Hồn
Nước
Với
Lễ
Gia Tiên |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||
(tiếp theo trang 2) 2.3 - TRỐNG QUÂN XÉT NHƯ KHỞI NGUYÊN NGHỆ THUẬT SỐNG CỦA VIỆT NHO
1. Tầm quan trọng Trong lãnh vực văn hóa nước ta nếu ai muốn đưa ra một sự kiện vừa căn bản vừa bao trùm hơn hết còn sót lại từ buổi sơ nguyên thì đó là trống quân. Phải, chính tục lệ này nếu không cung ứng thì cũng biểu thị cách chói chang hơn hết, phong phú hơn hết cái cơ cấu uyên nguyên về vũ trụ quan của tiền nhân ta, cũng như về mọi nguyên lý hướng dẫn trọn nền triết lý nhân sinh của cả miền Đông Á, nơi nhân sinh quan xây trên đạo vợ chồng: “Quân tử chi tạo đoan hồ phu phụ”. Vậy mà trước khi nên được vợ chồng thì phải biết ve nhau, nên Kinh Dịch mở đầu hạ kinh bằng hai quẻ hàm và hằng. Hàm là ve: ve gái hay ve trai tuỳ. Còn Hằng là ở với nhau mãi mãi. Đây là một nhân sinh quan được xây trên vũ trụ quan ở thượng kinh của Dịch mở đầu với hai quẻ kiển khôn có nghĩa là trời đất giao thoa. Đây là một nét căn bản nổi bật của văn hóa Việt tộc đầy sinh động. Vậy trống quân chính là diễn lại cái nét lưỡng hợp sinh động đó. Cho nên nắm vững tinh thần trống quân chính là hiểu ra được cơ cấu triết lý sinh động của tổ tiên xưa kia vậy. Đó quả là diều quan trọng hơn hết trong lúc này, lúc mà con người khắp nơi đang cảm thấy thiếu thốn cái chi nên nảy ra ý muốn trở về nguồn. Khắp nơi trên thế giới đều đang vang lên chữ về nguồn mà vẫn không sao về cho được, là bởi thiếu lối về. Với người Đông Á thì một trong những lối về đó là trống quân, nên hiểu trúng được thì nó sẽ giúp ta trên nẻo đường về. Bởi chưng căn bệnh trầm kha của nhân loại hiện đại là bệnh một chiều kích, nên cần tìm cho nó con đường nào giàu lưỡng hợp tính hơn cả và đó là trống quân. Lý do là trong trống quân có nhiều cặp đôi hơn hết. Ta hãy kể sơ qua: trước hết nó được tổ chức vào hai mùa Xuân Thu. Đó là đôi đâu thuộc thời gian. Sau đó là dưới chân núi nơi có suối nước: đây cặp đôi thứ hai thuộc không gian. Còn nếu không có núi có sông thì thay bằng cửa Đông Nam, hay cùng lắm thì cửa Nam. Thứ ba nơi hát phải đào một lỗ xuống làm cái trống đất trên có chằng dây làm cái trống Trời cũng như làm biên giới giữa hai bè nam nữ đóng vai hai đạo quân. Còn khí giới là ca, là vũ, toàn là thứ có nhịp đối như sẽ phân tích ở dưới. Cuối cùng những đôi nào “bị bắt” thì sẽ sang qua sông, trao hoa cho nhau và hợp thân ngay trên nệm cỏ xanh (đạp thanh). Đó là đôi uyên ương trong thế sáng tạo hơn cả. Kể sơ qua như trên cũng đã đếm được đến mười cặp đôi. Ay là chưa nói đến những trò chơi đủ thứ có thể đi kèm, cũng đều mang đầy tính chất lưỡng hợp như thế cả, thí dụ: - Đánh du, bắt chạch, bắt dê, - Đua thuyền, đua diều… - Bắn nhau bằng những quả cầu làm bằng chỉ ngũ sắc như nơi người Mèo, người Thổ chẳng hạn… Hoặc nhiều trò chơi khác tương tự làm cho trống quân càng thêm giàu tính chất sinh động. Tây Phương nói “la vie est un combat”: đời là chiến đấu và ngày xưa hay dùng việc đấu gươm mà xử kiện: ai thua là đuối lý. Như vậy là lý lẽ dựa trên sức mạnh. Đó là lối du mục. Đông Phương theo lối nông nghiệp tuy công nhận đời là chiến đấu, nhưng thay vì đấu gươm thì lại đấu lý, đấu tình, đấu ca, đấu nói như được bày tỏ mặn mà nhất trong trống quân, một bên hát câu nọ, mộ bè bên kia phải hát lại liền, nếu không là “thua”… Điều đó nói lên tính chất luỡng hợp, mà lưỡng hợp tính chính là linh hồn của triết lý Việt nho. Nên trống quân là một lễ trọng có liên hệ: - Tới vũ trụ quan như trời với đất. - Tới quốc gia như non với nước. - Tới làng mạc như cửa Đông với cửa Nam. - Tới gia đình như hai bè nam nữ đưa đến việc nối dõi tông đường.
Ý NGHĨA TRÊN THẠP ĐÀO THỊNH Cái thạp phát hiện ở Đào Thịnh (tỉnh Yên Bái) được coi như biểu chưng của sự trường tồn bền vững, khi phát hiện hầu hết bên trong có xương người. Thạp này đồng thời với trống đồng Ngọc Lũ (khoảng giữa thiên niên kỷ I tr.c.n) cả hai đựơc coi như đỉnh cao nhất của nền văn hóa Lạc Việt và cả hai đều được trang trí bằng những hoa văn giống nhau. Sau đây là vài thí dụ: Nổi bật nhất là ý nghĩa Giao chỉ (theo nghĩa rộng là chỉ trời đất giao thoa) được thể hiện bằng hai con giao long (cá sấu) đang giao tay, giao chân. Cùng ý đó nhưng được biểu hiện cách hiện thực trên nắp thạp bằng bốn khôi tượng nam nữ đang làm nghi thức tính giao mà theo quan niệm tôn giáo phong nhiêu là để cộng tác vào việc sinh sản cũng như truyền sức sinh sôi nảy nở cho thiên nhiên. Đó là tục lệ xưa kia phổ cập khắp Tây Đông, bất cứ nơi nào có nông nghiệp: Ai Cập, An Độ, Trung Quốc, Babylon, Assyrie, Hy Lạp, La Mã v.v… Riêng bên ta thì đã biến hóa thành nét song trùng, lưỡng hợp, âm dương làm nền tảng cho triết lý Việt nho. Điểm thứ hai là ý nghĩa Tiên Rồng được thể hiện bằng những thuyền có hình rồng cong (uốn khúc) mà ngửa mặt lên, há miệng ra đón nhận các chim đang bay lượn hoặc đang lao xuống miệng rồng. Xin nhớ lại chim đại biểu cho tiên. Các tiên mẫu của ta đều mang tên chim. Mẹ Au Cơ là chim hải âu. Mẹ chim cha rồng đẻ ra con là những người ở trên thuyền hóa trang chim (mẹ) và xăm hình rồng (cha). Đó là hình ảnh Hùng Vương, hoặc hình ảnh những con rồng cháu tiên cũng thế. Hai bè dãn quân ra, nên có tác động của chiến đấu: nào ve, nào ghẹo, nào thách, nào đố, nào tiến vào đất địch chớp nhoáng lại rút ra vì địch cũng đang tiến vào đất mình, đong đưa như hai con rồng lượn khúc theo nhịp thùng thình “vài ba” của trống ngũ liên: là ba trời hai đất. Quả là một cuộc chiến đấu quan trọng, nhưng đừng sợ chết chóc tang thương vì đây là “một cuộc cờ người”. Gọi là “đấu trí mà chơi” nên thay vì chết chóc thì chỉ có sống, sống mạnh: sinh sinh. Vì cuộc chiến kết hậu bằng sự hợp thân trên cỏ. Trước đó có tặng hoa gắn liền với tình thành hoa tình. Hoa đây thường là hoa lan đựơc trao tặng nhau trước khi giao hợp và sau cuộc đấu này mà nàng “phình phình tự giữa phình ra” thì đến mùa Thu sẽ làm lễ cưới. Chỉ phác họa sơ qua thế đã thấy ngay tầm quan trọng của trống quân, nó bao hàm một triết lý nhân sinh xây trên một vũ trụ quan động, nên cũng là một thứ tế tự của toàn dân. Vậy mà cho tới nay chưa được nghiên cứu thấu đáo nhất là về phương diện triết. Vì thế đó sẽ là điều chúng ta bàn ở đây. (*) (*) Tài liệu trong việc này phần lớn chúng tôi mượn của ông Granet trong cuốn Fêtes et chansons anciennes de la Chine, Paris 1929, sẽ viết tắt là Fêtes. Quyển ấy nhằm tìm hiểu Kinh Thi đúng với ý nghĩa trung thực của nó. Quyển thứ hai là “Les Chants alternes” của tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Paris 1934, sẽ viết tắt là Huyên. Phương pháp sẽ là triết lý với sự trợ giúp của xã hội học, cơ cấu luận… tất cả đi ngược với lối nho thanh giáo dùng vương triều để giải nghĩa phong tục nhãn gian. Còn đây chúng ta dùng phong tục dân gian để tìm hiểu Kinh Điển, lấy tiếng dân để hiểu tiếng quân. Đó cũng là lấy chất gia làm nội dung tìm hiểu văn gia… nên xoay quanh quyển Kinh Thi, nơi có cả văn cả chất. Đây là sách mở đầu toàn bộ kinh điển Nho giáo, nên hiểu sai Kinh Thi là dễ dàng hiểu sai cả các kinh sau. Vì Kinh Thi không là chi khác hơn là chiến lợi phẩm của trống quân. Nói khác nó ghi tiếng dân nhưng không phải là bất cứ lúc nào mà chính là lúc dân hát trống quân hay ít nữa thì cũng theo phong thái của trống quân, trong bầu không khí đó, hoặc hướng vào đó. Sau này bá nho (*) uốn nắn để theo chiều hướng thanh giáo nên không nhận ra điều trên (Fêtes 7). Nhưng cũng nhờ bị cạo tẩy mà nó được sống qua các đời để nay chúng ta còn có dấu vết đi tìm lại được nhiều tục lệ cũng như đời sống thời xa xưa. (Về việc cạo tẩy, tức gán tác quyền cho vua quan xin xem Histoire de la literature Chinoise, Prose Georges Margoulies, 13). (*) Bá nho hay Hán nho đều là nho đã bị bẻ quặt.
2. Những yếu tố nền tảng Là chính những yếu tố gặp thấy trong các cuộc tế lễ: - Bàn thờ là trống đất trống trời thay cho non và nước khi hoàn cảnh không cho phép có. - Tư tế là hai bè nam nữ mặc áo đẹp ngày lễ. - Còn tế là sự đấu của hai bè: đấu ca, đấu lý, đấu tình… - Rồi tới giao hợp được coi là cái đinh của cuộc lễ biểu thị sự phối hợp cao độ nhất mà con người có thể hiện thực: nên non phải trèo, nước phải lội, người phải giao. Ông Granet gọi là “chịu lễ giao tình” (Communion sexuelle). - Cuối cùng thì có cuộc đại ẩm làm như nghi lễ giao thoa với đất. Tất cả được coi là “bôn” tức lối cưới hỏi trực tiếp: cả hỏi thẳng không môi giới lẫn làm thẳng, hợp thân liền, với niềm tin rằng năm nào không có “bôn” thì sẽ mất mùa. Niềm tin này thuộc giai đoạn bái vật sau sẽ thăng hoa và truyền sang cho vua: đức hạnh ông vua ảnh hưởng đến thời tiết. Cả hai niềm tin là một, cũng thuộc trong tôn giáo phong nhiêu và ở đợt bái vật, lợi hành. Nơi dân gian là công thể (toàn dân chịu trách nhiệm) đến khi quy tụ vào vua thì một mình vua chịu trách nhiệm về mưa gió, nóng lạnh… nhưng rồi niềm tin đó sẽ được thăng hoa tới đợt triết là giúp trời đất trong việc hóa dục. Đó là một tiến trình đi lên, muốn hiểu được ý nghĩa thì cần tới bầu khí bao quanh trống quân. Trước hết đó là bầu khí tự do lúc con gái chưa bị bó chân còn có thể một mình đi dạo trên bờ sông Hán sông Giang, có thể mời trai ăn trầu, cho địa chỉ hội họp… Mối tình thôn dã lúc ấy chưa bị thanh giáo cấm đoán hay bẻ quặt nên mọi cử chỉ đều làm trong tậm trạng vô tội, đường hoàng chứ không phải giấu diếm chi hết. Tất cả được nói thẳng ra. Người ta đang gánh nước nặng trĩu vai mà dám đường đột hỏi: Cô kia gánh nước quang mây, Tôi hỏi câu này có lấy tôi chăng. Nói thẳng, làm thẳng “trên bộc trong dâu” như thấy ở nước Trịnh nơi giữ được nhiều tục lệ xưa hơn cả, cũng là nơi có con sông Bộc chảy qua. Nên nhớ Bách Việt cũng có tên Bách Bộc vì nhóm ở trên sông này có nhiều nét biểu hiệu hơn cả (Xuân Thu nói đến Bộc rất nhiều xem bản của Legge tr.273). Thứ hai như vậy lúc ấy chưa có câu “nam nữ thụ thụ bất thân” phát xuất từ óc thanh giáo bắc phương nên có thể tự do ca hát ngoài đồng nội, trên bờ sông, chung quanh bờ giếng, có thể cùng lên xe, nhìn mặt, cầm tay (xem bài Hưng Ư Thi trong Nguyên Nho). Điểm thư ba gái còn nắm chủ tình thế nên chính các cô khiêu chiến trước. Phu lúc ấy còn là cô, cậu mới là phụ, theo phong thái tả nhậm như có thể đọc thấy rất nhiều trong ca dao Việt và cả đến Kinh Thi cũng còn có chỗ giữ thứ tự thất (vợ) trước gia (chồng) “nghi kỵ thất gia” (đào chi yêu yêu) tức âm đi trước, gái trước trai. Nhiều nho gia có thấy điểm này nhưng lại giải nghĩa bằng lý lẽ siêu hình giả tạo như mùa xuân dương khí lên mạnh nên con gái (âm) bị ảnh hưởng! Sự thật thì lễ tổ chức vào hai mùa Xuân Thu, là hai mùa của người hơn hết, mà đã vậy thì là theo tả nhậm gái nắm phần sáng kiến y như người trước trời đất. Cần nhấn mạnh điểm này để đặt nổi sự cấm đoán của vương triều không cho con gái bắt đầu trước mà phải phu xướng phụ tuỳ về sau. Điểm thứ tư cũng rất nền tảng là sự thống nhất và căn cơ của sự thống nhất đó là điển tiết cũng gọi là thời tiết, nên Kinh Thi cũng có thể coi là quyển triết lý của “Chữ Thời” trong đó hai mùa quan trọng hơn hết là Xuân Thu mà “con én” đóng vai đại sứ du hành để thông tin cho các cặp nam nữ biết đã đến ngày hội họp để mà “đưa thoi”. Như vậy con én là biểu hiệu của cưới xin tự do đã đưa thoi từ những ngày Xuân của muôn thế hệ trước, nên trống quân đã trở thành một cơ cấu, một lễ, tức là cái gì u linh trang trọng đủ sức vật lộn với văn hóa du mục đến sau. Tóm lại yếu tố nền tảng là cuộc tế trong bầu khí tự do cởi mở của công thể: mọi cái là của chung theo một lối nào đó, có thể tóm vào hai cặp danh từ là tâm linh và công thể. Đó là những đức tính đi kèm trống quân và sẽ bị văn hóa du mục phá vỡ. Vì nét đặc trưng của du mục là “độc hữu” ngược hẳn với tinh thần “công thể” của nông nghiệp: độc hữu là óc cá nhân riêng rẽ với sự độc quyền là hậu quả tất nhiên. Khi óc cá nhân thắng thế thì mạnh được yếu thua, càng mạnh càng có nhiều, chiếm nhiều, chiếm tài sản, rồi chiếm luôn cả đàn bà làm tài sản, và vì thế nảy ra sự cấm đoán đàn bà tự do đi lại, và cũng từ đó mà nảy ra tục “nam nữ thụ thụ bất thân”. Chính vì thế mà trống quân trải qua nhiều cuộc lột xác. Ta hãy theo dõi một số trường hợp, trứơc hết với vương triều.
3. Lột xác phía vương triều để thành tế giao. Nói rằng lễ tế giao phát xuất từ trống quân là một câu nói khó có thể xác quyết vì nó thuộc phạm vi tiền sử bao la. Rất có thể lễ tế giao là hậu thân của lễ “phong thiên” cũng như phong thiên là một dị bản chính thức của nhà cai trị có tính cách tương đương với trống quân của dân gian. Tuy nhiên trong tiến trình đàn áp trống quân thì tế giao có thể đóng vai tròn thay thế và nhân đấy là biến thể của trống quân như học giả Granet đã nhận xét. Học giả Maspero cũng cho rằng lễ tế thiên thêm vào sau đạo phong nhiêu. CA p.53. Như vậy là đã hé thấy mối liên hệ giữa hai bên, và trong ý hướng đi tìm chi tiết của liên hệ có thể kể ra những chặng biến thể từ trống quân hướng về tế giao. Ông Granet đã làm điều đó xuyên qua những tục lệ mùa Xuân của nước Trịnh, Trần, Lỗ. Ở Trần và nhất là Trịnh có tiếng là duy trì được nhiều tục lệ dân gian nhất thì người ta thấy hầu còn nguyên vẹn hình thức trống quân như trong Quốc phong bài Trăn Vĩ. Ở đây xin chú mục vào nước Lỗ vừa là quê hương của Khổng Tử vừa có sự biến thể rõ hơn. Trong Luận Ngữ thiên XI câu 25 có lời rằng: Mộ xuân giả, xuân phục kí thành: Quán giả ngũ lục nhân. Đồng tử lục thất nhân. Dục hồ nghi. Phong hồ vũ vu. Vịnh nhi quy. Chúng tôi nhớ khi xưa mới học nho đến bài này đã cảm thấy có cái chi chèo kéo bí ẩn (như đã bày tỏ trong quyển Tâm Tư chương IV). Sau này đọc rộng thêm mới nhận ra nhiều học giả khác cũng khoái đoạn vạn trên như vậy, cuối cùng chúng tôi nhận ra sức thu hút của câu văn là do tinh thần trống quân còn lởn vởn trong đó. - Bàn thờ là nơi cầu mưa: đó là đài vũ vu. - Tư tế là hai đoàn trai trẻ mỗi đoàn từ 6 đến 7 người. - Ca hát là vịnh, là phong (hóng gió). - Tế là sang sông như trong câu “dục hồ nghi”: tắm ở sông Nghi. - Chịu lễ là quy. Chữ quy theo Vương Thông có liên hệ tới ăn. Đây là bước hai trên đường hoán thể vì ở bước nhất thì sách Chu lễ còn dùng cả trai lẫn gái: cả vu lẫn hích chỉ khác không còn ở tuổi xuân nữa mà đã lớn tuổi, lại đi tu. Đây thì không tu, cũng chưa già nhưng toàn trai thì cũng chẳng làm nên được trò trống gì ngoài sự nhai lại kiểu diễn tuồng trong các nội trú nam sinh: vai nữ phải hóa trang. Dầu sao thì đó không phải là một cuộc chơi thường nhưng là một cuộc lễ, vì có sửa soạn xiêm áo cho dịp này trong câu “xuân phục ký thành”. Rồi lại có cả vũ dưới đài cầu mưa, nên Vương Thông trong sách “Luận Hành” cho đó là lễ cầu mưa. Sự thực thì không những cầu mưa mà là cầu mùa, hay đúng hơn là một lễ phong nhiêu unhưn đang được “thăng hoa”: tức đang trút bỏ những gì không hợp cho thời Chu nữa, thí dụ bỏ bè nữ đi để khỏi phạm tục nam nữ thụ thụ bất thân. Còn hai việc “bôn” và “đại ẩm” nằm trong chữ “quy” mà lẽ ra phải đọc là quỳ có nghĩa là một thứ tiệc thánh, nên viết với bộ thực (Fêtes 156). Nếu không là lễ phong nhiêu thì tại sao phải hát, phải ăn (quỳ). Tại sao phải mặc áo xuân. Tại sao phải hai bè. Tại sao phải qua sông (dục hồ Nghi có nghĩa như “thiên đại xuyên”: qua sông). Tại sao lại ca hát trên sông và dưới chân đồi (vũ vu)? Người ta chỉ tìm ra lời đáp thỏa đáng khi cho đó là trống quân đang lột xác, nói cụ thể là bỏ hai yếu tố: toàn dân và bè nữ. Đây là cuộc lột xác thứ hai hay thứ ba, còn đợt bốn sẽ đưa sang lễ “tế thiên” (hoặc đây là lễ trung gian giữa trống quân và lễ nam giao). Lễ Nam Giao xét về nội dung thì được truyền tụng là có từ đời “Vô Hoài” thuộc thời đại Thần Nông. Vô Hoài là có từ đời nào không ai nhớ được nữa vì lâu quá. Rồi sau đời Tam Đại gọi là phong thiên. Phong là tế trời: đắp đất cao lên làm bàn thờ để tế, còn thiên là tế đất nên quét sạch đất mà tế (*). Có thể phong thiên đã là một hình thái biến thể của trống quân và cũng là tiền nhân của lễ Nam Giao, với mục đích không được rõ ràng như là phong nhiêu của trống quân. Vì có lúc thiên về việc cầu tự cho nhà vua. Khi vua ra tế thì đưa cung phi đi cùng và người nào được vua ngự rồi thì được uống rượu và trao bao cung tên để chỉ sự cầu cho có con trai (Fêtes 168). (*) Có mối liên hệ nào chăng với câu “phụ đồng phụ chổi, thổi lổi ma lên” và câu hát múa Lào: tôi cầm cái chổi, tôi quét cái nhà… Người ta co thể thấy ấn tích của trống quân trong những sự kiện đặt vào lễ giao thấy không ổn. Thí dụ tại sao không tế thiên trong thành trong cung điện mà phải ra ngoài đồng ở phía Nam? Tại sao có thời tế địa trên phía Bắc, tế thiên phía Nam? Tại sao lại gọi là giao khi không có giao nào cả… Và ở đây cũng chỉ tìm ra lời đáp thỏa đáng trong trống quân mà tế giao là một biến thể, nên thâu nạp yếu tố trống quân là lễ bao giờ cũng diễn trên ruộng, vì là lễ phong nhiêu. Đã có dạo người ta tế địa ở Bắc thành, tế thiên ở Nam, nhưng sau không rõ vì lý do nào lại dồn một: có lẽ vì cách một cái thành thì làm sao mà giao. Vì vậy cuối cùng đưa cả về Nam và tế thiên cũng là tế địa: có xông hương cho thiên và đổ rượu xuống đất cho địa. Còn chịu lễ thì vua ăn và chia cho các quan phần thịt tế gọi là quỹ. Nếu chưa cho thế là đủ để bù vào chỗ huỷ bỏ cuộc đại ẩm trong trống quân thì đã có những lễ “bát chá” và “na” gọi là trừ tà cuối năm để đón năm mới nên có ăn uống linh đình. Ban đầu bát chá và na là những lễ đi theo mùa gặt. Bát chá là để ăn mừng gặt xong, và thường đặt mùa ở mùa thu. Sau này được kể như lễ cuối năm đặt ở trục chỉ, như vậy là từ trục phân thuộc nhân chủ chuyển sang trục chí thuộc chủ nô (về hai trục chí và phân xin xem bài Xuân Thu trong Tinh Hoa Ngũ Điển). Cách giải nghĩa như trên mới hợp tinh thần xã hội học là dùng tục lệ dân gian để tìm hiểu việc tế tự chính thức. Vì tục lệ có trước và đã đâm rễ sâu vào dân gian không thể phá nên vương triều phải thích nghi. Nếu hỏi tại sao lại gọi là Nam Giao. Có người giải nghĩa bằng chữ cao môi là thần coi việc môi giới ở phía Nam: Entremetteur de banlieue du Sud (Fêtes 160), nơi mà các bà phải đến cầu khẩn để thoát nạn không con (trừ kì vô tử chi tật) nên chữ giao do cao đọc trại. Trả lời thế là gượng, ấy là chưa kể chữ nam chưa có giải nghĩa. Vì thế xin đưa ra một lời thưa khác: là chữ giao nhắc lại nơi phát xuất là chi tộc Dao: có lối đọc giống với chữ Keo mà người Nùng và người Thái dùng để chỉ người Lạc Việt. Lối này giải nghĩa được cả chữ Nam là địa bàn của dân Việt. Dẫu sao thì ta cũng đã nhận tên Nam tên Giao tên Dao, cũng như xưa đã là chủ tịch nhóm trống quân, và hai chữ Giao Chỉ là tên thuận lợi nhết để nói lên sự giao thoa giữa hai chữ: đất trời, Đông Nam, sông núi, nữ nam. Vì thế tác động giao có nhiều: giao tình, giao lý, giao ca, giao thân, và đại ẩm là giao với đất (giao thực hồ địa). Như vậy ta thấy nơi lễ tế giao là biến thể của trống quân là câu nói có bằng chứng, tuy xét về nội dung đã mất đi nhiều, nhất là thiếu dân gian và bè nữ nên mất nét công thể tính, nhưng có lẽ cần phải bớt như vậy để dành cho nhà vua đặng dễ trọng thể hóa. Điều đó tốt, giả sử Vương triều đã không cấm trống quân mà cứ để nó sống song hành với tế Nam Giao thì mới đúng tinh thần hợp tác giữa văn gia và chất gia. Nhưng không may trống quân đã bị cấm đoán theo óc du mục chủ nô. Nhưng “phép vua thua lệ làng” nên trống quân vẫn sống và cùng với không gian và thời gian mà biến đổi, ta cần đặt vào đó cái nhìn tổng quan.
4. Lột xác phía dân gian Biên cương của dân gian hát trống quân rất rộng từ Hoa Nam xuống tận các đảo Thái Bình Dương, còn thời gian thì có từ lâu đời trước vương triều. Vì thế việc nghiên cứu đòi rất nhiều công trình. Đã có một số học giả lưu tâm và được ông Granet thâu lượm lại ở cuối quyển Fêtes. Xin trích dịch ra vài triệt tiêu biểu để độc giả thấy sơ qua những hình thái khác nhau của trống quân. Nhật: bên Nhật trống quân biểu lộ trong lốihát đối gọi là Kagai. Đặc biệt là lúc hai bè đang hát bỗng ngưng lại và có một người trong nhóm này đứng ra ứng khẩu hát lên một câu thì bè kia cũng sẽ có một người đứng ra hát đáp lại: nội dung vẫn là bày tỏ yêu đương. Tác giả có kể ra một số câu mẫu… rất nhiều đoạn giống thơ “Quốc Phong”. Lối hát Kgai này vẫn còn được truy trì trong dân gian, tuy giới thượng lưu đã bỏ. Tibet và Tân Cương: Người ta ưa thích cuộc hát hai bè bên nam bên nữ đối diện với nhau, vừa hát vừa bước tới rồi lui lại theo nhịp nhàng… thường tổ chức vào mùa Xuân và hát công cộng, không được riêng lẻ, nhưng trong lúc làm đồng áng gieo gặt cũng có hát. Vân Nam: Người Lô Lô. Làm cả ngày tối lại hát đối. Xong ngồi từng đôi tặng rượu nhau. Nữ tặng trai nước, trai tặng lại sau. Cuối cùng ai về nhà nấy ngủ để mai làm nữa, để rồi tối lại hát nữa. Có nơi thì sau khi hát quây quần cùng uống rượu với nhau. Lô Lô: cuối năm có hát mà còn thêm một thứ lửa trại, khởi hát từ lúc đi lấy củi về chụm lửa, sau có pháo cho thêm rộn ràng. Trong Socio trang 125 có nhận xét thơ Lô Lô rất giống Kinh Thi Quốc phong. Miêu: ở Vân Nam, cũng có trống quân như Miêu ở Quảng Tây hay người Thổ ở Co Bằng, hai bè trai gái cầm tay nhau hát theo nhịp trống cơm và một thứ đàn (lou-sen?) cũng có những câu hỏi ứng khẩu phải thưa liền, không thưa được thì bị phạt rượu uống cho đến say mèm. Có nơi người thua bị vò tai rất mạnh. Hải Nam: khi một cậu trai ưa cô nào thì mang đàn đến gảy trước cửa nhà cô ấy. Nếu cô ưng thì ra. Và khi đã thoả thuận về các khoán rồi thì trình lên cha mẹ. Cha mẹ làm lễ cưới tại nhà và cậu trai về ở nhà gái. Nam Chiếu: nơi đây người ta tin tưởng có những vụ mang thai một cách lạ với rồng nhân lúc tắm… hoặc khi ra đến giữa sông thì chạm phải cái gậy nổi có thai. Người Miêu Tử có thêm vào trống quân trò ném cầu làm bằng chỉ ngũ sắc và đánh trống đồng. Tất cả các sắc dân ở đây cũng như Vân Nam đều có ít nhiều những thói tục này. Các sắc dân Bo Di, nam nữ bao giờ cũng hợp thân trước rồi mới cưới sau. Họ không ưa những người nữ ở vậy như ở miền Dương Tử và Hán Thuỷ (Fêtes 291). Long Châu: các người đi dụ mang cơ theo, mỗi lần hội có cả trên ngàn người. Tuy tục lệ này bị nhà cầm quyền ngăn cản nhưng vẫn thi hành trong khắp miền Việt Tây (Quảng Tây). Hễ mỗi lần vua quan Tàu cấm thì sinh xôn xao. Lô Lô: ở Quý Châu, cũng hát trên núi. Có sự đấu tài hùng biện và thi ca. Những cuộc hội này vẫn còn truyền tụng tuy đang trên đà biến mất. Bên Java vợ chồng vẫn giao hợp trên ruộng (Civ I 91), Mã Lai cũng có. Dân Dao, Chi Lao, Lê, Bạch Mán, Thái được nói tới nhiều nhất. Tất nhiên Mán, Mèo, Thái, Thổ, Nũng ở Bắc Việt cũng được nói tới đủ biết biên giới của trống quân rất rộng, rộng bằng với cái biên cương của nền văn hóa Viêm Việt. Thứ đến có thể nói rằng khắp thế giời cổ xưa đâu đâu cũng có thể tìm ra vết tích một thứ trống quân (Civ I 91) nhưng sau đều biến mất hay biến thể trọn vẹn chỉ còn ở Viễn Đông là tồn tại. Điều đó giải nghĩa được bằng sức mạnh của nền văn hóa Việt nho trước sức xâm lăng của vương triều, nên đã xuất hiện sự kiện duy nhất trên đời là có sự hợp tác giữa văn gia với chất gia, nhờ đó mà chúng ta sẽ tìm ra được chiều kích thâm sâu như sẽ bàn ở hai triệt sau. Tuy hai bên sống chuung nhưng cũng phải lột xác, trong đó Việt tộc phải bỏ phần bị công kích hơn cả là hợp thân ngay trên cỏ, rồi thay vào bằng nhiều trò chơi khác: đánh đu, bắt chạch, bắt đê, ném cầu… Phần nổi nhất còn lại là hát đối, là nơi nhân được nhiều sự hợp tác giữa thôn dân và kẻ sĩ. Và vì phần hát đối này được biểu lộ sâu xa nhất trong Lạc Việt nên chúng ta sẽ theo dõi cách riêng.
5. Trống quân đối với Lạc Việt. Sở dĩ hát liên hệ mật thiết với trống quân vì trống quân chính là đạo trời đất, hay nói khác là lễ hòa trời đất nên cần tiết nhịp như đất cùng trời, nhất là trời. Tiết trời thì như sáng với tối, Xuân với Hạ, tiết đất thì như Đông với Nam, sông với núi. Vậy mà hát cũng đầy nhịp, có thể nói đó chính là nhịp nghĩa là chưa cần đến lời thì nhạc đã khởi sự có từ lúc có nhịp. Vậy ngôn ngữ nào giàu nhịp nhàng nhất cũng là giàu nhạc tính nhất, và do đó hợp với trống quân hơn cả. Thế mà trong các nhóm Nam Man thì Việt ngữ là một trong những tiếng giàu song ngữ nhất: thanh thanh, nhẹ nhõm, vàng vọt, nhảy nhót, khô khan, vội vàng, trằn trọc, cộc lốc, bồ bịch, lung tung, lè phè, tà tà… Tiếng thêm sau có khi để gia tăng phẩm tính như vàng hoe, đỏ chói… hoặc để bớt đi như tim tím, vàng vàng, đo đỏ… Nhưng nhiều khi thêm vào coi như là để cho có vậy thôi. Rõ nhất là trong vần iếc: ăn iếc, yêu iếc, học hiếc, chơi chiếc, hôn hiếc… Nhờ những tiếng song trùng đó mà Việt ngữ có một số nét đặc trưng như sau: Thứ nhất phải kể đến nét co giãn làm cho nó biến hóa vô cùng mà hình thức đầu tiên là nói lái. Riêng tiếng nhị âm mới nói lái được, đa âm như Tây hay độc âm như Tàu đều không có nói lái. Tây thì đã rõ: dú có tiếng hai âm nhưng không là bản chất của tiếng, nên không nói lái được thí dụ maison mà lái ra son/ mai thì hết nghĩa; còn Việt mà nói lái nhá cài thì ai cũng hiểu liền. Tiếng Tây không thể nói lái. Lối ký âm trong tự điển kiểu Ngô Hoàn Thiết đọc là Ngoan không phải nói lái. Tiếng Tàu đôi khi kể một hai tích nói lái thì quá cầu kỳ (xem Vân Đài Loại Ngữ quyển VI câu 42, có cho một thí dụ dài lê thê). Có lẽ vì thế Tàu ưa dùng lối đồng âm. Con dơi Tàu là phúc nên vẽ hình dơi để chỉ phúc. Vẽ con hầu để chỉ hầu tước… Tính chất thứ hai là giàu nhạc tính đến độ nói thông thường đã có nhạc tính rồi, như nhận xét của nhiều người ngoại quốc nói tiếng Việt đã là ca hát. Có thể vì đó mà ta có những danh hiệu đồng hóa được với ca hát chăng như Lạc và Dao, Lạc cùng với nhạc viết như nhau (nhạc giả lạc dã) còn Dao thì là ca dao, có thể hiểu là tiếng hát của người Dao hay Giao Chỉ (Tàu viết Dao, Diêu, Giao khác nhau mà thấy chua là yao cả). Tính chất thứ ba là nói với thơ hầu như một, gieo vần ngay trong câu nói “có mới nới cũ, vì cây giây quần” vậy mà đó là thể lệ trong lúc hát trống quân. Trong đó nói bằng thơ, hỏi bằng thơ mà thưa cũng phải bằng thơ. Thế mà hầu như không ai cho đó là chuyện khó. Hỏi là thưa liền, ứng khẩu thành thơ. Và đây là chỗ phải nói về vè. Vè là một lối ở giữa thơ và nói. Nói như thơ, thơ như nói, rất hợp cho trống quân. Nên ghi ra đây như giả thuyết làm việc là vè do chữ ve mà ra, mà ve là ve gái “vẻ vè ve bắt vè con nhện”. Và khi đã có sự ưng thuận thì bắt về. Ai bắt về? Bắt về đâu? Thời xa xưa là gái bắt trai. Người đàn bà Radhê hiện còn nói “không đủ tiền đi bắt cái chồng”. Sau này phụ hệ lên chân thì trai bắt gái. Xa xưa nữa là bắt cóc. Sau này bỏ mục bắt cóc thì vẫn còn một vài nơi giữ một số nghi thức để giả đó bắt cóc. Theo đó câu truyện Sơn tinh Thuỷ tinh là bắt gái về núi. Một điều cần phải nhấn mạnh cho tâm thức hiện nay hay khinh thường những cái giản dị, tưởng vè dễ quá nên không có gì cao sâu, sự thực là nó không thiếu cao sâu cả trong thơ lẫn trong tiết nhịp. Thứ nhất về thơ thì vè là thơ không những trong tiếng đôi mà luôn trong câu đôi, đó là lục bát so le làm nên nhịp câu. Cá nhịp tỏ trong từng từ (6-8) lẫn ngầm trong cặp đôi từ (3-4). Còn triết lý thì nó ẩn trong một nét lạ lùng là gieo vần trên lưng câu sau: Trăm năm / trong cõi / người ta, Chữ tài / chữ mệnh / khéo là / ghét nhau. Triết lý ẩn bên trong sự vụ là tinh thần “chí trung hòa” của nền văn hóa Đông Nam là “xuất chấn huớng li” (xuất hiện ở quẻ chấn bên Đông và hướng về quẻ li ở phương Nam). Quẻ Chấn số 4, quẻ Li số 3. Nó là nền tảng cho “thiều vũ” là điệu múa mùa Xuân tức bên Đông. Kỹ thuật của nó là”bộ bất tương quá”: tức một chân đi trước, một chân tiến lên đến 1/3 chân kia, xong chân kia lại bước nữa. Tiên nho quen gọi đó là điệu múa liền chân của ông Vũ (Vũ nhất bộ) là vì ông Vũ đã học được với vợ Việt ở Cối Kê. Huyền thoại nói bóng là tai ông có ba lỗ (thần Vũ chi nhĩ tam lậu) để nghe ra tiết điệu Tam tài và nó không là chi khác hơn là tinh thần chí trung được diễn tả trong thể lục bát hay nói theo cặp đôi là thể 3-4. Câu 3 cặp ăn ngoàm lên lưng câu 4 cặp. Con số 3-4 là Đông Nam theo lối xếp quẻ của “hậu thiên bát quái” là xuất chấn hướng li, hoặc nói theo huyền thoại là: Mồng 3 cá đi ăn thề, Mồng 4 cá về cá vượt vũ môn. Còn nói theo tiên thiên thì là “ba trời hai đất”. Tức là bao hàm được tiết điệu vũ trụ vừa trong hai câu thơ, vừa trong từng cặp đôi tiếng, vừa trong bước chân vũ tức là tiết nhịp đầy ắp nên câu thơ lục bát nói lên cái nhịp của trống quân hơn hết, cũng là nhịp song trùng đã xuất hiện với dân tộc từ mãi xa xưa. Bởi đó khi đọc lên những tiếng đi đôi nó gây cho ta cảm giác man mác nhiệm màu là do cái tiết nhị cũng như thể thơ và triết lý nằm ngầm. Vì đã xuất hiện quá sớm nên khi Hoa tộc vào nước Tàu thì không đổi nổi nữa mà chỉ còn cách thích nghi. Trước hết bằng đưa vào tiếng Tàu nhiều cặp song ngữ. Mở đầu Kinh Thi đã thấy hai chữ quan quan (thư cưu) rồi kế tiếp biết bao tiếng khác: Đào chi yêu yêu, Săn săn hề, Hoàng hoàng hề, An ân, điền điền …
Những tiếng đôi đó có đầy trong Kinh Thi… Ông Granet đã thu thập vào ba trang lớn rồi nhấn mạnh rằng những cặp chữ đôi đó gợi lên cái gì cụ thể như những bức họa bằng lời: comme de véritables peintures vocales (Socio 114). Việc thứ hai là đưa các hư từ như các chữ tư, hĩ, nhất là “hề” lên bậc từ chính cho chiếm một chỗ trong câu thơ. Điều đó với tiếng Việt không cần, nên những tiếng ngân (í, a, tình, tang, tính) đứng ngoài thơ là vì tự nhạc đến thơ không gặp khó khăn nào như đã nói trên về ve. Còn Tàu thì gặp khó khăn khi thơ muốn tách khỏi nhạc, nên phải dùng nhiều hư từ. Sau này Ly Tao dùng hề thả dàn là do thơ đã gần tách hẳn khỏi nhạc để sống độc lập, nên phải thêm tiếng “hề” để người đọc có cảm tưởng hát, mà đồng thời cũng là chấm câu bằng lời thay cho dấu chấm câu. Chữ nho không dùng dấu châm câu là do chịu ảnh hưởng quá nặng văn trống quân đó. Còn lại mấy cái khác như nhịp câu thì Tàu không mấy thành công. Kinh Thi hầu hết câu 4 hoặc 5. Sau này chỉ có thơ ngũ ngôn, thất ngôn, vẫn gieo vần ở cuối cả toàn câu 4. Không có nhịp từng cặp từ. Sài Ung đã cố đưa thể tứ lục vào thơ Trung Hoa nhưng không đựơc phổ biến, là vì không có cơ cấu của tập thể mà là của một cá nhân. Thứ đến câu 4 quá ngắn không đủ diễn tả tư tưởng cách đầy đủ, nên không chơi nổi vai trò tiếng nói thông thường như thể lục bát. Ay là chưa nói tới cái vụ câu 4 không theo lối gieo vần trên lưng câu 6 nên thiếu chiều sâu của triết lý. Trên đây là thử phác họa sơ sài ảnh hưởng trống quân trên ngôn ngữ và do đó trên tư tưởng của Tàu, một nền tư tưởng xây trọn vẹn trên cặp đôi âm dương mà âm dương chỉ là kiểu thức hóa các cặp đôi trong trống quân. Vậy tiếng Lạc Việt là vốn đã là cặp đôi nên có lý do chân chính để nói Lạc Việt là chủ chính của trống quân. Câu truyện Au Cơ đưa 50 con lên núi, Lạc Long Quân đưa 50 xuống biển với hai cái tết mồng 5 tháng 5 “xuống nước” nên có cuộc đua thuyền và tết trưng cửu là “lên núi” (hái hoa vạn thọ để chỉ thu thường) có thể giải nghĩa là phát xuất từ nguồn gốc xa xưa của trống quân. Vì tổ chức đúng chỗ thì khi khởi hát một bên từ núi xuống một bên từ sông qua. Vậy khi ca dao nói: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Thì nền tảng siêu hình phải là cặp song trùng sơn xuyên nọ. Chính cặp đôi đó đã làm nền cho 8 quẻ Kinh Dịch vì cả 8 có thể quy vào hai thực thể là núi và nước. Núi: lửa, gió, mẹ = cấn, li, tốn, khôn. Nước: sấm, ao, cha = khảm, chấn, đoài, kiền. Khi mẹ ông Bàn Tổ giở nách tả sinh ba con, giở nách hữu sinh ba con nữa, cũng như 6 anh em Hy Hòa: 3 bên tả, 3 bên hữu… đều phải quy chiếu vào cặp nước non sơ nguyên nọ mới hiểu được mối liên hệ nằm ngầm. Còn khi bỏ huyền thoại mà nói bóng thì ra: Quốc tất ý sơn xuyên, Sơn băng xuyên kiệt, Vong quốc chí trung dã (Sử ký II 278). Nước dựa vào núi sông: nên khi núi lở sông cạn thì đó là điểm triệu báo hiệu nước sắp mất, nên có niềm tin truyền đời như sau: Sông Nghi sông Lạc cạn nhà Hạ mất, Sông Hạ cạn nhà Thương tiêu, Núi Thái Sơn sụt là điềm nguy khốn. Vì sông núi chính là biểu tượng trời đất, cũng như 2 quẻ kiền khôn là hai cột trụ cho nền đạo lý giữ nước. Và đó là điều chúng ta phải hiểu khi “đứng lên đáp lời sông núi”. Đó cũng là đứng lên đáo tiếng gọi của Tiên Rồng, của con người tiểu ngã đứng lên đáp tiếng gọi u linh của Nguyên Tính. Có thấy mối liên hệ sâu xa đó mới nhận ra giá trị nghệ thuật ẩn trong thể thi lục bát trống quân.
6. Trống quân vốn là một cuộc lễ. Sau khi đã biết tiến trình giao thoa của hai nền văn hóa nông du, sau khi đã hiểu lý do vì sao du mục cấm đoán hay bôi xấu trống quân, sau khi đã hiểu sự sống dẻo dai của trống quân xuyên qua nhiều thời đại trong một biên cương bát ngát… thì hẳn không còn ai phải ngạc nhiên nữa về câu nói trống quân vốn là một cuộc lễ, trái lại có thể yên lòng tìm hiểu đến chỗ thâm sâu của nó. Ai cũng biết tế tự là rốn của tôn giáo, mà tôn giáo là để kết hợp với Thượng Đế. Hiểu theo nghĩa cao siêu hơn hết thì Thượng Đế là cái toàn thể u linh nên việc gì bất cứ nếu giúp con người kết hợp với toàn thể u linh thì là tế tự. Vậy mà đó là ý chính của trống quân trong buổi sơ nguyên. Hát trống quân là để hòa hợp với bằng ca hát nhịp nhàng. Thứ đến là hòa hợp với tha nhân trong mối tình sâu thẳm hơn hết là hai người trai gái hợp thân. Ba là ăn với đất bằng đình đám vì thế phải nói không những là một lễ nhưng là lễ trọng nhất, đầy đủ nhất. Nó trình bày một vũ trụ quan của hóa nhi đa hí lộng” hay một vũ trụ “sinh sinh hóa hóa”. Rồi một nhân sinh quan cũng theo nhịp vũ trụ: Cá nhân thì có ăn uống, Giòng tộc thì có hợp thân giúp trời đất sinh hóa là sinh con và nuôi dưỡng giáo hóa. Vì thế đó là lễ phong nhiêu. Có hai lối hiểu, một lối bái vật là năm nào không có trống quân, không có hợp thân trên ruộng thì năm đó mất mùa. Còn một lối nữa thăng hoa theo lối tâm linh gọi là giúp trời đất hóa dục: “tán thiên địa chi hóa dục”. Tức là nói lên sự đóng góp của con người vào cái tiết nhịp cao cả của vũ trụ để làm nổi bật lên mối “thiên nhơn tương dữ” đã được đổ khuôn vào thuyết Tam tài. Đó là một vũ trụ quan thống nhất bao gồm trọn vẹn cả kinh tế, chính trị, tôn giáo, ăn, chơi, hát, xướng. Con người thời nay quá quen với ý niệm nhị nguyên tách rời không thể chấp nhận được sự đi đôi của du hí với tế tự, nhưng với quan niệm nhất nguyên lưỡng cực thì chỉ có một toàn thể nên không có gì tục với linh, nhưng linh bao hàm tục y như nội ngoại gắn bó vậy. Cho nên chơi cũng là thành phần của lễ, vì chơi biểu lộ bản chất con người hơn hết ở chỗ nó siêu thoát, không còn cầu lợi nữa nhưng đã nhô đầu vào cõi an hành là đợt đầu tiên để kết hợp với toàn thể u linh. Cho nên hiểu theo lối vũ trụ quan “thiên địa vạn vật nhất thể” bất phân ly thì trống quân dù có đi kèm với những cuộc du hí, ăn uống linh đình vẫn không mất chút nào tính chất cuộc tế lễ nó cả. Trái lại càng biểu lộ đến cao độ nền minh triết thâm sâu vì đã thỏa đáp được cả ba nhu yếu nền móng của con người. Xưa này lễ hay bị quan niệm quá cao khi chỉ hiểu là cuộc kết hợp với Thượng Đế trừu tượng mgự trên cao xanh. Vậy là lệch lạc vì mới có hàng dọc lý trí khô cằn. Hoặc lại hiểu theo kiểu tả truyện “Lễ là để điều chỉnh việc dân”. Vậy là mới có hàng ngang. Lễ mà đầy đủ phải có cả ngang cả dọc: cả trời, đất, người đều tham dự. Nói khác là cả ý, tình, chí phải được thỏa thuê mới đúng câu “sử thần nhơn bách vật vô bất đắc kỉ cực” (làm cho cả thân, cả người, cả vạn vật đều được thỏa thích cùng cực. Fêtes 189). Câu này nói về lễ “bát chá”, là lễ bế mạc mùa gặt mà sau này đổi ra lễ tất niên, trong đó có cuộc đại ẩm là nét còn ghi lại dấu của trống quân, khiến mọi người được no say nhảy múa như điên (quốc chi nhơn giai nhược cuồng) điều đó bị người theo thuyết thanh giáo khắc nghị khinh chê, nhưng thực ra đó mới là bản chất của lễ, cũng gọi là tiết, ta đọc là tết. Lễ hay tết phải có một cái gì quá mức thường để biểu lộ sự thoát khỏi quy ước thường nhất. Và đó là một yếu tố quan trọng của lễ. “Toute fête est un exces” là câu nói mà con người thời nay không hiểu nổi nữa vì bị đè nặng dưới ảnh hưởng của thanh giáo. Còn ở thời sơ nguyên khi chưa bị những quy ước trái khoáy của du mục bẻ quặt thì trống quân là một cuộc tế lễ toàn vẹn có ăn uống, hát xướng, giao hoan… và do đó gây âm vang sâu thẳm vào lòng con người đến độ chỉ huy cuộc sống trong cả năm, từ ý nghĩ, việc làm, lời nói, nó gây sức mạnh đến nỗi mọi lối khác đã qua đi nhưng những lời hát trong trống quân được giữ lại, như ca dao tục ngữ hay nếu đã có văn học thì như kinh điển. Kinh Thi chính là kết nạp những bài đã hát trong trống quân (Fêtes 224). Đây là chỗ cần đạt câu hỏi tại sao lại nói trống quân. Có nên viết là chống quân với ý nghĩa hai đạo quân chống nhau chăng: opposer tropes? (như ông Nguyễn Văn Huyên đề nghị trong Chants alterné p.29). Thưa viết chống không hẳn sai nhưng muốn toàn vẹn thì phải nói trống quân với ý nghĩa để “trống”. Y như cái trống trời trống đất phân hai bè nam nữ cũng để trống mặt. Và sau này khi đã làm trống bịt bằng da thì cũng để trống một mặt gọi là trống bộc (Huyên 28) tức là trống của dân Bách Việt (trên bộc trong dâu) cũng như trống đồng cũng phải để một mặt trống thì mới đúng tên là trống là thần cổ đánh ở kinh đô Việt mà tiếng ngân mãi tới Lạc Dương. Đó là để nói lên lối thông giao với toàn thể u linh vốn là vô biên là cái không thể diễn tả mà chỉ biểu lộ bằng nhạc, bằng sự im lặng, bằng trống rỗng tâm hồn. Vì lẽ đó mà cái trống phải để trống một đầu, nhưng sau này người ta mất ý thức nên bịt luôn hai đầu, mà vẫn cứ kêu là trống, là đánh trống, mà thưc ra là đánh bịt đánh bùng, đánh lùng bùng đối kháng làm ra hai bè chống nhau mà không biết đến vòng trong sinh sinh nội tại. Như thế là sa đọa từ nhất nguyên lưỡng cực đốc ra nhị nguyên bịt kín: chọn một bỏ một theo kiểu biện chứng ý hệ, không còn hợp với dịch lý kết hậu bằng quẻ vị tế, tức là để trống đầu cuối cho nó mở sang cõi vô biên. Y như hội họa
mà đi đến cùng cực thì phải như Mã Viện “vẽ
bằng không vẽ” tức là biết phối hợp cảnh vật với
quãng trống lúc ấy đóng vai vô biên.
Và chính sự hiện diện của quãng trống kể như một
thực tại vô biên đó đem lại cho bức họa nét
trầm hùng bi tráng không tìm thấy ở nền hội
họa nào khác như René Grousset nói về bức
họa “Chiếc Thuyền Câu Trên Ao Thu” của Mã Viện “une
des oeuvres les plus poignantes de la peinture de tous les temps”. (La
Chine et son art p.177, 186) vì nó cũng nằm trong một nền
triết lý của quẻ vị tế tức của cái “trống” cột trụ của
trống quan. 3.1 - BỘ SÁCH DÂN TỘC
Cái chi làm cho một đoàn người trở nên một dân tộc? Đất đai, ngôn ngữ, tôn giáo, chữ viết, văn hóa? Cuối cùng người ta nhận ra rằng yếu tố nổi nhất làm nên một dân tộc chính là văn hóa. Cùng sống trên một mảnh đất, cùng một ngôn ngữ, cùng một tôn giáo mà lại là hai dân tộc khác nhau là chuyện không những có đầy trong những bộ lạc xưa mà ngay cả đến những nước văn minh ngày nay. Cùng tôn giáo Kytô mà có các dân tộc Pháp, Ý, Bồ. Cùng ngôn ngữ mà có Pháp, Bỉ, Thuỵ Sĩ. Cùng trên mảnh đất mà có Pakistan và An Độ v.v… Chỉ có cùng một văn hóa mới làm nên một dân tộc. Các yếu tố kia chỉ là trợ lực, yếu tố quyết định chính là văn hóa. Nước Tàu rộng mênh mông với nhiều chủng tộc: Tạng, Mãn, Hán, Kim và quá bán là Bách Việt với ít ra bảy tiếng nói khác nhau với khá nhiều tôn giáo, vậy mà vẫn là một dân tộc, ấy cũng chỉ vì cùng một văn hóa. Cho nên muốn là một dân tộc trước hết phải có cùng một nền văn hóa. Muốn cho dân tộc mạnh thì văn hóa phải mạnh, mà nói đến văn hóa cách cụ thể và thấu triệt là phải nói đến cơ sở tinh thần. Muốn có một cơ sở tinh thần thì tiêu biểu hữu hiệu hơn hết phải là một bộ sách gọi là sách dân tộc. Gọi là sách dân tộc nghĩa là bộ sách được mọi người của dân tộc ấy phải quý trọng như một di sản thiêng liêng truyền dòng nối dõi, để làm một y cứ không những cho thế hệ này nhưng cho muôn thế hệ mai sau, mọi người khi muốn làm con dân nước ấy phải tự ràng buộc mình bằng lời giao ước tâm linh là phải đọc, phải học bộ sách dân tộc của mình. Càng đọc, càng học, càng ngấm sâu thì tình tự dân tộc càng thâm hậu. Ngược lại, khi không có sách dân tộc thì cái mầm tan rã đã nằm sẵn đó rồi. Vậy nên một bộ sách dân tộc trở nên cần thiết cho hết mọi người trên khắp thế giới, nhưng có thể gọi là khẩn cấp đối với những người trong tình trạng tị nạn tản mát khắp nơi như người Việt ta nay. Khi còn ở quê nhà chúng ta còn có những sợi dây tuỳ phụ như quê hương, đất nước, thói tục, thể chế v.v… Nhưng từ khi bước chân ra khỏi quê mẹ là chúng ta mất tất cả những thứ đó. Đột nhiên chúng ta cảm thấy bị trôi giạt giữa trùng dương bát ngát như cánh bèo không gốc rễ, không nơi y cứ. Muốn thoát tâm trạng đó thì bộ sách dân tộc cần thiết hơn bao giờ hết. Thiếu nó thì đoàn người Việt chóng trở nên những cảnh bèo trôi dạt đó đây, phân tán ra nhiều nhóm tuỳ những ngọn sóng cầu âu thổi tới, bên trong không còn một sợi dây cụ thể nào ràng buộc với nhau nữa. Lịch sử không thiếu gương sáng: Mông Cổ đã chinh phục được một đế quốc rộng lớn hơn hết trong cổ thời, vậy mà ngày nay đã tan rã đến độ không còn để lại ấn tích nào. Ngược lại Do Thái là một nước nhỏ xíu, lại còn bị phân tán đi khắp nơi, vậy mà dân tộc Do Thái vẫn trường tồn đến tận nay thì truy căn ra sự khác biệt đó chỉ tại bộ sách. Mông Cổ không có mà Do Thái có. Đó là Thánh Kinh. Thánh Kinh đã trở nên quê hương tinh thần cho dân Do Thái. Nó theo sát họ từng bước chân trên khắp nẻo đường thế giới, không một quyền lực nào phá được Thánh Kinh thì cũng không một quyền lực nào phá nổi dân tộc Do Thái. Do Thái mà trường tồn được như vậy thì bí quyết rõ ràng là Thánh Kinh. Thánh Kinh là quê hương bỏ túi của họ. Người Việt nay cũng gặp một hoàn cảnh như dân Do Thái, nếu muốn trường tồn cũng phải nghĩ tới một quê hương bỏ túi, một bộ sách dân tộc để nó theo chúng ta bất kỳ lúc nào, nơi nào để làm sôi dậy tinh thần ràng buộc với nhau. Chúng ta có thể ở tản mát tại Úc, Phi, Au, Á, Mỹ, nhưng nhờ cùng đọc một sách, cùng hát một số bài, cùng mừng một số tết, lễ, hội, thì đấy là một nhân tố mạnh để duy trì dân tộc tính Việt Nam. Sách đó chúng ta có rồi, nhưng vừa ở thể tản mát, vừa không được chỉ tỏ ra để quy tụ lại và đưa vào tầm nhận thức của mọi người nên không đủ mạnh. Vì thế cần phải mở ra một cuộc luận bàn để chỉ định những sách nào đang được đưa vào sổ bộ. Đó là một việc rất cần thiết trong cảnh sách vở quá nhiều lại sống trong những nước văn minh đang chịu cơn lụt sách vở. Nếu không có một sự lựa chọn đích đáng thì ít lâu chúng ta sẽ lâm vào cảnh “đà thư loạn tâm” như thế giới hiện đại, và lúc ấy hồn dân tộc sẽ chìm ngụp. Vì thế trong khi đề nghị số sách để đưa vào sổ bộ, cũng cần chú ý đến tầm sức của một người thông thường, tức không nên quá nhiều, mặc dầu cũng đừng quá ít không đủ diễn tả những khía cạnh phong phú của cuộc sống muôn mặt. Nói cụ thể thì chừng mười cuốn cỡ nhỏ với non triệu lời là đủ (bằng một phần năm Kinh Thánh thí dụ- Thánh Kinh quãng ba triệu lời). Để giữ thế quân bình như trên (đừng quá ít hay quá nhiều) việc trước hết phải làm là phân loại. Sách dân tộc thường gồm bốn loại là Kinh, Triết, Sử, Văn. KINH: tức là kinh điển (canon) gồm những sách nền tảng nhất đóng vai trò của Thánh Kinh trong các tôn giáo. Chúng ta không có Thánh Kinh thì phải có Kinh Điển theo nghĩa sách bao gồm các “kinh” nghiệm sống của người xưa, tàng chứa những chân lý sâu xa mà chúng ta phải coi như điển chương, như mẫu mực, phần mà ai cũng phải học hay ít ra phải đọc, phải có trong gia đình để một nơi đáng kính. TRIẾT: là sách giải nghĩa Kinh Điển cho hợp với cảm quan thời đại. Nó sẽ là con thoi đi từ Kinh Điển vào đời sống cũng như vào Sử, Văn giúp cho tất cả thêm phần ý thức sâu xa về đạo, về đời. Nó cũng đóng vai trò hiện đại hóa kinh sách như văn, nhưng khác văn ở chỗ đi tận nền và cách bao quát, có hệ thống. Thiếu triết thì Kinh chóng trở nên mớ chữ chết khô. SỬ: nói đến ở đây là muốn chỉ một bản tóm lược thường là bảng văn vẫn dùng làm “khung lịch sử” chung cho mọi người trong nước hầu như thuộc lòng, bất kỳ ai ai dù thất học cũng phải đọc qua. Vì thế nó phải có địa vị trong bộ sách dân tộc. Quyển sử này không thay thế những sách sử địa từ trung cấp trở lên đến đại học và các pho sử bác học. Những loại này thuộc văn học sẽ tuỳ thời, tuỳ tài giáo khoa, hay những khám phá mới mà thay đổi. Sử nói ở đây chỉ là bản tóm, nên cần vắn tắt, thí dụ với Tàu là Tam Tự Kinh, còn ta có thể hoặc “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca”, hoặc một phần quyển “Thiên Nam Ngữ Lục”, hoặc làm ra một quyển mới bằng văn vần (ngũ ngôn chẳng hạn). Một khi được chấp nhận thì không nên thay đổi nữa để giữ đồng bào có thể thêm “mối tình giáo khoa thư” vì ai ai cũng học theo đó, lấy đó làm khung (để chấp nhận hay tranh luận) làm tiêu điểm. VĂN: cũng là một lối mở rộng kinh vào đời sống như triết nhưng không theo lối lý luận chặt chẽ như triết mà đi theo lối nghệ thuật như thi ca, tiểu thuyết, tuồng kịch, hoặc nghiên cứu kiểu văn học. Như vậy văn ở đây hiểu theo hai nghĩa. Trước hết là những áng văn kiệt tác, trong dĩ vãng gọi là nhân văn cổ điển (classics), thí dụ truyện Kiều. Phần này một khi được vào sổ bộ thì cũng bất biến nhưng không buộc mọi người đọc ít ra tất cả, vì thế có nhiều cổ điển, không hạn chế số. Hai là những động tác văn học, văn hóa, văn nghệ đi sát thời cuộc cũng như đi mạnh vào chi tiết vào từng khía cạnh. Phần này chuyển biến luôn thí dụ từ Nam Phong rồi Tự Lực Văn Đoàn cho đến ngày nay, ít ra có ba giai đoạn văn học. Văn theo nghĩa này thì chúng ta không thiếu, ngay trong cảnh tị nạn cũng được gọi là khá phong phú; chỉ cần duy trì và gia tăng phẩm chất. Tóm lại theo nghĩa hai thì đã và đang có rất nhiều và hay biến đổi. Về sau, mỗi giai đoạn chỉ để lại một vài đại biểu để trở thành cổ điển. Triết cũng thay đổi nhưng thời hạn lâu hơn nhiều, mỗi giai đoạn có thể bao gồm nhiều trăm năm, thí dụ bên Tàu sau Tuân Tử, Mạnh Tử đời Chiến Quốc thì đến Đổng Trọng Thư đời Hán, rồi Chu Trình đời Tống, tiếp đến đời mới ngày nay v.v… Đại để đó là bộ sách dân tộc mà chúng ta cần phải thiết lập gồm có Kinh và Sử mà hết mọi người phải học, rồi đến Triết thì số độc giả đã hạn bớt vì nói chung khó đọc. Văn theo nghĩa cổ điển thì để tuỳ mỗi người chọn một ít. Còn văn theo nghĩa văn chương v.v… thì khỏi nói vì xưa nay vẫn có người xuất bản và tiêu thụ. Điều căn bản hơn hết là Kinh, Sử, Triết. Xưa nay quen nghe nói Việt Nam là một nước Văn hiến. Theo nghĩa thông thường thì “hiến” là những bậc hiền tài, còn “văn” là các điển chương kinh sách. Vậy muốn cho bốn chữ “Văn hiến chi bang” (nước có văn hiến) có nội dung thì cần phải thiết lập bộ sách dân tộc. Đó là việc lẽ ra phải làm từ lâu rồi, nhưng vì lâu đời bị đô hộ chưa nhận thức ra sự cần thiết. Vậy bây giờ chính là lúc phải làm. Xét về Sử và Văn thì đã có, chỉ cần chỉ định ra. Xét về Triết và Kinh thì cần phải bàn luận nhiều hơn, vì tuy có mà hóa ra không vì do thiếu sự chỉ định luận bàn. Vậy trong tập này chúng tôi sẽ chú ý đến hai loại đó hơn cả, nhất là triết. Vì nếu không có triết thì rồi có Kinh cũng kể như không. Nói khác, thiếu triết thì Kinh chỉ có trong thể bàng bạc vì không được chỉ tỏ ra một cách đích danh. Nhưng lối bàng bạc chỉ đủ cho ngày xưa lúc tâm tư con người còn đơn chất, chứ nay không còn đủ nữa. Triết có thể ví với xe tăng, tàu ngầm, máy bay, hoả tiễn v.v.. Thiếu triết là quân đội thiếu máy bay, xe tăng, hoả tiễn, tiềm thuỷ đĩnh. Khi đã có bộ sách dân tộc rồi thì ta sẽ hết lúng túng khi bảo con cháu tránh nạn vong bản, vì ta biết “bản” nó nằm ở sách nào, có thể đưa cho chúng đọc để chúng không bị lúng túng trước rừng sách vở. Làm thế sẽ tránh được cho chúng khỏi mất nhiều thì giờ đọc những sách không mấy giá trị vừa uống công vừa dễ mất tin tưởng vào dân tộc. Trái lại một khi đã có bộ sách dân tộc thì ta biết liền dâu là chỗ y cứ, đâu là sợi dây tinh thần để tâm hồn được ràng buộc với các nhóm Lạc Việt sống rải rác khắp năm châu bốn bể. Trở lên là nói đến dân tộc. Tuy nhiên cũng cần đặt vấn đề là có cần phải đề cao dân tộc nữa chăng khi mà con người đang bước vào giai đoạn văn hóa liên châu, bốn bể một nhà, thì những gì tư riêng chẳng nên dẹp bỏ sao? Đó là ý nghĩ chính đáng, và nếu chỉ có thế thì thực ra không cần đến bộ sách dân tộc. Đằng này trong thực tế con người đang trải qua cơn khủng hoảng trầm trọng. Đành rằng bốn bể một nhà, nhưng nhà nào, hình dạng nó ra sao? Nhân loại là gì, hay mới là một danh từ trừu tượng và thường bị lợi dụng để che đậy dã tâm thống trị. Chính vì thế mà chúng ta cần nhìn lại tình trạng nhân loại trước khi hòa mình vào thế giới đại đồng. Hãy khởi đầu từ Mỹ quốc. Dù hùng mạnh nhất hiện nay, nhưng Mỹ vẫn chưa hẳn là một dân tộc, một tổ quốc. Hai tiếng đó mới là “giấc mộng” chứ chưa sao thực hiện nổi như nhiều người phê phán. Lý do là vì còn thiếu một nền văn hóa đủ mạnh nên chưa có một bộ sách triết lý chính thức gọi được là của quốc gia. Mới có những triết học của tư nhân chưa có sự thừa nhận của phần lớn trong nước, và nói chung chưa vượt giai đoạn ích dụng chủ nghĩa. Thế mà ích dụng chủ nghĩa chưa đủ thỏa mãn con người toàn diện, bao gồm cả tầm kích tâm linh mà dân tộc phải có khả năng nuôi dưỡng. Cho nên kể là Mỹ thiếu triết. Đã thiếu triết là thiếu kinh điển. Còn Thánh Kinh thuộc tôn giáo nên không được hết các học giả lớn thừa nhận. Cũng phải nói như thế về các nước Tây Au khác hiện nay đang tan rã xét như là một tổ quốc hay một dân tộc, nhiều người hướng tâm hồn ra ngoài, hướng sang Đông phương huyền bí hay quốc tế đệ tam, đệ tứ là vì nền tảng văn hóa đã bị lung lay dữ dội, những đường rạn đã chạy cùng khắp xuyên qua luận lý, gia đình, quốc gia nên có gọi tổ quốc hay dân tộc cũng chẳng qua là do quen miệng hay vì một chút hương thừa của thời xa xưa còn sót lại. Cộng sản cũng cảm thấy điều đó, nên đã bỏ quê hương để lập ra quốc tế, lấy nhân loại làm đồng bào. Nhưng vì thiếu văn hóa nên quốc tế hay nhân loại chỉ là những danh từ trừu tượng, thực chất chỉ là một đoàn vật tranh mồi, tiếp nối việc người bóc lột người từ ngàn xưa, chỉ thêm có cái vụ dành độc quyền khai thác, cướp giật. Trong khi tinh thần trở nên đói khát, trống trải, cô đơn, nên nếu không có màn sắt trong ngoài với vô số tầng cán bộ thì người ta sẽ trốn khỏi các nước cộng sản trọn vẹn, làm sao gọi được là dân tộc hay quốc tế. Nhìn bao trùm như thế để thấy rằng tâm thức phần đông nhân loại đang ở trong thế sẵn sàng di cư, một cuộc di cư tinh thần để đi đến một quê mẹ, tức một nơi nào xứng đáng làm chỗ cư trú cho con người xét như là “nhân linh ư vạn vật”. Nhưng đâu là quê mẹ? Đâu là dân tộc, hay nói theo nay thì đâu là nhân tộc để đi tới? Và đó là lý do sâu xa nhất gây nên cuộc xao xuyến tâm hồn chung của nhân loại hiện nay. Đến nay thì chúng ta mới nhìn ra lý do trọng đại của bộ sách dân tộc. Nếu không có no thì rồi ngày kia khi vấn đề cấp bách sinh sống đã ổn định, lúc ấy tâm hồn mới cảm thấy xao xuyến, muốn tìm nơi hướng về thì sẽ khám phá ra một sự trống rỗng kinh khủng trên lãnh vực tinh thần đang buông phủ xuống khắp hoàn vũ. Nếu lúc ấy bộ sách dân tộc Việt đã thiết lập xong thì người Việt sẽ sung sướng cảm thấy nó đã đáp ứng không những cho mối tình dân tộc, nhưng một trật cũng đáp ứng mối tình nhân tộc. Tại sao dám nói thế? Độc giả sẽ tìm ra câu thưa trong tập này với hai quyển tiếp sau là Kinh Hùng và Sứ Điệp Trống Đồng (sẽ gọi tắt là Sứ Điệp). 3.2 - KINH ĐIỂN VIỆT NAM Nói đến kinh điển là nói đến bộ sách căn bản nhất mà mọi người trong nước phải tôn trọng, học hỏi và đặt nơi tôn quý nhất trong gia đình. Bộ sách đó chúng ta hiện còn thiếu. Sự thiếu này không phải do sự nghèo nàn, mà do tình trạng vong bổn, nên thiếu nhận thức thành thử những sách đáng mặt kinh điển không được nhìn nhận, nên nằm lăn lóc xó tối, chứ không được đưa vào chương trình quốc học, trái lại chương trình giáo dục lại đầy những sách vọng ngoại. Đó là điều cần phải sửa đổi gấp. Để một số sách đáng là kinh điển nó phải hội được những điểu kiện sau đây: Trứơc hết là sách phải được đặt nền trên nhân bản, tức là y cứ trên tính lý đại đồng có thể bất cứ ai và đời nào cũng suy cứu ngay nơi lòng mình mà khỏi cần quy chiếu đâu hết. Bởi vì một khi đã phải tìm tiêu chuẩn bên ngoài con người thì không còn là nhân bản, nên cũng không thể ăn rễ sâu xa vào lòng con người, không thể giúp nó phát triển hết mọi khả năng tiềm ẩn. Văn hóa La Hy thiếu sách dân tộc vì đã không đáp ứng được điều kiện tiên quyết này. Có lẽ thất hiền của họ là nhân bản nhưng sách đã thất lạc hết, chỉ còn lại có thần thoại, mà thần thoại thì tất nhiên không phải là nhân bản, nên không thể dùng làm sách kinh điển. Điểm thứ hai là sách kinh điển phải có tính chất tâm linh, đó là hệ luận do nhân bản. Nhân bản phải hiểu theo nghĩa tiến hóa lên mãi mãi cho đến chỗ siêu việt phổ biến, chỉ nơi đó mới có giải phóng đích thực, thiếu nó một sách hay đến đâu cũng chỉ thỏa mãn được tuổi trẻ, lúc đang cần bác vấn học hỏi thì cái chi cũng có thể lưu ý, nhưng ít lâu sẽ chán: chỉ khi nào sách bao hàm tính cách tâm linh thì dầu tuổi già cũng vẫn ưa, bởi càng vươn lên càng thấy thênh thang càng muốn tiến, vì nó hàm ngụ một cái gì siêu phàm: lôi kéo để vượt lên nữa đặng tới chỗ Uyên Nguyên. Vì thế yếu tố tâm linh đưa lại cho sách một tính chất vạn niên thanh, nghĩa là nhập vào con người muôn thưở không lúc nào cũ, luôn luôn mới, vì thế mà lối văn kinh điển phải u linh, có u mới linh nổi như Otto định nghĩa u linh là “tremendum et fascinans”, huyền bí đáng sợ nhưng lại lôi cuốn. Huyền bí vì không thấy bờ thấy đáy, nên gây một thứ rờn rợn khi tới gần, nhưng là thứ sợ nhiệm mầu gây nên niềm cung kính và lôi cuốn. Các sách triết học cổ điển của La Hy tuy đã cố đi vào nhân bản nhưng đó là những sách quá thiên về lý trí nên rõ ràng khúc chiết, và quá hệ thống nên gạt ra ngoài tất cả những gì âm u ngoại lý, vì thế chỉ hợp cho một giai đoạn: giai đoạn vươn lên của lý trí một cách độc chiếm mà không hợp cho con người mọi đời vừa có lý trí vừa có cái gì u uẩn man mác mà ta gọi là tâm linh. Vì thế đó là lý do thứ hai giải nghãi tại sao văn hóa La Hy thiếu sách kinh điển, tại sao cơ sở tinh thần của họ hời hợt phù phiếm, chỉ quanh quẩn ở đợt luật pháp, lợi hành mà thôi. Điều kiện thứ ba cũng là hệ luận của điểm thứ hai là giải phóng. Tâm linh chân thực bao hàm giải phóng tính tức là “tính chất dung nạp” tất cả những gì mới mẻ hợp thời. Đó chính là bảo chứng của sự giải phóng, của sự sống mạnh. Khả năng thâu hóa càng giàu thì càng sống mạnh, mà sống mạnh là tâm linh nhiều. Để được như thế thì kinh điển hầu hết phải dừng lại trên đợt minh triết uyên nguyên (sagesse principielle) tiêu biểu cho nền thống nhất, không bao giờ được đốc ra đồng nhất, nghĩa là không được đi vào những xác định chi tiết, là những cái rất chóng lỗi thời và dễ xâm nhập vào tự do cũng như dễ đánh mất trách nhiệm cá nhân. Chỉ có cá nhân mới có đủ thẩm quyền đưa ra những quyết định tư riêng tuỳ theo hoàn cảnh, cho nên bất cứ ai và nhân danh bất cứ thế lực nào để đưa ra những xác định chi li tròng lên đầu lên cổ người khác là đã xâm phạm tự do, lấp đường giải phóng và làm tê liệt sự phát triển nhân cách con người. Vì thế sách kinh điển phải có tính cách giải phóng, và dấu hiệu là lời văn âm u không cần gẫy gọn, để dễ bề linh hoạt các nền triết lý sẽ tự nó lần lượt xuất hiện qua các thời đại cũng như tuỳ theo tính khí riêng của từng tác giả. Lối văn mung lung đem lại cho kinh điển uyển chuyển tính cần thiết cho những cái gì làm nền móng tâm linh. Điều kiện thứ tư là phải có yếu tố bình dân, nghĩa là toàn dân trong nước ai cũng có thể tham dự phần nào. Vì dân tộc trung thực phải là nhân tộc, nên không được hạn cục vào một lớp trưởng giả như kiểu La Hy xưa. Sách chỉ có tinh thần trưởng giả sẽ đào hố sâu giữa thiểu số đặc ân và đại chúng đứng ngoài, như thế là trái ngược hẳn với sứ mạng của sách dân tộc là nhằm thống nhất toàn dân trong một tinh thần chung. Điểm này cũng thiếu trong các sách cổ điển La Hy xưa và các sách triết học của Tây Au hiện đại: mỗi người mỗi cố làm cho ra “đặc thù”, đến nỗi danh từ đánh mất chức năng truyền thông, chỉ còn có một số trí thức nhỏ xíu có thể hiểu được mà thôi. Điểm thứ năm là lâu đời. Lâu đời cũng rất quan trọng bởi dân tộc khác đại chúng ở chỗ nó có lịch sử, có di sản tinh thần, có sách của tổ tiên đã học trối lại, mà nếu sách đó có đủ điều kiện thì thật là cái may cho nó, vì sách sẽ như được bao phủ trong quầng sáng thiêng liêng, có uy tín nhiệm màu do tiềm thức tích luỹ, dân tộc Việt Nam thí dụ, không phải chỉ có từ những nhà Lý, Trần, mà trong nôi của nó là họ Hồng Bàng, tức lúc chìm trong cái âm u dĩ vãng ấy, lúc mà dân tộc còn đang ở tuổi thơ, đang còn bập bẹ, gọi là thời tiền ngôn, tiền niệm, nên những lời nói còn rất mông lung, thứ mông lung mềm dẻo mang theo rất nhiều khả năng biến hóa. Vì thế dân tộc nào đã thiếu sách kinh điển thì không làm sao có được, vì các đời sau có thể nảy sinh thiên tài viết những sách hay hơn, sâu sắc hơn nhưng âm u thơ ấu thì thời ấy hết rồi. Sau khi đã duyệt qua những điều kiện của một sách kinh điển. Bây giờ chúng tôi xin hỏi là nước ta đã có kinh điển chưa? Thưa có mà như không, tức không nhận thức ra được, nên kể như không. Vậy để tránh lỗ hổng nọ thì thế hệ này phải tận lực lưu tâm vào việc tối quan trọng này. Sau đây chúng tôi xin đề nghị một ít tên sách có thể dùng để kiến tạo cho bộ kinh điển của nước ta: Kinh Hùng Kinh Ước Kinh Ngữ Kinh Nghĩa Kinh Lạc Tương đương với kinh điển cho là: Kinh Thư Kinh Dịch Kinh Thi Kinh Lễ Kinh Nhạc Sở dĩ dùng danh từ khác để khỏi lầm, Kinh Ước lấy tên từ sách ước của vua Hùng. 1. Kinh Hùng Tên Kinh Hùng được đề nghị để chỉ 15 truyện đầu quyển Lĩnh Nam Trích Quái. Đây không những là sách đáp ứng đầy đủ năm điều kiện đã nói ở trên, nhất là điều kiện lâu đời. Tuy mới được thâu thập vào thế kỷ 15 do Trần Thế Pháp, rồi sau Vũ Quỳnh hiệu đính vào năm 1492, nhưng nội dung đã được khảo cổ và có sự chứng minh một cách phong phú là đã có lâu đời. Có những truyện từ đời Phùng Nguyên (lối ba ngàn năm tr.c.n) hay tới cả Bắc Sơn trước đây, cả mười ngàn năm. Chính sự lâu đời này đem lại cho sách nhiều cái nhìn trực thị quý giá, nó đại biểu cho thời thơ ấu của nước nhà, tức thời giàu linh tính làm nên một thứ tiềm thức cộng thông của nhân loại, nên rất sâu xa bao quát cũng như lâu đời nên đáp ứng luôn bốn điều kiện trên kia. Ngoài ra còn hai điều quý ít gặp được ở thần thoại các nơi khác là 15 truyện ấy gồm lại có mạch lạc, liên tục, nói về bản chất nước Văn Lang. Hai là có cả một bộ cơ cấu (mà chúng ta sẽ lôi lên mặt ý thức xuyên qua phần tham luận triết trong quyển Kinh Hùng cũng như trong quyển Sứ Điệp) sẽ đem lại cho bộ triết Việt một nét vừa độc đáo vừa hợp thời. Nhưng để thấy được chân giá trị cần vượt qua cả nghĩa đen lẫn nghĩa sử để đi vào nghĩa siêu hình, hay là tâm linh, vì ở đây các nhân vật đã trú bỏ phạm trù thời gian không gian để trở thành sơ nguyên tượng (archetypal image). Đó là điều cho tới nay đã không được nhìn ra như còn được ghi dấu lại trong chữ Chích Quái mà nhiều học giả có ý dùng để nhấn mạnh phần sáng tác của những người thu thập “có thể coi như tiểu thuyết”. (*) Vậy là đẩy sinh tượng xuống vùng ẩn dụ. Từ symbol u linh xuống allegory thuộc ý thức. Đấy là diệt tượng nên nói Chích Quái cũng là “chiết quái” theo nghĩa chiết là bẻ gãy, giết chết. Chích quái là giết chết tinh thần huyền thoại u linh. (*) Chúng tôi chỉ có ý bác ý kiến muốn gán công “sáng tạo” cho tác giả thu thập. Còn nói “trích” hay “chích” không quan trọng lắm, vì cả hai chữ có thể hợp nội dung sách. Trích là trích tuyển, chích có nghĩa là thu lượm. Cả đến một số dữ kiện lịch sử cũng chỉ nên coi là những mảnh vụn lịch sử, tức không nằm trong tuế thứ của sử địa nữa, mà chỉ nên coi là những dữ kiện thuận lợi dùng để xây dựng thành cốt truyện nên chúng không nhằm ghi những biến cố dĩ vãng làm mục tiêu chính, nhưng cốt chấm phá ra cái lược đồ, cái mô thức của nền văn hóa tương lai. Cái lược đồ ấy đã một thời xuất hiện nhưng rồi bị lãng quên, và hiện nay nó như nàng công chúa nằm ngủ trong rừng thẳm chờ một cái hôn tâm linh để sống lại, do một ý trung nhân nào đó, như lời Vũ Quỳnh hiệu đính đã nói “còn như đính chính làm cho rõ tinh thần, tìm ý nghĩa sâu xa thì còn chờ ở hậu lai hiểu cổ quân tử”. Sẽ không có người đó sao? Khởi vô kỳ nhân. Ai đọc văn nho nhiều tất cảm thấy những chữ “kỳ nhân” rất nặng kỳ, đó sẽ không là văn học gia, càng không phải tiểu thuyết gia mấy thế hệ vừa rồi, mà ít ra là triết nhân. Tiện đây xin giới thiệu bộ dã sử Trung Quốc do các học giả đời Tống và Minh thu thập, tựa là “Lĩnh Nam Di Thư” trong đó có phần gọi là Bách Việt Tiên Hiền Chí. Di Thư là sách bỏ sót: tuy không gọi là kinh, là truyện nhưng không dám kêu là quái. Như vậy tỏ ra cao tay hơn những người kêu là quái. Đó là hạ xuống nghĩa đen, và ít lâu nay mới nghĩ đến nghĩa lịch sử mà chưa nhìn ra ý nghĩa nguyên ngôn (logos) của tiền nhân trối lại. Vậy đó phải là việc của chúng ta. 2. Kinh Ước Được đặt sau Kinh Hùng để lược đồ hóa những nét đặc trưng của văn hóa Đông Nam là nét song trùng hay là lưỡng hợp tính (dual unit) hoặc là lưỡng nhất tính như chúng tôi đã dùng trong quyển Chữ Thời. Gọi bằng tên gì cũng được, miễn nó giúp cho nhận ra đó là nét đặc trưng của Đông Nam Á, mà dẫn đầu là Lạc Việt đã hội nhập nét đó dưới tên đầy thi vị là “Tiên Rồng”, sau này nho kêu là âm dương làm nên Kinh Dịch. Và đó là nền tảng của văn hóa Việt nho. Nét đặc trưng đó quý giá vô biên vì hễ nền văn hóa nào có nó là đi vào thế biến dịch, khác với những nền văn hóa nằm trong thế im lìm: mà im lìm là đổ vỡ trước khoa học vi thể đang khám phá thấy mọi sự đều biến dịch. Với nét song trùng lưỡng hợp, văn hóa Việt nho đi vào thời mới một cách thanh thản như một nhân chủ đầy tự do chọn lựa (khác với con người dưới ách định mệnh của Hy Lạp một chiều) vì đã thấy mở ra trước mắt mãi từ đợt căn cơ có sẵn hai đường, cũng được gọi là vòng trong vòng ngoài, nên con người vẫn ở thể lưỡng hành tức đi trên cả hai đường của tiểu ngã lẫn đại ngã. Huyền thoại nói Hùng Vương có “sách ước” thì chính là chỉ Kinh Dịch vì sách ước không có chữ. Vậy chính đó là Kinh Dịch ở thời không chữ (chữ hiện nay trong Kinh Dịch thêm vào sau nên kêu là Hệ từ: lời buộc vào sau). Trong quyển Dịch Kinh Linh Thể chúng tôi có nói đến nguồn gốc Việt của Kinh Dịch, vì nền tảng sách này là âm dương mà khởi đầu là nét song trùng, hoặc lưỡng hợp. Vậy mà không nước nào mang sâu trong mình nét lưỡng hợp đó như Việt Nam không những dưới những danh từ đầy ý nghĩa (Giao Chỉ, Văn Lang) mà còn cả trong vật biểu (Tiên Rồng). Đấy là nền tảng sách ước thường đi với gậy thần của tổ Hùng Vương. Toàn thể Kinh Ước có thể tóm vào ba chữ Tiên Rồng Hùng, còn Kinh Dịch là âm dương hòa. Rồi âm dương được quảng diễn trong hai Kinh Lễ và Nhạc. Kinh Lễ để chia ra thứ lớp cho có tôn ti. Kinh Nhạc cho hòa hai thành một: lưỡng mà nhất là vậy. 3. Kinh Ngữ Đặt tên theo ca dao tục ngữ. Vì đây là bản thâu tóm các lời của dân gồm ca dao, tục ngữ, đồng diêu, phương ngôn được thu thập do quan Thái Thi với bộ “Nạp Ngôn”, nói là ở đời Nghiêu Thuấn, mà thực ra đó là biểu hiệu cho nét đặc trưng của văn hóa Đông Nam, một nền dân chủ sớm nhất và trung thực hơn hết. Bởi được xây trên lời dân mà không xây trên thuyết lý của đảng phái này, mặt trận nọ hay tiếng nói nào khác không phải của dân. Đó là lý do tại sao Việt Nam rất giàu ca dao tục ngữ. Và đây sẽ là Kinh phong phú và đặc trưng nhất. Vì những ca dao, tục ngữ là văn hóa của nhân dân nên mới có chức quan đi thâu về và khi thâu rồi thì không vất nó vào xó, nhưng đặt vào nơi cung kính nhất gọi là Kinh Điển, cho nên kinh điển của Việt nho chính là những nguyên ngôn do dân tự phát (như đã bàn kỹ trong sách Việt Lý, bài “Tiếng Dân” và Tinh Hoa Ngũ Điển, bài “Khi dân viết sách”). Kinh Ngữ của Việt phải là bản thâu thập những ca dao, tục ngữ sẽ do một uỷ ban chọn lựa rồi hệ thống và chú giải. Cũng phải nói như thế về các kinh khác: tất cả đều do uỷ ban định đoạt cả.
4. Kinh Nghĩa Việt nho quen nói nhân nghĩa, thì nhân là đạo lý chung, còn nghĩa là đem nhân áp dụng vào đời sống, sao cho mối liên hệ giữa người với nhau vẫn giữ được tình người. Ngày nay ta quen nói là mối giao liên giữa người với người là có ý chống lại những liên hệ coi tha nhân như sự vật “như cái đó”: je et cela, Mỹ kêu là I-that. Những liên hệ kiểu đó bắt nguồn từ liên hệ trong xã hội cổ La Hy là chủ nô (master-slave) là liên hệ đặt trên tài sản có của với không có của làm nảy ra hai lớp người tự do và nô lệ, đó là điều nên tránh. Trái lại phải làm sao để người đối xử với người trên căn bản người, tức không có đặt cái gì trên người để tình người khỏi trở nên mông lung trừu tượng, đó là điều Việt nho đã cố làm khi đặt ra ngũ thường để nói lên phẩm tính của từng liên hệ. Thứ tự năm mối nhân luân theo Việt nho là: Vợ chồng thì nghĩa. Cha con thì hiếu. Vua tôi thì lễ. Anh em thì đễ (nhường nhịn). Bạn bè thì tín. Không có liên hệ nào đổi phương xuống làm nô lệ theo kiểu chủ nô nhưng tất cả đều được kính nể để hòa hợp. Nói khác thống nhất mà không đồng nhất. Ở liên hệ chủ nô thì nô mất tư cách, vì đó là thể đồng. Trong thống nhất thì một mà hai (dual unit): nếu vua là người thì dân cũng là người, và ai cũng có tài sản khỏi làm nô lệ cho ai. Đó là ý nghĩa của ngũ thường trong Kinh Nghĩa. Ngoài ngũ thường thì còn một số lễ đặt ra cho những trường hợp đặc biệt như quan, hôn, tang, tế. QUAN: giống với lễ thành đinh của ta xưa. Đó là lễ cha mẹ trả cho con cái quyền tự do, tự trách nhiệm mà trong thời con chưa thành nhân mẹ cha đã phải tạm lãnh nhận. Nay con cái đến tuổi thành nhân thì làm một lễ trao trả lại quyền ấy để cho con được trở nên người toàn diện tự định, tự quyết, tự lãnh trách nhiệm về đời mình (đã bàn rộng nơi khác). HÔN: cũng là lễ đặc biệt nói lên sự tương kính giữa vợ chồng, nên xưa này có lễ tương bái- vợ lạy chồng, chồng lạy vợ. Xưa kia lạy thay vì cúi đầu xá… Trong Kinh Hùng thường dùng chữ “thê” để chỉ vợ thay cho “phụ” là để nói lên sự tương kính nọ như trong câu “phu thê đại tướng” cả hai là đại tướng chứ không có chuyện “tam tòng” do Hán nho bày đặt. TANG: vẫn được xã hội theo nguyên lý mẹ duy trì, thường là để tang ba năm, để nói lên mối tình con cái đối với cha mẹ phải vượt không gian thời gian kéo dài bên kia mồ. Nếu hiểu là táng thì cũng nói lên xác con người là nhân linh, có phẩm tước, không nên coi như xác con vật, mà chôn vùi cẩu thả hay vất bỏ được. TẾ: được hiểu là lễ gia tiên mà ban đầu hiểu thấp là cúng cơm cho hồn rồi sau hiểu cao hơn một đợt nữa là tỏ lòng hiếu thảo sâu xa với mẹ cha. Cuối cùng hiểu lên đợt ba là nhân tính con người cũng đáng thờ. Đó là ý nghĩa lễ gia tiên ở đợt triết lý. Đại để đó là mấy ý chính có thể làm cương mục cho Kinh Nghĩa, nói lên lược đồ cụ thể về mối liên hệ người với người đặt trên lễ. 5. Kinh Lạc Nếu lễ chia ra tôn ti trên dưới, thì nhạc lại cố hòa lại để thể hiện lưỡng nhất tính: lưỡng thì chia hai, nhất thì hòa lại một (dual unit). Vì thế mà tiên tổ Việt đã nhấn mạnh đến nhạc, đến độ có liên hệ giữa nhạc và lạc “nhạc giả Lạc dã”. Có người giải nghĩa lạc là vui thì còn hẹp, nhạc có vui mà cũng có buồn, bao gồm cả vui, thương, mừng. Cho nên tôi thích hiểu câu “nhạc giả lạc dã” như thế này: người làm nhạc thích nhạc hơn hết chính là dân Lạc (Việt). Dẫu sao thì ban đầu Bách Việt cũng có một nền nhạc nhân dân rất phong phú như còn thấy được dấu vết ở nước Tề gọi là “tứ phương chi nhạc” mà sách Chu Lễ (bản dịch Biot II, p.67) gọi là “Tứ di chi nhạc”. Ta biết Tứ Di là một tên của những nhóm Bách Việt ở phía đông, làm chủ không những nhạc mà cả vũ mà khi vũ lại đeo lông chim, thế mà thời cổ người Tàu cũng đeo lông chim khi múa, thì ta biết lúc đầu nếu Tàu không mượn của Tứ Di thì cũng có chung với Tứ Di một nền nhạc phong phú còn lưu giữ nhiều ở nước Tề. Khi Không Tử sang nước Tề nghe nhạc Cửu Thiều thì cảm kích sâu xa đến nỗi ba tháng liền không biết mùi thịt. Cửu Thiều liên hệ với “Tứ Di chi nhạc” là thế. Đó là lý do giải nghĩa tại sao dân nhạc Việt phong phú một cách kỳ lạ. Có nhóm du ca đã thâu được 5 ngàn bai. Như thế nhạc phải là một trong 5 kinh, chúng ta cần thiết lập lại câu “nhạc giả lạc dã” theo nghĩa trên. Quyển Sứ Điệp sẽ khai triển triết lý hàm tàng trong trống đồng, được coi như nhạc khí của phương nam và đại biểu cho đức trung ương. Nên Sứ Điệp Trống Đồng có thể coi như một phần triết lý của Kinh Lạc, vì nó chưa biểu thị đồ sộ của những bài ca cổ nhất của Việt nho như Hàm Trí, Đông Quân và Nghê Thường Vũ Y Khúc. Trên đây là mấy ý chính cần đựơc thực hiện. Theo hoàn cảnh tị nạn tản mát hiện nay khó lòng lập uỷ ban đàng hoàng. Vì thế chúng tôi đề nghị một số đứng ra làm, có thể mời các bạn quen cùng cộng tác. Sau đó in ra để trưng cầu dân ý hết thảy. Sau một thời gian năm mười năm sẽ sửa đổi theo các đề nghị đích đáng; rồi cho in hẳn. Và từ đấy không nên đổi. Nếu có cần thêm thì nên mang tên “tục Kinh Hùng”, “tục Kinh Ngữ”, “tục Kinh Lạc”… Hiện chúng tôi đã gợi ý một số bạn lưu tâm đến riêng từng kinh. Riêng chúng tôi đã xin đề nghị Kinh Hùng và thêm phần luận bàn triết lý sẽ cho ra trình làng khi có phương tiện. Sau đó có thể đưa ra Kinh Hùng đợt hai gồm một số truyện lấy từ Việt Điện U Linh, Truyền Kỳ Mạn Lục… hay những truyện giá trị thâu thập đựơc sau này. Cũng phải nói như thế về các Kinh khác: đợt đầu gồm những thu thập trong quãng năm mười năm. Sau nếu có thêm sẽ được để vào đợt hai. Như vậy bộ sách dân tộc đợt đầu
gồm mười quyển: năm kinh, một sử, vài ba quyển triết và
dăm ba cổ điển. Vị chi lối mười hai quyển: như vậy không đến nỗi
quá nhiều hay quá ít. 3.3 - CỔ ĐIỂN NHÂN VĂN Cổ điển (classics) là những áng văn đã thành tựu một cách vượt bực, có thể đại biểu văn chương học thuật cho một giai đoạn, coi như đỉnh cao nhất của giai đoạn ấy. Mỗi giai đoạn sẽ có một vài quyển được chọn lựa. Về sự “bỏ phiếu” cho những quyển nào đáng danh cổ điển là quyền của toàn dân, thường được hiện thực êm thắm bằng sự công nhận của nhiều người. Số người công nhận càng thiếu càng bền bỉ thì đấy là dấu hiệu sách được chọn. Vì thế sự lựa chọn đòi hỏi thời gian. Ở đây chỉ có ý bàn đến vài điểm tạm dùng như cái sườn của quyển sử văn học liên hệ tới cổ điển. Nền quốc học của ta có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn một được gọi là truyện cổ tiếp theo giai đoạn kinh điển, gồm thời Bắc thuộc cho tới thế kỷ XVI nên lựa chọn một số truyện tiêu biểu thí dụ Tấm Cám, Sọ Dừa, Thiếu Phụ Nam Xương, Trương Chi, Lưu Bình Dương Lễ v.v… Đó là những truyện nói lên tinh thần nghĩa hiệp (tả nhậm) bênh vực những người lép vế, như con riêng trong truyện Tấm Cám, bênh vực em út hạ anh cả có tính hay chèn ép như truyện Cây Khế, Thiếu Phụ Nam Xương nói lên tinh thần kiên tâm chờ đợi. Lưu Bình Dương Lễ nói lên mối tình bạn thâm sâu. Giai đoạn hai là truyện thơ nôm từ thế kỷ XVI-XX có thể chọn trong số 36 truyện ghi trong bài thơ 78 câu với nhan đề “Trống Quân Tân truyện” được kể là những truyện dân chúng yêu chuộng nhất, trong đó có Phạm Công Cúc Hoa, Nhị Đô Mai, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán, Phan Trần, và nhất là Truyện Kiều. Giai đoạn ba là thơ mới và tiểu thuyết. Loại này có phần khó ở chỗ còn gần quá, nên sự chọn lựa sợ chưa được thực sự khách quan hoặc tác phẩm chưa được thử thách đủ với thời gian. Nếu chưa chọn được thì để lại cho một hai thế hệ sau sẽ làm. Cổ điển không những có trong văn chương mà cả trong triết lý và sử nữa. Về triết thì chưa phải chọn vì chưa có, nên chúng ta phải tân tạo, rồi sau dăm ba thế hệ, con cháu mới có nhiều công trình để lựa chọn cổ điển triết. Về sử đã có thể chọn lựa chưa? Trong một quãng nào đó chỉ có quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim nên được coi là một thứ cổ điển không vì được chọn mà vì duy nhất. Đến nay thì hoặc đã có được quyển thứ hai nữa chăng? Xin các nhà chuyên môn về sử phân định. Chúng tôi xin nói đến một loại sử riêng, đó là
Lịch sử tiểu thuyết Đây là loại rất hữu ích trong việc truyền bá sử cũng là truyền bá lòng yêu nước thương nòi cho quảng đại quần chúng. Thành công trong phương diện này có lẽ không đâu bằng Trung Quốc với vô số lịch sử tiểu thuyết được dân chúng hâm mộ. Trong số đó phải kể trước hết đến Tam Quốc, rồi sau đến Đông Chu Liệt Quốc và Hán Sở tranh hùng. Cả ba nhất là Tam Quốc đã trở thành cổ điển quốc tế, rất nên cho con em chúng ta đọc. Hơn thế nữa đối với Việt Nam thì nó còn nói lên rất nhiều nét đặc trưng về Việt lý như nhân, nghĩa, tín, trực nên ta có thể coi đó là một công trình chung của Việt nho (nhưng phải đọc bản toàn bích mới thấy được cái tinh hoa chứ quyển tóm lược đã bị róc hết những cái lý thú thâm trầm. Bản tóm lược nhà Ziên Hồng tái bản quá nhạt nhẽo tầm thường, đã vậy mà còn khó hiểu nữa, giết văn chương nghệ thuật). Thật đáng ứơc ao làm thế nào cho nước Việt ta có được một vài bộ lịch sử tiểu thuyết loại đó. Về điểm này có một việc đáng làm ngay mà không cần tiểu thuyết hóa nhưng có lẽ khó hơn tiểu thuyết hóa nhiều: đó là các trận chống xâm lăng, từ vụ khởi nghĩa của các bá Trưng Triệu xuyên qua các trận Bạch Đằng của Ngô Quyền, trận Chi Lăng của Lê Hoàn, trận Sông Cầu của Lý Thường Kiệt dẫn đến các trận kinh thiên đời Trần: Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng, trận Chi Lăng cũa Lê Lợi cho tới Quang Trung với các trận Ngọc Hồi, Đống Đa. Chỉ cần chi tiết hóa và khéo xếp đặt tình tiết chứ chưa cần tiểu thuyết hóa, chúng ta đã có một sách đầy sức lôi kéo. Rất mong điều này được một văn giao nào đó chú ý tới. Chúng tôi nhớ lại khi xưa đọc sử Trần Trọng Kim tả về những trận chống quân Nguyên mà cảm thấy hồi hộp y như đọc trận Xích Bích trong Tam Quốc, và nhất là từ đấy tôi cảm thấy tự hào về dân tộc. Tôi tự hỏi vì lý do nào một nước nhỏ xíu bên cạnh một nước khổng lồ mà có thể chống cự được. Nhất là nước khổng lồ đó đã thắng trên năm mươi trận lớn từ Tây sang Đông, nhưng khi quay xuống Việt Nam lại bị thua. Thua thực sự chứ không do may rủi chút nào, thua đang lúc khí thế quân Nguyên lên cao nhất, và thua sau khi đã đánh tới ba lần dãn ra trong ba mươi năm, vậy mà vẫn bị đẩy lui. Đó thực là một vinh dự vẻ vang riêng cho Việt Nam không đâu có được. Những trận chiến trên đây dầu vậy mới là cái vang bóng bên ngoài, còn chính văn hóa Việt mới là cái linh hồn, và linh hồn đó cũng phải trải qua một cuộc trường kỳ kháng chiến mà bộ sách dân tộc sẽ phải nói lên, từ truyện Thánh Dóng chống giặc An, xuyên qua các bà Trưng Triệu. Một cây bút có tài sẽ dùng những trận thắng bên ngoài để làm nổi bật sức mạnh tinh thần bên trong. Nhưng nếu muốn nói riêng về thời thai nghén ra tinh thần đó thì phải chú ý tới thời Hùng Vương khai quốc, mà thời này thuộc khuyết sử, nên ta cần đến một quyển mà tôi xin gọi là: Văn Lang huyền sử Quyển này sẽ lưu ý đặc biệt đến thời xa xưa đó để có một sách bề thế như Tam Quốc. Vì đây là thời đại đặt nền tảng cho cái hồn kháng chiến trên kia cũng như cho cả nền văn hóa nước nhà trải qua hơn bốn ngàn năm, một nền tảng vững vàng về nhân bản trung thực như chưa bao giờ thấy ở nơi nào khác kể cả Trung Quốc. Bên nhà, vào năm trước khi mất nước, đã thấy xuất hiện quyển Văn Lang huyền sử (?), tôi không nhớ hẳn tên sách cũng như tên tác giả. Đọc lướt qua thì nhận thấy đó mới là sự thử thách đầu tiên chưa nói lên được bầu khí văn hóa thời Hùng: tác giả chưa nắm được tinh thần then chốt Văn Lang, nên còn để trà trộn khá nhiều những yếu tố ngoại lai, lại còn đang mơ tưởng tới giải pháp giàn hòa, làm cho sách mang quá nặng tính chất thời cuộc, không đủ dài rộng và cao để có thể trở thành một cổ điển. Chúng tôi cầu ước được một số nhà văn lưu tâm để ra dăm mười năm xây dựng một bộ huyền sử vững chắc về thời Hùng. Nếu có được một quyển như thế với một quyển sử tả kỹ về các trận đánh lớn, cùng với quyển nhỏ bằng thơ (chừng vài trăm câu) để làm khung lịch sử thì phần việc duy trì văn hóa Việt của văn học đã thực hiện được một phần rất quan trọng. Nếu đề nghị
sách dân tộc được hưởng ứng rộng rãi và
có được thêm tài chánh thì
chúng tôi nghĩ đến việc đặt giải thưởng cho công
trình này. Biết rằng những người đã dấn thân
vào việc làm không mấy chú ý tới
thưởng hay không thưởng. Nhưng với quốc dân đồng bào
thì đặt giải thưởng làmột cách lôi
chú ý nhiều người đến những việc hệ trọng duy trì
và kiến tạo văn hóa dân tộc. Đó cũng
là thêm một việc cho Việt kiếu hải ngoại, thêm một
sợi dây tích cực ràng buộc đồng bào hiện
đang tản mát trên khắp năm châu 3.4 - VAI TRÒ TRIẾT LÝ TRONG VIỆC DỰNG NHÀ GIỮ NƯỚC 1. Triết lý Triết lý hay triết học là danh xưng mới đối với Đông phương. Trước kia chúng ta chỉ có danh từ đạo hay triết, hoặc triết nhân thôi. Thực ra thì nội dung là một, chúng ta đã có từ lâu, ít nhất từ ngày Hùng Vương khai sáng nước Văn Lang. Còn triết lý xét như một hệ tư tưởng có phân tích kết cấu mạch lạc thì ta chưa có. Vậy mà nó lại là điều cần thiết cho giai đoạn tiến hóa hiện đại, giai đoạn mà lý trí loài người đã phát triển cao độ, đòi hỏi những hệ tư tưởng mạch lạc. Đây là sự cần thiết tuy mới nhưng rất quan trọng đến nỗi văn hóa nào thiếu thì sẽ ngã quỵ mặc dầu thiện chí tự bảo vệ có thừa. Lâu đời bất dịch như văn hóa Việt nho mà đến nay bị thua những văn hóa kém nội lực thì đủ biết triết lý cần đến chừng nào. Sự bi đát này xảy đến cho chúng ta như được báo trước “đạo mất trước, nước mất sau”. Đó là chân lý còn đang nóng bỏng trong xương tuỷ của con dân nước Việt. Tất cả đang quằn quại trong cảnh nước mất nhà tan. Lý do sâu xa là tại đã mất đạo. Mất bao giờ? Xin miễn đi xa hơn mà chỉ xét tới quãng chung quanh năm 1930 thì thấy rõ đạo đã mất rồi hay ít nữa đã lu mờ đến độ không còn ai nhận diện ra nữa. Xin lấy hai thí dụ về quốc học và văn hóa. Trước hết là vụ quốc học được đặt thành vấn đề. Việt Nam có quốc học hay chăng? Phan Khôi và Phạm Quỳnh cho là không: tất cả đều học mướn viết nhờ của Tàu. Cụ Lê Dư đã phản pháo cho rằng có vì ta có quốc văn, quốc sử, quốc tuý. Ít lâu sau cụ Nguyễn Trọng Thuật đứng ra điều đình vụ án quốc học và nghiêng về phe có. Không những chấp nhận ba yếu tố của Lê Dư, cụ còn đưa thêm vào bốn yếu tố khác là quốc văn tự, địa dư chí, cổ điển và ngạn ngữ. Tuy nhiên không phe nào đánh ngã được phe kia nên vấn đề vẫn còn nằm đó. Đứng về phương diện triết mà bàn thì cả hai phe không tìm ra giải pháp mà chỉ có được ít lý sự vòng ngoài. Phe bảo không nói đúng ở chỗ ta vay mượn chữ viết của Tàu, nhưng vay mượn chừng nào và từ đâu, còn nội dung là gì, có vay chăng thì chưa xét nổi. Thế mà chính cái nội dung làm nên thực thể văn hóa riêng biệt không thể giản lược vào văn minh Tàu được. Cho nên có thể nói sự thực nghiêng về phe có, nhưng phe này cũng gặp bế tắc, vì nếu hỏi quốc tuý là gì? Cổ điển khác kinh điển thế nào? Đâu là nét đặc trưng của ta mà Tàu không có. Văn hóa của ta có đáng duy trì trong giai đoạn liên châu này không? Cả hai phe đều không đưa ra được lời thưa thấu đáo. Sự bất lực đó truy căn ra là vì thiếu triết. Những câu thưa trúng chỉ mới ở đợt lương tri, nên chỉ là những câu quyết đoán khái quát không phải triết học. Vì triết học xét như một khoa học phải đi vào chiều sâu bằng những phân tích, đối chiếu, suy tư phát triển để xuyên qua những dữ kiện cũ nhìn ra được những liên hệ mới mà thường nhân không nhìn ra kể cả văn học, văn chương cũng thế. Có vậy mới đáng tên triết học và mới đủ sức đưa ra một chương trình giáo dục xứng danh là quốc học cũng như đủ sức khắc phục đối phương để đưa họ cùng đi vào một đường thống nhất. Tất cả những điều đó đều thiếu nên chương trình giáo dục trở thành bật rễ, vướng mắc đầy mâu thuẫn, vì đây chỉ là văn học trường ốc hàn lâm, không khéo thì học lắm ngu nhiều. Huống nữa văn hóa hậu trường quen gọi là văn chương, văn nghệ thì càng tán loạn. Không một văn đoàn nào định nghĩa nổi thế nào là dân tộc tính, thế nào là quốc hồn, ta mượn Tàu ở đợt nào, Tàu có mượn ta chăng? Nếu có thì là những gì? Không trả lời được bấy nhiêu mà chỉ cố gắng thâu thập cho thật nhiều, hầu như trọn vẹn của Au Tây, vô tình trở nên những ống loa tuyên truyền cho văn hóa ngoại lai. Nam Phong thì hết sức vòng ngoài đầy mâu thuẫn. Tự Lực Văn Đoàn thì càng bật rễ hơn nữa; đi đả phá cơ cấu văn hóa nước nhà nằm ẩn trong cái đình, cái làng. Vì không nhìn sâu nên không phân biệt nổi đâu là thuần phong, đâu là hủ tục, tận lực phá đổ tinh thần công thể để tiếp rước cá nhân chủ nghĩa với yêu thương lãng mạn: hạn hẹp vào một người, “khi người ấy vắng mặt là cả vũ trụ hoang tàn” (un seul être vous manque et tout est dépeuplé). Lịch sử đã cung ứng đủ bằng chứng cho thấy những tranh đấu cho cá nhân lãng mạn là những tiền hô dọn đường cho chuyên chế. Từ lãng mạn tiền chiến đến thống trị bạo tàn của cộng sản hiện nay chỉ là sự lập lại những nẻo đường quen thuộc của nhân loại: từ quá tự do dẫn đến chuyên chế. Từ Jean Jacque Rousseau xuyên qua Kant đến phát xít. Tất cả những lầm lỡ vô tình trên đây đều gây ra do một sự thiếu vắng nền tảng là thiếu triết. Thiếu triết là thiếu kinh. Triết giống người đi khám phá thiên tài màn bạc. Thiên tài dầu có nhưng nếu không được giới thiệu thì cũng nằm chết khô trong bóng tối, thí dụ cụ thể là quyển Kinh Hùng không tìm được chỗ đứng trong chương trình giáo dục đang khi những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn giàng hàng ra ngồi chễm chệ trong chương trình từ trung học đến đại học. Như vậy làm sao không sản xuất ra những trí thức tán loạn. Rõ ràng thiếu triết là thiếu kinh tức thiếu sợi dây ràng buộc, nên các giá trị của văn hóa dân tộc có đáng quý mấy đi nữa mà ở thế lẻ tẻ thì tan bay mau lẹ vì có ai chỉ tỏ ra cho thấy nó quý ở chỗ nào đâu. Nếu nay hỏi Việt Nam có những giá trị nào thì các học giả, các văn gia sẽ trả lời đó là tính cần cù, tính ham học, đề cao lễ nghĩa, thích giàn hòa hơn tranh đấu v.v… Đó là những câu thưa đúng, nhưng mới ở vòng ngoài thuộc lương tri bé nhỏmà chưa thấu vào vòng trong, làm sao kết hợp để làm nên cơ sở tinh thần. Ít năm nữa gió bốn phương sẽ thổi bay tan tác hết. Chống công lúc này cũng rất hăng, nhưng phần lớn mới là tiêu cực, vụn mảnh, nếu không tìm được một đạo lý tích cực thì không thể lâu dài. Trên đây chỉ là mấy nét đại cương (chúng tôi đã bàn dài trong quyển Vấn đề quốc học và định hướng văn học cũng như Hiến chương giáo dụ) để nhắc lại trong các căn do gây ra sự mất nước thì sâu xa hơn cả chính là do thiếu triết. Chúng ta muốn kiến quốc, hay muốn duy trì hồn nước thì cần lưu ý đến triết lý như một nhu yếu trở nên khẩn thiết trong mặt trận mạnh được yếu thua của các nền văn hóa hiện nay.
2. Dòng văn hiến Tuy nhiên đến đây cần nhấn mạnh một điểm khác tày trời giữa triết lý nhân sinh và triết học trường ốc. Nói chung thì Tây Au chỉ có triết học trường ốc mà cụ thể là sự thâu lượm của dăm chục tác giả mà tôi quen gọi là triết học gia hay ý hệ gia (ideologues) tức là những người suy luận trên các ý niệm trừu tượng rất xa thực tế. Chính những ý gia này làm cho người đời coi thường triết. Chính họ kể từ Platon xuống tận nay đều là những triết học gia vong thân, khó lòng tự lực sinh sống, nên thường được nhà nước trả lương để trở thành triết học trường ốc có thể xa đời sống thực tại, chỉ cần đưa ra những đề tài mới lạ mà không xét nó ích lợi cho đời sống con người hay không. Nó có giúp nhìn ra đạo làm người là thế nào? Cho nên họ đã làm cho sự tìm ra đạo làm người trở nên vấn đề cực kỳ khó khăn hầu như chỉ trong muôn một mới nhìn ra. Rồi đây trong quyển Sứ Điệp chúng tôi sẽ vạch ra các lỗi lầm căn bản của các ý gia. Ở đây chỉ nói rằng triết lý mà chúng tôi bảo là cần thiết cho chúng ta, đúng hơn cho cả nhân loại, cho cả mọi người ít ra cho những ai còn muốn sống hết mọi chiều kích của con người thì phải là một triết lý nhân sinh, hay nói kiểu xưa là một đạo sống, một đạo thành nhân, mà không chỉ biết thành công như nay. Muốn được như vậy thì phải có những người sống cái triết lý đó; họ sẽ là những kết tinh triết, làm cho một nền triết nhập vào đời sống cụ thể. Xin gọi những người đó là “văn hiến”. Việc đầu tiên của họ là phải tìm ra được đạo sống đó trong di sản thiêng liêng của chúng ta. Tìm ra để mà học hỏi, thấm nhuần hầu giúp cho nước ta có những văn hiến, theo nghĩa là những người hiến thân cho văn, thứ văn đang cho chúng ta hiến thân. Đó là một thứ hạnh phúc ít được nhận ra. Vì không nhận ra rằng có vô số văn chẳng đáng hiến thân chút nào. Quả thật chỉ khi một tâm hồn đã đạt độ tiến hóa nào đó mới nhận ra được cái khổ tâm vô biên khi không biết hiến thân cho ai? Cho cái gì? Chỉ có triết lý nhân sinh mới đáp ứng nổi nhu yếu thâm sâu nọ. Chính nền triết lý nọ làm nảy sinh những con người có tinh thần hùng cường, với ý tình chí thống nhất. Muốn kiến thiết một nước mạnh bằng đường lối thống nhất thì cần đến những tâm hồn thống nhất như vậy. Xa xưa tiên tổ ta đã có những văn hiến đó nên gọi nước là “văn hiến chi bang”. Sau già nửa thế kỷ tiếp cận văn minh Tây Au, và sau mấy chục năm đắng cay nếm mùi của các văn hóa ngoại lai đó chúng ta mới hiểu được chữ văn hiến nặng ký đến trình độ nào. Tóm lại khi nói đến sự cần thiết của triết thì chúng tôi tuyệt nhiên không có ý bảo phải đi học triết như đựơc giảng dạy trong các lớp hiện nay. Đó là việc chuyên môn dành cho rất ít người. Nhưng ở đây muốn nói đến đạo làm người, nói đến triết lý nhân sinh, mà mỗi người trí thức trong một nước cần phải học hỏi suy niệm để làm thế nào trong nước có được một số văn hiến đủ sức chống chọi lại các làn sóng duy vật, duy lợi đang đe dọa nhận chìm mọi giá trị cao thượng của con người. Hễ bao giờ chúng ta gây lại được một số văn hiến nào đó thì dù sao Việt Nam sẽ còn là Việt Thường nghĩa là mãi mãi còn là một thực thể văn hóa nêu cao lá cờ “Vị Nhân” trong hoàn vũ. Vì thế sau bước thứ nhất tìm kiếm, khảo luận, học hỏi thì đến bước sau là sống, là truyền bá ra cho thực rộng để làm thành một bầu khí tinh thần dân tộc. Trên kia một khi đề cập đến sự trường cửu của dân tộc Do Thái tôi mới nói tới kinh thánh mà chưa nói tới yếu tố thứ hai rất quan trọng cho sự trường tồn của họ đó là công hội (synagogue). Công hội chính là nhân tố sống vì xuyên qua nó Thánh Kinh mới có đường lối cụ thể để ngân vang đến tận tai từng người. Vậy công hội là một công cụ để mỗi người dân Do Thái gắn liền với Thánh Kinh, theo đó mỗi người muốn là dân Do Thái thì phải đi tham dự các phiên họp của công hội được tổ chức hàng tùân vào ngày thứ bảy, nhờ đó sự nhận thức về mối liên hệ không những là dân tộc mà còn là dòng tộc trở nên sống động sâu xa vì luôn luôn được tài bồi củng cố. Hỏi rằng Việt
Nam có thể có một thể chế như vậy chăng? Thưa rằng
không mà có. Chúng ta không có
công hội với những phiên họp thường xuyên buộc mọi
người tới dự, nhưng lại có cái đình và Văn
Miếu. Nay nếu ta cộng cả hai lại thì sẽ có một thể chế
giống công hội. Ngoài những dịp lễ giỗ tổ, lễ giỗ anh
hùng dân tộc, những văn hiến nên tổ chức những
nhòm bạn học hỏi về văn hóa dân tộc, không
cần đông người- đông người thường loãng ra
khó đi vào bề sâu. Ước mong mỗi nhóm người
Việt có được dăm ba văn hiến là tạm đủ để duy trì
“bốn ngàn năm văn hiến” cho nó kéo dài
mãi mãi, để không còn là bốn
ngàn năm, mà là năm ngàn, mười ngàn,
cả trăm ngàn năm văn hiến. 3.5 - VĂN HIẾN
Văn hiến là những người hi hiến thân tâm cho văn hóa và được người trong nước kính nể nghe theo. Đó là một loại tông đồ và có thể nói ở đây cũng tìm ra được nét đặc trưng của nền văn hóa Việt nho. Bên Ấn Độ tuy cũng có văn hiến nhưng không vươn lên đến địa vị cao nhất trong xã hội vẫn dành cho tăng lữ Brahmana. Bên Au Châu còn kém nữa đến độ không có văn hiến, chỉ mới có văn hào, văn sĩ. Văn hiến là sản phẩm của Việt nho và hậu quả là khi các giáo sĩ Au Châu đến Viễn Đông vào lối thế kỷ 16, 17 thì đều tỏ vẻ ngạc nhiên đến bỡ ngỡ vì thấy một nguyện vọng tha thiết của Platon đã hiện thực tại Viễn Đông. (*) Nguyện vọng đó là đặt quyền cai trị vào các tay triết gia gọi tắt là triết vương, hay vua phải học và hiện thực triết (philosophe-roi, roi-philosophe). Đây là một nguyện vọng đã chưa bao giờ được hiện thực ở Tây Au, nhưng các vị thừa sai cho là đã hiện thực bên Viễn Đông. Có đúng như vậy chăng? (*) Plus belle en pratique ne l’était la cite reves par Platon en theorie. Rici Bernard maitre, Pour la comprehension de l’Indochine p.36 Đúng và không. Đúng ở chỗ trong đời huyền sử các vị được đưa ra làm mẫu mực toàn là các triết vương: Phục Hy, Thần Nông, Lạc Long Quân, Nghiêu, Thuấn, Đại Vũ, Hùng Vương… Còn các đời sau nhất là từ Hán nho tuy không được ông nào hẳn xứng danh là triết vương nhưng ít ra có một số sự việc đáng chú ý: Một là các vua đã học Kinh điển tức là sách triết. Hai là địa vị các triết nhân vẫn được đề cao coi như ánh sáng soi cho cả nước: “sáng bang do triết”, ánh sáng soi cho nước là do triết (Kinh Thư, Thiên Đại Cáo 13) và vì thế bao giờ cũng coi việc bàn hỏi ý kiến các hiền triết là điều rất đáng khen. Như Kinh Thi khen vua nhà Thương là “phu cầu triết nhơn”, rộng cầu đến các triết gia (bài Y Huấn câu 6). Ba là nước được cai trị theo văn giáo ít ra trong lý thuyết và phần nào trong thực hiện. Khi nào nước được tri theo văn giáo thì gọi là hữu đạo, bằng không thì gọi là vô đạo, chứ không có tiêu chuẩn nào khác thuộc tôn giáo và đó là nét đặc trưng hơn hết của các nền văn hóa Viễn Đông. Vì ba điểm đó nên nhận xét của thừa sai Au Tây có thể coi là đúng đến quá nửa, và ta có xưng tụng là nước có văn hiến (văn hiến chi bang) cũng không phải thiếu nền móng. Thế nhưng từ hơn một trăm năm nay do sự tiếp cận với văn minh Tây Au thì nét đặc trưng kia bắt đầu lung lay và đang sụp đổ, đến nỗi ngày nay đừng nói đến địa vị triết vương, mà ngay đến địa vị triết trong quốc học cũng bị từ chối hoặc coi thường. Vì thế hôm nay khi thấy đề cao triết chắc có người không khỏi ngạc nhiên, vì đã quen nghe những lời chỉ trích triết: triết nói những chuyện trừu tượng, xa xôi, vu vơ vô bổ cho đời sống ăn làm… Thực ra thì đó chỉ là sự mâu thuẫn vòng ngoài vì nếu đi vào nội dung thì không có chi đáng phải ngạc nhiên, vì những điều chê bai triết cho đến nay hầu hết là vì triết Tây, một thứ triết bám riết chữ nghĩa hay cùng nữa thì là Hán nho bám sát luân lý và những định chế đã lỗi thời… Hoặc nữa là triết học lý niệm đề cao lý trí đến độ duy ngã độc tôn nên chẳng sao đi vào đời sống nổi. Đời sống con người vận hành trong những ngõ ngách của lý với tình, đôi khi có cả chí, vậy mà triết học lại duy lý tức chỉ biết có lý trí thì đi sao nổi vào đời sống. Chính vì triết học quá duy lý nên nguyện vọng triết vương của Platon chỉ là một giấc mộng không tưởng, và triết chỉ còn lẩn khuất trong một vài phòng học y như một ngành chuyên môn nào khác vì đã để mất hẳn địa vị bà chúa tỏa uy tín trên khắp các kiến thức vì bơm sinh khí cho chúng bằng một mối quán thông. Hiện nay triết được dạy trong chương trình giáo dục của ta cũng như các đại học thì chính là thứ triết một chiều đó. Vì vậy trong thực tế nền triết học như được đề nghị trong tập sách này khó hy vọng thấy được hiện thực. Tuy thế vì nền triết lý giới thiệu ở đây có tính chất toàn diện gởi đến cho toàn dân chứ không còn hạn cục trong bốn bức tường hàn lâm làm trường ốc, cho nên vẫn chưa đến nỗi thất vọng, vì ngoài hàn lâm trường ốc chúng ta còn cả một khối nhân dân, đây là môi trường chúng ta có thể hoạt động. Nếu biết tổ chức thì sẽ trở nên mạnh mẽ có khi đạt được khả năng khôi phục địa vị cho triết ít ra phần nào như xưa lúc các tư trào Tây Au chưa xâm nhập. Bấy giờ chúng ta sẽ đủ bảo đảm tìm đáp số cho câu trả lời sau đây: ai sẽ đứng ra hiện thực trở lại lý tưởng triết vương. Ai? Dân chúng hay chính quyền? Câu trả lời tất nhiên là chính quyền, bởi chỉ có chính quyền mới nắm đủ quyền lực và phương tiện, là những yếu tố thiết yếu cho sự hiện thực bất cứ một ý tưởng nào có tầm mức quốc gia. Tuy nhiên nếu ta theo đúng tinh thần Việt nho thì sẽ thưa rằng phần lớn là dân. Dân mới là gốc là bổn là óc còn chính quyền chỉ là cấp thi hành. Chính quyền ví được với hoa trái quả cây, còn muốn cho những điều mong ước thành sự thực thì cần nhân dân phải hành động. Phó mặc cho chính quyền thì chỉ là chuyện may rủi. Những người nắm chính quyền trước ngày mất nước hầu hết được đào tạo theo lối của Tây phương, còn giới thiên về Đông phương thì chỉ biết bằng nghe ngóng và phần nhiều là mắc tự ti mặc cảm. Bởi Đông phương vừa huyền bị, lại đã bị lãng quên lâu ngày, nên nay muốn nhìn lại khuôn mặt cũ thì cả là một công trình dài hơi, nếu không là người vừa có tâm huyết vừa kiên trì vững dạ thì làm sao thấy được. Vậy mà những vị nắm quyền hành đã phải hiến phần lớn thì giờ vào việc hành chánh, cho nên giả sử trong số có ai muốn nghiên cứu cổ học cũng khó tìm ra thì giờ. Vì thế hầu hết chính quyền được điều khiển theo đầu óc công chức, một lối làm việc duy lý rất gần kiểu máy móc phần mớ, nên lạnh lùng, trốn trách nhiệm nhiều được ngần nào hay ngần đó. Như vậy là một lối làm việc ngược hẳn với lý tưởng quốc gia: nó đòi phải có tinh thần cán bộ với những cái nhìn trên toàn diện với bầu nhiệt huyết hăng say với lòng yêu nước cao độ. Chính vì thế sự liên lạc với nhau là điều tối quan trọng và đáng cầu ước. Hội văn thì nhiều rồi, nhưng một sự liên lạc những tâm hồn có óc triết thì chưa, mà có triết thì mới trông đặt được nền vững. Vậy cần phải làm thế nào để liên kết những tâm hồn triết, những người ưa thích triết? Đó là điều khó, bởi vì những tâm hồn triết thường ưa thích tĩnh mịch, đơn chiếc vì đây là phong thái thuận lợi cho sự suy tư. Tuy nhiên thời nay là thời ngự trị của lượng số, nên thiếu liên kết thì tiếng nói lẻ loi không đủ mạnh, không đựơc mấy ai chú ý đến, mà như vậy là một điều bất hạnh cho quê nước vốn từ xưa vận hành trong ánh sáng minh triết. Chính vì thế mà những tâm hồn triết phải chịu hy sinh một số thì giờ cho việc liên kết, đặng khuyến khích nhau và cần cùng nhau lên tiếng hay hành động, có vậy mới tạo được hiệu nghiệm cho tiếng nói của triết. Có vậy tiếng nói chân thành của dân tộc mới không bị lấn át trước các tư trào ngoại lai đã được tổ chức rất vững chắc, nếu không có một sự liên kết tối thiểu nào về phía văn hóa dân tộc thì dù nền văn hóa này có còn những người hâm mộ nhiệt thành đến đâu đi nữa rồi cũng sẽ chỉ là những cá nhân trơ trọi lẻ loi, sẽ bị siêu bạt trong cái mớ quần chúng vô dạng (amorphe masse) và như vậy sẽ không tránh nổi làm mồi ngon cho bất cứ trào lưu nào cũng có thể cưỡng ép lôi đi. Bạn sẽ hỏi liệu còn tìm được đủ số người nhiệt thành để làm thành một lực lượng chăng? Muốn trả lời điểm này, cần phải có một bộ máy dò mìn để tìm ra những quả mìn là các tâm hồn nhiệt huyết với dân tộc. Máy dò đó là gì nếu không là một tổ chức, tuy rất lỏng lẻo nhưng cũng là một tổ chức ít nhất để tìm ra người đồng thanh đồng khí. Riêng chúng tôi cũng biết được một số tuy nhỏ nhưng cũng đủ để có lý tin rằng nếu có phương tiện tìm kiếm thì số đó còn nhiều, ít ra đủ để làm thành một nhóm. Chúng tôi dám tin như thế vì số người chúng tôi biết chỉ là tình cờ tuyệt nhiên bên ngoài sự tìm bạn. Vậy mà cũng thấy được một số khá đông đủ cho phép tin rằng dòng máu văn hiến của Lạc Việt chưa ngưng chảy trong người Việt Nam, và dầu trong hiện trạng đầy thối nát cũng vẫn còn thể tìm ra những tâm hồn cao khiết đại diện cho hồn thiêng của muôn thế hệ tiên tổ đã dựng nên nước Việt Nam này và bao lần đã cứu nó khỏi tiêu diệt. Hồn thiêng đó vẫn còn phảng phất trên giải non sông này, vì thế tôi cho là đã đến lúc các người đó phải tạm thời bỏ giai đoạn ẩn náu, phải vượt qua những dè dặt e ngại để đứng vào một thứ liên lạc nào đó để gây lại tinh thần. Tinh thần đó trong trường hợp hiện đại của nước nhà không là chi khác hơn hồn văn hóa dân tộc, mà các cụ xưa cũng gọi là đạo, và các cụ đã nói câu chí lý: “Đạo mất trước nước mất sau”. Chúng ta có thể tiếp: vậy muốn nước còn thì cần đạo còn. Nên trong các việc làm để cứu quốc thì cứu đạo là việc tiên quyết. TÁI BÚT 1979 Trên kia khi nói những người có tâm hồn triết là có ý tránh tiếng triết học là điều ít người học và hơn nữa rất hiếm người thích, mà giả có thích thì cũng vô bổ vì các triết học đó xây trên những nguyên lý nền tảng của chuyên chế. Còn chữ tâm hồn triết nói ở đây thì thực ra chỉ là một hướng vọng lên cao là tâm trạng gặp được rất nhiều trong con người Việt Nam. Đó là những người dù chưa học triết, hay văn chương, hay không biết đọc biết viết đi nữa, cũng vẫn có tâm hồn triết, đó là những người mà một số học giả Tây phương như linh mục Cadière, hay Paul Mus gọi là triết nhân. Họ bảo Việt Nam là nước giàu triết nhân hơn hết, càng đi sâu vào vùng quê càng gặp nhiều. Và hiện nay có thể nói hầu hết người Việt đã nhận ra sự cần thiết của một thứ triết nào đó, mà nếu vì ảnh hưởng Tây Phương mà sợ tiếng triết thì nên gọi là đạo, hay là văn hóa dân tộc. Chúng tôi được nhiều tin do những sinh viên mới thoát ra đầu năm 1978 cho biết nhiều người trước kia không ngó ngàng chi tới bộ Triết lý an vi thế mà nay lại mê mải đọ, trong số đó có nhiều sinh viên kỹ thuật. Chúng tôi tin rằng thảm họa 1975 đã làm cho tâm hồn người Việt trở nên chín mùi hơn rất nhiều và đã thấy không thể tránh được triết vì triết chẳng qua là hệ thống những tư tưởng, mà tư tưởng dẫn đạo quốc gia, dẫn đưa thế giới, nên vấn đề lúc này là không được né tránh triết. Đó chỉ là lối đà điểu vùi đầu vào cát để khỏi thấy tai họa. Muốn tránh được tai họa, tránh được việc triết thuyết ngoại lai vào làm chủ đất nước, tàn sát dân tộc thì chúng ta cần phải có thái độ tích cực: cần xem rõ để phân biệt thứ triết độc phải tránh, thứ triết lành mạnh phải vun tưới phát triển. Tâm hồn con người không thể để trống. Để trống thì quân thù sẽ có đất gieo tà thuyết. Vậy cần phải trồng cây triết nào đã chứng tỏ ơn ích được nhiều ngàn năm. Vậy đối với người Việt Nam thì không còn lối khác hơn là triết lý Việt nho, vì nó đã được đặt nền từ ngày khai quốc, và đã tô tạo cho đất nước, quê hương tới tận nay. Vì thế chúng tôi cầu mong nhiều người Việt chú ý đến nền triết dân tộc này để học hỏi, tài bồi, phát triển ngõ hầu chúng ta có được một nền tảng triết lý vững vàng cho việc duy trì tinh hoa nước Việt và nhất là từ đó đóng góp mạnh mẽ cho công cuộc phục quốc mai ngày sớm thành tựu. NHỮNG VIỆC KHẨN THIẾT HIỆN TẠI CỦA NỀN TRIẾT VIỆT Triết lúc nào cũng cần y như cái lái con thuyền. Mặc dầu hầu hết người ngồi trong thuyền không nhận thức thấy sự cần thiết của bánh lái, nhưng thiếu lái thì thuyền sẽ siêu bạt theo gió bốn phương, một nước thiếu triết cũng sẽ trôi dạt như vậy. Triết cần thiết cho việc giữ nước mà nó còn cần hơn nữa trong thời kiến quốc hoặc phục quốc, vì đó là những khúc quanh lịch sử của nước mà triết ví như giai đoạn gieo hạt: tuỳ gieo hạt loại nào sẽ gặt loại đó, nói theo tiếng chuyên môn gọi lúc đó là cơ, còn gặt là dụng. Dụng thì ai cũng thấy và nó chỉ quan trọng bằng tầm thấy đó. Còn cơ thì chỉ một thiểu số thấy, vì nó rất tế vi nhưng lại quan trọng đến nỗi sai một li đi một dặm. Ta hãy lấy thí dụ ở hai nước Tàu và Việt. Vào lúc đổi đời (tức là thời cơ) Tàu và Việt đều bơ vơ không biết chọn đường nào: trí thức Tàu vào quãng 1920 cũng như người đứng trước ngã ba đường không còn biết lối nào đi: xem lại nho thì quá cũ kỹ không còn ai theo nho đủ sức thổi lên luồng gió mới, còn xem sang Au Mỹ thì thực lúng túng. Lúc ấy họ mời đựơc cả hai triết gia có tiếng thời ấy của cả Mỹ lẫn Anh là hai ông Dewey và Bertrand Russel sang thuyết trình, nhưng Dewey chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh duy lợi, còn Russel lại nhấn mạnh đến chỗ thiết yếu phải kỹ nghệ hóa nước Tàu. Các báo Tàu dạo ấy đã phàn nàn vì họ trông chờ các triết gia Tây phương mở ra cho một hướng tiến, hướng sống mới thì các ông chỉ nhấn mạnh đến đợt ăn làm, phát triển kinh tế ma 2không đưa lại cho họ được một chủ đạo để lèo lái con thuyền. Các sinh viên và giáo sư đại học cãi nhau om sòm mà không ngã ngũ. Chính trong lúc bơ vơ đó mà Trần Độc Tú và Mao Trạch Đông mới đi rước cộng sản vào. Như vậy cộng sản vào được nước Tàu là vì miếng đất để trống không còn chủ vào nữa. Nếu lúc ấy nước Tàu có một triết gia đủ sức đưa ra được một nền triết mới đặt căn bản trên nho thì sử trình nước Tàu đã không đi vào lối cộng sản. Nhưng từ ấy đến này không một ai: Lương Thấu Minh, rồi Tôn Dật Tiên, Lâm Ngữ Đường và Phùng Hữu Lan, tất cả chỉ vươn bên trên đợt văn học một đợt, chưa là triết gia, nên nước Tàu vẫn thiếu lái trong giai đoạn cơ: thế là cộng sản gặp mảnh đất trống tha hồ tung hoành để đưa đến cái dụng khổ lụy ngày nay. Nước ta cũng tương tự, không nói làm gì đến Nam Phong hay Tự Lực Văn Đoàn còn nằm gọn trong bình diện văn chương văn học, ngay đến “chủ đạo” của các đảng phái chính trị cũng còn xa mới đạt đến độ triết lý: Đại Việt còn nằm gọn trong vòng tay tôn thờ kho học, đáng kể chăng là Duy Tân với Lý Đông A. Đây quả là một thiên tài, nhưng là một thứ thiên tài truỵ thai nên chưa thành tựu ở triết lý: mới có những cái nhìn trực thị mông lung, còn thiếu phân tích, chứng minh và hệ thống nên chưa đủ bề thế cho thời mới. Và thế là Hồ Chí Minh có đất tung hoành đưa đến cái dụng ngày nay mà chúng ta đã thấy ra sao rồi: chúng ta đã mất nước. Bây giờ phải nói đến chuyện phục quốc và duy trì hồn nước, trước hết là ở hải ngoại, tức là gây dựng một cái cờ mới. Thế là nhất định lại cần đến một cái lái mới, một triết lý am hợp cho giai đoạn này. Triết nào đây? Triết Tây chăng? Không được nữa rồi. Triết gia lớn nhất của Au Tây hiện đại là Heidegger đã dồn cả một đời tinh anh vào việc phá cho thành bình địa nền triết học của Tây Au, bất kỳ triết học nào. Ong đã nói lên sự thâm tín của ông trong câu: “Văn hóa Tây Au hỏng từ nền tảng, nên truyền bá đến đâu là gieo máu và nước mắt đến đấy”. Từng triệu người Việt đã được chứng nghiệm trong bản thân sự thật của câu trên: từ ngày Việt cộng rứơc thuyết Mác xít về dày vò nước Việt thì đã tan cửa nát nhà xiết bao với muôn cái chết tức tưởi còn đang diễn ra. Như vậy trông mong sao được về phía triết Tây nữa (vấn đề rất phiền toái sẽ được bàn trong quyển Sứ Điệp). Không triết Tây thì triết nào đây. Không lẽ rứơc triết Ấn về để bắt dân kiêng thịt bò, hay triết Hồi để bắt đàn bà che mặt? Vậy trật lại còn có Việt và Nho. Nhưng Việt thì chưa có triết, còn Nho thì đã bị xỉ vả từ gần một thế kỷ nay rồi và vẫn còn đang ngân vang. Trong dịp tết năm nay tôi có đọc trong một tờ báo Việt ngữ nọ một bài phân tích “Tại sao cộng sản thắng ở Việt Nam”. Trong những nguyên nhân gần tác giả kể đến Nho giáo đầu tiên, tác giả cho là “người mà đã thấm nhuần học thuyết Khổng Tử thường nặng óc gia đình nhẹ gánh giang sơn… Do đó không thể nhìn xa trông rộng và đầu óc phong kiến và rất chậm tiến”, tác giả đưa thí dụ bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ bị triều đình nhà Nguyễn bác bỏ vì óc hẹp hòi và ích kỷ. Thật ra những lời kết án trên chẳng có giá trị chi, chỉ là nhắc lại những ý kiến rất thông thường được Việt minh và thực dân Pháp cố công gieo rắc vào đầu óc trí thức nước ta vào quãng đầu thế kỷ này. Đó là những ý kiến thiếu triết. Nếu có triết chẳng ai lấy thí dụ một vài trường hợp thất bại của một vài cá nhân mà bác bỏ học thuyết có trên hơn hai ngàn năm. Đó chẳng qua là lời nguỵ biện mà thực dân và cộng sản đã dùng để phá Nho giao để chúng có chỗ đứng. Đó chỉ là chính trị và tuyên truyền. Còn nếu đi theo lối triết mà xét thì trước hết phải xét chính chủ thuyết Nho ra sao, và chủ thuyết đó đã hiện thực đựơc những gì. Xin nói ngay rằng trong suốt 25 thế kỷ qua Nho giáo đã thành tựu hai việc ơn ích nền tảng cho con người mà chưa một nền triết lý hay đức lý nào khác làm được: đó là tự do và bình sản, nhờ đã dựng nên được nền nhân bản tinh tuyền hơn hết. Điều này mới nghe như có vẻ đề cao vô nền nhưng đó là sự thực, nhưng đã bị chôn vùi. Vậy đó là việc cần thiết phải làm, phải khai quật Nho nguyên thuỷ lên, ở đây không thể chứng minh hay phân tích, chỉ xin có một điểm sau là trong hội nghị quốc tế về triết học họp tại Honolulu năm 1949 thì triết Nho đựơc đề cao hơn bất cứ nền triết nào đến nỗi cuối cùng Khổng Tử được bầu làm nhạc trưởng hướng dẫn cuộc hòa hợp đông tây mai này. Đây là một danh dự tuyệt cao trong thời mới, càng cao hơn nữa khi triết Tây bị mạt sát thậm tệ, và nặng lời hơn hết lại là các đại biểu Au Mỹ. Chỉ có triết Đông gồm Ấn, Thích, Lão, Nho được đề cao. Riêng Nho được bầu làm đầu đàn cho cuộc tiến tương lai của nhân loại. Thế nhưng tại sao từ 1949 đến nay chưa có một phong trào đưa triết Nho lên? Thưa đấy là điều rắc rối. Có thể thưa rằng vì chưa có triết Nho. Nho nói trong hội nghị cũng như được muôn vàn học giả bàn đi tán lại, mới là Nho học chưa là triết Nho ít ra theo nghĩa đời mới. Muốn vậy cần phải chắt lọc nguyên Nho ra khỏi những yếu tố chuyên chế do du mục đưa vào từ đời nhà Chu. Thứ đến phải tìm ra nơi phát xuất của Nho. Hai điều đó chưa ai làm nổi, hay là làm nhưng mới là điểm đầu và mới qua loa ở đợt văn học. Còn điểm phát xuất thì chúng ta chưa thấy đâu khởi công. Vậy xin hỏi nơi phát xuất đó ở đâu vậy? Độc giả lai phải nghe một câu “quá khích” nữa: đó là Việt. Phải! Việt chính là gốc của Nho. Ua, đã có triết Việt đâu mà có thể làm gốc cho Nho? Thưa có hai thứ không. Một thứ không thông thường, thì không là không. Còn một thứ không kỳ lạ, gọi là “chân không” thì lúc ấy nó lại là cột gốc cho “diệu hữu”. Một ngày kia chúng tôi sẽ có dịp cống hiến độc giả về mối liên hệ kỳ lạ giữa trống đồng và nền siêu hình chân thực (diệu hữu) mà chính vì còn thiếu nó nên biết bao nền triết học đã trở nên vô tích sự, hay tệ hơn nữa là gây tai họa cho con người. Thí dụ triết học cộng sản đã gây nên cái chết khốn cùng cho hàng trăm triệu con người là vì nó dựa trên nền siêu hình học cổ điển Tây Au mà triết gia thượng thặng của Tây Au là Kant đã gọi là “siêu giả tạo” (transcendentale illusion). Vậy việc khẩn trương thứ hai (sau việc thứ nhất là khai quật nguyên Nho) phải là khám phá ra nền siêu hình ẩn trong trống đồng, khám phá ra nền triết Việt, một nền triết duy nhất có cái bí quyết đi vào mọi ngõ ngách đời sống, cũng như đặt đường cho dân tộc Việt đi thẳng vào nhân tộc. Việc khẩn trương thứ ba là dựng nên một nền triết lý mới đặt móng trên Việt lý và Nguyên Nho gọi tắt là Việt nho, với những đóng góp của đông tây kim cổ, để tìm ra những cái nhìn hướng dẫn cho con người trong cuộc tiến hóa đang đi tới. Nhân loại đang đi qua bốn giai đoạn là: 1/ săn hái, 2/ du mục, 3/ nông nghiệp. 4/ công nghệ. Đang sửa soạn bước vào giai đoạn năm gọi là hậu công nghiệp (post industrial). Nói hậu công nghệ là nói bâng qươ chưa chỉ tỏ ra được khuôn mặt của nó. Vậy cần một nền triết lý mới chỉ tỏ ra, và hướng dẫn giai đoạn này. Nền triết lý mới này phải hướng dẫn tất cả mọi cái từ văn hóa, nghệ thuật đến khoa học kỹ thuật vào hướng phụng sự con người, sao cho con người đạt được độ sống hết cỡ người, sống no tròn: phát triển đến hết mức có thể đạt được của mọi khả năng tiềm ẩn nơi con người. Nền triết học mới này phải có bảo đảm khi thi hành ra không quay lại tác hại con người như đã xảy ra trong dĩ vãng. Nền triết này cũng không được loại trừ bất cứ một ai về bất cứ phương diện nào như tôn giáo, quốc gia, đảng phái. Thí dụ không được hưởng đặc ân của ngừơi trong đảng. Chúng ta
tự hỏi trong chiều hướng ấy liệu triết lý Việt nho có thể
đóng góp đựơc những gì? Xin thưa ngay là bộ
cơ cấu của nó. Đó là một bảo đảm vững chắc
có thành tích làm cho yên tâm,
vì trong hơn hai ngàn năm qua, ngay chính trong
thời kỳ nó nắm quyền cũng không ai mất tự do. Vậy
có thể dùng bộ cơ cấu Việt nho với các định đề
và nguyên lý của nó làm khung,
cùng với những khám phá của hết mọi ngành
khoa học, nhân văn trong thế giới để kiến tạo ra một nền triết
lý mới cho con ngừoi. Đó là một bước khẩn thiết
thứ ba mà hai bước sửa soạn sẽ ra trong quyển “Nhân Chủ
(Nguyên Nho) và Sứ Điệp (Việt Lý), còn bộ
Ngũ luận sẽ là một đóng góp của Việt tộc
vào nền triết lý tương lai của nhân loại. TIỂU SỬ
TRIẾT GIA LƯƠNG KIM ĐỊNH
Từ năm 1960, triết gia bắt đầu cho ra mắt một loạt những cuốn sách về triết Việt, mở đầu là cuốn Cửa Khổng, Triết Lý Giáo Dục, Nhân Bản, Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam . . . Học giả Linh Mục Vũ Đình Trác viết về công trình của ngài như sau: “Nhờ công phu mở đường trở về triết Đông của Giáo Sư Bửu Dưỡng và Nguyễn Văn Thích cũng như tâm huyết của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, chương trình triết học Đông Phương được khai giảng tại Đại Học Văn Khoa Sàigòn năm 1958. Sẵn đường trở về Đông Phương, triết gia Kim Định tiện đường, đơn thương độc mã, ông lên một nước táo bạo, mở đường đi vào Triết Lâm Việt Nam. Trong suốt 16 năm trời tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, giáo sư đã ảnh hưởng sâu rộng cho cả một thế hệ thanh niên và sinh viên. Mặc dầu bao chống đối, ông đã im lặng xây dựng một hệ thống Việt Nho khá trung thực và hấp dẫn. Không ai có thể chối cãi công phu xây dựng và ảnh hưởng sâu rộng của ông trong lãnh vực văn hóa dân tộc. Từ Đại Học Văn Khoa Sàigòn, ông mở rộng mặt trận tới các Đại Học khác: Đại học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Thành Nhân và An Giang. Chính trong giai đoạn này ông đã sáng lập chủ thuyết AI VI và VYẾT NHO”. Nhận định về địa vị của triết gia Kim Định trên trường Việt Nho, Việt Triết - học giả Linh Mục Vũ Đình Trác còn viết như sau: “Nhờ công khai thác và biên khảo, sáng tác của giáo sư, những bậc thức giả khắp nơi đã suy tôn ông là Triết Gia Việt Nam. Aûnh hưởng Việt Triết và Việt Nho của ông đã gây ý thức cho người Việt khắp nơi nhìn lại thực tại văn hóa của mình. Các đồ đệ của ông đã đáp ứng nguyện vọng của Thầy để khai thác và phổ biến Việt Lý của Thầy qua tổ chức AN VIỆT. Các nhóm An Việt được thành lập khắp nơi: San Jose, Orange, Houston, Louisiana, Washington DC, Philadelphia, Seattle, và tại Canada, Uùc Châu, Anh, Pháp, Đức v.v ... An Vi đã như một luồng gió dân tộc bùng lên khắp nơi có người Việt định cư. Các nhóm này coi Triết Gia Kim Định như bậc Đại Sư, mà họ tôn làm Tổ: TỔ SƯ AN VI, TỘC PHỤ AN VIỆT. Aûnh hưởng của Triết Gia không những thế mà còn lan rộng tới các học giả, triết gia ngoại quốc: Aâu Mỹ và khối Viễn Đông”. Năm 1987 hội nghị Quốc Tế về “Khổng Học Với Thế Giới Ngày Nay” (International Symposium on Confucianism and the Modern World) tổ chức tại Đài Bắc, Đài Loan, qui tụ 400 học giả khắp thế giới. Triết gia Kim Định cùng với Lm Vũ Đình Trác đã thuyết trình đề tài “Đạo Trường Chung Cho Đông Nam Á” (A Tao-Field for South East Asia). Bài tham luận do Giáo Sư Trần Văn Đoàn, Giáo Sư Đại Học Quốc Gia Đài Loan trình bày (Professor of Philosophy at Taiwain National University). Đề tài này đã gây tiếng vang rất lớn trong giới Nho Lâm Á Châu. Sau đó ngài còn tham dự Hội Nghị Triết Học tại Brighton Anh Quốc năm 1988 (The World Congress of Philosophy) – Hội Nghị Triết Học Á Châu và Bắc Phi lần thứ 33 tại Toronto Canada năm 1990 (The XXXIII International Conference on Asian and North African Studies). Ngài nói với các đồ đệ; “Thầy phải đi để nói cho thế giới biết con người, tư duy và đạo sống cao đẹp của dân tộc Việt Nam”. Oâng Nguyễn Ngọc Bích, giáo sư Đại Học Georgetown, Washington DC, viết về triết gia Kim Định trong báo Ngày Nay, số 121: “Trong nỗ lực đi tìm một con đường Việt Tộc, Nhân Chủ, Tự Do, thì chúng ta phải kể ở hàng đầu công trình đồ sộ của triết gia Kim Định. Ở đâu ông cũng thế, không phải sang Mỹ ông mới tìm “về nguồn”. Việc làm của ông trong một tình cảnh mất mát vô biên, chẳng qua cũng chỉ là nối tiếp công việc của ông đã bắt đầu khi còn ở trong nước, khi còn ở Miền Nam tự do. Từ năm 1962 tới nay, ông đã hoàn tất được 23 cuốn triết học, tương đương với 7000 trang, một mảng tư tưởng mà không dễ mấy triết gia có thể so sánh được. Sự độc đáo ở nơi ông cũng đã là một truyện quá rõ - dầu ta có đồng ý với ông hay không, thì ta cũng không thể phủ nhận được tính cách độc đáo của tư tưởng ông. Ngày nay tham vọng cuối cùng của triết gia Kim Định là sẽ dựng xong một bộ Kinh (hiểu theo nghĩa Bible) cho dân tộc ta. Để thực hiện tham vọng này, ông đã cho in hoặc đang in năm cuốn thuộc bộ “Ngũ Kinh Khải Triết”, đó là: Hùng Việt Sử Ca, Kinh Hùng Khải Triết, Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc, Sứ Điệp Trống Đồng, Văn Lang Vũ Bộ (số lớn do nhà in H.T KELTON xuất bản). Nếu ai hỏi tôi rằng có nên đọc hay không, thì tôi xin thưa ngay: dứt khoát là có. Tại sao ? – Tại vì nếu ta không nhất thiết đồng ý với hết cả ý kiến của ông, ta cũng sẽ được làm thân với một trong những bộ óc triết lý lớn nhất nếu không của nhân loại thì cũng của Việt Nam. Tôi nói điều này trong sự cân nhắc, cũng không khác gì câu tôi sẽ trả lời cho người nào hỏi: Có nên đọc Platon hay Aristote không ? Đã nhất thiết gì ta đồng ý với Platon trong tác phẩm La République, nhưng ai không đọc tác phẩm đó, thì chắc chắn mất đi một mảng hiểu biết rộng lớn về triết học Tây Phương. Cũng như vậy, ai không đọc Kim Định cũng không sao, ông sẽ từ tốn mà “an vi”, để chờ một ngày kia người nọ sẽ tỉnh mộng mà trông thấy hết cả cái mất mát của mình”. Triết gia Kim Định từ trần ngày 25 tháng 3 năm 1997 tại dòng Đồng Công hải ngoại, Carthage, Missouri, Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi. Ngài để lại cho đời bộ triết Việt Nho và An Vi, gồm 42 cuốn để giúp cho dân tộc có Chủ Đạo để tránh cảnh vô hướng vô hồn và giúp cho dân tộc có một Minh Triết để sống an vui hạnh phúc giữa Trời và Đất. Danh
Sách
Tác
Phẩm
của
Kim
Định
Trang
mạng
Việt Nam Văn Hiến
Trang Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên www.vietnamvanhien.net www.vietnamvanhien.org www.vietnamvanhien.info www.vietnamvanhien.com Email: thuky@vietnamvanhien.net Trang
mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa.
Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống
văn hiến hầu phục hồi nền An Lạc
& Tự Chủ của
Việt tộc,.
|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trang [ 1
] [
2 ] [ 3 ] |