Việt
Nam
Văn
Hiến
Năm Thứ 4889 www.vietnamvanhien.net
Phong
Thái
An
Vi
Kim Định (1915-1997)
Tựa Các quyển trước căn cứ trên những yếu tố
Việt và Nho để lên sổ những nét căn bản trong quan
niệm con người của triết lý An-Vi. Quyển này sẽ
tóm lược tinh hoa các quyển trên để rồi tự
đây đi đến vài nét cùng cực và bất
ngờ về con người Việt, đó là hai đức tính "tự
tác và du hí". Về tự tác trước đã
có nói qua nhưng đến quyển này sẽ khai triển rộng
rãi hơn. Còn du hí tính thì chưa.
Đây cũng là một đức tính rất cao sâu trong
đời sống Việt cần nhận thức ra. Cho đến nay người mình
còn sống lơ mơ nhưng hầu đã mất ý thức. I. BIẾT NGƯỜI "TRI NHÂN TẮC TRIẾT" 1. Muốn làm triết nhân phải biết tri
nhân. Người xưa nói có biết người mới là
triết, hoặc triết nhân là kẻ biết mình: "tri
nhân tắc triết", "triết nhân tri kỷ". Đấy là những
vấn đề cần thiết trong đạo làm người, vậy mà chưa được
giải quyết. Ai cũng tưởng mình đã biết người, biết
mình: sự vật còn biết phương chi con người gần
mình, là chính mình sao lại không
biết. Nhưng đó mới là cái biết thông thường,
chưa phải là cái biết cùng tột, cái biết
toàn diện. 2. Trên đây tuy là những định nghĩa người theo triết, nhưng xét cho cùng chưa phải là triệt cùng, nên chưa thực là triết. Những định nghĩa đó còn bỏ sót lại phần lớn lao hơn hết của con người, lớn lao đến độ vượt tầng bao quát của nhĩ mục. Câu định nghĩa đúng hơn cả phải bao gồm chữ linh tức chiều kích vô biên. Ta quen nghe nói:" Nhân linh ư vạn vật" là câu nói hàm chứa chiều kích vô biên nọ. Vậy cần được phân tích con người xem có đúng như thế chăng. Trong triết Việt Nho chữ linh cũng giống như thần, cả hai đều "vô phương" tức không ở hẳn nơi nào, nên không đâu không ở, vì thế gọi là linh, linh nghiệm như thần. Nếu vậy nhân linh có thể ở khắp nơi, ở khắp trong vũ trụ chăng? Sách xưa cho là thế, vì vậy mới gọi người là Đại Ngã Tâm Linh, là tâm của vũ trụ, nghĩa là có tầm mức bao la như trời đất. Nghe qua thấy thực là vu khoát trái tai. Nhưng Việt Nho lại cho đó là có thực và phân ra tiểu ngã với Đại Ngã để đáp ứng sự trái ngược nọ. Tiểu ngã là con vật biết suy lý,
biết ăn uống 4. Chính chữ Tài này mới định tính con người cách trung trực hơn hết, nó nói lên nét đặc điểm của con người khác với vạn vật, nên cao trọng hơn con vật. Đó là câu thoạt nghe tưởng như khôi hài: tự người gán cho người chứ không hợp sự thực. Trong thực tế ta thấy các con vật hơn ta về vô số điểm: Hãy chỉ nói về vẻ đẹp ta tất phải chào thua sự rực rỡ của biết bao chim muông, có những con mang bộ lông ngũ sắc bóng nháng huy hoàng. Vào xem những thủy động (aquarium) nhiều nơi ta thấy những giống cá quá đẹp nghĩ mà xấu hổ cho cái thân phận con người. Còn về lối biết mẫn tiệp gọi là linh tính ta cũng thấy chúng hơn xa: con tò vò đã biết tự đời tám tai nào cách tiêm cho con sâu tê mà không chết. Con người phải trải qua nhiều triệu năm bây giờ mới biết sơ sơ, học cả chục năm mà nhiều bác sĩ tiêm xong con bệnh cũng đi liền về với tổ. Xem vào xã hội con ong mới ngán nữa: các kiến trúc sư còn phải học lâu lắm mới tiến tới gần được lối xếp đặt nhà cửa, như ong biết xếp đặt tổ của chúng: chúng đặt những ong chỗ nào đập cánh ra sao để điều hòa không khí. Loài kiến biết trước bao giờ sẽ có lụt, chứ con người nghiên cứu mãi chưa biết lúc nào động đất. Chim chóc biết bay từ thuở nào, con người phải học hỏi nghiên cứu cả triệu năm mới biết bay tàm tạm. Cả đến cây cối cũng biết cách sâu xa, nhớ cả đến mặt những người làm hại nó...kể ra hết thì còn vô số cái các thú vật vượt con người cả về lượng, về phẩm, lẫn hiểu biết và mỹ thuật. 5. Hãy theo dõi con người từ lúc sinh ra mới ngán: ba tháng mới biết cười, sáu tháng mới biết lẫy, chín tháng mới biết bò, mười hai tháng tập đi, hai năm mới tập nói. Rồi phải học ôi là học, thi ôi là thi mãi tới trên hai mươi tuổi mới ra lò, năm năm dượt nghề mà còn non choẹt, vấp ngã cùng khắp. Đang khi bò, dê, ngựa mới đẻ ra là đứng dậy liền, vẫy tai rồi đi dạo quanh mẹ nó. So với chúng, con người quả là quá kém, chỉ hơn được có một điều là lên mặt ta đây linh hơn chúng mày. Nghe mà phát ngán. 6. Như vậy có nên gạt bỏ câu "Nhân linh ư vạn vật" đi chăng? Thưa không được, trái lại cần phải giữ lấy mà suy nghĩ, để tìm ra lý do tại sao tiền nhân lại nói như vậy. Thì ra chữ linh gắn liền với tự làm gọi là tài (tam tài) mà tài là tác, có nghĩa là tự làm. Quan sát theo uyên tâm thì thiên tính (gồm cả tiềm thức lẫn bản năng) nơi con người sút kém hẳn đi so với nơi các con vật, là Tạo Hóa có ý dành chỗ cho một loạt cơ năng mới nơi người là ý, tình, chí có chỗ tự làm việc. Đây là những cơ năng bé nhỏ, chậm lụt, và đó cũng là những đặc tính của tác hành nơi con người. Con người phải làm bằng cách lần mò, vấp ngã, bằng tích lũy kinh nghiệm đau thương được tom góp từ biết bao đời thăm dò mới làm được một tí cái gì , vậy mà vẫn còn đầy khiếm khuyết, như máy bay, hay thuốc tiêm chẳng hạn, con muỗi chẳng học cũng bay được, con tò vò chẳng nghiên cứu gì mà đã biết tiêm còn hay hơn người. Con người phải trải qua cả từng triệu năm tìm kiếm mới biết chút ít. Thế mà đã vội quan trọng hóa: mở trường đại học, mời những giáo sư danh tiếng (danh tiếng nhưng cũng còn kém ruồi muỗi chán) rồi cắm đầu học hết bảy, tám năm mới tốt nghiệp: ngày lãnh bằng được đội mão cao, áo lớn, quan khách rợp trời, truyền hình thu rồi chiếu cho khắp nước coi, thế mà kết cục thật sự ra sao? Còn thua lũ tò vò chán vạn, chả biết bao giờ mới sánh vai được với loài ong loài kiến. Vậy mà rồi vẫn cứ lên mặt, lên mặt với nhau, với cả loài vật nữa. Ta hỏi tại sao Tạo Hóa lại không ban cho con người số lượng thiên năng ngang bằng với những con vật có phải con người đã đạt hạnh phúc, xã hội loài người cũng bớt bê bối hơn bây giờ rất nhiều rồi chăng? Sao lại bày vẽ như vậy, đóng cửa thiên năng rồi thay vào bằng lý trí, tình cảm, ý chí là những cơ năng kém xa thiên năng về đàng hiệu nghiệm. Để làm chi vậy? Thưa là để con người có khả năng đóng góp, có khả năng trở thành một tác năng. Mặc dầu xét công hiệu tác năng thì chẳng ra cái quái gì, nhưng xét về có làm thì quả người nhất định hơn loài vật. 7. Con người có thể nói với các
vật mà đại biểu là ruồi, muỗi, ong, kiến, tò
vò rằng: Xét về đàng siêu kỹ thuật (hitech)
thì chúng tao còn thua chúng mày xa
lắm, cả đến cách tổ chức xã hội chúng tao cũng
bê bối, thối nát, luộm thuộm hơn nhiều. Nhưng cái
hơn của chúng mày là do thiên năng, do trời
ban ra, chúng tao không được nhiều thiên năng bằng
chúng mày, nhưng chúng tao lại có khả năng
tự tạo tự tác, tuy đầy bất toàn nhưng lại có chỗ
hơn xa. Bay lượn thì chúng tao thua, nhưng bay xa chung
quanh trái đất, lên tận cung trăng thì chúng
tao hơn chúng mày. Khả năng tạo tác đó
hàm tàng vô số khả năng khác mà
chúng tao đang cố khai thác để tiến, còn
chúng mày thì đời đời giậm chân tại chỗ,
đang lúc chúng tao tiến mãi mãi. Hơn thế
nữa, chúng tao có cả dự tính tiến tới nguồn mạch
mọi khả năng, mà chúng tao kêu là "đấng Tạo
Hóa muôn loài". 8. Đấy chính cái loại tác
này mới nói lên được chỗ linh của con người, chỗ
con người hơn con vật. Nghĩa là con người thua xa thú vật
nhiều điểm thực, nhưng người hơn hẳn thú vật ở một chỗ mà
không con vật nào có được, đó là tự
mình làm lấy hết cho mình; tự làm ra thuốc
tiêm, tự làm ra nhà, ra hát, tự học ăn, học
mặc, học nói... Không có chi người không tự
làm ra. Đấy là chỗ hơn của con người: nhờ đó con
người bắt chước được trời, bắt chước trong sự tạo tác. Với con
vật trái lại cái gì cũng ban ra cho cả: đã
làm sẵn rồi "made in Heaven", cứ vậy mà theo, không
cần phải tìm hiểu, phải tập luyện chi hết. 9. Trên đây mới là mấy thí
dụ thông thường, chứ đức tự tác tự lực của con người
còn đi xa hơn nữa, đi đến cái phi thường lớn lao như vũ
trụ, thế mà con người cũng phải "làm ra" cả, làm
sao cho con người trở nên cao cả như trời, tề thiên đại
thánh để xứng đáng đúng là một tài
trong tam tài là thiên, địa, nhân. Đó
là điều được Việt Lý quảng diễn bằng những huyền thoại
nói về những ông khổng lồ của Việt tộc mà khả năng
có thể chống trời. Đại biểu của các ông chỗng trời
là ông Bàn Cổ. Truyện kể rằng ông phân
ra trời đất, làm ra núi non, dựng nên con người...
Đây không là một sáng thế ký
(cosmology) mà là một sắp thế ký nghĩa là
sự sắp xếp vũ trụ (cosmotopology) : vũ trụ tạo dựng chưa rồi, mới ban
ra cho có những "vật liệu" ngổn ngang, con người cần phải xếp
đặt lại theo một thứ lớp nào đó mà nó tự
nghĩ ra. Đó gọi là đóng con dấu của mình
vào bằng cách tô tạo, không để sót một
việc nào dù nhỏ như ăn uống hay lớn lao như vũ trụ
mà không nhúng tay vào đến độ có thể
nói: 10. Đã vậy lại còn khả năng vô
biên là cảm thông tham dự cùng Trời Đất: gọi
tắt là tham thông: mới nghe như phạm thượng, cùng
lắm thì là lời vu khoát mà người ta vẫn
châm chước cho nhà văn, chứ không có nội dung
nào cả. Kỳ thực nếu biết đường tu luyện rồi sẽ nghiệm thấy điều
đó và lúc ấy mới hiểu rằng câu nói
"nhân linh ư vạn vật" là hậu quả của bao đời tiền
nhân nào đó trước đã tu luyện, đã đạt
đích mới nói lên để được truyền lại như chút
kinh nghiệm của người đi trước giối lại cho người đi sau: vậy nếu muốn
đạt thì không được bắt chước con vật chờ trời ban sẵn ra
cho. Với con vật thì " trời sinh voi trời sinh cỏ", với con
người thì câu đó không đúng vì
con người không phải là voi, cũng không ăn cỏ,
cùng lắm chỉ đúng phần nào ở thời hồng hoang săn
hái, lúc con người chưa hẳn vượt trạng thái con
vật; nhưng rồi dần dần con người tiến lên xa khỏi con vật
thì phải "làm người" tức cũng là lúc phải
tiến lên trong việc làm: từ đá đẽo, đá
mài, tiến lên đồ đồng, đồ sắt, rồi kỹ nghệ, công
nghệ, hậu kỹ nghệ v.v... từng bước tiến một đều do con người làm
ra cả. 13. Nhất là nơi trẻ nhỏ lý trí
chưa phát triển nhiều, tiềm thức còn hoạt động mạnh,
chúng có thể "thấy" những điều tế vi mà người lớn
không thấy. Người ta thường gọi sự nhạy cảm đó là
cơ quan thứ sáu. Những cái đó báo hiệu
chiều kích bao la của con người cũng như những khả thể vô
biên còn tiềm ẩn nơi mình mà con người
có sứ mạng phải phát triển. Đến một độ tiến hóa
nào đó sẽ không phải là một người mà
rất nhiều người có thể "xem thấy nghe thấy" những sự việc xảy ra
ở vạn dặm. Hiện nay con người chưa đạt nhưng vẫn đang trên đường
tiến tới tầm kích bao la nọ. Đấy là lý do tại sao
trong những mẫu mực tối sơ về con người như Phục Hi, Nữ Oa, Lạc Long,
Âu Cơ... ta thấy những dạng thức, những tác động lớn lao
có tầm kích vũ trụ như đội đá vá trời, đẻ
một trật trăm con... Đó là những nét chấm
phá vẽ ra con người Đại Ngã Tâm Linh có
chiều kích ngang cùng vũ trụ: không đâu
không ở: như thần linh vậy. Do đấy trong Việt Nho có
câu châm ngôn: 14. Tam Tài đặt con người cùng hàng với trời đất, khiến con người làm quen dần với ý nghĩ lớn lao về mình. Phải có ý nghĩ ấy mới dẫn dắt con người vào đúng vị trí của nó, mới hiện thực được đặc tính của mình là tác, tự tác. Không thể tìm đâu được quan niệm ám hợp hơn với đặc tính tự tác, cũng như không có quan niệm nào giúp duy trì được phạm vi tác động của con người cả trong trách nhiệm cũng như phương tiện. Vì thế ta hiểu tại sao quan niệm dựa trên Tam Tài bị bác bỏ kịch liệt bởi những thuyết phò độc tài chuyên chế. Những thuyết này ưa những định nghĩa hèn kém về con người để con người quen đi với ý niệm tự ty mới dễ bề suy phục. Vì vậy ở những chế độ chuyên chế quan niệm Tam Tài không thể nảy sinh hoặc phát triển. Cho nên nơi nào duy trì được quan niệm ấy là dấu không có chế độ nô lệ và sự chuyên chế trở nên rất khó thiết định. Đấy là mới nói về hàng ngang xã hội. Còn về hàng dọc tâm linh quan niệm trên cũng tài bồi óc tự động, tự làm, tự trách nhiệm đến trình độ độc lập, không để cho con người rơi vào thuyết định mệnh, tất mệnh, mà vẫn giữ được nhân-chủ-tính của mình. 15. Đọc triết Hy Lạp ta sẽ thấy rõ điều đó. Theo vũ trụ quan cổ đại Hy Lạp thì tầng trên cùng là Thần Zeus, dưới giăng ra chín đẳng các Thần Minh, các Thiên Thần, rồi cuối cùng mới tới người, nằm giẹp lép trong một không gian bị bóp bẹp. Đã vậy liền kề ngay dưới còn một cái âm phủ tartarus lúc nào cũng như mở hoắc miệng ra để sẵn sàng nuốt trửng con người khi nó không chịu vâng phục mệnh lệnh của Zeus. Tính ra con người chưa chiếm được một phần mười không gian. Quả là con người bé mọn, con người vong thân nằm sấp dưới sức nặng của định mệnh. Thảo nào thuyết định mệnh đã đè nặng trên tâm lý người Âu châu lâu đời trước bằng chế độ nô lệ, rồi nông nô, sau cùng là vô sản chuyên chế, nơi đây thuyết đó được lôi lên mặt đất bằng những trại cải tạo, trại tập trung, những nhà tù rùng rợn. Những cái đó tuy có mới mẻ về tính cách thái thậm, nhưng ý tưởng chủ chốt đã có từ lâu, đó chỉ là sự tái bản những cái đã có từ xưa. Đó là những ác quả tột cùng của quan niệm bé nhỏ về con người, con người hèn hạ như sâu bọ, sinh ra để bò sát đất, không biết chi đến chiều kích đại ngã tâm linh nơi mình, nên phải sống như con vật nhưng khốn khổ hơn con vật, vì con người có phải là con vật đâu, còn một chiều kích bao la nữa, không kể đến sẽ khốn khổ ngay vào bản thân. 16. Xem thế mới rõ sự hiểu biết về con người quan trọng xiết bao, nó là bó đuốc dẫn đàng tiến, tùy quan niệm về người cách to lớn hay bé nhỏ mà con người đạt hạnh phúc cao hay thấp. Xét theo đó quan niệm con người to lớn như vũ trụ, sánh ngang cùng trời đất đã giúp nó thiết lập được cả dân chủ lẫn nhân chủ: dân chủ tránh được chế độ chuyên chế và nô lệ; nhân chủ tránh được biết bao dị đoan cũng như thuyết định mệnh. Cho nên trong việc quan niệm về con người thà đi quá còn hơn sút lụt. Quan niệm thấp kém về người kéo con người ở lì lại tầng thấp bé: kẻ có ý nghĩ quá nhu nhược tầm thường về mình sẽ cột chặt mình vào chỗ tầm thường. Vì vậy muốn con người được hạnh phúc bó buộc phải nhận quan niệm cao cả về con người: chính nó đã giúp con người rất nhiều nên phải dùng nó như bó đuốc dẫn đường trong việc thiết lập lối sống ở đời. 17. Nói khác ta có thể dùng nó như tiêu chuẩn hiệu nghiệm để quyết định thái độ. Chẳng hạn sự khác biệt giữa Nho và Lão: Lão Trang cho là trời đất không có ý chi hết, không phải làm ra cây hoa cho người thưởng thức, làm ra súc vật cho người ăn nhậu, làm gió thổi cho mát mặt ta, trời đất không có ý nào hết đến đo cùng cực là trời đất bất nhân theo nghĩa không phải trời có ý che đất có ý chở. Đừng đem hình người, lối nhìn của người mà gán cho trời đất, cho là "thiên hựu": cho trời đất là "tổ phụ" như kiểu nho, đem chữ nhân gán cả cho trời đất là sai: thiên địa bất nhân, người cũng nên xử như vũ trụ khách quan, đừng đem nhân nghĩa vào lối sống, cần phải khách quan, cần dẹp hết tình cảm, phải để cho tình cảm trở thành tro nguội, đừng cố làm gì để thêm thắt vào thiên nhiên, đừng bày đặt lễ nghi phép tắc hay nghệ thuật khoa học: "tuyệt học vô ưu", đừng bày ra máy móc, đừng chuyên theo nghệ thuật: ngũ sắc làm mù mắt, ngũ âm làm điếc tai... Hãy sống "vô vi", đừng xen vào thiên nhiên, hãy theo phác-tố. Hãy sống như trẻ con đừng đặt ra lễ nhạc nhân nghĩa mà làm hỏng đại đạo...Đó cũng là những chủ trương thường thấy trong lịch sử triết học tức đâu đâu cũng có đủ người theo Lão Trang. Nếu ta muốn phân xử bên nào phải bên nào trái, ai nắm được chân lý có lẽ chẳng bao giờ giải quyết xong. 18. May thay không cần tiêu chuẩn chân lý trừu tượng, nhưng có thể dùng ngay tiêu chuẩn hiệu nghiệm để hỏi rằng: quan niệm nào giúp cho con người tiến mạnh hơn, ta sẽ thấy thuyết tác hành hiệu nghiệm hơn nhiều. Bên Lão Trang với thuyết thiên địa bất nhân đã được dùng làm nền tảng cho pháp gia tức những nhà chuyên chế nhằm róc bỏ tình cha con, cha ăn trộm dê con phải tố cáo chứ không được bao che như Nho. Trong việc công không có chỗ cho yêu thương. Nhắc lại vài điểm này để ta thấy không gì mới dưới mặt trời. Các điều mà cộng sản nói là cách mạng thì đã có lâu lắm rồi, và loài người đã cố công trừ bỏ chưa xong. Nó xuất hiện nhiều khi rất tế vi giữa bao lời ca tụng tự do, tự động như trong Lão Trang, thế mà rồi lại mở đường cho chuyên chế. Ấy chỉ vì vấn đề cơ cấu không đạt. 19. Chỉ cần xét về hiệu nghiệm: chính Nho mới được hiện thực, tức không một đời nào không có người học, người làm nghệ thuật, người củng cố gia đình, người chuyên về nhân nghĩa, bởi chính sự làm những điều đó mới đi đúng định nghĩa con người như một tài một tác: không cái gì không tham dư để đóng dấu bản quyền vào. Lão Trang gọi là "nhân vi" "artificiel". Nhưng nhân vi mới là bản tính con người, chứ không phải tùy phụ để mà muốn chối là chối, trái lại xem vào lối sống con người mọi nơi mọi đời ta đều thấy không việc nào con người để y nguyên, để phác-tố nhưng đã "nhân vi" tất cả, y như đồ ăn đã tra, nấu, mắm, muối... chứ không bắt sống ăn tươi như con vật, vì bản tính vật không là tác mà là sống theo bản năng, theo phác-tố: con người không chỉ là con vật, nên không chỉ theo bản năng, theo phác-tố, y nguyên, mà phải làm ra của con người, ít ra phải "văn sức". Nhân vi, văn sức đó là bản tính con người. Tất cả văn hóa văn minh đều do nhân vi mà thành. Đó là đường con người phải theo, chỉ khi nào đi quá đáng đến độ làm át thiên nhiên như kiểu thanh giáo đè nén thiên năng thì lúc ấy mới có đủ lý để đả đảo nhân, nghĩa, lễ, nhạc. Thực ra đó là đả những cái quá trớn làm át mất sự tự nhiên đột phát. Còn nếu không đi quá đáng thì cứ phải "làm ra", phải "nhân vi", miễn không trái với bản năng. Đó mới thực là con đường lưỡng hành : có trời mà cũng có ta. Nếu bỏ phần ta đi thì hết là lưỡng hành: chỉ có thiên chứ con người bị vong thân mất rồi. Vì vậy tục lệ vốn là tốt, chỉ nên phá bỏ những cái ngãng trở như hủ tục. Nhưng bao lâu tục lệ không ngãng trở thiên nhiên lại còn giúp vào việc tham dự với thiên nhiên thì phải gọi là thuần phong mỹ tục. 20. Quan niệm nói được là của lương tri
tức là của thiên nhiên, vì có
tính cách phổ quát nên không đâu
không gặp, không đâu không theo. Mặc dù
thuyết thanh giáo cũng có khắp nơi nhưng những thuyết
đó đã dần dần phải nhường bước như thấy rõ
xuyên qua lịch sử. Vì thế mà quan niệm "An-Vi"
càng ngày càng đi lên, càng được thừa
nhận giữa sự lùi bước của các thứ thanh giáo.
Vì càng ngày con người càng nhận thức ra sự
cần thiết phải có ăn uống, có truyền sinh, có
yêu thương, có bè bạn... cũng như càng
ngày càng tiến bộ trên đà dân chủ:
dân chủ hóa quyền cai trị, dân chủ hóa cả
tôn giáo, tương đối hóa cả luân thường...
Ngày nay lương tâm con người không thể chấp nhận
những ý nghĩ về vua thần nữa, không có thiên
mệnh (theo nghĩa ngoại), không có rồng theo vua. Đó
chỉ là những bịa đặt, những giả tạo giúp kẻ chuyên
chế tước quyền làm người của con người. Nhưng nay con người
đã bắt đầu tởm gớm tất cả những cái ngáng đường
tiến của mình. Ngày nay nạn chuyên chế xuất hiện
lại được chẳng qua là nhờ bịp bợm, dùng những danh hiệu
mới, những lề lối đàn áp kiểu mới. Nhưng rồi con người
cũng sẽ nhận ra và sự nhận diện càng ngày
càng trở nên sâu sắc, càng đẩy đà tiến
của dân chủ. Dân chủ hóa trong chính trị
chính là sự vươn lên của con người trên những
đống đổ vỡ của vương quyền, thần quyền để con người lấy lại quyền tự
làm, tự trách nhiệm lấy mình. 22. Trước hết đây là một quan niệm hết sức thực tiễn giúp con người đóng góp liền được vào mọi mặt bằng tác động cùng cực. Thứ nhất là tác động phải hiểu theo nghĩa mạnh nhất tức tác động là bản tính con người chứ không là tùy phụ có cũng được mà không cũng chẳng sao. Vì quan niệm nọ mà có đầy rẫy việc phải làm. Nhìn xuyên qua trình sử con người trên đường tiến hóa ta sẽ thấy số ngu dốt quá ư nhiều, triệu người chưa biết có được một người thông minh, mà có thông minh đến đâu cũng còn vô số nhầm lẫn. Điều đó tạo cho con người có thêm đầy khó khăn. Sự việc nào cũng vậy tự nó khó một, con người làm cho ra khó mười. Nếu ta xem toàn diện sẽ nhận ra sự thể cần xảy ra như thế là để không ai phải thiếu việc: việc làm người do chính mình, việc nghề nghiệp, việc nghĩa, việc thiện không bao giờ thiếu hết. Đúng hơn chẳng bao giờ làm hết. Vậy trước những tai họa, trước những sự vụng về của chính phủ, của tha nhân, cố tránh phàn nàn, còn nên cám ơn trời đa tạo "job" cho mình, cho mọi người. 23. Thứ đến tác động phải đẩy đến cùng cực vì nó phải theo với bản tính con người vốn kéo theo chiều kích vô biên. Vì vậy muốn việc mang tính cách con người thì phải có tính cách cùng cực. Tác động mà muốn cùng cực thì phải đạt độ sáng tạo. Có sáng tạo mới bao gồm sự hiểu biết cùng cực, mới huy động hết mọi cơ năng và nghị lực toàn thể con người mà không chỉ có chân tay hay lý trí. Toàn thân tâm phải tham dự mới là sự hiểu biết cùng cực, mà có hiểu biết cùng cực mới dẫn đến được sự sáng tạo. Nói cho cùng thì không việc nào không cần sáng tạo, ít ra sáng tạo thế cách nào để nó hợp với mỗi hoàn cảnh chỉ có một thời điểm và không điểm riêng không bao giờ lắp lại y nguyên như trước mọi đàng, nên muốn việc hoàn bị cần phải có óc sáng tạo, việc quen mấy tốt mấy cũng còn phải có óc "sáng tạo" xem có đúng lúc đúng nơi chăng. 24. Thứ ba là sự hiểu biết cần phải đi đến cái biết cùng cực gọi là "cách vật" tức là cái biết tự mình tạo dựng lấy: cái biết khởi đầu là tin chỉ cần cho lúc đầu: nếu không tin cha mẹ, tin thầy dậy thì không có được những dữ kiện thiết yếu giúp vào việc sống trong xã hội, như ngôn ngữ, thể chế, sử ký... Nhưng đó mới là cái biết vòng ngoài của tiểu ngã. Cái biết vòng trong lớn lao và tận cùng thì phải do mình tự làm ra, làm mãi cho tới lúc đi đến cách vật không nhờ ai nữa. Phải huy động toàn triệt khả năng trong con người: mỗi bước ở đây sẽ đào thải rất nhiều những cái biết xưa kia. Chính cái biết tự làm ra này làm nên con người hơn hết. Nói cụ thể là phải để tâm đến triết. Vì triết là triệt tức là cái biết đẩy đến triệt cùng, có triệt cùng mới là cái biết xứng con người vô biên, cũng như đối tượng của sự biết triệt cùng là con người. Biết về con người là cái biết cao cả hơn hết. Biết về con người mới thấu cả vòng trong. Biết về sự vật chỉ xoay quanh vòng ngoài. 25. Thứ bốn biết về con người được dẩy đến cùng
cực thì dấu hiệu bên ngoài sẽ là yêu
kính. 26. Cũng chính vì tính
cách bao la đó mà có sự kính nể, bởi
cái bao la, cái vô biên rất đáng
kính nể. Vì thế phải kính nể đến cùng cực.
Kính nể muốn cho cùng cực phải biểu lộ bằng chữ lễ,
vì lễ bao hàm cái gì linh thiêng.
Người ta thường dâng lễ cho thần minh, vì thần minh cao
cả, quyền phép vô biên. Khi triết nhận ra trong con
người cũng có chiều kích cao siêu như vậy
thì liền mở rộng chữ lễ ra bao lấy cả con người, áp dụng
chữ lễ cho con người như lễ Gia Tiên, lễ Gia Quan... Sự
dùng cùng một chữ lễ như cho thần linh là cốt để
đáp ứng nhu yếu thâm sâu nhất của con người
là khát mong được kính trọng. Sự khát mong
này nảy sinh từ chiều kích vô biên trong con
người . Vì con người có vô biên tính
nên cũng đáng kính như thần, đáng tôn
trọng vô cùng. Đó là đáp ứng một nhu
yếu rất thâm sâu của con người, con người nào cũng
cảm thấy khát khao được kính tôn, chính
vì nó cảm thấy chất thần linh nơi mình. Vì
thế bị khinh dể là điều khổ sở hơn hết cho con người, còn
khổ hơn thiếu cơm thiếu gạo, nhiều khi thà bị chết đói
còn hơn bị khinh khi. Tóm lại khi biết bản tính
con người là tác hành và tác
hành đến cùng cực thì tất nhiên phải
yêu mến kính nể con người đến cùng cực. Dấu hiệu
biểu lộ sự biết cùng cực là yêu thương kính
nể, muốn sự lành cho người khác. Phạm vi của sự hiểu biết
mở rộng bao nhiêu thì yêu thương kính nể bấy
nhiêu: Yêu kính đến độ vượt được mọi ngăn
cách màu da, tôn giáo, dân tộc...
Có yêu kính thực sự mới là biết thực sự.
Trong các nước dân chủ ngày nay con người đã
hiện thực được nhiều yêu thương kính nể tha nhân hơn
xưa ấy là dấu đã tiến bộ nhiều trên đường hiểu biết
vậy. KẾT: * Không bao gồm được Đại Ngã nên coi tha nhân như tha vật: chosisme * Không đạt được bản tính con người là tác năng (agent). Quan niệm bất động không đặt nền được cho triết lý lao tác. Mãi tới thời mới đây mới nổ lên các thuyết lý lao tác thì hầu hết nếu không bệnh hoạn cũng là luận lý kiểu leo giây lượn lẹo vì không thoát ra khỏi những định đề cũ trái với lao tác. * Không quan trọng hóa việc "vi nhân mậu kỷ" không biết việc lớn lao nhất của con người là phải làm người, làm ra người. Vì chẳng có gì ban không ra hết kể cả con người, cho nên con người phải tự tay làm ra người như gương Bàn Cổ. phúc vậy Tóm lại bản tính con người tác hành là làm, tự làm. Vậy điều quan trọng hơn cả là tạo dựng cho mình một quan niệm cao cả về mình. Con người có cao cả hay thấp hèn cũng tùy thuộc vào quan niệm về con người. Quan niệm thấp thì con người sẽ thấp, rồi sẽ bị khốn đốn xứng với phận hèn đã tự tạo cho mình. Cho nên quan niệm đúng đắn về người chính là bí thuật dẫn đến hạnh. II. CỨU CÁNH CUỘC ĐỜI ĐỊNH NGHĨA CỨU CÁNH: 1. Cứu cánh là cùng đích
rốt cáo của cuộc đời. Bàn về cứu cánh là
luận bàn xem đời sống có mục tiêu chăng, đó
cũng là tìm xem đời sống có ý nghĩa chi
chăng. Chính lời đáp cho câu hỏi trên,
cách mặc nhiên hay minh nhiên đem cho cuộc sống định
hướng và ý nghĩa. Thưa không cuộc sống sẽ thiếu
ý nghĩa, thiếu hướng đi. Thưa sai cuộc sống sẽ hướng vào
chỗ hư hỏng hoặc uổng phí một kiếp người. Còn thưa
đúng nó sẽ qui tụ mọi hành vi cử chỉ vào
một hướng, đem lại cho đời sống một ý nghĩa, một sự hăng say,
một sứ mạng. 2. Loại trước hết là không đặt vấn đề: chỉ biết sống là sống vậy thôi. Sống cái sống sinh lý trước mắt, không cần tra hỏi xa hay rộng, chỉ bằng lòng với ánh sáng lương tri le lói chập chờn trước ngọn gió của các ý kiến trái ngược. Loại hai thuộc tôn giáo thường đặt cứu cánh vào đời sau, trong thế giới bên kia, nên không thỏa mãn đầu óc những người muốn kiểm soát được giải pháp ngay ở đời này. Ấy là chưa kể tới sự vụ là cứu cánh đặt ở đời sau nhiều khi làm ngãng trở sự phát triển cuộc sống hiện tại như thấy rõ trong nhiều xã hội xưa như Ấn Độ, bao nhiêu tài sản công khố đổ giồn vào việc xây đắp những điện đài nguy nga đang khi cuộc sống dân nước nghèo khổ cùng cực. Vì thế mà nảy ra Loại ba thuộc triết lý cố đi tìm cứu cánh con người tại thế, có thể kiểm soát theo tinh thần khoa học. Đây là lối tuy ứng hợp với triết nhưng hầu hết triết học lại quen lối xưa đặt cứu cánh con người bên ngoài lối sống hiện tại. Thí dụ như Plato cho cứu cánh cuộc đời là sự ngắm nhìn lý giới, nên lý giới được coi là mẫu mực, có sống theo được mẫu mực đó con người mới trở nên tốt, mới nắm được sự thật. Sự thật được quan niệm là sự trùng hợp giữa lý trí và sự vật, khi có sự trùng hợp thì là thật là tốt nên cứu cánh cuộc sống là nhằm làm cho con người nên tốt tức làm cho con người giống sự vật. Hầu hết triết cổ điển Tây Âu theo chân Plato trong vấn đề này, nên có thể nói là chưa trả lời cho cuộc sống thực tại ở đây và bây giờ; cuộc sống vẫn kể như không có ý nghĩa. Một triết gia nào đó đã nói sống là một cuộc buôn lỗ vốn, tính kỹ ra không đủ sở hụi. Cái sống chỉ có được một điều hay là may mà nó không lâu mấy... Như vậy là sự vụ đâu vẫn còn đó: chưa tìm ra câu trả lời có tính cách triết hiện thực hầu thỏa đáp mọi nhu yếu con người để gọi được là sống no tròn. Xin hỏi rằng đâu là cứu cánh cuộc sống con người tại thế đang sống trong xương trong thịt ở đây và bây giờ? 4. Ta hãy đi theo lối thường tình, khởi đầu bằng quan sát đường lối lương tri công cảm để tìm giải đáp. Khi ai cấy một cây trái tất nhiên là muốn cho cây đó trổ hoa kết quả đến mức tối đa của nó. Đôi khi có người bắt cây phải lùn, không cần hoa hay trái: trong trường hợp này cây bị hướng vào mục đích khác ngoài nó, thí dụ trang sức cho non bộ, cho vườn cảnh được vẻ đẹp riêng; nhưng đó là trường hợp ngoại lệ do ý muốn của người cấy gây ra theo mục đích nhất định riêng lẻ không thể dùng làm nền tảng suy tư có tính cách khoa học: khoa học phải căn cứ trên những cái gì rất thông thường. Vậy thông thường thì ai cũng muốn sự phát triển cùng cực. Nói về cây hay về con vật cũng thế: phải sao cho nó béo tốt, sinh sản đến cỡ tối đa, đạt độ tốt nhất optimal maximum. Về việc khác cũng vậy: ai đã bắt tay vào một việc nào đều mong muốn cho việc đó đạt trình độ hoàn chỉnh cao nhất có thể. Nói về cuộc sống cũng vậy phải làm cách nào theo đường hướng nào để cuộc sống phát triển đến cùng cực. Đó là câu trả lời hợp lương tri hơn hết, nghĩa là hợp với ý nghĩ, cảm muốn của mọi người cả Đông lẫn Tây, kim lẫn cổ. Bất kỳ ở đâu và bao giờ ai ai cũng hướng tới cuộc sống no tròn, kể cả những người thanh giáo khổ hạnh cũng thế, chỉ khác là họ đặt sự no tròn đó vào thế giới bên kia mà thôi. 5. Vậy nên nói được đây là quan niệm phổ biến gặp được trong cả hai quan niệm khác nhau về nguyên ủy con người: một bên quan niệm con người tự xuất hiện ra do cuộc tiến hóa trong vũ trụ, một bên tin là con người được tạo dựng do Thượng Đế. Tuy hai quan niệm khác nhau nhưng về cứu cánh có thể là một, nghĩa là có thể quan niệm Thượng Đế như người làm vườn, nuôi con vật hay khởi đầu công việc nào tất cũng muốn cho con người đạt được cuộc sống no tròn viên mãn: phát triển được hết mọi khả năng đến độ cùng tột, y như khi ta trồng cây nuôi súc vật vậy. Chữ tròn đầy ở đây xin hiểu là về mọi khả năng con người, tự thân xác phải béo tốt cho tới tâm tình phải được nảy nở cả mọi mặt: cả ý, cả tình lẫn chí. Còn viên mãn là sự phát triển phải đưa tới đợt tối đa có thể nghĩa là đạt độ tốt nhất theo hoàn cảnh. Mà hoàn cảnh phần lớn cũng do con người tạo lập, nên phải tạo lập thế nào cho ám hợp với sự phát triển kia, không những cho từng người mà cho tất cả mọi người, có vậy mới đáng tên là tròn đầy viên mãn. Việt nho gọi là chí thành, cũng có khi nói gọn vào một chữ là thánh. Thánh là chí thành, ở tức là hiện thực được hết mọi khả thể của con người đến chỗ cùng cực có thể. 6. Đại để đó là câu trả lời dựa trên lương tri, trên công cảm, tức ở đâu và bao giờ con người cũng nghĩ như vậy cách minh nhiên hoặc mặc nhiên, đến độ ta có thể dùng câu thưa đó làm tiêu chuẩn để đo lường và quyết định các nền triết lý như sẽ nói sau. Vì triết lý chính là lương tri công cảm nhưng được minh nhiên hóa nghĩa là được lọc sạch những cái lơ mơ chập chờn để đặt trên nền tảng vững chắc. Như vậy việc triết là thải bỏ những điều chưa vững chắc trong câu thưa trên. Sau là cụ thể hóa cho dễ nhận diện để hiện thực. Điều này có thể làm bằng cách tìm cho mục đích chí thành một dấu hiệu cụ thể. Vậy dấu hiệu đó phải là sự hạnh phúc vì hạnh phúc là hậu quả của sự sống no tròn, sống càng no tròn hạnh phúc càng cao, sống no tròn viên mãn hạnh phúc cũng sẽ viên mãn. Như vậy hạnh phúc chính là dấu hiệu của sự sống no tròn. Hễ hạnh phúc nhiều là sống no tròn cao độ. Ta không biết thế nào là sống no tròn, vậy hãy lấy hạnh phúc làm thước đo. Nói cứu cánh cuộc đời là phải cố sống cho viên mãn, sống cho chí thành thì nghe có vẻ to tát nhưng trừu tượng. Vậy hãy nói cách cụ thể và gọn ghẽ cho dễ hiểu: cứu cánh con người trong cuộc sống hiện tại phải là làm thế nào xây dựng được hạnh phúc cùng cực có thể, cho mình cũng như cho mọi người. Cần thêm vế sau "cho mọi người" vì đã nói trên về Đại Ngã: mọi người cùng một thân thể, nếu không lo cho mọi người là chưa nhận thức ra điều trên. Đó là dấu vòng chân trời tâm thức chưa mở rộng. Khi mở rộng rồi sẽ nhận ra hạnh phúc mà muốn cùng tột phải bao gồm hết mọi người.
II. 7. Đó là kết quả cuộc suy tầm triết lý đi theo lối cụ thể thiết thực, tức theo con đường mà mọi người đã đi theo một cách liên tục, mặc dù nghĩ đến hay không nhưng vẫn sống theo đó, có khi đi ngược lại cả huấn điều tôn giáo hay thuyết lý họ theo. Thí dụ có nhiều thứ thanh giáo cho rằng sự theo đuổi hạnh phúc đời này làm ngãng trở cuộc hạnh phúc mai sau. Trong thực tế họ đã ngầm giàn hòa rằng việc sống no tròn chính là điều kiện để đạt được đời sau nếu có, (phải nói nếu vì nhiều người không chấp nhận đời sau, mà ở đây ta chưa đả động tới vấn đề đó). Trong viễn tượng giàn hòa nọ ta có thể kết luận như trước rằng cứu cánh đời người là tìm đạt hạnh phúc, nói rộng ra là phải sống sao cho no tròn, sao cho phát triển đến cùng cực mọi cơ năng, mọi khả thể của con người. 8. Có thể ngờ rằng nhiều người đọc xong câu trên sẽ cho là lạ khi thấy triết chỉ đưa ra được có một câu kết luận tầm thường như vậy sao. Vì có ai mà không sống như vậy và nghĩ như vậy đâu? Xin thưa rằng: ai ai cũng sống như vậy là cái chắc, nhưng còn nghĩ như vậy lại không hẳn. Vì nếu ai chịu để tâm nghiền ngẫm cuộc sống con người xuyên qua các xã hội cổ kim cũng như nghiên cứu các nền triết thuyết và đạo lý đã xuất hiện từ xưa tới nay mới nhận ra rằng câu kết luận trên trở nên quá họa hiếm và đấy là chỗ kỳ lạ, vì câu trên rất đúng với cảm nghĩ của mọi người dù học thức hay không, dù thông minh hay ngu đần đều cảm nghĩ lơ mơ như vậy, thế mà tại sao lại không nói ra được hoặc không dám nói ra, hoặc không biết nói ra. Khi truy tầm căn do sự vụ mới nhận ra rằng sở dĩ con người không nói ra được vì không có ý nghĩ, mà không có ý nghĩ vì tâm thức chưa phát triển đầy đủ còn đang bị đè bẹp bởi những thế lực khác với bản tính con người, bên ngoài bản tính con người, nên thay vì sống theo "thiên mệnh" tức sống theo những nhu yếu, những mệnh lệnh của bản tính mình thì nó lại cố gắng đi theo mệnh lệnh xen ngang. Hãy lấy ngành triết là môn học đã hoạt động mạnh hơn hết của Tây Âu làm thí dụ, sẽ thấy nó bị đè bẹp gí dưới sức nặng của bái vật và ý hệ suốt hai ngàn năm, mãi tới ông Francis Bacon (1561-1626) một triết gia khoa học người Anh mới nhận thức ra được những cái ngãng trở tâm trí kia mà ông cố tìm cách phá vỡ để mở đường cho khoa học tiến bước. Ông gọi những cái ngãng trở đó là ngẫu tượng (idols) và ông phân ra làm bốn loại. 9. A. Ngẫu tượng thuộc thị nhãn (thị tộc idols of tribe) gọi thế vì thói thường con người cho rằng con mắt thấy được sự thực như nó là mà không ngờ con mắt bị uốn nắn theo trí óc. Trí óc ví được như thứ gương cong lượn nên cũng uốn nắn hình chiếu vào nó theo đường cong lượn. Thế rồi lại bị tình cảm nhuộm màu thêm khiến cho con người tin những điều mình thích tin, hoặc vì được thâu nhận vào đầu óc trước tiên nên theo luật "tiên chiếm giả đắc". Cái gì được nghe nói hoài tự còn nhỏ nó ngấm vào tâm trí và dễ trở thành ngẫu tượng. 10. B. Ngẫu tượng hang (idols of den or cave). Đây là tên đặt theo ẩn dụ hang của Plato theo đó con người có khuynh hướng giải nghĩa những điều mình học hay nghe theo ý hướng riêng, hoặc theo chủ trương của thuyết mình nhận, tức là lấy ánh sáng của một phần mà soi vào cái toàn thể, đổ khuôn tất cả theo một hình thái bé nhỏ, như người ngồi trong hang chỉ thấy có bóng hình sự vật. 11. C. Ngẫu tượng chợ (idols of the market) chỉ về ngôn ngữ. Ngôn ngữ rất tốt nhưng cũng chứa hai điều nguy hiểm: Một là nó có tính đàn hồi dễ uốn nắn theo ý muốn. Hai là nó làm cho người ta tưởng nó là sự thực thí dụ cùng cực là những lời ếm chú thuộc ma thuật: thời mà người ta tin là có thể dùng lời để sai khiến thần thánh, quỉ ma, sự vật. 12. D. Ngẫu tượng tuồng (idols of the theater) chỉ những hệ tư tưởng, các thuyết lý nằm ngổn ngang trong tâm thức không cho thấy được sự thực như nó là. Chính những thuyết lý đó giam tù kinh nghiệm, nhiều khi còn tệ hơn là khinh rẻ kinh nghiệm kiểu "hồng hơn chuyên" coi thuyết lý (hồng) quí hơn kinh nghiệm (chuyên môn) 13. Đó là đại để bốn loại ngãng trở mà ông F. Bacon đã nhận diện và tìm cách vượt lên trên, chính vì thế ông đả kích rất nặng nề các triết gia cổ điển như Plato, Aristote mà ông cho là hãy còn bì bõm trong các ngẫu tượng. Nhờ vậy ông phá vỡ rất nhiều trở ngại nằm chắn ngang trên đường tiến, giúp cho khoa học có cơ thành tựu rất nhiều. Vì thế tên ông được kể như một vọng môn mở vào đời mới. Tuy nhiên đứng riêng trong triết học mà bàn thì ông cũng mới đi được bước đầu mà chưa thấu vào vòng trong tâm linh, nên cũng chưa nhận ra sự hiện hữu của hai đợt tiểu ngã và Đại Ngã, cũng như chưa nhận ra bản tính con người là tác năng như đã nói chương trên. Vì thế ông không gây ảnh hưởng nhiều vào vấn đề cứu cánh cuộc sống. Cuộc sống vẫn cứ theo hướng dẫn của lương tri như trước. Nhưng lương tri là cái biết lơ mơ tạm thời chưa đi đến cùng cực và dễ bị dẫn dụ sai đường: nó chỉ tạm đủ để dẫn cái xe cà tàng cuộc sống, chứ chưa đủ nói lên cách mạch lạc có hệ thống thấu triệt về cứu cánh cuộc đời. Đó phải là việc của con người được định nghĩa như tác hành, có nhiệm vụ phải lần mò để làm ra, để xây dựng nền triết lý nhân sinh cách đầy đủ. III. HAI TẦNG NGƯỜI: Đến đây chúng ta chạm tới một vấn đề cực
kỳ trọng đại là sự phân chia ra hai loại triết lý
một bên là Tâm Linh, bên kia là duy
lý. 15. Tâm linh quan niệm con người có hai đợt là tiểu ngã và Đại Ngã. Tiểu ngã chuyên hiểu biết bằng ý niệm tức là sản phẩm của tai mắt, là những cái bé nhỏ nên khi chồng chất nhiều vào tâm trí nó sẽ chắn đường tâm linh, không cho tâm linh phát ngôn khiến con người chỉ nghe được có tiếng của tiểu ngã: khi xem sự vật tất phải xem qua lăng kính ý hệ (hoặc bái vật). Vì vậy triết lý Tâm linh lấy việc xả làm bước nhập môn tức muốn vào đường triết bó buộc phải xả bỏ mọi ý nghĩ thuộc ý hệ và bái vật mới trông tiến bộ. Đó là cửa ngõ đạo lý nên triết lý Đông Phương đều xây trên chữ Không. Riêng Việt thì xây trên chữ Trống và để con cháu dễ nhớ thì dùng tên đó mà đặt cho di vật quí báu nhất của nước là Trống Đồng tức là nhấn mạnh đến sự trống rỗng tâm hồn làm nền móng. Theo đó nếu ta muốn đưa ra hình ảnh một triết gia Tây phương ta sẽ vẽ một người có gân thịt bự đang ôm một quyển sách to tổ bố. Còn muốn vẽ triết gia Đông phương thì có thể đưa ra hình ảnh một người đang đánh trống, hoặc hình ảnh một người an nhàn cầm cái quạt phe phẩy, triết gia có thể gọi là quạt sĩ như ông Cơ Tử, có nhiệm quạt cho sạch mọi ý niệm tư riêng, mọi tin tưởng tiền chế khỏi tâm hồn để có thể cách vật là vật có sao thấy vậy, không bị xuyên qua lăng kính nào hết. 16. Còn tai thì nghe được lời nguyên ngôn gọi bóng là "triêu văn đạo" tức tiếng phát xuất tự Đại Ngã Tâm Linh còn trong suốt chưa bị bụi bặm che lấp, y như ánh dương quang ban mai lúc trần cấu chưa tung bụi. Những bụi bặm đó là những lý luận của các thuyết lý, cũng như những lời tầm phào của dư luận, của thói tục được đổ khuôn phần nào theo các thuyết kia. Tất cả luôn luôn được rót vào tâm trí con người qua những tổ chức xã hội như gia đình, trường học, sách báo, dư luận làm chết ngạt cái minh đức nằm trong tâm hồn sâu thẳm. Do đấy việc đầu tiên của đạo làm người là phải gạt bỏ các cái đó ra để dọn đường cho ánh sáng tâm linh chiếu giãi. Ánh tâm linh đó thường xuất hiện như mệnh lệnh của trời nên Việt Nho gọi là "thiên mệnh" như ba nhu yếu nền tảng thực, sắc, diện mà cho tới nay chưa mấy nền triết triết lý biết chăm lo để thỏa mãn. 17. Mãi tới thời mới này mới thấy chăm lo đến thực và sắc, nổi nhất về thực: ngày nay đâu đâu cũng lo kinh tế. Sắc thì đã được phân tâm lo. Còn diện (tức sự cao quí con người được biểu lộ trong thể diện) thì chưa hẳn có, nên thực và sắc cũng thất bại, vì con người cần tròn đầy viên mãn, không thể tháo ra từng phần mà lo riêng được. Vậy mà triết học lý niệm đã đi lối đó khi theo đuổi sự thật khách quan, nhưng dùng có lý trí thì chỉ biết được có hiện tượng làm sao biết được sự thật toàn diện. Lo như vậy không thể nào đạt cuộc sống no tròn. Duy lý hay duy trí đã rõ, nó gảy bỏ ra ngoài tình cảm, ý chí, thân xác, tất sẽ rơi vào một chứng bệnh duy nào đó: duy vật, duy tâm, duy linh. Vì chứng bệnh này rất hại cho hạnh phúc con người nhưng lại rất thường tình nên cần bàn thêm.
IV. NHỮNG BỆNH PHÁ HẠI CÂY HẠNH PHÚC 18. Những bệnh duy nọ xảy ra là tại đã không nghe theo tiếng thiên mệnh sâu thẳm mà lại đi nghe theo những mệnh lệnh nông cạn thuộc cấp ý niệm tư tưởng. Những mệnh lệnh này có thể chia ra làm hai loại: Một thuộc tâm tình hãy gọi bằng tên tóm tắt là bái vật như các thứ dị đoan, những tin tưởng không thể kiểm soát thường có hại cho cuộc sống. Loại hai là ý hệ gồm các thuyết lý xây trên những ý niệm tự ngoài và được kết cấu cách rất khít khao đồ sộ nên được người ta quí hơn thực tại. Đứng đầu ý hệ là Plato người đã coi trọng lý giới ý niệm hơn trần thế (thực tại) nên gọi ông là duy tâm. Duy tâm của Plato đã được tiếp nối do triết học Tây Âu và mãi cho tới tận nay được canh tân cách rầm rộ bởi cộng sản với chủ trương "hồng hơn chuyên". Đó gọi là ý hệ. Ý hệ gia giống như người nước Trịnh kia đo chân lấy no để đi đóng giày. Khi đến hiệu anh mới nhận ra là mình để quên cái no ở nhà, anh đành bó tay. Có người bảo sao không đưa chân ra mà so, anh trả lời chân làm sao bì được với no. Thế là anh đành trở về tay không, ai ai cũng cho anh là mát. Thế nhưng các người thờ lý tưởng như các ý hệ gia đều giống hệt anh ta, có thể còn tệ hơn ở chỗ không chịu về tay không, nên đã dùng những no không hợp cỡ chân để đóng giầy tức tạo nên lý tưởng trái với bản tính con người, rồi bắt mọi người phải xỏ chân vào những đôi giầy tiên thiên đó. Kết quả là cuộc sống trở nên địa ngục, rất xa hạnh phúc. Vì con người đã bị bắt buộc phải tuân theo những mẫu mực trái khoáy do bái vật và ý hệ cung ứng mà không biết theo nguyên ngôn. Như vậy là tai họa. 19. Lẽ ra hết mọi người phải sống theo mệnh lệnh của
sự sống gọi là nguyên ngôn. Đằng này ngay
những người lẽ ra phải sống đúng đường cũng đã đi lầm
nẻo, đó là các triết học gia, họ chỉ đáng
tên là ý-gia, cùng lắm là triết học
gia chứ không là triết-gia. Rất nhiều triết học gia
đã nhận thức được chỗ tai hại của những của những cái
chắn đường kia và đứng lên đập phá, nhưng phần lớn
lại mắc vào những cái ụ đó theo luật "mạnh chống
mạnh chấp", hoặc cố nói lên nhưng không sát
ý cũng như không ổn, chẳng hạn như người ta gán cho
Epicure câu nói:" cứu cánh cuộc đời là sự
khoái lạc" thì đó là câu nói
rất nguy hiểm có thể gây tai hại cho hạnh phúc của
người hiện thực. Thành thử câu nói bị bác bỏ
dễ dàng do những thuyết trái ngược là khắc kỷ khổ
hạnh. Vì thế khắp năm châu bốn bể chỉ còn ồn
ào với những thuyết khổ hạnh thanh giáo đó,
nên tôi nói các thuyết lý hầu hết
xúi chó vào bụi rậm, vì 90% là
nói tầm bậy và nếu con người theo trọn vẹn thì
giống người còn có tồn tại đến nay nữa chăng hay nếu
có còn thì chắc xã hội cũng chỉ là
một hỏa ngục. Đó là những tiếng trống lương tri chống lại cái điệu kèn rồ dại kia. Sự chống đối này có tính cách phổ quát nền tảng, nên là tổ gây nên tâm trạng bất an, những bệnh tâm trí có rất nhiều trong những xã hội có kèn thổi ngược là vì con người bị kéo dãn ra hai chiều trái ngược: lý thuyết bảo là vô mà lương tri thực tại lại bảo là hữu. 21. Triết lý an-vi chủ trương minh bạch rằng: cứu cánh cuộc sống là hạnh phúc cho từng người và mọi người. Nội dung hạnh phúc không đặt ở xa mà phải ở ngay đây và bây giờ, có thể tóm vào năm chữ phú, quí, thọ, khang, ninh. Tất cả ngũ phúc nọ đều hướng vào việc phát triển cùng cực mọi khả năng con người, làm sao cho đạt độ cùng cực có thể. Khi đạt độ đó thì gọi là chí thành tức là con người đã "làm người" trọn hết cỡ, và coi chí thành là thánh, là thần, và do vậy gắn liền thánh với phú quí thọ khang ninh nghĩa là thần hay thánh không ở đâu xa nhưng là ở ngay trong sự phát triển cùng cực mọi cơ năng, mọi khả thể của con người biết được theo "thiên mệnh" hay là thiên tính. 22. Trong thực tế có thể căn cứ vào bản năng sinh tồn để nhận diện. Những người theo thanh giáo cho bản năng là điều xấu cần trấn áp, nên coi Việt Nho là trần tục quá ư tục; nhưng nay cũng có nhiều học giả đã nhận ra rằng Việt Nho là nền triết lý duy nhất không từ chối bản năng công cảm, duy nhất trung thực với cuộc sống (the greatness of Confucius is his being true for life) nền triết lý duy nhất dám xây trên công cảm. Nếu hỏi con người sống theo bản năng thì có khác chi con vật ? Thưa rằng tại sao lại đòi khác khi con người cũng là một con vật. Câu định nghĩa nào về con người cũng mở đầu bằng chữ con vật: người là con vật biết suy lý, người là con vật biết nói v.v... Vậy không nên từ chối phần con vật nơi người, chỉ cần biết con người khác các vật chỗ nào và giống chỗ nào. Nó phải giống phần thiên tính, chỉ khác phần đóng góp con người gọi là "nhân vi" "văn sức". Như đã nói ở bài trước con người tiểu ngã cũng phải ăn uống, làm tình như con vật, chỉ khác vì không những là con vật, nhưng còn là con vật biết suy lý, con vật có tôn giáo v.v... nên có sự khác biệt. Sự khác biệt này là dấu đặc trưng con người nhưng không bao giờ được chống lại nền tảng. Như ba nhu yếu thực, sắc, diện. Những cái đó phải theo nếu không thì ngay con vật là phần sinh lý cũng chết luôn chưa nói đến vụ làm người. Vậy con vật là nền chung rồi trên nền tảng đó con người cần tô điểm trang sức làm cho ra văn vẻ, gọi tắt là văn hóa. Văn hóa chính là sự tô điểm các bản năng, hễ tô điểm ra ngoài bản năng là sai lạc, là ý hệ. Tô điểm đúng bản năng là hợp lương tri, là xuất tính, là theo thiên mệnh, là theo đúng đạo làm người. V. NỀN TẢNG VIỆT NHO Hỏi rằng nếu vậy Việt Nho có hơn gì lương tri và bản năng đâu ? Thưa rằng tại sao dại dột đòi hơn lương tri và bản năng. Bởi vì chính đó là mệnh lệnh bất khả ngộ nên không hề bao giờ được chống nhưng phải tiếp tục làm theo, phát triển thêm phần nhân vi vào, như ăn là tính mệnh không thể bỏ, con người cần phải ăn, nhưng ăn cách con người là chiên sào, nấu, rồi đặt lên bàn, có nghi thức đi theo. Đừng vì phần nhân vi mà bỏ phần thiên tính như nhiều thuyết lý đã làm, không phải trong vấn đề ẩm thực mà thôi mà cả trong vấn đề sắc và diện. Việt Nho đã đi theo lối tiếp nối thiên tính, nhờ vậy đã nói lên một cách mạch lạc rõ ràng những điều mà lương tri công cảm không nói lên được hoặc không dám nói ra vì sợ mang tiếng vào hùa với bản năng. Nhưng Việt Nho đã dám nói lên vì đã đưa đến cho lương tri một bộ định đề làm như gốc rễ của công cảm để qui tụ lương tri thành một nền triết lý. 24. Đó là điều họa hiếm bởi tiếng lương tri thì ta gặp được tràn đầy trong thi ca tiểu thuyết, văn học, nhưng có một điều không gặp thấy những nơi đó hoặc trong các triết học lý niệm tức là cái gốc lương tri nó ở tại đưa ra những nguyên lý ngược chiều lương tri công cảm; đây không là ngược chiều kiểu kèn thổi ngược nói trên, vì nó sâu xa nằm trong tiềm thức sâu thẳm nên là ngược theo lối gốc đối với thân cây: gốc mọc xuống, thân mọc lên. Đó là điều cần thiết, y như máy sinh điện cũng phải có hai chiều một chạy mau, một ghì sức lại mới nảy sinh điện. Triết cũng thế phải có mấy nguyên lý ngược chiều với công cảm, mới làm nảy sinh nhân điện được. Đó là luật tất nhiên mà các triết học lý niệm cảm thấy lơ mơ nên đặt sự ngược chiều ở đợt tượng ý thành ra tiếng kèn thổi ngược rất sai lầm như vừa nói trên. Sai lầm không hẳn vì đặt ngược mà vì đặt ngược ở cấp thấp quá: ở tầng ý niệm, nên vô hiệu. Trái lại Việt Nho đặt sư ngược đó ở tầng cơ cấu tức tầng tiềm thức sâu hơn tầng ý thức của ý niệm vô kể. Ta hãy xem những nguyên lý ngược chiều đó là gì. 25. Chúng tóm vào được ba con số sau là 2, 3, 5. Số hai có thể gọi theo cách nói của Francis Bacon là phản thị nghĩa là chống lại con mắt, không cho cái biết do mắt là nền tảng, mà phải đi sâu hơn nữa. Vì thế con mắt thấy sự vật là một khối monolithe, thì cơ cấu phải thấy hai. Con mắt thấy tĩnh thì cơ cấu phải thấy động hay đúng hơn động mà tĩnh, tĩnh mà động, một mà hai, hai mà một, gọi vắn tắt là lưỡng hợp: dual unit. Và đó là nền tảng của vũ trụ quan động ngược với vũ trụ quan tĩnh của triết cổ điển một chiều, đã động thì thôi tĩnh và ngược lại. Đến nay khoa vi thể giúp cho thấy động rồi nhưng chưa đủ ngấm vào triết lý nhân sinh. Đó là căn do tại sao triết duy lý chỉ thấy nơi con người có tiểu ngã mà không nhìn ra được Đại Ngã Tâm linh vì thiếu đức tính lưỡng hợp nọ: hai mà một: tiểu ngã với Đại Ngã là một kiểu lưỡng hành: một mà hai. 26. Số ba áp dụng vào người: khi gán cho nó bậc tác động ngang với Trời Đất: "Trời Đất in Ta một chữ đồng". Thực là ngược chiều vì dám đem con người bé nhỏ như con giun đặt ngang cùng trời đất vô cùng tận! Nhưng chính sự ngược chiều nọ đã cứu vớt được triết khỏi phá sản do nói lên được sự khác biệt then chốt của con người là tác hành, là tác năng, là làm ra lối sống của mình. Đó mới là xương sống của triết, cũng như nền tảng của nhân chủ. 27. Số năm còn kỳ lạ hơn nữa là bảo phải tìm cái Không làm cốt: ai chả muốn có thế mà ở đây lại bảo đi tìm cái không. Chữ ngũ phúc trên kia không nên hiểu theo nghĩa đo đếm vì đó là huyền số được xếp theo cơ cấu. Theo cơ cấu thì nền tảng của số ngũ là không vì nó thuộc hành thổ tức hành vô địa, hành vô hành, nghĩa là trống trơn: không phương, không tiết, không mùa. Nhưng chính sự không, chính sự trống trơn đó đáp ứng được nhu yếu thâm sâu nhất của con người là vô biên tính. Phải, cái làm nên bản tính riêng biệt của con người chính là những cái vô hình vô dạng đó. Chính cái không đó làm cho sự chấp nhận phú, quí, thọ, khang, ninh không trở nên duy vật. Chính sự trống trơn đó đã cho phép Việt Nho dám không những chấp nhận ngũ phúc mà còn trọng thể hóa bằng đặt vào ruột cuộc sống mà vẫn đạt được một nền siêu hình trung trực như: sẽ bàn nhau. 28. Đại để đó là ba cái gốc của
lương tri đi ngược chiều lương tri. VI. QUAN SÁT ĐƯỜNG TRƯỜNG: 29. Xin đừng nghĩ rằng đó là những ý nghĩ suông, nhưng là những ý nghĩ hữu hiệu hơn hết, giúp cho con người đạt hạnh phúc ngay tự đời này, nó ở tại làm thỏa mãn ùng cực mọi nhu yếu thâm sâu của con người. Chính ba định đề trên (2,3,5) làm nên cái cội gốc, cái ngọn nguồn cho lương tri, cho hạnh phúc. Chính nó làm nên phần trường tồn. Chính nó là cái phi thường nằm ngay trong lòng những cái thường thường. Chính ba cái gốc kia làm cho sự theo đuổi ngũ phúc trở thành phúc thật. Vì hạnh phúc muốn cho trung thực tột cùng tất phải có chiều kích vô biên để thỏa mãn vô biên tính trong con người. Vì các triết duy lý không biết đến chiều kích nọ nên đưa ra các cứu cánh thiếu sót rất trầm trọng. Xét ngay về đàng đi tìm sự thật đã tỏ ra kém rồi. Duy lý đi tìm sự thật thẳng nơi sự vật bằng lấy sự thật đối tượng làm tiêu chuẩn (vérité - objet) nghĩa là có thật khi lý trí hợp với đối tượng. Nhưng lý trí nông cạn làm sao thấu vào được nội tâm sự vật, sự vật nội tại, thành ra lấy đại ý niệm về sự vật làm sự vật. Mà ý niệm chỉ là vòng ngoài, mỗi người mỗi khác nhau, nên có nhiều "sự vật". 30. Trái lại khi lấy hạnh phúc làm tiêu chuẩn thì không căn cứ trên bản tính sự vật, nhưng căn cứ trên mối tương quan với sự vật. Tương quan này lấy hạnh phúc người làm tiêu chuẩn nên chỉ chọn tương quan nào hợp cho hạnh phúc con người. Rồi từ đó suy luận đến bản thể sự vật và con người: tương quan nào giúp con người triển nở mạnh nhất (tức hạnh phúc nhất) là tương quan đúng, nên kết luận sự vật đúng thực. Như vậy cũng là quan niệm về sự vật như triết học lý niệm, nhưng khác ở chỗ có đợt thể nghiệm, không chỉ trừu tượng, nên có nền tảng để kết luận là có nắm được sự thực. Đấy là lý do sâu xa giải nghĩa tại sao các triết duy lý cứ dần dần lụn bại, đang khi Việt Nho cứ vững như trồng. Tuy có lúc bị lu mờ, nhưng rồi lại dần dà nhô lên. Các triết thuyết khác mới nghe thì cao lắm nhưng cuối cùng phải từ bỏ thuyết mình để đi theo tiếng lương tri. Nhân loại tiến bộ càng nhiều thì số theo lương tri càng đông. Lúc đầu Trung Cộng mới lên gọi Việt Nho là cái học ăn cứt, nhưng rồi đến nay lại nhào vô, chưa dám ăn đàng hoàng nhưng đã liếm láp chung quanh rồi. Thế giới nói chung cũng hướng cả về đó, phải xem lịch sử dài rộng mới nhận ra. 31. Do đó ta hãy gác sang
bên các tiếng kèn thổi ngược với lương tri, ngược
với tâm trạng trung thực của con người, để nghe theo tiếng
kèn thổi xuôi rằng: cứu cánh con người là
hạnh phúc, mà hạnh phúc đó đừng tưởng
là cái chi to lớn xuất hiện lù lù bên
ngoài cuộc sống, nhưng nó là những mụn mảnh
bé nhỏ, nó nằm ở bữa ăn ngon, ở câu chuyện
dí dỏm, ở chỗ gặp người thân, ở chỗ gửi quà nhận
quà, ở những cái bé nhỏ thường nhật: mỗi
cái tô điểm cho đời một ít. Nếu muốn hệ thống
hóa tức giồn nó vào mấy mục lớn thì
có thể tạm kể ra 5 khoản là "phú, quí, thọ,
khang, ninh". Tất cả 5 đặt trên hành ngũ là trống
rỗng, tức tâm hồn có trống rỗng mới nghe được nguyên
ngôn là cái hướng đạo vững chắc nhất để đạt hạnh
phúc. "Chân không diệu hữu" là thế. Nên
phải lấy ngay hạnh phúc làm cứu cánh cuộc đời, lấy
hạnh phúc làm tiêu chuẩn đo lường mọi giá
trị. 33. Khi ta nghiên cứu lại lịch sử triết
thì thấy vấn đề đặt ra ngoài con người, lấy sự làm
cho con người nên tốt (Plato) làm tiêu chuẩn. Muốn
con người nên tốt cần phải có chân lý,
mà chân lý phải hướng tới sự vật (điều hợp
lý trí với sự vật) thành thử hướng ra sự vật.
Đó là con đường tế vi dẫn đến chỗ tha hóa, vật
hóa con người. Trái lại nếu lấy hạnh phúc con
người làm cứu cánh thì trước hết nó hướng
đến con người; hai là hướng đến con người toàn thể:
không những lý trí như trong sự thật, mà cả
tình, chí, tâm, can, tì, phế đều cảm thấy
liền, hưởng liền. Vì vậy không thể tha hóa được
mà còn là con đường trung thực để tìm ra
chân lý. Vì chân lý là sự hợp
với bản tính con người. Ta không thể biết trực tiếp bản
tính đó là gì, nhưng nếu nó
làm cho ta hạnh phúc thì ta biết chân
lý đó đúng với bản tính của ta. Y như sự
thật nào làm ta mất hạnh phúc thì là
không thật. Thế giới hiện nay đang như con tàu không
lái vì bao "sự thật" trước đây đều bị khám
phá ra là vô nền, là tầm bậy. Vậy thì
nên chuyển tự chân sang thiện: hỏi cái gì ơn
ích cho tôi, cho nhân loại. Tuy không thể
có căn cứ tuyệt đối nhưng còn có thiên
tính, lương tri làm chứng và phần nào kiểm
soát được. Hễ triết thuyết nào xét về lâu về
dài đã mang lại ơn ích cho con người thì
là đúng là thiện nên cũng là
chân là mỹ. Triết thuyết nào trình
bày hay mấy mặc kệ, ta chỉ cần xem vào thực tại:
cá nhân có hạnh phúc chăng, dân nước
có đủ ăn đủ mặc chăng, xã hội có công bằng
chăng, phân chia tài sản có không quá
chênh lệch chăng... Nếu quá đáng, nếu dân
thiếu thốn cùng khổ thì là triết bất thiện,
không chân, không mỹ. Triết nào giúp
vào việc thiện mới là triết lý tốt mà
không là viển vông xa thực tại. III. AN -VI SIÊU TƯỢNG I. CẦN ĐẠT SIÊU HÌNH MỚI RA NGƯỜI ĐẠI NGÃ 1. Chương trên đã định luận rằng cứu cánh cuộc đời này là truy tầm hạnh phúc: hạnh phúc cho mình và cho hết thảy mọi người. Nhưng con người không thể đạt hạnh phúc nếu nó không hiện thực đươc bản tính của nó, mà bản tính con người thì bao la vô biên như vũ trụ. Cho nên cứu cánh con người phải là phối hợp với vô biên. Sự phối hợp này tất nhiên là việc của con người theo định nghĩa người là tác năng, tức phải làm ra tất cả. Trong sự làm đó việc nhận thức dẫn đầu, cùng cực của nhận thức là khoa siêu hình, siêu hình là khoa nền tảng cho triết, mà triết là bậc cao hơn cả trong sự hiểu biết. Vậy cần nền tảng siêu hình phải hợp với bản tính con người là tác năng và vô biên. Nói khác siêu hình chỉ là trung thực khi giúp cho con người tự hiện thực lấy cái chiều kích vô biên nọ. Đó là điều kiện tiên quyết và bất khả vô. Vì con người bao giờ cũng hoạt động theo hướng dẫn của tâm thức. 2. Vì thế siêu hình học không những cần mà còn thiết yếu hơn cả mọi khoa đầu là nhân văn hay khoa học. Những khoa học này thuộc ngành ngọn, có thì tốt, còn không cũng chỉ là sự đáng tiếc nhỏ. Chứng cớ là chúng chỉ xuất hiện muộn về sau, chí như siêu hình thì xuất hiện một trật với con người, tuy trong trạng thái tiềm mặc, nhưng đã có ngay tự đầu và bao giờ cũng tỏ ra rất nền tảng: hễ sai một li thì đi một dặm nghĩa là sẽ kéo theo vô số tai họa. Vì thế phải làm thế nào tìm cho ra một nền siêu hình đã không gây trở ngại mà còn hỗ trợ con người hiện thực bản tính nó. Bản tính con người gồm hai đặc tính là hành tác tính và vô biên tính; vậy nền tảng của siêu hình cũng phải là cái gì thực sự vô hình, phải vượt qua không những hình mà luôn cả tượng cả thanh cả xú, có vượt qua được bốn đợt hình danh sắc tướng đó mới thực là vô biên. Có vô biên mới đạt Đại Ngã, có đạt Đại Ngã mới đạt Hạnh phúc. Hạnh phúc viết hoa. Hạnh phúc cùng tột cũng là cứu cánh con người.
II. NHƯ VẬY TA THẤY SIÊU HÌNH THẬT VỪA PHẢI LÀ VÔ HÌNH MÀ ĐỒNG THỜI VẪN TÁC ĐỘNG Xem trong lịch sử loài người thấy đó là điều diệu vợi. Vì các triết đã đưa ra những nền siêu hình giả dối, tức hãy còn hình nào đó mà ta có thể gọi là siêu hình nhưng hữu tượng tức có hình nhưng là hình vắng mặt, được đại diện bằng tượng tức còn hình trong lý trí và quen gọi là tượng ý (idea). Không kể chi duy vật là phái đã tuyên ngôn long trọng điều đó. Hãy nói ngay đến những người muốn tiến lên siêu hình chân thực, nhưng rốt cuộc cũng chỉ đưa ra được một thứ vô hình hữu tượng nên dính đét lại đợt tiểu ngã mà không sao vươn lên được bậc Đại Ngã vô biên. Căn do của sự thất bại đó có rất nhiều nhưng để dễ dàng suy luận ta nên qui tụ chúng vào hai mối chính: đó là bái vật và ý hệ, cả hai đều là những siêu hình giả tạo tức siêu hình mà còn hữu hình đặc sệt, không vượt khỏi vòng tay của tai mắt. III. BÁI VẬT THÌ SIÊU HÌNH CÒN ĐỂ HÌNH NGUYÊN CON. 4. Đó là các thứ dị đoan tin tưởng đặt vào những quỉ thần, mồ mả, ngày tháng... Nói theo triết, bái vật đã hữu hình hóa cõi vô hình: bao nhiêu ý niệm về thiên địa Đại Ngã đều được gán cho hình ảnh như người hoặc vật , nên triết quen gọi việc đó là nhân-hình-hóa thần linh. Điều đó cần cho bước đầu để con người vươn ra khỏi thế giới của tiểu ngã gọi là trần giới hoặc thế giới của giác quan. Tất cả đều bé nhỏ cục hạn nên con người cần phải vượt thoát. Nhưng không thể vượt thoát cái một nên phải chia ra nhiều đợt. Việt Nho chia ra bốn bậc là hình, tượng, thanh, xú: càng lên càng tế vi, trước hết muốn siêu lên khỏi hình ta chỉ cần trừu tượng là được: thay vì cái ghế, cái bàn, ta chỉ cần tưởng tượng ra cái ghế, cái bàn thế là đã siêu hình; nhưng đó mới là siêu hình đợt một, chưa đạt đợt hai là siêu tượng. Vì ý niệm cái bàn là tượng ý (phantasma) chưa vượt qua được con mắt lý trí. Thế mà có vượt qua tượng ý nữa mới lên được đợt ba là vô thanh là vào tai rồi sau cùng đến vô xú là súc cảm. Vô xú còn tế vi hơn vô thanh. 5. Vậy cần đi tự dưới lên, tự hình qua tượng đến thanh rồi xú. Các bước dưới đó cần thiết để cho con tuộc trục lợi được yếu dần đi, trở nên thanh nhẹ thêm, thí dụ bảo hy sinh tiền của để xây đền điện thì không còn thể cầu cái lợi hữu hình nhưng vẫn còn thể cầu cái danh, hoặc công nghiệp vô hình nào đó, như được thoát âm ti, chuộc lại lỗi lầm... Tuy chưa cao lắm nhưng có lợi ở chỗ giúp nhổ con người ra khỏi cái lợi vật chất đặc sệt, nhưng chưa là tận cùng. Vì còn có thể tiến lên đợt an vi không còn cầu lợi hoặc tiếng tăm, hay để thoát hình phạt. Tuy tế vi hơn nhưng còn là lợi nên bám víu vào bái vật là ngừng đọng ở đợt hiện tượng đã được tế vi hóa. Chính vì tế vi nên nó có sức trì níu mạnh hơn: ở chỗ người hành đạo không thấy, không chú ý đến nó, nên ví nó được với loại siêu vi trùng rất khó gỡ, vì thế duy vật là bệnh phổ quát hơn người ta tưởng.
IV. VÔ VI ĐÁNH MẤT TÁC ĐỘNG TÍNH. 6. Để thoát khỏi nguy cơ duy vật thì nhiều đạo pháp đã đề nghị giải pháp chối bỏ cõi hữu hình: cho tất cả là "tuồng ảo hóa bày ra" chứ thực sự thế giới chỉ là huyễn tướng, là bào ảnh, là maya đừng để tâm bận đến thì sẽ giải thoát được . Chưa biết có thực là tuồng ảo hóa chăng, chỉ biết chủ trương đó đã dẫn tới chỗ vô vi theo nghĩa đối chọi với hữu vi tức là không làm, trái ngược hẳn với bản tính con người là làm, là tác, là vi. Vậy là lối thoát này hỏng: nó chỉ có quyến dũ vì chống với cái hữu vi đặc sệt, chống lại sự bám trọn vẹn vào cõi hữu hình, cõi duy vật của triết học duy niệm mà tôi quen gọi là ý hệ, cùng lắm thì nó chỉ tạm dùng được cho những người xuất thế không phải lo ăn lo mặc, lo đến những mối nhân luân mà thôi, nhưng đó là ngoại lệ không thể đưa ra làm thông lệ, cho nên ta phải tìm về phía có vi, trong đó có hữu vi thuộc ý hệ.
V. Ý HỆ CHƯA VƯỢT TƯỢNG Ý. 7. Ý hệ là bước siêu vượt đầu tiên thoát ra khỏi vật thể hữu hình, thường bị ràng buộc trong bái vật: lo sợ âm phủ, cầu mong cõi tiên... Ở đây không còn lo sợ âm phủ, hay cầu mong được thưởng cái chi nữa, mà chỉ căn cứ trên ý niệm sự vật một cách khách quan. Đây là một bước tiến cần thiết đầu tiên trên con đường giải thoát, trước hết là vượt khỏi nanh vuốt các thần tượng, thường giam con người trong cõi cưỡng hành. Nhưng trì diên lại ở đợt ý hệ hay tượng ý thì lại vẫn còn là duy vật chỉ khác nhẹ hơn. Vì tượng ý là hình ảnh sự vật nên bám vào nó là bám vào sự vật. Dấu hiệu bám vào là ý hệ, đó chính là hệ thống các ý niệm, nó có hại vì rất hẹp hòi độc hữu đến độ chối bỏ cõi linh thiêng, chối bỏ những gì giác quan không thấy, hay tệ hơn là dùng ý niệm đóng khung cõi vô biên. Như vậy là đánh mất trọn vẹn bao quát tính của con người tức là nằm lì lại cõi tiểu ngã bé nhỏ Đã vậy không còn thể tiến, vì tự trong nền tảng nó thiếu tính chất năng động: bản tính của ý niệm là nằm nguyên như thế: nó ví như những hình chụp, chụp sao còn vậy; chụp lúc trẻ đến nay mình già mà hình vẫn cứ trẻ hoài. 8. Sự bất động cùng với sự bé nhỏ
là hai tai họa gắn liền với ý hệ, cho nên
nói đến ý hệ là nói đến cái
gì hạn hẹp, mà đặc tính là một chiều, trong
triết quen gọi là duy (isme) chỉ thấy có một khía
cạnh. Khía cạnh đó như con tuộc rút tỉa hết năng
lực và khiến trở nên như mù không còn
thể xem thấy cái gì ngoài nữa, vì thế cuối
cùng không khác với bái vật mà
nó chống đối cực lực; nhưng mạnh chống mạnh chấp: nên cả
hai đều bị lừa dối do một thứ siêu hình giả tạo giăng ra
trước mặt như tấm vải đỏ trước con bò đấu, cứ nhằm đấy mà
xông vào để tiêu hao sinh lực rồi sẽ ngã quỵ
vì những mũi đâm của người đấu. Siêu hình của
ý niệm, thu gọn vào sự suy niệm nên người ta quen
gọi là người lý thuyết, thiếu làm ngược lại với
bản tính người là tác hành luôn
luôn phải có làm. VI. CHỈ CÓ THỜI GIAN MỚI LA NỀN MÓNG CHÂN THỰC CỦA SIÊU HÌNH 9. Làm thế nào để thoát tai họa trên ? Thưa trước hết phải thấy được sự hạn hẹp của ý hệ nên cần vượt qua. Sau là làm thế nào tìm ra cho siêu hình một nền tảng thực sự siêu hình siêu giác: mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi mà đồng thời lại có tính cách tác động mạnh mẽ và phổ biến, tác động khắp nơi không bao giờ ngừng nghỉ. Hỏi cái gì đáp ứng được hai điều kiện đó: vừa vô hình nhưng lại tác động. Thưa đó là Chữ Thời. Chỉ có thời gian mới cung ứng đủ điều kiện cho một nền siêu hình xứng hợp con người nhân linh: Một là không ai thấy nó nên thực sự siêu hình nên cũng vô biên. Hai là nó tác động không ngừng nghỉ: cả hai đức tính đó đều hợp với bản tính con người được định nghĩa bằng tác động tính, vô biên tính. Vậy ngoài thời gian thì không cái chi chu toàn được hai đặc tính trên. Không ai thấy mặt mũi thời gian đâu cả, vì nó có mặt đâu để cho mà thấy. Thế nhưng nó tác động không ngừng nghỉ: hết đêm thì ngày, hết trưa rồi tối, không hề có week end. Thế là nó đáp ứng được cả hai điều kiện trên là vừa vô hình vừa tác động. Ngược lại với thời gian là không gian nó vừa hữu hình vừa bất động, thế mà các triết cổ điển đều xây trên không gian nên đi ngược hẳn với các đức tính của con người là tác động và vô biên. Đó là lý do sâu thẳm giải nghĩa sự thất bại của các nền triết lý cổ điển. Có hơn chăng là hơn bái vật nhưng đối với cứu cánh con người thì những nền triết đó còn xa lắc xa lơ. 10. Thực ra xem trong lịch sử sẽ không thấy triết nào nói minh nhiên là đặt nền trên không gian, triết nào cũng nói đến chữ thời, nhưng nhìn toàn bộ xuyên qua những mục căn bản về vũ trụ quan, nhân sinh quan sẽ nhận ra liền nền tảng của chúng là không gian, vì nó thiếu hai đức tính căn bản của thời gian là vô hình (cũng là vô biên) và biến động. Nói bây giờ là vô biên theo nghĩa bao trùm mọi cái bây giờ, nhưng bây giờ lại luôn luôn đi tới như giòng nước chảy, như làn gió được cấu tạo nên do sư biến động. Đem hai đức tính đó áp dụng vào quan niệm về người về vũ trụ mà thấy thiếu thì biết là triết lý không xây trên chữ thời, tất không bao quát được trọn vẹn sự vật mà chỉ là duy nào đó, thì đấy là hai dấu đích thực nó không đặt trên chữ thời mà đặt trên không gian, có nói đến thời gian cũng chỉ là thời gian đã bị không-gian-hóa rồi tức là bất động hóa. Như vậy là không đáp ứng được điều hai là tác hành thì cũng là chứng tỏ đã đặt trên nền tảng bất động nhỏ hẹp, nên triết học tất nhiên là một chiều và hạn cục không thể đi vào đời sống con người vốn có vô biên tính cũng như tác hành tính.
VII. LỊCH SỬ LÀ MỘT DẤU CHỈ SỰ CĂN CỨ TRÊN CHỮ THỜI. 11. Vì hai đức tính nọ là của con người nên thường thường muốn kiểm tra triết có đặt trên chữ thời cùng không thì chỉ cần xem nó có đặt trên con người chăng, vì con người cũng có hai đặc tính như chữ thời là vô biên và tác động. Cụ thể hơn nữa là phải xem con người sống trong lịch sử trải dài ra nhiều ngàn năm đã có những tác động nào, thì biết đấy là tính con người tự nội xuất phát chứ không do thuyết lý ngoại khởi, vì những việc đó có ở kia mà không ở đây, ở xưa mà không nay, rõ ràng là mệnh lệnh của triết học lý niệm sẽ không sống lâu được. Thí dụ Karl Marx đưa ra con người kinh tế, mới xem hữu lý quá, ai mà chả phải ăn. Nhưng con người không chỉ có ăn, nó còn bao gồm những khả thể vô biên mà không kể tới thì miếng ăn cũng bị hỏng luôn. Vì ăn chỉ là phần nhỏ, cái vô biên mới là phần lớn là đại thể. Cái đại thể kéo cái tiểu thể. Không kể đến đại thể thì con người đó chỉ là tiểu ngã ròng, con người lý thuyết, xa lìa thực tại. Đó là bởi nó không xây triết trên chữ thời, cụ thể là không quan sát người xuyên qua lịch sử mà chỉ dùng thời gian đã được không gian hóa tức chia ra bé nhỏ chặt ra dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Đó chẳng qua chỉ là tự lừa đảo mình để hợp thức hóa tình trạng vong thân của con người, mà hễ vong thân là không đạt hạnh phúc, là đau khổ, vì không được sống cho con người ở đây và bây giờ trong xương trong thịt, nhưng phải cắm đầu chạy theo một cái tương lai chẳng bao giờ đến. 12. Đó là hậu quả của không gian vừa bé nhỏ vừa bất động. Đó cũng là hậu quả của những quan niệm bé nhỏ về con người, thí dụ người là con vật biết suy lý, là con vật chính trị, là con vật tôn giáo, là con vật lao động... Ngược lại siêu hình đặt trên thời gian thì tất chở theo những quan niệm mênh mông về con người: người là cái đức của trời của đất chung đúc lại mà làm ra. Theo đó thì trời là thời gian ta quen nói thời trời. Còn đất là không gian bé nhỏ có bờ cõi quen chỉ thị bằng những gì có góc cạnh như hình vuông. Như vậy quan niệm đó bao gồm cả những gì mênh mông như vũ trụ, đồng thời những gì bé nhỏ nhưng được gói ghém trong bầu khí biến động. Diễn ra cụ thể là con người đi trong lịch sử gắn liền với một thời điểm và không điểm nhất định, mà không là con người to vo cô độc trong quan niệm trừu tượng. Cho nên muốn biết thực sự về con người cần theo dõi con người trong những động ứng hợp hoàn cảnh và thường để dấu vết lại trong từ, tượng, số, chế. Xét về phương diện này thì khoa tử vi có thể đúng trên nguyên tắc tối cao, vì nó muốn căn cứ trên thời điểm xuất hiện của con người. Tuy nhiên trong thực tế thì quá diệu vợi vì trong một giờ có 60 phút, một phút có 60 giây với bao nhiêu không điểm dị biệt, nên việc xác định trở thành diệu vợi.
VIII. BẢO CHỨNG NỮA LÀ TRỌNG KINH NGHIỆM. 13. Một dấu hiệu khác tỏ ra siêu hình đặt trên chữ thời là quen đề cao kinh nghiệm coi trọng tuổi già (nơi tích lũy kinh nghiệm) thay vì học "siêu hình" thì bắt học lịch sử, Việt Nho bắt học cả Thi, Thư, Lễ, Nhạc coi đó là sự tích lũy của Minh triết. Đó cũng là đi theo chữ thời cách cụ thể vậy. Lý tưởng của siêu hình đặt trên chữ thời là lối sống trọn vẹn có thể gọi là hiện tại miên trường: hiện diện ở đây và bây giờ, tức vừa cụ thể (ở đây) nhưng lại bao trùm trường cửu (bây giờ). Đấy là một cử chỉ gọi được là an vi vì nó không bó kết vào mục tiêu nhỏ hẹp, nhưng tuân theo cái mẫu mực lớn lao mà Việt Nho gọi là Hồng Phạm. Một cử động mang tính chất An Vi là khi cố hiện thực cái Hồng Phạm cái mẫu mực cao cả bao gồm cả vô biên lẫn hữu hạn, nói bóng là cả tròn lẫn vuông. Hữu hạn hay vuông là những tác động cụ thể những công ăn việc làm. Còn vô biên chỉ bằng vòng tròn là lòng lâng lâng không bị bó chặt vào mục tiêu bé nhỏ. Đấy gọi là vuông được bao bọc bởi tròn. Việc bé nhỏ được bao trùm bằng ánh hào quang vô biên của mục tiêu lớn rộng là thành Nhân. Đó gọi là An Vi và đó là việc người hơn hết, việc biểu hiện tính chất con người thành bởi đức trời đức đất. Đức đất là những công việc ăn làm, những hành vi ngôn ngữ cụ thể nhỏ bé, nhưng được bao bọc bởi đức trời bao la là tâm hồn phóng khoáng không bị tù túng trong giới mốc của cưỡng hành với lợi hành. 14. Tuy lợi hành, cả cưỡng hành nữa, không thể bỏ hết, nhưng nếu nó nằm dưới quyền của an hành thì đời sống sẽ bước vào lối phong lưu của hiện tại miên trường tức con người vươn ra khỏi những ràng buộc bé nhỏ để tung bay trong khoảng bao la, để hòa đồng với trời, nói bóng là phong lưu (phong là gió thổi không ngừng, còn lưu là như dòng nước chảy miết) . Theo tỉ lệ lý tưởng thì phần phong lưu này (hiểu theo nguyên nghĩa vừa nói xong) phải chiếm ba phần theo câu "ba trời hai đất". Trong hiện tình con người gồm chín đất chưa chắc đã được một trời: nghĩa là bao nhiêu sinh lực, âu lo, lận đận phải để dồn hết vào việc tìm miếng ăn. Theo triết lý An-Vi thì đất chỉ được chiếm hai phần còn phải dành ba cho trời: bánh giầy (giời) phải ở trên bánh chưng; nhưng thực tế chỉ còn có bánh chưng nghĩa là duy vật... Muốn phản lại có người định vất cái bánh chưng đi như kiểu vô vi Ấn Độ: nhưng không xong, phải có bánh chưng là nền: có thực mới vực được đạo (miễn khi có thực rồi không được quên đạo) cho nên phải chấp nhận hiện tại (tức hoàn cảnh ở đây và bây giờ) IX. HIỆN TẠI MIÊN TRƯỜNG. Miên trường cũng bị chối bỏ, vì miên trường đòi phải có mẫu mực lâu dài bền bỉ mới làm nên cái miên trường. Và đó là văn hóa. Lão Trang không chấp nhận những mẫu mực để đề cao những sự tự nhiên đột khởi theo ngẫu hứng, chối bỏ học thuật, "tuyệt học vô ưu". Chối bỏ văn hóa tức là chối bỏ cái miên trường. Vì nói đến văn hóa là nói đến những dạng thức đã được nhiều người noi theo một quãng thời gian dài. Thời gian đó càng dài, số người theo càng đông thì văn hóa càng lớn theo đà. Con người cũng thế, thiếu mẫu mực đã được theo lâu dài thì không là vĩ nhân. Cái làm nên vĩ nhân không là những việc lớn nhất thời, những ý nghĩ thoáng qua, những cảm tình bồng bột, mà phải là sự trường cửu của những cái đó, chính sự trường cửu của hành động theo một mẫu mực kèm theo những cảm tình cao cả mới làm nên vĩ nhân chân thực. Đó cũng chính là đường đi lên cõi đại ngã. 16. Tuy nhiên có mối nguy hiểm trong sự
"miên trường" đó là sự bóp chết cái
luồng hứng khởi, những đợt sáng tạo ngẫu hứng tự nhiên,
đó là những luồng sóng vọt ra tự cõi
vô biên, tự trùng dương của muôn khả thể. Thế
mà chính những cái hé nhìn, những
cái đột khởi nọ là những đạo quân tiên phong
trên con đường tiến hóa của con người, nếu ta tự ví
mình với người đi bắt cá trên sông thì
những ngẫu hứng, những trực thị là những đàn cá:
từ bỏ những đột sáng, hứng cảm là từ bỏ không bắt
cá. Đó là tội những người câu nệ, cố chấp
bám chặt vào luật tắc. Nhưng nếu không có
những dạng thức làm như giỏ để đựng cá thì lại như
lo bắt cá mà không lo giữ cá. Cho nên
chỉ đáng tên là hiện tại miên trường khi thể
hiện được cả hai: Làm sao vừa giữ được phương thức mẫu mực (khoa
học nghệ thuật ở đó) vừa đón nhận được những luồng
sáng tạo mới. Đó là bài toán rất
ít người giải đáp được. Triết lý An Vi đã
đưa ra giải quyết tiên thiên lý thuyết với ba
nguyên lý chỉ thị bằng các số 2-3-5 và
phó sản là số 9 tạm được quảng diễn như sau: XI. TÓM LƯỢC I. CẦN ĐẠT
SIÊU HÌNH MỚI RA NGƯỜI ĐẠI
NGÃ. 1. Chương trên đã định luận rằng cứu cánh cuộc đời này là truy tầm hạnh phúc: hạnh phúc cho mình và cho hết thảy mọi người. Nhưng con người không thể đạt hạnh phúc nếu nó không hiện thực đươc bản tính của nó, mà bản tính con người thì bao la vô biên như vũ trụ. Cho nên cứu cánh con người phải là phối hợp với vô biên. Sự phối hợp này tất nhiên là việc của con người theo định nghĩa người là tác năng, tức phải làm ra tất cả. Trong sự làm đó việc nhận thức dẫn đầu, cùng cực của nhận thức là khoa siêu hình, siêu hình là khoa nền tảng cho triết, mà triết là bậc cao hơn cả trong sự hiểu biết. Vậy cần nền tảng siêu hình phải hợp với bản tính con người là tác năng và vô biên. Nói khác siêu hình chỉ là trung thực khi giúp cho con người tự hiện thực lấy cái chiều kích vô biên nọ. Đó là điều kiện tiên quyết và bất khả vô. Vì con người bao giờ cũng hoạt động theo hướng dẫn của tâm thức. 2. Vì thế siêu hình học không những cần mà còn thiết yếu hơn cả mọi khoa đầu là nhân văn hay khoa học. Những khoa học này thuộc ngành ngọn, có thì tốt, còn không cũng chỉ là sự đáng tiếc nhỏ. Chứng cớ là chúng chỉ xuất hiện muộn về sau, chí như siêu hình thì xuất hiện một trật với con người, tuy trong trạng thái tiềm mặc, nhưng đã có ngay tự đầu và bao giờ cũng tỏ ra rất nền tảng: hễ sai một li thì đi một dặm nghĩa là sẽ kéo theo vô số tai họa. Vì thế phải làm thế nào tìm cho ra một nền siêu hình đã không gây trở ngại mà còn hỗ trợ con người hiện thực bản tính nó. Bản tính con người gồm hai đặc tính là hành tác tính và vô biên tính; vậy nền tảng của siêu hình cũng phải là cái gì thực sự vô hình, phải vượt qua không những hình mà luôn cả tượng cả thanh cả xú, có vượt qua được bốn đợt hình danh sắc tướng đó mới thực là vô biên. Có vô biên mới đạt Đại Ngã, có đạt Đại Ngã mới đạt Hạnh phúc. Hạnh phúc viết hoa. Hạnh phúc cùng tột cũng là cứu cánh con người.
II. NHƯ VẬY TA THẤY SIÊU HÌNH THẬT VỪA PHẢI LÀ VÔ HÌNH MÀ ĐỒNG THỜI VẪN TÁC ĐỘNG Xem trong lịch sử loài người thấy đó là điều diệu vợi. Vì các triết đã đưa ra những nền siêu hình giả dối, tức hãy còn hình nào đó mà ta có thể gọi là siêu hình nhưng hữu tượng tức có hình nhưng là hình vắng mặt, được đại diện bằng tượng tức còn hình trong lý trí và quen gọi là tượng ý (idea). Không kể chi duy vật là phái đã tuyên ngôn long trọng điều đó. Hãy nói ngay đến những người muốn tiến lên siêu hình chân thực, nhưng rốt cuộc cũng chỉ đưa ra được một thứ vô hình hữu tượng nên dính đét lại đợt tiểu ngã mà không sao vươn lên được bậc Đại Ngã vô biên. Căn do của sự thất bại đó có rất nhiều nhưng để dễ dàng suy luận ta nên qui tụ chúng vào hai mối chính: đó là bái vật và ý hệ, cả hai đều là những siêu hình giả tạo tức siêu hình mà còn hữu hình đặc sệt, không vượt khỏi vòng tay của tai mắt. III. BÁI VẬT THÌ SIÊU HÌNH CÒN ĐỂ HÌNH NGUYÊN CON. 4. Đó là các thứ dị đoan tin tưởng đặt vào những quỉ thần, mồ mả, ngày tháng... Nói theo triết, bái vật đã hữu hình hóa cõi vô hình: bao nhiêu ý niệm về thiên địa Đại Ngã đều được gán cho hình ảnh như người hoặc vật , nên triết quen gọi việc đó là nhân-hình-hóa thần linh. Điều đó cần cho bước đầu để con người vươn ra khỏi thế giới của tiểu ngã gọi là trần giới hoặc thế giới của giác quan. Tất cả đều bé nhỏ cục hạn nên con người cần phải vượt thoát. Nhưng không thể vượt thoát cái một nên phải chia ra nhiều đợt. Việt Nho chia ra bốn bậc là hình, tượng, thanh, xú: càng lên càng tế vi, trước hết muốn siêu lên khỏi hình ta chỉ cần trừu tượng là được: thay vì cái ghế, cái bàn, ta chỉ cần tưởng tượng ra cái ghế, cái bàn thế là đã siêu hình; nhưng đó mới là siêu hình đợt một, chưa đạt đợt hai là siêu tượng. Vì ý niệm cái bàn là tượng ý (phantasma) chưa vượt qua được con mắt lý trí. Thế mà có vượt qua tượng ý nữa mới lên được đợt ba là vô thanh là vào tai rồi sau cùng đến vô xú là súc cảm. Vô xú còn tế vi hơn vô thanh. 5. Vậy cần đi tự dưới lên, tự hình qua tượng đến thanh rồi xú. Các bước dưới đó cần thiết để cho con tuộc trục lợi được yếu dần đi, trở nên thanh nhẹ thêm, thí dụ bảo hy sinh tiền của để xây đền điện thì không còn thể cầu cái lợi hữu hình nhưng vẫn còn thể cầu cái danh, hoặc công nghiệp vô hình nào đó, như được thoát âm ti, chuộc lại lỗi lầm... Tuy chưa cao lắm nhưng có lợi ở chỗ giúp nhổ con người ra khỏi cái lợi vật chất đặc sệt, nhưng chưa là tận cùng. Vì còn có thể tiến lên đợt an vi không còn cầu lợi hoặc tiếng tăm, hay để thoát hình phạt. Tuy tế vi hơn nhưng còn là lợi nên bám víu vào bái vật là ngừng đọng ở đợt hiện tượng đã được tế vi hóa. Chính vì tế vi nên nó có sức trì níu mạnh hơn: ở chỗ người hành đạo không thấy, không chú ý đến nó, nên ví nó được với loại siêu vi trùng rất khó gỡ, vì thế duy vật là bệnh phổ quát hơn người ta tưởng.
IV. VÔ VI ĐÁNH MẤT TÁC ĐỘNG TÍNH. 6. Để thoát khỏi nguy cơ duy vật thì nhiều đạo pháp đã đề nghị giải pháp chối bỏ cõi hữu hình: cho tất cả là "tuồng ảo hóa bày ra" chứ thực sự thế giới chỉ là huyễn tướng, là bào ảnh, là maya đừng để tâm bận đến thì sẽ giải thoát được . Chưa biết có thực là tuồng ảo hóa chăng, chỉ biết chủ trương đó đã dẫn tới chỗ vô vi theo nghĩa đối chọi với hữu vi tức là không làm, trái ngược hẳn với bản tính con người là làm, là tác, là vi. Vậy là lối thoát này hỏng: nó chỉ có quyến dũ vì chống với cái hữu vi đặc sệt, chống lại sự bám trọn vẹn vào cõi hữu hình, cõi duy vật của triết học duy niệm mà tôi quen gọi là ý hệ, cùng lắm thì nó chỉ tạm dùng được cho những người xuất thế không phải lo ăn lo mặc, lo đến những mối nhân luân mà thôi, nhưng đó là ngoại lệ không thể đưa ra làm thông lệ, cho nên ta phải tìm về phía có vi, trong đó có hữu vi thuộc ý hệ.
V. Ý HỆ CHƯA VƯỢT TƯỢNG Ý. 7. Ý hệ là bước siêu vượt đầu tiên thoát ra khỏi vật thể hữu hình, thường bị ràng buộc trong bái vật: lo sợ âm phủ, cầu mong cõi tiên... Ở đây không còn lo sợ âm phủ, hay cầu mong được thưởng cái chi nữa, mà chỉ căn cứ trên ý niệm sự vật một cách khách quan. Đây là một bước tiến cần thiết đầu tiên trên con đường giải thoát, trước hết là vượt khỏi nanh vuốt các thần tượng, thường giam con người trong cõi cưỡng hành. Nhưng trì diên lại ở đợt ý hệ hay tượng ý thì lại vẫn còn là duy vật chỉ khác nhẹ hơn. Vì tượng ý là hình ảnh sự vật nên bám vào nó là bám vào sự vật. Dấu hiệu bám vào là ý hệ, đó chính là hệ thống các ý niệm, nó có hại vì rất hẹp hòi độc hữu đến độ chối bỏ cõi linh thiêng, chối bỏ những gì giác quan không thấy, hay tệ hơn là dùng ý niệm đóng khung cõi vô biên. Như vậy là đánh mất trọn vẹn bao quát tính của con người tức là nằm lì lại cõi tiểu ngã bé nhỏ Đã vậy không còn thể tiến, vì tự trong nền tảng nó thiếu tính chất năng động: bản tính của ý niệm là nằm nguyên như thế: nó ví như những hình chụp, chụp sao còn vậy; chụp lúc trẻ đến nay mình già mà hình vẫn cứ trẻ hoài. 8. Sự bất động cùng với sự bé nhỏ
là hai tai họa gắn liền với ý hệ, cho nên
nói đến ý hệ là nói đến cái
gì hạn hẹp, mà đặc tính là một chiều, trong
triết quen gọi là duy (isme) chỉ thấy có một khía
cạnh. Khía cạnh đó như con tuộc rút tỉa hết năng
lực và khiến trở nên như mù không còn
thể xem thấy cái gì ngoài nữa, vì thế cuối
cùng không khác với bái vật mà
nó chống đối cực lực; nhưng mạnh chống mạnh chấp: nên cả
hai đều bị lừa dối do một thứ siêu hình giả tạo giăng ra
trước mặt như tấm vải đỏ trước con bò đấu, cứ nhằm đấy mà
xông vào để tiêu hao sinh lực rồi sẽ ngã quỵ
vì những mũi đâm của người đấu. Siêu hình của
ý niệm, thu gọn vào sự suy niệm nên người ta quen
gọi là người lý thuyết, thiếu làm ngược lại với
bản tính người là tác hành luôn
luôn phải có làm. VI. CHỈ CÓ THỜI GIAN MỚI LA NỀN MÓNG CHÂN THỰC CỦA SIÊU HÌNH 9. Làm thế nào để thoát tai họa trên ? Thưa trước hết phải thấy được sự hạn hẹp của ý hệ nên cần vượt qua. Sau là làm thế nào tìm ra cho siêu hình một nền tảng thực sự siêu hình siêu giác: mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi mà đồng thời lại có tính cách tác động mạnh mẽ và phổ biến, tác động khắp nơi không bao giờ ngừng nghỉ. Hỏi cái gì đáp ứng được hai điều kiện đó: vừa vô hình nhưng lại tác động. Thưa đó là Chữ Thời. Chỉ có thời gian mới cung ứng đủ điều kiện cho một nền siêu hình xứng hợp con người nhân linh: Một là không ai thấy nó nên thực sự siêu hình nên cũng vô biên. Hai là nó tác động không ngừng nghỉ: cả hai đức tính đó đều hợp với bản tính con người được định nghĩa bằng tác động tính, vô biên tính. Vậy ngoài thời gian thì không cái chi chu toàn được hai đặc tính trên. Không ai thấy mặt mũi thời gian đâu cả, vì nó có mặt đâu để cho mà thấy. Thế nhưng nó tác động không ngừng nghỉ: hết đêm thì ngày, hết trưa rồi tối, không hề có week end. Thế là nó đáp ứng được cả hai điều kiện trên là vừa vô hình vừa tác động. Ngược lại với thời gian là không gian nó vừa hữu hình vừa bất động, thế mà các triết cổ điển đều xây trên không gian nên đi ngược hẳn với các đức tính của con người là tác động và vô biên. Đó là lý do sâu thẳm giải nghĩa sự thất bại của các nền triết lý cổ điển. Có hơn chăng là hơn bái vật nhưng đối với cứu cánh con người thì những nền triết đó còn xa lắc xa lơ. 10. Thực ra xem trong lịch sử sẽ không thấy triết nào nói minh nhiên là đặt nền trên không gian, triết nào cũng nói đến chữ thời, nhưng nhìn toàn bộ xuyên qua những mục căn bản về vũ trụ quan, nhân sinh quan sẽ nhận ra liền nền tảng của chúng là không gian, vì nó thiếu hai đức tính căn bản của thời gian là vô hình (cũng là vô biên) và biến động. Nói bây giờ là vô biên theo nghĩa bao trùm mọi cái bây giờ, nhưng bây giờ lại luôn luôn đi tới như giòng nước chảy, như làn gió được cấu tạo nên do sư biến động. Đem hai đức tính đó áp dụng vào quan niệm về người về vũ trụ mà thấy thiếu thì biết là triết lý không xây trên chữ thời, tất không bao quát được trọn vẹn sự vật mà chỉ là duy nào đó, thì đấy là hai dấu đích thực nó không đặt trên chữ thời mà đặt trên không gian, có nói đến thời gian cũng chỉ là thời gian đã bị không-gian-hóa rồi tức là bất động hóa. Như vậy là không đáp ứng được điều hai là tác hành thì cũng là chứng tỏ đã đặt trên nền tảng bất động nhỏ hẹp, nên triết học tất nhiên là một chiều và hạn cục không thể đi vào đời sống con người vốn có vô biên tính cũng như tác hành tính.
VII. LỊCH SỬ
LÀ MỘT DẤU CHỈ SỰ CĂN CỨ
TRÊN CHỮ THỜI. 11. Vì hai đức tính nọ là của con người nên thường thường muốn kiểm tra triết có đặt trên chữ thời cùng không thì chỉ cần xem nó có đặt trên con người chăng, vì con người cũng có hai đặc tính như chữ thời là vô biên và tác động. Cụ thể hơn nữa là phải xem con người sống trong lịch sử trải dài ra nhiều ngàn năm đã có những tác động nào, thì biết đấy là tính con người tự nội xuất phát chứ không do thuyết lý ngoại khởi, vì những việc đó có ở kia mà không ở đây, ở xưa mà không nay, rõ ràng là mệnh lệnh của triết học lý niệm sẽ không sống lâu được. Thí dụ Karl Marx đưa ra con người kinh tế, mới xem hữu lý quá, ai mà chả phải ăn. Nhưng con người không chỉ có ăn, nó còn bao gồm những khả thể vô biên mà không kể tới thì miếng ăn cũng bị hỏng luôn. Vì ăn chỉ là phần nhỏ, cái vô biên mới là phần lớn là đại thể. Cái đại thể kéo cái tiểu thể. Không kể đến đại thể thì con người đó chỉ là tiểu ngã ròng, con người lý thuyết, xa lìa thực tại. Đó là bởi nó không xây triết trên chữ thời, cụ thể là không quan sát người xuyên qua lịch sử mà chỉ dùng thời gian đã được không gian hóa tức chia ra bé nhỏ chặt ra dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Đó chẳng qua chỉ là tự lừa đảo mình để hợp thức hóa tình trạng vong thân của con người, mà hễ vong thân là không đạt hạnh phúc, là đau khổ, vì không được sống cho con người ở đây và bây giờ trong xương trong thịt, nhưng phải cắm đầu chạy theo một cái tương lai chẳng bao giờ đến. 12. Đó là hậu quả của không gian vừa bé nhỏ vừa bất động. Đó cũng là hậu quả của những quan niệm bé nhỏ về con người, thí dụ người là con vật biết suy lý, là con vật chính trị, là con vật tôn giáo, là con vật lao động... Ngược lại siêu hình đặt trên thời gian thì tất chở theo những quan niệm mênh mông về con người: người là cái đức của trời của đất chung đúc lại mà làm ra. Theo đó thì trời là thời gian ta quen nói thời trời. Còn đất là không gian bé nhỏ có bờ cõi quen chỉ thị bằng những gì có góc cạnh như hình vuông. Như vậy quan niệm đó bao gồm cả những gì mênh mông như vũ trụ, đồng thời những gì bé nhỏ nhưng được gói ghém trong bầu khí biến động. Diễn ra cụ thể là con người đi trong lịch sử gắn liền với một thời điểm và không điểm nhất định, mà không là con người to vo cô độc trong quan niệm trừu tượng. Cho nên muốn biết thực sự về con người cần theo dõi con người trong những động ứng hợp hoàn cảnh và thường để dấu vết lại trong từ, tượng, số, chế. Xét về phương diện này thì khoa tử vi có thể đúng trên nguyên tắc tối cao, vì nó muốn căn cứ trên thời điểm xuất hiện của con người. Tuy nhiên trong thực tế thì quá diệu vợi vì trong một giờ có 60 phút, một phút có 60 giây với bao nhiêu không điểm dị biệt, nên việc xác định trở thành diệu vợi.
VIII. BẢO CHỨNG NỮA LÀ TRỌNG KINH NGHIỆM. 13. Một dấu hiệu khác tỏ ra siêu hình đặt trên chữ thời là quen đề cao kinh nghiệm coi trọng tuổi già (nơi tích lũy kinh nghiệm) thay vì học "siêu hình" thì bắt học lịch sử, Việt Nho bắt học cả Thi, Thư, Lễ, Nhạc coi đó là sự tích lũy của Minh triết. Đó cũng là đi theo chữ thời cách cụ thể vậy. Lý tưởng của siêu hình đặt trên chữ thời là lối sống trọn vẹn có thể gọi là hiện tại miên trường: hiện diện ở đây và bây giờ, tức vừa cụ thể (ở đây) nhưng lại bao trùm trường cửu (bây giờ). Đấy là một cử chỉ gọi được là an vi vì nó không bó kết vào mục tiêu nhỏ hẹp, nhưng tuân theo cái mẫu mực lớn lao mà Việt Nho gọi là Hồng Phạm. Một cử động mang tính chất An Vi là khi cố hiện thực cái Hồng Phạm cái mẫu mực cao cả bao gồm cả vô biên lẫn hữu hạn, nói bóng là cả tròn lẫn vuông. Hữu hạn hay vuông là những tác động cụ thể những công ăn việc làm. Còn vô biên chỉ bằng vòng tròn là lòng lâng lâng không bị bó chặt vào mục tiêu bé nhỏ. Đấy gọi là vuông được bao bọc bởi tròn. Việc bé nhỏ được bao trùm bằng ánh hào quang vô biên của mục tiêu lớn rộng là thành Nhân. Đó gọi là An Vi và đó là việc người hơn hết, việc biểu hiện tính chất con người thành bởi đức trời đức đất. Đức đất là những công việc ăn làm, những hành vi ngôn ngữ cụ thể nhỏ bé, nhưng được bao bọc bởi đức trời bao la là tâm hồn phóng khoáng không bị tù túng trong giới mốc của cưỡng hành với lợi hành. 14. Tuy lợi hành, cả cưỡng hành nữa,
không thể bỏ hết, nhưng nếu nó nằm dưới quyền của an
hành thì đời sống sẽ bước vào lối phong lưu của
hiện tại miên trường tức con người vươn ra khỏi những ràng
buộc bé nhỏ để tung bay trong khoảng bao la, để hòa đồng
với trời, nói bóng là phong lưu (phong là
gió thổi không ngừng, còn lưu là như
dòng nước chảy miết) . Theo tỉ lệ lý tưởng thì
phần phong lưu này (hiểu theo nguyên nghĩa vừa nói
xong) phải chiếm ba phần theo câu "ba trời hai đất". Trong hiện
tình con người gồm chín đất chưa chắc đã được một
trời: nghĩa là bao nhiêu sinh lực, âu lo, lận đận
phải để dồn hết vào việc tìm miếng ăn. Theo triết
lý An-Vi thì đất chỉ được chiếm hai phần còn phải
dành ba cho trời: bánh giầy (giời) phải ở trên
bánh chưng; nhưng thực tế chỉ còn có bánh
chưng nghĩa là duy vật... Muốn phản lại có người định vất
cái bánh chưng đi như kiểu vô vi Ấn Độ: nhưng
không xong, phải có bánh chưng là nền:
có thực mới vực được đạo (miễn khi có thực rồi
không được quên đạo) cho nên phải chấp nhận hiện tại
(tức hoàn cảnh ở đây và bây giờ) IX. HIỆN TẠI
MIÊN TRƯỜNG. Miên trường cũng bị chối bỏ, vì miên trường đòi phải có mẫu mực lâu dài bền bỉ mới làm nên cái miên trường. Và đó là văn hóa. Lão Trang không chấp nhận những mẫu mực để đề cao những sự tự nhiên đột khởi theo ngẫu hứng, chối bỏ học thuật, "tuyệt học vô ưu". Chối bỏ văn hóa tức là chối bỏ cái miên trường. Vì nói đến văn hóa là nói đến những dạng thức đã được nhiều người noi theo một quãng thời gian dài. Thời gian đó càng dài, số người theo càng đông thì văn hóa càng lớn theo đà. Con người cũng thế, thiếu mẫu mực đã được theo lâu dài thì không là vĩ nhân. Cái làm nên vĩ nhân không là những việc lớn nhất thời, những ý nghĩ thoáng qua, những cảm tình bồng bột, mà phải là sự trường cửu của những cái đó, chính sự trường cửu của hành động theo một mẫu mực kèm theo những cảm tình cao cả mới làm nên vĩ nhân chân thực. Đó cũng chính là đường đi lên cõi đại ngã. 16. Tuy nhiên có mối nguy hiểm trong sự
"miên trường" đó là sự bóp chết cái
luồng hứng khởi, những đợt sáng tạo ngẫu hứng tự nhiên,
đó là những luồng sóng vọt ra tự cõi
vô biên, tự trùng dương của muôn khả thể. Thế
mà chính những cái hé nhìn, những
cái đột khởi nọ là những đạo quân tiên phong
trên con đường tiến hóa của con người, nếu ta tự ví
mình với người đi bắt cá trên sông thì
những ngẫu hứng, những trực thị là những đàn cá:
từ bỏ những đột sáng, hứng cảm là từ bỏ không bắt
cá. Đó là tội những người câu nệ, cố chấp
bám chặt vào luật tắc. Nhưng nếu không có
những dạng thức làm như giỏ để đựng cá thì lại như
lo bắt cá mà không lo giữ cá. Cho nên
chỉ đáng tên là hiện tại miên trường khi thể
hiện được cả hai: Làm sao vừa giữ được phương thức mẫu mực (khoa
học nghệ thuật ở đó) vừa đón nhận được những luồng
sáng tạo mới. Đó là bài toán rất
ít người giải đáp được. Triết lý An Vi đã
đưa ra giải quyết tiên thiên lý thuyết với ba
nguyên lý chỉ thị bằng các số 2-3-5 và
phó sản là số 9 tạm được quảng diễn như sau: 22. Do đấy mà đem hình Việt Tỉnh tức hình ngũ hành nguyên thủy là kép lên thành Hồng Phạm cửu tru : Hồng Phạm là cái _g_ư_ơ_n_g_ _m_a__u_ _c_a_o_ _c_a__ _r_o__n_g_ _l_ơ__n_ _v_o__ _b_i_e__n_ _đ_ư_ơ__c_ _t_ư_ơ__n_g_ _t_r_ư_n_g_ _b_a__n_g_ _t_r_u__ _ơ__ _g_i_ư__a_._ _M_o__i_ _o__ _v_u_o__n_g_ _l_a__ _m_o__t_ _t_r_u__,_ _c_h_í_n_h_ _c_h_ư__ _t_r_u__ _l_a__ _b_ơ__ _c_o__i_._ _T_r_u__ _t_r_u_n_g_ _ư_ơ_n_g_ _g_o__i_ _l_a__ _v_o__ _b_i_e__n_ _v_ì_ _q_u_a__ _t_h_ư__c_ _n_o__ _k_h_o__n_g_ _c_o__ _b_ơ__ _c_o__i_._ _N_e__u_ _t_a_ _l_a__y_ _8_ _t_r_u__ _(_qð)_ _r_ơ__i_ _r_a_ _k_h_o__i_ _H_o__ng Phạm thì trù (ô) giữa biến mất. Vì thế cái "trù" giữa gọi là vô hình, vô biên, vô cùng tận. Chính sự vô biên đó mới làm trọn vẹn con người, mới đem lại cho con người hạnh phúc chân thực gọi là Việt Tỉnh tức ví như cái giếng thiêng luôn chảy nước ra linh nhuận mọi việc. Việc nào làm theo hướng đó thì sẽ trường tồn, sẽ tạo niềm an lạc, gây hạnh phúc, nên gọi là nước cam tuyền (tuyền là giếng gợi ý do chữ giếng ẩn trong khung hồng phạm). Do đấy trong huyền sử nước Việt mới có truyện Việt Tỉnh Cương tức nói đến đạo lý, cái mẫu mực đem lại an vui, hạnh phúc. Việt Tỉnh Cương cũng gọi là Cửu Lạc vì nó đem lại cho thân tâm một sự an lạc do sự quân bình nội khởi làm cho tâm hồn trở nên an nhiên tự tại. Theo quan niệm cổ xưa thì bệnh hoạn phát xuất do sự chênh lệch của khí huyết. Lập lại được sự quân bình là khỏi bệnh. Trên cấp siêu hình cũng có một sự bình quân siêu tuyệt gọi là "quân thiên" = heavenly equilibrium, khi nó chỉ huy toàn bộ thân tâm thì sẽ đem lại sức mạnh làm cho sống hết tuổi đời cách đầy đủ an vui như được uống nước cam tuyền tự trong lòng mình luôn luôn trào vọt. Chính bản gốc con người là vô biên tính, những cái làm nên khác biệt của con người không là những cái hữu hình, hữu hạn, trặt trờ ra trước mắt, mà là những cái vô hình, vô tượng, vô thanh, vô xú, những tình cảm bao la, những ý nghĩ quảng đại, những động cơ cao viễn, có đáp ứng được những cái vô hình đó mới là chí thành: tức thành con người trung trực trọn hảo. XI. TÓM LƯỢC 23. Tóm lại ba nguyên lý nền tảng
trên là: IV. ĐƯỜNG LÊN CÁ TÍNH I. HỒN KHÓM 7. Cá thể lấy sự phân biệt, phân
tích làm quan trọng, bắt buộc phải vượt giai đoạn tổng
quan hổ lốn để phân ra từng phần, càng nhỏ càng
tốt. Nhỏ đến cùng cực thì cũng là tiến đến
cùng cực y như khoa học vi thể chứng tỏ điều đó
cách huy hoàng giúp cho đi đến bờ cõi hữu
hình và vô hình gặp nhau. Hữu hình
là neutron vô hình là electron... III. CÁ
NHÂN CHỦ NGHĨA SỰ TIẾN GIẢ TẠO.
12. Tuy nhiên đi
vào chi tiết là bước cần nhưng
chưa là bước chót, còn phải đi nữa. Ở lì
lại đợt phân tích cũng là ngưng đọng. Những
lý lẽ bênh vực sự ở lì lại này được
công thức hóa thành ý hệ mà người ta
thường đề cao là ý thức hệ, là triết lý,
nhưng thực chất nó thiếu cái hồn triết lý
là phổ biến tính, có khả năng thâu thập mọi
dị biệt vào nền thống nhất bao la. Trái lại ý hệ
là ý niệm, mà ý niệm là những
cái tư riêng, có tính cách độc hữu,
khước từ những dị biệt khác: nên bám theo ý
hệ là ở lì lại trong đợt hồn khóm, hay bái
vật là trình độ rất thuận lợi cho chế độ chuyên chế
bao giờ cũng có tính chất san bằng, đồng điệu hóa.
Do vậy chuyên chế là chủ tịch của giai đoạn khóm
thể bái vật dễ dàng bắt tay với một ý hệ
nào đó, cả hai đều đặt nền móng trên
nguyên lý đồng nhất, đánh mất chữ Tương là
chữ nối các dị biệt lại với nhau, chỉ biết A = A, A là A
trọn hết không còn một liên hệ nào với C, D,
không còn một biến chuyển nào tự A sang A'.
13. Điều được hiện thực trọn vẹn ở thế giới ý niệm thì nhà độc tài hiện thực vào xã hội con người, mọi người phải đồng đều y hệt: tự tâm, trí, óc tưởng tượng cho đến cả tiếng cười tiếng khóc, đến cả làm tình cũng phải căn giờ giấc theo lệnh trên, cắt tóc, áo quần, đi đứng cái chi cũng phải đồng đều; y hệt như đống gạch, đống gỗ cùng một kích thước cân đo. Tất cả phải làm nên một đoàn, một lũ, một thứ người đánh đống (mass man), người dưới phố mà ta chỉ xem thấy có bề ngoài không cần biết đến những cảm nghĩ tâm tình bên trong. Đó là sự ghì bó con người lại đợt thú vật không cho thoát lên đợt trên là nhân cách, mà nhân cách cũng là tư riêng, tư cách. Vì thế những công thể cỡ nhỏ giúp duy trì cá tính như gia đình, đoàn hội tư riêng đều bị chối bỏ hay ít ra coi thường. Khi cá-thể-hóa cùng cực không nghĩ đến thống nhất thì con người không còn những ràng buộc, những thể chế nhỏ như gia đình, làng xã, những hội đoàn, mà chỉ là những cá nhân trơ trọi cô độc dễ trở nên mồi cho việc đoàn lũ hóa được chính quyền trung ương điều động. Đoàn lũ hóa là một lối thống nhất giả tạo. Thống nhất chân thực vẫn để cá thể giữ tư cách riêng, thống nhất giả tạo thì xóa bỏ tư cách; đó không là thống nhất mà là đồng nhất. 14. Đây là lý do sâu xa tại sao chuyên chế coi thường gia đình, quốc gia, tôn giáo, chỉ chú ý đến nhân loại, hay quốc tế. Nhưng đó là những danh xưng hổ lốn vắng bóng mọi dị biệt nên rất trừu tượng, trống rỗng, rất thuận lợi để gói ghém ý đồ chuyên chế nhằm đồng nhất hóa con người. Vì thế một đàng thì chủ nghĩa duy vật đả phá cùng cực cá nhân chủ nghĩa nhưng đằng khác lại đặt nền trên vật chất (trên kinh tế) tức cũng cùng một nền móng như cá nhân chủ nghĩa, nên thực sự chỉ là thêm nanh vuốt cho óc chuyên chế ghì sâu con người lại trong đợt khóm thể: cũng vâng theo cùng một nguyên lý đồng nhất, tức nguyên lý áp dụng cho cả sự vật lẫn cho người. Nó dễ dàng sản ra từng loạt người đồng đều không phẩm tính, không nhân cách, nó chống hẳn lại những con người trổi vượt, lấy tư cách làm tôn chỉ, thường biểu lộ bằng sáng tạo, sáng kiến, vì sáng kiến bao giờ cũng do cá nhân. Làm nên con người đồng loạt là đường lối vật hóa con người, càng đồng loạt càng giống sự vật. Câu nói điển hình nhất do Mặc Tử là Thượng Đồng: trên bảo sao dưới nghe vậy, tin vậy. Trên bảo phải, mọi người dưới đều cho là phải, bảo trái mọi người phải cho là trái. Đó là cắt hoạn con người mất khả năng đặc trưng con người là óc tự phân biệt phải trái. Người ta tạm giữ khẩu hiệu đó cho nhà binh, vì đấy là phạm vi võ lực lấy cưỡng hành làm tôn chỉ, cần tạm theo như trong thời hồng hoang lúc chưa vươn lên đến đợt nhân linh ư vạn vật là cá tính, là tinh thần, không cần đến võ lực nữa.
IV. CÁ
TÍNH.
15. Muốn lên đợt này con đường phải đi là hiện thực cá tính mà tôn chỉ mới thoạt xem cũng giống như cá thể nhưng xét kỹ sẽ thấy nó rất khác. Trước hết nó tiếp nối giai đoạn cá thể, nên cũng đề cao ba chữ thận kỳ độc. Câu này có hai nghĩa: * Một là cần chú ý thận trọng ngay lúc không ai thấy mình. Đây chỉ là nghĩa vòng ngoài đã bị Hán Nho kéo hẳn về phía luân lý khắc nghị. 16. * Nghĩa thứ hai mới căn để đó là chú ý đến cái độc nhất vô nhị nơi mình, ban riêng cho mình, mình có bổn phận phát triển đến cùng cực , coi đó như sứ mệnh. Để hiện thực sứ mệnh đó thì cần thận độc: cần chú ý kéo dài để đào sâu vào tâm hồn, nghe ngóng những ao ước thầm kín, những khuynh hướng bền bỉ nơi mình hầu tìm ra được cái hướng đi riêng biệt mà trời đã ủy thác cho một mình mình mà thôi, không ai có thể thay thế được: nó là cái chi tư nội, mới mẻ, tự nhiên theo nghĩa gốc là không do ước lệ hay cái chi sai khiến điều động, mà đột khởi, độc sáng ngược hẳn với cái gì của đoàn lũ do ngoại khởi ấn vào: nó bó buộc, nó kìm hãm tự ngoài. Đấy là lý do tại sao các vĩ nhân, những nhà sáng tạo bao giờ cũng coi thường những ước lệ, những công thức, thường xa lánh lũ đông và do thế nhiều khi những thiên tài bị coi như là lân bang với những kẻ khùng điên lập dị. Những người như Lưu Linh trong Nhóm Trúc Lâm Thất Hiền: ngày Tết treo quần xà loỏng lên thay cờ: là muốn nói lên cái lòng khinh bỉ những ước định xã hội, những công lệ, luân lý, giới truyền v.v... là cốt nhấn mạnh đến khía cạnh tư riêng, đột khởi, tự nhiên ... đúng theo chủ trương của Trang Lão: muốn thận kỳ độc trọn vẹn nên đề cao tị thế (tránh đời). Tị thế là một hình thái cùng cực của thận kỳ độc nó sai vì quên luật chí trung hòa là có vào cùng cực thì mới ra cùng cực được, ra cùng cực là dấu hiệu đã vào cùng cực. 17. Cho nên thận kỳ độc kiểu tị thế la thái quá, mà thái quá đầu này lại gặp thái quá đầu kia: nên tránh hùm phải hạm. Muốn tránh chuyên chế cuối cùng bắt tay chuyên chế lúc nào không hay. Đó là luật tâm lý rất tế vi, ít người tránh được. Muốn tránh đoàn lũ đồng đều lại bật sang thái quá đối ngược là lập dị. Đó gọi là luật "mạnh chống mạnh chấp" và rất khó nhìn ra, nên có những trí khôn đặc biệt như Lão Trang cũng vô tình để lại trong lịch sử văn hóa Trung Hoa một sự mỉa mai đồ sộ với hai chữ Hoàng Lão. Hoàng đây là Hoàng Đế tổ sư du mục chuyên chế khác xa Lão Trang đề cao thiên nhiên đột khởi tự do cùng tột. Thật là ở hai cực trái ngược. Kết quả là Lão ngã vào tay Hoàng Đế tổ sư của chuyên chế pháp gia, diễn lại cái trò thường tình của con người mạnh chống mạnh chấp, đâu đâu cũng xảy ra. Tây phương có câu phương ngôn "Abysus abysum invocat", hố thẳm bên này gọi đến hố thẳm bên kia, hai bờ thái cực trở nên liền ngõ: les extrémités se touchent. Muốn thoát tay Hoạn Thư hồn khóm lại bị Sở Khanh Ý Hệ đưa trở lại với quỷ đồng nhất. J. J. Rousseau đề cao thiên nhiên đột khởi thong dong cùng cực, nhưng đã đưa đến mệnh lệnh tuyệt đối của Kant được coi là đồ đệ của Rousseau. 18. Đó là hệ quả của luật mạnh chống mạnh chấp. Cho nên muốn thoát hồn khóm là một chuyện mà tìm ra đường lối hiệu nghiệm là chuyện khác. Phải sao giữ được cả hai . Phải sao đạt được như cây đàn độc huyền của Việt tộc hiện thực được cách kỳ lạ tính chất nhất đa: một mà nhiều; chỉ một dây nhưng lại làm nảy ra muôn điệu. Bí thuật ở tại dị biệt không căn cứ trên số dây, tức những dị biệt hiện hình nhưng trên những cái rất tế vi, vô hình nên dị biệt còn nhiều hơn ở những đàn có nhiều dây nhiều phiếm. Ở dương cầm chẳng hạn tự đô đến rê chỉ có hai độ chứ ở đàn độc huyền thì nói được là có đến 9 coma hay cả 27 coma ! Nghĩa là sự khác biệt nhiều đến độ trở thành liên tục không còn những cung bậc phải bước để đi sang độ khác. Nếu muốn tìm một câu để công thức hóa những cái dị biệt cùng cực mà lại được thống nhất cũng cùng cực đó thì chính là câu Việt Nho rằng "quân tử hòa nhi bất đồng" = "quân tử hòa mà không đồng". "Hòa nhi" chỉ phần ngoài như một số công thức, ước lệ, cần phải theo phải hòa, vì chúng cần cho cuộc sống chung, khỏi phải lý lẽ chi hết. Nếu bên Anh (xưa) lái xe tránh bên tả thì cứ tránh bên tả: cứ hòa nhi, còn bên Pháp tránh bên mặt cũng phải hòa nhi: không cần tìm lý lẽ. Nhưng chỉ đến đấy thì phải dừng lại để mà bất đồng, đặng có đất rộng cho sự thành tựu cái đặc biệt tư riêng của mình. 19. Thí dụ Lễ Gia Tiên: đại chúng cúng ông bà để cầu lợi lộc tư riêng, mà người quân tử có thể "hòa nhi" là cũng cúng tế như ai, nhưng bất đồng được biểu lộ bằng cúng tế không vì lợi, mà cốt chỉ để kính trọng cái nhân tính con người. Biết bao thí dụ khác có thể đưa ra: chúng làm nên một cuộc sống "lưỡng nghi" vừa thích nghi với những cái chung chung của đại chúng, vừa thích nghi với những cái đặc trưng của riêng mình. Một đàng là dân của một nước phải tuân theo luật chung trong nước. Nhưng đàng khác là nhân phải có tư cách riêng biệt. Đó là lối sống gọi là "lưỡng hành", có khả năng hội nhập được cái lợi ở cả hai đợt: cả cái tổng quan được nâng lên hàng thống nhất, cả cái chi li dị biệt đều được hội nhập tức là thâu nhận và biến cải. 20. Ở đây là hội nhập được tính chất kết đoàn của giai đoạn khóm thể, để biến đoàn lũ trở nên công thể. Ở đoàn lũ cá thể bị nuốt trôi trong đoàn lũ. Còn ở công thể thì mỗi cá thể là một thành viên vẫn được giữ phần cốt của tính chất tư riêng mình. Sự giữ này có cái lợi của giai đoạn cá thể là đề cao những gì tư riêng căn bản hơn hết làm nên con người có nhận thức. Vì thế lúc nào con người nhận thức ra được cái tư riêng thì cũng là nhận thức ra được nhân cách bị nuốt trôi. Sự nuốt trôi này được biểu lộ dưới hình thái man rợ. Ở giai đoạn khóm thể là những đền đài khổng lồ như Kim Tự Tháp, Angkor... rút hết sinh lực toàn dân: mục đích tối hậu của nó chỉ là duy trì cái ngã của một người là Vua Thần. Điều đó nói lên sự nghèo nàn biết bao của quan niệm nọ: cả nước vất vả mà chỉ duy trì được có một người. Vì thế đó là dấu hiệu của sự giết người. 21. Ở giai đoạn cá thể thì cái hại của nó là ý hệ, khi ý hệ được hiện thực cũng rút hết không những tiền tài vật dụng mà luôn cả ý, tình, chí con người, bắt toàn dân phải vâng theo cái ngã của kẻ thống trị. Thành ra cũng trói buộc con người lại đợt cưỡng hành. Cùng lắm mới là lợi hành tức chưa thoát được vòng ngoại khởi nên cũng còn là sự nghèo nàn, sự đồng điệu: thiếu hẳn phong phú tính là dấu hiệu của vô biên tính vốn gắn liền với sức sống, vốn đầy sáng tạo. Sáng tạo chỉ được phát triển mạnh ở đợt an hành, vì nó là tác động tự nội, tự do có sức nuôi dưỡng cá tính con người, giúp con người toàn diện có khả năng nhìn ra và hiện thực vô vàn cái dị biệt. Đó chính là cái làm nên tư cách, nhân cách, cá tính. Con người khác con vật ở chỗ nhận ra và hiện thực những dị biệt càng nhiều càng vi tế thì càng trở nên linh thiêng. Chỗ những người phàm tục không thấy chi khác biệt, thì người đạt thân thấy vô số, y như trong những ngành riêng khác người chuyên môn thấy vô số dị biệt mà thường nhân không hề để ý. Chính những cái tế vi đó làm nên cõi tâm linh. Tâm với linh là một, cả hai đều giống thần tức vô phương nghĩa là quá tế vi đến độ không cần nơi chốn riêng để ở, vì nơi chốn thuộc không gian lượng số, thần vượt lên trên rồi khỏi cần đến chốn nơi vì vậy mà không đâu không ở. Cho nên sức dung thông thâu nhận vô biên. "Tri Thường dung" là thế. (Tri được Thường hằng thì tất nhiên dung thông) 22. Đó chẳng qua là sự áp dụng luật chí trung hòa "nội hàm càng nhỏ ngoại hàm càng to". Muốn bao quát nhiều, muốn hội nhập nhiều thì một ý niệm phải róc bớt đi những cái rườm rà những yếu tố bám theo: càng bớt thì càng hợp cho nhiều loại. Áp dụng luật đó vào tâm lý thì tâm hồn phải xả bỏ các tư ý tư dục, xả bỏ được nhiều, sức bao quát sẽ lớn lên theo đó. Xả bỏ đến cùng cực đến độ trống trơn thì gọi là tâm linh: sẽ bao trùm cả vũ trụ. Vì thế tâm linh cũng gọi là "vũ trụ chi tâm". Đó là lối nói để chỉ phổ biến tính mà không thiếu cụ thể tính đi kèm. Tức là phổ biến tính có thực chứ không là thứ phổ quát lý trí nó trừu tượng: chỉ có trong tưởng tượng. Thí dụ như ý niệm về nhân loại ngày nay chỉ là một ý niệm phổ quát trừu tượng trống rỗng đang khi chữ thiên hạ của Việt Nho cũng gọi là "tứ hải giai huynh đệ" có nội dung thực sự, nên trong đó không có phân chia giai cấp, vì ai cũng tham dự nhân tính như nhau. 23. Áp dụng vào xã hội
là
sự vắng bóng độc quyền độc chuyên vốn gắn với đại đồng,
đồng nhất. Ở đây là thống nhất là cái
không diệt trừ những dị biệt; mọi cá thể đều có chỗ
phát triển cái tư riêng của mình. Vì
vậy đoàn thể đó không là đoàn lũ
mà là công thể với các thành
viên sống như một phần cơ thể không mất tư cách
riêng. Gia đình làng xã là những
công thể vừa tầm tay của mọi người, vậy mà tất cả vẫn qui
vào quê nước. Chính sự duy trì cái tư
riêng trong cái chung đó làm nên những
công thể. Trong công thể mỗi cá thể là một
thành viên: có những suy tưởng cảm nghĩ tư
riêng không hề bị cấm đoán. Ở trong một xã
hội mà thành viên không có được quyền
tin tưởng, tự do ngôn luận, đi lại thì đấy là
đoàn lũ. Chính những suy tư, nói, nghĩ làm
nên cái tinh hoa cao nhất của con người, làm
nên cái cá tính khác hẳn đoàn
vật. Cấm đoán những cái tư riêng đó
thì có khác chi đoàn vật. Nó chỉ
còn là đoàn lũ do nhà chuyên chế
cưỡng ép thiếu tự tình. Trong đoàn thể sự thống
nhất có được là do tâm tình yêu
nhà yêu nước. Nhờ vậy nó duy trì được cả
hai, vừa yêu nhà vừa yêu nước như ở đợt hồn
khóm, vừa phát triển được cá tính đặc trưng
của mình như ở đợt cá nhân, nhưng lại cao hơn cả
hai; thay vì đoàn lũ với hồn khóm thì ra
đoàn thể hay công thể với hồn thần. Đó là
nhờ đợt cá tính xây trên tâm linh cũng
gọi là cái tâm trống rỗng. V. CĂN NGUYÊN SIÊU HÌNH. V. SỐNG NHƯ CHƠI ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là
một
biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự
động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi
còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta
nào mèo, nào chó, ôi thôi
nó chơi, nó giỡn tưng bừng. Bò, heo, gà,
vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống
càng mạnh chơi càng nhiều. NHỮNG KẺ PHÁ RỐI CUỘC CHƠI. .................... VI.TỪ LAO ĐỘNG TỚI AN VI * Bài này đã in như phụ trương trong quyển HỒN NƯỚC. Nay đưa vào đây mới là chính chỗ.
A. NGUỒN GỐC TRIẾT LÝ LAO ĐỘNG. 1. Tháng giêng ăn
tết
ở nhà Còn ngành tình thì ta thấy Nữ thần mộc săn sóc cho mối tình nảy nở qua thể chế gia đình: rồi nhiều gia đình làm nên làng xã. Hàng ngày sống tình gia đình, nhưng lâu lâu vào những khởi điểm cũng cần sống theo chiều kích toàn thể của mình, cái sống của công thể. Sống đầy đủ nhất tự ăn uống, chơi đùa, cho tới ca hát, tế tự. Đấy là lý do thâm sâu của các cuộc hội hè đình đám kéo dài: đó là sự tác động của một nền siêu hình trung thực hơn hết, đáng được coi là khôn sáng thông giỏi hơn cả. Vua Hùng Vương chỉ truyền ngôi cho công tử Lang Liêu vì đã biết trình bầy việc ăn uống ngày tết như hình trời đất, và dân chúng đã thấu hiểu triết lý đó nên kêu là vua Tiết Liệu: tiếng này vừa có nghĩa món ăn ngày tết, mà cũng hàm ý biết lo liệu đúng tiết điệu của đất, trời, người. Như thế,
tết hay hội hè
đình đám chính là những phút linh
thiêng mà con người dùng để sống hòa điệu
với nhịp vũ trụ của hóa công được quan niệm như trẻ thơ ca
múa "hóa nhi đa hí lộng", để cho đúng
câu "thiên nhân tương dữ" trời người cùng tham
dự. Tham dự chi? Thưa cụ thể là tham dự cùng một tiết
nhịp. Vì thế tết cũng kêu là tiết: có bao
nhiêu tết là có bấy nhiêu tiết. Mỗi tết trở
nên cơ hội cho con người sống đời sống của Đại Ngã
Tâm Linh, sống hòa mình vào nhịp vũ trụ, để
con người sống những giây phút an hành vượt hẳn ra
ngoài vòng danh lợi của hai đợt cưỡng hành lợi
hành. Chỉ ở đợt an hành con người mới dễ sống thanh thản
trong bầu khí bao la của trời cùng đất.
11. Đây là lý do sâu thẳm tại sao tết với những hội hè kèm theo được coi là thiết yếu cho con người để phát triển những khả thể vô biên của mình, là cái giúp con người khỏi thiên lệch sang trời hay đất, tức làm nô lệ cho những cái ngoài mình như tiền tài, quyền quý. Đất biểu thị những gì bé nhỏ chỉ bằng những góc cạnh (bốn phương) như những nhu cầu ăn uống, đó là lối tác hành hiện ra hình thể có tính cách thúc bách, nó trói buộc con người vào vật thể, nếu không có những lúc dành riêng để tâm hồn thoát lên thì rồi sẽ bị trói chặt mãi vào đất để cho hạ tầng kinh tế chỉ huy trọn vẹn; kết cục là con người bị biến thành những dụng cụ sản xuất, những máy tự động vô hồn, không còn nghĩ tới được thượng tầng, đành trở nên những con người què quặt – vì đánh mất toàn vẹn tính của mình gồm không những hạ tầng như phải ăn, uống mà còn cả thượng tầng tâm linh, thượng tầng văn hóa. 12. Vì thế thượng tầng cũng phải tác hành, nhưng đi lối khác hạ tầng kinh tế vì nó là trời tròn đầy viên mãn có thiếu chi đâu mà phải lợi hành, nên có thể an hành tức là hành bằng tiết nhịp: làm không phải để được cái chi mà để triển diễn chiều kích vô biên của con người. Triết lý chơi nằm ở chỗ đó, ở chỗ hành không phải để được cái chi cả. Đúng hơn là không nhằm những cái nhỏ bé có thể trở thành mục tiêu, nhưng nhằm thỏa mãn chiều kích vô biên nơi con người, như để con người được tập dượt cho quen dần đặng vượt lên cõi bao la bên ngoài lợi lộc để phát triển sự toàn vẹn của mình. 13. Sự toàn vẹn bao gồm cả đức trời cả đức đất. Về phương diện đức đất con người phải lao động sản xuất, phải làm mà ăn. Tục ngữ quen nói: "tay có làm thì hàm mới nhai". Nhưng con người không chỉ có hàm mà còn nhiều cái khác, mà bao la hơn cả là tâm, là tình. Tình, tâm phải lớn bằng vũ trụ để trở nên vũ trụ chi tâm. Nói kiểu khác là đức của trời, và tới đây thì phải biết ăn chơi. 14. Chơi cũng gọi là ăn sao? Thưa rằng tại sao không. Nếu ăn là để nuôi dưỡng xác thân, thì chơi là để nuôi dưỡng cái chiều kích vô biên của con người nghĩa là những đức tính không thể đo lường bằng ích dụng, thí dụ những mối tình cao thượng về yêu thương, hòa bình, quảng đại, những khát mong hướng về chân, thiện, mỹ, toàn là những đức tính vô hình, nên thường bị coi như vô ích nhưng khi nhìn con người toàn diện lại thấy cần biết mấy. Vì thế mà trên đời chưa có cái hữu ích nào đắt bằng những cái "vô ích": một bức họa thời danh nhỏ có thể trả cả triệu dollars vẫn chưa mua được là vì thế, đúng ra vì nó vô giá. Vô giá vừa có nghĩa 'vô ích" vừa có nghĩa là có giá vô ngần. Đó là bằng chứng bất ngờ nói lên sự cao trọng của những cái "vô ích". Vì hữu ích là hạn cục vào một mục tiêu; cây viết có ích để viết thì không ích cho việc chỉ giờ. Đồng hồ có ích chỉ giờ thì vô ích cho sự xê dịch.. mỗi sự hữu ích là một hạn cục, không còn lối mở vào cõi vô biên cho nên cần thiết phải có chơi để khỏi biến con người thành một dụng cụ "có ích". Cần làm sao cho con người mãi mãi là một thực thể "vô ích" để có khả năng thông đạt với cõi vô biên đã vượt xa khỏi bình diện có ích với không có ích. Triết lý chơi nằm trong đó, chơi tuy vô ích mà lại rất phổ biến, ai cũng ham chơi, mà lý tưởng là phải chơi. 15. Tuy nhiên đặt ra được một triết lý chơi thật họa hiếm, nó đòi phải có hai điều; một là phải có triết lý chữ thời biết coi trọng tiết nhịp hai là phải có cảnh phong nhiêu phồn thịnh. Trước hết hãy nói về chữ thời mà cụ thể là tiết nhịp. Chơi mà thực đúng tiết thì phải được tổ chức vào những đầu tiết nhịp y như hát múa đều cần có nhịp nên ít ra phải theo được cung đầu và cuối của câu nhạc. Ở những cung giữa có sao nhãng hoặc bớt hay thêm một vài nốt nhạc cũng được, nhưng khi đến đầu nhịp thì mọi tay chơi phải hòa vào để đạt hòa âm. Vì thế mà thời xưa có niềm tin rằng ca vũ là phương tiện để thông giao với quỉ thần. 16. Đó chẳng qua là niềm tin của thời ma thuật, còn chính ra là để thông giao cùng tiết nhịp trời đất. Đó là ý nghĩa tết. Vì thế Việt Nho là miền có lệ ăn tết dài nhất, thì cũng có thể coi là đạo đức nhất, tiến xa nhất trên thang tiến hóa. Đó là điểm một. Điểm hai cũng cần lưu ý đó là có nhiều tết hơn cả bởi chưng tết là lễ, tức là lúc để dành thời giờ cho việc thích nghi với tiết nhịp = hai chữ nghi lễ là do đấy. Do quan niệm lưỡng thê: một tác hành sản xuất cho thân xác, một an nghỉ cho tâm hồn. Lưỡng nghi là phải thích nghi cả với dưới lẫn với trên mới là triết theo nghĩa đầy đủ. Trong khi lao tác có thể lạc nhịp nên cần phải có tết để cho hợp tiết. Vì thế hai tết to nhất nhằm vào hai mùa Xuân Thu tức hai mùa của con ngời (trục phân hàng ngang). Còn hai tết thuộc trục chí là hàn thực và lễ lửa thì coi là tùy thuộc theo quan niệm nhân chủ đặt nặng trục ngang (xem "Triết Lý Cái Đình") Thế là xong cái vụ tháng giêng ăn tết ở nhà. Còn tháng hai sao? Chữ hai chỉ đất chỉ tiền tài, nên đưa đạo chơi vào cho đừng quá bám vào tiền tài là cái dễ chạy dễ thay chủ. Tuy nhiên vì cờ bạc dễ sa đọa nên xin đổi ra tập nhạc, hoặc học dịch hay tu luyện chi đó. D.THÁNG BA HỘI HÈ. 17. Tháng ba ai cũng hiểu là tháng thứ ba sau tháng một và hai mà kỳ thực còn hàm ý vài ba, tức là nền minh triết thâm sâu chỉ con người đại ngã tâm linh gồm ba trời hai đất. "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", mà ngọn của tâm là tình. Tình mẹ là mối tình bao la nhất trong cõi người ta nên chỉ bằng nguyên lý mẹ, biểu thị bằng các Nghi Mẫu, câu tháng tám giỗ cha tháng ba giỗ mẹ nên được chở theo ý phổ biến này. Như vậy nói tháng ba hội hè là một cách buộc chơi vào với minh triết. Triết lý của chơi nhằm đáp ứng hai nhu yếu thâm sâu của con người; một là tiết nhịp như đã bàn trên. 18. Hai là thỏa thích mọi nhu yếu toàn vẹn là điều cần thiết cho sự triển nở con người mà sự phát triển các mối tình cao thượng là quan trọng nhất như đã nói trên. Đây là ý nghĩa cao cả, còn hiểu thấp xuống thì là nắp mở an toàn để con người có dịp xổ bớt ga ra do những điều không thể thỏa mãn, cũng như những uất ức, trái tai gai mắt, mà không một ai trong đời tránh hết được. Nếu không có dịp cho xổ ra thì những điều đó sẽ lắng xuống tiềm thức, rồi lên men gây nên những bệnh thần kinh. Các bệnh thần kinh đều phát xuất do những mảnh đời sống không được sống, như những uất ức không được nói ra, những yêu thương không được giải bày, những khát vọng không được đáp ứng. 19. Không may đó lại là điều xảy ra thường xuyên từ hạ tầng đến thượng tầng. Ở hạ tầng cần phải ăn mới sống, thế mà biết bao người không được no thỏa vì thực phẩm cho đến nay nói chung vẫn chưa bao giờ dư dật, nên xảy ra chuyện mạnh lấn yếu; do đó nhiều người bị tước đoạt cả đến miếng ăn. Nhất là khi kẻ mạnh nắm được quyền lực thì thường đặt ra những pháp luật khe khắt để bảo vệ tài sản cũng như quyền hành, do đó sinh ra rất nhiều hạn chế trói buộc không những bên ngoài mà còn nắm lấy bao tử để chen cả vào đời sống tư riêng, kiểm soát cả ý, cả tình, cả chí. Thế là càng nhiều người bị tước đoạt hơn, khi đó nó không những gây nên các loại bệnh thần kinh gieo xao xuyến vào đời sống, mà còn biến thể thành những bệnh khổ dâm, khốn dâm, ưa thích phá hoại gây cho tha nhân khổ lụy, càng khốc thảm càng sướng vì đấy là những tên khốn dâm do bao đời bị đàn áp kết tinh lại, không được những cuộc hội hè đình đám xả bớt chất độc đi. Đó là lý do sâu xa tại sao minh triết lập ra những cuộc lễ lạy hội hè: một trong những mục tiêu thấp nhất là tháo khoán tức cho phép vượt thể lệ thường nhật cả trong việc ăn uống cũng như dục tính. Cho nên bản chất lễ là sự quá cỡ thường với mục tiêu mở nắp an toàn cho các uất ức buồn chán có dịp tiêu tán để bớt đi sức nén. Còn hiểu cao hơn thì hội hè chính là để con người được tham dự vào thời tính cũng gọi là đại thời đại không, tức như vượt mọi ranh giới của luật lệ, giai cấp để ai cũng được ăn uống, nói năng, múa nhảy thỏa thích hầu cho những mối tình khát mong sung túc, du dật, san sẻ bầu bạn có thêm nội dung cụ thể trung thực. Vì thế hội hè vẫn kéo theo đình đám. 20. Đình đám nói lên cảnh phong liêu dư dật. Đó lẽ ra phải là cảnh sống của con người. Không may con người chưa sao tạo được cảnh phong nhiêu thừa thãi đó, thì ít ra lâu lâu phải có những dịp khác thường nới rộng sự ràng buộc hàng ngày để mọi người cùng được tự do hơn. Đó là ý nghĩa của lễ lạy, hội hè, đình đám nó đã xuất hiện trên khắp hoàn cầu ở những thời xa xưa như lễ Saturnales được mừng vào cuối năm trong xã hội cổ La Mã. Trong những ngày ấy chủ đi giúp bàn, còn ngồi ăn lại là nô lệ. Hơn nữa một nô còn được chọn làm "vua" trong cả tuần lễ ; có quyền sai khiến chủ. Bên Hy Lạp có lễ Hellades, ở đảo Crete gọi là Kronos, Do Thái là Purim, Babylon là Sacees... Tất cả đều nhằm đáp ứng nhu yếu thâm sâu kia và thường được tổ chức vào cuối năm trong những ngày thừa không kể vào tháng nào, nên thuận lợi dùng làm những ngày "tháo khoán". Đấy là ý nghĩa thâm sâu của lễ lạy, hội hè, đình đám. Tuy nhiên càng về sau các lễ càng bị rút nhỏ lại hoặc sa đọa như thí dụ: nô lệ được làm vua xong hết tuần lễ thì bị giết. E. TRIẾT LÝ HỘI HÈ. 21. Sở dĩ như vậy vì hội hè kéo theo một điều rất khó hiện thực đó là sự phong nhiêu hiểu cả về dưới lẫn trên. Dưới là sự dư dật tràn trề của ăn cho mọi người. Trên là sự thỏa mãn cho mọi nhu yếu cả ý, tình, chí. Cả hai điều đó đều đòi phải có triết lý nhân sinh. Trước là để thiết lập và duy trì bình sản, để ai ai cũng có đủ tài sản. Sau là nhìn nhận những thú vui, thỏa thích là điều tốt cho sự phát triển con người toàn diện, mà tình cảm cao thượng, vui sướng quảng đại, bao dung, hỉ xả .. là những mạch sống lớn nhất. 22. Hai điều đó đã không có trong những xã hội theo triết học cơ khí. Mặt ngoài do sự tuyên dương quyền tư hữu đến độ tuyệt đối đã bóp chết cảnh phong nhiêu không bao giờ lan tỏa ra mọi người, cho nên dù xã hội giàu đến mấy thì tiền của cũng chui vào túi riêng một số rất nhỏ, hoặc vào tay chính quyền chuyên chế thì hầu hết dùng vào việc mở mang quyền lực, võ trang chinh phục. Còn đâu nữa cho đại chúng có được cảnh sung túc để mà hội hè. Mặt trong là thái độ thanh giáo khắc nghị không chấp nhận những vui thỏa bị gọi là của "xác thân" nên cho là xấu xa. Với thứ triết lý đó làm sao mà hội hè còn lý do tồn tại cho được. 23. Đến đây ta mới hiểu tậi sao miền đất Việt Nho đã duy trì được nhiều lễ hội hơn hết cũng như lâu dài hơn hết, là bởi đó là quê hương của bình sản, cũng như triết lý tâm tình được đề cao hết cỡ. Tình trời, tình đất, tình người đều được vun tưới bằng đủ loại Nghệ thuật. Nếu có bao giờ thế giới để ý đến sẽ nhận ra rằng sau phần tư thế kỷ chiến tranh gieo rắc đầy đau thương thế mà cái tết dài nhất thế giới vào năm 1975 vẫn xuất hiện ở miền Nam Việt Nam, chứ không có ở đâu hết. 24. Thế giới càng lạ hơn nữa khi biết Tàu, Nhật cũng đã chính thức bãi bỏ tết từ lâu, thế mà tới tận năm 1975 nghĩa là vài tháng trước khi sụp đổ Nam Việt Nam vẫn còn ăn tết to nếu không cả tháng giêng thì cũng phải đến vài ba tuần sửa soạn và một tuần ăn tết. Có điều lần này phải đổi cung cách: Tháng giêng ăn tết ở nhà Tháng năm sang Mỹ Tháng ba luận bàn (bài này được kết vào tháng ba) 25. Nhiều
người nói dân Việt Nam
nặng tinh thần nhẹ vật chất. Đó là câu nói
trúng, nếu cần đưa chứng tích thì tết chính
là một bằng chứng cụ thể nhất. Mỹ cũng phải chào thua
cái tết của Việt Nam, nó uy linh đồ sộ lắm lắm. Vì
thế tết còn là lý chứng hùng hồn cho
tâm linh sử quan tức không phải chỉ có hạ tầng mới
chỉ huy nổi thượng tầng. Vì nếu chỉ có thế thì
Việt Nam đã phải bãi bỏ tết từ lâu lắm rồi. Bởi
chưng là miền nghèo lại hay bị loạn lạc. 26. Thế tại sao ở đây lại còn giữ được tết lâu nhất, thì đó là đấu thượng tầng văn hóa chỉ huy hạ tầng, Và đã như vậy từ lâu lắm như thấy diễn tả trên mặt trống đồng. Trong ấy con người múa nhảy thanh thoát như chim. Muôn vật cũng hòa nhịp trong bài ca vũ trụ. Nói vũ trụ vì gồm trời đại diên cho mặt trời, và đất biểu thị bằng những vòng vũ tả nhậm. Tất cả xuất hiện thanh thản an nhiên như chim. Chim đủ loại: Lạc, Hạc, Vụ, Hồng, Địch. Cái chi cũng chim. Chày giã gạo cũng được trang bị lông chim để nói lên một cảnh tiêu dao siêu thoát khiến người xem nào cũng muốn bay bổng lên cùng. Sao mà an nhiên tự tại như cảnh địa đường vậy chứ. Có phải tại Việt Nam giầu nhất chăng? Đâu có, nghèo hơn Mỹ ít nhất 50 lần. Vậy mà tại sao Mỹ không có nổi được cái tết dài. Tại sao bên các xã hội giàu mạnh hơn, tết lại teo đi theo độ giàu thịnh. 27. Đây là câu hỏi rất đáng cho chúng ta suy nghĩ bởi vì hậu quả sẽ là tìm ra bí quyết sống thanh thoát như chim; làm ít ca hát nhiều, suốt đời bay nhảy. Còn ngược lại sẽ là sống như đoàn kiến lật quật cả ngày, khuân vác liên tục không có lấy một chút thì giờ ngửa mặt lên kiểu nông nghiệp của tổ tiên ta: "Người ta đi cấy lấy công Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề Trông trời trông nước trông mây"... Không chỉ biết có lợi hành bằng lấy công mà còn an hành biểu thị bằng trông trời mây nước Có vậy lòng mới mở ra man mác như vũ trụ. Có vậy mới đủ sức kiến tạo được một triết lý an hành với một nhịp làm rồi một nhịp chơi xen kẽ, và duy trì được như thể trải qua muôn thế hệ. Đâu là bí quyết của sự vụ? Đã biết điều kiện vật chất của tết nhất hội hè là sự dư dật thừa thãi. Tại sao Việt Nam không có thừa của mà còn giữ được tết nhất lâu dài như vậy? Câu thưa tiên thiên nằm trong thành ngữ 'vài ba" mà ý nghĩa là đặt tinh thần trên vật chất. Nếu ta mở sách năm châu kim cổ thì chẳng thiếu những câu nói như thế (tinh thần hơn vật chất) chứ chẳng riêng gì Việt Nam, nhưng có một điều lạ, là tuy lời nói thì có đặt tinh thần trên vật chất, nhưng trong cơ chế thì rõ rệt là để hạ tầng cơ sở chỉ huy thượng tầng. Cho nên lại phải tìm thêm nữa.
Trang mạng Việt Nam Văn Hiến Trang Phong Thái An Vi www.vietnamvanhien.net Email: thuky@vietnamvanhien.net Trang
mạng
Việt
Nam
Văn
Hiến
là
nơi
lưu
trữ
và
phổ
biến
di
sản
văn
hóa
của
Việt
tộc.
Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn
Hiến hầu phục hồi nền " An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt
tộc.
|
||||||