Ở Sài Gòn, ông gia nhập vào quân
đội VNCH, trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, phục
vụ ở Cục Tâm Lý Chiến, làm báo Chiến Sĩ Cộng Hòa.
Hồi đó, Tổng Cục Chiến Tranh Chính
Trị có hai tờ báo chính, đó là tờ Tiền Phong và tờ
Chiến Sĩ Cộng Hòa. Ông làm báo Chiến Sĩ Cộng Hòa
rất lâu, đến khoảng năm 1972.
Theo nhà thơ Cao Mỵ Nhân thì:
“Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị phát giác ra một
toán Trí Vận, mà hai nhân vật văn nghệ sĩ quân đội
khá tên tuổi là Thượng Sĩ Lưu Nghi (đã xuất bản
hai tập tiểu thuyết) và nhà thơ Trung Sĩ Tường
Linh, tác giả tập thơ ‘Trăng Treo Đầu Súng’ dẫn
đầu danh sách toán Trí Vận, để hỗ trợ cho ‘Phong
Trào Hòa Bình Dân Tộc,’ lung lạc các văn nghệ sĩ
và trí thức miền Nam, mở đường cho… ‘hòa bình hậu
chiến.’ Khi toán Trí Vận bị phát giác, tất nhiên
tiếp theo là công việc của Cục An Ninh Quân Đội
QLVNCH.”
Vì hoạt động nội tuyến nên Tường
Linh bị bắt giam.
Đến năm 1975, Tường Linh được thả
ra. Vì ông thuộc “phía bên kia,” nên được chế độ
mới ưu đãi lúc đầu, được làm ở hội đồng nhân dân
một phường của quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
Nhà thơ Cao Mỵ Nhân viết tiếp: “Sau mấy năm theo…
giải phóng (!), chẳng có gì hơn ngoài thơ với
rượu, và nơi ở Gia Định giờ ẩn ức nghĩa ‘cố
hương.’ Tất nhiên rồi, vì Gia Định xưa đã trở
thành quận Bình Thạnh nay, mà căn nhà ông đã và
đang cư ngụ cùng vợ con, là một ngôi nhà lai kiểu
biệt thự, ở đầu đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình
Thạnh.”
Nhưng chỉ ba năm sau, theo tác giả
Nguyễn Đông Nhật, hoàn cảnh của Tường Linh đã đổi
khác: “Gặp anh, ở quận Bình Thạnh. Năm 1998, anh
không có chỗ ở, phải dời ra Văn Thánh, giữa độ
tuổi 70, giữa chốn ‘Tiếng ếch nhái vẳng từng hồi
khoan nhặt/ Tiếng của thời xa vắng ngỡ trong mơ.’
Sau đó, căn nhà mới anh dọn về ở, một ngày cận Tết
năm 2001 có diện tích 2.5 m x 8.3 m, nơi mà ‘Phòng
khách liên thông với bếp nhà/ Bình hoa đối cảnh
với bình ga’”…
Ông sống ở đây đến
ngày qua đời ngày 5 tháng 2 năm thọ 91 tuổi.
Nguồn:https://hung-viet.org/a28533/tuong-linh-va-nhung-bai-tho-ai-cung-biet-nhung-khong-biet-tac-gia