Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com



Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên
Kim Định




1.1 - Hồn Nước

Câu truyện lạc hồn

Từ mấy chục năm nay chúng ta hay được nghe nói tới dân tộc tính, hoặc hồn nước. Nhóm này hô hào phải phục sinh văn hóa dân tộc, phải duy trì dân tộc tính, phải làm sống lại hồn nước; nhóm khác lại cười nhạo và nếu không nói toạc ra là nõ có hồn nõ có dân tộc tính, thì cử chỉ hành vi họ còn nói lên điều đó rõ hơn. Vì thế chúng ta cần phải mở đầu bằng tìm hiểu xem có dân tộc tính chăng. Người thưa có phải hay người thưa không mới đúng?

Thiết nghĩ cả hai đều trúng hết và đó không phải là nói mỉa mai, nhưng là nói thật và xin mượn câu chuyện  “lạc hồn” để biểu lộ sự thực đó. Đây là câu chuyện phim nhan đề “Étudiant de Prague”, “Một sinh viên thành Prague”.

Ở thành Prague có một sinh viên nghèo đang lâm vào bước quẫn bách quá không biết tìm đâu ra tiền. Quỉ liền hiện đến để nghị cho anh một món tiền kếch xù với điều kiện là nhường lại tất cả những gì anh ta đang có trong phòng. Tưởng điều kiện gì chứ cái đó thì anh không suy nghĩ: vì tất cả cơ đồ của anh chỉ là một cái ghế bố đã thủng với một cái gương mẻ, vài đồ chơi rẻ tiền. Quỉ cứ việc mang tất ca đi và để tiền lại đó cho anh. Nhưng trước khi đưa đi quỉ bảo anh soi vào gương một cái. Đang khi anh soi thì quỉ làm dấu, bóng anh biến đi và quỉ đem các đồ dông tuốt, để lại tiền cho sinh viên nọ sống cuộc đời đế vương, không thèm chú ý đến chuyện gì xảy ra nữa. Anh chỉ thấy hơi phiền một chút là lúc soi gương cạo mặt, không thấy mặt trong gương nữa. Tuy thế, đó là sự bất tiện nhỏ nhoi không đáng quan ngại, nhất là khi người ta có dư tiền để thuê người cạo mặt.

Nhưng một ngày kia vì có chuyện bất bình với em rể mà không sao giàn hòa được nên phải hẹn đánh nhau để phân phải trái. Bố vợ can ngăn hết lời vô ích nên chỉ xin anh đừng có giết em. Điều đó thì anh chịu liền, vì thực bụng chính anh cũng không muốn giết em rể, mà chỉ có ý làm sầy da một chút gọi là đắc thắng, bởi đắc thắng có nghĩa là đắc lý mà. Vì thế, anh lấy danh dự hứa với bố vợ sẽ không giết em.

Khi ngày quyết đấu tới anh lên xe để đến chỗ hẹn ở bên ngoài thành. Dọc đường xe gẫy bánh, anh phải xuống đi bộ một quãng xa, nên không tới đấu trường kịp giờ. Khi gần tới nơi, anh thấy một người cầm gươm đi lại để đón anh, mặt mày có vẻ giống anh như hệt và đang chùi sạch cái gươm còn nhỏ máu. Thấy thế, anh liền giật mình nhận ra đó chính là cái hồn của anh mà anh đã vô tình bán cho quỉ, và nay có thể là quỉ sai về giết hại em mình. Nghĩ thế anh liền chạy vội đến đấu trường thì quả đúng rồi, xác em rể đã nằm chết xõng xoài trên vũng máu tuôn ra lai láng. Anh buồn muốn ngất xỉu: không những vì thương em, nhưng vì còn thẹn thùng với bố vợ là thất hứa… Thật là mọi sự đã xảy ra ngoài ý muốn của anh, chỉ vì một cử chỉ coi như vô thưởng vô phạt: nhường tấm gương soi mặt cho quỉ, mà khiến nên nông nỗi đau thương. Đành rằng đời sống vật chất của anh có lên cao, nhưng nếu nghĩ đến cái xác vô tội của người em nằm trong vũng máu, nghĩ tới cặp mắt cha vợ đầy oán trách kinh hoàng, cho anh là đứa hèn nhát nuốt lời thề… thì khó bình tâm ngồi hưởng thụ giàu sang kiếm được bằng giá máu của em…

Đó là đại lược câu chuyện mà chúng tôi cho là phản chiếu khá trung thực trạng huống nước ta trong mấy chục năm qua. Cũng có đủ cả việc cướp nước, bán nước và bán hồn nước. Và vì đó một số người vào hùa với ngoại bang làm giàu trên xương máu đồng bào trước muôn vàn đau thương của dân tộc… Cũng từ đấy xảy ra việc nhiều người xem vào gương tiên tổ thì chẳng còn thấy bóng dáng mình đâu nữa. Thấy sao được vì đã bị ngoại bang dẫn đi rồi. Vả hồn có phải là vật cụ thể hiện ra thù lù trước mắt đâu, nhưng là cái gì u linh như ẩn như hiện có mà không, không mà có. Nếu tấm lòng yêu nước thương nòi đã phai nhạt thì xem vào tấm gương mới mẻ là cái nước chậm tiến lạc hậu này, thấy sao được hồn nữa, nên nói nước Việt không có hôn, dân tộc Lạc Việt không có tính chất đặc trưng, thì chỉ là nói lên một nhận định chân xác khách quan thôi.

Không những khách quan mà còn đúng tâm lý nữa: ngày nay các nhà tâm lý đã biến chân lý đó thành các loại trắc nghiệm chiếu giãi (test projectifs) dành cho khoa giáo dục để tìm hiểu tâm lý mỗi đứa trẻ, như các loại test gọi là T.A.T (Themafic aperception test) nổi tiếng thứ nhì sau loại trắc nghiệm của Rorschach được sáng chế ra năm 1935 do hai người Mỹ là các ông Morgan và Murray. Nó hệ tại đưa ra một màn kịch với vài ba nhân vật rồi bảo trẻ đặt mình vào hoàn cảnh của các nhân vật đó để nói lên điều ước muốn (needs) hoặc sự bó buộc (press) phải đối xử ra sao. Hoặc như loại trắc nghiệm của ông Szondi cũng gọi là trắc nghiệm vận mệnh: đưa ra 6 bộ hình chụp, mỗi bộ gồm 8 chữ cái hình người rồi bảo trẻ chỉ ra những hình người nào mà nó có cảm tình nhất… Nhà tâm lý theo đó mà đoán vận mệnh và tìm hiểu tâm tính của mỗi trẻ.

Theo luật tâm lý đó, thì phải là người có hồn nước mới thấy được hồn nước, còn không có hồn thì không sao thấy được. Mà biết bao người Việt ngày nay còn gọi được là có hồn nước! Nếu còn có hồn sao người Việt cộng lại đi sát hại đồng bào cách hăng say thành khẩn như giết quân thù: “Thề phân thây uống máu quân thù”. Nếu còn hồn, ai đủ can đảm hát như thế!

Cũng như còn được mấy tí hồn trong số những công chức làm việc giải đãi, trong những người được địa vị ưu đãi lại thẳng tay bóc lột người dân một cách tàn tệ dưới đủ mọi hình thức, từ hối lộ cho đến bắt trả dịch vụ một cách rất xa mức chịu đựng của dân… Đó cũng là một lỗi giết dần giết mòn. Nhưng giết dần dần hay giết ngay một cái, đều là việc bên ngoài ý muốn của người giết. Đến nỗi nếu ai nói với họ như thế họ sẽ phát đóa cho là nói tầm bậy vô bằng. Quả thật sinh viên thành Prague có giết em rể mình đâu, đó là cái hồn của y giết em đấy chứ, cái hồn mà y đã nhường đi rồi thì còn quyền điều khiển nữa đâu, soi vào gương còn chưa thấy hồn huống chi điều động sao cho được. Cho nên đổ cho anh tội giết em là oan, hay có đúng thì chỉ đúng phần nhỏ xíu, vì đó là hậu quả bất ngờ của một việc vô thưởng, vô phạt, đúng hơn thưởng nhiều phạt ít, và đối với anh còn thật mãi, vì sau khi em rể bị giết anh vẫn còn giầu sang…

Giới trí thức của ta cũng thế, chẳng ai phải chịu hết trách nhiệm trạng huống nước nhà, bởi tất cả được đào tạo trong một nền văn hóa không phải của nước ta nữa thì làm chi có hồn. Có chăng cũng chỉ còn là cái tình tự suông sẻ hời hợt, không đủ gây nên những công việc sâu xa quyết định.

Cho nên nói chung ra là chúng ta không còn hồn, và vấn đề không phải ở tại có bán hay không? Ai bán? Ai có lỗi? Thành thực mà nói, chẳng ai có lỗi cả, ít ra tới độ đủ để bị kết án. Tại họa chúng ta là hồn không còn ở lại với chúng ta nữa, một mớ thì vọng ngoại, cho nên những người trong giới được ưu đãi bóc lột người dân thì tại cái học duy lý là cái học hoàn toàn mưu sinh trục lợi, không có một khoa nào dạy cho một chữ gì đủ khả năng làm họ nương tay: toàn là trí thức rất dễ dùng để làm hại nhau mà thôi. Thấy vậy đâm ra phát cáu, một mớ đem gởi hồn sang Nga, để học cách cứu đồng bào với điều kiện xem đồng bào như quân thù… Còn một mớ hồn nữa không biết bám vào đâu thì lạc lõng như những cô hồn chờn vờn trong làn hơi cháo lú. Bởi vậy muốn nói nước có hồn hay không có hồn cũng đều đúng cả: đúng với tâm trạng của mỗi người nói. Khi tâm thức không còn gì phảng phất hồn nước mà cũng nói về hồn nước, nói về dân tộc tính, nói về nền quốc học thì sẽ chỉ là những lời thiếu chân thực. Vì thế chúng ta không cần tố cáo ai hết. Việc khởi đầu do lỗi lầm của một hai người trước đây. Nay có đào bới lên cũng là chuyện vô tích sự. Điều thiết yếu là cần phải xét có cần thiết nước phải có hồn chăng và nếu cần thì nên làm thế nào để hú cho hồn trở lại với nước cùng non?

 

Những đợt hồn nước

Nhiệm vụ của thế hệ này là phải khởi công. Tôi dùng chữ khởi công vì nó bao hàm rất nhiều công tác nặng nhọc, như phác họa một chương trình hoạt động cân đối với tỷ lệ quan trọng và cố công theo đuổi. Không như thế thì hồn càng biền biệt xa bay, và cái hố giữa những hồn vọng ngoại một bên và cô hồn cháo lú một bên càng ngày càng mở rộng.

Thí dụ bên cô hồn bảo hồn nước đậu ở cái áo thụng, ở lễ gia tiên, ở việc không khiêu vũ, thì làm sao những người trí thức tân tiến chịu lý: lễ gia tiên có ngay tự bên Roma, còn áo thụng đã trở thành trò riễu cợt từ lâu rồi, từ thưở còn tuần báo “Ngày nay”, “Phong hóa”… Cho nên càng cổ võ hồn nước, càng cổ võ dân tộc tính thì hai bờ càng xa, mặc dầu thiện chí giúp nước của đôi bên có thừa.

Có thiện chí tại sao lại thất bại? Thưa vì hai bên đã bỏ qua một việc rất cần thiết là đào sâu, vậy mà chẳng còn ai nghĩ tới nữa: tất cả đều bám vào những cái bên ngoài thì chối hồn nước hay quyết có hồn nước đều vô ích. Hồn đâu có nằm trờ trờ bên ngoài như thế. Kinh Dịch nói rất đúng là hồn không ở nơi nào “Thần vô phương”, không ở trong cái áo khẩu, cũng chẳng trong cái lư hương hay lễ gia tiên, vì nếu đã phải có chốn, có nơi như thế thì hết là hồn, cùng lắm là cái phách, cái vía, chứ hồn thật có ở trong cái gì đâu, nhưng là bàng bạc khắp nơi, không đậu không ở… Phải có cảm tình, phải cung kính mới nhận ra trong những cái tế vi mắt thường không thấy được. Chẳng hạn cũng là tiếp khách cả, người Pháp cũng như người Anh đều dành ra một căn phòng trang hoàng chững chạc. Đó là một sự kiện suýt soát đâu mà chả thế, nếu ta dừng lại ở đấy thì hai đàng có thấy chi khác nhau đâu, cũng bàn, cũng ghế, cũng thuốc lá. Nhưng khi đi sâu vào sẽ nhận ra lý do tại sao cũng là phòng khách mà người Anh gọi là phòng ngồi (sitting room), vì trong thực tế ngồi chiếm chỗ nhiều hơn, hay nói đúng hơn những câu nói được trao đổi theo một nhịp độ còn để kẽ hở cho ý thức được sự mình đang NGỒI… Trong khi bên Pháp thì gọi là phòng nói (parloir), cũng như Quốc hội gọi là Parlementaire (chỗ để nói), và càng tiến xuống mạn nam nước Pháp, nhất là sang đến nước Ý thì càng thấy đúng là parloir. Một sự việc bé nhỏ đó có thể là khởi điểm cho một cuộc so đo giúp cho nhận ra biết bao cái khác nhau. Cũng là tránh nhau cả mà bên Pháp tránh bên mặt, bên Mỹ tránh bên trái. Vào nơi tôn nghiêm thì bên Ả Rập trụt giầy, bên Âu Châu bỏ mũ. Bên ta tôn kính thì chắp tay trước ngực, bên Tây rất nhiều linh mục quì gối cúi đầu trước tượng Đức Nữ Trinh mà hai tay bắt sau lưng v.v

Đó là những cái khác từ bên ngoài, và thực ra hồn không ở trong những cái tỉ mỉ nhỏ mọn đó. Tuy nhiên đó có thể là những dấu đặc trưng để dẫn tới chỗ nhận ra hồn, và những người chịu để tâm nghiên cứu chẳng hạn nhà tâm lý học người Đức, ông Wundt, đã viết được 10 quyển về “tâm lý các dân tộc” (Psychologie des peuples, 1900-1920). Nếu theo gương đó mà chúng ta chịu để tâm nghiên cứu cũng sẽ tìm ra hồn dân tộc. Trong tập này tôi chỉ lấy có một thí dụ là lễ gia tiên như sẽ bàn sau. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là nếu chúng ta không đi sâu vào thì dù có thiện chí mấy cũng không đủ phác họa ra một sách lược có hy vọng thành đạt, không đủ khả năng hú hồn nước trở lại. Chẳng hạn mỗi khi nói đến dân tộc tính hoặc hồn nước thì lại thấy những lời đả kích gái điếm, sách dâm ô, đồi phong bại tục, lối ăn mặc hoặc cư ngụ này nọ… Bấy nhiêu chỉ tổ gây nên trong nhóm có khuynh hướng phóng khoáng một ấn tượng về cái gì khắc nghị, tiêu cực, càu nhàu, đôi khi không thành thực và phần nhiều thiếu thiết thực.

Một người du học đã thành tài nhưng không chịu về giúp nước… chưa phải vì thế mà lên án được là bật rễ. Có thể là vong bản mà cũng có thể không, và nếu thấy nước không cải tổ lại, nhân tài cứ bỏ xó vào những việc bàn giấy vớ vẩn… thì có lẽ ở lại lập nghiệp bên ngoại quốc là thực tế hơn nhiều.

Đại để hồn nước rất tế vi phải xét kỹ mới thấy không phải hễ đi với ngoại kiều hay yêu thương một tí là bật rễ, hiểu như thế rất dễ đưa tới những cử chỉ bất lịch sự cả với những người khách ngoại quốc. Thí dụ lấy cớ là kiểm tục để xâm phạm đời sống tư riêng của người khách, thì như vậy là đi ngược hồn nước, vì hồn nước của dân tộc ta vốn là trọng khách, kính khách. Nếu không làm gì được hơn ít nhất cũng đủ tế nhị để khách được tự do tổ chức đời sống tư riêng cách thoải mái, mà nghĩa vụ của nước văn hiến chính là ở chỗ không cho ai được xâm phạm vào. Một số sách khêu gợi, mấy đôi trai gái yêu thương ngoài công lộ, một khách ngoại quốc dắt một cô nhân tình Việt… bấy nhiêu có sụt trời sụt đất chi đâu mà phải hò la, cùng lắm làm chướng mắt mấy nhà nho thì chỉ là thứ thanh nho hương nguyện mà thôi. Hay nếu có hệ thì cũng mới nặng một phần so với chín phần nhiều cái bật rễ khác… Cần phải suy nghĩ kĩ mới đánh giá được cách trung thực cái gì là bật rễ, cái gì là mất hồn, và lúc ấy chúng ta mới kinh hoàng nhận ra biết bao cái mất gốc nặng nề ẩn sau những cái vỏ uy nghi trang trọng.

Nhưng moi móc những cái đó ra chưa chắc đã ơn ích vì con người có muôn phương thế để che đậy, để trình bày kiểu này hoặc đổi kiểu kia. Điều tốt hơn hết là phải tìm phương thế sửa đến tận gốc rễ trong hết cái mức độ có thể làm. Trong các phương thế thì một là đánh thức dậy cái hồn nước xa xưa. Điều quan trọng là những người yêu nước chân thành phải liên lạc với nhau trong mặt trận văn hiến để suy tư tìm kiếm ra trong những cái không đáng kể, nhưng nhiều khi lại là chỗ phát khởi sức mạnh vô biên. Cái sức định muôn người của Samson không nằm trong cánh tay hộ pháp của ông nhưng trong những sợi tóc bé nhỏ phất phơ trước gió. Hồn dân tộc cũng thế, nó phảng phất tế vi trong những cái tế vi, và nếu không tìm ra để cho Dalila cắt mất tóc thì càng ngày càng trở nên yếu hèn.

Để cho dễ quy tụ ý tưởng, chúng ta nên phân biệt ra ba đợt hồn nước là:

Tình tự tổ quốc

Nền tảng triết lý của hồn nước, và

“Tinh nghĩa nhập thần” nhằm tiến tới những chân trời xa lạ.

Cho đến nay nói đến hồn nước thường chúng ta mới mon men ở đợt tình tự được nuôi dưỡng bằng lịch sử, một số bài văn hiểu theo mức độ văn học văn nghệ với một số thói quen, và thể chế mà ta gọi bao trùm bằng danh từ thuần phong mỹ tục, lễ giáo, quốc tuý, quốc hồn.

Đợt này tuy cần và rất phổ cập, mọi người đều cảm thông được hết, nhưng nếu không có cán bộ để tiến lên đợt hai thì rất dễ sa đọa: sử ký có thể đưa đến bài ngoại, văn học có thể choán chỗ lẽ ra phải để cho các áng văn kiệt tác của nhân loại, thuần phong mỹ tục dễ trở nên nơi ẩn náu của hủ tục, của những ước lệ chỉ hợp ở thời xưa… làm cho mặt trận hồn nước trở thành nhân tố níu lại bánh xe lịch sử với bầu khí cổ hủ khác hẳn với tinh thần khai phóng của hồn nước chân thực. Vì mỗi lần nhân loại trải qua một giai đoạn giao thời cũng gọi là khúc quanh lịch sử, như hiện tại, thì cần coi nhẹ thói tục, tập quán, để chú trọng vào việc đào sâu: đi lên đợt hai là Triết lý, là Đạo thuật, rồi cuối cùng khi ta đã thấu triệt, đã “tinh nghĩa” thì sẽ “nhập thần” nghĩa là thâu hóa tinh hoa từ bốn phương trời đem về tài bồi cho hồn nước để nó linh động những thể chế mới, thói quen mới.

Đây là chiều hướng lý tưởng của sự tìm hiểu HỒN NƯỚC.

Trứơc khi đề ra tiêu chuẩn một cách khái quát để xác định nội dung dân tộc tính chúng ta đi ngay vào một ví dụ là lễ gia tiên.


1.2 - NHỮNG ÂM VANG CỦA BÀI VỊ VĂN TỔ

Lối đặt bài vị (*)

Hồn của lễ gia tiên là chữ hiếu, nhưng nếu chỉ căn cứ vào những dạng thức cổ truyền, với những lối tế tự nhiều khi rất kềnh cơi, những gương hiếu đễ thuộc thời phong kiến, rồi cho đó là hồn nước thì không đủ sức chinh phục mà người trí thức thời mới có thể cho đó là truyện vu vơ; vì rằng trong các xã hội cổ đại xưa đâu đâu cũng có việc thờ cúng tổ tiên. Đó chẳng qua là một giai đoạn trong quá trình tiến hóa của nhân loại, đâu chẳng có, cứ gì phải bên Việt Nam hay bên Viễn Đông. Cho nên đó không phải là hồn nước, hay dân tộc tính chi cả mà chỉ là một sự mê tín đã lỗi thời cần phải vượt qua. Chính vì Tây Phương đã trút bỏ sớm hơn ta được mấy ngàn năm nên nay họ mới tiến bộ trong khoa học và thịnh như thế.

(*) Bài vị là miếng gỗ to quàng quyển sách, có chân đứng, trên viết tên người được thờ cúng.

Đại để đó là lối trả lời có vẻ lý sự khiến cho người giữ lễ gia tiên đâm hoang mang: bỏ đi không cúng tế nữa thì sợ bất hiếu với tổ tiên, mà không bỏ thì làm sao theo kịp được người ta. Thành thử trong tâm trạng có một sự giao tranh ý hệ liên tục chẳng bên nào thắng bên nào: bên tình bên lý bên nào cũng phải cả. Thế nhưng nếu chúng ta chịu quan sát học hỏi nghiêm túc sẽ thấy một sự khác biệt quan trọng, quan trọng đến độ khiến cho lễ gia tiên của ta được duy trì cho đến ngày nay và do đó duy trì luôn nền văn minh Viễn Đông suốt trên 50 thế kỷ, trong khi nền văn minh cổ đại La-Hy cũng như rất nhiều nền văn hóa khác đã sụp đổ kéo lôi theo cả sự thờ tổ tiên vào nấm mồ đô thị cổ xưa (cité antique).

Sự tồn tại hay sụp đổ của nền văn minh là chuyện lớn lao, nó không hệ tại sự thờ tổ tiên, nhưng ở chỗ thờ cách nào. Và cái cách ấy nếu ta nghiên cứu kỹ sẽ thấy nó hiện hình ngay ra trong lối xếp đặt các bài vị của hai bên. Nếu xem chúng thì tưởng như nhau, nhưng khi nghiên cứu kỹ thì thật khác nhau rất nhiều. Điều khác căn bản là bên Viễn đông có một bài vị gọi là Văn Tổ để giữa bốn bài vị của Cao, Tằng, Tổ, Nỉ (Nỉ là cha, khi còn sống thì gọi là phụ, khi qua đời thì gọi là khảo, khi rước vào Miếu thì gọi là Nỉ) xếp theo khung ngũ hành, nghĩa là đặt ở bốn phương, còn trung cung dành cho Văn tổ như sau:

          Ngũ hành                                 ==                    Lối đặt bài vị

              Hỏa                                                                              Tổ

  Mộc    Thổ    Kim                                                        Tằng   Văn tổ     Cao

              Thuỷ                                                                              Nỉ

Chính sự xếp đặt này nói lên một cuộc cách mạng vĩ đại đã xảy ra ở miền Việt nho: nó biến đổi tục thờ ông bà theo kiểu ma thuật (tin ông bà về ăn của dâng) để vươn lên đợt tâm linh gọi là lễ gia tiên mà ý nghĩa cao nhất là thờ nhân tính, và chỉ ở đợt này mới có lối xếp bài vị theo cơ cấu ngũ hành. Nó biểu lộ một cuộc cách mạng trong ý nghĩa, khiến cho lễ gia tiên tồn tại cho đến nay, và còn có thể trở nên một nghi lễ có thực chất. Để thấy được ý nghĩa đó (thờ nhân tính) cao sâu đến đâu thì cần phải biết hai ý nghĩa thấp hơn. Ý nghĩa thấp nhất là tin linh hồn tổ tiên về hưởng các của đơm cúng, đó là tin tưởng theo đợt bái vật. Ý nghĩa thứ hai là tỏ lòng tưởng nhớ ông bà biểu lộ lòng tri ân tiên tổ. Ý nghĩa này thuộc luân lý ai cũng có thể chấp nhận. Còn ý nghĩa thứ ba là thờ nhân tính. Đó là đợt cao nhất mà văn hóa Việt nho đã đạt được nhờ quan niệm về con người như “nơi quy tụ đức của trời và đất” (nhân giả kỳ thiên địa chi đức). Nếu trời đất đáng thờ thì người là nơi quy tụ đức của trời đất cũng đáng thờ vậy. Đó là ý đã trở nên cột cái cho nền nhân chủ Việt nho đã được biểu lộ vào khung ngũ hành.

Triết lý ngũ hành hệ tại mỗi hành phải móc nối được với trung cung hành thô% mới có đủ linh ứng: thủy, hỏa, mộc, kim đều đi qua hành Thổ mới trở thành linh nghiệm (xem bài ngũ hành trong Chữ Thời). Áp dụng vào việc thờ tổ tiên, là phải từ tiên tổ mình đi đến bản tính đồng nhiên của con người gọi là Văn Tổ, rồi từ đó tỏa ra khắp mọi người. Tương tự như bên ngũ hành: không được dừng lại ở một hành nào chung quanh, nhưng phải lấy Thổ trung cung làm nền móng. Trong việc thờ tổ tiên cũng thế, không được chỉ biết có cha, ông, tằng, tổ mình, nhưng phải vươn tới Tổ trên hết các Tổ, cực tinh ròng gọi là Văn Tổ (l’Ancêtre parfait) rất linh thiêng nên có tính cách phổ biến như trời cùng đất

Cũng theo triết lý ngũ hành thì chỉ thờ tổ tiên đến bốn đời tính từ mình trở lên, rồi tính trở xuống cũng kể bốn đời: con, cháu, chắt, chít là thôi. Trở lên cũng như trở xuống mình vẫn là trung cung.

Đó là đại ý lối xếp bài vị theo ngũ hành, khác hẳn lối xếp thiếu triết lý. Tuy nhiên đó là một ý nghĩa tế vi, ít người nhận ra được, vì một đàng trong thực tế không cần thiết phải có bấy nhiêu bài vị, cho nên dễ mất dần ý thức, đến nỗi nhiều lần người ta lẫn với Thượng Đế, vì Văn Tổ ở cùng một cung với Thượng Đế, với “hoàng thiên hậu thổ”. Đàng khác đó là một nền triết lý thâm sâu đặt trên nguyên lý ngũ hành là một chân lý rất tế vi, nên cũng dễ thất truyền. Ai đã đọc quyển “Chữ Thời” đều biết là cả một truyền thống bị chôn vùi ra sao, và sẽ không lạ khi thấy người ta dần dần quên đi, làm sai ý nghĩa. Do đó cần phải khảo sát lại âm vang của lối xếp đặt bài vị theo ngũ hành. Để thấy rõ hơn chúng ta sẽ khảo sát vấn đề về bốn khía cạnh là triết lý, xã hội, chính trị, tâm lý.

 

Khía cạnh triết lý: vượt đợt ý hệ.

Ít người ngờ tới khía cạnh này vì hầu hết đều căn cứ vào lối thờ cúng thông thường bình dân, thế mà giới bình dân thì tiếp nối việc thờ cúng tự ban đầu kiểu tôn giáo bái vật, tức là tin linh hồn tiên tổ cần ăn ở tiêu xài như người sống. Đó là giai đoạn kéo dài đời sống thường nghiệm dưới hình thái khác; đây chưa phải là trạng thái bất tử (immortalité) cao hơn sẽ đến sau, nhưng mới là sự tin người còn sống theo lối trường tồn (survie), chỉ phần sống sót sau khi xác thân chết. Đó chưa là linh hồn ma( là phách hay vía, là những hồn hạ cấp, tiếp tục sống đời sống sinh lý, tuy giác quan không xem nghe thấy, nhưng vẫn đi lại lờn vờn trong nhà để bang trợ hoặc sửa phạt tuỳ thái độ con cháu. Vì thế họ cần các vật dụng như người thường: cơm nước, nhà cửa… Do đó mà có lệ đơm cúng cỗ bàn với niềm tin là ông bà về hưởng. Đại để đó có thể là niềm tin của thời bái vật va( là giai đoạn đầu tiên trên diễn trình biến hóa tâm thức con người.

Nhưng đến giai đoạn nào đó, một số người cho rằng tin như thế là hão huyền. Con người chết là hết: linh hồn còn sống chỉ là một ảo mộng, đơm cúng là một việc dị đoan, cần phải bỏ, và từ đấy khởi lên vấn đề ý hệ giữa Hữu và Vô nghĩa là tranh luận xem có hay không có linh hồn tồn tại sau khi xác chết. Đại để đó là phản ứng đầu tiên của những người mới giác ngộ. Trạng thức này sau sẽ bị vượt qua bởi niềm tin linh hồn bất tử (immortalité de l’âme) của các tôn giáo cao đẳng đề ra, không cần phải tiếp tế lương thực vật dụng chi nữa… Tuy nhiên đó chỉ là một giải đáp theo lối tôn giáo, còn trên bình diện ý hệ chưa tìm ra lối thoát khỏi hai gọng kìm Hữu Vô, cho nên sự xung đột ý hệ (conflit d’ordre idéologique) vẫn kéo dài với rất nhiều cuộc đổ máu. Mãi cho tới nay thế giới chia hai thì căn do sâu xa cũng chính là do chưa tìm ra lối thoát đó vậy.

Triết lý gia tiên tuy không đưa ra một giải đáp cho chính vấn đề có với không trên, nhưng đã đưa ra một lối thoát bằng một sách lược tâm lý: tức là đặt vào dấu ngoặc đơn vấn đề có với không, để đặt trọng tâm vào tác động trên bình diện tâm lý và nghệ thuật. Theo đó thì việc cúng dâng không cần hiểu như một sự tiếp tế cho người đã qua đời, nhưng là một tác động nhằm trọn vẹn hóa chính người tế dâng, cũng như việc tế dâng không thiết yếu đòi phải tin có linh hồn, nhưng được coi như mối liên hệ giữa người sống với muôn thế hệ đã qua, cũng như với bản tính con người mà mình có nhiệm vụ phải phát triển cho đến cùng cực mọi khả năng nơi mình, nói theo kiểu triết đó là một trong các tác động thờ nhân tính, cho nên tuy là tế gia tiên mà lại thiết thực vào bản thân người tế. Bởi vậy mới nói “tế như tại” và “tế Thần như Thần tại”. Tế thần như thần có hiện diện đó. Chữ “như” ở đây phải hiểu cách rất co giãn có thể bao hàm niềm tin có hay không có linh hồn đều được cả.

Đại để đó là một lối rút ra khỏi đối vật để đặt quan trọng vào chính động tác, như Kierkegaard nói: “Không phải đối tượng tế dâng đáng kể tới mà chính là tác động tế dân” (ce n’est pas l’objet de l’adoration qui compte, mais l’acte d’adoration). Do đó việc tế không còn là vật chất nữa. Nói theo nay không là Avoir mà là Être: không cần tin có linh hồn, nhưng là dâng hiến với ý chí rất trịnh trọng, là điều giúp người tế dâng tiến bước. Theo đó thì  không được cầu lợi lộc, đòi giầu có, mà chỉ là tâm tình của người hiếu thảo đối với tổ tiên như Kinh Lễ nói: “Minh tiến chi nhi dĩ hĩ, chữ hán, bất cầu kỳ vi, chữ hán, thử hiếu tử chi tâm dã, chữ hán. Lễ ký XXII.2.1 X.1”. Trên bình diện này nếu có còn dùng ít danh từ cũ, thì nội dung cũng đã đổi, chẳng hạn chữ Phúc, tuy cầu phúc nhưng không theo nghĩa thế tục nữa, mà phải hiểu phúc là sự trọn hảo của người tế. “Hiền giả chi tế dã, tất thụ kỳ phúc, chữ hán, phi thế sở vị phúc dã, chữ hán, phúc dã bị dã. Bị giả bách thuận chi danh dã, chữ hán, nội tận ư kỷ, chữ hán, ngoại thuận ưa đạo dã, chữ hán. Lễ ký XXII. 2.X.2”. Hiền nhân khi tế tất có được phúc, nhưng không phải phúc như thế thường hiểu, mà hiểu là tận hảo (bị), tận hảo là bách thuận: trong là tận kỷ (tức phát triển hết cỡ nhân tính nơi mình), ngoài là thuận với đạo (tức đạo hiếu).

Nhờ cuộc “Cách mạng văn hóa” nọ, mà bài vị Văn Tổ là tang chứng cụ thể thì từ đó lễ gia tiên đã bỏ bình diện có hay không cũng như lợi lộc với vái cầu thuộc bái vật để trở thành “an hành” tức là vô cầu hay “an cầu”, tức chỉ còn nhằm thiện-mỹ hóa chính người tế. Nói theo Tuân Tử, lễ gia tiên trở thành nghi lễ văn súc cái tình người, nghĩa là vừa tiết chế vừa hàm súc tâm tình cho thâm hậu. Như vậy là đi từ ngoài vào trong, từ tha thể (linh hồn tiên tổ)  đến chính bản thân người tế. Ở chỗ này Phùng Hữu Lan nhìn thấy khá sâu sắc như sau:

“Tâm chúng ta có hai mặt là tình cảm và lý trí. Giả như người thân chúng ta chết, theo quan điểm lý trí của chúng ta mà xét thì người chết không thể sống lại, mà thuyết linh hồn kế tục tồn tại không thể chứng minh, khó lòng tin được, nhưng tình cảm của chúng ta lại rất mong cho người chết sống lại, linh hồn của người chết kế tục tồn tại. Nếu chúng ta chỉ chuyên theo lý trí thì đối với người đã chết chúng ta đã có thể theo thuyết nói trong thiên Dương châu ở sách Liệt tử: “Đốt cũng được, ngâm nước cũng được, chôn cũng được, để bộc lộ cũng được, bó lại mà lôi xuống khe vực cũng được”. Nếu theo thuần lý trí thì những lễ tiết trong việc đưa người chết đều là vô nghĩa cả. Các tôn giáo ở đời đều cho những tưởng tượng hợp với tình cảm người ta là chân thật và phủ nhận sự phán đoán của lý trí.

“Chúng ta nếu đối với người chết mà thuần theo lý trí thì tình cảm sẽ thấy không yên, nếu chuyên theo tình cảm thì sẽ đắm chìm trong mê tín có hại cho sự tiến bộ. Điều mà Tuân Tử và Lễ Ký dạy chúng ta đối với người chết là chiết trung lấy cả lý trí lẫn tình cảm. Cứ lý luận của Tuân Tử và Lễ Ký thì tang lễ, tế lễ là thơ và nghệ thuật chứ không phải tôn giáo nữa.

“Gần đây có ông George Santayana chủ trương tôn giáo nên bỏ bớt những điều mê tín, độc đoán để có thể sánh với thơ. Tuân Tử và Lễ Ký làm được điều đó bằng cách ủng hộ tang lễ và giải thích tang lễ, đã biết đem tôn giáo xưa mà tu chỉnh thành thơ. Tang lễ của thời xưa là nghi thức tôn giáo, trong đó bao hàm rất nhiều độc đoán và mê tín. Tuân Tử và Lễ Ký “lấy sự thuật lại làm phương tiện sáng tác”, gạn lọc và thêm ý nghĩa mới, khiến cho tôn giáo mà biến thành thơ.

“Thời xưa người ta tin linh hồn còn kế tục tồn tại có thể dùng đồ ăn thức dụng… nên sắm những thứ đó cho người chết và gọi là Minh Khí. Đến đời Khổng Tử theo lối “dĩ thuật nhi tác” tuy cũng truyền lại các thứ Minh Khí đó, nhưng đã mặc cho chúng một ý nghĩa mới. Lễ ký chép lời Khổng Tử rằng: nói chết là chết hẳn, bất nhân mà không thể làm như vậy. Nói chết mà sống lại (để vẫn dùng đồ đạc và cả con ăn đầy tớ, nên giết người sống để chôn theo người chết) là bất trí không thể làm vậy.

“Về việc sau khi chôn, để tang ba năm, Lễ ký nói: “Phàm sinh giữa khoảng trời đất, loài có huyết khí tất có biết. Loài có biết, chẳng loài nào mà không yêu đồng loại. Nay lớn như chim thú, mất lứa lạc bầy, trải qua ngày tháng, khi qua chỗ cũ bay lượn kêu gào, nhảy nhót trù trừ rồi sau mới bỏ đi. Trong loài có huyết khí chẳng gì hiểu biết hơn người, cho nên người đối với người thân, đến chết không cùng. Như kẻ tà tâm người thân sớm chết, tối đã quên rồi. Nếu theo thế thì còn thua cầm thú nữa, làm sao có thể ở chung mà không loạn? Nếu thế ta lại theo lối quân tử để tang 25 tháng rồi tới 3 năm còn chưa cho là đủ, còn cho như bóng ngựa qua khe cửa, nếu muốn cho toại nguyện thì vô cùng, nên cũng không được. Vì thế tiên vương tiết chế một cách vừa phải, khiến cho đủ thành văn lý thì thôi”.

“Những điều dẫn trên đây đều theo phương diện tình cảm chủ quan mà lập luận, bởi vì chủ ý của tang lễ chỉ là để an ủi tình cảm mà thôi.

“Tuân Tử tổng luận về tang lễ rằng: Lễ dạy về việc đối xử với sống với chết. Sinh là bắt đầu của con người, chết là rốt cuộc của con người. Bắt đầu cũng như rốt cuộc đều thiện thì đạo người xong xuôi. Cho nên quân tử kính lúc bắt đầu và cẩn thận lúc rốt cuộc. Làm cho bắt đầu và rốt cuộc như nhau đó là đạo của người quân tử, là văn vẻ của lễ nghĩa; hậu hĩ với người sống, bạc bẽo với người chết. Thế là kính người lúc biết, mà khinh người lúc không biết vậy… Cái đạo chết là thế này: một khi đã đi thì không thể lại được. Bề tôi sở dĩ trung với vua, con sở dĩ hiếu với cha mẹ đến đấy là hết… Tang lễ là để cho người sống trang điểm cho người chết. Tiễn đưa người chết như khi còn sống, người khuất bóng như khi còn hiện diện. Bắt đầu và rốt cuộc như một vậy. Cho nên tang lễ không có ý gì khác hơn là để tỏ cái nghĩa sống chết.

“Phụng sự người sống là tô điểm cho cái bắt đầu, phụng sự người chết là tô điểm cho sự chấm dứt. Bắt đầu, chấm dứt đủ, đạo người con hiếu xong xuôi, đạo của thánh nhân đầy đủ. Đẽo người chết để phục vụ cho người sống là kiểu Mặc Địch. Đẽo người sống mà thêm cho người chết là dị đoan. Giết người sống mà gửi xuống người chết là tặc… Khiến cho sống chết, bắt đầu, rốt cuộc, chẳng gì là chẳng vừa phải, tốt đẹp, ấy là pháp thức của lễ nghĩa Nho gia là như thế đấy. (thiên Lễ luận)

“Ngoài thì tận vật, trong thì tận chí, đó là cái lòng khi tế vậy. Thế tức là chuyên trọng tế tự mà không trọn đối tượng của tế tự.”

(Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan, bản dịch của Nguyễn Hữu Ai, trg 247-250, có sửa đổi những chỗ dịch tối)

Sở dĩ chúng tôi trưng một đoạn dài của Phùng Hữu Lan vì ông là người vô thần như ý kiến của ông về tôn giáo chứng tỏ điều đó; thế mà ông cũng chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên thì điều đó chứng tỏ việc thờ tổ tiên đã thoát ra khỏi phạm vi ý hệ, trở thành một nhân tố giàn hòa giữa các niềm tin tưởng.

Điểm này càng nổi bật khi ta nghĩ đến việc tòa thánh Vatican đã cho phép tín hữu tân tòng bên Tàu (vào lối 1939) và mới đây ở cả nước ta được phép duy trì việc thờ cúng tổ tiên vì coi đó chỉ là một lối tỏ lòng hiếu thảo. Việc cho phép đó là kết quả của một cuộc tranh luận kéo dài trên hai thế kỷ giữa hai phe thừa sai, một bên chủ trương cho phép duy trì, một bên cho là không nên vì có sự mê tín dị đoan. Đại để các thừa sai ý cứ vào kinh điển như Dòng Tên thì chủ trương nên vì không có chi nghịch với tín điều; ngược lại với nhóm thừa sai quan sát sự thờ cúng nơi đại chúng thì cho là không nên. Thực ra cả hai bên cùng có lý do vì lễ gia tiên có cả hai yếu tố: yếu tố bái vật dị đoan nơi dân chúng cũng như yếu tố tâm lý nơi nho gia. Nhưng phân biệt ra được là điều rất khó khăn, vì trong thực tế hai yếu tố vẫn để lẫn lộn, bởi sự phân biệt tuỳ trình độ tiến triển tâm thức của từng cá nhân mà thôi. Ngày nay tòa thánh cho phép là chấp nhận lối hiểu tâm lý nghệ thuật. Và như thế chúng ta thấy quả thực lễ gia tiên đã tránh được vấn đề cam go giữa hữu với vô, đến nỗi ngày nay còn là miếng đất mà hai phe vô thần với hữu thần tạm đứng chung được. Cho nên quả nhiên lễ gia tiên cải tổ chỉ còn là một tác động thuần tuý tinh ròng không cần đối tượng; muốn hướng vào đối tượng hay không cũng đều được, đó là quyền tư riêng của mỗi người, mỗi tôn giáo hay vô tôn giáo.

Đấy là sự thực có tính cách quan trọng được đưa vào lễ gia tiên do cuộc cải tiến ghi trong hai chữ Văn tổ mà chúng ta cần khai thác triệt để hầu làm nền móng cho nền tổng hợp mới vì khả năng giàn hòa rất thâm hậu của động tác tinh tuyền coi đối tượng là tuỳ phụ nên không câu chấp. Đó là then chốt “Triết lý an vi”.

Do đó mà có thể bảo tồn hình thức cũ, nhưng cho chở một ý nghĩa mới, khai thông cho sự tiến triển của tâm thức con người, thành ra tư tưởng vẫn tiến bộ, mà người trong nước không bị phân ra hai chiến tuyến chống đối nhau. Trái lại lễ gia tiên đã trở thành một thứ ximăng tinh thần có khả năng gắn bó người trong nước lại một khối nhất trí không còn kẽ hở. Đó là hậu quả xã hội mà chúng ta cần lưu ý.

 

Xã hội và chính trị

Việc thờ tổ tiên theo kiểu xưa đặt ra một khó khăn thuộc xã hội chính trị như sau: đó là  phái quyền quý giữ riêng cho mình đặc ân thờ tổ tiên, vì theo họ chỉ có tổ tiên họ mới đáng thờ, bởi thuộc dòng máu thần linh, còn thứ dân và nô lệ là dòng máu hèn, không đáng thờ cúng. Vì đó mà xưa kia bên La-Hy cũng như bên Trung Hoa cổ đại chỉ hàng quí tộc mới có quyền thờ cúng tổ tiên. Điều này rất quan trọng vì có quyền cúng tế tổ tiên tức cũng là có quyền làm công dân với các quyền lợi theo sau như hưởng đất, mua sắm, đi học, làm quan … vì thế nên phái quyền quý không chịu mở rộng việc tế gia tiên. Số người được cúng chỉ suýt soát là 20%. Tuy chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ nhưng nhờ vào sự ăn học, sự khôn khéo của họ cũng như trình độ vô học của đại chúng mà họ nắm được quyền điều khiển trong nước. Nhưng đến một lúc nào đó khi tâm thức con người đã được khai mở đủ thì dân chúng dần dần nhận chân ra sức mạnh của mình, cũng như những đặc ân của phái quyền quý chỉ là dựa trên những lý lẽ huyền hoặc. Đã thế, giới cai trị lại bị yếu dần do sự phân tán vì ý hệ giằng co giữa Hữu và Vô, nên sự nhất trí yếu đi và dần dần ảnh hưởng lan sang phạm vi xã hội như Egypte, Babylon, Assyrie, Mésopotamie, Sumérie, Khmer… tất cả đều có sự thờ tổ tiên, nhưng luôn kèm theo sự phân chia ra gia cấp thống trị và đại chúng nô lệ, nên tất cả đã sụp đổ theo sự diễn tiến mà sử gia Toynbee phác họa như sau:

Khi đến một khúc quanh của lịch sử thì các nền văn minh đều gặp hiện tượng mới xuất hiện như một thách đố (Toynbee gọi là challenge). Nếu lúc đó có một tâm hồn sáng suốt tìm ra một giải đáp giúp cho nền văn minh lướt qua được mâu thuẫn đi kèm thách đố nói trên thì sẽ có biến hóa (évolution) nhờ đó văn mình sẽ sống mãi; nếu không thì có cuộc cách mạng, (révolution) và lúc đó một nền văn minh khác sẽ sinh ra. Xuyên qua sáu ngàn năm lịch sử kiểm chứng được, thì tất cả hơn hai mươi nền văn minh đều đã sụp đổ (Ấn Độ chỉ có một phần đứng vững), còn lại có nền văn minh Viễn Đông là duy nhất tồn tại, như giáo sư Creel nhận xét trong cuốn La Naissance de la Chine, trg.315.

Vì không có cách mạng (révolution) nên lễ gia tiên vẫn còn, nhưng đã biến hóa (évolution), nghĩa là đổi nền tảng: thay vì đặt ở sự tin có linh hồn tồn tại vẫn gắn liền với huyết thống, thì đặt sang nền mới là Văn Tổ (Ancêtre parfait) với ý nghĩa là vãn sức tình người bất cứ ai như đã nói trên. Như vậy hễ ai là người thì đương nhiên có đủ quyền đứng ra tế gia tiên. Vì nhờ quan niệm rất rộng đó nên ai cũng như ai, đều có quyền làm người, bất cứ gia đình nào bất cứ cũng có quyền lập bàn thờ tổ tiên. Lễ gia tiên từ đấy hết còn là đặc ân dành riêng cho quí phái như xưa, nhưng mở rộng cho khắp mọi tầng lớp với các quyền lợi đi kèm theo như quyền được đặt tên tự, và do đó quyền được hưởng công điền, quyền được đi học, đi thi làm quan…

Chúng ta nhận ra tầm mức quan trọng của một chữ Văn trong bài vị Văn tổ. Chính cái ý tưởng nền móng đó đã chở theo nguyên lý để giải quyết vấn đề rất nhiêu khê là có với không vì nó đã dẫn sự phân chia giai cấp thành quý tộc và nô lệ. Như thế vấn đề đã được giải quyết trên bình diện triết lý và thể chế. Nếu trong thực tế còn gặp những vụ phân chia giữa chủ nô thì đó chỉ là những trường hợp lẻ tẻ, cá nhân, và thường là vì lý do kinh tế hoặc chính trị, chứ không phải vì lý do triết lý hay tôn giáo.

Ngược lại các nền văn hóa khác vì thiếu cuộc cách mạng mà hậu quả là chiếc bài vị Văn tổ, nên đẳng cấp vẫn còn tồn tại với sự phân ranh chủ nô cùng với các đặc ân khác cho mãi tới thế kỷ 19, và nay tuy chế độ nô lệ không còn nhưng đó là do thúc bách bên ngoài thuộc kinh tế chính trị mà chưa tìm ra nổi nền móng triết lý, nên sự xóa bỏ cũng kéo theo rất nhiều đau thương như nạn kỳ thị chủng tộc. Vì lễ gia tiên đã bị tiêu diệt, nhưng nền văn minh mới chưa đưa ra được một nền tảng khác nên vẫn mặc nhiên tiếp tục chính trị phân chia giai cấp với các sự chênh lệch bất công. Chính phần lớn tại thiếu nền tảng đó mà Hi Lạp đã lâm vào nội chiến giữa Parte với Athènes nên tự tiêu diệt, cũng như đế quốc Roma sụp đổ thì lý do sâu xa chính vì nó vậy. Lý do là vì những người nô lệ chiếm đến 70%, 80% trong nước, thế mà họ không được coi như người, không có tổ quốc. Khác xa với người Việt Nam ra trận đánh đuổi quân xâm lăng là cốt để bảo vệ xã tắc của mình, bảo vệ phần ruộng đất của mình, của tổ tiên mình, thấm nhuần không những xương máu mà cả linh hồn tiên tổ. Theo quan niệm Viễn Đông thì dưới đất còn nhiều chất thiêng hơn cả ở trên (Mus 131). Vì thế mà với người Việt Nam vong quốc có một tầm quan trọng rất sâu xa bằng với vong bổn nghĩa là quên luôn gốc người, mà gốc người là thiên địa chi đức, mà nếu hiểu một cách cụ thể thì thiên chi đức biểu thị bằng tự do, còn địa chi đức biệu thị bằng bình sản tức một mảnh đất làng cấp cho mình. Vậy tổ quốc Việt đã được xây trên hai cột trụ đó tức là mọi người đều được tự do (không có chế độ nô lệ) cũng như mọi người đều được tham dự vào tài sản trong nước. Vì vậy với người Việt Nam thì gốc nước với gốc ngừơi là một: hễ quên gốc nước thì cũng là quên gốc người (gọi là vong thân). Đó là ơn ích lớn lao mà ít nơi con người được hưởng. Thí dụ người La Hy hay An Độ nếu muốn tránh vong bổn (còn gọi là vong thân) thì bó buộc phải vong quốc vì nước họ xây trên chế độ chủ nô, mà đã là nô lệ thì đương nhiên là phải vong thân vì đó mà có tai họa là muốn thành thân thì phải vong quốc. Người Việt Nam không bị tai họa đó. Bởi đấy có những câu gây âm vang lạ lùng trong tâm thức người Viễn Đông như “an thổ, đôn hồ nhân, cố năng ái”. Vì chữ an thổ bao gốm cả thổ địa vật chất lẫn tâm tình truyền dòng nối dõi lên cho tới Văn tổ, rồi từ đó tỏa ra mối tình yêu chân thành xuống tứ hải giai huynh đệ. Đó là một cái may mắn mà văn hóa Tây âu không có được ở đợt căn bản, là vì đã “không xảy ra một cuộc cách mạng đặt ra bài vị thứ năm là Văn Tổ” nên vẫn kéo dài cái văn hóa vong thân. Vì thế ngày nay nếu muốn tránh nạn vong thân thì nhiều người bó buộc phải “vong quốc” theo nghĩa từ bỏ cái gốc của nền văn hóa cổ điển như vô sản Au Châu hiện đang làm với thuyết tam vô. Vì nền văn hóa của Tây Au kéo theo sự chênh lệch kinh tế, kéo theo sự làm khô héo tình người, khó lòng gây được sự yêu thương chân thực.

Đó là việc tế vi khó được truy nhận, nhất là nó rất phiền tạp, nhưng sự thực là thế, nên văn hóa Tây Au đang trải qua một cơn khủng hoảng tự nền móng, và có tính cách bi đát. Bởi một bên nền văn hóa đã có quá lâu đời (trên hai ba chục thế kỷ) đã trở thành “dân tộc tính”, nhưng chẳng may nó lại đặt trên nền tảng vong thân. Thế mà vong thân nặng hơn vong quốc trăm ngàn lần vì quốc gia dẫu sao có thể còn là thuộc địa dư, là cái gì bên ngoài, luôn luôn chuyển hóa đổi thay. Chí như vong thân là cái gì thiết đến tận cốt tuỷ của con người, mà sứ mạng cũng như cứu cánh của mỗi con người là phải “tận kỳ tính”: sống cho đến cùng cực tất cả chiều rộng và chiều sâu của cái tính bản nhiên con người. Cho nên một nước có nền văn hóa nhân bản tinh tuyền thì đấy là một ân huệ quý giá muôn vàn, khiến cho giới trí thức cũng như văn nghệ sĩ chỉ việc theo chiều hướng dân tộc, thì chắc chắn sẽ gặp hồn con Người muôn thưở, và tác phẩm của họ sẽ có khả năng làm rung động tình tự con người dưới bất cứ chân trời nào… Đó chính là cái may mắn cho nước ta, nơi sự thờ cúng tổ tiên chính là khởi điểm dẫn đến tình huynh đệ phổ biến.

 

Chính trị văn hóa

Tình huynh đệ phổ biến! Đó là lý tưởng mà nhân loại đang cố đạt tới. Xét về không gian, các phương diện giao thông đã thành công, đặt con người lại bên cạnh nhau, nghe cả tiếng nói, xem cả dáng hình điệu bộ, dầu là cách nhau vạn dặm. Nhưng đứng về mặt tinh thần thì tình huynh đệ phổ biến mới là lý tưởng, phần lớn còn trong mộng, chưa có một mối tình nhân hậu chân thực. Xét tới cùng cực thì căn do tại triết lý chưa tìm được nền móng cho mối tình kia, thành thử nó chỉ là đối tượng của thi ca, của văn nghệ, của mộng ước, của khát vọng. Nhưng bấy nhiêu chưa là căn để, nên vẫn không có hiệu lực bền vững chân thành. Đấy là tại chưa tìm ra Văn tổ theo nghĩa uyên nguyên là tổ tông của muôn vật, huống chi là của muôn người, suối nguồn của nghị lực. Thành ra lời đẹp có dư mà nghị lực thì nghèo khổ. Lý do là tại người ta vẫn dừng lại ở đợt tâm lý bộ lạc. Mà vì mỗi bộ lạc thờ một tổ tiên riêng, nên chỉ có mở rộng nước bằng tiêu diệt bộ lạc khác, rồi chiếm đoạt đất đai. Chưa có một nền móng lý thuyết cho sự thống nhất nhiều bộ lạc thành quốc gia, nên bộ lạc thắng chỉ có tiêu diệt bộ lạc thua, hoặc bắt làm nô lệ, mà không coi là huynh đệ. Âu Châu tuy vài thế kỷ sau rất tiến bộ trong văn minh đã thành quốc gia từ thế kỷ 17,18 nhưng về đàng văn hóa thì vẫn tiếp tục triết học tiền Văn tổ, có tiến cũng chỉ vượt không xa mấy tâm lý bộ lạc (psychologie tribale), nên thể chế tuy đã tới quốc gia nhưng tâm lý còn vấn vương bộ lạc, nên quốc gia dễ đốc ra chủ nghĩa quốc gia bài ngoại (chauvinisme), chính nó đã là căn do sâu xa gây nên hai cuộc thế chiến làm suy yếu Châu Au. Còn đối ngoại với các dân tiểu nhược là óc kỳ thị chủng tộc được cổ suý và võ trang.

Hình thức khoa học nhất là thuyết bất bình đẳng trong các chủng tộc do Gobineau nghĩ ra được Neitzsche đưa vào triết học và được Đức quốc xã thi hành. Chính nó đã là một trong các động cơ đẩy việc thực dân trở thành chủ nghĩa thực dân của Châu Au trong mấy thế kỷ trước. Thực dân là một lối  mở mang bờ cõi, di dân lập nghiệp thì đâu cũng có. Nước ta cũng có sự kiện thực dân, nhưng không phải là một chủ nghĩa thực dân. Để thành chủ nghĩa phải có một sự kỳ thị chủng tộc y cứ trên huyết thống mà không trên trình độ văn hóa.

Xét về phương diện này người Pháp tốt, nếu không nhất thì cũng vào hạng nhất. Do đó có một số người Pháp hiểu được giá trị văn minh Việt Nam. Nhưng nói chung phần đông thực dân Pháp vẫn còn mang nặng tâm lý bộ lạc nên khinh miệt người Đông Dương. Từ những lời nói bỉ báng như cho rằng Thiên Chúa dựng nên người Việt Nam với chút đất dùng làm giống vật, còn dư vất đi không đành nên nặn ra người Annam (Mus 206). Qua những truyện một bà Việt Nam vào phố Catinat mua hàng được trả lời: “Tao không đến đây để phụng sự những đứa nhà quê” (je ne suis pas vennu ici pur servir des nhà quê” (Mus 222). Việc này xảy ra lối 1946.

Tuy đó chỉ là những trường hợp quá đáng mà nhắc lại có thể là điều kiện không cần nhưng không may sự khinh miệt giống nòi đó lại đâm rễ sâu vào đầu óc một số khá đông trí thức cũng. Vì vậy cần phải được nhắc đến. Cái tâm trạng miệt thị người Việt đó là một tâm trạng chung của người Pháp đối với nước ta, cho là chỉ có một mối lo âu duy nhất là bát cơm. Chính sự hiểu lầm đó đã là lý do cho sự thảm bại của họ trong mười năm tái chiếm Đông Dương từ 1945-1955. Ngay trước đó thế giới đã chuyển mạnh vào giai đoạn nhả thuộc địa mà người Pháp còn quyết tâm tái chiếm thuộc địa bằng danh hiệu Liên hiệp Pháp, theo đó tuy các nước nằm trong liên hiệp được nhiều quyền tự trị hơn trước, nhưng Việt Nam mất nước vì bị chia ba “kỳ”, bộ trưởng mỗi “kỳ” phải chịu trách nhiệm thẳng với toàn quyền. Liên hiệp Đông Dương lúc ấy có lối chừng 25 triệu dân thì người Việt Nam đã chiếm hơn 20 triệu, còn Miên và Lào hai xứ ngót 5 triệu, thế mà người Pháp chặt ra ba nhét vào liên hiệp, bất chấp nguyện vọng độc lập và thống nhất của cả một dân tộc thì đó là kỳ thị rõ rệt. Khi ông P.Mus đưa đề nghị đến với Hồ Chí Minh thì ông này hỏi: “Liên hiệp là cái chi, vuông hay tròn vậy!”. Khi ông Mus kể lại lời đó, một nhà trí thức Việt Nam bình luận: nó tròn, làm bằng da có khoen lỗ và đeo bảng đồng đề câu sau: Ai bắt được dắt lại phố Paris sẽ có thưởng…

Nhắc sơ qua như thế đã đủ để nhận ra sự khác biệt giữa kỳ thị huyết thống và kỳ thị văn hóa. Người Tàu kỳ thị Di dịch hoàn toàn vì trình độ văn hóa chứ không vì huyết thống. Cũng như một số người Việt kỳ thị dân Thượng cũng thế, cho là kém văn hóa thôi. Hai quan niệm khác nhau cả một trời một vực. Người Việt Nam thi đậu có thể sang làm quan bên Tàu không sao. Một số Thiên tử gương mẫu của Tàu xuất thân từ Di dịch: vua Thuấn thuộc Đông Di, Văn Vương Tây Di.

Đó là sự kiện minh chứng cho những câu sách như của Xuân Thu Công Dương truyện   “Di dịch tiến lên được chức tước của triều đình và Trung quốc cũng là Di dịch nay mới thành Trung quốc”: Di dịch tiến Chi vi tước. Trung quốc diệc tân Di dịch.” (Tả truyện Chiêu Công thập tam niên). Tất cả những điều đó bắt nguồn từ triết lý Văn tổ là nền triết đã xóa bỏ óc kỳ thị chủng tộc từ gốc rễ để coi tứ hải giai huynh đệ. Tứ hải được tiêu biểu bằng bốn bài vị: nỉ, tổ, tằng, cao. Cũng như cả bốn đều phát xuất từ Văn tổ cũng là Thái Tổ tức là Thiên Địa làm tổ khắp hết mọi người trong mối tình huynh đệ phổ biến mà không một ai bị gảy ra ngoài làm nô lệ kiểu văn minh La-Hy hoặc M’leecha của An Độ nữa. Nền huynh đệ đó bên Âu Châu tuy có nhưng mới trong hình thức tôn giáo, mà chưa có trong triết lý. Vì thế mà Cộng sản tự hào là đã phát khởi xướng lên, nên tự phụ là tiến bộ xa nhất, là điểm cao trí tuệ loài người. Về điểm này ông P.Mus có kể lại lúc mới tới Sài Gòn năm 1945 khi tướng Leclerc hỏi cảm tưởng của nhóm người Pháp theo cộng sản ở đây về những người cộng sản Annam thì nhận được câu trả lời này: “Ở đây không có công sản Pháp hay Việt, mà chỉ có một đảng Cộng sản và hiện đây chúng tôi đang ở tại Đông Dương”. Điều đó có thực. “Nguyễn Ai Quốc xưa khi còn bên Pháp cũng có thể cầm đầu phái đoàn cộng sản Pháp. Khi đã tẩy hết thượng tầng tư bản, quân phiệt, thì chủ nghĩa cộng sản có thể trả về cho người sở tại được quyền sử dụng đất đai của họ”. P.Mus bình luận đó là một phương thức chắc sẽ gây âm vang mạnh mẽ trong những xứ đã được hun đúc trong quan niệm “bình thiên hạ” tức là kiểu Quốc tế xưa. Nền Thái Bình đó không phát xuất do sự thống trị của một xứ này hay một đế quốc kia, nhưng do một quan niệm phổ biến về lối sống bao dung khắp hết, mà hễ ai theo thì đều có một địa vị, một tổ quốc trong cái thiên hạ chung đó: người Mông cổ có quê hương Mông cổ, người Việt có quê hương Việt. Theo đó thì hệ thống Cộng sản vừa tới quá muộn màng lại chưa tồn tại lâu đủ để kiện chứng giá trị của lý thuyết, mà chính ngay lý thuyết đã tỏ ra những nhược điểm trầm trọng trong nhiều chữ như Đại Đồng. Chữ Đồng nói lên tính cách vật chất, ích dụng ròng, thiếu hẳn yếu tố tâm linh, nên còn duy trì tràn ngập giai cấp ngay trong giới cán bộ. Chí như chữ Thiên hạ của Viễn đông thì bao hàm yếu tố tâm linh nên không có sự kỳ thị phân biệt nào. Nếu trong thực tế ý niệm của người Tàu xưa không đi xa quá nước Tàu thì đó là một sự kiện do chưa biết xa hơn, y như tiếng Orbi (thế giới) của Tây âu lúc ấy chưa vượt quá Địa Trung Hải vậy, nhưng trong chủ trương thì không có mốc giới nào hết. Tình huynh đệ không đặt điều kiện nào làm hẹp lại. Ngay đến việc triều cống cũng đã là sa đọa, chính là triều sính nghĩa là khi chư hầu triều sính thiên triều một, thì thiên triều cho lại chư hầu nhiều hơn (Trung Dung. 20) “Triều sính dĩ thì, hậu vãng nhi bạc lai”: triều sính đúng lúc, đưa đến ít cho lại nhiều.

Tóm lại bài vị Văn tổ hàm ngụ một nền triết lý có nội dung chân thực được kiện chứng nhiều lần trong lịch sử: nước Tàu, nơi có những triều đại ngoại bang như Mông cổ, Mãn châu… Nhiều học giả đời nay cho như thế là điểm yếu của chính trị Nho giáo, vì chịu cho ngoại bang đè đầu cưỡi cổ. Nói thế là mới nói có đoạn “chịu đấm” mà chưa kể tới đoạn “ăn xôi”. Vì nếu nhìn rộng ra cả về thời gian, cả về mặt thống nhất nhân loại thì lợi rõ rệt. Về đàng chính trị mỗi lần bị một triều đại ngoại quốc cai trị là mỗi lần Trung Quốc mở rộng thêm bờ cõi, sau triều đại Mông cổ thì bao gồm thêm xứ Mông cổ, sau triều đại Mãn châu thì bao gồm thêm Mãn châu. Cho nên xét ra thì Mông Mãn thiệt mà chính Tàu mới là người được cuộc. Nhưng nếu xét rộng nữa về phương diện nhân loại thì không nên nói người Tàu được người Mông Mãn mất, có mất chi đâu, chẳng qua góp chung đất lại làm một liên hiệp quốc và sau một giai đoạn bất tề thì tiếp đến giai đoạn bình đẳng trước pháp luật như nhau, không còn phân biệt kỳ thị chi nữa. Cho nên không nên bắt chước vua Sở nói người nước Sở mất cung thì nước Sở lại được, mất đi đâu mà phải tìm. Nói thế là còn hẹp, phải nói người mất cung thì người lại được mới đủ rộng, và lúc ấy không phải người Mông người Mãn mất và người Tàu được, nhưng đó chỉ là bước đường vươn tới thống nhất thế giới bao gồm cả mặt ngoài cũng như mặt trong vậy, hơn hẳn lối đại đồng của Macxit về lý thuyết lẫn hậu quả lâu dài.

Đó chính là hậu quả triết lý Văn Tổ cùng một nền với lối sắp đặt ngũ hành. Tuy trong thực tế ít ai để ý tới, nhưng vì nó đã được đúc kết lối khác gọn hơn, đó là hai chữ Trung Thứ. Chữ Trung thay Văn tổ, chữ Thứ thay cho Cao, Tằng, Tổ, Nỉ là đầu của tứ hải: Đông tây nam bắc một nhà.

Muốn được như thế thì cần phải Trung, nghĩa là phải thành tín trung thực được với nội ngã của mình. Khi tính của mình đã trọn, thì cũng trọn được tính của tha nhân hết thảy, cho nên coi nhân loại như anh em một nhà, mới đem những tiếng xưng hô trong gia đình “cha, mẹ, anh em, ông bà, cô chú…” mở rộng ra xưng hô với mọi người, coi nhau như cùng một Tổ: “đồng bào”, cùng một bào thai.

Đó là một trong những phương thức thực thi triết lý “Trung Thứ” mà Mạnh Tử sẽ nói: “Tôi yêu cha tôi để tôi yêu cha của mọi người, tôi yêu con tôi để rồi mở rộng ra tới con của mọi người (*)” (Mạnh I. 6). Tự tề gia qua trị quốc cho tới bình thiên hạ một mạch đi ra mà chân không bị vướng vào một loại kỳ thị chi hết, là nhờ đã vào tới Văn tổ, tức là bản tính chung của con người, nên bao dung khắp hết, khác xiết bao với các thuyết một chiều đầy kỳ thị, như cộng sản bị ràng buộc trong những giới hạn chật hẹp của đảng.

“Lão ngô lão dĩ cập nhơn chi lão, ấu ngô âu dĩ cập nhơn chi ấu, thiên hạ khả vận ư chưởng”

Đó là đại khái mấy chân lý ẩn tàng sau lối xếp đặt bài vị trong việc thờ cúng tổ tiên bên Viễn Đông. Tuy lâu đời không còn nhận ra thâm ý, nhưng cái triết lý đã được truyền bá rộng đến độ trở thành một nhân tố của hồn nước. Chính cái hồn đó đã ràng buộc lấy đoàn người Lạc Việt từ ngày lập quốc, trải qua bao giai đoạn thịnh suy, vinh nhục, cho tới thời đại này thì hồn nước mới bị bắt đem đi, và từ đó người dân xem vào nước chẳng còn thấy hồn đâu nữa. Kẻ sĩ dần dần bị thay bằng các đợt trí thức. Thế là hết người thêm dầu cho ngọn đuốc thiêng. Lửa không thêm dầu, thêm củi thì tắt dần, hồn còn được ai nuôi dưỡng nữa đâu mà chẳng thoi thóp và thở hắt ra như cái vía, cái phách, cái cô hồn.

Khi Khải Định trao Bảo Đại cho thực dân đem về Pháp đào tạo đã nói: đây là đứa con của tôi, mai sau sẽ kế nghiệp tôi mà cầm giềng mối nước tôi. Xin nhờ các ông đào tạo cho nó sao thì chúng tôi được nhờ thế. Đó là câu nói của kẻ thua trận không thể làm khác được nữa. Cho nên câu nói đại loại kiểu đó cũng sẽ được lặp lại cách mặc nhiên bởi mỗi người Việt nam khi gửi con sang Tây du học, hoặc có thể nói rộng hơn nữa là bất cứ cha mẹ nào khi gửi con vào các trường Pháp-Việt cũng phải nói thế, nghĩa là tất cả người trong nước muốn cho con đi học. Vì có còn lối tiến thân nào khác đâu, cho nên toàn dân phải mặc nhiên chấp nhận câu nói đó “tùy các ông muốn làm sao thì chúng tôi được nhờ thế”.

Ở phương viên Chavassieux gần Bưu Điện Hà Nội người ta có dựng tượng đồng Paul Bert tay dắt một đứa bé Việt nam. Dắt đi đâu? Nói rằng dẫn đến Tự do hoặc dắt đi dạy cho biết văn minh của bình đẳng huynh đệ và tự do. Đúng chăng hay đó chỉ là hồn Việt nam bị dẫn đi như trong câu truyện “Lạc hồn”, để sau này sẽ trở lại tác hại đồng bào, đạp lên tổ tiên. Tới nay chúng ta đã nhận ra cả rồi. Kẻ thì vinh thân phì gia, trí thức chửi nhau như họp chợ! Nào trong hai mươi năm trời trí thức phản bội tổ quốc năm lần, nào tác phong của trí thức là chính trị xôi thịt, nào là luồn cúi đủ hạng… như chúng ta có thể đọc được đầy rẫy qua các báo. Đấy là về phía thế giới tự do, còn bên phía cộng sản thì chúng tôi không sao bỏ được cái ấn tượng hằn sâu vào tâm não dầu chỉ nghe kể truyện là, một cán bộ nó đã dự vào cuộc đấu tố cha của mình cách tích cực và khi người xấu số đã chết gục dưới những cú đánh tới tấp thì anh đến đạp xác nạn nhân và dõng dạc tuyên bố: tao không còn nhìn nhận mày là cha tao nữa mà chỉ thấy nơi mày một thành phần phú nông cường bá đã bóc lột nhân dân mà thôi…

“Hồn hỡi hồn con cháu Lạc Long”, người ta huấn luyện cho hồn sao mà tài tình đến thế. Chúng ta thử theo dõi: từ sự đập bài vị tổ tiên, dẫn tới đạp lên xác cha, có dẫn tới thế giới thiên đàng với lòng yêu nhân loại không bị tù hãm trong những giới mốc của gia tộc, tổ quốc chăng? Sở dĩ chúng tôi khó bỏ được ấn tượng bi thương kia vì đó chỉ là hình thức thái thậm của động tác dẫm lên trên tình dân tộc, giày xéo trên tổ quốc, nhưng bên dưới còn biết bao hình thức nhẹ hơn mà nếu không có một chuyến đi sâu vào lòng dân tộc thì khó lòng nhận chân ra được, nên bây giờ chúng ta hãy sang Pháp xem bầu khí đào tạo bên đó ra sao.

1.3 - QUA TRÀO THỰC DÂN

An thổ

Vũ trụ Việt nam làm bằng trời che và đất chở. Nho nói “Duy thiên địa vạn vật phụ mẫu. Duy nhân vạn vật duy linh” (Kinh Thư. Thái Thệ 3). Đây không phải thiên bao la xa tắp tít hay địa trải dài ra ngoài mình nhưng là thiên địa ở ngay trong mình như luồng tinh lực, xoắn xuýt giao thoa nơi mình gọi là giao chỉ, hoặc Văn tổ theo nghĩa tổ con người cũng chính là thiên địa chi đức. 

Vì thế hai chữ trời che đất chở mang một ý nghĩa thân thiết cụ thể trong vũ trụ quan của người Việt Nam, trong đó con người được quan niệm như thập tự nhai nghĩa là giao điểm của trời đất. Đây không là một định nghĩa văn chương suông nhưng là biểu lộ một nội dung đã thực hiện bằng thể chế công điền để làm đất chở, cũng như được thờ tiên tổ để làm trời che. Do cả hai yếu tố đều mang một ý nghĩa linh thiêng. Đạo thờ trời do vua chủ tế thì phần uy linh đã bộc lộ rõ ràng. Đến như đạo thờ Đất do dân làng đảm nhiệm, mặc dầu không oai phong lộng lẫy bằng, nhưng không thiếu phần linh thiêng. Phần linh thiêng đó được biểu thị ngay trong chữ Xã là đạo tế Thổ thần kép bởi bộ kỳ chỉ linh thiêng và bộ thổ.

Ông Paul Mus (238) cũng như nhiều học giả Tây Âu nhấn mạnh rằng đó không là trò chơi tán tự suông, nhưng chính là một thực thể, một quan niệm về Đất đầy ắp tình người, hồn người, rất nhiều người và mặc dầu đã chết nhưng vì “sự tử như sự sinh” nên cũng còn quan trọng như người sống. Vì thế phần linh thiêng của đất nổi vượt hơn phần vật chất. Người thôn dân rất ái ngại bán đất hương hỏa là vi lý do đó, nên đối với họ Đất có một nội dung khác hẳn. Với Tây Âu đất là đất. Với người Viễn Đông đất không những là đất nhưng còn là cái gì chất chứa đầy linh thiêng, vì đất là của người sống mà cũng là của người chết. Người sống nắm giữ đất cách trứ hình, còn linh hồn tổ nắm giữ cách vô hình. Cái quan niệm đó người duy lý có thể cho là thần bí. Tuy nhiên chính nó đã là một yếu tố đem lại sư quân bình kinh tế cho xã hội Việt Nam, hơn hẳn các xã hội Tây Âu về trước. Vì theo quan niệm đó thì phải có chính sách quân phân tài sản sao cho ai cũng được làm người, nghĩa là có một miếng “đất chở” thực sự để đối đáp với “trời che” cũng thực sự được biểu lộ bằng đạo cúng tổ tiên. Và vì thế mỗi người Việt Nam khi tề tựu lại đặng tế Thổ Thần thì thực sự họ là một tư tế, có nội dung cụ thể, nghĩa là họ có làm chủ một miếng đất thực sự nên cần được tế, vì đất nào cũng có quỉ có thần. Lại khi nói người dân phải cầm binh khí ra đánh đuổi quân xâm lăng tàn phá “xã tắc” thì họ hiểu thấm thía từ mảnh vườn của họ dâng lên: nước là của họ cũng y như nhà là của họ vậy.

Đó là chính sách đã được thi hành cùng với lễ gia tiên ngay từ ngày khai quốc. Tuy sự áp dụng tuỳ thời mà đạt độ công bằng nhiều ít khác nhau, nhưng còn nguyên lý và áp dụng thì có ngay từ đầu. Cho đến khi người Pháp đặt nền đô hộ thì dần dần phá vỡ cái “vũ trụ” nhân linh đó.

Chúng ta hãy lấy năm 1940 làm cứ, vì là năm có mấy thiên khảo cứu công trình của học giả Gourou mà ông Paul Mus dùng trong quyển “Vietnam sociologie d’une guerre”. Theo đó ta dễ nhận ra ảnh hưởng của người Pháp đã đem sự bất bình sản vào nước ta ra sao. Hãy căn cứ trên tỉ số ruộng công điền của ba miền làm cứ:

Ở Trung vì là miền thuộc nhà Vua, ảnh hưởng người Pháp tương đối ít, nên còn giữ được tỉ số ruộng công điền cao nhất là 26% trong tổng số ruộng canh tác. Ông Gourou nhận xét có nơi mỗi suất đinh được tới ba mẫu.

Đất Bắc tuy theo hiệp ước 1884 gọi là Bảo hộ, nhưng trong thực tế người Pháp đã biến dần gần thành thuộc địa, nên còn được có 20%.

Đến như Nam là thuộc địa thực sự, xã thôn lại chưa được thành lập chỉnh tề như ngoài Bắc, nên số ruộng công trụt xuống còn 2,5% (Mus 240).

Đến như ruộng tư điền phân chia càng chênh lệch: trong Nam cứ 15 người mới có một điền chủ, ngoài Bắc thì cứ 6 hoặc 7 người mới có một điền chủ, hiểu là có ruộng riêng, còn ruộng công thì ai cũng có phần (nói chung). Ruộng đất vì thế bị chia ra những mảnh quá nhỏ từ một sào ta trở lên đến ba mẫu (lối 1 ha). Xét về phương diện canh tác hiện đại thì đó là một trở lực cho việc cơ khí hóa, đòi phải có những diện tích từng chục ha trở lên. Nhưng về đàng xã hội thì việc phân chia chi li kia đã nói lên tính chất bình đẳng kinh tế thực thi đến cao độ, cho nên xét về công thể thì nghèo đến độ cực khổ, nhưng nghèo theo công thể nghĩa là không ai đến độ như thợ thuyền Tây Âu phải bán mình vì không còn gì khác ngoài mình để mà bán. Le travailleur européen réduit “à se vendre volontairement parce qu’il ne lui reste rien d’autrui” (Mus 106). Người Việt Nam nghèo nhất ít ra cũng có vài sào công điền.

Trong Nam số người đã giàu thì giàu từng trăm ngàn mẫu, còn đại đa số thì toàn là tá điền, giống với nông nô Pháp: đất tư đã không có mà ruộng công cùng không, ta chỉ xem vài con số sau: Đang khi đại điền chủ (50ha trở lên) chỉ có 9,6% số người lại chiếm 65% số ruộng. Còn 48% trung điền chủ (5-50ha) với 32% số ruộng. Còn số tiểu điền chủ (từ 5 ha trở xuống) có tới 38% tổng số dân lại chỉ chiếm được 3,3% diện tích, so với Pháp năm 1930, 94% dân số Pháp giữ 8% lợi tức quốc gia đang khi 5% giữ 20%, còn lại 1% giữ tới 72% (theo Grandeur et Décadence des Civilisations. Edit.Payot, p220). Sự chênh lệch đó càng trở nên trầm trọng vì chính sách thuế khóa căn cứ trên đồng bạc Đông Dương lên xuống theo giá thị trường quốc tế, tức không kể chi đến giá lúa gạo, nên nhiều lần đã vượt quá mức chịu của các thôn dân rất xa. Ở làng tôi vào một năm nào đó (từ 1940-1943) số ruộng mỗi Đinh là 4 sào (lối 1/7 ha) gặt hái xong xuôi được 24 thùng, mỗi thùng bán 0.12đ. Bán hết đi mới được có 2.88đ. Thế mà sưu thuế là 4.60đ còn thiếu 1.68đ hay là 14 thùng nữa mới nộp đủ thuế…

Đó là năm tệ nhất, thường thì tất nhiên không đến nỗi đó, nhưng trung bình thì sưu thuế đã chiếm suýt soát nửa số hoa lợi. Chính sách thuế khóa đó đã dìm nông dân xuống cái hố bần cùng vượt xa các triều đại trước.

Vì sự giàu nghèo càng ngày càng trở nên sâu rộng như thế nên ảnh hưởng sang việc học hành. Trong khi Nho học còn thịnh, việc đi học rất ít tốn kém, hầu không làng nào không có vài ba ông đồ tại chỗ, thì số người đi học tương đối đông mà vì cùng theo một lối bình dân chung cho Viễn Đông: 25 nhà có một trường gọi Thục, 500 nhà thành một đẳng có trường gọi là Tường, rồi đến 2500 (có sách nói là 12500) có Tự, ở kinh đô có Học (xem Phùng Hữu Lan, 260). Đó là vài con số chắc không được bảo đảm lắm khi xét xuyên qua nhiều nơi, nhiều thời đại. Nhưng nói chung nhiều học giả công nhận nền học vấn Viễn Đông xưa vượt xa xã hội Tây Âu trung cổ ngay cả về số lượng.

Đó là đại để vài nét về sự bình đẳng kinh tế của ta trổi vượt xa xã hội Tây Âu. Ông Mus (254) đã có thể viết: “Đại điền chủ là do người Pháp đưa vào Việt Nam” (La grande propriété séquelle de l’occupation francaise).

Bài tổng quát này chỉ nhằm đưa ra vài con số tiêu biểu để gợi ý về một chính sách “đất chở” của Việt Nam xưa đã bị phá vỡ làm cho mất ý nghĩa hai chữ “an thổ” mà người Việt Nam có thể hiểu một cách từ cụ thể lên đến nghĩa siêu hình đều thật cả, nhưng khi ảnh hưởng Tây Âu lan tới đâu thì câu “an thổ” mất ý nghĩa tới đó. Có phần thổ địa đâu nữa để mà an? Đã không an thổ thì đôn hồ nhân sẽ ra sao?

 

Đôn hồ nhân

Câu này có một ý nghĩa đặc trưng trong các xã hội theo Việt nho nơi tình người được đặt trên lý sự. Vài mẫu chuyện điển hình sau đây rút ra từ những sách triết lý sẽ nói lên rõ rệt hai bầu khí khác nhau đến đâu.

Người ta hỏi Kant: giả sử có bạn thân vì lỗi luật phải chạy đến ẩn nhà ông. Nếu như công an đến hỏi thì phải khai ra hay giấu đi. Kant đã chủ trương phải khai ra. Lập trường này gây xúc động lương tri một số người Âu Châu lúc đó. Vì thế triết học gia Benjamin Constant đã viết để xin Kant xác định lại bằng cách đặt ra câu hỏi gay cấn hơn rằng: giả sử có đứa sát nhân đang đuổi bắt người bạn thân tình của ông thế mà bạn ông chạy kịp đến ẩn nhà ông, khi chúng tới hỏi thì ông xử sự thế nào? Kant trả lời là phải thưa có. Lý do? Vì nói dối vẫn là một tội ác, nên trong chuyện này không có quyền lựa chọn: nói thật là bổn phận tuyệt đối: “Il n’est pas libre en cela de choisir puisque la véracité est un devoir absolu. Doctrine V.251.

Xử sự như thế Đông phương cho là đặt lý sự trên tình người, chấp kinh mà thiếu quyền, không biết chữ “tuỳ thời mà biến hóa: không nhất thiết phải thế này hay thế nọ. Không có luật nào tuyệt đối cả, nhưng uyển chuyển như tình người. Nho giáo nói: chấp kinh cũng phải biết tòng quyền là thế.

Diệp Công nói với Khổng Tử: “Ở ấp tôi có một người giữ pháp luật rất ngay thẳng đến nỗi cha trộm dê thì con đi tố cáo! Khổng Tử đáp lại: “Ở xóm tôi thì khác, người chính trực che lỗi cho con, con che lỗi cho cha, chính trực ở tại đó”. “Ngô đẳng chi trực giả dị ư thi: phụ vi tử ẩn, tử vị phụ ẩn: trực tại kỳ trung hỹ. L.N.XIII.18”

Như vậy là đặt tình người trên pháp luật. Nhưng nếu thế thì luật pháp bị khinh thường mà nước loạn mất chăng?

Đào Ứng đã lo thế nên đặt vấn đề với Mạnh Tử (VII.35) như sau:

Nếu như lúc ông Thuấn làm thiên tử mà cha ông là Cổ Tẩu phạm tội giết người thì tổng trưởng bộ tư pháp là ông Cao Dao phải xử ra sao?

Mạnh Tử đáp:

Phải cứ pháp luật cho bắt ông Cổ Tẩu.

Ủa! Thế ông Thuấn không làm chi cản ngăn ông Cao Dao sao!

Cản ngăn sao được, phép truyền từ đời nọ đến đời kia là phép công mà.

Đào Ứng hỏi thêm:

Như thế ông Thuấn phải xử như thế nào?

Đáp rằng:

Vua Thuấn sẽ coi thiên hạ như đôi giép rách vậy và lén đi cõng cha chạy trốn ra ngoài biển mà ở, trọn đời hân hoan an lạc quên hẳn việc chính trị.

Xử sự như thế ngày nay (hoặc khuynh hướng pháp gia) có thể cho là trái phép. Nhưng người xưa có thể hỏi trái phép nào? Ai đặt ra phép ấy? Đặt ra để bắt tất cả làm nô lệ, kể cả những mối tình cao quý như tình cha con chăng?

Đó là một lối xử đời khi tình lý tương phản thì cố vượt lên trên bình diện ích lợi, để đi sang bình diện đạo lý, mà đạo lý đó xây trên tình người. Nhờ vậy dẫu trọng tình mà nước cứ vững, tình lý tương tham, tình nội lý ngoại. Lệnh vua thua lệ làng, lệnh vua là lý ngoại, phép làng là tình trong. Phép làng là lý đổ lên đầu người gia trưởng để cho toàn gia đình sống trong tình ruột thịt, hễ “gia đạo chính thì thiên hạ định” (quẻ gia nhân) đã có trên 20 thế kỷ chứng minh điều đó. Nếu hồn nước của Tây Phương là bánh xe lịch sử (Hegel) hay là sự thật từ trên truyền xuống (vérité absolue impérative. Kant) cần phải dẫm lên tình bạn để bảo toàn sự thật, thì với Đông phương sự thật phải phụng sự con người.

Người Trung Hoa có tục “nam nữ thụ thụ bất thân, chữ hán”, ai làm trái cho là vô lễ. Thuần Vu Khôn viện tục đó ra hỏi Mạnh Tử: “nếu thấy chị dâu sắp chết đuối thì có được lấy tay mà vớt lên không?” Đáp: “Chị dâu sắp chết đuối mà không vớt lên thì giống sài lang. Nam nữ thụ thụ bất thân là lễ, còn chị dâu sắp chết đuối lấy tay mà vớt lên là quyền biến”.

Lúc nào tình người cũng cao hơn lý sự, khác với Tây phương ở chỗ đó. Tây phương không phải thiếu tình người, chúng ta có thể đọc tràn đầy trong các thi ca, tiểu thuyết nhất là loại lãng mạn thì thiếu chi tình. Rồi nữa ngay trong giới triết học như Benjamin Constant phản đối Kant vừa nói trên kia… Tuy nhiên đó chỉ là tình tự ở cỡ lương tri thường nghiệm chứ không phải trên đợt triết lý hay đạo lý như bên Đông phương, nên thiếu nền móng siêu hình của Văn tổ, thiếu phương thức đôn hậu hàm dưỡng tình người. Cái khác nhau giữa Đông Tây ở chỗ căn bản đó.

Vì thế xem xét các mối nhân luân đã hiện thực dọc dài qua bao ngàn năm lịch sử, Hegel cũng chỉ thấy được có một mối liên hệ duy nhất là chủ nô (maitre - esclave) thay vì ngũ luân bên ta. Đừng ai vội phản đối Hegel bởi ông thuộc lịch sử Tây Au hơn ai hết và là người đầu tiên lập ra khoa triết lịch sử. Sở dĩ ông nói thế vì chỉ có thế, và ngày nay thay vì nói chủ nô thì người Macxit nói là kẻ trị với người bị trị, cũng là một, và đều đúng cả. Bởi vì đó không phải là xã hội Đông phương để có những ngũ luân: vua tôi, cha con, vợ chồng, huynh đệ, bằng hữu, và nét định tính cho năm mối liên hệ đó là Nhân cho vua, Từ cho cha, Nghĩa cho chồng, Hiếu cho tử, Tín cho bằng hữu. Cả năm mối liên hệ đó đều đặt trên đức trên tình, trên Văn Tổ, chứ không có đặt trên quyền lợi kiểu “tranh đấu để sinh tồn” (Darwin), hay “homo homini lupus”, người là lang sói cho người, đến nỗi vì quyền lợi mà còn nhẫn tâm dẫm lên xác cha. Thế là người hết còn linh thiêng cho người nữa: “l’homme n’est plus une sacrée chose pour l’homme, như phái Stoicien đại diện Đông phương trong đế quốc La mã đã tuyên bố xưa. Nhưng rồi tiếng nói đó đã rơi vào sa mạc ích dụng của đế quốc.

La Mã xưa kia cũng có đạo thờ tổ tiên nhưng xét kỹ mới thấy có sự khác biệt ở chỗ thiếu bài vị Văn tổ, nên việc thờ cúng chỉ hạn hẹp trong thị tộc với bầu không khí ích dụng (pratique, utile). Thần tiên tổ Lares thì để phù trợ gia đình, thần Penates coi nhà, thần Terme để coi bờ cõi, thần Priape để cầu được mùa màng, thần Silvain để coi đồng nội… Bấy nhiêu chưa đáng kể vì giới bình dân đâu đâu không có mấy thần ích dụng đó: thần đầu rau, ông táo… bên ta thiếu gì, và con cái thờ tiên tổ để may mắn là chuyện rất thường. Nhưng lớp kẻ sĩ thì có chỗ vươn lên Văn tổ, còn Tây phương không có: khác nhau chỗ ấy.

Trong bầu không khí “ích dụng đó” thần Minh Triết Minerve (phỏng theo thần Athena của Hi Lạp) chỉ giữ một vai trò lép vế bên cạnh thần chiến tranh Mars giữ vai trò chủ tịch. Chính vì nhiều lối xếp đặt theo ngũ hành mà đạo thờ tổ tiên không phá nổi sự phân chia giai cấp trong xã hội, và đó là căn nguyên chính đào mồ chôn đế quốc La Mã, chứ những “quân man di” chỉ là căn do gần và ngoại tại.

Đế quốc La Mã bị chôn vùi nhưng óc ích dụng vẫn lưu lại làm nền móng cho cái học luân lý, giam giữ con người dưới gông cùm của “cưỡng hành và lợi hành”. Kant tỏ mình là một thiên tài khi nhận ra điều trên nên ông mới phản đối bằng cách lập ra một nền đạo đức mới lấy con người làm cùng đích tự tại (fin en soi). Ý hướng thì tốt nhưng đi lối phản ứng nên cuối cùng Kant cũng không tìm ra giải đáp cho vấn đề ý hệ nên lại quay trở về với lối sùng mộ có tính cách tôn giáo. Thế là một đàng đi ngược lại với dự phóng ban đầu: thiết lập nền đạo đức công dân, hiểu là độc lập đối với tôn giáo, thế mà nay lại trở về với tôn giáo, thì về phương diện ý hệ là thất bại. Luân lý của Kant sụp đổ là vì đó. Đổ vì không tìm ra nền móng, nói theo Đông phương là không tìm đến đợt Văn tổ, nghĩa là đưa luân lý ra khỏi bình diện ích dụng để thiết lập nền luân lý sứ mạng: làm vì nghĩa, do đó con người vẫn còn ở lại đợt cá nhân như trước, không tìm ra được yếu tố tâm linh để kết hợp cá nhân thành công thể (communauté) nên vẫn là cá nhân với bầu khí của nó là ích kỷ, không giúp cho sự triển nở của tình nhân hậu, cho óc liên đới xã hội. Trái ngược hẳn với xã hội Việt Nam mà ông Gourou nhận xét: “bên ngoài cái vẻ tầm thường chứa một đời sống xã hội cường độ (une vie sociale intense) vì trong đó người thôn dân có ngàn dịp để nói, để bàn, để chạy việc quản lý những nguồn lợi của xã thôn, để sống một cuộc đời đầy trách nhiệm (Mus 334). Trong đó đủ hội hè đình đám với các thứ tương thân tương trợ, làm nên cái mà ông Paul Mus gọi là “một cung thánh bất khả xâm phạm” (sanctuaire inviolable. Mus 20), một “bản anh hùng ca của dòng tộc” (épopée ethnique. Mus 17) vì mặt bắc chống với kẻ thù xâm lăng mạnh gấp nhiều chục lần, còn mặt nam cứ tiến bước qua rừng, qua núi, qua các nước Nam chiếu, Lâm ấp, Chiêm Thành, Chân lạp. Người Pháp không thể hiểu được sự cố kết mạnh mẽ xiết bao, nên đã thất bại trong lần tái chiếm Việt Nam. Bao nhiêu thôn ấp trở nên bấy nhiêu đoạn của con rồng bị chặt ra từng khúc nhưng mỗi khúc cứ sống cái đời sống tự túc từ xa xưa truyền lại khiến cho xe tăng tàu bò không sao phá vỡ nổi” (Mus 15,19,186). Tuy nhiên trong quãng 80 năm đô hộ, người Pháp nắm hết quyền hành trong tay nên đã thành công chặt được cái đầu của con rồng Việt lìa ra khỏi thân mình bằng cách kiểm soát ngặt thôn xóm. Việc bầu hương chức từ đấy phải lệ thuộc phủ, huyện, tỉnh… Đó là khởi đầu cho tệ đoan mua chuộc cấp trên. Đồng tiền lại một lần nữa lọt ra khỏi làng. Các điền chủ, kỳ hào dần dần chán đời sống thôn dân kéo lên tỉnh hưởng đời sống văn minh, xe hơi, nhà lầu, con đi học trường Tây, tiền gửi nhà băng, nhiều khi đầu tư sang ngoại quốc, ruộng vườn giao lại cho quản lý. Mọi liên hệ giữa chủ điền và tá điền dần dần trở nên trừu tượng trút hết tình người là cái chỉ tìm ra được trong những mối giao tiếp trực chỉ giữa người với người.

 

Cố năng ái

Thế là người trong nước hết còn thể yêu nhau (cố bất năng ái) bị phân ra hai thế giới trong hai hệ thống, hai tâm trạng cách nhau như từ hành tinh này đến hành tinh kia: les deux systèmes, les deux mentalités s’écartaient sur place d’une distance interplanétaire (Mus 129). Người thôn dân cố chống Pháp để được quyền là mình. Trí thức ngược lại tranh đấu để được quyền bắt chước Pháp một cách vụ vào lương số. L’opposition sourde de la paysannerie a consisté dans sa lutte pour conserver le droit de differer de nous. L’élite tout au contrare a bataillé pour acquérir celui de nous imiter, statistiquement, même contre notre gré. (Mus 152). Cái thảm trạng của nước ta chính là ở chỗ đó. Từ đấy trí thức trở thành đầu không có thân, được thấy rõ trong đảng phái chính trị mà lớp “lãnh đạo” nhiều hơn người được lãnh đạo. Ngược lại thôn dân là thân không có đầu. Thôn dân thị dân mỗi ngày mỗi không thể hiểu nhau, vì không những nói hai thứ thổ âm khác nhau là tiếng Pháp, tiếng Việt, nhưng còn khác luôn cả ngôn ngữ. Kẻ sĩ xưa có viết bằng chữ Nho đi nữa cũng chỉ khác có thổ âm, còn ngôn ngữ vẫn là một, nghĩa là cùng một triết lý công thể của Văn tổ. Còn nay chỉ biết có lý sự, ý kiến cá nhân, ngược hẳn với cái học cổ truyền thì làm sao hiểu nhau được. Nhất là khi thấy xã hội Tây Âu tiến bộ văn minh cường thịnh, thì các giới trí thức trưởng giả trăm người như một đều cho triết học lý niệm là căn do của sự tiến bộ kia. Cho nên dần dần trí thức trưởng giả đô thị ngộ nhận mọi giá trị cổ truyền: cho thôn dân là không biết chi đến tự do, đến quyền lợi. Và từ đấy trí thức khởi đầu miệt thị Nho giáo bởi đây là một đạo hành vi làm bằng tình thâm và động tác, nay trí thức lại xét theo ý niệm phân tích thì chẳng thấy được gì nên làm sao tránh khỏi miệt thị. Ông P.Mus nhận xét: “Trong khi Âu hóa người trí thức Việt Nam, trong khi nhận họ đứng vào hàng với ta, ta đã phá vỡ mất cơ cấu tinh thần của họ, quan niệm cổ truyền của họ và đặt lối xử thế cũng như chính bản thân họ ra khỏi môi trường xã hội đã hun đúc nên họ. Thế mà xã hội đó không sống bằng ý niệm trừu tượng, trái lại cả những quan niệm rất triết lý của họ không bao giờ xa lìa cơ cấu kinh tế, chính trị, gia đình, xã thôn; nhưng tất cả bấy nhiêu điều thích nghi vào một cơ cấu mẫu, một vũ trụ quan phát xuất tự đáy lòng mà Nho giáo là một sự biểu lộ cao nhất và chính thức nhất. Một khi đã cất mất lòng thâm tín vào những ý tưởng đó của Nho giáo, thì toàn hệ thống không thể đứng nổi”…… (Mus 140). Thế là Nho giáo tàn dần không còn nữa để mà tiêm sinh lực thiêng liêng cho các thể chế, nên những thể chế này dễ đốc ra tệ đoan, trở thành dụng cụ khai thác thôn dân để phụng sự cho sự lớn mạnh của nền văn hóa đô thị. Ngọn lửa nhân ái hết được đôn hậu, tắt dần đi để trở thành đống tro tàn sau các luỹ tre xanh. Nếu mất phần ruộng công điền kể như mất phần “đất chở” thì giết chết Nho học kể như phá mất “trời che”: người trên đã không còn học Đạo thuật, không còn đôn hậu tình người bằng lễ, bằng nhạc, bằng giảng học thì lễ gia tiên còn lại có phần thiển cận thuộc giai đoạn bái vật và bao nhiêu cái đẹp xưa dần dần trở thành hủ tục, sinh ra những tệ lạm đủ đề tài cho Tự lực văn đoàn khai thác, cho trí thức chê bai dè bỉu: văn hóa thôn dân sắp bị gọi bằng danh từ miệt thị là nhà quê. Nhà quê không phải là người (hiểu là cá nhân) mà chỉ là những thực thể bị nuốt trôi vào đoàn thể. Ông P.Mus viết: trí thức không còn nhận định nổi được rằng thôn dân thích bị nuốt trôi vào công thể, vì nó không là đoàn lũ nhưng là công thể đầy ắp tình người, nên đi đâu mặc không sao quên được nơi quê tổ, nơi có bàn thờ tiên nhân. Những người đi làm trong các đồn điền được dư đồng nào hầu hết đều gửi về nhà. Và sau khi hết hạn khế ước thì liền ra đi trở về với quê cũ, bỏ lại nơi đồn điền cái nhà đẹp hơn nơi quê, bỏ lại người vợ tạm mà thói tục cho phép lấy trong lúc “đất khách quê người” (Mus 112) trước sự ngạc nhiên của người Tây phương, của trí thức trưởng giả đô thị…

Ngược lại người thôn dân hết hiểu nổi trí thức, và cả những quyền lợi mà họ đang tranh thủ: tự do hội họp, tự do báo chí và đáng sợ nhất là quyền đầu phiếu mà các ông trí thức tranh đấu cho họ, làm họ mất thời giờ, không đi thì mấy ông hỏi giấy tờ khổ sở, mà đi thì biết bầu cho ai? Sau khi đắc cử họ làm cái gì? Mãi ở đâu? Làm sao mà kiểm soát?… Làm sao được như hương chức xưa sống trong thôn xã với họ, nều làm bậy ít nhất họ còn có quyền chửi đổng, vận động, bôi xấu…

Trong xã hội cũ quyền lợi của họ ít lắm, rất tương đối nhưng nó thể hiện ngay trong phần điền, nó nuôi họ hằng năm. Vì thế nay họ không mong quyền đi bầu mà mong phần ruộng. Trong khi người Pháp đưa giải pháp Bảo Đại ra làm chiêu bài vào lối 1946-1947 thì đã tính thỏa mãn điều đó phần nào, nhưng bị phản đối do nhóm “Nam kỳ tự trị” được chiêu mộ phần lớn trong những đại điền chủ. Nhóm này sợ đất ruộng của họ bị sứt mẻ vì lối “quân phân tài sản” cổ truyền của Việt Nam.

Vài thí dụ trên chứng minh là đất nước đã bị bổ đôi làm hai mảnh văn minh không hiểu nổi nhau nữa thì làm sao mà yêu nhau, làm sao mà “cố năng ái”. Văn minh thị dân duy lý, cái học thiếu phần “đôn hồ nhân” thiếu phần hàm dưỡng tinh thần triết gia, để tiết chế cái lòng tham dục, nên thẳng tay khai thác những thôn dân chất phác đã bị chặt chân (mất ruộng), bị chặt đầu (không còn kẻ sĩ ở bên cạnh để cất tiếng bênh che) để trao cho thị dân mặc tình khai thác. Do đó sự khai thác trở thành tàn tệ. Lương lính 900, đi khám bệnh hết 200!

Đây không nói về cá nhân. Xét về cá nhân thì nhiều người Âu Tây nhân ái hơn nhiều người Đông Phương, nhiều trí thức tốt hơn nhiều kẻ sĩ… Đây chỉ có ý nói đến cái cơ cấu của một nền văn minh, thì đó quả là một hệ thống duy vật từ trong căn để. Do đó mặc dầu Tây Au có nhiều giá gị tinh thần, giá trị nhân bản, nhưng vì cơ cấu đã bị đặt sai nên ta phải cho là duy vật. Cho nên khi đem áp dụng vào xã hội Việt Nam vốn xây trên tình người thì trở thành hai đối cực. Vì thế đã gây nên sự ngỡ ngàng cho giới trí thức Việt Nam không ít.

Không nên nghĩ giới trí thức chỉ gồm toàn những phần tử chúi đầu sống theo sinh lý, nhưng có nhiều người đã biết thắc mắc, đã sống căng thẳng cái mà ông P.Mus gọi là “tấn bi kịch tổng hợp”, một đàng nhận ra Tây Âu tiến bộ hơn mình rất xa, nhưng đàng khác lại cảm thấy Tây Âu có một sự trống rỗng, thiếu mất cái chi linh thiêng để làm xi măng tổng hợp. Vì thế rất nhiều nhà trí thức Việt Nam cho là người Tây giấu cái phần linh thiêng đó. Ông P.Mus kể lại trường hợp của một giáo sư kia 15 năm trời miệng luôn dạy học sinh rằng mặt trời xoay quanh trái đất nhưng lòng luôn luôn thắc mắc cho rằng chắc có ẩn tàng bí mật chi đây? (Mus 147) Người Tây nói thế nào cũng không tin, vẫn cho là giấu bí quyết, mãi tới sau thế chiến 1914-1918 một số nhỏ mới vỡ lẽ ra rằng điều bí mật nhất là không có bí mật chi hết (le plus grand secret c’est qu’il n’y a pas de secret) nghĩa là văn minh Tây Au thiếu chất tâm linh truyền cảm làm linh hồn. Thế là từ đấy đổ nhau đi tìm thỏa mãn cho nhu cầu khát vọng thiêng liêng: người thì theo Kitô, người theo Tam điểm, hoặc cầu cơ (spiritisme), như Cao Đài đại diện nhóm này (Mus 133,143,147). Ong P.Mus cho rằng chính sự mất liên lạc với lễ gia tiên là lý do sâu xa gây nên các giáo phái (Mus 248).

Thế là nền văn hóa đã tô tạo cho giống Lạc Việt từ ngày khai quốc y cứ trên Văn Tổ tan vỡ ra làm nhiều mảnh (Cao Đài, Hòa Hảo, Phật Giáo, Kitô Giáo, Bè nhiệm) đủ yếu tố có thể gây nên cuộc xung đột ý hệ. Và cuối cùng thêm một nhóm theo cộng sản nữa, thế là cuộc xung đột ý hệ trở thành thực sự từ mấy chục năm nay: máu người Việt đổ ra chưa khi nào nhiều như thế, những bom đạn, giáo gậy do ý hệ tung ra tới tấp rơi thẳng xuống đầu dân nước như họp chợ. Có còn “trời che” đâu mà chẳng rơi thẳng vào đầu. Thế mới hay có những chữ như “đất chở” “trời che” mang theo một ý nghĩa cụ thể xác thực vậy.

Đấy là thực trạng bi đát chưa tìm ra giải đáp cho “thảm kịch tổng hợp” đặt ra cho lớp đàn anh chúng ta. Ông Mus viết “… drame intérieur vécu par tant de mes amis d’enfance, c’est vis-à-vis d’eux mêmes, un effort de réunification. Deux tranches de leur vie, enfance et âge mur, deux séquences de relations avec les autres, au niveau de la petite vie familiale intérieure et dans la pratique du monde extérieux, deux logiques, l’une affective l’autre rationelle se heurtent en eux” (Mus 143). Đến nay dầu đã thâu được chủ quyền về chính trị vấn đề đó cũng vẫn còn đặt ra y nguyên cho thế hệ chúng ta. Tổ tiên ta đánh đuổi quân Tàu xong liền trở về trùng tu đền thờ Đức Khổng như thường, vì các ngài chỉ phải giải quyết có vấn đề chính trị. Còn chúng ta đánh đuổi thực dân Pháp đi rồi có thể xây đền Đức Descartes, Đức Sartre, Đức K.Marx, Đức Platon chăng? Vấn đề phiền toái hơn nhiều vì không còn chỉ là chính trị, nhưng đã lan sang địa hạt văn hóa, mà vấn đề văn hóa thì rất phức tạp vì một đàng Âu Tây văn minh hơn ta rất nhiều, đã giúp chúng ta tiến được ít bước, nhưng về văn hóa thì lại quá khác ta. Hồn nước ta có ba nét đặc trưng chính: bình sản, công thể (communautaire) và nhất trí trong đạo nghĩa, thế mà văn hóa Tây Âu từ trong bản chất lại đưa tới bất bình sản, cá nhân chủ nghĩa và ý hệ đa tạp lung tung, cho nên nếu ta gọi bình sản, yêu thương, nhất trí là tiến bộ thì nói riêng về văn hóa, Tây Âu đã làm cho nước ta lùi lại mấy ngàn năm trước thời tìm ra bài vị Văn Tổ, thời mà người ta còn phải dùng võ lực, bạo động để giải quyết những sự tranh luận về ý hệ. Làm thế nào để tiến bộ cả trong văn minh lẫn văn hóa? Đó là bài toán đố đặt ra cho thế hệ đàn anh chúng ta và vẫn còn đó đợi chúng ta tìm ra giải đáp.

Tóm lại, con người Việt Nam được quan niệm theo nền nhân bản tam tầng: Trời, Đất, Người, mà tầng nào cũng quan trọng như nhau. Vì thế nên cần “ăn với đất vui với trời” để cho có đủ ba chiều kích đặc trưng của con người. Thực dân Pháp đã phá vỡ phần công điền để cho tài sản dồn về một số người đặc ân là đã chặt hết hai cái chân: mất phần an thổ. Đến khi phá vỡ lễ gia tiên (một cách gián tiếp bằng lấy cái học duy lý thay vào nho giáo) là chặt hết cái đầu, phá vỡ mất trời che. Như vậy hết còn là “thiên địa chi đức”, hết còn là một con người sống trong xã hội như thành phần của một công thể thiêng liêng, mà chỉ còn là một cá nhân trơ trọi: thôn dân vác xác đi làm tôi, thị dân vác đầu đi làm tớ, cắt băng khai mạc cho nền văn hóa thiếu Văn Tổ nên mang nhiều chất chênh lệch bất công bên cạnh những tiến bộ của cơ khí.

Đó là đại khái những vấn đề đặt ra cho chúng ta sau 80 năm bị ngoại bang đô hộ, làm thế nào để trả lại cho mỗi người Việt có một mảnh đất chở cũng như có một mảnh trời che để đạt cái mà Nho gọi là “khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục, chữ hán, giúp cho đất trời làm việc nuôi dưỡng”. T.D 22. Bọn cộng sản bỏ phần Thiên đưa tuột ra giải pháp truất hữu địa chủ đặng chia ruộng cho tá điền. Được chăng, đó là điều cần bàn tới trong chương sau.


1.4 - KHI NGƯỜI CỘNG SẢN GIẢI PHÓNG

An thổ

Lối 1930 cộng sản đã xuất hiện trước số đông trí thức như một cám dỗ, một hứa hẹn tràn ngập tương lại huy hoàng. Trước hết vì không phải hứa suông là sẽ san phẳng mọi bất công xã hội, nhưng hơn các chủ trương khác, nói là làm. Ruộng phú nông không những được truất hữu mà đến ngay thân mạng phú nông cũng bị đấu tố. Thế là trừ hậu họa tận căn: bần cố nông khỏi lo sau này có ai đòi phần điền nữa.

Đã vậy Cộng sản còn có một phương pháp giải quyết nạn nghèo truyền kiếp của các nước Viễn Đông tức là đà kỹ nghệ hóa hết sức mau lẹ như được thực hiện bên các nước cộng sản Nga, Hoa… Một ngày gần đây khi người Việt đuổi kịp đà tiến của Âu Mỹ rồi, thì cũng sẽ phồn thịnh như họ. Đó thật là một điều không ai không mong mỏi, nhất là lúc ấy còn quá sớm để người ta nhận định được rằng trong việc kỹ nghệ hóa xứ sở cộng sản tuy hữu hiệu một phần nhỏ nhưng không nắm độc quyền, vì có những chế độ không theo Cộng sản cũng tiến mạnh như thế, chẳng hạn Nhật Bản, Đài Loan, An Độ… và rõ hơn hết là hai miền Đông Đức và Tây Đức. Tây Đức quốc gia đã không thua lại còn vượt xa Đông Đức cộng sản. Đã vậy mức sống của lao động bên các nước cộng sản không đi lên theo đà phát triển của kỹ nghệ như bên Nhật, Đài Loan, phương chi bên các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức; trái lại chị nhúc nhích chút ít, có thể nói hơn trước 1,2,3 chi đó, đang lúc bên Anh, Pháp, Mỹ thí dụ mức sống thợ thuyền ít gì cũng lên 20 lần cao hơn xưa.

Ông André Philippe người Pháp, giáo sư kinh tế học tại đại học đường Lyon rất giàu tình cảm với chủ nghĩa xã hội, sau chuyến thăm Nga sô trở về buộc lòng phải viết: “Ở trung tâm thành phố là những đại lộ rộng lớn với những khách sạn sang trọng, nhưng chung quanh trung tâm này thì toàn là đường không trải nhựa với những nhà lợp tôn, mỗi đầu phố chỉ có một máy nước và các bà nội trợ phải ra tận đấy lấy nước về nhà. Ngày nay nhiều kinh tế gia tóm tắt tình trạng kinh Nga sô vào hai tiếng “đói khổ và vệ tinh”.

Điều nhận xét thứ ba về xã hội vô giai cấp được ghi trong dự án thì người ta lại nhận thấy bên Nga một tân đẳng cấp còn xa cách giới thợ thuyền hơn bên các nước tư bản nhiều lần, vài thí dụ nhỏ. Năm 1937: lương tháng

Đầy tớ gái                                            50-60 rúp

Thợ                                                     110-400 rúp

Công chức cấp dưới                             110-300 rúp

Công chức hạng trung và kỹ thuật gia      300-1000 rúp

Nhân viên có nhiều trách nhiệm             1.500-10.000 rúp, có khi từ 20.000 đến 30.000 rúp  

(Theo tài liệu của M.Yvon trong cuốn “L’URSS telle qu’elle est” trg 215-218)

Lương của “Hồng quân” đối chiếu với lương của quân đội Mỹ:

Hồng quân                                                                Quân đội Mỹ

Binh nhì: 10 rúp                                                           50 Mỹ kim

Thiếu uý: 1000 rúp                                                       150 Mỹ kim

(gấp 100 lần)                                                               (gấp 3 lần)

Đại tá: 2.400 rúp                                                          330 Mỹ kim

(gấp 240 lần)                                                               (gấp 6,6 lần)

Sức bành trướng của giai cấp thơ lại (tài liệu sách “The real Soviet Russia”, David J.Dallin 1944)

1917-1918: 1.000.000 người

1927:         4.000.000 người

1932:         8.000.000 người

 

Cũng nên biết rằng những người giàu được hưởng gia tài, quyền này được bảo đảm trong hiến pháp năm 1936.

Thuế lợi tức bên Nga :            13%

Trong khi đó bên Mỹ :             90%

 

Tóm lại đây chỉ nêu ra vài mục tiêu để gợi đề tài câu chuyện chứ không phải là chỗ nói hết được. Chỉ biết rằng có rất nhiều căn cớ để làm cho tân giai cấp càng ngày càng đông thêm và càng ngày càng xa cách giới lao động thường dân. Thế nghĩa là tương lai của xã hội vô giai cấp càng ngày càng bị đẩy xa.

Bên Tàu xưa quan Đại khanh là số rất ít (tương đương bộ trưởng nay) được lĩnh gấp thường dân 32 lần. Đại phu 8 lần, Thượng sĩ 4 lần, Trung sĩ 2 lần (Mạnh Tử V.b.2). Tuy đấy là con số lý tưởng, không phải mỗi thời đúng thực tại, nhưng vì các xã hội Nho giáo theo chế độ “bình quân địa quyền” thì đó cũng không phải là chuyện thiếu nền tảng. Nói chung sự chênh lệch ở các xã hội ta xưa không đến nỗi qua xa như bên Tây Âu. Nhưng xét cả xã hội ta xưa cũng như Tây Âu nay thì ngay về phương diện kinh tế, thay vì san bằng thì cộng sản lại còn đẩy sự chênh lệch đi xa hơn rất nhiều.

 

Đôn hồ nhân

Chữ Nhân kép bởi chữ Nhị và Nhơn thì nghĩa đầu tiên là nói lên xã hội tính của con người. Con người không là một thực thể lẻ loi cô tịch nhưng là người sống thành đoàn thể. Đoàn thể mà thiếu nền tảng linh thiêng thì gọi là đoàn lũ (mass) ràng buộc bằng pháp hình: pháp hình cần nhưng chưa đủ, mới được có phần ngoài, nói theo quan niệm Đông phương mới được có tầng cá nhân, thuộc về địa, còn thiếu hai tầng thiên và nhân mới đủ tam tài, nên cần cái gì linh thiêng và nội khởi nữa. Thiếu yếu tố tâm linh đó sẽ có ngày tiêu diệt nhau, hay ít ra bóc lột tàn nhẫn hoặc ở bên nhau nếu không đến nỗi như đống gạch đá, thì cũng như chùm cây hay đoàn vật: con nào biết con nấy. Nói ngay loài vật nhiều giống đã vượt xa đợt đó rồi. Vì thế cần phải tìm ra một yếu tố mới. Chúng ta thấy rằng sự thờ cúng tổ tiên của La-Hy xưa vì đã không tìm ra yếu tố mới như kiểu Văn tổ, nên sự đoàn tụ vẫn y nguyên, chỉ là một sự cộng lại của nhiều cá nhân. Chúng ta lại biết rằng Viễn Đông vì khám phá ra triết lý Văn Tổ nên đã thành công trong việc tìm ra được yếu tố mới đó, nhờ vậy đã biến đoàn lũ trở thành đoàn thể hay nói theo tiếng mới là công thể (communauté). Đoàn lũ là một sự tổng cộng, lấy bên ngoài làm chính, nên phải gia tăng kiểm soát, giăng bủa nhiều tầng lưới công an, cảnh sát, mật vụ.

Công thể thì nhấn mạnh phần nội khởi: sự kiểm điểm bên ngoài tuy không bỏ nhưng đặt bên dưới hay là ngang với yếu tố nội khởi tình tự là phần không kiểm soát, không thể kiểm soát vì nó tế vi không có hình tích nên ta quen gọi là tâm linh u uẩn. Tuy con mắt thường nhân không thấy, nhưng hiền nhân quân tử nhận ra sự quan trọng rất mực của nó. Nó rất cần thiết để cho đoàn lũ trở thành đoàn thể, tức là sự hội họp đoàn tụ mang ấn tích của con người, nghĩa là gắn bó bằng tình yêu thương nhiều hơn bằng luật pháp. Do đó người xưa đặt bộ kỳ vào chữ Xã, nên chữ Xã có nghĩa là thần của đất, không phải là đất chung nhưng là đất của làng. Chữ Xã còn chỉ là bàn thờ để thờ Thần làng tức Thánh tổ của xã thôn cũng như các tiền nhân trong ấp xóm, chữ nào cũng mang nặng trĩu linh thiêng (*). Chính chữ Xã đó là chìa khóa mở vào kho di sản thiêng liêng của nước Việt Nam: nó gợi lên một bầu không khí tâm linh, một cảnh giới công thể. Chính chữ Xã đó làm cho cái làng cái xã Việt Nam trở nên một thực thể thiêng liêng đầy uy lực.

(*) Xem “Le culte de genie tutelaire des villages au Jankin” của Nguyễn Văn Khoan

Có gì bí quyết chăng? Thưa tất cả nằm trong chữ kỳ chỉ cái gì linh thiêng che chở, thân thiết khiến cho người Việt Nam nào (trước khi bị Pháp phá) cũng cảm thấy yêu thích chìm mình vào đó. Người duy lý thành thị được đào tạo theo văn hóa Tây phương cho như thế là mất nhân vị, mất cá tính… nhưng người trong cuộc lại cảm thấy dễ chịu, như có cái chi đáp ứng được nguyện vọng sâu thẳm cõi lòng, mà sau này người Pháp phá vỡ thì họ cảm thấy một sự trống trải cô đơn lạ. Ông P.Mus nhận xét rất đúng rằng: “Sự bị đánh bật ra khỏi xã thôn (không có ruộng) đã trở thành một nhân tố phá vỡ mất sự quân bình tâm lý của người Việt Nam, kể như họ bị chặt đầu vậy. Việc nhổ người dân ra khỏi công thể (gia đình, làng xóm) được cộng sản tiếp tục bằng chủ nghĩa tam vô, cốt cho con người trở thành hoàn toàn cá nhân, nghĩa là bị cắt đứt mọi ràng buộc tình cảm với gia đình, tổ quốc (mà ở tầm thước thôn dân là ấp thôn) để cho dễ được sát nhập vào đảng. Có đoạn tuyệt với gia đình với làng xóm mới dễ hi hiến trọn vẹn thân tâm cho đảng. Nhưng tinh thần công thể đã ăn sâu trong tâm hồn người Việt, hơn thế nữa đó là chiều kích tạo dựng nên con người Viễn Đông, nên những chủ thuyết nào đi ngược lại mà được biết rõ như thế sẽ bị từ khước. Đó là điểm đến phút chót người Việt cộng đã nhận ra kịp thời, và thế họ đã bãi “Đông Dương Cộng sản đảng” để nhấn mạnh đến yếu tố “xã hội hóa”. Tại sao lại hy sinh như thế? Phải nói là hy sinh khi họ tiếp nhận chủ quyền từ tay người Nhật trao sang thì lẽ ra đấy là lúc rất thuận lợi để đề cao công trạng của đảng, để minh chứng rằng “thiên mệnh” đã định cho Cộng đảng lên nắm guồng máy của nhà nước. Đó là điểm lạ nhưng ít người đặt thành vấn đề. Thường thì người ta cho là một sách lược của cộng sản: có thể vì lúc ấy cộng sản còn yếu so với các đảng phái quốc gia mạnh hơn nhiều. Đó là một lẽ, nhưng còn có cái chi sâu xa hơn chăng? Đây là chỗ ông Paul Mus đã đưa ra những nhận xét rất tế vi như sau (Mus 252-264):

Trước hết vì chữ “Đông Dương” là chữ vô sắc thái: nó chỉ những miền nằm ở phía đông biển cả và được người Pháp gọi là cái “Ban công nhìn ra Thái Bình Dương” mà Paul Reyneaud đã muốn xây thêm vào cho “cái nhà Pháp quốc” (pays de la Grande Mer Orientale le Balcon sur le Pacifique de Paul Reyneaud. Nous le voyons accolé à notre maison (Mus 264).

Vì thế cái tên “Đông Dương Cộng sản đảng” làm người Việt liên tưởng ngay đến cái gì ngoại lai nhập cảng, hơn thế nữa có liên hệ nào đó với thực dân Pháp. Đến như ba chữ “Cộng sản đảng” cũng nói lên cái gì xa lạ. Chữ Cộng là cộng lại kiểu toán học tự ngoài chứ không gây được âm vang như tinh thần xã thôn có cái gì linh thiêng thân mật. Chữ Sản là sản phẩm, sản xuất, cái gì thuộc kinh tế, của cải, ích dụng mà không gợi lên cái gì là sản nghiệp có tính cách linh thiêng nối kết được dòng tộc từ đời này qua đời khác, nhưng chỉ còn là một tác động trứ hình nhằm để chung lại của cải cũng như thân xác ý chí một cách vật chất, lấy của riêng làm ra của đảng chứ không còn là sự hội lại để tế thần. Đối với Âu châu thì sự để chung lại có lẽ hay cho nhiều người. Ta nhớ lại Âu châu phần lớn xưa kia là nô lệ, tiếp tới nông nô thời trung cổ, rồi khi bước vào đời kỹ nghệ là thợ ăn lương nghĩa là trải qua các giai đoạn lịch sử số đông đều kéo lê một cuộc đời vô sản, thì cộng sản có ý nghĩa. Chí như bên Việt Nam không có thể chế nô lệ nông nô hay vô sản mà thực ra chỉ là vấn đề nhân khẩu học (problèmes démographiques) mà thôi. Vấn đề đó nếu không bị người Pháp chặn đứng bằng chia nước ta ra ba kỳ, đi lại phải có “tít” rất khó khăn phiền hà thì đã được giải quyết liên tục dưới hình thức Nam tiến rất mạnh mẽ không gì cản nổi. Vậy người Việt nam nghèo thì có, chứ không có vô sản. Người Pháp đã gây ra một số, nhưng chưa đủ nhiều để trở thành vấn đề có tầm quan trọng quốc gia.

Cuối cùng là chữ Đảng, nó cũng gợi lên cái gì là phe nhóm tư riêng, không có tính chất phổ biến. Người Việt Nam lúc đó thấm nhuần Nho giáo ghét cái gì thuộc phe nhóm: quân tử hòa nhi bất đảng, cái gì cũng mong muốn có tính cách thái công, không chịu những lối phân chia…

Tóm lại cả năm chữ “Đông Dương Cộng sản đảng” đều nói lên một cái gì dựa trên các giá trị ngoại lai, chống lại với tinh thần tổ quốc có cơ cấu linh thiêng và bị cộng sản coi như thượng tầng văn hóa duy tâm có tính cách tầm gửi đã lỗi thời, nên phá đổ để dành chỗ cho chủ thuyết duy vật. Thế là người Việt bị rứt ra khỏi công thể là nhà và nước (hiểu là xã thôn) để trở thành một cá nhân to vo mình biết lấy mình, như một con số để dễ trở thành đảng viên, hay là những thành phần trọn vẹn tuân theo đảng. Vì thế mà cả năm chữ đều nhằm tẩy xóa, gột rửa não trạng con người để đưa vào một hệ thống trái hẳn với những gì có tính cách cổ truyền.

Đó là những điều đại chúng cảm thấy lờ mờ một cách hết sức mặc nhiên, không đủ hiện ra ý tưởng khúc chiết như ta phân tích hiện nay. Tuy vậy cũng đủ để quyết định một thái độ nếu không chống đối thì ít ra là dè dặt đề phòng, và như thế là đã cản trở cho việc bành trướng của đảng rồi. Vì vậy người cộng sản đã khôn khéo bãi bỏ “Đông dương Cộng sản đảng” biến ra nhóm nghiên cứu học thuyết Macxít, còn trong việc tuyên truyền thì nhấn mạnh đến việc “xã hội hóa”. Chữ “hóa” chỉ một sự biến dạng cách linh thiêng (transformation surnaturelle) cùng một âm vang với hóa công, tạo hóa, hóa tục, cải hóa phong tục, biến hóa vô cùng: những sự biến đổi trong thiên nhiên vô cùng tận… Chữ nào cũng bao hàm yếu tố linh thiêng khác hẳn duy vật sử quan coi mọi việc biến đổi tuỳ thuộc hoàn toàn và kinh tế, vào sản xuất lối ích dụng nên là rút khỏi xã hội những ý nghĩa siêu linh do sự giao hội của Đất Trời, thuỷ tổ của vạn vật. “La sociologie vietnamienne voit dans ce travail l’opération conjointe du Ciel et de la Terre, Parents des êtres, tandis que l’interprétation marxiste normative par l’utile et non par le sacré, purge la matière et par cela même la société de ces surimpressions spirituelles” (Mus 256). Đến như chữ Hội thì nó nói lên những cuộc lễ lạy đình đám để tế thần làng cũng như để gia tăng cái sinh thú ở đời là điều vốn được Việt Nho không những công nhận mà còn tìm cách thế để điều lý, làm phương tiện cải hóa con người cả tâm cũng như thân, lý cũng như tình. (Mus 260. Còn chữ Xã gợi lên sự tổ chức xã thôn đầy tính chất tương trợ liên đới: trước hết là phần đất làng dùng vào việc cứu trợ các người cô, quả, quan, độc… cũng như cấp thêm cho những học sinh tỏ ra có tài năng. Rồi đối với mỗi gia đình nói lên phần công điền công thổ. Ông Coulet nhắc lại lời một nhà cách mạng già rằng theo kinh điển của thành hiền thì mỗi nhân xuất phải có được 5 mẫu đất (Mus 260).

Cả ba chữ “Xã Hội Hóa” nói lên một sự kiện coi như nghịch lý mà khi khảo sát khách quan lại đúng sự thực là chương trình xã hội hóa (phân chia lại tài sản) chính là thực hiện trở lại một dĩ vãng đã bị thực dân làm hỏng đi phần lớn. Thành ra cái mới mẻ nhất lại xuất hiện như một lý tưởng mà nhiều lần tiền nhân đã thi hành như ông Gourou minh chứng (Mus 273). Vì những điều đó mà người cộng sản đã hy sinh “bãi” đảng trong chính lúc có cơ lên mạnh.

Đại khái đó là những nhận xét của ông P.Mus mà tôi cho là rất trúng. Tuy chưa chắc người Việt cộng đã ý thức được minh nhiên như thế, nhưng vì vốn Hồ Chí Minh là tay có cái mũi tâm lý rất nhậy cảm đã trực thị thấy. Vì thế trong việc bãi đảng Cộng sản không phải chỉ có lý do chính trị, sách lược, nhưng còn vì lẽ tâm lý nữa.

Nhờ việc bãi đảng Cộng sản và đề cao “xã hội hóa” guồng máy cai trị nước Việt Nam đó mà cộng sản đã lôi kéo được biết bao cán bộ. Những người này hầu hết ban đầu đều không có ý theo Cộng, nhưng chỉ là những tâm hồn quảng đại hào hùng thương nước thương nòi muốn hy sinh xương máu để cứu quê hương, kiến thiết lại nước nhà. Hầu hết họ là những con người cao thượng mà ta phải cảm mến như những linh hồn của nước. Nhưng rồi lòng yêu thương ấy có hiện thực chăng? Có cố năng ái hay sẽ trở nên mũi gươm đâm vào em rể như trong câu chuyện “Lạc hồn” đã nói ở chương đầu?

 

Cố năng ái

Không an thổ để đôn hồ nhân thì bất khả năng ái. Câu sách đó người cộng sản đã chứng minh cách đồ sộ bằng cái chết thê thảm của biết bao người Việt trong các trại tập trung, hoặc tiếp tục ngã gục trên các chiến trường, trong những vụ bắt cóc, khủng bố khắp nơi trên đất Việt kế từ ngày chân voi Cộng sản được rước vào nước ta.

Đó cũng chỉ là sự lập lại kinh nghiệm nước ngoài. Xin đưa ra một nhân chứng nhiều người đã nghe nói tới, đó là Milovan Djilas. Trước kia ông là lý thuyết gia đã được hun đúc trong lò tư tưởng Cộng sản, rồi là tới phó chủ tịch Nam Tư, nhưng năm 1962 vì đã cho xuất bản cuốn “Các cuộc đàm thoại với Staline” nên bị kết án hơn 8 năm tù. Lý do? Chỉ vì đã dám nói lên tiếng lương tâm mà sau đây là một vài câu trích dịch: “Hầu như không một điều nào trong chủ nghĩa Mácxít nguyên thủy được tồn tại tới nay”. Về nông dân, ông viết: “Giai cấp mới đã thành công trong việc biến các nông dân trở nên tôi mọi và giành lấy phần lớn nhất trong lợi tức của họ.”

Về tốc độ kỳ lạ trong những tiến bộ kỹ nghệ của Liên Sô thì Djilas cho rằng xưa kia những thuyền buồm của Tây Ban Nha dùng sức những người nô lệ bị xiềng vào mạn thuyền để chèo, cũng có một tốc độ rất nhanh.

Chúng ta có thể kết luận bằng mấy câu của Djilas như sau: “Xưa kia các đồng chí Cộng sản là những con người, mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính, những chiến sĩ nhiệt thành hăng hái, tinh thần quyến luyến nhau không phải chỉ vì chí hướng như nhau, đau khổ như nhau, nhưng cũng vì một tình yêu không vụ lợi, một tình đồng chí, đoàn kết… Nhưng rồi khi họ đã nắm được chính quyền thì họ đã trở thành những con người hèn nhát, vụ lợi, ích kỷ, hết ý tưởng và hết đồng chí, sẵn lòng từ bỏ hết cả danh dự, tên tuổi, chân lý, đạo lý, cốt sao giữ mãi được địa vị của họ trong giai cấp thống trị thượng lưu. Thế giới chẳng mấy khi được thấy những anh hùng sẵn sàng hy sinh và chịu cực nhọc như những người Cộng sản trước và sau những ngày đầu của cuộc cách mạng. Và cũng chẳng mấy khi thế giới đã được thấy những con người mất tinh thần dễ dàng như vậy, ương ngạch bảo vệ một cách ngu xuẩn những công thức khô khan sau khi họ đã nắm được chính quyền…

“Chủ nghĩa Cộng sản độc tài đưa tới một sự bất mãn toàn diện trong đó mọi ý kiến dị đồng đều bị xóa nhòa, ngoại trừ lòng tuyệt vọng và thù oán” (tất cả đoạn này trưng theo Lâm Ngữ Đường trong Bí Danh, bản dịch của Từ Chung, trg 156-174). Điểm này quá rõ, không mấy ai nghĩ đến chuyện phủ nhận cả. Trái lại chính những thực tại phũ phàng đã làm vỡ mộng nhiều nhà trí thức trên thế giới trước kia đầy thiện cảm với cộng sản và coi đó như một cứu tinh để giải phóng con người trong giai đoạn mới này. Chính sự vỡ mộng kia đã làm cho cộng sản mất đi bao uy tín, và chỉ còn sót lại được số nhỏ. Tuy nhiên số nhỏ đó vẫn bám chặt với chủ trương rằng: “sở dĩ cộng sản không đạt thành quả là tại các nước cộng sản không chịu đi đúng đường lối do Karl Marx vạch ra, nên có chuyện đáng tiếc như vậy. Vì thế mà nên có trào lưu “Xét lại” với hy vọng tạo được kết quả tốt đẹp hơn! Liệu có được chăng? Điều làm cho giới trí thức say mê hơn hết trong triết thuyết Karl Marx là “dự phóng căn bản” nhằm giải phóng con người ra khỏi thảm trạng vong thân ngày nay.

Vong thân là gì? Nói cụ thể là làm con người quên mất bản gốc người của mình. Con người bị bán đoạn mãi cho những tha vật như tôn giáo, tư bản, chính trị… Bản tính con người biến mất để trở thành những sự vật cụ thể như tiền bạc, hàng hóa, nghĩa là những giá trị phổ thông, vô hồn, người ta trao đổi cho nhau như những đồ vật. Đó là vong thân, là thảm kịch làm hạ phẩm giá con người xuống hàng sự vật. Chúng ta cần nói ngay rằng những nhận xét của Karl Marx rất đúng với xã hội Âu Châu thế kỷ 19, và còn đúng với tình trạng xã hội nhiều nơi khác ngày nay.

Các nhận xét trên đã được nhiều triết gia và văn hào nói tới nên không có chi lạ lẫm, nhưng dưới ngòi bút của Marx tuyên bố từ khước mọi triết lý suông và thiết lập ra một mặt trận giải phóng và trao sứ mạng đó cho những người đang là vật hy sinh cho các chế độ tư bản bóc lột họ, khiến họ mất quyền làm người… Nhờ đó tiếng gọi của ông trở nên thiết tha và lôi kéo không những thợ thuyền mà luôn cả một số khá đông trí thức. Chỉ xin kể vài tên tuổi quen: Merleau Ponty khi viết: “Humanisme et Terreur” thì ca ngợi chính quyền Sô viết, cho rằng chỉ có giới vô sản mới là liên-chủ-thể chân thực, nghĩa là chỉ có thợ thuyền mới biết yêu thương nhau thực tình. Nhưng tám năm sau khi viết “Les Aventures de la Dialectique” thì đã đổi giọng và cho cuộc cách mạng bên Nga cũng chỉ là một trong các cuộc cách mang thông thường.

J.P.Sartre cũng từ sự ủng hộ hết mình với tất cả khả năng của ngòi bút để rồi đi tới câu quả quyết “xã hội chủ nghĩa là một con quái vật tự cắn xé chính mình…” Bertrand Russel trước đây 10 năm có lần đòi Mỹ triệt hạ Nga bằng bom khinh khí, đến nay thì quay ra lên án Tổng thống Johnson là tội nhân chiến tranh vì cho phép ném bom Bắc Việt!…

Chỉ kể sơ thế đủ biết tại sao giới triết học gia Âu Tây bị mất tín nhiệm. Cái học hoàn toàn vật bản chẳng giúp mấy cho việc hướng dẫn cuộc sống ở đời! Đến nay trào lưu “nhập cuộc, lăn lưng” nổi dậy, thì các ông cũng theo thời trang mà hô lăn lưng (engagement). Nhưng nghe các ông thì ta thấy liền, đó là các ông đứng trên tháp ngà mà hô, chứ cái triết học của các ông có giúp các ông nhìn sáng suốt hơn ai đâu!

Các ông cho rằng cộng sản đã làm sai lạc “dự phóng căn bản” của Karl Marx thì thật là lơ mơ. Bảo rằng triết thuyết Marx là một nhân bản thì chỉ là nói kiểu thường nghiệm. Hễ nói về yêu thương người, nói về giải phóng con người, giải phóng thợ thuyền mà bảo là nhân bản đã được đâu. Gọi là nhân bản cỡ văn nghệ thì được, còn muốn nói là nhân bản theo bình diện triết lý thì không được dừng lại ở thiện chí với những câu tuyên bố kiểu hùng biện, nhưng phải tiến xa hơn nữa. Chúng ta hãy thử theo mấy ông triết đó mà chỉ nói đến mấy tác phẩm của Marx trẻ như quyển Sainte famille, Idéologie allemande hoặc Manuscrits d’Economie politique et philosophique (1843-1844). Trong tác phẩm đó, Karl Marx định nghĩa con người như là thực thể xã hội: l’homme humain est l’homme social, câu này giống với câu Mặc Địch: quần ngã nhất thể: ngã với xã hội là một thể. Đó là câu định nghĩa giản lược con người vào đoàn thể xã hội, như thế là bán đoạn mại con người cho đoàn lũ, chẳng còn chi để lại cho con người sâu thẳm tư riêng của Văn Tổ, mà đó mới là phần trung thực của người, huống chi đoàn thể đó không có một yếu tố siêu việt nào bên trên, dễ trở thành một thứ Thượng Đế nuốt trôi luôn bản thể con người mà Karl Marx đang nhằm giải phóng. Chính Marx nhận ra tính cách trừu tượng (home générique et abstrait)  của con người định nghĩa theo kiểu đó nên khi viết “Idéologie allemande” (1845) đã cố đưa con người vào hoàn cảnh tư riêng của lịch sử; nhưng đó là một thứ lịch sử được viết lại theo khía cạnh duy nhất của kinh tế, sản xuất… nên cũng không hơn gì định nghĩa trên kia, vì thế mà càng ngày sa đọa. Xét theo ánh sáng lễ gia tiên thì cộng sản đã bỏ qua Trung (Văn Tổ) để đi ra Thứ là nhân loại, quốc tế. Nhưng chính vì bỏ qua Văn tổ, nghĩa là bỏ trung với nội ngã của mình rồi với gia đình, sau đến quốc gia, đoạn mới tới quốc tế, mà đòi bước bổng: đi xéo qua những người thân yêu, xéo qua đồng bào để đi phục vụ quốc tế và nhân loại liền, thì chúng ta nhận ra cái quốc tế đó, cái nhân loại đó thiếu nội dung chân thực, mà chỉ còn là mớ danh từ rỗng che đậy một sự vong thân trầm trọng của chính mình, của gia tộc bị tan hoang, và của cảnh tàn sát đồng bào, làm nghiêng đổ quốc gia.

Thiếu trung với tâm thì không còn chi móc nối với nguồn sinh lực đầy yêu thương chân thực. Cho nên những chữ: giải phóng, nhân loại, tương lai huy hoàng trở thành một mớ danh từ rỗng. Cộng sản chỉ còn là một biến trạng của sự bế tắc tự hai ngàn năm nay do sự thiếu nền móng cho nhân chủ mà ra. Đó không phải là một sách lược chân thực, nên dùng để giải phóng người thì người trụt sâu thêm xuống vực vong thân, dùng để giải phóng nước thì nước sẽ biến ra một chư hầu, một phù dung của đế quốc. Và như vậy là kiện chứng cho câu nói ví Đông dương Cộng sản đảng như một trái bom nổ chậm của thực dân Pháp: có nhiệm vụ tiếp tục cùng một việc như thực dân để đẩy xa hơn ba cái tệ đoan là: 1/ bất bình sản, 2/ cá nhân cực đoan, và 3/ ý hệ độc hữu. Nói khác đi cộng sản Việt Nam là người thừa tự của thực dân Pháp.

Đứng về mặt chính trị thì người Việt cộng đuổi Pháp, hay trúng hơn là lợi dụng sự đánh đuổi Pháp của toàn dân Việt Nam, nhưng xét về ý hệ thì là kế nghiệp nên nhiều lần đã bắt tay với Pháp, cũng như Pháp đã bắt tay với Việt Minh để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Việc đó ai cũng biết nhưng có một điều không được lưu ý vì nó thuộc phạm vi triết lý: Trên bình diện ý hệ thì người Pháp chủ trương Hữu, người cộng sản chủ trương Vô. Thế mà Hữu với Vô tuy là đối cực như sáng với tối, nhưng lại đứng trên cùng một bình diện. Đó là sự thật sâu xa, thường nhân ít nhận ra, nhưng lại là một công lệ trong triết lý. Một bên nói có, bên kia nói không, thì cả hai cùng thuộc bình diện nhị nguyên, nghĩa là có hoặc không mà không có giải pháp thứ ba, nên gọi là triệt tam, tiers-exclu.

Do lẽ tế vi đó mà bảo thực dân với cộng sản có họ máu hàng ngang. Hàng ngang nên đánh nhau, nhưng cùng một họ. Từ mười năm nay ta thấy De Gaule o bế cộng sản thì không phải là chuyện tình cờ hoặc là chính trị suông mà thôi, nó có bao hàm mối liên hệ từ trong bản chất. Ông P.Mus đưa ra nhận xét sâu sắc sau: Trong khi khôi phục lại Việt Nam, các đảng phái quốc gia không những thoát ra khỏi nền tư tưởng của chúng ta, nhưng còn xóa bỏ đi nữa. Ngược lại, người Cộng sản không những giữ lại mà còn nối tiếp và đưa đi xa hơn nữa. Thực dân Pháp đã tách rời cá nhân ra khỏi thôn xã, đã bóc lột họ, trừ một lớp lợi dụng. Cộng sản tuy có khởi đầu bằng việc phân phối lại tài nguyên cho các cá nhân, nhưng không phải để cho cá nhân được độc lập tự do, trái lại sự phân phối đó sẽ dẫn cá nhân đến hố vong thân, vì xã hội họ thiết lập chỉ là tổng cộng các cá nhân lại từ bên ngoài, chứ không có sự tham dự của một yếu tố siêu nhiên nào tự nội. Như thế là họ đang đẻ ra một xã hội kiểu Tây Âu mà trước kia thực dân chỉ mới cưu mang trong tiềm năng. (Mus 248)

Ông P.Mus đã ghi nhận sự bỡ ngỡ của nhiều người Pháp khi mới tới Việt Nam về điểm then chốt này là họ nhận thấy mình gần với cộng sản, và trong chiến tuyến vũ trụ cùng một phe, cùng chung một ngôn ngữ, tức là ý hệ nhị nguyên, chỉ khác có ngữ âm: Việt cộng dùng ngữ âm Macxít, người Pháp dùng ngữ âm Descartes. Xem qua thì đối chọi như có với không, nhưng tựu kỳ trung lại thuộc cùng một dòng máu, có họ thâm sâu (parenté profonde) nói theo ngôn ngữ huyền sử Viễn Đông thì đó là họ Cộng Công. Vì không tìm ra Văn tổ ở trung cung, nên húc đầu vào núi “bất chu”, nghĩa là không tròn. Tròn là Trời (thiên viên) không tròn là không có trời. Không có trời để che thì đất cũng không thể chở. Muốn “đất chở” thực sự nghĩa là mảnh đất trở thành tư hữu của người dân phụng sự thực sự cho người dân tuỳ theo sự sử dụng của họ thì phải có nền đạo lý tâm linh mà tôi gọi là trời che. Nhưng trời đã bị miêu duệ Cộng Công làm nghiêng đổ mất rồi. Phải làm thế nào? Thưa hãy bắt chước Bà Nữ Oa nấu đá ngũ hành để vá lại trời. Ngũ hành là hành ngũ tức là Thổ trung cung, Văn tổ, cũng gọi là Văn miếu. Người quốc gia chân chính phải khởi công một lần nghiêm túc trở lại canh tân Văn miếu. Muốn canh tân cần nhiều nhiên liệu mới. Vậy trước khi khởi công canh tân chúng ta đánh một vòng chân trời để tìm tân nhiên liệu.

( xem tiếp trang 2)

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc, thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống văn hiến hầu phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ.



Trở Lại Trang Mặt


Trang [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ]