân tộc, của những con người bình đẳng, không bị ràng buộc vào quá khứ và vào bất cứ vấn đề gì. Chính vì vậy, quốc gia (chính quyền) được xây dựng phản ánh nguyện vọng bảo đảm và bảo vệ tự do cho các thành viên. Nền dân chủ của các nước Tây Âu ra đời dựa trên nhu cầu giải phóng con người khỏi sự áp bức của các chính quyền chuyên chế trước đó. Việc giải phóng con người như vậy (tự do con người có được) diễn ra từng bước, tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể và tương quan giữa các lực lượng tiến bộ và bảo thủ của các cuộc cách mạng. Mặt khác, các dân tộc của Tây Âu đã được hình thành trước khi con người có tự do. Yếu tố dân tộc rất quan trọng vì nó là cốt lõi của quốc gia – dân tộc, phản ánh nhu cầu tự bảo tồn nòi giống với tư cách một quốc gia dân tộc.

Các quốc gia dân chủ ngoài Hoa Kỳ và Tây Âu cũng có quá trình hình thành nền dân chủ giống như sự hình thành nền dân chủ của các nước Tây Âu, tức là quá trình giải phóng con người trên cơ sở các dân tộc sẵn có. Tuy vậy, do đi tiên phong giải phóng con người nên các nền dân chủ Tây Âu đã phải dò tìm và tự thiết kế lấy các thiết chế dân chủ của mình. Các nước khác, dù nền dân chủ hình thành từ các cuộc cách mạng xã hội toàn diện hay những thay đổi lớn trong từng lĩnh vực, cũng đã có (và ứng dụng) các kinh nghiệm, cơ chế, cấu trúc của các nền dân chủ trước đó. Do không có các điều kiện hình thành nền dân chủ giống như Hoa Kỳ, tức là nền dân chủ hình thành cùng với sự hình thành quốc gia, dân tộc trên cơ sở những con người bình đẳng, không có ràng buộc gì từ quá khứ là một nguyên nhân quan trọng mà hình thái dân chủ ưu việt của Hoa Kỳ chưa áp dụng được cho bất kỳ quốc gia nào. Nhưng quan trọng hơn, các nguyên lý để xây dựng nên các nền dân chủ được rút ra từ hai hình thái dân chủ Hoa Kỳ và Tây Âu chưa phản ánh được một cách chính xác các yếu tố cốt lõi của một kết cấu dân chủ thực sự. Đó chính là lý do cho sự mong manh của các nền dân chủ ngoài Hoa Kỳ và Tây Âu hiện nay.

Bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay mở ra một cơ hội vô cùng rộng lớn cho việc hình thành và xây dựng các nền dân chủ. Không những thế, toàn cầu hoá đã làm phát lộ khả năng kết nối các nền dân chủ, thúc đẩy và mở rộng quy mô dân chủ trên phạm vi toàn cầu, đưa con người bước sang vương quốc của tự do.

Chương II: KHÁI NIỆM, TIỀN ĐỀ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN CỦA DÂN CHỦ

Dân chủ là một phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất tự do của con người.
Tự do của con người là một ý niệm. Nó bao gồm quyền con người và khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi một cá nhân.

Vì vậy:

Dân chủ là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất quyền con người và khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi một cá nhân.

Chúng ta đều biết rằng, có một sự tương đối trong các khái niệm của triết học chính trị. Mặt khác, dân chủ là một vấn đề lớn, phức tạp và liên quan tới nhiều phương diện của cuộc sống. Chính vì vậy, đã có rất nhiều các định nghĩa về dân chủ. Vậy thì định nghĩa trên đây được khái quát từ đâu và tại sao lại là như vậy?

Nghiên cứu sự hình thành và phát triển của hình thái dân chủ Hoa Kỳ, một hình thái dân chủ vượt trội, vững chắc lại được hình thành trong các điều kiện đặc biệt lý tưởng, có một câu hỏi được đặt ra là, những yếu tố nào đã khiến cho cấu trúc dân chủ Hoa Kỳ tồn tại và tự hoàn thiện qua rất nhiều thử thách như vậy? Có hai yếu tố quan trọng nhất, xuyên suốt giữ cho con tàu dân chủ Hoa Kỳ không chệch hướng mà vẫn băng băng tiến lên phía trước, đó là sự bình đẳng của những con người buổi đầu tham gia thiết kế cấu trúc dân chủ đó (sau này phát triển lên thành sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật) và ý thức tự bảo vệ quyền con người của mỗi thành viên (sau này chuyển hoá thành khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân trong xã hội).

Như vậy, có hai yếu tố cốt lõi bảo đảm sự bền vững và tự hoàn thiện của thể chế chính trị dân chủ Hoa Kỳ. Yếu tố thứ hai, đã được khái quát thành định nghĩa về dân chủ. Yếu tố thứ nhất, sự bình đẳng của các cá nhân trong xã hội chính là tiền đề của dân chủ. Nhưng đối với Hoa Kỳ, sự bình đẳng ban đầu là tự nhiên, phát triển thành sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Còn đối với các quốc gia khác, không có được sự may mắn này thì làm thế nào để có được sự bình đẳng?

Tiền đề của dân chủ: là sự chấp nhận và thừa nhận sự khác nhau và khác biệt của mỗi cá nhân con người, mỗi một nhóm người, tập thể đại diện cho từng sắc tộc, tôn giáo, vùng và địa phương

Như vậy, muốn có được sự bình đẳng thì cá nhân và xã hội cần phải chấp nhận và thừa nhận sự khác nhau và khác biệt của con người trên hai phương diện: cá nhân – là sự khác nhau về chủng tộc, hình thức, tính cách…; tập thể - sự khác nhau giữa các sắc tộc, tôn giáo, vùng và địa phương.

Cần nhấn mạnh rằng, trải qua chiều dài của lịch sử, sự khác nhau và khác biệt giữa những cá nhân và nhóm người là rất lớn. Vì vậy, nói tới tiền đề của dân chủ cũng có nghĩa là nói tới quá trình xây dựng tiền đề. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là, làm thế nào để có sự thừa nhận và chấp nhận lẫn nhau giữa những con người, sắc tộc, tôn giáo, các địa phương đã có mâu thuẫn, hiềm khích và thù hận trong quá khứ, thậm chí hiện tại? Chúng ta cần xây dựng một triết lý, một văn hoá ứng xử tuy không mới nhưng chưa trở thành phổ biến: tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc.

Như vậy, việc xây dựng tiền đề của dân chủ, trong phần lớn các quốc gia, là xây dựng tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc.

Một nền dân chủ muốn được xây dựng thành công cũng cần phải có những điều kiện xã hội nhất định. Có những điều kiện tiên quyết (bắt buộc, phải có ngay lập tức) và những điều kiện cần có được xây dựng theo thời gian.

Điều kiện tiên quyết: Không có chiến tranh hoặc nội chiến. Bởi vì chiến tranh là trạng thái không bình thường của con người và toàn xã hội. Không thể xây dựng một xã hội dân chủ trong điều kiện con người và xã hội trong trạng thái không bình thường.

Điều kiện cần có:

- không có sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc
- không có sự phân biệt và xung đột sắc tộc
- không có sự phân biệt và xung đột tôn giáo

Ở đây cụm từ phân biệt và xung đột phải được hiểu theo ý nghĩa của từ ghép, bởi vì có thể có phân biệt và giúp đỡ một số sắc tộc ít người, hoặc một tôn giáo là quốc giáo chỉ được phân biệt với ý nghĩa số đông dân chúng đi theo tôn giáo đó.

Sự khác nhau và khác biệt của con người và tập thể cũng chính là đặc trưng quan trọng của một nền dân chủ. Mỗi một con người, với khả năng nhận thức, sở thích và điều kiện sống khác nhau sẽ theo đuổi các việc làm, ngành nghề khác nhau và sẽ đạt được các kết quả khác nhau trong xã hội. Tương tự như vậy, một tập thể đại diện cho một sắc tộc, một tôn giáo, một địa phương đều có những đặc điểm, đặc trưng riêng biệt. Sự đa dạng, phong phú trong hình ảnh của mỗi cá nhân, tập thể phản ánh sự chín muồi của tiền đề và các điều kiện của dân chủ, cũng như bản thân nền dân chủ.

Chương III: NỘI DUNG CỦA DÂN CHỦ

Có rất nhiều nội dung và vấn đề trong một phương thức tổ chức xã hội. Song, bất kỳ một phương thức tổ chức xã hội nào cũng phải giải quyết ba vấn đề cơ bản sau đây của xã hội: 1 – vấn đề Chính quyền; 2 –Vấn đề Luật; 3 – Vấn đề con người.

Bản chất của phương thức tổ chức xã hội sẽ được dùng làm cơ sở để giải quyết ba vấn đề trên. Điều đó cũng có nghĩa là, cách thức giải quyết ba vấn đề trên sẽ bộc lộ bản chất của một phương thức tổ chức xã hội. Phương thức tổ chức xã hội dân chủ sẽ giải quyết ba vấn đề bằng các nội dung sau:

1- Vấn đề Chính Quyền

Hiện nay có hai cách hiểu khi đề cập tới vấn đề chính quyền. Hiểu theo nghĩa rộng, chính quyền được hiểu là Nhà nước với ba chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp, đồng thời đại diện quốc gia. Theo nghĩa hẹp, chính quyền đồng nghĩa với chính phủ, thực hiện chức năng hành pháp. Nhưng trong nhiều trường hợp và văn bản, chính quyền đồng nghĩa với Nhà nước. Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì bản chất của chính quyền dân chủ không thay đổi: là một định chế được xây dựng để bảo đảm và bảo vệ quyền con người trong một phạm vi địa lý nhất định.

Xuất phát từ bản chất của chính quyền dân chủ, có hai nội dung chính cần được xem xét, lý giải và thực hiện:

a. Chính quyền là một định chế được xây dựng để bảo đảm quyền con người:

Đúng vậy, quyền con người, yếu tố cốt lõi trong nền dân chủ, dù được tất cả mọi người trong xã hội công nhận và thừa nhận, cũng không phải bỗng dưng mà có. Nó phải được tổ chức trên bình diện xã hội, cực kỳ khoa học và vô cùng công phu, gian khổ. Những khó khăn và hạn chế trong việc bảo đảm quyền con người ở các nước dân chủ ngoài Hoa Kỳ và Tây Âu phần lớn do việc tổ chức và xây dựng chính quyền còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, khi đã xác định chính quyền được xây dựng để bảo đảm quyền con người là chúng ta đã đóng khung được một một phần chức năng của chính quyền, từ đó tổ chức chính quyền hợp lý và hiệu quả hơn.

b. Chính quyền là một định chế được xây dựng để bảo vệ quyền con người.

Trong hoạt động sống của mình, quyền con người thường bị vi phạm bởi việc sử dụng sức mạnh. Trong xã hội văn minh, việc sử dụng sức mạnh cần phải bị loại trừ. Quyền sống của con người kéo theo quyền tự vệ, sử dụng sức mạnh trả đũa nhắm vào những kẻ đã ra tay sử dụng sức mạnh trước. Nhưng việc dùng sức mạnh trả đũa không thể tùy thuộc vào ý muốn của mỗi một cá nhân. Nó đòi hỏi những luật khách quan, do các bằng chứng đưa ra để xác định một tội ác và chứng minh ai đã phạm tội ác đó. Khi sức mạnh bị cấm trong quan hệ xã hội, con người cần một thể chế nắm nhiệm vụ bảo vệ các quyền lợi của họ, dưới sự điều chỉnh của một tập hợp các luật lệ khách quan.

Mặt khác, trong xã hội tự do, một người không bị bắt buộc giao dịch với người khác. Họ chỉ giao dịch trên cơ sở tự nguyện, có hợp đồng nếu giao dịch diễn ra trong một thời gian. Nếu hợp đồng bị phá vỡ do quyết định tùy tiện của một bên sẽ gây tổn hại tài chính và thảm họa cho người kia…và ở đây cũng cần một thể chế làm chức năng trọng tài giải quyết các bất đồng giữa mọi người với nhau, theo luật khách quan.

Ngoài ra, quá trình xây dựng các định chế của một chính quyền là quá trình phức tạp, chưa có nguyên lý chuẩn xác, là quá trình tìm tòi, trải nghiệm. Bản thân quá trình xây dựng và vận hành định chế chính quyền cũng bao hàm trong nó những vi phạm quyền con người. Vì vậy, trong định chế chính quyền được lập ra cũng phải bao hàm trong nó một cơ chế để cá nhân có thể tự bảo vệ quyền con người của mình.

Như vậy, chính quyền được xây dựng để bảo đảm quyền con người, bảo vệ con người khỏi tội ác, khỏi các thế lực ngoại xâm, làm trọng tài giải quyết tranh chấp giữa con người theo luật khách quan và cũng là để cá nhân tự bảo vệ quyền con người của mình.

2– Vấn đề Luật

Theo nghĩa chung nhất, luật là những quy định để điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Bất kỳ xã hội nào cũng cần và cũng có luật. Sự khác nhau về luật giữa các phương thức tổ chức xã hội khác nhau là nguồn gốc, chức năng, việc thực hiện và bảo vệ luật. Trong một xã hội dân chủ, điều đặc biệt dễ thấy nhất là luật có mặt ở khắp mọi nơi, tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, các cấp trong đời sống, sinh hoạt của mọi tầng lớp người dân. Theo ý nghĩa cơ học, sự đa dạng, phong phú và số lượng luật phản ánh mức độ của một xã hội văn minh. Số lượng luật chính là số lượng các tương quan lợi ích được đưa vào điều chỉnh. Chúng ta xem xét mối tương quan của luật đối với quyền con người, và cao hơn nữa, là đối với tự do trong xã hội dân chủ.

Các quyền con người muốn được ra đời cần phải có luật, bản thân quyền con người tồn tại bằng luật, và việc bảo vệ quyền con người cũng phải dùng công cụ là luật. Tương tự như vậy, khả năng bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân (ngoại trừ yếu tố khát vọng, động cơ của bản thân con người) đều được bảo đảm và liên quan mật thiết tới luật. Như vậy, ta có thể kết luận: luật chính là bà đỡ, là hiện thân, là linh hồn của tự do và cũng là công cụ để bảo vệ tự do. Chúng ta xây dựng nên luật, đối xử với luật như thế nào cũng chính là chúng ta xây dựng nên tự do và đối xử với tự do như vậy. Đây chính là tinh thần thượng tôn pháp luật trong các xã hội dân chủ.

Để bảo đảm đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, một xã hội dân chủ cần đặt luật như một đối tượng đặc biệt cần được xây dựng và hoàn thiện với tư cách một cơ chế, một cấu trúc và một thiết chế. Đồng thời, định hướng nội dung của luật không gì khác hơn ngoài việc: bảo đảm và bảo vệ quyền con người.

a - Luật là đối tượng đặc biệt, được xây dựng và hoàn thiện với tư cách là một cơ chế, một cấu trúc và một thiết chế

Trong quá trình xây dựng chính quyền, việc xây dựng và thực thi luật cũng được đặt ra và thực hiện, đặc biệt có cả một cơ chế tam quyền phân lập để làm việc này. Tuy nhiên, khi chúng ta đặt luật là một đối tượng đặc biệt, như một chỉnh thể riêng biệt và hoàn chỉnh thì sẽ có sự khác biệt rất lớn, từ quan niệm đến việc tập trung sự chú ý và nguồn lực, cũng như sự giám sát của nhân dân và sẽ dẫn tới sự khác biệt tích cực trong xây dựng, thực thi và hoàn thiện luật.

Sự tách biệt lập pháp, hành pháp và tư pháp thực ra là sự phân công chức năng để bảo đảm luật được ra đời và hình thành phản ánh đúng nguyện vọng của người dân, để việc thực thi luật được bình đẳng và nghiêm minh, để luật được bảo vệ một cách khách quan và công bằng. Tức là quá trình xây dựng và vận hành, thực thi và bảo vệ luật không bị bóp méo bởi việc tập trung nhiều chức năng trong tay một chủ thể. Mặt khác, để sự vận hành trôi chảy, từ lúc hình thành cho tới khi thực thi và bảo vệ luật không bị tắc nghẽn, chúng ta cần có một cấu trúc xã hội tương ứng với cơ chế phân công chức năng. Sau một thời gian, khi mà cả cơ chế và cấu trúc xã hội, trải qua quá trình tìm tòi, trải nghiệm, đã bảo đảm được chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng ta cần xác lập một thiết chế xã hội dựa trên cơ chế và cấu trúc đó.

b - Chức năng của luật: bảo đảm và bảo vệ quyền con người

Để thực hiện được chức năng bảo đảm và bảo vệ quyền con người, luật và hệ thống luật cần thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Xác quyết quyền con người: không nghi ngờ gì nữa, yêu cầu quan trọng nhất đối với luật là xác quyết quyền con người. Đó là các quyền cơ bản về tự do cá nhân của con người bao gồm: quyền sống, quyền sở hữu, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, quyền mưu cầu hạnh phúc. Xác quyết các quyền cơ bản về tự do dân sự - chính trị như: quyền tự do ứng cử, bầu cử; quyền tự do hội họp và lập hội; quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật; quyền được tố tụng đúng đắn và xét xử công bằng…. luật cũng phải xác quyết một hệ thống các quyền đi theo các quyền cơ bản và các quyền về kinh tế, văn hoá, xã hội và đời sống.

- Luật tham gia quá trình xây dựng cơ chế, cấu trúc và thiết chế xã hội bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Quá trình xây dựng chính quyền, quá trình xây dựng cơ chế, cấu trúc và thiết chế xã hội đều có sự tham gia của luật. Những định hướng nội dung bảo đảm và bảo vệ quyền con người của luật giúp cho các quá trình này được thực hiện nhanh chóng, hoạt động được hiệu quả và bền vững hơn bởi sự cộng hưởng mục đích.

- Luật tham gia xây dựng nhận thức về quyền con người, về tự do, dân chủ và ý thức tự bảo vệ quyền con người cho người dân. Vai trò của nhận thức về quyền con người, về tự do, dân chủ để từ đó hình thành ý thức tự bảo vệ quyền con người của người dân là vô cùng quan trọng. Việc nhận thức này không thể do người dân tự tìm hiểu mà cần phải được sự hướng dẫn, giáo dục và quy định bằng luật pháp đối với các cơ quan chức năng của chính quyền. Vì vậy, việc tham gia xây dựng nhận thức cho người dân về quyền con người và về tự do, dân chủ là nội dung quan trọng trong chức năng bảo đảm và bảo vệ quyền con người của luật.

3. Vấn đề Con Người

Các phương thức tổ chức xã hội đều phải giải quyết vấn đề con người. Một cách giản dị: ai, nhóm người nào chi phối quá trình xây dựng và hoạt động của chính quyền, của hệ thống luật? và hệ thống chính quyền và luật pháp đó hoạt động đem lại và bảo vệ lợi ích cho ai, nhóm người nào? Phương thức tổ chức xã hội dân chủ đã xác quyết, trong nguyên lý và trong các hiến pháp dân chủ: nhân dân chính là chủ thể của quá trình xây dựng và hoạt động của hệ thống chính quyền và luật pháp. Đồng thời hoạt động của chính quyền và hệ thống luật pháp bảo đảm và bảo vệ lợi ích của nhân dân. Nói cách khác, quyền lực thuộc về nhân dân. Vấn đề đặt ra ở đây là, làm thế nào để người dân thực sự tham gia vào quá trình xây dựng các thể chế xã hội và làm thế nào để các thể chế xã hội đó bảo đảm quyền con người và khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân? Có hai nội dung phương thức tổ chức xã hội dân chủ cần thực hiện. Đó là xây dựng nhận thức về quyền con người, về tự do, dân chủ cho người dân và xây dựng cơ chế để mỗi cá nhân có thể tự bảo vệ quyền con người của mình.

a. Nhận thức về quyền con người, về tự do, dân chủ

Quyền con người là một khái niệm rất mới trong lịch sử nhân loại. Có hai luận thuyết về nguồn gốc quyền con người, một số người khẳng định quyền là tặng phẩm của chúa trời, số người khác thì cho rằng quyền là tặng phẩm của xã hội. Nhưng trên thực tế, nguồn gốc quyền là bản chất con người [*]. Con người là thực thể thuộc một loài đặc biệt - thực thể có lý trí – con người không thể hành động hiệu quả dưới sự cưỡng ép, quyền là điều kiện cần cho sự tồn tại đặc biệt của con người. Vậy, quyền là nguyên tắc đạo đức xác định và thừa nhận sự tự do hành động của con người trong một xã hội nhất định. Chỉ có một quyền cơ bản mà thôi – tất cả các quyền khác là kết quả hoặc hệ quả tất yếu của quyền cơ bản này – quyền của con người đối với đời sống cá nhân. Đời sống là một quá trình hành động tự duy trì và tự sinh sôi; quyền đối với đời sống tức là quyền hành động tự duy trì và tự sinh sôi – có nghĩa là: tự do tiến hành tất cả các hành động mà tự nhiên đòi hỏi từ một thực thể có lý trí, để hỗ trợ, thúc đẩy, hoàn thành và hưởng thụ đời sống riêng của mình. Đó là ý nghĩa của quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Trong thực tế cuộc sống, quyền con người được xác định trên hai phương diện: quyền tự do cá nhân con người và quyền tự do chính tri - dân sự của con người (quyền công dân).

- Quyền tự do cá nhân con người bao gồm các quyền cơ bản sau:

+ Quyền Sống: là nguồn của mọi quyền

+ Quyền sở hữu tài sản: là cách duy nhất để thi hành các quyền. Không có quyền sở hữu, tất cả các quyền khác là bất khả thi. Bởi vì con người phải tự mình duy trì đời sống của mình, cho nên người nào không có quyền đối với sản phẩm do nỗ lực cá nhân mình tạo ra thì sẽ không có cách nào sống được. Người nào sản xuất và bị những kẻ khác chiếm đoạt sản phẩm, thì người đó ắt là nô lệ.

+ Quyền tự do ngôn luận: là quyền tự do thể hiện, trình bày ý kiến mà không bị can thiệp, đàn áp và trừng phạt.

+ Quyền tự do tín ngưỡng: quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào đó. Thể hiện tinh thần khoan dung tôn giáo, kết quả đấu tranh hàng nghìn năm của con người.

+ Quyền mưu cầu hạnh phúc: là quyền làm những gì cá nhân coi là cần thiết để đạt được hạnh phúc.

- Quyền tự do chính trị-dân sự của con người (quyền công dân) bao gồm:

+ Quyền tự do ứng cử và bầu cử
+ Quyền tự do báo chí
+ Quyền tự do hội họp và lập hội
+ Quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật
+ Quyền được tố tụng đúng đắn và xét xử công bằng

Ngoài ra, còn một số các quyền khác để thể hiện và thực thi các quyền cơ bản của con người. Ví dụ: quyền tự do cư trú, tự do đi lại, quyền thừa kế, quyền được bảo vệ nhân phẩm, v.v.

Nhận thức của người dân về tự do, dân chủ cần nhấn mạnh phương diện tham gia xây dựng hệ thống chính quyền, hệ thống luật pháp của người dân. Cùng với đó là hệ thống thủ tục, trình tự, các địa chỉ để người dân có thể khiếu nại, tố cáo, khởi kiện nhằm bảo vệ các quyền tự do của họ. Mặt khác, kiến thức về tự do, dân chủ cần phải được trình bày đơn giản, dễ hiểu, và quan trọng hơn, phải gắn chặt và liên quan mật thiết với cuộc sống người dân.

b. Xây dựng cơ chế bảo đảm khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân: Toà án nhân quyền

Đây là yếu tố, là cơ chế quan trọng nhất của nội dung dân chủ, của thiết chế dân chủ, của phương thức tổ chức dân chủ. Đây là yếu tố cốt lõi, hạt nhân của cấu trúc tự hoàn thiện của bất kỳ nền dân chủ nào. Xây dựng được cơ chế này, thực hiện được nội dung này, nền dân chủ sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách và tự đi tới trạng thái hoàn thiện. Có hai nguyên nhân lý giải điều này:

Thứ nhất, quyền con người là đối tượng luôn luôn bị xâm hại, bị vi phạm mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Sự vi phạm quyền con người là do:

- Việc xây dựng hệ thống chính quyền và luật pháp, với mục đích bảo đảm và bảo vệ quyền con người, là quá trình phức tạp cần tìm tòi, trải nghiệm. Bản thân quá trình này cũng bao hàm trong nó sự vi phạm quyền con người.

- Sự cám dỗ tự nhiên về quyền lực và lợi ích đối với cá nhân tham gia xây dựng các thiết chế dân chủ sẽ hàng ngày, hàng giờ đưa tới sự vi phạm quyền con người cả trên phạm vi cá nhân và tập thể.

- Vấn đề tội phạm

Vì vậy, việc bảo vệ quyền con người phải được đặt lên hàng đầu và phải có cơ chế để thực hiện việc bảo vệ đó.

Thứ hai, không ai có thể bảo vệ quyền con người hiệu quả bằng chính bản thân cá nhân bảo vệ quyền con người cho mình. Đồng thời, toà án Nhân quyền cũng là nơi tôn nghiêm và hiệu quả nhất để bảo vệ quyền con người, nhất là đối với những người nghèo và dân thường.

[*] Theo Ayn Rand.



Chương IV: HIỆN THỰC HOÁ DÂN CHỦ

Xét dưới góc độ dân chủ, các quốc gia trên thế giới hiện nay được nhiều người nhìn nhận có ba mức độ khác nhau. Các quốc gia có nền dân chủ tương đối hoàn hảo, còn gọi là dân chủ tự do, gồm Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu. Các quốc gia cũng có thể chế dân chủ, nhưng đi sâu vào quyền con người mới chỉ dừng ở mức dân chủ trong tuyển cử. Và cuối cùng là các quốc gia chưa có dân chủ bao gồm độc tài cá nhân, độc tài tập thể hoặc toàn trị.

Trên góc độ hiện thực hoá dân chủ, theo các nội dung cuốn sách này đưa ra, thì không có gì nhiều để vận dụng (hoặc áp dụng) đối với các quốc gia dân chủ tự do. Tuy nhiên, các toà án nhân quyền vẫn là một yêu cầu cần đặt ra trong việc hoàn thiện các thể chế dân chủ. Đồng thời, các nhà nước của Hoa Kỳ và Tây Âu hiện nay vẫn quá cồng kềnh so với chức năng thực sự của nó cũng như xu hướng hoà hợp và toàn cầu hoá đặt căn bản trên nhận thức chung về trách nhiệm toàn cầu của các quốc gia hiện nay.

Hiện thực hoá dân chủ, vì vậy, đặt ra chủ yếu đối với các quốc gia đã có các thể chế dân chủ nhưng người dân chưa thực sự tự do và trong tương lai, là các quốc gia độc tài chuyển sang dân chủ. Như ở đầu cuốn sách có đề cập, tình trạng các quốc gia đã có những thể chế nhất định, nhưng người dân chưa được tự do, xuất phát từ những nguyên lý để xây dựng nền dân chủ chưa phản ánh được các yếu tố cốt lõi của một kết cấu dân chủ thực sự. Nhưng mặt khác, cách thức xây dựng, trình tự tiến hành để xây dựng các thể chế dân chủ cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc các quốc gia khó vượt qua ngưỡng dân chủ tuyển cử để trở thành dân chủ tự do.

Các quốc gia thường bắt đầu tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, sau một cuộc cách mạng ôn hoà hoặc bạo lực, bằng việc soạn thảo một hiến pháp dân chủ (thuê các nhà hiến pháp nổi tiếng trên thế giới); định hình các đảng phái chính trị quốc gia; xây dựng lộ trình bầu cử quốc hội, chính quyền (chế độ tổng hoặc bán tổng thống); tiến hành vận động tranh cử và thực hiện tổng tuyển cử. Người ta cho rằng, thành công trong xây dựng thể chế dân chủ chính là việc giữ cho các tiến trình trên diễn ra trôi chảy, không có biến động làm thay đổi hoặc phá vỡ tiến trình đó. Điều nguy hiểm hơn, là sự mặc định các thể chế vừa xây dựng cho toàn bộ tiến trình dân chủ. Ví dụ, có lập luận cho rằng, hiến pháp phản ánh tương quan lực lượng giữa các đảng phái vào thời điểm xây dựng hiến pháp?!? Nhận xét toàn bộ quá trình này, chúng ta nhận thấy hoạt động xây dựng thể chế dân chủ chỉ diễn ra trên bình diện quốc gia, với một số ít người tham gia. Còn người dân, có lẽ chỉ có một việc duy nhất là đi bỏ phiếu, trong tình trạng nhận thức một điều duy nhất là hình như đất nước vừa thay đổi chế độ!

Đó là một tiến trình đảo ngược, hay như người Việt Nam thường nói “xây nhà từ nóc”. Điều quan trọng nhất trong cách thức tiến hành xây dựng thể chế dân chủ là, nó phải được diễn ra từ/ở đơn vị dân chủ cơ sở - là đơn vị địa lý, hành chính nhỏ nhất có thể xây dựng thể chế dân chủ - đồng thời được toàn thể người dân tham gia. Toàn bộ nội dung của dân chủ phải được thực hiện trên bình diện dân chủ cơ sở, và gắn chặt với cuộc sống của người dân. Chỉ có ở đây, người dân mới thực sự tham gia vào xây dựng hệ thống chính quyền, hệ thống luật cũng như cơ chế về toà án nhân quyền để họ tự bảo vệ quyền con người của mình. Tất cả các hoạt động xây dựng thể chế dân chủ ở cấp cao hơn cấp cơ sở chỉ có mục đích mở đường, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo đảm yêu cầu cho việc xây dựng và hoạt động của thể chế dân chủ ở cơ sở. Thước đo quyền con người, mức độ dân chủ của quốc gia không phải bằng sinh hoạt chính trị dân chủ trên bình diện quốc gia mà bằng quyền con người, mức độ tham gia của người dân, khả năng tự bảo vệ quyền con người của người dân trong không gian sinh hoạt dân chủ cơ sở.

Trên tinh thần này, một chính quyền (hay nhà nước) chỉ nên là một chính quyền gọn nhẹ, thực hiện các chức năng tối thiểu để duy trì sinh hoạt quốc gia. Các chức năng chính yếu của nhà nước, là đại diện quốc gia, duy trì đoàn kết dân tộc; xây dựng và duy trì lực lượng vũ trang (quân đội và cảnh sát); toà án để giải quyết tranh chấp giữa con người với nhau. Và, một chức năng quan trọng là thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện cho tiến trình xây dựng và hoạt động của thể chế dân chủ ở cơ sở.

Tựu trung lại, đối với các quốc gia đã có hình thái dân chủ tuyển cử, thì việc hiện thực hoá dân chủ cần được tiến hành như thế nào?

- Trước hết, cần trang bị nhận thức về quyền con người, về tự do, về phương thức tổ chức xã hội bảo đảm tự do của con người (dân chủ) cho mọi người dân, mà ban đầu là tầng lớp tinh hoa, có ý chí để hiện thực hoá dân chủ. Lưu ý rằng, việc trang bị nhận thức trên cho mọi người dân là việc làm bắt buộc. Vì vậy, cần xây dựng kiến thức về tự do, dân chủ thật đơn giản, dễ hiểu và phải gắn với cuộc sống của người dân.

- Xây dựng thể chế xã hội dân chủ bao gồm chính quyền, hệ thống luật và cơ chế tự bảo vệ quyền con người (toà án nhân quyền) trong không gian dân chủ cơ sở. Để thực hiện được điều này, trước hết phải xoá bỏ sự mặc định về thể chế chính trị đang tồn tại; chuyển trọng tâm xây dựng thể chế xã hội trên bình diện quốc gia sang bình diện cơ sở; đặt toàn bộ việc xây dựng và hoạt động của các thể chế cấp trên cơ sở trong phạm vi ảnh hưởng của cấp cơ sở. Nói cách khác, sự tồn tại và hoạt động của các thể chế ngoài cấp cơ sở chỉ để phục vụ cho việc xây dựng và hoạt động của thể chế dân chủ cơ sở.

- Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, vấn đề xây dựng thể chế dân chủ cần được đặt trong xu thế dân chủ hoá toàn cầu. Có nghĩa rằng, các quyền con người được tuyên ngôn nhân quyền đặt ra phải được bảo đảm, đồng thời tham khảo và tham chiếu các thể chế dân chủ của các quốc gia khác nhau để đi tới sự kết nối tự do trên toàn thế giới.

Lô gic của cuốn sách thật ra không khó hiểu: Dân chủ là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất quyền con người và khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân. Muốn bảo đảm được quyền con người thì người dân phải trực tiếp tham gia vào việc xây dựng thể chế xã hội đó, vì vậy nội dung xây dựng thể chế xã hội trước hết và cơ bản phải được xây dựng tại cơ sở - tức đơn vị dân chủ nhỏ nhất – gắn liền với cuộc sống của nhân dân. Mặt khác, khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhận thức của người dân về các quyền con người, về tự do, dân chủ. Đồng thời, cần có cơ chế để bảo vệ quyền con người, đó là toà án nhân quyền. Như vậy, Dân chủ là quá trình xây dựng thể chế xã hội và nhận thức của con người để bảo đảm và bảo vệ quyền con người của mỗi một cá nhân.


Chương V: DÂN CHỦ HOÁ TOÀN CẦU

Hiện nay con người đang sống ở giai đoạn có ý nghĩa nhất trong lịch sử. Đó là giai đoạn con người bắt đầu thời kỳ xác định chính xác mục tiêu và phương thức để đạt được tự do mà con người đã tìm kiếm hàng vạn năm qua. Tự do của con người đang sống trên trái đất, đúng nghĩa nhất, phải là tự do hoàn toàn. Có nghĩa là một con người khi ở Mỹ, ở Xô-ma-li, ở Nhật Bản, ở Bắc Triều Tiên, ở Pháp, ở Vê-nê-zuê-la đều phải được tự do như nhau. Dân chủ phải được xây dựng, với cùng nguyên lý, ở tất cả các châu lục, các bờ đại dương và tất cả các quốc gia. Tóm lại, đó là tiến trình dân chủ hoá toàn cầu.

Cơ sở quan trọng nhất để nói rằng chúng ta đang trong tiến trình dân chủ hoá toàn cầu là các tiến trình tự nhiên của lịch sử đang kích hoạt nhu cầu tự bảo tồn của con người với tư cách nhân loại, trên phạm vi toàn cầu. Một cách dễ hiểu, con người hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tự diệt vong, bị diệt vong trong tương lai gần.

- Nguy cơ tự diệt vong: có hai nguy cơ hiển hiện trước mắt, đó là chiến tranh nguyên tử trên phạm vi toàn cầu và thảm họa môi trường sinh thái toàn cầu.

- Nguy cơ bị diệt vong: các lý thuyết, dấu hiệu về ngày tận thế và khả năng nhân loại bị tấn công bởi người ngoài trái đất, bởi một nền văn minh khác.

Sự hợp tác tự nguyện của con người trên phạm vi toàn cầu được dẫn dắt bởi bản năng và tiềm thức nhân loại (nhu cầu tự bảo tồn con người) sẽ được kết hợp với nhận thức, ý thức của con người được phản ánh từ thực tiễn cuộc sống, đó là:

+ Nhận thức về sự phụ thuộc ngày càng tăng giữa các quốc gia, khởi nguồn từ toàn cầu hoá kinh tế, lan sang các lĩnh vực văn hoá, xã hội và chính trị.

+ Nhận thức về sự thiệt hại chung, sự vô nghĩa của xung đột, của chiến tranh giữa các quốc gia.

Tiến trình dân chủ hoá toàn cầu, đã và đang diễn ra, sẽ được xác định và thúc đẩy trên những trụ cột cơ bản nào? Có ba trụ cột để thực hiện dân chủ hoá toàn cầu.

Một là, Sự kết nối kinh tế - kỹ thuật trên toàn cầu. Tiến trình này đang diễn ra mạnh mẽ với dòng chính là toàn cầu hoá kinh tế được sự dẫn dắt, hỗ trợ bởi sự kết nối về khoa học, kỹ thuật: hệ thống Internet. Trên góc độ này, thế giới đã và đang ngày một “phẳng” hơn.

Hai là, Sự kết nối về ngôn ngữ. Ý nghĩa về sự kết nối của ngôn ngữ có lẽ không cần đề cập nhiều thì mọi người đều biết được, muốn sống chung, hợp tác có hiệu quả bắt buộc phải xảy ra tiến trình kết nối về ngôn ngữ. Vấn đề ở đây là cách thức kết nối. Hiện nay đã có máy dịch các ngôn ngữ, xu hướng sử dụng Anh ngữ trên toàn thế giới. Nhưng cả hai cách thức này thực sự không đáp ứng được yêu cầu kết nối ngôn ngữ toàn cầu. Nhân loại cần xác lập một ngôn ngữ chung, dễ học, dễ đọc, dễ viết và dễ hiểu. Một gợi ý là tìm trong số các ngôn ngữ quốc tế (quốc tế ngữ) hiện nay, ngôn ngữ nào đáp ứng được tiêu chuẩn trên, được chỉnh sửa và hoàn thiện bởi các nhà ngôn ngữ học trên thế giới, dùng làm ngôn ngữ chung trên toàn cầu. Chúng ta thử hình dung, một ngôn ngữ dễ học, dễ đọc và dễ viết được tất cả các quốc gia, ngoài tiếng mẹ đẻ, dùng làm ngôn ngữ giao tiếp trên thế giới sẽ tiện ích đến nhường nào cho sự giao lưu, hợp tác của con người.

Ba là, sự kết nối tự do. Đây là đích đến, cũng là nội dung quan trọng nhất của dân chủ hoá toàn cầu. Ở đây có hai tiến trình song song tồn tại và hỗ trợ mạnh mẽ cho nhau. Đó là dân chủ hoá quốc gia và xây dựng thể chế dân chủ toàn cầu. Dân chủ hoá trên bình diện quốc gia có chức năng kiến tạo tự do, còn dân chủ hoá toàn cầu thực hiện việc kết nối tự do. Cả hai tiến trình này cần sự hợp tác để thực hiện nhiệm vụ chung, hết sức quan trọng:

• Xây dựng và phổ biến nhận thức cho mọi người về quyền con người, về tự do, dân chủ. Đây là yêu cầu bắt buộc, cả trên bình diện quốc gia và toàn cầu. Để thực hiện được nội dung này, thế giới cần xây dựng một Học viện Dân chủ Toàn cầu, mỗi quốc gia đều có một học viện Dân chủ, các trường đại học đều có một khoa Dân chủ học, xây dựng môn học Dân chủ, đưa dân chủ học vào giảng dạy tại các trường trung học trên phạm vi quốc gia. Quá trình chuẩn hoá các kiến thức về dân chủ cần được các học giả trên thế giới thực hiện dưới hình thức dễ hiểu, sinh động và dễ phổ biến nhất. Phải làm sao để kiến thức cơ bản nhất về quyền con người, về tự do, dân chủ đến được với mọi người dân trên thế giới như những bảng Cửu chương trong toán học!

• Đồng nhất hoá quy trình, quy phạm của toà án nhân quyền các cấp của quốc gia với toà án nhân quyền quốc tế. Điều này khá dễ hiểu, các quyền con người có giá trị phổ quát trên toàn cầu, các nguyên lý về dân chủ của các quốc gia là như nhau, vậy thì sự bảo vệ quyền con người ở các cấp độ khác nhau đều phải được thống nhất về quy trình tố tụng, quy phạm pháp luật.

• Toàn bộ tiến trình Dân chủ hoá toàn cầu muốn được chủ động thực hiện cần phải có một phong trào rộng khắp và mạnh mẽ trên thế giới. Đồng thời, cần có lực lượng để dẫn dắt và thực hiện tiến trình vĩ đại này – đó là các đảng phái xuyên, hoặc liên quốc gia.

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2011
Nguyễn Vũ Bình

© Nguyễn Vũ Bình - Tác giả giữ bản quyền

Nguồn: http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5508© Thông Luận 2011




Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang : Dân Chủ - Nguyễn Vũ Bình
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt

 Trang  [  1  ]  [  2  ]