Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4890

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com





Hưng Đạo Vương


Hưng Đạo Vương (1228-1300)

"Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục,  cả nước góp sức, giặc phải bị bắt..."





Trần Hưng Đạo (1228 - 1300) là danh tướng thời nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, là người có công lớn trong ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Đồng thời ông còn là một nhà nghiên cứu quân sự với các bộ binh pháp Binh thư yếu lượcVạn Kiếp bí truyền. Ông còn được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh Trần.

Tượng Trần Quốc Tuấn ở Nam Định

Tượng Đức Hưng Đạo Vương ở Nam Định


Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn  là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú, sinh ra tại vùng nay là Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nguyên quán ở làng Tức Mặc, ­­­­­­­­huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm sinh của ông là năm 1231.] Ông còn có hiệu là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn .

Ông vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả ba lần quân Nguyên Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống trận. Đặc biệt ở kháng chiến chống nhà Nguyên lần thứ hai và thứ ba, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên - Mông ra khỏi đất nước.

Sau khi kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba thành công. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lui về sống ở Vạn Kiếp. Ông đã dựa vào địa thế vùng Vạn Kiếp mà Kiếp Bạc là trung tâm để lập phủ đệ và quân doanh làm phòng tuyến chiến lược giữ mặt đông bắc của Đại Việt. Ông còn cho trồng các loại cây thuốc để chữa bệnh cho binh sĩ và nhân dân trong vùng.

Mùa thu tháng 8, ngày 20 năm Canh Tý, Hưng Long thứ 8 (tức ngày 11-10-1300 theo lịch Gregory đón trước), Hưng Đạo Vương mất. Theo lời dặn, thi hài ông được hoả táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh, không xây lăng mộ.

Sau khi ông mất, triều đình phong tặng là Thái sư Thượng Phụ Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân Đại Việt vô cùng thương tiếc người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc nên lập đền thờ ông trên nền Vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc. Người dân Đại Việt kính trọng vinh danh Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi.

Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép: "Lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: 'Người này ngày sau có thể cứu n­ước giúp đời'."

Khi lớn lên, ông có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ. An Sinh vương Trần Liễu trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng (tức vua Trần Thái Tông - Trần Cảnh), mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Trần Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, An Sinh Vương cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăng trối rằng: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được". Do An Sinh vương Trần Liễu lấy người chị của công chúa Lý Chiêu HoàngThuận Thiên công chúa, còn Trần Cảnh cưới Lý Chiêu Hoàng khi bà mới 7 tuổi. Sau này Lý Chiêu Hoàng không có con nên năm 1237, Trần Thủ Độ bắt vợ của Trần Liễu lúc ấy có thai ba tháng về làm vợ Trần Cảnh (chị thay cho em). Chính vì lẽ đó mà Trần Liễu oán giận Trần Cảnh. Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.

Năm 4-5 tuổi, Trần Hưng Đạo theo cha là Khâm Minh Thái vương (tức Trần Liễu) đi Ái Châu, nơi giam cầm trọng tội. Trưởng công chúa Thụy Bà thương anh cả vô tội bị đầy, bèn năn nỉ anh kế là Thái Tông, xin nhận Trần Hưng Đạo làm con đem về Thăng Long nuôi dạy. Để tránh sự xoi mói ghẻ lạnh của triều đình, Trần Hưng Đạo được trưởng công chúa Thụy Bà gửi tại chùa Phật Quang (làng Khúc Thủy, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) nhờ trụ trì chùa dạy dỗ cho tới năm lên 10.

Đến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha trăng trối để dò ý hai gia nô thân tín là Dã TượngYết Kiêu. Hai người gia nô bẩm rằng: "Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi".

(Lấy từ tích cũ: Sở Chiêu Vương chạy loạn ra nước ngoài, có người làm thịt dê tên là Duyệt đi theo. Sau Sở Chiêu Vương trở về nước, ban thưởng cho Duyệt. Duyệt từ chối và nói: "Nhà vua mất nước, tôi không được giết dê, nay vua về nước, tôi lại được làm nghề giết dê, tước lộc thế là đủ còn thưởng gì nữa".)

Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người. Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiến: "Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?"

Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiến thưa: "Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!"

Trần Quốc Tuấn ngẫm cho là phải. Lại một hôm Trần Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Trần Quốc Tảng tiến lên thưa: "Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ."

Trần Quốc Tuấn rút gươm mắng: "Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra" và định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha.

Sau đó, ông dặn Hưng Vũ vương: "Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng."

Năm Thiệu Bảo thứ 7, Ất Dậu, 1285, thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ nguyên (sông Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh ngày nay), sai người đưa thuyền ngự ra Ngọc Sơn (mũi biển thuộc châu Vạn Ninh, gần Móng Cái, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) để đánh lừa giặc.

Lúc ấy, xa giá nhà vua phiêu giạt, mà Trần Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của An Sinh vương, nên có nhiều người nghi ngại. Trần Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Trần Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi chỉ chống gậy không mà đi. Còn nhiều việc nữa, đại loại như thế.

Sử gia Ngô Sĩ Liên viết: "Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử, như hào cửu tứ của quẻ Tùy (xem Kinh Dịch) thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp. Nếu không thế thì nhất định sẽ mang tai họa. Quách Tử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như vậy."

Trước kia, Trần Thánh Tông thân đi đánh giặc, Trần Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương bắc đến. Trần Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tới bảo: "Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc."Trần Quốc Tuấn thưa: "Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Thái sư theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Thượng tướng. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn."

Một hôm, Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Trần Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội, Trần Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Trần Quang Khải: "Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm", rồi cởi áo Trần Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: "Hôm nay được tắm cho Thượng tướng." Trần Quang Khải cũng nói: "Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho."

Trước đây, hai ông tuy một là Quốc công tiết chế, một là Thượng tướng thái sư nhưng do lo lắng về mối thù của Trần Liễu để lại mà có mối hiềm nghi xa cách. Sau khi được Trần Quốc Tuấn tắm cho, hai ông trở nên thân tình, tin tưởng nhau, tình nghĩa qua lại giữa hai ông ngày càng thêm mặn mà[3]. Trong việc giúp đỡ nhà vua, hai ông đều đứng hàng đầu.

Vì có công lao lớn trong cả 3 lần chống nhà Nguyên nên vua gia phong ông là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong tước rồi tâu sau. Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào[3]. Khi quân Nguyên vào cướp, Quốc Tuấn lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông rất kính cẩn giữ tiết làm tôi.

Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Các người nổi tiếng khác như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự, bởi vì ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy. Xem như khi Trần Thánh Tông vờ bảo Trần Quốc Tuấn rằng: "Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi". Trần Quốc Tuấn trả lời: "Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng". Vì thế, đời Trùng Hưng, lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến phương bắc, chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên. Sau khi mất rồi, các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn bệnh dịch, nhiều người cầu đảo ông. Còn có lời đồn rằng, mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn. Trần Quốc Tuấn từng soạn các sách như Binh gia diệu lý yếu lược (quen gọi là Binh thư yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư để dạy các tỳ tướng, dụ họ bằng bài Hịch tướng sĩ.Trần Quốc Tuấn từng soạn sách để khích lệ tướng sĩ dưới quyền, dẫn chuyện Kỷ Tín chết thay để cứu thoát Hán Cao Tổ, Do Vu giơ lưng chịu giáo để cứu Sở Tử. Ông dạy đạo trung như vậy.Nhân dân Việt Nam vô cùng kính trọng ông do công lao hai lần lãnh đạo đất nước chống lại được họa Thát Đát (Mông Cổ). Dưới vó ngựa của Mông Cổ, các nước Hồi giáo hiếu chiến ở Trung Á, các công quốc Moskva, Novogrod (nước Nga ngày nay) cũng không thể nào bảo vệ được nền độc lập của mình. Lãnh thổ của Đế quốc Mông Cổ, theo chiều ngang, kéo dài từ Viễn Đông (gồm cả Triều Tiên) đến tận Moskva, Muhi (Hungary), Tehran, Damascus; chiều dọc từ Bắc Á xuống tới cả biên giới Ấn Độ, Miến Điện. Trong cơn lốc chinh phục của họ, chỉ có Thái Lan (Sukhothai) thoát khỏi họa diệt vong nhờ sách lược cầu hòa, Nhật Bản may mắn nhờ một trận bão biển làm thiệt hại bớt tàu của Mông Cổ, và Đại Việt nhờ khả năng lãnh đạo của Hưng Đạo Đại Vương mà giữ được bờ cõi.Mông Cổ không xâm chiếm được Ấn Độ, họ chỉ tiến được đến biên giới miền bắc Ấn ngày nay và bị chặn lại. Họ cũng chỉ vào được miền bắc Miến Điện trong một thời gian ngắn rồi phải rút lui. Ngoài Đại Việt đánh bại được đế chế Mông Cổ còn có Java (Indonesia), Ai Cập, Ấn Độ.

 

Tháng 6 năm 1300, Hưng Đạo Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?"

Hưng Đạo Vương trả lời: "Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương nam mới mạnh mà phương bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy."

Khi sắp mất, ông dặn con rằng: "Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau phục".

Trần Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, quân Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất lại là vì vậy.

Mùa thu, tháng 8, ngày 20, năm Canh Tý (tức 3 tháng 9 năm 1300), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp Đạo Đại Vương.

Vua Trần Thánh Tông có soạn bài văn bia ở sinh từ của Trần Quốc Tuấn, ví ông với Thượng phụ (Lã Vọng ngày xưa bên Trung Quốc).

 

Chân dung Hưng Đạo Vương  trên tiền giấy 500 đồng của  Việt Nam Cộng hòa

Sau khi mất, Trần Hưng Đạo được thờ phụng ở nhiều nơi, trong đó lễ hội lớn nhất ở đền Kiếp Bạc thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay, nơi ngày xưa là phủ đệ của ông. Ông được người dân nhiều đời sùng kính phong Thánh tức là Đức thánh Trần, đây là điều hiếm hoi trong lịch sử chỉ dành riêng cho vị danh tướng nhà Trần. Ngày lễ chính thức được tổ chức vào ngày ông mất (20 tháng 8 âm lịch hàng năm). Nhân dân không gọi trực tiếp tên của ông mà gọi là Hưng Đạo Vương, Hưng Đạo Đại Vương, Đức thánh Trần, hoặc gọi là Cha (Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ).

Cách gọi danh hiệu của ông cũng khác các vị vương. Các vương đều được gọi theo Tước và Tên, như Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, còn riêng ông được gọi bằng Họ và Tước là Trần Hưng Đạo. Đây là cách gọi vốn chỉ dành riêng cho các vị vua là Họ và Miếu hiệu (như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông), qua đó có thể thấy dân gian coi ông ngang với các vua Trần.

Các đền thờ Hưng Đạo Đại Vương có thể thấy ở khắp nước Việt Nam.

Tác phẩm

Gia đình

Cha mẹ

  • An Sinh vương Trần Liễu
  • Mẹ: Thiện Đạo quốc mẫu húy Nguyệt?

Anh em

Vợ

Con

Trần Hưng Đạo có 4 người con trai và 2 người con gái.

Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_H%C6%B0ng_%C4%90%E1%BA%A1o



Tượng Đức Hưng Đạo Vương
Tại Bến Bạch Đằng - Sài Gòn


Đền Kiếp Bạc
tại Hải Dương


Đền Thờ Hưng Đạo Vương
tại Sài Gòn




Binh Thư Yếu Lược
(bấm vào để đọc)


Hịch Tướng Sỹ

(bấm vào để đọc)


Vạn Kiếp Tông Bí Truyền

Vạn Kiếp tông bí truyền thư (chữ Hán萬劫宗秘傳書), còn gọi là Vạn Kiếp binh thư, là một tác phẩm của Trần Hưng Đạo về nghệ thuật quân sự, có lẽ chủ yếu là bày binh bố trận, nhưng đến nay đã bị thất lạc. Ông sưu tập binh pháp các nhà, làm thành bát quái cửu cung đồ, và đặt tên tác phẩm như vậy.

Người ta chỉ còn biết được một ít nội dung tác phẩm này, qua lời đề tựa của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư vẫn còn lưu giữ được.


Lời tựa của Trần Khánh Dư

Nhân Huệ Vương Khánh Dư viết bài tựa cho sách ấy như sau:

Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết.
Ngày xưa, Cao Dao làm sĩ sư mà không ai dám trái mệnh, đến Vũ Vương, Thành Vương nhà Chu làm tướng cho Văn Vương, Vũ Vương, ngầm lo sửa đức, để lật đổ nhà Thương mà dấy nên vương nghiệp, thế là người giỏi cầm quân thì không cần phải bày trận vậy. Vua Thuấn múa mộc và múa lông trĩ mà họ Hữu Miêu đến chầu, Tôn Vũ nước Ngô đem người đẹp trong cung thử tập trận mà phía tây phá nước Sở mạnh, phía bắc uy hiếp nước Tấn, nước Tần, nổi tiếng chư hầu, thế là người khéo bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập (Sách Tấn thư chép là Mã Long) nước Tấn theo bát trận đồ, đánh vận động hàng ngàn dặm, phá được Thụ Cơ Năng để thu phục Lương Châu. Thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy.
Cho nên trận nghĩa là "trần", là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa, Hoàng Đế lập phép tỉnh điền để đặt binh chế. Gia Cát xếp đá sông làm bát trận đồ, Vệ Công sửa lại làm thành Lục hoa trận. Hoàn Ôn lập ra Xà thế trận có vẽ các thế trận hay, trình bày thứ tự, rõ ràng, trở thành khuôn phép. Nhưng người đương thời ít ai hiểu được, thấy muôn đầu ngàn mối, cho là rối rắm, chưa từng biến đổi. Như Lý Thuyên có soạn những điều suy diễn của mình (sách Thái bạch âm kinh nói về binh pháp), những người đời sau cũng không hiểu ý nghĩa. Cho nên Quốc công ta mới hiệu đính, biên tập đồ pháp của các nhà, soạn thành một sách, tuy ghi cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm rà, tóm lược lấy chất thực.
Sách gồm đủ ngũ hành tương ứng, cửu cung suy nhau, phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ. Không lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần, ác tướng, tam cát, ngũ hung, đều rất rõ ràng, ngang với Tam Đại, trăm đánh trăm thắng. Cho nên, đương thời có thể phía bắc trấn ngự Hung Nô (ám chỉ nhà Nguyên), phía nam uy hiếp Lâm Ấp (Chiêm Thành).

Bình luận

Qua đây, có thể thấy luận thuyết quân sự của Hưng Đạo Vương là sâu sắc, đúng đắn.?] Tuy cuốn sách của ông đã tổng kết kinh nghiệm đưa đến thắng lợi cụ thể trong chiến tranh, song khi vận dụng kinh nghiệm đó, ông đã yêu cầu người học cần phải linh hoạt và sáng tạo:

Trích từ Đại Việt sử ký toàn thư:

Sau này, con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp thế trận; không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời. Nếu không thế thì mình chịu tai ương mà vạ lây đến con cháu. Thế gọi là tiết lộ thiên cơ đó.
Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BA%A1n_Ki%E1%BA%BFp_t%C3%B4ng_b%C3%AD_truy%E1%BB%81n_th%C6%B0







Đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) đức Trần Hưng Đạo lui về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Vua Anh Tông thấy ngài bệnh nặng sắp mất liền ngự giá đến thăm. Nhà vua đã cẩn thận xin ý kiến của Hưng Đạo Vương về cách thế đối phó với giặc phương bắc, mới hỏi rằng: “Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?”

Hưng Đạo Vương tâu rằng: “Nước ta thuở xưa, Triệu Võ Vương dựng nghiệp, Hán đế đem binh đến đánh, Võ Vương sai dân đốt sạch đồng áng, không để lương thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm đánh quận Tràng Sa, dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời. Đến đời Đinh, Lê, nhiều người hiền lương giúp đỡ, bấy giờ nước Nam đang cường, vua tôi đồng lòng, bụng dân phấn chấn; mà bên Tàu đang lúc suy nhược, cho nên ta đắp thành Bình Lỗ (thuộc Thái Nguyên) phá được quân nhà Tống, đó là một thời. Đến đời nhà Lý, quân Tống sang xâm, Lý đế sai Lý Thường Kiệt đánh mặt Khâm, Liêm, dồn đến Mai Lĩnh, quân hùng, tướng dũng, đó là có thể đánh được. Kế đến bản triều, giặc Nguyên kéo đến vây bọc bốn mặt, may được vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh, mới bắt được tướng kia, cũng là lòng trời giúp ta mới được thế.

Đại để, kẻ kia cậy có tràng trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị, thì ta nên kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.” (1)

Đọc lại những lời cố vấn của một danh tướng từng ba lần anh dũng chiến thắng quân Nguyên, chúng ta phải lo sợ cho tương lai VN trong tình thế hiện tại do Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền.

Đối sách của Trung Cộng hiện nay với VN chính là điều mà Hưng Đạo Vương lo ngại: Họ dùng chính sách “dần dà, như tằm ăn lá,…” mới khó trị. Những gì Trung Quốc thực hiện trong 10 năm qua cho thấy rõ điều đó. Nay thì ép buộc CSVN ký kết hiệp ước đất liền và biển khơi mà phần thiệt thòi nặng nề về phía VN, rồi còn chiếm thêm một số đảo; mai lại đòi khai thác bôxít Tây Nguyên; mốt thì hối lộ chính quyền VN để được trúng những gói thầu quan trọng liên quan tới an ninh tổ quốc, và mới đây nhất là thuê những diện tích lớn rừng đầu nguồn thuộc những tỉnh giáp biên giới Việt - Trung.

Điều kiện thứ nhất trong phương kế mà Hưng Đạo Vương đưa ra là: phải biết dùng tướng giỏi và có tài ứng biến như khi chơi cờ.

Từ ba thập niên qua, VN không có chiến tranh. Trong lần giao tranh vũ trang cuối cùng năm 1988, VN đã thua và để mất một số đảo trong quần đảo Trường Sa. Chúng ta không thể biết các tướng lãnh của Quân đội Nhân dân VN hiện nay sẽ ứng phó ra sao khi có chiến tranh. Những tranh chấp ở thượng tầng lãnh đạo, giới quân sự cũng chìm ẩn hoặc bị tổng cục T-2 chỉ đạo Bộ Quốc phòng nắm chắc, hoặc chưa được nhân vật nào thuộc phe đổi mới thân Tây phương yểm trợ nên chưa có tiếng nói nào.

Chúng ta chỉ thấy các lão tướng có uy tín trong quân đội trước nay lên tiếng, tiêu biểu là Tướng Võ Nguyên Giáp về những vụ như tổng cục T2, T4, Sáu Sứ, bôxít... Nhưng dường như những tiếng kêu gào của ông chỉ rơi vào khoảng không ghê rợn mà đảng và chính quyền hoàn toàn để ngoài tai, khác hẳn thái độ trân trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến Hưng Đạo Vương của Vua Trần Anh Tông.

Gần đây nhất, trong lá thư đề ngày 21 tháng 1 năm 2010, hai lão tướng khác của Quân đội Nhân dân là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã mạnh mẽ phản đối nhà cầm quyền CSVN “đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305, 3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới”.

Hai ông cho rằng chỉ vì hám lợi nhất thời trước sự việc cho mướn rừng đầu nguồn dài hạn sẽ gây hiểm họa cực lớn tới an ninh quốc gia. Hai tướng lý luận rằng “Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì nguồn thủy lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thủy điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp...”

“Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có  biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những ‘làng Đài Loan,’  ‘làng Hồng Kông,’ ‘làng Trung Quốc.’ Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng.” (2)

Không hiểu rồi đây tiếng nói của các vị có lòng với đất nước này sẽ bị rơi vào quên lãng như của Tướng Giáp hay không?

Nhưng những góp ý của hai lão tướng yêu nước nói trên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy các cấp lãnh đạo trong quân đội. Họ sẽ nhận thấy rằng Đảng CSVN hành động hoàn toàn chỉ vì quyền lợi của đảng mà không phải vì tổ quốc, vì nhân dân. Nhận thức đó rất có thể khiến họ sẽ không còn trung thành với đảng nữa. Những mệnh lệnh để chống lại “kẻ lạ,” nếu có, sẽ không được chấp hành nghiêm chỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Đó là ý thứ hai của Hưng Đạo Vương về đối sách với Trung Quốc: dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà mới có thể đánh được.

Đức Thánh Trần dạy những điều đó cũng là do ngài đã học hỏi kinh nghiệm cha ông trong huyền sử nước nhà. Những gì Đảng CSVN đang hành xử từ thời HCM rước chủ thuyết ngoại lai về rất giống với bài học An Dương Vương ngàn xưa.

“An Dương Vương đã xa rời nếp sống muôn dân, chỉ trông cậy vào người ngoài (thần kim quy) nên ông phải xây thành chống giặc mà trước kia các Vua Hùng không cần làm việc đó. Ông còn bước thêm một sai lầm nghiêm trọng nữa là đem nàng tiên Mỵ Châu, biểu tượng của tinh thần dân tộc gả cho Trọng Thủy, con của kẻ thùTriệu Đà.

Trọng Thủy đang là một kẻ xâm lăng khiến An Dương Vương phải xây thành, xin nỏ để chống cự bỗng ngang nhiên tung hoành tận thâm cung của Loa Thành, còn trở thành người đầu gối tay ấp của nàng tiên Mỵ Châu! “ (3)

Từ chỗ sai lầm tin vào chủ thuyết ngoại lai, Đảng CSVN bước tới giai đoạn rước giặc vào nhà. Nàng Mỵ Châu, biểu tượng cho hồn Việt, đã chấp nhận và ôm ấp giặc. Hơn thế nữa, nàng còn yêu chiều Trọng Thủy đến nỗi đưa cả nỏ thần, vũ khí giữ nước cuối cùng cho Trọng Thủy coi rồi bị lừa bịp đánh tráo, y như nhà nước hiện thời đang cho kẻ lạ khai thác bôxít Tây Nguyên, cho mướn rừng đầu nguồn dài hạn và cho trúng những vụ thầu quan trọng liên quan đến nền an ninh quốc gia.

Đảng CSVN - hình ảnh của Mỵ Châu - đã coi ý giặc hơn sự an toàn của dân nước. Nàng yêu qúy giặc hơn đồng bào, hơn quê hương, đã đàn áp sinh viên biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng, bỏ tù các nhà dân chủ và trí thức yêu nước, bịt miệng toàn dân, bỏ mặc ngư dân tự trang bị đối phó, lại còn theo ý giặc trao luôn cả nỏ thần vùng đất Tây Nguyên giữ nước, đổi lấy “4 tốt” và “16 chữ” thánh hiền vàng ngọc thiên triều đỏ ban cho.

Theo Đức Thánh Trần, tướng lãnh phải quyền biến như khi chơi cờ. Với cái nhìn ngày nay, phải hiểu đó là đường lối ngoại giao khôn khéo, biết dựa vào sức dân, vào văn hóa dân tộc, vào trí tuệ toàn dân mà đưa ra các biện pháp hữu hiệu hầu đối phó với chính sách nhẹ nhàng như tằm ăn dâu của Trung Quốc.

CSVN đã quên bẵng những bài học lịch sử cơ bản đó.

Nếu biết dựa vào sức dân và trí tuệ của nhân dân, họ đã phải đưa những hiệp ước về đất liền và phân chia vịnh bắc bộ, về khai thác bôxít, thương thảo những hợp đồng quan trọng, hoặc cho thuê rừng đầu nguồn dài hạn v.v... ra quốc hội bàn thảo, dù chỉ là chiếu lệ để toàn dân góp ý.

Đó có phải là thái độ khôn ngoan hay không? Có vì quyền lợi đất nước hay không?

Điều kiện thứ ba quan trọng hơn hết, là, “phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.”

Thế nào là khoan sức cho dân?

Thời xa xưa là bớt sưu cao thuế nặng, bớt đàn áp dân chúng, bớt ép buộc muôn dân phải bỏ công bỏ của phục dịch vua quan... Ngày nay là không đục khoét của công, phong bì bôi trơn hợp đồng, là tham nhũng hối lộ, quan liêu xu phụ; rồi còn cướp nhà cướp đất, biến quần chúng thành dân oan hoặc bắt đóng những thứ thuế có tên mà kế hoạch không bao giờ được thực hiện; hay đàn áp tôn giáo và những tiếng nói đối lập, bóp họng quần chúng với thông tin một chiều…

Tất cả những điều ấy đã mạnh mẽ tố cáo rằng đảng và nhà nước VN chỉ nắm được ngọn, bao gồm những đảng viên trung thành và các tổ chức ngoại vi ăn chia với nhau, chứ hoàn toàn không hề có kế sâu rễ bền gốc, bắt được nhịp sống của đáy tầng quốc dân như lời dạy của Đức Thánh Trần.

Vậy làm thế nào để bám rễ vào dân nhằm tạo gốc to lớn và vững chắc, được nhân dân hết lòng ủng hộ mà phát triển và bảo vệ đất nước?

Muốn đạt được các điều trên thì phải hành động theo ý trời, tức lòng mong mỏi của toàn dân.

Hiện nay nhân dân đang trông chờ điều gì?

Một cách tổng quan, đó là tự do, dân chủ và nhân quyền như bao công dân, bao tổ chức yêu nước thiết tha kêu gọi từ lâu. Nhiều người đã và đang phải chấp nhận tù đầy cho lời kêu gọi thống thiết đó. Nhưng nó đã hoàn toàn chìm vào hố sâu tĩnh lặng ghê rợn của cường quyền bạo lực nhà nước.

Muốn hiểu được ý dân, hãy bắt đầu bằng việc biết lắng nghe tiếng dân, hoà vào đời sống nhân dân hầu không rời xa dân nữa. Nghe tiếng lòng quốc dân là sao? Là phải để quốc dân nói. Muốn nghe mà bịt mồm bịt miệng người ta thì ai nói cho mình nghe? Muốn nghe mà không cho giơ tay phát biểu ý kiến, lại đe doạ rình rập bắt bớ thì ai còn thiện chí phát biểu? Nghe rồi, phải kiên quyết thực hiện ý dân, tức là nắm được mệnh trời.

Mệnh trời ai nắm, kẻ ấy sẽ được muôn dân theo về với mình.

Lời trăn trối quan trọng nhất vào lúc cuối đời của một danh tướng ba lần đại phá quân Nguyên, kết tinh từ máu xương quân dân Đại Việt, có được Đảng CSVN chú ý lắng nghe hay không?

Tạ Dzu

(1) Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, trang 165-166
(2)  Trích Thư gửi lãnh đạo, đề ngày 21/01/2010 của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
(3) Kinh Việt, Nam Thiên, Hoa Tiên Rồng, Brisbane (Úc) xuất bản, trang 234-235

Nguồn: http://www.vietvungvinh.net/2011/index.php?option=com_content&view=article&id=1002:loi-tran-troi-quan-trong-nhat-cua-hung-dao-vuong&catid=46:chinh-tri-xa-hoi&Itemid=82




Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang: Hưng Đạo Vương
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com

Email: thuky@vietnamvanhien.net

"Bất chiến tự nhiên thành" chi kế
Văn Hiến ngàn năm sử đã đề
  Giải trừ quốc nạn bằng Tâm lực
"Nhân Chủ (tự chủ) - An Vi (an lạc)" khai lối về


Lấy Tâm Lực thay cho vũ lực để giải trừ quốc nạn là phục hoạt nếp sống Văn Hiến và phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.