Kinh Hùng Khải Triết
Kim Định


   PHI LỘ

       Kinh Hùng là 15 truyện đầu trong quyển Lĩnh Nam Trích Quái (*) theo bản VHv1473 là bản Phạm Quỳnh đã theo Lê Hữu Mục đã dịch. Chúng tôi tiếc là trong hòan cảnh tị nạn không có đủ điều kiện để đưa ra được một bản văn có phê bình và một bản dịch cặn kẽ. Ở đây chúng tôi dùng bản dịch của họ Lê sau khi đã sửa vài ba chỗ sai (chắc vì vô tình) hoặc quá xa bản chính, nhưng nói chung đã đủ cho phương diện triết lý. Những sai biệt khác chỉ là chuyện văn học. Chúng tôi đã chia ra từng triệt ngắn có đánh số từ 1 đến 130. Không có ý chi khác hơn là giúp cho việc trưng dẫn được dễ dàng. Phần chú thích sẽ chú ý trọn vẹn đến ý nghĩa biểu tượng và triết lý. Đó là ý nghĩa nằm ngầm chính cốt hơn cả nên chúng tôi gọi là đệ tam cấp để biệt phân với đệ nhị cấp hiểu theo nghĩa sử địa và đệ nhất cấp hiểu theo nghĩa đen. Nói theo cơ cấu nghĩa đen là hiện nghĩa (phéno-texte) đối với ẩn nghĩa (géno-texte đệ tam cấp). Hiểu theo hai nghĩa này thì sự dị biệt có dầy vừa giữa các bản khác nhau, cũng như những sự giải nghĩa, nhưng đối với triết thì ít quan trọng, nên ở đây không nhắc tới, vì vậy những chú thích sẽ rất vắn tắt, chỉ cần chú ý tới bầu khí tòan bộ cũng như nền tảng cơ cấu. Điều đó đã được trình bày trong phần tham luận triết lý trước rồi.

(*) chú thích về chích quái hay trích quái.

Ít lâu nay có vấn đề nên đọc trích quái như trước hay nên đọc chích quái như một số người mới chủ trương, cho rằng đọc chích mới đúng chữ Nho như từ điển Từ Nguyên phiên âm “chi ích”. Đúng lắm, nhưng vấn đề đặt ra ở chỗ khác là Trấn Thế Pháp đã dùng chữ nào: trích hay chích, vì các bản có cả hai chữ, và cả hai đều có nghĩa: nếu chích là hái quả, thu lượm, thì trích cũng có nghĩa như vậy. Từ Nguyên định nghĩa chữ trích là dùng tay mà lấy như hái dưa hái trái: (thủ thủ dã như trích qua, trích quả). Như vậy nói chích hay trích không quan trọng, có chăng là chữ trích còn hàm ý trích từ sách khác nữa, nên nghĩa rộng hơn vì vừa thua lượm vừa trích từ sách khác.

Riêng đứng về phương diện triết mà nhìn thì có điều đáng tiếc là quyển Lĩnh Nam giá mà mang tựa đề là Việt Điện U Linh, còn quyển Việt Điện mang tên Lĩnh Nam Trích Quái thì hợp hơn. Nhưng đó là việc xưa không cãi được. Vậy xin đề nghị gọi phần quan trọng nhất của quyển Lĩnh Nam là Kinh Hùng vì đây là phần đầy giá trị nhân bản rất trung thực, một quyển sách duy nhất của nhân lọai trong lãnh vực nhân loại.

  X. TRUYỆN HỒNG BÀNG

1. Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh, Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.

2. Kinh Dương Vương xuống Thủy Phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu. Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần, tôn ty, có luân thường về phụ tử, phu phụ; hoặc có lúc đi về Thủy Phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn. Dân lúc nào có việc cần thời kêu Lạc Long Quân: “Bố đi đàng nào, không đến mà cứu chúng ta” (người Nam gọi cha bằng Bố, gọi quân bằng vua là tự đấy), thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được.

3. Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Long Quân đã về Thủy Phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Au Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại. Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy kỳ hoa, dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn, các lọai sơn hào hải vị không thứ nào là không có; khí hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh, Đế Lai ái mộ quá, quên cả ngày về.

4. Nhân dân nước Nam khổ về sự phiền nhiễu, không yên ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Long Quân về nên mới đem nhau kêu rằng:

- Bố ở phương nào, nên mau về cứu nhân dân.

Lạc Long Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Au Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi lang phong tú mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang đến hành tại. Au Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long Quân bèn rước nàng về núi Long Trang. Đế Lai về không thấy Au Cơ bèn sai quần thần tìm khắp thiên hạ. Long Quân có thần thuật, biến hiện trăm cách, nào là yêu tinh quỷ mị, nào là long xà hổ tượng, kẻ đi tìm úy cụ, không dám lục đảo tận cùng. Đế Lai trở về bắc truyền ngôi cho Đế Du Võng. Du Võng truyền lại cho Xi Vưu cùng với Hòang Đế đánh nhau ở Bản Tuyền và Trác Lộc không hơn nên tử trận. Họ Thần Nông bèn mất.

5. Au Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngòai đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, bà đem về nuôi nấng, không cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song tòan, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.

Long Quân ở lâu dưới Thủy Phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc quốc liền đi lên biên cảnh;  Hoàng Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái; mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long Quân:

- Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ!

Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp mẹ con ở Tương Dã. Au Cơ nói:

- Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một trăm trai mà không có gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ, một mình vò võ.

Long Quân bảo:

- Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy Phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.

6. Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã ra đi. Au Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình Hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành), chia trong nước làm mười lăm bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hòai Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tường văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng; con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bố Chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.

7. Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên bạch với vua. Vua bảo rằng:

- Ở núi là lòai rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại.

Bèn khiến lấy mực châm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh được nạn giao long cắn hại; cái tục văn thân của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy.

8. Ban đầu quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây soa đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy; đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm, gác cây làm nhà để tránh nạn hổ lang; cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã cối gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp; trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu để làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới tương thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế.

9. Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.

 

Chú thích

2. Xích Quỷ: xin chớ hiểu quỷ là quỷ đỏ, mà phải hiểu là lớn lao và thường đi với chữ chủ để chỉ người có quyền lớn lao ở miền Nam (xem Việt Lý Tố Nguyên tr.355). Còn Xích là phần tinh hoa nhất, cự phách nhất (xem tự điển Thiều Chửu chữ Xích). Vậy Xích Quỷ có nghĩa là làm chủ chốt cái tinh hoa của miền Nam, có thể nói là miền xích đạo, miền nông nghiệp lúa Mễ.

3. Tuy tả cảnh đất phì nhiêu, khí hậu không nóng không lạnh, nhưng cũng nên hiểu cả về môi sinh tinh thần là không thái quá hay bất cập v.v…

 4. Có người sợ mang tiếng cho Au Cơ dâm loạn hai chồng… nên đổi chữ vợ ra con gái, nhưng không nên làm thế.

5&6. Đây là lúc mẫu tộc chuyển sang phụ tộc nhưng một cách rất đặc biệt nên ảnh hưởng mẫu tộc còn lại rất nhiều, tô điểm cho văn hóa Kinh Hùng nét đặc trưng rất đáng quý (xem tòan vài VII Còn Mẹ). Có bản nói Long Quân ở lâu dưới Thủy Phủ quên mình có con, các con cũng không biết mình có cha. Nói vậy là tỏ ra mẫu tộc còn mạnh, lúc con mới biết có mẹ.

7. Xâm mình là bước cuối cùng trên con đường thờ vật tổ. Bước trước lá ăn vật tổ theo nghi thức tham dự linh thiêng (communion sacramentelle) sau đến vẽ hình vật tổ lên mình, để rồi cuối cùng chuyển ra vật biểu trong đợt minh triết. Vẽ mình tức đã ra vòng ngòai nhiều, nên rồng ghét, nhưng nhờ vẽ mình rồng (chỉ tiềm thức) nên còn hòa giải được. Không xảy ra vụ giết rồng như Tây Au.

8. Gác cây làm nhà sàn: giá mộc vi ốc. So với câu “giá mộc kết thảo vi cư”, lại so với hình vẽ nhà sàn trên trống đồng thì nhận ra đó là nhà sàn, và đã đủ dữ kiện để biểu thị trời, người, đất rồi. Lấy cây quang lang, cây xoa đồng làm bánh. Đây cũng hàm ý siêu hình, cây quang lang chỉ người sáng suốt kiểu nữ thần mộc.

- Giã cối làm hiệu: đó là tục sẽ dẫn đến việc đúc trống đồng.

XI. TRUYỆN NGƯ TINH

 

 10. Trong biển Đông Hải có loài Ngư tinh, mình dài hơn năm mươi trượng, có nhiều chân giồng như chân rết, biến hóa vô cùng, linh dị khó dò được; mỗi khi đi đâu thì nổi cơn mưa gió, hay ăn thịt người, ai cũng đều sợ hãi.

 11. Thời thượng cổ có loại cá mặt giống như mặt người, thường đi chơi trên bờ Đông Hải, hóa thành hình người, ngôn ngữ thông hoạt dần dần sinh lớn ra người trai gái, lấy cá tôm, hến ốc làm vật ăn; lại có giống người mới sinh ở hải đảo lấy sự bắt người làm sinh nhai, cũng thành ra người, cùng với đàn ông đổi chác các phẩm vật như muối gạo, áo quần, dao búa, thường qua lại ở biển Đông Hải.

 12. Trong có núi Ngư tinh, miệng răng nhô ra ngoài bờ biển, ở dưới núi có một chiếc hang lớn, đó là nơi cư trú của Ngư tinh; thuyền nhân dân qua lại phần nhiều bị hại; phong ba hiểm yếu, họ không có đàng nào mà tránh; muốn mở một lối đi ngã khác thì họ lại gặp cát đá không thể nào đào được.

 Một đêm kia, có tiên xuống moi đá làm kênh cho sự thông hành của loài người được tiện lợi; kênh sắp được đào xong thì Ngư tinh hóa ra một con gà trắng gáy ở trên núi; quần tiên nghe thấy ngỏ là trời gần sáng nên đều tự nhiên bay đi hết, nay gọi là đường Phật.

  13. Lạc Long Quân thương dân bị hại mới làm một con thuyền lớn, ra lệnh cho Thuỷ Dạ Xoa cấm thần biển không được làm gió sóng, chèo thuyền đến núi Ngư tinh, giả đem một người đến cho Ngư tinh ăn; Ngư tinh há miệng toan nuốt, Long Quân liền lấy một khối sắt nướng đỏ liệng vào miệng cá; Ngư tinh vùng vẫy nhảy đến đánh thuyền; Long Quân chém được khúc đuôi, lột da treo lên trên núi, nay gọi là Bạch Long Vỹ; khúc đầu trôi ra ngoài biển, hóa ra chó mà chạy mất; Long Quân lấy đá lấp biển thì chém được, nó bèn hóa ra đầu chó, nay gọi là Cẩu Đầu; khúc mình trôi vào Man Cầu, nay gọi là Cầu Man Cẩu là bởi đó vậy.

 

  Chú thích

11. Trong truyện nói cá ăn thịt người có thể do cướp bể xa xưa mà có hình ảnh này. Nhưng xem huyền thoại Tàu thì có lúc họ nhận cá làm vật tổ, đến đời nhà Tần còn nhận như vậy và do đấy có những truyện tế người cho Hà Bá. Nên lưu ý người Tàu xưa năng dùng hoa văn cá là liên hệ với tin tưởng ở đây. Về phương diện này Lạc Long Quân tiến sớm hơn phương bắc.

12. Gà trắng sẽ thấy xuất hiện trong truyện Kim Quy, cũng đều không tốt: gà (cung Dậu) cũng như sắc trắng đều nằm về phía tây.

13. Khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá có thể chỉ văn hóa Viêm phương hành hỏa chống lại văn minh du mục bắc phương (cá là hành thuỷ phương bắc).

XII. TRUYỆN HỒ TINH

14. Thành Thăng Long ngày xưa gọi là đất Long Biên, đời thượng cổ chưa có người ở. Đến đời vua Lý Thái Tổ chèo thuyền ở sông Nhị Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, nhân đó mới đặt tên là Thăng Long và đóng đô ở đấy, tức là kinh thành ngày nay vậy.

15. Buổi đầu, chỗ đất này về phía Tây có một ngọn núi đá, dưới núi có một cái hang, có một con hồ chín đuôi sống hơn một nghìn năm thành ra yêu quái, biến hóa vạn trạng, có lúc hóa người, lúc hóa khỉ, đi khắp cả nhân gian. Lúc bấy giờ ở dưới chân núi Tản Viên có giống người mọi gác cây kết cỏ mà ở, trên núi có một vị thần được mọi người phụng thờ. Vị thần ấy dạy cho mọi người cầy ruộng, dệt vải, may áo trắng mà mặc, nhân đó gọi là bạch y man.

16. Hồ chín đuôi hóa ra người áo trắng nhập vào trong bọn mọi, cùng lũ mọi ca hát, dụ dỗ được người con trai, con gái nào thì đem về nhốt ở hang đá; người mọi lấy làm khổ sở về việc ấy.

17. Long Quân mới sai bộ hạ Thuỷ Phủ dâng nước lên đánh phá núi Tiểu Thạch Sơn, đào thành một cái đầm lớn, chính giữa thành có một chiếc vực sâu, gọi là Thi Hồ Trạch (nay là Hồ Tây) rồi lập chùa quán để trấn yểm nữa (nay là Thiên Niên Quán), bờ phía Tây bên đầm thì đồng nội bằng phẳng, ruộng ao cầy cấy, gọi là Lỗ Hồ Động. Chỗ nào cao ráo thì đều có dân cư, tục gọi là Hồ Thôn. Còn cái hang nay gọi là Lỗ Hồ Đàm vậy.

 

Chú thích

14. Thăng Long thành đặt giữa hai sông rõ ràng bao hàm ý sông Tương nước chảy hai dòng. Còn sự giữ được nét song trùng là nhờ có Thăng Long tức Việt lên siêu hình. Xin nhớ Lạc Long Quân với Âu Cơ gặp nhau ở Tương Dã (H.5 thì cũng hàm ý sông Tương.

15. Phía tây chỉ mưu trí liên hệ với cáo già, cũng gặp được trong lễ Na có đoạn đánh hổ rừng: “đả dã hổ”, nhưng nực cười là chữ hổ bộ cẩu lại cũng có nơi viết bộ cổ để chỉ Hung Nô phía tây bắc (Danses, 327). Hồ tinh liên hệ với Ngư tinh (lẽ ra phải nói Bắc mới là hành thuỷ (nơi ở của cá), thế mà sách lại nói đông thì chắc là do thói thường chỉ mạn đông bắc) cả hai loài Hồ tinh và Ngư tinh không bị diệt hẳn nên còn quấy phá văn hóa phương nam đến tận nay.

16. Truyện này có thể hàm ý du mục phá nông nghiệp. Óc du mục quỷ quyệt được chỉ bằng hồ 9 đuôi, bắt người nhốt hang như Cộng sản nhốt người ta vào hang ý hệ Mác-Lê, nói là hang vì trừ thuyết Mác-Lê ra thì không cho dân nghe hay xem chi bên ngoài. Các sách vở khác đều đốt hết như Tần Thuỷ Hoàng xưa.

17. Long Quân truyền thuỷ bộ phá Hồ. Có sách thêm Long Quân truyền cho “thuỷ phủ tam quan” làm việc đó, thì tam chỉ đạo ba của nông nghiệp.

Có truyền thuyết nói là Kim Ngưu Tự (chùa trâu vàng). Trâu là nông nghiệp. Vàng là trung cung màu của Việt tộc.


XIII. TRUYỆN MỘC TINH

  18. Thuộc địa giới Phong Châu, về đời thượng cổ có một cây đại thụ tên là Chiên Đàn, thân cao nghìn tầng, cành lá xum xê không biết mấy nghìn dặm, có chim thước làm ổ ở trên cây nên chỗ đất ấy đặt tên là Bạch Hạc. Cây Chiên Đàn trải qua không biết mấy nghìn năm đến khi khô hủ thì hóa làm yêu tinh, biến hiện dũng mãnh, thường sát nhân dân.

19. Kinh Dương Vương dùng thần thuật thắng được yêu tinh, nhưng yêu tinh quỷ quyệt, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, biến hóa bất trác, thường ăn người sống, dân phải lập đền thờ mà cầu đảo. Mỗi năm đến ngày ba mươi tháng chạp, dùng một người sống làm lễ tế thì con tinh ấy mới chịu thôi, mà nhân dân cũng được yên ổn, tương truyền với nhau là Thần Xương Cuồng. Địa giới phía tây nam gần nước Mi Hầu, người trong nước khiến Bà Lộ Man (nay là phủ Diễm Châu) cướp lấy một người Lão tử nạp làm lễ tế, năm nào cũng lễ thường như vậy. Kịp đến khi Tần Thuỷ Hoàng sai Nhâm Ngao sang làm quan Lệnh Long Xuyên, Nhâm Ngao đổi cái lệ đó, cấm không được đem người sống mà tế. Thần giận, thần giết đi, từ đó về sau sự tế thần lại càng kính cẩn.

20. Đến đời Đinh Tiên Hoàng, có một pháp sư tên là Dũ Văn Mẫu người Tàu, tu hành chín chắn, tuổi hơn bốn mươi, đã chu du các nước, thông hiểu nhiều ngôn ngữ, tập được phép nãnh vàng răng đồng, khi sang đến nước ta thì đã tám mươi tuổi; Tiên Hoàng lấy lễ thượng mà đãi đằng. Dũ Văn Mẫu dậy lấy kỹ thuật phỉnh thần Xương Cuồng rồi giết đi.

21 Từ đó miền được cái họa dâng người hàng năm, mà sinh hoạt của nhân dân được bảo toàn vậy.

 

Chú thích

Ba vĩ tích của Lạc Long Quân cho vào một nhóm vì nó nói lên bước xả một cách có hàm ngụ cơ cấu, đi theo lối khai quang sửa soạn (via negativa) để cho Hùng Vương xây nền nhân chủ sau này.

Truyện Mộc tinh có hai giai đoạn cuối cùng mang tính chất ma thuật đã thêm vào sau nhiều bản bỏ. Vậy ở đây cũng xin bỏ luôn. Xét ra nó nghịch với tinh thần xả bỏ bái vật ma thuật của ba vĩ tích.

18. Mộc tinh hiểu là “ma mộc” gỗ khô, tức những gì hư hóa, nhất là các thứ dị đoan chỉ bằng xương cuồng. Lạc Long Quân cũng đuổi đi, rồi sau có người dùng ma thuật thì cũng chì là tạm bợ, nên nó còn lưu hành trong dân chúng, tuy nhiên cả ba thứ tinh không còn nhô đầu lên văn đàn được nữa như bên Âu Tây. Hồ tinh và Ngư tinh chỉ còn tác hại dưới hình thức du mục võ biền.


XIV. TRUYỆN TRẦU CAU

   22. Đời thượng cổ có một chàng tên là Quang Lang trạng mạo cao lớn. Quốc vương cho họ là Cao, nhân lấy chữ Cao làm họ, sinh được hai trai, người đầu tên là Tân, người thứ tên là Lang. Cha mẹ chết, hai anh em sang trọ nhà thầy đạo sĩ họ Lưu, cũng gọi là Lưu Huyền.

23. Nhà họ Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười bảy hay mười tám muốn tìm đôi bạn, nhưng không biết người nào là anh em, bèn bưng một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn để xem ai là anh ai là em. Thấy người em nhường cho ngừơi anh ăn trước, nàng bèn ghi nhớ lấy, đem tình thực trình bày với cha mẹ. Cha mẹ gả cho người anh kết làm vợ chồng, tình ái càng ngày càng thân mật.

24. Sau đấy, người em thấy anh đãi xử với mình không bằng lúc xưa, đem lòng hờn giận mới bỏ anh mà đi. Đi đến một nơi thôn dã bỗng gặp một cái suối lớn: không có thuyền để sang ngang, người em ngồi một mình khóc ròng rồi chết hóa thành một cái cây.

25. Đến khi người anh mất em mới bỏ vợ đi tìm chỉ thấy em đã chết gieo mình bên gốc cây, mà tự tận hóa thành một tảng đá quấn quanh gốc cây.

26. Sau đấy, người vợ lấy làm lạ sao chồng mình đi đã lâu mà không thấy về liền bỏ đi tìm, thấy chồng đã chết, nàng cũng gieo mình ôm lấy tảng đá mà chết luôn, hóa ra một sợi dây leo vấn vít trên đá, ngọn lá mùi thơm và say.

27. Cha mẹ Lưu thị đi tìm con, đến đó cũng than khóc, rồi lập đền thờ ở chỗ ấy mà thờ, người đương thời đi qua đấy, ai cũng đốt nhang vái lạy, khen là anh em hòa thuần, vợ chồng tiết nghĩa.

28. Trong khỏang tháng bảy, tháng tám, khí nóng còn nồng, Hùng Vương đi tuần hành thường nghỉ chân ở đấy để tránh nắng. Trông thấy trước đền im mát, dây lá phủ trùm, Vương lên tảng đá đứng ngắm nghía, hỏi ra mới biết công việc như thế, Vương lập tức bảo cận thần hái một trái cây và hái một lá dây leo, Vương thân nhai đi rồi nhổ trên đá, thấy có sắc đỏ tươi biết là vị ngọn mới lấy đem về, bảo lấy đá lửa nung làm vôi, cùng với trái cây, lá dây hợp làm một mà ăn, thấy vị ngọt béo, thơm cay, môi mép sinh đỏ, mới truyền ban ra thiên hạ, phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ, đều phải lấy vật này làm trước. Ngày nay cây cau, cây trầu không, đá vôi là do đó. Từ bấy giờ nước Nam có tục ăn trầu cau là bắt đầu từ đấy.

 

Chú thích

22&28. Truyện Trầu Cau nói lên tình huynh đệ cũng như nghĩa vợ chồng rất đẹp dễ hiểu, lại còn hàm ngụ thêm ý nghĩa siêu hình là Thái Hòa trời đất được biểu thị bằng sắc đỏ, như đã bàn trong bài Văn Lang Quốc. Có bản thêm tên cô gái là Liên, còn thầy tên là Lưu Huyền, hoặc Lưu Đạo Huyền thì càng nói lên rõ ý nghĩa: Liên là lá trầu quấn quanh cây và đá, tức làm cho Kim (đá) Mộc (cây cau) liên hệ với nhau để vươn lên đạo huyền diệu vô thanh vô xú. Có thể vì chữ huyền mà có chữ không trong trầu không (xem Sứ Điệp, bài V).


XV. TRUYỆN ĐẦM NHẤT DẠ

   29. Hùng Vương truyền ngôi đến vua cháu ba đời, có sinh được một người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chiều mà nghe theo. Mỗi năm khỏang tháng hai, tháng ba, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngòai biển, vui chơi quên cả ngày về.

30. Lúc bấy giờ ở làng Chử Xá có người tên là Chử Vy Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà ngheo lại gặp nhà cháy, của cải khánh kiệt tận chỉ cò một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng:

- Ta chết thì chôn lộ thể cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.

31. Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử Đồng Tử bấy giờ thân hình trần truồng, đói rét khôn xiết, mới cầm cần câu đi đến bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buồm đi qua, đứng dưới nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên Dung bỗng đến đó; nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi trượng cờ xí, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn vào đâu, trông thấy trong bãi phù sa có chòm lau sậy, lơ thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thanh huyệt để giấu mình, lại lấy cát vùi lên trên.

32. Giây lát, thuyền của Tiên Dung ghé vào đó; nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng màn vây kín cả chỗ lau sậy để tắm.

33. Tiên Dung vào trong màn, cởi áo múc nước dội tắm; cát chảy, thân hình Đồng Tử lộ ra, hồi lâu Tiên Dung biết là con trai. Tiên Dung nói:

- Ta đã không thích lấy chồng, nay lại gặp người này cùng lộ thân với nhau trong một huyệt cát, có lẽ trời khiến thế chăng? Thôi ngươi hãy dậy mà tắm rửa đi.

Rồi ban cho áo quần, cùng nhau xuống thuyền ăn uống hoan lạc; người trong thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có.

34. Đồng Tử nói rõ sự tích cho Tiên Dung nghe; Tiên Dung thương xót, bảo làm vợ chồng. Đồng Tử cố từ. Tiên Dung nói:

- Việc này tự trời tác hợp, việc gì mà từ chối?

35. Những người tháp tùng vội đem việc ấy tâu lên với Hùng Vương; Hùng Vương giận bảo rằng:

- Tiên Dung không biết trọng danh tiết, không biết tiếc tiền của ta, đi chơi giữa đường lại hạ giá, lấy người nghèo, còn mặt mũi nào mà thấy ta nữa, từ nay mặc kệ nó, không cho trở về nước nữa.

36. Tiên Dung nghe tin, sợ không dám trở về mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng nhân gian mậu dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn (nay là chợ Hà Lõa); thương nhân ngọai quốc qua lại buôn bán, kính sự Tiên Dung Đồng Tử làm chủ.

37. Có một nhà đại thương đến nói với Tiên Dung rằng:

- Quý nhân xuất ra một thoi vàng, năm nay cùng với người nhà buôn ra ngòai biển mà mua vật quý, sang năm sẽ lời được một thoi.

Tiên Dung bảo Đồng Tử rằng:

- Vợ chồng ta do trời định khiến, ăn mặc là của trời cho, bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mà mua hàng đem về làm kế sinh nhai.

38. Đồng Tử bèn cùng đi với người nhà buôn; ngòai biển có một hòn núi tên là Quỳnh Viên Sơn; trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đấy mà múc nước; Đồng Tử lên chơi trên am, có một tiểu tăng tên là Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử mới lưu lại am nghe thuyết pháp, giao vàng cho người đi buôn mua hàng, dặn lúc nào trở về thì ghé lại am để cho Đồng Tử về. Nhà sư mới tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng:

- Linh thông tại đây đó.

Đồng Tử trở về, đem chuyện đạo Phật nói hết với Tiên Dung, từ đó giác ngộ, bỏ chợ búa, nghề buôn, đem nhau đi tìm thầy học đạo. Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xà, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường, mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt.

39. Sáng ngày ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem những vật hoa hương, ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước.

Hùng Vương hay tin cho là con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh; quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngữ.

40. Tiên Dung rằng:

- Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là trời giun gửi; sinh tử tại thiên, ta đâu dám chống cha, phải thuận chịu điều chính, chờ lệnh chém giết.

Lúc bấy giờ những người mới tập họp, sợ hãi mà chạy tán loạn, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên Dung.

41. Quan quân kéo đến đóng doanh ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn; ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng đến nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn; bộ đảng, thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày, dân gian không trông thấy thành nữa, cho là linh dị bèn lập miếu đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, châu ấy là Man Trù Châu (hoặc gọi là Tự Nhiên Châu), chợ ấy là Hà Lõa Thị.

42. Sau đến thời Nam Đế, binh nhà Lương sang xâm chiếm nước ta, vua sai Triệu Quang Phục làm tướng đem binh ngăn giữ. Quang Phục điều động dân chúng tàng ẩn ở trong đầm, cái đầm ấy sâu rộng bùn lầy, khó bề tiến lui; Quang Phục cỡi chiếc thuyền độc mộc qua lại cho tiện, thường nhân đêm tối, dùng thuyền mà đột xuất đánh phá cướp lấy lương thực, làm kế trĩ cửu cho giặc kiệt quệ. Ba bốn năm trường giặc không đánh được. Bá Tiên than rằng:

- Đời xưa gọi là đầm nhất dạ thăng thiên, ngày nay lại là cái đầm nhất dạ đạo kiếp.

43. Gặp lúc Hầu Cảnh tác loạn bên Trung Hoa, vua Lương triệu Bá Tiên về, ủy quyền cho tỳ tướng Dương Sằn thống lĩnh quần chúng.

Quang Phục trai giới thiết đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo. Thóat thấy thần nhân cỡi rồng giáng xuống giữa đầm, bảo Quang Phục rằng:

- Ta lên trời nhưng linh dị còn ở đây, người có lòng thành cầu đảo, ta đến để giúp bình loạn tặc.

Rồi cởi vuốt rồng đưa cho Quang Phục bảo giắt vào đầu đâu mâu, hễ đánh đâu là được đó. Nói đoạn lại bay lên trời. Quang Phục y như lời dặn đem binh đột kích, binh Lương đại bại, chém được tướng Dương Sằn ở trận tiền, binh Lương lui chạy.

Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập lên làm Triệu Vương, đóng đô ở quận Vũ Ninh núi Trâu Sơn.

 

Chú thích

29. Chử Đồng Tử còn bên dưới bậc “khố rách áo ôm”, tức khố cũng không có để mà rách, vậy mà lấy được công chúa Hùng Vương thì sự biểu lộ tinh thần dân chủ cao độ tuyệt không có óc kỳ thị đẳng phái giàu sang. Đó là điểm một.

35. Điểm hai là quyền định đoạt và sáng kiến của Tiên Dung rất cao, không những bên trên Chử Đồng Tử, mà còn ngòai cả quyền cha. Đó là nói lên giai đọan mẫu tộc còn mạnh. Điểm ba dầu vậy trời phật đều ủng hộ, khi sống cho làm ăn phát đạt, khi chết còn được linh ứng để giúp nước.

Từ số 37 đến 39 có nhiều pha tạp lộn xộn vừa trái với lịch sử vì lúc ấy đã có đạo Phật đâu, lại trái với môi sinh câu truyện quyền định đoạt nơi Tiên Dung chứ không nơi Đồng Tử. Tuy nhiên đoạn ấy nói lên sự liên lạc mật thiết sau này giữa đạo Tiên và đạo Phật.

XVI. TRUYỆN PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG

  44.  Đời Hùng Vương thứ ba, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ. An Vương lấy sự thiếu lễ triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta.

45. Hùng Vương nghe được mới triệu quần thần hỏi về kế hoạch đánh hay giữ. Có nhà phương sĩ dâng lời rằng:

- Không gì bằng cầu Long Quân để nhờ âm phù.

Hùng Vương nghe theo mới đắp đàn trai giới, đặt vàng bạc lụa là ở trên bàn, đốt hương cầu tế ba ngày thì trời cảm sấm mưa, thoắt thấy một ông già cao hơn sáu thước mặt vuông, bụng lớn, râu mày bạc phơ, ngồi ở ngã ba mà nói cười ca múa; người ta trông thấy, ngờ là người phi thường mới tâu với vua. Vua thân hành ra bái yết, rước vào trong đàn; ông già không ăn uống, không nói năng gì cả.

Hùng Vương đến trước hỏi rằng:

- Nay binh nhà An sắp sang đánh, hơn thua ra sao, nếu có kiến thức gì xin bày cao cho.

46. Ong già giây lát mò thẻ ra bói, thưa với vua rằng:

- Sau ba năm giặc mới qua đánh.

Vua lại hỏi kế hoạch để đánh giặc, ông già đáp rằng:

- Nếu có giặc đến thì phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt để cho nước có uy thế, rồi tìm khắp thiên hạ có ai dẹp được giặc thì phong cho tước ấp, hễ được người ấy thì dẹp được giặc ngay.

Nói đoạn, bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân.

47. Vừa đúng ba năm, biên binh cáo cấp có quân An sang, Hùng Vương y theo lời nói của lão nhân, sai sứ đi khắp thiên hạ để tìm người dẹp giặc.

48. Sứ giả đến làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh, trong làng có một ông nhà giàu đã hơn sáu mươi tuổi mới sinh được một người con trai ba tuổi không biết nói, chỉ nằm ngửa không ngồi dậy được. Bà mẹ nghe Sứ giả đến, nói bỡn với con rằng:

- Sinh được thằng này thì chỉ biết ăn uống chớ không biết đánh giặc để lĩnh thưởng của triều đình mà đền ơn bú mớm.

Đứa trẻ nghe mẹ, thình lình nói lên rằng:

- Mẹ hãy gọi Sứ giả vào đây, con hỏi thử xem là việc gì.

Bà mẹ cả kinh, mừng rỡ báo với xóm làng:

- Con tôi đã biết nói.

Xóm giềng cũng lấy làm lạ mới rước Sứ giả về nhà.

49. Sứ giả hỏi rằng:

- Mầy là đứa trẻ mới biết nói mà bảo kêu ta đến làm gì?

Đứa trẻ mới ngồi dậy bảo Sứ giả rằng:

- Lập tức về tâu với vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao mười tám thước, một gươm sắt dài bảy thước, một cái nón sắt, trẻ này cỡi ngựa, đội nón đi đánh giặc cho, giặc sẽ phải tan tành, nhà vua việc gì mà lo.

50. Sứ giả chạy về trình cáo với vua. Vua mừng bảo rằng:

- Thế thì ta không lo gì vậy.

Quần thần đều tâu:

- Một người đánh giặc làm sao phá nổi?

Vua nói:

- Đó là Long Quân giúp ta, lời lão nhân đã nói trước không phải là lời nói không, các ngươi không nên ngờ.

Rồi sai người tìm sắt cho được năm mươi cân luyện thành ngựa sắt, gươm sắt và nón sắt; Sứ giả đem tất cả đến; bà mẹ thấy thế cả kinh, sợ họa đến cho mình, lo sợ hỏi con.

Đứa trẻ cả cười nói rằng:

- Mẹ đem cơm thật nhiều cho con ăn, con đi đánh giặc, mẹ đừng lo sợ.

51. Rồi đứa trẻ lớn rất mau, áo cơm hàng ngày bà mẹ cung cấp không đủ, hàng xóm nấu thêm cơm, làm thịt trâu, rượu, bánh, trái, thế mà đứa trẻ vẫn không no bụng; vải lụa gấm vóc mặc chẳng kín hình, đều phải lấy thêm hoa cây hoa lau mà che nữa.

52. Đến khi quân nhà An kéo đến Trâu Sơn, đứa trẻ mới duỗi chân đứng dậy, mình cao hơn mười trượng, nghểnh mũi mà nhẩy, nhẩy mũi hơn mười tiếng rồi tuốt gươm nói lớn lên rằng:

- Ta là Thiên Tướng đây!

Bèn đội nón nhảy lên ngựa, ngựa phi như bay, múa gươm xông đến trước, quan quân theo sau đến sát lũy giặc, dàn trận dưới núi Trâu Sơn. Quân An cả vỡ, trở giáo chạy lùi, An Vương chết ở Trâu Sơn, còn dư đảng thì la liệt sụp lạy và hô rằng:

- Thiên tướng, chúng tôi hết thảy xin đầu hàng.

53. Đứa trẻ đi đến núi Việt Sóc mới cởi áo mặc rồi cưỡi ngựa bay lên trời, chỉ lưu dấu chân trên đá ở dưới núi mà thôi.

Hùng Vương nhớ đến công lao, không biết lấy gì đền báo mới tôn làm Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ ở vườn nhà làng ấy, cho ruộng một trăm khỏanh để làm lễ hưởng tế xuân thu.

Đời nhà An hai mươi bảy vua, trải qua sáu trăm bốn mươi năm, không dám đem binh sang đánh nữa.

54. Man Di bốn phương nghe được như vậy cũng đều thần phục, về phụ với Vương. Sau vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương, lập miếu tại Phù Đổng (nay ở huyện Tiên Du) bên chùa Kiến Phúc, tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu đều có tế lễ vậy.

Có bài thơ rằng:

Vệ Linh năm tháng đám mây nhàn.

Muôn tía nghìn hồng chói thế gian.

Ngựa sắt ở trời, danh ở sử. 

Uy linh lừng lẫy khắp giang san.

 

Chú thích

44. Có bản chỉ nói Hùng Vương. Bản khác nói Hùng Vương thứ 6, thế là sai với tòan bích nói đến số 3 năm lần:

- Cầu đảo 3 ngày.

- Ngồi ở ngã ba đường.

- 3 năm nữa giặc đến.

- Ba năm sau.

- Trẻ 3 năm mới nói.

Như vậy đủ biết là ý ẩn trong số 3 đã quá rõ.

45. Có bản nói ông già cao hơn 9 thước thì đúng hơn 6 thước, vì tự 3 tới 9 là bộ huyền số đi đôi.

50. 50 cân sắt làm sao đủ đúc ngựa, kiếm, mũ, roi? Vậy quả là nghĩa huyền sử 3, 5, 9 đầy đủ.

51&54. Ý sâu xa là tòan dân ngày thường chỉ biết ăn làm những khi giặc đến nhà thì đàn bà còn phải đánh nữa là đàn ông. Câu truyện nói lên tình đòan kết quốc gia mà hội nghị Diên Hồng là thí dụ. Thánh Dóng như vậy đã hiện hình đẩy xâm lăng rất nhiều lần.


XVII. TRUYỆN BÁNH DÀY BÁNH CHƯNG

  55. Sau khi Hùng Vương đãphá giặc An rồi, trong nước thái bình mới lo việc truyền ngôi cho con, hội hai mươi hai vị công tử lại mà bảo rằng:

- Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân cam mỹ vị đến dân cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.

56. Các công tử lo đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiều mà kể. Duy có công tử thứ chín tên là Lang Liêu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên.

57. Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng:

- Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.

Lang Liêu kinh sợ tỉnh dậy, mừng rằng “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”.

58. Lang Liêu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nặn làm hình tròn để tượng trưng hình trời, gọi là bánh dầy.

59. Đúng kỳ, Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu. Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi giây lát, rồi cho Lang Liêu được giải nhất.

60. Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu để gọi là Tiết Liệu.

61. Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, cứ thủ núi sông để làm hiểm cố.

62. Về sau, họ hàng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc sách để che kính bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường khởi thuỷ từ đấy vậy.

 

Chú thích

55. Truyện Bánh Dày Bánh Chưng nói lên nền triết lý bao la như trời đất nhưng lại gần gũi và cụ thể như miếng ăn. Truyện này dễ hiểu nên đã được khai thác nhiều nhất. Nhưng huyền số thì chưa được nắm vững nên có người nói là Hùng Vương thứ 8 thay vì thứ 3, còn Công Tử thì thứ 6! Mất hết ý nghĩa. Đó là vì chưa nhìn ra liên hệ 3-9 là cả một cơ cấu nền tảng và sinh động từ 3 tới 9. Chữ Lang Liêu nên đọc là Liêu, tuy đọc Liệu không sai vì có cả 2 âm Liêu và Liệu, nhưng nên đọc Liêu cho phân với Tiết Liệu sau. Vả chữ Liêu (bộ nhân) đúng với ý hơn: liêu có nghĩa là quan, lang Liêu là quan Lang; còn chữ Liệu (bộ hỏa) không hợp nghĩa. Chắc là chép sai. Chú ý câu: “Thiên địa chi vật dĩ mễ vi quý” tỏ ra tinh thần nông nghiệp trổi vượt hơn cả những vật khác. Nên nhớ trong khoa bảng “Cổ Nhân Chi Tượng” (kinh Thư, thiên Ích Tắc, câu 4) thì phấn mễ (bột gạo) là một trong 12 tượng đáng kính tôn.


XVIII. TRUYỆN DƯA HẤU

  63. Ngày xưa, đời Hùng Vương có một người tên là Mai An Tiêm, người ngoại quốc, mới được bảy tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vương mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều việc.

64. Vương đặt tên là Yển, tên chữ là An Tiêm và cho một người thiếp, sinh được một trai, Vương yêu dùng để sai bảo, dần dần Yển thành phú quý, ai cũng úy phục, và chen nhau đến dâng lễ vật không thức gì là không có; Yển sinh ra kiêu mạn, thường tự bảo rằng:

- Của cải này là vật tiền thân của ta, ta không từng trông nhờ vào ơn chúa.

65. Hùng Vương nghe được, cả giận nói rằng:

- Làm thần tử mà nó không biết ơn chúa, sinh ra kiêu mạn, nói rằng của cải đều là vật tiền thân của nó. Bây giờ ta đem bỏ nó ra ngòai biển, ra cái chỗ không người ấy coi thử nó có còn cái vật tiền thân của nó nữa hay không?

66. Bèn đày Mai Yển ra ngòai bãi cát của biển Nga Sơn, tứ phía không có dấu chân người đi đến, chỉ để cho lương thực đủ dùng trong bốn năm tháng mà thôi, ăn hết là chết đói. Chị vợ khóc ầm lên, bảo rằng ta chắc chết ở đây không lý gì sống được.

Tiêm nói:

- Trời đã sinh thì trời phải dưỡng, có lo gì?

67. Ở chưa bao lâu, đương lúc tháng tư, bỗng thấy một con bạch hạc từ phương tây bay lại, đậu lên mỏm núi cao, kêu lên ba bốn tiếng thì sáu bảy hạt dưa rơi trên mặt cát, đâm chồi nẩy lộc, lan trên cát, xanh tốt rườm rà, rồi kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết.

68. An Tiêm mừng rỡ nói:

- Đây đâu phải quái vật, đó là trời cho để nuôi ta đó.

Bổ dưa ra ăn thì mùi vị thơm tho ngọt ngào, ăn vào thì tinh thần khỏe khoắn, rồi cứ mỗi năm trỉa thêm, ăn không hết thì đem đổi lấy lúa gạo nuôi vợ con. Nhưng không biết dưa ấy tên là gì, mới nhân chim tha từ phương tây đem đến nên đặt tên là Tây qua.

69. Những khách chài lưới, buôn bán, ưa mùi vị của nó đều đem phẩm vật của mình để đổi lấy dưa. Nhân dân xa gần, trên rừng dưới bến tranh nhau mua hạt, bắt chước trồng tỉa khắp bốn phương; dân gian suy tôn An Tiêm làm “Tây Qua phụ mẫu”.

70. Lâu ngày, Vương nhớ đến An Tiêm, sai người đến chỗ An Tiêm ở hỏi thăm có còn sống hay không.

Người ấy về tâu lại với Vương. Vương than thở hồi lâu mới nói rằng:

- Nó bảo là vật tiền thân của nó, thực là không nói dối vậy.

Vương bèn triệu An Tiêm về, trả quan chức lại và cho tỳ thiếp, đặt tên chỗ An Tiêm ở là “An Tiêm Sa Châu”; thôn ấy gọi là Mai An, đến nay còn lấy tây qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự, là khởi từ An Tiêm vậy.

 

Chú thích

Truyện này nói lên đức tự lực cánh sinh gần được như các con của Au Cơ nghi mẫu: mẹ không nuôi chỉ vất ra ngòai đồng vậy mà con nào cũng lớn mạnh. Đây là muốn cụ thể vào một việc cho rõ đạo tự cường tự lực tuy đã nhiễm mầu Phật, nhưng cũng còn cậy vào công cũ nên vẫn giữ được vẻ tự cường tự lực của nhân thoại.

XIX. TRUYỆN BẠCH TRĨ

  71. Thời Thành Vương nhà Chu, Hùng Vương sai sứ thần đem qua dâng cho nhà Chu giống chim Bạch Trĩ, nhưng ngôn ngữ bất thông, Chu Công sai người dịch hai lần mới hiểu.

72. Chu Công hỏi rằng:

- Người Giao Chỉ cắt tóc, vẽ hình, để đầu trần, đi chân không là tại làm sao?

Sứ giả thưa rằng:

- Cắt tóc để tiện vào rừng; vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến; đi chân không để tiện trèo cây, cày dao, đốt lửa, gieo lúa; đầu trần để khử nóng bức, ăn cau trầu để trừ ô uế và làm cho răng đen.

73. Chu Công hỏi:

- Vì sao mà đến đây?

Sứ giả thưa:

- Trời không gió lớn mưa dầm, biển không nổi sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung Quốc có thánh nhân nên mới sang đây.

Chu Công than rằng:

- Chính lệnh không đến, quân tử không bắt người xa làm tôi, đức trạch không thêm, quân tử không hưởng của cống.

74. Kịp nhớ đến Hoàng Đế có lời thề rằng: “Giao Chỉ ở phường ngoại không được xâm phạm”, mới thưởng cho trọng vật, khuyên răn rồi bảo về. Sứ giả quên mất đường về, Chu Công cho một cỗ xe hai ngựa, khiến cứ chỉ hướng Nam mà về.

Đức Khổng Tử làm sách Xuân Thu, cho nước Văn Lang là đất yêu hoang, văn vật chưa hoàn bị nên bỏ mà không chép vậy.

 

Chú thích

71. Truyện Bạch Trĩ, nói lên ảnh hưởng của Việt Đạo lên Bắc nhưng đã quá lu mờ không còn sắc nét như truyện cống rùa (xin xem lại bài VIII Vang Vọng Của Nước Văn Lang) nên người chép đã thêm một câu cuối cùng về Khổng Tử biểu lộ sự quên gốc trọn vẹn.

XX. TRUYỆN LÝ ÔNG TRỌNG

  75. Cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý tên là Thân, sinh ra to lớn, cao hai trượng ba thước, hung tợn. Thân giết người, tội đáng tử hình, nhưng Hùng Vương tiếc không nỡ giết.

76. Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh sang đánh nước ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống hiến; Thủy Hoàng được Lý Thân rất mừng, dùng làm quan Ty Lệ Hiệu Uy. Kịp lúc Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, Thân được sai đem binh ra giữ Lâm Thao, Hung Nô không dám gần biên tái nên Thân được phong tước Vạn Tín Hầu, và được cho trở về nước.

77. Sau Hung Nô xâm phạm bờ cõi, Thủy Hoàng nhớ đến Lý Thân sai sứ sang vời; Thân không chịu đi mới trốn vào rừng khe; vua Tần trách hỏi; An Dương Vương tìm lâu không được, nói dối là Thân đã chết rồi. Vua Tần hỏi chết vì cớ gì, An Dương Vương trả lời là đau bệnh tả. Thủy Hoàng sai sứ sang nghiệm xem có phải không thì An Dương cho nấu cháo đổ xuống ao để làm thực tích. Thủy Hoàng bảo lấy thây đưa qua; Lý Thân bất đắc dĩ phải tự tận mà chết; người ta lấy thủy ngân ướp vào thây Lý Thân đưa sang nạp. Thủy Hoàng than tiếc, bảo đúc đồng làm tượng ông, ban hiệu là Lý Ong Trọng; tượng đặt ở cửa Tư Mã đất Hàm Dương, ruột tượng có thể chứa được vài mươi người; mỗi khi có sứ bốn phương đến, vua sai người lén vào làm cho tượng dao động; Hung Nô tưởng là Hiệu Uy còn sống, không dám đến gần. Đến đời nhà Đường, Triệu Xương sang làm Đô Hộ Giao Châu, đêm mộng thấy cùng với Lý Thân giảng sách Xuân Thu của họ Tả, nhân đó hỏi nhà cũ ở đâu rồi lập đền thờ phụng.

78. Kịp lúc Cao Biền bình Nam Chiếu, Lý Thân thường hiển linh ứng; Cao Biền trùng tu miếu vũ, khắc gỗ làm tượng, gọi là đền thờ Lý Hiệu Uy, bây giờ ở tại huyện Từ Liêm, xã Thị Hiện (nay là xã Thụy Hương) cách phía tây kinh thành năm mươi dặm, mỗi năm đến tế vậy.

 

Chú thích

Truyện này còn muộn hơn truyện Bạch Trĩ và cũng hàm ý ảnh hưởng của Việt Thường lên mạn bắc, nhưng mạn bắc cũng chỉ tiếp nhận được có cái xác, còn hồn thiêng thì ở lại Việt. Hồn Lý Thân có thể tìm trong con số hai ba (cao hai trượng ba thước). Phần xác lớn lao hung tợn (hai trượng). Còn hồn thì biểu lộ trong vụ đọc sách Tả Thị tức tinh thần tả nhậm đại diện bằng Tả Khâu Minh quê nước Sở (Kinh Việt xưa) nơi đề cao phía tả (tức nguyên lý mẹ).




XXI. TRUYỆN VIỆT TỈNH

  79. Việt Tỉnh ở núi Trâu Sơn, quận Vũ Ninh; đời Hùng Vương thứ ba, An Vương cử binh nam xâm, đóng quân ở núi Trâu Sơn; Hùng Vương cầu Long Quân giúp, Long Quân bảo tìm khắp thiên hạ, nếu được người kỳ tài thì dẹp được giặc; đến kỳ cầu được Đổng Thiên Vương cỡi ngựa sắt đi đánh, tướng sĩ nhà An đều tan vỡ. An Vương chết ở dưới núi, làm Địa Phủ Quân; dân lập đền thờ, bốn mùa cúng tế nhưng lâu năm suy dần bỏ thành chùa hoang.

80. Người bản quốc tên là Thôi Lang làm quan nhà Tần đến chức Ngự Sử Đại Phu thường đi ngang qua đây, thương cảnh điêu tàn mới trùng tu miếu vũ lại, nhân đó có đề một bài thơ:

Cổ nhân truyền tụng chuyện An Vương.

Tuần thú năm kia đến địa phương.

Núi rậm, nước trôi không thấy miếu;

Hồn thăng, dấu để vẫn nghe hương,

Một mai thắng bại không An đức,

Muôn thưở uy linh trấn Việt Thường.

Trăm họ từ đây đều phụng tự.

Am phù vận nước vững vô cương.

81. Sau đến đời Nhâm Hiêu, Triệu Đà nam xâm lại đóng quân ở núi này, lại trùng tu miếu mạo, cúng tế hậu hĩnh; An Vương cảm đức, muốn đền công cho Thôi Lạng mới sai Ma Cô Tiên đi khắp nơi. Lúc bấy giờ Thôi Lạng đã chết, chỉ còn con là Thôi Vỹ.

82. Tiết thượng nguyên tháng giêng, phương dân đi lễ đền, có người cúng một cặp bình pha lê. Ma Cô cầm lên tay ngắm nghía, bỗng bình rơi xuống đất, vỡ sứt một mảnh; người ta bắt Ma Cô lại đòi bồi thường; Ma Cô mặc áo rách, không ai biết là người tiên; họ mới lấy roi đánh.

83. Thôi Vỹ thấy thế thương hại, cởi áo đền hộ nàng; Ma Cô được khỏi đánh, nhân đó hỏi đến chỗ ở của Thôi Vỹ, Thôi Vỹ nói đến tên cha thì nàng mới hay là con Thôi Lang.

84. Nàng mừng bảo rằng:

- Ta bây giờ không có lấy gì để đền ơn, sau này chàng sẽ được hậu báo.

Bèn đưa cho Thôi Vỹ một tấm lá ngãi và dặn rằng:

- Hãy giữ lấy vật này cho cẩn thận, lúc nào cũng để trong mình, gặp bệnh nhục ảnh (cái biếu) mà đem cứu tất khỏi, rồi thế nào cũng được giàu sang phú quý.

Thôi Vỹ cầm lấy lá ngải nhưng cũng chẳng biết đó là thuốc tiên.

85. Một hôm đi đến nhà đạo sĩ Ứng Huyền, thấy Huyền có một cái nhọt trên đầu, Vỹ nói:

- Tôi có lá ngải trị được bệnh này, để tôi trừ cho.

Thôi Vỹ lấy ngải cứu cho Ứng Huyền, cái nhọt của Ứng Huyền liền tiêu tan. Ưng Huyền nói:

- Ay là thứ thuốc tiên vậy, tôi không có gì đền đáp cho anh, tôi có một người thân thích cũng đau bệnh này, thường nói rằng ai chữa cho bệnh lành được thì dầu hết gia tài cũng chẳng hề tiếc, tôi đem anh qua đó để chữa cho họ và để đền ơn anh.

86. Ứng Huyền đem Thôi Vỹ sang nhà Nhâm Hiêu (*), Thôi Vỹ lấy ngải ra cứu, cái nhọt lập tức lành ngay. Nhâm Hiêu rất mừng, nuôi Vỹ làm con, mở trường để dạy Vỹ; tính Vỹ thông minh, ưa thích đàn cầm, thấy con gái Nhâm Hiêu là Phương Dung mới đem lòng yêu dấu, nhân cùng nàng tư thông, tình ý quyến luyến, con Hiêu là Nhâm Phu biết được, muốn làm cho Vỵ chết.

87. Đến cuối năm, có lễ tế thần Xương Cuồng, người ta chưa tìm được người tế nên Nhâm Phu bảo Vỹ:

- Ngày nay không nên đi ra ngoài, hay vào Công sảnh mà tránh đi thì sau này khỏi hối.

Thôi Vỹ chưa hiểu ý là làm sao, Nhâm Phu đã khóa chặt cửa lại, bảo không được ra. Phương Dung biết ý, lén lấy con dao đưa cho Vỹ, bảo đục vách mà ra.

88. Đên khuya, Thôi Vỹ trốn đi, muốn đến nhà Ứng Huyền, lật đật đi trên núi, rủi rơi vào trong một cái hang, tứ phía đều là vách đá không có chỗ nào trèo lên được, ở trên có một khối đá rỏ sữa đá chảy xuống một chiếc mâm đá, có một con rắn trắng dài trăm thước, mỏ vàng miệng đỏ, vẩy bạc, dưới cầm có một cái bướu thịt, trên trán có ba chữ vàng: “Vương Tử Xà”, bò ra ăn thạch nhũ; thấy trên thạch bàn hết cả, rắn cất đấu lên thấy Vỹ toan nuốt đi; Thôi Vỹ sợ quá, quỳ xuống lạy rằng:

89. – Thần tỵ nạn, lầm rơi xuống đây, đó bụng nên có ăn trộm vương vật, thực là có tội, dưới cầm vương có một cái nhọt, thần xin lấy ngải cứu lành, xin tha tội để thần trổ nghề mọn này.

90. Bạch Xà lập tức ngẩng đầu lên cho Vỹ cứu, bỗng thấy đồng nội bị cháy, một tia lửa bay vào trong hang, Vỹ lấy lửa cứu cho rắn, cái nhọt liền tiêu ngay. Rắn mới khom mình đến trước Vỹ, ý muốn bảo Vỹ cỡi lên, Vỹ cỡi lên lưng rắn, rắn bò ra hang, ước một canh thì đến trên bờ, bờ vắng vẻ không có người nào đi lại; rắn quấn đuôi trở về hang.

91. Vỹ đi một mình, lạc đường, bỗng thấy trên cửa thành có một cái lầu cao, ngói đỏ lóng lánh, đèn sáng rực rỡ, trước cửa có treo một tấm biển đỏ chữ vàng đề là “An Vương Thành”. Vỹ ngồi bên cửa thành, hồi lâu không thấy có người nào qua lại mới bước vào cửa sân, thấy bên sân có một cái ao, trong ao có hoa sen năm sắc, trên bờ có nhiều rặng hòa liễu, đường lát bằng phẳng, ngọc điện châu cung, tòa ngang dãy dọc; trên điện đặt hai cái giường vàng trải chiếu hoa bạc, trên tường có treo một cây đàn cầm đàn sắt. Vỹ thong thả bước đến lấy cây đàn gảy một hồi lâu.

92. Kim đồng, ngọc nữ vài trăm người hầu, bà An Vương cười bảo rằng:

- Thôi Quan Nhân ở đâu lại?

Sai người mời lên trên điện, bảo rằng:

- Đền thờ của An Vương ta lâu đời bỏ hoang phế, nhờ sức của Tiền thân Ngự Sử trùng tu lại, người đời mới bắt chước thờ cúng luôn luôn. Vương đã sai Ma Cô đi tìm để báo đức nhưng không gặp được Ngự Sử, thì gặp Công tử nên chưa có dịp đền đáp, nay thân được thấy mặt thì Thượng Đế đòi Vương lên chầu trời rồi, thôi Công tử ở lại đây đợi vậy.

Rồi lưu Thôi Vỹ ở lại ăn uống no say.

93. Bỗng thấy một người râu dài bụng lớn, cầm một tờ biểu quỳ mà tâu rằng:

- Tháng giêng ngày mồng ba, Nhâm Ngao bị thần Xương Cuồng đánh chết.

94. Nghe tâu xong, Hậu bảo rằng:

- Dương Quan Hậu đưa Thôi Vỹ về trần.

Vỹ cáo tạ mà về. Dương Quan bảo Vỹ nhắm mắt ngồi lên trên một chiếc quạt, hơn một khắc đã đến trên núi; Dương Quan Nhân hóa làm dê đá, đứng ở trên núi, ngày nay hãy còn sau đền thờ Triệu Việt Vương ở núi Trâu Sơn.

95. Sau Vỹ về đến nhà Ứng Huyền thuật chuyện cho Ứng Huyền nghe. Đến ngày mồng một tháng tám, Vỹ cùng với Huyền đi chơi thì gặp Ma Cô Tiên dắt một người con gái cho Thôi Vỹ, bảo đem về làm vợ chồng, lại cho hòn ngọc Long Toại, nói đó là ngọc châu, từ thưở trời đất mới khai tịch đã có một cặp trống mái từ đời Hoàng Đế trải đến đời An truyền làm thế bảo; trong trận đánh Trâu Sơn, An Vương đeo nó mà chết, ngọc châu dấu trong đất mà tia sáng chiếu thẳng lên trời. Thời nhà Tần, binh hỏa liên miên, những vật trân bảo đều bị đốt cháy; các nhà vọng khí đều biết hòn ngọc Long Toại còn ở phương nam. Người Tàu đem vàng bạc gấm vóc trị giá trăm vạn để tìm mua; Vỹ nhân đấy đại phú.

96. Sau Ma Cô Tiên rước vợ chồng Thôi Vỹ đi không biết là đi đâu. Nay giếng bỏ hoang thành bẩn thỉu, hang thì còn ở núi Trâu Sơn. Người đời gọi là Việt Tỉnh Cương vậy.

 

Chú thích

79. Truyện Việt Tỉnh có tính chất triết lý cao độ nhất vì vẽ lại những chặng tiến của tâm thức con người tự xương cuồng (chỉ đợt bái vật) qua nhục ảnh (chỉ ý hệ) mà lên tới tâm linh chỉ bằng Thôi Vỹ lấy được tiên nữ với quà tặng là Ngọc Long Toại (xem bài VIII Vang Vọng của Nước Văn Lang).

Chữ Cương làm liên tưởng tới Hồng Phạm cửu trù, người ta cũng quen gọi trì là đại cương. Mỗi đại cương lại bao gồm một số tiểu tiết kêu là điều mục. Vì thế khi đọc Việt Tỉnh Cương thì nó gợi lại cơ cấu của Hồng Phạm với Lạc Thư cũng như lược đồ Loa Thành đều có liên hệ ngầm sẽ bàn trong quyển “Sứ Điệp”.

Chú ý tới nét song trùng biểu lộ ở Ngọc Long Toại vẫn đi đôi sống mái, và khi giao thoa thì làm ra dạng tự chữ ngải cứu.

86. Nhớ chữ ngải viết với bộ thảo trên chữ nghệ, nên có sức cứu thoát. Rồi cũng nét song trùng đó kép lên thành chữ tỉnh nhái lại hình chòm sao tỉnh (hình vẽ) ở phương nam đứng đầu chòm 7 sao (Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn). Nét song trùng còn hiện ra ở lá cờ Si Vưu (mỏ vàng miệng đỏ) nơi con rắn dài trăm thước (Bách Việt thờ rồng). Rồi các số 3 là nhịn ba ngày, ngải hái đã ba năm. Bộ số hai ba chuyển vận đê thành Việt Tỉnh Cương, nên cuối truyện giếng hiện ra cách đột ngột.

Có thể truyện “Việt Tỉnh” được người thu lượm trích tài liệu từ quyển Tài Ngu Ký của Trương Quân Phòng đời Tống, hoặc quyển Nam Hải Cổ Tích của Ngô Lại đời Nguyên như Lê Quý Đôn ghi chú, thì điều đó cũng không hề làm giảm bớt giá trị triết lý của câu chuyện, không những vì đã được tiêu hóa, nhưng nhất là vì nó chứng tỏ nguồn gốc chung lớn lao của đại chúng Việt tộc mà những quyển kia cũng như “Lĩnh Nam” đã múc tự đấy. Nên ghi nhận rằng hình ảnh giếng có tính cách phổ cập thí dụ, trong Plato cũng có truyện triết gia Thales mải nhìn sao trăng mà sa giếng. Khi những chuyện có tính cách phổ quát thì nó dễ thoát khỏi vòng tay của sử gia vì nó đã trút bỏ phạm trù thời không để thể hiện ở nhiều đời, lúc ấy nó đi vào vòng của triết tức không xét nguồn gốc tự đâu, mà xem cái dạng thức kết tinh nới đó để xem nó nói gì. Nó muốn nói lên sự pha độ của đất trời. Không được duy thiên (duy tâm) cũng không được duy địa (duy vật) nhưng cần thiên địa tương tham, do con người điều động: vậy liều lượng pha độ đó là 3 trời 2 đất. Nói tiên thiên thì dễ nhưng trong thực tế thì đó cả là một nghệ thuật cao cả như đã nói trong bài Xứ Nghệ.

XXII. TRUYỆN KIM QUY

   97. An Dương Vương nước Au Lạc là người ở Ba Thục, họ Thục, tên Phán, nhân việc tiên tổ cầu hôn với con gái của Hùng Vương tên là Mỵ Nương không được nên sinh ra hàm oán; Phán muốn hòan thành ý chí của tổ tiên nên cử binh đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, cải hiệu là Au Lạc mà ở, đắp thành ở đất Việt Thường; thành đắp xong lại sập. Vương mới lập đàn, trai giới cầu đảo ba tháng.

98. Ngày mồng bảy tháng ba bỗng thấy một ông già theo phương tây mà đến thẳng cửa thành, vừa đi vừa than rằng:

- Xây đắp thành này thì bao giờ cho xong!

Vương rước vào trên điện, lạy và khóc rằng:

- Ta đắp thành này đã xong lại đổ, hao tổn công sức mà rồi không thành là tại làm sao?

Ông già thưa:

- Ngày nào có sứ giả Thanh Giang cùng đắp với Vương thì thành ấy mới xong.

Nói đoạn cáo từ.

99. Rạng ngày, Vương đứng ở cửa Đông trông ra thì thấy một con rùa vàng theo hướng Đông mà bơi lại; rùa đứng trên mặt nước, nói được tiếng người, tự xưng là Thanh Giang sứ giả, biết rõ lẽ trời đất, âm dương, quỷ thần.

Vương mừng hỏi rằng:

- Điều đó ông già đã báo cho ta rồi.

Bèn sai lấy kim dư rước vào trong thành, mời ngồi trên điện, hỏi vì cớ gì mà thành không đắp được.

100. Kim Quy nói:

- Ở đây có tinh khí núi sông, con Tiên vương phụ vào để báo thù nước, lại có con gà trắng sống ngàn năm hóa làm yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu, trên núi có con quỷ, nguyên trước là một nhạc công chôn cất ở đây hóa ra quỷ. Ở bên có một cái quán để cho hành khách qua lại ngủ nhờ; chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng là dư khí của quỷ thần. Hễ có người khách nào qua lại đến đấy ngủ nhờ thì quỷ tinh hóa ra thiên hình vạn trạng mà giết hại rất nhiều. Bây giờ ta nên bắt con gà trắng và đứa con gái của chủ quán mà giết đi thì tinh quái sẽ hết. Nhưng chắc là nó lại hóa ra yêu thư, sai chim cú ngậm thư bay lên trên cây chiên đàn, tâu với Thượng Đế để xin phá thành ấy đi. Thần này xin cắn cho rơi cái thư ấy xuống, Vương lập tức thu lất tất nhiên thành đắp mới xong.

101. Kim Quy bao Vương giả làm khách đi đường xin ngủ nhờ trong quán. Vương để Kim Quy ở trên ngưỡng cửa.

Ngộ Không nói:

- Quán này có yêu tinh, đêm thường giết người, Lang Quân không nên ở lại, vả nay trời cũng chưa tối, nên đi mau đến chỗ khác để tránh họa.

Vương cười rằng:

- Sinh tử tại mệnh, quỷ mỵ mà làm gì, ta không sợ.

Mới ngủ lại đó.

102. Trong đêm có quỷ tinh đến ngoài kêu rằng:

- Ai ở trong nhà này phải mở cửa ra mau.

Kim Quy mắng rằng:

- Cửa đóng thì mày làm gì nào?

Quỷ tinh phóng hỏa tan ra vạn trạng, quỷ dị đủ phương để khủng bố nhưng rốt cuộc cũng chẳng vào được nhà.

103. Đến lúc gà gáy, các quỷ đều chạy tan, Kim Quy khiến Vương đuổi theo đến núi Thất Diệu, quỷ tinh thu về hết cả, Vương trở lại quán trọ.

104. Sáng ngày, chủ quán đem người đồng đến để chôn thi thể của khách ngủ lại hôm qua, thấy Vương ngồi đó, nói cười như không có gì cả. Quán chủ bước đến, vái lạy rằng:

- Lang quân được như thế tức là Thánh nhân rồi, xin ban linh thuật để cứu sinh linh.

Vương bảo:

- Hãy giết con gà trắng của mày mà tế thì quỷ thần tan hết.

Ngộ Không giết con gà trắng thì đứa con gái tự nhiên cũng nhào xuống chết. Vương lập tức bảo người đào núi Thất Diệu, được một nhạc khí đời cổ và một hài cốt, sai đốt trộn thành tro mà quăng ra sông.

105. Lúc bấy giờ trời đã gần chiều, Vương cùng Kim Quy leo lên núi Việt Thường, quỷ tinh đã hóa ra chim si hưu ngậm thư bay lên cây chiên đàn.

Kim Quy bèn hóa ra một con chuột mà bò theo sau lưng cắn chân chim; thư rơi xuống đất; Vương lập tức thu lấy thì sâu đã ăn hết hơn một nửa rồi.

Từ đó, quỷ tinh tan hết, không lại phá phách như xưa nữa.

106. An Dương Vương đắp thành nửa tháng đã xong; thành dài và rộng nghìn trượng, xoáy tròn như hình con ốc, lại đặt tên là thành Thăng Long (chắc sai; bản của Despierres ghi là Tư Long). Người nhà Đường gọi là thành Sát Quỷ Lôn bởi vì thành rất cao lớn.

107. Kim Quy ở lại với Vương ba năm rồi từ về; Vương bảo rằng:

- Nhờ ơn của người, thành đã vững chắc, nếu như có việc ngoài thì lấy gì mà chống giữ?

Kim Quy thưa:

- Quốc độ tu đoản, xã tắc an nguy là vận của trời, nhưng người biết tu đức thì có thể lâu dài được, Vương đã có lòng ước nguyện thì tôi đâu dám tiếc.

Mới cởi cái móng chân đưa cho Vương và nói:

- Thản hoặc giặc có đến thì dùng móng này làm máy nỏ, đem ra mà đánh giặc thì không có gì đáng lo.

Nói đoạn trở về Đông Hải.

108. Vương khiến bầy tôi là Cao Lỗ làm nỏ, lấy móng này làm máy, hiệu là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỗ; sau Triệu Đà đem quân đến xâm lăng, cùng Vương giao chiến; Vương dùng thần nỗ mà bắn, quân Triệu Đà thua chạy, đóng đồn ở núi Trâu Sơn, đối luỹ với Vương. Triệu Đà biết Vương có nỏ thần nên không dám tái chiến mới khiến sứ thỉnh hòa. Vương mừng, cắt từ sông Tiểu Giang trở về phương Bắc cho Triệu Đà cai trị, trở về phương Nam thì do Vương cai trị (nay là sông Nguyệt Đức).

109. Chưa được bao lâu, Đà sai con vào túc vệ cầu hôn với con gái Vương là Mỵ Châu; Vương bất ý không ngờ gian kế của cha con Triệu Đà; Trọng Thuỷ dỗ Mỵ Châu trộm lấy nỏ thần cho xem, rồi lén làm nỏ khác đổi lấy vuốt rùa giấu đi, nói dối với Mỵ Châu là trở về Bắc thăm cha mẹ.

110. Nhân đó nói rằng:

- Tình phu phụ thì không nỡ quên, mà ơn phụ tử cũng không nên bỏ, ta nay về thăm cha mẹ mà vạn nhất hai nước thất hòa, Nam Bắc cách biệt, ta trở lại tìm nàng thì nàng lấy vật gì mà làm giấu cho ta biết.

Mỵ Châu nói:

- Thiếp là nhi nữ gặp phải bước phân ly thực khó thắng được tình cảm; thiếp có chiếc nệm gấm lông ngỗng thường mang trên người, đến lúc ấy thì thiếp lấy lông ngỗng mà rải ở các ngã ba để chỉ cho chàng biết chỗ thiếp mà đến cứu.

111. Trọng Thuỷ từ tạ, cắp nỏ mà về báo cáo với Triệu Đà, Đà được nỏ rất mừng liền phát binh đánh Vương; Vương không lo phòng bị, mải đánh cờ vây, cười rằng:

- Đà không sợ nọ thần của ta sao?

Đến lúc quân Triệu Đà tiến bức, Vương mới xách nỏ ra bắn thì thần cơ đã mất; quân chạy tan loạn.

112. Vương chở Mỵ Châu lên ngựa chạy về hướng Nam, đến bờ biển, cùng đường, không có thuyền để sang ngang, Vương hét lớn lên rằng:

- Trời để mất ta hay sao? Giang sứ đâu mau đến cứu ta.

Kim Quy nổi lên trên mặt nước, mắng rằng:

- Người cỡi ngựa ở sau lưng là giặc đó, hãy giết nó ta mới cứu.

Vương bèn tuốt gươmg chém Mỵ Châu.

Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà cầu xin:

- Thiếp là con gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại đến phụ thân thời chết hóa thành bụi trần, bằng như một niềm trung tín, bị người phỉnh phờ thời hóa làm ngọc châu để rửa cái thù nhục nhã này.

113. Mỵ Châu chết ở bờ biển, máu chảy trên nước, hàu hến ăn vào lòng hóa thành minh châu.

114. Vương cầm sừng văn tê bảy tấc, Kim Quy rẽ nước dẫn Vương vào biển, đời truyền tại núi Mộ Dạ, làng Cao Xá, châu Diễn tức là chỗ đó vậy.

115. Quân Triệu Đà đến chỗ ấy không thấy gì hết, chỉ thấy tử thi của Mỵ Châu; Trọng Thuỷ ôm thây nàng mà về chôn ở Loa Thành, hóa làm ngọc thạch. Trọng Thuỷ thương cảm vô cùng, thấy là những chỗ trang điểm hay tắm gội của Mỵ Châu, tưởng nhớ đến hình dung của nàng bèn nhảy xuống giếng mà chết. Sau này, ai được Ngọc Châu ở Đông Hải, càng múc nước giếng ấy mà rửa thì sắc ngọc càng thêm rực rỡ. Nhân tránh tên Mỵ Châu nên gọi ngọc châu là Đại Cưu, Tiểu Cưu vậy.

 

Chú thích

97. Truyện Kim Quy cũng hàm ngụ triết lý cao độ, mà kết hậu cách bi đát nhất, nhưng bi đát mà đồng thời cũng là bi tráng với cấu kết có hậu mặc dầu là hậu mông lung bí ẩn, nhưng có thể hiểu vì nó đặt liền sau truyện Việt Tỉnh Cương.


XXIII. TRUYỆN MAN NƯƠNG

  116. Thời Hiến Đế nhà Hán, quan Thái thú tên là Sĩ Nhiếp đắp thành ở phía Nam sông Bình Giang (nay là thành phía Nam sông Thiên Đức). Ơ phương Nam có một ngôi chùa gọi là chùa Phúc Nham, có một nhà sư từ phương Tây đến, hiệu là Già-La-Đồ-Lê, trụ trì ở chùa ấy, hay làm phép đứng một chân; trai gái, trẻ tín mộ, kính phụng tôn hiệu làm Tôn sư, ai nấy đều cầu học đạo Phật.

117. Lúc bấy giờ có một người con gái tên là Man Nương, cha mẹ đều đã mất, nhà nghèo khổ nhưng cũng dốc lòng cầu đạo, chỉ vì nói ngọng, khó tụng kinh chung với mọi người nên thường ở sau bếp giã gạo nhặt rau, lo việc nấu thổi để cung dưỡng các sư trong chùa và học giả bốn phương đến học đạo.

118. Khoảng trời tháng năm, đêm lại ngắn ngủi, Man Nương vội vã lo thổi nấu cho xong. Nàng nấu đã xong xuôi, nhưng các sư còn tụng kinh chưa nghỉ để ăn cháo; Man Nương ngồi chờ, ngủ gật ở ngạch cửa không ngờ quên lửng nằm ngủ say. Đến khi tăng đồ tụng niệm xong, ai về phòng nấy thì Man Nương còn nằm ở cửa; nhà sư Đồ-Lê bước ngang trên mình nàng, Man Nương hồn nhiên tâm động, từ đó có thai. Trong khoảng được ba bốn tháng, Man Nương lấy làm xấu hổ bỏ đi, nhà sư Đồ-Lê cũng tránh đi đến chùa ngả ba đầu sông mà ở.

119. Mãn nguyệt, Man Nương sinh được một đứa con gái và tìm nhà sư để giao lại. Đêm khuya, nhà sư Đồ-Lê đến dưới cây đa ở ngã ba đầu sông mà đặt đứa con gái và nói:

- Ta gửi Phật tử này cho mày, mày giữ lấy, sau được thành Phật đạo.

120. Sư Đồ-Lê và Man Nương từ biệt nhau mà đi. Đồ-Lê cho nàng một chiếc gậy và bảo rằng:

- Ta cho em cái gậy này mà đem về, hễ gặp năm nào trời đại hạn thì lấy gậy vẩy vẩy dưới đất tự nhiên có nước chảy ra để cứu người ta.

Man Nương cầm gậy trở về, lại ở chùa như trước; gặp năm trời hạn, nàng lậy gậy vẩy trên đất, tự nhiên có nước suối chảy ra ào ào, dân chúng được nhờ vả rất nhiều.

121. Khi Man Nương đã hơn tám mươi tuổi thì bất đồ cây đa bị lật đổ trôi đến trước bên chùa, quanh quẩn ở đó không trôi đi; người ở đó đua nhau bửa củi thì búa rìu đều bị gãy mẻ hết; làng xóm rủ nhau ba trăm người đến kéo cũng không chuyển động.

122. Gặp Man Nương xuống bến rửa tay, nàng khẽ lấy tay kéo thử, cây lập tức chuyển động trôi vào, ai nấy kinh dị, vội bảo Man Nương kéo thẳng lên bờ, khiến thợ mộc trổ làm bốn pho tượng Phật; kịp lúc đẽo đến giữa cây, chỗ giấu người con gái thì chỗ ấy đã hóa thành một phiến đá rất cứng; người thợ đẽo đúng vào chỗ đó thì rìu búa mẻ hết, mới lấy phiến đá ném xuống giữa sông; phiến đá phóng xuất hỏa quang, giờ lâu mới chìm xuống nước; các người thợ đều chết hết. Mọi người đều xin nhờ Man Nương van vái mướn kẻ chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào điện Phật, lấy vàng tô lên mà phụng thờ.

123. Sư Đồ-Lê mới đặt tên cho bốn pho tượng Phập là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Già trẻ gái trai bốn phương thường nhóm họp ở chùa này chơi đùa ca múa, gọi là hội tắm Phật, đến nay đang còn vậy.

Chú thích

116. Truyện Man Nương trước chúng tôi tính bỏ, nhưng vì đã được thâu nhận vào sách nên xin giữ lại, vì nó nói lên sức mạnh chuyển hóa của Việt Lý biến Kim Phật Tây Trúc ra Mộc Phật Đông Phương. Biến tam bảo Phật, Pháp Tăng ra Giác, Chính, Tính (xem lại bài VIII Vang Vọng của nước Văn Lang). Xem những số Tây Phương 4, 8 bị tràn ngập bởi các số Việt 2, 3 (300), 5 làm liên tưởng tới vụ ông Cổn là gấu 4 chân đổi ra 3 chân. Nhà Chu ban đầu đúc đỉnh 4 chân, sau đúc 3 chân cũng là tiến trình từ Tây sang Đông.

XXIV. TRUYỆN NÚI TẢN VIÊN

   124. Núi Tản Viên ở phía tây kinh thành nước Nam Việt, núi đứng cao thẳng như hình một cái lọng nên đặt tên như vậy.

125. Xưa kia vua Lạc Long cưới nàng Âu Cơ, sinh được một bọc trăm trứng, Long Quân đem năm mươi trai về biển, năm mươi trai theo mẹ về núi, phân trị thiên hạ, hiệu là Hùng Vương; Tản Viên Sơn Đại Vương là một người con trong số năm mươi trai chia về đó.

126. Vương từ hải quốc do cửa biển Thần Phù mà về, tìm một nơi cao ráo thanh u, dân tục thuần hậu mà ở, mới chèo thuyền từ sông Cái đến làng Long Đậu thành Long Biên, toan muôn lưu lại đó nhưng còn ý gì bất mãn, nên sau lại chèo thuyền từ sông Linh Giang đi lên đến làng Phiên Tân ở bờ sông Phúc Lộc.

127. Vương trông thấy núi Tản Viên tú lệ, ba hòn sắp hàng đứng, nghiễm nhi6n như vẽ; dân ở dưới núi, tục chuộng tổ phác. Vương khi ấy ở một con đường thẳng như dây đàn từ làng Phiên Tân mà đến bên núi Tản Viên, đi đến Uyên Đông, lại đi đến Nham Tuyền là chỗ nguồn khác, rồi đi lên núi Thạch Bàn đầu non Vân Mộng mà ở; hoặc có khi chơi sông Chiết Giang để xem cá, phàm kinh qua đường thôn đều xây đền vũ để làm nơi nghỉ ngơi. Nhân những vết chân ấy, người đời sau lập đền thờ phụng, hạn thì đảo, lụt thì cầu, ngự hỏa tai, ngăn đại hạn mau hơn tiếng vang, cực kỳ linh ứng. Lại gặp ngày trời trong sáng như có hình trạng cái tàn phất phới trên hang núi, những dân ở làng phụ cận đều bảo là sơn thần xuất hiện.

128. Cao Biền nhà Đường ở An Nam muốn yểm linh tích các nơi danh thắng mới mổ bụng mười bảy người, tất cả đều là con gái chưa chồng, bỏ ruột đi, lấy cỏ chi độn vào ruột, cho mặc áo xiêm để ngôi trên ghế ỷ, dùng trâu bò mà tế, nhằm lúc nào thấy cử động thời lấy gươm chém đi. Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật ấy. Cao Biền thường lấy thuật ấy trêu thần núi Tản Viên thì thấy Vương cỡi ngựa trắng đứng trên mây, khạc nhổ mà đi. Cao Biền than rằng:

- Linh khí Nam phương chưa thể trắc lượng được, vương khí đâu khá diệt được, uy linh hiển ứng là thế.

129. Tục truyền Vương và Thuỷ Tinh cùng cưới con gái Hùng Vương là Mỵ Nương: Vương đủ lễ cưới đem đến trước; Hùng Vương gả cho; Vương rước vợ về ở trên núi Tản Viên. Thuỷ Tinh đến sau mới hàm oán, đem cả loài thuỷ tộc đánh Vương để đoạt Mỵ Nương lại. Vương bèn dùng lưới sắt chặn ngang sông Từ Liêm để trấn át. Thuỷ Tinh khơi riêng một con sông nhỏ từ sông Lý Nhân ra sông Hát vào sông Đà để đánh sau lưng núi Tản Viên. Lại mở thêm một lối nhỏ từ Tích Giang đi đến trước núi Tản Viên, trải qua các làng Cam Giá, Đông Lâu, Thạch Kê, Ma Xá, Dục Giang, xói lở thành vụng sâu để thông loài thuỷ tộc, thường lại nổi cơn gió mưa mù mịt, dâng nước lên để đánh Vương. Nhân dân ở núi đều chẻ tre đan làm rào thưa để che đỡ, đánh trống, giã gạo, reo hò để cứu, mỗi khi thấy rác rêu trôi ở ngoài rào thưa thì bắn trùng chết hết hiện thành hình trạng giao long, cá trạch trôi đầy sông ngòi. Quần chúng thuỷ tộc bị thua trở về, lòng vẫn chưa nguôi nên thường đến khoảng thàng tám, tháng chín có nhiều trận lụt, mùa màng bị hại, dân ở dưới núi chịu thiệt hơn đâu hết, đến nay vẫn còn.

130. Người đời đều bảo Thuỷ Tinh, Sơn Tinh đều cưới vợ vậy đó.

Chú thích

Truyện này nói lên sự vững bền của Việt lý sẽ đời đời còn đó không ai yểm được. Những người đang cố công vùi lấp nó đi như Việt cộng đang làm sẽ bị nhổ vào mặt như Cao Biền. Nền minh triết đó xây trên số 3 “Tam Sơn La Vị”, đốivới sông Nhị Hà làm ta liên tưởng tới cơ cấu tam lưỡng (2-3). Nhất là khi ta ngó lại cũng chính thần Tản Viên nhận được sách ước 3 trang mà lại chỉ dùng có 2 trang hỏa mộc (2-3) như đã nói nơi khác.

THÊM MỘT SỐ TRUYỆN

  Thế hết là Kinh Hùng. Có thể thêm phần hai gồm những truyện linh phù giữ nước như truyện:

Hai Bà Trưng,

Thần sông Tô Lịch,

Thần núi Hồng Lĩnh,

Thần Đồng Cổ…

Đó là những thần của nước non, nói lên lòng yêu nước thương nòi đến cùng tột nên dầu đã khuất mà “khí anh linh” vẫn phù trợ con cháu gìn giữ non sông, thì đủ biết tinh thần yêu nước mạnh đến độ nào.

Tuy nhiên chỉ 15 truyện trên đã đủ nói lên những yếu tố kiến quốc, cứu quốc cách rất thâm sâu đầy đủ, còn những truyện khác đã thuộc thời có sử nên để vào sử hoặc truyện cổ.

 Đọc xong 15 truyện trên theo ánh sáng triết sẽ nhận ra chưa đâu có một chuỗi truyện liên tiếp nói lên nền triết nhân chủ sâu xa như vậy. Chúng tôi có ý định in cả phần chữ Nho có phiên âm tiện cho những người muốn học thêm chữ Nho qua bộ Triết Lý An Vi, nhưng chưa thể thực hiện được. Hy vọng sẽ làm được khi in ngũ luận.

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

 Kính thưa quý vị,

Hôm nay chúng ta hội nhau để giỗ tổ Hùng Vương, một lễ trọng đại hơn hết của Việt Nam vì bao hàm không những Tổ Quốc mà luôn cả Tổ Người. Càng trọng thể hơn nữa vì đây là một lễ đặc trưng của Việt Nam không một nơi nào khác trên thế giới có cả, các nơi chỉ có ngày Quốc Khánh hầu hết là để kỷ niệm một biến cố lịch sử nào đó như phá ngụ Bastille của Pháp, hay ngày 4th July của Mỹ, cũng chỉ là ăn mừng Độc Lập chứ không phải là giỗ tổ theo hai nghĩa trên nói lên sự độc lập cả hàng dọc đối với đất trời, cũng như hàng ngang đối với các bạo lực chuyên chế. Chính vì nét đặc trưng đó, nên chúng tôi xin nói ít lời về hai ý nghĩa trên. Vậy trước hết là giỗ Tổ Người.

Ngày giỗ Tổ của Việt Nam có thể gọi được là ngày sinh nhật của con người mà Hùng Vương là một điển hình, một mẫu mực cổ sơ tức một mô thức phổ biến của con người Đại Ngã Tâm Linh được Việt Nho quan niệm như là “nơi quy tụ đức của Trời cùng Đất” (nhân giả kỳ thiên địa chi đức), nghĩa là một vật lưỡng thê sống cả hai chiều kích: cả tâm lẫn vật. Chính vì thế mà Hùng Vương sinh ra từ mẹ Tiên và cha Rồng tức là đức Trời Đất đã hàm ngụ ngay từ trong thân mẫu. Đến ngày sinh thì được an định vào mồng 10 tháng 3 cùng một ý đất trời lưỡng hợp vì mồng mười là thập thiên can chỉ đức trời, còn tháng ba là cung dần, chỉ đức đất. Tại sao lại lấy cung dần? Thưa dần là con vật mạnh nhất trong thập nhị địa chi, nên có tên là Hùng cùng loại dần đều hàm ngụ sức mạnh vô biên vì bao quát được cả đức trời lẫn đất, nhờ đó mà vượt được hai đợt xiềng xích thường trói buộc tâm trạng con người được chỉ thị bằng cưỡng hành và lợi hành để vươn tới đợt an hành thuộc tâm linh, tức vượt đến giai đoạn mà con người không còn làm vì sợ trời đánh thánh vật, hay vì trục lợi cầu danh mà thấy đáng làm thì làm, đó là đợt độc lập tâm linh. Cần nhìn bao trùm sử trình tiến hóa nhân loại mới nhận ra được rằng phải hùng tráng biết bao mới vươn lên đến đợt tâm linh nọ. Vì thế nói đựơc Hùng Vương là một mẫu mực người tròn đầy viên mãn cũng như cân đối một cách siêu việt mà cho tới nay chưa thấy đâu sản xuất ra nổi, dù mới chỉ trên đợt lý thuyết. Những siêu nhân của Nietzsche, siêu hồn của Emerson hay cả quan niệm coi người là thượng đế vong thân của Hegel cũng đều thiên lệch, chưa sao đạt độ cân bằng siêu tuyệt như Hùng Vương.

Trở lên là nói về quan niệm tiên thiên. Bây giờ hãy xét đến hậu thiên tức là kiểm chứng xuyên qua tác hành. Ở đây ta cũng thấy Hùng Vương luôn luôn đặt quan trọng trên sự hòa hợp đất trời như tích trầu cau nơi ba yếu tố là lá, đá, cây chỉ trời, đất, người hòa hợp làm nên một chất mới là màu đỏ tươi thắm. Rõ hơn nữa là truyện Bánh Dày Bánh Chưng.

Bánh dày tròn chỉ trời.

Bánh chưng vuông chỉ đất.

Hai đàng chồng lên nhau chỉ một giao hòa siêu tuyệt đến nỗi dẫu một bên là tròn, một bên là vuông, mà hai bên vẫn hòa hợp với nhau được. Triết học chưa sao quan niệm nổi được một cái vòng vuông, mà đây đã có rồi, hơn thế nữa còn được coi như điều kiện tiên quyết để xứng đáng nắm quyền cai trị. Hùng Vương chỉ truyền ngôi cho công tử Lang Liêu tác giả cặp bánh cân đối nọ.

Điều ấy dẫn đến điểm thứ hai là giỗ Tổ Quốc.

Xin hỏi đó là Quốc nào? thưa là Văn Lang quốc. Chữ Lang vừa có nghĩa là nước vừa có nghĩa là người. Vậy Văn là gì? Theo nguyên nghĩa văn chỉ sự giao thoa của trời và đất như được biểu thị bằng cách vẽ trên mình hình rồng chỉ đất, mang mũ áo lông chim chỉ trời.

Rõ ràng người sao chiêm bao vậy, nghĩa là người được quan niệm bao hàm đức trời đức đất thì thành tích là nước Văn Lang cũng bao hàm nét trời nét đất y hệt. Đó là nói bằng tiêu biểu, khi áp dụng vào cụ thể thì là một nước Văn trị hay nói rộng ra là Lễ trị và Nghĩa giao, tức các mối giao liên của con người đặt trên tình người mà không đặt trên sức mạnh vật chất. Khi đặt trên sức mạnh vật chất thì không phải Văn lang mà là sài lang quốc. Muốn lập được nước Văn trị thì phải là con người Đại Ngã cân đối gồm cả đức trời đức đất, bao lâu chưa đạt độ cân đối nọ thì chỉ có thể lập ra những nước thiên lệch với một duy nào đó: duy tâm hay duy vật, nhưng duy nào thì cuối cùng sẽ dẫn đến sài lang quốc “homo homini lupus”, Man is a wolf to his fellowmen.

Không may đó là tình trạng của nhân loại mà chúng ta có thể nói đại cương là đều xây trên bạo lực, bóc lột, tham tàn. Muốn nói gọn thì đó là tinh thần du mục, mà người đại biểu nổi bật là Gengis Khan sinh ra từ sói đực và dê cái có tên là Thợ Rèn Sắt (Temoudjin). Đây chính là điển hình của các nhà thống trị chuyên chế cũng như các vua thần, các đảng trưởng độc đảng từ Neron, Tần Thuỷ Hoàng cho đến Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh đều là những kẻ lòng lang dạ sói đã giết hại cũng như nô lệ hóa không biết cơ man nào là người. Trong các xã hội bị cai trị theo lối nham hiểm tham tàn đó tất nhiên không có tình người mà chỉ có một mối liên hệ duy nhất thuộc võ lực là chủ nô làm thành giai cấp luôn luôn tranh đấu lừa gạt tuy tên gọi có đổi thay nhưng tựu trung đó là liên hệ giữa kẻ có người không, giữa kẻ thống trị với người bị thống trị, giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột đến tận cùng.

Ngược lại với du mục là tinh thần nông nghiệp chân chính thì dựng nên nước xứng đáng làm nơi ở cho những con người có Văn trong đó có chế độ bình sản khác xa tư bản với cộng sản: theo bình sản thì ai ai cũng được tham gia vào tài sản quốc gia. Do vậy mối giao liên giữa người với người được xây trên nhân nghĩa, nên thay vì mối liên hệ duy nhất chủ nô của võ trị thì ở đây có tới năm mối, đó là vợ chồng, cha con, vua tôi, anh em, bè bạn.

Đã vậy, yếu tố Văn được đề cao vượt bậc bên trên yếu tố Võ, nên nảy sinh một thứ tôn ti không đâu có cả đó là: Sĩ, Nông, Công, Thương. Sĩ đại diện cho văn cho trời đất đặt trước Nông đại diện cho đất, cả hai xoắn xuýt với nhau trong mối tình tương thân tương trợ gúy trọng những giá trị tinh thần, sống theo nhân nghĩa, sống theo tình người. Đây là tâm linh sử quan.

Ngược lại theo du mục là duy vật sử quan, thì hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng văn hóa. Mà hạ tầng đặc chú vào Công, Thương, nhất là Thương nơi chứa đầy sự gian dối lừa bịp, chữ Nông không được để ý. Đến nỗi ngay An Độ có tiếng là quê hương của tôn giáo thế mà Nông (nằm trong đẳng cấp Thủ Đà: Sudra) cũng bị đặt bên dưới thương gia (Vaysesia), trên nữa là Bình Gia, cao nhất là Tăng Lữ. Đó chính là một thứ liên hệ chủ nô đề cao võ trị cũng như Au Tây xưa nên cuối cùng nước cũng chia thành đẳng cấp (caste) còn tệ hơn giai cấp (class) một độ.

Tóm lại nhìn chung nhân loại ta có thể nói tất cả mọi nơi đều theo tinh thần du mục võ trị. Ngoại trừ bên Đông Nam Á thì trước hết có nước của Hùng Vương là theo văn trị, nơi kẻ sĩ không những được kể tới mà còn được đứng đầu, nên mới có những hậu quả quý trọng như ngũ luân với bình sản, nhờ đó mặc dù tài nguyên thiếu thốn, khoa học chưa phát triển mà dân nước đã nhiều lần được hường an vui, thái bình, hạnh phúc.

Sau Văn Lang của Hùng Vương thì có Hoa tộc thiết lập được Trung Quốc có thể gọi là Văn Lang quốc hạng nhì. Sở dĩ thiết lập được Văn Lang vì Tàu cũng phát xuất từ một gốc chung văn hóa như Bách Việt; nhưng chỉ đáng hạng nhì là bởi nằm tiếp cận với du mục Bắc phương. Phân nửa dòng lịch sử Tàu nằm trong tay du mục từ Thái Bạt, Hiểm Dõan tới Kim, Mông, Mãn… thành ra nhiều yếu tố du mục đã ngấm vào đến quá nửa, khiến Nguyên Nho đốc ra Hán Nho.

Với Nho thì Tàu chưa đến nỗi rơi vào giai cấp với liên hệ chủ nô; vẫn giữ được ngũ luân. Nhưng với Hán thì thứ tự ngũ luân biến đổi. Thay vì vợ chồng, cha con, vua tôi của Việt thì Hán lại đặt: quân thần, phụ tử, phu phụ. Đặt quân thần lên trên là đã ghé sang du mục võ trị vốn đề cao tân mây xanh tù trưởng, vua chúa, đảng trưởng. Cũng như đề cao đàn ông đại diện sức mạnh, còn đàn bà đại diện tâm tình thì bị hạ sâu. Vì thế luân vợ chồng của Việt đến Hán nho trở thành phu phụ theo đó chồng không những trên vợ mà vợ còn trở thành phụ theo nghĩa tùy phụ, phụ tùng. Vì thế sau này, khi Việt Nam đã nhiễm Hán Nho cũng vẫn thấy ngượng khi dùng chữ phụ, nên thường thay phu phụ bằng phu thê. Chữ thê giống với chữ tề có nghĩa ngang hàng (thê giả tề dã). Một bên lệnh ông, bên kia cồng bà ngang nhau. Đó chỉ là một thí dụ nói lên tinh thần văn trị của con người Văn Lang thong dong, tự cường, tự lực. Tinh thần ấy đã ngự trị bên Đông Nam Á hơn bốn ngàn năm, với diễn biến đại khái như sau:

Vào lối đầu công nguyên tinh thần Hán nho đã tràn xuống giết chết Văn Lang của Hùng Vương sau khi nó đã sống được trên hai ngàn năm. Đó là cái chết đầu tiên của Văn Lang quốc đệ nhất đẳng. Sau cái chết này thì Văn Lang hạng nhì (cả Tàu lẫn Việt) còn sống thêm được hai ngàn năm nữa cho tới thế kỷ 20 thì xảy ra ba cái chết.

Cái chết trước hết là Hán nho bên Trung Quốc năm 1949.

Cái chết thứ nhì là nửa Bắc nước Việt Nam 1954.

Cái chết cuối cùng là nửa Nam nước Việt ngày 30/4/1975.

Và tự đấy thì trên thế giới khó còn tìm được nơi nào xứng đáng mang tên Văn Lang nữa ít ra về mặt cơ cấu tinh thần với các thể chế quán triệt của nó như tự trị làng xã với chế độ bình sản.

Bởi vậy có thể nói ngày 30/4/1975 không chỉ là cái tang của người Việt Nam, mà còn có thể nói là cái tang chung của nhân loại để tiếc thương cái chết của mẫu người cần thiết cho bất cứ nước nào dân nào không muốn mang vào đầu cổ cái tròng làm trâu, làm ngựa.

Nhưng bất hạnh thay cái tròng khủng khiếp kia lại đang lần lượt rơi xuống đầu hết dân này đến dân khác và nếu loài người không sực tỉnh để kịp thời ngăn chặn để nó tròng lên đầu hết thảy thì đây sẽ là sự thất bại tòan triệt của giống người. Đây sẽ là cái chết của tòan thể nhân loại, cái chết quái gở vì do chính con người tự gây ra cho mình, cái chết rùng rợn thê thảm vì chẳng còn một ai có được quyển tưởng niệm. Chẳng còn ai được quyền nhỏ một giọt nước mắt than khóc nữa.

Cái tai họa đó xưa nay đã nhiều lần xảy ra, nhưng chỉ xảy đến cho một dân tộc, một nước, cùng lắm một châu nhưng do một bạo chúa nên chỉ kéo dài trong một thời. Nhưng lần này thì cho nhiều châu và có nguy cơ xảy tới cho tòan cầu, không biết bao giờ mới gỡ ra được vì không còn do một bạo chúa, mà do một bè lũ kết đảng khắng khít, lại thêm võ khí vạn năng, thì sự thóat ách trở nên khó hơn nhiều. Vậy mà rất nhiều người chưa ý thức hoặc vẫn còn lúng túng chưa tìm ra phương thức để ngăn chặn.

Trước tình thế nghiêm trọng như thế chúng tôi dám nói lớn lên rằng phương thức nào bất cứ mà muốn hữu hiệu cũng phải kể đến mẫu người cũng như mẫu nước của Văn Lang quốc. Bằng tên này hay tên khác phương thức đó phải có một tinh thần tâm linh đích thực mới có thể bảo vệ được cuộc sống đáng sống, một cuộc sống mà con người vẫn còn là người, vẫn còn được quyền làm người tự cường, tự lực.

Đó là đại cương ý nghĩa ngày giỗ tổ; tổ người cũng như tổ quốc, nên cũng gọi được là ngày sinh nhật người và ngày lập quốc xứng đáng cho con người.

Vì thế ngày giỗ tổ phải mãi mãi là một ngày lễ trọng đại nhất của người Việt bất cứ sống nơi nào, cũng cần tổ chức để tỏ lòng tri ân sâu xa tiên tổ đã gây dựng cho mình một mẫu người một mẫu nước quý báu như vậy. Hơn thế nữa mai sau phải mở rộng ngày giỗ tổ thành tuần lễ giỗ tổ, để sự giỗ được biểu lộ ý nghĩa viên mãn hơn, tức không chỉ để tỏ lòng tri ân tổ tiên suông, không chỉ tưởng niệm một lúc mà cần nhất phải cố gắng làm phục họat lại tinh thần Văn Lang quốc bằng cách học hỏi và hiện thực để làm sáng tỏ tinh thần đó ra không những để mình mãi mãi xứng đáng là con Hồng cháu Lạc, mà hơn thế nữa để có thể đóng góp vào công cuộc khẩn trương hơn hết cho nhân lọai hiện nay là góp phần đắc lựac vào việc cứu con người thóat khỏi một chế độ nô lệ tòan triệt và khốc liệt hơn bao giờ hết đang rình rập. Làm thế nào để ngày giỗ tổ có thể trở nên ngày thức tỉnh lương tâm nhân loại, một ngày biểu dương cho thế giới thấy được một mẫu người, một mẫu nước xứng cho con người tâm linh bất kỳ ở đâu và bao giờ.

(*) xem l’art des steppes par Karl Jettmar. Paris, A.Michel. 1964. p.244.

Kim Định

Nguồn: http://anviettoancau.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang: Kinh Hùng Khải Triết
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.